Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 20 tháng 02 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Hôm 17/02/2017, tại huyện Thường xuân, tỉnh Thanh hóa, đã diễn ra hội nghị giao ban công tác bảo vệ rừng, PCCCR khu vực giáp ranh hai huyện Quế Phong (Nghệ An) và huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).
Tham dự có các ông Bạch Quốc Dũng, phó chi cục trưởng chi cục Kiểm Lâm  Nghệ An, Ông Lê Quốc Việt, phó chi cục Kiểm Lâm Tỉnh Thanh Hóa, cùng các đ/c thường trực huyện ủy-HĐND- UBND, lãnh đạo các đơn vị: Công An, quân sự, biên phòng, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Xuân Liên, các chủ rừng vùng giáp ranh của hai huyện Quế Phong, Thường  Xuân cùng dự.
Đ/c Lê Văn Giáp, chủ tịch UBND huyện Quế Phong, đ/c Cầm Bá Xuân - chủ tịch UBND huyện Thường xuân đồng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo hạt kiểm lâm hai huyện đã thông báo tình hình bảo vệ rừng năm 2016 của mỗi bên, cũng như công tác phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, Trong năm đã bắt, xử lý 17 vụ, tịch thu hơn 34m3 gỗ các loại, thu giữ 218 chiếc bẫy, dây bẫy. Không để xảy ra điểm nóng về khai thác, chặt phá rừng. Tình trạng xâm canh được kiểm soát, không có phát sinh mới.
Phát biểu chỉ đạo, lãnh đạo hai chi cục kiểm lâm 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, đánh giá cao việc phối kết hợp bảo vệ rừng phòng cháy, chữa cháy rừng trong năm 2016, đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề, đó là nguồn tài nguyên gỗ, động vật rừng, cũng như hệ sinh thái nằm chủ yếu ở khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt và khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, vì vậy,  hai huyện không chỉ tổ hoạt động bảo vệ đơn thuần, mà cần có chiến lược bảo vệ lâu dài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những giải pháp, đồng thời ký kết, giao ước, nhằm quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2017 được tốt hơn. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Nghệ An 17/2, Hoàng Tín)đầu trang(
Huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã tập trung củng cố và kiện toàn, xây dựng kế hoạch, tăng cường hoạt động của Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và PCCC rừng các xã, thị trấn trong mùa khô 2016 – 2017.
Trong năm 2016, để chủ động PCCC rừng, UBND huyện Mường Ảng đã tổ chức ký cam kết công tác QLBVR – PCCCR giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện và giữa các trưởng bản, tổ dân phố với chủ tịch UBND xã, thị trấn; 139 bản, tổ dân phố của 9 xã, 1 thị trấn được tuyên truyền học tập về Luật Bảo vệ rừng và các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với trên 8.220 lượt người tham gia; thành lập 10/10 Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong QLBVR và PCCCR tại các xã, thị trấn; Củng cố, kiện toàn 139 tổ, đội PCCCR với tổng số thành viên là 1400 người.
Lực lượng kiểm lâm địa bàn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện sau khi phương án được phê duyệt. Xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR. Huy động lực lượng dân quân tự vệ, các lực lượng và phương tiện khác trong việc PCCCR; Phòng, chống phá rừng trái phép. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, do thời tiết khô, hanh kéo dài kèm theo có gió to nên trong năm 2016, trên địa bàn huyện đã xảy ra 33 vụ cháy rừng, cây trồng chưa thành rừng và đất lâm nghiệp trạng thái Ia, Ib, Ic, trong đó: 16 vụ cháy vào rừng tự nhiên gây thiệt hại 53,66ha rừng; 1 vụ cháy vào rừng trồng diện tích thiệt hại là 0,16ha; 16 vụ cháy làm thiệt hại trên 61ha đất lấm nghiệp.
Năm 2017, để tăng cường công tác PCCCR, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng; xây dựng Phương án huy động các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, thành lập các tổ đội bảo vệ rừng ở cơ sở.
Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và PCCCR, tổ chức tốt lực lượng chữa cháy rừng tại cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án PCCCR; lập kế hoạch và triển khai diễn tập phương án PCCCR có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại cơ sở xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Nhằm đẩy mạnh công tác PCCCR mùa khô 2016 – 2107, UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo đơn vị Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn xã, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 09/2006 NĐ/CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về việc PCCCR. Tăng cường kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở tham mưu giúp UBND các xã, thị trấn chủ động các biện pháp PCCCR đạt hiệu quả. (Môi Trường & Cuộc Sống 18/2, Lê Chinh)đầu trang(
Ngày 19.2, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, xác nhận việc cây rừng nằm trong diện tích cho Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, trụ sở tại P.8, TP.Cà Mau) thuê làm du lịch ở ấp Khai Long, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển bị chết là có thật.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, tháng 5.2016, Công ty Công Lý thuê 152.818 m2 rừng phòng hộ để trực tiếp quản lý bảo vệ rừng kết hợp dịch vụ du lịch.
Đến tháng 1.2017, ngành chức năng tiến hành kiểm tra xác định mật độ cây rừng hiện hữu là 2.800 cây/ha, trữ lượng bình quân 61,94 m3/ha; trong đó diện tích cây rừng chết chiếm trên 60% so với tổng diện tích có rừng trong khu vực kiểm tra.
Điều đáng nói, khu vực rừng bị chết là rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc cấp rừng phòng hộ rất xung yếu. Cũng theo ông Hải, tại khu vực trên, cây rừng bắt đầu chết từ tháng 10.2016 nhưng không được Công ty Công Lý và kiểm lâm địa bàn báo cáo cơ quan chức năng.
Trong khi đó, theo biên bản Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau họp xét, đề xuất giải quyết kiến nghị của Công ty Công Lý thì công ty này đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau với nội dung đề nghị xem xét, hỗ trợ kiểm đếm lại cây rừng nơi Công ty Công Lý đang thuê làm điểm du lịch; xin khai thác và sử dụng toàn bộ cây rừng trên diện tích đang thuê và trồng lại cây đước trên diện tích rừng được cấp.
Đến ngày 7.2, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau có văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty Công Lý khai thác, tận thu gỗ trên diện tích cây chết và trồng lại cây đước.
Lý giải vì sao diện tích rừng bị chết lớn như thế nhưng không khởi tố vụ án mà cho doanh nghiệp khai thác, tận thu gỗ rồi trồng lại rừng, ông Hải cho biết: “Nếu xác định là cố ý hủy hoại rừng thì mới khởi tố vụ án. Còn ở vụ việc cụ thể này, cây rừng chết là do công ty chủ quan chứ không cố ý nên không khởi tố”. (Thanh Niên 20/2, Gia Bách)đầu trang(
Khoảng 12 giờ 30 ngày 19.2, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu rừng phòng hộ Yên Lập (thuộc P.Đại Yên, TP.Hạ Long, Quảng Ninh).
Lực lượng chức năng triển khai chữa cháy, nhưng địa hình hiểm trở nên đến 19 giờ cùng ngày đám cháy mới được dập tắt. Ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 3 ha rừng trồng, gồm thông và keo.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, trên địa bàn TP.Hạ Long xảy ra nhiều vụ cháy rừng do thời tiết hanh khô và người dân bất cẩn. Tỉnh Quảng Ninh đang cảnh báo nguy cơ cháy rừng tại TP.Hạ Long và TP.Cẩm Phả ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. (Thanh Niên 20/2, Thu Giang)đầu trang(
Thấy cháy rừng, ông Lê Đình Nghĩa (64 tuổi, ở Hải Phòng) lao lên dùng cành cây dập lửa nhưng đã không may bị trượt chân thiệt mạng.
Tin từ Công an TP Hải Phòng cho biết trưa 19-2, phát hiện đám cháy thảm thực bì ở khu vực đường lên chùa Tháp, thuộc địa bàn phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, ông Lê Đình Nghĩa (64 tuổi, nhà ở gần khu vực cháy thuộc tổ 5, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) đã lên dập lửa nhưng không may trượt chân ngã, thiệt mạng.
Sự việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 19-2 khi Trung tâm chỉ huy Phòng cháy chữa cháy (PCCC) (Sở Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng) nhận được tin báo có cháy rừng tại khu vực đường lên chùa Tháp, thuộc địa bàn phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng). Khu vực xảy ra cháy là thảm thực vật, trồng một số cây ăn quả và chè của các hộ dân.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC số 5 (Sở Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng) đã điều 2 xe chữa cháy cùng gần 30 cán bộ, chiến sĩ tiếp cận hiện trường, tiến hành dập lửa.
Sau gần 1 giờ, đám cháy được dập tắt, lực lượng chức năng phát hiện thi thể một người đàn ông đã bị thiêu rụi.
Quá trình tập trung xác minh, lực lượng công an đã xác định được danh tính nạn nhân là ông Lê Đình Nghĩa, 64 tuổi, nhà ở gần khu vực cháy thuộc tổ 5, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn.
Theo điều tra ban đâu, cơ quan công an xác định trước đó, khi phát hiện ra đám cháy ở thảm thực bì, ông Lê Đình Nghĩa và vợ (trồng chè ở trên đồi) đã dùng cành cây để dập tắt ngọn lửa. Không may, ông Nghĩa bị trượt chân ngã và bị ngọn lửa bén vào người nên thiệt mạng.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành giám định, làm các thủ tục theo quy định của pháp luật và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình mai táng, đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy. (Người Lao Động 19/2, Trọng Đức)đầu trang(
Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương đang chuẩn bị cây giống, phát dọn thực bì trồng rừng vào tháng 4 này.
Tuy nhiên, theo thông tin từ các ngành chức năng, thời tiết hiện nay diễn biến khá phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, người dân cần chú trọng, chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Phú Lương là huyện có diện tích rừng lớn đứng thứ 4 của tỉnh với gần 17.000ha, trong đó, có hơn 14.000ha là rừng sản xuất. Ông Ngô Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Bước vào mùa khô hanh thì nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, nhất là vào thời điểm người dân đốt dọn thực bì, làm đất chuẩn bị trồng rừng.
Chính vì vậy, để chủ động các biện pháp PCCCR, trước thời điểm mùa khô hanh (tháng 9, 10 Âm lịch), Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án PCCCR.
Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường phối hợp với các ngành, chức năng liên quan của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCCR; tăng cường tổ chức các đợt tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR; phân công lực lượng trực 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình phá rừng, cháy rừng ở từng địa phương nhằm chủ động các biện pháp xử lý…
Ôn Lương là xã có diện tích rừng lớn của huyện Phú Lương với trên 840ha. Trong những năm gần đây, nhận thức về PCCCR của bà con ở đây đã được cải thiện rõ rệt, người dân đã biết cách giữ rừng và áp dụng các biện pháp để hạn chế cháy rừng như: Thường xuyên đi kiểm tra rừng, khi phát dọn thực bì làm đường băng cản lửa… Bước vào mùa khô năm nay, ngoài việc xây dựng các phương án chủ động PCCCR (kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR xã, tổ chức tuyên truyền tới người dân...), xã còn thành lập các tổ PCCCR nhằm tăng cường thêm lực lượng, phối hợp với dân quân tự vệ, công an, kiểm lâm địa bàn triển khai các biện pháp bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát huy hiệu quả của các tổ công tác PCCCR, xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức nhiều buổi tập huấn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về PCCCR cho các thành viên, cụ thể như: Cách phát dọn thực bì và xử lý các vật liệu dễ cháy tại những khu vực xung yếu; cách xử lý và dập tắt các đám cháy nhỏ...
Tăng cường tuyên truyền công tác PCCCR, quản lý và bảo vệ rừng là một trong những giải pháp được huyện Phú Lương đặc biệt quan tâm trong nhiều năm qua. Về công tác này, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện; các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền thường xuyên, lồng ghép với nhiều hoạt động, chương trình ngoại khóa của nhà trường.
Ông Phan Đức Thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Xã Yên Lạc có trên 1.000ha rừng. Vào mùa hanh khô, bên cạnh việc kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCCR của xã; điều chỉnh, bổ sung các phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ; chỉ đạo các trưởng xóm, trưởng các ban, ngành, đoàn thể của xã chú trọng các công tác PCCCR thì chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường đóng chân trên địa bàn chịu trách nhiệm việc tuyên truyền cho giáo viên, học sinh chấp hành tốt các biện pháp PCCCR đó là phải phối hợp với ban lâm nghiệp xã, kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền PCCCR vào sáng thứ 2 hàng tuần. Chính vì thế mà 5 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không để xảy ra vụ cháy rừng nào.
Cùng với phòng cháy rừng, huyện cũng chú trọng các biện pháp, phương tiện để chữa cháy rừng nhanh, hiệu quả nhất. Địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết chỉ đạo các ngành chức năng: Hạt Kiểm lâm huyện với Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện.
Đặc biệt, huyện đã tăng cường tổ chức nhiều đợt diễn tập PCCCR tại một số địa phương để thực hành tốt phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo kịp thời huy động lực lượng, phương tiện để xử lý khi xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện đã tiến hành cấp phát các dụng cụ chữa cháy cho các xã, thị trấn trên địa bàn như: bàn dập lửa, dao, ủng…
Mặc dù đã chủ động các phương án PCCCR, tuy nhiên, theo dự báo thì tình hình khí hậu, thời tiết hiện nay diễn biến thất thường, tình trạng nắng nóng, khô hanh kéo dài thành nhiều đợt, vì vậy, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng của huyện, người dân trên địa bàn cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động các biện pháp PCCCR. (Báo Thái Nguyên 17/2, Kim Oanh – Nguyễn Liên)đầu trang(
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm nghiên cứu, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp và cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh; đồng thời, duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, đến năm 2020, duy trì và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, các Vườn quốc gia: Bidoup-Núi Bà, Cát Tiên; thành lập mới và đưa vào hoạt động khu dự trữ thiên nhiên Đơn Dương, các khu bảo tồn loài/sinh cảnh: Núi Voi, Phát Chi, Madaguoi; xây dựng và đưa vào hoạt động Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên; Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên và các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã. Nâng cao độ che phủ rừng tối thiểu đạt 55%, hạn chế các tác động xâm hại đến rừng...
Các chương trình, nhiệm vụ, dự án ưu tiên đầu tư thuộc các nhóm: Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học; Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học;  Quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn; Xây dựng, phát triển các cơ sở bảo tồn; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các khu bảo tồn; Các dự án có liên quan được lồng ghép. Tổng kinh phí thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện giai đoạn 2017-2020 khoảng 510,2 tỷ đồng. (Đài PTTH Lâm Đồng 17/2, Bảo Dung)đầu trang(
Từ khoảng tháng 10.2016 đến nay, trên địa bàn các xã vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đặc biệt là các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, Sơn Trạch (H. Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã xảy ra tình trạng người dân tập trung vào rừng khai thác gốc, rễ cây hương giáng, gây thiệt hại tài nguyên rừng, nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học nói chung.
Theo tìm hiểu của Lao Động, cây hương giáng bị khai thác nhiều trong thời gian qua tại các khu vực rừng núi đá vôi giáp ranh VQG Phong Nha - Kẻ Bàng như lèn Mệ Đề (xã Phúc Trạch), Lèn Na, Lèn ông Lũy (thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, H. Bố Trạch).
Sở dĩ cây hương giáng bị khai thác với khối lượng lớn trong thời gian gần đây là vì có sự đồn thổi trong người dân rằng gỗ hương giáng có khả năng trừ tà ma, đem lại may mắn, tài lộc cho người sử dụng. Vì vậy số lượng người dân vào rừng để khai thác, đào bới gốc, rễ hương giáng ngày càng tăng. Người dân địa phương ồ ạt vào khai thác để bán cho các thương lái mà đối tượng chủ yếu là người chuyên săn đồ gỗ phong thủy trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, có thời điểm hương giáng được bày bán công khai tại các hộ dân, hộ kinh doanh đồ gỗ gia dụng ở khu vực Troóc (xã Phúc Trạch, H. Bố Trạch). Giá một gốc hương giáng giao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thậm chí lên đến hàng chục triệu, nên nhiều người dân hám lợi lén lút khai thác dẫn đến cây hương giáng tại các khu vực giáp ranh lâm phần VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, ngoại trừ trong vùng lõi VQG.
Theo thống kê, trong lâm phận VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã bị chặt hạ với mức độ nhỏ lẻ ở các khu vực: Khoảnh 6, tiểu khu 615A (giáp thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch); khoảnh 4, tiểu khu 602 (giáp ranh thôn 7, xã Xuân Trạch); khoảnh 2, tiểu khu 240 (giáp ranh thôn 1, xã Xuân Trạch) khoảnh 3, tiểu khu 615A (giáp ranh thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch)…
Theo Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, từ khi rộ lên về vấn đề gỗ hương giáng, tính đến nay đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 15 vụ vi phạm, tang vật gồm 969 kg hương giáng các loại, trong đó có 3 vụ khai thác trong lâm phận VQG và 12 vụ vận chuyển trên địa bàn vùng đệm. Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh thì cho biết, từ tháng 12.2016 đến nay đã phát hiện và xử lý 3 vụ việc liên quan đến vận chuyển trái phép với tổng số 906 kg hương giáng các loại.
Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng khẳng định, trước đây người dân thường lấy hương giáng về làm củi, làm cọc trồng hồ tiêu hoặc để xông nhà. Việc trừ tà ma, mang lại may mắn, tài lộc chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ, mang tính chất mê tín dị đoan.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình - cho biết, tình trạng trên mới rộ lên thời gian gần đây và đã có công văn về việc kiểm tra, xử lý việc khai thác, mua bán, vận chuyển cây hương giáng trái pháp luật.
Theo đó, mặc dù thân và gốc có thể lấy gỗ nhưng hiện nay chưa có cơ sở để xác định loài theo danh pháp quốc tế và phân loại nhóm gỗ đối với cây hương giáng nên một số đơn vị lúng túng trong lập hồ sơ và xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xác định, công bố loài, nhóm và tên khoa học cây hương giáng, để có cơ sở cho việc xử lý vi phạm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản về việc hướng dẫn xử lý vi phạm gửi các Hạt Kiểm lâm, đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR để tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát lâm sản.
BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thì cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Vườn tăng cường các biện pháp tuần tra, chốt chặn, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ hương giáng trong lâm phận và các khu vực vùng đệm giáp ranh. Tuy nhiên, tình trạng khai thác gỗ hương giáng vẫn đang phức tạp tại các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch… với hình thức lén lút, tinh vi hơn.
Đối với số gỗ hương giáng là tang vật vi phạm bị thu giữ, BQL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Tài chính cho phép tiêu hủy bằng hình thức đốt đối với số tang vật vi phạm là gốc, rễ cây hương giáng nhằm tránh kích cầu trên thị trường và tuyên truyền cho người dân trên địa bàn thấy được giá trị thực của cây hương giáng, làm giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng.
Cây hương giáng (người dân địa phương còn gọi là hang giáng hoặc săng giáng) là cây gỗ nhỡ, phân bố rải rải hoặc mọc thành cụm trên sườn núi đá vôi khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và tỉnh Quảng Bình. Loài này hiện vẫn chưa xác định được tên khoa học và không có trong bảng phân loại nhóm gỗ. Gỗ hương giáng có mùi thơm nhẹ, bền, chắc, dễ cháy…(Lao Động 19/2, Lê Phi Long)đầu trang(
Với mục đích trồng cây keo để phát triển kinh tế, Lô Văn Thắng (SN 1984), trú tại bản Liên Minh, xã Châu Nga, huyện Qùy Châu đã trực tiếp và thuê người khác chặt cây, đốt rừng... gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
TAND huyện quỳ Châu vừa mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử đối với bị cáo Lô Văn Thắng (SN 1984), trú tại bản Liên Minh, xã Châu Nga, Qùy Châu 36 tháng tù vì tội danh “hủy hoại rừng”.
Theo đó, khoảng đầu tháng 3/2016, Lô Văn Thắng nảy sinh ý định chặt cây rừng để chuyển đổi sang trồng cây keo trên phần diện tích đất lâm nghiệp của bố mình là ông Lô Văn Xăng. Nói là làm. Thắng không làm thủ tục xin cấp phép mà tự ý vào rừng dựng lán và chặt phá rừng liên tục từ ngày 8-15/3/2016.
Trong thời gian này, Thắng còn thuê thêm 7 người để cùng chặt, phá rừng gồm: ông Hoàng Văn Lâm, bà Vi Thị Lan, Hà Văn Đức, Vi Thị Hải, Vi Thị Hương và Nguyễn Thị Hồng ở cùng xóm với tiền công 100.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, Thắng còn thuê máy cưa xăng của anh Hoàng Văn Thẩm để cưa hạ các cây to thuộc khu vực rừng được giao cho ông Lô Văn Xăng ở bản Liên Minh.
Tuy nhiên, khu rừng mà Thắng cho chặt phá lại thuộc quyền quản lý của Hạt kiểm Lâm huyện Qùy Châu (rừng này được giao QSDĐ đất lâm nghiệp theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ).
Ngày 15/3/2016, tổ công tác liên nghành Hạt kiểm lâm Qùy Châu - Phòng Nông nghiệp & PTNN và UBND xã Châu Nga đã kiểm tra, phát hiện Lô Văn Thắng đang trực tiếp chặt phá rừng với diện tích đã lên 20.856 m2. Hầu hết diện tích rừng mà Thắng đã chặt phá đã bị cháy hoàn toàn.
Tại bản kết luận định giá số 11/KL- HĐĐG ngày 22/7/2016 của Hội đồng định giá tố tụng hình sự huyện Qùy Châu kết luận: Tổng giá trị lâm sản bị thiệt hại là 114.197.000 đồng.
Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lô Văn Thắng 36 tháng tù giam. Trước đó, ngày 16/2 HĐXX, TAND huyện Quỳ Châu cũng đã đưa ra xét xử và đã tuyên phạt bị cáo Đặng Kim Phượng (SN 1958) trú tại bản Hội 1, xã Châu Hội, Qùy Châu 18 tháng tù với tội danh “phá rừng để trồng keo”. (Báo Nghệ An 19/2, Ngô Phan)đầu trang(
Chiều 17-2, các lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng vừa bắt quả tang 2 người đang chặt phá, đốt khoảng 2.700m2 rừng phòng hộ tại ấp Gành Gió, xã Cửa Dương (Phú Quốc - Kiên Giang).
Đây là thông tin được ông Huỳnh Long Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) - cho biết.
Bước đầu, 2 người này (chưa rõ danh tính và là dân từ nơi khác tới tạm trú trên đảo) khai nhận có 1 người ngụ ở khu phố 3, thị trấn Dương Đông “hợp đồng miệng” thuê mình đốt phá rừng.
Sau khi phát hiện vụ việc, các lực lượng chức năng đã nôz lực phối hợp dập tắt đám cháy (đã cháy gần 3 giờ đồng hồ). Phần diện tích bị cháy rụi chủ yếu là cây tạp và dây leo, còn cây lâu năm đã bị chặt phá trước đó.
Theo ông Hải, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Phú Quốc các lực lượng chức năng đã phát hiện 3 vụ chặt phá, đốt rừng với mục đích bao chiếm đất trái pháp luật trên tổng diện tích khoảng 3 ha.
“Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ. Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý hình sự cả đối tượng chủ mưu thuê mướn lẫn những người trực tiếp đốt phá, lấn chiếm đất rừng. Bởi lâu nay chúng tôi biết có tình trạng này, nhưng rất khó bắt gặp quả tang, do đó phải xử nghiêm để răn đe, giáo dục chung” ông Hải nói. (Tuổi Trẻ 17/2, Hoàng Trung – Khoa Nam)đầu trang(
Tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam có một “Tổ quản lý bảo vệ rừng”, do cựu chiến binh Phạm Sa, 60 tuổi, thành lập để bảo vệ những mảnh rừng cuối cùng ở địa phương.
Người đi tiên phong trong việc “phục hồi” đất rừng là cựu chiến binh Phạm Sa, 60 tuổi, chính ông đã lập nên “Tổ quản lý bảo vệ rừng” hình thành đến từng thôn bản.
Ông Phạm Sa kể, năm 1975, sau giải phóng, những xóm làng tiêu điều ảm đạm, đồi gò rừng núi trơ sỏi đá và đầy những hố bom. Những người dân xã Duy Trung bỏ xứ lang thang tìm việc mưu sinh. Ông nói: “Làng có 4 thôn thì có 2 thôn là Cẩm An và Nam Thành, có đến gần 200 hộ ở sát chân rừng, người dân chỉ sản xuất độc canh lúa nước, qua thời gian, nhiều người rời làng đi nơi khác làm ăn”.
Hồi đó, trên mảnh rừng chỉ có một vùng rừng Cấm là còn tồn tại. Thời Pháp chiếm đóng đã hình thành nên những cánh rừng này gồm rừng Cấm Sầm Tây, Cấm Sẩy, Cấm Chè, nên sau giải phóng được người dân bảo vệ. Những cánh rừng này là rừng tái sinh, tục lệ rừng Cấm, không cho phép bất kỳ ai vào rừng đốn củi, khai thác cây, vì người dân tin rằng, đây là lệ xưa để lại.
“Có 4 vị thần cai quản rừng, người ta bảo vô nhà phải bước vào cổng, muốn đến hai làng bên rừng Cấm phải đi qua rừng, nên cứ hằng năm, người dân đều làm lễ khai sơn, cúng thần núi”-Ông Sa kể. Rừng Cấm để phân định làng này với làng khác, dân gian vùng này vẫn còn giữ câu “Bao giờ Cấm Nhọn hết cây, Đập Đá hết nước dân đây hết tình”.
Năm 1989, Khi Nhà nước giao rừng cho dân, ông Sa là người đầu tiên “nhận rừng”, ông nhận trồng gần 4ha rừng. Những đồi trọc được bàn tay ông phủ xanh trở lại. Ông nói: “Hồi đó, dân nhìn rừng mà bảo là làm rừng biết khi nào có tiền, đi làm thuê còn hơn, rồi khi Nhà nước giao rừng và hỗ trợ tiền trồng rừng, nhờ khoản tiền đó, tôi thuyết phục người dân, đất rộng mênh mông, ai đủ sức thì đi, tiền được nhà nước trả công đi lại”.
Thế là nhiều người bắt đầu “thử” trồng rừng. Thời điểm đó chỉ có 25 nhóm hộ tham gia trồng, năm thu hoạch lứa rừng đầu tiên, mỗi ha được khoảng 15-20 triệu. Nhiều người mừng rỡ khóc hết nước mắt. Đến nay có gần 600 hộ tham gia trồng rừng, phủ xanh đồi trọc. Ông Sa còn dẫn anh Huỳnh Tấn Đồng, kỹ sư nông nghiệp về giúp dân xây dựng vườn ươm cây giống keo lai giâm hom các loại, số lượng cây giống sản xuất hằng năm loại keo lai hom đạt hơn 500 nghìn cây, cây mô có hơn 30 nghìn cây và nhiều loại khác.
Ông Sa cho biết: “Khi rừng ngày càng phát triển lại càng có nhiều người vào rừng nhân cơ hội chặt cây, lại có tình trạng cháy rừng diễn ra”. Chỉ duy nhất tại rừng núi Cấm, do yếu tố tâm linh, làng nào có rừng Cấm đều làm ăn thịnh vượng. “Họ không biết rằng chính môi trường tại rừng đã giúp cuộc sống của họ ít bệnh tật, làm ăn khấm phá hơn”-Ông nói.
Do vậy, ông nghĩ rằng, ý thức cộng đồng rất quan trọng. Năm 2001, chính thức thành lập “Tổ Quản lý bảo vệ rừng” gồm 104 thành viên, chia làm 5 tổ nhỏ bảo vệ từng thôn. Từ đó các cánh rừng Cấm khác như Cấm Nhọn, Cấm Lớn, các khu rừng cây bụi lau lách như Nỗng Bồ, Núi Gò Phan, Hố Xoài,…đều phát triển, người dân tham gia bảo vệ rừng.
Theo đó, mỗi khi phát hiện đám cháy, người dân tự giác báo cho các tổ trong thôn xử lý đám cháy theo phương án “tại chỗ”. Hằng năm đều tuyên truyền cho dân bảo vệ rừng, nếu có ai phá chặt rừng thì xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Hằng tháng, các tổ đều thực hiện tuần tra trên các cánh rừng.
Ông Sa cho biết: “Đến nay, người có rừng cũng thu hoạch được 30-50 triệu/ha, người đi làm thuê trên rừng cũng thu được 2-3 triệu/tháng. Các hội đoàn thể thực hiện nuôi 1 con, trồng 1 cây để bảo vệ rừng”.
Rừng ngoài chống sạt lở, những cây thuốc quý trên rừng còn chữa bệnh cho dân làng, cuộc sống người dân dựa vào rừng mà phát triển, xóa đói giảm nghèo. (Dân Sinh 18/2, Huyền Trang)đầu trang(
Chi cục kiểm lâm Kon Tum, cho biết, đã ra quyết định xử phạt Nguyễn Thái Hoàng, sinh năm 1980, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum 40 triệu đồng về hành vi mua bán lâm sản trái phép, trong vụ việc gỗ kết bè trôi theo dòng sông đoạn qua thành phố Kon Tum.
Sự việc xảy ra vào chiều 17/1, nhóm PV phát hiện tại sông Đắk Bla có nhiều bè kết gỗ lậu trôi sông. Chỉ trong 1 giờ PV ghi nhận khoảng 60 bè, mỗi bè kết 2 đến 4 lóng gỗ. Địa điểm xảy ra tại xã Đắk Rơ Wa (TP. Kon Tum).
Các bè gỗ tập kết trong mỏ cát thuộc quản lý của Công ty TNHH vật liệu xanh Bảo Sơn (thôn Kon Jơ Ri, xã Đắk Rơ Wa), bên trong có 2 xe cẩu và 3 xe tải, trong đó 2 xe tải đã được chất hàng chục lóng gỗ bên trên. Tuy nhiên, khi báo Kiểm lâm TP. Kon Tum đến bắt, thì những xe gỗ “bất ngờ” biến mất, chỉ còn 25 khúc gỗ (khối lượng 9,7m3) bên dưới mép sông.
Kết quả việc điều tra cho thấy, chủ của 25 lóng gỗ là Nguyễn Thái Hoàng mua của một số người tại bờ sông Đắk Bla thuộc thôn Kon Jơ Ri, xã Đắk Rơ Wa, nhưng không rõ tên tuổi của họ. Mua gỗ xong, Hoàng thuê Nguyễn Minh Toàn (1988, trú tại Kon Tum) điều khiển xe tải mang BKS: 82k-1589 (xe này Toàn lại thuê của 1 người khác) để chở gỗ đi.
Tuy nhiên, khi bốc lên được 3 khúc gỗ phát hiện gỗ không có giấy tờ nên tài xế không chở nữa. Về xử lý chủ gỗ, Hạt Kiểm lâm cho biết, vụ việc mang tính hành chính. Mức xử phạt hành vi mua bán 25 lóng gỗ vi phạm (9,7m3) là khoảng 40 triệu đồng, vượt quá thẩm quyền nên chuyển hồ sơ đề nghị chi cục xử  lý.
Trong báo cáo điều tra về vụ việc này, ông Vũ Hồng Sinh, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm TP. Kon Tum đánh giá là “tạm ổn”. Cũng theo ông Sinh, khi trục vớt những lóng gỗ dưới mép sông nhiều lóng “chìm nổi” nên không dám khẳng định đã trục vớt hết.
Và nhiều câu hỏi khiến dư luận băn khoăn là: ngoài chiếc xe tải mang BKS: 82K-1589 mà ngành chức năng đã điều tra ra còn thêm 2 chiếc xe tải khác (1 chiếc  tải chở ít nhất 10 lóng gỗ).
Vậy chiếc xe chở gỗ còn lại này đã đi đâu chỉ trong thời gian khoảng nửa giờ đồng hồ, trong khi chỉ có một con đường độc đạo để ra khỏi thôn Kon Jơ Ri?. Tại sao khi một số đối tượng cố dùng tay đẩy gỗ vi phạm ra lòng sông , 4 kiểm lâm có mặt tại đó không có động thái gì? Và động cơ của việc đẩy gỗ này để làm gì?.
Đây là câu hỏi dành cho các ngành chức năng, hay để dư luận tự đánh giá.Nguồn gốc gỗ lậu trôi sông Đắk Bla bị các đối tượng khai thác từ đâu vẫn chưa được điều tra làm rõ.
Dư luận đặt vấn đề, phải chăng các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang giải quyết phần ngọn là bắt giữa tịch thu gỗ, điều tra xử lý người kinh doanh mua bán gỗ trái phép, mà chưa có biện pháp ngăn chặn tận gốc đối với các đối tượng vào rừng chặt pháp lấy gỗ bán trục lợi bất chính. Điều này cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc tại Kon Tum nói riêng và các tỉnh có rừng giáp ranh với Kon Tum vẫn đang còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Quốc Vương, Chánh văn phòng UBND TP. Kon Tum cho biết, đã nhận được báo cáo kiểm điểm của UBND xã Đắk Rơ Wa và Hạt kiểm lâm TP Kon Tum. Hiện thành phố đã thành lập hội đồng để kỷ luật cán bộ UBND xã có trách nhiệm liên quan. Riêng Hạt kiểm lâm thì Sở NN&PTNT xử lý.
Ông Phanh Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Jơ Wa cho biết, trong bảng kiểm điểm gửi UBND TP Kon Tum, bản thân nhận hình thức phê bình, bởi trách nhiệm của địa phương là chưa sâu sát trong việc tăng cường kiểm tra. Trước đó, ông Nam cho biết, những người liên quan làm kiểm điểm trong vụ việc này gồm Chủ tịch xã, lực lượng quân sự, công an xã.
Theo ông Vũ Hồng Sinh, trong vụ việc gỗ trôi sông, lãnh đạo như ông cũng có trách nhiệm khi chưa quản lý chặt chẽ. (Dân Sinh 18/2, Lê Nhuận –Ngọc Anh)đầu trang(
Lúc đầu các báo đăng thông tin theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, sau đó đã đăng lại theo kết luận chính thức nên các báo không phải cải chính.
Liên quan đến việc cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah (huyện Chư Pah) cung cấp thông tin không đúng sự thật, chiều ngày 17-2, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở thông tin truyền thông Gia Lai, cho biết đã ký công văn không yêu cầu các cơ quan báo chí đăng cải chính thông tin.
Theo công văn, đầu tháng 2-2017, một số báo đăng thông tin phản ánh lâm tặc dùng súng khống chế, đe dọa cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah cướp lại gỗ…
Thông tin trên được đăng tải trên các báo dựa trên báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ. Tuy nhiên, qua điều tra, xác minh, Công an tỉnh Gia Lai đã khẳng định không có việc lâm tặc dùng súng đe dọa, hành hung cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ để cướp gỗ.
Sở TT&TT cho rằng lẽ ra UBND huyện Chư Pah phải phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức họp báo trong vòng 24 giờ khi xảy ra vụ việc dẫn đến các báo đưa tin không đúng bản chất vụ việc.
Qua theo dõi, Sở TT&TT nhận thấy các báo đưa thông tin ban đầu và thông tin lại đều có cơ sở; việc có bài viết thông tin lại cũng xem như là đã cải chính thông tin sai lệch ban đầu nên không cần thiết đăng cải chính nữa. (Pháp Luật TP.HCM 17/2, Lữ Quỳnh Loan)đầu trang(
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai đã ký công văn số 97/STTTT-TTBCXB với nội dung: Không yêu cầu các cơ quan báo chí đăng đính chính thông tin về việc cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) cung cấp thông tin không đúng sự thật.
Nội dung công văn cho biết: Những ngày đầu tháng 2/2017, một số báo đăng tin, bài phản ánh việc các đối tượng lâm tặc dùng súng khống chế, đe dọa cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah (BQLRPH) để cướp số gỗ được các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tại tiểu khu 174 vào ngày 21/1/2017.
Thông tin trên được đăng tải trên các báo dựa trên cơ sở nội dung báo cáo số 09/BQL-BC ngày 2/2/2017 của BQLRPH.
Tuy nhiên, đến ngày 9/2/2017, qua quá trình điều tra, xác minh, Công an tỉnh Gia Lai đã có công văn số 123/CAT-PV11 khẳng định: Không có việc các đối tượng lâm tặc dùng súng đe dọa, hành hung cán bộ BQLRPH để cướp 45 lóng gỗ.
Đồng thời, Công an tỉnh cũng báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí có đăng tin bài trước đó liên quan đến vụ việc thì cần đính chính, tránh hiểu lầm, ổn định dư luận.
Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai nhận định rằng: Để các báo có thông tin chính thống thì UBND huyện Chư Pah cần phải phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo trong vòng 24 giờ đồng hồ sau khi xảy ra vụ việc, song do không thực hiện việc này nên dẫn đến tình trạng các báo đưa thông tin chưa chuẩn xác về bản chất vụ việc.
Sau khi có thông tin chính xác từ Công an tỉnh Gia Lai, các báo đã có các bài viết thông tin vụ việc trên đều đã có bài viết thông tin lại. Như vậy, việc các báo đưa thông tin ban đầu và thông tin lại đều có cơ sở và việc có bài viết thông tin lại cũng xem như đã đính chính thông tin sai lệch ban đầu.
Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh đã báo cáo và tham mưu với UBND tỉnh Gia Lai thống nhất, không cần thiết yêu cầu các báo đăng tin đính chính nữa. (Dân Trí 18/2)đầu trang(
Một cây long não cổ thụ tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại thuộc sự quản lý của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk có dấu hiệu chết dần, phần lớn các nhánh của cây bị rụng lá, khô cành.
Theo ông Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích tỉnh Đắk Lắk, cây chết từng phần khả năng do nhiều loại nấm tấn công; trong đó có một loại nấm chưa được xác định. Vào tháng 8.2016, cây được cắt bỏ 3 nhánh khô để tránh lây lan nấm nhưng những nhánh còn lại vẫn có dấu hiệu nhiễm bệnh. Hiện trung tâm đang đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN hỗ trợ cứu chữa để cây tồn tại.
Đây là một trong hai cây long não được trồng từ những năm 1930, đường kính thân khoảng 2,5 m, cao gần 30 m; được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN tổ chức công nhận, gắn biển Cây di sản VN vào cuối năm 2014. (Thanh Niên 17/2, tr19, Trung Chuyên)đầu trang(
Trước yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm huyện Kon Plông phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng và các hộ nhận khoán tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tận gốc, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xâm hại rừng.
Mặc cho mưa phùn và rét lạnh buốt da thịt, tổ tuần tra bảo vệ rừng do A Rêu - Thôn trưởng, Trưởng ban Quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Kon Tu Ma, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) vẫn hăng hái đi tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn theo Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng (KfW10) huyện Kon Plông.
Vào rừng do cộng đồng quản lý bảo vệ theo Dự án, chúng tôi thấy cây rừng đang hồi sinh. Đi dọc theo các đường tuần tra vào sâu trong rừng, chúng tôi không thấy có những dấu hiệu cây rừng bị chặt phá do khai thác gỗ và phá rừng làm nương rẫy trái phép.
Gạt những giọt mưa ướt nhòe khuôn mặt lạnh tê tái, A Rêu khẳng định: Kể từ khi thực hiện Dự án KfW10 và cùng với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thôn Kon Tu Ma thành lập 3 nhóm thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng tận gốc. Người dân đi tuần tra được các nhóm chấm công và được trả tiền công bảo vệ rừng.
Phấn khởi trước chính sách phát triển lâm nghiệp và thực hiện Dự án KfW10, A Ning - Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết, xã có trên 1.200ha rừng được thực hiện theo Dự án KfW10. Việc thực hiện Dự án này, xã giao rừng cho cộng đồng các thôn quản lý bảo vệ. Theo đó, Dự án tập huấn cho người dân trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng và đang cải thiện sinh kế cho người dân thông qua lập Quỹ phát triển cộng đồng.
Dự án mang lại cho cộng đồng nhiều lợi ích và cộng đồng tích cực tuần tra bảo vệ rừng theo kế hoạch. Trong năm 2016, cộng đồng cùng với chính quyền địa phương phát hiện và xử lý 2 vụ người dân từ nơi khác mang máy cưa vào rừng. Tài nguyên rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, nhân viên kiểm lâm theo dõi việc thực hiện Dự án cho biết, tổng diện tích rừng được thiết lập quản lý rừng cộng đồng theo Dự án KfW10 ở huyện Kon Plông gồm 3 xã: Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê với diện tích gần 3.000ha.
Tham gia quản rừng cộng đồng, người dân được hưởng quyền lợi như tham gia vào quá trình quy hoạch đất và xây dựng kế hoạch phát triển thôn, điều tra tài nguyên rừng, bầu ban quản lý rừng cộng đồng, xây dựng quy ước bảo vệ, kế hoạch hoạt động bảo vệ rừng; tham gia vào tổ bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, nhận tiền công hỗ trợ bảo vệ rừng, vay vốn phát triển các hoạt động sinh kế; tham gia các lớp tập huấn… theo yêu cầu của Dự án. Người dân cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ tốt hơn trước.
Để tăng cường việc bảo vệ rừng tận gốc, UBND huyện Kon Plông còn thành lập nhiều chốt liên ngành trên tuyến đường đi vào vùng còn nhiều rừng.
Tại chốt liên ngành ở xã Măng Cành khi chúng tôi đến đúng dịp cận Tết Nguyên đán, nhưng các cán bộ kiểm lâm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, công an xã… vẫn nghiêm chỉnh chấp hành trực chốt, kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường ra vào rừng.
Ngay tại chốt, huyện lắp đặt 2 bộ camera kiểm tra hoạt động và các phương tiện qua lại chốt. Anh Nguyễn Minh Cường, nhân viên kiểm lâm tham gia trực chốt cho biết, việc thành lập chốt này góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, các chủ rừng khác trên địa bàn huyện cũng hướng vào việc tăng cường quản lý, bảo vệ tận gốc. Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho biết: Công ty hiện đang quản lý bảo vệ trên 56.000ha rừng, trong đó có trên 37.000ha rừng được hưởng dịch vụ môi trường rừng.
Ngoài việc giao khoán trên 29.000ha rừng cho 31 cộng đồng và nhóm hộ quản lý bảo vệ, Công ty còn tổ chức lực lượng chuyên trách bám địa bàn, triển khai kế hoạch tuần tra truy quét và phối hợp với các ngành thành lập nhiều chốt bảo vệ rừng ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên lâm phần.
Đánh giá việc tăng cường bảo vệ rừng tận gốc cùng với việc đẩy mạnh giao khoán rừng cho cộng đồng theo các chương trình, dự án, ông Vũ Tuấn Hải - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông khẳng định, tình hình vi phạm lâm luật, nhất là việc phá rừng làm nương rẫy, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép trong thời gian gần đây trên địa bàn huyện giảm hơn nhiều so với trước. (Báo Kon Tum 19/2, Văn Nhiên)đầu trang(
Ngày 17-2, anh Nguyễn Trường Khánh ở tổ dân phố Diêm Bắc 1, phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới đã bàn giao một cá thể voọc Hà Tĩnh cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình.
Đây là cá thể voọc có tên khoa học Trachypithecus hatinhensis, phân bố chủ yếu ở các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình, là loài động vật cực kỳ quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trước đó, vào khoảng 20 giờ ngày 16-2, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, anh Nguyễn Trường Khánh phát hiện một cá thể voọc có trọng lượng khoảng 7,5kg, lông đen, đuôi dài, má và gáy có viền lông màu trắng. (Quân Đội Nhân Dân 17/2, Minh Tú – Hoàng Cuối)đầu trang(
Nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hiện, xác định hơn 700 cá thể tắc kè đuôi vàng ở trên đảo Hòn Khoai.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau vừa phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các chuyên gia Cộng hòa liên bang Đức tổ chức chuyến khảo sát, báo cáo về loài tắc kè đuôi vàng trên đảo Hòn Khoai, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tắc kè đuôi vàng là loài động vật đặc hữu, quý hiếm và có giá trị bảo tồn cao. Các chuyên gia cũng nhận định, các cá thể tắc kè đuôi vàng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh trưởng và sinh sản tốt trên đảo Hòn Khoai.
Tắc kè đuôi vàng được xem là loài động vật chỉ có ở Việt Nam. Các chuyên gia của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) tại Việt Nam đã đưa ra những giải pháp bảo vệ, tìm kiếm nhà tài trợ và xin phép UBND tỉnh Cà Mau tổ chức thành lập khu bảo tồn loài tắc kè đuôi vàng ngay tại đảo Hòn Khoai.
Trước đó, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hiện, xác định hơn 700 cá thể tắc kè đuôi vàng ở trên đảo Hòn Khoai.
Các nhà khoa học đã lập hồ sơ đề xuất đưa loài tắc kè đuôi vàng vào danh mục Sách đỏ Việt Nam, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đề xuất đưa loài này vào danh mục Công ước CITES - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và Sách đỏ Thế giới. (TIn Tức 17/2, Huỳnh Thế Anh)đầu trang(
Mới đây, người dân ở tỉnh Quảng Nam đã phát hiện một đàn voi rừng 7 cá thể di chuyển về gần khu vực có dân cư sinh sống để tìm thức ăn.
Trong khi số lượng các loại động vật quý hiếm đang có dấu hiệu giảm đáng kể, mới đây, người dân thôn Cấm La, xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn của tỉnh Quảng Nam phát hiện một đàn voi rừng 7 cá thể di chuyển về gần khu vực có dân cư sinh sống để tìm thức ăn. Tỉnh Quảng Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập kế hoạch bảo vệ khấp cấp đàn voi rừng với số lượng lớn này.
Theo người dân xã Quế Lâm và cán bộ kiểm lâm địa bàn, những ngày gần đây, đàn voi thường xuyên xuất hiện tại tiểu khu 424 thuộc rừng phòng hộ xã Quế Lâm. Cơ quan kiểm lâm cử lực lượng theo dõi, giám sát và bảo đàn voi rừng này. Đồng thời, phát thông báo khuyến cáo người dân bảo vệ rừng, bảo vệ đàn voi.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm, Tổng Cục Lâm nghiệp đã hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm bảo tồn voi tại huyện Nông Sơn với diện tích 19 ngàn hecta, kinh phí ước tính 100 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt đề án này và tỉnh Quảng Nam cũng đã đồng ý về chủ trưởng. Ngoài đàn voi rừng được phát hiện tại Nông Sơn, hiện còn một đàn voi rừng nữa được phát hiện tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My. (Đài Truyền Hình VN 19/2)đầu trang(
Thời gian qua, công tác bảo tồn các loài hoang dã ở nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể như: gia tăng, phục hồi diện tích các hệ sinh thái được bảo vệ; phát hiện mới nhiều loài có ý nghĩa về khoa học và bảo tồn nhằm phục hồi, phát triển các nguồn gien quý.
Tuy nhiên, do các áp lực từ biến đổi khí hậu (BĐKH), hoạt động của con người như: phá rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã (ĐVHD)…, dẫn đến sự sụt giảm các quần thể loài trong tự nhiên ở Việt Nam hiện nay.
Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20 nghìn loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có hơn 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển...
Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH, trong những năm qua công tác bảo tồn các loài hoang dã đã đạt được một số thành tựu đáng kể như gia tăng, phục hồi diện tích các hệ sinh thái được bảo vệ; phát hiện mới nhiều loài có ý nghĩa về khoa học và bảo tồn nhằm phục hồi, phát triển các nguồn gien quý.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa với tổng diện tích 2,2 triệu ha là sinh cảnh quan trọng của các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Gần đây, Việt Nam cũng đã phát hiện hơn 500 cá thể voọc chà vá chân xám tại Kon Tum và hơn 200 cá thể voọc xám Đông Dương tại Thanh Hóa…
Tuy nhiên, những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm, nhất là nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho thấy: nếu như năm 1996 chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp (EN), thì tính đến tháng 9-2016, con số này đã lên tới 110 loài.
Tổng số các loài động vật quý, hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 418 loài (năm 2007); thực vật quý, hiếm tăng từ 356 loài (năm 1996) lên 464 loài (năm 2007), trong đó có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao; chín loài chuyển từ các mức nguy cấp (năm 2004) lên mức coi như đã tuyệt chủng, như: tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao. Số lượng cá thể của các loài quan trọng đã giảm đến mức báo động, nhất là các loài thú lớn và một số loài linh trưởng như: hổ, voi, vượn, voọc, sao la…
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, bên cạnh áp lực từ BĐKH, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm số loài và số lượng cá thể loài hoang dã ở Việt Nam thời gian qua là do hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa đồng bộ.
Điển hình như trong công tác bảo vệ các loài hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Do vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật ĐDSH chưa đạt được sự thống nhất, dẫn đến chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn loài hạn chế, các chương trình bảo tồn loài chưa được quan tâm đúng mức.
Tình trạng chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang canh tác, khai thác khoáng sản, phát triển hạ tầng, thủy điện... làm mất sinh cảnh sống của các loài dẫn đến xung đột ngày càng gia tăng giữa con người và các loài sinh sống trong tự nhiên.
Nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn ĐDSH còn nhiều hạn chế, một bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài ĐVHD nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng và trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội thời gian qua…
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: từ năm 2010 đến hết tháng 8-2016, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 174 nghìn vụ vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, số vụ vi phạm các quy định về quản lý ĐVHD là 4.305 vụ, tịch thu hàng nghìn kg sản phẩm ĐVHD và hơn 60 nghìn cá thể ĐVHD các loại, trong đó 3.418 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm.
Để bảo tồn các loài động vật nguy cấp, ứng phó với nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép ở Việt Nam, bên cạnh những công cụ mang tính chất ràng buộc và pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước ĐDSH (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES)…
Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp. Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, tiến tới loại bỏ những bất cập và sự thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật. Tạo việc làm bền vững và hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng sống ở các vùng đệm tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm...
Tăng cường nguồn lực, năng lực cho công tác quản lý và thực thi pháp luật để bảo tồn hiệu quả tại chỗ và chuyển chỗ các loài nguy cấp; xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành, trao đổi thông tin và vai trò tham gia, phối hợp triển khai các hoạt động bảo tồn và thực thi pháp luật.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD tới cộng đồng, nhất là cần công khai thông tin về các vụ vi phạm về bảo vệ loài nguy cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm trong khai thác, vận chuyển, buôn bán ĐVHD.
Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về cứu hộ, tái thả các loài về tự nhiên, giám định, nhận dạng loài. Huy động các nguồn lực (tài chính, kỹ thuật và thể chế) nhằm thực thi các hiệp ước, cam kết quốc tế và pháp luật quốc gia về bảo tồn các loài hoang dã thông qua các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầù. (Dân Sinh 19/2, TS Hoàng Thị Thanh Tâm)đầu trang(
Ngày 18/2, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW) và Hội sinh viên Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức cho hơn 400 sinh viên đại học tham gia tìm hiểu về tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất thế giới.
Việt Nam được biết đến là địa điểm phân bố của hai loài tê tê, đó là tê tê Vàng và tê tê Java. Cả hai loài này đều bị xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng chỉ trong một thế hệ.
Tại buổi tọa đàm mang tên “Sinh viên và công tác bảo tồn tê tê”, những sinh viên tham dự được phổ biến về tình trạng tiêu thụ thịt và vảy tê tê đang ngày một gia tăng ở Việt Nam và Trung Quốc, với niềm tin mù quáng rằng đây là một phương thuốc chữa bệnh hiệu quả, đẩy loài thú nhút nhát này đến bờ vực tuyệt chủng.
Sinh viên còn được cung cấp thông tin về đặc tính sinh thái của tê tê cùng những mối đe họa đến từ việc lấn rừng, mở rộng quỹ đất. Đại diện Trung tâm SVW còn trao đổi với sinh viên về định hướng nghề nghiệp trong ngành bảo tồn, cung cấp thông tin hữu ích cho những bạn muốn trở thành một nhà bảo tồn sau khi tốt nghiệp.
Ngoài buổi thảo luận, sinh viên được tham dự Triển lãm ảnh “Bảo tồn tê tê: Bóng tối và Ánh sáng” với những bức ảnh được chụp bởi nhiều nhiếp ảnh gia về động vật hoang dã nổi tiếng, như Suzi Esterhas và chính nhân viên của SVW trong quá trình hoạt động cứu hộ, tái thả. Những bức ảnh mang cả hai thông điệp về hy vọng cũng như những mặt tối trong hoạt động bảo tồn tê tê.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc của SVW, người Việt Nam phát biểu: “Tôi cảm thấy rất tuyệt vời khi thấy nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm đến động vật hoang dã cũng như công tác bảo tồn. Việt Nam đã để mất quá nhiều loài động vật quý hiếm, nhưng chúng ta có thể cứu được loài tê tê nếu cùng nhau hành động từ hôm nay.”
Theo anh Nguyễn Duy Vượng, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, đây là lần đầu tiên trường hợp tác với SVW và rất vinh dự khi được phối hợp cùng tổ chức SVW nhân Ngày tê tê Thế giới, giúp truyền tải thông điệp về hoạt động bảo tồn động vật hoang dã đến các sinh viên.
Một sinh viên tham gia tình nguyện tại buổi tọa đàm cho biết: “Trước đây em chưa biết nhiều lắm về tê tê nhưng sau khi nghe các anh chị nói chuyện em cảm thấy rất thú vị với loài này. Em còn nhận ra rằng nước ta có rất nhiều loài vật đặc biệt, và em muốn làm gì đó để bảo vệ chúng trước khi quá muộn”. (Tin Tức 18/2, Văn Hào)đầu trang(
Chiều tối 17/2, trong quá trình tuần tra trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tại khoảnh 3, Tiểu khu 677 lâm phần Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray (Kon Tum), ông Giả Đức Hùng, kiểm lâm địa bàn xã Mô Rai chứng kiến một con bò tót nặng khoảng 800 kg lao thẳng vào xe ô tô tải biển kiểm soát 82C-018.98 đang chở đá thi công, do ông Nguyễn Thanh Hùng điều khiển và chết ngay tại chỗ.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra xác minh và có kết luận cụ thể vụ việc.
Qua kiểm tra không có dấu hiệu bò tót bị săn bắn, bẫy bắt. Theo nhận định của Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, nguyên nhân khiến con bò tót xuất hiện và tự lao vào ô tô, nhiều khả năng do đi lạc đàn và môi trường sống bị ảnh hưởng.
Con bò tót bị xe tông chết là giống đực, có tên khoa học Bosgaurus, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp quý hiếm theo Nghị định 32 của Chính phủ.
Thi thể con bò tót trên đang được lực lượng chức nănh xử lý để làm tiêu bản phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường.
Sau sự việc này, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đang tăng cường nhiều biện pháp tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo môi trường ổn định cho các loài động vật sống nơi đây.
Ông Bùi Văn Quang, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: Ban Quản lý Vườn đã làm việc với đơn vị thi công đường Tỉnh lộ 674 hạn chế đào đắp để đảm bảo lưu thông cho bò tót.
Hiện tại, Vườn có một đàn bò tót (khoảng 10 con), các nhà chuyên môn đang khảo sát hướng di chuyển để tìm cách bảo vệ và tìm kiếm một môi trường sống tốt với đủ thức ăn cho đàn bò tót.
Bên cạnh đó, lực lượng của Vườn tăng cường tuần tra, kiểm soát, hạn chế tác động con người như khai thác gỗ trái phép, săn bắn để đảm bảo môi trường sống tốt cho các loại động vật đang sinh sống trong vườn. (Tin Tức 19/2, Cao Nguyên)đầu trang(
Đầu tháng 2/2017, Chi cục Hải quan CK Nam Giang (Cục Hải quan Nam Giang) đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 3 cá thể tê tê qua biên giới.
Vào lúc 10h06 ngày 4/2/2017, tại Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Nam Giang, trong quá trình giải quyết thủ tục, kiểm tra giám sát phương tiện vận tải, lực lượng Hải quan cửa khẩu Nam Giang phát hiện xe gắn máy BKS: 75F8-0119 do Nguyễn Hữu Sinh, sinh năm 1990 (trú tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) điều khiển từ Lào về Việt Nam có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra kỹ cốp, bình xăng xe và phát hiện 03 cá thể Tê Tê sống, bọc bao lưới, nặng  khoảng 6,5kg, giấu trong bình xăng đã gia cố lại.
Theo khai nhận ban đầu, đối tượng mua số tê tê trên ở Lào đem về Việt Nam để bán. Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang đã tiến hành lập biên bản vi phạm, quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời liên hệ với cơ quan kiểm lâm để bàn giao số tê tê trên.
Trước đó, ngày 12/01/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang cũng đã phát hiện 01 cá thể tê tê nặng 1,8 kg vô chủ gần khu vực kiểm tra phương tiện vận tải xuất nhập cảnh của cửa khẩu. (Báo Hải Quan 19/2, Quang Thắng)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Các cán bộ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị cáo buộc chuyển đổi hàng chục thửa đất lâm nghiệp thành đất màu trong quá trình lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, gây thất thoát ngân sách gần 9 tỷ đồng.
TAND Hà Tĩnh vừa mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Hồng Quân, Lê Huy Hải, Nguyễn Văn Dục, Nguyễn Việt Đức (nguyên cán bộ Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh cũ), Lê Thị Hồng Vân (nguyên cán bộ địa chính phường Kỳ Long) về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng tại các dự án ở phường Kỳ Long, bị cáo Quân, Hải và Dục được giao kiểm kê hiện trạng sử dụng đất để lập hồ sơ, song đã cấu kết với Vân và một số lãnh đạo phường, chuyển đổi 68 thửa đất lâm nghiệp thành đất màu cho 52 hộ dân.
Nguyễn Việt Đức thời điểm đó là Phó chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện song thiếu trách nhiệm trong việc lập biên bản kiểm kê đối với 12 thửa đất lâm nghiệp, khiến bị ''biến" thành đất nông nghiệp.
Việc làm này của các cán bộ khiến UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã phê duyệt kinh phí bồi thường sai quy định cho các hộ dân, gây thiệt hại cho ngân sách gần 9 tỷ đồng.
HĐXX phạt Quân 9 năm tù giam, Hải 6 năm, Vân 4 năm, Dục 2 năm về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đức 24 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. (Vnexpress 18/2, Đức Hùng)đầu trang(
Để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp quản lý.
Lào Cai hiện có 60.041 ha rừng sản xuất, mục đích trồng cây gỗ lớn, được trồng theo Dự án trồng rừng phòng hộ biên giới, Chương trình  327 và Chương trình 661 với các loài cây trồng sa mộc, mỡ, keo tai tượng ... nay được quy hoạch thành rừng trồng sản xuất, giao khoán ổn định cho các tổ chức, hộ gia đình quản lý, bảo vệ, hưởng lợi và phát triển sản xuất theo chính sách của Nhà nước.
Dự kiến diện tích trồng mới, trồng lại rừng để kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2014 - 2020 là 52.100 ha, trong đó, trồng mới 33.600 ha và trồng lại 18.500 ha, gồm các loài cây: Keo tai tượng, mỡ, quế, thông ba lá, sa mộc.
Theo thông tin của ngành nông nghiệp tỉnh, những năm gần đây, các địa phương đã đẩy mạnh công tác trồng rừng, nên nhu cầu về cây giống lâm nghiệp rất lớn, mỗi năm cần khoảng hơn 20 triệu cây giống để phục vụ việc trồng hơn 7.000 ha rừng. Riêng năm 2016 có 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp được kiểm tra, đánh giá và phân xếp loại đảm bảo đủ điều kiện phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra chất lượng cây, hạt giống và cấp 11 giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống, số lượng hạt giống đủ tiêu chuẩn để làm giống là 21.300 kg gồm: Hạt mỡ, quế, sa mộc, xoan ta.
Kiểm tra đánh giá chất lượng hạt trẩu được 11 tấn, cấp 30 giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây giống, 22,6 triệu cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn để trồng rừng, chủ yếu là mỡ, quế, sa mộc, keo tai tượng, thông mã vĩ, lát hoa, xoan ta... Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống còn cung cấp cho thị trường các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Một số vườn ươm nhỏ lẻ của các hộ tự sản xuất cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của gia đình và một số hộ dân khác tự phát, không hoạt động theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, tự làm và trồng theo ý muốn chủ quan gây khó khăn cho việc quản lý giống theo chuỗi hành trình và việc kiểm soát chất lượng giống khi đem trồng rừng.
Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh cây giống tự mở vườn ươm vệ tinh, không báo cáo với cơ quan quản lý để nắm kịp thời; chưa được đào tạo sâu về lĩnh vực quản lý giống, ít được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên ngành. Dự án phát triển giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2010 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng số vốn đầu tư 34,2 tỷ đồng, tuy nhiên, đến năm 2016 mới được hỗ trợ gần 4,3 tỷ đồng, vì vậy công tác phát triển giống cây trồng lâm nghiệp của tỉnh đang gặp một số khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phối hợp với phòng nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh giống của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Quản lý nghiêm ngặt nguồn giống cây trồng lâm nghiệp từ khâu thu hoạch vật liệu giống, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống đến cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống của lô cây giống xuất vườn trồng rừng; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh về giống. Đôn đốc các đơn vị trồng rừng sử dụng cây giống có nguồn gốc xuất xứ đã được cơ quan cấp giấy chứng nhận công nhận nguồn gốc giống của lô cây giống, để tăng chất lượng rừng trồng.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp chủ trương phát triển vườn ươm vệ tinh, vườn ươm gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu giống ngay tại địa phương, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng cây giống do quá trình vận chuyển.
Tại huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn đang phát triển mạnh các mô hình vườn ươm này. Về giống cây lâm nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung quản lý chất lượng cây giống phục vụ trồng rừng phòng hộ, còn rừng sản xuất của người dân sẽ do người dân chủ động giám sát và lựa chọn cây giống nào phù hợp nhất để trồng, sau đó ngành chức năng sẽ nghiệm thu và hỗ trợ sau đầu tư. (Báo Lào Cai 19/2, Mạnh Dũng) đầu trang(
Từ năm 2000, Tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ nguồn kinh phí khá lớn để trồng gần 2.000ha rừng phòng hộ theo dự án PACSA ven biển Quảng Nam cho các huyện  Núi Thành, Thăng Bình, TP Tam Kỳ.
Dự án kết thúc năm 2006 nhưng đến nay phần lớn diện tích rừng phòng hộ đã bị xâm lấn. Đi dọc tuyến đường Thanh Niên ven biển từ H. Thăng Bình về lại TP Tam Kỳ, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy những gốc dương liễu, phi lao nằm trơ trọi trên cát trắng.
Đằng xa sóng biển gầm gào như chực cuốn vào bờ. Đã qua rồi thời nhà nhà nuôi tôm thẻ, người người nuôi tôm thẻ. Qua rồi thời đi đâu cũng bắt gặp cảnh xe múc, xe ủi đào ao nuôi tôm. Khi nguồn lợi và cơn sốt nuôi tôm hạ nhiệt thì cũng là lúc người ta nhìn lại những cánh rừng dương liễu, phi lao, điều đã trơ trọi.
Người dân ở các xã Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình) được cấp đất lâm nghiệp nhưng đều được sử dụng để nuôi tôm.  Bà Trúc (một hộ nuôi tôm ở xã Tam Tiến) cho biết: "Nuôi tôm đem lại nguồn lợi lớn. Năm 2014 là năm đỉnh cao của giá tôm khi đó thu nhập qua một vụ tôm vào khoảng 1 tỷ đồng là bình thường. Thấy họ chặt cây làm ao thì mình cũng làm thôi."
Còn ông Nguyễn Văn Bổn- Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến cho biết sở dĩ hàng trăm hộ dân chặt cây trồng để đào ao nuôi tôm nhưng chính quyền không thể xử lý vì phần lớn đất họ đang sử dụng được Nhà nước cấp để trồng rừng sản xuất chứ không phải vốn Nhà nước bỏ ra trồng rừng phòng hộ.
Chính vì vậy địa phương đã bất lực trong việc quản lý rừng. Và đến nay không còn đất để quy hoạch rừng phòng hộ. Bên cạnh việc người dân lấn chiếm rừng thì khâu "hậu dự án" đã bị bỏ quên khiến rừng dự án PACSA "chết yểu".
Trong số 236ha rừng PACSA thực hiện ở xã Tam Phú thì có 28 ha phát triển bình thường, 143 cây bị chết. Tương tự tại xã Tam Thăng có 94ha trên tổng số 207 ha rừng không sống nổi. Theo một số người dân cho biết, địa phương có giao khoán cho nhóm hộ dân chăm sóc nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi dừng hẳn. Không ai quản lý, bảo vệ nên mạnh ai nấy phá.
Ông Phan Phước Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương (H.Thăng Bình) cho biết: "Người dân thường chọn những cây ngay, cây thẳng để làm công trình phụ, thêm vào đó dự án này địa phương không quản lý trực tiếp nên qua thời gian rừng mất dần".
Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT, năm 2015 rừng phi lao, dương liễu trong dự án này không phát triển, thân chính và chồi bị khô. Hiện tượng này lặp đi lặp lại khiến cây không thể phát triển.
Tỷ lệ cây sống chỉ đạt 60% nhưng chất lượng thấp.  Nhiều diện tích sau 2-3 năm cây chết hẳn. Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sở dĩ việc rừng chết yểu là vì suốt thời gian dài không được lưu tâm. Mỗi năm vốn ngân sách phân bổ rất ít. 5 năm mà mỗi héc-ta rừng chỉ được đầu tư 15 triệu đồng thì không thể phát triển rừng giàu được.
"Bên cạnh đó việc chồng chéo quản lý đất rừng phòng hộ với các dự án của Kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch, sắp xếp dân cư ven biển khiến địa phương cũng hoang mang trong quy hoạch rừng phòng hộ", ông Hưng cho biết. Khác với trồng rừng phòng hộ đầu nguồn chỉ vài năm đã phủ xanh đồi trọc, trồng rừng ven biển lâu dài và khó khăn trong việc bảo vệ rừng.
Dự án rừng PACSA đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Rừng chết, diện tích trồng rừng mới không có mà những hệ quả vì mất rừng đã nhìn thấy trước mắt. Trước những hệ quả và diễn biến xấu của thời tiết, hiện nay Sở Nông nghiệp đang tiến hành làm lại quy hoạch rừng phòng hộ. Tập trung rà soát, điều tra, kiến nghị tỉnh mạnh dạn thu hồi những dự án bỏ đất hoang hoặc chưa sử dụng hết diện tích để đưa vào làm rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó, trong đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 Nhà nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh thành ven biển trong đó có Quảng Nam. Mục tiêu đến năm 2020, các địa phương phục hồi và trồng mới 60.000ha rừng nâng cao độ che phủ rừng ven biển lên 20%. (Công An TP.Đà Nẵng 17/2, Đồng Dao)đầu trang(
Để cung ứng nguồn cây giống phục vụ trồng rừng vụ Xuân 2017, hơn 400 hộ ươm cây giống lâm nghiệp ở các xã Tân Hương, Nghĩa Hành, Kỳ Sơn trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã đầu tư mở rộng quy mô, chủ động ươm hơn 16 triệu cây giống các loại, chủ yếu là cây keo.
Ngay từ đầu vụ thời tiết thuận lợi so với mọi năm nên dễ ươm và cây giống phát triển tốt, hiện nay bà con đang tập trung xuất bán.
Niềm vui của các hộ ươm cây giống lâm nghiệp được nhân lên ngay từ những ngày đầu năm mới bởi cây giống được mùa lại được giá. Với giá bán hiện nay keo hạt 300 đồng/cây và keo cành từ 400 đồng đến 450 đồng/ cây và nếu giá này ổn định đến cuối vụ thì với hơn 16 triệu cây giống dự kiến đem lại giá trị thu nhập cho bà con hơn 6 tỷ đồng.
Đây là nguồn thu nhập khá giúp bà con cải thiện, nâng cao đời sống, tiếp tục gắn bó lâu dài với nghề này. (Đài PTTH Nghệ An 17/2, Cẩm Tú)đầu trang(
Ngày 19-2, Trường Đại học Nha Trang tổ chức lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng vệ sinh môi trường trong toàn trường. Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ban giám hiệu nhà trường cùng hơn 100 cán bộ, giảng viên và 700 sinh viên tham dự.
Tại buổi lễ, lãnh đạo nhà trường kêu gọi cán bộ, giảng viên, sinh viên tích cực tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ và xây dựng không gian trường học xanh - sạch - đẹp.
Sau lễ phát động, các thầy cô cùng sinh viên trồng hơn 200 cây xanh trong khuôn viên trường; sinh viên làm tổng vệ sinh trong và ngoài trường học. (Báo Khánh Hòa 19/2, H.Quỳnh)đầu trang(
Đón những đợt mưa xuân đầu tiên, người dân các xã trong huyện Kim Bôi tập trung cuốc hố, chuẩn bị cây giống, bắt tay vào vụ trồng rừng mới và hưởng ứng Tết trồng cây năm 2017.
Năm nay, UBND huyện Kim Bôi tổ chức lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại xã Nam Thượng. Buổi lễ thu hút hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, ĐV-TN, học sinh, người dân trong huyện chung tay trồng cây xanh tạo cảnh quan khuôn viên nhà văn hoá trung tâm xã và khuôn viên UBND xã. Cùng ngày, UBND các xã, thị trấn trong huyện huy động cán bộ, nhân dân trồng cây tại đường liên xã, thôn, công trình công cộng.
Tham gia lễ phát động, tự tay trồng cây đầu năm mới, đồng chí Bùi Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Nam Thượng cho biết: “Năm nay, xã được UBND huyện chọn là địa điểm tổ chức lễ phát động Tết trồng cây và hỗ trợ 70 cây giống, chủ yếu là cây sao đen và sấu.
Những năm qua, công tác trồng rừng của xã có nhiều khởi sắc, vừa tăng nguồn thu, vừa cải thiện môi trường. Xã được huyện giao chỉ tiêu kế hoạch trồng mới 40 ha rừng và 12 ha cây ăn quả. Hiện, xã chỉ đạo nhân dân chủ động nguồn giống, chuẩn bị hiện trường sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới theo kế hoạch”.
Nhờ sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, ngay trong ngày đầu ra quân Tết trồng cây, toàn huyện Kim Bôi đã trồng mới hàng nghìn cây xanh các loại. Tính đến ngày 9/2, toàn huyện đã trồng trên 11.000 cây phân tán.
Hàng năm, Huyện uỷ, UBND huyện có chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và cây xanh đạt kết quả tốt, thể hiện bằng việc triển khai đề án trồng rừng, trồng cây ăn quả. Thực hiện đề án phát triển trồng rừng kinh tế,  huyện tập trung rà soát quỹ đất lâm nghiệp, hỗ trợ và vận động nhân dân trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Bình quân mỗi năm, huyện Kim Bôi trồng được 1.000 - 2.000 ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất và 100 - 200 ha cây ăn quả các loại. Năm 2016, toàn huyện đã trồng 1.870 ha rừng, là huyện có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh, nâng độ che phủ rừng lên gần 50%.
Đồng chí Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi đánh giá: Tết trồng cây là bước khởi đầu động viên người dân tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế. Với khí thế sôi nổi từ những ngày đầu xuân, năm nay, huyện Kim Bôi có kế hoạch trồng mới 1.000 ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất trồng sau khai thác với các loại cây trồng chính là keo, lát, sấu, trám, cây bản địa và 200 ha cây ăn quả các loại. UBND huyện giao các xã chủ động cây giống căn cứ theo kế hoạch để thực hiện.
Hiện nay, các xã đã chuẩn bị hiện trường và cây giống chờ thời tiết thuận lợi tổ chức trồng. Đồng thời, huyện giao trên 32.000 ha rừng cho nhân dân chăm sóc và bảo vệ.
Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm huyện phối hợp với các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng các xã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ xâm hại tài nguyên rừng. Không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép và cháy rừng. (Báo Hòa Bình 17/2, Đinh Thắng)đầu trang(
Không chỉ giữ cho đất rừng, nhất là khu vực triền đồi có độ dốc cao và ven sông suối bị mưa lũ làm lở, sạt cuốn trôi, cây lồ ô còn mang lại cho hàng ngàn hộ dân ở các vùng miền núi số tiền tính bằng triệu đồng/năm.
Thay vì chặt phá bỏ lồ ô để lấy đất sản xuất, tại những vị trí gần khu dân cư, nơi ở và ven trục đường giao thông... nhiều hộ gia đình thiểu số ở Quảng Ngãi giữ lại để bán.
Không phải tốn công gieo trồng, chăm sóc và lo sợ hư hỏng, hay phải tìm nơi tiêu thụ... như cây trái và các loại nông sản trồng, thu hái trong tự nhiên khác; lồ ô tự mọc cây con và tự phát triển. Khi nào có người cần mua, thì người dân lại mang rựa chặt bán.
Ông Hồ Văn Dê (57 tuổi, ở thôn Bắc Nguyên, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà) cho biết: "Thời gian gần đây, lồ ô được nhiều người dân đồng bằng đưa xe lên mua, chở về để làm các công trình xây dựng tạm thời và một số sản phẩm khác. Không ít lần họ đặt mua cả 2-3 xe ô tô tải".
"Với diện tích lồ ô hơn 2 ha của gia đình cùng với số khai thác trong rừng, năm vừa rồi mình chặt bán lồ ô được hơn 8 triệu đồng ", anh Hồ Văn Khia (35 tuổi) ở cùng xã bày tỏ.
Được biết hiện tại lồ ô bán với giá 10 ngàn đồng/cây. Với số lượng lồ ô ở vị trí thuận lợi, một người có thể đốn chặt trên 100 cây/ngày, tương đương khoản thu nhập 1 triệu đồng/người/ngày.
"Lồ ô đốn xong lại tự "đẻ" ra cây con và lớn lên nên không sợ hết. Lồ ô hiện rất nhiều, muốn mua bao nhiêu cũng có. Nếu lồ ô của mình ở gần nhà hết, thì chỉ cần vào rừng đốn", ông Hồ Văn Tin (54 tuổi, ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà) cho biết. (Dân Việt 18/2, Công Xuân)đầu trang(
Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức từ hội nhập, các doanh nghiệp gỗ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, trong đó yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm gỗ.
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê, ước tính giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2016 của cả nước đạt 6,91 tỉ USD, tăng 0,3% so với năm 2015. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2016, chiếm 69,2% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (15,2%), Anh (9,4%), Trung Quốc (8,9%) và Úc (8,6%). Hiện nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), từ năm 2008 đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển sang sản xuất đồ gỗ nội thất để có thể thích ứng với nhu cầu mới của thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm gỗ ngày càng đa dạng hơn, mẫu mã và chất lượng sản phẩm ngày càng phù hợp hơn với thị trường xuất khẩu.
Mặc dù gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia, trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên thị phần xuất khẩu gỗ vào một số thị trường chính như EU đang có xu hướng giảm.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến việc xuất khẩu gỗ của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do sự thay đổi về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng gỗ trên thế giới, điều kiện kinh tế, giá cả và thu nhập của người tiêu dùng, đặc biệt là sự thay đổi trong chính sách thương mại gỗ của các nước nhập khẩu chính.
Cụ thể, các thị trường nhập khẩu gỗ lớn của thế giới đã và đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật liên quan tới nguồn gốc hợp pháp của gỗ nguyên liệu sử dụng để chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều doanh nghiệp chế biến đang sử dụng công nghệ, thiết bị chế biến lạc hậu, cũ, khó có thể sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong khi đó các doanh nghiệp cũng không có khả năng về vốn cũng như hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến.
Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Việc thực hiện các cam kết hội nhập sẽ giúp các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tăng cường năng lực quản trị và sản xuất kinh doanh, giúp cải thiện cuộc sống cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng nguồn gỗ từ rừng trồng và kích thích đầu tư trở lại rừng trồng.
Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức từ hội nhập, đặc biệt khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ, sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU được ký kết và thực thi, các doanh nghiệp gỗ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, trong đó yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ của gỗ và các sản phẩm gỗ. Đây một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về nội dung cam kết như thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật và biện pháp phòng vệ để có chiến lược thâm nhập hiệu quả vào các thị trường đã tham gia FTAs.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng các sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào nhu cầu của người đặt hàng, rất ít sản phẩm được xây dựng và cải tiến theo sáng tạo. Các sản phẩm của Việt Nam có mẫu mã giống nhau, đặc biệt là các sản phẩm ngoại thất.
Do đó, để tăng khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho thị trường, các nhà sản xuất và xuất khẩu gỗ cần cải tiến mẫu mã, chất lượng, công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nói riêng với chất lượng cao và giá cả phù hợp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu được trồng trong nước, phát triển hài hòa cả sản xuất đồ gỗ ngoại thất, nội thất, hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm thô.
Trong dài hạn, Nhà nước cần xây dựng chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ tập huấn về công nghệ thông tin, phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm gỗ xuất thông qua việc xây dựng các chương trình quảng bá về gỗ Việt Nam...
Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm soát gỗ nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo nguyên liệu gỗ tốt, gỗ hợp pháp phục vụ sản xuất xuất khẩu. Đồng thời, kiểm soát, ngăn chặn sản phẩm gỗ chế biến chất lượng kém nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, nhằm tạo cơ hội cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam thâm nhập mạnh hơn vào thị trường thế giới. (Một Thế Giới 19/2, Tuyết Nhung)đầu trang(
Ngay từ năm 2016, tình trạng tranh mua gỗ nguyên liệu đã hết sức gay gắt ở các tỉnh miền Trung. Năm 2017 được dự báo là một năm hết sức khó khăn với các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ trong nước nói riêng, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nói chung.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế cuả mình khi đóng góp đáng kể vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cụ thể, năm 2015 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2014, năm 2016 con số này dự kiến lên đến hơn 7,1 tỷ USD, và đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD.
Để duy trì tốc độ đó, nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ cần thêm 4-5 triệu m3/năm, trong khi gỗ rừng trồng trong nước mới đáp ứng 30-40% tổng lượng nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là gỗ cao su và gỗ keo tràm. Chưa nói đến việc nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước mới chỉ có khoảng 200.000 ha đã được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm…
Những năm gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam đã ban hành chính sách đóng cửa rừng tự nhiên và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để giữ nguồn gỗ phục vụ cho chế biến trong nước. Myanmar ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn có hiệu lực từ ngày 1/4/2014.
Ngày 13/5/2016, Lào đã ban hành Nghị định 15/PM, trong đó đình chỉ việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ kích thước lớn, gỗ xẻ… từ rừng tự nhiên trong mọi trường hợp. Mới đây nhất, từ tháng 4/2015 Trung Quốc cấm khai thác rừng tự nhiên ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và Nội Mông, tiến tới chấm dứt hoàn toàn khai thác gỗ thương mại rừng tự nhiên trên toàn đại lục vào năm 2017.
Không chỉ khó khăn khi nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu ngày càng hạn chế. Ngay chính nguồn gỗ nguyên liệu ít ỏi trong nước cũng đang bị các thương nhân Trung Quốc tranh mua rất khốc liệt.
Tại Hội thảo Diễn biến nguồn cung nguyên liệu gỗ năm 2017 với sự tham gia của 120 DN chế biến gỗ tổ chức tại TP HCM trung tuần tháng 12/2016, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) cho biết, theo phản ánh của các DN sản xuất và chế biến gỗ, trong thời gian qua, tình trạng các công ty có vốn FDI và thương nhân hình thành những hệ thống nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su và gỗ keo tràm từ miền Nam ra đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ước tính, có đến 80% lượng gỗ nguyên liệu cao su ở Tây Nguyên đã bị thương lái Trung Quốc bao mua, họ cắm xưởng xẻ, thuê dân đi mua gom, thậm chí trả hết tiền trước. Với những điều kiện như vậy, DN Việt Nam không thể cạnh tranh nổi.
Không chỉ cạnh tranh nguồn gỗ nguyên liệu, ông Lưu Phước Lộc - Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Mtrade, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết, hiện đang có làn sóng các DN gỗ của Trung Quốc đầu tư vào tỉnh Bình Dương, vấn đề ở chỗ hàng hóa của họ mang sang gần như đã là thành phẩm, phần việc tại Việt Nam chỉ là lắp ráp và phủ sơn.
“Mục đích của các DN Trung Quốc là muốn lấy C/O của Việt Nam, vì hiện nay họ không được cấp C/O sang thị trường Hoa Kỳ do bán phá giá. Hơn nữa, họ cũng muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam. Trong cạnh tranh về giá, các DN Trung Quốc luôn có lợi thế bởi luôn sản xuất với quy mô cực lớn. Đây là sức ép rất lớn, thậm chí có thể gây nguy cơ khủng hoảng gỗ nguyên liệu tại các DN trong nước ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bình Định”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch FPA phát biểu.
Trao đổi với PV,  ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend cho biết, ông chưa thể kiểm chứng những phản ánh về tình trạng mua tranh gỗ nguyên liệu của thương nhân Trung Quốc như DN phản ánh, nhưng ông khẳng định tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu của Trung Quốc đang khá căng thẳng. Ông Phúc đã đưa ra những số liệu chứng minh về  nhu cầu nhập khẩu gỗ của Trung Quốc ngày một tăng và với quyết định đóng cửa rừng của Trung Quốc từ năm 2017, Trung Quốc sẽ thiếu hụt 50% gỗ nguyên liệu và Việt Nam đang là thị trường gần nhất mà thương lái Trung Quốc nhắm tới.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, nhiều mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhanh trong thời gian gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2016, lượng ván bóc xuất khẩu đạt 240.000m3, tăng gấp 2,4 lần lượng xuất khẩu trong cả năm 2015; lượng gỗ xẻ cao su cũng tăng từ 120.000m3 trong năm 2015 lên 170.000m3 trong 9 tháng năm 2016. Trong năm 2015, nếu lượng ván ghép, gỗ dùng trong xây dựng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt 11.000m3 thì 9 tháng năm nay con số này đã tăng lên 67.000m3.
Để bảo vệ ngành chế biến gỗ xuất khẩu trong nước và bảo đảm nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng được cung cấp đầy đủ và bền vững trong những năm tới, Chủ tịch FPA đề nghị Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành các giải pháp hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu một cách hiệu quả.
Theo kiến nghị của các DN, với mức thuế suất thuế xuất khẩu hiện tại là chưa đủ sức hạn chế hoạt động xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc một cách ồ ạt như thời gian qua, cùng với việc nhiều thương nhân khai báo không đúng quy cách sản phẩm xuất khẩu để được hưởng ưu đãi về thuế như mặt hàng gỗ xẻ. DN đề nghị tăng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ lên cùng mức 20% trong khung quy định Nghị quyết 830/2009/UBTVQH12 ngày 17/10/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend, thuế hay hạn chế xuất khẩu chỉ là một giải pháp và cần cân nhắc để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người trồng rừng. Theo ông, vấn đề cốt lõi vẫn là giải quyết tốt bài toán tổng thể về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Theo đó, cần có những bước đột phá, giao đất cho hộ gia đình làm tăng tỷ lệ che phủ rừng. “Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề này đã được đề ra nhưng đến nay vẫn lúng túng trong thực hiện…”, ông Phúc nhận định.
Cùng với đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh yếu tố liên kết, không chỉ là sự liên kết giữa người trồng với DN chế biến, mà còn là sự kết nối giữa các DN với nhau và đây chính là một giải pháp cho ngành gỗ phát triển bền vững. (Pháp Luật Việt Nam 17/2, Linh Linh)đầu trang(
Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tin cậy về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam không những tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, mang lại các lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Ngành gỗ Việt Nam năm 2016 khép lại với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), mở ra hướng đi mới cho gỗ xuất khẩu tới thị trường đầy tiềm năng là EU; Đặc biệt đối với các doanh nghiệp chủ động nguồn cung nguyên liệu gỗ sạch.
Ngay sau khi Hiệp định VPA/FLEGT vừa kết thúc đàm phán với những cam kết cơ bản nhất vào tháng 11/2016, chúng tôi đã có chuyến đi thực tế với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đến doanh nghiệp được cho là tiên phong về việc chủ động nguồn cung nguyên liệu gỗ sạch - Công ty Cổ phần Woodsland.
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Woodsland - cho biết: Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất sang các quốc gia châu Âu; trong đó, khách hàng chính của công ty là Tập đoàn IKEA của Thụy Điển (chiếm 70% doanh thu) và Công ty Habufa của Hà Lan. Do đó, các hoạt động từ khâu thu mua nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm ngoài những yêu cầu của pháp luật Việt Nam thì công ty phải đáp ứng tất cả các yêu cầu quốc tế.
Cụ thể, ngoài những yêu cầu cơ bản về giá, chất lượng, tiến độ giao hàng, hoạt động của công ty cũng dựa trên những bộ tiêu chuẩn riêng về gỗ nguyên liệu của Tập đoàn IKEA.
Theo đó, các nhà cung cấp gỗ cho IKEA cần phải có chứng chỉ FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững), yêu cầu về nguyên liệu bảo đảm hợp pháp, có hợp đồng chuỗi từ người trồng rừng, khai thác, vận chuyển, xưởng xẻ và đến Công ty Cổ phần Woodsland. Tất cả hồ sơ phải được lưu trữ để chứng minh chuỗi đó có hợp pháp hay không? Việc khai báo trực tiếp trên hệ thống kết nối trực tiếp với khách hàng sẽ cho biết thông tin về từng lô hàng mà công ty xuất khẩu được sử dụng gỗ từ đơn vị nào. IKEA cũng sẽ đến kiểm tra trực tiếp đột xuất tại công ty.
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết cho biết, trước những yêu cầu này từ phía đối tác, Công ty Cổ phần Woodsland đã chủ động hỗ trợ người trồng rừng tại Tuyên Quang làm chứng chỉ FSC. Với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Tuyên Quang, công ty đã tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người trồng rừng.
Đến nay, nhiều chủ rừng đã chủ động tiếp cận thông tin để được tham gia chương trình này. Từ năm 2015 - 2016, công ty đã hỗ trợ cho 5 công ty lâm nghiệp và hộ dân thực hiện thành công 12.319ha rừng trồng tại Tuyên Quang được cấp chứng chỉ FSC. Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2017, công ty có thêm khoảng 10.707ha rừng trồng tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Thái Nguyên sẽ được đánh giá và cấp chứng chỉ FSC.
Công ty đang phấn đấu đến năm 2018, có 30.000ha được cấp chứng chỉ này. Nhờ chủ động nguồn cung nguyên liệu nên doanh thu của công ty liên tục tăng trong những năm qua. Theo đó, năm 2015, doanh thu của công ty đạt hơn 900 tỷ đồng thì sang năm 2016, doanh thu của công ty đạt 1.000 tỷ đồng; tạo việc làm, đời sống ổn định cho nhân viên công ty.
Đánh giá về mô hình hoạt động của Công ty Cổ phần Woodsland, ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia Tổ chức Forest Trend - cho hay, mô hình kết hợp giữa công ty và các hộ trồng rừng mà Công ty Cổ phần Woodsland đang thực hiện tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các hộ trồng rừng, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tổ chức Forest Trend và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đang nghiên cứu mô hình này, dự kiến sẽ đưa ra những kiến nghị cho các bộ liên quan để thúc đẩy trồng rừng của các hộ gia đình. (Vinanet 18/2, Hương Nguyễn)đầu trang(
Sâm Ngọc Linh được coi là “thần dược xóa nghèo” cho người dân vùng Ngọc Linh, nhưng để có cây giống không phải dễ. Mua củ sâm đã khó, nay tìm cây giống càng khó hơn.
Ngay tại “thánh địa” sâm Ngọc Linh, cây giống cũng bị làm giả…Hiện cả nước chỉ có 2 tỉnh có cây sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm trồng sống ở độ cao 1.200-2.000m trong hệ thống núi Ngọc Linh quanh năm mây mù, đó là Quảng Nam và Kon Tum.
Riêng tỉnh Kon Tum có khoảng 300ha sâm tập trung chủ yếu ở huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, thuộc quản lý của Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Nhiều năm nay, giá trị của sâm Ngọc Linh liên tục tăng cao, cung không đủ cầu nên sinh ra tình trạng giả mạo từ củ đến cây sâm để kiếm lời.
Vào “thánh địa sâm Ngọc Linh” ở huyện Tu Mơ Rông hỏi mua giống sâm về trồng, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu ra dấu không biết, không có. Ngay cả người được bà con xã Tê Xăng gọi “vua sâm” A Hình cũng cười khổ sở: “Bây giờ mua được giống sâm Ngọc Linh rất khó, thậm chí mua không có. Sâm giống trong tự nhiên lâu nay khai thác cạn kiệt, trong khi người dân, công ty ươm giống chỉ đủ dùng…”.
Còn ông A Tôn – Chủ tịch HĐND xã Măng Ri thì cho biết: Ngày trước, quanh chân núi Ngọc Linh tìm thấy sâm không hiếm, nhưng giờ khó lắm. Người dân biết cây này có giá trị nên rất quý, hầu như nhà nào cũng có trồng vài chục đến trăm gốc nhưng họ giấu không muốn người khác biết vì sợ trộm. Để có giống trồng, nhiều hộ liên hệ người quen ở Quảng Nam để mua, số khác làm công cho Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum mới được họ hỗ trợ cây giống về trồng.
Hiện tại, giá sâm Ngọc Linh dao động từ 30-150 triệu đồng/kg khiến cho việc săn lùng mua củ lẫn cây giống vô cùng ráo riết. Hám lợi, một số kẻ xấu lợi dụng lấy giống sâm giả bán cho người có nhu cầu ngay tại “thánh địa” sâm Ngọc Linh, phổ biến nhất là  dùng cây tam thất. Theo ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (quản lý nhóm liên kết trồng sâm với Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum), ông đã 2 lần phát hiện cây tam thất được trồng lẫn lộn trong vườn sâm Ngọc Linh của dân.
Lần đầu là chuyến đi công tác sang xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), tham quan vườn sâm của 1 hộ dân, phát hiện có khoảng 50 cây tam thất trồng xen trong vườn sâm Ngọc Linh. Lần khác là tại địa bàn xã Măng Ri, lúc đó một số hộ dân kháo nhau ở xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) có bán giống nên mua về trồng. Thấy vậy ông đến kiểm tra phát hiện đó là cây tam thất…
Hiện nay, tra cứu trên các trang mạng xã hội về cây giống và củ sâm thì xuất hiện rất nhiều địa chỉ rao bán “hàng thật, giá thật 100%”. Một đầu mối tại huyện Đăk Hà còn tự tin khoe có sâm trồng tại vườn giá 60 triệu đồng/kg đối với loại 3-4 củ, không tin có thể đến tận vườn xem. Đem câu chuyện này chia sẻ với ông A Sỹ, ông nói: Giờ người ta lừa tinh vi lắm, cây có cả lá, đất bám rễ… nên nếu không rành vẫn mua trúng hàng dỏm.
Ông A Hơn – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Tôi có nghe thông tin sâm giả trà trộn vào địa bàn nhưng chưa xác định được cụ thể. Về giống sâm Ngọc Linh, lâu nay một số hộ dân tự chủ động nhờ trồng nhiều năm, số khác lên rừng kiếm về nhân giống trồng. Riêng một số hộ dân dưới chân núi Ngọc Linh có tham gia liên kết, làm công cho Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum thì được hỗ trợ giống cây con, chứ ngoài thị trường mua không có. Nếu ai nói có cây giống sâm Ngọc Linh bán thì cần xem xét kỹ, tránh bị lừa”.
Theo ông A Sỹ, cây tam thất thoạt trông rất giống sâm Ngọc Linh, nhưng quan sát kỹ vẫn phân biệt được. Tam thất có 7 lá kép trong khi sâm Ngọc Linh có 5 lá kép. Thân của cây sâm giả nhợt, hơi tím hơn sâm Ngọc Linh. Còn phần củ thì cây sâm giả mắt tròn, củ dài, nhiều mắt, thân mọng và màu sẫm; sâm Ngọc Linh thật đốt ngắn, mắt to, chắc, màu vàng tươi... Sâm Ngọc Linh thật khi ăn có vị đắng và ngọt, còn sâm giả vị cũng khá giống nhưng rất khé cổ, khó nuốt. Nếu dùng phải củ tam thất thì không sao vì nó cũng có dược tính tốt nhưng nếu sử dụng củ cây khác giống sâm được tẩm hóa chất thì nguy hiểm khó lường…
“Đối với những người dân đang tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh, nếu phát hiện tham gia buôn bán sâm Ngọc Linh giả sẽ loại, không cho tham gia vào nhóm nữa. Đó cũng là một trong các biện pháp mà người dân Măng Ri đang làm để bảo vệ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh” - ông Sỹ nói.
Trao đổi với ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đăk Tô, ông khẳng định: “Tỉnh Kon Tum chỉ có 2 đơn vị trồng bảo tồn, nhân giống sâm Ngọc Linh là Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Vì vậy, nếu hai đơn vị này không có giống bán ra thị trường mà ở ngoài bán nhan nhản thì chắc đó là hàng giả. Do đó, các cơ quan chức năng cần truy xuất nguồn gốc từ đâu mà có, tránh nhiễu loạn cho người tiêu dùng. Đơn vị tôi bảo tồn giống từ trước năm 2000, đến nay còn chưa đủ giống thì người khác lấy đâu ra nguồn để bán…”.
Ông Chung cho biết thêm: “Trước nhu cầu giống của người dân, dự kiến trong năm nay đơn vị sẽ đưa một phần cây giống cung ứng ra thị trường. Vấn đề giống cây và củ sâm giả trà trộn sâm thật không ảnh hưởng lớn đến tên tuổi sâm Ngọc Linh của công ty, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và sức khỏe người tiêu dùng. Việc này cần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm”. (Dân Việt 17/2, Lê Kiên)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Những hình ảnh về 3 con sư tử đực hung dữ "đại chiến" ngay giữa một con đường trong công viên động vật hoang dã ở Nam Phi được một nhiếp ảnh gia ghi lại.
Những bức ảnh ban đầu cho thấy cảnh hai con sư tử đang hằm hè, nhe răng chực cắn nhau. Một lúc sau, có thêm một con sư tử đực nữa từ bụi cây nhảy vào tham chiến. Cả ba con sư tử hung dữ quần nhau ác liệt. Trận chiến diễn ra ngay giữa con đường trong công viên quốc gia. Sư tử đực thường đánh nhau để bảo vệ lãnh thổ hoặc tranh giành bạn tình.
Những bức ảnh được nhiếp ảnh gia Justin Thorne chụp tại Công viên quốc gia Kruger (Nam Phi). Đây là khu bảo tồn động vật hoang dã lớn bậc nhất ở châu Phi, với sư tử, tê giác voi, trâu và hàng trăm loại thú khác.(Lao Động 18/2, Bình Minh)đầu trang(
Một phụ nữ trẻ ở Thâm Quyến nổi tiếng với biệt danh “Công chúa Tê tê” mới đây đã bị cảnh sát thẩm vấn sau khi trang mạng xã hội đăng ảnh cô ăn thịt tê tê – loài thú quý hiếm được bảo vệ tại Trung Quốc.
Hồi đầu tuần này, trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) lan truyền hình ảnh chụp màn hình những bài đăng từ năm 2011 và 2012 của một người dùng nữ có tên “Zhanfangdeduoduo", được mệnh danh là “Công chúa Tê tê”.
Hồi đầu tuần này, trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) lan truyền hình ảnh chụp màn hình những bài đăng từ năm 2011 và 2012 của một người dùng nữ có tên “Zhanfangdeduoduo", được mệnh danh là “Công chúa Tê tê”.
Ngay sau khi những hình ảnh này được lan truyền trên mạng xã hội, cảnh sát Thâm Quyến đã phát động một cuộc điều tra và tạm giữ một phụ nữ trẻ tên Lin để thẩm vấn.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, cảnh sát tỉnh Nam Ninh (thủ phủ khu tự trị Choang, Quảng Tây, Trung Quốc) cũng đã tiến hành điều tra một bài đăng trên mạng xã hội We Chat có nội dung cáo buộc các quan chức địa phương dùng bữa với thịt tê tê.
Theo cơ quan bảo vệ động vật thuộc Cục Lâm nghiệp Nhà nước Trung Quốc, tê tê là loài động vật được bảo vệ cấp độ 2 tại Trung Quốc. Việc ăn thịt tê tê là một hành vi vi phạm các quy định của chính phủ về bảo vệ động vật hoang dã. Bất cứ ai bị phát hiện bắt, giết thịt, mua bán tê tê đều có thể lĩnh án tù lên tới 10 năm. (Tiền Phong 17/2, Minh Hạnh)đầu trang(
Hai người mang quốc tịch Guinea-Bissau và một người quốc tịch Liberia đã bị bắt giữ và sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự liên quan đến vụ việc trên.Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, nhà chức trách Uganda vừa thu giữ một tấn ngà voi bất hợp pháp, đồng thời bắt giữ 3 người châu Phi bị cáo buộc đang dự định chuyển số hàng đó lên tàu ra nước ngoài.
Người phát ngôn Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Uganda, Gessa Simplicious cho biết vụ bắt giữ được tiến hành tối 17/2 tại một ngôi nhà ở ngoại ô thủ đô Kampala, nơi các lực lượng thực thi pháp luật của nước này đã theo dõi các đối tượng tình nghi từ nhiều tuần trước.
Theo ông Simplicious, số ngà voi trên đã được đưa đến từ các nước láng giềng của Uganda như là Tanzania và Congo.
Những kẻ buôn lậu đã lợi dụng các đường biên giới mở ở vùng Hồ Lớn châu Phi để vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã trái phép.
Cũng theo người phát ngôn Gessa Simplicious, hai người mang quốc tịch Guinea-Bissau và một người quốc tịch Liberia đã bị bắt giữ và sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự liên quan đến vụ việc trên. (Bnews 19/2)đầu trang(./.