Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 20 tháng 01 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, sáng ngày 18/01/2017, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk đã tới thăm, chúc tết Chi cục Kiểm lâm vùng IV và trao đổi công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trước, trong và sau tết nguyên đán trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Kiều Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk đã gửi lời chúc sức khoẻ đến các công chức, viên chức và người lao động của Chi cục Kiểm lâm vùng IV đón một mùa xuân thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2017.
Thay mặt Chi cục Kiểm lâm vùng IV, đồng chí Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk trong năm qua.
Hai bên đã thống nhất phối hợp hỗ trợ một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trước và sau Tết Nguyên Đán mà cả 02 đơn vị cần tập trung thực hiện để công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục đạt hiệu quả cao. (Chi Cục Kiểm Lâm Vùng IV 18/1)đầu trang(
Trong số báo ngày 29/12/2016, Thời báo Ngân hàng chuyển đến bạn đọc bài viết “Nan giải bài toán thu hồi đất rừng”, phản ánh tình trạng khó thu hồi đất rừng bị người dân xâm canh, xâm chiếm để lấy đất rừng làm rẫy, lập vườn.
Để bạn đọc hiểu hơn về việc để mất hàng chục ngàn ha rừng tại khu vực Tây Nguyên nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi giúp tái sinh rừng, bản báo tiếp tục chuyển đến bạn đọc nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Những năm qua, chỉ tính riêng tại Đăk Lăk có đến 50.975ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trong suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp để giải quyết dứt điểm và thu hồi đất để tái sinh rừng.
Trong đó, diện tích bị tàn phá, lấn chiếm trước năm 2008 hơn 24.503ha, từ năm 2008 đến nay khoảng 26.471ha. Việc cưỡng chế để thu hồi và trồng mới rừng trên diện tích đất này đang rơi vào bế tắc, như đang thách thức chính quyền và các ngành chức năng địa phương này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân để mất một diện tích rất lớn về rừng và đất rừng; bị người dân xâm canh, xâm lấn dẫn đến mất rừng là do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý trong giao khoán quản lý rừng cho các lâm trường, DN trên địa bàn.
Trong khi, các lâm trường vừa yếu về năng lực quản lý, vừa thiếu ý thức trách nhiệm dẫn đến việc quản lý rừng rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Sau khi nhận được quyết định giao khoán quản lý rừng từ chính quyền địa phương, các lâm trường, DN lại lơ là trong việc bảo vệ rừng do đó việc mất rừng, mất đất rừng là điều không thể tránh khỏi.
Đơn cử, ngoài diện tích đất lâm nghiệp được UBND tỉnh Đăk Lăk cho thuê trồng cao su, rừng nguyên liệu trên địa bàn huyện Ea H’leo (Đăk Lăk) còn 8 DN nhận khoán quản lý và bảo vệ, với tổng diện tích 2.452,98ha rừng tự nhiên. Có 3 DN nhận khoanh nuôi và bảo vệ nhiều diện tích rừng.
Công ty TNHH Kim Huỳnh (xã Ea Tir) 750ha, CTCP Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Việt 625,2ha, Công ty TNHH Tân Tiến 546,4ha… Những DN, lâm trường còn lại được giao khoán quản lý từ 70 đến trên 100ha rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, sau khi nhận rừng, các DN không thực hiện đúng như cam kết ban đầu, mà buông lỏng quản lý bảo vệ rừng, để người dân tự do vào chặt phá lấy gỗ làm trụ tiêu, xâm chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy khiến diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng.
Theo kết quả kiểm tra, rà soát việc các DN thuê đất trồng cao su, nhận quản lý bảo vệ rừng năm 2016 của cơ quan chức năng, 8 DN nói trên để người dân vào chặt phá, xâm hại 439,18ha/2.452,98ha rừng. Cụ thể, Công ty TNHH Kim Huỳnh bị suy giảm 135,88ha trong tổng số 750ha rừng, đất rừng do DN nhận quản lý; Công ty TNHH Tân Tiến có 46,5ha/546,4 ha bị suy giảm, CTCP Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Việt suy giảm 48,5ha/625,2ha.
Không riêng các DN kể trên, những DN còn lại cũng để xảy ra tình trạng người dân vào chặt phá, xâm chiếm rừng. Điều đáng nói, mặc dù để mất rừng, mất đất rừng trong suốt một thời gian dài song chưa có đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm, xử lý kỷ luật
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng mất rừng, mất đất rừng là do các DN được giao quản lý rừng chưa bố trí lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh để quản lý chặt lâm phần. Việc phối hợp giữa DN nhận quản lý rừng với chính quyền địa phương, ngành chức năng để kiểm tra, phát hiện vi phạm về lâm luật không thường xuyên, kém hiệu quả. Đối tượng phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân di cư tự do khó khăn, thiếu đất sản xuất, sống dựa vào rừng là chính.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc giá cả một số mặt hàng nông sản như hồ tiêu, điều, sắn… tăng cao nên nhiều người bất chấp luật pháp đổ xô phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu, xâm canh chiếm đất canh tác trái pháp luật để thu lợi. Chính yếu tố này tạo áp lực lớn lên các DN nhận khoán quản lý bảo vệ rừng.
Đa phần DN chỉ quan tâm đến việc trồng, chăm sóc diện tích cao su, còn diện tích rừng nhận khoán quản lý thì buông lỏng. Vai trò của kiểm lâm phụ trách địa bàn, chính quyền địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về rừng còn mờ nhạt, hiệu quả kém.
Nói về cái khó của ngành quản lý rừng, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk phân trần, công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian qua mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm.
Nguyên nhân do việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép mang lại lợi nhuận cao; hàng vạn hộ dân sống xung quanh rừng có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập phụ thuộc nhiều vào rừng; nhiều DN, Ban quản lý rừng và các chủ rừng thiếu lực lượng, phương tiện không đủ mạnh để trấn áp lâm tặc; một số chủ rừng thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý…
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk, để lập lại trật tự trong công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý; các đơn vị chủ rừng tập trung phân loại các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lập phương án cụ thể xử lý, giải tỏa, trồng phục hồi lại rừng; đề nghị công an tỉnh chỉ đạo lực lượng ở các địa phương lập chuyên án xử lý các đối tượng lâm tặc, đầu nậu, phần tử dung túng, tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái pháp luật…
Để chấm dứt tình trạng xâm chiếm trái phép tài nguyên rừng giao cho các DN, chính quyền và các cơ năng tỉnh Đăk Lăk cần sớm khắc phục tình trạng yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Cùng với việc các ngành chức năng cần mạnh tay hơn trong thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, tăng cường công tác điều tra làm rõ, quy trách nhiệm và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm lâm luật, xử lý DN để mất rừng nhận khoán quản lý. Có như thế mới có thể thiết lập lại trật tự trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. (Thời báo Ngân hàng 19/1)đầu trang(
Do địa hình đồi núi hiểm trở phức tạp, cán bộ Kiểm lâm của tỉnh tương đối mỏng. Trong thời gian qua, đã xảy ra việc người dân lợi dụng, khai thác gỗ trái phép tại rừng đặc dụng Phong Quang, Vị Xuyên.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ban lãnh đạo tỉnh cùng với các sở, ban ngành trong toàn tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường hơn nữa công tác quản lý và bảo vệ rừng, tránh tình trạng khai thác gỗ trái phép tái diễn. Đến nay, tình trạng khai thác gỗ trái phép đã không còn.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề trên, cũng như việc làm thế nào để quản lý, bảo vệ rừng tốt nhất, ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: “Do địa hình trên địa bàn tỉnh Hà Giang đa phần là đồi núi khá phức tạp, lực lượng cán bộ Kiểm lâm trong toàn tỉnh lại mỏng, theo quy định mỗi một cán bộ Kiểm lâm phụ trách 1.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, tổng số cán bộ trong toàn chi cục tính đến nay vẫn còn thiếu gần một nữa, hiện tại vẫn còn tinh giản biên chế tiếp.
Cũng theo Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 100 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm, vùng lõi để đồng quản lý rừng đặc dụng, mức hỗ trợ là 40 triệu đồng/thôn,bản/năm, các chính sách hỗ trợ cho người dân được giao rừng vẫn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, quyền hạn rất hạn chế, đây cũng là lý do lâm tặc vẫn lộng hành…
Tuy nhiên, không phải thế mà Kiểm lâm tỉnh Hà Giang không sát sao, lực lượng Kiểm lâm trong toàn tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền, nhân dân, tăng cường sự hỗ trợ của lực lượng các ngành Công an, Biên phòng, Quân sự của cấp tỉnh, huyện, xã cho công tác bảo vệ rừng, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân với sự tham gia của các ngành; ký cam kết bảo vệ rừng tới từng hộ gia đình; ký cam kết không dùng cưa xăng, thành lập tổ tự quản bảo vệ rừng xuống các thôn bản, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã trong công tác bảo vệ rừng.
Phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách, khoanh vùng đối tượng nghi vấn liên quan đến các hành vi vi phạm, xây dựng các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng trên.
Xây dựng hòm thư tố giác các hành vi vi phạm, gồm hòm thư cố định tại các Trạm Kiểm lâm và hòm thư lưu động để lấy ý kiến của người dân tại các buổi tuyên truyền, họp thôn. Khen thưởng đột xuất, tuyên dương, thưởng nóng bằng tiền mặt 01triệu/ 01 cá nhân, người có thành tích tố giác, phát hiện, bắt giữ lâm tặc phá rừng trái phép.
Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo công chức Kiểm lâm các đơn vị trực thuộc và công chức Kiểm lâm thuộc các Ban quản lý rừng đặc dụng cùng tham gia. Mở lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ sử dụng mẫu biểu xử phạt vi phạm hành chính; phối hợp với Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh mở các lớp tập huấn quản lý sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đối với lực lượng Kiểm lâm.
Cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngành tổ chức; tập huấn khuyến lâm và phát triển rừng cho cán bộ Kiểm lâm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập huấn công tác quản lý, bảo vệ rừng đáp ứng cấp chứng chỉ rừng.
Chi cục Kiểm lâm cũng đã giao cho Đội Kiểm lâm cơ động về công tác phòng cháy & chữa cháy rừng phải đặt lên hàng đầu, thực hiện tốt công tác nắm bắt thông tin, có kế hoạch bố trí lực lượng đủ mạnh, tổ chức tuần tra kiểm soát tại các điểm nóng, hỗ trợ cho Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Thường xuyên tham mưu chỉ đạo các phòng ban, các cơ quan chức năng của huyện, xã tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm”.
Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Đông, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cũng rất mong Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang có hướng giải quyết tình trạng thiếu hụt biên chế về cán bộ trong toàn chi cục, có các chính sách hỗ trợ tốt hơn cho cán bộ ngành Kiểm lâm và người dân được giao bảo vệ rừng. (Gia Đình & Pháp Luật 19/1)đầu trang(
Ngày 19/1, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá kết quả năm 2016 và triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2017. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2016, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được đánh giá có nhiều khó khăn, các tụ điểm, điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép chưa được xử lý dứt điểm, triệt để. Các vụ việc chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, năm 2016, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã nhận được sự quan tâm, ưu tiên của tỉnh và các ngành liên quan. Do đó, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng trực tiếp đấu tranh, ngăn chặn và kiềm chế các hành vi, các vi phạm xâm hại đến tài nguyên rừng. Số vụ cháy rừng cũng như số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã giảm đáng kể so với năm 2015. Đây là kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Năm 2016, ngành kiểm lâm tỉnh cũng đã có sự chuyển biến tích cực hơn. Đồng thời, tranh thủ được sự ủng hộ của trung ương, của tỉnh, cũng như các ngành, các huyện thành phố.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế, như: Chậm tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, tác phong, lề lối làm việc. Chưa làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ sở.
Chưa tham mưu cho tỉnh để chỉ đạo các cơ quan hữu quan như Công an, Biên phòng, Viện kiểm sát, Tòa án để nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc, các vi phạm về luật bảo vệ phát triển rừng. Ngành kiểm lâm còn chưa sâu sát, chưa theo sát và còn chung chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.
Tư duy tiếp cận vấn đề quản lý bảo vệ rừng còn lúng túng, chung chung. Đây cũng chính là một trong những hạn chế đã được Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá trong công tác lãnh  chỉ đạo của năm 2016.
Do đó, năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến yêu cầu: Ngành kiểm lâm toàn tỉnh phải đổi mới tư duy về công tác quản lý, bảo vệ rừng, hiệu quả của hoạt động phải dựa trên kết quả cụ thể, dựa trên đánh giá về tỷ lệ tăng, giảm tài nguyên rừng. Cần nhanh chóng triển khai đề án nâng cao năng lực, tác phong, lề lối làm việc cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm toàn tỉnh gắn với tự nguyện cam kết thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa 12.
Thực hiện rà soát, sắp xếp cán bộ kiểm lâm khoa học, hợp lý theo từng địa bàn. Đặc biệt, ngành kiểm lâm phải đề xuất đưa nội dung quản lý bảo vệ rừng vào thành tiêu chí đánh giá thi đua trong bình xét Đảng bộ trong sạch vững mạnh cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Các huyện, thành phố phải xác định rõ trách nhiệm công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Đối với các ngành chức năng, phải xác định và làm đúng, làm kiên quyết, đúng pháp luật đối với các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Các lực lượng Công an, Biên phòng cũng phải phát động, ký cam kết đối với từng cán bộ, chiến sỹ trên phạm vi toàn tỉnh nói nội dung Nói không với gỗ trái pháp luật, Nói không với đầu nậu gỗ và Nói không với việc vận chuyển gỗ trái phép qua biên giới. Trên cơ sở đó, tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh để công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2017 đạt hiệu quả cao hơn. (Đài PTTH Hà Giang 19/1)đầu trang(
Báo PLVN đã có bài “Hàng chục hecta rừng bị “triệt hạ” trái phép” phản ánh gần 40 hecta rừng tại tiểu khu 229 thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị chặt phá một thời gian dài, nhưng chưa có kết quả xử lý.
Phản hồi về bài viết, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Cảm ơn báo PLVN đã quan tâm, phản ánh về vụ việc. Sau khi báo PLVN có bài viết: “Hàng chục hecta rừng bị “triệt hạ” trái phép” phía Chi cục cũng đã có phản hồi báo cáo sự việc lên cấp trên.
Được biết, gần 40 hecta rừng nói trên trước kia thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm được giao theo Nghị định 135 “Về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất…”.
Sau đó, chuyển quyền quản lý về cho UBND xã Phú Gia theo Quyết định 3789–UBND, 5/12/2014 để thực hiện đề án giao đất giao rừng số 3952 của UBND tỉnh Hà Tĩnh với mục đích là “để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững”. Nhưng thực tế, rừng lại bị một số hộ dân chặt phá.
Ông Nguyễn Cự Duẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Khê cho biết: “Rừng bị các hộ dân sẻ phát, đốt phá tại tiểu khu 229 được xác định là rừng nghèo có cây gỗ tái sinh, dây leo bụi rậm. Về nguyên tắc, các gia đình được giao rừng theo Nghị định 135 chỉ được phép quản lý, chăm sóc, bảo vệ, trồng dặm rừng chứ không được tự ý khai thác hoặc thay đổi mục đích sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Việc các hộ dân chặt, đốt rừng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật”.
Ông Duẩn cho biết thêm: “Người dân Hương Khê chủ yếu sống bằng nghề sản xuất kinh doanh về rừng nên các việc như: xâm lấn, chiếm dụng… trái phép trong những năm gần đây đang là “bài toán” hóc búa. Do ở đây lẫn lộn giữa rừng trồng và tự nhiên nên người dân lợi dụng vào đó phá rừng nên khó kiểm soát trong vấn đề này. Ví dụ như khi vào phát hiện người thì họ nói đang phát dây leo bụi rậm nhưng khi lực lượng kiểm lâm đi thì họ lại châm một mồi lửa gây cháy chẳng hạn. Rồi phía kiểm lâm cũng chỉ nắm được vùng rừng chứ về hồ sơ về việc giao khoán, như việc thuộc hộ nào, diện tích bao nhiêu thì không nắm được…”.
Ông Hoàng Xuân Tài, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm cho biết: “Trước năm 2014 thì tiểu khu 229 thuộc quyền quản lý của ban. Sau đó, thì giao về cho chính quyền địa phương để thực hiện chính sách giao đất giao rừng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở tuyên truyền vận động người dân về việc bảo vệ rừng. Thế nhưng trong quá trình triển khai thì về cho địa phương có hiện tượng một số hộ dân sau khi được giao đã tiến hành “tác động” (chặt, đốt) trên thực địa…”.
Về phía Chi cục Kiểm lâm, ông Huấn cho biết cơ quan công an đã triệu tập 46 đối tượng liên quan đến vụ việc để điều tra, xử lý. Về quy định trách nhiệm đối với chủ rừng, ông Huấn khẳng định: “Rừng trồng của chủ rừng bỏ vốn thì họ được quyền khai thác nhưng đối với cây rừng tự nhiên là phải bảo vệ. Rừng sản xuất thì có quy chế được làm gì và không được làm gì đã được quy định rõ. Anh (chủ rừng) phải tuân theo chứ không phải cứ muốn chặt là chặt được. Khi muốn chặt phải được sự cho phép của cơ quan cơ quan có thẩm quyền. Nếu họ cho rằng được giao rừng thì có quyền chặt là sai vi phạm quy định và cũng đã nhận thức sai…”.
Ông Huấn chia sẻ thêm: “Hiện nay nhu cầu của người dân về rừng là rất lớn bởi lượng thanh niên thất nghiệp ngày càng nhiều. Nhu cầu nguyên liệu keo đầu vào của các nhà chế biến gỗ ép cũng rất lớn nên việc người dân vào chiếm đất rừng để trồng là khó tránh khỏi. Cũng từ đó dẫn đến hiện tượng rừng tự nhiên bị chặt phá và sẽ rất khó kiểm soát nếu không có những biện pháp đồng bộ từ các ngành chức năng, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp…”.
Về phía kiểm lâm, ông Huấn cho biết đã vào cuộc rất quyết liệt tuy nhiên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Ông dẫn chứng: toàn tỉnh có hơn 300 ngàn hecta rừng cần phải bảo vệ, lực lượng bảo vệ vốn mỏng, tới đây còn phải tinh giảm biên chế nên càng khó khăn.
Cũng theo ông Huấn, đối với cấp xã là cấp “sâu sát” nhất trong việc bảo vệ rừng lại không có cán bộ chuyên môn về lâm nghiệp, tiền phục vụ cho cấp xã cũng không có nên công tác bảo vệ rừng ở địa phương rất yếu.
Mặt khác, ông thừa nhận: ”Có những địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. Trong khi năng lực, trách nhiệm bảo vệ rừng của chủ rừng còn hạn chế nên chưa hoàn thành nghĩa vụ trên phần đất rừng được giao…”. (Pháp Luật Việt Nam 20/1, tr7)đầu trang(
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở các làng nghề mộc: An Tường, Minh Tân, Thanh Lãng, Trung Hà...
Năm 2016, Chi cục đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ và xử lý 18 vụ vi phạm pháp luật trong quản lý, phát triển và bảo vệ rừng. Trong đó, có 4 vụ phá rừng trái pháp luật, 5 vụ khai thác rừng trái phép; 8 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản; 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 91 triệu đồng; tịch thu 1,5m3 gỗ Muồng. Hiện, Chi cục Kiểm lâm đang làm thủ tục thanh lý theo quy định.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, theo dõi hoạt động kinh doanh, chế biến lâm sản; thực hiện thống kê, rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, quan tâm, chú trọng hơn nữa vào công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, phát triển và bảo vệ rừng. (Báo Vĩnh Phúc 19/1)đầu trang(
Ngày 18-1, UBND huyện Bác Ái tổ chức hội nghị tổng kết về công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
Trong năm 2016, lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức 57 buổi họp dân với trên 7.000 lượt người tham gia; ký cam kết 227 hộ sống trong và ven rừng không vi phạm Luật và bảo vệ và phát triển rừng.
Tổ chức 668 đợt tuần tra phát hiện và xử lý 330 vụ vi phạm, thu giữ 120,4 mét khối gỗ các loại, thu nộp ngân sách gần 760 triệu đồng. Toàn huyện xảy ra 19 vụ cháy rừng với diện tích 10,59 ha, mức độ thiệt hại không đáng kể.
Trong năm 2017, huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về Luật bảo vệ và phát triển rừng; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ huy và các tổ đội phòng chống cháy rừng; thường xuyên tuần tra, truy quét các khu vực trọng điểm vùng giáp ranh về phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, nhằm giảm tối đa các vụ vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Nhân dịp này, UBND huyện đã tặng giấy khen cho 3 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2016. (Báo Ninh Thuận 19/1)đầu trang(
Chủ tịch UBND TP.Kon Tum Phan Văn Thế cho biết sau khi tiếp nhận thông tin về việc gỗ ngang nhiên được chuyển bằng bè trên sông, thành phố đã chỉ đạo xử lý quyết liệt, không bao che cho bất cứ trường hợp nào.
Trong buổi tiếp xúc, trả lời báo chí sáng 19.1, ông Phan Văn Thế cho biết, Thành phố vừa có báo cáo về vụ “Vận chuyển gỗ trên sông Đắk Bla” gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum thông báo kết quả xử lý ban đầu.
Đồng thời có văn bản yêu cầu Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP.Kon Tum và Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa khẩn trương báo cáo, giải trình làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan để gỗ ngang nhiên vận chuyển trên địa bàn mà không phát hiện được.
Trên cơ sở đó, Thành phố giao cho Phòng nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND thành phố xem xét, có hình thức xử lý tập thể và cá nhân liên quan.
“Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Thành phố đã chỉ đạo xử lý quyết liệt, không bao che cho bất cứ trường hợp nào. Sự việc xảy ra ở xã Đắk Rơ Wa dù ai tham gia, ngành nào, ai đứng sau cũng phải xử lý” - ông Thế nói.
Báo cáo của Hạt kiểm lâm TP.Kon Tum cho biết: "Nội dung thông tin báo phản ánh là đúng”. Qua kiểm tra, số gỗ tại hiện trường bờ sông Đắk Bla - thôn Kon Jơ Ri (xã Đắk Rơ Wa, TP.Kon Tum) đều không có dấu búa kiểm lâm, có dấu hiệu vi phạm. Xác minh thông tin ban đầu chưa tìm ra chủ số gỗ này là ai. Toàn bộ số gỗ bị lập biên bản là 25 lóng và gỗ xẻ hộp với khối lượng trên 8 m3, gồm các loại gỗ chò xót, dẻ, thông.
Tuy nhiên, báo cáo không hề đề cập đến 5 xe gỗ (gồm 3 xe tải, trong đó có 2 xe đã chất đầy gỗ và 2 xe cẩu gỗ) biến mất trước lúc cơ quan chức năng đến hiện trường.
Liên quan vụ việc, ông Thế thừa nhận thiếu sót "không tăng cường kiểm tra”. UBND TP.Kon Tum cũng đã chỉ đạo, giao cho Hạt kiểm lâm thành phố phối hợp với cơ quan công và UBND xã Đắk Rơ Wa điều tra, truy tìm chủ gỗ để xử lý.
Ông Thế khẳng định, TP.Kon Tum không có gỗ tự nhiên, nguồn gốc gỗ được kết bè thả theo sông về phố cần được kiểm tra làm rõ.
Trước đó, ông Vũ Hồng Sinh – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP.Kon Tum cho rằng gỗ là từ địa bàn huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai về.
Nói về số gỗ này, ông Nguyễn Ngọc Ni – Hạt phó Hạt kiểm lâm Chư Păh (Gia Lai) phân bua: "Địa bàn TP.Kon Tum giáp ranh với huyện Kon Rẫy (Kon Tum) và huyện Đắk Đoa, Chư Păh (Gia Lai) nên chưa thể khẳng định từ đâu được, Hạt sẽ cho người đi xác minh mới trả lời được".
Điều dư luận băn khoăn là gỗ được vận chuyển công khai theo đường sông, rồi tập kết thành bãi tại mỏ khai thác cát của Công ty TNHH Vật liệu xanh Bảo Sơn Kon Tum (thôn Kon Jơ Ri, xã Đắk Rơ Wa) trước khi đưa đi tiêu thụ nhưng lại không bị cơ quan chức năng và chính quyền phát hiện.
Có hay không việc tiếp tay của kiểm lâm, địa phương… và trách nhiệm của chủ mỏ cát ở đâu mà để cho đầu nậu gỗ hoạt động ngang nhiên như vậy? Trong đó, 5 chiếc xe tải và xe cẩu gỗ cùng nhiều gỗ lậu được chất đầy xe giờ đi đâu, chủ gỗ là ai vẫn chưa được làm rõ.
Về nội dung gỗ được tập kết tại mỏ khai thác cát, ông Phan Thanh Nam - Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa cho biết, sẽ mời 3 doanh nghiệp được cho là liên quan lên xác minh, làm rõ trách nhiệm. (Dân Việt 19/1; Thanh Niên 20/1, tr5; Tiền Phong 20/1, tr10; Lao Động 20/1, tr3)đầu trang(
Sau vụ bắt giữ 2 người, cùng hàng trăm khối gỗ nghiến chưa rõ nguồn gốc, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng chưa có câu trả lời chính thức.
Ngay sau khi Công an thành phố Tuyên Quang bắt giữ 2 xe ô tô tải mang biển kiểm soát: 89C -07992 và 34C - 06403 của DNTN Sơn Tùng, vận chuyển hơn 8 m3 gỗ nghiến trái phép, phóng viên Phapluatplus.vn đã có buổi làm việc tại trạm Kiểm lâm Tân Mỹ (huyện Chiêm Hóa) tìm hiểu về lý do để lọt khối lượng lâm sản lớn như vậy qua trạm.
Ông Hoàng Ngọc Đường - Trạm trưởng Kiểm lâm Tân Mỹ cho biết: "Tôi thường xuyên đi kiểm tra các xã nên không có mặt ở trạm mấy khi, hôm xảy ra sự việc là thuộc ca trực của đồng chí Phòng - Kiểm lâm viên của hạt Kiểm lâm Chiêm Hóa, và 1 đồng chí CSGT nữa thuộc Công an huyện Chiêm Hóa".
Ông Hoàng Hải Phòng khẳng định thêm: "Chiều ngày 18/12/2016 đúng là có 2 xe gỗ nghiến này qua trạm, chúng tôi đã dừng đỗ để kiểm tra, sau đó có 1 xe con 7 chỗ chở ông Bùi Thanh Tuấn - Giám đốc DNTN Sơn Tùng tới xuất trình giấy tờ thủ tục, gồm hóa đơn và bảng kê lý lịch lâm sản, khi thấy phù hợp số lượng kích cỡ và chủng loại, nên tôi đã cho 2 xe này qua trạm".
Trước câu hỏi của PV, tại sao khi về tới khu vực phường Nông Tiến, 2 chiếc xe chở gỗ nghiến này bị công an Thành phố Tuyên Quang kiểm tra lại không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp?
Ông Phòng cho biết: "Cái đó thì tôi không rõ vì có thể sau khi xuất trình giấy tờ qua trạm, ông Tuấn đã đi chơi đâu đó, chứ không có thủ tục tôi cũng không dám cho qua, mấy hôm trước trạm vừa để lọt xe biển xanh của VKSND huyện Lâm Bình chở gỗ nghiến lậu, án kỷ luật còn chưa ráo mực thì không thể sơ suất được".
Chưa bằng lòng về những câu trả lời của vị Trạm trưởng, phóng viên tiếp tục tới Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang để tìm gặp ông Nguyễn Đức Tưng - Chi cục trưởng. Nhưng nhiều lần ông này đều đi vắng, ngày 5/1/2017 mới gặp được ông Dương Văn Xy - Phó Chi cục trưởng.
Tuy nhiên sau khi được phóng viên cho xem  hình ảnh lâm tặc ngang nhiên chở những xe gỗ nghiến cao ngất nghểu chạy rầm rầm trên Quốc lộ 279 đoạn qua xã Phúc Sơn và Minh Quang (huyện Chiêm Hóa) giữa thanh thiên bạch nhật, thì vị Chi cục phó Kiểm lâm tỉnh Tuyên quang lại cho rằng: Tôi không phụ trách mảng này mà phụ trách mảng phòng hộ chống cháy rừng, nếu có gì liên quan tới cháy rừng tôi mới giải quyết.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Nông - Quyền Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Tuyên Quang khi được hỏi về những vấn đề liên quan tới việc khai thác rừng trái phép ở Tuyên Quang, ông Nông cho hay: Hiện tại bên công an họ điều tra độc lập nên chúng tôi chưa nắm được gì, nhưng căn cứ vào các hình ảnh và nội dung báo nêu, Sở sẽ cho xác minh cụ thể. Quan điểm là sẽ xử lý nghiêm bất cứ trường hợp nào liên quan, kể cả các chốt trạm buông lỏng quản lý có dấu hiệu tiếp tay cho "lâm tặc", cũng cần làm rõ, nếu cần có thể đề nghị khởi tố.
Tới đây Sở NN&PTNT sẽ yêu cầu Chi cục trưởng Kiểm lâm phải trả lời phóng viên báo chí để định hướng dư luận, giúp địa phương phát triển chứ không thể lảng tránh thế được.
Trước đó, qua tìm hiểu được biết ngay khi bắt giữ 2 xe vận chuyển khối lượng lớn gỗ nghiến trái phép của DNTN Sơn Tùng, Công an TP Tuyên Quang đã điều tra mở rộng, tạm giữ 2 anh em ruột là Bùi Thanh Tuân và Bùi Thanh Tuấn (cùng trú tại thôn Phia Lài xã Phúc Sơn huyện Chiêm Hóa) là chủ DNTN Sơn Tùng.
Qua đấu tranh khai thác các đối tượng đã khai nhận nhiều địa điểm kho bãi cất giấu lâm sản quý hiếm trái phép trên địa bàn xã Phúc Sơn, hàng trăm m3 gỗ nghiến xẻ nhóm 2A  đã bị Công an TP Tuyên Quang tiến hành thu giữ.
Điều khó hiểu là có kho gỗ được tập kết chình ình cách UBND xã khoảng vài trăm mét và những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ nghiến có giá trị tiền tỷ của DNTN Sơn Tùng nằm đối diện với trụ sở, nhưng khi trả lời phóng viên thì ông Chẩu Xuân Học - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn lại cho rằng không hề hay biết. (Pháp Luật Plus 20/1)đầu trang(
Một chiếc xe khách mang biển số nước Lào vận chuyển hơn 2,5 tấn gỗ trắc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, vừa bị Đội kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa phát hiện, tạm giữ khi lưu thông qua địa bàn.
Sáng 19.1, ông Lê Chí Triều - Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa) cho biết vừa phát hiện, bắt giữ chiếc xe khách mang biển số Lào 8524 vận chuyển hơn 2,5 tấn gỗ trắc.
“Chiếc xe khách đã được chủ xe gia cố, làm hộc để hàng dưới nóc phía trong khoang xe rất tinh vi, nhằm cất giấu số lượng gỗ quý nói trên. Sau khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm cơ động đã tích cực đấu tranh, tài xế mới khai nhận chỗ cất giấu số gỗ trắc” - ông Triều nói.
Tại cơ quan kiểm lâm, tài xế chiếc xe vận chuyển gỗ nói trên là Trần Nam Hà (36 tuổi, trú tại xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) khai nhận vận chuyển số gỗ trắc quý hiếm này từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.
Hiện nay, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 đang hoàn tất hồ sơ vụ việc nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, gỗ trắc là gỗ nhóm I, thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nên được bảo vệ nguồn gốc rất nghiêm ngặt. (Dân Việt 19/1; Vnexpress 19/1; An Ninh Thủ Đô 20/1, tr2; Nhân Dân 20/1, tr4; Thanh Niên 20/1, tr2; Nông Thôn Ngày Nay 20/1, tr7)đầu trang(
Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ 23 hộp gỗ xẻ, với khối lượng 11,845 m3 (chủng loại sến mủ, de hương, giổi thuộc từ nhóm II - IV), tại khoảnh 2, Tiểu khu 198, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.
Số gỗ này do Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Sa Loong kiểm tra, phát hiện ngày 18/1. Toàn bộ tang vật đều không có dấu búa kiểm lâm và chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản tạm giữ và vận chuyển tang vật về Hạt Kiểm lâm Ngọc Hồi để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định .
Trước đó, chiều 17/1, nhận được thông tin phản ánh tình trạng vận chuyển gỗ trên sông Đăk Blà, Hạt Kiểm lâm thành phố Kon Tum cũng đã tiến hành kiểm tra tại khu vực dọc bờ sông thuộc địa phận xã Đăk Rơ Wa, phát hiện 8,255 m3 gỗ trôi dạt trên sông.
Qua kiểm tra đo đếm có 15 lóng gỗ tròn, khối lượng 5,802 m3 (chủng loại thông, nhóm IV; chò xót, nhóm V) và 10 hộp gỗ xẻ, khối lượng 2,453 m3 (chủng loại dẻ trắng, nhóm VII; chò xót, nhóm V). Toàn bộ số gỗ trên không có dấu búa kiểm lâm và không ai nhận chủ sở hữu.
Trước thực trạng trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố và các đội cơ động tăng cường tuần tra, truy quét hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép tại các vùng giáp ranh.
Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn Kon Tum đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt xảy ra tại các khu vực giáp ranh. Tết Nguyên đán là thời kỳ cao điểm các đối tượng lâm tặc lợi dụng để khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Trước đó, những ngày đầu tháng 1/2017, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum cũng liên tiếp phát hiện 3 vụ gỗ lậu tại các huyện Đăk Glei, Đăk Tô và Đăk Hà. (Tin Tức 19/1; Thanh Niên 20/1, tr2)đầu trang(
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng, tuy nhiên các vụ phá rừng vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng phức tạp.
Minh chứng là thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ vận chuyển, buôn bán, phá rừng của lâm tặc.Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, xử lý hành vi phá rừng nhưng các vụ vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra, dù quy mô các vụ phá rừng có giảm hơn so với trước. Do việc khai thác gỗ trái phép mang lại nguồn lợi lớn vì giá trị gỗ, nhất là quý rất cao nên dù bị truy quét mạnh lâm tặc vẫn tìm mọi cách để phá rừng lấy gỗ.
Song song với đó là tình trạng buông lỏng, tiếp tay, dung túng, bao che cho lâm tặc phá rừng của một số tập thể, cá nhân có thẩm quyền nhưng thoái hóa biến chất, tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, một số người dân sống dựa vào rừng như đốt rừng làm rẫy, đốn cây lấy củi, lấy gỗ bán mà chưa có giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm mới cho họ cũng làm cho rừng vẫn tiếp tục bị “chảy máu”, thu hẹp.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, theo chúng tôi còn có nguyên nhân nữa cũng khá quan trọng mà chúng ta ít đề cập đó là cơ quan chức năng chưa có biện pháp kiểm tra, quản lý nguồn gốc, xuất xứ của gỗ nguyên liệu ngay tại các xưởng chế biến gỗ thành phẩm. Đây là nguyên nhân quan trọng làm cho rừng tiếp tục bị tàn phá, nhất là các vụ vi phạm lớn.
Thực tế cho thấy địa phương nào làm tốt công tác kiểm tra nguồn gốc gỗ và xử lý các xưởng gỗ sử dụng gỗ lậu, gỗ vi phạm thì lập tức tình trạng phá rừng ở địa phương đó giảm hẳn. Bởi vì, suy cho cùng thì dù đường đi như thế nào, vận chuyển ra sao thì điểm đến cuối cùng của gỗ vi phạm vẫn là các xưởng chế biến gỗ. Đây chính là nơi tiêu thụ, tiếp tay và mang lại nguồn sống chủ yếu cho lâm tặc.
Do đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân kiếm sống dựa vào rừng tự nhiên và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, các cơ quan chức năng cần làm tốt việc kiểm tra, xử lý đối với các xưởng gỗ tiêu thụ gỗ trái phép, gián tiếp cung cấp tài chính, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. (Giáo Dục & Thời Đại 19/1)đầu trang(
Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày vào trung tuần tháng 11.2016, tại Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, Hoàng tử Anh William Công tước xứ Cambridge đã nhận món quà tặng đặc biệt từ Lê Trang - đại diện của nhóm GreenViet Đà Nẵng: voọc chà vá nhồi bông, biểu trưng cho loài động vật hoang dã quý hiếm tại Bán đảo Sơn Trà được Đà Nẵng thống nhất chọn làm hình ảnh nhận diện thành phố nhân sự kiện APEC 2017.
Hoàng tử cũng đã thích thú lắng nghe câu chuyện của những người bạn trẻ Đà Nẵng trong quá trình bảo tồn quần thể voọc chà vá tại Sơn Trà.
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Lê Trang, một cô gái trẻ đã tìm cơ hội đi dọc đất nước trong 3 năm, để tìm hiểu mạng lưới các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã và lời giải đáp cho câu hỏi “Tại sao rừng Việt Nam lại hết thú?”. Dọc theo hành trình đó, năm 2010, Trang gặp nhóm voọc, tức là nhóm GreenViet bây giờ, lúc này đang nghiên cứu và bảo tồn quần thể voọc chà vá chân xám ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Gia Lai.
Năm 2012, họ chính thức thành lập và ra mắt Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet đặt văn phòng tại Đà Nẵng, đồng thời chọn Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để ưu tiên bảo vệ vì những đặc điểm độc đáo của nơi này. Đặc biệt trung tâm quyết định sử dụng hình ảnh của quần thể voọc chà vá chân nâu ở đây để thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng.
Không lâu sau, hình ảnh và thông tin của loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được GreenViet đưa đến khắp các cơ quan, khách sạn, quán cafe, xe taxi, sân bay và trung tâm thông tin du lịch, trường học…
Các cuộc hội thảo, tập huấn “Tôi yêu Sơn Trà”, “Hiệp sĩ nhí rừng Sơn Trà”, triển lãm ảnh “Đời sống của voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà”, hay Tọa đàm “Cộng đồng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học của Sơn Trà” là những ý tưởng và việc làm của GreenViet để đưa hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu hiện chỉ còn hơn 500 cá thể ở bán đảo Sơn Trà đến cộng đồng.
Với tư cách đại diện GreenViet, Lê Trang đã tham gia và báo cáo tại Hội nghị Bảo tồn sinh vật tại Madison, bang Wiscosin (từ 17 đến 21.7.2016) theo lời mời của TS Chia Luen Tan, Viện Nghiên cứu bảo tồn, vườn thú San Diego của Mỹ.
Sở dĩ Lê Trang được mời đến báo cáo tại hội nghị, vì Ban tổ chức nhận thấy mô hình sử dụng biểu tượng voọc chà vá chân nâu để kêu gọi cộng đồng bảo vệ đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà do GreenViet khởi xướng đã có những thành công đáng chú ý và là một mô hình rất hay cần được chia sẻ với các tổ chức bảo tồn ở các nước.
Nhiều nhà khoa học các nước sau hội nghị này đã đến tiếp xúc và đánh giá bán đảo Sơn Trà của TP Đà Nẵng là một địa điểm hết sức độc đáo, vì không nơi nào trên thế giới có được một khu bảo tồn ngay trong lòng thành phố với độ đa dạng cao như vậy.
Mô hình bảo vệ một khu bảo tồn thiên nhiên bằng cách sử dụng biểu tượng như cách mà GreenViet đang làm đã từng được thực hiện ở nhiều nơi, tuy nhiên khả năng huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở TP Đà Nẵng là rất đáng học tập.
Theo Lê Trang, sau chuyến đi này, Trung tâm GreenViet quyết định sẽ thúc đẩy để cùng với các đơn vị chức năng tiến hành các nghiên cứu nhằm bổ sung dữ liệu cho đa dạng sinh học của TP. Đà Nẵng, gồm cả khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà - Núi Chúa. Trong đó mô hình safari tự nhiên của vườn thú San Diego cũng là một mô hình mà GreenViet tâm đắc.
Vào trung tuần tháng 11.2016, Hoàng tử William, Công tước xứ Cambridge, trong chuyến thăm hai ngày tai nước ta, sau khi gặp các lãnh đạo Việt Nam, đã dự khai mạc Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, do Bộ NN&PTNT tổ chức với sự hỗ trợ của Chính phủ Anh.
Là một trong những thành viên trẻ được tiếp cận Hoàng tử William, Lê Trang cho biết: “Trang đã tặng một con voọc bông cho con của Hoàng tử và kể rằng ở Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng đang có 300 bạn này sinh sống trong các gia đình hòa thuận và hạnh phúc, thành phố Đà Nẵng đang xúc tiến đưa bạn này thành hình ảnh nhận diện trong Hội nghị APEC năm sau và có thể thành biểu tượng của thành phố nhằm bảo vệ họ tốt hơn. Bên cạnh đó, Trang cũng mời gia đình Hoàng tử Anh đến thăm Sơn Trà , nhằm góp phần tác động hơn nữa cho các tổ chức và chính quyền thành phố quyết tâm bảo vệ voọc, bởi vì hiện nay, trước áp lực của việc phát triển kinh tế tại Đà Nẵng khiến chính quyền đang phải lựa chọn giữa việc bảo tồn hay mở rộng các dự án phát triển ở Sơn Trà”.
Tuy nhiên, do chuyến đi của Hoàng tử là chuyến đi cấp Nhà nước, nên lịch trình phải có sự chuẩn bị của cả hai nước, Hoàng tử chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, sau Hội nghị, GreenViet cũng mời được ông Jeremy cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới, một trong những người sắp xếp chuyến đi này cho Hoàng tử William đến thăm Sơn Trà.
Dịp này, ông Jeremy cùng phu nhân đã vô cùng thích Sơn Trà. Họ đã đứng ngay trên đỉnh bàn cờ để quan sát, và cùng GreenViet thảo luận đưa ra nhiều tư vấn. GreenViet sẽ tiếp tục làm việc với ông để đưa các ý tưởng thành hiện thực, giúp Sơn Trà phát triển một cách bền vững nhất.
Cả ông và vợ ông đều cho rằng Sơn Trà đã quá đủ các cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, không cần phải có thêm cáp treo hay các công trình nghỉ dưỡng nữa, vì nếu muốn nghỉ dưỡng đã có một dãy các resort dọc bờ biển, mà chỉ cần vài chục phút đã có thể lên đến Sơn Trà.
Đến thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, đông đảo người dân Đà Nẵng vẫn chưa hết hoang mang về chủ trương xây dựng tuyến cáp treo lên núi Sơn Trà thuộc dự án công viên Đại Dương sẽ triển khai thời gian tới. Bởi rõ ràng dự án này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của cả khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là môi trường sống của loài voọc chà vá chân nâu.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Tôi khẳng định là lãnh đạo TP Đà Nẵng chưa bao giờ họp bàn về chủ trương xây tuyến cáp này. Và TP cũng chưa giao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nào nghiên cứu, xem xét cả”. Ông Thơ cũng nêu rõ: “Quan điểm của TP là xem Sơn Trà như báu vật thiên nhiên ban tặng, lá phổi xanh nên cần phải bảo vệ. Mọi việc liên quan đến bán đảo Sơn Trà phải là vì lợi ích chung của người dân TP nên cần phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc”.
Như vậy, chúng ta có quyền tin tưởng, ngôi nhà ấm áp của voọc chà vá ở Sơn Trà sẽ được bảo quản an toàn, và loài thú quý hiếm này sẽ sống chan hòa cận kề bên mọi người dân, mãi mãi góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn, thu hút của thành phố bên sông Hàn. (Văn Hóa 19/1)đầu trang(
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Hải quan Cát Lái), trong chưa đầy 2 tháng cuối năm 2016, đơn vị đã phát hiện và thu giữ gần 6 tấn ngà voi vận chuyển trái phép vào Việt Nam thông qua Cảng Cát Lái (quận 2, TP. Hồ Chí Minh).
Cụ thể, vào ngày 6/10/2016, chi cục đã chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an - C74), Trạm Biên phòng Nhà Rồng (Biên phòng cảng TP.Hồ Chí Minh) tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng trong container ECMU1164264. Kết quả, đoàn kiểm tra đã phát hiện 2.052 kg ngà voi được cất giấu tinh vi trong 12 khúc gỗ xuân đào xẻ hộp nhập khẩu từ Mozambique.
Tiếp đến, vào ngày 21/10/2016, chi cục đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm tra lô hàng thuộc 2 container số EITU0367670 và EMCU6036224 của CtyCP Sản xuất thương mại Đào Gia, phát hiện 595 kg ngà voi và 277 kg vẩy tê tê được giấu trong 14 khúc gỗ đã được khoét rỗng ruột.
5 ngày sau, chi cục phối hợp tiếp với các lực lượng chức năng trên địa bàn khám 2 container số TCLU3151586 và TEMU3851761, phát hiện 863 kg ngà voi Châu Phi.
Sau đó, vào ngày 1/11/2016, chi cục phối hợp với Đội Kiểm soát (Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh) khám xét 2 container ECMU2138085 và TEMU5294840, phát hiện phát hiện 92 mẫu vật (trọng lượng 446,7 kg) ngà voi có dính tạp chất được giấu trong 10 lóng gỗ khoét rỗng ruột, có chèn mùn cưa bên trong lóng gỗ, dán kín bằng keo và đóng đinh, phủ đất bên ngoài để che giấu các mối nối.
Đến ngày 24/11/2016, chi cục phối hợp tiếp với Đội Kiểm soát Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh khám xét 2 container ECMU1687060 và CMAU0552920, phát hiện 620 kg ngà voi giấu trong các khối gỗ rỗng ruột đóng kín bằng đinh gỗ để tránh phát hiện qua máy soi.
4 ngày sau, chi cục phối hợp với Đội 4 - Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm tra 3 container TTNU3446910, CRXU31844928 và MEDU3679243, phát hiện tiếp 537kg ngà voi giấu trong các lóng gỗ khoét rỗng ruột, chèn thạch cao bên trong.
Đến ngày 1/12/2016, chi cục tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 3 container và phát hiện tiếp 529 kg mẫu vật nghi là ngà voi có dính tạp chất được giấu trong 2 phiến gỗ rỗng ruột. Chi cục đang chờ kết quả giám định.
Như vậy, tính từ ngày 6/10 đến ngày 1/12/2016, Hải quan cảng Cát Lái đã phát hiện và thu giữ số lượng ngà voi vận chuyển lậu lên đến 5.643 kg. Kết quả này đã được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đánh giá rất cao, biểu dương và xem là một trong những điểm sáng trong các mặt công tác của đơn vị trong năm 2016. (Thời báo Tài chính VN 18/1; Thanh Tra 20/1, tr12)đầu trang(
Ngày 19-1, các Cơ quan chức năngtỉnh Đồng Nai đã làm việc với Ban giám đốc khu du lịch Vườn Xoài về phương án nuôi nhốt cá thể Rái Cá Vuốt Bé - Một loài động vật cực kỳ quý hiếm của Việt Nam cũng như thế giới.
Theo kế họach trước đó, thì sáng 19-1, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai sẽ phối hợp với Hạt kiểm lâm Biên Hòa và Công an kinh tế Đồng Nai tiến hành thả cá thể Rái Cá Vuốt Bé - một loài động vật quý hiếm về với thiên nhiên rừng Quốc gia Cát Tiên.
Tuy nhiên, với mục đích phối giống loài động vật cực kỳ quý hiếm này theo đề nghị của Khu du lịch Vườn Xoài, lãnh đạo tỉnh đã chấp thuận cho cơ quan chức năng thực hiện phương án gia hạn nuôi nhốt cá thể Rái Cá thêm 3 tháng tại Khu du lịch Vườn Xoài.
Trước đó, vào khoảng 9h, ngày 1-6-2016, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra và phát hiện 3 cá thể Rái Cá được đưa lên khoang tàu số 7 của tàu SE6 tại Ga Biên Hòa nghi là do một nam thanh niên khoảng 30 tuổi vận chuyển ra Bắc.
Sau khi phát hiện, 3 cá thể này đã được Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai chuyển về khu du lịch Vườn Xoài nuôi nhốt để điều tra nguồn gốc cũng như người vận chuyển. Tuy nhiên, do sức khỏe quá yếu trong quá trình bắt và vận chuyển lên tàu nên 2 cá thể đã bị chết ngay sau khi chuyển về Khu Du lịch vườn xoài. Xác của 2 cá thể bị chết sau đó đã được bàn giao cho Tổng cục dự trữ Nhà nước bảo quản theo quy định.
Riêng một cá thể Rái Cá đực sống sót đã được nuôi nhốt với một số cá thể Rái Cá khác của khu du lịch Vườn Xoài. Thời gian gần đây, cá thể Rái cá đực đang trong quá trình giao phối với 2 cá thể Rái Cá cái ở khu du lịch này nên phía Ban giám đốc khu du lịch xin gia hạn nuôi nhốt cá thể Rái Cá đực thêm 3 tháng nữa với mục đích phối giống để giữ lại gen động vật quý hiếm này.
Kiến nghị của Khu du lịch đã được lãnh đạo UBND tỉnh đồng ý vào sáng ngày 19-1 nên đại diện các cơ quan chức năng đã lập biên bản làm việc và biên bản Ban giám đốc Khu du lịch Vườn Xoài cam kết bảo vệ nghiêm ngặt cá thể Rái Cá không được để mất và đảm bảo sức sức khỏe của cá thể Rái Cá đực trong 3 tháng tới. Bởi, theo đại diện Chi cục kiểm lâm Đồng Nai thì Rái Cá Vuốt Bé là loài động vật cực kỳ quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam cũng như thế giới cần được  bảo vệ nghiêm ngặt. (Báo Đồng Nai 19/1; Thanh Niên 19/1; An Ninh Thủ Đô 20/1, tr2; Đại Đoàn Kết 20/1, tr2; Thanh Niên 20/1, tr2; Nông Thôn Ngày Nay 20/1, tr2)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau 5 năm hoạt động, Quỹ đã thu được gần 84,2 tỷ đồng. Số tiền đã được giải ngân kịp thời đến các chủ rừng và ban quản lý trồng rừng ở cơ sở, góp phần bảo vệ hơn 300.000 ha rừng và hơn 5.000 ha rừng trồng mới. (Nhân Dân 20/1, tr5)đầu trang(
Năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thu được khoảng 60 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên diện tích rừng 172.635 ha, chiếm khoảng 67% diện tích rừng của tỉnh Đắk Nông.
Trong những năm qua, bằng những hoạt động tuyên truyền và  đốc thúc các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ nghĩa vụ đóng quỹ để thực hiện chính sách chi trả môi trường rừng. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí DVMTR.
Nguồn Quỹ DVMTR đã kịp thời chi trả cho các chủ rừng, cung ứng DVMTR, đặc biệt chi trả cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn, bon nhận giao khoán bảo vệ rừng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức khi cộng đồng tham gia chính sách.
Đến thời điểm hiện nay, Quỹ DVMTR đã chi gần 7 tỷ đồng cho các hộ dân và các tổ chức đơn vị tham gia giữ rừng. Theo đó, toàn tỉnh đã có khoảng 30 chủ rừng tổ chức nhà nước, 12 cộng đồng dân cư thôn, buôn, 8 xã, 26 chủ rừng đối tượng được thuê đất, thuê rừng, hơn 1.050 hộ nhận khoán tại các ban quản lý bảo vệ rừng đặc dụng được hưởng lợi.
Hiện nay, Đắk Nông đang chi trả DVMTR theo 2 mức: Lưu vực sông Đồng Nai mức chi trả hơn 400 ngàn đồng/ha/năm, lưu vực sông Sêrêpốk mức chi trả 180 ngàn đồng/ha/năm. Mức trung bình của người tham gia giữ rừng năm vừa qua dao động tư 6 – 15 triệu đồng/hộ/năm. Bắt đầu từ năm 2017 thực hiện nghị định mới, số tiền chi trả dịch vụ MTR sẽ nâng từ 20 đồng/KW lên 36 đồng/KW, tăng 1,8 lần so với những năm trước.
Theo ông Lê Văn Quang, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thì việc chi trả DVMTR phần nào cải thiện được đời sống của người làm nghề rừng, cái được lớn nhất là góp phần nâng cao nhận thức và ý thức quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng, người dân được nhận khoán được tốt hơn. Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Đồng thời, đây cũng là nguồn thu giúp đồng bào vùng sâu, những hộ làm nghề rừng ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, đem lại công bằng hơn giữa người sở hữu rừng và đối tác sử dụng dịch vụ về rừng. (Báo Đắk Nông 20/1)đầu trang(
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND tỉnh về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Đinh Dậu năm 2017.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt những nội dung sau:
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của "Tết trồng cây" với nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả; động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng và công tác trồng cây, trồng rừng gắn liền với phát triển KT - XH, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc tổ chức “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, LLVT trên địa bàn và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
Thời điểm tổ chức “Tết trồng cây” năm 2017 trong tỉnh bắt đầu từ ngày 06 tháng 02 năm 2017 (Tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu).
Các địa phương, đơn vị  xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2017. Chỉ rõ về địa điểm trồng cây, trồng rừng cụ thể, bố trí trồng cây ở những nơi đất trống trong cơ quan, khu công nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông, bờ kênh mương, trên các bờ vùng, bờ thửa, vùng đồi gò, đất trống...
Nâng cao việc quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tranh thủ thời vụ, thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao. Tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng; bảo vệ và PCCC rừng trong mùa khô hanh, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để đảm bảo cây trồng, rừng trồng phát triển tốt, tập trung phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.
Đề nghị UB MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể quần chúng phối hợp vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia Tết trồng cây thiết thực, đạt hiệu quả cao.
Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức tốt Tết trồng cây; chỉ đạo các đơn vị sản xuất cây giống trong tỉnh chuẩn bị cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho nhân dân, đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của "Tết trồng cây", trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng; kịp thời động viên, biểu dương những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt. (Báo Hòa Bình 20/1) đầu trang(./.