Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 18 tháng 12 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Việc quá tải trong khai thác tài nguyên thiên nhiên ven biển và tác động của các thảm họa tự nhiên như gió bão, sạt lở bờ biển, nước biển dâng... đã ảnh hưởng nghiêm trọng làm sụt giảm diện tích rừng ngập mặn cũng như sự đa dạng hệ sinh thái vùng ven biển của tỉnh Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển 130 km. Do đặc điểm tự nhiên nên tỷ lệ diện tích rừng ngập mặn rất ít, phần lớn rừng hiện có ở các huyện ven biển là rừng phòng hộ ven biển (trên 18.000 ha). Tuy nhiên, cả hai loại rừng này đều không được quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Việc phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát của người dân cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đã dẫn đến tình trạng sạt lở tại bờ biển, cửa biển và các khu dân cư ven biển ngày càng nghiêm trọng.
Trước đây, khu vực bờ tràn, giáp ranh giữa xã Tịnh Hòa và Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh) có quần thể động thực vật vô cùng phong phú với loài chiếm ưu thế là cây bần. Khi nghề nuôi tôm nước lợ bắt đầu xuất hiện cũng là lúc quần thể sinh vật này bị đe dọa, tiêu diệt. Không biết bao nhiêu cây bần đã bị chặt phá để nhường chỗ cho các ao nuôi tôm, kéo theo đó là sự biến mất của rất nhiều loài động, thực vật khác.
Tại Quảng Ngãi, tác động của con người đã làm mất khá lớn diện tích rừng ngập mặn làm giảm tính đa dạng sinh học. Hiện thực vật vùng rừng ngập mặn có tính đa dạng về thành phần loài không cao, chỉ có 3 loài cây chính là đước, cóc trắng và dừa nước. Thảm thực vật dưới tán lá rừng ngập mặn là ô rô và cói cùng một số loài cỏ năn.
Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậụ, hạn chế bão lũ, triều cường. Rừng ngập mặn có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường. Khi mực nước biển dâng cao sẽ xảy ra nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm cũng sẽ bị nhiễm mặn. Trong khi đó, rừng ngập mặn lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó sẽ tạo nên một vùng đất mới.
Có thể thấy những lợi ích, hiệu quả mà rừng ngập mặn mang lại. vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo vệ, khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn đã bị tàn phá, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng mới vẫn đang là bài toán khó. Vì lợi ích kinh tế, vì kế sinh nhai, rừng vẫn có thể bị chặt phá nếu không được trông coi, giám sát chặt chẽ.
Ngoài việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, quản lý rừng, công tác tuyên truyền, Quảng Ngãi đang đề xuất các dự án nhằm nhanh chóng phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn. Dự án trồng mới rừng ngập mặn phòng hộ xung yếu kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh có quy mô 129,82 ha đang được thực hiện trên địa bàn các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà huyện Tư Nghĩa; xã Tịnh Khê huyện Sơn Tịnh và xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ nhằm bảo vệ hệ thống đê biển, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án hỗ trợ phát triển rừng ngập mặn sản xuất được triển khai trên địa bàn các xã Bình Phước, Bình Thới (huyện Bình Sơn) và xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh) với mục tiêu duy trì diện tích rừng hiện có; trồng mới rừng trên một số diện tích đất bãi lầy hoang hóa, đất nuôi trồng thủy sản không hiệu quả; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển. Việc phát triển dự án này giúp Quảng Ngãi quản lý bảo vệ toàn vẹn 171,96 ha rừng ngập mặn hiện có; hỗ trợ trồng mới 89,71 ha rừng ngập mặn trên một số diện tích đất bãi lầy hoang hóa, đất nuôi trồng thủy sản không hiệu quả.
Việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ở Quảng Ngãi là vấn đề hết sức cấp thiết để bảo vệ môi trường ven biển bền vững, rất cần đến sự chung tay góp sức của cả chính quyền và người dân cùng tháo gỡ khó khăn, trở ngại. Khi đó, các dự án sẽ phát huy tác dụng nhiều mặt, đặc biệt là phòng ngừa thảm họa thiên tai.
Theo số liệu kiểm kê rừng toàn tỉnh Quảng Ngãi, năm 2002, diện tích rừng ngập mặn có 312 ha, tập trung ở huyện Bình Sơn. Thế nhưng đến cuối năm 2013 thì tổng diện tích rừng ngập mặn của tỉnh chỉ còn 197,13 ha, tập trung ở huyện Bình Sơn 188,00ha (xã Bình Dương 10,51ha, Bình Phước 144,72 ha, Bình Thới 18,11ha) và huyện Sơn Tịnh (xã Tịnh Khê 9,13ha). So với năm 2002 thì diện tích rừng ngập mặn hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giảm 114,87 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản. (Tài Nguyên & Môi Trường 16/12) đầu trang(
Ngày 17-12, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bắc Bình đã đến khu vực rừng bị phá tại xã Phan Sơn (huyện Bắc Bình) để đo đạc hiện trường, thống kê số gỗ bị lâm tặc chặt phá.
Để vào khu vực rừng bị lâm tặc chặt phá, đoàn kiểm tra phải dùng xe Win chuyên dụng đi rừng, băng hơn 10km từ đường lớn vào bìa rừng. Từ bìa rừng đoàn tiếp tục đi khoảng 3km qua các đoạn đường rừng núi quanh co, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 1 giờ, băng qua nhiều con suối và đồi mới tiếp cận được khu vực này.
Theo báo cáo tại chỗ của lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (đơn vị quản lý khu vực rừng bị phá), lực lượng chức năng đã phát hiện rừng bị tàn phá ngày 5-11. Sau đó, lực lượng bảo vệ rừng đã liên tiếp báo cáo sự việc lên cấp trên để tiến hành các biện pháp ngăn chặn.
Hạt kiểm lâm huyện Bắc Bình cũng đã triển khai kế hoạch truy quét lâm tặc, ngăn chặn vụ việc. Tại hiện trường vụ phá rừng, nhiều cây bằng lăng bị đốn hạ, cưa thành khối nhưng lâm tặc không thể lấy đi do lực lượng chức năng đã ngăn chặn kịp thời. Theo thống kê sơ bộ toàn bộ số gỗ bằng lăng trên được cưa thành 60m3, lâm tặc đã chuyển đi 25m3 rồi “bỏ của chạy lấy người” để lại hiện trường 35m3.
Do đây là khu vực hẻo lánh, có vách núi dựng đứng, giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng nên lâm tặc đã rất kỳ công mới chuyển được gỗ đi. Gỗ cưa thành khối xong kéo dây cáp lên vách núi dựng đứng để đưa sang bên kia núi. Tiếp đó xe cải tiến có gắn bánh xích chở gỗ đi.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ được một khối lượng lớn dây cáp. Lần theo dấu vết của lâm tặc, cơ quan chức năng xác định gỗ được đưa đi theo con đường cũ đã hình thành từ nhiều năm qua. Khu vực khai thác trái phép thuộc tỉnh Bình Thuận nhưng sau đó được đưa nhanh qua địa phận tỉnh Lâm Đồng. Hoạt động khai thác gỗ trên chủ yếu diễn ra vào ban đêm, lâm tặc thắp đèn phá rừng xẻ gỗ và luôn dò chừng bước đi của lực lượng chức năng.
Một số khối gỗ đã được các cán bộ giữ rừng tổ chức cưa lên tạo thành dấu vết nhằm ngăn chặn lâm tặc vận chuyển ra khỏi rừng đem đi tiêu thụ. Vì vậy sau đó lâm tặc không dám quay lại hiện trường.
Theo nhiều cán bộ kiểm lâm và bảo vệ rừng, hiện cơ quan chức năng không thể đem tang vật ra khỏi rừng do địa hình quá hiểm trở và không có phương tiện phù hợp. Còn phía lâm tặc được “trang bị” hiện đại hơn khi có xe cải tiến, dùng cách kéo gỗ bằng dây cáp lên vách núi.
Các nhóm lâm tặc hoạt động theo kiểu rình rập, chờ lực lượng chức năng rút là tiếp tục khai thác vào ban đêm và sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng. Trong quá trình truy quét lâm tặc, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ được nhiều xe bò.
Tại khu vực rừng bị tàn phá hiện có nhiều cây gỗ bằng lăng loại lớn. Ông Phan Văn Minh, trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, cho biết vụ phá rừng đã được phát hiện và tổ chức ngăn chặn kịp thời. Nếu không làm nhanh lâm tặc đã tấu tán được tang vật, số gỗ bằng lăng tại khu vực rừng còn lại sẽ rất khó tồn tại.
Hiện cơ quan này đã gửi báo cáo cho Sở NN&PTNT Bình Thuận, Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng huyện Bắc Bình để xin ý kiến chỉ đạo xử lý tiếp theo.
Sau ngày kiểm tra 17-12, các cơ quan chức năng của huyện Bắc Bình sẽ củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án phá rừng trên để điều tra làm rõ. (Tuổi Trẻ 18/12) đầu trang(
Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết đã có gần 1.700 người và 30 xe chữa cháy được huy động để dập lửa, cứu rừng đặc dụng ở Sóc Sơn.
Trao đổi với các phóng viên đầu giờ chiều 17.12, bà Đỗ Thu Nga, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, đám cháy rừng xảy ra tại xã Quang Tiến được phát hiện lúc 9 giờ 30 phút sáng 17.12.
Do thời tiết hanh khô, ngọn lửa lan rất nhanh trên diện rộng. Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng huyện Sóc Sơn đã điều động khoảng 1.700 người và 30 xe cứu hỏa để dập lửa.
Sau gần 2 tiếng chữa cháy, khoảng 11 giờ 30 phút ngọn lửa đã được khống chế và dập tắt, rất may không có ai bị thương.
Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, diện tích rừng bị cháy rộng khoảng 4 ha, thuộc quyền quản lý của một đơn vị quân đội và Công ty lâm nghiệp Hà Nội.
Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. (Thanh Niên 17/12) đầu trang(
Mặc dù tỉnh Lai Châu đã vào cuộc tích cực nhưng tình trạng khai thác gỗ Pơ Mu vẫn ngang nhiên diễn ra tại khu vực giáp ranh rừng Quốc gia Hoàng Liên của huyện Văn Bàn (Lào Cai) với huyện Than Uyên. Vì “miếng cơm, manh áo”, hàng ngày những người dân lương thiện đã vô tình xâm hại rừng để kiếm lợi nhuận mà không hay biết mình đang vi phạm pháp luật.
Trở lại bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên vào những ngày cuối năm, được nghe nhiều câu chuyện của người dân xung quanh về việc khai thác gỗ lậu trong rừng Quốc gia Hoàng Liên. Theo bà con nơi đây, mỗi ngày có đến hàng chục lượt người “đổ xô” vào rừng để kéo, vác gỗ về dựng nhà hoặc bán cho các đầu nậu tại các xưởng gỗ.
Là người dân sinh sống ngay cạnh đường giao thông nội bản (tuyến đường huyết mạch nối từ Quốc lộ 32 vào bản Hua Than), chị Tráng Mai Dung, dân tộc Mông ở bản Hua Than chia sẻ: “Gần một tháng trở lại đây, người dân ở đâu kéo về đây lấy gỗ rất đông. Mỗi ngày có từng đoàn người đưa gỗ từ sâu trong núi về qua bản, rồi các xe máy đợi sẵn chở đi. Cứ nhìn con đường mòn phía sau bản là biết thực trạng này đang diễn ra rất nhức nhối ảnh hưởng đến cả cuộc sống của bà con”.
Sự bức xúc của chị Dung cũng là lo lắng của trưởng bản Hua Than - Sùng A Vàng. Nhà trưởng bản nằm ở cuối con đường “tuồn” gỗ xuống nên những động tĩnh cũng như thời gian hoạt động, vận chuyển đều được ông nắm rõ trong lòng bàn tay. Nói đến vấn đề này, ông Vàng thở dài: “Nạn khai thác gỗ lậu vẫn chưa dừng lại, thậm chí còn ngang nhiên và nhiều hơn trước. Họ hẹn nhau tại điểm tập kết, giao gỗ sau đó vác gỗ về. Để tránh bị lộ, “lâm tặc” còn chọn thời điểm giữa trưa và chiều muộn đưa gỗ về. Phía dưới đường, nhiều xe máy sẵn sàng bốc gỗ chở đi”.
Theo những vệt dài do gỗ tạo ra trên đường mòn dựng ngược nối từ phía sau bản thẳng vào cánh rừng gỗ quý, bắt gặp hơn chục người đang vác những tấm gỗ to và khá nặng. Thấy bóng người lạ, đoàn người ngập ngừng dựng lại. Đến đây, một thanh niên tách tốp để đi trước như rò xét điều gì. “Đi lấy gỗ về làm nhà thôi, không phải khai thác để bán đâu”‘- người thanh niên nói. Thấy không có vấn đề gì quá nghiêm trọng, người này ra hiệu cho toán phía sau tiếp tục hành trình đưa gỗ ra.
Qua quan sát, rất nhiều tấm gỗ có chiều dài khoảng 2m, rộng 40-50cm, dày 15cm; một số thanh niên còn vác cưa máy, mang tư trang và súng kíp theo. Gặng hỏi tên tuổi và địa chỉ nhưng đều nhận những cái lắc đầu. Chỉ trong vòng một tiếng đông hồ, PV đã đếm được khoảng 20 tấm gỗ vẫn còn thơm mùi nhựa...
Ông Vàng cho hay, đường này trước đây chỉ là tuyến đường dân sinh để người dân trong bản lên nương làm thảo quả. Chục năm trở lại đây, tuyến đường trở nên khó đi hơn vì bị lâm tắc mở rộng do tác động của việc kéo gỗ. Không biết mỗi ngày sẽ có bao nhiêu cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ.
Thực tế những lâm tặc này chính là người dân địa phương trong huyện Than Uyên vào khai thác. Họ biết rằng việc chặt phá rừng lấy gỗ là vi phạm pháp luật nhưng vì cuộc sống nên đành làm liều. Những cây gỗ Pơ Mu của rừng Quốc gia Hoàng Liên vẫn đang từng ngày bị đốn hạ không thương tiếc.
Theo tìm hiểu, mỗi tấm gỗ Pơ Mu mang về bán cho các đầu nậu với giá từ 500.000 - 800.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng, mỗi tấm gỗ bình quân nặng 28-30kg những người khỏe có thể vác và kéo 2 tấm mỗi lần đi. Thời điểm khai thác gỗ rầm rộ thường vào trước những dịp lễ, tết khi mà người dân cần phải chi tiêu gia đình. Họ lại lên rừng để khai thác gỗ trộm về bán kiếm lời.
Việc khai thác gỗ lậu không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng mà cuộc sống của bà con ở bản Hua Than cũng đang bị xáo trộn, do người dân ở địa bàn khác đi vào gây tình trạng mất an ninh trật tự. Theo phản ánh của đồng bào nơi đây, kể từ khi việc khai thác gỗ lậu diễn ra thì những nương thảo quả cũng bị ảnh hưởng bởi đối tượng trộm bẻ gẫy cây.
Để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ lậu, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong việc tuần tra, kiểm soát. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp đoàn thể, Mặt trận tổ quốc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ và phát triển rừng....  (Tài Nguyên & Môi Trường 16/12, tr15) đầu trang(
Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội có diện tích gần 11.000 ha rừng đặc dụng, giáp ranh với một số xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Với vai trò và vị trí địa lý tự nhiên quan trọng, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng luôn được chú trọng, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Một trong những đơn vị đang ngày đêm đảm đương trọng trách ấy là tập thể Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 - Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội. Mỗi khi vào mùa hanh khô, gánh nặng càng đè thêm lên vai những chiến sỹ Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 - đơn vị đảm nhiệm việc bảo vệ tuyệt đối an toàn khu rừng quốc gia.
Đại tá Bùi Xuân Kha, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 10 tâm sự: “Người dân nơi đây vẫn có thói quen lạc hậu, đốt nương bãi sau vụ thu hái. Điều này khiến lực lượng chức năng canh cánh nỗi lo”.
Ở nơi được coi như “nóc nhà của Thủ đô”, địa bàn có 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao sinh sống. “Tuyên truyền, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy đối với bà con vừa phải đúng pháp luật, lại vừa phải có cái tình”. Đại tá Bùi Xuân Kha chia sẻ và cho biết, chính những sinh hoạt thường nhật của bà con như hút thuốc, hoặc dùng lửa sưởi ấm trong lúc đi rừng, nghỉ ngơi… tiềm ẩn nguy cơ cao xảy cháy rừng.
Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 đã tham mưu cho UBND huyện Ba Vì đưa ra những giải pháp tối ưu, hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ hỏa hoạn trên đỉnh Tản Viên. Trung tuần tháng 9-2011, Vườn quốc gia Ba Vì phối hợp với Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 thành lập Cụm liên kết an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ban chỉ huy Cụm liên kết thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm tổ chức các buổi họp thôn, giáo dục bảo vệ môi trường kết hợp phổ biến kiến thức PCCC rừng cho các trường học.
Cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức và phối hợp với các đài truyền thanh các xã, thôn vùng đệm phát tin bài về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy. Các đơn vị thành viên trong Cụm chủ động tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao với các đoàn thể của các xã vùng đệm, qua đó đã trao đổi, tuyên truyền công tác bảo vệ rừng – PCCC rừng.
Với “kim chỉ nam” lấy sức dân và dựa vào sức dân để bảo vệ rừng, chỉ huy Phòng Cảnh sát PC&CC số 10 đã tham mưu chính quyền các xã thành lập các tổ, đội xung kích gồm những người thông thổ từng khu vực, địa hình để nắm tình hình cũng như kịp thời giải quyết sự cố xảy ra.
Cùng với đó, lực lượng chức năng phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện, xã vùng đệm xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa Hạt kiểm lâm Vườn và Hạt kiểm lâm huyện Ba Vì; xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, bảo vệ và xử lý vi phạm với Đồn công an Tản Viên, Ba Vì. Công tác tuần tra, kiểm soát được thực hiện liên tục, chú trọng xử lý nghiêm các hành vi đào đánh cây rừng, mua bán vận chuyển trái phép cây rừng và các hành vi làm nương rẫy trái phép…
Đối với những khu vực có hoạt động du lịch, người đứng đầu cơ sở phải lập các tổ bảo vệ rừng và PCCC rừng, sau đó đơn vị PC&CC tập huấn và có báo cáo kết quả thường xuyên. Bằng cách làm ấy, các khu du lịch Ao Vua; Hồ Tiên Sa; Thiên Sơn – Suối Ngà; Khoang Xanh – Suối Tiên; Thanh Long; Suối Mơ; Bản Cốc; Thành Thắng; Suối Ngọc Vua Bà… nhiều năm qua luôn an toàn trước “giặc lửa”.
Còn với lực lượng Cảnh sát PC&CC số 10, qua hơn 3 năm duy trì hoạt động mô hình Cụm liên kết an toàn PCCC, đã nhận được hàng nghìn thông tin hữu ích; qua đó ngăn chặn, giải quyết kịp thời nhiều vụ sử dụng lửa và đốt nương rẫy, góp phần quan trọng trong công tác PCCC và bảo vệ rừng.  (An Ninh Thủ Đô 18/12) đầu trang(
Công ty Lâm nghiệp Bến Hải là doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất-kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Ngoài số cán bộ, công nhân được biên chế, công ty còn có hơn 400 lao động hợp đồng theo thời vụ. Là một đơn vị hoạt động gắn liền với địa hình rừng núi, vùng sâu vùng xa, Công ty Lâm nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tài sản ngoài trời, bảo vệ sự bình yên của địa bàn miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh.
Ngoài công tác chăm sóc bảo vệ rừng, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, công ty còn làm tốt nhiệm vụ của lực lượng tự vệ, sẵn sàng chiến đấu. Công ty xác định hoạt động lực lượng tự vệ là một công việc quan trọng, góp phần vào nhiệm vụ quân sự- quốc phòng của huyện.
Do đó, hàng năm công ty củng cố, kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy lực lượng tự vệ phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu của cấp trên đề ra. Đơn vị có số lượng cán bộ, công nhân và người lao động đông nên biên chế thành 5 tiểu đội (mỗi đơn vị sản xuất là một tiểu đội). Các tiểu đội trưởng là đảng viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở.
Năm 2014, cán bộ tự vệ của công ty tập huấn tại Ban Chỉ huy quân sự huyện đạt kết quả khá và giỏi 100%. Công ty cử 10 người tham gia lễ ra quân huấn luyện và 18 người tham gia huấn luyện quân sự, chính trị đạt kết quả cao; cử 12 người tham gia kiểm tra công tác quân sự quốc phòng. Đội ngũ cán bộ được tập huấn đã áp dụng tích cực và có hiệu quả kiến thức đã học trong công tác phòng chống thiên tai, xử lý hậu quả sau bão lụt.
Trong năm 2014, lực lượng tự vệ của đơn vị làm nòng cốt phòng cháy chữa cháy rừng 17 vụ, huy động khoảng 600 lượt người tham gia cùng với sự phối hợp các địa phương như Vĩnh Chấp, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, thị trấn Bến Quan đạt hiệu quả tốt, giảm tối đa thiệt hại do nạn cháy rừng gây ra.
Bên cạnh công tác bảo vệ hoạt động sản xuất, phát hiện và xử lý kịp thời 3 vụ chặt phá rừng trồng, lấn chiếm đất đai, công ty còn chú ý đến công tác quốc phòng - an ninh của đơn vị, giữ vững trật tự trị an tại các địa bàn sản xuất. Công ty thành lập tại mỗi đơn vị sản xuất một tiểu đội dân quân tự vệ, kịp thời giải quyết các tình huống bất trắc xảy ra.
Những đơn vị sản xuất đóng gần địa bàn các xã, công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tạo nên cụm liên hoàn an toàn để bảo vệ vững chắc trật tự an toàn xã hội ở địa phương, không để xảy ra tình hình phức tạp.
Nhờ thế, địa bàn sản xuất, hiện trường sản xuất, kinh doanh được bảo đảm an toàn tuyệt đối, tài sản cá nhân, tập thể được giữ gìn tốt. Trên địa bàn công ty quản lý, công tác phòng chống cháy nổ được thực hiện triệt để, không có đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông cũng như các tệ nạn xã hội, góp phần đắc lực vào sự phát triển bền vững của công ty.
Bên cạnh việc chỉ đạo lực lượng tự vệ hoạt động có hiệu quả, công ty còn thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa và phúc lợi xã hội. Công ty tổ chức nhiều đợt cho cán bộ, công nhân, người lao động đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện, nghĩa trang quốc gia trên địa bàn tỉnh, khu di tích Thành Cổ Quảng Trị.
Công ty Lâm nghiệp Bến Hải là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tự vệ của khối cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Linh trong nhiều năm qua. Công ty gắn sản xuất với bảo vệ trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Lực lượng tự vệ của Công ty Lâm nghiệp Bến Hải thực sự là nòng cốt đi đầu trong công tác bảo vệ đơn vị, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. (Báo Quảng Trị 17/12) đầu trang(
Từ đầu năm 2014 đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai) đã phát hiện và xử lý 100 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 27 vụ so với cùng kỳ.
Trong đó, 51 vụ vận chuyển lâm sản trái phép; 34 vụ cất giữ lâm sản trái phép; 14 vụ đưa trái phép công cụ cơ giới (cưa xăng) vào rừng; 1 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong vận chuyển lâm sản có nguồn gốc hợp pháp: vụ. Tịch thu gần 50m3 gỗ quy tròn các loại; 1 ô tô, 39 xe máy; 17 cưa xăng. Thu nộp ngân sách nhà nước 345 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm 2014, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã tiến hành 208 buổi tuần tra, kiểm tra tại các khu rừng đặc dụng, các vùng lõi, các lân, các lũng, các khu vực rừng đặc dụng giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Lập biên bản tiêu huỷ 39 lượt lán trại lập trái phép trên rừng và các phương tiện, dụng cụ để khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời, phối hợp với UBND các xã trong Khu bảo tồn tổ chức 21 buổi tuyên truyền về Luật Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại các xóm, bản, với 1.278 lượt người tham gia; tổ chức 9 buổi  tuyền truyền ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn thu hút trên 1.000 lượt giáo viên và học sinh tham gia…
Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng nằm trên địa bàn 7 xã phía bắc và 1 thị trấn của huyện Võ Nhai với 17,5 nghìn ha rừng đặc dụng, gần 10 nghìn ha rừng phòng hộ và gần 12 nghìn ha rừng sản xuất.
Đây là khu bảo tồn có hệ sinh thái rừng núi đá độc đáo, tính đa dạng sinh học cao, gồm: trên 160 họ với 1.096 loài thực vật và 295 loài động vật, trong đó có những loài động, thực vật đặc biệt quý hiếm cần được bảo tồn. (Báo Thái Nguyên 16/12) đầu trang(
16/12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng – bảo vệ rừng đợt 1 năm 2014 tại Ia Kênh - TP.Pleiku.
Tham gia đợt diễn tập có trên 130 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ thuộc lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, công an, quân đội và chính quyền địa phương 4 huyện: ChưSê, Đức Cơ, Chưprông, Chưpăh.
Cuộc diễn tập gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn I, tổ chức ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; giai đoạn II, triển khai thực hành chữa cháy theo các tình huống giả định.
Theo đó, cháy rừng đã xảy ra tại khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 355 - xã Ia Kênh - TP.Pleiku, do người dân đốt nương làm nương rẫy đã để lửa cháy lan vào rừng nên đã điện báo cho UBND xa Ia Kênh biết, Lãnh đạo xã đã huy động lực lượng tại chỗ đến hiện trường để chữa cháy rừng.
Nhưng do phương tiện chữa cháy tại chỗ còn thô sơ, nguồn nước chữa cháy ở xa, thời tiết hanh khô, gió mùa thổi mạnh, mặt khác, lớp thảm thực bì quá dày nên đám cháy lan rộng, khả năng lực lượng tại chỗ của xã và nhân dân địa phương không đủ khả năng dập tắt lửa, đám cháy có nguy cơ lan rộng sang các khu vực khác, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
UBND xã đã báo cáo tình hình với Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng cấp xã, lực lượng chữa cháy rừng cấp thành phố và cấp tỉnh cùng phối hợp, đưa ra phương án xử lý tình huống. Với quyết tâm cao, sự ứng phó kịp thời, nhanh gọn, sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng cùng các phương tiện chữa cháy hiện đại, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, người bị nạn được cấp cứu kịp thời.
Kết thúc diễn tập, các đơn vị trong khung diễn tập hoàn thành yêu cầu đặt ra, các lực lượng tham gia đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt là chất lượng phối hợp trong công tác chỉ huy, tác chiến phòng cháy, chữa cháy rừng đã được nâng lên một bước, đồng thời nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ rừng và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như bào vệ rừng. (Đài PTTH Gia Lai 16/12) đầu trang(
Địa bàn phân tán tại nhiều địa phương, gần các khu dân cư sinh sống và sản xuất, hơn 8 ngàn ha rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ bắc Biển hồ quản lý nhiều năm qua luôn được xem là khu vực nhạy cảm dễ bị xâm hại, nhất là tình trạng cháy rừng trong mùa khô.
Rút kinh nghiệm những năm trước với quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, thời gian qua Ban QLRPH bắc Biển hồ đang triển khai nhiều biện pháp giữ rừng có hiệu quả.
Cách đây chưa lâu, vào thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013, hàng trăm ha rừng thông hơn chục tuổi thuộc diện rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực bắc Biển hồ có nguy cơ xóa sổ bởi giặc lửa. Nhờ nỗ lực của ngành chức năng cho đến nay rừng thông này đã dần được hồi phục. Tuy nhiên nguy cơ cháy rừng vẫn luôn rình rập nhất là thời điểm mùa khô nếu như ý thức giữ rừng của người dân kém, trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền địa phương không được nâng cao.
Trao đổi với PV ông Nguyễn Đức – Trưởng ban QLRPH bắc Biển hồ chia sẻ: Rút kinh nghiệm năm 2013 cháy rừng trên diện tích lớn, cháy trên diện rộng và ngọn lửa rất là cao, công tác phòng cháy chữa cháy rất khó khăn, chúng tôi đã triển khai công tác phòng chữa cháy ngay từ đầu năm, để hạn chế cháy và chữa cháy thì công việc đầu tiên chúng tôi tiến hành sử dụng các đường băng cản lửa đốt trước có điều khiển các khu rừng trọng điểm cháy, giảm bớt vật liệu dễ cháy trên diện tích rừng có nguy cơ gây cháy lớn. Tổ chức lực lượng, bố trị lực lượng trực tất cả các chốt trọng điểm cháy trên toàn bộ khu vực rừng.
Được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ hơn 8 ngàn ha rừng phòng hộ phân tán tại các địa phương: huyện Chư păh, Ia Grai và TP Pleiku. Hầu hết diện tích rừng này đều nằm gần khu dân cư  nên việc giữ rừng luôn gặp nhiều khó khăn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giao khoán bảo vệ rừng ở những nơi xung yếu có nguy cơ cháy rừng cao đã giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị có hiệu quả hơn.
“Tôi cùng nhiều người dân trong làng nhận quản lý bảo vệ rừng lâu dài cho Ban quản lý rrừng phòng hộ bắc Biển hồ, Mùa mưa thì dễ nhưng mùa khô thì phải thường xuyên có mặt để chăm sóc, bảo vệ. Người dân hàng ngày ra vào rừng nhiều chúng tôi phải thường xuyên theo dõi, khi phát hiện có cháy rừng phải lập tức báo cho chủ rừng và ttham gia phòng chôngs cháy tại chỗ…” - ông Ksor Giúp – Làng Nhiên xã nghĩa Hưng – Huyện Chư Păh bộc bạch.
Mùa khô hanh đã đến, hơn ai hết việc giữ rừng phụ thuộc chủ yếu vào  ý thức của người dân thường xuyên ra vào rừng và sự đề cao trách nhiệm quản lý bảo vệ của chủ rừng và ngành chức năng. Chỉ có như vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây mới thực sự bền vững. (Đài PTTH Gia Lai 17/12) đầu trang(
Sáng 17-12, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Lễ công nhận Cây di sản Việt Nam đối với 2 cây Long não gần 100 tuổi, tại khuôn viên Biệt Điện Bảo Đại (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Hai cây Long não này (có tên khoa học là Cinnamomum Camphora) được trồng đối xứng tại cổng ra vào của khuôn viên Biệt Điện Bảo Đại từ những năm 30 của thế kỷ XX. Đến nay, mỗi cây đã cao gần 30m, đường kính thân cây khoảng 2,5m.
Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng Hội đồng Cây di sản Quốc gia đã trao bằng công nhận và khai trương bia đá Cây di sản tại gốc 2 cây Long não; đồng thời kêu gọi chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc anh em tiếp tục chung tay bảo vệ, chăm sóc loài cây quý hiếm này. (Sài Gòn Giải Phóng 18/12, tr2) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Quân Đội Nhân Dân cho biết: Gần đây, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh diễn ra công khai, nhưng chưa thấy chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn. (Quân Đội Nhân Dân 18/12, tr6) đầu trang(
Năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 206 vụ vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng. Xử phạt và nộp ngân sách nhà nước trên 2 tỷ 160 triệu đồng.
Trong đó, 18 vụ vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản khác; 7 vụ phá rừng trái phép; 27 vụ vi phạm quy định về phóng cháy, chữa cháy rừng; 105 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; 2 vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ động vật hoang dã; 47 vụ vi phạm khác.
Tịch thu 70,19 m3 gỗ tròn, trong đó có 43,40 m3 gỗ quý hiếm; 25,89 m3 gỗ xẻ các loại (trong đó, 6,01 m3 gỗ quý hiếm...). (Báo Cao Bằng 16/12) đầu trang(
Ở cái thời mà bệnh nan y trở thành cơn ác mộng nên nhiều người rất sợ mình mắc phải. Sợ bị ung thư và để chữa ung thư, ngày càng đông người nuôi hy vọng và các loại cỏ cây hoa lá bị nâng tầm thành "thần dược".
Cây cỏ chưa thấy đủ, lắm người dụng công nghiên cứu, kiếm tìm, nuôi hy vọng vào những bài thuốc cổ hay phương dược có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã quý hiếm. Sau những sừng tê, mật bò tót, máu huyết rắn lục đầu dồ đuôi đỏ, bột ngà voi…, nay người ta dồn tầm ngắm vào bột dược tê tê mà đông y gọi là xuyên sơn giáp.
Loài xuyên sơn giáp hay tê tê theo mô tả của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi có bề ngoài giống con thằn lằn nhưng thực ra là một loài động vật có vú, đẻ con và nuôi con bằng sữa.
Với thân dài, chân ngắn và thấp, đầu nhỏ nhọn và đuôi rất dài, toàn thân con tê tê được phủ từ mũi đến đuôi lớp vảy hình vỏ trai, cái nọ xếp đè lên cái kia trông giống ngói lợp thành từng dải dài: "Má, ngực, bụng tê tê không có vảy, chỉ lớt phớt một ít lông cứng. Da bụng tê tê trắng mềm, lưỡi là bộ phận kỳ lạ nhất của tê tê, hình con giun dài bằng nửa chiều dài toàn thân con vật. Nhờ một thứ bột dính ở lưỡi, tê tê có thể loại những đất cát ra khỏi thức ăn của nó một cách tài tình. Nếu đem mùn cưa trộn với thức ăn rồi cho tê tê ăn thì ta thấy thức ăn biến mất chỉ còn lại mùn cưa".
Thị trường vận chuyển, mua bán trái phép loài tê tê hiện đang rất sôi động với số vụ vận chuyển, mua bán trái phép bị cơ quan chức năng các địa phương phát hiện, tịch thu xử lý ngày càng nhiều. Trên các trang rao vặt, những thông tin "cần mua tê tê", "bán tê tê", "bán con trút làm thuốc"… nhiều vô kể.
Người ta mua tê tê hay bộ vảy của nó dưới nhiều hình thức, từ các trang rao vặt, tại phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông ở quận 5, TP HCM với giá rao bán đến 15 triệu đồng/kg và mua tại cửa rừng. Mới đây, trong chuyến xuyên rừng đến xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), từ một nguồn tin, PV đến tiệm ăn Bến Lội nằm trên con đường độc đạo nối giữa Khánh Hòa với Lâm Đồng và được chủ quán chào hàng những bào thai tê tê ngâm rượu với sâm rừng. Rùng mình khi biết được để có được bào thai tê tê con, người ta phải mổ bụng con mẹ khi nó đang mang thai…
Theo ghi nhận, loài xuyên sơn giáp hay tê tê được Sách đỏ Việt Nam liệt vào nhóm thú hoang dã quý hiếm, nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, mua bán dưới mọi hình thức. Nhưng buồn làm sao, khi có nhu cầu, có tiền thì ai đó vẫn có được nó. Có những quý ông khoái sưu tầm thú quý hiếm ngâm rượu khẳng định khi đã là chỗ thân quen rồi, chỉ cần ngồi tại nhà nhấc điện thoại alô là được dân đầu nậu đặc sản rừng cung ứng tại gia.
"Tay gấu, nguyên con hổ tươi roi rói, sừng tê giác, rắn hổ mang chúa nặng cả chục ký lô người ta còn chào bán tại nhà thì con tê tê nghĩa lý gì" - ông Q., ngoài 50 tuổi, lúc khoe cái tay gấu ngâm rượu, khẳng định.
"Tê tê bổ toàn tập. Máu nó giải độc, tăng cường sinh lực, vẩy làm thuốc trị đủ thứ bệnh. Thịt tê tê thì đại bổ dưỡng, ăn vào gân cơ rắn chắc, có lực… Mấy cái này không phải tôi nói mà là sách nói, được các lương y ghi chép hẳn hoi. Có tài liệu còn ghi máu và nhất là cái vảy của tê tê trị được ung thư nữa kia" - ông khách luống tuổi dáng phốp pháp nói với PV lúc ghé quán Bến Lội rinh một lúc 2 hũ rượu ngâm bào thai tê tê, trước khi lên xe.
Về sau, qua tiếp xúc với nhiều người khác tại khu đông dược ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), qua hỏi thăm, trò chuyện với những người bán lẫn người mua, chúng tôi ghi nhận nhiều thông tin về tác dụng chữa bệnh của tê tê. Kẻ bảo tiết (máu) tê tê có tác dụng tráng dương, bổ thận nên ai đó một khi đã dùng tê tê rồi, chắc chắn nội lực sẽ có sức mạnh công phá ghê hồn. Rồi những thông tin dùng vảy tê tê nấu cháo cho sản phụ thiếu sữa cho con bú, dùng chữa tà ma, chữa đau nhức xương khớp...
"So với máu thì vẩy của tê tê kém xa. Máu mới là “linh hồn” của tê tê vì nó có tính năng giải được mọi thứ đan độc. Đông y quan niệm con người ta sinh bệnh vì do độc ứ trong cơ thể. Khi uống máu tê tê vào thì độc tiêu tán… Ngặt nỗi bây giờ kiếm con tê tê tươi sống khó quá nên tui kiếm cái vảy của nó trị bệnh. Sách thuốc xưa và cả sách của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi cũng ghi vị thuốc tê tê hay xuyên sơn giáp chữa được ung thư nhưng với điều kiện chưa bị bung vỡ. Do đó nếu người nào bị ung thư chưa đến giai đoạn lở loét hay can thiệp phẫu thuật thì dùng vẩy của tê tê uống trong để triệt bệnh".
Trong cơn cuống cuồng tìm đủ mọi phương cách, thuốc men để chữa ung thư cho con trai, ông Vĩnh N., 62 tuổi, nhà ở quận Tân Phú có được bài thuốc chữa được chứng ung thư máu từ con tê tê. PV gặp ông Vĩnh N. và nghe ông nói về tác dụng của tê tê lúc ông ghé trụ sở Đoàn bác sĩ Niềm Tin tại quận Tân Bình, để được bác sĩ trưởng đoàn Trương Thế Dũng, tư vấn và động viên tinh thần.
Ông Vĩnh N. nói rằng song song với việc tuân theo phác đồ chữa trị của Bệnh viện Huyết học TP HCM, vợ chồng ông cũng cho con uống bột vẩy tê tê. Ông kể một người bạn của ông cho biết một trong những công dụng của xuyên sơn giáp là "tán huyết thông lạc", giúp cho sạch máu, giúp huyết bầm huyết ứ huyết bất thường được trở lại như cũ và lưu thông.
"Con tôi phát bệnh đến nay đã hơn 3 tháng, sức khỏe ngày càng suy kiệt. Nghe nói có người bị ung thư xương, có khối u trong người nhờ uống bột tê tê mà khỏi, biết đâu con tui… gặp may" - ông Vĩnh N. trò chuyện với bác sĩ Thế Dũng với những mong tìm được "đồng minh" về tác dụng của xuyên sơn giáp này!
Lương y Nguyễn Thái Bình (quận 12) cho biết, nhiều người còn dùng tê tê làm vị thuốc tráng dương bổ thận. Mốt ăn nhậu tê tê hầm thuốc bắc nhâm nhi với rượu pha tiết tê tê là gu của không ít quý ông khi ở tuổi xế chiều. Có người còn dùng tê tê để chữa bệnh tâm thần, trầm cảm này nọ… nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa thấy ai đưa ra dẫn chứng thuyết phục. Nghe đồn, nghe chỉ, vậy là người ta làm theo, riết rồi thành trào lưu… mà theo lương y Bình việc đó tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.
Theo các tài liệu đông y, người dân một số vùng còn dùng xuyên sơn giáp chữa chứng tắc tia sữa (nướng xuyên sơn giáp tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, có thể uống cùng một ít rượu), chữa chứng tràng nhạc vỡ loét (đốt xuyên sơn giáp nghiền nhỏ đắp vào), chữa đau nhức các khớp xương (ngày dùng 6-12gr dưới dạng uống).
Ngoài ra, xuyên sơn giáp được sử dụng làm thuốc thông sữa, chữa mụn nhọt khi được phối với một số vị thuốc khác như đương quy, bạch chỉ, hoàng kỳ, tạo giáp (gai bồ kết), phục linh…: "Theo tài liệu cổ, xuyên sơn giáp vị mặn, tính hơi hàn, có độc, vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng tán huyết thông lạc, tan ung nhọt, làm thuốc chữa đậu, trẩn, tắc tia sữa. Tuy nhiên, trong sách còn ghi ung thư đã vỡ rồi mà nguyên khí hư thì không dùng được" - trích “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”.
Các lương y giải thích, tán huyết thông lạc hiểu theo đông y là giúp máu huyết lưu thông không bị ứ trệ chứ không phải trị bệnh ung thư máu như hiểu nhầm của ông Vĩnh N. Và chứng "ung thư" được nhắc đến trong tài liệu của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi không phải là căn bệnh nan y theo như góc nhìn của tây y, mà là chứng ung nhọt (mụn nhọt).
"Vấn đề ở chỗ lâu nay, nhiều người do không có chuyên môn khi tiếp cận với các tài liệu y học cổ truyền thấy ghi cây thuốc này, con thú nọ chữa được ung thư cứ nghĩ đấy là bệnh nan y, nào biết đó chỉ là mụn nhọt. Sự nhầm lẫn này tai hại ở chỗ vì cứ nghĩ bị ung thư uống vào là hết nên thay vì điều trị tại bệnh viện chuyên khoa, nhiều người lại tự ý chữa trị cho mình, mua sừng tê giác, mua vảy tê tê về mài bột uống hay bỏ ngang phác đồ điều trị để hy vọng vào những vị thuốc mà mình ngộ nhận này.
Điều đó khiến họ mất đi cơ hội vàng, nghĩa là nếu đến bệnh viện sớm, nếu bệnh được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ rất thuận lợi, ít tốn kém, ít để lại di chứng và mau bình phục. Đằng này..." - lương y Bình trăn trở.
Do thiếu hiểu biết và ngộ nhận nên nhiều người vô tình đã góp phần hủy diệt loài thú hoang dã hiền lành này, biến chúng từ loài động vật sống hoang dã mà theo ghi nhận của Sách đỏ Việt Nam, từng một thuở đâu đâu cũng có nhưng nay đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo thông tin tuyên truyền của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Việt Nam có 2 loài tê tê gồm tê tê vàng và tê tê Java, cả hai cùng có tên trong Sách đỏ Việt Nam (nguy cấp) và Sách đỏ thế giới (nhóm cực kỳ nguy cấp) vì thường bị tiêu thụ để làm thức ăn trong các nhà hàng hoặc ngâm rượu, vảy bị bán để làm thuốc… (Tiền Phong 16/12) đầu trang(
Khoảng 8 giờ sáng 17.12, trong lúc đi bủa lưới trên vùng biển Chân Mây (cách cảng Chân Mây gần 50 m, thuộc xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), anh Hồ Đức Lâm, 26 tuổi, ngư dân ở thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh bắt được một cá thể rùa biển quý hiếm.
Nhận được tin báo, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên-Huế đã tiến hành kiểm tra. Con rùa biển sau đó được ghi nhận có chiều dài khoảng 90 cm, nặng khoảng 55 kg. Đây là loài vích, tên khoa học là Chelonia mydas thuộc họ vích Cheloniidae, thuộc loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam và bị cấm đánh bắt.
Đặc biệt trên mai và dưới chân con vích nói trên có gắn chip điện tử và thiết bị định vị của một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã ở đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Hiện con vích đang được nuôi dưỡng tại Trạm Biên phòng cửa khẩu Chân Mây trong tình trạng sức khỏe tốt. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cũng đã liên hệ với cơ quan chuyên trách để cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học, sau đó sẽ thả rùa biển trở lại đại dương. (Thanh Niên 18/12, tr3) đầu trang(
Vào mùa khô, Vườn quốc gia Bù Gia Mập (VQGBGM) luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. Để phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đạt hiệu quả, ngay từ đầu mùa khô (bắt đầu tháng 11 hàng năm), Ban quản lý vườn đã chủ động xây dựng kế hoạch và huy động toàn bộ nhân, vật lực cho công tác này.
Phó giám đốc VQGBGM Cao Ngọc Long cho biết: Vườn có diện tích hơn 26.000 ha, trong đó phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính - dịch vụ với diện tích hơn 10.000 ha là khu vực có nguy cơ cháy cao. Rừng ở khu vực này chủ yếu là lồ ô và gỗ nên rất dễ gây cháy khi thời tiết hanh khô. Dọc 2 bên dường tuần tra biên giới cỏ mọc nhiều cũng rất dễ cháy khi có tác động của nguồn lửa.
Cũng trên các tuyến đường này, lượng người và phương tiện giao thông đi lại nhiều, nếu thiếu cẩn trọng, nguy cơ cháy lan sang các khu rừng liền kề rất lớn. Đặc biệt, phía Nam và Đông Nam Vườn thuộc các tiểu khu 20, 21, 24, 26, 27, 28, 29 tiếp giáp với vùng đệm các xã Bù Gia Mập, Đắc Ơ (Bù Gia Mập) và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông tình trạng cháy rừng luôn báo động đỏ. Do người dân vào mùa khô thường đốt dọn nương rẫy hoặc xâm nhập trái phép để khai thác lâm sản, săn bắt động vật, đánh bắt cá cũng dễ gây cháy rừng...
Nhằm hạn chế tối đa cháy rừng, Ban quản lý VQGBGM thực hiện 4 nguyên tắc tại chỗ: (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần). Lực lượng chuyên trách PCCCR của vườn gồm 60 người, đóng quân ở 10 trạm kiểm lâm; 1 tổ kiểm lâm cơ động, 1 chốt bảo vệ rừng và các bộ phận nghiệp vụ khác với quân số cắm trại trên 90%.
Ngoài ra, có 13 đơn vị cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng với 300 lao động, trong đó quân số thường trực là 134 người. Lực lượng dân quân các xã vùng đệm cũng được huy động khi cần thiết. Các trạm kiểm lâm, cộng đồng nhận khoán, tổ kiểm lâm cơ động PCCCR là lực lượng phối hợp chủ lực trong PCCCR trên lâm phần vườn. Đơn vị cũng đã trang bị đầy đủ các loại phương tiện PCCCR như: máy cày, xe Pickup, máy thổi gió, ống nhòm, loa chỉ huy, máy cưa, máy phát cỏ, bình xịt nước đeo vai, chổi chà, bàn dập lửa...
Hiện vườn đắp 5 hồ chứa nước lớn, nhỏ phục vụ PCCCR. Trong những ngày qua, VQGBGM cũng đã tổ chức cho cộng đồng nhận khoán, phát dọn thực bì, cây cỏ và triển khai đốt có kiểm soát tuyến đường vành đai phía Nam dài 12km. Hiện công việc đã thực hiện hoàn chỉnh.
Trong năm 2014, công tác tuần tra, bảo vệ rừng được đơn vị thực hiện chặt chẽ. Hạt kiểm lâm phối hợp các đơn vị, cộng đồng nhận khoán tăng cường tuần tra, truy quét trên toàn lâm phần vườn nên rừng được bảo vệ hữu hiệu hơn.
Tuy nhiên, tình trạng người dân vào rừng lấy măng, nấm vẫn còn diễn ra. Qua tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện khai thác trái phép 3 cây gỗ cẩm lai nhóm IIA, có khối lượng 1,1m3 sát bờ sông Đăk Huýt; 2 cây ươi có khối lượng 3,7m3 tại tiểu khu 21. Do luôn chủ động và đề cao cảnh giác nên nhiều năm qua, vườn không xảy ra vụ cháy nghiêm trọng.  (Báo Bình Phước 17/12) đầu trang(
Theo tổng hợp của Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, hiện nay trên địa bàn huyện có 8 cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã thông thường đã được các ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận, với 43 cá thể được gầy nuôi tập trung chủ yếu tại xã An Hòa và An Tân, bao gồm 26 con Nhím, 05 con Hưu Sao, 02 con Nai và 10 con heo rừng lai, giảm 02 cá thể so với đầu năm và giảm 55 cá thể so với cùng kỳ năm 2013.
Nguyên nhân đàn vật nuôi hoang dã giảm là do giá thịt heo rừng lai giảm mạnh, người chăn nuôi không có lãi nên không tiếp tục tái đàn, trong khi đó mô hình nuôi Hưu Sao đang cho thu nhập khá.
Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm tra một số cơ sở gây nuôi động vật hoang dã tại xã An Hòa, kết quả kiểm tra hầu hết các cơ sở chăn nuôi động vật rừng đều có nguồn gốc hợp pháp và chấp hành tốt các quy định của Bộ NN&PTNT. (Anlao.binhdinh.gov.vn 18/12) đầu trang(
Sáng 14-12, có một người đàn ông bày bán rắn ngay trên phố Phạm Ngũ Lão, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang).
Người đàn ông này cho biết, số rắn trên gồm các loại hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn ráo, hổ mang đất. Chỉ trong buổi sáng đã có rất nhiều người đến xem và hỏi mua.
Người bán cũng cho biết sẽ cung cấp số lượng lớn và chế biến ngâm rượu cho những ai có nhu cầu. Một số loại rắn được bày bán có tên trong danh sách động vật hoang dã cần được bảo vệ. (InfoNet 17/12) đầu trang(
Năm 2014, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lạc phát hiện và xử lý 33 vụ vi phạm quy định quản lý, bảo vệ rừng.
Trong đó, 32 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; 1 vụ vi phạm quy định chế biến gỗ và lâm sản khác. Tịch thu 1,25 m3 gỗ tròn, 4,13 m3 gỗ xẻ; xử phạt và nộp ngân sách nhà nước trên 240 triệu đồng.
Năm 2015, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lạc tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. (Báo Cao Bằng 18/12) đầu trang(
Thời gian gần đây, thời tiết liên tục khô hanh, rất dễ xảy ra cháy rừng. Để chủ động, phòng chống, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã lên phương án chuẩn bị nhân lực, phương tiện để sẵn sàng đối phó với các vụ cháy rừng có thể xảy ra.
Toàn tỉnh hiện có khoảng gần 11.000ha rừng các loại. Trong đó, rừng phòng hộ chiếm trên 4.700ha, rừng sản xuất 4370ha còn lại là rừng đặc dụng trên 1.500ha.
Trong thực tế, rừng dễ cháy là rừng tự nhiên, với diện tích trên 2.300ha tập trung chủ yếu ở các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám cùng gần 6000ha diện tích rừng trồng, chủ yếu là cây thông tại khu vực Côn Sơn, Đền Chu Văn An, Chùa Thanh Mai và rừng trồng thuộc chương trình 327. Theo báo cáo, từ tháng 12/2013 đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 8 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại trên 25ha, chiếm 0,23% diện tích rừng của tỉnh.
Theo thống kê, phần lớn các vụ cháy xảy ra ở các khu vực rừng trọng điểm cháy, vào thời điểm đêm tối. Tuy nhiên, do thực hiện tốt phương châm “phòng là chính, phát hiện lửa từ xa và tổ chức ứng cứu kịp thời, triệt để...vì vậy các vụ cháy đều được phát hiện sớm, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Để phòng chống cháy rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh lên phương án bảo vệ các trọng điểm rừng dễ cháy. Tiến hành kiểm tra hệ thống chòi canh lửa, bể nước dự trữ, biển, bảng cảnh báo. Chăm sóc, cắt tỉa, thu dọn vật liệu cháy trên 85km đường băng xanh, phát dọn 3,6km đường băng trắng. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy, đồng thời tổ chức được 29 tổ quần chúng bảo vệ rừng ở các xã, phường, thị trấn và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, tập huấn công tác phòng chống cháy rừng.
Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết có thể ít mưa và hanh khô kéo dài, đây là điều kiện phát sinh các vụ cháy. Cũng vào thời điểm cuối năm, nhân dân thường xây cất mộ, cải táng hoặc du khách đến các di tích tăng mạnh, kèm theo đó là việc đốt hương, đốt vàng mã...gây nguy cơ cháy rừng rất cao.
Để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, lực lượng kiểm lâm cần cảnh giác, làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các vụ cháy ngay lúc khởi đầu; Phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân địa phương, bộ đội đóng trên địa bàn để kịp thời xử lý hiệu quả các đám cháy, qua đó giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể xảy ra. (Đài PTTH Hải Dương 17/12) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Cây đàn hương có tên khoa học Santalum album L, họ Đàn hương (Santalaceae). Đây là cây gỗ cao 10 - 15 m, với đặc tính sinh học quan trọng nhất là có rễ cái ký sinh trên cây chủ, rễ con bám chặt vào rễ cái cây chủ bằng các giác mút, hút dinh dưỡng từ cây ký chủ để sinh trưởng và phát triển nên còn gọi đàn hương là cây gỗ bán ký sinh.
Lá nguyên, dầy, mọc đối, hình trứng hoặc hình mũi mác. Hoa mẫu 4, cụm hoa mọc thành chùm, lúc đầu màu vàng rơm, sau màu đỏ thẫm. Quả hạch hình cầu, khi chín màu đen, thịt nhiều nhựa. Ra hoa vào tháng 5 - 6, đậu quả vào tháng 7 - 9.
Đàn hương có nguồn gốc ở Đông Timor, phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), Indonesia. Ở Việt Nam cây mọc hoang ở vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Bộ phận dùng là lõi của cây gỗ, thu hoạch vào mùa thu. Gỗ màu vàng nhạt, mùi thơm ngát, dùng dưới dạng khúc gỗ hoặc gỗ bào.
Đàn hương là cây có giá trị kinh tế rất cao, được thế giới đánh giá là cây hương liệu siêu hạng, Trung Quốc đánh giá đàn hương là cây có thu nhập vào loại cao nhất trên một đơn vị diện tích, là cây “hoàng kim” giá đắt như vàng.
Gỗ đàn hương vị cay, mùi thơm tính ấm (ôn). Ly khí, ôn trung, hòa vị, chỉ thống. Chữa các chứng đau bụng vùng dạ dày, bụng dưới, đái buốt do viêm đường tiết liệu, thổ huyết, nấc, ho có đờm lâu khỏi, chữa phong thấp đau nhức xương, kinh giảm, thuốc điều khí chữa đau tim.
Theo tây y, gỗ đàn hương có tác dụng sinh lý chủ yếu là sát trùng đường niệu - sinh dục. Y học cổ truyền Ấn Độ dùng lõi gỗ đàn hương chống viêm, sát trùng, hạ nhiệt, làm săn da, chữa viêm bàn quang (cystitis), ỉa chảy, lậu mãn tính, xuất huyết, nấc, khí hư, loét và rối loạn đường tiết niệu.
Gỗ đàn hương cứng, giác trắng, không mùi, lõi vàng nâu, được sử dụng SX các loại hàng mỹ nghệ tuyệt diệu, rất đắt tiền, cất tinh dầu để SX nhiều mặt hàng quý và xà phòng thơm.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều người rất ưa chuộng dùng gỗ đàn hương để thỏa mãn nhu cầu phong phú về vật chất của cá nhân và nhu cầu sản phẩm tâm linh, được coi là biểu hiện của nhu cầu hưởng thụ mang tính quý tộc.
Nếu đàn hương trồng được 40 năm tuổi thì cho gỗ quý, nhưng trồng từ 6 - 10 năm vẫn cho sản phẩm đắt tiền và hiệu quả cao. Với mật độ trồng 1.000 cây/ha, cũng có nơi trồng 2.000 cây/ha, sau khoảng 10 năm thu được lõi 30 kg/cây, giá bán khoảng 500 USD/kg.
Như vậy, sau 10 năm doanh thu khoảng 15.000 USD/cây, bình quân doanh thu gần 1,5 triệu USD/ha/năm, tương đương 27 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp hàng trăm lần các cây rừng khác.
Giá trị kinh tế của cây đàn hương đang được tiếp tục khám phá nhằm sử dụng vào nhiều mục đích, như SX dược liệu, tinh dầu, hàng mỹ nghệ cao cấp, hàng nội thất, đồ thờ cúng trong gia đình và trong các đền chùa, đàn hương còn SX rượu, nước uống… Đàn hương là cây dễ tính, phổ thích nghi rộng, yêu cầu điều kiện sinh thái không quá khắt khe.
Đàn hương là cây nhiệt đới, á nhiệt đới, phổ nhiệt độ thích hợp từ 23 - 35 độ C. Nhiệt độ thấp hơn 13 độ C cây tạm ngừng sinh trưởng, chồi ngọn chuyển sang ngủ nghỉ. Ở những nơi không có sương giá mùa đông, đàn hương có thể tạm thời chịu được nhiệt 0 độ C, nhưng khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C lá bị rét hại, thời gian lạnh giá càng kéo dài rét hại càng lớn. Nếu nhiệt độ xuống - 3 độ C đến - 5 độ C đàn hương có thể chưa chết rét, có thể do thời gian giá rét ngắn và nhờ cây ký sinh bảo vệ giúp cành lá không bị rét hại.
Nhiệt độ cực trị dưới - 10 độ C và thời gian rét liên tục là hai yếu tố chủ yếu hạn chế sinh trưởng của đàn hương. Vì vậy, vùng thích nghi phát triển đàn hương là vùng có nhiệt độ tối thấp, bình quân nhiều năm không thấp hơn 0 độ C, tích ôn nhiệt độ bình quân ngày ≥ 10 độ C, đạt 6.000 độ C, đảm bảo thỏa mãn điều kiện nhiệt độ trồng đàn hương.
Trong vùng thích hợp ở độ cao 1.800 m so với mặt nước biển, đàn hương vẫn phát triển tốt. Nói chung, ở những vùng trồng được chuối tiêu, đu đủ, vải, mít, xoài… đều có thể trồng được đàn hương.
Lượng mưa hàng năm phù hợp với nhu cầu của đàn hương từ 600 - 1.600 mm/năm. Đàn hương không thể trồng được ở đất lúa vì đất trồng lúa lâu ngày có tầng đế cày không lợi cho bộ rễ phát triển.
Đàn hương nên trồng ở vùng đồi núi, thoát nước tốt. Đây là cây dương tính, nhạy cảm với ánh sáng, nên phải trồng ở vùng nhiều nắng hoặc ở quanh bờ rào, ven kênh mương, có điều kiện lập địa tốt. Ở những vùng đồi có cây gỗ bụi phát triển, nên trồng xen cây đàn hương vừa không tốn đất, vừa tiện chăm sóc.
Đất trồng đàn hương phải thoát nước tốt, tơi xốp, giàu Fe, P, K, độ pH từ 5 - 6, kỵ đất xốp, tầng đất dày, đảm bảo điều kiện phát triển bộ rễ đàn hương và rễ cây ký chủ, đồng thời nâng cao được khả năng giữ nước, giữ phân. Trồng trên đất có tầng canh tác mỏng, đàn hương phát triển không tốt, rất khó phát triển thành rừng, không những vậy, cây ký chủ cũng sinh trưởng không tốt, có thể làm cho cây chết.
Bộ rễ cây đàn hương chủ yếu phân bổ ở tầng sâu từ 20 - 30 cm, có rễ cái ăn sâu trên 1 m. Vì vậy, yêu cầu đất trồng đàn hương phải có tầng đất sâu trên 1 m. Rễ đàn hương kỵ đọng nước. Nếu đất đọng nước rễ đàn hương thối làm cho cây chết. Vì vậy, đất trồng đàn hương phải có mực nước ngầm dưới 1 m, đồng thời mặt đất không bị đọng nước vào mùa mưa.
Cây đàn hương tuy đòi hỏi kỹ thuật trồng không phức tạp, nhưng có yêu cầu đặc thù về cây ký chủ, cần bố trí phù hợp. Đây cũng là cây trồng dài ngày sau khoảng 6 - 7 năm trở lên, giá rất đắt, phải được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Vì vậy, nên trồng đàn hương phân tán trong các hộ gia đình, mỗi hộ trồng vài chục cây, để thuận tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ, làm giàu cho từng gia đình.
Thị trường tiêu thụ gỗ đàn hương ngày càng lớn, cũng không đủ cầu, giá bán trên thế giới từ chỗ chỉ có vài chục USD/kg, nay đã nâng lên trên 1.000 USD/kg. Hiện nay, Indonesia giá bán khoảng 500 USD/kg, ở Ấn Độ khoảng 1.000 USD/kg. (Dân Việt 18/12) đầu trang(
Để tăng cường hiệu quả của chính sách giao đất giao rừng (GĐGR), các bộ, ngành liên quan: UBDT, Bộ NN&PTNT cần tích cực phối hợp hơn nữa trong xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ tổng thể cho đồng bào DTTS.
Đó có thể là việc xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục tín dụng ưu đãi và phù hợp hơn với người trồng rừng (quy mô vốn vay, thời gian vay...); chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng rừng; huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong chế biến, liên kết người dân và thị trường...
Trước đây, công tác giao đất lâm nghiệp chủ yếu dựa theo mục tiêu “giao nhanh, cấp nhanh sổ đỏ đến tổ chức và hộ gia đình”, chưa gắn với việc thực hiện chính sách giao đất lâm nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ các nguồn lực khác cho người sử dụng và chính sách xúc tiến thị trường lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp.
Vì vậy, tuy đã giao và cấp sổ đỏ đến hộ gia đình, nhưng nhiều chủ rừng vẫn chưa bảo vệ và phát triển được diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, thậm chí không xác định được phạm vi ranh giới rừng và đất lâm nghiệp được giao trên thực địa, nên xảy ra tranh chấp giữa các chủ rừng giáp ranh với nhau.
Trong khi đó, hiện nay, chính sách giao đất lâm nghiệp mới chỉ cung cấp nguồn lực, mà chưa tạo được động lực đủ mạnh để trồng và quản lý rừng bền vững. Bởi, động lực để phát triển rừng bền vững chính là quyền sở hữu đất đai của Nhà nước được quy định cụ thể rõ ràng; các chính sách hỗ trợ khác như vốn, kỹ thuật; thị trường lâm sản và dịch vụ phát triển; kỹ thuật, kỹ năng quản lý đất đai của người có quyền sử dụng đất..
Vì những bất cập nói trên đã khiến việc triển khai GĐGR diễn ra chậm, chỉ có gần 4 triệu ha (khoảng 35%) trên tổng số khoảng 11 triệu ha diện tích rừng được giao cho các hộ gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ trồng rừng thấp chưa tạo động lực để người dân trồng rừng, điều này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nguy cơ chảy máu rừng là rất cao. Bởi, so với thực tế mức hỗ trợ này còn thấp, chưa tương xứng với công sức và trách nhiệm mà người dân bỏ ra, dẫn tới việc chưa khuyến khích được người dân tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng.
Ông Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đề nghị nên nghiên cứu và tăng diện tích đất của Ban Quản lý, để Ban Quản lý giao thêm cho cộng đồng và người dân, nơi nào người dân thực hiện tốt thì giao cho họ, nơi nào mà cộng đồng thực hiện tốt thì giao cho cộng đồng để người trồng rừng được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ rừng. Đồng thời, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ đối với nghề trồng rừng để tạo động lực giúp họ gắn bó với rừng.
Liên quan trực tiếp đến công tác GĐGR, chính sách tín dụng cho người trồng rừng, quản lý rừng cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả chính sách GĐGR. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chương trình tín dụng này chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Đơn cử, tại Lạng Sơn, từ năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39 về hỗ trợ lãi suất vay vốn trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008-2015. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này có rất ít hộ tiếp cận được với nguồn vốn này. Nguyên nhân chính là do vướng mắc trong khâu thủ tục hành chính.
Ông Hoàng Văn Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Thủ tục để làm hồ sơ đăng ký xin vay vốn hỗ trợ lãi suất trồng cây lâm nghiệp và trồng cây ăn quả khá phức tạp, rườm rà, đến người có chuyên môn cũng phải mất thời gian nghiên cứu mới làm đúng quy định được.
Không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, mức hỗ trợ thấp cũng làm cho việc trồng và phát triển rừng gặp khó khăn. Theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg mức hỗ trợ trồng rừng chỉ từ 2-4 triệu đồng/ha, tùy vào loại rừng sản xuất, rừng trồng tại các xã biên giới, tại các dự án thủy điện...
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn, một trong những chuyên gia tham gia Tiểu dự án Hỗ trợ giảm nghèo PRPP (ủy ban dân tộc) cho biết: Chúng ta đã cố giao rừng sản xuất cho dân, nhưng nói chung quỹ đất ít, năng lực tài chính yếu, nên năng suất hiệu quả từ rừng thấp. Như vậy, nếu chỉ trông vào chính sách giao đất rừng cho người DTTS thì không ổn. Chính sách GĐGR chưa đảm bảo được sinh kế cho người DTTS, chưa đáp ứng được mục tiêu về sinh kế. Vì thế, sinh kế cơ bản của đồng bào DTTS không thể chỉ tính đến dựa vào rừng hay nói cách khác là không thể dựa vào rừng, vào hoạt động lâm nghiệp.
Thực tế hiện nay, người dân chưa sống được từ rừng. Vậy, làm thế nào để người dân sống được bằng nghề rừng? Trao đổi về vấn đề này, ông Triệu Là Pham, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho biết: Nếu nói đồng bào vùng cao sống được từ rừng là không có, chỉ được lợi từ mấy que củi thôi. Nếu bán gỗ, làm giàu từ gỗ thì cũng không; nhất là khâu tiêu thụ gỗ sau khi trồng hơn chục năm, nhưng không có ai mua, thỉnh thoảng có vài tư thương vào mua làm gỗ bóc bán sang Trung Quốc.
Được biết, để khắc phục hạn chế chính sách GĐGR, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương cùng với các bộ, ngành tổ chức soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020, với tổng kinh phí dự kiến là 6.708 tỷ đồng. (Dân Tộc & Phát Triển 17/12, tr4) đầu trang(
Hơn 2 năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song) phải hứng chịu khói bụi, nước thải chưa qua xử lý từ nhà máy sản xuất ván ép của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.
Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (gọi tắt là Công ty Long Việt; trụ sở chính tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) được thành lập từ năm 2007 với ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất, cung ứng ván MDF cho thị trường trong và ngoài nước; trồng, chăm sóc và khai thác cây nguyên liệu ván MDF; chế biến nông sản, mũ cao su.
Năm 2009, công ty được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho quản lý, bảo vệ hơn 1.000 ha rừng tại huyện Đắk Song và được chuyển đổi một phần nhỏ diện tích để trồng keo nguyên liệu. Do quản lý, bảo vệ không tốt, gần 200ha rừng tự nhiên được UBND tỉnh giao cho công ty đã bị tàn phá.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Công ty Long Việt trong việc để mất diện tích rừng này. Không chỉ để mất rừng, hàng trăm hộ dân ở xã Thuận Hạnh còn phản ánh nhà máy sản xuất ván ép của Công ty Long Việt trên địa bàn xã gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Anh Nguyễn Anh Sơn (ở thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh), bức xúc: “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, gia đình tôi và hàng trăm hộ dân xung quanh phải sống trong cảnh ngột ngạt bởi bụi gỗ và mùi khét. Có những hôm nhà máy hoạt động hết công suất, cả bầu trời nhuộm màu khói đen, bụi gỗ phun ra như cám gạo, kết hợp với mùi hôi thối bay vào nhà chúng tôi. Mặc dù đã nảy ra “sáng kiến” dùng vải, nilon che chắn xung quanh nhà nhưng chỉ giảm được bụi gỗ, còn mùi hôi thối thì chúng tôi vẫn phải chịu đựng. Có nhiều hôm, họ sản xuất cả ban đêm, quá hôi thối nên chúng tôi buộc phải đeo khẩu trang để ngủ”.
Bên cạnh đó, nhà máy còn xả nước thải chưa qua xử lý ngoài, gây ra việc thẩm thấu nước thải xuống các giếng nước, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt. Bà Võ Thị Dung (ở thôn Thuận Tân), bày tỏ: “Thời gian gần đây, nhiều giếng nước trong vùng đã chuyển màu vàng, có mùi hôi nên nhiều gia đình đã bỏ hẳn, không sài nước giếng nữa. Tuy nhiên, nhiều nhà không có điều kiện, vẫn phải “liều mình” sử dụng nguồn nước này. Cùng với nước sinh hoạt, nước sản xuất ở nhiều ao hồ cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân chúng tôi đang lâm vào tình trạng “khát” nước sạch”.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Sáu - Trưởng phòng Quản trị nhân sự Công ty Long Việt, thừa nhận nhà máy có gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử, hệ thống xử lý khói, bụi và nước thải của nhà máy vẫn chưa được hoàn thành.
“Chúng tôi đã đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và bụi, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay. Trong thời gian chờ hệ thống này hoàn thiện, chúng tôi đã lắp hệ thống nước phun mưa tại nhà máy để giảm khói, bụi” - ông Sáu cho hay.
Theo bà Đoàn Thị Tốt - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, nhà máy sản xuất gỗ của Công ty Long Việt đã gây ô nhiễm trong thời gian dài. Bụi và nước thải từ nhà máy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân các thôn Thuận Tân, Thuận Thành, Thuận Tiến… của xã.
Bà Tốt cho biết: “Thời gian gần đây, xã tiếp nhận rất nhiều đơn thư của bà con trong xã phản ánh tình trạng ô nhiễm từ nhà máy sản xuất gỗ của Công ty Long Việt. Nhiều bà con vì quá bức xúc còn kéo nhau đến trước cổng nhà máy, căng lều bạt để phản đối, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra nhà máy và nhiều lần nhắc nhở Công ty Long Việt nhưng tình trạng ô nhiễm tại đây vẫn chưa được khắc phục. UBND xã đã trình vấn đề này lên các cơ quan cấp trên để kiểm tra, xử lý”.
Được biết, Phòng TN&MT huyện Đắk Song đã tiến hành kiểm tra thực tế về tình trạng ô nhiễm của nhà máy sản xuất gỗ và lấy mẫu nước giếng của một số nhà dân đưa đi kiểm tra. Mới đây, đoàn liên ngành của tỉnh Đắk Nông cũng tiến hành kiểm tra thực tế tại nhà máy của Công ty Long Việt. Theo kết luận kiểm tra, Công ty Long Việt chưa có báo cáo chất thải nguy hại theo định kỳ (6 tháng), không quản lý chứng từ chất thải nguy hại theo quy định…
UBND tỉnh Đắk Nông đã ra thông báo yêu cầu Công ty Long Việt thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, tập trung xử lý các cửa xả nước thải và các vấn đề khác liên quan đến môi trường như bụi, khí thải phát sinh…; đồng thời chính quyền địa phương và công ty kịp thời thông tin về tình trạng gây rối, tụ tập trước công ty để các cơ quan chức năng xử lý, tránh những hậu quả đáng tiếc. (Tài Nguyên & Môi Trường 17/12) đầu trang(
Quy hoạch đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, lựa chọn giống bảo đảm chất lượng, nâng cao trình độ thâm canh là những yếu tố tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Dẫn PV tham quan một số rừng keo tại xã Mậu Lâm (Như Thanh), anh Lê Võ, cán bộ lâm nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Như Thanh giải thích: Cánh rừng 4 ha keo tai tượng Úc được trồng theo Dự án WB3 với nguồn giống chất lượng đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Mặc dù mới đưa vào trồng năm 2012 nhưng độ cao trung bình đã đạt khoảng 4m, cây phát triển đều, thẳng hàng và vượt lên hẳn so với diện tích rừng keo lân cận người dân tự trồng bằng giống mua trôi nổi trên thị trường hoặc để rừng keo tự tái sinh.
Bà Lê Thị Dung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Như Thanh, cho biết: Hiện nay, Như Thanh có 14.000 ha rừng keo, huyện đang khuyến khích người dân đầu tư phát triển rừng keo thành rừng gỗ lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần rừng gỗ nhỏ; đồng thời, chỉ đạo khai thác rừng nghèo kiệt, kém chất lượng để trồng rừng thay thế.
Tuy nhiên, khó khăn là người dân chưa thực sự quan tâm tới nguồn gốc cây giống. Với giống keo tai tượng Úc, tại tỉnh ta đã có 6 vườn ươm được thẩm định với giá bán theo quy định của Sở Tài chính là 1.040 đồng/cây, trong khi giống trôi nổi trên thị trường có giá dao động 200-300 đồng/cây. Song, rừng keo tái sinh hoặc sử dụng giống không đạt chuẩn khi khai thác trữ lượng thấp và chỉ được sử dụng làm than củi, bột giấy.
Theo khảo sát, đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, chi phí cho khâu đầu tư giống rừng trồng là không lớn, chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng giá trị đầu tư. Song, với cùng điều kiện lập địa, phương thức trồng rừng, nếu đầu tư trồng bằng các loại giống tốt, năng suất sẽ tăng gấp 2-2,5 lần so với sử dụng giống xô bồ.
Để phục vụ định hướng tái cơ cấu lâm nghiệp Thanh Hóa theo hướng tập trung phát triển vùng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn với quy mô 55.000 ha, hiện nay, Sở NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan nhập 960 kg hạt giống keo tai tượng Úc, sản xuất được khoảng 60 triệu cây giống, phục vụ khoảng 35.000 ha rừng trồng trong thời gian tới.
Bên cạnh yếu tố giống, trình độ thâm canh của người sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng. Với cùng nguồn giống, nếu trồng rừng theo phương thức thâm canh có bón phân, chi phí trung bình cho 1 ha khoảng 27 triệu đồng/chu kỳ; tuy nhiên, năng suất gấp 2 lần so với trồng rừng theo phương thức quảng canh.
Đơn cử, với cây keo, hiệu quả kinh tế đối với rừng gỗ nhỏ 5 tuổi được đầu tư  thâm canh khoảng 80 triệu đồng/ha; tuy nhiên, nếu trồng rừng theo phương thức quảng canh, không chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp, chỉ khoảng 20-30 triệu đồng/ha.
Hiện nay, chi cục lâm nghiệp đang thực hiện các mô hình thâm canh, chuyển hóa kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với đầy đủ quy trình kỹ thuật và đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Mô hình chuyển hóa kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn tại xã Trí Nang (Lang Chánh), thực hiện chuyển hóa ở tuổi 4, sau hai năm chuyển hóa trữ lượng rừng đạt 192 m3/ha, dự kiến đến chu kỳ khai thác (10-12 năm), trữ lượng rừng có thể đạt hơn 300 m3/ha; giá trị rừng trồng gỗ lớn bình quân đạt từ 350-380 triệu đồng/ha/chu kỳ.
Những năm gần đây, mắc ca là một cái tên được nhắc tới ngày càng nhiều và đang được mệnh danh là “cây tỷ đô” làm giàu cho nông dân. Tại Thanh Hóa, loại cây này đã được trồng thử nghiệm thành công tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thạch Thành. Gia đình ông Phạm Hữu Tú, xã Thành Mỹ (Thạch Thành) là công nhân của ban đã trực tiếp trồng cây mắc ca.
Sau 7 năm, gia đình ông Tú thu hoạch mắc ca với năng suất đạt 0,85 tấn/ha, lợi nhuận đạt 51 triệu đồng/ha/năm. Đến năm 2014, năng suất đạt 1,5 tấn/ha, lợi nhuận đạt 90 triệu đồng/ha/năm. Xác định đây là một loại cây thích ứng được với điều kiện tự nhiên ở một số huyện miền núi, trung du ở tỉnh ta, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, tỉnh đã quy hoạch đến năm 2025 phát triển diện tích mắc ca lên 7.000 ha.
Tuy nhiên, đây là một loại cây cần vốn đầu tư lớn. Theo tính toán, để đầu tư trồng 1 ha mắc ca, tổng chi phí từ khâu làm đất, phân bón, giống, hệ thống điện, nước phục vụ tưới tiêu khoảng 90 triệu đồng/ha đối với đất đồi dốc và hơn 60 triệu đồng/ha đối với đất bằng phẳng, do đó người dân cần nghiên cứu kỹ khi lựa chọn giống cũng như thực hiện tốt kỹ thuật thâm canh thì mới mang lại hiệu quả kinh tế.
Phát triển sản xuất lâm nghiệp với định hướng những cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao là hướng thoát nghèo và làm giàu bền vững cho nông dân. Để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng giống, bên cạnh việc tích cực đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, các đơn vị liên quan cần chú trọng xây dựng các mô hình trồng rừng bằng giống tốt trên địa bàn các huyện để người dân được quan sát, tìm hiểu thực tế.
Ngành lâm nghiệp cũng cần tăng cường, phối hợp với các đơn vị có liên quan, cơ quan chức năng  thường xuyên kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, vườn ươm, kiên quyết loại bỏ những lô giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giúp người dân được tiếp cận trình độ thâm canh rừng trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao. (Báo Thanh Hóa 17/12) đầu trang(
Phát triển vùng nguyên liệu lâm nghiệp chính là sự bảo tồn và phát huy thế mạnh của rừng một cách bền vững. Vậy làm thế nào để phát triển vùng nguyên liệu từ rừng một cách hiệu quả và bền vững, đây chính là trăn trở của các doanh nghiệp lâm nghiệp hiện nay.
Sở hữu gần 12.000ha đất rừng sản xuất, với những cánh rừng xanh bạt ngàn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả) được coi là “ông chủ lớn” về rừng trên địa bàn tỉnh. Từ vùng nguyên liệu rộng lớn này, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả đã đầu tư, phát triển sản xuất hiệu quả.
So với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả có diện tích rừng sản xuất lớn nhất, với gần 12.000ha, chiếm trên 90% tổng diện tích đơn vị đang quản lý. Các cánh rừng sản xuất của Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả trải rộng, tạo thành vành đai bao quanh thành phố. Tất cả đều xanh ngắt một màu, đảm bảo về mật độ và sinh trưởng phát triển của cây.
Để có được vùng nguyên liệu như trên, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả đã không ngừng nỗ lực trồng, chăm sóc, phát triển vốn rừng. Bởi vậy từ hàng chục năm trước, từ  nguồn vốn ứng trước của ngành than (nhằm cung ứng gỗ trụ mỏ cho ngành sau này), Công ty giao định mức trồng, chăm sóc, phát triển rừng cho từng đội sản xuất, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể về tỷ lệ cây sống, tiết kiệm vật tư...; hoàn thiện các thủ tục xin cấp quyền sử dụng đất rừng; vận động người dân bảo vệ rừng…
Bên cạnh đó, Công ty tổ chức giao khoán hơn 8.000ha đất rừng cho 560 hộ dân trong vùng, nhằm vừa tận dụng nguồn lực trong dân vừa sẻ chia lợi nhuận cho người dân. Nhờ đó, từ năm 2000 tới nay, Công ty luôn có diện tích rừng đến tuổi khai thác đạt ổn định từ 1.000-1.200ha trở lên mỗi năm.
Việc này giúp cho Công ty ngoài đáp ứng nhu cầu gỗ trụ mỏ cho ngành than với khoảng 200ha/năm, vẫn còn đến 1.000ha rừng cung ứng sản lượng để chủ động sản xuất. Hiện nay Công ty là một trong các đơn vị, doanh nghiệp đứng đầu của tỉnh, đơn vị doanh nghiệp lâm nghiệp mạnh của toàn quốc với doanh thu 4 năm gần đầy đều đạt từ 150-200 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, doanh thu của Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả đã tăng gấp 6 lần so với năm 2010, đồng thời mở rộng quy mô đầu tư nhiều hạng mục sản xuất khác. Có được kết quả này là nhờ vào những bước đi mang tính đột phá, chiến lược mà trong đó vùng nguyên liệu là một trong những cơ sở để quyết định.
Còn nhớ thời điểm năm 2008, giữa lúc “nhà nhà, người người” đều bán nguyên liệu gỗ thô cho Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật Cái Lân, đơn vị trung gian xuất dăm gỗ ra nước ngoài thì Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả lại quyết định tự mở nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu với công suất 40 tấn/giờ. Đây là quyết định mạnh bạo không chỉ bởi hoạch toán đầu tư vào nhà máy cao, trên 24 tỷ đồng mà còn bởi dân lâm nghiệp vẫn quen lối tư duy trồng rừng bán gỗ thô, chứ không nghĩ đến việc chế biến thành sản phẩm tinh đặc biệt lại càng không dám nghĩ đến việc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Nói về việc này, Giám đốc Nguyễn Văn Bắc tâm sự: Khi đưa ra ý tưởng mở nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, nhiều người bàn lùi lắm, vì trước đây chưa ai dám làm. Sở dĩ chúng tôi dám quyết tâm là dựa vào thế mạnh của vùng nguyên liệu Công ty đang sở hữu, ít nhất mỗi năm đạt diện tích khai thác trên 1.000ha. Chả lẽ Cái Lân đang phải mua nguyên liệu từ nơi khác về để chế biến và xuất đi ăn chênh lệnh mà vẫn “sống” được thì không lý gì tôi chủ động được về nguyên liệu mà lại “chết”. Và đến bây giờ thực tế đã chứng minh cho việc “dám làm” đó của lãnh đạo Công ty là đúng.
Nhờ lợi thế về vùng nguyên liệu đã giúp Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả tiếp cận thành công và có được những điều khoản hợp tác lâu dài với Tổng Công ty giấy DAIO (Nhật Bản), trở thành doanh nghiệp lâm nghiệp đầu tiên của tỉnh xuất khẩu trực tiếp ra thị trường Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm: Nhật Bản là một thị trường khó tính với yêu cầu rất khắt khe về vùng nguyên liệu. Bởi vậy, khi biết đơn vị đang sở hữu vùng nguyên liệu rộng lớn, rõ nguồn gốc và đạt sản lượng khai thác ổn định thì họ rất yên tâm và hợp tác lâu dài.
Quả thật, chính quyết định xây dựng nhà máy băm dăm gỗ xuất trực tiếp đi Nhật Bản đã khiến cho hiệu quả kinh tế, giá trị mỗi tấn gỗ của Công ty Lâm nghiệp tăng thêm từ 70% đến gấp đôi. Cụ thể thời điểm đầu 2010, giá thu mua của các đơn vị băm dăm gỗ trên địa bàn chỉ dao động dưới 1,24 triệu đồng/tấn (620.000 đồng/m3; 2m3 được 1 tấn dăm gỗ) thì giá Công ty xuất đi đạt 105-110USD), tăng đến trên dưới 1 triệu đồng/tấn.
Có thể thấy từ thế mạnh về vùng nguyên liệu đã cho phép Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả có những chiến lược sản xuất kinh doanh mạnh bạo, tạo ra sự đột phá trong nâng cao giá trị trên mỗi ha rừng. (Báo Quảng Ninh 17/12) đầu trang(
Tính đến hết tháng 11/2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái đã thu trên 32 tỷ đồng từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Điểm nổi bật của năm nay là các doanh nghiệp đã ý thức được trách nhiệm và chủ động nộp phí đúng quy định.
Công ty Thủy điện Văn Chấn là một trong những đơn vị thực hiện nghiêm túc việc chi trả phí DVMTR. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2013, ngay trong năm, đơn vị đã nộp 1,6 tỷ đồng và năm 2014 nộp 1,8 tỷ đồng. Các đơn vị khác như Thủy điện Hồ Bốn, Thủy điện Nậm Kim, Nậm Đông 3, Nậm Đông 4, Thủy điện Thác Bà và Nhà máy nước Yên Bái, Nghĩa Lộ cũng đã thực hiện nghiêm túc việc nộp phí.
Với tổng số tiền 32,4 tỷ đồng đã thu được (bao gồm cả số nợ 2013 của một số đơn vị), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đang tiến hành xây dựng đơn giá chi trả cho các lưu vực để tiến hành chi trả cho các chủ rừng. Dự kiến, lưu vực sông Đà tiếp tục có đơn giá cao khoảng trên 418.000 đồng/ha, lưu vực sông Hồng dự kiến 85.000 đồng/ha và sông Chảy 44.000 đồng/ha.
Với đơn giá khá cao đối với lưu vực sông Đà, người dân tiếp tục có thêm nguồn thu nhập đáng kể cải thiện sinh kế, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả. Nổi bật là xã Chế Tạo, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện 35km. Toàn bộ diện tích rừng của xã đều nằm trong quy hoạch đầu nguồn sông Đà với trên 17.000ha. Sau hơn 3 năm hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, mỗi năm, bình quân mỗi hộ gia đình nhận được trên 20 triệu đồng. Đây là số tiền thực sự có ý nghĩa đối với người dân trong xã, cũng từ đó, người Mông nơi đây đã ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng.
Trong 3 năm qua, Chế Tạo không còn chuyện xâm lấn đất rừng, phá rừng, đốt nương, làm rẫy, người dân nhiệt tình tham gia trồng, chăm sóc rừng. Thu nhập từ rừng đã giải quyết được một phần khó khăn về kinh tế, cùng với các dự án đầu tư khác giúp cho cuộc sống của nhân dân ngày một ổn định, ấm no. Đơn giá chi trả không lớn như các địa phương thuộc lưu vực sông Đà, nhưng nguồn phí DVMTR lưu vực sông Chảy cũng đang góp phần tích cực quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn.
Với 30.500ha nằm trong lưu vực sông Chảy, mỗi năm, Lục Yên có thêm hơn 2 tỷ đồng để chi trả cho các chủ rừng. Nếu chia đều cho 8.000 hộ, mỗi hộ dân nhận được số tiền không nhiều nhưng cùng với các nguồn thu khác đã góp phần cải thiện đời sống người làm nghề rừng, đặc biệt, ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực nguồn phí DVMTR đem lại, nhiều địa phương người dân sống cạnh rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nguồn kinh phí từ DVMTR chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ rừng và phát triển sinh kế. Để thực hiện tốt công tác chi trả phí DVMTR và nâng cao nhận thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách đến người dân các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa. Các hộ nhận khoán là hộ nghèo ở gần rừng và hộ đã nhận khoán rừng trước đây đã thực hiện tốt cần tiếp tục ưu tiên nhận khoán bảo vệ và hưởng chính sách DVMTR.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thực thi chính sách phải được quan tâm hơn nữa; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân phải duy trì thường xuyên; trong quá trình lập hồ sơ chi trả, phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ thôn, bản đến xã, huyện; công tác chi trả phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đầy đủ nhằm giảm thiểu khúc mắc, khiếu nại trong nhân dân. (Báo Yên Bái 16/12) đầu trang(
Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, giai đoạn 2010 - 2015, huyện Ba Bể phấn đấu đến năm 2015 sẽ trồng rừng mới đạt từ 8.000 đến 9.000ha, nâng độ che phủ rừng đạt 65%.
Đến nay, huyện đã về đích sớm hơn so với kế hoạch với diện tích trồng rừng toàn huyện đạt 9.846ha, bằng 109,4% chỉ tiêu Đại hội, nâng độ che phủ lên 65,3%.
Với diện tích đồi rừng tương đối lớn so với các địa phương khác trong tỉnh, chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên, trong những năm qua, cùng với nông nghiệp, huyện Ba Bể xác định sản xuất lâm nghiệp cũng là một trong những ưu thế chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình để thực hiện những chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật, giúp người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Để tận dụng và phát huy thế mạnh về rừng, công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tại huyện Ba Bể luôn được các cấp ngành và địa phương quan tâm, chú trọng. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vận động nhân dân thực hiện trồng và phát triển rừng thông qua các đề án, đồng thời thực hiện các cơ chế hỗ trợ, chính sách khuyến khích cho người dân trong việc trồng và bảo vệ rừng như: Thực hiện công tác giao đất, giao rừng, đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng mới, khoanh nuôi rừng tái sinh, đưa phong trào trồng rừng trở thành hoạt động thường xuyên và rộng khắp trên địa bàn…
Nhằm thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, huyện Ba Bể đã thành lập Ban Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp. Hàng năm, Ban Bảo vệ và Phát triển rừng của huyện và các xã, thị trấn lập kế hoạch, thống kê, đăng ký diện tích rừng trồng cụ thể, đồng thời tiến hành hợp đồng gieo ươm cây giống với các đơn vị sản xuất cây giống nhằm cung ứng đủ và kịp thời giống cây cho hộ dân đăng ký trồng rừng.
Trong đó, để đáp ứng đủ cây giống, ngoài việc thực hiện ươm cây giống tại Lâm trường huyện và Vườn Quốc gia Ba Bể, huyện còn chủ trương giao cho các nhóm hộ gia đình hoặc nhóm hộ có khả năng gieo ươm sản xuất tại từng địa phương, nhằm giảm chi phí vận chuyển cũng như tạo điều kiện cho bà con tăng thu nhập.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, huyện chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân phát cỏ, trồng tra dặm những diện tích bị mất khoảng để đảm bảo tỷ lệ rừng trồng đạt cao, tích cực thăm kiểm tra rừng, đồng thời chăm sóc rừng trồng của những năm trước đảm bảo diện tích.
Các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp, từ khâu vận động người dân đăng ký đến việc hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật trồng rừng; chú trọng tới việc đẩy nhanh tiến độ khai thác rừng trồng để giải phóng đất trồng rừng; chủ động nguồn giống và quản lý tốt chất lượng cây giống; thực hiện công tác hướng dẫn người dân trồng theo hướng thâm canh, xen canh, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng cho nông dân…
Nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp cũng như phát huy nội lực, khai thác thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển gắn với bảo vệ rừng bền vững, công tác phát triển rừng trên địa bàn huyện Ba Bể những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định. Phong trào trồng rừng đã được người dân các địa phương trên địa bàn huyện tích cực tham gia hưởng ứng. Hàng năm, công tác trồng rừng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Năm 2011, tổng diện tích trồng rừng toàn huyện là 2.282,1ha, đạt 109% kế hoạch, góp phần nâng độ che phủ rừng của toàn huyện đạt trên 56% diện tích đất tự nhiên. Năm 2012, huyện Ba Bể đã trồng mới được hơn 2.000ha rừng, là một trong những địa phương của tỉnh có tỷ lệ trồng rừng lớn, đưa độ che phủ rừng của toàn huyện đạt 61% diện tích, góp phần không nhỏ trong công tác cải thiện chất lượng rừng, phủ xanh đất trồng đồi trọc.
Và đến nay, diện tích trồng rừng toàn huyện đã đạt 9.846ha, bằng 109,4% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX giai đoạn 2010 - 2015, nâng độ che phủ rừng lên 65,3%. Các xã thực hiện tốt công tác trồng rừng của huyện là: Xã Chu Hương, xã Hà Hiệu, xã Mỹ Phương, xã Bành Trạch, xã Địa Linh… với các loại cây được trồng chủ yếu như cây mỡ, keo, xoan, lát…
Điều này cho thấy, phong trào trồng rừng đã thực sự trở thành hoạt động thường xuyên và rộng khắp trên địa bàn huyện Ba Bể. Với diện tích rừng trồng của huyện ngày càng tăng đã giúp chất lượng rừng ở huyện Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng vào việc che phủ đất trống, phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng một môi trường xanh.
Để giúp duy trì và phát huy thành quả đã đạt được, cùng với công tác trồng, nhằm duy trì và phát huy diện tích rừng trồng, huyện Ba Bể còn tập trung bảo vệ, chăm sóc, phát triển diện tích rừng hiện có với các giải pháp như: Làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm lâm luật, tình trạng phá rừng làm nương rẫy… (Backan.gov.vn 17/12) đầu trang(
Phát huy thế mạnh đồi rừng, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ những chính sách này, tốc độ trồng rừng ở Yên Bái diễn ra mạnh mẽ, không chỉ đưa độ che phủ rừng đạt 61,2%, đứng thứ 4 toàn quốc mà nghề rừng đã giúp hàng vạn hộ dân có thêm nguồn thu, góp phần xóa nghèo nhanh, bền vững.
Đến thôn Tai Voi, xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) để tận mắt chứng kiến mầu xanh của rừng trồng đã xóa đi những vết loang lổ xám xịt của đất trống, đồi trọc những năm trước ở nơi này. Được Nhà nước giao đất ổn định, lâu dài để trồng rừng kinh tế, người dân ở đây đã có trong tay "chìa khóa" để mở cánh cửa thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình ông Nguyễn Bá Thuận là một trong những người tiên phong phủ xanh đất trống đồi núi trọc ở thôn này.
Trước đây, gia đình thuộc dạng nghèo khó trong thôn, lao động vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nhận thấy nhiều ngọn đồi bỏ hoang, lãng phí, ông đã chọn nghề trồng rừng để làm giàu. Năm 2000, Nhà nước có chương trình phát triển trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông mạnh dạn tiếp nhận gần 10ha đất về trồng rừng.
Từ đó, ngày ngày vợ chồng ông tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất trống trồng keo, bồ đề. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, kết hợp áp dụng kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc nên diện tích rừng ông trồng đều xanh tốt. Năm 2010, ông bán 5ha keo và diện tích trồng bạch đàn được gần 300 triệu đồng. Số tiền này đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống hằng ngày.
Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục bỏ vốn trồng rừng bằng các giống cây có giá trị kinh tế cao như keo và bạch đàn mô, đồng thời đầu tư 60 triệu quây lưới B40 để chăn thả dê và gà dưới tán rừng. Chỉ tay vào những cánh rừng trên 3 năm tuổi, ông khoe: "Cây rừng của tôi 3 năm tuổi bằng rừng 5 năm tuổi của người khác, chẳng bao lâu nữa lại cho thu hoạch".
Gia đình ông Hoàng Văn Thái ở thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) là một trong những "triệu phú" rừng. Trong ngôi nhà mới xây trị giá gần tỷ đồng, ông cho biết: "Có được cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay là từ rừng mà ra, có đất trồng rừng là có việc làm, có tiền mua sắm nhiều đồ đạc. Cây rừng lên xanh là đời người được no ấm".
Năm 1992, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho nhân dân, ông đã mạnh dạn nhận những quả đồi đầy chè vè và lau sậy bỏ hoang để trồng và phát triển rừng. Từ đó, ngày ngày vợ chồng cải tạo đất trống trồng keo, bồ đề, kết hợp chăn nuôi trâu bò và nuôi ong. Qua nhiều chu kỳ khai thác, hiện gia đình ông có gần 20ha rừng trồng từ 2 đến 5 năm tuổi và nhiều diện tích luồng, tre măng Bát Độ chưa khai thác. Tính trung bình cứ 1ha trồng keo thu hoạch sẽ được 40 - 45 triệu đồng thì gia tài của ông thu từ kinh tế rừng không phải là nhỏ.
Những mô hình trồng rừng kể trên mọc lên khắp các làng quê tạo nên cuộc sống no ấm cho người nông dân. Kết quả đó chính là nhờ tỉnh đã đánh giá đúng tiềm năng thế mạnh của từng địa phương với kết hợp nhiều chính sách khuyến khích, là đòn bẩy quan trọng để nghề rừng phát triển. Trong đó, phải kể đến việc giao đất, giao rừng cho dân;  rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, tăng quỹ đất rừng sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến; đổi mới cơ chế mô hình quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Thông qua các chương trình, dự án trồng rừng như: Dự án trồng rừng 661; Dự án Hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg; Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a…, phong trào trồng rừng diễn ra mạnh mẽ khắp các vùng quê từ vùng thấp đến vùng cao. Trong thời gian ngắn, nhiều nông dân đã "phất" lên từ rừng. Tính riêng từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới được 15.000ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 58,1% (năm 2011) lên 61,2% (năm 2014).
Đến nay, tỉnh đã bước đầu hình thành được vùng sản xuất tập trung với gần 30 ngàn ha quế, trên 100.000ha rừng trồng nguyên liệu, trên 1.300ha tre măng Bát độ. Bên cạnh trồng rừng, những năm qua, tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị cho người trồng rừng.
Đến nay, toàn tỉnh có hàng nghìn cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. Tính riêng năm 2014, toàn tỉnh khai thác trên 450.000m3 gỗ, 100.000 tấn tre, vầu, nứa, trên 2.800 tấn vỏ quế khô. Tổng doanh thu hàng năm từ khai thác chế biến gỗ đạt trên 500 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn. Kinh tế đồi rừng đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh và trở thành nguồn thu chính cho bà con nông dân.
Chiến lược ngành lâm nghiệp được xác định là phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện phát triển rừng theo quy hoạch, phấn đấu trung bình hàng năm trồng mới từ 13.000ha -15.000ha, đưa độ che phủ rừng đạt 62,2% vào năm 2015 và duy trì đến năm 2020.
Đối với rừng sản xuất, sẽ tập trung đẩy mạnh kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; đồng thời tập trung phát triển lâm sản ngoài gỗ. Ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lâm nghiệp, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, thông qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.
Đặc biệt, tỉnh đang thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây được coi là chìa khóa để kinh tế lâm nghiệp phát triển; đồng thời, tận dụng tối đa diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp để hình thành các khu rừng trồng nguyên liệu tập trung; trong đó, ổn định phát triển và hình thành vùng tre măng Bát Độ trên 3.000ha tại Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên; vùng sản xuất quế 27.000ha tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; vùng cây Sơn tra 3.000ha tại huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng sản phẩm lâm nghiệp cần nhanh chóng thiết lập hệ thống rừng giống, đưa các giống cây có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản khác gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; khuyến khích đầu tư chiều sâu cho các cơ sở chế biến hiện có, chế biến gỗ dân dụng cao cấp và trang trí nội thất…
Xây dựng mới hoặc nâng cấp một số cơ sở hiện có thành nhà máy chế biến lâm sản công suất lớn; đưa ứng dụng công nghệ mới vào chế biến lâm sản để nâng cao hiệu quả kinh tế và tiết kiệm nguyên liệu; tập trung phát triển rừng có chứng chỉ FSC nhằm tham gia thị trường lâm sản thế giới một cách bình đẳng và thực hiện tốt các cam kết đa phương với các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học. (Báo Yên Bái 18/12) đầu trang(
Sáng ngày 16/12, Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã quận Liên Chiểu hội nghị tổng kết công tác chi hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014 - 2015 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2015.
Được thành lập từ tháng 7/2013 với 28 thành viên, hơn một năm qua chi hội chăn nuôi động vật hoang dã quận Liên Chiểu đã có những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.
Tổ chức lớp tập huấn ngắn hạn, liên hệ, ký kết hợp đồng quản bá sản phẩm của hội viên với trạm dừng chân Mêkong. Tổ chức các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nuôi nai lấy nhung, cách chữa trị cho nhím bị vô sinh, vệ sinh chuồng trại, hạn chế dịch bệnh,...
Trong đó nổi lên những hộ có đàn giống sinh trưởng tốt, khỏe mạnh như: đàn heo rừng của hộ anh Đặng Văn Hạnh, Phan Công Lễ phường Hòa Hiệp Bắc, kỳ đà của chị Thành phường Hòa Khánh Bắc, đàn chim trĩ của anh Phong phường Hòa Minh...
Hội nghị cũng đã thông qua phương hướng nhiệm vụ năm 2015 với nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường các họat động hỗ trợ hội viên, là nhịp cầu mua bán, trao đổi động vật hoang dã, giúp sản phẩm của hội viên hội nhập thị trường. Tại đây, hội nghị cũng đã bầu ra Ban chấp hành mới của chi hội với 4 thành viên gồm 1 chi hội trưởng và 3 chi hội phó. (Lienchieu.danang.gov.vn 17/12) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng