Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 17 tháng 01 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Ông Mẫn Văn Linh "tố" Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động & Phòng cháy chữa cháy rừng - Thuộc Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã ban hành quyết định tạm giữ tài sản của ông trái pháp luật.
Ngày 23/11/2016, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động & Phòng cháy chữa cháy rừng - Thuộc Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã ban hành quyết định số: 28/QĐ-TGTVPTGPCC về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính, đối với ông Nguyễn Trần Chung là lái xe chở hàng cho chủ lâm sản là ông Mẫn Văn Linh.
Ông Linh cho rằng: Do có những dấu hiệu bất thường trong thi hành công vụ, nên Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã ban hành quyết định trái pháp luật để tạm giữ tài sản của ông, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ngày 23/11/2016, Đội Kiểm lâm cơ động & Phòng cháy chữa cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm Hải Dương do ông Đặng Văn Huy làm đội trưởng đã ban hành Quyết định số 28/QĐ-TGTVPTGPCC về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính đối với ông Nguyễn Trần Chung, có địa chỉ tại thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, là lái xe chở hàng lâm sản cho ông Mẫn Văn Linh, có địa chỉ tại thôn Trung Bạn, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tại Quyết định tạm giữ đã nêu: “Thời hạn tạm giữ từ ngày 23/11/2016 đến khi giải quyết xong vụ việc theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy là Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR - Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề của lái xe Nguyễn Trần Chung và ông Mẫn Văn Linh là vô thời hạn.
Ông Mẫn Văn Linh cho rằng: Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR - Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã ban hành quyết định hoàn toàn trái với quy định pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ phương tiện, vật chất và giấy tờ. Bởi, căn cứ vào Khoản 8, Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định rõ: “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.
Ngày 08/12/2016, tại Chi cục Kiểm lâm Hải Dương, trao đổi với báo chí, ông Đặng Văn Huy - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã lúng túng khi phóng viên đưa ra câu hỏi “Vì sao Quyết định số 28/QĐ-TGTVPTGPCC ngày 23/11/2016 của Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR của Chi cục Kiểm lâm Hải Dương về việc tạm giữ phương tiện, hàng hóa và giấy tờ của lái xe Nguyền Trần Chung và Mẫn Văn Linh lại không xác định về thời hạn tạm giữ?”. Do không trả lời được câu hỏi của báo chí, nên ông Đặng Văn Huy đã thoái thác và báo là có việc cần phải đi, đồng thời từ chối làm việc tiếp.
Sau đó, ngày 09/12/2016 Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động & CCCR - Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã “chữa cháy” bằng cách ban Quyết định số 31/QĐ-TGTVPTGPCC thay thế cho Quyết định số 28/QĐ-TGTVPTGPCC ngày 23/11/2016. Tuy nhiên, theo ông Mẫn Văn Linh, quyết định lần thứ 02 của Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR - Chi cục Kiểm lâm Hải Dương vẫn trái pháp luật. Bởi đây không phải là quyết định ra hạn tạm giữ mà vẫn là quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính đối với lái xe Nguyễn Trần Chung và ông Mẫn Văn Linh là 30 ngày, mà quy định của pháp luật thời hạn tạm giữ chỉ có 07 ngày.
Hết thời hạn theo quyết định tạm giữ, lần này không phải là Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR ra quyết định, mà Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã trực tiếp ban hành Quyết định số: 106/QĐ-KDTGTVPTGPCC kéo dài thời hạn tạm giữ phương tiện và hàng hóa của lái xe Nguyễn Trần Chung và ông Mẫn Văn Linh từ ngày 23/12/2016 đến ngày 22/01/2017 với lý do ông Mẫn Văn Linh không có mặt tại cơ quan Kiểm lâm để làm việc theo giấy báo gọi của Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR - Chi cục Kiểm lâm Hải Dương.
Nhưng ông Mẫn Văn Linh khẳng định: Quyết định số 106/QD-KDTGTVPTGPCC của Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cũng là một quyết định trái pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày và có thể được kéo dài thêm tối đa là 30 ngày, tổng cộng tối đa là 37 ngày, nhưng Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã quyết định tạm giữ phương tiện và hàng hóa của lái xe Nguyễn Trần Chung và Công ty TNHH Hoàng Linh từ ngày 23/11/2016 đến ngày 22/01/2017 là quá với quy định của pháp luật là 22 ngày. Vậy những thiệt hại của doanh nghiệp do Chi cục Kiểm lâm Hải Dương tạm giữ trái pháp luật 22 ngày trách nhiệm thuộc về ai?
“Lý do mà Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đua ra chỉ là biện bạch. Bởi, việc bắt giữ, xử lý vi phạm là thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan chức năng, không phải trách nhiệm của đương sự. Nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định lỗi của đương sự thì cứ xử lý theo quy định của pháp luật, mà không nhất thiết phải có mặt của đương sự, chỉ khi nào xử lý xong thì mới cần sự có mặt của đương sự” ông Linh chia sẻ thêm.
Cho rằng Chi cục Kiểm lâm Hải Dương có những hành vi làm trái pháp luật, gây thiệt hại về tài sản của công dân, vừa qua ông Mẫn Văn Linh, chủ hàng lâm sản đang bị tạm giữ đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí. Theo nội dung đơn tố cáo của ông Mẫn Văn Linh cùng tài liệu kèm theo: Ngày 23/11/2016 ông Mẫn Văn Linh thuê ông Nguyễn Trần Chung, lái xe chở hàng cho ông. Trong quá trình vận chuyển hàng, ông Linh đã giao cho ông Chung đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc hàng lâm sản là hợp pháp.
Nhưng khi bắt giữ, cán bộ kiểm lâm đã không tiến hành kiểm tra tại chỗ dừng xe (địa điểm là ở tỉnh Bắc Giang) mà đã bắt lái xe đưa số hàng lâm sản của ông Linh và phương tiện về Chi cục Kiểm lâm Hải Dương. Sau đó lập biên bản làm việc với lái xe, nhưng biên bản không đóng dấu của cơ quan, không có biên bản tạm giữ và không tiến hành kiểm đếm hàng hóa mà đã ban hành quyết định tạm giữ là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nội dung tố cáo của công dân. Nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. (Gia Đình & Pháp Luật 17/1)đầu trang(
Bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) trong thời kỳ cao điểm mùa khô đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 là nhiệm vụ quan trọng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt chú ý.
Ông Huỳnh Hiếu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngay từ những ngày đầu năm này, ngoài việc chủ động tham mưu cho UBND tỉnh các văn bản, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tập trung chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn xã thường xuyên phối hợp các trạm BVR của đơn vị chủ rừng và các tổ đội quần chúng BVR- PCCCR ở địa phương tích cực tham gia tuần tra BVR.
Tổ chức lực lượng thường trực tại những khu vực trọng điểm cháy rừng, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để những đối tượng sử dụng lửa trong các khu rừng có nguy cơ cháy cao nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy; bố trí trực 24/24h tại các chốt, trạm chỉ huy phòng cháy, chữa cháy trong thời kỳ có dự báo cháy rừng cấp 3 trở lên.
Chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động - PCCCR tỉnh đảm bảo lực lượng, dụng cụ phương tiện PCCCR theo phương án BVR - PCCCR cấp tỉnh đã ban hành, để đảm bảo khi có lệnh điều động sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện cho các đơn vị khác tập trung chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao; chủ động phối hợp với các Hạt Kiểm lâm, tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng ngăn chặn tình trạng khai thác vận chuyển gỗ trái phép.
Để tăng cường công tác BVR-PCCCR trong thời kỳ cao điểm mùa khô, đặc biệt là trước trong và sau Tết Nguyên đán năm 2017,  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các đơn vị chủ rừng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ BVR-PCCCR. Rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao để xây dựng kế hoạch BVR và tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả.
Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay các vi phạm. Sở cũng đã đề nghị UBND các huyện, thị xã thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.
Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, phát hiện và ngăn chặn không để người không có trách nhiệm ra vào rừng, nhất là các khu vực giáp ranh thường xảy ra vi phạm lâm luật. (Báo Bình Thuận 16/1)đầu trang(
Trong năm 2016, tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung được hạn chế, số vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý giảm 19% so với năm trước. Đặc biệt đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các địa phương và người dân về trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng.
Kết quả nổi bật của công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) ở trên địa bàn là thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn khai thác gỗ trái phép, ổn định tình hình tại khu vực giáp biên giới Việt- Lào và giáp ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị... Lực lượng Kiểm lâm đã tăng cường công tác giám sát có hiệu quả các hoạt động của các cơ sở cưa xẻ gỗ, các cơ sở nuôi, chế biến, vận chuyển động vật hoang dã.
Trong năm, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng ban hành 2 kế hoạch kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc; chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tham mưu cho Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, phương án thành lập đoàn liên ngành tổ chức trên 90 đợt kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc tại các địa bàn trọng điểm, (trong đó, đoàn liên ngành cấp tỉnh 3 đợt, cấp huyện 30 đợt, các hạt phối hợp chủ rừng trên 60 đợt). Qua kiểm tra, các lực lượng liên ngành đã phát hiện lập biên bản xử lý 150 vụ vi phạm, tịch thu trên 180m3 gỗ các loại.
Đặc biệt, Chi cục chỉ đạo các trạm duy trì thường trực 24/24 giờ trong ngày tại các chốt kiểm tra, kiểm soát lâm sản ở một số điểm xung yếu như Tân Ấp, Khe Nét, Khe Sến, Khe Đen, Lồ Ô, khu vực km 33...
Đồng thời, Chi cục đã triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ trong công tác PCCCR nên tình hình cháy rừng cơ bản được kiểm soát. Năm 2016 trên địa bàn Quảng Bình xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, thiệt hại 7,98ha (chủ yếu cháy dưới tán, thiệt hại từ 5 – 50%). So với năm 2015, số vụ cháy rừng giảm 16 vụ (giảm 76%) và diện tích cháy rừng giảm 46,78ha (giảm 85%).
Công tác quản lý chế biến, kinh doanh lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã đã được tăng cường. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 340 cơ sở cưa xẻ nằm trong quy hoạch mạng lưới cơ sở cưa xẻ gỗ; trong đó gồm: 275 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề cưa xẻ gỗ và 65 cơ sở đang làm thủ tục đăng ký kinh doanh.
Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trực thuộc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, nhằm phát hiện sai phạm, xử lý kịp thời vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 81 trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng đã được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, có 68 trại nuôi động vật rừng thông thường, 13 trại nuôi động vật hoang dã quý, hiếm. Chi cục phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra công tác quản lý động vật rừng đối với các đơn vị cơ sở, các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Chính quyền các cấp, các tổ chức, đơn vị chủ rừng đã quan tâm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về QLBVR, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn các thôn, bản có rừng xây dựng quy ước, nhân dân tham gia ký cam kết bảo vệ rừng. Đến nay, đã có trên 800 thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng.
Nhờ vậy, nhận thức pháp luật của nhân dân từng bước được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật có bước chuyển biến đáng kể. Chi cục và các đơn vị trực thuộc đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức 122 cuộc tuyên truyền trực tiếp các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư thôn, bản và các trường học trên địa bàn tỉnh.
Kiểm lâm địa bàn tại một số địa phương đã tham mưu chính quyền cấp xã lồng ghép công tác tuyên truyền QLBVR vào các cuộc họp ở xã và thôn, bản; thường xuyên nhắc nhở người dân có ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa khô trên hệ thống loa phóng thanh cơ sở.
Nhờ vậy mà trong năm 2016, số vụ phá rừng, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 1.138 vụ vi phạm quy định của nhà nước về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, giảm 270 vụ (giảm 19%) so với năm 2015.
Các vụ vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất lâm nghiệp với 287 vụ, 257 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép, 31 vụ phá rừng, 18 vụ vi phạm quy định chung về bảo vệ rừng và các loại vi phạm khác... Lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1.500m3 gỗ trái phép, 2 ô tô, 62 xe gắn máy, 7 cưa xăng xách tay... Số tiền xử lý vi phạm và bán đấu giá lâm sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng.
Do phối hợp tốt trong bảo vệ rừng nên thời gian qua, tình hình khai thác rừng trái phép, mua, bán, vận chuyển lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật giảm so với các năm trước, các điểm nóng khai thác gỗ trái phép đã được hạn chế. Tuy nhiên, một số nơi thuộc địa bàn giáp ranh các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh và một số vùng còn giàu tài nguyên trong tỉnh tình hình xâm hại rừng phức tạp vẫn còn xảy ra.
Trong năm, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu chính quyền các cấp tổ chức 1 đoàn liên ngành cấp tỉnh, 8 đoàn liên ngành cấp huyện triển khai nhiều đợt truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực còn giàu tài nguyên thuộc lâm phận của các Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu, Long Đại, Tuyên Hóa, Minh Hóa và các chi nhánh lâm trường Trường Sơn, Minh Hóa, Bồng Lai... Mặt khác, thường xuyên kiểm tra rừng cộng đồng để ngăn chặn khai thác gỗ trái phép và đẩy đuổi các đối tượng vi phạm ra khỏi rừng.
Mặc dù các địa phương trong tỉnh đã tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, tuy nhiên tình trạng xâm hại rừng còn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn giáp ranh, khu vực đầu nguồn các con sông, suối lớn...Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật xảy ra trên địa bàn huyện Minh Hóa, Bố Trạch và một số địa phương.
Nguyên nhân chính là do cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ quan, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác sử dụng rừng, trồng rừng ngoài thực địa để phát hiện kịp thời, tổ chức ngăn chặn và xử lý ngay khi vụ việc mới phát sinh.
Nhận định về tình hình quản lý bảo vệ rừng sắp tới, ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu này, tình trạng khai thác rừng trái phép, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt, giết mổ động vật rừng trái pháp luật sẽ diễn biến phức tạp. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch truy quét, kiểm tra, kiểm soát lâm sản.
Theo đó, Chi cục đã chỉ đạo 10 đơn vị (bao gồm các Hạt Kiểm lâm, các Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng), tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan để chủ động nắm tình hình nhằm tổ chức truy quét tại các “điểm nóng” trên địa bàn.
Các đơn vị sẽ thực hiện tuần tra, kiểm soát lâm sản ở các khu vực rừng giáp ranh (Quảng Trị, Hà Tĩnh) thường xảy ra hiện tượng khai thác gỗ, các tuyến đường bộ (đường 12A, 10, 16, xuyên Á...), đường thủy (Rào Nan, sông Gianh, Long Đại) mà lâm tặc thường lợi dụng để mua bán, vận chuyển gỗ lậu về xuôi tiêu thụ. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm sẽ tiến hành kiểm tra lâm sản tại các cơ sở cưa xẻ gỗ ở các địa phương. (Báo Quảng Bình 16/1)đầu trang(
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà (Điện Biên) vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giữ màu xanh cho những cánh rừng
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thại, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà, cho biết, xác định công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng (BVPTR) là nhiệm vụ quan trọng,  đơn vị thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời hàng chục các vi phạm xảy ra.
Nhờ đó, toàn bộ diện tích rừng do Ban quản lý phụ trách được bảo vệ tốt. Để công tác BVPTR đạt hiệu quả, đơn vị cũng đã giao khoán BVR cho 10 cộng đồng thôn bản ở 2 xã Mường Tùng (7 cộng đồng) và Huổi Lèng (3 cộng đồng).
Ban quản lý cũng đã tư vấn, tham mưu cho UBND hai xã Mường Tùng và Huổi Lèng hoàn thành hồ sơ đề nghị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 10 cộng đồng thôn, bản nhận khoán bảo vệ rừng.
Tham mưu cho huyện thành lập tổ công tác rà soát kết quả hoàn thành chương trình 327 và 661 để lập hồ sơ thực hiện quyết toán dự án hoàn thành. Đến hết năm 2016, việc rà soát đã hoàn thành trên địa bàn huyện Mương Chà và thị xã Mường Lay.
Đơn vị cũng luôn coi trọng công tác phòng chống cháy rừng, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà phổ biến kiến thức về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đến hộ và nhóm hộ nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng, thường xuyên phân công cán bộ xuống địa bàn các xã tham mưu cho chính quyền cơ sở làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa khô. Do vậy, trong những năm qua, trên địa bàn đơn vị quản lý không có vụ cháy rừng phòng hộ nào xảy ra.
Ngoài việc giao rừng về cho 10 cộng đồng thôn, bản bảo vệ, trong năm 2016, cán bộ, nhân viên của Ban quản lý còn trực tiếp bảo vệ rừng trồng (218,2ha); chăm sóc rừng trồng (7,6ha); bảo vệ rừng thay thế nương rẫy (41,5ha); khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên (560,7ha); trồng rừng thay thế (25,7ha); cung cấp cây con thực hiện Tết trồng cây (490ha); cung cấp cây trồng rừng phân tán (47.000ha) và hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đươc giao (2.433,6ha)… Đồng thời, hoàn thành hồ sơ giao đất, giao rừng của Ban với diện tích 5.470,1ha tại Mương Tùng và Huổi Lèng.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2017, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà được giao khoán trồng 80ha rừng phòng hộ mới; 30ha rừng sản xuất và lâm sản ngoài gỗ; 14,4ha trồng rừng thay thế nương rẫy; 29,2ha trồng rừng thay thế các dự án; khoán bảo vệ rừng hưởng dịch vụ môi trường rừng là 2.800ha; và khoanh nuôi tái sinh, chuyển tiếp 646,7ha.
“Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện công tác BVPTR theo chỉ tiêu kế hoạch  được giao, giám sát các cộng đồng thôn bản, các hộ, đơn vị, cá nhân khoán thực hiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng; tuần tra, bám sát địa bàn về tình hình phát nương làm rẫy nhằm ngăn chặn các vụ xâm hại rừng, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nếu có”, ông Thại cho biết thêm.
Tuy nhiên, để công tác quản lý BVPTR và phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn, Ban quản lý Rừng phòng hộ Mường Chà đề nghị Nhà nước đầu tư thêm kinh phí, chế độ và công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Do lực lượng này thực hiện nhiệm vụ chủ yếu trên các địa bàn đi lại khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế, cộng với lực lượng mỏng lại hoạt động ở vùng sâu, vùng xa có tính chất đơn lẻ. Trong khi đó, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng. (Kinh Tế Nông Thôn 16/1)đầu trang(
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng. Trước tình hình này, UBND tỉnh vừa tổ chức rút kinh nghiệm và bàn những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Theo Sở NN-PTNT, mặc dù công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 được tăng cường, nhưng kết quả đạt được chưa toàn diện, thiếu bền vững. Tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép ở một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
Tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép có chiều hướng tăng, hành vi của các đối tượng vi phạm tinh vi hơn, manh động hơn, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 530 vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng; trong đó có 33 vụ phá rừng, 105 vụ khai thác rừng và đã chuyển hồ sơ 19 vụ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hình sự.
Nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại các xã Phú Mỡ, Xuân Quang 2, Xuân Long (huyện Đồng Xuân), Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), Sơn Long, Sơn Định, Ea Chà Rang, Suối Trai, Krông Pa (huyện Sơn Hòa), Ea Trol, Sông Hinh, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh). Lâm tặc thường tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép ở lòng hồ các thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và các tuyến quốc lộ 25, 29…
Trong số các vụ phá rừng, nổi cộm lên tại huyện Đồng Xuân. Điển hình là các vụ phá rừng tại các tiểu khu 68, 83, 90 xã Phú Mỡ; 120, 121 xã Xuân Quang 2 và tiểu khu 110 xã Xuân Long với tổng diện tích 157,6ha, trong đó có 34,7ha rừng phòng hộ và 122,9ha rừng sản xuất.
Theo ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, nguyên nhân phát sinh nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng là do hiệu quả kinh tế trồng rừng cao, nhu cầu về đất để trồng rừng tăng. Mặt khác, một bộ phận người dân nhận thức sai lệch về trạng thái rừng và đất lâm nghiệp. Lớp thực bì đã phục hồi, phát triển thành rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị tác động trước đây nhưng người dân vẫn xem là đất trống nên tổ chức phát dọn để trồng rừng.
Bên cạnh đó, một số ngành chức năng, địa phương và chủ rừng còn thiếu trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Việc giao đất lâm nghiệp thời gian qua trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập, chính quyền địa phương thiếu kiểm tra hiện trạng thực tế nhưng vẫn xác nhận cho phát dọn thực bì…
Còn tại huyện Sơn Hòa, hình thức phá rừng ngày càng tinh vi. Theo ông Phan Văn Đoan, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa, các đối tượng vào sâu trong rừng, phát luống cây nhỏ, dùng máy cưa xăng cắt hạ cây lớn rồi đốt, dọn đến đâu trồng keo, sắn, mía… đến đó. Nếu chưa bị phát hiện, các đối tượng này tiếp tục phát lấn dần mỗi ngày vài mét.
Các đối tượng thường tập kết gỗ tại các bến sông khu vực giáp ranh giữa hai huyện Sơn Hòa (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai). Chính quyền một số địa phương có sự buông lỏng nên nhiều diện tích rừng, đất lâm nghiệp đã được giao nhưng vẫn xảy ra tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất. Công tác xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng ở một số địa phương chưa phù hợp, việc tuần tra và xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.
Tại huyện Sông Hinh, công tác quản lý đối với một số diện tích do các ban quản lý rừng phòng hộ giao lại cho địa phương đang gặp khó khăn vì địa phương chưa thể giao lại cho người dân. Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nguyên nhân là địa phương không có tiền để tổ chức đo đạc lại trước khi giao.
“Hiện các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn huyện, bình quân mỗi người quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm tuần tra khoảng 1.000ha rừng, trong khi địa hình hiểm trở và phức tạp nên chưa đảm bảo, cần phải tăng cường lực lượng. Nhà nước có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng các đơn vị còn lúng túng trong việc sử dụng kinh phí này để tăng cường lực lượng bảo vệ rừng. UBND huyện Sông Hinh đã đề nghị tỉnh có hướng dẫn sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng để tăng cường, bổ sung lực lượng, phương tiện”, ông Dạn nói.
Còn ông Phan Văn Đoan kiến nghị: Tỉnh cần cấp kinh phí để xây dựng hệ thống mốc ranh giới đối với các khu rừng; thực hiện hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho UBND cấp xã có quản lý rừng theo quy định. UBND tỉnh cũng cần xem xét, bố trí biên chế cho lực lượng kiểm lâm theo Quyết định 07 ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Lý Nguyên cho biết thêm: Sở NN-PTNT đã đưa ra một số giải pháp đối với công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong đó tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, sản phẩm gỗ qua chế biến, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp.
Sở tiếp tục rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại ba loại rừng; rà soát lại toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, cá nhân nhưng không trồng rừng, sử dụng sai mục đích để đề xuất hướng xử lý.
Sở cũng đề nghị các địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, từng bước khôi phục diện tích rừng đã bị mất. Các đơn vị và địa phương liên quan cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư sống gần rừng.
Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư công nghệ, trang thiết bị phục vụ bảo vệ rừng, phát triển các nhà máy chế biến gỗ rừng trồng. UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc giao rừng và đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình sống chủ yếu bằng nghề rừng, giải quyết đất sản xuất và hỗ trợ ổn định cuộc sống đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ dân sống gần rừng. (Báo Phú Yên17/1)đầu trang(
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa bàn 5 xã thuộc biên giới Việt - Lào của huyện Mường Nhé (Điện Biên), diện tích đất quy hoạch cho khu bảo tồn là 45.581ha, diện tích được giao quản lý 45.132,13ha. Hiện, diện tích đất có rừng là 33.061,93ha, độ che phủ rừng đạt 73,26%.
Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: Những năm qua, các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) được đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả, công tác quản lý bảo vệ rừng và sử dụng rừng có nhiều chuyển biến tích cực.
Những kết quả đạt được đã góp phần nâng độ che phủ của rừng từ 68% (năm 2012) lên 73,26% (năm 2016); góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng cường vai trò chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai lũ lụt và bảo vệ nguồn nước; góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân.
Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng kiểm lâm từ hạt đến xã đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy chính quyền địa phương các cấp về các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); cán bộ kiểm lâm đã bám địa bàn xã được phân công thực hiện quản lý rừng “tận gốc”.
Các vụ khai thác rừng trái phép, đặc biệt là đối với gỗ quý hiếm phần lớn đã được kiểm lâm phát hiện và ngăn chặn kịp thời; tình trạng khai thác lâm sản, đến nay về cơ bản đã được ngăn chặn.
Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm đáng kể, trong 5 năm (2012-2016), số vụ vi phạm được phát hiện và xử lý là 23 vụ, trong đó phá rừng 3 vụ, khai thác lâm sản 4 vụ, vi phạm các quy định của Nhà nước về PCCCR 3 vụ, vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng 13 vụ.
Phạt hành chính 33,8 triệu đồng. Đặc biệt, đơn vị đã không để xảy ra các vụ khai thác rừng, cháy rừng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Ngoài ra, Ban quản lý còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã vùng đệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về BVPTR, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, hướng dẫn cho nhân vùng đệm thực hiện sản xuất nương rẫy theo quy hoạch, phát dọn thực bì trên diện tích nương, ruộng cố định theo quy định.
Thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, từ năm 2012 đến năm 2016, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn phối kết hợp với UBND 5 xã vùng đệm và các lực lượng đóng chân trên địa bàn tổ chức 315 buổi học tập, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 15.436 lượt người.
Ông Tâm cho biết thêm, Ban quản lý đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2013 đến nay. Qua 4 năm thực hiện, bước đầu đánh giá chính sách chi trả DVMTR đã góp phần đáng kể trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của đơn vị. Tổng diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là 31.211,10 ha.
Trong đó, từ năm 2013 - 2015, đơn vị giao khoán cho 34 nhóm hộ là người dân và các đơn vị vũ trang, các đoàn thể xã bảo vệ 18.731,05ha. Hàng năm, căn cứ vào kết quả nghiệm thu Ban quản lý giao bổ sung thêm diện tích bảo vệ cho 49 tổ chức cộng đồng thôn bản là  26.523,65ha, với 1.550 hộ tham gia. Số tiền đơn vị chi trả cho các nhóm nhận khoán qua các năm trên 7,4 tỷ đồng.
Việc triển khai chính sách không chỉ giúp người dân vùng đệm tăng thu nhập từ rừng mà còn trực tiếp giúp cán bộ cơ quan chuyên môn nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng thông qua các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Về ý thức của người dân, từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, người dân được tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của rừng, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng thời, hàng năm người dân có thêm thu nhập đáng kể từ nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chi trả DVMTR là chính sách có hiệu quả phát triển kinh tế rừng bền vững cả về xã hội và môi trường.
Đối với đơn vị, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần to lớn trong công tác quản lý, BVPTR, PCCCR của đơn vị. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé quản lý bảo vệ trên 45.000ha rừng và đất rừng đặc dụng. Với địa hình rộng lớn, tình hình dân di cư tự do diễn biến phức tạp, nạn săn, bẫy bắt, khai thác các loại lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra, với biên chế hiện có của đơn vị là 23/26 cán bộ, viên chức thì công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
Về hiệu quả BVPTR, qua thống kê từ năm 2012 đến nay thấy, số vụ vi phạm lâm luật giảm từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Nếu như năm 2012, trên địa bàn xảy ra 5 vụ phá rừng và khai thác gỗ trái phép trong khu bảo tồn, năm 2014 xảy ra 1 vụ, thì từ năm 2015 đến nay, không xảy ra vụ phá rừng và khai thác gỗ trái phép nào.
Năm 2012-2013, diện tích rừng của Khu bảo tồn là 31.211,1ha (Quyết định 1167/UBND tỉnh Điện Biên), độ che phủ 68%. Năm 2015-2016 diện tích rừng là 33.061,93ha, độ che phủ 70% (theo kết quả kiểm kê rừng của đơn vị được phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Điện Biên năm 2015).
Qua đó cho thấy chính sách chi trả DVMTR đã và đang đóng góp rất lớn trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân vùng đệm khu bảo tồn và góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đơn vị.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do thiếu nhân lực, địa hình khu bảo tồn bị chia cắt mạnh, không có đường tuần tra bảo vệ rừng nên việc tuần tra thường đi theo các khe suối và các đường mòn, khi xảy ra cháy rừng, công tác tiếp cận đám cháy gặp nhiều khó khăn.
Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau nên vật liệu cháy có độ ẩm thấp tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Mùa mưa công tác tuần tra rừng hạn chế do các suối nước lớn và trơn trượt rất nguy hiểm.
Đời sống người dân khu vực vùng đệm Khu bảo tồn còn gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu là đồng bào dân tộc, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, quản lý lâm sản, đa dạng sinh học còn hạn chế do vậy công tác truyền thông, tuyên truyền còn gặp khó khăn.
Dân cư vẫn chưa được sắp xếp ổn định tại các xã vùng đệm, người dân vẫn lén lút vào rừng để phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và sinh thái, đa dạng sinh học.
Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Tâm cho biết thêm, Ban quản lý quyết tâm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng; triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đệm; thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục kêu gọi sự đầu tư hợp tác đối với cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các chương trình dự án nghiên cứu khoa học trong khu bảo tồn; đặc biệt là các đề tài, dự án bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. (Kinh Tế Nông Thôn 17/1)đầu trang(
Hai bị cáo là Trần Văn Khanh (60 tuổi, nguyên đại tá, giám đốc 1 công ty thuộc Tổng công ty 15, Bộ Quốc phòng) và Dương Công Tư (38 tuổi, nguyên trợ lý phòng kế hoạch - kinh doanh) bị xét xử vì tội hủy hoại rừng.
Tòa án quân sự Quân khu 5 (Bộ Quốc phòng) vừa đưa vụ án hủy hoại rừng ra xét xử với hai bị cáo là Trần Văn Khanh (60 tuổi, nguyên đại tá, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bình Dương thuộc Tổng công ty 15, Bộ Quốc phòng) và Dương Công Tư (38 tuổi, nguyên trợ lý phòng kế hoạch - kinh doanh của công ty).
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện 3 dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, hai bị cáo trên đã chỉ đạo cho tiến hành san ủi trái phép gần 580 ha rừng sản xuất và gần 10 ha rừng phòng hộ, gây thiệt hại hơn 18,6 tỉ đồng. Tòa tuyên án bị cáo Khanh 6 năm tù giam và Tư 3 năm tù giam cùng về tội hủy hoại rừng. (Thanh Niên 17/1)đầu trang(
Nhằm ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản và khoáng sản trái phép, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tỉnh Quảng Nam mở đợt cao điểm tuần tra, truy quét các địa bàn trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Để tuần tra, truy quét có hiệu quả, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam mà chủ công là kiểm lâm đã xác định các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng.
Theo đó, địa bàn trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng gồm khu vực xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn), xã Tà Pơ (huyện Nam Giang), lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh, vùng giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên với huyện Nông Sơn…
Vùng trọng điểm về khai thác lâm sản trái phép gồm khu vực giáp ranh giữa xã Phước Hiệp (Phước Sơn) với xã Trà Bui (Bắc Trà My); khu vực biên giới cửa khẩu Đắc Ốc (huyện Nam Giang) với huyện Đắc Chưng (Lào)…
Vùng trọng điểm về mua bán, vận chuyển lâm sản gồm khu vực các hồ thủy điện Đăk Mi4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4; xã Phước Hiệp, Phước Hòa (Phước Sơn); khu vực xã Zuôi huyện Nam Giang; các tuyến đường 14B, 14E, 14G, 14D, 40B, đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn; các tuyến đường trên sông Vu Gia - Thu Bồn… Vùng trọng điểm về khai thác khoáng sản trên đất có rừng gồm khu vực xã Đắc Pring (huyện Nam Giang), xã Trà Leng (huyện Nam Trà My)…
Sau khi xác định các địa bàn trọng điểm, tỉnh Quảng Nam tổ chức, bố trí lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng và các đơn vị chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, truy quét các điểm nóng tại vùng giáp ranh, các tuyến đường, tụ điểm về vận chuyển, mua bán gỗ và động vật rừng trái phép.
Ban quản lý các rừng phòng hộ, rừng đặc dụng triển khai tuần tra, kiểm soát trên lâm phận được giao. Để kiểm soát chặt chẽ hơn, Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị trong ngành quản lý chặt chẽ hộ khẩu, thống kê, phân hóa đối tượng để xác định các đầu nậu, đối tượng bảo kê, chủ đường dây mua bán lâm sản trái pháp luật. Tại những khu vực có Bộ đội biên phòng đóng quân, cán bộ, chiến sỹ các Đồn biên phòng tham gia và hỗ trợ công tác bảo vệ rừng…
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Nhằm hạn chế thấp nhất, ngăn chặn các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng dịp Tết cổ truyền để khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép, tỉnh Quảng Nam đang triển khai các biện pháp cấp bách về bảo vệ rừng, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ tài nguyên, lâm sản, khoáng sản trên địa bàn". (Tin Tức 17/1)đầu trang(
Cùng đồng bọn vận chuyển gỗ trái phép, bị lực lượng bảo vệ rừng bắt giữ, Nguyễn Cảnh Hoàng đã chạy về nhà xách kiếm tới, chém vào cán bộ đang thi hành công vụ, để cướp lại tang vật.
Ngày 16/1, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Con Cuông (Nghệ An), đơn vị vừa bắt giữ Nguyễn Cảnh Hoàng (21 tuổi), trú tại địa bàn, đối tượng mang kiếm đến chém tổ bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm trường Con Cuông, để cướp lại gỗ.
Trước đó, sáng 8/1, Nguyễn Cảnh Hoàng, Vi Văn Nguyên và Nguyễn Văn Ngọc (cùng quê với Hoàng) đang trên đường vận chuyển 6 bê gỗ chua khét (0,366m3) ra khỏi rừng, thì bị tổ bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lâm trường Con Cuông phát hiện, bắt giữ.
Đến 13h cùng ngày, trong lúc lực lượng chức năng đang di chuyển số gỗ tang vật này về Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Mọi, nhóm Hoàng quay trở lại chặn xe, gây áp lực để "xin" lại gỗ. Bị tổ bảo vệ kiên quyết từ chối, Hoàng dùng một thanh kiếm tấn công, khiến anh Nguyễn Viết Hương, cán bộ bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm trường Con Cuông, bị thương. Nhân cơ hội, Hoàng cùng đồng bọn đã tẩu tán số gỗ trên khỏi Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Mọi.
Sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Cảnh Hoàng đã bỏ trốn khỏi địa phương cho đến ngày bị bắt giữ. Hiện, vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ. (Người Đưa Tin 16/1)đầu trang(
Hàng chục hecta rừng tại tiểu khu 229 thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bị chặt phá trái phép trong thời gian dài khiến nhiều người dân địa phương xót xa và bức xúc.
Nhận được phản ánh của người dân xã Phú Gia, phóng viên Báo PLVN đã tìm về địa phương này để tìm hiểu sự việc. Được một người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi men theo con đường độc đạo để đi vào hiện trường cánh rừng bị “lâm tặc” chặt phá, đốn hạ.
Trên đường đi vào rừng, chúng tôi bắt gặp một người dân bản địa khác, người này cho biết: “Việc hàng chục hecta rừng tại xã Phú Gia bị chặt phá trái phép, không thương tiếc thì người dân ai cũng biết, tuy nhiên cũng đành bất lực nhìn rừng “chảy máu”. Rừng tự nhiên bị đốn hạ xảy ra từ rất lâu rồi không phải là mới “ngày một ngày hai”. Người dân ai cũng bức xúc bởi những cánh rừng đang xanh tươi bỗng nhiên bị chặt hạ, đốt phá nham nhở. Con đường đi vào rừng đang bình yên cũng bị tàn phá dẫn đến “nát bét” trở nên khó đi như vậy đó. Điều xót xa và đau lòng nhất là những cánh rừng vừa tái sinh nay lại bị triệt hạ, không biết đến bao giờ rừng mới được xanh tốt như trước đây…”.
Sau một thời gian khó khăn để vượt qua đoạn đường đồi núi đầy đá cuội lởm chởm, chúng tôi cũng có mặt tại tiểu khu 229, nơi có hàng chục hecta rừng đã bị đốn hạ, đốt phá.
Men theo những lối mòn nhỏ, chúng tôi lần ra những đoạn rừng đã bị “triệt hạ”. Cả một cánh ven biên giới, rộng hàng chục ha bị chặt phá tan hoang. Tại hiện trường, dấu vết từ những gốc cây gỗ cho thấy rừng đã bị triệt hạ bằng cưa xăng, dao…
Nhiều cây gỗ có đường kính lớn đã bị đốn hạ, có những cây không bị “hạ” nhưng cũng chỉ còn trơ lại thân tàn. Bởi tuy chưa bị chặt nhưng cũng đã chết vì bị dùng lửa thiêu đốt “bức tử”. Thậm chí ngay cả những cây rừng tự nhiên có đường kính nhỏ cũng bị “triệt hạ” không thương tiếc.
Càng đi vào sâu càng thấy rõ sự nham nhở do việc chặt phá rừng gây ra. Có đoạn cả một khu rừng rộng không còn một bóng cây bởi sau khi đốn hạ, rừng còn bị châm lửa đốt. Ngay cả những cây thực bì, tre nứa, dây leo của rừng cũng bị thiêu rụi.
Trèo lên một cánh rừng khá cao, chúng tôi nhận thấy một số địa điểm của tiểu khu 229 vẫn còn có nhiều bê gỗ đã được cưa xẻ nằm vương vãi, ngổn ngang trên mặt đất. Ngoài nhưng cây gỗ lớn bị cưa thành gỗ thành phẩm chuyển đi thì phần gỗ bìa, ngọn và cành vứt ngổn ngang trong rừng.
Thấy một số thân gỗ, cành cây sót lại nằm lăn lóc trên mặt đất, anh bạn đi cùng tôi cho rằng: “Miếng “ngon” thì bọn nó đã đưa ra đem đi bán hết rồi. Hàng chục hecta bị chặt phá mà sót lại mấy khúc gỗ với mấy cái cành ngọn thế này là ít lắm rồi đó chú. Cành ngọn thì không nói nhưng có lẽ những khúc gỗ còn lại này dù thấy là lớn thế nhưng không có giá trị nên bị “lâm tặc” chừa lại…”.
Trong quá trình “tham quan” những cánh rừng, người dẫn đường cho chúng tôi cho hay: “Như thấy các chú thấy đó, những đoạn không bị chặt phá thì rừng tự nhiên rất xanh tươi. Trước đây, tiểu khu này có những đoạn mật độ cây rừng khá dày, trữ lượng hàng chục m3/ha, cây bình thường tính quân bình cũng cao 7-10m cả. Còn bây giờ những đoạn bị chặt phá thì đã chẳng còn gì nữa rồi. Vốn dĩ đây là rừng được giao cho một số hộ dân với mục đích là khoanh nuôi, sản xuất, bảo vệ chăm sóc. Nhưng giờ thành ra như thế đó, chăm sóc và bảo vệ rừng thì không thấy mà giờ lại thấy chặt phá trái phép, triệt hạ rừng…”.
Người dẫn đường cho chúng tôi biết thêm: “Điều đáng nói là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm, UBND xã Phú Gia nằm cách khu rừng bị chặt phá trái phép cũng không xa lắm. Ngoài hai cơ quan trên thì còn có lực lượng Kiểm lâm của địa phương đóng trên địa bàn huyện. Hơn nữa càng không hiểu sao, gần cánh rừng này cũng có tổ bảo vệ rừng mà việc “lâm tặc” ngang nhiên chặt gỗ diễn ra thời gian dài, châm lửa đốt khiến các cánh rừng tan hoang lại không ai can thiệp. Nếu can thiệp sớm và có giải pháp xử lý triệt để thì có lẽ diện tích và số lượng cây rừng bị đốn hạ đã không lớn như thế này…”.
Ngoài việc đốn hạ rừng tự nhiên thì những vị chủ rừng được giao bảo vệ chăm sóc sau khi “trảm” thân cây xong còn dùng lửa thiêu đốt cả cánh rừng, cây thực bì còn lại để lấy đất trồng cây keo.
Theo nguồn tin của phóng viên, tổng diện tích rừng tại xã Phú Gia bị chặt phá là gần 40 hecta, với số lượng hàng ngàn cây rừng tự nhiên bị đốn hạ, tập trung tại khoảnh 2, 5a, 6. Trong đó, khoảnh 2 có diện tích bị chặt phá lớn nhất với diện tích là 22,81 hecta.
Các cơ quan chức năng liên quan nói gì trước vụ việc nghiêm trọng trên, Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. (Pháp Luật Việt Nam 17/1)đầu trang(
Ngày 27-12-2016, Tòa án Quân sự Quân khu 5 tại TP. Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Văn Khanh (SN 1957), nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bình Dương (Binh đoàn 15) và Dương Công Tư (SN 1979), nguyên trợ lý Phòng kế hoạch-Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Bình Dương về tội “hủy hoại rừng”.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Quân khu 5, thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng và ra các quyết định chuyển đất lâm nghiệp sang trồng cao su cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Bình Dương (gọi tắt là Công ty) được phê duyệt thực hiện 3 dự án trồng cao su tại các tiểu khu 896, 897, 898, 900, 901, 935, 936, 925, 932 với tổng diện tích 2.402,3 ha, thuộc địa bàn các xã Ia Me, Ia Púch (huyện Chư Prông).
Trong quá trình thực hiện dự án, từ năm 2010 đến năm 2012, Trần Văn Khanh với cương vị là giám đốc Công ty đã cùng với Dương Công Tư chỉ đạo các chủ thầu tiến hành san ủi, khai hoang ra ngoài diện tích rừng được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép.
Qua kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai thì tại dự án đầu tư phát triển cao su tại các tiểu khu 896, 897, 898, 900, 901 đã khai hoang, lấn chiếm sang các tiểu khu khác vượt quy định 499,37 ha. Tại dự án trồng cao su ở các tiểu khu 935, 936, khai hoang vượt quy định 202,589 ha. Tại dự án trồng cao su tại các tiểu khu 935, 932 vượt quy định là 64,1 ha.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khám nghiệm hiện trường của Cơ quan Điều tra Hình sự Binh đoàn 15 về diện tích vượt ngoài ranh giới được UBND tỉnh cho thuê theo kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thì nhiều diện tích vẫn nằm trong ranh giới được UBND tỉnh cho các đơn vị khác thuê đất để trồng cao su nên đã phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai bóc tách, trừ đi diện tích trên.
Qua đó, xác định tổng diện tích mà Trần Văn Khanh cùng thuộc cấp chỉ đạo khai hoang tại 3 dự án trồng cao su của Công ty vượt ra ngoài ranh giới được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất là 589,799 ha gồm: 579,829 ha rừng sản xuất và 9,97 ha rừng phòng hộ.
Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của UBND tỉnh Gia Lai, đối với rừng sản xuất có giá trị thiệt hại trên 1 ha (bao gồm thiệt hại về lâm sản và môi trường) là 31.194.536 đồng; đối với rừng phòng hộ giá trị thiệt hại trên 1 ha là 59.603.082 đồng. Tổng thiệt hại do các bị cáo gây ra là hơn 18,6 tỷ đồng.
Với những hành vi phạm tội như trên, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Khanh 6 năm tù và Dương Công Tư 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. (Báo Gia Lai 16/1)đầu trang(
“Càng khó càng quyết tâm giữ rừng” là chia sẻ của những cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Nà Hang khi nói về công việc hiện tại của mình. Là đơn vị được giao quản lý, bảo vệ trên 33 nghìn ha rừng đặc dụng chỉ với 81 cán bộ, công chức kiểm lâm, nhưng các anh luôn vượt qua khó khăn, cách trở về địa hình, bảo vệ từng héc ta rừng để mùa xuân luôn ở lại.
Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Nà Hang hiện có 6 trạm kiểm lâm và 14 chốt bảo vệ rừng, trong đó có 8 chốt nằm sâu trong rừng. Chốt bảo vệ rừng nằm sâu nhất phải mất 5 đến 6 giờ đồng hồ đi bộ, đường giao thông đi lại trắc trở. Nhiều chốt không có sóng điện thoại, không có điện lưới, điều kiện sinh hoạt của cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng hết sức khó khăn.
Với diện tích rừng lớn, nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ đã đặt ra cho cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng ở đây những khó khăn và trách nhiệm nặng nề.
Mặc dù vậy, những năm qua, cán bộ và lực lượng nhân viên tuần rừng của Hạt luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ gác rừng, giữ gìn màu xanh cho rừng. Nhiều người cống hiến cả sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ rừng nơi đây.
Trưởng Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng Hoàng Văn Lập chia sẻ: “Ở trạm có một số cán bộ có trình độ đại học, thạc sĩ lâm nghiệp tuổi đời còn rất trẻ nhưng cũng tình nguyện lên đây làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Cả tháng, anh em chỉ được nghỉ vài ngày về thăm gia đình rồi lại lên trạm, gắn bó với công việc tuần rừng. Có những tuyến đi tuần phải mất hai đến 3 ngày cả đi và về. Nhiều hôm phải ngủ lại trong rừng sâu, ăn cơm nắm, nhưng đó là trách nhiệm, niềm vui của cán bộ kiểm lâm. Thành ra không đi tuần rừng, anh em ngồi một chỗ lại cảm thấy nhớ rừng, cuồng chân”.
Trong điều kiện khó khăn như vậy, cán bộ và nhân viên tuần rừng ở các chốt bảo vệ rừng luôn tâm huyết, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, Hạt đều đạt các chỉ tiêu, kế hoạch cấp trên giao về phát triển rừng, khai thác gỗ, không để xảy ra các vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng về bảo vệ rừng, phòng chữa cháy rừng.
Hàng năm, Chi bộ Hạt Kiểm lâm phân công nhiệm vụ tới từng trạm, chốt bảo vệ rừng. Từ đây, các trạm, chốt phân công đến từng cán bộ, đảng viên, nhân viên tuần rừng. Hiện nay, cán bộ, nhân viên tuần rừng của Hạt đang thực hiện công tác tuần tra trên hơn 100 tuyến rừng tại địa bàn 4 xã là Côn Lôn, Sơn Phú, Khâu Tinh, Thanh Tương.
Công tác tuần rừng được thực hiện theo đúng quy định của ngành. Địa hình hiểm trở, chỉ sểnh một bước chân là mất cả mạng sống. Nhưng điều đó không làm chùn bước chân của mỗi cán bộ, nhân viên. Hiện nay, mỗi cán bộ kiểm lâm của Hạt thực hiện tuần tra các tuyến rừng được phân công từ 5 đến 8 lần/tháng; nhân viên tuần rừng 13 lần/tháng; trạm trưởng tuần tra 6 lần/tháng.
Công tác tuần rừng được giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính hiệu quả. Bên cạnh sự tận tâm, trách nhiệm với công việc, những cán bộ, công chức kiểm lâm và nhân viên tuần rừng ở đây còn có nhiều sáng kiến trong công tác bảo vệ rừng. Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng được cấp, Hạt đã trang bị tới tất cả các chốt, trạm kiểm lâm hệ thống định vị GPS giám sát, kiểm tra việc tuần tra rừng của cán bộ, công chức và nhân viên tuần rừng.
Năm 2016, Hạt đã thực hiện thí điểm hợp đồng với bí thư chi bộ, trưởng thôn và công an viên làm nhân viên tuần rừng tại những thôn có diện tích rừng đặc dụng lớn. Cũng từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, Hạt đã sửa chữa 14 chốt bảo vệ rừng, cải thiện cuộc sống và điều kiện sinh hoạt nơi ăn, ở cho nhân viên tuần rừng, đồng thời hợp đồng với 10 nhân viên tuần rừng mới.
Bên cạnh thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra rừng, lực lượng kiểm lâm và nhân viên tuần rừng ở các trạm, chốt còn thường xuyên kết hợp tuyên truyền tới người dân về ý thức bảo vệ rừng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, hàng năm không có cháy rừng, các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng đều giảm.
Theo anh Khổng Văn Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Nà Hang, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hang được đề cử là di sản thiên nhiên thế giới, công tác bảo vệ rừng của Hạt càng nặng nề hơn nữa.
Vì vậy, trong năm 2017, Hạt sẽ tiến hành rà soát lại tất cả các trạm, chốt bảo vệ rừng để di chuyển, sắp xếp, phân công cán bộ một cách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên tuần rừng thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Hạt sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức kiểm lâm và nhân viên tuần rừng, nhất là ở các trạm, chốt bảo vệ rừng cách xa và khó khăn về điều kiện vật chất.
Những khó khăn, vất vả của cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Nà Hang có lẽ không thể kể hết. Chỉ biết mồ hôi của các anh đã đổ trên mỗi tuyến tuần tra để những cánh rừng miền ngược vẫn xanh che chắn cho miền xuôi mỗi mùa xuân. (Báo Tuyên Quang 16/1)đầu trang(
Chiều 16-1, Thượng tá Hồ Anh Thư, Phó Trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cho biết, đã bàn giao số gỗ lậu vừa phát hiện trên địa bàn xã Liên Sang cho Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Trước đó, rạng sáng 14-1, tổ công tác thuộc Công an huyện Khánh Vĩnh trên đường tuần tra trên Quốc lộ 27C, đoạn thuộc xã Liên Sang đã phát hiện 1 ô tô tải loại 1,5 tấn, biển số 79H-6567 có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Thấy công an, người lái xe tải vội vàng dừng xe bên lề đường rồi bỏ trốn lên núi. Tiến hành kiểm tra, lực lượng công an phát hiện trên xe có 9 táp gỗ chò được xẻ hộp. Điều tra ban đầu, toàn bộ số gỗ trên là gỗ lậu. (Báo Khánh Hòa 17/1)đầu trang(
Gây nuôi động vật hoang dã là một hành vi rất nguy hiểm, nhưng thả chúng về tự nhiên một cách vô tội vạ lại càng nguy hiểm hơn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một vài vụ việc liên quan, nên cần siết chặt quản lý để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Ngày 29-9-2016, một hộ gia đình ngụ phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) đã tự nguyện giao cặp gấu ngựa (Selenarctos thibertanus) cho Chi cục Kiểm lâm An Giang. Trước đó, hộ gia đình đã khai báo và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cho phép gây nuôi.
Cặp gấu được họ nuôi dưỡng 10 năm nay, mỗi con nặng từ 150-170kg, cao khoảng 2 mét. Họ không hề tiến hành lấy mật hay trao đổi, mua bán gấu. Hiện nay, họ không có nhu cầu nuôi nên tự nguyện giao. Sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm tỉnh bàn giao cặp gấu về khu nuôi gấu bán hoang dã Hòn Me (thuộc Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang) tiếp tục chăm sóc, quản lý.
Đây là 2 cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chi cục cũng bàn giao thêm 1 con khỉ đuôi heo nặng khoảng 5,6kg đang được nuôi dưỡng tại Khu du lịch đồi Tức Dụp (Tri Tôn).
Những loài động vật hoang dã khác đang được nuôi dưỡng tại các điểm, khu du lịch, lực lượng Kiểm lâm vẫn kiểm tra, quản lý thường xuyên, đảm bảo an toàn cho cộng đồng chung quanh. Do vậy, những ai tự ý gây nuôi động vật hoang dã không khai báo, tức là đã vi phạm pháp luật.
Một vụ việc gây chú ý khác là vào ngày 10-1 vừa qua, một nhóm người đã đến khu vực ấp Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn) để thả số lượng lớn rắn vào rừng. Anh Nguyễn Hữu P. (người dân địa phương) kể lại: “Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi ngang khu vực trên, phát hiện một nhóm người lạ mặt đang di chuyển, mang vác nhiều giỏ xách. Nhìn bộ dạng họ không phải người dân địa phương hay nhân công làm thuê. Hỏi thăm thì họ trả lời bâng quơ, không thành thật. Thấy khả nghi, tôi phối hợp một người quen, cùng tiến hành theo dõi họ. Khi xác định trong các giỏ xách chỉ toàn là rắn, chúng tôi vừa ra mặt giữ chân họ lại, vừa báo cho Hạt Kiểm lâm Tri Tôn. Nếu không phát hiện kịp thời, chắc chắn số rắn trên đã được thả vào rừng, rất nguy hiểm”.
Qua làm việc, cơ quan chức năng xác định danh tính của nhóm người lạ: Trần Dũ Tài (sinh năm 1966, nguyên quán Trung Quốc, ngụ TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Việt Ái (sinh năm 1990, ngụ tỉnh Hậu Giang), Võ Minh Tân (sinh năm 1994, ngụ TP. Hồ Chí Minh). Tài cho biết, họ mang rắn lên núi nhằm mục đích “phóng sinh”, chứ không hề có ý đồ xấu. Lực lượng tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính; tịch thu, chuyển giao rắn cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me (Kiên Giang).
Theo ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), 2 năm trước, một người dân đem trăn vào rừng tràm Trà Sư, nhưng không tự ý thả ngay, mà có trao đổi với Trạm Kiểm lâm Trà Sư. Lực lượng chức năng đã giữ lại, không cho phép thả.
“Nếu người dân muốn thả hoặc phóng sinh động vật hoang dã, thì phải được sự chấp thuận, đồng ý của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng; phải nhận biết được loài vật đó quý hiếm, hung dữ, nguy hại đến cộng đồng, điều kiện sinh thái thích hợp... hay không. Khi tiếp nhận động vật từ người dân, dù đó là loài rắn, trăn bình thường, nhưng đơn vị vẫn không thả chúng về rừng, mà chuyển giao cho các trung tâm, trại rắn đủ điều kiện nuôi dưỡng. Hoặc có thể bán đấu giá, thu nộp cho ngân sách Nhà nước theo quy định. Sắp tới, đơn vị sẽ đề nghị ngành Kiểm lâm siết chặt quản lý việc nuôi, thả, phóng sinh động vật hoang dã. Người dân nghĩ rằng, mình đang “làm phước”, nhưng thật ra làm nguy hại đến cộng đồng mà không hay. Hoặc không loại trừ trường hợp kẻ xấu cố tình gây hại. Việc họ tự ý thả động vật hoang dã sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người dân và môi trường sống tại khu vực. Nếu khu vực chưa có loài vật đó, khi thả vào sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, đe dọa loài khác và tính mạng con người. Không phải cứ tự ý phóng sinh vào rừng, vào tự nhiên là tốt. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, người vi phạm còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự. Do vậy, nếu có ý định thả động vật hoang dã, người dân trực tiếp liên hệ lực lượng chức năng, chính quyền địa phương sẽ được hướng dẫn, tổ chức đưa động vật ấy về trung tâm cứu hộ, nuôi dưỡng phù hợp. Đó cũng là một cách “phóng sinh”, mang lại phước đức”.
Để hạn chế tối đa tình trạng trên, ngoài việc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác đối với vấn đề này. Vì đang sinh sống tại khu vực, quá trình nắm bắt thông tin của người dân địa phương sẽ nhanh nhạy, sát sườn hơn. Khi thấy có động thái khác thường, người dân cần báo về địa phương, Kiểm lâm để phối hợp xử lý, giải quyết, góp phần bảo vệ môi trường sống của bản thân và cộng đồng. (Báo An Giang17/1)đầu trang(
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vừa ký quyết định tuyên dương khen thưởng đối với hai hộ gia đình có thành tích bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản là động vật biển quý hiếm. Đó là gia đình đã bắt được và giao trả hải cẩu trên vùng biển xã Tam Thanh vừa qua.
Ngày 16.1, ông Huỳnh Tấn Đức- Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu vừa ký quyết định khen tặng hai gia đình bà Nguyễn Thị Hoa và Nguyễn Thị Hiền vì có thành tích trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản là động vật biển quý hiếm.
Theo ông Đức, quyết định của Chủ tịch tỉnh nhằm kịp thời động viên, khen tặng những gia đình bắt được hải cẩu kịp thời bảo vệ và giao trả cho cơ quan chức năng tại cùng biển xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng giao cho các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thi hành quyết định khen thưởng này.
Như báo Lao Động đã thông tin, tháng 8.2016, người dân vùng biển xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ đã bắt được một con hải cẩu ở gần bờ. Ngay sau đó, người dân địa phương đã kịp thời trình báo cơ quan chức năng và đã giao trả lại cho cơ quan chức năng tiến hành chăm sóc sức khỏe, trả lại môi trường sống tự nhiên. (Lao Động 16/1) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Cùng với việc đẩy mạnh khai thác gỗ tại các diện tích rừng đã đến tuổi, người dân trên địa bàn huyện Bạch Thông cũng chú trọng trồng lại rừng tại những diện tích này.
Chỉ tính riêng năm 2016 toàn huyện trồng được trên 576 ha rừng, trong đó diện tích trồng rừng sau khai thác là trên 72 ha, vượt đến 81% kế hoạch. Thực tế trồng rừng qua các năm tại huyện Bạch Thông cho thấy, việc thiết kế trồng rừng mới trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do quỹ đất trồng rừng không còn nhiều hoặc có một số diện tích ở xa khu dân cư, vận chuyển khó khăn nên người dân còn chưa muốn đăng ký trồng.
Do vậy, việc người dân tích cực trồng lại rừng sau khai thác, đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng hàng năm của huyện. Điều cũng cho thấy những chuyển biến trong nhận thức của người dân về lợi ích kinh tế mà trồng rừng đem lại. Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện Bạch Thông sẽ tiếp tục vận động người dân đăng ký trồng lại rừng sau khai thác là 100ha. (Đài PTTH Bắc Kạn 16/1)đầu trang(
Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, trong năm 2016, toàn tỉnh Thanh Hóa đã trồng rừng thay thế được 4.983 ha, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất, tỷ lệ cây sống trên 90%, cây sinh trưởng tốt, đang vào kỳ khép tán.
UBND tỉnh đã phân bổ vốn ủy thác trồng rừng thay thế cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao cho 30 đơn vị, địa phương thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế, với tổng diện tích 5.308 ha rừng.
Việc trồng rừng thay thế được thực hiện theo phương thức hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và một phần nhân công trồng rừng, người dân đóng góp công trồng và hưởng lợi thành quả từ rừng theo nội dung chương trình mục tiêu bảo vệ rừng của tỉnh đang thực hiện. (Đài PTTH Thanh Hóa 16/1)đầu trang(
Đã thành thông lệ, mùa Xuân là mùa trồng rừng. Đặc biệt, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có thêm hàng trăm cơ sở chế biến gỗ khiến người dân ngày càng quan tâm hơn tới việc trồng rừng, đặc biệt là rừng sản xuất.
Để công tác trồng rừng vụ Xuân năm 2017 đảm bảo về diện tích, chất lượng, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực chuẩn bị hiện trường, cây giống, phân bón…phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao.
Năm 2016, do thời tiết diễn biến phức tạp, người dân không mặn mà với trồng rừng phòng hộ, bởi, rừng phòng hộ ở vị trí cao, địa hình phức tạp khiến công tác trồng rừng đạt kết quả thấp.
Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm, năm 2016, toàn tỉnh trồng mới 590,8 ha rừng tập trung, chỉ đạt 93,8% kế hoạch được giao, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, có 3,8ha rừng phòng hộ, 29 ha rừng đặc dụng và 558 ha rừng sản xuất.
Khắc phục những hạn chế của năm 2016, để công tác trồng rừng vụ Xuân năm 2017 đảm bảo về diện tích, chất lượng và đúng khung thời vụ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã gồm: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên và Phúc Yên tiến hành rà soát diện tích có khả năng trồng rừng để xây dựng kế hoạch trồng rừng vụ Xuân; yêu cầu 10 vườn ươm trên địa bàn tỉnh chủ động gieo ươm cây giống đảm bảo số lượng và chất lượng để phục vụ nhu cầu trồng rừng của bà con; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của rừng để người dân tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó phòng Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Theo kế hoạch, năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 585 ha rừng tập trung và 680 nghìn cây phân tán. Ngay sau khi có kế hoạch, chi cục đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức cho các hộ dân đăng ký trồng rừng.
Hiện, các vườn ươm đã chuẩn bị được khoảng 1,2 triệu cây giống gồm: Bạch đàn, keo và thông để phục vụ cho trồng rừng vụ Xuân. Bên cạnh đó, chi cục thường xuyên kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp trước khi xuất khỏi vườn ươm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực tham gia trồng rừng; hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất”.
Cùng với sự chuẩn bị chu đáo của ngành lâm nghiệp, các huyện, thị xã có rừng cũng đang khẩn trương rà soát diện tích đất trống, đồi núi trọc để xây dựng kế hoạch trồng rừng vụ Xuân.
Đối với diện tích rừng đến tuổi thu hoạch, huyện yêu cầu các chủ rừng đẩy nhanh tiến độ khai thác, đảm bảo phương châm: “Khai thác rừng đến đâu phải chuẩn bị trồng rừng ngay đến đó”. Ngoài ra, người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi thu dọn thực bì, đào hố để chuẩn bị cho công tác trồng rừng vụ Xuân.
Là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, năm 2017, huyện Lập Thạch đặt ra mục tiêu trồng mới 130 ha rừng tập trung, trong đó, có 125 ha rừng sản xuất, 5 ha rừng phòng hộ. Để công tác trồng rừng vụ Xuân năm 2017 đạt kết quả cao, ngay từ cuối năm 2016, Hạt Kiểm lâm Lập Thạch đã tham mưu cho UBND huyện tiến hành rà soát diện tích đất lâm nghiệp có khả năng trồng rừng, diện tích rừng đến tuổi khai thác, tổ chức cho các hộ dân đăng ký trồng rừng để xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ thiết kế trồng rừng đúng quy trình kỹ thuật.
Đối với diện tích đất lâm nghiệp có khả năng trồng rừng, Hạt yêu cầu các chủ rừng thu dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị hiện trường để đến đầu tháng 3/2017 khi thời tiết thuận thì tiến hành xuống giống. Bên cạnh đó, Hạt chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để chủ động nguồn cây giống phục vụ nhu cầu của bà con, Hạt yêu cầu 2 vườn ươm lớn tại thôn Hạ, xã Ngọc Mỹ và thôn Trại Diễn, xã Quang Sơn chủ động gieo ươm cây giống. Đến nay, 2 vườn ươm đã chuẩn bị khoảng 90 vạn cây giống chủ yếu là các giống bạch đàn mô U6, U7, TN2 và keo tai tượng nhập ngoại, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng của bà con trên địa bàn huyện và các huyện lân cận như: Sông Lô, Tam Dương.
Để phục vụ nhu cầu trồng rừng vụ Xuân, vườn ươm cây giống lâm nghiệp của gia đình chị Nguyễn Thị Thành Ủy, thôn Trại Diễn, xã Quang Sơn đã xuống giống 50 vạn cây giống các loại.
Chị Ủy cho biết: “Hiện nay, bà con chủ yếu trồng bạch đàn mô U6 và keo tai tượng, bởi, đây là 2 loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 4 đến 5 năm là cho thu hoạch, năng suất cao gần gấp đôi so với trồng giống bạch đàn và keo thường. Để đáp ứng nhu cầu của bà con, gia đình cũng đã chủ động đóng bầu, tra hạt từ tháng 10 âm lịch. Riêng với các giống bạch đàn mô U6, TN2, CT3, UP99…thì ngay từ cuối tháng 8 âm lịch, gia đình đã phải xuống Viện Sinh học Lâm nghiệp Hà Nội để lấy mô về gieo cấy”.
Tin tưởng rằng, từ sự chuẩn bị chu đáo của các cấp, các ngành có liên quan, cùng sự nỗ lực của nông dân trên địa bàn tỉnh, chắc chắn công tác trồng rừng vụ Xuân năm 2017 sẽ sớm hoàn thành kế hoạch. (Báo Vĩnh Phúc 16/1)đầu trang(
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án "Quy hoạch chuyển đổi cây trồng rừng phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp".
Mục tiêu của dự án nhằm định hướng cho các địa phương xác định loài cây chủ lực để trồng rừng sản xuất, đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, xác định loài cây để trồng 639.000 ha rừng gỗ lớn và gỗ nhỏ sinh trưởng nhanh; trong đó, trồng rừng gỗ lớn 439.000 ha, trồng gỗ nhỏ sinh trưởng nhanh 200.000 ha. Giai đoạn 2020 - 2030, xác định loài cây để trồng hơn 1,12 triệu ha rừng gỗ lớn và gỗ nhỏ sinh trưởng nhanh; trong đó, gỗ lớn là 912.000 ha, gỗ nhỏ sinh trưởng nhanh 210.000 ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra các giải pháp thực hiện gồm rà soát quy hoạch lại hệ thống rừng giống, vườn giống; bổ sung thêm 30 nguồn giống tại 8 vùng sinh thái lâm nghiệp với tổng diện tích 2.230 ha cho 23 loài.
Bên cạnh đó, đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng.
Đồng thời, nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao các giống mới vào sản xuất.
Ngoài ra, xây dựng mới các trung tâm giống công nghệ cao có công suất từ 10 triệu cây mô/năm tại các tỉnh có diện tích trồng rừng gỗ keo, bạch đàn trên 10.000 ha gồm: Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Xây dựng các trung tâm giống công nghệ cao có công suất 5 triệu cây mô/năm tại các tỉnh có diện tích trồng rừng gỗ keo, bạch đàn trên 5.000 ha gồm: Đắk Lắk, Bình Phước, Cà Mau.
Đề án cũng cơ cấu lại các sản phẩm gỗ có lợi thế và mang lại giá trị cao; từng bước giảm dần xuất khẩu dăm, mảnh, đến năm 2020 còn khoảng 3 triệu tấn và giảm dần đến năm 2030; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ; tăng cường quảng bá sản phẩm gỗ nội địa, đồng thời xây dựng và phát triển các kênh phân phối gỗ trên thị trường nội địa. (Tin Tức 16/1)đầu trang(
Điều 88.3 của Dự thảo quy định chính việc chi trả dịch vụ môi trường rừng gián tiếp là “Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là tiền của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng ủy thác cho Quỹ để trả cho các chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.”
Quy định này dẫn đến tình trạng thời gian vừa qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã nhận ủy thác của bên chi trả, nhận tiền về, nhưng không xác định được hoặc không tiến hành chi trả cho chủ rừng, gây tình trạng thừa Quỹ, lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Việc bắt người thụ hưởng dịch vụ trả tiền trước, mà chưa xác định được chủ rừng hoặc không chi trả thực tế cho chủ rừng sẽ khiến chính sách này trở nên vô nghĩa.
Về bản chất, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng chỉ phát sinh khi có người thụ hưởng từ rừng và việc chi trả sẽ khiến chủ rừng có thêm động lực để trồng rừng, bảo vệ rừng.
Do đó, cần sửa đổi theo hướng bên chủ rừng sẽ ủy thác cho Quỹ để tiến hành việc thu hộ tiền dịch vụ môi trường rừng, sau đó Quỹ mới tiến hành thu của người thụ hưởng dịch vụ. Cơ chế này mới đúng bản chất về chi trả dịch vụ môi trường rừng và có tác dụng thực chất trong việc kích thích chủ rừng đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. (Pháp Luật Việt Nam 15/1)đầu trang(
Thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về việc chi trả phí cho người trồng rừng, năm 2016, toàn tỉnh Bắc Kạn đã chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các thôn, tổ chức tại vùng đệm, vùng lõi Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với gần 14 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện chi trả cho 04 chủ rừng là tổ chức Nhà nước, 40 tổ chức không phải là chủ rừng được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, hơn 7.200 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân;  106 chủ rừng là cộng đồng thôn trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích chi trả là hơn 80 nghìn ha tại 4 huyện.
Nguồn vốn để thực hiện chi trả là của công ty thủy điện Tuyên Quang, nhà máy thủy điện Chiêm Hóa và 3 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc triển khai tốt việc chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. (Đài PTTH Bắc Kạn 16/1)đầu trang(
Vạt nắng vàng ươm bên kia sườn dốc, nơi những nương rẫy trên những khu đồi, lũng sâu trải dài đến sát bìa rừng của người dân mang màu xanh ngát sau mùa mưa Tây Nguyên.
Tôi tự hỏi làm sao để phủ màu rừng lên những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm ấy khi chúng đã “nghiễm nhiên” trở thành đất sản xuất nông nghiệp một cách “không chính thức” từ bao lâu nay. Và liệu rằng, sự cố gắng trồng rừng của huyện Lâm Hà, trả lại màu xanh cho đại ngàn có thành công như mong muốn...
“Thật khó có thể tưởng tượng ra những cánh rừng trơ trọi ngày nào giờ có thể được phủ xanh lại. Đấy thật sự là một kỳ tích, bởi chính những người đã phá đi chúng...” - ông Dương Thanh Quang, Trưởng trạm Bảo vệ rừng xã Phúc Thọ, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Lán Tranh chia sẻ. Tôi bị “mê hoặc” bởi “kỳ tích” mà Trạm trưởng Quang bật mí mà đi róng riết về phía rừng để xem “rừng đã lên xanh” ra sao?
Từ trung tâm huyện Lâm Hà, phải mất vài chục cây số mới có thể đến các tiểu khu đang bị người dân chiếm dụng để sản xuất nông nghiệp. Trong các địa bàn rừng bị tàn phá, lấn chiếm ở Lâm Hà, cái tên Tân Thanh nổi lên như một địa chỉ “nóng bỏng” bởi những khu rừng ngày một teo tóp, đất lâm nghiệp bị chiếm dụng nhiều nhất và tôi chọn lựa để đến.
Đồng hành với tôi một đồng nghiệp nữ, dù có mạnh mẽ đến đâu thì chúng tôi vẫn thuộc phái “chân yếu tay mềm”, phải “đánh vật” với khó khăn đường sá lầy lội, dốc nối dốc, hết dốc đến cua ngoặt liên tục, qua bao lối mòn cheo leo triền đồi... mới tới nơi bằng chiếc xe máy đường trường.
Đến đây, ấn tượng đầu tiên là màu xanh cà phê bạt ngàn phủ trên khắp các sườn đồi, bãi bằng, những khu vườn xung quanh nhà ở... gieo vào tâm trí tôi về cuộc sống khá giả của người nông dân. Ấy vậy mà nói về vấn đề này, ông Trần Quang Thân, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh lại tỏ ra trăn trở: Do trồng cà phê mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân luôn muốn mở rộng diện tích, vì vậy đã lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê. Hiệu quả trước mắt nhìn thấy rất rõ, nhưng phá rừng hậu quả sẽ khôn lường...
Lục lại lịch sử lấn chiếm đất rừng ở Tân Thanh xảy ra cách đây đã lâu theo “kiểu vết dầu loang” khiến cho cả ngàn ha rừng nguyên sinh “rơi rụng”. Không ồ ạt, cứ mỗi năm một phần diện tích nhỏ của rừng lại bị chặt phá rồi được chuyển sang trồng cà phê. Tôi không khỏi giật mình khi nghe con số biết nói: Toàn xã có 6.000 ha đất lâm nghiệp, nhưng đất có rừng hiện chỉ có hơn 2.000 ha.
Vậy số còn lại đã đi đâu? Thì ra phần lớn diện tích rừng này qua nhiềm năm đã bị người dân lấn chiếm, để lại hệ lụy không những chỉ mất rừng mà còn gây áp lực trong quản lý xã hội dẫn tới khó xử lý ngọn ngành.
Ông Trần Quang Thân cho biết: “Tân Thanh là xã có khá đông dân di cư tự do, toàn xã có 12 dân tộc anh em đến từ hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước, lượng di dân như vậy nên rất khó để kiểm soát việc khai thác rừng lấy đất sản xuất. Phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm đã xảy ra từ rất lâu và người dân đã canh tác trên diện tích đó trong một thời gian dài, rất khó để họ từ bỏ nguồn thu từ canh tác nông nghiệp đang sinh lời và vốn là “nồi cơm” của gia đình họ. Thêm vào đó, đất đai, nhất là đất nông nghiệp lại đang lên giá từng ngày cũng tạo ra áp lực khi triển khai trồng lại rừng trên diện tích lấn chiếm. Địa phương đang rất đau đầu trong việc giải quyết vấn đề này”.
Không chỉ Tân Thanh nổi lên như một địa chỉ phá rừng, chiếm dụng đất lâm nghiệp mà hiện trạng này còn diễn ra ở nhiều xã có rừng trên địa bàn Lâm Hà. Số liệu thống kê qua kiểm kê phân định đất nông - lâm cho thấy điều đó. Lâm Hà có 36.523 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, chiếm 38,86% tổng diện tích đất tự nhiên thì trong đó chỉ có gần 28.000 ha diện tích đất có rừng. Vậy là có hơn 8.500 ha đất lâm nghiệp chưa được phủ lên màu xanh của rừng.
Theo kết quả rà soát của huyện, tổng diện tích đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp là 5.000 ha. Hiện trạng diện tích đất bị lấn chiếm này chủ yếu được người dân trồng hoa màu, cà phê mới trồng và nhiều diện tích cà phê đang vào thời kỳ kinh doanh. Với phương thức canh tác độc canh cà phê làm cho năng suất cây trồng bị giảm sút vì khả năng giữ nước kém, không có cây chắn gió, bảo vệ đất chống xói mòn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững tại đây.
Để thực hiện việc trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Huyện ủy Lâm Hà đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là thông qua “Đề án phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp do người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp” - gọi tắt là Đề án 04.
Theo tinh thần của Đề án 04, các ngành chức năng, đơn vị được giao trồng rừng rà soát, thỏa thuận và vận động người dân tham gia trồng rừng, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đến năm 2020 lên 33% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2016 - 2020 đề ra.
Mục tiêu của đề án đề ra nhiệm vụ rất cụ thể: quản lý tốt diện tích rừng hiện còn gần 28.000 ha, phấn đấu trồng được 5.000 ha rừng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tăng độ che phủ rừng và tạo ra mô hình sản xuất nông lâm kết hợp; trồng xen cây rừng với cây cà phê, tiêu, hoa màu với mật độ trồng 185 cây/ha. Ông Đỗ Văn Thủy - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho tôi hay: Không dễ để giải tỏa và trồng lại rừng, đặc biệt là đối với diện tích rừng bị lấn chiếm. Thực tế này đã được các đơn vị chủ rừng, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp thừa nhận, dù họ đã cố gắng và nỗ lực...
Vì vậy, Đề án 04 nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp trên diện tích rừng bị lấn chiếm, đồng thời địa phương lại vừa có thêm diện tích rừng. “Khi người dân triển khai thực hiện trồng rừng sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất sẽ yên tâm sản xuất nông nghiệp, thứ 2 cây rừng sẽ giúp chắn gió, giữ  nước, sau khi cây lớn có thể khai thác lấy gỗ tạo thành một nghề có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân, người đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa” - ông Thủy phân tích thêm.
Để tận mắt nhìn thấy rừng được trồng theo Đề án 04 ra sao, tôi cùng Trạm trưởng Dương Thanh Quang, vượt khoảng 2 km đường dốc cao, trơn trượt leo lên đỉnh đồi - nơi rừng bị người dân lấn chiếm đang được người dân nỗ lực khôi phục. Qua khảo sát tỷ lệ cây sống đạt 70% và cây đã mọc quá đầu người nên năm nay tiếp tục trồng dặm thêm các giống mùn, gáo vàng...
Một số người dân trồng rừng giải thích với tôi: Hồi mới có chủ trương trồng rừng, do chưa hiểu được tầm quan trọng của việc này nên bà con trồng theo kiểu đối phó. Nhưng khi được tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng, bà con ai nấy cũng phấn khởi, tự mua cây giống về trồng trên diện tích được quy hoạch trồng rừng.
Ông Mông Văn Hùng (thôn Phúc Hòa, Phúc Thọ) đang phát dọn cỏ ở diện tích rừng mới trồng chia sẻ: Trước khi đề án trồng rừng của huyện được thực hiện, ông đã qua tận  Đắk Nông để tham quan mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, thấy bên đó người ta trồng cây mùn vừa chắn gió, giữ nước lại có thể làm cọc tiêu ông đã học hỏi làm theo.
Khi đề án ra đời mang tính pháp lý, gia đình ông tiếp tục yên tâm sản xuất. Bây giờ chưa được hưởng lợi gì, nhưng sau này sẽ được khai thác và hơn hết, chúng tôi mong muốn được góp sức phủ xanh những khoảnh rừng bị phá, vì chúng tôi hiểu rõ lợi ích của rừng đối với cuộc sống lâu dài.
Trở lại với “điểm nóng”  thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh, trong rất nhiều diện tích rừng trồng sau giải tỏa bị người dân nhổ bỏ để trồng cà phê, chanh dây... 1,5 ha mùn của gia đình ông Vũ Đức Ninh vẫn phát triển tốt nhờ sự chăm sóc và bảo vệ theo đúng cách. “Sau khi có chủ trương của Ban quản lý rừng, tôi nhận trồng ngay. Tôi nghĩ việc trồng rừng tuy trước mắt không có lợi về kinh tế, nhưng lâu dài sẽ ổn định.
Trong những năm tới, tôi sẽ tiến hành trồng cây rừng kết hợp trồng tiêu. Ông tính toán, khi trồng rừng người dân sẽ yên tâm hơn trong việc sản xuất của mình, đồng thời với diện tích hiện tại chỉ cần 3 năm nữa tiêu của gia đình ông sẽ cho ra những quả bói đầu tiên, hiệu quả kinh tế sẽ rất cao”.
Không riêng Tân Thanh và Phúc Thọ đang tích cực khắc phục diện tích rừng bị phá, lấn chiếm mà ở các xã khác của huyện cũng đã và đang triển khai trồng rừng trả lại màu xanh cho rừng. Với “chế tài” gắt gao, đấy là khi kiểm tra, nếu tỷ lệ cây sống không bảo đảm sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đó giao cho các hộ khác quản lý, bảo vệ.
Điều này thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong việc khôi phục cây lâm nghiệp và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng phát sinh. Một tín hiệu đáng mừng cho việc nâng cao độ che phủ rừng đã mang lại kết quả tốt. Và trong vòng 3 năm nay diện tích trồng rừng của Lâm Hà đạt khoảng hơn 1.225 ha, riêng  năm 2016 trồng được 649 ha.
Trao đổi với tôi, ông Nguyễn Đức Tài -  Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: “Một giải pháp đồng bộ để ngăn chặn việc lấn chiếm đất rừng chính là gắn chặt mối dây liên kết bảo vệ rừng với sinh kế của người dân. Đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật từ trước năm 2012, ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp để trồng lại rừng. Huyện cũng chủ trương kiên quyết giải tỏa tất cả những phần diện tích được khai phá sau năm 2012.
Đề án 04 thật sự là đề án mang tính nhân đạo bởi khi thực hiện, Lâm Hà vừa có rừng và người dân vừa có thêm thu nhập, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ rừng đối với người dân và mang nhiều ý nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải hộ dân nào cũng nắm rõ được lợi ích mà đề án mang lại nên sau 2 năm triển khai tuy mang lại tín hiệu khả quan, nhưng việc trồng rừng vẫn còn manh mún.
Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ngành xác định lại khu vực, khoảnh để trồng rừng tập trung; đồng thời,vận động, tuyên truyền để người dân yên tâm trồng rừng kết hợp với sản xuất”.
Khi rừng đã mất không thể tái lập lại “hệ sinh quyển của rừng” tự nhiên như thở ban sơ. Song, bằng cách nào đó cần phải trả lại độ che phủ của rừng đó là cách tồn tại phát triển mang tính bền vững và góp phần chống lại sự biến đổi khí hậu mà Lâm Hà đang từng bước nỗ lực thực hiện. (Báo Lâm Đồng 17/1)đầu trang(
Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, cho biết từ ngày 12 đến ngày 14.1. Ban Quản lý đã phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện Phù Mỹ nhổ bỏ 53,4 ha cây keo lai, bạch đàn trồng trái phép trên diện tích đất lâm nghiệp, quy hoạch chức năng phòng hộ tại tiểu khu 181A - thuộc khu vực hồ Hóc Trạnh- giáp ranh giữa 2 thôn Công Trung và Trung Xuân, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ).
Trước đó, từ tháng 5 đến 8.2016, nhiều hộ dân ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây đã lên khoảnh 3, tiểu khu 181A phát dọn, lấn chiếm nhiều diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng phòng hộ, và lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, đêm tối để trồng cây keo lai, bạch đàn.
“Hôm nay (17.1), chúng tôi sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ và chính quyền xã Mỹ Lộc nhổ bỏ 39 ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo lai, trồng trái phép trên diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng phòng hộ và sản xuất ở khoảnh 1, khoảnh 13 - thuộc khu vực hồ Vạn Định và hồ An Tường”, ông Thăng nói thêm. (Báo Bình Định 16/1)đầu trang(
Theo Sở Tài nguyên – môi trường, trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh có 43 dự án được triển khai sẽ phải thu hồi đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ.
Diện tích phải thu hồi cho các dự án trên là gần 663 hécta, trong đó có hơn 53 hécta là đất trồng lúa và gần 2 hécta là rừng phòng hộ. Những dự án phải lấy vào đất trồng lúa phần lớn là làm hạ tầng giao thông, khu dân cư theo quy hoạch, đất làm cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Trong năm 2017, toàn tỉnh sẽ thu hồi gần 970 hécta đất để triển khai thực hiện khoảng 147 dự án trên các lĩnh vực. Địa phương có nhiều dự án triển khai và thu hồi diện tích đất lớn là: Xuân Lộc, Biên Hòa, Định Quán, Tân Phú và Trảng Bom. (Báo Đồng Nai 16/1)đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Nhiều loại động vật có vú – chẳng hạn như con người – có thể dễ dàng sinh tồn nhờ vào chế độ ăn uống đa dạng, có thể lấy dinh dưỡng từ bất kỳ loại thực vật hay động vật nào sẵn có và ngon miệng nhất vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, một số sinh vật lại có chế độ ăn khắt khe hơn nhiều. Trong số đó, có rất ít loài đặc biệt – giống như 3 loài dơi ma cà rồng – đã tiến hóa để hoàn toàn tồn tại nhờ vào máu.
Hai trong số 3 loài này đã được biết đến là đã nhảy từ nguồn máu này sang nguồn máu khác, tuy nhiên, loài thứ ba còn lại – dơi ma cà rồng có lông chân, hay còn gọi là Diphylla ecaudata – cho tới nay vẫn luôn được coi là chuyên gia về chim vì chỉ hút máu chim.
Thế nhưng, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Acta Chiropterologica và New Scientist đã thấy rằng những con dơi này bắt đầu hút máu người – điều mà các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ xảy ra.
Khi con người bắt đầu di chuyển vào các khu rừng khô Caatinga ở đông bắc Brazil, họ đốn cây và săn các loài chim vốn là nguồn thức ăn của loài dơi này.
Vì vậy, một nhóm các nhà khoa học của đại học Federal de Pernambuco ở Recife, Brazil quyết định kiểm tra phân dơi để xem chúng đã ăn gì khi nguồn thức ăn bình thường biến mất, họ cho rằng có lẽ chúng đã chuyển sang các động vật mà con người mang đến.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 70 mẫu phân dơi. Qua kiểm tra ADN cho thấy chúng đã hút máu gà – điều này không hề gây ngạc nhiên lớn. Tuy nhiên, phân tích này cũng cho thấy rằng chúng đã săn con người.Enrico Bernard – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết, nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên vì “loài dơi không thích hợp với máu của động vật có vú”. Chúng chỉ thích nghi với việc xử lý chất béo – thành phần chính trong máu chim – trái ngược với loại máu có protein cao của động vật có vú.
Điều này không chỉ đáng sợ vì là một sự thay đổi trong chế độ ăn. Mà loài dơi còn có khả năng rất lớn mang theo các loại vi rút gây chết người. Ở phía đông bắc Brazil, các trường hợp tương tự đã dẫn tới bùng phát bệnh dại. Năm 2005, tình trạng phá rừng và di cư của con người đã khiến một loại dơi ma cà rồng khác cắn hơn 1000 người, làm lây nhiễm một số bệnh dại và ít nhất 23 người đã tử vong.
Còn loài dơi ma cà rồng có lông chân cũng được biết là mang theo virut hanta gây chết người. Nhóm nghiên cứu cho rằng chúng đã xâm nhập vào các ngôi nhà thông qua lỗ ở trên mái hoặc cửa sổ, hoặc nhắm mục tiêu đến những người ngủ ngoài trời. (Dân Trí 17/1)đầu trang(
Ba con sư tử bị giết một cách tàn bạo trong công viên hoang dã, được cho là để điều chế một loại thuốc phù thuỷ đem lại giàu sang và may mắn.
Ba con sư tử bị chặt đầu và chân được tìm thấy tại công viên hoang dã Tzaneen, tỉnh Limpopo, Nam Phi hôm 11/1. Theo cảnh sát, những con sư tử này có thể bị giết để phục vụ các nghi lễ ma thuật truyền thống.
Moatshe Ngoepe, đại diện cảnh sát Nam Phi cho biết hành động này được thực hiện từ bên trong, nhưng hiện vẫn chưa thể xác định tại sao những kẻ săn trộm có thể vượt qua hàng rào và hệ thống an ninh xung quanh.
“Sau khi lọt vào bên trong, chúng đã đầu độc sư tử, cắt song sắt chuồng nhốt và sát hại một cách tàn bạo ba con vật”, Ngoepe nói. Các báo cáo cho biết những bộ phận bị cắt đi có thể được sử dụng để điều chế “muti”, một loại thuốc phù thuỷ kết hợp từ thảo dược và ma thuật. Nhiều người tin rằng “muti” có khả năng giải quyết các vấn đề rắc rối, đem lại sự giàu sang cùng nhiều lợi ích khác.
Theo Business Day, ba con sư tử có giá khoảng 66.000 USD. Cảnh sát đang điều tra làm rõ sự việc và chưa có nghi phạm nào bị bắt giữ. Tuy nhiên, sự việc này cũng khiến nhiều người nâng cao nhận thức về nạn săn bắn trộm, vẫn đang diễn ra hàng ngày trong thế giới tự nhiên.
Lion & Predator Park là công viên dành cho du khách thích khám phá đời sống của sư tử và các loài thú ăn thịt khác như hổ, báo… Công viên mở cửa 7 ngày trong tuần với các trò chơi tương tác, giúp con người, đặc biệt là trẻ em hiểu hơn về động vật và thế giới tự nhiên. (Vnexpress 17/1)đầu trang(./.