Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 16 tháng 12 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Hôm 15-12, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch quận Liên Chiểu, cho biết đến giờ UBND TP Đà Nẵng vẫn chưa có chỉ đạo hướng xử lý biệt thự của tướng Phan Như Thạch.
“Bây giờ phải để kiểm lâm báo cáo lên TP, sau đó TP có chủ trương xử lý như thế nào sẽ thông báo sau. Lực lượng kiểm lâm thông tin sáng 16-12 mới có báo cáo. Họ cũng đang họp về vụ việc này” - ông Dương Thành Thị cho biết.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết về báo cáo với UBND TP Đà Nẵng hướng xử lý biệt thự “lụi” của tướng Thạch và đại gia Quang, ông vẫn chưa nắm được.
“Việc này UBND quận Liên Chiểu phải báo cáo chứ, có phải kiểm lâm đâu. Theo chỉ đạo là UBND quận phải báo cáo. Khu vực đất đó kiểm lâm chưa bàn giao cho quận nhưng lúc trước Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân có giao cho người dân. Nhưng giờ ban đó giải tán rồi, chỉ còn Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu thôi. Sắp đến, UBND TP triệu tập thì tôi sẽ có báo cáo và thông tin lại sau” - ông Lượng nói.
Được biết UBND quận Liên Chiểu đã có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng hướng xử lý đối với biệt thự “lụi” của tướng Thạch. Theo đó, năm 2000, hộ ông Phan Như Thạch được Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân giao khoán đất trồng rừng và phát triển kinh tế vườn theo hợp đồng số 74B/HĐGK với diện tích 1.935 m2 tại khu tập thể rừng trồng Hải Vân (cũ). Vừa qua, hộ ông Phan xây dựng công trình tại khu đất nêu trên, UBND quận đã chỉ đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận phối hợp với Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu kiểm tra, xử lý và có lập biên bản tạm dừng thi công.
Trong thời gian này, gia đình ông Thạch kiến nghị TP Đà Nẵng về việc chuyển quyền sử sụng đất giao khoán để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn. Văn phòng UBND TP đã có công văn ngày 18-4-2012 giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Liên Chiểu đề xuất cụ thể trường hợp chuyển quyền sử dụng đất nêu trên, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Quận Liên Chiểu cho biết khu vực tướng Thạch xây biệt thự “lụi” còn có nhiều hộ dân khác đang sinh sống.
Quận Liên Chiểu đề nghị TP Đà Nẵng và các sở, ban ngành xem xét, có chủ trương để các hộ dân sử dụng đất rừng trồng lâu năm tại khu vực này phát triển kinh tế vườn rừng, du lịch và ổn định đời sống. (Pháp Luật TPHCM 16/12) đầu trang(
15-12, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã xử sơ thẩm, tuyên phạt Đinh Trọng Thúc, Vũ Thị Mộng Thu, Ngô Quang Tuyên, Vũ Thị Mộng Huyền, Nguyễn Thị Thu Hường mỗi người năm tháng bốn ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội hủy hoại tài sản, tuyên trả tự do ngay tại tòa.
Cũng tội này, tòa phạt Nguyễn Tồn Chí, Nguyễn Thị Anh, Đỗ Thị Le mỗi người sáu tháng tù treo. Tám người này bị kết án vì bị quy kết chặt 12 cây tràm của Trạm trồng rừng Biên Hòa (nay là Trung tâm Lâm trường Biên Hòa), gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa các bị cáo khẳng định họ bị oan vì 12 cây tràm mà họ thuê người cưa bỏ là tràm tự mọc, không phải do lâm trường trồng. Hơn nữa, xung quanh khu vực có tới hàng ngàn người cũng chặt tràm xây nhà nhưng không ai bị xử lý gì...
Phiên tòa đã diễn ra rất căng thẳng. Bên cạnh việc các bị cáo kêu oan còn xảy ra tình tiết đáng chú ý khi luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho các bị cáo) đã yêu cầu trợ lý soạn đơn tố cáo thẩm phán chủ tọa vì “có những hành vi vi phạm tố tụng hình sự”. Trong khi đó, đại diện VKS thì nhiều lần đề nghị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở luật sư Hải vì cười, không lắng nghe đại diện VKS trình bày bản luận tội.
Được biết hôm 16-12, phía luật sư sẽ chính thức nộp đơn tố cáo nói trên đến lãnh đạo tòa. (Pháp Luật TPHCM 16/12) đầu trang(
Hơn 11.000 cây keo lai tại tiểu khu 275, Lâm trường Đồng Hợp (Cty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu), chưa kịp bén rễ đã bị nhổ không thương tiếc. Cán bộ đứng ra ngăn cản người dân thì bị đánh đập dã man....
19/11, hàng trăm người dân tại 4 bản: Ính, Đan, Lìm, Khục của xã Châu Lộc (Quỳ Hợp, Nghệ An) mang theo gậy gộc, dao phát rừng, tiến lên khu vực khe Nồn, thuộc tiểu khu 275 chặt phá hàng chục ha keo của Lâm trường Đồng Hợp (Cty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu).
Trước tình hình đó, một số cán bộ đã đứng ra can ngăn nhưng vẫn không cản nổi, trái lại còn bị đánh đập... Mâu thuẫn liên miên Theo các nhân chứng, vào thời gian nói trên, trong lúc người của lâm trường đang tiến hành trồng keo tại tiểu khu 275 thì bỗng nhiên nghe tiếng động từ xa vọng lại, ngay sau đó đã thấy cả trăm người kéo đến vây kín cả hiện trường.
Chẳng nói chẳng rằng, những người này ngang nhiên thực hiện hành vi phá hoại, hơn 11.000 cây keo lai chưa kịp bén rễ đã bị nhổ không thương tiếc. Nghiêm trọng hơn, những người nói trên còn dùng gậy và tuýp sắt lao vào đánh cán bộ cũng như lực lượng bảo vệ rừng của lâm trường. Để bảo toàn tính mạng, mọi người phải chạy thục mạng tìm nơi trú ẩn nhưng vẫn không thể tránh được trận mưa đòn.
Trong số những người bị thương, ông Đặng Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn, Kế toán trưởng lâm trường, kiêm Phó bí thư chi bộ cùng 2 công nhân Hoàng Văn Hiếu và Lê Xuân Thành bị nặng nhất, cả 3 người sau đó được chuyển xuống cấp cứu tại Bệnh viện Nghĩa Đàn trong tình trạng đa chấn thương.
Trước đó, vào sáng ngày 15/11 cũng đã xảy ra tình trạng tương tự, khoảng 150 người ở xóm Ính, xóm Khục và xóm Đan tổ chức, lôi kéo nhau tràn vào khu vực rừng trồng tại lô h, m, n, p khoảnh 9; lô e khoảnh 11 nhổ sạch 20.000 cây keo với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Một số đối tượng cầm đầu rất manh động, họ vừa nhổ, chặt cây vừa hô hào kích động khiến không khí trở nên căng thẳng tột đổ, thậm chí có người còn vác dao (Sầm Văn Ngọc, trú tại xóm Ính) đòi chém giám đốc lâm trường (?!)...
Theo báo cáo của Lâm trường Đồng Hợp, tổng thiệt hại kể từ khi thực hiện dự án trồng rừng tại tiểu khu 275 (từ tháng 4/2014) là trên 400 triệu đồng. Ai đúng ai sai? Nguyên nhân sự việc theo ông xóm trưởng xóm Ính là do khu vực khe Nồn là vùng rừng đầu nguồn, việc lâm trường trồng keo trên diện tích này sẽ tác động xấu đến nguồn nước sinh hoạt và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nhân dân.
Ông này cũng tiết lộ thêm: Xóm Ính hiện có 140 hộ với 628 khẩu, trong đó 98% số dân là người Thái, số hộ nghèo chiếm đến 40%. Người dân chủ yếu sống bằng trồng lúa nước, nhưng diện tích ruộng ít, đất rừng cũng rất ít, mỗi khẩu chỉ có khoảng 50m2.
Ông Vi Sinh Viên, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch HĐND xã Châu Lộc khẳng định: Chính quyền địa phương đã làm hết sức mình trong công tác vận động, tuyên truyền để giúp đỡ lâm trường nhưng nhiều hộ không đồng thuận nên mới dẫn đến xung đột. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức độ cỏn con chứ không nghiêm trọng như lời đồn: “Làm gì có chuyện người dân đánh đập cán bộ của lâm trường, thông tin này không chính xác”.
Một mực phủ nhận sự việc trên, nhưng đến khi PV cho biết kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng thì ông Viên lại cố tình lảng sang hướng khác: Trước đó tôi có nhận được thông báo tình hình của Lâm trường Đồng Hợp nhưng vì bận công việc nên không thể đến hiện trường, chỉ nghe cấp dưới báo cáo lại.
Hơn nữa, không thể quy kết việc người dân mang theo hung khí là có chủ ý đánh người, bởi đây là những vật bất ly thân mỗi khi lên rừng... Sự việc đã rõ như ban ngày, nhưng vị cán bộ trên lại cố tình lờ đi, chính điều đó khiến cho dư luận không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn!
Nói về vấn đề này, Giám đốc Lâm trường Đồng Hợp, ông Hồ Thanh Hùng chia sẻ: “Trên phương diện cá nhân, tôi nhận thấy UBND xã Châu Lộc chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nên mới xảy ra việc không hay trên. Chúng tôi có tài liệu, hình ảnh chứng minh cán bộ của mình bị hành hung, nếu cần sẽ sẵn sàng đứng ra đối chất. Bà con viện lí do nguồn nước bị ảnh hưởng rồi kéo đến chặt phá cây cối, cản trở công việc trồng rừng của lâm trường là hành vi không thể chấp nhận được. Chắc chắn đằng sau phải có người giật dây kích động”.
Liên quan đến việc cải tạo rừng nghèo kiệt tại Lâm Trường Đồng Hợp, Chi cục Kiêm lâm Tỉnh đã có kết luận cuối cùng thông qua công văn số 499/LN.BC: Việc thực hiện nhiệm vụ trồng rừng của Lâm trường Đồng Hợp tại xã Châu Lộc là có cơ sở pháp lý, đúng quy hoạch, đối tượng. Người dân có hành vi ngăn cản, hành hung không cho lâm trường tổ chức trồng rừng là sai, không có cơ sở pháp lý, làm chậm tiến độ trồng rừng gây ảnh hưởng đến môi trường; đồng thời gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.... (Nông Nghiệp Việt Nam 15/12) đầu trang(
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phê duyệt dự án giám sát đàn voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm tránh xung đột giữa loài này và người; đồng thời cải tạo sinh cảnh, cảnh quan tự nhiên của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Dự án có tổng vốn hơn 74 tỉ đồng, trong đó 45 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, số còn lại từ ngân sách của tỉnh và các nguồn khác.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện đàn voi trên địa bàn tỉnh còn 11 con, sống trong những cánh rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Cách nay khoảng chục năm, đàn voi có khoảng 20 con nhưng sau đó chết dần mà không rõ nguyên nhân.
Khi khám nghiệm xác voi, người ta thấy thức ăn trong bụng chúng là các loại cây trái do người dân trồng nên không loại trừ khả năng voi bị đầu độc. Tuy nhiên, dân trong vùng khẳng định không ra tay tàn độc như vậy vì đối với họ, voi là loài vật linh thiêng, thường được gọi một cách trân quý là “ông Bồ”.
Trong các năm qua, do hiếm thức ăn nên đàn voi đã kéo nhau về tàn phá các rẫy điều, xoài, mía… của người dân. Nhiều căn nhà, trang trại của dân ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán (tỉnh Đồng Nai) bị voi phá nát. Thậm chí, một người dân đã bị voi quật chết.
“Đã xảy ra cuộc chiến gay gắt giữa voi và người. Con người xâm lấn địa bàn khiến voi không còn đất sống, thức ăn nên buộc phải chống trả” - ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết.
Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, hiện tại, người dân một số xã giáp rừng thuộc huyện này và huyện Định Quán vẫn phải thức đốt đuốc, nổi cồng chiêng xua đuổi đàn voi về phá rẫy hằng đêm. “Năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014, theo thống kê, đã có gần 300 lần đàn voi kéo về hủy hoại nông sản, làm thiệt hại gần 100 ha mía, 60 ha mì, 50 ha điều, xoài... của dân” - một cán bộ UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay.
Đại diện Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết dự án bảo tồn voi được lập ra cách nay nhiều năm nhưng đến nay mới được duyệt và bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư. Mục đích của dự án là bảo tồn đàn voi rừng và bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị voi phá nát mùa màng, đe dọa tính mạng.
Ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng Phòng Bảo tồn Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tại dự án đang trong giai đoạn vận động dân bàn giao mặt bằng, đồng thời đấu thầu thiết kế, thi công công trình. Hạng mục quan trọng nhất của dự án là hàng rào điện tử ngăn voi, trong đó có 20 km hàng rào cố định và 10 km hàng rào di động đặt tại khu vực rừng thuộc 2 xã Mã Đà và Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Theo mô tả ban đầu, hàng rào sẽ được làm bằng dây điện để voi không qua được nhưng các con vật khác vẫn có thể qua lại dễ dàng. Hàng rào này sử dụng điện năng lượng mặt trời, cũng có thể dùng điện 220V. Lượng điện trong hệ thống có cường độ thấp chỉ đủ giật gây hoảng sợ, không làm chết người và động vật. Dọc hàng rào điện sẽ có khoảng 1.500 biển báo nguy hiểm và 8 cửa ra vào có thể qua lại được, đồng thời có các chốt kiểm lâm canh giữ. Dự án sẽ hoàn thành sau 12 tháng thi công.
Theo ông Mùi, ngoài tỉnh Đồng Nai, một số địa phương khác có khu bảo tồn như Nghệ An, Đắk Lắk cũng đang chuẩn bị áp dụng phương pháp này. Trước đây, khi mới bắt tay vào thực hiện dự án, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng hàng rào điện tử gây giật sẽ khiến voi bị ức chế, trở nên hung hãn. “Chúng tôi cũng đã lưu ý vấn đề này, tuy nhiên trên thế giới ít có trường hợp đó xảy ra” - ông Mùi nói.
Theo ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, ngoài phương án lập hàng rào điện tử nhằm giảm xung đột giữa voi và người, di dời dân ra khỏi khu bảo tồn được đánh giá là hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kinh phí di dời dân ra khỏi khu bảo tồn lại quá tốn kém nên chưa thực hiện được. Hiện tại, có 1.200 hộ dân đang sống trong khu bảo tồn. (Người Lao Động 16/12) đầu trang(
Có lợi thế nằm ven sông La Ngà nơi đầu nguồn của hồ Trị An, phong trào nuôi cá sấu ở xã Phú Ngọc, H. Định Quán (Đồng Nai) không ngừng phát triển.
Theo Hạt Kiểm lâm H. Định Quán, hiện nay trên địa bàn có 150 trang trại, hộ gia đình nuôi cá sấu với 94.000 con. Trang trại nuôi ít nhất cũng trên 50 con cá sấu, có trại nuôi hơn cả 1.000 con.
Nếu so về số lượng, thì ấp 4 (xã Phú Ngọc) là nơi có đàn cá sấu nuôi lớn nhất ở Đồng Nai với trên 60.000 cá thể. Hộ bà Trần Thị Hạnh (cách con rạch nhỏ dẫn ra sông La Ngà hơn 5m), hiện đang nuôi hơn 300 con cá sấu với đủ loại lớn nhỏ trong một khu đất rộng trên 500m2, có lớp tường bao và giăng lưới thép để tránh việc cá sấu thoát ra ngoài.
Với 2 chuồng có diện tích 150m2, ông Nguyễn Văn Nhật (ấp 4, xã Phú Ngọc) nuôi khoảng 70 con. Trên nền những con cá sấu nằm phơi nắng, há mồm nhe hàm răng lởm chởm như bàn chông. Thấy động, chúng quăng mình lao rầm rậm xuống hồ nước. Ông Nhật cho biết từ nhiều năm trở lại đây, giá cá sấu mới đạt được mức khá cao nên phong trào nuôi cá sấu ngày càng nở rộ.
Người được xem có nhiều kinh nghiệm nuôi cá sấu, tạo giống cá sấu ở khu vực H.Định Quán là anh Huỳnh Văn Tấn. Anh Tấn là chủ trại nuôi cá sấu La Ngà vừa là nơi cung cấp cá sấu giống, cũng là đầu mối thu mua thương phẩm của người nuôi.
Theo anh Tấn thời gian gần đây thị trường thu mua cá lên đến 210.000 đồng/kg, trong khi những năm trước giá chừng 130.000 -140.000 đồng/kg. Có lãi cao, nên người nuôi cá sấu cũng tăng đột biến. Sấu giống vài ngày tuổi trước đây chỉ 320.000– 350.000 đồng/con, nay đã tăng lên 400.000–450.000 đồng/con vẫn không kịp nguồn cung cấp.
Dù là chủ thu mua cá sấu lớn trong vùng, nhưng anh Tấn cũng không biết đường đi của sấu. Anh Tấn chỉ biết mình làm trung gian mua gom trong các hộ dân và xuất bán theo đặt hàng, giá cả, số lượng đều do các đầu nậu đưa ra.
Trong khi đó cũng không ít lo ngại cá sấu về vấn đề an toàn. Người nuôi thì khẳng định, mỗi con cá sấu giá hàng triệu đồng, nên ai cũng phải lo trông giữ. Trên thực tế, đã có không ít vụ cá sấu sổng chuồng, nhất là mùa mưa bão gây hoang mang trong người dân.
Mới đây, một vụ con cá sấu sổng từ trại nuôi của người dân xuất hiện trên hồ Trị An rộng lớn, đến nổi UBND H. Vĩnh Cửu đã yêu cầu cơ quan ban ngành và các địa phương đề ra biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân sống ở khu vực lòng hồ, đặc biệt là trẻ em. Để tránh nguy hiểm cho người dân, vào ngày 29.11, Hạt kiểm Lâm H.Vĩnh Cửu phối hợp với Công an xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) đã bắn hạ một con cá sấu dài khoảng 1,2m trên một nhánh phụ của hồ Trị An.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai cho biết: "Hồ thủy điện Trị An là hồ lớn nhất miền Nam với diện tích 323 km2, thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng không cho người dân nuôi động vật hoang dã trong khu vực khu bảo tồn, nếu cá sấu sổng chuồng sẽ gây nguy hiểm cho người dân và khách du lịch. Còn vấn đề nuôi cá sấu dù không thể cấm nhưng để đảm bảo an toàn, thiết nghĩ thời gian tới cơ quan chức năng cần có những quy định rõ ràng về hệ thống chuồng trại, quy trình nuôi an toàn".
Trong khi đó, ông Tôn Hà Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai thì cho rằng, cá sấu vẫn nằm trong danh mục động hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và theo công ước Cites thì cá sấu là động vật cấm buôn bán quốc tế. “Do vậy, ngành kiểm lâm cũng chỉ cấp phép, giám sát nuôi, vận chuyển trao đổi. Kiểm tra chuồng trại đảm bảo các biện pháp an toàn, vệ sinh môi trường”, ông Dũng cho biết.
Ngày 19.11, Hạt Kiểm lâm H. Định Quán đã tổ chức đoàn đến kiểm việc chăn nuôi cá sấu đối với các trang trại, hộ gia đình trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn đã nhắc nhở các chủ trang trại, hộ gia đình phải thường xuyên kiểm tra chuồng trại, đảm bảo an toàn khu vực nuôi, không để cá sấu lọt ra ngoài. Các chủ trang trại, hộ gia đình cũng đã ký cam kết không vi phạm các quy định của nhà nước về gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã. (Thanh Niên 16/12) đầu trang(
Chiều 15-12, UBND huyện Bắc Bình đã họp để tổ chức ngăn chặn vụ phá rừng xảy ra tại xã Phan Sơn (giáp ranh huyện Di Linh, Lâm Đồng do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý).
Ông Trần Ngọc Tân, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết số lượng gỗ bị lâm tặc chặt phá khoảng 60m3. Nhóm lâm tặc đã chở đi khoảng 25m3 và để lại hiện trường khoảng 35m3.
Ông Tân cho biết thêm lâm tặc chặt gỗ rồi đưa về Lâm Đồng theo con đường cũ đã hình thành lâu năm, không qua bất cứ trạm kiểm soát nào của lực lượng chức năng. Gỗ bị chặt phá chỉ có lâm tặc mới có thể vận chuyển, còn phương tiện của lực lượng chức năng không thể đưa gỗ ra khỏi rừng.
Một số cán bộ làm nhiệm vụ giữ rừng đã phá hủy một số gỗ khi tìm thấy nhằm cảnh báo và ngăn chặn không cho lâm tặc tiếp tục hoạt động phá rừng.
Ông Võ Thái Hòa, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bắc Bình, cho hay lượng gỗ trên là bằng lăng, có giá Nhà nước khoảng 4 triệu đồng/m3. Từ khi nắm được thông tin có lâm tặc, Hạt kiểm lâm Bắc Bình đã lập kế hoạch truy quét.
Qua trinh sát, truy quét vào các ngày 9 và 10-11, Hạt kiểm lâm Bắc Bình xác định tại khu vực Sông 9 - Di Linh có 3 xe cải tiến và có khoảng 20 xe gắn máy độ, chế của dân huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) xuống. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 20 xe gắn máy độ là dân huyện Bắc Bình.
Lực lượng chức năng đã bắt giữ 3 xe bò khai thác, vận chuyển gỗ. Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy cũng đã chỉ đạo các trạm quản lý bảo vệ rừng Đại Ninh, Sa Mai, tổ cơ động chống phá rừng khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, truy quét lâm tặc.
Hiện các cơ quan chức năng của huyện Bắc Bình đang củng cố hồ sơ để tiến hành khởi tố vụ án, điều tra làm rõ vụ việc lâm tặc phá rừng trên. (Tuổi Trẻ 16/12) đầu trang(
Ngành lâm nghiệp Đăk Lăk đang bộc lộ nhiều yếu kém, thể hiện qua công tác quản lý còn hạn chế, để xảy ra những sai phạm về quản lý và bảo vệ rừng. Việc di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp (CCN) và điểm quy hoạch (ĐQH) cũng rất chậm...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đăk Lăk cho biết: Hiện nay, tỉnh có 70 xưởng chế biến gỗ của các doanh nghiệp (DN), chỉ có 46 xưởng đang hoạt động, sáu xưởng tạm đình chỉ, hai xưởng bị đình chỉ, 16 xưởng đang tạm ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Số cơ sở sản xuất đồ mộc là 319, trong đó có 262 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có 218 cơ sở đang hoạt động.
Có thể nói, các DN, cơ sở chế biến lâm sản ở Đăk Lăk thuộc vào loại năng lực yếu, không xây dựng được vùng nguyên liệu, tính cạnh tranh không lành mạnh, nhiều cơ sở hoạt động nhờ vào "gỗ lậu". Từ cuối năm 2010, Sở NN&PTNT Đăk Lăk công bố quy hoạch ngành chế biến gỗ trên địa bàn giai đoạn 2010-2020.
Theo đó, các cơ sở chế biến gỗ được tổ chức, sắp xếp lại, di dời vào các khu, CCN, ĐQH trước 31-12-2012. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 10 DN di dời, cho dù tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN, ĐQH để di dời các cơ sở chế biến lâm sản.
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ea Kar Hồ Tấn Cư cho biết, huyện có một xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar xây dựng tại xã Ea Pal, nhưng xưởng cưa này ngừng hoạt động từ năm 2010 vì không có nguyên liệu.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 28 cơ sở mộc nằm rải rác ở các xã Cư Ni, Ea Ô, Ea Tyh, Ea Kmút, Cư Huê, Ea Pal, Ea Đa, thị trấn Ea Knôp. Thị trấn Ea Kar thì chỉ có 11 cơ sở đủ điều kiện hoạt động, còn lại 17 cơ sở đã bị đình chỉ do có nhiều vi phạm. Lý giải vì sao các xưởng, cơ sở chế biến lâm sản không chịu vào CCN, ĐQH thì các DN lấy nhiều lý do, song thực tế vấn đề chính là "vào đó" DN khó có thể tiêu thụ "gỗ lậu".
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Rừng Xanh (đóng ở huyện Ea Súp) được UBND tỉnh Đăk Lăk cho thuê 13.931,39 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn hai xã Ea Rôk và Cư Kbang (huyện Ea Súp). Qua kiểm kê rừng từ năm 2010 đến tháng 8-2014, cho thấy, chỉ sau gần bốn năm diện tích rừng của đơn vị bị mất là hơn 2.713 ha. Ngoài ra, còn 501 vụ chặt phá, lấn chiếm đất rừng với diện tích 606 ha; 274 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra 1800 của UBND tỉnh Đăk Lăk, DN thiếu biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ liên quan quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng và hồ sơ các vụ vi phạm còn sơ sài, không đầy đủ, báo cáo thiếu chính xác, một số hồ sơ lập chưa đúng quy định của pháp luật đã gây khó khăn trong khâu xử lý vi phạm. Nhiều vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, lấn chiếm đất rừng không chuyển cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Còn Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H'leo được UBND tỉnh Đăk Lăk đồng ý cho thuê 11.655 ha để sử dụng vào mục đích nông, lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất 10.745 ha. Theo số liệu kiểm kê rừng đến tháng 8-2014, thì diện tích rừng công ty này đã để mất là 567 ha.
Trong 111 vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng được công ty lập biên bản có tới 75 vụ vô chủ, toàn bộ các vụ vi phạm này cũng không chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định, kể cả những vụ có dấu hiệu hình sự. về hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, từ năm 2010-2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H'leo chỉ báo cáo với cơ quan chức năng của huyện lập biên bản 10 vụ, kiểm tra hồ sơ lưu trữ cũng chỉ có 10 vụ, không phản ánh đúng thực trạng lâm tặc phá rừng gây nhức nhối tại địa phương trong những năm qua.
Qua công tác kiểm tra thực tế tại Đội sản xuất Ea Sol, cho thấy, đội không có sổ nhật ký nên không phản ánh được thực chất hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, công ty này cũng thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương.
Theo UBND xã Ea Sol, từ năm 2010-2014, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H'leo gần như buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng. Thực tế cho thấy, trong số 100 vụ vi phạm về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng ở đây, xã chỉ trực tiếp tham gia một vụ. Từ năm 2010 đến nay, công ty không trồng được bất cứ diện tích rừng nào. Riêng hoạt động liên doanh liên kết dự án trồng rừng với Công ty TNHH sản xuất thương mại Lộc Phát tại tiểu khu 104 xã Ea Hiao, đơn vị đã để Công ty Lộc Phát tự ý bán diện tích rừng trồng.
Thực tế công tác quản lý bảo vệ rừng ở Đăk Lăk thời gian qua cho thấy nhiều bất cập. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk cần vào cuộc, xử lý nghiêm những sai phạm. (Thời Nay 15/12, tr6) đầu trang(
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Nam Bộ, lượng mưa năm nay sẽ thấp hơn cùng kỳ năm trước, có khả năng mùa mưa sẽ kết thúc sớm.
Do đó, việc chủ động đắp đập giữ nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tràm ngay từ thời điểm này là hết sức cần thiết nhằm duy trì mực nước dưới chân rừng. Đây được xem là một trong những biện pháp PCCCR hiệu quả nhất trong những năm qua.
Rừng tràm có tổng diện tích trên 40.000 ha, trong đó có 38.115 ha có rừng. Ðặc biệt, Vườn Quốc gia U Minh Hạ với tổng diện tích hơn 8.000 ha rừng nguyên sinh có giá trị cao về nhiều mặt. Ðặc biệt, khu vực này có khoảng 40% đất than bùn dày gần 1 m với đặc thù là mùa mưa dễ bị ngập úng, mùa khô lại dễ cháy do lớp thực bì dày trên nền đất than bùn rất dễ bén lửa, khi xảy ra cháy thì lây lan rất nhanh, khó dập tắt.
Phó trưởng Phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Trần Văn Du cho biết, đến thời điểm này tỉnh phê duyệt xong 6 phương án PCCCR của 6 đơn vị, gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Trung tâm Giống, Sở Chỉ huy thống nhất, cụm đảo Hòn Khoai, Trại giam Cái Tàu. Theo đó, các đơn vị sẽ hoàn thành việc đắp trên 100 con đập giữ nước trước ngày 30/10. Sửa chữa nhiều chòi canh lửa, máy bơm và các phương tiện cần thiết khác.
Bên cạnh đó, phát dọn kinh, mương tạo đường băng ngăn lửa. Xây dựng lực lượng phòng, chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần). Ðối với các hộ dân được giao đất, giao rừng theo Nghị định 181/2004/NÐ-CP, Hạt Kiểm lâm huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời tham mưu ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện chỉ đạo các hộ dân đắp các mương, rãnh thoát nước hoàn thành vào cuối tháng 10.
Song song với công tác chuẩn bị, vào những ngày đầu mùa khô năm nay, các đơn vị quản lý rừng tràm tổ chức họp dân, triển khai các nội dung PCCCR, ký cam kết trong PCCCR. Việc điều hoà nguồn nước bằng hàng trăm con kinh thuỷ lợi xuyên rừng là vô cùng quan trọng, không chỉ chống ngập, chống cháy rừng mà còn giữ vai trò điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân. Ðiều đáng mừng, hầu hết bà con sinh sống trên vùng đệm rừng tràm đều ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác PCCCR.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu cho biết, mùa khô năm nay, công ty đắp toàn bộ 23 đập giữ nước, với khối lượng trên 748 m3, đồng thời thường xuyên kiểm tra, gia cố, sửa chữa hệ thống đê, đập, tránh rò rỉ và xâm nhập mặn. Ðưa vào sử dụng 33 chòi canh, tăng cường xây dựng thêm 14 chòi canh tạm.
Bố trí 31 bảng bê-tông tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng, 25 bảng dự báo cấp cháy, 150 bảng cấm lửa… ở tất cả các cửa rừng, ngã ba, ngã tư, tuyến kinh lưu thông, khu vực dễ cháy, khu tràm non, tràm mới trồng. Ðặc biệt, tại khu dân cư đều cắm biển báo cấm lửa, cấm vào rừng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khu vực rừng tràm.
Hiện nay, các đơn vị quản lý rừng vận động người dân, các đối tác liên doanh, liên kết, các đơn vị thuê đất trồng rừng làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phát dọn và đốt thực bì hai bên đường, dọc theo các tuyến lộ, dọn sạch cỏ toàn bộ lòng kinh và băng xanh ở khu vực được giao khoán.
Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng dân cư về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đồng thời thực hiện ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng đối với các hộ dân nhận khoán đất rừng. Cùng với các địa phương, đơn vị chủ rừng và các đơn vị thuê đất trồng rừng trên địa bàn ký kết chương trình phối hợp PCCCR. (Báo Cà Mau 12/12) đầu trang(
Hoạt động phối hợp giữa Công an, Dân quân tự vệ và Kiểm lâm trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả.
Đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình huấn luyện, tổ chức diễn tập các phương án chiến đấu – trị an, các tình huống về quốc phòng; an ninh, trật tự (ANTT); phòng, chống cháy rừng. Các lực lượng đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn hiểm nguy, chung sức giữ vững ANTT từ cơ sở, được cấp uỷ chính quyền các địa phương đánh giá cao…
Trong thời gian qua, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) - Bộ Công an; Cục Dân quân tự vệ -  Bộ Quốc phòng và Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho lãnh đạo các Bộ đề xuất Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng, mang tính chiến lược.
Điển hình như Nghị định số 06 ngày 21/1/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH; Nghị định số 13 ngày 25/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và An ninh; Chỉ thị số 04 ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đồng thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của cán bộ và nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ ANTQ, bảo đảm ANTT ở địa phương, cơ sở.
Công tác phòng, chống cháy rừng đạt hiệu quả thiết thực. Phối hợp chỉ đạo Tạp chí Dân quân tự vệ - Giáo dục quốc phòng, Bản tin Công an xã và Bản tin Kiểm lâm đăng 16 tin, bài về phối hợp, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm. Thông qua tuyên truyền đã làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, cổ vũ, động viên các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ.
Các lực lượng cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên Cục trực tiếp ở một số xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Thừa Thiên - Huế, Hòa Bình, Cao Bằng, TP Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Qua kiểm tra đã đánh giá được thực chất công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp giữa lực lượng Công an xã, phường, thị trấn với lực lượng Dân quân tự vệ, Kiểm lâm trong công tác bảo vệ ANTT, bảo vệ rừng ở địa phương, cơ sở; đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác phối hợp giữa các lực lượng. Kết thúc đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã có thông báo kết quả kiểm tra gửi cho các địa phương để rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế và phát huy những kết quả đạt được.
Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã có Kế hoạch số 717 ngày 4/9/2014 chỉ đạo Công an các địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác phối hợp giữa lực lượng Công an cấp xã với lực lượng Dân quân tự vệ, Kiểm lâm trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH và bảo vệ rừng theo Nghị định số 74/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có báo cáo kết quả kiểm tra. Có thể khẳng định việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Dân quân tự vệ và Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả…
Ở địa phương, lực lượng Công an xã, Dân quân tự vệ và Kiểm lâm cũng đã phối hợp trong công tác tham mưu quán triệt và thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ ANTQ, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Việc thực hiện chế độ giao ban, trao đổi thông tin giữa các lực lượng ở cơ sở được duy trì theo định kỳ, đột xuất và lồng ghép vào các cuộc giao ban nội chính hằng tuần do UBND cấp xã chủ trì. Công tác vận động quần chúng được lực lượng Dân quân tự vệ, Công an, Kiểm lâm và Bộ đội Biên phòng (trên tuyến biên giới) phối hợp chặt chẽ thực sự là nòng cốt để đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, bảo vệ và phát triển rừng.
Nhờ đó mà các vụ việc về ANTT cơ bản được phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở, không để kéo dài; an ninh biên giới và các mục tiêu quan trọng được giữ vững; góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở địa phương.
Một trong những công tác phối hợp giữa 3 lực lượng Dân quân tự vệ, Công an cấp xã và Kiểm lâm địa bàn là tổ chức các đợt diễn tập chiến đấu - trị an. Năm 2014 đã có gần 2.698 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc tổ chức diễn tập; trong đó có 323 cấp xã diễn tập phòng chống lụt bão, chữa cháy rừng; 2.375 cấp xã diễn tập chiến đấu - trị an.
Qua diễn tập đã bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của Ban Chỉ huy Quân sự, Công an và Kiểm lâm địa bàn và khả năng phối hợp xử trí tình huống quốc phòng, an ninh, chữa cháy rừng. Lực lượng Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với Dân quân tự vệ và Công an cơ sở tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng, kiểm tra ngăn chặn và triệt phá nhiều tụ điểm về khai thác, cất giữ, mua bán, vận chuyển gỗ, lâm sản trái pháp luật.
Tính đến ngày 30/10/2014 đã xử lý 18.417 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 18.222 vụ, khởi tố 195 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp cùng các lực lượng, chủ rừng và nhân dân địa phương xử lý và dập tắt 419 vụ cháy rừng (tăng 177 vụ so với cùng kỳ năm 2013)…
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khảo, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Bộ Công an cho biết, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ đối với Dân quân tự vệ; Công an xã, phường, thị trấn và lực lượng Kiểm lâm trong giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH, bảo vệ rừng, thời gian tới, Cục Dân quân tự vệ, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và Cục Kiểm lâm sẽ ký Quy chế phối hợp và tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị được giao. (Công An Nhân Dân 16/12, tr7) đầu trang(
Mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Công văn số 6494/UBND-CNN về việc tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và cây phân tán năm 2014 – 2015.
Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến như sau: Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã nơi có rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ phối hợp với Hạt Kiểm lâm Cần Giờ tăng cường các biện pháp ngăn chặn hành vi chặt phá rừng, đào bắt Địa sâm (Đồn đột) trái phép; tăng cường quản lý các hoạt động nuôi thủy sản, sản xuất muối trong phạm vi rừng phòng hộ tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây rừng; chỉ đạo lực lượng Công an, Quân đội phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tại địa phương tăng cường hoạt động tuần tra, kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Ủy ban nhân dân các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Quận 9 tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có rừng, cây lâm nghiệp trồng phân tán trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao thực hiện: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản và thành quả sản xuất của mình, chủ động thực hiện các biện pháp phát dọn cỏ dại quanh nhà, quanh khu vực sản xuất để phòng chống cháy lan.
Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng triển khai ngay các biện pháp cần thiết theo quy định về phòng cháy chữa cháy rừng; các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy; các cơ quan chuyên trách về phòng cháy, chữa cháy và các đơn vị chủ rừng tổ chức trực phòng cháy, chữa cháy 24/24 giờ trong suốt các tháng mùa khô, thực hiện chế độ báo cáo và báo cháy theo quy định.
Yêu cầu Ban quản lý các dự án đã được Ủy ban nhân dân Thành phố giao đất nhưng chưa triển khai, phải có biện pháp phòng chống cháy lan tại những điểm có bãi cỏ trong đất dự án tiếp giáp với rừng, cây phân tán, cơ sở sản xuất và nhà dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tập trung thực hiện: Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản và bảo vệ động vật hoang dã; về an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng và thông tin dự báo cấp nguy cơ cháy rừng để mọi người biết và chủ động đề phòng.
Kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực có rừng thực hiện nghiêm chế độ, quy định về bảo vệ rừng, an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng, tuân thủ quy trình, quy phạm trong công tác vệ sinh, chăm sóc rừng; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Hướng dẫn các quận - huyện, phường - xã bổ sung, xây dựng mới phương án phòng cháy chữa cháy rừng và cây phân tán sát với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác Dịch vụ thủy lợi tăng cường biện pháp quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, chủ động điều tiết nước đáp ứng cho yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nguồn nước phục vụ cho công tác phòng cháy và chữa cháy tại những khu vực có rừng và cây trồng dễ cháy khác vào các tháng mùa khô.
Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố tổ chức chữa cháy và cứu hộ khi xảy ra cháy rừng và cây phân tán, đồng thời tăng cường phối hợp Chi cục Kiểm lâm kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng tại chỗ.
Lực lượng Thanh niên xung phong chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại địa bàn nơi có rừng thường xuyên tổ chức quán triệt cán bộ, đội viên tích cực tham gia bảo vệ rừng, lập kế hoạch phối hợp tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Thành phố phối hợp Chi cục Kiểm lâm thực hiện thông tin dự báo cấp độ nguy cơ cháy rừng trên địa bàn Thành phố để các địa phương có rừng, chủ rừng và người dân tại khu vực có rừng biết, có biện pháp chủ động ứng phó. (Congbao.hochiminhcity.gov.vn 12/12) đầu trang(
Tối 15/12, tại tỉnh Cao Bằng diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014), Công bố Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Tới dự có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị; Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết và đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương. Tham dự còn có các cán bộ lão thành, đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng 34 gia đình chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và đông đảo người dân địa phương.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đây là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ, là sự kết tinh truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua mấy nghìn năm lịch sử. Là sự kiện chính trị quân sự quan trọng có ý nghĩa to lớn, một bước ngoặt của Đảng và dân tộc ta.
Từ đội quân chủ lực đầu tiên với 34 chiến sỹ, 70 năm qua Quân đội ta từng bước phát triển trưởng thành lớn mạnh cùng với toàn Đảng, toàn quân tiến hành thắng lợi tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng 8 năm 1945, đã lập nhiều chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc và xã hội chủ nghĩa. Đồng thời thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế. Quân đội ta đã trở thành Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Lễ kỷ niệm còn dịp tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh tầm vóc, giá trị lịch sử, truyền thống, tầm quan trọng của Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu rõ: Dưới sự giáo dục rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu đã nhanh chóng lớn mạnh, trưởng thành, tuyệt đối trung thành với Đảng, với đất nước, chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, Quân đội ta đã chiến đấu và chiến thắng những đế quốc sừng sỏ bậc nhất thế giới, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền quốc gia, đưa nhân dân đến hoà bình, đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng trân trọng cảm ơn tình cảm và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến quân và dân tỉnh Cao Bằng. Toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng nguyện tiếp tục đoàn kết dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quê hương, xây dựng đời sống nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc, bảo vệ vững chắc biên giới Quốc gia.
Tại buổi lễ, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trân trọng trao Bằng Công nhận Rừng Trần Hưng Đạo là Khu di tích Quốc gia đặc biệt cho tỉnh Cao Bằng. (VOV 16/12) đầu trang(
Được ví như chiếc cầu nối quan trọng, gắn kết hoạt động của cơ quan kiểm lâm (KL) với cơ sở, trong những năm qua, lực lượng KL địa bàn (KLĐB) của Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV-PTR) trên địa bàn.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Hạt Trưởng Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Lực lượng KL được phân công phụ trách địa bàn của huyện hiện có 16 người. Tuy còn nhiều khó khăn, như lực lượng mỏng, địa bàn rộng..., nhưng xác định nhiệm vụ chính trị là quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) tại địa bàn, KLĐB thường xuyên bám dân, bám rừng, với phương châm “ba cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân địa phương.
Ngay từ đầu năm, KLĐB các xã, thị trấn căn cứ phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã được xây dựng giai đoạn 2011-2015 để tham mưu chủ tịch UBND xã, thị trấn ban hành kế hoạch BVR, PCCCR; xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét BVR và kiểm tra kiểm soát lâm sản trên địa bàn quản lý.
KLĐB đã tham mưu cho UBND cấp xã phối hợp với BQL rừng phòng hộ huyện, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn thực hiện giao khoán rừng cho 25 tập thể và 1.809 cá nhân, với tổng diện tích gần 23.596 ha. KLĐB đã tham mưu chủ tịch UBND xã, thị trấn kiện toàn 9 Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong BVR và PCCCR cấp xã; xây dựng 25 tổ đội xung kích BVR ở các thôn với 567 người tham gia.
Trong năm 2014, tình hình vi phạm Luật BV-PTR trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và phá rừng trái phép để làm nương rẫy còn xảy ra ở nhiều địa phương.
Để ngăn chặn, xử lý, lực lượng KLĐB đã chủ động tham mưu các xã, thị trấn xây dựng 85 kế hoạch tuần tra, kiểm tra, truy quét BVR; tổ chức được 439 đợt kiểm tra, truy quét với lực lượng tham gia là 2.128 người, phát hiện lập biên bản 89 vụ vi phạm Luật BV-PTR; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác các khu vực trọng điểm, dễ cháy; thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng.
Lực lượng KLĐB cũng đã tham mưu các xã, thị trấn xử lý 37 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực QL-BVR và quản lý lâm sản; lập hồ sơ đề nghị UBND xã chuyển cấp trên xử lý 52 vụ vi phạm Luật BV-PTR.
KLĐB đã hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân về thủ tục đăng ký khai thác gỗ vườn, gỗ rừng trồng, tham mưu chủ tịch UBND các xã, thị trấn xác nhận nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật đối với gỗ vườn, gỗ rừng trồng của nhân dân; đã xác nhận nguồn gốc 415 m3 gỗ, 70 tấn gỗ nguyên liệu, 780 ster gỗ các loại...
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, vai trò của lực lượng KLĐB huyện Vĩnh Thạnh đã được phát huy có hiệu quả trong việc phối hợp với quần chúng nhân dân, chính quyền địa phương thực hiện QL-BVR, PCCCR, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản trên địa bàn. Có được kết quả đó là nhờ việc phân công, bố trí kiểm lâm phụ trách địa bàn phù hợp với năng lực của từng người. Lãnh đạo Hạt KL đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của công chức KLĐB.
Lực lượng KLĐB đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhân dân, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể; là cầu nối tạo sự phối hợp tốt giữa chính quyền địa phương với các đơn vị chủ rừng và giữa các đơn vị chủ rừng với nhau.
Hoạt động có hiệu quả của KLĐB đã góp phần cho nhiều xã ở khu vực miền núi phát triển kinh tế rừng, đời sống người dân làm nghề rừng được cải thiện, nhiều hộ làm giàu từ nghề rừng; tình hình an ninh rừng trên địa bàn được ổn định...  (Báo Bình Định 12/12) đầu trang(
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản, phá rừng trái phép trên địa bàn huyện.
Trước đó ngày 30/11, nhận được thông tin phản ánh của người dân, ngay trong ngày, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn xã Cà Dy.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện tại khu vực Sông Cái (làng Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) có 1 điểm khai thác vàng sa khoáng trái phép với 10 lao động, 4 máy nổ, 2 dàn tuyển đãi vàng, 1 máy phát điện, 1 lán trại và khoảng 150m ống dây dẫn nước, cát, sạn; không có chủ bãi tại hiện trường.
Khu vực đang khai thác có diện tích khoảng 1.000m2, chiều sâu trung bình khoảng 5m, nằm dọc theo sông Cái và cách đường Hồ Chí Minh nơi gần nhất khoảng 100m. Hoạt động khai thác vàng sa khoáng trái phép này do ông Bơ Nướch Cường trú tại làng Rô tổ chức khai thác.
Đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu các công nhân dừng ngay hoạt động khai thác vàng sa khoáng trái phép nói trên, tháo dỡ, di chuyển tất cả các máy móc, thiết bị, dụng cụ, lán trại ra khỏi khu vực. Đồng thời đề nghị ông Bơ Nướch Cường không được tiếp tục tổ chức khai thác vàng sa khoáng trái phép tại khu vực nêu trên.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ việc chuyển nhượng, sử dụng đất liên quan đến hoạt động khai thác vàng sa khoáng trái phép tại km25 (làng Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang), xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm, khuyết điểm.
Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, người lao động làm trái quy định, bao che, buông lỏng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đất đai. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/12/2014 để theo dõi, chỉ đạo.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo Công an huyện Nam Giang triệu tập các đối tượng liên quan đến khai thác vàng sa khoáng trái phép tại km25 (làng Rô, xã Cà Dy) để làm việc, xác minh làm rõ các vi phạm và xử lý theo quy định.
Chỉ đạo các ngành liên quan của huyện Nam Giang phối hợp với BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh kiểm tra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và phá rừng tại khu vực Khe Vinh (xã TàBhing) thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh theo phản ảnh của nhân dân trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/12/2014. (Dân Trí 14/12) đầu trang(
Xây dựng thương hiệu điểm đến là một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch. Để làm được điều đó, trang trại vườn lan rừng Troh Bư cần phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn của riêng mình.
Nếu phát triển những sản phẩm du lịch tương tự như các điểm du lịch tại khu Du lịch Buôn Đôn thì sẽ gặp nhiều bất lợi trong việc thu hút khách du lịch đến với trang trại vườn lan rừng Troh Bư vì sản phẩm đơn điệu, nhàm chán. Vì vậy, vấn đề xây dựng khu bảo tồn lan rừng trong trang trại vườn lan rừng Troh Bư kết hợp với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa ở đây là hết sức cần thiết.
Việc nghiên cứu bảo tồn lan rừng  trong trang trại vườn lan rừng Troh Bư và phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng là một hướng đi mới, không chỉ giải quyết các vấn đề tồn tại của khu du lịch này mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cải  thiện  đời sống kinh tế, xã hội của người dân bản địa
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, trang trại vườn lan rừng Troh Bư đã xác định hướng chính được đưa ra là phát triển các sản phẩm đặc trưng. Theo đó, Troh Bư là một vườn cảnh rất tự nhiên, rất Tây nguyên và rất rừng, rất đại ngàn... ác điều kiện liên quan, sản phẩm du lịch đặc trưng của vườn Troh Bư bao gồm: Tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, lễ hội, làng nghề truyền thống...
Ở Troh Bư có những hiện vật văn hoá đặc sắc không nơi nào có đựơc là chiếc thuyền độc mộc to nhất thế giới và dàn chiêng đá cổ xưa duy nhất cho đến thời điểm bây giờ. Tuy nhiên, mới chỉ dừng ở đó thì Troh Bư chưa đủ để hấp dẫn hơn các khu du lịch đã có trước trong vùng. Với lợi thế 02 ha hồ và rừng có khí hậu lai nửa rừng khộp lại rất gần với thành phố Buôn Ma Thuột mát mẻ nên chơi lan rừng theo kiểu tự nhiên, trưng bày là rất đẹp và cực kỳ phù hợp.
Sau gần 20 năm kiên trì phục hồi rừng tự nhiên, trong vườn Troh Bư lan rừng cũng đã trở lại tái sinh hạt, một điều hiếm gặp ở các vườn lan. Ở đây đã có hàng trăm loại lan đựơc sưu tập và phát triển với số lượng có thể nói là rất lớn. Chính vì vậy, việc xây dựng khu bảo tồn lan rừng để phục vụ du khách chắc chắn là một hướng đi đúng đắn và hấp dẫn không chỉ với vườn Troh Bư mà còn cả với du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk.
Theo Ông Đỗ Tuấn Hưng chủ vườn Troh Bư, trong thời gian tham gia khảo sát, kết nối du lịch tại các tỉnh và qua tìm hiểu, nghiên cứu thị trường du lịch khách nội địa và quốc tế, vườn Troh Bư chọn sản phẩm du lịch đặc trưng đưa ra để phù hợp với nhu cầu của từng thị trường.
Đối với thị trường khách quốc tế thì các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái, văn hóa và cộng đồng. Đối với thị trường khách du lịch nội địa là các sản phẩm du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch nghỉ cuối tuần, các hoạt động ngoài trời và loại hình du lịch kết hợp với các hoạt động thể thao. Buôn Đôn có thế mạnh là một địa danh du lịch đã có tên trong bản đồ du lịch và rất hấp dẫn với du khách nhờ vào cách làm du lịch gắn với nghề săn bắt và nuôi dưỡng voi rừng truyền thống.
Tuy nhiên, Du lịch Buôn Đôn nói riêng và Đắk Lắk nói chung cũng cần phải tính đến những mảng du lịch không có voi cho định hướng phát triển lâu dài và bền vững. Chính vì vậy, việc tận dụng thế mạnh của một vùng còn nhiều rừng với vườn quốc gia Yok đôn có diện tích rộng nhất và là một trong những cái nôi của lan rừng Việt Nam để xây dựng một khu bảo tồn lan rừng phục vụ du lịch là một hướng đi cần đựơc cân nhắc đến.
Một khu bảo tồn, một thánh địa của lan rừng Việt Nam cho đến nay vẫn đang là ước mong cháy bỏng của những người mê lan trong cả nước. Vì vậy, việc xây dựng  khu bảo tồn lan rừng Troh Bư nó không những chỉ có ý nghĩa hấp dẫn về du lịch với du khách khi muốn tìm hiểu, khám phá mà còn có ý nghĩa rất lớn đến vấn đề bảo tồn, gìn giữ nguồn gen lan và làm du lịch đưa Du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk  ngày càng phát triển. (Du Lịch VN 14/12) đầu trang(
15/12, lực lượng Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và người dân xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đã vây bắt thành công một cá thể cá sấu sổng ra ngoài.
Thông tin từ lực lượng Kiểm lâm Vĩnh Cửu cho biết, cá thể cá sấu sổng ra một hồ lớn sát khu vực hồ Trị An có chiều dài 2m, cân nặng trên 30kg. Đây là cá thể cá sấu Xiêm.
Khi phát hiện có cá sấu xuất hiện trong hồ ở ấp 2, xã Mã Đà, người dân đã báo cho cơ quan chức năng. Sau hai ngày tìm kiếm và vây bắt, sáng 15/12 cá thể cá sấu trên đã được lực lượng Kiểm lâm và người dân bủa lưới bắt được.
Trước đó, TTXVN đã phản ánh tình trạng nuôi cá sấu tự phát tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu đang là mối đe dọa cho người dân khi cá sấu liên tục sổng ra môi trường ngoài.
Ngày 22/10, một cá thể cá sấu dài 1,2m cũng đã sổng xuống lòng hồ Trị An. Mặc dù cơ quan Kiểm lâm địa phương truy bắt, nhưng không thành công.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh này có 203 trang trại nuôi cá sấu với trên 100.000 cá thể. Riêng huyện Định Quán có 148 trang trại với hơn 80.000 cá thể cá sấu đang được nuôi nhốt.
Theo ngành Kiểm lâm, cá sấu hiện vẫn nằm trong danh mục động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng và theo công ước Cites, cá sấu là động vật cấm buôn bán quốc tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết, do cá sấu nằm trong danh mục động vật hoang dã nên công tác quản lý cá sấu thuộc về Kiểm lâm và không được xem là vật nuôi trong cơ cấu nông nghiệp. (VietnamPlus 15/12) đầu trang(
Trước khi thực hiện bài viết này, PV đã tìm hiểu rất kỹ về bài thuốc dân gian mang tên "huyết lình" bào chế từ "máu khỉ đến tháng". Như nghiên cứu từ cố GS Đỗ Tất Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cứu chế tạo dược phẩm, Cục Quân V, một nhà nghiên cứu dược phẩm nổi tiếng nước ta thì bài thuốc đó  còn gọi là "lục linh".
Huyết lình hay lục linh là máu chảy ra của con khỉ sau khi đẻ hoặc đến tháng. Từ xa xưa, dân gian đã đến những tảng đá mà khỉ hay ngồi hoặc đi lại để cạo lấy những huyết khô dính trên đá. Những mảng huyết đọng lại dày tới 1cm được người ta cạo về phơi khô rồi cho vào những lọ kín.
Máu khỉ khô thường dưới dạng cục nhỏ màu đen nâu hoặc bã cà phê, có mùi rất tanh. Khi cần dùng thì nghiền nhỏ pha nước hoặc nấu với cháo để ăn. Theo nghiên cứu của GS Đỗ Tất Lợi thì loại huyết này được dùng làm bài thuốc bổ máu cho phụ nữ sau sinh. Đồng thời, với những người xanh xao, gầy yếu hoặc trẻ em còi cọc cũng có thể dùng được.
Ngoài ra, máu khỉ còn ngâm rượu làm thuốc giảm đau cho các vết thương hoặc những người bị thần kinh đau nhức xương khớp khi trái gió trở trời. Trong các nghiên cứu này, cố GS Đỗ Tất Lợi không hề đề cập bất cứ tác dụng nào của "máu khỉ đến tháng" đối với khả năng "cải lão hoàn đồng" hay tăng cường sinh lý nam giới.
Tuy nhiên, ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì quan niệm về máu khỉ lại hoàn toàn khác. Rất nhiều bà con dân tộc đã bỏ nương đồi chỉ để đi săn tìm những vết huyết khô hoặc thậm chí, săn tìm giết hại cả khỉ hoang dã với hy vọng có thể tìm được chút máu về chế thuốc bán cho những người có nhu cầu.
Lương y Hoàng Văn C ở xã Việt Vinh (Quang Bình, Hà Giang) khẳng định chắc nịch rằng: "Chính bản thân tôi cũng đã từng có thời gian đi theo một nhóm người băng qua những cánh rừng rậm, những vách đá cao đi săn máu khỉ đem về làm thuốc".
Theo tiết lộ của ông C, loại thần dược từ "máu khỉ đến tháng" chỉ có ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Hà Giang. Người dân ở các khu vực này coi loại thần dược này là thứ tài sản có giá trị nhất, hơn cả việc đi tìm trầm gió mà nhiều bà con ở vùng Quảng Nam vẫn săn tìm.
"Giới lang y chúng tôi ở những vùng đất này, ai cũng coi "máu khỉ đến tháng" là thuốc quý số 1, hơn cả nhân sâm ngàn năm. Trước đây khi còn nhiều khỉ thì việc săn tìm huyết khô còn dễ, giá cả cũng hợp lý phải chăng. Bây giờ thì hiếm nên bài thuốc này gần như không tồn tại", ông C cho biết.
Theo bà con dân tộc Mông ở Hà Giang, bài thuốc từ máu khỉ có tên gọi là "Xá lia - Hli sía". Bài thuốc này có thể trị được nhiều chứng bệnh khác nhau, nhưng chủ yếu là dành cho phụ nữ nên hầu như nhà nào cũng cố dự trữ vài ba lạng huyết khô của khỉ phòng khi đau ốm.
Từ những tác dụng thông thường của huyết khỉ khô, nhưng không biết từ bao giờ, bài thuốc lục linh này lại được thổi phồng với những công dụng đặc biệt vói khả năng "cải lão hoàn đồng", kéo dài tuổi xuân và tăng cường khả năng giường chiếu của nam giới.
Sự thổi phồng vô căn cứ này đã dẫn tới thảm họa săn tìm huyết khỉ khô. Không những vậy, cuộc săn tìm còn kéo theo hệ quả là loài khỉ bị tàn sát một cách vô tội vạ ở khắp các cánh rừng phía Bắc có loài khỉ trú ngụ.
Ông Phạm Huy Trà, Chủ tịch UBND xã Tùng Bá (Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết, 10 năm trở về trước có một cuộc săn lùng huyết khỉ rất rầm rộ. Mặc dù không biết bài thuốc có tác dụng hay không, nhưng nhiều người bỏ cả ruộng vườn đồi nương chỉ để tìm kiếm máu khỉ khô trên các tảng đá ở khu bảo tồn rằng Khau Ca.
Anh Đán Văn Khoan, thành viên Đội kiểm lâm Khu bảo tồn Khau Ca từng là người gia nhập đội ngũ săn tìm huyết khỉ những năm 2000. "Khi không thể tìm ra huyết khỉ khô thì chúng tôi nghĩ ra cách khác tiêu cực hơn. Lúc ấy tôi chưa gia nhập đội bảo vệ rừng nên đã nổ súng hạ sát 62 con vọoc mũi hếch ở khu rừng Khau Ca này. Nhưng số lượng mà người ta hạ sát khỉ để lấy máu đem bán còn lớn hơn rất nhiều lần", anh Khoan tiết lộ.
Theo anh Khoan, máu khỉ khô thường có trên những tảng đá trắng trên cao, nơi mà khỉ có thể phơi nắng. Một trong những địa điểm dân săn tìm chú ý đến là bản Lùng Trang của xã Linh Hồ hoặc các bản xa của xã Tùng Bá. Số nhiều họ đi tìm huyết khỉ khô theo đơn đặt hàng của những người dưới miền xuôi.
Một khảo sát sơ bộ của Trung tâm Con người và Thiên nhiên đối với các khu rừng ở Hà Giang nói riêng và Tây Bắc nói chung đã ở mức báo động. Tình trạng phá rừng ngày càng trầm trọng và tinh vi. Đặc biệt, các loài thú hoang dã như khỉ, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng... bị tàn sát không thương tiếc.
Chỉ vì những tin đồn vô căn cứ mà bài thuốc lục linh đem lại đã kéo theo hệ lụy khủng khiếp là người dân vào rừng tàn phá cả cây lẫn động vật. Chúng tôi ra sức bảo vệ rừng nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào. Rất nhiều người đem súng vào rừng để giết hại thú hoang dã trong khi việc của họ chỉ là săn tìm huyết khô của khỉ, anh Đán Văn Khoan, Đội Kiểm lâm Khu bảo tồn Khau Ca cho biết.
Trước thực trạng người dân ồ ạt vào rừng săn bắt thú hoang dã, tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc săn bắn, xâm phạm đến rừng và các loài thú. Nhưng thực hiện mãi, UBND xã Tùng Bá mới chỉ tịch thu được 165 khẩu súng kíp và súng tự chế.
Và cho đến nay, các cánh rừng của Hà Giang và Tây Bắc vẫn còn lẩn khuất những nhóm đi săn tìm huyết khỉ khô. Điều đáng buồn là chỉ vì món lợi trước mắt mà họ đang tận diệt thú quý, băm nát những cánh rừng vốn là "ngôi nhà chung" chỉ để phục vụ nhu cầu sai lầm của những kẻ lắm của nhiều tiền. (Sức Khỏe & Đời Sống 15/12, tr14) đầu trang(
Có ít nhất 200 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn từ đầu tháng 10 ở Bình Định và Quảng Ngãi. Các chuyên gia nhận định loài rắn này tăng đột biến nhiều khả năng do lũ lịch sử năm trước.
Ngày 15/12, Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Ngãi - Nguyễn Văn Hân cho biết, sau khi khảo sát, các chuyên gia bước đầu nhận định, nhiều khả năng do đợt mưa lũ lịch sử năm 2013 khiến mực nước dâng cao cuốn loài rắn này từ khu vực đồi cao về đồng bằng gần với khu dân cư.
Tại đây, nguồn thức ăn cho chúng như nhái, chuột... lại dồi dào đã tạo điều kiện cho loài rắn này thích nghi, sinh trưởng nhanh. Mỗi lứa chúng đẻ từ 6 đến 12 con, lại không gặp loài thiên địch, nên xuất hiện nhiều bất thường.
Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, từ đầu tháng 10 đến nay, khoảng 150 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Đây là địa phương có số người bị loài rắn này cắn nhiều nhất khu vực miền Trung. Riêng ba huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và Đức Phổ, cơ quan chức năng cùng người dân đã ra quân diệt ít nhất 400 rắn lục đuôi đỏ trong hai tháng qua.
Tại Bình Định, loài rắn này không chỉ xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, thị xã An Nhơn mà còn gia tăng bất thường ở TP Quy Nhơn gây hoang mang cho người dân.Thống kê của bệnh viện đa khoa Bình Định, hai tháng qua đã tiếp nhận khoảng 57 người bị rắn cắn, chủ yếu do loài rắn lục đuôi đỏ. Ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc bệnh viện cho biết, riêng TP Quy Nhơn có đến 17 ca.
"Phần lớn bệnh nhân bị rắn cắn vào viện sớm được truyền huyết thanh để chống độc. Nhờ điều trị kịp thời nên không có người biến chứng rối loạn chức năng hô hấp, suy thận", ông Mỹ nói và cho biết các cơ sở y tế đã in hình rắn lục đuôi đỏ tuyên truyền trực quan cho người dân cách phòng tránh, sơ cứu.
Trước đó, ngày 12/12, Bộ Y tế khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần rửa vết thương; cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Đồng thời không chích rạch tại vết cắn; có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc rồi nhanh chóng đưa tới các khoa cấp cứu hoặc khoa hồi sức chống độc.
Để phòng rắn cắn, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà. Trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn nên áp dụng. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.
Hiện, Viện văcxin và Sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ. (VnExpress 15/12) đầu trang(
10/12, Vườn Quốc gia Tràm Chim (QGTC) và Trạm Thủy sản huyện Tam Nông tổ chức thả 14.000 con cá trê vàng giống vào khu A2 Vườn QGTC.
Số giống cá bản địa trên được thu mua từ cơ sở ương bán cá giống trong tỉnh, trị giá hơn 21 triệu đồng. Đây là đợt thả cá giống bản địa lần thứ 2 vào Vườn QGTC trong năm 2014 (lần trước đã thả trên 6.000 con cá lóc bông và 17.000 con cá sặt rằn giống).
Việc làm trên nhằm góp phần xây dựng ý thức bảo tồn quần thể các loài cá bản địa đang dần bị cạn kiệt và một số loài cá nước ngọt đang có nguy cơ tuyệt chủng; chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài cá bản địa để giữ gìn bền vững Khu Ramsar Tràm Chim. (Báo Đồng Tháp 12/12; Lao Động Xã Hội 16/12, tr6) đầu trang(
Những con cút nuôi quá lứa, đẻ ít được “phù phép”, “tút” lại thành “chim rừng”, sau đó được bày bán mất vệ sinh dọc đường với giá… trên trời.
Sau một thời gian vắng bóng, những ngày gần đây trên tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An (Long An) tái diễn tình trạng chim rừng tràn lan. Thực chất những con chim này chỉ là chim cút.
Vẫn thủ đoạn cũ, những con “chim rừng” này sau khi nhổ lông, thui sẵn được bày bán dọc hai bên đường với tên gọi chằng nghịch, ốc cao,… Dù chỉ trên một đoạn đường ngắn vài cây số từ Tân An đến Bến Lức nhưng vào những ngày nghỉ, có đến 30, 40 người bày bán các loại chim này. Rất nhiều người đi đường đã mua những con “chim rừng” kiểu này với giá trên trời, từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg.
Sáng 13-12, một phụ nữ chở một thùng chim cút tấp vào lề đường tại khu vực xã Nhị Thành, Thủ Thừa. Sau khi dừng xe, người phụ nữ lấy từ trong giỏ xách nhựa ra một cái cân nhỏ và khoảng 10 kg chim đã được nhổ trụi lông. Chị cho biết quê ở Tiền Giang, đến Long An thuê nhà trọ để bán “chim rừng”. Chị nói: “Loại chim rừng chằng nghịch này được đánh lưới tại các huyện Đồng Tháp, Long An là đặc sản rất được dân nhậu ưu chuộng, do vận chuyển xa nên một ký tính rẻ cho 120.000 đồng”.
Cũng theo cách tính của người bán hàng này, mỗi ngày một người bán được trung bình khoảng tầm 20 kg, muốn mua sỉ hay lẻ gì cũng có và mua nhiều sẽ bớt cho chút đỉnh. Ước tính mỗi ngày có ít nhất hàng trăm ký “chim rừng” kiểu này được tiêu thụ.
Cách đó không xa, một người đàn ông cũng đang bày bán những con “chim rừng” tương tự trên một thùng xốp, không hề che chắn dù dọc quốc lộ bụi, cát bay mù mịt. Vừa bán người đàn ông này vừa dùng một đầu khò lửa gắn bình ga mini để thui những con “chim rừng” được đặt trên một cục đá cáu bẩn ven đường. Sau vài phút khò lửa, trở qua trở lại, người này dùng một cái giẻ đen kịt lau sơ qua, những con chim trắng nhợt nhạt trở nên săn chắc và ngả thành một màu vàng bắt mắt hơn.
Ông Phạm Văn Quẩn, Chủ tịch xã Nhị Thành (Thủ Thừa), cho biết thực chất những con “chim rừng” này là cút nuôi được kéo chân cho dài rồi sơn màu cho giống chim rừng để bán được giá cao.
“Trước đây tại địa phương cũng có nhiều hộ nuôi chim cút, tuy nhiên những người này không phải dân địa phương, những con chim cút gắn mác chim rừng cũng từ nơi khác đến. Có lúc họ bày bán lấn chiếm lề đường nên tôi phải cho anh em công an đi giải tán bớt. Nhiều người đi đường không biết mới bị họ lừa, chứ chim rừng bây giờ hiếm lắm, kiếm từng con còn khó, lấy đâu ra số lượng lớn như vậy mà bán. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra và sớm xử lý kiểu làm ăn gian lận này” - ông Quẩn nói. (Pháp Luật TPHCM 15/12) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Năm 2014, Viện Khoa học lâm nghiệp (KHLN) Việt Nam được Bộ NNPTNT giao chủ trì thực hiện Dự án “Mô hình thâm canh rừng trồng một số giống keo tai tượng (xuất xứ Pongaki và Cardwell); keo lai BV33, BV75, TB1, TB11”. Dự án được triển khai tại 18 tỉnh nhằm đẩy nhanh việc chuyển giao các giống mới nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp.
Theo đánh giá của Viện KHLN Việt Nam, hiện nay sản lượng gỗ khai thác từ tự nhiên rất ít, trong khi đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm gỗ không ngừng tăng lên. Vì vậy, việc chọn tạo, sản xuất giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao và chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu hiện nay là hết sức cần thiết. Keo tai tượng và keo lai là nhóm loài cây sinh trưởng, phát triển nhanh, phù hợp với nhiều điều kiện lập địa, đang được các nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng rừng quan tâm hướng tới.
Tuy vậy trên thực tế, nhiều năm qua, rừng trồng keo đang đối mặt với những khó khăn do giá cây giống không ổn định, giống không rõ nguồn gốc, chưa được tuyển chọn đúng quy trình. Rừng trồng tự phát trong dân phần lớn sử dụng giống cây sản xuất đại trà, nguồn giống chưa thực hiện đúng quy trình quản lý, vì vậy năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng chưa đồng đều.
Dự án triển khai mô hình thâm canh rừng kinh tế bằng một số giống keo tai tượng, keo lai BV33, BV75, TB1, TB11 được thực hiện từ tháng 4 năm nay với mục tiêu tổng quát là xây dựng mô hình thâm canh rừng từ các giống mới, có năng suất và giá trị kinh tế cao. Dự án do Viện KHLN Việt Nam chủ trì triển khai tại 18 tỉnh thuộc 3 vùng (miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên) với quy mô 1.860ha, 1.860 hộ gia đình tham gia.
Theo PGS-TS Triệu Văn Hùng - Chủ nhiệm dự án, Giám đốc Viện KHLN Việt Nam, việc sử dụng các giống keo lai như TB1, TB11, BV75, BV33, keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell hiện nay vào trồng rừng sản xuất ở các địa phương đang còn hạn chế. Người dân chưa tiếp cận được các nguồn giống mới đã được công nhận và các địa phương chưa có mô hình trình diễn giống mới. Đây cũng là các mô hình trình diễn về trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, làm cơ sở phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ.
Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của Bộ NNPTNT hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 4-6%, từng bước đáp ứng nhu cầu về gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Ngoài việc cải tạo hệ sinh thái rừng, cải thiện tiểu khí hậu, đất đai nơi trồng, hạn chế dòng chảy chống xói mòn, trả lại một lượng cành khô, lá rụng cho đất.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện KHLN Việt Nam, tùy theo các lập địa khác nhau, năng suất rừng trồng của các loài cây keo lai và keo tai tượng được tuyển chọn rất khác nhau. Với các giống keo lai, năng suất có thể đạt từ 15 – 35m3/ha/năm; các giống keo tai tượng, năng suất có thể đạt 20 - 36 m3/ha/năm.
Riêng các giống keo lai BV33, BV75, TB1, TB11, keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell cho năng suất có thể đạt từ 20-25m3/ha/năm trên các lập địa tốt ở vùng Đông Nam Bộ; trong khi đó năng suất của rừng trồng keo từ giống đại trà chỉ đạt 12-15m3/ha/năm.
Ngoài việc cho năng suất gỗ cao, các giống keo còn có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại, ít cành nhánh, chất lượng gỗ đáp ứng được công nghiệp sản xuất đồ mộc và gỗ xẻ phục vụ xây dựng.
Dự án đặt mục tiêu trồng 1.860ha rừng thâm canh bằng các giống keo, đồng thời, phấn đấu đưa năng suất đạt 20m3/ha/ năm, ước tính sau 1 chu kỳ khai thác (7 năm) với 1.860ha sản lượng đạt được tương đương 260.400 m3. Ngoài ra, dự án còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, phát triển nông thôn vùng cao và góp phần ổn định xã hội... (Nông Thôn Ngày Nay 16/12) đầu trang(
Theo báo cáo của Chi Cục lâm nghiệp tỉnh, kết quả nghiệm thu trồng rừng năm 2014 so với kế hoạch thực hiện đạt 93%.
Năm 2014, toàn tỉnh trồng được trên10.324ha rừng, đạt 103% kế hoạch.Tỷ lệ nghiệm thu rừng trồng năm 2014 toàn tỉnh đạt 93%/ 103% kế hoạch thực hiện. Trong đó, các Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng có tỷ lệ nghiệm thu đạt cao là: Huyện Ba Bể đạt 96% kế hoạch; Huyện Ngân Sơn đạt 95% kế hoạch; Huyện Chợ Mới đạt 95% kế hoạch; Huyện Chợ Đồn đạt 96% kế hoạch, Huyện Na Rỳ đạt 94% kế hoạch...
Việc nghiệm thu rừng trồng đạt cao cho thấy nghề rừng đang được người dân chú trọng. Kết quả nghiệm thu đạt cao sẽ là tiền đề giúp các địa phương triển khai tốt công tác trồng rừng các năm tiếp theo. (Đài PTTH Bắc Kạn 14/12) đầu trang(
UBND TP.HCM vừa công bố Quyết định 47/2014 về bảng giá các loại lâm sản và động vật rừng thông thường còn sống sau khi xử lý tịch thu trên địa bàn TP.
Bảng giá này được áp dụng để làm cơ sở xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính. Bảng giá này cũng là cơ sở xác định giá khởi điểm để bán đấu giá tang vật.
Quyết định trên có hiệu lực từ 21-12-2014. Trong đó, trầm hương loại 1-8 có giá 2-5 triệu đồng/kg, gỗ trắc có giá 22-42 triệu đồng/m3, báo gấm 10 triệu đồng/con, báo hoa mai 7 triệu đồng/con, hổ 20 triệu đồng/con, bò tót 30 triệu đồng/con, thịt nai, heo rừng 100.000 đồng/kg. (Pháp Luật TPHCM 16/12) đầu trang(
Đến xã An Phú, thuộc huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, hỏi ông Quyến “trầm hương” đều được người dân chỉ vanh vách đường đến tận trang trại của ông Trần Văn Quyến.
Ông được người dân thân thiện gọi bằng cái tên “Ông Quyến trầm.” Sở dĩ ông được gọi là ông Quyến trầm, bởi 15 năm trước, chính ông là người đưa cây dó bầu từ Quảng Ngãi và Phú Yên vào vùng đất Tân Phú trồng. Sau vài lần thất bại, đến nay ông Quyến trầm đã khẳng định chắc chắn “dó bầu có thể cho trầm và sinh trưởng tốt ở vùng đất miền Đông”.
Ông Trần Văn Quyến vốn là một kỹ sư nông lâm nghiệp. Trước năm 2000, ông làm Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên - một đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Vì tình yêu với cây dó bầu, ông Quyến đã làm đơn xin nghỉ việc để dành thời gian nghiên cứu trồng dó bầu tạo trầm hương.
Với quyết định đột ngột này, nhiều người nghĩ việc ông Quyến trồng dó tìm trầm là điều không tưởng. Bởi xưa nay trầm hương chỉ có ở khu vực Miền Trung, còn Đông Nam Bộ chưa ai trồng được cây này cho ra trầm hương.
Từ Quốc lộ 20 hướng đi Lâm Đồng, đi vào đường liên xã với chiều dài hơn 20km hướng vào vùng rừng Cát Tiên. Từ ngã ba vào Vườn Quốc gia Cát Tiên để vào được cánh rừng nơi ông Quyến trồng dó bầu phải đi thêm 6km. Nhìn rừng dó bầu thẳng tắp đang đến độ thu hoạch không ai nghĩ rằng đây là “vàng đen” mà ông Trần Văn Quyến đang tạo ra trên vùng đất đỏ bazan ở huyện miền núi Tân Phú.
Chỉ vào rừng dó bầu khoảng 7 năm tuổi, ông Quyến cho biết rừng dó này đang bắt đầu cho thu hoạch trầm. “Những cây dó bầu 7 năm tuổi với đường kính thân khoảng 20cm đang chứa trong mình trầm hương, một thứ dược liệu quý có mùi hương không cưỡng lại được,” ông Quyến nói.
Ông Quyến cho biết, năm 2000 ông đến tận vùng Quảng Ngãi, Phú Yên để tìm giống cây dó bầu. Sau khi trở lại Đồng Nai, ông bắt tay vào trồng khoảng 1.000 cây dó trên vùng đất rừng Tân Phú. Tại đây, ông Quyến đã mời các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học nông lâm nghiệp từ Đại học Huế đến cùng ông nghiên cứu cách tạo trầm trên cây dó.
Những thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên 1.000 cây dó bầu. Sau nhiều năm nghiên cứu, từ vườn dó bầu 1.000 cây đã chết hết 700 cây và chỉ còn lại 300 cây có trầm. Thu hoạch lứa trầm hương đầu tiên cùng với số vốn huy động từ gia đình, người thân, bạn bè ông Quyến tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư cây giống trồng dó bầu. Cũng từ thất bại này, ông đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc tạo trầm trên cây dó bầu.
Ông Trần Văn Quyến cho biết, điều đặc biệt của cây dó bầu đó là việc trao đổi chất không qua lớp vỏ trên thân như những loài cây xanh khác, mà dó bầu trao đổi chất qua thân gỗ. Chính nhờ nhiều năm nghiên cứu cây dó nên ông đã phát hiện ra quy luật này. Nắm được quy luật trên, ông Quyến đã thử nghiệm bóc hết vỏ trên toàn thân cây dó bầu sau đó sử dụng nước chế phẩm do ông tìm tòi tạo ra để quét lên thân cây.
Với cách làm được cho là “ngược đời” trên, không những cây dó bầu không bị chết mà còn chiết xuất nhựa để bảo vệ lớp gỗ ngoài cùng của thân cây. Chính lớp nhựa do cây tiết ra ngoài lớp gỗ đã tạo nên trầm hương.
Chỉ cho PV một khu rừng trồng dó đang được nhiều công nhân bóc tách vỏ cây và quét chế phẩm lên, ông Quyến nói: Nếu như trầm trong tự nhiên là những điểm sần sùi, những vết thương tích của cây dó bị sâu bọ hay động vật tác động vào buộc cây phải tiết nhựa ra tại điểm sần đó để bảo vệ thân. Những vết sần lồi lõm đó lâu ngày sẽ tạo thành trầm. Còn khi dó bầu được bóc tách hết vỏ, nhựa cây cũng sẽ tiết ra để bảo vệ lớp gỗ ngoài.
Ông Quyến cho biết cây dó bầu từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch khoảng từ 7 đến 8 năm. Sau 6 năm trồng, cây dó bầu sẽ được bóc hết bỏ thân cây sau đó quét chế phẩm lên và 1 năm rưỡi đến 2 năm sau là có thể thu hoạch trầm.
Dó bầu sau khi được đốn hạ sẽ được cắt từng khúc ngắn khoảng 50-60cm rồi phơi khô. Sau khi khô, gỗ dó bầu sẽ được chẻ tách đôi ra và đẽo phần thân gỗ bên trong, chỉ lấy lại phần gỗ có trầm ở lớp ngoài thân cây với độ dày khoảng dưới 1cm. Đây chính là phần trầm hương mà cây dó bầu tiết nhựa ra để bảo vệ thân cây.
Lấy từ trong kho ra nhiều loại trầm, ông Quyến giới thiệu cho PV biết trầm hương có từ 4 đến 5 loại. Loại một có giá bán 10 đến 15 triệu đồng một kg, loại hai từ 7-8 triệu đồng và loại 5 có giá khoảng 3 triệu đồng/kg.
Ông Quyến nói trầm hương là một loài dược liệu quý có mùi thơm đặc trưng. Trầm có thể được chiết xuất thành tinh dầu trầm dùng để làm hương liệu hoặc để làm dược liệu. Một cây trầm sau khi thu hoạch có thể tận dụng hết từ lá đến gỗ thừa để làm trà, làm nhang (hương), làm đồ mỹ nghệ... Hiện nay rừng dó bầu của ông Trần Văn Quyến có diện tích khoảng 25ha với hàng chục ngàn cây dó bầu đủ các lứa tuổi.
Chỉ cho PV một cây dó bầu khoảng 6 năm tuổi, ông Quyến nói, đời làm dó bầu của ông còn gặp may bởi trong số 70.000 cây dó ông đang trồng chỉ có 1 cây dó bầu có thể tự tạo ra trầm hương mà không có bất cứ một tác động nào của con người. Cây dó bầu đặc biệt này có nhiều điểm sần sùi lồi lõm và chính đó đã tự tạo ra trầm hương.
Ông Quyến cho biết, với rừng dó bầu hiện nay, mỗi năm tiền bán trầm hương và chế phẩm kích thích tạo trầm mang lại thu nhập từ 1-2 tỷ đồng.
Ngoài thu hoạch trầm hương từ rừng dó bầu, hiện ông Quyến còn là kỹ sư giúp chuyển giao kỹ thuật cho rất nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú phương pháp trồng dó bầu và tạo trầm hương trên cây dó. Chế phẩm dùng để quét lên cây dó để tạo trầm chính là chế phẩm mà tự ông mày mò nghiên cứu ra. Chế phẩm này được ông pha trộn từ nhiều hóa chất để làm chất kích thích cho cây dó tạo trầm.
Danh tiếng của ông Trần Văn Quyến với phương pháp trồng dó và chế phẩm kích thích dó tạo trầm đã giúp cho nhiều người dân đến từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng và kể cả nhiều hộ dân từ miền Trung cũng tìm đến ông để học nghề và mua chế phẩm kích thích dó bầu tạo trầm hương. Trò chuyện với PV, ông Quyến cười hiền: “Giúp ích được cho một người cũng đã là niềm vui lớn của bản thân”.
Từ người khởi xướng việc trồng dó bầu, đến nay huyện miền núi Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, đã có hàng trăm hécta trồng dó bầu. Anh A Khìn, xã Núi Tượng, huyện Tân Phú cho biết, trước đây gia đình anh trồng hồ tiêu. Tuy nhiên sau khi được ông Quyến hướng dẫn trồng dó bầu, anh đã trồng xen canh trong vườn tiêu khoảng 1.500 cây dó, đến nay sau 6 năm vườn gỗ dó bầu của anh đã được bán lại với giá hơn 1,5 tỷ đồng. Anh cho biết, nếu như trồng tiêu, có lẽ làm hết đời anh cũng không kiếm được số tiền lớn như vậy.
Qua tìm hiểu được biết, đầu ra của trầm hương luôn ổn định. Nhiều năm trở lại đây, thương lái đến trực tiếp đặt hàng với các hộ nông dân để thu gom trầm. Hàng trầm hương được xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó thị trường các nước Trung Đông là lớn nhất. Theo ông Trần Văn Quyến, với thâm niên hàng chục năm làm trầm, nhu cầu mặt hàng trầm hương vẫn ổn định và không có biến động lớn. (VietnamPlus 15/12) đầu trang(
Năm 2014, một số cơ sở sản xuất thuộc làng đồ gỗ Đông Kỵ (Bắc Ninh) đã lắp ráp thiết bị lọc bụi gỗ tại nơi làm việc.
Kết quả cho thấy, bước đầu thợ làm nghề đã giảm hẳn các bệnh về hô hấp, phổi và góp phần bảo vệ môi trường.
Đây là thiết bị lọc bụi được thiết kế riêng để lọc bụi gỗ do các nhà khoa học thuộc Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi (Viện Khoa học Thủy lợi VN) nghiên cứu chế tạo. TS Vũ Chí Cường – Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi cho biết, thiết bị có chi phí thấp, không tốn diện tích lắp đặt, hiệu suất lọc bụi cao (đạt 98,79% và khử được hết mùi) nhờ sự kết hợp của 2 hệ thống là xiclon màng nước và ống venturi cải tiến.
Ngoài bụi gỗ, hệ thống thiết bị này còn làm việc hiệu quả với các loại bụi như bụi cát, bụi than, bụi vật liệu composite. (Nông Thôn Ngày Nay 13/12) đầu trang(
Mới đây, tại trụ sở UBND xã Chiềng Hắc, Trung tâm Môi trường và Phát triển nguồn lực cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện tổ chức buổi Hội thảo khởi động cải thiện quản trị rừng, nhằm đảm bảo tính bền vững của khí hậu tại 2 xã Chiềng Hắc và Hua Păng huyện Mộc Châu.
Ông Vũ Đức Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Sơn La dự hội thảo. Chiềng Hắc và Hua Păng là 2 xã vùng 2 có địa hình phức tạp của huyện Mộc Châu, nguồn thu của nhân dân ở đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn 2 xã gặp nhiều khó khăn do một bộ phận nhân dân chặt phá rừng, lấn chiếm đất Lâm nghiệp để sản xuất Nông nghiệp, tình trạng buôn bán Lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Trước thực trạng đó, Trung tâm Môi trường và phát triển nguồn lực Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã chọn 2 Chiềng Hắc và Hua Păng làm điểm để triển khai dự án.
Dự án “Cải thiện quản trị rừng nhằm đảm bảo tính bền vững của khí hậu tại xã Hua Păng và Chiềng Hắc” do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tài trợ. Dự án được thực hiện trong thời gian 2 năm từ 2014 đến 2016 với mục tiêu tăng cường quản trị và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, góp phần đảm bảo tính bền vững khí hậu, đồng thời nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho cộng đồng dân cư gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội ở địa phương.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, bàn và đóng góp ý kiến đóng vào kế hoạch triển khai dự án. Đại diện UBND 2 xã Chiềng Hắc và Hua Păng cũng đã cam kết phối hợp với Ban quản lý dự án để dự án dự án đạt kết cao nhất. (Mocchau.sonla.gov.vn 15/12) đầu trang(
Ngày 15/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014-2015.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị và các Ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp, các hạt kiểm lâm huyện, thị, thành phố. Ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo điều tra, kiểm kê rừng tỉnh chủ trì hội nghị.
Mục đích của việc kiểm kê rừng nhằm xác định hiện trạng, chất lượng rừng của từng chủ quản lý cụ thể và từng đơn vị hành chính. Thông qua công tác kiểm kê nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý tài nguyên rừng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phạm vi điều tra, kiểm kê rừng, đất chưa có rừng sẽ được tiến hành trên toàn bộ 481.770 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng điều tra, kiểm kê rừng là toàn bộ hiện trạng rừng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp và hiện trạng rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp; các trạng thái thực bì trên đất chưa có rừng; diện tích đất chưa có rừng được giao và cho thuê với mục đích phát triển rừng; chủ rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp hoặc đã được giao quản lý, sử dụng rừng, cho thuê rừng, đất rừng. Tổng mức kinh phí thực hiện công tác kiểm kê rừng dự toán trên 21 tỷ đồng. Ban chỉ đạo Điều tra, kiểm kê rừng phấn đấu sẽ hoàn thành công tác này vào tháng 10 năm 2015.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh công tác tổng điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014-2015 có vai trò quan trọng tạo điều kiện giúp các địa phương nắm chắc trữ lượng, hiện trạng rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng hàng năm và cũng là cơ sở khoa học để tỉnh thiết lập quy hoạch, định hướng phát triển lâm nghiệp trên địa bàn hiệu quả, bền vững.
Để công tác điều tra, kiểm kê rừng đạt hiệu quả cao, đúng tiến độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành, huyện thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của công tác điều tra, kiểm kê rừng; phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam truyên truyền, tập huấn cho các chủ rừng, hộ gia đình về nội dung của phương án kiểm kê rừng.
Các huyện, thị, thành phố tiến hành thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê rừng cấp huyện, xây dựng kế hoạch chi tiết phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đồng thời tổ chức ngay hội nghị triển khai thực hiện... (Báo Yên Bái 15/12) đầu trang(
15/12, UBND tỉnh ký quyết định 3950/QĐ-UBND kiện toàn Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Nam được thành lập tại Quyết định số 1011/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 của UBND tỉnh.
Theo đó, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Chủ tịch Hội đồng và 5 ủy viên.
Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 13/01/2012 của UBND tỉnh và Quyết định số 1173/QĐ-UBND ngày 12/4/2012 của UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Nam; các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước. (Quangnam.gov.vn 15/12) đầu trang(
Thông tin nhanh qua đường dây nóng trên báo Quân Đội Nhân Dân cho biết: Trên địa bàn huyện Hương Khê, hàng trăm hécta rừng đang bị người dân lấn chiếm đất công. (Quân Đội Nhân Dân 14/12, tr8) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Dhritiman Mukherjee vô cùng bất ngờ với phản ứng của con tê giác một sừng trong Vườn quốc gia Kaziranga ở Assam, Ấn Độ.
Để tìm hiểu về cuộc sống của loài tê giác một sừng, Mukherjee đã bí mật đặt chiếc camera gần nơi ở của con tê giác. Sau 14 ngày đặt camera, Mukherjee đã rất vui khi thấy con tê giác tiến gần tới chiếc camera. Tuy nhiên, ngay khi nhận ra chiếc camera đang quay mình, con tê giác bỗng nổi giận.
"Tôi đã ngụy trang rất khéo nhưng nó vẫn nhận ra. Có vẻ như con tê giác xem đó là mối đe dọa lớn. Thật may mắn khi nó đã không làm hỏng chiếc camera" - Mukherjee chia sẻ. (VietnamPlus 16/12) đầu trang(./.
Biên tập: Lê Vòng