Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 16 tháng 04 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ - SỬ DỤNG - PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
UBND Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn Tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở, trại nuôi, nhốt và nhân giống sinh sản các loài động vật hoang dã, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh, tránh tình trạng lợi dụng để mua bán, vận chuyển, kinh doanh loài động vật hoang dã trái phép.
Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả tình hình săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất của chúng trái quy định của Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và các quy định pháp luật khác liên quan.
Đồng thời, phối hợp, tập trung lực lượng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, triệt phá các đường dây  khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, quảng cáo, tiêu dùng trái phép động vật hoang dã nói chung, đặt biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm; kiên quyết thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm, chống người thi hành công vụ.
Ngoài ra, trong quá trình phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước, các lực lượng chức năng, phải tuân thủ theo đúng pháp luật, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng đến hoạt động gây nuôi và lưu thông hàng hóa có nguồn gốc hợp pháp.
Kế hoạch cũng yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tích cực tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác, gây nuôi, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, đặc biệt không săn bắt, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Đồng thời, vận động, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cam kết không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hoá, dịch vụ trái phép đối với động vật hoang dã; tuyên truyền những điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát, buôn bán động vật hoang dã. (UBND tỉnh Phú Yên 16/4) đầu trang(
UBND tỉnh vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với bà Nguyễn Thị Giàu (ở thị trấn Vĩnh Thạnh) và ông Đinh Hứch (xã Vĩnh Thuận), huyện Vĩnh Thạnh, với tổng số tiền phạt 240 triệu đồng.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Giàu bị phạt 200 triệu đồng với các hành vi: điều khiển ô tô tải, chủ sở hữu phương tiện ô tô tải, chủ sở hữu xe độ chế, chủ sở hữu 18 khúc gỗ tròn, khối lượng 4,44m3 và 16 tấm gỗ xẻ, khối lượng 2,631m3 chủng loại Hương tá, nhóm I; ông Đinh Hứch bị phạt 40 triệu đồng vì vận chuyển số lâm sản trái phép nói trên.
Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh cũng quyết định tịch thu tang vật gồm: 18 khúc gỗ tròn, khối lượng 4,44m3 và 16 tấm gỗ xẻ, khối lượng 2,631m3 chủng loại Hương tá, nhóm I; một xe ô tô tải, một xe độ chế. (Báo Bình Định 15/4) đầu trang(
4/4, tại phòng họp UBND huyện, ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo về tiến độ thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng dự án KFW6 trên địa bàn huyện.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt kiểm lâm, Ban quản lý dự án KFW6 huyện, Ban thực thi và phổ cập viên xã Nghĩa Sơn và Nghĩa Thọ.
KFW6 là Dự án khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, do Chính phủ Cộng hoà Liên Bang Đức tài trợ, thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Thời gian thực hiện dự án 9 năm, từ năm 2005 đến năm 2013 (bao gồm 6 năm trồng rừng và 3 năm hậu dự án). Mục tiêu tổng thể là nâng cao mức sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng thông qua tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều hoà nguồn nước, điều hoà khí hậu và tăng tính đa dạng sinh học.
Diện tích rừng thiết lập trong dự án ở tỉnh Quảng Ngãi là 3.800 ha, trong đó huyện Tư Nghĩa là 1.152,45 ha với 788,84 ha rừng trồng, 105,32 ha rừng khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung và 258,29 ha rừng khoanh nuôi tái sinh không trồng bổ sung. Dự án có 799 hộ tham gia, thực hiện tại xã Nghĩa Thắng 94,99 ha, Nghĩa Sơn 583,62 ha, Nghĩa Thọ 473,84 ha với các loại cây như: sao đen, lim xanh, dầu rái, bời lời đỏ, mây nếp và keo lá tràm.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án KFW6 huyện, tính đến đầu tháng 4 năm 2014, diện tích rừng được chăm sóc lần 1 ở xã Nghĩa Thọ là 118 ha, đạt 25%, xã Nghĩa Sơn là 172 ha, đạt 30%, riêng xã Nghĩa Thắng đã cơ bản hoàn thành. Nguyên nhân là tại 2 xã Nghĩa Thọ và Nghĩa Sơn người dân đang tập trung thu hoạch mía nên việc chăm sóc rừng chưa được chú trọng.
Trước tình hình đó, ông Lê Trung Thành, Phó chủ tịch UBND huyện đã phê bình lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thọ và Nghĩa Sơn vì thiếu quan tâm, chỉ đạo nhân dân trong việc chăm sóc rừng dự án. Yêu cầu Chủ tịch UBND hai xã phải tăng cường chỉ đạo các hộ gia đình tập trung công tác chăm sóc rừng; phân công cán bộ xã giám sát việc chăm sóc rừng của từng hộ; thông báo thường xuyên trên đài truyền thanh xã về trách nhiệm chăm sóc rừng và quyền lợi của hộ dân tham gia dự án KFW6.
Đối với Ban quản lý KFW6 huyện, cần phân công cán bộ đến tham dự các buổi họp về chăm sóc rừng do địa phương tổ chức, tăng cường tập huấn kỹ thuật chăm sóc rừng cho bà con nhân dân và thường xuyên kiểm tra đối với hai xã chưa thực hiện tốt. Yêu cầu trước ngày 15/5/2014, công tác chăm sóc rừng lần 1 ở xã Nghĩa Thọ và Nghĩa Sơn phải hoàn thành đúng tiến độ. (UBND H.Tư Nghĩa 15/4) đầu trang(
Sản xuất nông nghiệp ở miền núi tỉnh vẫn chưa phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc vẫn còn dựa nhiều vào rừng, do đó, rừng và các lâm sản khác luôn bị khai thác, tàn phá. Vì vậy, bảo vệ rừng cộng đồng là hướng bảo vệ rừng bền vững khi mà thực trạng phá rừng và chuyển đổi đất rừng tự nhiên vẫn đang diễn ra.
Quảng Bình là địa phương có tổng diện tích rừng và đất rừng khá lớn (621.056 ha rừng) chiếm 77% diện tích tự nhiên. Những năm qua, mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng song hiệu quả vẫn không đạt như mong muốn.
Nguyên nhân là do lực lượng kiểm lâm mỏng, không kiểm soát hết diện tích rừng và cũng không thể có mặt tại rừng 24/24h để bảo vệ. Mô hình quản lý rừng cộng đồng là một thực tiễn sinh động và đa dạng, gắn liền tới đời sống, tín ngưỡng văn hóa và sinh kế của người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số miền núi nên bảo vệ rừng dựa vào dân là hướng bảo vệ rừng bền vững hiện nay.
Quản lý rừng cộng đồng là một hình thức quản lý rừng trong đó cộng đồng dân cư thôn với tư cách là chủ rừng tham gia vào các hoạt động giao rừng, lập kế hoạch quản lý rừng và tổ chức thực hiện kế hoạch đó. Như vậy, xét về khía cạnh pháp lý, trong lĩnh vực lâm nghiệp khái niệm quản lý rừng cộng đồng, tức là nói tới việc cộng đồng dân cư thôn, bản quản lý rừng được nhà nước giao để sử dụng rừng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Điển hình về kiểu bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, không thể không nhắc tới rừng Uyên Phong, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa), hơn 40 ha rừng nguyên sinh vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước của làng. Rừng có tên khác đó là rừng cấm Khe Trổ, rừng ở đây với nhiều loài thực vật đa dạng phong phú, vô số những loài cây dây leo rậm rạp, đan xen là cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Không những đa dạng về nhiều loài động, thực vật bản địa mà rừng cấm Khe Trổ còn có nhiều loài cây gỗ quý hiếm có giá trị như: dổi, lim, nao, sú...
Ông Phan Thanh Giang, Bí thư chi bộ thôn Uyên Phong cho rằng: Bảo vệ rừng cộng đồng là một hình thức quản lý rừng trong đó cộng đồng dân cư thôn Uyên Phong với tư cách là chủ rừng tham gia vào các hoạt động quản lý rừng bằng hương ước. Hàng năm, người dân thôn Uyên Phong tự nguyện đóng góp hàng trăm kg thóc để chi trả cho người trong thôn tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Ban cán sự thôn còn tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về vai trò của rừng cũng như tác hại của việc chặt phá rừng".
Tháng 7-2013, bà con dân tộc Mã Liềng ở bản Kè và bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, đã vui mừng nhận bàn giao diện tích rừng cộng đồng để sản xuất. Như vậy, sau gần 9 tháng triển khai chương trình thí điểm với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan như cán bộ UBND huyện, lãnh đạo xã Lâm Hoá, điều phối viên mạng lưới nông dân nòng cốt, cán bộ tư vấn CIRD, người dân bản Kè và bản Cáo và cơ quan tư vấn lập hồ sơ giao đất, đến nay, UBND huyện đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng bản Kè với tổng diện tích được giao là 465,02 ha thuộc tiểu khu 43 và bản Cáo với tổng diện tích được giao là 223,12 ha thuộc tiểu khu 34B xã Lâm Hoá.
Thành công lớn nhất chương trình là nhận thức về công tác chăm sóc và bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Những buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng đã không còn xa lạ đối với người dân thôn, bản ở Lâm Hoá. Nói đi đôi với làm, từ việc tuyên truyền, đồng bào được cán bộ tư vấn CIRD hướng dẫn qua mô hình trực tiếp cầm tay chỉ việc trên từng thân cây, tấc đất nên đồng bào dễ nhớ, dễ thuộc. Qua tuyên truyền, người dân đã nhận thức được rừng rất quý và thực sự có ích trong đời sống, họ thực sự thấu hiểu và làm theo những quy ước giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với trách nhiệm bảo vệ rừng, cộng đồng còn phát triển rừng để đáp ứng một phần gỗ sử dụng cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của công cộng và cung cấp lâm sản ngoài gỗ, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trung bình mỗi tháng, cộng đồng trong thôn, bản tuần tra một lần, còn những người dân ra vào rừng hàng ngày để khai thác lâm sản phụ là lực lượng đông đảo nhất để giám sát rừng. Điều này không chỉ phát triển vốn rừng gắn với đời sống của người dân một cách bền vững mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an sinh xã hội.
Thực hiện kế hoạch của Dự án khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng đến nay đã có 3 cộng đồng thôn bản được UBND huyện ra quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp: bản Cổ Tràng (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) 207,152 ha; bản Phú Minh (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá) 803,868 ha; thôn Thanh Liêm1 (xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá) với 855,576 ha.
Hiện có 6 cộng đồng thôn bản đang trình hồ sơ xin giao rừng và sẽ được UBND huyện ra quyết định giao rừng và đất lâm nghiệp trong thời gian tới (dự kiến trong tháng 4-2014). Ở bản Sắt (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh) dự kiến giao 184,202 ha cho bà con trong bản; bản La Trọng (xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá) 432,741 ha; bản Phú Nhiêu (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá) 214,350 ha; thôn Thanh Liêm 2 (xã Trung Hoá, huyện Minh Hoá): 735,269 ha. Bản Nịu (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) 172,389 ha; bản Cà Ròong 2 (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) 174,715 ha.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm chính thức có chủ trương giao đất, giao rừng cộng đồng, hệ thống văn bản pháp luật về rừng cộng đồng vẫn chưa được hoàn thiện, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng.
Theo ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển Quảng Bình (CIRD) cho biết: Hiện nay, thực tiễn triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng vẫn đang ở giai đoạn mô hình là chính và chưa được triển khai trên diện rộng. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng chưa được tiếp cận đầy đủ quyền quản lý, sử dụng rừng và các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi giao rừng. Để giao rừng cho cộng đồng quản lý một cách an toàn và bền vững thì điều quan trọng nhất là công tác bảo vệ và phát triển rừng phải được gắn với tạo sinh kế cho người dân. (Báo Quảng Bình 15/4) đầu trang(

13/4, hơn 500 đoàn viên, thanh niên huyện Việt Yên đã tổ chức làm 02 km đường băng cản lửa phòng, chống cháy rừng tại dãy núi Nham Biền thuộc địa phận xã Vân Trung.
Với tinh thần “ Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, sau một buổi sáng ra quân, đoàn viên thanh niên đã phát quang làm mới hơn 02 km đường băng cản lửa với chiều rộng 08 m; thu gom, xử lý hàng chục tấn thực bì tại các vùng có khả năng xảy ra cháy rừng cao với diện tích khoảng 20 ha rừng.
“Để ngăn ngừa và góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các mối nguy cơ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện đã tập trung thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ” với lực lượng nòng cốt là các đội thanh niên tình nguyện tại chỗ và biện pháp hữu hiệu nhất chống cháy rừng tại địa phương là xây dựng đường băng cản lửa”, đồng chí Đoàn Mạnh Chiến - Bí thư Huyện Đoàn Việt Yên chia sẻ.




Hoạt động xây dựng đường băng cản lửa tiếp tục thể hiện vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên Bắc Giang trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn sự lây lan của các vụ cháy rừng, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra. Thông qua hoạt động, đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong phòng cháy, chữa cháy rừng, từ đó tích cực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Với khí thế của Năm thanh niên tình nguyện, từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã đảm nhận thực hiện trên 11 km đường băng cản lửa, góp phần vào công tác phòng chống cháy rừng tại các địa phương. (Đoàn Thanh Niên 15/4) đầu trang(
Huyện Krông Bông có khoảng 80.000 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 77.000 ha và rừng trồng xấp xỉ 3.000 ha. Trong tổng số diện tích đất rừng nói trên, có đến 28.000 ha gồm 33 tiểu khu do Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Krông Bông quản lý; trên 30.000 ha gồm 28 tiểu khu do Vườn quốc gia Cư Yang Sin quản lý; 11.000 ha được giao cho các nhóm hộ và số còn lại do UBND các xã quản lý theo phân cấp.
Trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng đã có nhiều cố gắng, thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nên trong những tháng mùa khô  nhiều năm liền không để xảy ra cháy rừng; đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những hộ dân sống gần bìa rừng.
Tuy nhiên, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn, chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là các xã trọng điểm như Hoà Phong, Cư pui, CưĐrăm, Hoà Sơn…
Theo thống kê, trong quý I năm 2004, toàn huyện đã có trên 30 ha rừng bị chặt phá, trong đó có đến 29 ha rừng do công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, số còn lại ở 02 xã UBND xã Hoà Phong và Khuê Ngọc Điền. Tình trạng phá rừng đang diễn biến hết sức phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất rừng giữa các đơn vị chủ rừng với người dân, nhất là khu vực có đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch sinh sống. Việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép có giảm về số vụ so với năm 2013 nhưng quy mô và cách thức hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi.
Trong quý I, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 07 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép với tổng số gỗ tịch thu trên 15m3. Qua xác minh của Hạt Kiểm lâm huyện, các đối tượng lâm tặc chủ yếu sinh sống ở các xã CưĐrăm, Hoà Lễ, Cư Pui, Hoà Phong, Hoà Sơn,..
Ngoài ra, một số đối tượng ở các huyện khác đến như Krông Pắk, EaKar, Cư Kiun, MĐrắk vào móc nối với lâm tặc Krông Bông gây nên những điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Phương thức hoạt động của chúng ngày càng tinh vi, khai thác gỗ tại những địa điểm khó đi lại, vận chuyển chủ yếu bằng trâu kéo. Đường vận chuyển lâm sản từ CưĐrăm, Yang Mao đi MĐrắk theo đường Krông Á; từ các xã cánh đông theo đường tỉnh lộ 12 qua xã Vụ Bổn (Krông Pắk) hoặc từ Hoà Sơn về Cư Kuin.
Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng, không kiểm soát hết tình hình, các đơn vị chủ rừng chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình nên việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp.
Để ngăn chặn tình trạng trên, nhiều giải pháp được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác quý I năm 2014 của UBND huyện vào đầu tháng 4 vừa qua. Trong đó, một trong những giải pháp được nhấn mạnh là các đơn vị chủ rừng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc “giữ rừng”, đó là yêu cầu, là nhiệm vụ chính trị.  Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.
Đối với những diện tích đất sản xuất do phá rừng mà có, cần quyết liệt xử lý, thành lập các đoàn kiểm tra, cưỡng chế phá bỏ hoa màu nếu vận động, thuyết phục mà đối tượng vẫn ngoan cố không chấp hành, đồng thời đưa số diện tích ngày vào chương trình trồng rừng hàng năm của huyện.
Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển động vật hoang dã, lâm sản trái phép luôn là vấn đề cấp bách của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp. Tin tưởng rằng, với những giải pháp và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị toàn huyện sẽ góp phần giữ xanh cho những cánh rừng trên dãy Cư Yang Sin hùng vỹ. (Trang tin điện tử huyện Krongbong, Đăk Lăk 16/4) đầu trang(
Rừng phòng hộ bản Tin Tốc, xã Tú Nang (Yên Châu) nhiều năm bị đốt, phá, nhất là vào vụ nương rẫy, cao điểm có tới hàng chục ha rừng bị xâm hại. Nguy cơ khu rừng bị xóa sổ là rất lớn.
Từ trụ sở UBND xã Tú Nang phóng tầm mắt về phía trước là khu rừng bản Tin Tốc. Nhiều quả đồi trơ trụi, chỉ còn phần ít rừng trên tận chỏm núi, phần lớn đã bị biến thành đất sản xuất. Đầu tháng 4, nắng chiều ở Yên Châu như thiêu đốt, trên khu rừng Tin Tốc, nhiều đám khói bốc lên, tiếng máy cưa gầm rú vang cả rừng núi. Nhập vai khách tham quan thủy điện To Buông để vào bản Tin Tốc khảo sát thực trạng phá rừng. Khi trời nhá nhem tối, chúng tôi “cuốc bộ” đến vùng lõi của rừng, vẫn thấy tiếng phát rừng rào rào, lửa cháy đỏ cả vạt rừng.
Hôm sau, nhóm PV lần theo tuyến  đường vòng qua cầu Tà Làng sang xã Lóng Phiêng; tiếp đó, khoảng 7 km đường vào khu thủy điện To Buông với dốc dựng đứng, đất đá lởm chởm để vào rừng Tin Tốc. Tuy đường xa, khó đi, mất gần 1 giờ đi xe máy nhưng tránh được “tai, mắt của lâm tặc”.
Cất xe máy ở mép rừng, đi bộ vài chục bước đã bắt gặp cảnh tượng khoảng 1 ha rừng mới bị thiêu cháy trơ trụi, mặt đất phủ toàn tro, thân cây cháy đen nằm ngổn ngang. Càng tiến sâu, càng thấy rõ cảnh tượng rừng bị tàn phá, hoang tàn. Nhiều chỗ tro vẫn còn nóng, không ít thân cây gỗ vẫn đang cháy. Thi thoảng, bắt gặp những thân cây gỗ có đường kính khoảng 20-40 cm bị hạ xuống, mùn cưa mới vẫn còn sực mùi hăng hắc.
Cả buổi sáng quan sát, dò dẫm, PV phát hiện có gần chục điểm rừng mới bị đốt, phá, ước  hàng chục ha. Trưa đến, nắng nóng trên đất Yên Châu, cộng với hơi nóng của những vạt rừng còn đang khói, bụi tro bốc lên, khiến cảm giác khó thở, càng thấm mệt. Thật lạ, cả 2 ngày vào rừng, nhóm PV không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuần tra bảo vệ rừng!? Trong khi đó, các đối tượng vẫn ngang nhiên phá rừng???
Qua tìm hiểu, được biết: Rừng phòng hộ bản Tin Tốc là rừng tạp, chủ yếu là tre, nứa. Tổng diện tích gần 160 ha rừng, nhưng diện tích hiện còn khoảng 1/3. Lợi dụng yếu tố rừng nằm giáp danh với các bản To Buông, Pha Cúng và Pá Sa (xã Lóng Phiêng, Yên Châu), các đối tượng phá rừng vừa khai thác gỗ, tre, nứa vừa lấy đất làm nương. Rừng ở bản Tin Tốc chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Tú Nang, điểm xa nhất chừng khoảng 3-4 km nhưng việc phá rừng ở đây diễn ra mạnh nhất khoảng 3 năm gần đây, nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn kiên quyết.
Tại buổi làm việc với ông Lò Văn Nhé, Chủ tịch UBND xã Tú Nang cùng ông Hoàng Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách khối kinh tế, cả hai đều thừa nhận: Năm nào rừng cũng bị phá. Hai vị lãnh đạo xã còn dẫn chúng tôi ra hành lang tầng 2 trụ sở UBND xã, chỉ về mấy ngọn núi ở bản Tin Tốc, nơi chỉ còn 1/3 rừng trên chỏm núi, than thở: Rừng bị các đối tượng phá chỉ còn có thế!
Theo báo cáo của UBND xã Tú Nang: Từ cuối năm 2013 đến hết tháng 3-2014, UBND xã và Kiểm lâm huyện đã phát hiện trên 38.000 m2 rừng ở Tin Tốc giáp bản Pa Sa và To Buông (Lóng Phiêng) bị phá. Các đối tượng vi phạm là người bản Tin Tốc và người ở vùng giáp ranh, thậm chí còn có đối tượng đi thuê người về phá rừng làm nương. UBND xã đã đình chỉ đối với các trường hợp vi phạm, để chờ cơ quan chức năng giải quyết.
Tuy nhiên, đầu tháng 4, khi phóng viên đi điều tra, phát hiện rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá. Điều này được lãnh đạo xã giải thích: “Các đối tượng bất chấp pháp luật, vẫn tiếp tục đốt, phá rừng, gây bức xúc trong nhân dân. Các cơ quan chức năng chưa thấy vào cuộc, giải quyết kịp thời, cho nên càng có thời gian cho các đối tượng vi phạm. Đối với UBND xã thì vượt quá thẩm quyền”.
Nói về sự việc trên, ông Hoàng Văn Đao, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Châu thẳng thắn: Tú Nang là địa bàn thường xuyên xảy ra phá rừng. Các tổ quản lý bảo vệ của xã lúc nào cũng phải có kiểm lâm mới đi kiểm tra, bởi sợ bị trả thù. Ban quản lý thôn bản là đại diện chủ rừng nhưng khi cán bộ kiểm lâm, xã đến mới biết rừng bị phá. Rừng bản Tin Tốc giáp danh nên việc tìm các đối tượng phá rừng rất khó. Ngày 18-3, Hạt Kiểm lâm huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính 9 đối tượng bản Tin Tốc phải nộp hơn 87 triệu đồng vì vi phạm đốt, phá hơn 7.500 m2.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Như Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Huyện đã nắm được tình hình sự việc. Huyện đã thành lập các đoàn công tác rà soát danh sách các đối tượng vi phạm, diện tích vi phạm để có biện pháp xử lý cụ thể.
Tình trạng phá rừng ở Tin Tốc đã diễn ra nhiều năm nay, chính quyền và lực lượng chức năng địa phương khẳng định đều biết nhưng chưa ngăn chặn được. Theo ông Hà Như Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện: Huyện xử lý nghiêm nhưng các đối tượng chấp hành chưa nghiêm. Hầu hết các vụ đều xử lý vi phạm hành chính. Hằng năm, huyện thành lập các đoàn đi truy thu tiền các đối tượng vi phạm, nhưng chỉ được 10-20%. Kỳ họp nào huyện cũng bàn các biện pháp bảo vệ rừng. Trong đó, có chủ trương thống kê đất sản xuất các hộ dân để cân đối đất sản xuất, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm áp lực thiếu đất sản xuất (đây là một trong những nguyên nhân phá rừng làm nương). Tuy nhiên, khó thực hiện được trong 1-2 năm mà cần quá trình lâu dài.
Còn ông Hoàng Văn Đao, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho rằng: Lực lượng kiểm lâm không có biện pháp triệt để ngăn chặn nạn phá rừng. Xã phải có trách nhiệm hơn nữa, lực lượng bảo vệ rừng trước hết là người dân, là chủ rừng. (Báo Sơn La 14/4) đầu trang(
15/4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT cử chuyên gia đến Quảng Nam và hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, có giải pháp để bảo tồn loài thú quý hiếm này.
Cá thể bò tót này được phát hiện đầu tháng 3 và giữa tháng 4 vừa qua ở vùng giáp ranh giữa xã Zơ Ngây, ATing và Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), đây là vùng đệm của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la Quảng Nam và Vườn Quốc gia Bạch Mã mở rộng ở tỉnh Quảng Nam).
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, cá thể bò tót này thuộc nhóm IB của danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ và loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Quảng Nam là địa phương chưa được đánh giá có phân bố loài bò tót, vì thế việc xuất hiện cá thể bò tót hoạt động đơn lẻ tại khu vực rừng của tỉnh là một thông tin mới.
Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương huyện Đông Giang triển khai các biện pháp để bảo vệ cá thể bò tót như tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không tấn công, gây kích động động vật hoang dã, bố trí lực lượng tiếp tục theo dõi, giám sát sự di chuyển và bảo vệ nghiêm ngặt động vật hoang dã quý hiếm, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến cá thể bò tót và tổ chức xua đuổi bò tót vào vùng lõi rừng đặc dụng.
Như Dân trí đã đưa tin, người dân các thôn Phú Mưa, Cloò (xã Jơ Ngây, Đông Giang) đã phát hiện một cá thể nghi bò tót xuất hiện ở khu rừng trồng và hoa màu trên rẫy của mình. Sau khi nhận tin báo, lực lượng kiểm lâm Quảng Nam đã quay phim và chụp được hình được cá thể này. Qua phân tích, lực lượng kiểm lâm xác định đây là con bò tót thuộc loại quý hiếm từ khu vực khác đến. (Lao Động 16/4; Dân Trí 15/4) đầu trang(
Thời tiết trên địa bàn Bình Thuận đang là cao điểm mùa khô, nhiều khu vực không có mưa trong nhiều tháng nay, đây là điều kiện rất dễ xảy ra cháy rừng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều khu vực trên địa bàn Bình Thuận như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam… có nguy cơ cháy rừng cấp 5, cấp cực  kỳ nguy hiểm.
Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp & PTNT, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt mùa khô. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát và đôn đốc việc bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng. Kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt rừng làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao.
Lực lượng liên ngành gồm kiểm lâm, công an, quân đội rà soát quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng. Các lực lượng chức năng và địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về dự báo, cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm điểm cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và Website của Cục Kiểm lâm; tổ chức công tác ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong những tháng cao điểm mùa khô.
Các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh) phối hợp với các cơ quan chức năng tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời phê phán, lên án những hành vi tắc trách, thiếu trách nhiệm gây ra cháy rừng và không cứu chữa cháy rừng một cách kịp thời, hiệu quả. (Báo Bình Thuận 15/4) đầu trang(
Tại hội nghị sơ kết 2 năm phối hợp giữ rừng vùng giáp ranh 3 tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum vừa diễn ra, các đại biểu đã tập trung “mổ xẻ”, đánh giá thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ rừng.
Vùng giáp ranh lâu nay luôn là “đại bản doanh” đóng quân của lâm tặc. Suốt thời gian dài, các địa phương rất lúng túng, chưa tìm được tiếng nói chung để quản lý, bảo vệ rừng. Trên thực tế, đối tượng xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh với nhiều thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ, gây khó cho công tác truy quét, đẩy đuổi. Trong khi đó, bộ phận người dân sở tại vẫn giữ thói quen đốt rừng lấy than không thể một sớm một chiều xử lý dứt điểm được. Thêm vào đó, mạng lưới thông tin liên lạc tại một số vùng bị tắc nghẽn nên nhiệm vụ phối hợp không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được.
Ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, rừng giáp ranh có diện tích khá rộng, địa hình hiểm trở nên mỗi đợt truy quét có thể kéo dài hơn một tuần; trong khi cơ chế ưu đãi cho kiểm lâm thì vẫn hạn chế. Còn Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, do địa hình chia cắt nên các phương tiện máy móc, thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng chuyên dụng gần như đã không thể triển khai được ở khu vực giáp ranh.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My – ông Nguyễn Tuấn Sơn, trên địa bàn huyện có các xã Trà Ka, Trà Kót và Trà Giáp giáp với các xã Trà Xinh, Trà Bồng và Trà Khê của huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), hàng loạt vụ phá rừng quy mô đã được lực lượng kiểm lâm vùng giáp ranh chặn đứng. Điển hình, vụ phá rừng để mở đường khai thác khoáng sản trái phép từ trung tâm xã Trà Ka vào sông Lon. Dịp tết vừa qua, lực lượng kiểm lâm 2 địa phương đột kích tại “điểm nóng” sông Lon phá hủy 2 lán trại, 3 máy nổ, đẩy đuổi 10 đối tượng ra khỏi địa bàn…
“Việc điều tra, xác định đối tượng vùng giáp ranh không đơn giản chút nào, do phần lớn họ chuyển địa bàn hoạt động. Nếu bị phát hiện, đối tượng xâm hại rừng của huyện này thường chuyển sang huyện khác lánh nạn” – ông Sơn nói.
Tại vùng giáp ranh giữa huyện Phước Sơn với huyện Đắk Glei (Kon Tum), thời gian qua phức tạp nhất là tái diễn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất trồng trọt song vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Lợi dụng đường Hồ Chí Minh, vùng giáp ranh xã Phước Mỹ (Phước Sơn) với xã Đăk Man (huyện Đăk Glei, Kon Tum), lâm tặc thường khai thác, vận chuyển gỗ lậu rất khó kiểm soát. Trước đây đã từng xảy ra trường hợp 13 hộ dân thôn Mang Khênh (xã Đăk Man) sang thôn Long Viên (xã Phước Mỹ, Phước Sơn) canh tác gần 6ha.
Theo ông Trần Lanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, vùng giáp ranh luôn là áp lực lớn với kiểm lâm do diện tích rừng giao cho chính quyền cơ sở và một số chủ rừng quá rộng nên chưa quản lý, giám sát có hiệu quả. Việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan còn mơ hồ; thậm chí có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi xảy ra sự cố phá rừng.
Để giảm sự phức tạp ở khu vực giáp ranh, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My đề nghị, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc giữa Trạm Kiểm lâm sông Trường và Hạt Kiểm lâm Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi). Ngoài lấy kiểm lâm làm nòng cốt, các địa phương cần huy động thêm lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, đội ngũ bảo vệ rừng của các chủ rừng, chính quyền. Khoanh vùng, xác định tọa độ phá rừng trọng điểm để có kế hoạch truy quét hữu hiệu.
“Chúng tôi sẽ bỏ một ít chi phí hỗ trợ khuyến khích người dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm phá rừng; bảo vệ tối mật nguồn tin quần chúng” – ông Nguyễn Tuấn Sơn nói. Còn theo Hạt Kiểm lâm Đắk Glei, phải có biện pháp căn cơ như xây dựng mạng lưới bảo vệ rừng vững mạnh từ cơ sở. Lực lượng kiểm lâm dù có hùng mạnh đến đâu nếu không có sự chung tay góp sức của người dân và chủ rừng vùng giáp ranh thì cũng khó giữ rừng bền lâu được. Do đó, công tác tuyên truyền phải sâu rộng, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ rừng cho người dân.
Ở Quảng Nam, nạn xâm hại tài nguyên rừng vẫn chưa có hồi kết, nhưng những nỗ lực khôi phục, bảo vệ và phát triển vốn rừng đang có dấu hiệu tích cực. Nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống, góp phần giảm áp lực vào rừng khai thác gỗ; chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại lợi ích thiết thực với người dân. Hàng loạt chủ rừng mới đã được sắp xếp, tổ chức bài bản, nhằm quản lý, kiểm soát rừng tốt hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, hơn 1.000 chuyến tuần tra, truy quét chung; hàng chục vụ phá rừng quy mô lớn được xử lý, cho thấy kiểm lâm vùng giáp ranh đã tìm được tiếng nói chung trong giữ rừng. “Giai đoạn 2014 - 2015, các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng sớm triển khai bảo vệ, quản lý lâm sản vùng giáp ranh theo quy chế đã ký kết. Giám sát chặt các chủ rừng; trao đổi thông tin lẫn nhau và đặc biệt xây dựng mạng lưới bảo vệ rừng cơ sở dày đặc, có sự tham gia của người dân và chủ rừng” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý.
Trong khi đó, ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, hạn chế trong quy chế phối hợp là thiếu thông tin hai chiều trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm. Việc truy quét, tuần tra chung phải thống nhất; tránh tình trạng văn bản rườm rà, máy móc. Đồng thời các địa phương cần tích cực kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn, chủ rừng khu vực giáp ranh…(Báo Quảng Nam 15/4) đầu trang(
Ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết nhiều cơn mưa trái mùa trong ba ngày qua vẫn chưa làm cho rừng tràm ở Cà Mau hạ nhiệt. Hơn 38.000ha rừng tràm U Minh Hạ đang đặt trong tình trạng báo động cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng tỉnh Cà Mau đã huy động hơn 5.000 người thuộc lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và người dân cư ngụ ở các tiểu khu thuộc phân trường quản lý rừng tràm tham gia phòng chống cháy rừng, bố trí lực lượng thường xuyên luồn rừng kiểm tra, canh giữ các cửa ra vào rừng để ngăn chặn và xử lý các trường hợp lén lút vào rừng khai thác mật ong, săn bắt động vật hoang dã.
Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng tỉnh cũng chuẩn bị hơn 80 tổ máy bơm công suất lớn, phương tiện vỏ máy cơ động làm nhiệm vụ chữa cháy, nếu xảy ra cháy rừng. Các ban, ngành, đoàn thể cũng tổ chức các đoàn đến U Minh Hạ để thăm hỏi, động viên cán bộ và người dân làm nhiệm vụ phòng chống cháy rừng.
Mùa khô dự báo kéo dài đến tháng Năm, do vậy cán bộ hạt kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng và người dân ở rừng tràm U Minh Hạ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, luân phiên túc trực canh lửa để kịp thời dập tắt nếu có cháy. (Tuổi Trẻ 16/4; VietnamPlus.vn 15/4) đầu trang(
VQG Ba Vì vừa tổ chức tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2013 từ mô hình cụm liên kết PCCCR.
Mô hình được thực hiện trên cơ sở liên kết các đơn vị trên địa bàn gồm: Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội và Công an tỉnh Hòa Bình, Đoàn 285 Bộ Tư lệnh Lăng, chính quyền các xã trên địa bàn, doanh nghiệp và người dân.
Trong điều kiện khí hậu khô hanh, diện tích rừng lớn luôn đặt ra trách nhiệm nặng nề trong công tác PCCCR tại VQG Ba Vì. Đặc biệt, đây là VQG có nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường thủ đô Hà Nội.
Với mô hình cụm liên PCCCR trên địa bàn, VQG Ba Vì đã thu được những kết quả nhất định. Cụm liên kết phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm tổ chức nhiều buổi họp giáo dục môi trường kết hợp phổ biến kiến thức PCCCR cho các trường học và nhân dân trong vùng. Luôn tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC Sơn Tây tổ chức tập huấn cho lực lượng dân phòng 3 xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Minh Quang, là nòng cốt trong phong trào toàn dân PCCC tại cơ sở. Xây dựng lực lượng PCCCR tại các khu du lịch, thành lập 1 tổ bảo vệ rừng và PCCCR của khu du lịch.
Khi phát hiện cháy rừng các chủ doanh nghiệp khu du lịch phải tổ chức lực lượng chữa cháy rừng, đồng thời báo cho tổ PCCCR của Vườn tại khu vực. Kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp với chính quyền các xã vùng đệm trong việc phòng chống chặt phá rừng.
Nhờ việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCCCR đồng bộ, khoa học nên năm 2013 ở khu vực cụm liên kết đã sớm phát hiện và kịp thời triển khai lực lượng khống chế, ngăn chặn thiệt hại ở mức thấp nhất trong điều kiện nóng khô khốc liệt như năm 2013. Diện tích cháy 3,85 ha rừng trồng.
Ông Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc VQG Ba Vì khẳng định, mô hình liên kết PCCC rừng có sự phối hợp chặt chẽ nhiều đơn vị chức năng trên địa bàn, đã giúp vườn kiểm soát chặt chẽ cháy rừng trong nhiều năm qua. (Nông Nghiệp Việt Nam 15/4) đầu trang(
Với gần 900.000ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn nửa diện tích là đất rừng nằm đan xen với địa bàn sản xuất nên việc bảo vệ rừng ở Sơn La phải dựa vào nông dân - những chủ rừng từ bao đời nay.
Ông Lò Thế Thi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La, cho biết: Cùng với tăng cường tuần tra, kiểm soát, trực 24/24 giờ, việc nâng cao nhận thức về rừng, ý thức bảo vệ rừng cho người dân được chúng tôi đặc biệt chú trọng.
Theo ông Thi, riêng trong quý I/2014, ngoài những biện pháp như: Phối hợp với báo, đài; phát hành tài liệu, băng, đĩa tới cơ sở để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm Sơn La đã phối hợp với Hội nông dân (ND) và các tổ chức hội, đoàn thể địa phương tổ chức 218 hội nghị tuyên truyền, bảo vệ rừng, thu hút 13.872 lượt người tới dự, trong đó chủ yếu là nông dân - những chủ rừng thực thụ. Chính ND là lực lượng bảo vệ rừng sâu sát nhất, thường xuyên nhất và hiệu quả nhất nếu ý thức của họ được nâng cao.
Phù Yên là một trong những huyện có diện tích rừng khá lớn của tỉnh. Ông Cầm Văn Thiết - Chủ tịch Hội ND huyện cho biết: Các cấp Hội ND không chỉ phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động hội viên, ND giữ rừng mà còn đưa hiệu quả giữ rừng vào tiêu chí thi đua của cá nhân, đơn vị.
Đơn vị nào bảo vệ rừng không tốt, cá nhân nào còn vi phạm luật bảo vệ rừng sẽ mất điểm thi đua, không được xét danh hiệu văn hóa. Nhờ đó, số vụ vi phạm về cháy rừng do làm nương rẫy, xâm phạm đất rừng, lấy gỗ bừa bãi giảm hẳn so với những năm trước. Đặc biệt, khi phát hiện có lửa đe dọa rừng, ND tự giác tổ chức canh gác, phòng, chống cháy rừng.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Sơn La, trong tháng 2 và 3 vừa qua - thời gian cao điểm nhất trong năm về công tác phòng chống cháy rừng (PCCR), toàn tỉnh Sơn La có tới 490 điểm cháy nhưng chỉ có 6 vụ cháy gây thiệt hại đến rừng ở mức độ nhẹ, còn 484 điểm cháy khác là do dân đốt nương, rẫy.
Ông Nguyễn Văn Kỳ- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn, tâm sự: Mấy chục năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy ý thức và trách nhiệm giữ rừng của ND Sơn La cao như hiện nay. Năm 2013 là năm nắng nóng, gió Lào ở Sơn La kéo dài nhưng số vụ cháy rừng giảm rất mạnh.
Ở Mai Sơn, có vài vụ cháy nhỏ do người dân đốt nương gây ra. Họ đã tự giác tổ chức lực lượng chữa cháy và dập lửa, thiệt hại không đáng kể. Ngay sau đó, những ND gây ra cháy rừng đã tự giác đến kiểm lâm nhận lỗi, nhận phạt. Đó là điều xưa nay chưa từng có ở Sơn La.
Với những ND nghèo ở bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, thì: “Việc giữ rừng như giữ cái đầu mình thôi. Mất rừng là bị lũ quét về phá bản, bị hạn hán mất mùa. Con ong không về làm mật, ngô không ra bắp, lúa chẳng có bông…
Người dân bản Nhọt nhiều năm nay không còn phá rừng mà tham gia trồng rừng, giữ rừng, không cho kẻ xấu về lấy gỗ, săn thú nữa. Nếu có cháy xảy ra, dù không phải rừng của bản mình cũng chung tay dập lửa. Chi hội ND ở đây theo dõi sát việc làm của từng hộ, đến kỳ sinh hoạt, họp bản sẽ phê bình ai chưa làm tốt, biểu dương ai tích cực giữ rừng…” - già bản Đinh Văn Lân tâm sự. (Nông Thôn Ngày Nay 15/4) đầu trang(
UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Yên đến năm 2020, với mục tiêu xác lập các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh phù hợp với tiêu chí, phân loại theo quy định, phù hợp với Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Theo đó, tổng diện tích khu vực bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng của Phú Yên là 19.559ha, gồm có 2 khu rừng đặc dụng là Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai và Khu văn hóa, lịch sử, môi trường Đèo Cả.
Đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai có diện tích tự nhiên là 13.775ha, được phân bố trên địa bàn 6 xã, gồm: Cà Lúi (38ha), Ea Chà Rang (5.672,3ha), Sơn Phước (2.519,6ha), Krông Pa (1.724,3ha), Suối Trai (3.613ha) và Suối Bạc (207,8ha). Khu bảo tồn này cũng được phân chia thành 3 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.882,2ha; phân khu phục hồi sinh thái 5.890,6ha và phân khu hành chính dịch vụ2,2ha.
Đối với Khu văn hóa, lịch sử, môi trường Đèo Cả có diện tích tự nhiên là 5.784ha; trong đó, xã Hòa Xuân Nam có 5.246,9ha và xã Hòa Tâm có 537,1ha.
Việc bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng được tập trung vào một số giải pháp như: Nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục người dân và cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; xây dựng giải pháp phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư. Cùng với đó là các giải pháp vềchủ trương, chính sách của Nhà nước, vềkhoa học công nghệ, hỗ trợ của các ngành khác trong bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học khu bảo tồn. (Báo Phú Yên 15/4) đầu trang(
Tôm thẻ chân trắng lên giá, người dân các tỉnh ven biển miền Trung đã ồ ạt phá rừng phòng hộ để nuôi tôm, gây ô nhiễm môi trường và suy giảm rừng phòng hộ ven biển.
Phú Yên là 1 trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng nuôi tôm trên cát trong thời gian qua đang nỗ lực chấn chỉnh lại tình trạng này nhằm trả lại hiện trạng cho những cánh rừng phòng hộ trước thách thức của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, cơ quan chức năng lại gặp không ít khó khăn. (VTV Phú Yên 15/4) đầu trang(
Sau khi báo Pháp luật TP HCM có bài viết “Rừng phòng hộ bị đốn hạ, kiểm lâm bất lực” cảnh báo việc hàng loạt các khu thuộc Rừng phòng hộ Sông Lò, tỉnh Thanh Hóa bị xẻ thịt nghiêm trọng, cơ quan chức năng liên quan của tỉnh này đã khẩn trương vào cuộc làm rõ.
Theo đó, sau khi kiểm tra, xác minh, ngày 15-3, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh đã có văn bản trả lời báo Pháp luật TP HCM và các cơ quan chức năng thừa nhận việc phản ánh của báo là có cơ sở. Nguyên nhân là do chủ rừng chưa tích cực tuần tra; chưa có biện pháp quyết liệt để bảo vệ rừng. Khi phát hiện có khai thác trái phép chưa phối hợp với lực lượng kiểm lâm để truy tìm đối tượng để xử lý…
Được biết, ngay sau khi có thông tin báo đưa, Hạt kiểm Lâm Lang Chánh cũng đã kịp thời ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi khai thác trái phép mới phát sinh, bắt giữ, xử lý 2 đối tượng có hành vi khai thác gỗ trái phép.
Trước đó, theo báo Pháp Luật TPHCM phản ánh, tại khu vực rừng phòng hộ Sông Lò trên địa bàn xã Lâm Phú, các khu, điểm có nhiều gỗ bị đốn hạ nhất là khu lô 10, dốc Ông Viện, Mè Giàng, Lán Cháy. Những loạt gỗ bị chặt phá nhiều nhất là táu, sến, vàng cương, mỡ. Tại khu vực Lán Cháy, nhiều cây vừa bị đốn hạ còn “tứa máu”. Lâm tặc ngang nhiên dùng cưa xăng đốn hạ các loại cây có đường kính từ 25 đến 40 cm. Sau đó chúng cắt ra thành nhiều khúc để dễ bề vận chuyển. Chính quyền chậm phản ứng, kiểm lâm bất lực trước nạn khai thác gỗ trái phép. (Pháp Luật TPHCM 15/4) đầu trang(
Ngày 15/4, Cty Công viên- cây xanh Đà Nẵng (Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng) cho biết, đơn vị kiểm tra, xác minh, làm rõ trách nhiệm, sai phạm của những cá nhân liên quan vụ xẻ thịt nai.
Theo ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc Cty Công viên - cây xanh Đà Nẵng, ngày 8/4, đơn vị đã lập Hội đồng kỷ luật. Ngày 12/4, hội đồng họp, làm rõ trách nhiệm 7 cán bộ, nhân viên. Yêu cầu các cá nhân này kiểm điểm trước tập thể đơn vị.
Theo đó, xác định công nhân Tạ Thanh Vỹ, Nguyễn Hữu Lanh, và bảo vệ Lê Như Hồng Thanh là những người trực tiếp lột da, xẻ thịt nai và chặt tứ chi.
Nhân viên nuôi thú Lê Xuân Linh sơ suất khi cho nai ăn, bỏ thức ăn ở ngoài làm nai kẹt đầu vào song sắt, cắn lưỡi chết. Bốn nhân viên này nhận hình thức kỷ luật hạ bậc thi đua tháng 4/2014 xuống loại B.
Bà Bùi Thị Đức thiếu sót không mời Chi cục Kiểm lâm để phối hợp xử lý, không thực hiện đúng quy trình tiêu hủy, nên đề nghị hạ bậc thi đua xuống thấp nhất (loại D).
Ông Nguyễn Như Dũng, Đội phó Đội công viên lập biên bản không đầy đủ, không kèm hình ảnh và giám sát xử lý khi nai chết bị xếp loại C. Riêng Phó giám đốc Lê Chánh nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Như đã thông tin, ngày 3/4, nhân viên nuôi thú (thuộc Cty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng) bất ngờ phát hiện chú nai chết trong chuồng. Nhân viên này báo cho bà Bùi Thị Đức, cán bộ công ty kiêm nhân viên thú y cùng bảo vệ khác đến lập biên bản hiện trường, kiểm tra.
Tuy nhiên, thay vì mời lực lượng Kiểm lâm đến ghi nhận hiện trường, tiến hành tiêu hủy. Số cán bộ, nhân viên này xin Phó giám đốc Cty Công viên-cây xanh Lê Chánh xin xẻ thịt, và được ông Chánh đồng ý. Vụ việc được người dân bắt gặp, quay clip và tung lên một số trang mạng, gây xôn xao dư luận. (Lao Động + Nông Thôn Ngày Nay + Gia Đình & Xã Hội + Người Lao Động + Khoa Học & Đời Sống + Pháp Luật VN 16/4; Tiền Phong 15/4) đầu trang(
Theo cục Điều tra chống buôn lậu, thời gian gần đây diện tích rừng tại Việt Nam đang bị thu hẹp lại, nạn buôn bán động vật hoang dã diễn ra phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà còn diễn ra ở các quốc gia trong khu vực và các châu lục khác.
Nổi bật lên hiện nay là tình trạng buôn bán những mẫu vật có nguồn gốc nước ngoài như sừng tê giác, ngà voi châu Phi, tê tê... diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm giảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Vì vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vừa có công văn đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường phòng ngừa đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập-tái xuất các loài động vật hoang dã quý hiếm. Đồng thời, cần kiểm soát, ngăn chặn việc quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, đặc biệt là mẫu vật tê giác và ngà voi từ các nước châu Phi.
Cục Điều tra chống buôn lậu cũng đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên phòng, Công an, Cơ quan quản lý CITES (Cơ quan quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn lối mở qua biên giới; Tập trung phát hiện, xử lí dứt điểm các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật loài hoang dã bao gồm cả mẫu vật giả ở khu vực biên giới và trong thị trường nội địa.
Đồng thời đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác quản lí và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp để người dân biết và thực hiện. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc có dấu hiệu nghi vấn phải áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện, bắt giữ xử lí nghiêm. (Đại Đoàn Kết 15/4) đầu trang(
Trước tình trạng sâu ong gây hại rừng mỡ ngày càng phát triển và lan rộng, huyện Ba Bể đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng, trừ nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa tình trạng này.
Tại huyện Ba Bể, tình trạng sâu ong gây hại cây mỡ bắt đầu xuất hiện từ trung tuần tháng 3/2014 tại 3 xã: Chu Hương, Mỹ Phương và Yến Dương với diện tính thống kê ban đầu khoảng 150ha, trong giai đoạn sâu non với mật độ từ 600 - 1.000 con/cây. Tuy nhiên, khả năng lây lan của sâu ong rất lớn nên diện tích gây hại cũng tăng theo từng ngày. Đến nay đã xuất hiện thêm cả ở xã Phúc Lộc và Hà Hiệu. Diện tích bị gây hại đang được các địa phương và ngành chức năng tiếp tục thống kê.




Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu ong gây ra, ngay từ khi xuất hiện tình trạng sâu ong hại cây mỡ, huyện đã họp và có văn bản chỉ đạo 3 xã có sâu ong gây hại rà soát diện tích bị hại của các thôn, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn người dân dùng thuốc Padan 95SP, Patox 95SP để phun và thuốc Basudin để rắc trên diện tích sâu ong gây hại; vận động người dân bắt thủ công để tiêu hủy.
Đối với phương pháp bắt thủ công, huyện giao cho các hội, đoàn thể của 3 xã bị ảnh hưởng huy động lực lượng hội viên, đoàn viên tổ chức thu gom thủ công để tiêu diệt sâu ong, nhộng ong; chỉ đạo chính quyền các xã dùng nguồn dự phòng ngân sách xã thu mua toàn bộ số sâu ong, nhộng ong bắt được để tiêu huỷ. Trong đó, ban đầu theo chỉ đạo của huyện, xã thực hiện thu mua với mức giá 50 nghìn đồng/kg sâu ong, 80 nghìn đồng/nhộng nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đã điều chỉnh xuống còn 25 nghìn đồng/kg sâu ong và nhộng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ số thuốc để cung ứng kịp thời cho người dân phun trừ sâu ong nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc sâu ong lan ra diện rộng.
Huyện cũng giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành liên quan tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn các xã cách phát hiện sâu ong, nhộng và các biện pháp xử lý; thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát sao diễn biến tình hình sâu ong hại cây mỡ, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời không để bùng phát thành dịch trên địa bàn.
Ngoài ra, huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn phân công cán bộ nông - lâm nghiệp, cán bộ phụ trách thôn thường xuyên thăm nắm tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền đến các thôn, bản, hộ gia đình vệ sinh rừng trồng bằng cách phát quang, đồng thời kiểm tra rừng trồng có sâu ong gây hại từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời; giao cho các đoàn thể xã huy động lực lượng hội viên, đoàn viên ra quân tổ chức thu gom thủ công để diệt sâu ong, nhộng ong (do hộ dân, lực lượng đoàn thể bắt được); chỉ đạo các hộ gia đình trồng rừng đảm bảo đúng kỹ thuật, chủ động vệ sinh rừng để hạn chế sâu bệnh hại cũng như thuận lợi cho công tác phòng trừ sâu hại.
Hiện nay, trong 3 xã bị sâu ong gây hại ban đầu đã có xã Chu Hương cơ bản khống chế, diện tích bị gây hại đã giảm. Vừa qua, xã Chu Hương đã thực hiện tiêu hủy 3,5 tấn sâu ong và nhộng thu gom được bằng phương pháp rắc thuốc và chôn xuống đất. Các xã Mỹ Phương, Yến Dương vẫn tiếp tục vận động người dân bắt để thu mua (hiện nay, Mỹ Phương được khoảng hơn 1 tấn, Yến Dương được vài chục kg).
Ông Cao Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, huyện vẫn đang tích cực vận động nhân dân cùng chính quyền tăng cường các biện pháp phòng trừ và tiêu diệt bằng các biện pháp phun, rắc thuốc và bắt thủ công một cách khẩn trương. Hiện tại, sâu ong đang trong giai đoạn sâu nên vẫn tiếp tục thực hiện biện pháp bắt và phun thuốc. Khi sâu ong chuẩn bị di chuyển theo thân cây xuống đất hóa nhộng, huyện sẽ chỉ đạo các xã thực hiện phương pháp phun thuốc và rắc thuốc. (Báo Bắc Kạn 15/4) đầu trang(
Theo hồ sơ vụ việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang đã biến hàng trăm khối gỗ lậu thành gỗ hợp pháp bằng những bảng kê lâm sản theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết cơ quan chức năng đang làm rõ việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang bị tố cáo giải cứu 3 vụ mua bán, vận chuyển gỗ trái phép với số lượng gần 125 m3.
Theo hồ sơ phóng viên có được, tối 21-11-2013, trinh sát Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra xe tải 63C- 02328 chở gỗ do tài xế Phạm Văn Thuận (ngụ huyện Cai Lậy) điều khiển. Ông Thuận xuất trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc gỗ là bảng kê lâm sản có xác nhận của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk nhưng ghi rõ phương tiện vận chuyển là xe 63C-00789.
Tài xế Thuận khai chở 35 m3 gỗ bằng lăng, bình linh và sến từ Gia Lai về Cai Lậy giao khoảng 6 m3, sau đó lên TP HCM bán nhưng không ai mua nên quay về huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thì bị công an phát hiện. Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Tiền Giang đã chuyển vụ việc cho chi cục kiểm lâm tiếp tục xử lý với đánh giá: Bộ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc do tài xế Thuận cung cấp không phải hồ sơ của lô gỗ vận chuyển trên xe 63C-02328.
Khi tiếp nhận xe gỗ, ông Nguyễn Thanh Trúc, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động - Phòng chống cháy rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang, liền lập biên bản kiểm tra, kết luận “gỗ đo thực tế trên xe 63C-02328 với số lượng 163 hộp không phù hợp hồ sơ lâm sản do tài xế cung cấp” - tức xác định số gỗ này là lậu. Song, sau đó, ông Trúc giúp chủ số hàng này - bà Huỳnh Thanh Tuyền, ngụ huyện Cai Lậy - bằng cách mời 3 thợ cưa đến để… giám định loại gỗ.
Trong biên bản xác định gỗ, ông Trúc đưa ra kết quả có 22 hộp gỗ sến để phù hợp với lý lịch lâm sản mà tài xế đã cung cấp và 55 hộp gỗ căm xe không nguồn gốc. Sau đó, ông Trúc lập biên bản bà Tuyền vi phạm với chỉ 3,791 m3 gỗ lậu rồi tham mưu cho chi cục trưởng chi cục kiểm lâm ra quyết định phạt bà 40 triệu đồng và tịch thu số gỗ này. 32,408 m3 gỗ lậu còn lại được giải cứu một cách ngoạn mục.
Trước đó, ngày 14-5-2013, Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra và tạm giữ xe 66S-6282 chở hơn 37 m3 gỗ bằng lăng xẻ hộp không rõ nguồn gốc rồi chuyển chi cục kiểm lâm xử lý. Chủ hàng là ông Phạm Ngọ Tuấn (Đồng Tháp) đã đến công an xuất trình bản sao chứng minh nguồn gốc gỗ mua của Công ty S.Đ ở tỉnh Gia Lai. Theo kết quả kiểm tra của chi cục kiểm lâm, xe chở 111 lóng gỗ bằng lăng (37,028 m3) không có ký hiệu đầu lóng và quy cách (dài, rộng…) không khớp với bảng kê lâm sản của Công ty S.Đ.
Trong khi đó, làm việc với công an, ông N.T.Q, Giám đốc Công ty S.Đ, xuất trình bảng kê lâm sản bán ra là những lóng gỗ đều ghi ký hiệu. Trong bảng tường trình, ông Q. nêu rõ: “Chúng tôi vẫn chưa xác định được lâm sản trên xe 66S-6282 có phải là số gỗ chúng tôi xuất bán cho ông Tuấn hay không”.
Sau đó, không rõ lý do gì mà ngày 17-7-2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang tiếp tục đo đếm lại từng lóng gỗ. Lập tức, bảng kê lâm sản thể hiện số gỗ bằng lăng bị bắt giữ trước đó đều có ký hiệu, chỉ 3,9 m3 là không nguồn gốc. Ông Tuấn được trả số gỗ còn lại và chỉ bị xử phạt 40 triệu đồng.
Trong một vụ khác, ngày 14-6-2013, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với chi cục kiểm lâm kiểm tra trại cưa gỗ của ông Nguyễn Văn Năm (huyện Cai Lậy) và lập biên bản tạm giữ 95 hộp gỗ bằng lăng (hơn 23,5 m3) không rõ nguồn gốc để điều tra. Hôm sau, CSGT Trạm Trung Lương tiếp tục bắt giữ 2 xe cẩu chở gỗ cho ông Năm (136 hộp - hơn 42,5 m3). Tài xế chỉ xuất trình bảng kê lâm sản của ông Năm nhưng không có xác nhận của kiểm lâm nên CSGT giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang làm rõ nguồn gốc số gỗ này.
Như vậy, tổng số gỗ không rõ nguồn gốc mà chi cục kiểm lâm tạm giữ của ông Năm là hơn 66 m3. Tại cơ quan công an, ông Năm cho biết số gỗ này là của ông Trần Văn Nhuận (huyện Cai Lậy). Ông Nhuận đã nhờ ông Năm xuất hóa đơn đỏ bán số gỗ này cho bà Nguyễn Thị Lệ (thị xã Gò Công) để hợp thức hóa khi đi đường. Trong khi đó, ông Nhuận khai số gỗ này là của ông Hoàng Xuân Trung ở TP HCM.
Kiểm tra thực tế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tiền Giang lập bảng kê lâm sản thể hiện tất cả số gỗ này đều không có ký hiệu đầu lóng. Tuy nhiên, sau đó, ông Trung mang bảng kê lâm sản đến công an nộp nhưng lại có ký hiệu đầu lóng gỗ. Điều này chứng tỏ số gỗ mà chi cục kiểm lâm tạm giữ của ông Năm không phù hợp với bảng kê lâm sản do ông Trung cung cấp cho cơ quan chức năng.
Đến ngày 12-8-2013, ông Trung đến chi cục kiểm lâm tự nhận trong số gỗ bị bắt giữ có 39 lóng (12,3 m3) là lậu. Từ đó, cơ quan kiểm lâm và công an thống nhất xử lý ông Trung hành vi vận chuyển 12,3 m3 gỗ lậu, đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang phạt 75 triệu đồng. 54,2 m3 gỗ còn lại được chi cục kiểm lâm trả cho ông Trung.
Tại cơ quan công an, ông Năm khai rõ số gỗ nêu trên không có nguồn gốc và ông cũng không mua bán, chỉ xuất hóa đơn đỏ bán hàng khống để hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, cuộc họp giữa PC46 Công an tỉnh Tiền Giang và chi cục kiểm lâm ngày 13-8-2013 lại thống nhất không xử lý ông Năm về hành vi bán hóa đơn đỏ, vì “là người cung cấp thông tin phục vụ kiểm tra bắt giữ lô gỗ”! (Người Lao Động 15/4) đầu trang(
14/4, ông Đinh Huy Trí - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, đang báo cáo cơ quan CA về việc cán bộ KL bị hành hung.
Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 13/4, một tổ kiểm lâm cơ động của Hạt KL Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) đang làm nhiệm vụ ở xóm chợ Phong Nha (xã Sơn Trạch - Bố Trạch) thì một nhóm đối tượng trú tại xã Sơn Trạch đến gây gổ, dọa nạt và hành hung. Các đối tượng đã đánh vào mặt, lưng của kiểm lâm Nguyễn Tri Phương gây thương tích... Đến khi lực lượng công an có mặt tại hiện trường hỗ trợ các kiểm lâm cơ động mới trở về đơn vị an toàn.
Trước đó, vào rạng sáng ngày 11/4, tổ kiểm lâm cơ động làm nhiệm vụ tại tuyến đường 20 phát hiện có 5 đối tượng đang cắt rừng về xuôi. Khi phát hiện lực lượng kiểm lâm, các đối tượng này vứt lại 3 bao tải lớn để tháo chạy vào rừng. Các bao tải này đựng đầy rễ, bai gỗ huê với trọng lượng gần 66 kg, tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng.
Nguyên nhân của vụ hành hung kiểm lâm có thể từ việc bị mất gỗ huê nên các đối tượng trả thù. (Pháp Luật VN 16/4; Công An Nhân Dân 16/4; Nông Nghiệp VN 15/4) đầu trang(
15-4, tin từ Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh Bình Thuận cho biết cơ quan này đang lập hồ sơ xử lý hai vụ vận chuyển gỗ quý hiếm trái phép.
Rạng sáng 14-4, Đội Kiểm lâm cơ động đã chốt chặn trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), bắt giữ xe tải 77C-020.38 do Nguyễn Hồng Ân (ngụ TP Quy Nhơn, Bình Định) điều khiển, trên xe chở hơn 10 m3 gỗ sơn huyết (nhóm 1) không rõ nguồn gốc. Theo tường trình của tài xế, số gỗ lậu nói trên được một người dân thuê chở từ huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) vào Đồng Nai.
Trưa cùng ngày, lực lượng kiểm lâm cơ động cũng đã bắt giữ xe tải 79C-011.63 chở hơn 10 m3 gỗ trắc. Tài xế xe này cho biết số gỗ trên cũng được bốc lên tại Diên Khánh để vận chuyển vào TP.HCM. (Pháp luật TPHCM 16/4) đầu trang(

QUẢN LÝ - SỬ DỤNG - PHÁT TRIỂN RỪNG
Trong cuộc họp triển khai ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Giám đốc Sở đề nghị Giám đốc BQL rừng đặc dụng An Toàn khẩn trương xây dựng phương án di chuyển trụ sở của BQL rừng đặc dụng An Toàn từ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn đến xã An Toàn, huyện An Lão trước 30/4/2014 đảm bảo đến ngày 30/6/2014 đơn vị chính thức hoạt động tại xã An Toàn, huyện An Lão.
Đối với trụ sở cũ tại Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, nếu BQL rừng đặc dụng muốn giữ lại để làm Văn phòng đại diện phát triển du lịch về sau, Giám đốc Sở đề nghị BQL rừng đặc dụng An Toàn xây dựng phương án cụ thể mang tính thuyết phục cao, trình UBND tỉnh quyết định; hoặc đề nghị UBND tỉnh bán đấu giá, sử dụng kinh phí này đầu tư tại trụ sở mới.
Với việc chuyển trụ sở làm việc về xã An Toàn, huyện An Lão chắc chắn công tác quản lý bảo vệ khu rừng đặc dụng An Toàn sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn. (Website UBND huyện An Lão 16/4) đầu trang(
Vụ trồng rừng năm 2014, huyện Chợ Đồn có kế hoạch trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó chủ yếu là cây mỡ, lát, keo, xoan, trám, quế và cây hồi. Hiện nay, huyện đang tập trung cấp cây giống trồng rừng cho bà con nông dân.
Để đảm bảo chất lượng cây giống trước khi xuất vườn, huyện Chợ Đồn đã thành lập các đoàn tiến hành thẩm định các vườn ươm giống trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy trên 3,6 triệu cây giống, trong đó có hơn 1,2 triệu cây quế, 1,2 triệu cây keo, 1,2 triệu cây phân tán được sản xuất đều phát triển tốt, đảm bảo chất lượng.
Nhằm mục đích đảm bảo chất lượng giống cây cũng như tiến độ trồng rừng của huyện trong điều kiện nắng nóng có thể kéo dài, huyện Chợ Đồn đang tích cực chỉ đạo các xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách bảo quản cây giống. Đặc biệt, khi nhận giống về trồng phải bỏ cây giống ra khỏi túi ni lông cho tiếp xúc với nền đất, chờ khi thời tiết thuận lợi thì bà con có thể tiến hành trồng. (Đài PTTH Bắc Kạn 15/4) đầu trang(
Dù tháng 5 tới mới vào chính vụ nhưng do thời tiết thuận lợi nên nhiều hộ dân ở miền núi tỉnh Bắc Giang đã rục rịch trồng rừng.Tuy nhiên, giá cây giống tăng cao, lại thiếu vốn khiến nguy cơ bỏ trống đất rừng.
Một số người dân ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam... nơi tập trung nhiều diện tích rừng trồng phản ánh, thời gian gần đây họ tranh thủ thời tiết mưa nhiều, đất ẩm để trồng rừng nhưng thị trường cây giống khan hiếm, các loại cây keo, bạch đàn tăng giá chóng mặt.
Cùng kỳ năm 2013, giá giống chỉ từ 300 - 400 đ/cây, nhiều thời điểm nhích lên 500 - 600 đ/cây. Năm nay cây giống không chất lượng bằng nhưng lại vọt lên mức 800 đ, thậm chí nhiều nơi lên đến 1.000 đ/cây gây khó khăn cho việc trồng rừng.
Tìm hiểu được biết, thời điểm ươm cây năm nay thời tiết rét đậm kéo dài khiến tỉ lệ cây giống nảy mầm thấp, phát triển chậm nên chưa cung ứng đủ nhu cầu thị trường. Tại một số cơ sở, dù cây giống còn nhỏ, chưa đủ điều kiện xuất vườn nhưng nhiều người dân, thương lái vẫn tìm đến mua với giá cao.
Ông Lê Hồng Khoa, GĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Ngạn cho biết, năm nay Cty ươm 600.000 cây chủ yếu là bạch đàn, keo. Ngay từ đầu vụ nhiều hộ đã đến đặt tiền, nhận cây nên đến nay chỉ còn 200.000 cây. Nếu sức mua duy trì tốt, chúng tôi sẽ ươm thêm vài trăm cây.
Nhiều ngày nay, anh Phạm Văn Bảo ở thôn Hòa Mục, xã Mỹ An (Lục Ngạn) có mặt tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam tự tay lựa chọn cây giống cho mình. "Đầu vụ năm nay cây giống khan hiếm, giá tăng cao nên tranh thủ thời điểm đầu vụ thời tiết thuận lợi tôi mua về trồng cho yên tâm. Đi nhiều nơi tìm mua không được, tôi phải đến tận vườn ươm cất giống. Tuy cây còn non, chưa được như ý muốn nhưng sợ đến chính vụ sẽ thiếu giống, giá tiếp tục tăng nên tôi vẫn quyết mua về trồng", anh Bảo nói.
Một nguyên nhân nữa là ngoài kế hoạch trồng rừng được UBND tỉnh giao, các địa phương đều có nhiều diện tích rừng vừa thu hoạch khiến nhu cầu về giống tăng cao. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công, nguyên vật liệu đầu vào tại các vườn ươm cũng tăng từ 20 - 30% nên hầu hết các đơn vị SXKD cây giống đều tăng giá.
Là một trong những hộ nghèo nhất thôn, năm 2010, gia đình ông Vi Văn Xuân ở thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động vay mượn người thân đầu tư trồng gần 2 ha keo những mong phát triển kinh tế gia đình. Không phụ công người, rừng keo phát triển tốt, hứa hẹn vài năm sau sẽ cho thu hoạch.
Tuy nhiên, cơn bão số 14 tràn qua ngày 11/10/2013, rừng keo của gia đình ông bị gió bão quật đổ phải bán non với giá chỉ vài triệu đồng. Sau khi trả nợ, số tiền còn lại chỉ như "gió vào nhà trống", từ đó đến nay khoảnh rừng này vẫn để trống cho cỏ mọc.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, không có nổi một vật dụng giá trị, ông Xuân cho biết: "Nghe xã thông báo năm nay huyện có dự án hỗ trợ, tôi đã đăng ký sớm nhưng chưa thấy họ phản hồi. Năm nay giá cây giống tăng cao, nếu không được hỗ trợ, có lẽ gia đình tôi phải bỏ trống một phần diện tích".
Cũng là hộ nghèo trong thôn, gia đình ông Tô Văn Khoa lại khác, may mắn hơn nhiều hộ khi rừng keo hơn 1 năm tuổi của gia đình thoát khỏi sức tàn phá của mưa bão. Tuy nhiên, đợt rét đậm, rét hại cận Tết Nguyên đán 2014 đã khiến toàn bộ diện tích rừng của gia đình ông chết khô.
Nay không những mất công chặt bỏ cây chết, gia đình ông còn phải chạy đôn, chạy đáo lo vay tiền mua cây giống trồng bổ sung. Trong thôn đa phần là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, các hộ đều phải trồng lại rừng nên ông Khoa cũng đăng ký xin xã, huyện hỗ trợ vốn trồng lại diện tích bị thiệt hại.
Được biết, năm nay xã Vân Sơn có 152 hộ đăng ký trồng rừng kinh tế với tổng diện tích hơn 250 ha. Theo kế hoạch giao của huyện, xã được hỗ trợ vốn trồng 45 ha rừng, hơn 200 ha còn lại người dân phải tự bỏ. Ngay từ đầu năm, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ sức người, sức của đầu tư.
Những hộ nghèo, quá khó khăn không có điều kiện thuê mướn nhân công thì gộp nhóm giúp nhau hoán đổi ngày công trồng rừng. Tuy nhiên, là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn với gần 50% số hộ là hộ nghèo, việc mỗi hộ phải bỏ ra số tiền vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mua cây giống là rất khó thực hiện, nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ bỏ trống đất rừng.
Huyện Lục Ngạn cũng có kế hoạch trồng 1.200 ha rừng kinh tế nhưng chỉ 100 ha rừng trồng bảo vệ môi trường ở xã Nam Dương được một dự án của Nhật Bản tài trợ. Ngoài ra, UBND huyện trích 400 triệu đồng hỗ trợ một phần giúp nhân dân các xã mua cây giống, gần 1.000 ha rừng còn lại người dân phải tự đầu tư. Một số địa phương khác như Lục Nam, Yên Thế... cũng có tình cảnh tương tự, hầu hết diện tích là rừng trồng lại sau khai thác, thiên tai... nên không được hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, đầu năm các cơ sở SX cây giống đều dựa vào kế hoạch trồng rừng của các DN, địa phương để SX cây giống, diện tích và nhu cầu thực tế của người dân chưa được đơn vị nào thống kê cụ thể. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ tăng cao, nhiều DN đã chủ động ươm thêm cây giống.
Ông Dương Xuân Bánh, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đánh giá: Năm 2013, toàn tỉnh khai thác đạt 285.000 m3 gỗ và 56.000 siter củi từ rừng trồng. Sau nhiều năm tích cực tuyên truyền, ý thức trồng rừng của người dân đã nâng lên đáng kể, nhà nhà trồng rừng, người người trồng rừng, thâm canh tăng vụ... tạo nên phong trào thi đua mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hầu hết các hộ chỉ dừng lại ở việc trồng các loại cây gỗ nhỏ giá trị, hiệu quả thấp. Từ thực trên, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch trồng rừng năm 2014, phát triển những cánh rừng gỗ lớn, hiệu quả cao hơn. Năm nay, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân trồng mới 4.800 ha rừng, trong đó có 165 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hơn 4.600 ha còn lại là rừng trồng mới, các diện tích rừng phát sinh khác người dân phải tự bỏ kinh phí triển khai.
Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 20 tổ chức, hộ gia đình đăng ký SXKD cây giống với tổng công suất khoảng 12 triệu cây, đủ cung ứng nhu cầu trồng rừng của nhân dân. (Nông Nghiệp VN 16/4) đầu trang(
Ngày 15/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang kí quyết định phân bổ kinh phí khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên năm 2014 cho các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND các huyện, thành phố với số tiền 13,4 tỷ đồng từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu năm 2014.
Trong đó, kinh phí khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh 7,042 tỷ đồng; kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng 6,358 tỷ đồng. Phó Chủ tịch đề nghị Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh lập thủ tục cấp kinh phí, kiểm soát chi, hướng dẫn thực hiện thanh, quyết toán theo quy định và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả và thanh quyết toán kinh phí theo quy định. (Báo Quảng Nam 15/4) đầu trang(
UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt suất đầu tư trồng, bảo vệ rừng năm 2014, theo đó, nhiều hạng mục chi cho người dân trồng và bảo vệ rừng được giữ nguyên so với năm 2013. 





Trong đó, suất đầu tư bảo vệ rừng phòng hộ 200 nghìn đồng/ha/năm; hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ nhỏ đối với xã đặc biệt khó khăn 3 triệu đồng/ha, xã ngoài vùng đặc biệt khó khăn 2,25 triệu đồng/ha; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn 4,5 triệu đồng/ha... UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán các hạng mục; điều chỉnh mức chi vật tư, nhân công khi có biến động về giá nhưng không vượt quá mức phân bổ đã quy định. (Báo Bắc Giang 16/4) đầu trang( 
Người trồng keo đang gặp khó khăn do  keo rớt giá trong vài năm trở lại đây, thậm chí có nơi chẳng ai hỏi mua, nhiều người đã phải chặt keo non.  Bên cạnh đó, khai thác rừng trồng đang tự do mặc dù theo quy định, hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác rừng trồng phải lập hồ sơ xin chính quyền sở tại và các ngành liên quan, sau đó mới được phép khai thác.
Trên đường vào Bồng Khê - Đôn Phục  - Con Cuông, keo được tấp từng đống lớn ven vệ đường. Bà Vi Thị Định ở bản Thanh Đào - Bồng Khê buồn bã nói: Chúng tôi cứ chặt và bóc tách vỏ bỏ bên vệ đường để chờ thương lái đến lấy nhưng cả mấy tuần nay không thấy xe ô tô vào mua keo. Keo phơi mưa nắng đã chuyển sang màu đen rồi nên phải chuyển keo về để làm củi đun.
Theo bà Định thì “Giá keo năm nay vừa quá rẻ, vừa khó tiêu thụ. Chủ yếu các thương lái “mua quạ” tính ra chỉ được 530.000 đồng/tấn keo,  được  20 triệu đồng/ha. Gia đình tôi có 3 ha keo nhưng mới bán được hơn 1 ha, còn lại chưa bán được do giá quá rẻ”. C
hị Hà Thị Niệm ở bản Thanh Đào cho hay: “Làm 4 ha keo, bỏ công sức đầu tư, chăm sóc 5 - 6 năm mới có thu hoạch mà thương lái vào trả giá có hơn 400.000 đồng/tấn, mỗi ha keo chỉ được 15 - 16 triệu đồng tính ra còn thua lỗ”.
Ông Hoàng Văn Thám - Trưởng bản Thanh Đào cho biết: Bản Thanh Đào có 124 hộ dân trồng trên 180 ha keo, hiện còn trên 60 ha keo chưa bán được do giá quá rẻ. Ngoài việc nhiều hộ chặt về làm củi đun thì một số hộ còn chẻ keo thành từng bó củi để bán, mỗi bó 7.000-10.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Long ở bản Thống Nhất, xã Mậu Đức chia sẻ: “Gia đình tôi trồng trên 30ha keo, nhiều nhất xã, được bao nhiêu vốn liếng đều dốc vào cây keo, những tưởng đến kỳ thu hoạch sẽ “đổi đời” ai ngờ keo không bán được. Hiện tại chỉ mới bán được gần 10 ha keo với giá rẻ mạt, bình quân 12-14 triệu đồng/ha còn trên 20 ha keo đã đến tuổi thu hoạch nhưng không bán được”.
Ông Long nói thêm: Giá nhân công và giá vận chuyển keo cao, thuê nhân công chặt và bốc vác keo 120.000 đồng/ngày, tiền cước xe 300.000 đồng/tấn, mỗi xe keo thuê 4-5 triệu đồng tiền cước… nên tính ra trồng keo thua lỗ nặng, sắp tới chúng tôi phải tính trồng cây khác để thay thế cây keo. Xã Mậu Đức hiện có trên 600 ha keo trong đó keo ở độ tuổi khai thác trên 200 ha, hiện còn trên 130 ha keo chưa bán được. Khó khăn đặt ra hiện nay là do đường nguyên liệu trồng keo chưa có, phải bốc vác và chở “tăng bo” ra đường lớn nên chi phí rất cao, vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng bà con bị “tư thương” ép giá. Do trồng keo thua lỗ nên xã Mậu Đức cũng đã quy hoạch một số diện tích sau khi thu hoạch keo để chuyển sang trồng mét và xoan đâu. Con Cuông đang còn khoảng trên 1.000 ha keo lai trong giai đoạn thu hoạch, bà con đang phải xót xa bán tống, bán tháo với giá rẻ như cho.
Đi dọc lên xã Tam Quang - Tương Dương thấy cảnh keo lai tấp bên vệ đường chủ yếu được người dân chặt phơi làm củi đun. Ông Nguyễn Thao ở bản Bãi Xa -Tam Quang tâm sự: Gia đình hiện có hơn 10 ha keo đến độ tuổi khai thác nhưng mấy tuần nay chẳng thấy xe ô tô lên thu mua. Có mấy “tư thương” lên trả giá 350.000 - 400.000 đồng/m3 gỗ, nhưng với điều kiện gỗ phải đạt “vanh” to để đủ chống hầm lò khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó là gia đình anh Nguyễn Đình Hùng ở bản Khe Bố có gần 20 ha keo đến tuổi thu hoạch nhưng tính ra thua lỗ nên vẫn đang gắng “nằm” chờ giá. Xã Tam Quang hiện có trên 300 ha keo trong giai đoạn thu hoạch, nhưng hiện chỉ mới chặt bán được trên 80 ha keo, còn lại chưa tiêu thụ được.
Được biết để đối phó với tình trạng trồng keo không hiệu quả, dăm năm trở lại nay Tam Quang đã mạnh dạn chuyển đất trồng keo sang trồng trên 500 ha xoan. Xã đang  vận động bà con chuyển đổi để trồng xoan mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn huyện Tương Dương hiện còn khoảng trên 800 ha keo lai đang trong giai đoạn thu hoạch tập trung, chủ yếu ở các xã Tam Quang, Thạch Giám, Nga My, Tam Đình, Tam Thái, Xiêng My…
Về nguyên nhân giá keo rẻ, ông  Đậu Ngọc Bình người thu mua keo ở bản Thống Nhất xã Mậu Đức - Con Cuông cho biết: Chúng tôi thu mua keo chủ yếu bán cho các nhà máy chế biến tại Khu công nghiệp Nam Cấm và căn cứ giá tại đây để trả cho bà con trồng rừng. Giá bán tại nhà máy là 920.000 đồng/tấn, giá mua của bà con tại gốc giảm 50% so với giá tại nhà máy vì chi phí vận chuyển cao.
Trong khi câu chuyện đầu ra cho cây keo đang khó khăn, thì vấn đề quản lý khai thác rừng trồng lại được đặt ra. Có thể nói rằng lâu nay ngành chức năng chỉ chú trọng đến công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng (chống chặt phá vận chuyển lâm sản trái phép) rất ít chú trọng đến công tác quản lý rừng trồng.
Theo Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT thì hộ gia đình, hoặc tập thể, muốn khai thác rừng trồng phải lập hồ sơ xin chính quyền địa phương, các cấp, ngành, sau đó mới được phép khai thác, Nghị định 157/NĐ – CP/ 2013 quy định xử phạt hành chính về công tác quản lý rừng (trong đó quản lý rừng trồng). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết người dân tự trồng, tự khai thác ồ ạt để bán, và ngành chức năng chưa hề xử lý hành chính khai thác rừng trồng.
Rừng trồng khai thác bừa bãi bị “cạo trọc” cũng chính là nguyên nhân gây xói mòn đất đai, mất cân bằng sinh thái. Ngay như tại khu vực Khe Lá - Nghĩa Dũng - Tân Kỳ có trên 1.000 ha rừng phòng hộ (giáp ranh với Yên Thành) đã được chuyển sang đất rừng sản xuất. Lâu nay do tranh chấp người ta đã phá rừng phòng hộ để trồng keo, đến mùa thu hoạch keo người ta khai thác cuốn chiếu, chặt trọc trụi khiến cho cả vùng rừng mất khả năng phòng hộ. Nhiều người dân phản ánh tại khu vực Khe Lá do khai thác bừa bãi khiến rừng trồng chưa kịp che phủ, nên ở đây vào mùa khô khe suối cạn kiệt, đảo lộn cuộc sống của bà con nơi đây.
Ông Đinh Văn Hải, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho biết: Diện tích trên mặc dù đã được điều chỉnh rà soát  giao cho địa phương sử dụng rừng sản xuất, nhưng để tăng tính chất phòng hộ cần trồng rừng xen dắm thành nhiều lớp, trong quá trình khai thác theo lô, khoảnh, để đảm bảo chức năng phòng hộ.
Bà Vi Thị Tý ở bản Mét, xã Lục Dạ - Con Cuông đang thuê hơn 10 lao động đốn chặt hơn 2 ha keo. Khi hỏi về thủ tục khai thác thì bà Tý nói rằng: Lâu nay khai thác keo chẳng có ai báo với chính quyền địa phương, mà cũng chẳng có ai đến kiểm tra, mà keo nhà mình trồng thì cứ có người mua là chặt. Sang các bản Kẻ Trằng, Thống Nhất - Đôn Phục thấy người dân đang đốn hạ keo ngổn ngang bên vệ đường.
Ông Vi Văn Tình làm 2 ha keo kể: Chúng tôi cũng chỉ mới nghe qua họp xóm là khi khai thác phải làm thủ tục qua xã, qua kiểm lâm mới được khai thác, nhưng thực tế khi khai thác keo cũng chẳng thấy ai kiểm tra. Ông Lô Thật - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức chia sẻ: Chúng tôi đã tiếp cận được Thông tư 35, Nghị định 157… tuy nhiên xã chỉ mới tổ chức tuyên truyền qua các cuộc họp xóm, lâu nay cũng chưa có hộ dân nào đến xã để làm thủ tục mới khai thác keo. Xã cũng chưa làm “căng” vì lâu nay giá keo quá rẻ, việc tiêu thụ khó khăn nên vẫn tạo điều kiện để bà con tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo tôi việc người trồng rừng thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT là việc cần làm, vì trong quá trình khai thác xã nắm chính xác được diện tích, thiết kế khai thác, để từ đó có quy hoạch trồng rừng hợp lý, trồng xen dắm theo lô, khoảnh tránh tình trạng khai thác bừa bãi ảnh hưởng môi trường sinh thái. Do khai thác tự do nên người dân hầu hết bán keo cho thương lái chủ yếu bán “quạ” bán keo cả quả đồi theo ước lượng, có những đồi keo không đo diện tích mà bán 20-50 triệu đồng, tính ra thiệt hại cho người trồng keo.
Ông Lê Quang Hợp - Hạt trưởng Kiểm lâm Con Cuông trao đổi: Đối với khai thác gỗ rừng trồng tập trung bằng nguồn vốn ngân sách (diện tích gỗ rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông) khi khai thác chủ rừng đều làm thủ tục gửi về UBND huyện, tờ trình đề nghị, bản thuyết minh thiết kế khai thác… Còn lại diện tích rừng do dân trồng hầu như chưa làm thủ tục khai thác theo Thông tư 35 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng phát triển rừng số 157/NĐ-CP ngày 11/11/2013, Điều 13, vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng kiểm lâm bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với các trường hợp khai thác gỗ rừng trồng khi khai thác chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, thực tế lực lượng kiểm lâm chưa xử phạt trường hợp nào đối với gỗ rừng trồng. Lý do là nghị định mới được ban hành bà con chưa hiểu biết, hơn nữa do gỗ rừng trồng khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, chủ yếu lực lượng kiểm lâm đang tập trung công tác tuyên truyền là chính.
Tìm hiểu được biết hầu hết các huyện có diện tích gỗ rừng trồng như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành, Tân Kỳ… hầu hết bà con chưa chấp hành thực hiện Thông tư 35 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà tự do khai thác.
Ông Lê Cao Bính - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh lý giải: Để quản lý tốt rừng trồng thì cần phải tập trung tuyên truyền, vận động bà con thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN & PTNT, có thể thực hiện từ các mô hình, sau đó nhân rộng. Tuyên truyền bà con không chặt phá keo non bán, khuyến cáo chặt phá keo non vừa giảm giá trị kinh tế, vừa ảnh hưởng môi trường sinh thái.
Ông Bính cũng cho biết thêm, tuy đã có chế tài xử lý đối với khai thác rừng trồng nhưng rất khó khăn trong xử lý, thực tế từ ngày thực hiện Nghị định 157, lực lượng kiểm lâm chưa xử lý trường hợp nào. Nhiều người cho rằng rừng của mình tự bỏ vốn trồng trên đất nhà mình thì tự do khai thác. (Báo Nghệ An 15/4) đầu trang(
Tháng 4 là hạn cuối giải ngân theo cam kết của ban lãnh đạo “Cty cổ phần tập đoàn trồng rừng toàn cầu - RTC". Mặc dù đã bị báo chí phanh phui thủ đoạn huy động vốn thông qua lập dự án trồng rừng đa cấp và làm từ thiện trên giấy, nhưng “khối liên doanh” các Cty do ông Cao Văn Xứng sáng lập vẫn len lỏi đến nhiều làng quê, lợi dụng hoàn cảnh khốn khó và sự cả tin của người nghèo, tiếp tục “ban phát” cổ phần, cổ phiếu khống.
Suốt tuần qua, bà con nông dân ở thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An, huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) râm ran “tin mừng”, rằng có một tổ chức từ thiện nước ngoài thông qua Cty TNHH Hiển Vinh hỗ trợ những đối tượng nghèo, neo đơn, tàn tật..., mỗi trường hợp được 50 triệu đồng. Riêng vợ chồng ông Nguyễn Mẫn (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tư (78 tuổi) vì tuổi cao, sức yếu lại bị tàn tật và tai biến nên được ưu tiên nhận 2 suất (100 triệu đồng).
Cụ Nguyễn Thị Tư cho biết: “Hôm qua, con dâu tui về thăm, nói là dưới Cty Hiển Vinh đang phát tiền cho người nghèo, nhưng đợt này mỗi hộ chỉ được nhận 5 triệu đồng, số còn lại Cty sẽ lập sổ tiết kiệm cho từng người rồi giữ dùm...”.
Thì ra, “dây mơ, rễ má” bắt đầu từ cô Huỳnh Thị Kim Phấn - con dâu bà Tư, hiện đang nấu ăn phục vụ gia đình ông Cao Văn Xứng và bà Lê Thị Cẩn ở 68 Phan Đình Phùng, Nha Trang. Theo chỉ dẫn của con dâu, bà Tư nhờ người viết đơn gửi lên thôn, xã xác nhận hoàn cảnh và photo CMND, hộ khẩu, rồi đưa cho cô Phấn nộp hộ.
Cuối tháng 3 vừa qua, có một người xưng là cán bộ của Cty Hiển Vinh đi cùng ông Tư Niễn (xóm phó) đến gặp bà Tư, ông Mẫn kiểm tra bản gốc hộ khẩu, CMND của 2 ông bà, sau đó cho 2 cụ lăn tay vào mấy tờ giấy, rồi giao cho mỗi người 1 bộ hồ sơ từ thiện. Ông Mẫn kể: “Tui không biết chữ, lăn tay xong, họ đưa cho 1 tờ giấy cứng bìa đỏ và dặn phải cất kỹ để sau này nhận tiền. Đang lúc khó khăn, có “lộc trời cho” để dưỡng già, mừng không ngủ được!”.
Theo giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Cty Hiển Vinh (trụ sở tại 68 Phan Đình Phùng, P.Xương Huân, TP.Nha Trang) cấp cho ông Nguyễn Mẫn (SN 2.3.1932, trú tại thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An, huyện Diên Khánh), thì người có tên trên đã góp vốn vào Cty này (kể từ ngày 26.7.2013), tổng số 5.000 cổ phần phổ thông, loại 10.000đ/CP, tổng giá trị góp vốn là 50 triệu đồng. Vấn đề là văn tự ấy tuyệt nhiên không có mục nào thể hiện mục đích hỗ trợ từ thiện!
Chị Nguyễn Thị Thắm - con gái ông Mẫn và bà Tư cho biết: “Đầu tháng 1.2014, em dâu tui nộp hồ sơ và ngày 29.3.2014, người của Cty Hiển Vinh đến nhà giao giấy chứng nhận cổ phần, vậy mà họ ghi “ngày góp vốn 26.7.2013”.
Ban đầu tui hơi ngờ ngợ, nhưng vì tin em dâu, sau đó lại nghe người của Cty này giải thích rằng, đã họp báo giới thiệu chương trình từ thiện tại Nha Trang và họ đã thông qua UBND xã Diên An; hơn nữa bữa đó có chú Tư Niễn (xóm phó) đi cùng, nên mới tưởng thiệt. Hôm kia, vì quá mừng nên mẹ tui đem giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của Cty Hiển Vinh ra khoe với chị hàng xóm, không ngờ đó chỉ là tờ giấy lộn!”.
Rõ ràng, “giấy chứng nhận sở hữu cổ phần” nói trên không có giá trị, bởi vì đó là giấy do người sáng lập Cty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hiển Vinh là Cao Văn Xứng tự in rồi ký tên, đóng dấu và tự phát hành. Về điều này, báo cáo của cơ quan điều tra CA Khánh Hòa gửi UBND tỉnh (số 792/CV-PC46-PV11(CS), ngày 2.12.2013), đã khẳng định “là hành vi vi phạm pháp luật”. (Lao Động 15/4) đầu trang(
Năm 2014, Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng phấn đấu trồng mới hơn 120 ha rừng trên địa bàn 7 xã thuộc huyện Hòa An và TP Cao Bằng.
Đến hết tháng 3/2014, Công ty đã thiết kế trồng rừng mới 140,7 ha; ký kết và bàn giao hiện trường cải tạo hơn 56 ha rừng cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán tại các xã: Bạch Đằng, Lê Chung (Hòa An); đã trồng rừng 2 ha; cuốc hố 10 ha; dọn thực bì chuẩn bị cuốc hố 20 ha.
Hiện nay, Công ty tăng cường công tác kiểm tra các lô rừng trồng để theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, kịp thời có biện pháp chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng phù hợp; kiểm tra, đôn đốc các đối tác nhận khoán thực hiện các công đoạn chăm sóc rừng theo quy trình kỹ thuật; mời các nhà thầu có năng lực đến hiện trường, tiến hành trồng và chăm sóc rừng. (Báo Cao Bằng 15/4) đầu trang(
UBND huyện Đạ Huoai, cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có 20 dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, với quy mô sử dụng đất trên 4.100 ha, trong đó quản lý bảo vệ rừng chiếm hơn 1.190 ha, trồng rừng kinh tế gần 442 ha, trồng cao su trên 2.400 ha.
Hiện đã có 18 dự án triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay có một số dự án chưa thực hiện đúng cam kết, tiến độ triển khai chậm hoặc không triển khai, điển hình như, Dự án trồng rừng của Công ty cổ phần đầu tư Kim Minh Đạt; Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng cao su của Công ty TNHH Hải Long.
Theo các ngành chức năng, nguyên nhân là các nhà đầu tư chưa đánh giá đúng những khó khăn phức tạp khi nhận hoặc triển khai dự án; hầu hết các dự án này đều nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn; ảnh hưởng cơ chế thị trường… UBND huyện Đạ Huoai đã yêu cầu các chủ dự án sớm triển khai theo đúng kế hoạch, đối với những dự án nếu không thực hiện đúng cam kết, huyện sẽ tổ chức kiểm tra và đề nghị UBND tỉnh thu hồi. (Đài PT – TH Lâm Đồng 15/4) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Nhằm bảo vệ sự riêng tư, một doanh nhân ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã thiết kể hẳn khu rừng bao bọc xung quanh căn hộ tầng 18 của mình.
Đáng nói, không chỉ… trồng cây gây rừng ngay tại tầng mình ở, trong 2 năm qua, người này còn âm thầm cơi nới khu rừng lên đến tận tầng 19 và 20 (ảnh).
Theo Globaltimes, đầu tiên ông dùng lưới bao bọc quanh nhà rồi ngụy trang bằng cây nhựa, sau đó mang cây xanh về phủ lên. Chính quyền thành phố đang đau đầu trước khu rừng này. (Thanh Niên 16/4) đầu trang(./.
Biên tập: Bùi Hoa