Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 15 tháng 04 năm 2014
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ - SỬ DỤNG - PHÁT TRIỂN RỪNG
BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
TIN THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Theo tin từ Cục Kiểm lâm, tính đến ngày 13/4, cả nước có 6 tỉnh, thành phố đang có nguy cơ cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan tràn rất nhanh.
Theo đó, các khu vực đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm gồm: Bình Định (khu vực An Nhơn, Phù Cát, TP. Quy Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh); Bà Rịa (khu vực Côn Đảo, Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc), Bình Thuận (khu vực Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong), Gia Lai (khu vực Krông Pa, TX. Ayun Pa), Khánh Hoà (khu vực Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh), Ninh Thuận (khu vực Bác ái, Ninh Phước, Ninh Sơn).
Cục Kiểm lâm cho biết, các khu vực này đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. (Nhân Dân 15/4; Đảng Cộng Sản VN 14/4) đầu trang(
Khối khí ẩm từ biển thổi vào cùng với gió đông nam tác động khiến mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ không còn nhiều. Nắng mạnh tiếp tục kéo dài trong những ngày tới, lượng mưa không đủ lớn gây nguy cơ cháy cao cho nhiều khu rừng. (VietnamPlus.vn 14/4) đầu trang(
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chi cục Kiểm lâm vừa có chuyến kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên đảo Hòn Khoai.
Hơn 2 tháng qua trên đảo Hòn Khoai không có mưa. Thêm vào đó, nắng nóng và gió mạnh đã làm cho toàn bộ diện tích rừng trên cụm đảo bị khô cạn hoàn toàn, dự báo cấp cháy cực kỳ nguy hiểm.
Trước tình hình trên, Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai thường xuyên phối hợp với các lực lượng đóng quân trên đảo triển khai biện pháp phòng cháy rừng theo phương án được phê duyệt, quét dọn vật liệu cháy trên tuyến lộ nhựa dẫn lên đỉnh đảo, hợp đồng thêm lực lượng bảo vệ rừng, cắm thêm bảng báo cấm lửa, cấm vào rừng tại các con đường dẫn lên đảo để du khách và ngư dân lên thăm đảo có ý thức hơn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Theo dự báo, thời gian còn lại của mùa khô tiếp tục có những đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài, nguy cơ cháy rừng trên cụm đảo Hòn Khoai tại thời điểm này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT yêu cầu Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai duy trì lực lượng trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đóng quân trên đảo tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân lên thăm đảo chấp hành tốt các quy định về phòng cháy, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng trên cụm đảo Hòn Khoai. (Đài PT – TH Cà Mau 14/4) đầu trang(
Từ đầu năm 2014, huyện Vân Canh đã có nhiều động thái tích cực quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR), ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác gỗ, chặt cây rừng đốt than, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn.
Huyện Vân Canh có tổng diện tích tự nhiên gần 80.021 ha, trong đó có 69.401 ha đất lâm nghiệp, chiếm 86,72% tổng diện tích tự nhiên; diện tích đất có rừng 55.498 ha, gồm có rừng phòng hộ 21.677 ha, rừng sản xuất 33.821 ha. Cuộc sống của đa số người dân sống gần rừng còn khó khăn; tập tục phát, đốt rừng để làm nương rẫy vẫn còn; sự hiểu biết về pháp luật trong lĩnh vực QL-BVR còn hạn chế. Do đó, tình trạng phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn huyện.
Năm 2013, Hạt Kiểm lâm huyện đã lập biên bản 112 vụ vi phạm, trong đó có 3 vụ phá rừng, 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, 108 vụ vi phạm khác; xử lý 112 vụ, thu nộp vào tài khoản tạm giữ hơn 269 triệu đồng; phá bỏ các loại cây trồng, công trình xây dựng trên diện tích rừng bị phá trái pháp luật, đất lâm nghiệp quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, với diện tích gần 150 ha.
Ngay từ đầu năm 2014, huyện và các xã, thị trấn đã kiện toàn Ban chỉ huy BVR và các tổ, đội BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); triển khai các biện pháp cấp bách BVR. UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện Chỉ thị 07/2012 của Thủ tướng về tăng cường công tác BVR.
Triển khai thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ, phát triển rừng; theo dõi cập nhật diễn biến rừng, đất lâm nghiệp; kiểm tra việc sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng; tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND các xã, thị trấn quản lý; thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép.
Các lực lượng chức năng của huyện đã thực hiện 26 đợt tuần tra bảo vệ rừng ở các khu vực rừng trọng điểm, rừng giáp ranh. Qua kiểm tra, đã phá hủy 12 lò than và các lán trại, thu giữ hơn 3 tấn than hầm, hủy tại rừng 4m3 gỗ từ nhóm 3 đến nhóm 5; ngăn chặn lấn chiếm trái phép gần 86 ha đất lâm nghiệp…
Ngành chức năng và các địa phương cũng thường xuyên hướng dẫn người dân khai thác tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo Thông tư số 35/2011 và Thông tư 01/2012 của Bộ NN-PTNT để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng khai thác rừng trái phép.
Huyện cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật BVR, PCCCR trong cộng đồng dân cư, vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước BVR đã được xây dựng; tổ chức cho các hộ sống ven rừng ký cam kết BVR. Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền các xã, thị trấn trong công tác QL-BVR, PCCCR. Tăng cường hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành QL-BVR…
Ông Phạm Thanh Giảng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vân Canh, cho biết: Huyện đang tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách BVR, đặc biệt là nâng cao nhận thức của toàn dân về lợi ích của rừng đối với cuộc sống, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, tích cực BVR. (Báo Bình Định 14/4) đầu trang(
Tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển hai khu rừng đặc dụng đến năm 2020 với tổng diện tích tự nhiên 19.559 ha.
Cụ thể, Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai thuộc địa bàn huyện miền núi Sơn Hòa 13.775 ha và Khu văn hóa, lịch sử, môi trường Đèo Cả thuộc địa bàn huyện Đông Hòa 5.784 ha.
Cùng với việc chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học trong cộng đồng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã xây dựng cơ chế tổ chức, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững các khu rừng đặc dụng; ban hành các chương trình, dự án và hệ thống giải pháp thực thi nhằm tạo môi trường, sinh cảnh tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu cũng như bảo tồn nguồn gen…
Đến năm 2020, Khu văn hóa, lịch sử, môi trường Đèo Cả sẽ trồng mới gần 1.000 ha rừng cho nhằm nâng độ che phủ rừng lên 83%.
Đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, do đặc điểm có dân cư 6 xã sống trong khu vực này nên Ban quản lý và Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Krông Trai phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân các xã thường xuyên họp dân và thông báo rộng rãi để người dân biết việc lấn chiếm, khai thác, phá hoại rừng đặc dụng sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật; đồng thời sẽ cưỡng chế khôi phục lại rừng đã bị khai phá.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT Phú Yên phối hợp với huyện Sơn Hòa sớm kiểm tra, xác định lại diện tích rừng bị khai phá trái phép trong thời gian qua để có kế hoạch khôi phục rừng. (VietnamPlus.vn 15/4) đầu trang(
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Khắc Châu (36 tuổi) trú tại tổ 11, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai vì đã có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Ngày 6/2/2014, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 đang trên đường tuần tra đến địa bàn thôn 8, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh đã phát hiện và bắt giữ chiếc xe tải mang biển kiểm soát 60K - 3977 chở 3,135m3 gỗ hộp (quy đổi thành 5,013m3 gỗ tròn) chủng loại gỗ giổi (nhóm 3) và 1,654m3 gỗ hộp (tương đương 2,646m3 gỗ tròn) chủng loại gỗ trái lý (nhóm 2A) do ông Phan Khắc Châu điều khiển.
Hành vi của ông Châu đã vi phạm điều 12, chương I, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Căn cứ vào điểm d - khoản 4, điểm đ - khoản 5 điều 22 và điều 30 Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; UBND đã quyết định phạt 65 triệu đồng đối với ông Phan Khắc Châu và tịch thu toàn bộ số gỗ vận chuyển trái phép là tang vật vi phạm sung vào công quỹ. (Báo Lâm Đồng 14/4) đầu trang(
Huyện Chư Pah vốn không phải là điểm nóng về tình trạng khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép như một số địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua, một số xã trên địa bàn huyện Chư Pah xuất hiện tình trạng cất giấu lâm sản trái phép làm cho tình hình ở địa bàn nóng lên.
Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp tuần tra truy quét, ngăn chặn kịp thời tình trạng buôn bán, cất giấu lâm sản trái phép.
Với diện tích đất có rừng khoảng 30.445 ha, trong đó rừng tự nhiên 25.220 ha, rừng trồng 5.225 ha, đất chưa có rừng 18.912 ha, độ che phủ của rừng đạt khoảng 30,1%. Diện tích rừng Chư Pah tập trung ở các Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly, Bắc Biển Hồ, Đông Bắc Chư Pah và Ban Quản lý dự án 661Tây Bắc Đak Đoa quản lý.
Rừng Chư Pah không có nhiều loại gỗ quý hiếm, nằm giáp ranh với các huyện Ia Grai, Đak Đoa và huyện Sa Thầy (Kon Tum)… rừng nằm trong địa hình đồi dốc và chia cắt rất phức tạp. Đặc biệt, những năm qua, mỗi khi mùa khô về rừng Chư Pah lại trở thành vùng trọng điểm cháy rừng của tỉnh.
Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 9 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tập trung chủ yếu là tình trạng cất giấu lâm sản trái phép tại các xã Ia Nhin 1 vụ, Chư Đăng Ya 6 vụ, Đak Tơ Ve 2 vụ… tịch thu trên 75m3 gỗ từ nhóm I đến nhóm VI …
Điển hình như trong những ngày đầu tháng 3, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với lực lượng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ và UBND xã Chư Đăng Ya tổ chức truy quét tại tiểu khu 248 và khu vực làng Xóa. Đoàn đã phát hiện và thu giữ 37 lóng gỗ nhóm V với khối lượng khoảng 26 m3…
Nguy hiểm hơn, trong quá trình thu gom số gỗ cất giấu này, lâm tặc đã cố tình sử dụng bàn chân đinh để dưới lòng suối Chư Đăng Ya và trên đường đi lại. Khi xe lội qua thì đâm phải những bàn chông này gây thủng lốp trước.
Ông Nguyễn Văn Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho hay: Thời gian qua, lâm tặc khai thác gỗ từ các khu vực rừng giáp ranh với xã sau đó tập kết trên địa bàn xã chờ cơ hội để vận chuyển tiêu thụ nơi khác. Trước thực trạng này, các lực lượng của xã đã tổ chức truy quét và làm rất quyết liệt nhằm ngăn chặn không để xảy ra tình trạng cất giấu lâm sản trên địa bàn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng chức năng của xã không có phương tiện và công cụ hỗ trợ khi đi làm nhiệm vụ và bảo vệ bản thân.
Trước tình trạng buôn bán cất giấu lâm sản có dấu hiệu phức tạp, UBND huyện Chư Pah đã thành lập 2 tổ liên ngành kiểm tra tổ chức truy quét các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn, trong đó tập trung tại xã Chư Đăng Ya và Ia Kreng.
Sau khi ra mắt 2 tổ công tác liên ngành đã tổ chức kiểm tra truy quét tại các tiểu khu 223, 226 giáp ranh tiểu khu 227, khu vực đường xương cá nối giáp nhau và cùng đi làng Dip (xã Ia Kreng) dựa trên hệ thống đường mòn khai thác gỗ chỉ tiêu từ những năm trước. Khu vực giáp ranh giữa xã Ia Nhin (Chư Pah) với xã Ia Bă (Ia Grai)… Tại các xã Chư Đăng Ya, Hà Tây và Đak Tơ Ve tổ kiểm tra các tiểu khu 248, 250 và 204 đã phát hiện 3 lóng gỗ vắng chủ với khối lượng trên 1 m3, bắt giữ 4 xe máy.
Ông Nguyễn Ngọc Cư-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah cho biết: “Phần lớn gỗ bị bắt được khai thác và vận chuyển từ các khu vực rừng giáp ranh sau đó lén lút mượn đường vận chuyển tiêu thụ. Trước diễn biến phức tạp này, UBND huyện đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành thường xuyên truy quét tại các địa bàn trọng điểm như Chư Đăng Ya, Ia Kreng… để ngăn chặn hiện tượng lấn chiếm đất rừng và mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là do lực lượng truy quét mỏng so với các địa bàn khác.
Không những vậy, do địa hình rộng lớn, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch quản lý bảo vệ rừng. Sau khi 2 tổ liên ngành hoạt động hiệu quả, Hạt đã đề nghị UBND huyện tiếp tục duy trì 2 tổ này hoạt động đến ngày 30-4 nhằm hạn chế thấp nhất không để xảy ra tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép”.
Ngăn chặn tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép là một trong những giải pháp để bảo vệ diện tích rừng hiện có. Điều này đang được triển khai quyết liệt tại huyện Chư Pah. (Báo Gia Lai 14/4) đầu trang(
Việc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương huyện Sa Thầy đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Tháp, huyện Sa Thầy 200.530,3 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 43.367,2 ha rừng đặc dụng, 15.800,6 ha rừng phòng hộ, 141.362,5 ha rừng sản xuất. Rừng trên địa bàn có nơi rất gần khu dân cư như Sa Sơn, Sa Nhơ, Ya Xiêr và khu vực phía bắc Mô Rai; nhưng cũng có nơi xa khu dân cư như nam Mô Rai, Ya Tăng, giáp với huyện Chư Păh, Ia Grai (Gia Lai) nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Tài nguyên rừng trên địa bàn còn nhiều loại gỗ quý hiếm nên đây thường là mục tiêu, điểm ngắm của lâm tặc.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc đẩy mạnh thực hiện Phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn đã xây dựng 3 Trạm kiểm soát liên ngành do tỉnh thành lập, 12 Trạm quản lý bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, 9 Trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy và 46 tổ, đội quần chúng với 242 người tham gia bảo vệ rừng.
Để việc chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) có hiệu quả, huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo QLBV&PTR trên cơ sở bổ sung các chủ rừng làm thành viên; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; chỉ đạo tổ công tác đặc biệt tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp chấn chỉnh và tăng cường công tác QLBVR.
Theo đó, trong năm 2013 và trong mùa khô này, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư và phối hợp Đài Truyền thanh-truyền hình huyện truyền thanh, phát sóng để giúp người dân nâng cao nhận thực bảo vệ rừng; truyền thông tại các trường học, duy trì “câu lạc bộ xanh” và ký trên 400 bản cam kết bảo vệ rừng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng bảo vệ rừng đã thành lâp các đoàn công tác tổ chức tuần tra, truy quét tại các “điểm nóng” lâm tặc thường hoạt động và người dân hay phát rừng làm nương rẫy trái phép để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng. Thông qua các cuộc tuần tra, truy quét, trong năm 2013, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã phát hiện và xử lý 22 vụ cất giấu, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu trên 42 m3 trái phép các loại.
Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy phối hợp với các xã Ia O, Ia Khai (huyện Ia Grai) lập hồ sơ xử lý 26 trường hợp xâm canh, phát rừng làm nương rẫy trái phép và xử lý 6 trường hợp người dân ở xã Mô Rai, Ya Ly, Ya Tăng và Sa Nhơn phát 1,36 ha rừng làm nương rẫy trái phép.
UBND huyện cũng đã ký cam kết với chủ tịch UBND các xã, thị trấn phấn đấu hàng năm giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn so với các năm trước. Tiếp tục thực hiện phương án này, từ tháng 1-2/2014, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành kiểm tra, phát hiện 13 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 45,43 m3 gỗ trái phép các loại. Trong mùa khô này, trên địa bàn chưa xảy ra cháy rừng; việc phát rừng làm nương rẫy trái phép được kịp thời ngăn chặn, không xảy ra ở quy mô lớn.
Cũng theo ông Tháp, vấn đề tồn tại là người dân được cấp giấy chứng nhận rừng giao khoán QLBVR đã sang nhượng trái phép diễn ra khá phổ biến nhưng không có chế tài xử lý, gây khó khăn trong công tác quản lý của các chủ rừng và các địa phương. Việc xử lý các vụ vi phạm hành chính trong công tác QLBVR đối với các hộ đồng bào DTTS mới dừng lại ở khâu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người dân không thi hành quyết định xử phạt, do vậy việc xử phạt thiếu tính răn đe và không thực thi.
Khu vực Nam Sa Thầy được tiếp tục xác định là một trong những điểm nóng trong việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Do vậy, UBND huyện đề nghị các ngành và UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Trạm Kiểm soát liên ngành khu vực Sê San (xã Mô Rai) nâng cao tinh thấn trách nhiệm, ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Việc giao đất, giao rừng, khoán QLBVR được thực hiện theo chủ trương trước đây, tỉnh cần có tổ chức đánh giá để tổng kết, rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. (Kontum.gov.vn 15/4) đầu trang(
Mùa khô hanh, nhiều cánh rừng ở các xã vùng thượng huyện Văn Chấn (Yên Bái) như nằm trên chảo lửa, đặc biệt ở các xã trọng điểm như Gia Hội, Nậm Lành, Suối Giàng, Sơn Thịnh, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh.
Từ đầu mùa khô hanh đến nay, trên địa bàn xảy ra một vụ cháy rừng tại xã Nậm Mười, làm thiệt hại 4,5ha rừng. Theo ông Nguyễn Văn Quỳnh - Hạt phó Hạt kiểm lâm Văn Chấn thì nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy rừng chủ yếu là do con người tác động, bởi vào mùa khô hanh, gió lào thổi mạnh, chỉ cần một bất cẩn nhỏ của con người cũng có thể thiêu rụi hàng chục ha rừng.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là việc bà con đốt nương làm rẫy không đúng kỹ thuật để cháy lan vào rừng. Bên cạnh đó, tình trạng người dân, trẻ con để lấy mật ong đã dùng lửa gây khói cũng gây ra không ít vụ cháy rừng. Năm 2013, trên địa bàn xảy ra một vụ cháy rừng làm thiệt hại 1,5ha rừng tại thôn Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh được xác định nguyên nhân là do sự bất cẩn của người dân đi đốt ong.
Mặc dù diện tích thiệt hại chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, chè vè nhưng Hạt kiểm lâm cùng các ngành chức năng cũng đã phải huy động hơn 100 người chữa cháy.
Từ thực tế này, mùa khô năm nay, công tác thông tin, tuyên truyền được đặc biệt chú trọng dưới nhiều hình thức như tuyên truyền lưu động, thông tin trên hệ thống truyền thanh huyện, phát các tờ rơi quy định về quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần nâng cao ý thức người dân về công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Cùng đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các hội nghị tuyên truyền công tác PCCCR ở các xã; in ấn trên 2.400 tờ rơi, áp phích tuyên truyền công tác PCCCR; ký cam kết bảo vệ bảo vệ rừng và chấp hành các quy định PCCCR tại 371 thôn bản với trên 33.600 lượt người tham gia. Việc quy hoạch, quản lý diện tích nương rẫy cũng như việc đốt nương của người dân được chặt chẽ hơn. Người dân chỉ được phép sản xuất nương rẫy trên diện tích đã quy hoạch, trong việc phát dọn thực bì phải “dọn sống”, không đốt thực bì để cháy lan.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Chấn cho biết: “Để PCCCR đạt hiệu quả, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các trạm, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, kiểm tra việc thực hiện phương án PCCCR của các chủ rừng, của thôn bản, hướng dẫn nhân dân đốt xử lý thực bì sản xuất nương rẫy đúng quy định.
Vào những ngày cao điểm, cán bộ kiểm lâm túc trực 24/24h; tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ rừng và PCCCR, đồng thời tuyên truyền loa truyền thanh, thông báo cảnh báo cháy rừng, thường xuyên phát công điện của huyện; bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR”.
Mặc dù đã có sự chủ động trong công tác PCCCR, song theo nhận định của cơ quan chuyên môn, từ nay đến cuối mùa khô hanh, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lượng mưa thấp, khô hạn kéo dài. Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đôn đốc việc bảo vệ rừng và PCCCR; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng để đưa các bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác bảo vệ rừng và PCCCR.
Các xã, thị trấn thống kê diện tích, địa điểm chủ hộ có nương dự kiến đốt hoặc lên lịch đốt cho từng khu vực sản xuất nương rẫy để kiểm soát; tăng cường kiểm tra giám sát công tác PCCCR của các chủ rừng, các khu vực trọng điểm gắn kết trách nhiệm của các chủ rừng nếu để xảy ra cháy rừng, đồng thời, phát hiện và làm rõ đối tượng vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý kiên quyết và triệt để. (Báo Yên Bái 14/4) đầu trang(
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện được 164 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Trong đó: Vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng 15 vụ (tăng 10 vụ so với cùng kỳ); Phá rừng trái pháp luật 45 vụ, diện tích thiệt hại 10,288 ha rừng tự nhiên (tăng 05 vụ, diện tích thiệt hại giảm 0,721 ha rừng so với cùng kỳ); Khai thác trái phép 29 vụ với khối lượng 131,740 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại; 1,635 tấn gốc, rễ và 35 cây non (tăng 20 vụ, khối lượng giảm 19,809 m3 gỗ các loại so với cùng kỳ)…
Trong quý đã tiến hành xử lý hành chính 193 vụ, xử lý hình sự 03 vụ (bao gồm 61 vụ vi phạm của năm 2013 chuyển qua). Khối lượng lâm sản tịch thu: 537,6 m3 gỗ quy tròn các loại. (Kontum.gov.vn 14/4) đầu trang(
Chiều 13/4, Phùng Văn Sếnh (SN 1989) và Triệu Kim Định (SN 1985) đều là người dân tộc Dao, cùng trú tại thôn Hợp Hòa, xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) rủ nhau vào rừng thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Ea Kiết huyện Cư M’gar với xã Krông Na, huyện Buôn Đôn để săn thú. Vào rừng, 2 người đi theo hai hướng.
Ngày 14/4, Sếnh thấy có một bóng đen mờ mờ đụng đậy ở bụi rậm cách mình khoảng vài chục mét. Nghĩ là con thú, Sếnh bóp cò. Sau khi súng nổ, Sếnh chạy tới nơi thì kinh hoàng nhìn thấy Định nằm chết tại chỗ.
Cơ quan Công an huyện Cư M’gar đã thụ lý vụ việc. (Lao Động 14/4; Tiền Phong 14/4) đầu trang(
Phải khẳng định trong những năm qua từ phát triển kinh tế rừng, Đình Lập đã có nhiều đổi khác. Rừng đã làm vùng khó chuyển mình, đời sống của nhân dân được nâng lên, hướng làm giàu được xác định. Thế nhưng cũng từ giá trị của rừng nhiều bất ổn trên địa bàn đã xảy ra. Từ tranh chấp, lấn chiếm đất rừng tới khai thác trái phép rừng tự nhiên, chặt trộm rừng trồng và cả đốt rừng của nhau vì mâu thuẫn thường ngày.
Không nhắc lại nạn khai thác trái phép dẫn tới xóa sổ khu rừng đặc dụng Lâm Ca – Đồng Thắng, hay những vụ đốt rừng mà trong đó đã có vụ phải khởi tố nữa, bởi thời gian cũng đã khá xa. Nhưng những câu chuyện về rừng Đình Lập trong vòng 5 năm trở lại đây vẫn cho người ta cái cảm giác bất an. Những lộn xộn, những tranh chấp vẫn liên tiếp diễn ra, cho dù tính chất mỗi thời điểm có khác nhau, lúc âm ỉ, lúc bùng phát.
Có thời điểm giá nhựa thông lên cao ngất ngưởng, nhiều người ví von, nông dân Đình Lập chỉ cần đi dạo một vòng trong rừng là mỗi ngày cũng có vài trăm nghìn thì lại rộ lên nạn cạo nhựa trộm, rồi từ trộm chuyển hẳn sang cướp nhựa. Cây thông dù chưa đủ tuổi cũng cạo, cứ có nhựa thì dù nhiều hay ít cũng tận dụng. Lại đến mùa khai thác của Công ty Lâm nghiệp Đình Lập, thấy đội khai thác, người đến thu mua, các đối tượng khác cũng lợi dụng ào ào khai thác. Nói về rừng tự nhiên, những khu rừng hẻo lánh vẫn là đích đến của lâm tặc. Hẳn người dân Đình Lập và khu vực lân cận vẫn chưa quên vụ án mạng đau lòng xảy ra vào giữa tháng 6/2011.
Bắt nguồn từ mùa khai thác của Công ty Lâm nghiệp Đình Lập tại Khe Vuồng, xã Đình Lập. Khi các đội khai thác của Công ty tiến hành theo kế hoạch, cũng là lúc nhiều đối tượng khác lợi dụng vào khai thác “hôi”. Lúc đầu còn là lén lút khai thác trộm, vận chuyển vào ban đêm, sau đó là chuyển sang khai thác trắng trợn vào ban ngày và lấn cả vào diện tích rừng của Công ty mà người dân được giao khoán bảo vệ. Mâu thuẫn đỉnh điểm giữa người dân bảo vệ rừng và các đối tượng khai thác trộm đã gây nên án mạng. Thế nhưng sau vụ án ấy, đến cuối năm 2011, tình hình vẫn không chút lắng dịu.
Cho đến tận bây giờ, những phức tạp như vậy vẫn chưa thể chấm dứt. Báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Đình Lập trong cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh mới đây cũng thừa nhận tình trạng khai thác rừng trái phép vẫn xảy ra, hiện nay tập trung trên địa bàn xã Bính Xá và một số khu vực có rừng thông đến tuổi khai thác. Cháy rừng vẫn xảy ra, năm 2013 trên diện tích rừng Công ty Lâm nghiệp Đình Lập quản lý xảy ra 4 vụ cháy, diện tích 5ha.
Nguyên nhân các vụ cháy được xác định chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân. Rừng trồng, đặc biệt là khu vực do Công ty Lâm nghiệp Đình Lập quản lý vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, thì một số khu vực rừng tự nhiên trên địa bàn huyện cũng bị “nhòm ngó”.
Điển hình là cuối năm 2013, rừng tự nhiên Khuổi Quầy ở thôn Nà Táng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập đã bị một số đối tượng ngang nhiên mở đường vào khai thác. Chỉ đến khi có sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân, sự vào cuộc của cơ quan báo chí và những động thái từ phía cơ quan chức năng, tình hình mới tạm ổn. Báo cáo UBND tỉnh về việc này, ông Nông Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: đây là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và diễn biến phức tạp. Các cơ quan chức năng đã được giao nhiệm vụ để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Điểm lại một vài thông tin để thấy rằng những bất ổn, phức tạp liên quan đến rừng trên địa bàn huyện Đình Lập trong vài năm trở lại đây vẫn chưa thể chấm dứt. Phải khẳng định rằng trong những năm qua, kinh tế rừng đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội của huyện. Mỗi năm Đình Lập trồng mới từ 1.800 đến hơn 2.000 ha rừng, luôn là một trong những huyện dẫn đầu về trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là huyện triển khai thực hiện tốt nhất Quyết định 39 của UBND tỉnh về vay vốn trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả, nâng tỷ lệ xã hội hóa trong trồng rừng và từ trồng rừng đã xuất hiện những triệu phú trên vùng đất khó.
Thế nhưng, để kinh tế rừng phát triển thực sự bền vững, đóng góp lớn hơn, tạo động lực để huyện phát triển nhanh hơn, lãnh đạo huyện Đình Lập cũng cần có sự phân tích thấu đáo, toàn diện những bất ổn và nguy cơ tiềm ẩn bất ổn liên quan đến rừng. Để từ đó có phương hướng và biện pháp phù hợp, hiệu quả, góp phần đảm bảo kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. (Đài PT – TH Lạng Sơn 14/4) đầu trang(
Thời gian qua, tại các điểm có vàng thuộc xã A Vao, huyện Đakrông (Quảng Trị), các đối tượng khai thác vàng đến dựng nhiều lán trại, sử dụng máy nổ và các phương tiện khác để khai thác vàng trái phép. Chính quyền địa phương đã có các giải pháp ngăn chặn, lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi nhưng vẫn không dẹp bỏ được nạn khai thác vàng ở đây.
Năm 2013 và ba tháng đầu năm 2014, Công an huyện Đakrông phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức năm đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép, đốt năm lán trại, phá bảy máy nổ, ba máy phát điện, bốn máy xay đá... của “vàng tặc”.
Ngày 27-3, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý khai thác vàng trái phép tại xã A Vao, huyện Đakrông. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đakrông phối hợp lực lượng Công an tỉnh, đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn tập trung kiểm tra, đẩy đuổi và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã A Vao theo quy định của pháp luật; tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân không tham gia các hoạt động khai thác vàng trái phép.
UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Đakrông làm rõ có hay không tình trạng "bảo kê" cho các hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn theo như phản ánh của một số hộ dân ở xã A Vao, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15-4. (Nhân Dân 14/4) đầu trang(
Gỗ lậu từ biên giới Campuchia và huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được vận chuyển qua địa bàn huyện Ia Grai, sau đó theo đường Tỉnh lộ 664 về TP Pleiku, tỉnh Gia Lai rồi hợp thức hóa và xuất bán. Đó là tình hình phóng viên ghi nhận được sau hơn 1 tuần theo dấu những chuyến xe chở gỗ chạy qua địa phương này.
Ngày 6-4, 3 xe cẩu chở đầy gỗ gầm rú nối đuôi nhau chạy qua trụ sở UBND xã Ia Krái, tiến thẳng vào một xưởng gỗ. Sau đó, chúng lại trở ra, nối đuôi nhau chạy về phía khu vực nghĩa trang xã Ia Krái. Tính tới 23 giờ cùng ngày, đã có 6 xe chở đầy gỗ vào trong xưởng. Nguồn tin riêng của phóng viên cho biết đây là xưởng của bà Vui, mới hoạt động nhưng là xưởng lớn nhất ở đây.
Ngày 7-4, phóng viên đến một bãi tập kết gỗ cách nghĩa trang xã Ia Krái khoảng 300 m. Ở đây ngổn ngang những khúc gỗ có đường kính từ 40-80 cm, dài từ 3-4 m, chủ yếu là sao, bằng lăng, bo bo…. Cạnh đó có 2 xe tải chất đầy gỗ đã được phủ bạt kín mít đang nằm chờ xuất bến.
Theo điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động, toàn bộ số gỗ được vận chuyển từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Sau đó, chúng sẽ được chuyển bằng đường sông lẫn đường bộ đến tập kết tại đây chờ nhập xưởng.
Trong khi phóng viên đang quan sát thì thấy xe tải BKS 81M- 006...chở đầy gỗ chạy qua ngã ba biên phòng, xã Ia O, huyện Ia Grai. Chạy sau xe tải là chiếc ô tô con BKS 81C-03.. - xe chim mồi, có nhiệm vụ hộ tống, lót đường khi gặp chuyện.
Không chỉ hoạt động ban ngày, những xe chở gỗ này còn chạy đêm. Khoảng 23 giờ ngày 12-4, một xe tải chở gỗ còn lòi một đoạn ra khỏi thùng xe lao vun vút theo đường ĐT 664 đi qua trung tâm xã Ia Krái và chốt liên ngành gồm lực lượng CSGT, Kiểm lâm huyện Ia Grai nhằm hướng thị trấn Ia Kha thẳng tiến.
Tiếp theo sau xe này, một xe thùng chở gỗ cũng từ từ bò qua trạm. Điều đáng nói là chốt liên ngành tắt điện, các thành viên đang trực chăm chú ngồi xem bóng đá mà không có bất cứ động thái kiểm soát nào.
Hiện tại xã Ia Krái có khoảng 15 đầu nậu chuyên thu mua gỗ từ lâm tặc. Những loại gỗ thuộc hàng “tạp” sẽ được bán lại cho các xưởng trên địa bàn, sau đó hợp thức hóa giấy tờ và xuất xưởng. Số gỗ quý như hương, căm xe… thường được đầu nậu thu mua và chuyển thẳng về TP Pleiku.
Ngày 14-4, ông Nguyễn Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, cho biết tình hình vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn “không có gì”. Tuy nhiên, sau khi được phóng viên thông tin về những gì mình ghi nhận được thì ông Thắng nói: “Do mới đi học cao cấp chính trị về nên không nắm được”. Đồng thời, ông Thắng khẳng định sẽ cho người kiểm tra lại.
Cũng theo ông Thắng, cả huyện có 7 cơ sở được phép kinh doanh mặt hàng gỗ, trong đó 4 xưởng đang hoạt động “cầm chừng”, 3 đơn vị gần như không hoạt động. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, tại xã Ia Grái có 3 xưởng gỗ hoạt động quy mô lớn là xưởng gỗ bà Vui, xưởng Út - Thương, xưởng Tiến Còn. Hiện tại, xưởng bà Vui có khoảng hơn 1.000 m3 gỗ. Mỗi ngày thường xuất xưởng từ 1-2 container, mỗi container từ 60-80 m3 gỗ hộp.
Theo ông Phan Trung Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, vấn đề vận chuyển lâm sản qua địa bàn gần đây được làm rất quyết liệt, triệt để. “Hằng tháng, UBND huyện tổ chức họp giao ban với đơn vị kiểm lâm, các ban quản lý rừng để có những biện pháp ngăn chặn gỗ lậu kịp thời” - ông Tường nói. (Người Lao Động 15/4) đầu trang(
UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định xử phạt 200 triệu đồng, tịch thu phương tiện xung công quỹ đối với bà Nguyễn Thị Giàu (SN1989) trú tại thôn Định Tân, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) vì hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.
Trước đó, ngày 17/2, Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã lập biên bản vi phạm đối với bà Nguyễn Thị Giàu do vận chuyển và là chủ sở hữu trái phép lô gỗ hương tía nhóm I (18 khúc gỗ tròn, khối lượng 4,440m3 và 16 tấm gỗ xẻ, khối lượng 2,631m3). Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Công an huyện điều tra, xác minh nguồn gốc lô gỗ trái phép trên.
Việc vận chuyển trái phép lâm sản của bà Giàu vi phạm về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Căn cứ vào hồ sơ vi phạm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà đã ra quyết định số 1042, xử phạt hành chính đối với bà Giàu 200 triệu đồng, tịch thu lô gỗ và phương tiện vận chuyển gỗ trái phép xung công quỹ. (Phụ Nữ TPHCM 15/4; Nông Nghiệp Việt Nam 15/4) đầu trang(
Chiều 14-4, ông Nguyễn Văn Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết đang tạm giữ gần 6 tấn gỗ trắc vàng không có hóa đơn, chứng từ trị giá hàng tỉ đồng.
Trước đó, Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện Phù Cát phát hiện 2 ô tô chở 2,7 tấn gỗ trắc đang lưu thông trên đường và một lô gỗ trắc khoảng 3,2 tấn tập kết tại một ngôi nhà hoang tại xã Cát Hải. Tài xế 2 ô tô cho biết nhận chở thuê số gỗ trên cho một người chưa rõ danh tính ở TP Quy Nhơn.
Tại tỉnh Bình Định hiện đang nổi lên tình trạng người dân thu gom gỗ trắc để bán cho các thương lái Trung Quốc. Khi cơ quan chức năng phát hiện, phần lớn các lô gỗ trở thành vô chủ.
Vừa qua, Vùng Cảnh sát Biển 4 cũng đã bắt giữ một tàu không số chở khoảng 4 m3 gỗ (chủ yếu là gỗ trắc) không rõ nguồn gốc. Trên tàu có 4 thuyền viên mang quốc tịch Campuchia. (Người Lao Động 14/4) đầu trang(
Chiều tối 14/4, tin từ Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, ngày 13/4, tại khu vực thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), một nhóm kiểm lâm viên thuộc Đội Kiểm lâm cơ động - Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã bị các đối tượng lạ mặt bất ngờ ập đến tấn công.
Mãi đến khi có sự ứng cứu của lực lượng công an địa phương, nhóm kiểm lâm viên này mới trở về được đơn vị an toàn. Cũng theo Ban quản lý của VQG Phong Nha, có 2 đối tượng gây án được xác định là người dân địa phương.
Theo ông Đinh Huy Trí - Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho hay, trước đó lực lượng kiểm lâm của vườn đã đã phát hiện và thu giữ 3 bao tải gỗ sưa (hay còn gọi là huê) gồm rễ và bai, có trọng lượng khoảng 66kg tại đoạn Km 9 trên đường 20, trong địa phận của vườn. Các đối tượng vận chuyển đã bỏ trốn sau khi gỗ sưa bị thu giữ. Ước tính 3 bao tải gỗ sưa này có giá trị hơn 100 triệu đồng.
Theo nhiều người nhận định, nguyên nhân của việc các kiểm lâm bị vây đánh này có liên quan đến vụ bắt giữ gỗ sưa nói trên. Vụ việc hiện đang được các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ. (Nông Nghiệp Việt Nam 15/4; Pháp Luật VN 15/4; Người Lao Động 15/4; Lao Động 15/4) đầu trang(
Những năm gần đây, cơn sốt gỗ sưa ở Việt Nam không ngừng tăng nhiệt, các thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi để tìm mua loại gỗ này với giá hàng chục triệu đồng cho 1kg. Gỗ sưa là loại gỗ quý giá thật sự hay việc không ngừng nâng giá gỗ sưa chỉ là chiêu trò của thương lái?
Đem những thắc mắc về gỗ sưa hỏi một người Trung Quốc (tên phiên âm Hong Dan, người Chiết Giang) từng có nhiều năm buôn gỗ, anh này cho biết: "Quả thực gỗ sưa là một loại gỗ quý, có giá trị sưu tập rất cao. Những năm gần đây, tại Trung Quốc đang có trào lưu sưu tập đồ gia dụng cổ bằng gỗ sưa. Chắc chắn người sưu tập đều rõ như lòng bàn tay về giá trị vật chất ngoài thị trường của vật mình sưu tập. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng biết rằng ngoài giá trị về mặt sưu tập, gỗ sưa còn có tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe con người".
Theo người này, gỗ sưa có mùi thơm nhạt, nhưng dễ ngửi, là tượng trưng cho sự cao quý, vinh hoa. Những gia đình quan lại giàu có thời cổ đại thường chọn gỗ sưa làm nguyên liệu đóng tủ đựng quần áo. Càng lâu ngày, quần áo để trong đó càng có mùi thơm, khi mặc vào, người ta thấy tinh thần sảng khoái vô cùng, có thể nói là rất kỳ diệu.
Ngoài ra, trước đời Thanh, trong hiệu thuốc, bột gỗ sưa là một loại dược liệu rất quý. Sau này, do nguyên liệu gỗ sưa khan hiếm nên thậm chí một số hiệu thuốc còn thu mua hoặc đem đồ gia dụng bằng gỗ sưa của nhà mình ra nghiền thành bột để bốc thuốc. Đây có thể cũng là một nguyên nhân khiến các đồ gia dụng ít có cơ hội được lưu truyền về sau.
Vậy tại sao trước đây các vua chúa và các gia đình quyền quý ở Trung Quốc thường dùng gỗ sưa làm đồ gia dụng và coi đó như một loại dược liệu thượng đẳng, một bảo vật khó kiếm? Người này cho biết, cây gỗ sưa quý là cây đã sinh trưởng qua hàng trăm năm, có cây có tuổi đời tới 800 năm, do đó đã tích tụ một năng lượng hết sức kỳ lạ. Khi con người tiếp xúc lâu và thường xuyên, nó có thể khiến người ta thay đổi khí huyết, trừ bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
Thậm chí, những người trước đây có hàm răng xỉn màu, khi tiếp xúc lâu với gỗ cũ (gỗ sưa từ 100 năm trở lên), răng có thể trắng trở lại. Không ít người cũng tin rằng dùng bột nghiền của gỗ sưa đun với nước để đắp vào chỗ bị đau bệnh có thể đả thông kinh lạc, hoạt huyết, thúc đẩy tuần hoàn và giảm áp lực máu.
Bột gỗ sưa còn có thể dùng để điều trị bệnh ngoài da, như bệnh chàm (eczema). Cách thức chữa bệnh được giới thiệu như sau: Dùng 1g bột gỗ sưa, 3g hùng hoàng, 1g axit salicylic, 10g nước dấp cá, 2g thất lý tán (hỗn hợp: Trân châu, tổ yến, hoàng liên, khổ hạnh nhân, bán hạ, mạch nha, phục linh, trần bì, thần khúc, cam thảo, hổ phách...) trộn đều bôi lên chỗ da bị chàm mỗi ngày một lần.
Ngoài ra, gỗ sưa cũ thường tán phát ra ngoài một loại vật chất được gọi là “mộc dưỡng”. Loại vật chất này có tác dụng an thần, tỉnh táo, khi thường xuyên sử dụng có thể thúc đẩy việc tái tạo các tế bào, phòng chống các nếp nhăn và sự lão hóa của cơ thể, thậm chí góp phần giúp phục hồi các chức năng tạng phủ trong cơ thể.
Sử dụng đồ gia dụng bằng gỗ sưa như giường tủ, bàn ghế, thời gian tiếp xúc lâu sẽ có hiệu quả điều hòa khí huyết, duy trì sắc đẹp, tránh lão hóa, phòng bệnh ung thư.
Gỗ sưa không chỉ có tác dụng làm đẹp, nó còn có tác dụng chữa bệnh xương khớp. Dùng bột gỗ sưa hòa với dấm trắng, sau đó đắp vào chỗ khớp bị xưng, cứ 10 ngày một liệu trình chữa trị, khoảng 3 liệu trình như vậy xương khớp sẽ gần như hết đau nhức.
Thực tế, gỗ sưa có tác dụng như vậy là do nó có thể điều hòa khí huyết. Các mạch máu lưu thông, chức năng thận tạng cải thiện. Thận lại được coi là “tiên thiên chi bản, bách bệnh chi nguyên”, tức là nguồn của bách bệnh, thận lại chủ về xương khớp, sinh ra tủy, thông với não nên thận khỏe thì mọi bệnh tật tiêu tán, trẻ lâu, trường thọ.
Vì vậy, tiếp xúc một thời gian với gỗ sưa, khí sắc con người cũng sẽ tốt lên, da dẻ hồng hào, hai mắt có thần hơn, không bị ù tai, xương cốt chắc khỏe, tăng cường trí nhớ, trấn tĩnh, không sợ hãi, người này cho biết thêm. Gỗ sưa càng để lâu càng đẹp nên khi chế tác thành đồ mỹ nghệ, tác dụng tán phát các chất “mộc dưỡng” càng nhiều.
Tiếp tục đi tìm lời giải về gỗ sưa, phóng viên đã liên lạc một người bạn là bác sĩ Trung y khá am hiểu về loại gỗ trên. Người này cho biết, gỗ sưa loại lâu năm quả thực có tác dụng chữa bệnh vì trong gỗ có rất nhiều chất như: Isoliquiritigenin, pterostilbene, pterocarpin,narrin, santalin, angiolensin, homopterocarpin, prunetin, formonoetin, p-hydroxyhydratropic acid, pterofuran, pterocarpol.
Các chất này có tác dụng chữa bệnh phong, làm liền vết thương, hồi phục cảm giác nóng lạnh cho người bệnh, giảm đau cho phụ nữ đau bụng kinh, giảm đau và chữa trị bệnh xương khớp, điều tiết lượng đường trong máu của người tiểu đường và giảm các biến chứng như hồi phục chức năng sinh lý, cải thiện vấn đề tiền liệt tuyến, bài tiết sỏi thận và bàng quang.
Các chất này cũng giúp ức chế u ung thư, ban đỏ, bệnh về huyết quản, chứng mất trí, bệnh nha chu, cơ tim, hen xuyễn. Đơn cử như chất Pterostilbene, có tác dụng kháng ô-xy hóa, kháng tăng sinh tế bào, giảm mỡ máu, giảm áp lực máu. Có giá trị lớn trong y học, ứng dụng trong điều trị bệnh ung thư, cao huyết áp, mỡ máu cao. Homopterocarpin ứng dụng trong y học là tiêu sưng giảm đau. Pterocarpin có tác dụng chống nấm, hoạt tính kháng ung thư...
Ngoài ra, gỗ sưa còn được coi là tuyệt phẩm trong các loại gỗ bởi tính rắn chắc, màu sắc hoa lệ, vân gỗ đẹp, bền, được vua chúa và vương công quý tộc sử dụng. Gỗ có mùi hương vĩnh hằng, bách độc không thể ngấm vào nên thường được dùng làm tràng hạt, có ý nghĩa tránh tà ma và tật bệnh. Từ đó, gỗ sưa còn được con người gán cho ý nghĩa tâm linh.
Do ở ngoài tự nhiên gỗ sưa có tốc độ sinh trưởng rất chậm mà ở thời nào thì con người cũng ráo riết tìm cách đốn hạ chúng nên ngày nay gỗ sưa cũ (cây sưa lâu năm) đã không còn nhiều.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp người dân Việt Nam hiểu rõ hơn giá trị của những cây gỗ sưa cổ thụ hiếm hoi đang còn sót lại để từ đó có biện pháp bảo vệ, bảo tồn chúng hiệu quả trước sự săn lùng của “sưa tặc”, để một tài sản quý của quốc gia không “chảy máu” ra ngoài lãnh thổ, từ đó sau này thế hệ con cháu chúng ta còn có dịp tận mắt thưởng ngoạn loại “đệ nhất gỗ” này. (Pháp Luật VN 14/4) đầu trang(
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng…, nạn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra tại điểm nóng xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh đã giảm.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng cho biết: Sau khi Báo Khánh Hòa phản ánh nạn phá rừng trái phép ở tiểu khu 154 (xã Khánh Thượng), UBND huyện Khánh Vĩnh đã thành lập đội kiểm tra liên ngành kiểm tra, chốt chặn tại nhiều điểm. UBND xã lập chốt chặn ngay tại ngã ba gần trụ sở UBND xã. Xã cũng tổ chức họp dân, tuyên truyền không được phá rừng trái phép, không tiếp tay cho các đầu nậu khai thác, vận chuyển gỗ trái phép... Đến thời điểm này, nạn phá rừng đã giảm hơn 90% so với trước đây.
Theo tìm hiểu, từ ngày 13-3 đến nay, khi lực lượng liên ngành của huyện Khánh Vĩnh, lực lượng Kiểm lâm cơ động Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành đóng chốt tại suối Đa Rao, các đối tượng lại chuyển sang khai thác ở khu vực Hòn Nhọn (thôn Tà Gộc) và khu vực rừng Gia Qué (xã Liên Sang).
Ông Nguyễn Tây - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết: Trước tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực tiểu khu 154 và tiểu khu 148 (xã Khánh Thượng), lực lượng liên ngành của huyện đã triển khai 2 chốt chặn tại suối Đa Rao (đầu nguồn sông Cái) và đường đi Hòn Nhọn (đầu nguồn sông Máu). Sau khi chốt chặn tại 2 địa điểm này, tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép đã dừng.
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút về thì các đối tượng lại lén lút vào rừng. Vì vậy, Hạt đã lập kế hoạch chốt chặn dài ngày tại các địa điểm này. Việc Công an huyện Khánh Vĩnh tiến hành bắt giữ các xe máy độ, chế cũng đã mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ rừng tại địa bàn xã Khánh Thượng. Tuy nhiên, các đối tượng lại chuyển sang khai thác rừng trái phép tại địa bàn 2 xã Sơn Thái và Liên Sang. Sau một thời gian chốt chặn tại các địa phương này, tình hình mới được kiểm soát. (Báo Khánh Hòa 14/4) đầu trang(
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với mức phạt 80 triệu đồng, đối với ông Nguyễn Hồng (36 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Trước đó, ông Nguyễn Hồng, thuyền trưởng tàu một tàu cá, đã có hành vi khai thác 211 vỏ trai tai tượng khổng lồ, thuộc loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, có thứ hạng rất nguy cấp (CR). Ngày 18-3-2014, trong lúc vận chuyển 211 vỏ trai tai tượng khổng lồ, nặng gần 15 tấn về đất liền, ông Hồng đã bị lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Bình Định bắt giữ.
Kết quả kiểm định của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy đây là vỏ sò tai tượng khổng lồ.
Cùng với việc xử phạt hành chính 80 triệu đồng, UBND tỉnh Bình Định cũng đã quyết định tịch thu 211 vỏ trai tai tượng khổng lồ giao cho Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định thả xuống biển để làm nơi cư trú cho các loài thủy sinh khác. (Tuổi Trẻ 15/4) đầu trang(
Phía sau khối tài sản bất minh của các đầu nậu gỗ là cuộc sống lầm than, chui lủi của đội ngũ làm thuê nghèo khó, liều mình vì cuộc mưu sinh. Những ngày xuyên rừng cùng cánh tài xế đại xa (xe chở gỗ siêu trọng) thuê cho lâm tặc giúp phóng viên hiểu rõ vì sao kiểm lâm chốt trong chặn ngoài, gỗ lậu vẫn ung dung tuồn đi, và rừng xanh ngày một điêu tàn.
Hoàng hôn buông xuống, đoàn xe chở gỗ lậu gần chục chiếc bắt đầu ì ạch tiến vào xã Ea Rốc (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Nhờ có “quan hệ thân tình” với một tài xế tốt bụng, báo Tiền Phong đã cài được phóng viên vào vai … vợ bác tài, kín đáo ém vào khoang lái, theo xe.
Đúng 18 giờ, đoàn xe dừng lại giữa vùng rừng tan hoang của tiểu khu 737 – điểm hẹn của các cánh đầu nậu và thợ rừng chuyên khai thác, mua bán gỗ trái phép. Mỗi chiếc xe chọn cho mình một chỗ ẩn náu, tránh sự chú ý của người dân địa phương và lực lượng chức năng. Yên vị, các lái xe tắt đèn, đóng cửa, nằm chờ. Đầu nậu không bao giờ trực tiếp vào tụ điểm mua hàng, thường giao cho một tài xế thân tín kiêm việc giao dịch với người bán gỗ. 20 giờ, điện thoại reo, “ông chủ” lệnh : “Mọi thứ OK rồi, bắt đầu đi !”.
Một chiếc 67 máy nổ giòn phóng trước dẫn đường, xe cẩu gỗ gầm lên lao theo. Đoàn xe tải từng chiếc nối đuôi nhau chạy, rung chuyển cả rừng đêm. Tới bãi tập kết gỗ, xế Một đi tới đi lui, xách thước đo đo chỉ chỉ, ngã giá: “Hàng bình thường, không ngon cho lắm! Bớt 2 xị (xị= trăm nghìn) mỗi khối, OK ?”. Người bán gật đầu cái rụp, vậy là xong!
Không ai bảo ai, người nào việc ấy thành thục. 2 thanh niên móc dây vào đầu trụ gỗ, tài xế xe cẩu điều khiển nhấc gỗ lên, 2 người khác chờ sẵn trên thùng xe xếp gỗ, tháo móc, hạ gỗ vào thùng xe tải, chỉnh lại đống gỗ cao dần cho thật kín kẽ trước khi ràng xích cột cả khối cây đồ sộ lại cho thật chắc chắn.
Phụ xe đóng nắp, chốt khóa cẩn thận xong xe nào, là tài đó phóng đi nhường chỗ cho xe khác vào vị trí xếp gỗ. Tiếng động cơ nổ rền, âm thanh những cây gỗ đổ rầm rầm vào thùng xe, chấn động vang xa trong đêm vắng. Người trong cuộc đinh tai váng óc. Dù vậy, sự ồn ào náo nhiệt đó có vẻ như không đủ đánh thức lực lượng tuần tra bảo vệ rừng.
Đoàn xe chở đầy gỗ lặc lè vượt chặng đường đầy ổ voi, ổ gà hơn 200 cây số từ Đắk Lắk chuyển hàng qua Đắk Nông cho đầu nậu. Trên mỗi đầu xe đều có ít nhất 1 tài, 1 phụ thay nhau lái. Đường dài băng đèo vượt dốc giữa đêm tối mịt mùng, lắm phen cả đám giật nẩy người khi đầu xe đâm thẳng vào gốc cây do bác tài quá buồn ngủ. Chỉ vỏn vẹn một cái gối, một cái chăn tẩm nặng mồ hôi, bụi đường, dễ chừng cả tháng mới được giặt một lần, hai tài xế thay nhau ngả lưng. Trong cái nóng oi bức đêm hè, trên đầu xe liên tục nảy xóc, tài Quy quê Thanh Hóa (vẫn ngủ ngon lành, mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt lấm lem bụi đất .
Một cú xóc bốp đầu suýt móp trần xe khiến phóng viên choàng tỉnh. Tài chính Dinh (quê Quảng Ngãi) làu bàu bẻ vô lăng. Tài Quy thầm thì tâm sự : “ Nghề nào quen nghề đấy. Tôi quen cảnh ngủ xe nhiều hơn ngủ nhà. Quá cực, nhưng nghề chọn người mất rồi. Quê nghèo, mình vào đây xin chân phụ việc nuôi thân, dư đồng nào lại gửi về quê giúp cha mẹ già, khổ mấy cũng đành chấp nhận !”.
Tài Dinh góp chuyện: “Được ngủ là còn may chán! Những lúc kiểm lâm xuất hiện bất ngờ, nhận được tin báo, bọn mình phải tìm đường chui núp. Lúc đó mắt mở to, tai vểnh lên, tim đập loạn xạ. Căng thẳng nhất là lúc chuông điện thoại reo, ông chủ chỉ đường đi nước bước, đường nào cần tránh, đường nào phải đi…”. Dinh chưa dứt lời thì điện thoại đã reo, anh mở loa. Phóng viên có cơ hội chứng kiến cách xẻ rừng trốn kiểm lâm của đoàn quân chở gỗ lậu.
Đầu nậu gọi: “Bọn nó (kiểm lâm) đang chặn ngay trung tâm Buôn Đôn, 5 xe bị ách lại kiểm tra, chưa giải quyết được, tạm thời bọn mày tìm đường núp, đừng để bọn nó thấy, rách việc. Tao đang ra xử lý, nằm đó chờ lệnh !”. Ngán ngẩm, tài Dinh thở hắt : “Không khéo đêm nay lại ngủ rừng!”.
Chiếc xe rẽ sang đường mòn, chạy tít vào trong để tránh bị phát hiện. Tài Quy giải thích: “Nếu họ chốt ở Buôn Ky, mình còn thoát ra đường khác chứ chặn chỗ độc đạo đó thì chịu! ”.
Chờ mãi không thấy lệnh, bác tài đóng cửa, chốt khóa tranh thủ chợp mắt . Khoang xe nóng bức ngột ngạt, nồng mùi mồ hôi đàn ông nhưng tôi đành ráng ngồi yên vì theo các anh, hành trình còn dài, phải giữ sức mà đi tiếp. Khoảng 3 giờ sáng, ông chủ thông báo đã “dọn dẹp sạch sẽ”. Bác tài cười khẩy bảo, đi được rồi. Xe tiếp tục qua CưJut (Đắk Nông) đổ hàng.
Quả thật, trên đường đi từ tiểu khu 737 đến điểm đổ hàng, đoàn xe quá tải gỗ lậu phải vượt qua ít nhất 5 chốt lực lượng kiểm tra nhưng xe nào cũng băng băng chạy. Chỉ cần qua mỗi chốt, tài phụ lại xuống xe dúi tiền “bồi dưỡng đêm khuya làm việc vất vả cho anh em”. Lực lượng công vụ không cần kiểm tra trên xe chở gì, chỉ cần nhìn biển số xe rồi hỏi: Xe này của ai ? Vậy là ổn ! Đến 8 giờ sáng hôm sau, hàng đã đổ xong, bác tài nhận tiền cầm về nộp cho ông chủ, nhận thù lao, tranh thủ ăn sáng, kiểm tra xe cộ thật kỹ và ngủ một giấc, chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi tiếp theo.
Bước sang ngày thứ ba kể từ lúc phóng viên nhập vai, phóng viên tiếp tục trải nghiệm hành trình xuyên rừng mang gỗ về thành phố cùng đội quân xế đánh thuê. Dù dầu đã được châm đầy bình, nước đầy can, kiểm lâm đã gật đầu… nhưng sự cố trên đường thì không ai lường trước được.
Nhận lệnh, chính ngọ ngày đầu tháng, xe có mặt tại 6 thôn xã Ea Rốc nhận “hàng”. Khi phóng viên cùng 2 bác tài mới đến điểm bốc gỗ, do tránh ba em nhỏ đùa chạy giữa đường, sự cố va quệt khiến một phụ nữ lái xe máy chạy cùng chiều ngã xe. Cú ngã nhẹ nhưng để giải quyết tranh chấp, cò kéo đến khản giọng, vã mồ hôi. Những sự cố ấy trên đường không hiếm. Tài Thanh rầu rầu: Xui xẻo quá đi! Ngày đầu đã mất tiền ăn vạ, lại bị chủ mắng, nguy cơ mất việc đe dọa. Và hôm sau, tài Thanh mất việc thật.
Quả là một ngày đen đủi với tài Thanh. Khi đổ hàng xong, xe từ Đắk Nông trở về thành phố Buôn Ma Thuột tới giữa đường thì tua bin nước bị bể, quạt máy động cơ gãy luôn. Dù rất mệt mỏi, phóng viên đều nhảy xuống chữa bệnh cho xe. Tôi vào nhà dân xin nước đổ bình, tài phụ chạy đi hỏi mua chuối chín để trét tạm vào lỗ rỉ tua bin nước. Anh tài xế tìm quầy tạp hóa mua sáp, quẹt diêm hơ đốt dán tạm lại cánh quạt.
Gần 1 tiếng đồng hồ hì hục chắp vá, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, vui mừng khi xe có thể tiếp tục chạy chầm chậm về tới gara. Bác tài an ủi “Vẫn còn may vì xe hỏng gần thị trấn! ”. Anh kể những lúc xe hỏng giữa rừng, đêm khuya vắng lạnh đành phải khóa trái cửa chờ trời sáng. Nếu xe có hàng, phải gọi lực lượng chi viện giải cứu gấp, sửa ngay trong đêm để kịp về, tránh sự tò mò của người đi đường và “dòm ngó” lực lượng chức năng. Mệt mỏi, đói, khát, thót tim… là chuyện thường ngày của cánh lái xe chở gỗ lậu. (Tiền Phong 14/4) đầu trang(

QUẢN LÝ - SỬ DỤNG - PHÁT TRIỂN RỪNG
Năm 2014, Tổng cục Lâm nghiệp tập trung triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung vào tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), mặc dù quý I/2014 thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn kéo dài trên diện rộng; đặc biệt đối với khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng (BVR), PCCCR rừng, song nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt nên không có điểm nóng về phá rừng, các vụ cháy rừng được dập tắt kịp thời, trồng rừng tăng đáng kể.
Về BVR: Số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với cùng kỳ năm 2013. Trong quý I/2014 toàn quốc xảy ra 4.631 vụ vi phạm quy định về BVR và quản lý lâm sản, giảm 30% về số vụ so với cùng kỳ.
Tổng diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng và phá rừng là 318,18 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó số vụ cháy rừng giảm 31% với 74 vụ, gây thiệt hại 226,8 ha, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2013. Thu nộp ngân sách 43,5 triệu đồng, bằng 91,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Về phát triển rừng: Tổng hợp đến ngày 31/3/2014, cả nước đã trồng được trên 10 triệu cây phân tán các loại, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2013; trồng được trên 12 ngàn ha rừng tập trung. So với năm 2013, tiến độ trồng rừng sản xuất (SX) nhanh hơn, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2013.
Về khai thác lâm sản: Cả nước đã khai thác 1.940 ngàn m3 gỗ rừng trồng, đạt 21% kế hoạch năm, bằng 132% so với cùng kỳ năm 2013.
Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng: Trong quý I, các địa phương đã triển khai ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng cho gần 2 triệu ha rừng trên tổng diện tích rừng được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng là 4,1 triệu ha.
Ngày 10/12/2013, Bộ NN-PTNT đã ban hành Văn bản số 4403/BNN-TCLN về kế hoạch triển khai trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng công trình thủy điện gửi UBND các tỉnh, TP có dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình thủy điện phải trồng rừng thay thế, theo đó, kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2014 là 11.200 ha.
Bộ NN-PTNT cũng đã có Văn bản số 4404/BNN-TCLN gửi Bộ Công thương về việc phối hợp chỉ đạo kế hoạch trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng công trình thủy điện. Bộ Công thương cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh về việc thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT.
Thực hiện chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/1/2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, Bộ NN-PTNT đã có Văn bản số 673/BNN-TCLN ngày 27/2/2014 về việc báo cáo tình hình triển khai trồng rừng thay thế gửi các địa phương.
Tổng cục Lâm nghiệp đang chủ trì tham mưu cho Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác (dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4/2014), trên cơ sở đó để các địa phương chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế và nghiêm túc thực hiện các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng.
Năm 2014, Tổng cục Lâm nghiệp tập trung triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung 4 nhiệm vụ đã được nêu trọng Nghị quyết của Quốc hội và được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo sát sao là: Triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp để tạo chuyển biến rõ nét trong thực tiễn, trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng rừng; triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng toàn quốc; sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh; khuyến khích chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; rà soát quy hoạch chế biến gỗ rừng trồng, giảm tỷ trọng dăm gỗ xuất khẩu.
Phấn đấu đạt chỉ tiêu về độ che phủ rừng năm 2014 là 41,5%; Hoàn thành xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực lâm nghiệp; Chỉ đạo các địa phương trồng rừng thay thế theo Chỉ thị 02/CT-TTg tăng cường phối hợp giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư trong việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, đặc biệt đối với các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản. (Nông Nghiệp Việt Nam 15/4) đầu trang(
“Chúng tôi đang rất bối rối, lo lắng, vừa hy vọng có tiền để đầu tư dự án, vừa lo bị thu hồi dự án vì không nộp được tiền sử dụng đất”, ông Lưu Bạc Đệ, Tổng Giám đốc Cty TNHH Địa ốc Chợ Lớn, nói.
Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Hoàng Quốc Bình, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Phát triển Rừng Toàn Cầu nói, đã có 205 doanh nghiệp trên cả nước (bên A) ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các Cty thành viên Tập đoàn Rừng Toàn Cầu (bên B).
Theo đó, để làm thành viên Rừng Toàn Cầu, trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, bên A phải đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN), trong đó ghi bên B góp 70% vốn điều lệ (khoản 2.4.2 trong hợp đồng).
Theo hợp đồng, hai bên sẽ lập ban quản lý dự án, mở tài khoản chung, trong đó người của bên B làm kế toán trưởng. Bên A phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi thủ tục, hoạt động của dự án, báo cáo kế hoạch dự án cho bên B, ủy quyền toàn bộ dự án và các hồ sơ, giấy tờ liên quan của dự án cho bên B, để bên B vay các nguồn vốn ưu đãi, vốn vay không hoàn lại, vốn vay hoàn lại không lãi suất hoặc lãi suất thấp…, dù bên B chỉ góp vốn bằng cổ phần ảo. Rừng Toàn Cầu hứa, từ cuối tháng 3/2014 sẽ giải ngân cho các bên A.
Ngày 24/3, Tổng Giám đốc Cty Hiển Vinh ký thông báo số 67/03/2014/TB-PTHV gửi các bên A, quy định đến hạn chót là ngày 29/3/2014, nếu bên A chưa hoàn tất thủ tục làm thành viên Rừng Toàn Cầu thì hợp đồng sẽ bị hủy, phải trả lại Hiển Vinh toàn bộ sở hữu cổ phần đã nhận từ Hiển Vinh. Không có thông tin gì về việc Rừng Toàn Cầu góp vốn vào dự án các bên B.
Cty Địa ốc Chợ Lớn có địa chỉ chính tại ấp Bình Tân (Long Tân, Nhơn Trạch, Đồng Nai), tháng 10/2003 được UBND tỉnh Đồng Nai cho lập thủ tục đầu tư Khu Dân cư - Thương mại tại các xã Long Tân và Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, diện tích 22,5 ha. Ngày 24/9/2009, Cty Địa ốc Chợ Lớn được giao đất đợt 1 để xây dựng khu dân cư tại xã Long Tân. Hiện nay, Cty Địa ốc Chợ Lớn còn nợ 12,775 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Tháng 6/2013, Cty Địa ốc Chợ Lớn ký hợp đồng hợp tác đầu tư với hai thành viên Rừng Toàn Cầu là Cty Hiển Vinh và Cty Quỹ đại chúng Môi trường xanh Toàn Cầu để đầu tư dự án Khu Dân cư - Thương mại Nhơn Trạch. Trên website của Rừng Toàn Cầu, dự án này có số vốn đầu tư 9.136 tỷ đồng.
Ngày 26/7/2013, Cty Địa ốc Chợ Lớn chuyển đổi đăng ký doanh nghiệp, cho Rừng Toàn Cầu chiếm 70% vốn điều lệ. Rừng Toàn Cầu hứa, cuối tháng 12/2013 sẽ góp vốn vào dự án. Nhưng đến hạn, họ không góp đồng nào, xin lui thời gian góp vốn đến cuối tháng 3/2014. Cty Địa ốc Chợ Lớn phải hai lần xin UBND huyện Nhơn Trạch và UBND tỉnh Đồng Nai cho hoãn nộp tiền sử dụng đất đến cuối tháng 3/2014. Nhưng đến nay, vốn góp từ Rừng Toàn Cầu không có, Cty Địa ốc Chợ Lớn không nộp được tiền sử dụng đất.
Theo ông Lưu Bạc Đệ, từ nay đến cuối tháng mà không có tiền, nhiều chuyện có thể xảy ra. “Tôi phải chấp nhận làm thủ tục đầu tư lại, nhưng phải chứng minh năng lực tài chính. Tôi có trình bày thật với huyện, là có Rừng Toàn Cầu với Hiển Vinh tham gia, xin cho làm thủ tục đầu tư tiếp. Nhưng huyện nói, nợ tiền sử dụng đất lâu quá rồi, phải đóng tiền sử dụng đất rồi hãy tính các thủ tục tiếp theo, chính sách của Nhà nước là thế. Tôi trong tư thế là chờ tiền, lơ mơ là tiêu, là mất dự án”, ông Đệ nói.
Theo ông Đệ, từ cuối tháng 3, ông có liên lạc với người phía Rừng Toàn Cầu, bày tỏ lo lắng. Họ nói ông cứ yên tâm, họ đang cấp tiền (sổ tiết kiệm) cho người nghèo, sau đó sẽ đến phần các dự án đầu tư.
“Tôi nghe vậy thì biết vậy, cũng hy vọng họ có tiền. Nhưng hy vọng, chờ đợi cũng có thời gian nhất định thôi. Nếu dự án bị thu hồi thì chúng tôi sẽ thiệt hại nhiều. Lỡ cho họ chiếm 70% trong Cty rồi, bây giờ làm sao lấy lại, còn lo chuyện đó nữa”, ông Đệ nói. (Tiền Phong 15/4) đầu trang(
Với số thu hàng năm hơn 63 tỷ đồng từ dịch vụ chi trả môi trường rừng, tỉnh Gia Lai đã sử dụng để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên này gắn với cuộc sống của người dân ở gần rừng.
Hiện nay tỉnh Gia Lai đang thực hiện quản lý thu 24 cơ sở thủy điện (trong đó có 19 cơ sở nội tỉnh, 5 cơ sở liên tỉnh) và 1 cơ sở sản xuất nước sạch. Theo đó từ nguồn thu trên, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Gia Lai đã chi trả cho 37 chủ rừng là các tổ chức Nhà nước; 108 tổ chức Nhà nước không phải là chủ rừng và 7 cộng đồng dân cư tại 3 huyện của tỉnh
Có thể nói, đây là việc làm thiết thực nhằm tạo thêm điều kiện để người dân được hưởng thụ khi sinh sống ngay dưới tán rừng và tham gia bảo vệ phát triển rừng. Bên cạnh đó, nguồn thu từ dịch vụ chi trả môi trường rừng còn góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, vừa giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa bảo đảm cho người dân có thu nhập tại những khu vực có rừng. (VTV9 ngày 14/4) đầu trang(
Hiện tại, huyện Tủa Chùa đang tập trung chỉ đạo việc đo đạc bản đồ địa chính, triển khai việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, huyện Tủa Chùa đã thành lập Ban chỉ đạo, các tổ giúp việc và phân công nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Đến hết quý I năm nay, trên địa bàn huyện đã có 7/12 xã, thị trấn đã hoàn thành việc đo đạc bản đồ tại 197 điểm; giao đất lâm nghiệp được trên 9.000 ha, đạt 40% kế hoạch giao; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại: Thị trấn, Mường Báng, Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng với tổng diện tích gần 7.600 ha.
Trong thời gian tới, huyện Tủa Chùa tiếp tục triển khai việc rà soát, xác định diện tích đất ở, đất lâm nghiệp của từng hộ, nhóm hộ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ và tích cực kê khai, thống kê diện tích đất ở của mình, góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra. (Đài PT – TH Điện Biên 14/4) đầu trang(
Trước đây, việc khai thác trầm chỉ phụ thuộc vào tự nhiên, nhưng hiện nay tại huyện Tây Hòa nhiều hộ dân đã trồng và khai thác được trầm nhờ kỹ thuật cấy trầm trên cây dó bầu, mở ra một hướng đi mới cho người dân phát triển nghề rừng.
Cây dó bầu còn được gọi là cây dó trầm hoặc trầm hương vì trong thân những cây sống lâu năm thường có trầm hương, một loại hợp chất hóa học tự nhiên quý hiếm, có nhiều công dụng được con người biết đến và sử dụng.
Mới đây, ông Lương Tấn Lý (51 tuổi, ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, Tây Hòa) đã khai thác vườn trầm từ 85 cây dó bầu bán với giá 120 triệu đồng. Ông Lý trồng xen dó bầu trong vườn tiêu ở thôn Thân Bình, xã Sơn Thành Đông cách đây 8 năm. Khi cây có đường kính gốc khoảng 15cm, cao chừng 5m, ông liên hệ Công ty TNHH Trầm hương Lương Hậu (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước, Quảng Nam) tạo trầm.
“Đây là đợt khai thác trầm hương nhân tạo trên cây dó bầu đầu tiên ở Phú Yên. Từ nay đến hết tháng 8/2014, chúng tôi lần lượt khai thác ở huyện Tây Hòa trên 10.000 cây. Hầu hết là ở các hộ dân”, ông Phạm Lộc, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Trầm hương Lương Hậu, cho biết.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên Nguyễn Thành, cây dó bầu là loài cây thân gỗ có khả năng hình thành một sản phẩm đặc biệt là trầm hương. Trong tự nhiên do một số tác động đã gây ra tổn thương cơ học và bệnh lý sinh học cộng sinh, từ nơi những vết thương này, nhựa luyện (dầu) tích tụ lại và tạo thành trầm hương. Quá trình này diễn ra hết sức ngẫu nhiên và lâu dài (15 đến 20 năm hoặc có thể lâu hơn). Hiện nay con người đã áp dụng chế phẩm sinh học cấy tạo trầm trên cây dó.
Hiện nay, Công ty TNHH Trầm hương Lương Hậu mua thô toàn bộ sản phẩm cây dó bầu (sau khi được cấy trầm) với giá 12.000 đồng/kg kể cả gốc rễ, thân, cành. Hoặc công ty phối hợp với các hộ dân để trồng, cấy trầm và bao tiêu sản phẩm theo tỉ lệ tứ lục (người nông dân được 6 phần, công ty được 4 phần). Bình quân mỗi cây dó tạo trầm khi khai thác khoảng 200kg (2,4 triệu đồng).
Hiện ở huyện Tây Hòa, ngoài vườn dó bầu của ông Lương Tấn Lý, có nhiều hộ cũng có vườn dó bầu đang đến tuổi khai thác. Anh Huỳnh Thanh Đức (ở thôn Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ Tây, Tây Hòa) cho biết, 120 cây dó bầu của anh cũng được Công ty TNHH Trầm hương Lương Hậu ký kết hợp đồng tạo trầm và khai thác bao tiêu sản phẩm theo tỉ lệ ăn chia 4/6, tháng 6 tới sẽ khai thác.
Quy mô hơn là trang trại của ông Ngọc ở thôn Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ Tây, Tây Hòa) với trên 1.500 cây dó bầu cũng được tạo trầm hương. Theo tỉ lệ ăn chia 4/6 hoặc như giá bán thô hiện tại (12.000kg), những trang trại có hàng nghìn cây, người trồng có thể thu lợi nhuận tiền tỉ.
Với giá trị kinh tế khá cao, nhiều hộ dân ở huyện Tây Hòa chuyển đổi từ trồng keo lai, xà cừ trước đây sang trồng cây dó bầu. Ngoài ra, người dân một số xã của huyện Sông Hinh cũng đang tính chuyển đổi trồng loại cây lấy trầm này. Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang (Sông Hinh) cho biết: “Hiện tại, xã Sơn Giang được Nhà nước hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Lãnh đạo xã sẽ tổ chức họp bàn với dân chọn mô hình trồng cây dó bầu để triển khai”.
“Thật ra, cây dó bầu rất dễ trồng. Chỉ cần hiểu đúng tính chất sinh học của nó và xử lý kỹ thuật tạo trầm đúng cách thì người trồng sẽ không phải lo lắng nhiều. Đây là một loại cây có giá trị kinh tế cao, nếu nhân rộng mô hình thì sẽ góp phần làm giàu cho nhiều gia đình”, anh Phạm Lộc tâm sự. (Báo Phú Yên 14/4) đầu trang(
Ngày 11/4, Đoàn công tác liên ngành của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra tình hình thực hiện giao đất, giao rừng theo Kế hoạch số 388/KH - UBND tỉnh tại huyện Điện Biên Đông.
Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT, Sở TN&MT xem bản đồ hiện trạng rừng của xã Pú Nhi do đơn vị tư vấn (Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường) thực hiện.
Thực hiện kế hoạch giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388 của UBND tỉnh, huyện Điện Biên Đông đã thành lập ban chỉ đạo, Hội đồng giao đất, giao rừng từ cấp huyện đến cấp xã, tổ công tác giao rừng cấp huyện; tiến hành thu thập tài liệu, rà soát diện tích giao đất, giao rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ tại 14/14 xã, thị trấn.
Đến nay, huyện đã triển khai hội nghị giao đất, giao rừng tại 6 xã; tiến hành khảo sát hiện trạng tại 3 xã với 58 thôn, bản để xác định trạng thái, diện tích, trữ lượng rừng; 3 xã đã xây dựng được phương án giao rừng; 6 xã đã thông qua phương án và bước vào hoàn thiện phương án giao rừng. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa thực hiện bàn giao rừng tại hiện trường…
Trong năm 2014, huyện phấn đấu sẽ giao trên 17.620,6ha đất lâm nghiệp có rừng và hơn 32.098ha đất lâm nghiệp không có rừng, với tổng kinh phí thực hiện hơn 7,7 tỷ đồng. (Báo Điện Biên 14/4) đầu trang(
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chăm sóc, bảo vệ rừng, khác thác, vận chuyển chế biến lâm sản, giúp đồng bào trong vùng đi lại dễ dàng hơn, tỉnh Tuyên Quang vừa quyết định đầu tư xây dựng hai tuyến đường ôtô lâm nghiệp vận chuyển lâm sản với tổng số vốn khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Trong năm nay, tỉnh sẽ triển khai xây dựng mới hai tuyến đường ôtô lâm nghiệp vận chuyển lâm sản có tổng chiều dài 12,5km.
Cụ thể tuyến đường Tân Tiến (đoạn từ ngã ba Doàn đi xã Kim Bình-Tân Tiến thuộc xã Trung Trực, huyện Yên Sơn) dài trên 8,8km; tuyến đường Trung Sơn đi Đạo Viện (đoạn từ thôn Thôm Quang, xã Trung Sơn-xóm Khù, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn) dài gần 3,7km.
Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp ba ôtô lâm nghiệp, nền đường 4,5m và mặt đường rộng 3m. Hai tuyến đường này sẽ được xây dựng dựa trên các tuyến đường cũ đã có sẵn trước đó và đã được nắn chỉnh cục bộ phù hợp với thực tế, dự kiến hoàn thành ngay trong năm nay.
Đây là hai trong số bảy tuyến đường thuộc dự án xây dựng đường ôtô lâm nghiệp vận chuyển lâm sản được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt với tổng mức vốn khoảng 15 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm ngoái, tuyến đường đi qua xã Hà Lang (dài trên 5km) và tuyến đường từ xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên đi thôn Nác Con (dài 8km) của dự án này cũng đã được triển khai với số vốn trên 4 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối quý hai năm nay. (VietnamPlus.vn 14/4) đầu trang(
Năm 2014, huyện Pác Nặm có kế hoạch trồng 760 ha rừng các loại, trong đó có 630 ha trồng rừng tập trung, 30 ha trồng rừng phòng hộ, 100 ha trồng cây phân tán. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp với công tác trồng rừng, huyện Pác Nặm đã thiết kế được hơn 800 ha, vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, diện tích trồng rừng tập trung thiết kế được hơn 600 ha, trồng rừng phân tán thiết kế được gần 200 ha. Với những diện tích đã thiết kế xong, hiện nay người dân trên địa bàn huyện đang tập trung xử lý thực bì trồng rừng theo đúng kế hoạch.
Cùng với việc thiết kế và xử lý thực bì, các chủ vườn ươm cũng chủ động chăm sóc cây giống đảm bảo cho kế hoạch trồng rừng năm 2014 với số cây đủ cung cấp cho 100 ha cây keo, 800 ha cây mỡ, còn lại là giống cây xoan. Hiện nay cây con mọc được 3-5 lá, cây sinh trưởng phát triển tốt. Huyện đang tích cực chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý thực bì để đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 phải tiến hành trồng rừng, phấn đấu trồng rừng xong trong tháng 6 theo khung thời vụ chung. (Đài PT – TH Bắc Kạn 15/4) đầu trang(
Vụ trồng rừng năm 2014, huyện Chợ Đồn có kế hoạch trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó chủ yếu là cây mỡ, lát, keo, xoan, trám, quế và cây hồi. Hiện nay, huyện đang tập trung cấp cây giống trồng rừng cho bà con nông dân.
Để đảm bảo chất lượng cây giống trước khi xuất vườn, huyện Chợ Đồn đã thành lập các đoàn tiến hành thẩm định các vườn ươm giống trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy trên 3,6 triệu cây giống, trong đó có hơn 1,2 triệu cây quế, 1,2 triệu cây keo, 1,2 triệu cây phân tán được sản xuất đều phát triển tốt, đảm bảo chất lượng.
Đến nay, huyện đang tiến hành cấp phát cây con giống đợt I cho bà con nông dân với các loại cây giống chủ yếu là mỡ, cây quế, cây lát và xoan...
Nhằm mục đích đảm bảo chất lượng giống cây cũng như tiến độ trồng rừng của huyện trong điều kiện nắng nóng có thể kéo dài, huyện Chợ Đồn đang tích cực chỉ đạo các xã tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách bảo quản cây giống. Đặc biệt, khi nhận giống về trồng phải bỏ cây giống ra khỏi túi ni lông cho tiếp xúc với nền đất, chờ khi thời tiết thuận lợi thì bà con có thể tiến hành trồng. (Đài PT – TH Bắc Kạn 14/4) đầu trang(

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH
Một chuyên gia bảo tồn và phát triển động vật hoang dã vò đầu bứt tai trước thực trạng, hết loài này đến loài khác cứ cận kề nguy cơ tuyệt chủng.
Từ báo cáo khoa học này đến báo cáo khoa học khác mổ xẻ nguyên nhân. Và thật ngẫu nhiên, các báo cáo mổ xẻ trong rất nhiều nguyên nhân, từ biến đổi khí hậu, đến nạn săn bắt vô tội vạ thì có một điểm chung, động vật hoang dã thời hiện đại cũng như người bị hội chứng…lười yêu!
Vị chuyên gia vào cửa hẹp! Biến đổi khí hậu thì có thể cải tạo môi sinh, môi trường. Săn bắt vô tội vạ thì có thể tuyên truyền, vận động, ban luật xử phạt. Nhưng chuyện lười yêu? Khó! Rất khó để xây dựng cẩm nang dạy yêu cho chúng…
Vị chuyên gia bất lực thở dài.
Một đồng nghiệp chia sẻ: Qua mấy mùa rồi tôi nghiên cứu thấy tổng đàn trâu, bò, lợn, dê của mấy tỉnh nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long tăng đột biến. Tín hiệu đáng mừng ấy có gợi mở cho ông điều gì không?
Le lói ánh sáng cuối đường hầm, vị chuyên gia bảo tồn khăn gói quả mướp điền dã thực địa.
Nửa năm trời lăn lộn ghi ghi chép chép và đến một ngày, vị chuyên gia reo lên: Ơ rê ka! Tìm ra rồi! Phát hiện này xứng tầm luận án tiến sĩ nhé!
Đồng nghiệp xôn xao hỏi dồn: Nguyên nhân nào, vì sao vậy?
Vị chuyên gia bảo tồn thủng thẳng: Đơn giản lắm! Trong họa có phúc, các cụ dạy đố sai! Chuối và dưa hấu được mệnh danh là hoa quả của tình yêu đúng không? Nông dân làm ra không bán được nên cho gia súc xơi tạm và chính nó là viagra cho chúng. Đó là nguyên nhân khiến tổng đàn tăng đột biến. Thế nên, tôi đã kịp xây dựng dự án trồng chuối mênh mông, dưa hấu bạt ngàn phủ xanh đồi trọc. Đến lúc đó, lo gì không phát triển được thú hoang sách đỏ.
Đồng nghiệp ồ lên khâm phục: Chí phải! Chí phải! (Tiền Phong 15/4) đầu trang(

TIN THẾ GIỚI
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế, khai thác gỗ trái phép chiếm 50 - 90% lượng gỗ của các nước cung cấp gỗ nhiệt đới chủ chốt và 15 - 30% sản lượng gỗ toàn cầu.
Giá trị kinh tế của buôn lậu gỗ toàn cầu bao gồm cả quá trình chế biến ước tính khoảng 30 đến 100 tỷ USD trong số 327 tỷ USD giá trị chính thức của thương mại gỗ toàn cầu, tức là chiếm 10 - 30%. Bên cạnh những thiệt hại về môi trường thì tổn thất về lợi nhuận và thuế từ khai thác gỗ lậu ước tính ít nhất 10 tỷ USD/ năm.
Hiện nay chỉ có 8% diện tích rừng thế giới được nhận chứng nhận quản lý bền vững, trong đó rừng của Nam Mỹ và Châu Âu chiếm tới 90%. Trên thực tế hoạt động khai thác và buôn lậu gỗ không hề giảm mà chuyển sang hình thức tinh vi hơn, có tổ chức hơn, núp bóng trá hình dưới các hình thức hợp pháp để né tránh nỗ lực thực thi pháp luật. Giới tội phạm ngày nay đã kết hợp các “mánh” cũ như đút lót, mua chuộc với những chiêu thức hiện đại sử dụng công nghệ cao.
Trong đó, các phương thức phổ biến nhất là làm giả giấy phép khai thác, làm giả chứng chỉ sinh thái, hối lộ để có được giấy phép khai thác, khai thác vượt số lượng cho phép, đột nhập vào trang web của chính phủ để lấy cắp giấy phép vận chuyển hoặc “rửa gỗ” khai thác lậu thông qua các dự án làm đường, trang trại chăn nuôi, sản xuất dầu cọ, trồng rừng hoặc trà trộn gỗ lậu vào gỗ hợp pháp trong quá trình vận chuyển và chế biến.
Nhiều hoạt động “rửa gỗ” tồn tại được là nhờ nguồn vốn từ Châu Âu và Châu Á, rót vào các Công ty có dính líu tới hoạt động khai thác và buôn lậu gỗ. Thông qua các dự án trồng rừng với mục đích duy nhất là “rửa gỗ” bất hợp pháp, biến nó thành ngành thương mại mang lại lợi nhuận cao với nguồn thu gấp 5 - 10 lần buôn bán gỗ hợp pháp.
Câu chuyện quản lý, bảo vệ "lá phổi xanh" ở Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Đáng báo động nhất là rừng bị tàn phá bởi chính bàn tay con người. Mặc dù, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực tăng cường thực thi luật pháp, tuy nhiên tình trạng khai thác gỗ trái phép hiện nay vẫn là vấn đề khá nhức nhối.
Hoạt động buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, từ những mạng lưới quy mô lớn và có thế lực câu kết đến những doanh nghiệp nhỏ và tác động đến toàn bộ diện tích rừng trên phạm vi cả nước, kể cả những khu rừng được quy hoạch để bảo vệ. Một số cán bộ kiểm lâm biến chất nhắm mắt làm ngơ cho các hoạt động phạm pháp, hơn thế nữa họ còn thông đồng với các đầu nậu gỗ để buôn bán trái phép các loại gỗ rừng vì lợi ích cá nhân.
Số liệu thống kê do Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) công bố năm 2013 đã khiến những ai nghe đều phải giật mình. Chỉ tính từ năm 2007 đến 2013, 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã mất đi hơn 129.600 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên mất hơn 107.400 ha, rừng trồng mất trên 22.200 ha. Trung bình mỗi năm, khu vực này bị mất hơn 25.700 ha rừng. Đây là diện tích rừng bị mất lớn nhất trong thời gian nhanh nhất từ trước đến nay.
Mặc dù, rừng chỉ che phủ 21% diện tích bề mặt trái đất, nhưng sinh khối thực vật của nó chiếm đến 75% so với tổng sinh khối thực vật trên cạn và lượng tăng trưởng hàng năm chiếm 37%. Lượng carbon tích lũy bởi rừng chiếm 47% tổng lượng carbon trên trái đất, nên việc chuyển đổi đất rừng thành các loại hình sử dụng đất khác có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chu trình carbon trên hành tinh.
Các hoạt động lâm nghiệp và sự thay đổi phương thức sử dụng đất, đặc biệt là sự suy thoái rừng nhiệt đới là một nguyên nhân quan trọng làm tăng lượng CO2 trong khí quyển, ước tính khoảng 1,6 tỷ tấn/năm trong tổng số 6,3 tỷ tấn CO2/năm được phát thải ra do các hoạt động của con người. Do đó, rừng nhiệt đới và sự biến động của nó có ý nghĩa rất to lớn trong việc hạn chế quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất từ thiên tai, đặc biệt là mưa bão và lũ lụt. Mưa bão xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng cả về tần suất, đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế.
Nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn, nạn voi rừng bỏ về buôn làng giết hại con người, phá hoại tài sản...
Rừng mất làm mất cân bằng nguồn nước, nước ở những nơi có rừng bị tàn phá thường thiếu trầm trọng. Người ta ước tính với nạn phá rừng như hiện nay thì tới năm 2050, có tới hai tỷ người, tức 20% dân số thế giới sẽ bị thiếu nước. Hầu hết số người chịu cảnh thiếu nước này sống tại các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra nguồn thực phẩm cũng có nguy cơ bị đe dọa vì nước dùng để tưới tiêu cũng trở nên khan hiếm. (Tài Nguyên&Môi Trường 14/4) đầu trang(
Giới chức Chile ngày 13/4 cho biết, ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong tuần do cháy rừng lớn tại thành phố cảng Valparaiso của nước này.
Vụ cháy bùng phát trong đêm 12/4 và lan ra 12 khu vực tại thành phố cảng Valparaiso, gây tình trạng mất điện và nước tại một số nơi.
Do gió mạnh từ Thái Bình Dương thổi vào, đám cháy nhanh chóng lan ra các khu dân cư lân cận. Khoảng 500 ngôi nhà bị phá hủy và 5.000 người phải sơ tán. Hiện giới chức nước này vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây cháy.
Thị trưởng Valparaiso Jorge Castro nhận định, đây là vụ hỏa hoạn lớn nhất trong lịch sử của thành phố.
Tình hình diễn biến nghiêm trọng buộc Tổng thống nước này Michele Bachelet phải tuyên bố tình trạng thảm họa. Tổng thống nước này cũng ký sắc lệnh yêu cầu quân đội hỗ trợ sơ tán hàng nghìn thường dân.
Valparaiso, nằm cách thủ đô Santiago 120km, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2004, hàng năm thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. (Chinhphu.vn 14/4) đầu trang(
50 con sư tử châu Phi tại công viên động vật hoang dã Taigan ở Crimea đang đối mặt với nguy cơ chết đói do thiếu tiền. Đồng cảnh ngộ là một loạt sở thú khác ở Ukraine.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, các tài khoản của công viên Taigan - cách thủ phủ Symferopol của Crimea khoảng 30 dặm - ở ngân hàng Ukraine đã bị cắt đứt.
“Tình hình rất nghiêm trọng vì giống như mọi công ty khác ở Crimea, chúng tôi gửi tiền tại ngân hàng Ukraine. Bây giờ chỉ còn đủ thịt dùng trong công viên trong vài ngày tới. Chúng tôi sắp cạn sạch mọi thứ rồi” - ông Oleg Zubkov, giám đốc công viên, nói hôm 12-4.
Lũ sư tử này có nhiều con là sư tử trắng quý hiếm. Chúng ngốn khoảng 7-10 kg thịt mỗi ngày trong tổng số 500 kg thịt/này được tiêu thụ trong toàn công viên. Mở cửa vào năm 2012, Taigan còn là nhà của cọp, hươu cao cổ, ngựa vằn, đà điểu, đại bàng, gấu Himalaya, khỉ và kangaroo.
Khan hiếm lương thực và thuốc men là tình trạng chung của nhiều sở thú khác ở Ukraine. Tổ chức Lawrence Anthony Earth (Nam Phi) cho báo The Huffington Post biết 5.735 con thú tại Nikolaev, vườn thú 104 tuổi ở thành phố cảng miền Nam Mykolayiv của Ukraine, đang bên bờ vực sống còn kể từ khi ngân sách chính phủ cấp cho nơi đây cạn kiệt vài tuần trước.
“Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là các con thú ở Nikolaev sẽ hết thức ăn” - bà Barbara Wiseman, chủ tịch tổ chức, cho biết. Được thành lập năm 1901, vườn thú Nikolaev đã sống sót qua 2 kỳ thế chiến nhưng khủng hoảng chính trị hiện nay có thể buộc nó phải đóng cửa.
Cũng theo Lawrence Anthony Earth, hơn 2.000 con thú tại sở thú riêng của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych ở Kiev cũng đang khốn đốn.
Tương tự là sở thú Khakov ở miền Đông Ukraine. Hồi tháng 3, sở thú này thống thiết kêu cứu: “Các con thú của chúng tôi không đấu đá giành quyền lực. Chúng cũng chẳng chia sẻ quan điểm chính trị với ai. Chúng chỉ muốn sống thôi”.
Không thể ngồi chờ chính phủ cứu, cư dân Kharkov đã tự quảng cáo vườn thú và nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Từ ngày 8 đến 10-3, lượng khách tăng vọt lên 77.603 người, góp phần đem lại cho vườn thú 125.000 USD. Dù vậy, vườn thú vẫn cần khoảng 100.000 USD để trả tiền điện và gas.
Tổ chức Lawrence Anthony Earth đã quyên góp được hơn 40.000 USD kể từ tháng 3 song theo bà Wiseman, cần tới ít nhất 500.000 USD để duy trì các nhu cầu cơ bản của hơn 8.000 con thú khắp Ukraine trong vòng 4 tháng tới. (Người Lao Động 14/4) đầu trang(
Một phụ nữ giấu tên ở bang Florida, Mỹ đã bị 5 con gấu phục kích và đánh tả tơi sau khi cô phát hiện lũ gấu đang đào bới thùng rác trong nhà để xe của gia đình.
Người phụ nữ 45 tuổi tuổi này bị lũ gấu kéo lê trên đường lái xe vào gara ô tô. Tuy nhiên, cô đã may mắn trốn thoát và chạy trở vào bên trong ngôi nhà của mình nhờ sự trợ giúp của anh chồng.
Sau đó, cặp vợ chồng này đã gọi cứu hộ và đưa nạn nhân tới bệnh viện trong tình trạng có nhiều vết thương đầu, mặt, chân và khắp cơ thể.
Vụ tấn công xảy ra sau khi người phụ nữ này phát hiện đàn gấu trong lúc dắt chó đi dạo về nhà.
Các quan chức động vật hoang dã cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, có nhiều khả năng 5 con gấu đang đi nhặt rác để làm thức ăn và người phụ nữ không may phát hiện và bị tấn công.
Cảnh sát Pete Brenenstuhl cho biết, theo lời khai của nạn nhân, năm con gấu tấn công cô có kích thước khác nhau, cho thấy đó là một gia đình gấu. Những con vật đã xông tới vồ nạn nhân rồi kéo cô từ trong nhà để xe ra ngoài đường, gây nên nhiều thương tích.
Hiện, người phụ nữ đã được đưa đến Bệnh viện Nam Seminole ở Longwood để điều trị.
Ủy ban bảo tồn động vật hoang dã bang Florida xác nhận rằng họ đang điều tra về vụ việc. (Nông Thôn Ngày Nay 15/4) đầu trang(./.
Biên tập: Bùi Hoa