Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 13 tháng 09 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Sáng 12/9/2016, Sở NN-PTNT tổ chức công bố quyết định của UBND tỉnh Yên Bái về việc cử ông Mai Mộng Tuân, PGĐ Sở giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm từ ngày 7/9/2016 và 3 Phó chi cục trưởng.
Thực hiện kế hoạch 40/KH-UBND ngày 11/3/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về việc “Cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái”, sáng 12/9/2016, Sở NN-PTNT tổ chức công bố quyết định của UBND tỉnh Yên Bái về việc cử ông Mai Mộng Tuân, PGĐ Sở giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm từ ngày 7/9/2016 và 3 Phó chi cục trưởng.
Theo Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25 tháng 3 năm 2015, tại khoản d điều 3 quy định: “Phó Giám đốc Sở NN-PTNT không kiêm nhiệm Chi cục trưởng. Trường hợp phải kiêm nhiệm thì thời gian kiêm nhiệm không quá 12 tháng”. Tuy nhiên, theo QĐ trên, ông Tuân giữ chức vụ này không có thời hạn kết thúc.
Chiều 12/9, Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái tiếp tục công bố QĐ thành lập Trung tâm Giống cây trồng-Vật nuôi. Ông Nguyễn Huy Bái, GĐ Trung tâm Giống vật nuôi được bổ nhiệm làm GĐ Trung tâm từ ngày 1/9/2016, thời gian 5 năm kể từ ngày ký và 3 người khác được bổ nhiệm giữ chức PGĐ Trung tâm. (Nông Nghiệp Việt Nam 12/9) đầu trang(
Đã một thời Yên Bái có khá nhiều "điểm nóng" trong quản lý bảo vệ rừng, tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản khá phức tạp. Song, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành công tác quản lý bảo vệ rừng đã có những chuyển biến tích cực.
Số vụ và mức độ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm theo từng năm, rừng và chất lượng rừng đã được nâng lên rõ rệt.
Những quả đồi trơ trọi, những cánh rừng xơ xác thủa nào nay đã được hồi sinh trở lại, mang màu xanh no ấm cho nhân dân. Giá trị kinh tế lâm nghiệp mỗi năm mang về cho Yên Bái cả ngàn tỷ đồng. Hàng loạt nhà máy chế biến gỗ rừng trồng đi vào sản xuất, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người dân.
Những tỷ phú, triệu phú từ rừng không còn là chuyện hiếm. Tính đến hết tháng 6/2016, toàn tỉnh có 523.275 ha đất lâm nghiệp, chiếm 75,9% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 479.626 ha (đất có rừng 387.576 ha, chiếm 74,7% diện tích đất lâm nghiệp; đất chưa có rừng 92.050 ha; đất trồng rừng chưa thành rừng 21.881 ha...).
Trong 479.626 ha đất lâm nghiệp thì rừng phòng hộ là 152.794 ha (bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng trồng, đất chưa có rừng), rừng đặc dụng 36.147 ha, rừng sản xuất 290.684 ha. Ngoài ra, còn có trên 43.649 ha quế tập trung tại các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. Độ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 62,2%.
Có được kết quả đó, trước tiên là do sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, cùng các cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển lâm nghiệp bền vững và thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng phù hợp với lợi thế của từng địa phương.
Trong vòng 10 năm nay, bình quân mỗi năm tỉnh đầu tư hỗ trợ gần 40 tỷ đồng cho sản xuất nông lâm nghiệp và hàng chục tỷ đồng bảo vệ, khoanh nuôi rừng. Nhờ đó, diện tích rừng cũng như chất lượng rừng phát triển theo năm tháng, năm ít cũng trồng trên 10.000 ha và liên tục 5 năm trở lại đây mỗi năm Yên Bái trồng không dưới 15.000 ha. Bên cạnh phát triển vốn rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng được chú trọng, ý thức của người dân trong quản lý, bảo vệ được nâng lên.
Rừng và chất lượng rừng, cũng như quản lý bảo vệ rừng đã nâng lên rõ nét. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, hiệu quả đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng chưa cao. Trong 8 tháng năm 2016, kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 24 vụ khai thác, 59 vụ vận chuyển lâm sản, 44 vụ chế biến, cất giữ lâm sản trái phép...
Qua đó cho thấy, quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn những tồn tại cần được tăng cường hơn nữa. Để tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm; đồng thời, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng kiểm lâm và khắc phục những thiếu sót, yếu kém trong quản lý bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã có Công văn số 1895/UBND-NLN ngày 30/8/2016 về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm.
Đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở về quản lý và bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 09/2006/NĐ-CP về phòng cháy chữa cháy rừng.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ công chức kiểm lâm khi thi hành nhiệm vụ, chấp hành nghiêm các quy định của ngành như: mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, biển hiệu... khi làm việc và tiếp xúc với tổ chức, công dân phải đúng mực, lịch sự; thực hiện đúng quy trình, thủ tục pháp luật; không được đặt ra các yêu cầu ngoài quy định của pháp luật.
Tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ trong các đơn vị kiểm lâm; kiểm tra đột xuất về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị, cán bộ, công chức kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm phối hợp với công an trên địa bàn các huyện, thị, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, truy quét các “đầu nậu”, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng...; kiểm tra rà soát chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sử dụng gỗ bất hợp pháp hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý.
Rà soát tham mưu giúp UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh; xây dựng cơ chế hoạt động, giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các công ty, doanh nghiệp và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đến mọi người dân.  (Báo Yên Bái 12/9) đầu trang(
Theo phản ánh của người dân, điều rất kỳ lạ là các khoảnh rừng phòng hộ thường bị phá vào ban đêm.
Tại hai tiểu khu 435 và 427 (xã Phước Ninh và Quế Trung, huyện Nông Sơn), tình trạng phá rừng diễn ra cách đây chưa lâu, khi những khoảnh rừng ven đường vào Thủy điện Khe Diên cháy nham nhở, trơ ra những gốc cây lớn còn in hằn vết cưa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người dân ngang nhiên phá rừng, chiếm đất còn được một số đối tượng “có máu mặt” thuê làm. Rất nhiều lô rừng bị phá đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối, thủ phạm.
Tiểu khu 435 chỉ cách mỏ than Nông Sơn chừng 5km đường rừng, loang lổ bởi những đám rừng bị đốt hạ không thương tiếc. Tấm bảng cảnh báo “Rừng phòng hộ - cấm xâm phạm” của Hạt Kiểm lâm Nông Sơn không ngăn được người dân địa phương ngang nhiên đốt rừng, cát cứ, chiếm đất.
Ven đường vào Thủy điện Khe Diên, phóng viên ghi nhận tình trạng rừng ở đây bị chặt phá tan hoang. Nhiều gốc cây to bị phạt ngang, cháy sém.
Anh H - một người dân đi câu đêm ở lòng hồ Khe Diên cho biết, mấy tuần nay lắng xuống, nhưng từ đầu năm đến nay, người dân lên đốt rừng, đốn cây ào ào. Kiểm lâm vào thì họ chạy.
Đặc biệt, theo anh H, thời gian gần đây, việc chặt phá rừng để trồng keo ngay trên khu vực được quy hoạch rừng có chức năng phòng hộ tiếp tục diễn ra với mức độ và quy mô lớn. Toàn bộ cây rừng sau khi được đốn hạ được vận chuyển đi nơi khác, cành và gốc đã bị đốt cháy rụi.
Theo phản ánh của người dân, điều rất kỳ lạ là các khoảnh rừng phòng hộ thường bị phá vào ban đêm. Đa số “lâm tặc” là người dân lên chặt cây, thu gom rồi đốt làm rẫy. Hầu hết các nơi rừng bị phá được trồng keo tràm ngay sau đó (?).
Với cách “phá rừng” vô cùng tinh vi này, hầu như những khoảnh rừng có thân gỗ lớn, đang làm chức năng phòng hộ bỗng chốc sau một đêm trở thành rừng sản xuất, trồng keo tràm. Điều này giải thích vì sao người dân tố cáo, lấy gỗ không phải là mục đích chính của việc phá rừng mà là lấy đất.
Trước tình trạng phá rừng và xâm hại rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn đã lập tổ kiểm tra việc phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Mặc dù chỉ đốt mỗi nơi chưa đầy 1ha, song con số tổng hợp của Hạt Kiểm lâm cũng đủ để giật mình: Qua kiểm tra và đo đạc có tổng cộng 32 lô với diện tích 36ha rừng bị xâm hại. Trong đó, tiểu khu 435 và 433 thuộc UBND xã Phước Ninh có 22 lô với diện tích 20,4ha; tiểu khu 427 thuộc xã Quế Trung bị phát 10 lô với diện tích 15,6ha.
Quá trình kiểm tra, tổ công tác cũng phát hiện 3 lán trại trong rừng và đã lập biên bản tiến hành tiêu hủy. Ngoài ra, tổ công tác phát hiện một số đối tượng phá rừng nhưng đã nhanh chóng bỏ trốn, nên không thể bắt giữ.  Tuy nhiên, tổ công tác chỉ lập biên bản 4 vụ phá rừng với diện tích 5,3ha có nhiều cây gỗ lớn. Số diện tích còn lại được xác định là đất chưa có rừng, chỉ có dây leo, cây bụi và rải một số cây gỗ lớn (?).
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn cho biết: Ngoài 4 vụ khởi tố từ 2015 tới đầu năm 2016, gần đây, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát xác minh hiện trạng 4 lô có nhiều cây thân gỗ trên diện tích bị phá trái phép.
Kết quả đo đạc, tính trữ lượng đã xác định được 1 lô với diện tích 3,3ha đất chưa có rừng thuộc kiểu trạng thái Ib, còn lại 3 lô với diện tích 2ha là rừng nghèo. Hạt Kiểm lâm đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng theo ông Nguyên, Hạt đã chuyển cho xã Quế Trung 9 vụ, xã Phước Ninh 20 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật cho UBND 2 xã này xử lý theo thẩm quyền.
Theo ông Nguyên, hiện nay tình trạng khai thác mua bán lâm sản trái phép và phá rừng trái phép trên địa bàn vẫn diễn ra do nhiều nguyên nhân như: Lợi nhuận cao, trong khi đó đời sống nhân dân còn khó khăn, thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất. (VTC News 13/9) đầu trang(
Rừng phòng hộ Cần Giờ nằm ở phía đông nam TP Hồ Chí Minh, là nơi tiếp giáp nhiều sông lớn, có đường bờ biển dài và hệ thống sông, rạch chằng chịt.
Khu rừng phòng hộ có diện tích gần 35.300 ha, được ví như “lá phổi xanh” của thành phố và là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với vai trò hết sức quan trọng cho nên công tác bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ luôn được các ngành chức năng của thành phố quan tâm…
Hiện nay, ngoài 141 hộ nhận khoán giữ rừng phòng hộ Cần Giờ còn có đại diện của 15 đơn vị, lực lượng đứng chân trên địa bàn huyện Cần Giờ tham gia. Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ Lê Văn Sinh cho biết, từ đầu năm đến nay, các lực lượng bảo vệ tại chỗ đã tổ chức 28 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét và chốt chặn các khu vực trọng điểm xung yếu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý một trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép, ba trường hợp vi phạm quy định đánh bắt thủy sản trong rừng phòng hộ.
Các lực lượng đã tuyên truyền cho gần 1.000 lượt người về vai trò, tác dụng của rừng phòng hộ và trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của mọi tổ chức, cá nhân. Nhờ đó đã góp phần bảo đảm an toàn, không xảy ra sự cố đáng tiếc tại khu vực rừng phòng hộ.
Để phối hợp hiệu quả với các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an, Thanh niên xung phong, Hải quan…, Ban Quản lý rừng đã xây dựng quy chế, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, được Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phê duyệt, thống nhất thực hiện. Các đơn vị này cũng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích nhất định để nâng cao ý thức trách nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Đoàn Thị Ngọc Cẩm nhấn mạnh: “Mỗi lực lượng có chức năng riêng, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp, tạo thành thế đan xen, bảo vệ cả vòng trong, vòng ngoài để canh phòng nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng và sản xuất dưới tán rừng”.
Thực tế tại rừng phòng hộ Cần Giờ cho thấy, các chốt bảo vệ được triển khai khá dày, có lực lượng thường xuyên làm nhiệm vụ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra vòng ngoài; lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm xử lý những vụ vi phạm liên quan; trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các kênh, rạch, sông hồ trong phạm vi rừng phòng hộ…
Ngoài ra, Ban Quản lý rừng còn chủ động phối hợp các trường học trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ “Em yêu thiên nhiên”; phối hợp Hội Phụ nữ huyện và các xã duy trì, phát triển Câu lạc bộ “Phụ nữ với biến đổi khí hậu”; hợp tác với Đài truyền thanh huyện tổ chức chuyên mục phát thanh tuyên truyền cho người dân địa phương hiểu và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường tự nhiên, không xâm lấn đất rừng, không chặt phá, xâm hại cây rừng…
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ Cát Văn Thành, để làm tốt công tác bảo vệ rừng thì vấn đề cốt lõi là ý thức của người dân. Do vậy, Ban Quản lý hết sức coi trọng công tác truyền thông giáo dục môi trường cho học sinh thuộc 23 trường học trên địa bàn huyện, phát huy vai trò của các đoàn, hội cùng tham gia tuyên truyền tạo “vành đai an toàn” bảo vệ rừng từ trong nhân dân.
Đối với khu vực giáp ranh, Ban Quản lý rừng tổ chức cho năm cụm triển khai kế hoạch phối hợp ba xã Thạnh An, Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn để quản lý chặt chẽ địa bàn trọng điểm. Cùng với đó, sáu phân khu trực thuộc Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với nhau để hỗ trợ tuần tra trong phạm vi đảm nhiệm. Ngay trong tổ tự quản nhận khoán bảo vệ rừng cũng có sự phân công, cắt cử cụ thể nhằm giúp đỡ lẫn nhau, hạn chế thấp nhất rủi ro và xử lý kịp thời những tình huống bất trắc…
Để các hộ nhận khoán chuyên tâm giữ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ còn làm tốt công tác chính sách, chủ động liên hệ với ngân hàng cho các hộ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho nhân lực lao động nhận khoán, ưu tiên đối tượng chính sách, hộ nghèo và đề nghị thành phố tăng mức tiền công khoán bảo vệ rừng… Anh Nguyễn Hoàng Phiên, Tổ tự quản số 4, Phân khu 1, chia sẻ: “Sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo Ban Quản lý tạo thuận lợi cho chúng tôi vơi bớt khó khăn, yên tâm tư tưởng, bám đất, bám rừng ổn định cuộc sống”…
Với những biện pháp đồng bộ, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng đứng chân trên địa bàn và nhân dân địa phương, nhiều năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chăm sóc, quản lý, bảo vệ an toàn “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh… (Nhân Dân 13/9) đầu trang(
Ngày 13-9, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Nông Bùi Quang Mích cho biết, Sở đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đác Nông xem xét thu hồi trước thời hạn đối với Dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly để kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực triển khai dự án, nhằm thúc đẩy khu du lịch trọng điểm của tỉnh phát triển.
Lý do mà Sở đưa ra, do đơn vị chủ đầu tư đã bỏ bê dự án, không đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt, không quản lý bảo vệ dẫn đến nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá rất nghiêm trọng.
Dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly, huyện Đác Song có tổng mức đầu tư gần 106 tỷ đồng. Từ năm 2010, UBND tỉnh Đác Nông giao cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài (Công ty Lâu Đài) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với quy mô hơn 88ha, bao gồm: hệ thống thác nước kết hợp với rừng tự nhiên hơn 65ha. Tuy nhiên, kể từ khi nhận bàn giao dự án đơn vị này đã bỏ bê không đầu tư.
Qua kiểm tra, Công ty Lâu Đài chỉ đầu tư một số hạng mục công trình nhỏ lẻ, sơ sài; không đúng với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt, tiến độ triển khai rất chậm. Sở đã nhiều lần kiểm tra, có văn bản đốc thúc đơn vị đẩy nhanh tiến độ theo quy định, nhưng đến nay đơn vị vẫn không đầu tư thêm các hạng mục công trình như đã cam kết. Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Công Ty Lâu Đài đã buông lỏng quản lý, không thành lập đội quản lý bảo vệ rừng theo quy định, không có biện pháp ngăn chặn dẫn đến rừng bị tàn phá rất nghiêm trọng.
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, rừng phía dưới hạ nguồn thác đã bị người dân phá trắng, xâm chiếm đất trồng tiêu khoảng 5-7ha; tại nhiều vị trí khác những cây to trong rừng đã bị lâm tặc đốn hạ lấy gỗ. Phía trên thượng nguồn và ngay cả khu vực thác chính nhiều điểm rừng cũng bị tàn phá rất nghiêm trọng …
Trước đó, Báo Nhân Dân đã phản ánh: Do yếu kém về năng lực tài chính, kể từ khi nhận bàn giao đến nay, Công ty Lâu Đài đã bỏ bê không đầu tư dự án; không thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ khiến cho hàng loạt diện tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Điều đáng nói là rừng bị phá không chỉ do lâm tặc, người dân chiếm đất sản xuất mà chính người của công ty tiếp tay cho lâm tặc ngang nhiên tàn phá rừng của dự án. (Nhân Dân 13/9) đầu trang(
Bắc Bình là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn, và tình hình phá rừng rất phức tạp. Nhất là vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và các huyện lân cận Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, bọn lâm tặc hết sức manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Bình đã xảy ra 2 vụ chống người thi hành công vụ. Thông qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng bảo vệ rừng huyện đã phát hiện, xử lý 77 vụ vi phạm lâm luật, giảm 18 vụ so cùng kỳ năm trước, tịch thu trên 163,3m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 446,4 triệu đồng.
Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo cho các đơn vị chủ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ rừng và tăng cường tuần tra, truy quét bọn lâm tặc ở các vùng rừng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Khi kiểm tra tại khu vực thôn Cà Lúc, xã Phan Sơn, Tổ Kiểm lâm cơ động của Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện 17 khúc gỗ xẻ căm liên, với khối lượng 1,23 m3 bị khai thác vắng chủ, nên đã thuê phương tiện vận chuyển về nơi tạm giữ.
Không ngờ có một nhóm 5 người, trong đó có 1 đối tượng tên Ròm, tạm trú tại thôn Cà Lúc, xã Phan Sơn và 4 đối tượng ở xã Phan Thanh đến nhận là gỗ của mình và đòi xin lại gỗ. Tổ Kiểm lâm cơ động không giải quyết, bọn chúng chửi bới, cầm dao, gậy, xăng xông vào đập phá phương tiện vận chuyển gỗ mà tổ kiểm lâm thuê và hất đẩy gỗ xuống xe.
Cán bộ kiểm lâm đến ngăn chặn đã bị bọn chúng hành hung, đe dọa, ném xăng vào đốt gỗ. Sau khi sự việc xảy ra, Hạt Kiểm lâm huyện đã làm báo cáo đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Bình tiến hành điều tra, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ.
Vụ chống người thi hành công vụ thứ hai, đó là ngày 6/4/2016, lực lượng chống phá rừng của xã Phan Sơn đã tuần tra, phát hiện 1 xe ô tô tải biển số 86C-030.85 vận chuyển lâm sản trái phép, do Vũ Duy Phú (SN 1987), hộ khẩu thường trú tại xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An điều khiển. Khi tổ công tác yêu cầu tài xế Vũ Duy Phú lái xe về xã Phan Sơn để làm việc, thì Phú không chấp hành. Buộc lòng tổ công tác phải thuê máy cày kéo xe ô tô tải về trụ sở xã canh giữ, bảo quản lâm sản để chờ lực lượng kiểm lâm đến lập biên bản, xử lý.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, có một nhóm đối tượng khoảng 25 người dùng dao, mã tấu, rựa, đá, xông vào trụ sở UBND xã Phan Sơn đe dọa lực lượng bảo vệ rừng và đẩy gỗ xuống khỏi xe ô tô rồi lái xe chạy thoát về hướng Nhà máy thủy điện Đại Ninh. Hiện sự việc đang được UBND xã Phan Sơn cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn củng cố hồ sơ chuyển cho Công an huyện Bắc Bình điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Việc nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ là giải pháp tốt nhất hiện nay để răn đe, giáo dục, ngăn chặn nạn phá rừng trái phép đang diễn ra nhiều nơi trên địa bàn huyện. (Báo Bình Thuận 12/9) đầu trang(
Báo Điện tử TN&MT ngày 8/8 có bài: “Có hay không việc lợi dụng thu hoạch rừng trồng để phá rừng đặc dụng Nam Hải Vân?” - phản ánh việc tự ý mở đường, phá rừng tại tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân (thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) của hộ ông Trần Viết Hòe.
Sau khi sự việc được Báo Điện tử TN&MT đưa ra phản ánh, ngay lập tức UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Chi cục Kiểm lâm, Phòng Kinh tế quận, Phòng TN-MT, Cảnh sát môi trường công an quận, Hạt Kiểm lâm quận và UBND phường Hoà Hiệp Bắc để tiến hành kiểm tra, xác định mức độ vi phạm của ông Trần Viết Hòe theo luật định, để có cơ sở tham mưu cho UBND quận Liên Chiểu xử lý vụ việc trên theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV sáng 12/9, ông Đàm Quang Hưng - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, UBND quận đã cho thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích nhận khoán của hộ ông Trần Viết Hòe quản lý, sử dụng. “Trường hợp sai phạm tới đâu sẽ xử lý nghiêm khắc tới đó, không thể mang danh là thu hoạch rừng trồng để mở đường vào rừng đặc dụng Nam Hải Vân được”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trước đó, theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, năm 2002, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân giao khoán đất theo Nghị định 01/CP cho nhóm hộ ông Trần Viết Hòe (10 người) trồng rừng tại tiểu khu 11 với diện tích 62,5 ha để trồng keo lá tràm. Năm 2005, nhóm hộ thống nhất giao toàn bộ diện tích nhận khoán cho ông Hòe quản lý, sử dụng. Qua thời gian trồng và chăm sóc, ông Hòe đã khai thác lần 1 vào năm 2010. Tháng 2/2016, ông Hòe làm đơn xin khai thác rừng trồng chu kỳ 2 và được chính quyền sở tại xác nhận.
Đến ngày 10/8/2016, Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu đã có báo cáo lên UBND quận về việc khai thác gỗ rừng trồng keo của hộ ông Trần Viết Hòe có đốn chặt một số cây tái sinh tự nhiên, mở đường lên diện tích rừng tự nhiên chưa trồng keo. Ngay sau đó, quận đã tổ chức đoàn đi kiểm tra.
Qua kiểm tra, đoàn đã ban đầu xác nhận hộ ông Hòe đang khai thác cây keo trồng và chặt hạ một số cây tái sinh tự nhiên còn sót lại trong khu vực rừng trồng đang khai thác. Nghiêm trọng hơn là tại khu vực rừng tự nhiên khoảng 3,8 ha, khu vực này hoàn toàn không có cây rừng trồng, hiện trạng là rừng tự nhiên tái sinh phục hồi, cây gỗ rải rác thuộc phạm vi quy hoạch rừng đặc dụng. Trong khu vực này phát hiện các tuyến đường đất bị san ủi, mở mới với chiều rộng khoảng 2-3m; tổng chiều dài tuyến đường khoảng 850m.
Theo một diễn biến mới nhất, trong báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng, UBND quận Liên Chiểu đã xác nhận: “Việc mở đường, chặt cây tái sinh tự nhiên và luỗng (tỉa) rừng của ông Hòe trên diện tích không có rừng trồng keo lá tràm là chưa được các ngành chức năng cho phép”.
Để xử lý dứt điểm vụ việc này, UBND quận Liên Chiểu chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Chi cục Kiểm lâm, Phòng Kinh tế quận, Phòng TN-MT, Cảnh sát môi trường công an quận, Hạt Kiểm lâm quận và UBND phường Hoà Hiệp Bắc để tiến hành kiểm tra, xác định mức độ vi phạm của ông Trần Viết Hòe theo luật định, để có cơ sở tham mưu cho UBND quận Liên Chiểu xử lý vụ việc trên theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Báo Điện tử TN&MT đã thông tin đến bạn đọc, tại Tiểu khu 11 rừng đặc dụng Nam Hải Vân, vị trí trên đường hầm Hải Vân được giao khoán cho ông Trần Viết Hòe. Kể từ thời điểm nhận đất khoán năm 2005, ông Trần Viết Hòe đã tiến hành trồng cây keo lá tràm ở các vùng đất phía dưới gần cửa phía nam hầm Hải Vân. Thời gian gần đây, ông Hòe tiến hành thu hoạch cây rừng trồng, được quận Liên Chiểu cho phép mở đường để thu hoạch cây và dọn thực bì. Thế nhưng, người dân phát hiện ông này không chỉ mở đường vận chuyển cây rừng trồng mà đã đưa máy mở đường lớn lên cả rừng tự nhiên ở phía trên đó.
Trong vai  những người đốn củi, PV đã tận mắt chứng kiến đường lớn được mở vào tận rừng sâu. Hai bên là cảnh cây cối bị chặt phá khô héo ngổn ngang. Ngay từ mép rừng keo của ông Hòe, nhân công đã tiến hành mở 3 bậc đường lên sâu vào rừng cây tự nhiên, tổng chiều dài gần cây số, chiều rộng đường trung bình từ 2 - 3 mét. Nhiều cây cối đã bị máy xúc hất đổ ngổn ngang hai bên đường mở vào rừng. Sau khi dọn đường, cây trong rừng đã bị đốn hạ, nhiều cây khô héo nằm lại chỏng chơ, một số lượng cây khác đã được chặt thành khúc sắp xếp vào vị trí.
Tai hiện trường, dọc các đường lên gỗ tự nhiên đã được gom thành từng đống để tập hợp về lán trại. Người dân địa phương cho biết, trước khi bị phá hoại thế này, khu vực rừng tự nhiên này rất ẩm thấp, um tùm. Các bóng cây lan tỏa và là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật tự nhiên.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Truyền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu đã thừa nhận việc ông Hòe đưa máy vào mở đường và đốn hạ cây là vi phạm. Liên quan đến vụ việc này, một nguồn tin riêng của Báo TN&MT cho biết, hiện vụ phá rừng ở tiểu khu 11, Chi cục Kiểm lâm TP. Đà Nẵng đang chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân và tập thể liên quan. (Tài Nguyên Và Môi Trường 12/9) đầu trang(
Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ tại tỉnh Lâm Đồng đang diễn biến phức tạp.
Không chỉ có những cánh rừng bị đốn hạ, xóa sổ mà máu của cán bộ bảo vệ rừng cũng đã đổ xuống khi đối mặt với những kẻ phá rừng. Làm gì để bảo vệ rừng là vấn đề đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Có mặt tại Tiểu khu 161 thuộc khu rừng phòng hộ ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trước mắt chúng tôi là hiện trường một vụ phá rừng vừa diễn ra. Trên mặt đất, la liệt những phiến gỗ lớn vừa mới xẻ, cạnh đó là những gốc cây cổ thụ vừa bị đốn hạ, những dòng nhựa đỏ vẫn đang rỉ ra tựa những vệt máu.
Ông Lê Văn Thanh, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 161 cho biết, đối tượng Chữ Hồng Sáu, 40 tuổi, trú tại xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) là một trong những kẻ cầm đầu vụ phá rừng tại khu vực này. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, Chữ Hồng Sáu và đồng bọn đã sử dụng chó để “cảnh giới” từ xa, khi thấy người lạ sẽ phát ra ám hiệu để chúng tẩu thoát. Nghiêm trọng hơn, khi bị cán bộ bảo vệ rừng phát hiện, chúng đã dùng bình xịt hơi cay để tấn công.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản 698 vụ vi phạm lâm luật, trong đó phá rừng trái pháp luật 181 vụ và khai thác rừng trái phép là 176 vụ. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 653 vụ, trong đó xử lý hành chính 627 vụ, chuyển xử lý hình sự 26 vụ. Diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép lên tới hàng trăm héc-ta. Đặc biệt từ đầu tháng 6 đến nay, các vụ phá rừng và chống người thi hành công vụ diễn ra với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Điển hình như vụ phá rừng tại khu vực hồ thủy điện Đồng Nai 5 thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm do Lê Hồng Hà (tức Hà “đen”) cầm đầu diễn ra trong một thời gian dài với số lượng lớn; vụ Công ty TNHH Nguyễn Thành Lợi có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh thuê “lâm tặc” phá trắng hơn 2.500m2 rừng thông tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng; vụ phá rừng trồng để lấy đất sản xuất của một số người dân địa phương tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà...
Thủ đoạn của các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cụ thể như: Tổ chức lực lượng theo dõi chặt chẽ quy luật hoạt động của lực lượng kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp để chọn thời điểm ra tay mà không bị phát hiện; tổ chức lực lượng “cảnh giới” từ xa để thông báo cho đồng bọn khi có cán bộ tuần tra, kiểm tra; chọn vị trí phá rừng tại khu vực hẻo lánh, hiểm trở, khu rừng giáp ranh giữa Lâm Đồng với các tỉnh bạn, những nơi lực lượng chức năng khó tiếp cận; sơ chế và “xé lẻ” gỗ ngay tại chỗ để dễ bề vận chuyển, cất giấu, tẩu tán.
Để phá rừng lấy đất sản xuất, các đối tượng thường thực hiện theo kiểu “gặm nhấm”, “nống lấn” dần dần hoặc người chủ mưu không trực tiếp phá rừng mà thuê đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương hoặc các đối tượng có tiền án, tiền sự thực hiện.
Bên cạnh đó, hành vi của các đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh. Ngày 10-6-2016, hai cán bộ thuộc Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà bị hai đối tượng phá rừng tên là Tiến và Ngọc hành hung, dùng xăng đổ vào người châm lửa đốt.
Không dừng lại ở đó, hai đối tượng này còn mang hung khí tới tận cơ quan Hạt kiểm lâm Lâm Hà đập phá trụ sở và tấn công một kiểm lâm viên khác bị thương. Nghiêm trọng hơn, vào ngày 8-8, một nhóm đối tượng đã dùng hung khí tấn công các cán bộ bảo vệ rừng tại Tiểu khu 243A thuộc xã Phi Tô, huyện Lâm Hà làm anh Nguyễn Ái Tĩnh, cán bộ lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban tử vong, hai cán bộ khác bị thương nặng.
Lý giải về sự gia tăng của các vụ phá rừng và chống người thi hành công vụ tại địa phương thời gian gần đây, ông Nguyễn Khang Thiên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: "Hầu hết đối tượng vi phạm đều có tiền án, tiền sự, nghiện hút, cờ bạc nên hành vi của chúng rất manh động, liều lĩnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ rừng tại cơ sở chưa chặt chẽ. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đối với công tác bảo vệ rừng, còn phó mặc cho lực lượng chuyên trách; công tác đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm chưa kiên quyết, triệt để. Một số cán bộ lâm nghiệp và kiểm lâm yếu về kỹ năng, thiếu tinh thần trách nhiệm".
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết tấn công tội phạm, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ thiếu trách nhiệm để xảy ra mất rừng. Theo đó, hàng loạt vụ phá rừng, chống người thi hành công vụ đã bị cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố, nhiều đối tượng “cộm cán” cũng đã bị bắt giữ như: Lê Hồng Hà (tức Hà “đen”), kẻ cầm đầu gây ra vụ phá rừng quy mô lớn tại huyện Bảo Lâm; các đối tượng Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Phi Long, Chu Thương Siêu, đã tấn công cán bộ Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Lang Hanh.
5 đối tượng gồm: MBon Ha Hoàng, Liêng Hot Ha Long, Lơ Mu Ha Chăn, K’Long Ha Hen, Liêng Hot Ha Jêk, là những kẻ đã tấn công đoàn công tác khiến 3 cán bộ lâm nghiệp thương vong. Một số cán bộ thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng trên địa bàn do mình quản lý cũng đã bị thôi chức, điều chuyển công tác.
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, nguyên đại biểu Quốc hội (tỉnh Lâm Đồng): "Tình trạng thiếu đất sản xuất, việc phân định giữa đất rừng và đất lâm nghiệp chưa rõ ràng nên nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề này để phá rừng. Cùng với xử lý nghiêm minh các sai phạm, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn tất việc giao đất, giao rừng cho người dân quản lý. Cùng với đó cần có chính sách phù hợp nâng mức hỗ trợ cho người dân khi tham gia bảo vệ rừng; quan tâm, chăm lo đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị chủ rừng...". (Quân Đội Nhân Dân 13/9) đầu trang(
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về vụ khai thác rừng trái phép tại lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và các địa phương khác trong tỉnh (nếu có).
Đồng thời chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức cá nhân có liên quan vụ việc; có giải pháp cụ thể, không để xảy ra tình trạng tương tự. Kịp thời khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xử lý vụ việc này.
Trước đó, ngày 3 và 4/8/2016, báo Lao động có loạt bài viết phản ánh việc một lượng lớn rừng tự nhiên thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) bị chặt phá nghiêm trọng, có dấu hiệu tiếp tay của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, nếu đúng có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8/2016. (Chính Phủ 12/9) đầu trang(
Liên quan tới thông tin về vụ chặt phá rừng thông với quy mô khá lớn ở huyện Đăk Glong, UBND huyện đã có phản hồi chính thức.
Theo ghi nhận từ Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, một vụ chặt phá rừng thông với quy mô khá lớn đã bị phát hiện tại thôn 3A, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông. Vị trí bị phá thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam qua bài viết  "Phát hiện vụ phá rừng thông ở Đăk Nông", UBND huyện Đắk Glong đã kiểm tra và xác nhận, đồng thời gửi công văn phản hồi thông tin trên Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam và cung cấp thông tin chính xác về vụ việc này.
Cụ thể, ngày 27/7/2016, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glong phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn phát hiện tại vị trí tọa độ 0433121-1346085 thuộc lô 22A, khoảnh 5, tiểu khu 1646 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý có 1.600m2 rừng thông bị chặt phá trái pháp luật.
Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện và thu giữ 24 khúc gỗ tròn, thuộc chủng loại gỗ thông. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra chưa xác định được ai là người chặt phá diện tích rừng nói trên. Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glong đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm để xác minh xử lý theo quy định.
Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Glong đã có văn bản đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Đăk Glong, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đăk Glong phối hợp xác minh, điều tra xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Theo đó, ngày 30/8, các cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng trồng thông.
Theo kết quả báo cáo có từ hiện trường vụ phá rừng, đoàn khám nghiệm đã phát hiện thiệt hại 38 cây thông, trong đó có 16 cây thông chưa chặt hạ trong tình trạng chết đứng, đã khô mục; 22 cây thông bị chặt hạ còn nguyên cành, lá, vỏ cây còn tươi. Kết quả khám nghiệm còn cho thấy diện tích rừng bị phá trái pháp luật là 2.184m2, mức độ thiệt hại 100%, trạng thái rừng thông được trồng từ năm 1982 thuộc loại rừng sản xuất, vị trí rừng bị phá thuộc lô 27, khoảnh 5, tiểu khu 1646 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.
Tuy nhiên, vụ việc trên đã được các cơ quan chức năng trên địa bản huyện phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Sau khi phát hiện vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glong đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, phối hợp với đơn vị chủ rừng vận chuyện toàn bộ số gỗ tang vật về trụ sở để trông coi, bảo quản phục vụ công tác xác minh điều tra.
Đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glong vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng với công an huyện xác minh, điều tra đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. (Đài Truyền Hình Việt Nam 12/9) đầu trang(
Từ phản ánh của Báo điện tử CA. TPHCM, sáng 9-9 Công an huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Diện, cán bộ Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên và ông Đinh Văn Hùng (ngụ P.5, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) cùng về tội “Hủy hoại rừng”.
Đầu năm 2015, ông Hùng gặp ông Ngô Tấn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nguyên, và ông Nguyễn Hồng, cán bộ địa chính xã, nhờ hợp thức hóa các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tiểu khu 192 khu vực Hòn Đác, xã Sơn Nguyên.
Ông Thái lấy tên ba người thân của mình đứng tên, gồm ông Bùi Văn Bé, Nguyễn Văn Hiền, Ngô Văn Tịnh. Sau đó ông Thái, ông Hồng trực tiếp làm hồ sơ, rồi cung cấp thông tin về ba hộ dân để ông Hùng nhờ ông Diện làm bản trích đo địa chính đưa cho ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã ký xác nhận. Sau khi ba hộ dân này ký đơn xin giao đất, ông Thái, Diện làm phương án giao đất kèm tờ trình, đề nghị UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất .
Mặc dù, biết sai và biết diện tích giao cho các hộ dân có cả diện tích do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa quản lý nhưng, khi tiếp nhận hồ sơ, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa đã hoàn tất các thủ tục và tham mưu ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa ký các quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 75ha đất lâm nghiệp ở Hòn Đác, xã Sơn Nguyên cho 3 hộ gia đình nêu trên trái quy định, sai đối tượng.
Sau đó, ông Diện và ông Hùng đã thuê nhân công đến khu rừng Hòn Đác chặt phá rừng, cưa những cây gỗ to dẫn đến hàng chục héc ta rừng nguyên sinh bị tàn phá.
Sự việc xảy ra từ lâu, có tổ chức với sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ từ xã đến huyện dẫn đến hàng chục héc ta rừng nguyên sinh bị tàn phá nhưng các cơ quan chức năng huyện Sơn Hòa không hề hay biết. Sau khi Báo điện tử CA. TPHCM phản ánh hàng loạt bài viết liên quan vụ việc này, cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân tổ chức vi phạm.
Sau đó, UBND huyện Sơn Hòa tổ chưc cuộc họp xử lý việc phá rừng trái pháp luật, xảy ra tại Tiểu khu 192 xã Sơn Nguyên, Tiểu khu 168 xã Sơn Hội, thuộc khu vực Hòn Đác, huyện Sơn Hòa, do ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì.
Qua xem xét nội dung báo cáo của các cơ quan và ý kiến thảo luận của các thành viên dự họp, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và của đồng chí Chủ tịch UBND huyện, ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện đã thống nhất ý kiến kết luận, chỉ đạo giao Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa hoàn tất thủ tục hồ sơ vụ việc vi phạm phá rừng trái pháp luật xảy ra tại Tiểu khu 192 xã Sơn Nguyên, Tiểu khu 168 xã Sơn Hội với diện tích rừng bị thiệt hại là 33,813ha (trong đó, diện tích rừng bị phá trên đất lâm nghiệp cấp cho 3 hộ dân nêu trên là 16,04ha; diện tích rừng bị phá chưa xác định chủ là 12,213ha và diện tích rừng do một hộ dân ở thị trấn Củng Sơn phá 5,56ha) để chuyển giao Công an huyện Sơn Hòa tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa bố trí, phân công lực lượng bảo vệ hiện trường vụ phá rừng tại khu vực Hòn Đác trong thời gian các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc, tăng cường kiểm tra chốt chặn tại khu vực Hòn Đác (Tiểu khu 192 xã Sơn Nguyên) để ngăn chặn tình hình phá rừng, đốt than, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra tại khu vực này.
Đồng thời huyện sẽ tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cán bộ, nhân viên trong công tác kiểm tra, thẩm định hồ sơ giao đất; thẩm định, xác minh thực địa hiện trường giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 3 hộ gia đình nêu trên để xử lý theo quy định.
Liên quan đến vụ phá rừng trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đang tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Phạm Đình Phụng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa kiểm điểm nghiêm túc Ban Thường vụ Đảng ủy xã Sơn Nguyên.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện này đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường do sai phạm trong việc lập thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân dẫn đến hàng chục héc ta rừng nguyên sinh bị tàn phá.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên cũng ra quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Ngọc Tiến, Đảng ủy viên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng ủy Cơ quan khối chính quyền huyện; Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hòa, với hình thức cách chức các chức vụ trong Đảng.
Ông Ngô Tấn Thái cũng đã bị cách chức Phó Chủ tịch UBND xã và điều ông này làm nhân viên văn phòng UBND xã này.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền có hình thức kỷ luật đối với ông Lê Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch UBND xã (đã nghỉ hưu). (Công An TP.HCM 12/9) đầu trang(
Ngày 12/9, nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị này vừa gửi văn bản báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông về thực trạng khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 1627 thuộc lâm phần do Đại đội công binh thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý.
Quá trình kiểm tra, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện vụ khai thác gỗ trái phép đang diễn ra tại tiểu khu 1627, tuy nhiên lực lượng của Đại đội Công binh lại ra ngăn cản, không phối hợp để xử lý.
Lý do của họ đưa ra, đây là khu vực rừng đã được giao cho quốc phòng quản lý. Sau đó, Sở tiếp tục gửi công văn nhiều lần đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự phối hợp nhưng đơn vị này không trả lời.
Khi UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự phối hợp, tạo điều kiện để lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra hồ sơ và hiện trường thì Bộ chỉ huy Quân sự mới chịu cho vào kiểm tra.
Tại hiện trường ở tiểu khu 1627, đoàn phát hiện nhiều điểm rừng bị khai thác lấy gỗ, tại hiện trường số gỗ khai thác trái phép còn lại là 19,043m3.
Ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết : “Phát hiện vụ việc, tôi là người trực tiếp điện thoại qua Bộ chỉ huy Quân sự nhưng bị từ chối” – ông Tài nói. (Tiền Phong 12/9) đầu trang(
Tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết: Sở  này có văn bản số:1206/BC-SNN báo cáo UBND tỉnh một số nội dung liên quan đến việc phá rừng trong thời gian qua trên địa bàn, trong đó đặc biệt là vụ việc lực lượng kiểm lâm bị ngăn cản kiểm tra khi phát hiện rừng bị tàn phá trong khu vực bộ đội quản lý.
Theo đó, tại tiểu khu 1627 thuộc địa bàn 2 xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long và xã Nâm N’Giang huyện Đắk  Song do Đại đội công binh thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông (Bộ chỉ huy Quân sự) trực tiếp quản lý, đã bị tàn phá hết sức nghiêm trọng,  ngạc nhiên hơn là đơn vị này lại không phát hiện và xử lý kịp thời.
Điều đáng bàn là khi bị kiểm lâm phát hiện, tổ chức lực lượng vào phối hợp để kiểm tra, ngăn chặn lâm tặc tàn phá rừng thì Đại đội công binh lại ngăn cản, không phối hợp.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tài(Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắck Nông) cho biết: “Vụ việc phá rừng bị phát hiện, lực lượng kiểm lâm vào phối hợp với Đại đội công binh kiểm tra xử lý nhưng đơn vị này không hợp tác, không cho vào kiểm tra. Sau khi nhận được thông tin báo cáo, tôi trực tiếp điện thoại qua Bộ chỉ huy Quân sự đề nghị phối hợp và cho lực lượng kiểm lâm vào kiểm tra nhưng vẫn bị từ chối, nên tôi đã báo cáo sự việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng”.
“Sau chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tùng, lực lượng kiểm lâm mới vào được để xử lý vụ việc”.. ông Tài cho biết thêm.
Trước đó, Sở NN và PTNT, Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’long đã nhiều lần cử người đi xác minh nhưng phía Đại đội công binh không phối hợp, không cho vào khu vực rừng bị phá để kiểm tra, lý do đây là khu vực rừng đã được giao cho quốc phòng quản lý.
Sau đó Sở NN và PTNT tiếp tục gửi công văn nhiều lần đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự phối hợp nhưng đơn vị này không phản hồi
Đến khi sự việc được báo cáo lên UBND tỉnh Đắk Nông và đề nghị tỉnh chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự phối hợp, tạo điều kiện để lực lượng kiểm lâm tiến hành kiểm tra hồ sơ và hiện trường thì Bộ chỉ huy Quân sự mới chịu cho vào kiểm tra.
Kết quả kiểm tra tại tiểu khu 1627, lực lượng chức năng phát hiện nhiều điểm rừng bị lâm tặc tàn phá cực kỳ nghiêm trọng, tại hiện trường có tổng khối lượng gỗ khai thác trái phép còn lại là 19,043m3.
Thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục phát hiện tình trạng lâm tặc chở gỗ, phá rừng trái phép. Chính quyền Đắk Nông  đã mạnh tay xử lý, thậm chí với cán bộ trong nghành kiểm lâm như vụ, 5 cán bộ kiểm lâm huyện Đắk G’long bị kỷ luật, tuy nhiên hiện này rừng vẫn tiếp tục chảy máu trên diện rộng và ngày càng ác liệt. (Tầm Nhìn 22/9) đầu trang(
Trên danh nghĩa, tổ chức được coi là chủ của những vạt rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc do xác lập là Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc. Một số người dân trong vùng cũng được coi là đồng chủ rừng. Tuy nhiên, cách thức quản lý và bảo vệ vùng rừng này...
Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) đã nhiều lần bị tàn phá nghiêm trọng. Cuộc phá rừng mạnh mẽ gần đây và những phản ứng của người dân trong vùng xác lập rừng phòng hộ đã khẳng định sự bất ổn trong công tác quản lý, bảo vệ khu rừng đặc biệt này.
Trên danh nghĩa, tổ chức được coi là chủ của những vạt rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc do xác lập là Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc.
Một số người dân trong vùng cũng được coi là đồng chủ rừng. Tuy nhiên, cách thức quản lý và bảo vệ vùng rừng này đã khiến dư luận hoài nghi về trách nhiệm của chủ rừng?
Theo Quyết định số 3123 ngày 27/12/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt số liệu giao rừng cho tổ chức Nhà nước và lực lượng vũ trang trên địa bàn, Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc (thuộc Sở NN-PTNT) được giao quản lý, bảo vệ 2.389ha.
Trên 570ha trong vùng xác lập còn lại được giao cho 357 hộ dân tại địa bàn các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP Thái Nguyên); Tân Thái, Lục Ba, Vạn Thọ (huyện Đại Từ) và xã Phúc Tân (TX Phổ Yên) quản lý vì đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sổ lâm bạ. Phần diện tích thuộc các hộ dân quản lý đã, đang được cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện hoàn tất việc giao rừng gắn với đất theo Thông tư liên tịch số 07/2011 nên cơ bản thuận lợi, có sự đồng thuận của người dân.
Riêng diện tích 2.389 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc quản lý hiện có nhiều vấn đề phát sinh, chưa được giải quyết dứt điểm từ nhiều năm nay. Tình trạng tàn phá rừng liên tục xảy ra; nhiều hộ dân tự bỏ vốn trồng và bảo vệ rừng hàng chục năm nay nhưng chủ rừng được công nhận lại là Ban quản lý.
Hầu hết người dân có diện tích đất nằm trong xác lập rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc đều có nguyện vọng được giao đất, giao rừng.
Ông Đặng Ngọc Chung (xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên) cho biết, gia đình ông đã quản lý, canh tác đất từ trước năm 1974 (khi chưa có hồ Núi Cốc) và tự bỏ vốn trồng cây, đưa cả phần mộ của ông cha về chôn cất nên mong muốn được Nhà nước giao đất, giao rừng.
Ông Long Văn Đoài (một người dân khác) cho biết, diện tích đất của gia đình ông đã ở ổn định từ trước năm 1990, sống bám rừng vậy mà năm lần bảy lượt đề nghị cấp bìa đỏ vẫn không được thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Quý (Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc) lại khẳng định, khi cấp có thẩm quyền đã giao đất, giao rừng cho chúng tôi trực tiếp quản lý thì các tổ chức, cá nhân muốn hưởng lợi từ rừng phải ký hợp đồng nhận trông coi, bảo vệ theo quy định.
Quan điểm của chính quyền các xã có đất nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc lại cho rằng việc quản lý rừng hiện nay chưa hiệu quả (rừng liên tục bị tàn phá) nên Nhà nước hãy giao 100% diện tích cho người dân quản lý, dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn và chính quyền theo cơ chế rừng phòng hộ.
Ông Phạm Tuấn Hùng, xóm Gốc Mít, xã Tân Thái (huyện Đại Từ) đề nghị cơ quan chức năng cho phép khai thác 4,5ha keo gia đình tự bỏ vốn trồng từ năm 2005 để trồng cây bản địa thay thế.
Diện tích đất, rừng trồng của ông Hùng đã được chính quyền xã Phúc Xuân xác nhận là có nguồn gốc chuyển nhượng từ các hộ khác ở địa bàn từ năm 2000 và gia đình tự bỏ vốn trồng, trông coi, bảo vệ rừng. Nhưng năm 2015, công dân này làm thủ tục khai thác, trồng mới lại diện tích rừng nêu trên thì bị từ chối cấp phép theo quy định.
Bức xúc, công dân này đã gửi đơn đề nghị đến các cấp, ngành cao hơn. Ngày 21/3/2016, ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên đã có văn bản số 378 chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã Phúc Xuân hướng dẫn ông Nguyễn Tuấn Hùng trình tự, thủ tục khai thác rừng (thời gian xong trước ngày 30/3/2016).
Cho đến nay, ông Hùng, người chấp hành theo quy định thì chưa được giải quyết còn một số lô khoảnh của cá nhân khác ở phụ cận lại khai thác, vận chuyển lâm sản ra khỏi địa bàn một cách lén lút, không phép nên ông Hùng càng bức xúc.
Việc khai thác rừng keo trong khu vực xác lập rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc để trồng cây bản địa cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi mà cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp phép khai thác yêu cầu người dân phải tiến hành thủ công, như: Dùng trâu kéo, khuân vác bằng… sức người. Một số người dân cho rằng nếu bắt buộc khai thác thủ công theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, số tiền chi phí bằng số tiền bán lâm sản nên sẽ không còn khả năng trồng lại cây bản địa theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Giải thích về vấn đề này, bà La Thị Phượng, cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc cho rằng, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, khai thác rừng phòng hộ phải thực hiện theo băng hoặc tỉa thưa và nghiêm cấm việc san ủi đường vào rừng phòng hộ. Không có đường thì không có phương tiện cơ giới vào rừng phòng hộ nên việc phải dùng trâu kéo, người khuân vác lâm sản là tất yếu...
Một trong những bất đồng khiến nhiều người dân bức xúc nữa là việc thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường rừng. Người dân lập luận, những diện tích rừng do Ban quản lý đã bị tàn phá thì được hưởng phí. Trong khi những diện tích đất rừng có nguồn gốc của dân, do dân tự bỏ vốn ra trồng, muốn hưởng phí lại phải ký hợp đồng với Ban để hưởng mức trông thuê với giá 100.000 đồng/ha. Tại địa bàn, giá để thuê người trông coi còn lên đến 10 triệu đồng/ha.
Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc trong những năm qua thường xuyên bị mất cắp; phần lớn diện tích rừng phòng hộ được trồng cây keo quá 10 năm tuổi bắt đầu thối gốc, đổ gẫy; đời sống của một số hộ dân nằm trong vùng xác lập khó khăn do chi phí bảo vệ, dịch vụ môi trường còn thấp…
Để giải quyết những vấn đề này, năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chính sách cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan khai thác một số diện tích rừng trồng keo nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc để trồng thay thế bằng cây bản địa, như mít, trám, sấu…
Chính sách này phù hợp với nguyện vọng của hầu hết các hộ dân có đất nằm trong vùng xác lập hoặc nhận giao khoán bảo vệ rừng và cũng đáp ứng được tiêu chí, chức năng của rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai việc trồng cây bản địa thay thế cây keo theo chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thủ tục hành chính khai thác rừng keo trưởng thành trong vùng xác lập quá rườm rà, nhận thức của cán bộ chuyên môn, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện còn khác nhau...
Bản chất của việc thay đổi cơ chế, chính sách đã khẳng định sự xác nhận những tồn tại của cơ chế quản lý cũ. Cùng với những rối ren trong công tác quản lý và tình trạng phá rừng trên địa bàn trong những năm qua, đã đến lúc cần xem lại hoặc nâng cao hơn nữa vai trò, năng lực của cơ quan Ban quản lý rừng; sự hỗ trợ của Ban này cho người dân sống với rừng?
Xét trên cả 2 mục tiêu là dân sinh và bảo vệ, phát triển rừng, rõ ràng, UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép chuyển đổi cây keo đến tuổi trưởng thành để trồng cây bản địa trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc là vẫn đáp ứng được các mục tiêu: Che phủ đất, chống xói mòn; bảo vệ môi trường, cảnh quan nhưng người dân thu được hoa lợi để sống khá từ rừng. (Nông Nghiệp Việt Nam 12/9) đầu trang(
2 năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã khởi tố 4 vụ phá rừng, sắp đưa ra xét xử 3 vụ, còn 4 vụ phá rừng khác đang chuẩn bị khởi tố, tuy nhiên rừng phòng hộ Khe Diên vẫn ngày ngày bị tàn phá để… trồng mới, chiếm đất. Dư luận ở Nông Sơn đang rộ lên câu hỏi: Ai đứng đằng sau những “lâm tặc thường dân”, không sợ luật pháp?
Tại hai tiểu khu 435 và 427 (xã Phước Ninh và Quế Trung, huyện Nông Sơn), tình trạng phá rừng diễn ra cách đây chưa lâu, khi những khoảnh rừng ven đường vào Thủy điện Khe Diên cháy nham nhở, trơ ra những gốc cây lớn còn in hằn vết cưa.
Tiểu khu 435 chỉ cách mỏ than Nông Sơn chừng 5km đường rừng, loang lổ bởi những đám rừng bị đốt hạ không thương tiếc. Tấm bảng cảnh báo “Rừng phòng hộ - cấm xâm phạm” của Hạt Kiểm lâm Nông Sơn không ngăn được người dân địa phương ngang nhiên đốt rừng, cát cứ, chiếm đất. Ven đường vào Thủy điện Khe Diên, phóng viên ghi nhận tình trạng rừng ở đây bị chặt phá tan hoang. Nhiều gốc cây to bị phạt ngang, cháy sém.
Anh H - một người dân đi câu đêm ở lòng hồ Khe Diên cho biết, mấy tuần nay lắng xuống, nhưng từ đầu năm đến nay, người dân lên đốt rừng, đốn cây ào ào. Kiểm lâm vào thì họ chạy.  Đặc biệt, theo anh H, thời gian gần đây, việc chặt phá rừng để trồng keo ngay trên khu vực được quy hoạch rừng có chức năng phòng hộ tiếp tục diễn ra với mức độ và quy mô lớn. Toàn bộ cây rừng sau khi được đốn hạ được vận chuyển đi nơi khác, cành và gốc đã bị đốt cháy rụi.
Theo phản ánh của người dân, điều rất kỳ lạ là các khoảnh rừng phòng hộ thường bị phá vào ban đêm. Đa số “lâm tặc” là người dân lên chặt cây, thu gom rồi đốt làm rẫy. Hầu hết các nơi rừng bị phá được trồng keo tràm ngay sau đó (?). Với cách “phá rừng” vô cùng tinh vi này, hầu như những khoảnh rừng có thân gỗ lớn, đang làm chức năng phòng hộ bỗng chốc sau một đêm trở thành rừng sản xuất, trồng keo tràm. Điều này giải thích vì sao người dân tố cáo, lấy gỗ không phải là mục đích chính của việc phá rừng mà là lấy đất.
Trước tình trạng phá rừng và xâm hại rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn đã lập tổ kiểm tra việc phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Mặc dù chỉ đốt mỗi nơi chưa đầy 1ha, song con số tổng hợp của Hạt Kiểm lâm cũng đủ để giật mình: Qua kiểm tra và đo đạc có tổng cộng 32 lô với diện tích 36ha rừng bị xâm hại. Trong đó, tiểu khu 435 và 433 thuộc UBND xã Phước Ninh có 22 lô với diện tích 20,4ha; tiểu khu 427 thuộc xã Quế Trung bị phát 10 lô với diện tích 15,6ha.
Quá trình kiểm tra, tổ công tác cũng phát hiện 3 lán trại trong rừng và đã lập biên bản tiến hành tiêu hủy. Ngoài ra, tổ công tác phát hiện một số đối tượng phá rừng nhưng đã nhanh chóng bỏ trốn, nên không thể bắt giữ.  Tuy nhiên, tổ công tác chỉ lập biên bản 4 vụ phá rừng với diện tích 5,3ha có nhiều cây gỗ lớn. Số diện tích còn lại được xác định là đất chưa có rừng, chỉ có dây leo, cây bụi và rải một số cây gỗ lớn (?).
Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn cho biết: Ngoài 4 vụ khởi tố từ 2015 tới đầu năm 2016, gần đây, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát xác minh hiện trạng 4 lô có nhiều cây thân gỗ trên diện tích bị phá trái phép.
Kết quả đo đạc, tính trữ lượng đã xác định được 1 lô với diện tích 3,3ha đất chưa có rừng thuộc kiểu trạng thái Ib, còn lại 3 lô với diện tích 2ha là rừng nghèo. Hạt Kiểm lâm đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng theo ông Nguyên, Hạt đã chuyển cho xã Quế Trung 9 vụ, xã Phước Ninh 20 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật cho UBND 2 xã này xử lý theo thẩm quyền.
Theo ông Nguyên, hiện nay tình trạng khai thác mua bán lâm sản trái phép và phá rừng trái phép trên địa bàn vẫn diễn ra do nhiều nguyên nhân như: Lợi nhuận cao, trong khi đó đời sống nhân dân còn khó khăn, thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất. Thậm chí có nơi chính quyền cấp xã chưa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Riêng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại xã Phước Ninh, Quế Ninh và Quế Trung do một phần các địa phương còn chậm trong công tác phối hợp với cơ quan liên quan trong vấn đề rà soát lập phương án giao đất lâm nghiệp cho nhân dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc người dân ngang nhiên phá rừng, chiếm đất còn được một số đối tượng “có máu mặt” thuê làm. Rất nhiều lô rừng bị phá đến nay vẫn chưa tìm ra manh mối, thủ phạm. Khi phóng viên đề cập đến vấn đề này, ông Nguyên ngập ngừng không nói, sau đó, ông này quả quyết: “Chưa nghe dư luận phản ánh vấn đề này”! (Dân Việt 13/9) đầu trang(
Vào lúc 14h chiều 11/9, phóng viên có mặt tại xóm Hà Chua, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và được tận mắt chứng kiến 2 bè gỗ, đường kính mỗi cây gỗ khoảng từ 50-60cm, mỗi bè dài khoảng 5m, rộng hơn 2m, phía trên bè được nguỵ trang bằng tre nứa.
Qua quan sát, 2 bè gỗ này được lâm tặc nối với nhau bằng những sợi dây thừng và chèo chống từ Khe Chè (Vườn Quốc gia Vũ Quang) ra sông Ngàn Phố (Cách Trạm Kiểm lâm Sơn Tây chỉ khoảng vài trăm mét) để đưa đi tiêu thụ.
Ngoài lực lượng trực tiếp chèo bè gỗ, còn có một nhóm người đi bộ dọc bên bờ sông để canh gác, hộ tống mỗi khi bè gặp phải chướng ngại vật hoặc sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Nhiều người dân ở huyện Hương Sơn phản ánh, gỗ chủ yếu được chặt hạ trong rừng vào mùa khô và đến mùa mưa, nước sông dâng cao là lâm tặc lại vào rừng kết gỗ lậu thành bè nổi đem đi tiêu thụ. Nạn chặt phá rừng, vận chuyển gỗ bằng đường sông nơi đây khá phổ biến, nhưng điều nghịch lý là không hề thấy các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, nên tình trạng này ngày càng diễn ra công khai, bất hợp pháp.
Gỗ lậu tập kết thành bè trên sông Ngàn Phố diễn ra ngay giữa ban ngày nhưng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn không hề hay biết, hoặc có biết cũng như không. Thử hỏi công tác quản lý, bảo vệ rừng tận gốc, việc tuần tra, kiểm soát lâm sản tại địa phương này được quán triệt, triển khai đến đâu? Hay tất cả chỉ thực thi nhiệm vụ theo kiểu “phớt lờ, tiếp tay”, đôi bên cùng có lợi? (Đài Tiếng Nói Việt Nam 12/9) đầu trang(
Theo hồ sơ đề cử mở rộng, không gian di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long sẽ được mở rộng đến Quần đảo Cát Bà- Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến về việc xây dựng hồ sơ đề cử mở rộng không gian di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến Quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản thế giới năm 1972.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thành phố Hải Phòng trong việc xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan.
Cát Bà là nơi hòa quyện giữa rừng và biển, tạo nên một phong cảnh có một không hai. Đến với hòn đảo xinh đẹp này, du khách không chỉ được tắm mình dưới những bãi biển xanh mát mà còn có thể khám phá thiên nhiên huyền bí qua những cánh rừng nguyên sinh trên đảo. Rừng quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha có khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng 570 ha với hệ thống động thực vật phong phú, đặc trưng là loài Vooc đầu trắng và cây Kim Giao.
Quần đảo Cát Bà đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Diện tích khu vực đề cử di sản thế giới là 33.670 ha (trong đó: 13.478 ha đất tự nhiên và 20.192 ha mặt biển) và diện tích vùng đệm của khu vực đề cử di sản thế giới là 13.000 ha, trong đó: 3.984 ha đất tự nhiên và 9.016 ha mặt nước.
Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) nằm phía đông nam TP.Hải Phòng gồm 367 đảo nhỏ, có vịnh Lan Hạ hoang sơ hơn Hạ Long. Đây là điểm du lịch lý tưởng, phù hợp với mọi người. Cát Bà vừa có biển, rừng, lại có đèo. Du khách có thể khám phá bằng xe máy với hệ thống đường xá và bến phà thuận tiện.
Việc đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, giúp chúng ta nhận thức rõ Quần đảo Cát Bà là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. (VietQ 12/9) đầu trang(
Gần đây, voi rừng liên tục xuất hiện vào ban đêm xuống khu vực sản xuất nông nghiệp và khu dân cư phá hoại hoa màu, xua đuổi người dân và giết hại trâu bò...
Gần đây, voi rừng liên tục xuất hiện vào ban đêm xuống khu vực sản xuất nông nghiệp và khu dân cư phá hoại hoa màu; xua đuổi người dân và giết hại trâu bò, phá ống nước, lều lán, khiến người dân hoang mang.
Khu vực voi xuất hiện thuộc bản Kéo, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết, cá thể voi này liên tục phá hoại tài sản, hoa màu của người dân và tấn công cả người.
Theo báo cáo của UBND huyện Sông Mã, ngày 16/7/2016 voi giết chết 1 con trâu của ông Lò Văn È, rồi xuống trung tâm phá hoại chuồng trâu của người dân; ngày 22/6/2016 đuổi 2 ông Vì Văn Nhọt và Vì Văn Phản; ngày 16/11/2015 voi giết chết 1 con bò của ông Vì Văn Sưa; ngày 26/2/2016 giết chết 1 con bò của ông Lò Văn Ùi; ngày 4/3/2016 giết chết 1 con bò của ông Vì Văn Thanh; 14/4/2016 giết chết 2 con bò của ông Lò Văn Hưởng và Lò Văn Hoan; ngày 26/5/2016 voi đuổi vợ chồng ông Vì Văn Pành, bà Lò Thị Thiên gây thương tích nhẹ; ngày 2/6/2016 đuổi vợ chồng ông Lò Văn Tám, bà Lò Thị Un...
Theo thống kê của huyện Sông Mã, từ năm 2014 đến nay voi rừng đã phá hoại 156 lần, với công tác khắc phục hậu quả là 240 ngày công; giết chết 1 con trâu, 5 con bò; hủy hoại 1 máy phát cỏ, 1 máy thái sắn, 1 nhà ở, 1 chuồng trại, 404 ống và 3.300m dây dẫn nước các loại; làm thiệt hại 1,5ha ruộng lúa nước, 23ha nương ngô, sắn. Tổng giá trị thiệt hại là 439.051.400đ.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Sông Mã đã đề nghị UBND tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng đề xuất với Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), Bộ TN-MT và các ngành chức năng áp dụng các biện pháp di chuyển voi rừng vào khu vực bảo tồn thiên nhiên, nơi voi có đủ điều kiện môi trường sinh sống, vừa bảo tồn được động vật hoang dã, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm sản xuất.
Vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Bảo tồn thiên nhiên đã có buổi làm việc với huyện Sông Mã và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La nhằm thống nhất các phương án thực hiện và tìm ra các giải pháp tốt nhất để bảo tồn cá thể voi hoang dã nói trên, phòng tránh xung đột voi với người. (Nông Nghiệp Việt Nam 13/9) đầu trang(
Yă Tao hiện là con voi nhà còn sống sót duy nhất và cuối cùng, minh chứng cho một thời huy hoàng của vùng đất đại ngàn Bắc Tây Nguyên (Gia Lai và Kon Tum).
Có khá nhiều người tìm tới hỏi mua Yă Tao từ ông Ksor Chăm (SN 1940, trú làng Plei Pa Kdranh, Chư Mố, Ia Pa, Gia Lai), nhưng ông Chăm nhất định không bán. Ông và gia đình mình đã gắn bó với chú voi hơn 50 tuổi đời này hàng chục năm nay, nó đã trở thành thành viên không thể thiếu trong gia đình ông…
Và có lẽ hơn ai hết, ông Chăm là người luôn hoài niệm về quá khứ. Ngồi trầm ngâm trên ngôi nhà dài truyền thống của người J’rai, mắt nhìn xa xăm, quá khứ như ùa về trước mắt ông Chăm: “Trước kia, xung quanh đây là rừng, khắp nơi đều là rừng, trong xã này có nhiều người nuôi voi chứ không phải mình nhà mình…”.
Ông Chăm kể, đời ông, cha của ông đã nuôi voi, vì vậy ông cũng tiếp nối truyền thống này của ông cha mình. Năm 1973, ông sang tận Buôn Đôn (Đăk Lăk) mua 1 con voi đực với số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Con voi này được ông đặt tên là Bạk Xôm.
Với người Tây Nguyên lúc bấy giờ, voi là con vật rất quan trọng trong đời sống của họ. Nhiều ngôi nhà sàn, nhà Rông sừng sững trước bầu trời đều có công rất lớn từ những con voi đi kéo gỗ trong rừng sâu về, giúp dân làng có gỗ dựng nhà. Voi Bạk Xôm cũng vậy, không chỉ nhà ông Chăm mà nhiều ngôi nhà khác khắp trong vùng đều được Bạk Xôm kéo gỗ về để dựng… Voi cũng giúp gia đình ông Chăm đi thăm người thân ở xa nhanh hơn.
Thương Bạk Xôm thui thủi một mình, sau một thời gian tích cóp, vào khoảng năm 1990, ông Chăm tiếp tục mua thêm 1 con voi cái với giá tương đương 150 con bò để về làm vợ Bạk Xôm. Tuy nhiên, đến năm 1995 thì Bạk Xôm bỗng dưng chết.
Không chỉ BạK Xôm, theo ông Chăm, một số con voi khác trong vùng cũng lần lượt chết, rồi rừng cũng từ từ “biến mất”. Và cho đến nay, Yă Tao là con voi nhà còn sống duy nhất trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên- Gia Lai và Kon Tum.
“Trước đây, xung quanh làng đều là rừng, tất cả những dãy núi kia cũng đều là rừng rậm hết. Nhưng bây giờ người ta phá hết rừng rồi, xung quanh đây không còn cây rừng nào cả, trên núi kia cũng không còn cây gỗ to nữa. Voi ở trong vùng cũng đã chết hết, chỉ còn mỗi Yă Tao”, ông Chăm nói trong xót xa.
Rừng hết gỗ, người dân cũng bắt đầu chuyển sang xây nhà bằng gạch, nên nhiều năm nay Yă Tao rất “nhàn rỗi”. Tuy vậy, sự chăm sóc của gia đình ông Chăm đố với Yă Tao vẫn không thuyên giảm.
Yă Tao được gia đình ông Chăm nuôi ở những quả đồi quanh rẫy nhà mình, nơi hầu như chỉ còn những bụi le. Vào mỗi buổi chiều, bất kể mưa hay nắng, một số người con rể của ông Chăm lại thay nhau vào chỗ Yă Tao để dẫn Yă Tao xuống sông uống nước, và cột vào một chỗ khác để voi có thức ăn.
Trước đây, khi biết tin ông Chăm đang sở hữu 1 con voi, đã có nhiều người và một số công ty du lịch đến hỏi mua Yă Tao nhưng ông Chăm kiên quyết không bán. Ngoài ra, còn có một số người giới thiệu từ bên Đăk Lăk, Lào, Campuchia sang ngỏ ý muốn đưa Yă Tao theo họ để về giúp con voi này có thể sinh sản được.
Ông Chăm không đồng ý bởi ông lo không rõ mục đích thật sự của những người hỏi mua voi là gì. “Trước đây, nhiều người hỏi mua nó, có người trả giá tới 1,5 tỷ đồng nhưng mình không bán, vì nó đã gắn bó nhiều năm với gia đình mình. Mình cũng muốn nó có thể sinh con nhưng do mình không biết những người sang hỏi mình là ai, nếu là nhà nước thì mình đã đồng ý rồi, nhưng chưa có ai là cán bộ nhà nước đến hỏi mình cả”, ông Chăm chia sẻ.
Đến nay, voi Yă Tao đã có tuổi đời chừng 50 năm. Yă Tao không chỉ minh chứng cho một thời hùng vĩ của mảnh đất Bắc Tây Nguyên, một thời bạt ngàn rừng xanh, tràn đầy muông thú… mà Yă Tao còn là “nhân vật lịch sử” minh chứng cho sự đổi thay của thời cuộc.
Sống cô độc không có đồng loại, nhưng có lẽ niềm an ủi lớn nhất dành cho Yă Tao là tình cảm của gia đình ông Chăm. Không chỉ được chăm sóc hàng ngày, vào những dịp cuối năm, gia đình ông Chăm đều dẫn Yă Tao về nhà, làm lễ cúng để cầu cho con voi nhà mình có được sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật… “Năm nào mình có tiền thì mình làm thịt cả 1 con trâu để cúng, nếu không có thì mình làm con heo, con gà cùng 5 ghè rượu để cúng cầu sức khỏe cho voi”, ông Chăm kể.
“Mình với Yă Tao có nhiều kỷ niệm, ngay chính ngôi nhà mình đang ở đây cũng là do Yă Tao kéo gỗ về để mình dựng nhà. Nhìn đâu cũng có kỷ niệm của mình và voi, không thương sao được!”, ông Chăm bày tỏ. (Dân Trí 12/9) đầu trang(
Mới đây, một con voi rừng rất hung dữ xuất hiện tại bản Mánh (Nghệ An), đã tàn phá rất nhiều ruộng vườn và tấn công người dân.
Cách đây không lâu, tại bản Mánh, xã Bắc Sơn, huyện Qùy Hợp (Nghệ An), người dân phát hiện 1 con voi rừng rất lớn xuất hiện. Theo quan sát, con voi có chiều cao khoảng 3,5m, dài 4m, mỗi bước chân voi có khoảng cách gần 1m. Những người có thâm niên đi rừng tại đây nhận định, đây là con voi có trọng lượng rất lớn.
Người dân địa phương thông tin, trước đây voi cũng từng xuất hiện tại vùng này vào thời điểm lúa trổ bông sắp chín, voi thường hay từ trên rừng xuống bản để ăn lúa và hoa màu, thậm chí vào cả ban đêm. Để tránh sự tàn phá của voi rừng, người dân đã treo đèn tại các bờ ruộng và cắt cử người canh chừng. Thế nhưng, khi gặp sự ngăn cản, voi lại trở nên hung dữ hơn, tấn công cả con người.
Được biết, tại địa phương đã từng có 2 nạn nhân bị voi tấn công phải nhập viên là bà Lô Thị Thuận (54 tuổi), bà Lo Thị Thoại (44 tuổi), trú tại xã Nam Sơn, huyện Qùy Hợp. Chính vì điều này đã khiến bà con nhân dân tại địa phương rất bất an. Ông Lô Văn Trung (34 tuổi), Trưởng bản Mánh chia sẻ: “Năm nào người dân nơi đây cũng bị voi tấn công nên chúng tôi rất lo lắng. Ngoài tàn phá, giày xéo hết các ruộng vườn thì nó còn tỏ ra rất hung dữ với con người”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vi Kim Qúy, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: “Nhiều năm nay, người dân địa phương đã sống trong lo lắng khi gặp phải voi rừng. Chính quyền đã có công văn gửi các cơ quan chức năng có phương hướng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể”. (Người Đưa Tin 13/9) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 119/2016/NĐ-CP, quy định về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững ven biển ứng phó với biển đổi khí hậu.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/10/2016 sẽ tạo điều kiện phát triển rừng ven biển bền vững, ứng phó hiệu quả với các nguy cơ từ biến đổi khí hậu.
Theo đó, chính sách đầu tư của nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển gồm:
Ngân sách các địa phương bảo đảm kinh phí cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo kế hoạch, dự toán được duyệt và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, gồm: Thống kê rừng, kiểm kê rừng và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; tổ chức giao, cho thuê rừng ven biển; hoạt động của bộ máy Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định; tuyên truyền, giáo dục; khuyến lâm; nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, chức năng của rừng ven biển trong ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng ven biển và đầu tư, hỗ trợ kinh phí ngoài mức hỗ trợ và đầu tư từ ngân sách TƯ theo điều kiện thực tế của địa phương.
Ngân sách TƯ bảo đảm kinh phí sự nghiệp kinh tế cho khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ven biển; mức kinh phí hỗ trợ khoán bảo vệ rừng ven biển tối đa bằng 1,5 lần so với mức bình quân khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định hiện hành; mức kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4 triệu đồng/ha trong thời gian 5 năm (bình quân 800.000 đồng/ha/năm); kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/ha, chỉ thực hiện năm đầu tiên đối với diện tích mới khoán. (Nông Nghiệp Việt Nam 13/9) đầu trang(
Dù có nguồn gốc từ đất xâm canh, nhưng UBND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) vẫn đề xuất cấp sổ đỏ cả chục hécta đất rừng cho vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Sở KH-ĐT, nguyên Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông, nghỉ hưu vào tháng 2-2016) và bà Từ Thị Khanh (Chánh Văn phòng Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk).
Trong khi đó, khu đất này là đất lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Trường Xuân và thuộc quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đắk Nông.
Nằm sát bên đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) với chiều dài khoảng 100m, khu đất của vợ chồng ông Sơn, bà Khanh có địa thế rất đẹp và cách thị xã Gia Nghĩa chỉ khoảng 15km. Trên khu đất này, gia chủ đang nuôi heo rừng và trồng nhiều loại cây như: mít, tiêu, bơ… Trên đó còn có căn nhà cấp bốn ghi bảng tên Công ty TNHH Thái Huy và cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp.
Theo báo cáo số 667/BC-SNN của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông gửi UBND tỉnh ngày 11-6-2014, khu đất ông Sơn và bà Khanh đang sử dụng có diện tích 15,24ha thuộc khoảnh 7, tiểu khu 1665 và khoảnh 3, tiểu khu 1682 do Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý. Qua kiểm tra, Sở NN-PTNT phát hiện trong số đó có 12ha nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp (1ha được quy hoạch là rừng phòng hộ và 11ha được quy hoạch là rừng sản xuất theo quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đắk Nông vào năm 2013) thuộc khoảnh 7, tiểu khu 1665.
Còn theo Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân, trong tổng số diện tích nói trên, có khoảng 13ha đất lâm nghiệp bị xâm canh đang được vợ chồng ông Sơn và bà Khanh trồng cây lâu năm, cây rừng (như: cà phê, mít, keo, xoan…) và chăn nuôi. Diện tích còn lại khoảng 1,6ha chủ yếu là rừng thông, được trồng vào năm 1984 bằng ngân sách Nhà nước.
Chiều 11-9-2016, ông Nguyễn Thanh Sơn xác nhận thông tin trên và cho biết diện tích nói trên vẫn chưa được cấp sổ đỏ vì phải chờ UBND huyện Đắk Song làm cùng một đợt với nhiều người khác. Nguồn gốc đất do vợ chồng ông mua lại đất khai hoang của những người dân trong vùng, chứ không phải được cấp? Ngoài diện tích này, vợ chồng ông Sơn còn được cấp 5 sổ đỏ khác với diện tích gần 6ha vào năm 2005 và 2008. Tổng cộng, gia đình ông đang sử dụng gần 20ha đất hai bên mặt tiền đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Trường Xuân, huyện Đắk Song).
Dù diện tích đất lâm nghiệp ông Sơn và bà Khanh sử dụng thuộc quy hoạch 3 loại rừng, nhưng các cơ quan chức năng địa phương đều đồng thuận giao diện tích nói trên cho huyện Đắk Song cấp sổ đỏ cho ông Sơn và bà Khanh sử dụng.
Theo báo cáo số 667/BC-SNN của Sở NN-PTNT Đắk Nông, Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân nói rằng không có nhu cầu sử dụng diện tích nói trên, không có kinh phí và khả năng giải tỏa diện tích này và đề nghị tỉnh thu hồi giao cho UBND huyện Đắk Song. Còn UBND xã Trường Xuân và huyện Đắk Song thống nhất tiếp nhận khu đất nói trên. Sở TN-MT Đắk Nông cũng cho rằng việc Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân giao trả diện tích trên về cho địa phương quản lý là phù hợp với quy định của pháp luật?
Ngày 25-7-2014, UBND huyện Đắk Song đã làm tờ trình số 45/TTr-UBND do Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song Nguyễn Hữu Khánh ký gửi UBND tỉnh đề nghị thu hồi hơn 15ha đất lâm nghiệp nói trên giao về cho UBND huyện quản lý, sử dụng. Sau khi được bàn giao, UBND huyện Đắk Song sẽ cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Từ Thị Khanh tiếp tục quản lý, sử dụng.
Nguồn tin từ huyện Đắk Song cho biết các tài liệu đề nghị cấp sổ đỏ đất rừng cho ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Từ Thị Khanh đến nay vẫn còn hiệu lực. Các tài liệu này được lập trong các năm 2013 - 2015, khi ông Sơn đang làm Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông. Hiện diện tích đất nói trên vẫn chưa được giao về cho UBND huyện Đắk Song quản lý và ông Sơn, bà Khanh đang nghiễm nhiên canh tác trên đất lâm nghiệp.
Theo quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 2-12-2013 của UBND tỉnh Đắk Nông “Về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đắk Nông”, có 12ha đất rừng (nằm tại khoảnh 7, tiểu khu 1665 ở xã Trường Xuân) do ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Từ Thị Khanh đang sử dụng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh. Những diện tích nằm trong quy hoạch này phải được quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo các chương trình của Nhà nước và quy định hiện hành của pháp luật. Vì thế, khu đất nói trên sẽ không được cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho cá nhân sử dụng. (Sài Gòn Giải Phóng 12/9) đầu trang(
Người trồng rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định đang tập trung xử lý thực bì, đào hố, chuẩn bị cây giống lâm nghiệp... để bước vào vụ trồng rừng thu đông 2016.
Để đảm bảo nguồn cây giống có chất lượng cao, lực lượng thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã tăng cường kiểm tra...
Ông Phạm Bá Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 120 đơn vị đăng ký SXKD cây giống lâm nghiệp, so với thời điểm tháng 9/2015 đã tăng thêm 8 đơn vị. Các cơ sở SX cây giống đã xây dựng được 149 vườn ươm, với tổng diện tích 46,3ha, năng lực SX khoảng 200 triệu cây/năm.
Hầu hết các đơn vị SX cây giống bằng phương pháp giâm hom đối với cây keo lai; một số đơn vị SX cây giống keo lai, bạch đàn từ nuôi cấy mô và SX các loài cây bản địa như phi lao, keo lá tràm, thông Caribe, sao đen, bời lời...
Cây giống lâm nghiệp trên địa bàn Bình Định khá đa dạng về chủng loại, giá cả phải chăng, nên các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng rừng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Riêng đối với vườn cung cấp hom keo lai, toàn tỉnh có 150 nguồn giống với tổng diện tích 49,5ha dùng để SX cây con bằng phương pháp giâm hom, năng lực cung cấp 140 triệu hom/năm.
Cũng theo ông Phạm Bá Nghị, các cơ sở SXKD cây giống phát triển mạnh là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là do chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý cây giống lâm nghiệp theo quy định của Bộ NN-PTNT; tình trạng xuất bán cây giống nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống vẫn còn xảy ra tại một số địa phương. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 80% số cơ sở SX cây giống có quy mô nhỏ, công suất SX giống dưới 1,5 triệu cây/năm. Số cơ sở này chưa được kiểm soát chất lượng nguồn gốc giống chặt chẽ và các quy trình SX giống chưa đảm bảo theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT.
Theo cơ quan chuyên môn, nếu người trồng rừng mua phải cây giống kém chất lượng thì hậu quả mang lại rất lớn, vì cây giống có chu kỳ phát triển khá dài, phải mất từ 4 - 5 năm sau mới phát hiện được.
Ông Nguyễn Hiếu Hòa, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định lo lắng: “Nếu cây giống lâm nghiệp kém chất lượng thì người trồng rừng chịu thiệt hại rất lớn. Nếu không quản lý từ gốc, để giống dỏm tung hoành, người dân mua về trồng thì phải đến nhiều năm sau mới biết mình “sập hố”. Đến lúc ấy đành lâm cảnh tiền mất tật mang, vì cây rừng phát triển èo uột, năng suất gỗ thấp. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ các cơ sở SX cây giống là vấn đề đáng được quan tâm và phải được duy trì thường xuyên”.
Nhằm chấn chỉnh công tác SX giống lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp trước khi bước vào vụ trồng rừng mới.
Bộ NN-PTNT yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố phải tổ chức quản lý, kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc từ khâu thu hoạch vật liệu giống, cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, quản lý SX cây con ở vườn ươm, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc cây con tới khâu lưu thông đến chân lô trồng rừng.
Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân SX cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, tái kiểm tra với các cơ sở SX giống quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ; những cơ sở không đủ điều kiện SXKD phải bị đình chỉ SX hoặc thu hồi giấy phép.
Ông Phạm Bá Nghị cho biết: Thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ tháng 6 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở NN-PTNT thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với Phòng NN-PTNT các huyện và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hoạt động SXKD và thực hiện các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực SX cây giống lâm nghiệp tại các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người trồng rừng không mua, không sử dụng các cây giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng rừng; tăng cường việc cấp giấy chứng nhận cây giống lâm nghiệp trước khi xuất vườn.
“Từ nay đến cuối vụ trồng rừng, lực lượng thanh tra, pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra thường xuyên hoạt động SXKD tại các vườn ươm trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các đơn vị có hành vi vi phạm”, ông Nghị nhấn mạnh.
Trong niên vụ trồng rừng năm nay, Bình Định có kế hoạch trồng 8.500ha rừng tập trung, bao gồm rừng phòng hộ, môi trường cảnh quan 372ha; rừng SX 8.128ha. Đến đầu tháng 9, các cơ sở SX cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gieo ươm được gần 120 triệu cây giống các loại. Hiện, công tác rà soát quỹ để chuẩn bị trồng rừng được 4.649ha, xử lý thực bì 3.755ha; cuốc hố và trồng rừng 31ha. (Nông Nghiệp Việt Nam 13/9) đầu trang(
Ông Trương Tấn Lực, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, cho biết: Ngày 14.9, đơn vị sẽ phối hợp với ngành chức năng huyện Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Lộc tiến hành nhổ bỏ 10,7 ha cây keo lai được trồng trái phép tại khoảnh 1, khoảnh 2a, tiểu khu 131, thuộc khu vực lòng hộ Vạn Định, xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ).
Trước đó, Báo Bình Định số ra ngày 17.3.2016 đăng bài “Rừng phòng hộ hồ Vạn Ðịnh (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ): Rừng bị tàn phá, xã không hay (!)”, phản ánh việc 11,25 ha rừng phòng hộ trạng thái IIA, tại tiểu khu 131, thuộc khu vực lòng hồ Vạn Định, bị chặt phá trái phép để trồng cây lâm nghiệp, chủ yếu là cây keo lai. (Báo Bình Định 11/9) đầu trang(
Chiều ngày 12/9, cây xà cừ bất ngờ bật gốc đổ ập vào nhà dân trên đường Tân Phước, trước lô A chung cư Nguyễn Kim, P.7 (Q.10) khiến người dân hoảng sợ.
Khoảng 16h cùng ngày,  trời đổ mưa lớn kèm theo gió giật mạnh, cây xà cừ cổ thụ bất ngờ lung lay rồi đổ gục, phần gốc bật lên khỏi mặt đất. Tán cây đập vào dãy nhà đối diện.
Phát hiện sự việc, người dân quanh đó hoảng sợ liền la hét lớn rồi bỏ chạy. Bước đầu xác định, cây xà cư có đường kính khoảng 1m, cao hơn 20m có tán rất rộng nằm chắn ngang đường Tân Phước, giao thông qua đây bị tê liệt. Tại phần gốc của cây xà cừ chỉ có vài rễ nhỏ, mái của 2 căn nhà bị tán cây đập vào gây hư hỏng.
Đến chiều tối cùng ngày, công nhân thuộc Công ty cây xanh TP dùng cưa cắt tỉa thân cây bị bật gốc.
Trước đó, từ ngày 26-30/8, 3 cây xanh ở quận 1 và quận 5 bị bật gốc, tét nhánh khiến 2 người chết, 1 người bị thương. (Infonet 13/9) đầu trang(
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) -cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 4,4 tỷ USD. Dự kiến các tháng cuối năm nay xuất khẩu sẽ đạt yêu cầu đặt ra là 7,2 tỷ USD.
Trong 8 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang phần lớn các thị trường đều bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thị trường Trung Quốc giảm tới 40% (do thị trường này giảm nhập khẩu dăm mảnh từ Việt Nam), Na Uy giảm trên 40%, ngoài ra các thị trường khác như Nam Phi, Phần Lan, Ấn Độ… cũng bị sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, xuất khẩu lại tăng mạnh ở một vài thị trường như: Campuchia, Mexico, Bồ Đào Nha...
Theo VIFORES, trong số các thị trường xuất khẩu hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn nhất các loại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm 39,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; tiếp đến thị trường Nhật Bản gần 553,5 triệu USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 535 triệu USD, chiếm 14%; Hàn Quốc 327 triệu USD, chiếm 8,6%.
Đáng chú ý, một số DN gỗ hoạt động tại Bình Dương cho hay, thị trường Hoa Kỳ lớn, nhiều tiềm năng đã trở thành đích ngắm của nhiều nước xuất khẩu trong đó có Trung Quốc. Thời gian gần đây nhiều DN sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu của Trung Quốc đã chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức thành lập DN có vốn FDI để lấy sản xuất sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Việc đầu tư ồ ạt của DN Trung Quốc vào ngành gỗ tại Việt Nam không chỉ khiến các DN trong nước mất đơn hàng và chịu sự cạnh tranh khốc liệt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ các sản phẩm đồ gỗ sẽ phải đối mặt với việc bị kiện chống bán phá giá từ một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật, EU do lượng hàng xuất khẩu tăng quá nhanh và có mức giá rẻ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, VIFORES có nghe thông tin này nhưng chưa nhận được sự phản hồi chính thức của DN gỗ tại Bình Dương. Theo ông Quyền, chỉ khi nào DN phản ánh từng trường hợp cụ thể thì VIFORES mới có cơ sở báo cáo, đề xuất hướng giải quyết tốt nhất cho DN Việt lên cấp cao hơn.
Liên quan đến hãng tàu Hanjin phá sản, ông Quyền thông tin, DN gỗ chỉ giao hàng cho đối tác nhập khẩu tại các cảng ở Việt Nam, các đối tác nước ngoài sẽ tự thuê hãng vận chuyển. Do đó, việc hãng tàu Hanjin tuyên bố phá sản đã không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các DN ngành gỗ. (Công Thương 12/9) đầu trang(
Chế biến gỗ là một trong 3 ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp giá trị sản xuất lớn nhất cho công nghiệp toàn tỉnh, góp phần tăng chỉ số công nghiệp chế biến của toàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm lên 12,4% .
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 150 doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở sản xuất, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong ngành chế biến gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 30 nghìn lao động, chiếm trên 20% tổng số lao động tham gia sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh với các loại sản phẩm chính là: gỗ xẻ, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, dân dụng và nội thất xây dựng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý của tỉnh và các ngành chức năng cùng với nỗ lực khuyến khích của các địa phương tạo điều kiện về mặt bằng mở rộng sản xuất; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động miễn phí… nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ có tiềm lực đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc hiện đại để phát triển sản xuất, kinh doanh như Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định; Công ty  TNHH Đoàn Kết; Công ty Cổ phần Thương mại Hợp Long, Công ty TNHH Thương mại Hoàng Tùng Linh .
Chế biến gỗ là một trong 3 ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp giá trị sản xuất lớn nhất cho công nghiệp toàn tỉnh, góp phần tăng chỉ số công nghiệp chế biến của toàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm lên 12,4% .
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển thành ngành mũi nhọn, bền vững, thời gian tới, ngành công thương và các ngành chức năng khác, UBND các huyện, thành phố tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục hành chính nhằm tăng cường thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các cụm công nghiệp tập trung tạo nhiều việc làm cho người lao động. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Nam Định 13/9) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Hàng tháng trời đơn độc tại tháp canh trên núi hẻo lánh, tách biệt với xã hội, không truyền hình, không Internet, họ được trả lương để hàng ngày quan sát rừng. Đó là người làm nghề trông rừng - công việc được coi là cô đơn nhất nước Mỹ.
Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, Mỹ có tới 10.000 người trông rừng, nay chỉ vài trăm người còn bám trụ với nghề. Họ được trang bị ống nhòm, la bàn và đài radio. Họ sống trong căn phòng rộng hơn 20 m2 trên tháp cao để quan sát toàn bộ cánh rừng, phát hiện các đám cháy. Đây là biện pháp chống cháy rừng khá thô sơ và cổ điển đối với nước Mỹ hiện đại.
Chàng trai 26 tuổi Levi Brinegar là người trông rừng cho Cục kiểm lâm Mỹ tại rừng quốc gia Helena-Lewis và Clark ở bang Montana. Cứ 5 đến 7 ngày Brinegar mới xuống núi. Đây cũng là thời gian hiếm hoi điện thoại của Brinegar có sóng để nhắn tin và gửi email. Khi ở trên núi, anh chỉ có thể liên lạc với thế giới bên ngoài qua radio.
Lịch trình hàng ngày của những người trông rừng ngày nào cũng như ngày nào. Họ dậy lúc 7 giờ sáng, báo cáo với cơ quan trung tâm, theo dõi rừng, đo độ ẩm, thông báo tình hình thời tiết, ăn trưa, tiếp tục quan sát rừng, ăn nhẹ, xem DVD và cuối cùng là đi ngủ. Brinegar còn trẻ tuổi nhưng chấp nhận việc sống tách biệt với xã hội này vì mức lương 12 USD/giờ. Brinegar không hề than thở mà thậm chí coi đây là công việc tốt nhất trên thế giới.
Kể từ khi đảm nhận vị trí vào tháng 7, Brinegar đã lập công khi báo được 4 vụ cháy bao gồm một vụ ở Núi Nevada cách đó 27 km. Các vụ cháy hầu hết đều được dập tắt kịp thời. Đến khi tuyết rơi, Brinegar sẽ tạm chia tay cánh rừng và sự cô đơn trong một thời gian.
Những người trông rừng khác cũng đang cần mẫn làm việc một mình giữa thiên nhiên rộng lớn khắp nước Mỹ trong mỗi mùa hè. Leif Haugen (46 tuổi), một “lão làng” thường huấn luyện những người trông rừng mới vào nghề, chia sẻ: “Chỉ có một tuýp người nhất định mới có thể làm việc này. Tất cả những người trông rừng đều lập dị”. Theo Haugen, người trông rừng phải hiểu được nhịp điệu của thiên nhiên.
Những người trông rừng thường đan len, leo núi, đọc sách, vẽ tranh, chụp ảnh hoặc học chơi nhạc cụ trong thời gian rảnh rỗi. Nhưng khi bắt tay vào việc, họ vẫn ngỡ ngàng với lượng thời gian cô đơn ở nơi heo hút, chỉ chăm chăm theo dõi rừng và thời tiết. Dù vậy, đối với những người có thể tự thích ứng với phong cách sống này, thành công sẽ đến với họ.
Một ví dụ điển hình là nhà thơ Gary Snyder. Ông từng làm nghề trông rừng lại Bắc Cascades, bang Washington trong một thời gian. Nhà văn Edward Abbey đã dùng trải nghiệm khi làm nghề trông rừng tại bang Utah và Arizona trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước để làm chất liệu cho các cuốn tiểu thuyết.
Cũng có thể kể đến Philip Connors, người đã từ bỏ công việc tại tờ Wall Street Journal sau sự kiện 11/9 rồi chuyển từ New York về bang New Mexico trông rừng quốc gia Gila với mức lương 13 USD/giờ. Ban đầu ông coi đây là cách để vừa có tiền, vừa được ngắm cảnh đẹp và có cảm hứng để sáng tác. Về sau, ông đã thực sự gắn bó với nghề trông rừng.
Mới đây, Wisconsin đã trở thành bang mới nhất đóng tháp trông rừng. Thay vào đó, bang này sử dụng máy bay và camera để chi phí rẻ và an toàn hơn. Nhưng tại Montana, New Mexico và nhiều nơi khác ở Mỹ, số nhân viên trông rừng vẫn ổn định trong thập kỷ qua. Dường như đôi mắt và trí tuệ con người vẫn có thể làm những việc mà máy bay không người lái, vệ tinh và camera không thể làm được. (Tin Tức 13/9) đầu trang(./.