Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 12 tháng 09 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông vừa ký kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ Hợp Tiến (gọi tắt là Hợp tác xã Hợp Tiến) có địa chỉ tại thôn 3B, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông).
Theo đó, sau hơn 1 năm thực hiện dự án, Hợp tác xã Hợp Tiến đã có nhiều sai phạm trong sử dụng, quản lý và bảo vệ hơn 1.200 ha đất được giao.
Hợp tác xã Hợp Tiến hoạt động trong lĩnh vực trồng, quản lý bảo vệ rừng; trồng cây nông lâm nghiệp và cây dược liệu. Tháng 2/2016, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định cho Hợp tác xã thuê hơn 1.200 ha đất tại hai tiểu khu 1644, 1645, thuộc địa phận xã Quảng Sơn. Đây là diện tích đất được thu hồi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn.
Sau hơn 1 năm được bàn giao đất trên thực địa (từ tháng 3/2016 đến nay), Hợp tác xã Hợp Tiến chủ yếu thực hiện hai nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và trồng rừng. Tuy nhiên, kết quả đạt được rất khiêm tốn, trong khi diện tích rừng bị tàn phá ngày càng nhiều. Cụ thể, tổng diện tích rừng mà Hợp tác xã trồng được từ khi thực hiện dự án đến nay là 5 ha bao gồm cây gáo vàng và mắc ca.
Liên quan đến công tác bảo vệ rừng, sau khi so sánh hiện trạng rừng và kết quả rà soát của Trung tâm Quy hoạch khảo sát thiết kế nông lâm nghiệp Đắk Nông trước khi bàn giao đất cho Hợp tác xã Hợp Tiến, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông xác định tổng diện tích rừng bị phá là hơn 53 ha; trong đó có hơn 36 ha bị phá từ tháng 6/2016 đến nay, phần còn lại hơn 17 ha bị phá trước thời điểm tháng 6/2016.
Đáng chú ý hơn, trong số 53 ha rừng bị phá, Hợp tác xã chỉ phát hiện, báo cáo và phối hợp xử lý được hơn 21 ha.
Theo Hạt kiểm lâm huyện Đắk G’Long, nhiều trường hợp rừng thuộc lâm phần Hợp tác xã Hợp Tiến bị phá với diện tích lớn nhưng Hợp tác xã không phát hiện, ngăn chặn, báo cáo kịp thời, cũng không xác định được đối tượng vi phạm để xử lý.
Thêm nữa, tình trạng tranh chấp đất đai giữa hợp tác xã với người dân kéo dài nhiều năm nay và 1 năm trở lại đây diễn ra phức tạp hơn. Hiện có 134 hộ dân tranh chấp với Hợp tác xã gần 270 ha.
Cũng theo kết luận thanh tra, nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp đất đai ngày là do ranh giới đất giữa người dân và hợp tác xã chưa rõ ràng; người dân lấn chiếm, canh tác trên đất đã nhiều năm nhưng các ngành chức năng không xử lý dứt điểm, hợp tác xã cũng chưa thỏa thuận, hỗ trợ thỏa đáng về tài sản, công khai phá của người dân nhưng lại cản trở quyền sử dụng đất của họ.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc phá hơn 53 ha rừng tại lâm phần do Hợp tác xã Hợp Tiến quản lý cho Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, làm rõ; chỉ đạo ngành chức năng xác định rõ, cắm mốc ngoài thực địa ranh giới đất đã giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến; giao UBND huyện Đắk G’Long chủ trì giải quyết việc tranh chấp đất đai giữa Hợp tác xã với 134 hộ dân theo hướng bóc tách phần diện tích người dân đã canh tác trước tháng 7/2014 ra khỏi dự án và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp mua bán, sang nhượng đất trái phép. (Tin Tức 11/9)đầu trang(
Trong hai ngày cuối tuần qua, tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh phối hợp với Sở Nông - lâm nghiệp tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay (CHDCND Lào) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới Việt - Lào.
Thông qua biên bản ghi nhớ được ký kết từ tháng 9/2015, các bên tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, đặc biệt là khu vực biên giới giáp ranh giữa Hà Tĩnh với Khăm Muộn và Bôlykhămxay.
Ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh khẳng định: “Việc ký biên bản ghi nhớ tuần tra bảo vệ rừng khu vực biên giới Việt – Lào trong thời gian qua đã góp phần đánh giá đúng thực chất tình hình khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các loài động vật hoang dã tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng 3 tỉnh phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng”.
Theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, Khăm Muộn và Bôlykhămxay đã cung cấp trên 28 thông tin quan trọng để kiểm tra, bắt giữ, xử lý 25 vụ; tịch thu 114,62 m3 gỗ các loại; 359,8 kg động vật rừng; 12 phương tiện; nộp ngân sách nhà nước 330 triệu đồng. Qua công tác phối hợp đã đẩy đuổi hàng trăm lượt người không có phận sự vào các khu vực rừng giáp ranh...
Tỉnh Hà Tĩnh có 3 huyện là Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang giáp ranh tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay (Lào) với chiều dài đường biên giới 145km; nhiều đầu mối giao thông quan trọng như QL8A lưu thông sang nước bạn Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; QL12 đi qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) và nhiều đường tiểu ngạch dọc tuyến biên giới 2 nước. Đây là lợi thế cho phát triển kinh tế, xã hội của Hà Tĩnh nhưng cũng là mối đe dọa, gây nên nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh. (Nông nghiệp Việt Nam 11/9)đầu trang(
Sáng 8-9, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) cho biết sau khi tiếp nhân hơn 30 trứng rùa do một hướng dẫn viên du lịch (phát hiện ở độ sâu 10m tại khu vực biển Hòn Dài) hiến tặng đã mang về ấp tại hồ ấp trứng ở Bãi Bắc để tiếp tục theo dõi.
Theo các chuyên gia, việc rùa biển đẻ trúng dưới nước ở độ sâu 10m là hiện tượng hiếm gặp, có thể do các bãi cát trước đây là bãi đẻ của rùa đã bị thay đổi, không còn phù hợp nên chúng mới đẻ dưới biển. ( An Ninh Thủ Đô 9/9)đầu trang(
Nhằm mục đích tăng cường năng lực cho các nhà bảo tồn trẻ Việt Nam đối với các loài thú linh trưởng, Hội Động vật học Frankfurt - CHLB Đức phối hợp với Trung tâm Đa dạng sinh học Nước Việt xanh (Greenviet) và Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tổ chức khóa tập huấn “Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam 2017”.
Khóa tập huấn “Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam 2017” lần này có 20 thành viên là sinh viên xuất sắc của ngành sinh học, quản lý tài nguyên và môi trường đến từ năm trường đại học trên toàn quốc. Các học viên trải qua chín ngày tập huấn (8 -16.9.2017), trong đó có ba ngày học lý thuyết và sáu ngày học thực địa tại VQG Kon Ka Kinh, Gia Lai.
Học viên được trang bị kiến thức bảo tồn thú linh trưởng trên thế giới và Việt Nam; luật pháp liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã; các phương pháp nghiên cứu về thú linh trưởng; kỹ năng của một nhà nghiên cứu ngoài thực địa… Kết thúc khóa tập huấn, sinh viên có ý tưởng xuất sắc hoặc giải pháp sáng tạo cho công tác bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam sẽ được tài trợ để thực hiện nghiên cứu.
Tại buổi khai mạc, ông Tilo Nadler - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Việt Nam, chủ nhân của giải thưởng Tilo Nadler chia sẻ, trong vòng 10 năm trước đây, việc nghiên cứu bảo tồn động vật tại Việt Nam chỉ được thực hiện bởi các chuyên gia nước ngoài và con số đó rất nhỏ. Từ năm 2006 đến nay, các khóa tập huấn dành cho sinh viên được tổ chức đã tạo cơ hội cho gần 250 sinh viên các trường đại học trong nước tham gia học tập về các kiến thức bảo tồn thú linh trưởng. Hoạt động này là rất thiết thực trước bối cảnh một đất nước có nguồn đa dạng sinh học cao, số loài linh trưởng rất lớn nhưng những người làm công tác nghiên cứu lại quá ít, bên cạnh đó thực trạng săn bắn động vật, môi trường sống của các loài ngày càng bị thu hẹp...
Cũng trong dịp này công bố “Giải thưởng Tilo Nadler dành cho nhà bảo tồn linh trưởng trẻ Việt Nam”. (Văn Hóa 11/9)đầu trang(
Ngày 10/9, theo thông tin từ Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện địa phương đang tiến hành phục hồi các tập đoàn san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo.
Theo đó, sau khi hoàn thành, các rạn san hô tại vùng biển Côn Đảo sẽ được phục hồi, kéo theo là sự phục hồi đa dạng sinh học biển, nhất là các loài thủy sinh vật sống, sinh sản trong rạn san hô, các nguồn lợi về tài nguyên biển cũng sẽ tái tạo nhanh, môi trường biển trong lành.
Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phối hợp VQG Côn Đảo tổ chức các khóa tập huấn truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phục hồi và bảo vệ các rạn san hô trong vùng.
Trước đó, theo thông tin từ Ban quản lý VQG Côn Đảo, một lượng lớn san hô tại Côn Đảo đã bị tẩy trắng và chết trên diện tích khoảng từ 600ha đến 800ha.
Hiện tượng san hô bị tẩy trắng diễn ra rất nhanh, có nơi lên đến 70%. Các nhóm, loài san hô bị tẩy trắng và chết chủ yếu là san hô khối, san hô cành, nhóm san hô phiến và nhóm loài san hô nấm. Độ sâu các loài san hô bị tẩy trắng từ 3m đến 15m (từ mức triều cạn đến độ sâu hết phân bố rạn san hô).
Qua khảo sát, nguyên nhân khiến tình trạng trên xảy ra do nhiệt độ nước biển nóng lên hơn mức bình thường và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài… (Đại Đoàn Kết 11/9)đầu trang(
Theo Cục Hải quan TPHCM, sau khi hơn 6 tấn ngà voi lần lượt bị bắt giữ cuối năm 2016, hoạt động buôn lậu ngà voi quá cảnh qua Việt Nam tạm thời lắng xuống. Vụ việc 1,3 tấn ngà voi giấu trong thùng nhựa đường hé lộ thủ đoạn mới, tinh vi của tội phạm.
Ngày 10/9, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, đang củng cố hồ sơ, điều tra mở rộng vận chuyển trái phép hàng hóa đối với Công ty TNHH Empire – Group (phường 3, quận Phú Nhuận, TPHCM). Tang vật bị thu giữ gồm 1,3 tấn ngà voi, nguồn gốc châu Phi.
Theo ông Lê Nguyên Linh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (thuộc Cục Hải quan TPHCM), hơn 1,3 tấn ngà voi được các đối tượng cất giấu tinh vi. Đây là lần đầu tiên đơn vị phát hiện thủ đoạn này của giới buôn lậu.
Số hàng hóa trên được Công ty TNHH Empire – Group xếp trên 2 container, khai báo là nhựa đường, đóng trong hơn 100 thùng phuy, nhập từ cảng  Cotonou Benin (châu Phi) quá cảnh về Việt Nam để xuất sang Campuchia. Trước khi quá cảnh ở cảng Cát Lái (TPHCM), các đối tượng đã vận chuyển qua Malaysia. Tháng 8/2017, hàng cập cảng Cát Lái. Qua theo dõi nghi vấn lô hàng chứa hàng cấm, Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với Đội Kiểm soát giám sát trọng điểm và thực hiện soi chiếu qua máy soi container. Lực lượng chức năng phát hiện trên hình ảnh soi chiếu có nhiều thùng phuy có hình ảnh lạ, bất thường nên đã thực hiện khám xét thực tế.
Sáng 6/9, tại cảng Cát Lái, 2 container trên được kéo về khu vực nhà kho C1 tại cảng. Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TPHCM, C74 - Bộ Công an, PC46 - Công an TPHCM và Đồn Biên phòng cảng Nhà Rồng thực hiện khám xét lô hàng quá cảnh này.
Đúng như dự đoán, lực lượng chức năng lần lượt lôi ra hàng trăm khúc ngà voi được cất giấu trong 13 thùng phuy, để lẫn với hàng trăm thùng phuy chứa nhựa đường khác. Đáng chú ý, để qua mặt lực lượng chức năng và máy soi chiếu, các đối tượng đã cắt khúc ngà voi từ 50-60cm, xếp đứng theo chiều thùng phuy. Mỗi thùng được xếp chặt 1-2 lớp tùy theo chiều dài của đoạn ngà voi, với khoảng 40-50 khúc, trọng lượng trên 100 kg. Sau đó các đối tượng phủ kín bằng mùn cưa, nén chặt, bên trên phủ lớp thạch cao, lớp trên cùng được phủ bằng nhựa đường cao khoảng 4-5 cm, đóng nắp thùng phuy như những chiếc thùng đựng nhựa đường khác.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho hay, cuối năm 2016, 7 vụ nhập khẩu trái phép hơn 6 tấn ngà voi đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng lợi dụng loại hình quá cảnh để buôn lậu ngà voi lại tái diễn. (Tiền Phong 11/9)đầu trang(
Sau 6 tháng triển khai Kế hoạch 420, của UBND tỉnh Điện Biên về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé, đến nay được đánh giá là cơ bản được kiềm chế và giữ ổn định.
Qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa số người dân đã hiểu, đồng tình và chấp hành ủng hộ chủ trương của tỉnh, huyện, không còn tình trạng chống đối; tích cực hợp tác với chính quyền tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, việc triển khai kế hoạch cũng giải quyết nhiều sự việc phức tạp liên quan đến các vấn đề buôn bán người, trộm cắp tài sản, trồng cây thuốc phiện...
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% các bản, cụm dân cư của huyện Mường Nhé đã được ký cam kết không di cư tự do, phá rừng trái phép. Riêng bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn là địa bàn phức tạp nhất về tình trạng phá rừng và di cư tự do cũng được tổ công tác số 1 họp đến 5 lần. Các tổ công tác đã thống kê có 870 hộ, gần 5.000 khẩu di cư đến Mường Nhé, từ đó tiến hành cấp sổ hộ khẩu cho trên 670 hộ, gần 4.000 khẩu đủ điều kiện, vận động, bố trí phương tiện đưa về nơi ở cũ đối với 40 hộ, 174 khẩu. Các diện tích đất lâm nghiệp cũng đã được rà soát phân loại điều chỉnh quy hoạch rõ 3 loại rừng, giao gần 69 ha rừng cho các địa phương quản lý theo kế hoạch số 388 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên việc triển khai kế hoạch này vẫn còn một số khó khăn, qua rà soát từ đầu năm đến nay ở hầu hết các xã trên địa bàn vẫn phát hiện 86 vụ phá rừng với tổng diện tích rừng bị phá khoảng 29 héc ta. Theo đó lực lượng chức năng đã khởi tố 15 vụ, 16 bị can; xử lý hành chính 36 vụ, 54 trường hợp; đang tiếp tục điều tra, xử lý 35 vụ. Nguyên nhân là do năng lực, quản lý bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư, thôn bản khi được giao rừng còn nhiều hạn chế, các thành viên trong cộng đồng thiếu tinh thần trách nhiệm để rừng được giao bị phá nhưng không ngăn chặn được...
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: thời gian tới để triển khai hiệu quả hơn nữa KH 402, UBND tỉnh yêu cầu 2 Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND Mường Nhé khẩn trương hoàn thiện công tác giao đất giao rừng, nhanh chóng công bố quy hoạch 3 loại rừng và tiến hành tăng dầy mốc, biển thông báo rừng cấm chặt phá. Đối với các đơn vị có liên quan, yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt việc bố trí sắp xếp dân cư, tập trung phối hợp với huyện Mường Nhé giải quyết các chủ trương, thống nhất xử lý các kiến nghị tránh gây bức xúc ở cơ sở. (Tài Nguyên & Môi Trường 11/9)đầu trang(
Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, nhận thấy nơi này đủ các tiêu chí nâng hạng lên vườn quốc gia nên lập hồ sơ đề xuất.
Việc nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn quốc gia sẽ giúp bảo vệ rừng tốt hơn, tiến tới xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã của miền Trung – Trường Sơn. Theo dự kiến của tỉnh, Vườn Quốc gia Sông Thanh sẽ được thành lập trên cơ sở diện tích lâm phận cũ đang quản lý là 75.274ha; bổ sung khu vực rừng Lim Xanh (1.000 ha) và rừng di sản Pơmu (7.000ha) thành 2 tiểu khu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất đồng ý chủ trương nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh và đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ xem xét.
Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh có diện tích 75.000 nghìn ha, nằm trên hai huyện Nam Giang và Phước Sơn. Các nhà chuyên môn ghi nhận nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam.
Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống. (Môi Trường & Cuộc Sống 12/9)đầu trang(
UBND tỉnh Bình Định ngày 10.9 cho biết, đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra vụ tàn phá 43,7ha rừng tự nhiên tại huyện miền núi An Lão (Lao Động đã đưa tin). Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh xác minh thông tin, báo cáo kết quả trước ngày 30.10.
Vụ việc được phát hiện hồi đầu tháng 9. Địa điểm “chảy máu rừng” là các khoảnh 7, 8, tiểu khu 1 thuộc địa bàn xã An Hưng, An Lão. Dấu vết lưu lại hiện trường cho thấy, phần lớn cây rừng bị đốn hạ cách đó từ 3-30 ngày. Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Kiểm lâm An Lão giải thích lý do chậm phát hiện là do đối tượng phá rừng sử dụng cưa máy hiện đại. Tốc độ cưa đốn rất nhanh.
Thực tế hiện trường cho thấy, động cơ phá rừng chủ yếu để trồng rừng nguyên liệu. Tại khoảnh 8 có gần 10ha keo lai mới xuống giống trên nền đất nham nhở phủ đầy than bụi. Khu vực này vốn là rừng 2a. La liệt bụi cây, cây gỗ (nhiều cây đường kính 30cm) bị phát quang, gom thành đống trước khi thiêu đốt. Nhiều gốc cây mới vừa bị cưa đốn, nhựa cây còn ứ đọng tức tưởi. Ở khoảnh 7, hàng loạt cây bị đốn ngả chưa kịp khô lá. Việc triệt hạ một diện tích rừng lớn như vậy chỉ trong khoảng thời gian ngắn thể hiện sự liều lĩnh, trắng trợn của lâm tặc.
Ngay liền kề hiện trường ngổn ngang, một bằng chứng hủy hoại tài nguyên khác nhức nhối phơi bày với chừng 30ha rừng đã bị thay thế bằng bạt ngàn keo lai 2-3 năm tuổi...
Chủ tịch UBND huyện An lão Phạm Văn Nam cho biết: “Ngày sau khi phát hiện, ngày 3.9, UBND huyện đã họp khẩn với các cơ quan bảo vệ pháp luật và chính quyền xã An Hưng, yêu cầu bắt tay điều tra, xử lý vi phạm. Theo thống kê ban đầu, trong 43,7ha rừng phục hồi sau nương rẫy bị hủy hoại, có 30,5ha rừng tự nhiên quy hoạch chức năng sản xuất và 13,2ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ.
Cây gỗ bị triệt hạ có thân dài 8-12m, đường kính vị trí mặt cắt từ 10-35cm”. Như đã thông tin, khung cảnh hiện trường còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ngày 9.9, cuộc kiểm tra liên ngành do Sở NNPTNT, Công an Bình Định và chính quyền các huyện liên quan thực hiện, đã chỉ ra rất nhiều thân gỗ có đường kính lên đến 40-60 cm. Giám đốc Sở NNPTNT Phan Trọng Hổ đánh giá: Đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Định.
Tiểu khu 1, An Hưng tiếp giáp xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn ở phía đông. Vụ việc vỡ lở, ngay lập tức xuất hiện ánh mắt nghi hoặc quay sang hướng này. Không phải ngẫu nhiên, thành phần chuyến kiểm tra 9.9 có đại diện cơ quan chức năng của Hoài Nhơn. Báo cáo từ An lão thì lưu ý rất rõ ràng điều kiện tiếp cận khác biệt ở hai bên: Từ trung tâm An Hưng lên, đường dốc rất hiểm trở, khúc khuỷu còn từ Hoài Sơn tới thì ngược lại, ôtô có thể lưu thông.
Ngay cán bộ Hạt Kiểm lâm An Lão, để kiểm tra thực địa, cũng chọn “đường vòng” qua ngả Hoài Nhơn. Trên thực tế, rất khó huy động phương tiện vận chuyện nhân công cùng công cụ phá rừng mà không băng ngang qua trạm kiểm soát Hoài Sơn. Hoàn toàn dễ hiểu là kiểm lâm láng giềng đang hứng chịu áp lực, săm soi.
Hạt trưởng Kiểm lâm Hoài Nhơn Nguyễn Hồng Tấn kêu khó: “Rừng thì của An Lão, anh em bên này không thông thuộc đường đi, lối lại”. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão Đoàn Văn Tá nhìn nhận: “Bài học quá đau xót. Chúng tôi nhận trách nhiệm do quản lý chưa tới”!
Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam cho hay: “UBND huyện báo cáo Huyện ủy; trước mắt yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, Đảng ủy, UBND xã An Hưng, cá nhân Hạt trưởng kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn, bí thư, chủ tịch UBND xã”. Giám đốc Sở NNPTNT Phan Trọng Hổ thông báo: “Chúng tôi đã nhận được sự cam kết của Công an Bình Định về việc hỗ trợ tối đa lực lượng và phương tiện nhằm sớm điều ra, xử lý nghiêm. Sở NNPTNT Bình Định cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn phối hợp với Kiểm lâm An Lão tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, chủ động ngăn chặn nguy cơ tương tự có thể tái diễn”. (Lao Động 11/9)đầu trang(
“Nguồn tin ban đầu là có người nói với dân, họ đã xin được đất của nhà nước nên... yên tâm phá. Họ tổ chức bài bản, huy động nhiều nhân công, ra tay ồ ạt trong thời gian ngắn. Có dấu hiệu do doanh nghiệp chủ mưu chứ dân ở đâu mà phá nhanh như vậy! Dân giỏi lắm chỉ làm vài ha là cùng”.
Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng Hổ “bật mí” với P.V Lao Động như vậy cuối chiều 11.9 về hướng xác minh đối tượng gây ra vụ “tàn sát” rừng An Lão.
Ông Hổ nói thêm: “Rồi đây cơ quan công an sẽ làm rõ đấy là ai, doanh nghiệp nào. Cơ quan điều tra với quyền hạn chức năng của mình, sẽ triệu tập đối tượng nghi vấn. Họ có nghiệp vụ đấu tranh, khai thác...”.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công an Bình Định, nhận định: “Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng nhất trên địa bàn từ trước đến nay. Chúng tôi giao Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phối hợp với Công an Hoài Nhơn, An Lão và chính quyền địa phương xác minh, củng cố hồ sơ. Vụ việc sẽ được xử lý theo trình tự pháp luật, khẩn trương, nghiêm túc ngay khi tiếp nhận đề nghị khởi tố từ kiểm lâm”.
Trong ngày 11.9, một nhóm công tác của Sở NNPTNT và Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn Bình Định đã lên đường về An Lão, tiến hành giám định mức độ mất mát do vụ “bốc hơi” rừng để lại. “Nhiệm vụ của họ là đo đạc, kiểm đếm diện tích, thống kê khối lượng, đánh giá thiệt hại. Chúng tôi yêu cầu làm kỹ, chi tiết nhưng không được rề rà. Công đoạn này dự kiến mất khoảng 2 ngày”, ông Phan Trọng Hổ nói.
Liên quan đến nghi vấn gỗ rừng sau khi bị đốn hạ có thể được vận chuyển qua xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hoài Nhơn Nguyễn Hồng Tấn cho biết đã chỉ đạo kiểm tra. Ghi nhận bước đầu là, từ tiểu khu 1 An Hưng, còn có tuyến đường đất rộng 5 m dẫn về xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra, một tuyến khác đi về hướng Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Như Lao Động đã đưa tin, đầu tháng 9, cơ quan chức năng phát hiện tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1 xã An Hưng, huyện An Lão, lâm tặc đã phá trắng 43,7 ha rừng phục hồi sau nương rẫy. Trong số này, có 30,5 ha rừng tự nhiên quy hoạch chức năng sản xuất và 13,2 rừng quy hoạch chức năng phòng hộ. Sau khi báo chí đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xác minh, báo cáo kết quả trước ngày 30.10. (Lao Động 11/9)đầu trang(
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, nhận định chỉ doanh nghiệp mới huy động nổi xe cơ giới, mở đường, cưa hạ rầm rộ hơn 43 ha rừng tự nhiên tại H.An Lão.
Sáng 12.9, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh về H.An Lão để kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ việc 43,7 ha rừng tại xã An Hưng (H.An Lão, Bình Định) bị chặt phá.
Trong khi đó, thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc Công Bình Định, cho biết đã giao Cảnh sát Kinh tế chủ trì, phối hợp với Công an H.Hoài Nhơn, Công an H.An Lão và chính quyền các địa phương xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý vụ phá rừng nói trên theo trình tự pháp luật.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, hiện tổ công tác của Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn Bình Định đang giám định thiệt hại tại hiện trường vụ phá rừng ở xã An Hưng để làm cơ sở cho việc củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án. Theo ông Hổ, các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được thủ phạm của vụ phá rừng này.
“Không có cá nhân hay hộ gia đình nào có khả năng tàn phá rừng ồ ạt như vậy. Họ giỏi lắm chỉ có thể chặt hạ vài ba hecta. Chỉ doanh nghiệp mới huy động nổi xe cơ giới, mở đường, cưa hạ rầm rộ. Lực lượng phải đông, hành vi phải táo bạo, quyết liệt mới gây nên hậu quả lớn đến thế. Chúng tôi đã tiếp nhận một số thông tin có giá trị từ phía người dân, phục vụ công việc xác minh”, ông Hổ nhận định.
Ngày 11.9, UBND H.An Lão (Bình Định) cũng đã triệu tập cán bộ kiểm lâm, chủ rừng và lãnh đạo địa phương họp khẩn để ra soát, phối hợp cùng lực lượng chức năng truy tìm thủ phạm phá rừng tự nhiên này.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND H.An Lão, các cơ quan chức năng của huyện này nhận định thủ phạm phá rừng không phải là người dân địa phương. “Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ rừng là UBND xã An Hưng và lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm. Lãnh đạo UBND H.An Lão nhận trách nhiệm về vụ việc này, trong tuần này sẽ tiến hành kiểm điểm để báo cáo UBND tỉnh Bình Định”, ông Lâm cho biết.
Còn ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. An Lão, cho rằng đây là vụ phá rừng có tổ chức, rất đông người tham gia và thủ phạm đã theo dõi hoạt động kiểm lâm để phá rừng với quy mô lớn. “Mục đích chính là để lấy đất trồng rừng. Tuy nhiên, lượng gỗ có kích thước lớn đã được thủ phạm tận dụng, vận chuyển ra khỏi hiện trường”, ông Tá nói. (Thanh Niên 12/9)đầu trang(
Liên quan đến vụ phát hiện 30m3  gỗ tại khi vực biên giới Ia Hdrai, ngày 11-9, UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND huyện Ia Hdrai khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc vận chuyển, cất giấu, mua bán, buôn lậu gỗ tại khu vực biên giới Ia Hdrai, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý biên giới và thương mại biên giới, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các đối tượng gây  mất an ninh trật tự  khu vực biên giới.
Trước đó, như Báo SGGP phản ánh, vào ngày 3-9, lực lượng chức năng đã bắt giữ tại khu vực giữa cột mốc đường biên 13 và 14 (xã Ia Đal, cách đường bê tông tuần tra không quá 15m) khối lượng khoảng 30m3. Gỗ bị bắt có gỗ quý hiếm như gõ (nhóm II), ngoài ra còn có sao cát, sao xanh.
Đại diện chi cục kiểm lâm khẳng định trên dọc đường biên huyện Ia Hdrai không còn gỗ tồn từ các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ qua lối mở, đồng thời nhận định gần khu vực tìm thấy gỗ thuộc địa phận Việt Nam quản lý không có rừng để khai thác nên có khả năng gỗ được kéo từ Campuchia về. (Sài Gòn Giải Phóng 11/9)đầu trang(
Tối 11-9, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum - cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án cất giấu lâm sản trái phép tại xã Ia Đal để điều tra.
Trước đó, từ tin báo của người dân, lực lượng chức năng huyện Ia H’Drai đã phát hiện và bắt giữ nhiều bãi gỗ vi phạm, sau đó kéo về tập trung thành 3 bãi lớn, tổng cộng hơn 30 m3, nằm giữa cột mốc số 13 và 14 (địa giới hành chính xã Ia Đal, thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Suối Cát).
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, một nhóm đầu nậu đã đốt một trong các bãi gỗ này nhằm phi tang. Đây là bãi gỗ gõ, nằm sát đường tuần tra biên giới với Campuchia. Theo ông Nguyễn Hoài Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, hiện toàn bộ số gỗ đang được cơ quan chức năng canh giữ. Khi phóng viên truy hỏi về số gỗ đã bị đốt cháy, ông Tâm cho biết thêm ngày 6-9, khi lên hiện trường để kiểm tra thì có thấy gỗ bị cháy sém nhưng do trời mưa nên không xác định được thời điểm đốt là khi nào.
Liên quan đến vụ việc này, trong ngày 11-9, UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển và mua bán gỗ trái phép tại khu vực biên giới huyện Ia H’Drai mà Báo Người Lao Động đã phản ánh. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đã giao Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum và chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai khẩn trương xác minh thông tin báo chí phản ánh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, ông Hòa còn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý biên giới và thương mại biên giới, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các đối tượng gây mất an ninh khu vực biên giới. Trường hợp có tình huống phức tạp xảy ra, cần báo cáo chủ tịch UBND tỉnh xem xét kịp thời. (Người Lao Động 12/9)đầu trang(
Sau khi báo chí phản ánh gỗ lậu được phát hiện nằm la liệt cách đường tuần tra biên giới 15m, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo nhanh chóng làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc, đồng thời, đoàn liên ngành đang truy quét gỗ lậu toàn tuyến biên giới.
Chiều 11.9, ông Nguyễn Hoài Tâm - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Kon Tum xác nhận, toàn bộ số gỗ được phát hiện dọc biên giới tại huyện Ia H’Drai là gỗ lậu do không có dấu búa kiểm lâm, không rõ nguồn gốc và chủ gỗ. Liên quan vụ việc, Chi cục đã đề nghị huyện thành lập đoàn liên ngành do huyện Ia H’Drai chủ trì phối hợp với Hạt kiểm lâm, Công an huyện, UBND xã Ia Dal và Đồn Biên phòng tiến hành điều tra, xác minh. Đồng thời, đoàn liên ngành cũng tiến hành truy quét gỗ lậu toàn bộ tuyến biên giới huyện Ia H’Drai.
Theo ông Tâm, đến nay Chi cục vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể về vụ việc. Để xem xét có khởi tố vụ án hay không, cần xác minh nguồn gốc các bãi gỗ có phải do một chủ gỗ hay không. Nếu xét về khối lượng (30m3 – PV) thì hoàn toàn đủ cơ sở khởi tố.
Liên quan vụ việc này, UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản giao Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai yêu cầu: Kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển và mua bán gỗ trái phép tại khu vực biên giới huyện Ia H’Drai gây mất an ninh trật tự biên giới; đề nghị các đơn vị tổ chức kiểm tra, xác minh nội dung báo chí phản ánh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, yêu cầu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý biên giới và thương mại biên giới. Vụ việc hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18.9.
Trước đó, như Dân Việt phản ánh, từ ngày 3.9, người dân ở khu vực biên giới xã Ia Đal phát hiện nhiều bãi tập kết gỗ lậu dọc tuyến biên giới với Campuchia nên trình báo với UBND xã. Sau đó, chính quyền địa phương đã báo cáo với các cơ quan chức năng huyện Ia H'Drai xuống hiện trường xác minh thông tin. Qua kiểm tra hiện trường, tại khu vực cột mốc 13 và 14, cách đường tuần tra vùng biên chừng 15m, phát hiện có 3 bãi tập kết gỗ. Sau đó, lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản hiện trường, thống kê có khoảng 30m3 từ nhóm II-VIII (trong đó, có khoảng 10m3 gỗ quý thuộc nhóm II). Đây là khu vực thuộc Đồn Biên phòng Suối Cát quản lý. (Dân Việt 11/9)đầu trang(
Sau thời gian “im hơi, lặng tiếng” do bị các lực lượng chức năng tấn công mạnh, đến nay, tình trạng buôn bán ngà voi trái phép qua biên giới lại xuất hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt hơn. Mặc dù ngà voi là một trong những mặt hàng cấm nhập, xuất khẩu và buôn bán, nhưng vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng vẫn tìm đủ mọi cách để buôn bán, vận chuyển trái phép.
Trong tháng 7 và tháng 8-2017, các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan và BĐBP trên cả nước đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi trái phép. Điển hình, vào khoảng 1 giờ, ngày 8-7-2017, tại địa bàn xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, lực lượng trinh sát của Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thanh Hóa và Đội Quản lý thị trường số 9 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 29C-395.64, do Nguyễn Trường Sơn, SN 1981, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk điều khiển, đang lưu thông theo hướng TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện bên trong thùng xe có rất nhiều thùng các-tông chứa toàn ngà voi với tổng trọng lượng 2.748kg. Hiện nay, vụ việc đang được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tiếp đó, vào hồi 20 giờ 30 phút, ngày 12-7-2017, tại Km11 trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Nà Tâm, xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn, Đội tuần tra số 1, Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ xe ôtô Toyota Camry mang biển kiểm soát 30E-720.76 do tài xế Hoàng Minh Vũ, SN 1986, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn điều khiển đang trên đường di chuyển theo hướng Hà Nội - Lạng Sơn.
Trên xe còn có 2 đối tượng khác đi cùng là Chu Thị Bích, SN 1969 và Sầm Viết Cương, SN 1968, cùng trú tại thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Khi Đội tuần tra tiến hành kiểm tra trong cốp xe thì phát hiện 2 thùng các-tông, bên trong chứa 94 khối hình trụ có kích thước khác nhau và 120 chiếc vòng trang sức màu trắng đục, có tổng trọng lượng 22,7kg. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng này khai nhận số hàng trên là ngà voi, đang trên đường vận chuyển từ Hà Nội sang Trung Quốc tiêu thụ thì bị bắt giữ.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Cục Cửa khẩu BĐBP, trong những năm qua, các lực lượng chức năng của Việt Nam như Hải quan, Công an và BĐBP trên cả nước đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi trái phép. Chỉ tính riêng từ năm 2010-2016, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện và bắt giữ 73 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi và các sản phẩm của động vật hoang dã, quý hiếm.
Tang vật lực lượng chức năng thu giữ gần 10.730kg ngà voi, 400kg đồ trang sức, đồ mỹ nghệ được làm từ ngà voi. Đặc biệt, chỉ trong vòng 8 tháng của năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ngà voi với số lượng lớn được ngụy trang tinh vi trong những công-te-nơ hàng hóa nhập khẩu tại các cửa khẩu cảng biển Việt Nam.
Qua các vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi trái phép qua biên giới được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua cho thấy, giới tội phạm muốn đưa ngà voi từ châu Phi về các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… thường trung chuyển lòng vòng qua vài quốc gia như Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan... nhằm xóa dấu vết của quốc gia có nguồn hàng. Trong chuỗi các quốc gia trung chuyển đó, tội phạm thường chọn Việt Nam bởi vì có vị trí địa lý thuận lợi về cảng biển, hàng không để chuyển hàng đến các quốc gia lân cận tiêu thụ.
Thiếu tướng Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP cho biết, Việt Nam là một trong những địa bàn trung chuyển ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã vào hàng nhất, nhì trên thế giới. Các sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc từ các nước châu Phi, thường đi theo đường biển với số lượng lớn và các vụ có số lượng nhỏ thì đi qua đường hàng không dưới dạng hành lý ký gửi hoặc theo hình thức gửi quà biếu.
Đối với ngà voi nhập lậu đường biển, chủ yếu thường được ngụy trang giấu giữa những hàng hóa chứa trong các container được miễn kiểm tra thủ tục Hải quan (hàng hóa luồng xanh) hoặc không có giá trị lớn, để hạn chế khả năng phát hiện qua công tác soi chiếu. Trên tuyến hàng không, ngà voi được cất giấu trong các đồ vật, ngụy trang trong va ly, hàng hóa xách tay… chuyển về sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn bán, vận chuyển trái phép các sản phẩm của động vật hoang dã quý hiếm nói chung và ngà voi nói riêng, lực lượng chống buôn lậu của Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đồng thời nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động tăng cường trao đổi thông tin nghiệp vụ; đầu tư trang bị hệ thống máy soi, hệ thống camera, hệ thống giám sát định vị vệ tinh, chíp giám sát điện tử... để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa. (Biên Phòng 8/9)đầu trang(
Hai người đàn ông dùng dao, sào tre để chống trả cảnh sát khi bị phát hiện chở gỗ lậu trên sông Yên, đoạn chảy qua địa bàn Quảng Nam.
Chiều 9/9, đại úy Lê Phan Minh Mẫn, Đội trưởng đội cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam), cho biết đơn vị đang tích cực phối hợp với ngành chức năng xác để xác minh nguồn gốc 16 phách gỗ (3,7 m3) của 2 người đàn ông bỏ lại trên sông Yên (Quảng Nam) để tẩu thoát khi bị lực lượng chức năng truy xét.
Theo đại úy Mẫn, khoảng 1h30 sáng cùng ngày, tổ công tác Cảnh sát đường thủy tỉnh Quảng Nam làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên sông Yên (đoạn chảy qua thôn 1 Thái Sơn, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) thì phát hiện có 2 người đàn ông vận chuyển gỗ lậu trên 1 ghe có gắn động cơ máy nổ, chạy theo hướng huyện Đại Lộc - Điện Bàn.
Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra thì nhóm người trên ghe dùng dao cắt dây buộc với mục đích làm cho số gỗ chìm dưới sông.
“Quá trình truy đuổi, 2 người đàn ông dùng sào tre và dao chống trả lực lượng chức năng. Sau đó một tên nhảy xuống sông lẩn trốn, người còn lại nổ điều khiển ghe chạy thoát”, đại úy Mẫn nói và cho hay thành viên tổ công tác không xảy ra thương tích.
Nhà chức trách đang truy tìm những người nói trên. (Zing News 12/9)đầu trang(
UBND tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ đơn thư tố cáo của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình và vợ là chị Nguyễn Thị Lý, trú tại xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình phản ánh về việc kiểm lâm Vườn Quốc gia PNKB ngang nhiên vào nhà lấy đồ thờ cúng trên bàn thờ của họ.
Những năm gần đây công tác bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng (Vườn Quốc gia PNKB) luôn là vấn đề nóng gây bức xúc dư luận ở Quảng Bình. Từ việc 3 cây gỗ sưa trị giá hàng trăm tỷ đồng bị đốn hạ ngay trong vùng lõi của vườn, đến việc lâm tặc xách cả súng AK vào rừng tìm gỗ quý gây xôn xao dư luận cả nước…
Theo thống kê, chỉ trong vòng vài năm lại đây hàng chục vụ người dân bị khởi tố vì vi phạm luật bảo vệ rừng, đồng thời cũng đã xảy ra hàng chục vụ kiểm lâm nơi đây bị hành hung ở Vườn Quốc gia PNKB.
Ngày 10-9, UBND tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ đơn thư tố cáo của gia đình ông Nguyễn Thanh Bình và vợ là chị Nguyễn Thị Lý, trú tại xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình phản ánh về việc kiểm lâm Vườn Quốc gia PNKB ngang nhiên vào nhà lấy đồ thờ cúng trên bàn thờ của họ.
Theo đơn tố cáo của gia đình anh Bình, vào khoảng 11h ngày 7-7, khi gia đình chị Nguyễn Thị Lý vừa ăn trưa xong đang chuẩn bị nghỉ trưa, thì ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc kiêm Hạt phó kiểm lâm Vườn PNKB cùng 3, 4 người khác vào nhà ông Bình đòi kiểm tra gỗ, sau đó tìm cách lấy đi một số đồ thờ cúng bằng gỗ hương giáng trên bàn thờ nhà chị Lý.
Chị Lý gọi điện thoại cho chồng là anh Nguyễn Thanh Bình về để giải quyết vụ việc. Khi chị Lý đang bấm số gọi cho chồng thì bị các kiểm lâm không cho chị gọi. Đoàn kiểm lâm của ông Trí vào lấy 3 tượng gỗ hương giáng thành phẩm để trên bàn thờ, nhưng bị chị Lý lao vào ngăn cản, bị các kiểm lâm giữ lại và tìm cách bê 3 tượng gỗ ra xe ôtô để chở đi.
Nghe tiếng cãi vã ở nhà chị Lý nên nhiều người dân địa phương đã kéo đến tìm hiểu sự việc và lên tiếng phản đối. Thấy vậy, nhóm kiểm lâm bỏ đi.
Theo phản ánh của gia đình anh Bình, đồ gỗ trên gia đình anh Bình để trên bàn thờ đã 5 đến 7 năm. Khi đến nhà, kiểm lâm lấy 3 tượng, cho gia đình lại một tượng. Sau khi người dân kéo đến đông nên kiểm lâm bỏ về, gia đình chỉ lấy lại được một tượng, mất hai tượng.
Hôm xảy ra vụ việc, ông Trí mặc thường phục, 3 người đi với ông Trí mặc trang phục kiểm lâm. Theo tố cáo của gia đình anh Bình, sở dĩ anh bức xúc là: Tại sao đi thực thi công vụ lại là lãnh đạo chỉ huy nhưng ông Đinh Huy Trí không mặc trang phục kiểm lâm khi thi hành nhiệm vụ, đột nhập nhà dân khi chưa có lệnh khám nhà, không có lệnh kiểm tra hành chính về nhà ở, không lập biên bản thu giữ tài sản và lấy tài sản của người dân nhưng không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cách đây không lâu, kiểm lâm Vườn Quốc gia PNKB cũng đã từng tổ chức đến nhà dân trên địa bàn để tìm cách kiểm tra, lấy gỗ nhưng bị chính người dân và lãnh đạo UBND huyện Bố Trạch, Quảng Bình lên tiếng phản đối nên vụ việc mới dừng lại...
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo CAND, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia PNKB cho biết: Ông đã nhận đơn tố cáo của gia đình ông Bình, bà Lý đối với ông Lê Huy Trí cán bộ lãnh đạo của vườn. Và lá đơn đã được lãnh đạo Vườn Quốc gia PNKB chuyển về UBND tỉnh Quảng Bình để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Đại tá Đặng Văn Hoành, Trưởng Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng cho biết thêm, Công an huyện đang làm việc với anh Nguyễn Thanh Bình về việc anh tố cáo 4 cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia PNKB tự ý vào nhà lấy gỗ đồ thờ cúng. Hiện cơ quan Công an đang tiến hành xác minh, làm rõ để xử lý. (Công An Nhân Dân 11/9)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Trong bối cảnh người dân “khát” đất rừng sản xuất đến cùng cực, thì việc tỉnh Thanh Hóa quyết định “xé rào” bằng cách chuyển đổi gần 21.000 ha diện tích rừng phòng hộ kém xung yếu sang rừng sản xuất được ví như trận mưa rào giữa mùa nắng hạn...
Kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2007 kỳ vọng mang tín hiệu khả quan, vừa đáp ứng được nhu cầu phòng hộ, làm đẹp cảnh quan môi trường, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị đất lâm nghiệp.
Chuyển đổi đất rừng phòng hộ kém xung yếu sang rừng sản xuất sẽ giúp người dân cải thiện sinh kế
Tuy nhiên sau 10 năm, cùng với sự phát triển chung, nhu cầu đất sản xuất của các hộ gia đình sinh sống địa bàn miền núi ngày càng cấp thiết. Mặc dù sống chủ yếu dựa vào rừng nhưng bản thân họ lại thiếu đất trầm trọng, đây được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đốt nương làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép diễn ra liên miên.
Đi sâu vào tìm hiểu, PV nhận thấy việc quy hoạch 3 loại rừng năm 2007 bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế như: Tiêu chí rà soát rừng phòng hộ mới đề cập đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên (lượng mưa, độ cao, độ dốc, thành phần cơ giới, độ dày tầng đất), quy mô diện tích để tiến hành rà soát, đánh giá, xác định cấp xung yếu; các nhân tố tham gia phân cấp phòng hộ là khoảnh (tương đương 100 ha); tiêu chí rà soát chưa đề cập đến yếu tố về trạng thái rung...
Những yếu tố trên khiến cho việc xác lập các lâm phận rừng phòng hộ chưa có độ chính xác cao. Cụ thể, tại một số huyện miền núi (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành) khoảnh được xếp cấp ít xung yếu và quy hoạch là rừng sản xuất, tuy nhiên trạng thái rừng là rừng tự nhiên trên núi đá, không phù hợp cho quá trình sản xuất nên cần chuyển đổi sang rừng phòng hộ.
Mặt khác việc quy hoạch chưa xem xét tới thời gian giao đất, giao rừng trước khi rà soát mà chỉ căn cứ chủ yếu vào yếu tố kỹ thuật, xây dựng bản đồ lý thuyết để chia tách các loại rừng, điều này dẫn đến tình trạng các lô rừng đã giao cho các chủ thể quản lý vẫn được khoanh gộp vào rừng phòng hộ, từ đó nảy sinh những vướng mắc trong quản lý đất đai và lợi ích của các chủ rừng.
Căn cứ Quyết định số 845/QĐ-BNN-TCLN ngày 16/3/2016 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành Bộ tiêu chí rà soát diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất, ngày 12/7/2017, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND “Quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2016 – 2025”.
Qua kiểm đếm, tổng diện tích đất rừng hiện tại trên địa bàn là 647.677,11 ha. Sau quy hoạch, diện tích rừng đặc dụng gần như được giữ nguyên với 82.123,44 ha, trong khi đó rừng phòng hộ sẽ giảm xuống còn 163.538,25 ha, ngược lại rừng sản xuất sẽ tăng thêm gần 21.000 ha (từ 380.362,45 ha lên 402.015,42 ha), chiếm đến 62,07% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Khu vực chuyển đổi bao gồm những diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu với những yếu tố như như lượng mưa ít, độ dốc thấp (nhỏ hơn 23 độ), tầng đất dày trên 50cm, thuộc diện rừng nghèo kiệt hoặc không có khả năng phục hồi. Kết quả rà soát cho thấy, các huyện Quan Sơn (5.486,39 ha), Thường Xuân (4.895,24 ha), Mường Lát (3.718,28 ha), Bá Thước (2.332,37 ha) hay Lang Chánh (2.426,53 ha) là những địa phương đi đầu trong quá trình chuyển đổi.
Theo đánh giá chung, chủ trương quy hoạch 3 loại rừng mà trọng tâm hướng đến việc chuyển đổi những diện tích rừng phòng hộ kém xung yếu sang rừng sản xuất là chủ trương đúng đắn, gắn liền với nhu cầu thực tiễn. Khi áp dụng sẽ hình thành lâm phận rừng ổn định, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy quá trình xã hội hóa ngành lâm nghiệp trên địa bàn.
Khi được hỏi, một cán bộ ngành nông nghiệp bộc bạch: “Rừng phòng hộ dù có nghèo kiệt đến đâu thì chức năng giữ đất, bảo vệ sinh thủy vẫn hiệu quả. Tuy nhiên phải xét trên nhiều khía cạnh, nếu khu vực nào không thực sự xung yếu thì vấn đề chuyển đổi là việc nên làm. Nói gì thì nói, một khi cái bụng chưa no thì rất khó đòi hỏi bà con dân bản chuyên tâm vào việc giữ rừng”.
Ông Lê Thế Long, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa khẳng định: “Rà soát quy hoạch 3 loại rừng lần này dựa trên 2 nguyên tắc, thứ nhất là giữ ổn định diện tích rừng đặc dụng hiện có, đáp ứng tiêu chí bảo tồn sinh học. Hai là chỉ giữ lại những diện tích rừng phòng hộ cực xung yếu, còn lại tập trung chuyển đổi để lấy đất cho người dân sản xuất lâm nghiệp. Một khi quyền lợi của bà con được đảm bảo thì vấn đề an ninh rừng chắc chắn sẽ được cải thiện”.
Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến, hướng đến tạo vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến đồ gỗ nội địa và xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu, Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đến năm 2020”.
Chủ trương sâu sát nhưng quá trình thực hiện đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Trên thực tế những nơi có điều kiện đất tốt đều đã tiến hành trồng rừng, diện tích sót lại chủ yếu nằm ở vùng cao, xa, điều kiện lập địa khó khăn, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, do đó khó thu hút doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư.
Quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình còn nhỏ lẻ, dao động bình quân từ 1-2ha/hộ, số hộ có diện tích trên 10ha rất ít. Các hộ đa phần sinh sống ở khu vực miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên chủ yếu chọn phương án trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập.
Vốn và tín dụng cũng là rào cản. Kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ dài, đồng nghĩa với chi phí đầu tư lớn, nhận thấy rủi ro cao nên các ngân hàng thường từ chối giao dịch, thành thử các hộ gia đình, cá nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Mặc dù còn nhiều rào cản nhất định, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, chủ trương trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, các Hạt kiểm lâm (HKL) địa bàn với vai trò tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra đảm bảo thực thi pháp luật về QLBVR và QLLS đã phát huy dấu ấn rõ nét.
Đơn cử, huyện Lang Chánh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 58.562,80 ha, được phân bố trên địa giới hành chính của 11 xã, thị trấn, độ che phủ rừng chiếm 80,61%. Song song với việc thực hiện tốt công tác khảo sát, thiết kế tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, HKL huyện còn chủ động trong quá trình gieo, ươm cây giống nhằm cung cấp đủ số lượng, chất lượng cây giống cho người dân bản địa tiến hành trồng rừng đúng thời vụ.
Hàng năm, HKL Lang Chánh cấp cho các hộ gia đình tham gia dự án từ 50-60 vạn cây giống, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Chi tiết hơn, giai đoạn 2014 - 2017, đơn vị đã triển khai trồng được 2.005 ha rừng, chủ yếu là rừng gỗ lớn (keo tai tượng Úc) với sự tham gia của hàng ngàn hộ dân. Rừng trồng phát triển tương đối đồng đều, mang lại lợi ích về môi trường, hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương cũng như giảm thiểu áp lực đối với bảo vệ rừng tự nhiên…
Trong kế hoạch chuyển đổi 21.000 ha rừng phòng hộ kém xung yếu sang đất rừng sản xuất, khoảng 70-80% diện tích sẽ thuộc quyền quản lý của người dân, còn lại là các đối tượng chủ rừng khác. Đây được coi là một chủ trương lớn hợp lòng dân... (Nông nghiệp Việt Nam 11/9)đầu trang(
Tỉnh Yên Bái có tổng diện tích rừng sau kiểm kê là 523.275,2 ha, chiếm 75,9 % diện tích tự nhiên.
Hiện có 17 CTy TNHH và Công ty CP khai thác nguồn nước trên hệ thống suối chảy qua tỉnh Yên Bái để chạy máy thủy điện, cung cấp nước sạch và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 13 CTy thủy điện khai thác 25 nhà máy thủy điện, 4 Cty cung cấp nước sạch và nuôi trồng thủy sản.
Trên hệ thống đầu nguồn của Sông Hồng, sông Đà, sông Chảy nơi có nhiều công trình thủy điện lớn của quốc gia đã thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Những nhà máy thủy điện có công suất lớn: Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng, Văn Chấn… Tổng số tiền mà các doanh nghiệp phải chi trả dịch vụ môi trường rừng là 63,119 tỷ đồng, với giá 20đ/kW/h, nếu theo quyết định số 1225/QĐ - UBND tỉnh Yên Bái ngày 3/7/2017 với giá 36đ/kW/h, số tiền phải thu là 79,022 tỷ. Tuy vậy, do Bộ Công Thương chưa điều chỉnh giá điện nên số tiền dịch vụ môi trường rừng các nhà máy thủy điện phải nộp cho tỉnh Yên Bái là 63,119 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái, tính đến ngày 28/8/2017 số tiền đã thu 24,12 tỷ, trong đó, Quỹ Môi trường rừng TW đã trả 17 tỷ, các nhà máy thủy điện nội tỉnh là 6,6 tỷ đồng. Một số CTy nợ tiền dịch vụ môi trường rừng: Cty TNHH Thanh Bình, CTy TNHH thủy điện Nậm Tục, CTy CP thủy điện Mường Kim, Cty TNHH Xuân Thiện, Cty CP Đầu tư và Phát triển điện Yên Bái đến giữa quý II/2017 đã trả hết nợ 1,522 tỷ. (Tài Nguyên và Môi Trường 7/9)đầu trang(
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sống bằng nghề lâm nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Theo đó mức được cấp sản xuất như sau: 1ha đối với đất trồng cây hàng năm (đất trồng lúa và cây hàng năm khác); 1 ha đối với đất nuôi trồng thủy sản; 1 ha đối với đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cẩm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; 2,5 ha đối với đất trồng các cây lâu năm; 2,5 ha đối với đất rừng sản xuất.
Quyết định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/9/2017. (Tài Nguyên và Môi Trường 7/9)đầu trang(
Sáng 11/9, tại Cẩm Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì hội thảo “Đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp để phát triển bền vững KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” thuộc cụm 2 (gồm các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, T.X Kỳ Anh).
Mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các đại biểu về nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần được thảo luận, làm rõ để đưa vào Đề án như: Dự án nuôi bò Bình Hà hiệu quả thế nào, việc tuân thủ pháp luật ra sao?; việc phát triển vùng nguyên liệu, phát triển đai rừng ven biển kết hợp phát triển du lịch ven biển?...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đề án có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện sau này nên các ngành, địa phương liên quan cần tham gia góp ý để hoàn chỉnh quy hoạch, định hướng phát triển trong thời gian tới.
Nội dung trọng tâm về thực trạng và định hướng phát triển một số lĩnh vực được nhấn mạnh như: về phát triển rừng trồng nguyên liệu, hiện có diện tích 72.600 ha, trong đó rừng keo chiếm 58.000 ha, định hướng phát triển trong thời gian tới đối với rừng trồng nguyên liệu là tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến theo quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 77.700 ha; tiến tới cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng; hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho 2 nhà máy với diện tích 16.350 ha; xây dựng mô hình “khu rừng thâm canh kiểu mẫu” diện tích 3.000 ha gỗ nhỏ tại Cẩm Xuyên và Kỳ Anh...
Về phát triển chăn nuôi, cây thức ăn chăn nuôi: diện tích quy hoạch chăn nuôi trên đất lâm nghiệp toàn tỉnh là 3.800 ha, thời gian tới tiếp tục thực hiện 1.840 ha còn lại để đến năm 2025 tổng diện tích thực hiện 3.000 ha trên đất lâm nghiệp.
Cây thức ăn chăn nuôi theo định hướng quy hoạch là 6.870 ha, hiện đã thực hiện 705 ha, định hướng thời gian tới sẽ đầu tư thâm canh trên diện tích 750 ha đã được thực hiện... Đây là vấn đề quan trọng cần làm rõ để tỉnh xem xét nhằm khai thác hiệu quả diện tích này.
Về phát triển khu du lịch sinh thái gắn các hồ đập: định hướng thời gian tới phát triển du lịch Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ gắn với hồ Kẻ Gỗ phù hợp với quy hoạch, bảo vệ môi trường, nguồn nước sinh hoạt...
Phát triển đai rừng ven biển kết hợp phát triển du lịch ven biển; định hướng phát triển trong thời gian tới và rà soát quý đất để cho các doanh nghiệp thuê phát triển, ổn định nguyên liệu cũng được nêu lên tại hội thảo.
Góp ý tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, việc ra đời Đề án là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu, xu thế phát triển chung, đồng thời kiến nghị chính quyền, các ngành cần quan tâm đến quy hoạch, môi trường; nên áp dụng mô hình nông lâm kết hợp; phát triển rừng trồng gỗ nguyên liệu; thực hiện theo hướng xanh, sạch, bền vững.
Đề án cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, vốn ưu đãi và đầu ra sản phẩm; đặt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng lên hàng đầu; đầu tư hạ tầng lâm nghiệp; có nghiên cứu đánh giá cho từng vùng quy hoạch để đảm bảo sản xuất tập trung mang tính hàng hóa; cần quy hoạch một số mỏ để phục vụ nhu cầu xây dựng...
Một số đại biểu cũng cho rằng, Đề án chưa định hướng phát triển cây chè, cây có múi, cây dược liệu trên địa bàn Cụm 2; nên quản lý chặt chẽ giống cây lâm nghiệp và tổ chức sản xuất giống keo lai phù hợp với vùng đất Hà Tĩnh; bổ sung vào Đề án tuyến du lịch Kẻ Gỗ - Rào Trổ; quy hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng...
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn giao các ngành liên quan tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Đề án; cấp ủy, chính quyền các cấp có văn bản chính thức để cán bộ, nhân dân biết, chuẩn bị triển khai thực hiện; các địa phương cần xem xét, bổ sung quy hoạch phù hợp với vùng đất, khí hậu, thời tiết nhằm khai thác lợi thế, đạt hiệu quả cao nhất; đánh giá đầy đủ tác động của môi trường đối với phát triển kinh tế để điều chỉnh dự án; cần có chuyên đề về cây ăn quả để có cái nhìn toàn diện đối với lĩnh vực này. (Báo Hà Tĩnh 11/9)đầu trang(
Từ nay đến hết tháng 10- 2017, khoảng 130 cây xanh trên đường Kim Mã( đoạn từ hồ Thủ Lệ đến nút giao Núi trúc) sẽ được di dời, chặt hạ để phục vụ việc thi công tuyến đường sắt đô thi ga Hà Nội – Nhổn.
Việc chặt hạ, di dời số cây xanh nói trên đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép. Trong 130 cây xanh kể trên có 95 cây xanh sẽ được di dời (6 cây xà cừ đường kính 60- 90cm); 35 cây không thuộc chủng loại cây đô thị, cây cong nghiêng, sâu mục sẽ bị chặt hạ. Số cây được di dời sẽ đưa về trồng tại nút giao Vĩnh Ngọc trên đại lộ Võ Nguyên Giáp. (Tuổi Trẻ 9/9)đầu trang(
Nhiều địa phương không có kinh phí để thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình. Nếu cộng đồng dân cư, hộ gia đình không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nghiễm nhiên không được hưởng các quyền chuyển nhượng, quyền thế chấp, quyền tổ chức sản xuất trên chính mảnh đất lâm nghiệp của mình. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, thực tế này cho thấy thoát nghèo bằng kinh tế rừng vẫn còn xa vời.
Cụ thể về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016 tại các địa phương đã đạt được:
Chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, đã góp phần ổn định đời sống người dân, tạo đà cho phát triển lâm nghiệp.
Tuy nhiên, giám sát tại các địa phương cho thấy, việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, hạn chế. Đơn cử, về hành lang pháp lý, mặc dù chúng ta đã có Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm, song một số địa phương lại không chấp hành nghiêm các văn bản pháp luật này.
Một số địa phương vẫn giao đất, giao rừng theo Nghị định 163/1999/NĐ - CP ngày 16.11.1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Các Nghị định 23/2006/NĐ - CP của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Thông tư số 38/2014/TT - BNNPTNT của Bộ NN - PTNT về phương án quản lý rừng bền vững, Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT - BNNPTNT-BTNMT của Bộ NN - PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp chưa được thực hiện
Trong khi những văn bản pháp luật đã được ban hành gần chục năm nhưng lại không được triển khai thực hiện tại địa phương. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi của cộng đồng dân cư, hộ gia đình.
Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau này đều chú trọng hơn đến lợi ích của người dân, với mong muốn giúp người dân sống được bằng nghề rừng nhưng một số địa phương lại không thực hiện. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến người dân không sống được bằng nghề rừng, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Xét về chủ rừng được giao rừng ở các địa phương thì các công ty nông, lâm trường, doanh nghiệp được giao rừng, cho thuê rừng tổ chức sản xuất không hiệu quả, lại chưa bị thu hồi đất, rừng. Trong khi đó, các hộ dân là người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất vẫn còn rất lớn. Ví dụ, ở Nghệ An, có hơn 16.000 hộ dân sống ở vùng miền núi và hộ gia đình là người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất. Hiện, quy hoạch của tỉnh mới chỉ có 2.000 hộ dân được giao đất, giao rừng. Còn lại 14.000 hộ dân phải chuyển đổi nghề. Đây là thách thức lớn đối với người dân tộc thiểu số, hộ gia đình sống ở vùng núi, vùng cao. Họ sống giữa đất rừng mà không sống được bằng nghề rừng.
Có thể nói, vướng mắc lớn nhất ở các địa phương là kinh phí dành cho phát triển kinh tế lâm nghiệp còn hạn chế. Nhiều địa phương không có kinh phí để thực hiện đo đạc, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình. Nếu cộng đồng dân cư, hộ gia đình không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nghiễm nhiên không được hưởng các quyền lợi như quyền chuyển nhượng, quyền thế chấp, quyền tổ chức sản xuất trên chính mảnh đất lâm nghiệp của mình. Tôi cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đều phải quan tâm nhiều hơn nữa đến 14% người dân tộc thiểu số trên cả nước, để họ có thể thoát nghèo bằng kinh tế rừng.
Sau giám sát, sắp tới đây, Hội đồng Dân tộc sẽ có những kiến nghị tới QH, Chính phủ để nâng cao hiệu quả thực hiện giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình.
Hội đồng Dân tộc sẽ kiến nghị QH sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng. Đồng thời, đề nghị, Bộ NN - PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Thông tư liên tịch số 07/2011/TTLT - BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp theo hướng quy định rõ nguồn kinh phí của Trung ương là bao nhiêu, ngân sách của địa phương là bao nhiêu để thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp.
Chúng tôi cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của Bộ NN - PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước về giao đất, giao rừng. Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc bố trí các nguồn vốn thực hiện giao đất, giao rừng. Ở các địa phương, sự phối hợp chức năng, nhiệm vụ giữa Sở NN - PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần được làm rõ. Cụ thể, Sở NN - PTNT giao rừng, Sở Tài nguyên và Môi trường giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa hai Sở này, khiến giao đất chưa gắn liền với giao rừng. (Đại Biểu Nhân Dân 11/9)đầu trang(
Chủ trương giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình được người dân huyện Quỳ Châu, Nghệ An đánh giá là đúng đắn. Tuy nhiên, chủ trương này lại chưa đến được với đông đảo người dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, đất do các hộ gia đình được giao quản lý tại địa phương chỉ khoảng 40.023ha; số hộ gia đình được giao đất lâm nghiệp là 8.335 hộ. Ước tính mỗi hộ chỉ được giao khoảng 4ha đất lâm nghiệp. Trong khi đó, huyện Quỳ Châu vẫn còn đất giao cho các lâm trường như Lâm trường Quỳ Châu với 9.000ha, Lâm trường Cô Ba với 6.224ha.
Nghịch lý ở chỗ, trên địa bàn huyện Quỳ Châu vẫn còn 1.635 hộ thiếu đất sản xuất. Trong đó, riêng tại xã Châu Bình còn đến 930 hộ thiếu đất sản xuất. Người dân phải đi làm thuê cho lâm trường theo hình thức phát canh, thu tô. Xót xa trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, người dân sống ngay tại đất rừng, trên mảnh đất cha ông để lại, nay lại trở thành người làm thuê là rất đáng phải suy ngẫm.
Đáng chú ý hơn, Nghị quyết 112/2015/QH13 của QH ngày 27.11.2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng đã chỉ rõ những yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đối với các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp. Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nghị quyết này đã được huyện Quỳ Châu thực hiện, lâm trường đã giao đất cho UBND tỉnh Nghệ An để giao về cho người dân. Nhưng đa phần đất lâm trường bàn giao lại là đất khô cằn, đất xấu hoặc ở quá xa khu dân cư nên người dân không thể canh tác được. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân khẳng định, với cách làm này thì nói là giao đất nhưng cũng như là không giao. Đất lâm trường quản lý vẫn không mang lại hiệu quả và người dân thì vẫn không có đất sản xuất, nghèo càng thêm nghèo.
Giải thích thêm về vấn đề này, lãnh đạo huyện Quỳ Châu cho biết, diện tích đất rừng ít giao cho hộ gia đình vì chưa có kinh phí hỗ trợ hộ gia đình bảo vệ và phát triển rừng. Các hộ gia đình, người dân tộc thiểu số nghèo nên không đủ sức để tự khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đối với đất ở các lâm trường, đúng là vì lợi ích nên khi lâm trường trả đất về cho địa phương, chỉ toàn là nơi xa dân cư, khó canh tác, sản xuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài thừa nhận.
Để sớm chấm dứt tình trạng bất cập trong giao đất, giao rừng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị, tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo sát sao hơn, thu hồi các diện tích đất sử dụng không hiệu quả ở các công ty nông, lâm trường giao đất về cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Như đề nghị của các hộ gia đình thiếu đất sản xuất ở các bản: Bình 3, Lầu 1, Can, Thung Khang ở xã Châu Bình đó là, muốn xóa đói giảm nghèo phải có đất sản xuất, muốn sống với nghề rừng phải có đất, có rừng thì người dân mới phát triển lâm nghiệp được. (Đại Biểu Nhân Dân 10/9)đầu trang(
Chiều 11/9, tại Can Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì hội thảo “Đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp để phát triển bền vững KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” thuộc cụm 3 (gồm các huyện: Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, T.X Hồng Lĩnh).
Tại hội thảo các đại biểu tham dự đều đánh giá cao nội dung “Đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng, đất nông nghiệp để phát triển bền vững KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang phát triển các sản phẩm nông nghiệp (cây ăn quả, chè công nghiệp, chăn nuôi, cây thức ăn chăn nuôi) phải đảm bảo tính bền vững gắn bảo vệ môi trường, phải được hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy hoạch, kế hoạch; tuân thủ quy trình...
Đối với diện tích rừng phòng hộ ven biển, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng phòng hộ ven biển và đất lâm nghiệp hiện có nhằm bảo vệ các khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ mát, hệ thống đê sông, đê biển; chắn sóng, chắn cát, chắn gió, hạn chế triều cường, chống hiện tượng hoang mạc hóa, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng ven biển.
Đồng thời, tỉnh cần phục hồi và phát triển bền vững hệ thống rừng ngập mặn, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, khoanh nuôi, nâng cấp, trồng mới, quan tâm chọn giống, phòng và chống sâu bệnh hại cho cây rừng ngập mặn.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, khẳng định chủ trương của tỉnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã có đề án rà soát lại đánh giá tác động môi trường một số các dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương phải đánh giá lại vấn đề ảnh hưởng tác động của môi trường của dự án ở một số lĩnh vực.
“Đối với lĩnh vực phát triển cây ăn quả, cấp ủy, chính quyền địa phương phải chú trọng đến vấn đề định hướng thị trường cho sản phẩm như: cam, bưởi, chanh....”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý. (Báo Hà Tĩnh 11/9)đầu trang(
360,6ha rừng cao su tại 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị bỏ hoang gần 8 năm nay do vướng mắc về quyền sử dụng đất, khiến cho hàng trăm hộ dân có đất mà không được sử dụng, gây lãng phí lớn.
Năm 1999, người dân xã Bình Khương giao đất lâm nghiệp cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi trồng cao su đại điện trong thời hạn 49 năm. Đến năm 2009, gặp bão lớn nên nhiều diện tích cao su bị ngã đổ, số cây cao su ngã đổ được Công ty khai thác bán. Lúc này hàng trăm người dân chăm sóc cao su không được hưởng lợi nên giữa công ty và người dân nảy sinh tranh chấp, bên cạnh đó, vướng mắc về quyền sử dụng đất trong quá trình đo đạc, khiến sự việc kéo dài, diện tích cao su bị bỏ hoang.
Ông Mai Văn Thanh (xã Bình Khương, huyện Bình Sơn) nói: “Hơn 2,3 ha đất trồng cao su hiện tại là do tôi khai hoang trồng mì, ngô. Đến khi công ty có dự án trồng cao su thì tôi tham gia, lấy công chăm sóc. Khi xảy ra sự việc năm 2009, những người chăm sóc cao su lâu năm như tôi đều không được chia lợi”. Theo ông Thanh thì, từ thời điểm nhận chăm sóc cao su, năm 2001, đến năm 2009, nếu trồng keo thì ông đã xuất bán 3 lứa, mỗi lứa bán ra gần 200 triệu đồng.
Hiện nay, rừng cao su bị bỏ hoang, nhiều người vào rừng “mót” cao su về bán. Từ thời điểm diễn ra tranh chấp, người dân đã trồng keo xen vào cao su.Tuy nhiên, hầu hết các diện tích đất đều không có sổ đỏ, nên người dân muốn trồng trọt cũng rất khó.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương, cho biết, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi có văn bản thống nhất không ban hành quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 360,6 ha tại 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên, đang vướng mắc quyền sử dụng đất. Cho phép công ty tận thu số cây cao su và xử lý tài sản trên đất, bàn giao diện tích đất cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên theo ông Sơn, rất nhiều người dân nằm trong dự án cao su không đồng thuận. Ông Sơn nói: “Người dân không đồng thuận tận thu cao su vì chính người dân đã bỏ công chăm sóc nhiều năm trước đó mà chưa được hưởng lợi, hơn nữa, người dân trồng keo trên đó, nên khi tận thu sẽ gãy keo của người dân. Đồng thời, nếu giao đất cho địa phương để trồng các cây công nghệ cao thì cũng rất khó hiệu quả. Vùng đất này do bà con khai phá trồng trọt, người dân có nguyện vọng trả lại đất, lập giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho bà con”. Hiện tại, ông Sơn cho biết, huyện Bình Sơn vẫn chưa có văn bản về xã hướng dẫn hỗ trợ giải quyết thỏa đáng cho người dân. (Sài Gòn Giải Phóng 11/9)đầu trang(
Từ năm 2003, Nghị quyết 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp nông lâm trường đã chỉ rõ: Thực hiện tốt chủ trương giao đất ở, đất sản xuất (SX) cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, khắc phục nhanh tình trạng đồng bào không có đất ở, không có đất SX…
Thế nhưng tới nay, người dân miền núi nhiều nơi vẫn khát đất trồng rừng như trẻ khát sữa!
Phải tiếp tục rà soát lại đất lâm nghiệp, nhất là đất rừng phòng hộ không cần thiết để giao đất cho dân SX, trên cơ chế hài hòa giữa mục tiêu phát triển rừng, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cho người dân ở miền núi. Đó là ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề đất rừng hiện nay.
Chưa công bằng, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã nhận xét như vậy xung quanh thực trạng quản lí đất lâm nghiệp hiện nay.
GS Khả dẫn ví dụ như TCty Giấy Việt Nam, chỉ riêng địa bàn tỉnh Phú Thọ đã quản lý cả gần chục Cty lâm nghiệp (NNVN đã phản ánh). Trước đây, ngành Công nghiệp (nay là Công thương) chỉ quản lí ở phần các nhà máy, còn các lâm trường do ngành Nông nghiệp quản lí. Tuy nhiên về sau, các lâm trường (nay là các Cty lâm nghiệp) lại được chuyển ngang về làm thành viên của TCty Giấy, kèm theo một diện tích đất lâm nghiệp rất lớn.
Theo GS Khả, ở đây có hai vấn đề mà hiện nay cần phải tiếp tục rà soát để làm rõ. Một là việc chuyển giao các Cty lâm nghiệp về làm thành viên cho TCty Giấy, do ngành Công thương quản lí đã hợp lí hay chưa, cần phải rạch ròi khâu quản lí giữa ngành Công thương và ngành Nông nghiệp trong vấn đề này.
Thứ hai, việc ưu ái dành cho các Cty này một diện tích đất lâm nghiệp rất lớn như thế, trong khi người dân địa phương vẫn còn bức bách đất SX là điều cần phải xem xét lại. Bởi, đất đai đã trở thành một trong những chi phí SX của doanh nghiệp. Vì vậy nên chăng, cần phải giao bớt lại diện tích đất lâm nghiệp của các Cty lâm nghiệp cho người dân SX. Sau đó, có thể thành lập các HTX, nhà máy vẫn có thể đảm bảo nguyên liệu SX theo cơ chế thị trường trên cơ sở liên kết với người dân được giao rừng.
Hiện nay, doanh nghiệp SX các mặt hàng nông sản đều phải tổ chức tích tụ đất đai hoặc liên kết với nông dân để SX. Người miền xuôi từ khi xóa bỏ chế độ bao cấp thì được chia ruộng. Nay các DN muốn kinh doanh SX lúa gạo thì phải thu gom đất, hoặc liên kết với nông dân để SX. Người miền núi cũng vậy, họ cũng phải được chia đất rừng. Nay DN muốn SX gỗ, SX giấy thì phải liên kết với dân để làm, không thể nào lại được ưu ái giao cho những diện tích đất lâm nghiệp lớn như vậy. Điều đó là chưa công bằng đối với người dân miền núi”, GS Khả nêu quan điểm.
iên quan tới thực trạng nhiều BQL Rừng phòng hộ hiện nay đang quản lí diện tích rừng quá lớn, GS.TS Lê Đình Khả cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát, xét kỹ tiêu chí thế nào là rừng phòng hộ. Theo đó, khu vực không nhất thiết phải giữ rừng phòng hộ thì phải giao lại cho dân để họ trồng rừng SX phát triển kinh tế.
Cụ thể, rừng phòng hộ ở những khu vực xung yếu như phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, phòng hộ chắn giữ cát, phòng hộ ở các khu vực đất dốc để ngăn ngừa nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, nhất là miền núi phía Bắc, Tây Nguyên phải được đặc biệt ưu tiên đầu tư bảo vệ. Với các khu vực phòng hộ này, tiêu chí không nhất thiết cứ phải là rừng giàu trữ lượng, mà thậm chí chỉ là dây leo bụi rậm để giữ nước là chính vẫn cần phải giữ. Tuy nhiên đối với các khu vực ít xung yếu hơn như các tỉnh vùng trung du, vùng bán sơn địa, không nhất thiết chỗ nào cũng giữ rừng rồi gắn mác là rừng phòng hộ, trong khi dân lại không có đất SX.
“Thực tế ở nhiều nơi, có những khu núi sót (núi mọc đơn độc), đồi bát úp ngay cạnh đồng ruộng cũng được gắn là rừng phòng hộ, mà lại là rừng trồng nữa thì có cần thiết gọi là rừng phòng hộ hay không, phòng hộ cho cái gì? Những khu vực như thế thì phải giao đất ngay cho dân để họ trồng rừng kinh tế chứ giữ làm gì, bởi rừng trồng thì cũng đã có tác dụng phòng hộ rồi”, ông Khả nêu thực tế.
Đồng tình với quan điểm này, TS Phí Hồng Hải, Phó GĐ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Hiện nay, chúng ta đang phân loại làm 3 loại rừng là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng SX. Trong đó, ngoại trừ rừng đặc dụng cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, còn lại rừng phòng hộ cần phải tiếp tục rà soát, nơi nào không thật sự cần thiết thì nên giao lại cho dân trồng rừng SX. Ông Hải thừa nhận, thực trạng tranh chấp đất rừng đang gây bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là những khu vực rừng phòng hộ mới. Vì vậy trong việc quy hoạch rừng phòng hộ, nếu không căn cứ trên nhu cầu thực tế và không tính đến nhu cầu sinh kế của người dân thì đây sẽ là điều vô cùng nguy hại.
TS Hải thẳng thắn cho rằng, những lâm trường cũ (nay là các Cty lâm nghiệp), quan điểm phải dứt khoát là không quản lí được, khai thác không hiệu quả thì phải trả về cho địa phương để giao cho dân SX. Tuy nhiên, vấn đề là sau khi giao lại đất cho dân phải thế nào? Bởi có nơi giao rừng về cho dân là mất rừng, nhưng cũng có nơi giao về lại phát triển rất tốt. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó căn bản nhất vẫn là phải hình thành được thị trường, công nghệ phụ trợ chế biến và thương mại lâm sản gắn với quá trình giao đất giao rừng.
Theo TS Hải, một ví dụ điển hình, đó là trong khi các vùng như Đông Bắc, Trung du Bắc bộ, các tỉnh Trung bộ hiện nay hiệu quả sử dụng đất rừng sau khi giao đất giao rừng rất tốt, thì nhiều khu vực khác, tiêu biểu là Tây Bắc, Tây Nguyên lại rất khó khăn về phát triển rừng SX. Nguyên nhân chủ yếu là chưa hình thành được thị trường, điều kiện hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ.
“Có một thực tế là nhiều nơi, dân thiếu đất trồng rừng SX nghiêm trọng, nhưng cũng có nơi sau khi giao rừng không thể phát huy được hiệu quả. Vì thế, giao rừng phải gắn với cơ chế chính sách thu hút đầu tư cho ngành lâm nghiệp đi kèm. Đối với rừng phòng hộ thực sự cần thiết phải giữ lại, Nhà nước nhất định phải tăng cường hơn nữa nguồn hỗ trợ, nhất là từ các dịch vụ môi trường rừng để người dân có thể gắn bó với rừng”, ông Hải nêu ý kiến. (Nông nghiệp Việt Nam 12/9)đầu trang(
Với nỗ lực khai thác du lịch từ thế mạnh của vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã. Trong đó, có nội dung đề xuất xây dựng cáp treo lên Bạch Mã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Vườn quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) có thế mạnh lớn về cảnh quản thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, khai thác du lịch tại khu vực này còn hạn chế, lượng khách đến với Bạch Mã vẫn ít.
Để khai thác thế mạnh của Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ít lần tìm giải pháp nhưng vẫn chưa “đánh thức” được khu sinh thái tự nhiên này. Trong vòng hai năm trở lại đây, một tập đoàn đã ngỏ ý muốn được khảo sát đầu tư tại đây, và đã bỏ công sức thuê các đơn vị tư vấn nổi tiếng của nước ngoài giúp Thừa Thiên Huế xây dựng đồ án quy hoạch cho Bạch Mã. Đồ án này đã được tỉnh gửi đến Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng xin ý kiến.
Định hướng quy hoạch này với diện tích hơn 300ha, được phân ra thành nhiều phân khu gồm: Thung lũng thác nước, Làng dịch vụ, Làng trung tâm, Làng di sản, Làng đỉnh núi, và Khu hành trình tâm linh. Theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, trong quy hoạch này, đơn vị tư vấn đã đưa ra khai thác thế mạnh mà Bạch Mã đang có, đó là du lịch sinh thái cao cấp, hạn chế tác động đến sinh thái cảnh quan.
Quy hoạch này cũng phân các khu vực (phân khu) theo từng tầng cao khác nhau; những dịch vụ đáp ứng cho số đông người thì được quy hoạch ở vùng thấp; càng lên cao và dịch vụ càng cao cấp, nó sẽ giảm số khách lên cao. Đồng thời, quy hoạch này cũng đặt các khu dịch vụ lên các vị trí mà trước đây người Pháp đã xây dựng nhằm giảm thiểu tối đa việc xây dựng các khu mới, và tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Toàn bộ phương án quy hoạch hiện nay đều trải trên diện tích 139 biệt thự mà Pháp đã xây dựng trước đó.
Trao đổi với Báo Văn Hóa, ông Định cũng thông tin rằng, đây chỉ là bước đầu của khâu lấy ý kiến hoàn chỉnh quy hoạch, còn cần phải lấy ý kiến của nhiều Bộ ngành, các chuyên gia, cộng đồng để hoàn thiện ý tưởng cũng như tạo sự đồng thuận. Sau khi quy hoạch được duyệt, muốn thực hiện dự án cũng phải đáp ứng được các tiêu chí về tác động môi trường, hệ sinh thái. Tuy mong muốn phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của Bạch Mã, nhưng tỉnh đã và đang triển khai từng bước hết sức thận trọng. “Làm quy hoạch Bạch Mã rất khó.
Đã gần hai năm qua, tỉnh cùng các ngành, các chuyên gia về hệ sinh thái, kinh tế, văn hóa lịch sử đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này. Khi bắt tay thực hiện, UBND tỉnh xác định nếu không có giải pháp tốt trong bảo tồn thiên nhiên ở khu vực này thì cũng chưa thể cho phép triển khai đầu tư phát triển du lịch được”, ông Định nói.
Trong nội dung của đồ án quy hoạch về phân khu xây dựng khu du lịch tại Bạch Mã có đề xuất việc xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Bạch Mã. Theo đó, định hướng của quy hoạch là tuyến cáp treo này sẽ có ba điểm dừng, trong đó có điểm dừng tại thác Đỗ Quyên.
“Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tác động đến cảnh quan, môi trường khi xây cáp treo lên Bạch Mã, nhưng khi đầu tư hạ tầng bằng việc mở đường, thì việc gây ra tiếng ồn, chặt hạ cây khi thi công cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái và cảnh quan không nhỏ. Xây dựng cáp treo lên Bạch Mã chỉ là định hướng quy hoạch, muốn phê duyệt thì còn phải đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định thì dự án cũng không được phép triển khai”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Mới đây, ngày 1.9, Bộ Xây dựng đã có văn bản lần 2 về việc góp ý cho đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã. Trong đó, Bộ Xây dựng cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế cần định hướng kiến trúc sẽ được xây dựng, cải tạo trong khu vực cho các công trình xây dựng trên nền biệt thự cũ; các công trình trong Làng Nghệ thuật di sản, Làng Du lịch trên đỉnh núi chưa rõ. Kiến trúc không phù hợp sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Bộ Xây dựng cũng cho rằng, việc xác định quy mô dự báo 500.000 khách/năm của tỉnh Thừa Thiên Huế là chưa có cơ sở, có liên quan đến quy mô xây dựng.
Về nội dung đề xuất hình thành hệ thống cáp treo gồm ba tuyến, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ về hướng tuyến; quy mô và giải pháp xây dựng, bổ sung đánh giá tác động môi trường. “UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng…). Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các hội nghề nghiệp và ý kiến cộng đồng về tác động của việc hình thành hệ thống cáp treo đối với cảnh quan, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học…, tạo sự đồng thuận trước khi xem xét quyết định”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu rõ. (Văn Hóa 11/9)đầu trang(
UBND tỉnh Quảng Nam ngày 8.9 cho biết đã quyết định đầu tư 25,5 tỉ đồng để triển khai dự án Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh (TP.Hội An).
Số kinh phí nêu trên từ nguồn vốn chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nguồn ngân sách địa phương.
Mục đích của dự án nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Cẩm Thanh.
Theo đó, điều chỉnh mật độ trồng mới rừng dừa từ 4.400 cây/ha lên 4.440 cây/ha; điều chỉnh mật độ trồng bổ sung từ 100 – 150 cây/ha thành 300 cây/ha đối với diện tích quy hoạch trồng bổ sung 61,15 ha và 500 cây/ha đối với diện tích quy hoạch 27 ha để hướng đến mật độ thành rừng dừa sau thời gian kiến thiết cơ bản, đảm bảo mật độ chung 3.300 – 3.500 cây/ha…
Rừng dừa nước Cẩm Thanh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội gắn với du lịch tại TP.Hội An. Ngoài ra, nơi đây cũng là khu vực mà các loài thủy hải sản chọn làm nơi sinh sản. (Thanh Niên 8/9)đầu trang(./.