Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 04 tháng 03 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Trưa 2-3, tại đồi Độc Lập, thôn Tân Phú, xã Đác Rmoan, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đác Nông, đã xảy ra một vụ cháy lớn gây thiệt hại hàng chục ha điều và cao su của người dân.
Theo phản ánh của các hộ dân, vụ cháy xảy ra từ lúc 13 giờ, nhưng phải đến 19 giờ cùng ngày mới cơ bản dập tắt được ngọn lửa.
Với tốc độ lây lan nhanh kèm gió lớn, vụ cháy xảy ra ở đồi Độc Lập, thôn Tân Phú đã làm gần 20 ha cao su và điều kinh doanh của gần 20 hộ dân bị thiêu rụi hoàn toàn. Ước tính tổng giá trị thiệt hại lên đến gần tám tỷ đồng.
Vụ cháy xảy ra khiến nhiều hộ gia đình đối mặt với tình trạng mất trắng tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sản xuất.
Hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra xác định nguyên nhân vụ cháy.
Vào thời điểm mùa khô hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hanh kéo dài, do đó nguy cơ cháy xảy ra rất cao, nhất là những khu vực đồi núi có thảm thực vật dày, cây bụi nhiều.
Vì vậy, để tránh tình trạng cháy rừng, cây trồng, người dân cần cảnh giác, cẩn thận khi sử dụng lửa và các vật dễ bắt lửa. Mặt khác, chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ người dân phòng cháy chữa cháy hiệu quả, tránh thiệt hại lớn về người và tài sản. (Nhân Dân 3/3) đầu trang(
Theo Chi cục kiểm lâm Kiên Giang, hiện có hơn 15.520 ha rừng, chiếm 18% diện tích rừng trên địa bàn báo động nguy cơ cháy từ cấp 3 đến cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích này tập trung ở huyện đảo Phú Quốc hơn 5.000 ha, Hòn Đất - Kiên Hà 5.729 ha, Hòn Đất - Giang Thành 2.811 ha, vùng U Minh Thượng hơn 1.200 ha.
Ông Trương Thanh Hào, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Kiên Giang cho biết: Hiện đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô, nhiều khu vực rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh báo động nguy cơ cháy cấp cao, cực kỳ nguy hiểm.
Vì vậy, việc theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình khô hạn thực hiện thường xuyên để chủ động triển khai giải pháp phòng chống cháy rừng. Chi cục kiểm lâm Kiên Giang phối hợp với địa phương có rừng, chủ rừng xây dựng, triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng đối với từng khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao.
Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó dập tắt lửa trong mọi tình huống, không để xảy ra cháy lớn. Công tác tuần tra, kiểm soát và trực chiến 24/24 giờ ở các vùng trọng yếu, dễ xảy ra cháy; quản lý chặt chẽ người ra vào rừng và cấm sử dụng lửa.
Bên cạnh đó, năm nay, tỉnh Kiên Giang phân bổ nguồn kinh phí hơn 6 tỷ đồng cho công tác phòng chống cháy rừng mùa khô. Những khu vực "nóng" đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 66 chòi canh lửa, lập 37 chốt trực canh và chuẩn bị lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng hơn 2.800 người, nạo vét, đào mới 66 giếng khơi trữ nước chữa cháy rừng trên đảo Phú Quốc.
Trên lâm phần rừng tràm U Minh Thượng, các trạm bơm điện vận hành điều tiết nguồn nước, giữ độ ẩm, giữ nước, chống khô hạn. Ngoài ra, xe các loại, vỏ máy, ca nô, máy ủi, máy cày, máy bơm nước, ống nước, dụng cụ cầm tay…được trang bị cho các chủ rừng và đưa xuống chốt, trạm trực canh.
Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang phối hợp với ngành chức năng, lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ địa phương lập phương án tác chiến cụ thể ở các khu vực có nguy cơ cháy cao. Công tác tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm như được tăng cường: Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, vùng Tứ giác Long Xuyên nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Hào, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Kiên Giang: Hiện, khó khăn trong công tác phòng chống cháy rừng ở địa phương là một số đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận khoán đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất chưa đầu tư các nguồn lực, phương tiện bảo vệ rừng, còn trông chờ vào kiểm lâm và địa phương.
Một bộ phận người dân sống quanh khu vực rừng thiếu ý thức chấp hành phòng chống cháy rừng mùa khô, tự ý đốt đồng ruộng, vườn rẫy không theo quy định, vào rừng trái phép lấy mật ong, săn bắt động vật, khai thác cây rừng, đánh bắt cá… sử dụng lửa bất cẩn gây cháy rừng.
Mới đây, vào ngày 27/2/2015, một vụ cháy đã xảy ra trên diện tích gần 16.000 m² rừng tràm trồng năm 2020 tại tiểu khu 2 thuộc ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống cháy rừng trên địa bàn đã kịp thời phối hợp dập lửa nhanh, không để cháy lan rộng. (Tin Tức 4/3, Tr6; Đảng Cộng Sản VN 3/3) đầu trang(
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trên địa bàn tỉnh phát hiện xảy ra 9 vụ vi phạm lâm luật, trong đó, phá rừng trái phép 3 vụ với tổng diện tích rừng bị phá gần 1 ha; 5 vụ vi phạm về cất giữ, vận chuyển lâm sản, đưa phương tiện vào rừng trái phép và 1 vụ cháy rừng.
So với Tết cổ truyền năm 2014, tình trạng vi phạm lâm luật trong những ngày nghỉ tết năm nay đã giảm cả về số vụ lẫn diện tích rừng thiệt hại.
Có được kết quả đó một phần là do công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phương án quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng (PCCR) được các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, nghiêm túc.
Mặt khác, trong dịp Tết năm nay, đa phần các địa phương, đơn vị chức năng cũng đã có sự chủ động về lực lượng, phương tiện và tổ chức tuần tra, kiểm soát một cách nghiêm túc. Đơn cử như tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong), đây là địa bàn có diện tích rừng nằm trong nguy cơ cháy rừng cao nên trước tết, đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, nhân viên ăn tết sớm để trong những ngày tết đảm bảo lịch trực, kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ.
Vì thế, mặc dù ngày 24/12/2014 âm lịch, tại lô 2, khoảnh 7, tiểu khu 1807, thuộc lâm phần quản lý của Khu bảo tồn có xảy ra một vụ cháy rừng nhưng do chủ động về lực lượng, phương tiên, 7 hộ dân nhận khoán đã phối hợp với lực lượng của đơn vị kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy nên không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng về rừng, chủ yếu cháy cỏ tranh và rừng le tự nhiên với diện tích gần 2000m2.
Cũng nhờ sự chủ động, không chủ quan, lơ là mà những vụ phá rừng trong những ngày nghỉ tết đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng. Đơn cử như trong ngày 26/12 âm lịch, lực lượng kiểm lâm huyện Đắk Glong phát hiện và ngăn chặn một vụ phá rừng phòng hộ tại tiểu khu 1637 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý với diện tích rừng thiệt hại khoảng 0,61 ha, chủ yếu là rừng lồ ô xen gỗ.
Hoặc trong đêm 30 Tết Nguyên đán, trong khi tuần tra, lực lượng kiểm lâm huyện Đắk Song đã phát hiện một đối tượng đang dùng cưa xăng chặt phá rừng thông tại khu vực Rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14. Khi thấy lực lượng kiểm lâm, đối tượng này đã bỏ chạy, để lại hiện trường một cưa xăng và 0,34 ha rừng bị thiệt hại. Hiện hạt kiểm lâm các huyện đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.
Trong dịp tết, cũng là thời điểm mà hoạt động buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra phức tạp. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm các địa phương đã tăng cường công tác tuần tra, chốt chặn tại các tuyến đường xung yếu. Chỉ tính từ ngày 25/12/2014 đến ngày 5/1/2015 âm lịch, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và bắt giữ 5 vụ tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ gần 7m3 gỗ các loại.
Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngay trước Tết Nguyên đán, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức các cuộc gặp mặt, hội họp giữa chính quyền, các chủ rừng, người có uy tín và già làng, trưởng bản để ký cam kết không để ra tình trạng phá rừng, cháy rừng trên địa bàn mình quản lý.
Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ và PCCR đã nhận được sự vào cuộc của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để đề phòng sự chủ quan, lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCR thời gian sau Tết Nguyên đán, Chi cục đã quán triệt các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường công tác phối, kết hợp, tranh thủ tối đa sự vào cuộc của các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCR, nhất là vào dịp cao điểm về mùa khô như hiện nay. (Báo Đắk Nông 3/3) đầu trang(
Trăn "đột biến" rất hiếm vì đối với một cơ sở nuôi trăn vài ngàn con chỉ có thể tìm được 1 – 2 con, thậm chí nuôi hàng chục năm vẫn không có được con nào.
Gắn bó với việc nuôi động vật hoang dã nhiều năm nay, ông Thái Vinh Thai, chủ trang trại nuôi trăn, cá sấu ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết: “Trước đây trại tôi nuôi trên 1.000 con gồm cả trăn đất và trăn gấm mà rất hiếm khi có được trăn đột biến.
Năm vừa rồi không hiểu sao một con trăn gấm bố mẹ có trọng lượng khoảng 25kg, sinh sản ra 30 con trăn con mà toàn trăn đột biến. Sau khi hay tin, một thương lái ở TP. Hồ Chí Minh xuống ngã giá 2 triệu đồng/con nên gia đình tôi đã bán hết”.
Được biết, hiện trại nuôi của ông Thai còn lại 15 con trăn đột biến được giữ lại từ lần sinh sản kế tiếp. Mặc dù có nhiều thương lái ở các nơi đến hỏi mua với giá cao nhưng ông không bán. Vừa đam mê, vừa phụ giúp gia đình thông qua việc nuôi trăn, anh Thái Vinh Quang (con ông Thai) cho biết: “Trăn đất sau 18 tháng nuôi cho sinh sản, còn trăn gấm thì phải mất thời gian từ 3 – 4 năm. So với trăn đất, trăn gấm khó nuôi hơn nên giá của loại này cao, đặc biệt là loại trăn đột biến bán cho dân nuôi chơi kiểng”
Anh thông hiểu về kỹ thuật nuôi, cũng như việc phân biệt trăn đột biến so với trăn thương phẩm, giữa trăn đất so với trăn gấm. Anh Quang cho rằng, việc phân biệt trăn đất và trăn gấm không khó, hộ nuôi chỉ cần dựa vào hoa văn trên đầu, lưng và mắt của từng loại.
Cụ thể trăn gấm mắt đỏ, có đầu dài, nhỏ, màu vàng nhạt hay nâu. Đầu có đường vạch hình chữ thập hoặc vạch chấm ở giữa đầu, có một vệt xám đen mảnh chạy dọc chính giữa từ mõm tới gáy nối liền với vết trên lưng, còn trăn đất đa phần mắt đen, có viền sọc hai bên đầu”.
Còn anh Lê Minh Đường, vừa là một hộ nuôi vừa là thương lái thu mua trăn quy mô lớn ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), cho biết công việc chăn nuôi và thu mua diễn qua quanh năm, nhưng đối với loại trăn đột biến rất khó gặp.
Vừa rồi cơ sở anh có được một cặp trăn đất đột biến màu trắng (trăn bạch) và được thương lái đến trả giá 8 triệu đồng mua trăn nhỏ, còn lại một con hơn 3kg trả giá hơn chục triệu mà gia đình quyết giữ lại để làm kiểng. Được biết, trăn đột biến được bán với giá cao hơn nhiều so với trăn thông thường. Bởi giá trị của nó nằm ở lớp da có màu sắc, hoa văn đẹp, lạ mắt.
Theo ông Thai, năm nay trăn giống cũng chỉ ở mức 260.000 – 300.000đ/con, trong khi đó trăn đất nếu đột biến mà loại mới nở sẽ có giá từ 2 - 3 triệu đồng/con; từ 3 kg trở lên sẽ có giá 8 – 10 triệu đồng/con.
Đối với trăn gấm đột biến mới nở sẽ có giá 6 - 7 triệu đồng/con; 4 – 5 kg là trên 10 triệu đồng; loại có trọng lượng 15 kg là 20 - 30 triệu đồng, còn nếu là trăn bạch sẽ có giá khoảng từ 25 – 40 triệu đồng/con.
Chia sẻ về việc trang trại có đến 15 con trăn đột biến, anh Quang, nói: “Nếu như trăn bố mẹ nào đẻ ra trăn đột biến thì sẽ đẻ hoài như thế. Vì vậy, những con đó thường rất quý và có giá trị nên đa phần được giữ lại nuôi làm giống”. (Nông Nghiệp VN 4/3) đầu trang(
Ngày 3-3, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và hai Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức khởi động chương trình “Cùng hành động tạo sự thay đổi”, nhằm hình thành một liên minh hành động chấm dứt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là sừng tê giác.
Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng, làm giảm nhu cầu mua các sản phẩm từ động vật hoang dã; đồng thời cải thiện quan hệ song phương về an ninh môi trường.
Theo thống kê của các cơ quan bảo tồn quốc tế, trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi 52% các loài đa dạng sinh học trên trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia. Cho đến nay, nạn buôn bán động vật hoang dã đã trở thành một ngành "công nghiệp" trị giá ước khoảng 20 tỷ USD.
Phát biểu tại sự kiện này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius nhấn mạnh: Sự bùng nổ của nạn buôn bán động vật hoang dã gần đây đang đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều loài động vật quý hiếm, nhất là tê giác ở châu Phi. Hơn thế, việc vận chuyển động vật bất hợp pháp trên thế giới cũng tương tự với các hoạt động tội phạm khác như buôn người, vũ khí, ma túy qua biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố phát triển.
"Chương trình cùng hành động tạo sự thay đổi được tiến hành nhằm tạo ra thay đổi tích cực với hàng triệu người Việt Nam trong những tháng tiếp theo trước khi một sự kiện lớn sẽ được tổ chức vào mùa Thu năm 2015”, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết.
Đại diện cơ quan quản lý Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cùng khẳng định, việc bảo vệ các loài nguy cấp khỏi nguy cơ tuyệt chủng bởi vấn nạn săn bắn, mua bán trái phép không chỉ cần có sự vào cuộc của các Bộ, cơ quan Chính phủ, mà còn cần sự tham của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và của mỗi người dân. (Sài Gòn Giải Phóng 3/3, Tr2) đầu trang(
Hàng chục ha đất rừng tại đảo Nhím (còn gọi là tiểu khu 64, thuộc xã Suối Đá, H.Dương Minh Châu, Tây Ninh) đang từng ngày bị lấn chiếm và cây rừng thì bị đốn hạ không thương tiếc.
Đảo Nhím, nằm giữa lòng hồ Dầu Tiếng (H.Dương Minh Châu) có diện tích đất không ngập rộng 340 ha, diện tích đất bán ngập khoảng 1.000 ha. Trong đó, hơn 370 ha là diện tích trồng rừng (cây keo, xà cừ, bạch đàn, sao dầu....). Chính nhờ có diện tích rừng lớn nên đảo Nhím được xem là hòn "đảo xanh" giữa lòng hồ Dầu Tiếng.
Ghi nhận thực tế của PV, tình trạng cây rừng bị “lâm tặc” đốn hạ và cưa lấy trộm hàng trăm m3 gỗ. Những vạt tràm keo, xà cừ ở nhiều cánh rừng trên đảo bị cưa trơ gốc. Có những cây to bị đốn với dấu cưa còn rất mới. Ở một khu vực khác, PV quan sát thấy gần một ha đất trồng rừng trơ trụi vì những dấu vết bị đốn nham nhở. Tại khu vực tổ 4, có hàng chục cây keo (đường kính khoảng 70 - 90 cm) bị ken gốc (khoanh gốc) tại phần đất giáp ranh đất trồng mì của người dân.
Anh Hồ Quốc Thạch, công an xã Suối Đá, phụ trách địa bàn đảo Nhím, cho biết mục đích ken gốc hoặc đốt của người dân là bức tử cây, làm cho cây chết sau đó cày bỏ để lấy đất trồng mì.
Cũng theo anh Thạch, tình trạng ken gốc, chặt phá bắt đầu xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm gần đây khi đang trong quá trình chuyển giao rừng từ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh sang UBND H.Dương Minh Châu.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Suối Đá cho biết, do đảo Nhím nằm cách xa đất liền, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, đò trong khi địa bàn quản lý quá rộng, lực lượng mỏng nên không bắt được quả tang đối tượng phá rừng để xử lý triệt để.
Vừa qua, đoàn kiểm tra gồm Sở NN-PTNT Tây Ninh, UBND H.Dương Minh Châu, UBND xã Suối Đá cùng đại diện Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh đã đến kiểm tra hiện trạng rừng tại khu vực này.
Theo UBND H.Dương Minh Châu, đảo Nhím, được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt dự án di dời dân 4 ấp đảo lòng hồ Dầu Tiếng từ tháng 5.2002 để đảm bảo môi trường sinh thái, giữ gìn trong sạch nguồn nước lòng hồ Dầu Tiếng, đảm bảo vai trò rừng phòng hộ đầu nguồn.
Năm 2003, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh và UBND H.Dương Minh Châu đã giao 340 ha đất không ngập của đảo Nhím cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh thực hiện dự án trồng rừng.
Sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giải quyết tình trạng dân tái chiếm đất rừng trồng mì và cưa trộm cây rừng trên đảo. Trong khi đó, có nhiều hộ dân dù đã nhận tiền hỗ trợ đền bù và được bố trí nhận đất tại ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, H.Tân Châu nhưng vẫn quay trở lại tái chiếm vì không thích ứng với môi trường mới dẫn đến đời sống khó khăn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Dương Minh Châu cho biết, tình hình dân cư quay lại lấn chiếm đất tại đảo Nhím là 84/176 hộ sống rải rác ở 4 tổ. Trong số này có khoảng 30 hộ cất nhà kiên cố và trên 50 hộ cất nhà tạm, một số hộ khác thì chưa chịu nhận tiền bồi thường.
Cũng theo ông Tùng, hiện có nhiều hộ dân lợi dụng ranh giới giữa đất gò (trồng rừng) và đất bán ngập không cắm mốc phân định rõ ràng để lấn chiếm. Tổng diện tích bị lấn chiếm đất rừng để trồng mì là 65,73 ha. Ngoài ra, người dân hiện đang nuôi khoảng 400 con bò, trâu trên đảo Nhím khiến nhiều cây rừng trồng mới bị chết hoặc sinh trưởng kém. (Thanh Niên 3/3) đầu trang(
Để bảo vệ rừng trong mùa nắng hạn, các cấp tại Ninh Thuận đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống cháy rừng.
Tự nguyện trích một phần thù lao giữ rừng để xây bảng cảnh báo, dựng chòi canh giữ và phân công người trực cả ngày lẫn đêm để bảo vệ những khu rừng được giao khoán... là những biện pháp được các tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận thực hiện trong mùa cao điểm phòng chống cháy rừng năm nay.
Do ảnh hưởng của nắng hạn, hầu hết cây cối và thảm thực bì ở các cánh rừng của Ninh Thuận đều khô hanh và ở mức độ cảnh báo cháy cấp 4, cấp nguy hiểm. Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống cháy rừng, đặc biệt là việc thành lập các chốt chặn có sự tham gia của 5 lực lượng gồm: cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, quân sự, kiểm lâm và đơn vị chủ rừng, kiên quyết không cho người dân vào rừng trong thời kỳ cao điểm... nên các cánh rừng được đảm bảo an toàn.
Điểm quan trọng nhất là do được tăng kinh phí nên các địa phương có điều kiện thực hiện tốt công tác bảo vệ gần 150.000ha rừng. (Đài Truyền Hình VN 3/3) đầu trang(
Sau thời gian ngắn chấm dứt do bị không khí lạnh từ phía Bắc nén, ngày 2/3, vùng áp thấp nóng trên cao hồi sinh nhanh chóng trở lại và tác động mạnh đến Sa Pa (Lào Cai), khiến gió Ô Quý Hồ nguy hiểm quay trở lại.
Hồi 19 giờ ngày 2/3, Trạm khí tượng Sa Pa quan trắc được nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 20,5 độ C; gió hướng Tây, tốc độ 8m/s, độ ẩm thấp nhất giảm xuống 35%. Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai, gió Ô Quý Hồ ở Sa Pa tiếp tục tồn tại, nhiệt độ và tốc độ gió gia tăng thêm, độ ẩm giảm thấp hơn. Đợt gió này khả năng kéo dài đến hết ngày 6/3 rồi chấm dứt. Chính quyền, người dân Sa Pa cần tăng cường cao nhất công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.
Trước đó, vào khoảng 10 giờ ngày 24/2, tại bản Chu Va 12, xã Bình Sơn (Tam Đường, Lai châu), giáp ranh với xã San Sả Hồ (Sa Pa, Lào Cai) đã xảy ra một vụ cháy. Do có gió Ô Quý Hồ thổi mạnh nên đám cháy lan rất nhanh.
Với sự phối hợp kịp thời, đồng bộ giữa lực lượng chữa cháy giữa 2 huyện Sa Pa và Tam Đường; khoảng 5 tiếng sau, đám cháy được dập tắt. Rất may đám cháy không lan rộng sang Vườn quốc gia Hoàng Liên chỉ cách đó 1km. Vụ cháy gây thiệt hại khoảng 10ha rừng các loại. (Vietnamplus.vn 3/3) đầu trang(
Công an huyện Ia Grai đã xác định được 3 đối tượng đánh trọng thương 2 nhân viên bảo vệ rừng hôm 12/2. Tuy nhiên, bị hại nói có tới 8 người đánh, trong đó có 5 người biết mặt?
Ông Nguyễn Trường Hải - Trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho biết vụ lâm tặc đánh người đã khiến 2 nhân viên của trạm B6 (thuộc tiểu khu 279 - làng Bek, xã Ia Bá) chấn thương nghiêm trọng.
Hai nạn nhân là anh Võ Anh Tuấn (SN 1983) và anh Nguyễn Đinh Hưng (SN 1992) hiện đang được điều trị tại Khoa ngoại – Bệnh viện Quân y 15 (thuộc Binh đoàn 15) trong tình trạng đa chấn thương.
Anh Tuấn bị rạn xương đòn vai, xương sườn trái, vỡ xoang mũi, chấn thương ngực kín, tràn dịch phổi, tụ khí sau nhãn cầu, mắt tụ máu và chấn động não. Nhẹ hơn, anh Hưng bị đánh sập mi mắt, chấn động não.
Theo lời anh Tuấn, khoảng 19 giờ ngày 12/2, trong lúc tuần tra, anh phát hiện hai xe máy của lâm tặc chở gỗ nên lần theo dấu vết và bị một thanh niên đi xe máy chặn đường chửi, cầm rựa dọa đánh.
Một lúc sau, có nhiều đối tượng khác cầm hung khí đến. Thấy yếu thế nên anh Tuấn và Hưng quay đầu xe chạy về trạm liền bị các đối tượng truy đuổi. Chưa kịp khóa cổng, 8 đối tượng (trong đó có 1 phụ nữ) cầm rựa, gậy gộc đạp cửa xông vào đánh người, đập phá đồ đạc.
“Tôi chưa kịp phản kháng đã bị bao vây đánh tới tấp, một số đối tượng hung hăng còn dùng rựa trở ngược sống lưng chém vào người. Tôi van xin ngừng đánh mà họ không buông tha. Anh Hưng chạy ra ngoài gọi điện cầu cứu cũng bị các đối tượng này chụp lại đánh bầm dập. Trong số 8 người vào trạm tấn công thì tôi biết mặt 5 người đang ở tại xã Ia Bá”, anh Tuấn nói.
Ngoài đánh người, các đối tượng còn đập phá 2 cửa kính, tủ lạnh và nhiều đồ đạc trong trạm. Theo anh Tuấn, cách đây 1 tháng, các đối tượng này đã từng vào trạm đốt xe máy và ném đá nhưng do chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên chưa bị xử lý.
Trước đó, các đối tượng khai thác gỗ trái phép bị phát hiện 2 lần, một trong số những người bị bắt còn đe dọa nhân viên bảo vệ rừng “sẽ cho ăn Tết trong bệnh viện”.
Ông Hải cho biết: Lâu nay, các trạm vẫn thường xuyên tổ chức đi tuần tra và chưa có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra. Để tránh kẻ xấu lợi dụng dịp Tết phá rừng, Ban Quản lý phân công trực 24/24 giờ tại 23 tiểu khu và luôn đảm bảo quân số trên 70%, không nhân viên nào được nghỉ phép.
Sau vụ việc, lãnh đạo huyện đã đến bệnh viện thăm hỏi, tặng quà động viên người bị đánh. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ.
Chức năng của huyện Ia Grai đã nhanh chóng điều tra vào cuộc. Tuy nhiên, kết quả điều tra ban đầu và ý kiến của người bị hại có nhiều chỗ không ăn khớp với nhau và có dấu hiệu lọt người, lọt tội?
Ngày 26/2, Thiếu tá Nguyễn Phi Hùng – Phó trưởng Công an huyện Ia Grai cho biết, qua điều tra ban đầu đã xác định được 3 đối tượng trực tiếp đánh 2 nhân viên bảo vệ rừng (thuộc trạm B6 - Ban quản lý bảo vệ rừng Bắc Ia Grai) nhập viện cấp cứu, gồm: Võ Văn Cảnh (SN 1992), Tô Thị Lài (SN 1978, trú tại làng Út 2) và Tô Thị Thân (SN 1966, thôn Hợp Nhất – cả 3 đều ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai).
Theo Thiếu tá Hùng, 3 đối tượng này đánh người gây thương tích là “do bức xúc vì bị nhân viên bảo vệ rừng xịt hơi cay vào mặt” chứ không phải đang vận chuyển lâm sản trái phép bị phát hiện. Khi nào có kết quả trưng cầu giám định thương tích mới có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật.
Mặt khác, Thiếu tá Hùng cho rằng: anh Hưng và Tuấn sử dụng bình xịt hơi cay không đúng quy định “vi phạm về sử dụng công cụ hỗ trợ gây bức xúc cho các đối tượng và người thân”.
Qua xác minh ban đầu của cơ quan công an khoảng 18 giờ ngày 12/2, hai nhân viên của trạm B6 là Võ Anh Tuấn và Nguyễn Đình Hưng điều khiển xe mô tô đi tuần tra tại khu vực làng Bẹk (xã Ia Bá) thì gặp Cảnh đi xe mô tô độ chế đi vào rừng nên yêu cầu dừng xe lại kiểm tra và xảy ra cãi cọ, mâu thuẫn với nhau.
Lúc này có Phạm Thế Minh (SN 1999) và Phạm Thế Sơn (SN 1999, ở thôn Hợp Nhất) đến nên anh Tuấn và Hưng lên xe về. Do thấy Cảnh, Minh và Sơn đi xe máy bám theo sau mình nên Hưng lấy bình xịt hơi cay xịt về phía sau khiến 3 đối tượng này ngã xe.
Sau đó, Cảnh gọi điện cho bà Lài (dì ruột) biết và tiếp tục đuổi theo. Lúc về đến Trạm, Cảnh có cầm 1 dao rựa, bà Lài cầm gậy gỗ còn bà Thân đi tay không “nhấc cổng trạm vào nói chuyện”. Hai bên xảy ra cãi nhau và 3 người này đánh anh Hưng, anh Tuấn gây thương tích. Một vài đối tượng khác ở làng Bẹk cũng vào đập phá đồ đạc.
Văn bản của Công an huyện Ia Grai báo cáo Chủ tịch huyện cho biết: Có 3 đối tượng đánh người, trong đó có 2 người phụ nữ, 1 nam giới. Tuy nhiên theo lời của người bị hại tại hôm 12/2 thì chỉ có một người phụ nữ.
Cũng theo ông Nguyễn Trường Hải - Trưởng Ban quản lý bảo vệ rừng Bắc Ia Grai: không phải ngẫu nhiên mà nhân viên bảo vệ rừng lại đi cãi nhau, gây mâu thuẫn với người khác rồi dùng đến bình xịt hơi cay. Vụ việc cần được làm rõ để truy cứu trách nhiệm các đối tượng có hành vi đánh người, hủy hoại tài sản. "Nếu không làm đến nơi, đến chốn, bỏ lọt người, lọt tội thì còn ai dám bảo vệ rừng".
Đang còn nằm điều trị tại bệnh viện, anh Võ Anh Tuấn cho biết: Lý do mình bị đánh là do đuổi theo 2 xe máy chở gỗ trái phép và bị các đối tượng khác cầm rựa chặn đường. Thấy yếu thế nên quay xe máy về trạm thì bị các đối tượng này truy đuổi.
Anh Hưng có dùng bình xịt hơi cay nhưng chỉ xịt xuống đường để phòng vệ chứ không xịt vào mặt các đối tượng gây ngã xe. Lúc xông vào trạm có 8 người (trong đó chỉ có 1 phụ nữ) lao vào đánh chứ không phải 3 người như kết luận ban đầu của cơ quan điều tra.
Trao đổi với PV, Thượng tá Tăng Năng Ái – Trưởng Công an huyện Ia Grai cho biết quan điểm của cơ quan điều tra là không để sót đối tượng và làm vụ việc phức tạp thêm. Hiện đang làm rõ hành vi đánh người có phải chống người thi hành công vụ, còn tài sản bị hư hại thì không lớn. (Giao Thông 3/3)đầu trang(
Thêm 4 con gấu được phát hiện đã chết tại một trang trại nuôi nhốt ở Hạ Long (Quảng Ninh), nâng số gấu nuôi bị chết trong 2 tháng đầu năm 2015 lên 15 con.
Theo thông tin trên Vnexpress, ngày 2/3, thêm 4 con gấu nuôi bị chết ở trang trại của ông Nguyễn Trọng Bờ, phường Đại Yên, TP Hạ Long (Quảng Ninh). 4 con gấu bị chết có tuổi thọ 20 năm, trước khi chết, chúng có biểu hiện chán ăn và ăn ít.
Ngay sau khi nhận được tin báo, đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh đã có mặt, tiến hành mổ lâm sàng để xác định nguyên nhân. Bước đầu, cơ quan chức năng kết luận, gấu chết do viêm phổi cấp và viêm đường ruột xuất huyết. Sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản và tiêu hủy số gấu để tránh ô nhiễm môi trường.
Được biết, trước đó vào tháng 1/2015, trang trại của ông Bờ đã có 4 con gấu chết, hiện số lượng gấu tại đây chỉ còn 5 con. Tình trạng gấu nuôi chết hàng loạt diễn ra từ năm ngoái.
Theo thống kê, ở Quảng Ninh còn nhiều gấu được nuôi nhốt, tại 3 trang trại gấu nuôi lớn của tỉnh còn 19 cá thể. Tuy nhiên, trong năm 2014 toàn tỉnh Quảng Ninh có 106 con gấu nuôi nhốt bị chết. 2 tháng đầu năm 2015, có thêm 15 con nữa.
Liên quan đến vụ gấu nuôi chết hàng loạt tại Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục Lâm nghiệp họp bàn, xác định chính xác nguyên nhân gấu ở Quảng Ninh chết, sau đó, sẽ trình Thủ tướng quyết định hướng xử lý đối với số gấu còn lại.(Đời Sống & Pháp Luật 3/3)đầu trang(
Theo tin từ Bộ NN&PTNT, hiện nay, thời tiết đang trong mùa khô hạn nên công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các địa phương tích cực quan tâm, đảm bảo sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống cháy rừng xảy ra.
Tuy nhiên, trong tháng 2, diện tích rừng bị cháy của cả nước là 4,3ha. Tính chung hai tháng đầu năm 2015, diện tích rừng bị cháy là 25,6ha, giảm 88,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, diện tích bị chặt phá trong tháng 2 là 3,8ha, nâng tổng số diện tích rừng bị chặt phá trong 2 tháng đầu năm là 24,3ha, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước. (Kinh Tế & Đô Thị 4/3, Tr14)đầu trang(
Quốc lộ 49, qua địa bàn xã Hương Thọ (TX Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), các loại thịt thú rừng được bày bán công khai (Quân Đội Nhân Dân 3/3, Tr7)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Việt Nam đã và đang dành các nguồn chi thường xuyên cho hoạt động bảo vệ rừng, quản lý hệ thống RĐD (các VQG/KBT) và bảo tồn ĐDSH, hay gọi chung là các hoạt động BTTN. Phần lớn nguồn tài chính này hiện dựa vào ngân sách nhà nước hoặc được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA thông qua các dự án tài trợ, một phần từ các sáng kiến dựa vào thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, do còn nhiều vướng mắc, hạn chế liên quan đến cơ chế chính sách, cơ hội tiếp cận, khả năng huy động và thu hút vốn đầu tư, các nguồn tài chính vẫn bị đánh giá là thiếu tính bền vững và chưa được sử dụng hiệu quả cho mục tiêu bảo tồn.
Trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung đánh giá thực trạng cơ chế tài chính cho BTTN ở Việt Nam, những trở ngại chính cũng như đề xuất hướng cải thiện trong tương lai.
Tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh tế và đời sống của con người. Tại Việt Nam, giá trị ĐDSH từ rừng mà người dân đang sử dụng trực tiếp ước tính khoảng 140.000 tỷ đồng, tương đương 3,9% tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2013[1].
Lợi ích này giúp 20 triệu người có thu nhập từ khai thác thủy hải sản tự nhiên, 25 triệu người có 20-50% thu nhập từ các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Bản thân hoạt động BTTN dưới hình thức gìn giữ và bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên còn góp phần tạo ra các dịch vụ/hàng hóa sinh thái, như điều tiết nguồn nước, hạn chế thiên tai và các giá trị sinh thái nhân văn khác phục vụ du lịch sinh thái…
Với tầm quan trọng như vậy, vấn đề tìm kiếm nguồn tài chính bền vững cho hoạt động BTTN là vô cùng cần thiết.
Nguồn tài chính cho BTTN và ĐDSH ở Việt Nam hiện nay đang dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương), nguồn vốn ODA thông qua các dự án tài trợ và nguồn tài chính mới từ các dịch vụ sinh thái và chi trả dịch vụ môi trường.
Từ ngân sách, tài chính cho BTTN bao gồm vốn ngân sách cho sự nghiệp lâm nghiệp, vốn ngân sách sự nghiệp BVMT hoặc các chương trình mục tiêu quốc gia – là nguồn riêng được bố trí hàng năm trong tổng chi ngân sách.
Nội dung này được đề cập đến trong các văn bản pháp quy như Luật BV-PTR (2004); Luật Đất đai (2003); Luật BVMT (2005); Luật Tài nguyên nước (2012); Luật Thủy sản (năm 2003), Luật ĐDSH (2008). Tuy nhiên, đây mới chỉ là các quy định mang tính chất định hướng, trên thực tế việc huy động nguồn vốn này hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn về cách tiếp cận và thủ tục.
Bên cạnh đó, một phần nguồn tài chính cho hoạt động BTTN ở Việt Nam được huy động từ các dự án tài trợ ODA. Trong giai đoạn 2006 – 2010, Việt Nam đã nhận được nguồn hỗ trợ khoảng 64 triệu USD cho hoạt động bảo tồn ĐDSH từ các nhà tài trợ quốc tế.
Hạn chế của nguồn hỗ trợ này là không thường xuyên, phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho số ít các VQG/KBT có quy mô lớn, ít chú ý đến các KBT vừa và nhỏ (dưới 15.000 ha). Hơn thế nữa, nguồn vốn ODA này đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây khi Việt Nam chuyển sang nhóm quốc gia có thu nhập trung bình.
Ngoài ra, những năm gần đây, theo xu hướng thế giới, nguồn tài chính cho BTTN ở Việt Nam đang dần được đổi mới theo cơ chế thị trường thông qua hoạt động cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ môi trường.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được áp dụng toàn quốc theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội tài chính cho các VQG/KBT chi trả cho các hộ gia đình, cộng đồng và các bên liên quan khác cùng tham gia bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH.
Có khoảng 10 loại hàng hóa, dịch vụ để tăng nguồn thu tài chính đang được áp dụng trong hệ thống các VQG/KBT Việt Nam như vé vào cửa tham quan, cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái hay chính sách chi trả dịch vụ môi trường…
Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với 34 loại hàng hóa, dịch vụ cho xã hội mà các KBT trên cạn và 25 loại hàng hóa, dịch vụ mà các KBT biển có thể cung cấp, theo tổng hợp của các nhà khoa học trên thế giới.
Điều tra về tài chính của 81 KBT/ VQG đã có BQL hoạt động độc lập (gồm toàn bộ 30 VQG, 46 KBT trên cạn và 5 KBT biển) tại Việt Nam năm 2012 cho thấy tổng các nguồn tài chính của các KBT/VQG là 1129 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 88,6%, nguồn dự án nước ngoài chiếm 4,3% và các nguồn khác chiếm 7,1%. (Thiennhien.net 4/3)đầu trang(
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 2 năm 2015 đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2015 đạt 989 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho biết, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2015 - chiếm 50,46% tổng giá trị xuất khấu. (Thời Báo Tài Chính 4/3, Tr12)đầu trang(
UBND TP đã chỉ đạo các sở-ngành và UBND các quận-huyện có rừng tổ chức triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2015.
Theo đó, UBND huyện Cần Giờ tổ chức quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ Cần Giờ; thực hiện dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng mới trên hiện trạng rừng phòng hộ Cần Giờ với diện tích 76,24ha; bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020; thực hiện dự án Phục hồi rừng trên đất ruộng muối tại khu vực Hào Võ, tiểu khu 21, rừng phòng hộ Cần Giờ sau khi được duyệt.
UBND huyện Bình Chánh cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng với diện tích 82,54ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh để triển khai thực hiện trồng mới rừng và quản lý rừng theo quy chế rừng phòng hộ môi trường.
UBND huyện Củ Chi đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án mở rộng Vườn thực vật Củ Chi.
Các sở-ngành chức năng cần thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với diện tích 284,74 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại huyện Bình Chánh và 40,01ha rừng phòng hộ tại huyện Củ Chi; tiếp tục triển khai thực hiện công tác chăm sóc 10.600 cây trồng thuộc dự án trồng mới và chuyển hóa rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc với diện tích 22ha và cây trồng sưu tập thuộc dự án đầu tư xây dựng Vườn thực vật Củ Chi; tổ chức cung cấp cây giống trồng phân tán cho các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và các xã điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP; tổ chức Lễ tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2015…(Báo UBND TP. HCM 3/3) đầu trang(
Sáng 3-3, tại xã Phúc Hà (TP.Thái Nguyên), Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2015.
Với các nội dung: Trồng cây xanh trong khuôn viên cơ quan, khu dân cư, trường học, xung quanh nhà ở, trồng cây đô thị trên các tuyến phố, trồng rừng phân tán để tăng độ che phủ cho thành phố thêm sạch, đẹp, xanh tươi và cải tạo môi sinh trên địa bàn, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, trồng đi đôi với chăm sóc và bảo vệ cây, mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan cần nhận thức đầy đủ về tác hại của biến đổi khí hậu để tham gia trồng cây, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng trong điều kiện mình có thể, góp phần tích cực bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
Ngay sau lễ phát động Tết trồng cây, lãnh đạo tỉnh, thành phố, đại biểu, cán bộ, công chức, viên chức của thành phố, lãnh đạo các xã, phường cùng toàn thể nhân dân tham gia trồng cây đầu xuân tại trường THCS Phúc Hà. Những cây xanh này sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị thành phố. (Đại Đoàn Kết 4/3)đầu trang(
Ngày 3.3, Thượng tá Trần Trọng Sơn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh) - cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án trộm két sắt tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai (CCKL).
Cho đến nay vụ này vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Như Báo Lao Động  đã thông tin, vào khoảng 1-2h sáng ngày 9.2, kẻ trộm đã đột nhập vào phòng kho quỹ của CCKL, dùng chìa đa năng bẻ hai cánh cửa sắt, đục phá két sắt lấy đi số tiền trên dưới 1 tỉ đồng.
Được biết, đây là số tiền CCKL vừa thu được sau khi bán đấu giá 300m3 gỗ ngày 5.2. (Lao Động 3/3)đầu trang(
Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định cách chức, điều chuyển công tác đối với Thiếu tá Võ Ngọc Quang, nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội và ma túy huyện Cư Kuin về hành vi dùng súng đe dọa đoàn kiểm tra liên ngành.
Sáng 13/11/2014, nhận được đơn tố cáo của ông Trần Minh Lợi (trú tại thôn 4, xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin) về việc ông Võ Ngọc Quang cất giấu 10m3 gỗ hương nhóm IIA và ông Phạm Thanh Tùng (bố vợ ông Quang) tàng trữ 13 hộp gỗ pơmu nhóm IIA, UBND huyện Cư Kuin đã ra Quyết định số 4068 và 4069/QĐ-KNCGTVPT về việc khám xét nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính tại nhà ông Quang và nhà ông Tùng.
Khi Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana, các cơ quan chức năng huyện Cư Kuin cùng ông Quang tổ chức họp công bố quyết định thì ông Quang đe dọa các thành viên trong đoàn rồi bất ngờ rút súng ngắn trong người ra định bắn vào những người đang có mặt ngay tại trụ sở UBND huyện Cư Kuin.
Chiều 2/3, Đại tá Nguyễn Văn Quy, Người phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, liên quan tới những vụ việc mà người dân phản ánh, tố cáo, Công an tỉnh đã ra quyết định kỷ luật đối với các cán bộ:
Đại tá Nguyễn Bường, nguyên Trưởng Công an huyện Cư Kuin, hình thức kỷ luật cảnh cáo. Thượng tá Cao Tiến Phu, Phó Trưởng Công an huyện Cư Kuin, hình thức kỷ luật cảnh cáo, điều động đến đơn vị công tác khác, không làm công tác điều tra.
Trung tá Ngô Xuân Thìn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và môi trường, hình thức kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển công tác về đơn vị khác.
Đại úy Nguyễn Hồng Quán, cán bộ điều tra viên sơ cấp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và ma túy, nhận hình thức khiển trách và điều động công tác khác.
Thượng úy Hoàng Đình Nam, cán bộ điều tra viên sơ cấp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và ma túy, nhận hình thức khiển trách.
Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu một số cán bộ Công an huyện Cư Kuin nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác, không để xảy ra những sai phạm tương tự. (Thanh Tra 3/3)đầu trang(
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong mùa xuân mới Ất Mùi, nhiều đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đồng loạt ra quân trồng cây xanh. Hoạt động này đã và đang góp phần “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”…
Không khí Xuân Ất Mùi vẫn còn ngập tràn khắp nơi, từ nhiều ngày qua, hầu hết các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đều ra quân phát động Tết trồng cây.
Sáng 26.2 (mùng 8 tháng Giêng), hàng trăm cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và công nhân làm việc tại khu công nghiệp Tịnh Phong đã dồng loạt ra quân trồng cây xanh trong KCN.
Cùng các cán bộ tham gia trồng cây xanh, anh Lê Cao Tuyên, cán bộ của Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: “Đây là năm đầu tiên làm việc ở Ban và cũng là cái Tết đầu tiên tham gia trồng cây xanh vào dịp năm mới nên bản thân rất vui.
Tham gia cùng các anh chị trong cơ quan trồng cây xanh mình thấy bản thân đã làm được một việc rất có ích. Dù số lượng trồng không nhiều nhưng mỗi cây xanh được trồng, được chăm sóc lớn lên sẽ mang lại cho cuộc sống thêm  xanh”.
Cùng cán bộ nhân viên trồng cây xanh dọc các tuyến đường nội bộ ở KCN Tịnh Phong, ông Lê Hồng Hà - Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, việc trồng cây xanh hằng năm đã trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công nhân viên của Ban mỗi mùa xuân mới.
“Với phương châm phát triển công nghiệp luôn đi kèm với phát triển mảng xanh nhằm tạo ra bóng mát cũng như tạo môi trường xanh, sạch nên nhiều năm qua công tác trồng cây xanh đã và đang mang lại cho các KCN trên địa bàn tỉnh những mảng xanh rất ý nghĩa.
Đến nay đã phủ xanh khoảng 80% diện tích ở các KCN theo quy hoạch trồng cây. Với những mầm xanh được trồng trong mùa xuân mới này sẽ là những bóng xanh tươi tốt mang lại cuộc sống xanh trong tương lai” – ông Hà nói.
Con đường Hoàng Hoa Thám (TP. Quảng Ngãi), phẳng lì rộng thênh thang mới hoàn thành trong dịp cuối năm 2014, như được tô thêm vẻ đẹp khi mà mới đây UBND TP.Quảng Ngãi phát động lễ trồng cây Xuân Ất Mùi. Sau buổi lễ phát động, hai bên đường Hoàng Hoa Thám, hai hàng cây bàng Nhật Bản được trồng, sẽ tạo ra mảng xanh mới, như góp thêm một sắc thái tươi vui cho mùa xuân.
Cùng tham gia việc trồng cây xanh trong buổi lễ phát động, anh Nguyễn Bình, nhà mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám nói: “Từ ngày đường được mở rộng, cây xanh không còn nên mỗi khi nắng lên rất khó chịu.
Bản thân tôi cũng tự trồng hai cây trứng cá trước nhà để chống nắng. Nay thành phố tổ chức trồng cây tôi đã bứng hai cây trứng cá để trồng cây bàng. Dù không thuộc trách nhiệm của mình nhưng hằng ngày tôi sẽ tình nguyện tưới nước cho cây trước nhà mình để cây chóng lớn vừa tỏa mát, vừa tạo ra không gian xanh”.
Sau buổi lễ phát động Tết trồng cây, ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi, cùng người dân tiến hành trồng cây xanh. Những chồi non đầu tiên được đặt xuống, ông Hoàng bảo đó là “những túi oxy” trong tương lai.
“Năm 2015 là một năm quan trọng và ý nghĩa đối với thành phố, đánh dấu 10 năm hội nhập và phát triển, đồng thời cũng là năm thành phố phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để đề nghị Chính phủ công nhận thành phố đạt đô thị loại II.
Trong đó, mảng xanh là một trong những yêu cầu bắt buộc của một đô thị hiện đại nên thành phố luôn quan tâm đến việc trồng cây xanh, đặc biệt là vào dịp năm mới. Cây xanh là lá phổi của đô thị nên việc trồng cây xanh ở các ngả đường, trường học, công viên luôn được quan tâm. Trong mùa xuân mới này thành phố đã trồng hơn một nghìn cây xanh các loại” – ông Hoàng nói.
Không chỉ các cơ quan nhà nước trồng cây xanh trong mùa xuân mới, mà ở các làng quê sau Tết cũng là mùa trồng cây gây rừng. Để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới, từ trước Tết gia đình anh Mai Đình Thu, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), đã chuẩn bị hơn 10 nghìn cây keo lai non và những ngày qua anh cùng người thân trong gia đình đã bắt đầu vụ trồng rừng mới.
“Trồng rừng vừa mang lại cho gia đình tôi kinh tế ổn định và cũng là dịp để bản thân và gia đình tham gia trồng cây xanh trong dịp năm mới như lời kêu gọi của Bác Hồ”– anh Thu cho hay. (Báo Quảng Ngãi 3/3)đầu trang(
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành văn bản phân bổ kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2015 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với diện tích rừng đã được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang mục đích không phải lâm nghiệp tại các đơn vị chủ rừng, đợt này, UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Sở NN-PTNT là cả tỉnh sẽ trồng gần 113 ha rừng thay thế.
Con số 113 ha nói trên là khá nhỏ so với kế hoạch trồng rừng thay thế của Lâm Đồng năm 2015 đã được phê duyệt: 772ha; trong đó gồm 334 ha trồng rừng thay thế diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang làm thủy điện và 437 ha diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang mục đích khác.
Nếu so sánh với diện tích cả giai đoạn 3 năm 2014 – 1016 phải trồng thay thế của cả tỉnh thì con số 113 ha càng thấp: 113/2.096ha!
Tuy nhiên, 113 ha chưa hẳn là con số nhỏ của “gói” trồng rừng thay thế năm 2015 vừa được tỉnh phê duyệt.
Thực tế từ khi chính sách trồng rừng thay thế được hình thành và triển khai thực hiện, hầu hết các địa phương (trong đó có Lâm Đồng) đều vấp phải sự hững hờ, hoặc cũng có thể gọi là sự chây ì của các đơn vị có trách nhiệm trồng rừng thay thế – các doanh nghiệp thủy điện, các chủ dự án sử dụng đất rừng vào mục đích ngoài lâm nghiệp.
Năm 2014, theo kế hoạch được xây dựng ngay từ đầu, cả tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm trồng 887 ha rừng thay thế; trong đó, diện tích phải trồng thay thế cho phần chuyển sang xây dựng các công trình thủy điện là 450 ha, diện tích còn lại (437ha) là rừng thay thế cho diện tích chuyển sang các mục đích khác.
Cũng như nhiều tỉnh khác trong cả nước, việc trồng rừng thay thế ở Lâm Đồng được thực hiện theo hai hình thức: Các doanh nghiệp tự trồng hoặc các đơn vị chủ rừng nộp tiền trồng rừng thay thế với đơn giá gần 85 triệu đồng/ha (tiền của doanh nghiệp có diện tích rừng cần trồng thay thế).
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp thủy điện trên địa bàn Lâm Đồng đều chọn cách chi tiền cho các chủ rừng trồng rừng thay thế cho đơn vị mình.
Ngay từ đầu năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã linh động cho các doanh nghiệp được nộp tiền trồng rừng thay thế từ 2 – 3 đợt, nhưng chậm nhất là khoảng cuối tháng 3 phải nộp đủ.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2014 – khi mùa trồng rừng sắp kết thúc, hầu hết các đơn vị vẫn cứ chây ỳ với cả hàng chục lý do được đưa ra như doanh nghiệp đang thiếu vốn, việc đo vẽ hiện trạng chưa được thống nhất, định mức trên một đơn vị diện tích trồng rừng chưa được thống nhất…
Xử lý sự chây ỳ này, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phải đưa ra “tối hậu thư”: Nếu đơn vị nào chậm nộp tiền trồng rừng thay thế so với quy định sẽ bị “phạt”! Trên địa bàn Lâm Đồng, đến cuối mùa trồng rừng năm ngoái, có 8 đơn vị (doanh nghiệp) được “điều chỉnh” bởi “tối hậu thư” này!
Trong đó, hai đơn vị được “điểm mặt” bởi diện tích trồng rừng thay thế chiếm phần lớn là Cty Cổ phần Thủy điện Miền Nam với diện tích phải trồng là 278ha đối với thủy điện Đam Bri và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 với diện tích phải thay thế là 101ha đối với thủy điện Đạ Khai.
Còn nhớ cuối năm 2014 vừa qua, trước sự chây ỳ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ dự án thủy điện, Bộ NN-PTNT đã phải “đe”: Rút giấy phép dự án, nhất là dự án thủy điện, nếu như doanh nghiệp đó chây ỳ trong trồng rừng thay thế!
Trong thực tế, Lâm Đồng và nhiều địa phương khác trong cả nước, diện tích trồng rừng thay thế chỉ đạt không quá 50% so với kế hoạch hằng năm. Có lẽ trong năm 2015 này, sự kiên quyết trong xử lý đối với những doanh nghiệp tỏ ra chây ỳ cần được các cơ quan hữu trách và chính quyền đặc biệt lưu tâm. (Nông Nghiệp VN 3/3)đầu trang(
Ngày 10-2-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Thông báo số 36/TB-UBND về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.
Theo đó, với mục tiêu phải giữ cho được diện tích rừng tự nhiên hiện có, từ tháng 3 năm 2015 trở đi, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm chính trước cấp ủy Đảng, chính quyền cấp trên và pháp luật nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, đốt rừng trái phép trên địa bàn quản lý.
Hằng tháng, lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã phải trực tiếp đi kiểm tra rừng ít nhất 2 lần để kịp thời phát hiện và có biện pháp chỉ đạo xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng ngay khi vụ việc mới phát sinh; tổ chức giải tỏa ngay diện tích đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng.
Thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ, thủ trưởng đơn vị chủ rừng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật khi để xảy ra mất rừng và thiệt hại tài nguyên khoáng sản thuộc lâm phần được giao quản lý, bảo vệ.
Thực tế cho thấy, tại Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, những năm gần đây công tác quản lý, bảo vệ rừng bộc lộ nhiều yếu kém cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dẫn tới tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng Tây Nguyên-một trong những khu vực được xác định là còn giàu tài nguyên rừng của cả nước, theo thống kê của cơ quan chức năng, bình quân mỗi năm toàn vùng suy giảm hơn 25.000ha rừng. Nhiều nơi, chính quyền địa phương làm ngơ để "lâm tặc" ngang nhiên lộng hành, tài nguyên rừng bị khai thác trái phép một cách vô tội vạ.
Thậm chí, có chủ rừng, do buông lỏng quản lý, nên chỉ trong thời gian ngắn để mất cả nghìn héc-ta rừng. Đã có không ít trường hợp chính lực lượng quản lý bảo vệ rừng lại tiếp tay cho "lâm tặc" phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Vì vậy, Thông báo số 36/TB-UBND mà Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành là hết sức cần thiết, nhưng điều mong mỏi lớn nhất của người dân là thực hiện thông báo ấy như thế nào và hiệu quả ra sao.
Chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá chặt chẽ, quy định chi tiết từ công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng đến xử lý vi phạm hành chính, dân sự và hình sự khi để mất rừng.
Đối với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, chủ rừng cũng đã được đề cập đến trong các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành Trung ương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý trách nhiệm khi để mất rừng đối với chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và thủ trưởng đơn vị chủ rừng khi để mất rừng lâu nay ở nhiều địa phương chưa được thực thi, hoặc thực thi nhưng chưa nghiêm túc. Vì vậy, người đứng đầu địa phương cấp huyện, xã và chủ rừng còn thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý.
Những ngày này, cả nước đang nô nức hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Mùi 2015. Mỗi công dân trên khắp mọi miền đất nước cần có những hành động tích cực đóng góp vào phong trào trồng cây gây rừng, thấm nhuần hơn nữa lời dạy của Bác “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Chúng ta không chỉ làm tốt công tác trồng rừng, mà vấn đề quan trọng hơn cả, là phải tập trung chăm sóc, quản lý và bảo vệ cho được nguồn tài nguyên rừng hiện có. Muốn vậy, toàn xã hội phải thực thi nghiêm túc pháp luật về bảo vệ rừng.
Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, như cách mà Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đang triển khai. (Quân Đội Nhân Dân 4/3)đầu trang(
CĐ NNPTNTVN vừa tổ chức dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ (Vườn Quốc gia Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội). Cùng với hoạt động này, CĐ NNPTNTVN đã tổ chức Tết trồng cây xuân Ất Mùi tại Khu di tích Đền thờ Bác Hồ.
Đây cũng là dịp các CB, đoàn viên CĐ NNPTNTVN ôn lại và làm theo lời dạy của Bác “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. CĐ NNPTNTVN luôn nhận thức rằng, ngày nay, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa cuộc sống con người, việc bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững đã trở thành yêu cầu sống còn đối với mọi quốc gia.
Tết trồng cây lại càng có ý nghĩa to lớn trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi công dân về tầm quan trọng của việc trồng cây, bảo vệ môi trường; tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, cải thiện chất lượng rừng và môi trường sinh thái. (Lao Động 3/3)đầu trang(
Minh Hóa là huyện miền núi, có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, trên 120.491ha. Thời gian qua, đề án trồng rừng kinh tế luôn được các ngành, các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả cao. Công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần giữ độ che phủ rừng.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được quan tâm đúng mức, Minh Hóa thực hiện có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình dự án đầu tư phát triển rừng. Trong năm 5 qua, toàn huyện đã trồng được 3.959 ha rừng kinh tế; khoanh nuôi, bảo vệ rừng 105.376 ha, tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 78% (chỉ tiêu giao 75%). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 50.606 triệu đồng.
Đặc biệt, trong năm 2014 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện xây dựng phương án giao khoán thiết kế kỹ thuật, hợp đồng giao cho 4.328 hộ nhận khoán bảo vệ 25.148ha rừng phòng hộ, hỗ trợ 50 hộ trồng 50ha rừng sản xuất, đạt 100% kế hoạch trên giao. (Báo Quảng Bình 3/3)đầu trang(
Huyện Hậu Lộc vừa tổ chức lễ phát động ra quân trồng cây đầu xuân Ất Mùi tại Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc).
Nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc đẩy nhanh tiến độ trồng cây gây rừng, tưởng nhớ công lao to lớn của vị nữ tướng anh hùng Triệu Thị Trinh, chào mừng sự kiện đền Bà Triệu vừa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và chào đón Năm Du lịch VN được tổ chức tại Thanh Hóa năm 2015, LĐLĐ tỉnh đã phát động ra quân trồng cây.
Sau lễ phát động, đoàn viên CĐ huyện Hậu Lộc và nhân dân xã Triệu Lộc đã trồng được gần 200 cây tại khu di tích này. (Lao Động 3/3)đầu trang(
Năm 2014, vượt qua những khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS) xuất khẩu (XK) trên địa bàn tỉnh không chỉ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn đạt được những kết quả khả quan.
Ðây là điều kiện thuận lợi để trong năm mới 2015 các DN CBG-LS trên địa bàn tiếp tục vượt qua khó khăn, khẳng định thương hiệu “Trung tâm đồ gỗ Bình Ðịnh”.
Ông Nguyễn Đức Huyện, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty PISICO Bình Định cho biết, năm 2014, tình hình thị trường G-LS diễn biến phức tạp, trong khi đó DN vừa chuyển đổi mô hình hoạt động từ DN nhà nước sang công ty cổ phần nên gặp nhiều khó khăn, thách thức, song PISICO đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và phát triển. Năm 2014 doanh thu toàn hệ thống PISICO là 1.512 tỉ đồng, đạt 98% kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn hệ thống thực hiện 44,9 triệu USD, đạt 97% kế hoạch. Đặc biệt, trong năm 2014, toàn bộ các công ty chế biến gỗ của PISICO đều hoạt động ổn định và đạt hiệu quả.
PISICO có thể coi là điển hình của ngành CBG-LS xuất khẩu (XK) trên địa bàn tỉnh về tinh thần vượt khó vươn lên. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội G-LS (FPA) Bình Định, năm 2014 thị trường XK của ngành CBG-LS tiếp tục gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là thị trường EU, Bắc Mỹ.
Các DN CBG-LS trên địa bàn vừa phải chịu chi phí cấp và duy trì cho chứng chỉ FSC, vừa phải chịu thêm chi phí cấp chứng chỉ FLEGT về chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ. Điều này làm cho chi phí tăng lên khiến DN liên tục gặp khó khăn.
Đồng thời, thị trường gỗ nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước cạn dần, trong khi gỗ nhập khẩu giá tăng cao. Tuy nhiên, đáng ghi nhận là trong bối cảnh như vậy, nhiều DN đã nỗ lực củng cố, sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Theo thống kê, giá trị KNXK của các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn năm 2014 ước đạt gần 314 triệu USD, tăng 21,4% so với năm 2013, chiếm gần 50% tổng giá trị KNXK toàn tỉnh.
Theo Sở Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2015, hoạt động CBG-LS của các DN trên địa bàn tiếp tục phát triển, trong đó giá trị KNXK của mặt hàng dăm gỗ tăng trưởng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2014.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, trên cơ sở đánh giá, phân tích những kết quả và cả những tồn tại hạn chế, khó khăn, FPA Bình Định đã đề ra một số nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2015: Phấn đấu đạt tổng giá trị KNXK 320-325 triệu USD, tăng 5% so với năm 2014. Riêng đối với PISICO, theo ông Nguyễn Đức Huyện, mục tiêu của DN trong năm 2015 là doanh thu toàn hệ thống 1.696,3 tỉ đồng, lợi nhuận toàn hệ thống 58,91 tỉ đồng.
Qua phân tích của các chuyên gia ngành CBG-LS, năm 2015, các DN trong nước sẽ tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Đó là việc gia tăng xu hướng bảo hộ của Chính phủ các nước đối tác, nhất là thị trường EU.
Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu đầy triển vọng mở ra đối với ngành CBG-LS. Đó là việc Việt Nam kết thúc đàm phán 2 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan và FTA Việt Nam - Hàn Quốc, sẽ tạo sự cạnh tranh cho hàng nội địa thông qua giảm thuế, thúc đẩy đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, khi Hiệp định Đối tác song phương về quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) với EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ giúp duy trì và mở rộng thị trường cho sản phẩm gỗ của Việt Nam tại EU, nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành CBG-LS.
Nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2015, lãnh đạo FPA Bình Định đã đề ra một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động chuyển đổi sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ gỗ trong nhà; tăng cường liên kết các hội viên, hội ngành hàng phụ trợ và ngành sản xuất khác để tham mưu chính sách phát triển ngành gỗ; triển khai các dự án hợp tác trên cả nước để tăng sức cạnh tranh tổng hợp của nền kinh tế địa phương, giảm chi phí giao dịch kinh doanh, tiết giảm chi phí trong sản xuất, nâng năng suất lao động, hỗ trợ cộng đồng DN phát triển bền vững. (Báo Bình Định 1/3)đầu trang(
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó quy định một số sản phẩm cấm xuất khẩu.
Thông tư quy định, cấm xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ thuộc các trường hợp: gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước…
Về xuất khẩu theo điều kiện hoặc theo giấy phép, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hóa với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Đối với động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, cấm xuất khẩu mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên không được xuất khẩu vì mục đích thương mại gồm: Mẫu vật động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB, mẫu vật thực vật rừng thuộc nhóm IA theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; mẫu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại Phụ lục I của CITES.
Theo Thông tư, xuất khẩu có giấy phép mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm phục vụ ngoại giao, nghiên cứu khoa học, trao đổi giữa các vườn động vật, vườn thực vật, triển lãm, biểu diễn xiếc, trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan có thẩm quyền quản lý CITES các nước.
Đối với giống cây trồng, Thông tư nêu rõ, thương nhân không được xuất khẩu giống cây trồng có trong Danh mục giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong trường hợp xuất khẩu có giấy phép, thương nhân xuất khẩu giống cây trồng có trong Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm trao đổi quốc tế trong trường hợp đặc biệt và Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm hạn chế trao đổi quốc tế theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với giống vật nuôi, trường hợp xuất khẩu có giấy phép, thương nhân trao đổi với nước ngoài những giống vật nuôi quý hiếm có trong Danh mục giống vật nuôi quý hiếm cấm xuất khẩu và Danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn để phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc các mục đích đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.
Đối với thủy sản, cấm xuất khẩu các loài thủy sản có tên trong Danh mục các loài thủy sản cấm xuất khẩu như trai ngọc, cá anh vũ, cá hô, cá heo, cá voi, rùa biển, rùa da, đồi mồi, rùa đầu to…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 29/3/2015. (Thời Báo Kinh Doanh 4/3, Tr5; Sức Khỏe & Đời Sống 4/3, Tr2; Chính Phủ 3/3) đầu trang(
Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được luật hóa từ năm 1994 trong Luật BVMT đầu tiên của Việt Nam, trong khi quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) được bổ sung trong Luật BVMT 2005 sửa đổi.
Từ khi ra đời đến nay, ĐTM và ĐMC đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp BVMT của nước ta. Tuy nhiên, quy trình thực hiện ĐTM và ĐMC hiện vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập cần được khắc phục, cải thiện, trong đó có việc đánh giá tác động đối với ĐDSH.
Bài viết dưới đây xin được phân tích những bất hợp lý, bất cập trong quy định và thực hiện đánh giá ĐDSH trong ĐTM và ĐMC cùng các kiến nghị giải pháp.
Đánh giá tác động đến ĐDSH có thể được định nghĩa là một công cụ hỗ trợ quá trình ra quyết định và giúp lập kế hoạch toàn diện nhằm triển khai dự án phát triển đi đôi với bảo tồn ĐDSH.
Các văn bản pháp luật hiện nay đều coi ĐDSH là một thành phần của môi trường tự nhiên. Hai văn bản hướng dẫn thực hiện ĐMC, ĐTM là Nghị định 29/2011/NĐ-CP và Thông tư 26/2011/TT-BTNMT có quy định lồng ghép yếu tố ĐDSH vào quy trình ĐMC/ĐTM và đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động đối với các thành phần môi trường tự nhiên, tuy nhiên không có lưu ý về những đặc thù của đánh giá tác động ĐDSH.
Thậm chí Thông tư 26/2011/TT-BTNMT còn xếp tác động đến ĐDSH vào loại không liên quan đến chất thải. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nguồn chất thải đã có một số tác động trực tiếp và rất nhiều tác động gián tiếp đến ĐDSH. Trong khi đó, phương pháp đánh giá tác động đến ĐDSH không hề giống các phương pháp đánh giá tác động đến địa hình, địa mạo, cảnh quan.
Có lẽ đó là nguyên nhân chính khiến các báo cáo ĐMC, ĐTM đã được thẩm định và phê duyệt có nội dung đánh giá tác động ĐDSH rất sơ sài, hầu như chưa đạt yêu cầu cung cấp thông tin làm cơ sở để cân nhắc yếu tố ĐDSH khi thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án phát triển.
Ngoài ra, mặc dù các văn bản pháp luật liên quan (như Luật BVMT, ĐDSH, BV-PTR, Thủy sản) đều quy định các dự án có tiềm năng ảnh hưởng đến ĐDSH phải thực hiện ĐTM, song lại không có quy định cụ thể về các nội dung đánh giá tác động ĐDSH và các tiêu chuẩn (hay các tiêu chí hoặc chỉ thị) ĐDSH để so sánh.
Trong khi đó, đối với các thành phần môi trường khác (không khí, nước, đất) và các nguồn thải có tiềm năng tác động (khí thải, nước thải, chất thải rắn) hiện đều có QCVN, TCVN tương ứng để so sánh, đánh giá mức độ tác động và giới hạn cho phép cần đạt được để trên cơ sở đó có các giải pháp phù hợp hạn chế ảnh hưởng bất lợi.
Có thể nói quy định đánh tác động ĐDSH trong quy trình ĐMC và ĐTM hiện nay còn nhiều bất cập. Trong đó, các báo cáo ĐMC và ĐTM còn rất ít chú ý đến tác động tiềm tàng của dự án đến ĐDSH, các tác động chủ yếu đến ĐDSH hầu như bị bỏ qua, thể hiện qua các khía cạnh sau đây:
Không cân nhắc đúng mức các vấn đề nhạy cảm với môi trường khi lựa chọn vị trí triển khai dự án, đặc biệt không đánh giá khả năng chịu tải môi trường và tính đặc thù của hệ sinh thái.
Tác động đến ĐDSH không được xem xét một cách rõ ràng, đầy đủ và thuyết phục trong quy trình ĐTM. Hiện nay quy trình thực hiện ĐTM không ưu tiên đánh giá tác động đến các đối tượng ĐDSH đặc thù; chỉ tập trung vào các hệ sinh thái cần được bảo vệ mà không chú ý đến các hệ sinh thái không được ưu tiên bảo vệ.
Kết quả đánh giá tác động chủ yếu là phân tích, đánh giá tác động trực tiếp (ví dụ tác động từ phát quang, tiếng ồn…) đến các yếu tố ĐDSH, trong khi tác động gián tiếp đến hệ sinh thái mới chỉ dừng lại ở nước thải và chất thải rắn, chủ yếu là đến hệ thủy sinh.
Hậu quả của các tác động cũng chưa được phân tích đầy đủ, do đó không đưa ra được các đánh giá về những thay đổi ĐDSH do tác động của dự án so với những thay đổi có thể xảy ra khi không có dự án, và vì vậy không đánh giá được liệu các loài/hệ sinh thái có khả năng thích ứng với những thay đổi trong môi trường sống đến mức độ nào.
Giá trị dịch vụ sinh thái chưa được xem xét đầy đủ, do đó không cung cấp cơ sở khoa học và thực tế để đề xuất phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng và bồi hoàn ĐDSH.
Độ tin cậy/sự không chắc chắn trong các dự báo tác động đến ĐDSH không được thảo luận và đánh giá rõ ràng: Đánh giá ĐDSH mới chỉ ở mức độ chung, không cụ thể ở từng cấp độ (loài, quần thể và hệ sinh thái) nên độ tin cậy của các dự báo chưa đủ thuyết phục.
Do kết quả đánh giá tác động không cụ thể và có xu hướng giảm nhẹ (hoặc coi là bất khả kháng) nên các biện pháp giảm thiểu cũng mang tính lý thuyết, không đủ tin cậy về tính khả thi và hiệu quả thành công.
Đặc biệt, các biện pháp giảm thiểu tác động đến ĐDSH không được tích hợp với các biện pháp giảm thiểu các tác động khác (như tác động đến nguồn nước, cảnh quan, sinh kế cộng đồng,..) nhằm tránh xung đột giữa mục tiêu của các biện pháp giảm thiểu tác động khác nhau, nếu có.
Từ các kết quả phân tích hiện trạng pháp luật, đánh giá các yếu tố ĐDSH trong các báo cáo ĐTM và ĐMC của một số lĩnh vực điển hình, có thể rút ra một số nhận xét và khuyến nghị tăng cường hiệu quả đánh giá tác động đến ĐDSH như sau:
Lồng ghép đánh giá tác động đến ĐDSH phải được coi là một cách tiếp cận tổng thể và toàn diện trong quy trình thẩm định các dự án phát triển: Cách tiếp cận này sẽ hỗ trợ giảm thiểu tối đa tác động đến ĐDSH của các dự án phát triển, đảm bảo mục tiêu phát triển được tích hợp với bảo tồn ĐDSH và phù hợp về mặt pháp lý cũng như cung cấp và chia sẻ công bằng những lợi ích phát sinh từ việc sử dụng ĐDSH.
Cần sớm đưa những nội dung cốt lõi về phương pháp tiếp cận đánh giá tác động ĐDSH vào các quy định của Nghị định về ĐMC và ĐTM và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này vì đây là cách làm phổ biến và có hiệu quả nhất hiện nay.
Cần xây dựng và ban hành hướng dẫn điều tra, mô tả hiện trạng ĐDSH trong báo cáo ĐMC và ĐTM: Hiện nay nội dung mô tả hiện trạng ĐDSH trong các báo cáo ĐMC và ĐTM chủ yếu tập trung liệt kê danh mục các loài thực vật, động vật hoang dã, các loài sinh vật được ưu tiên bảo vệ, các loài đặc hữu có trong vùng có thể bị tác động do dự án, song thường sử dụng những thông tin từ các nghiên cứu đã có mà ít khi có khảo sát bổ sung.
Vì vậy để nâng cao hiệu quả của nội dung này cần có hướng dẫn cụ thể về phương pháp thu thập số liệu (kể cả thông tin cung cấp từ quá trình tham vấn cộng đồng) và cách thức thực hiện khảo sát thu thập thông tin cập nhật về ĐDSH ở cả 3 cấp độ: loài, quần thể và hệ sinh thái.
Chú trọng việc dự báo tác động đến ĐDSH trong các báo cáo ĐTM và ĐMC: Để nâng cao hiệu quả của dự báo các tác động đến môi trường khi thực hiện dự án phát triển, trước hết cần sớm xây dựng và ban hành bộ chỉ số ĐDSH quốc gia, làm cơ sở để thu thập số liệu và đánh giá hiện trạng cũng như đánh giá tác động thông qua so sánh mức độ thay đổi ĐDSH so với hiện trạng trước khi thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng các tác động gián tiếp và tác động tích lũy nhiều khi đóng vai trò quan trọng và đáng kể hơn cả tác động trực tiếp từ hoạt động của dự án. Đặc biệt, dự án thường có tác động đến môi trường sống và nơi cư trú, từ đó mới tác động đến loài, quần thể và hệ sinh thái.
Việc dự báo mức độ chia cắt của môi trường sống hoặc các quần xã khi thực hiện dự án đòi hỏi dựa trên số liệu khảo sát cập nhật, vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể về phương pháp thực hiện. Đôi khi hoạt động của dự án không dẫn tới mất mát ĐDSH ngay lập tức mà chỉ dẫn tới khả năng làm cho các hệ sinh thái dễ bị tổn thương hoặc thay đổi hơn.
Ngoài ra, hiện trạng các loài, các hệ sinh thái và hậu quả của sự suy giảm số lượng loài có thể rất khác nhau theo từng địa điểm. Do vậy thông tin cụ thể theo vị trí có thể có vai trò quan trọng trong việc đánh giá đúng các tác động đến ĐDSH.
Bên cạnh đó, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đánh giá tác động ĐDSH cần lưu ý đến việc đánh giá, nhận xét về mức độ chưa chắc chắn của các dự báo và lý giải nguyên nhân. Đồng thời cần lưu ý nội dung đánh giá tác động trực tiếp cũng như các tác động gián tiếp từ hoạt động của dự án đến ĐDSH.
Nghiên cứu ban hành hướng dẫn kỹ thuật riêng về giám sát ĐDSH: Các thông số giám sát ĐDSH cần dựa trên bộ chỉ số ĐDSH quốc gia, đồng thời phải phù hợp với đặc thù ĐDSH của địa phương nơi triển khai dự án.
Cần xem xét một số vấn đề trong việc lựa chọn những chỉ số và khu vực được giám sát ĐDSH, bao gồm nhưng không giới hạn ở: quy mô, thuộc tính và những khác biệt về địa sinh học. Nguyên tắc lựa chọn thông số giám sát và tần suất thực hiện cần được đưa vào hướng dẫn kỹ thuật, và tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có lựa chọn phù hợp để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.
Tốt nhất nên xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật riêng (độc lập với hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động đến ĐDSH) về xây dựng và thực hiện chương trình giám sát ĐDSH. Dựa trên cơ sở phương pháp luận chung, các dự án phát triển sẽ lựa chọn và xây dựng chương trình giám sát ĐDSH riêng cho dự án phù hợp với khu vực chịu ảnh hưởng.
Cần sớm ban hành quy định cụ thể về tham vấn cộng đồng đối với ĐDSH trong các báo cáo ĐTM và ĐMC: Quy định về thực hiện tham vấn cộng đồng trong thực hiện ĐTM đến nay vẫn còn mang tính hình thức.
Trong thực tế, tham vấn cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khảo sát, nghiên cứu hiện trạng, đánh giá tác động và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi đến ĐDSH. Đặc biệt, quản lý và bảo tồn ĐDSH với sự tham gia cộng đồng đã được công nhận là biện pháp có hiệu quả nhất, đảm bảo vừa duy trì tính ĐDSH của khu vực, vừa nâng cao sinh kế cộng đồng địa phương.
Phương pháp tiếp cận quản lý và giám sát ĐDSH có sự tham gia có thể giúp xác định và giám sát các tác động ĐDSH ở cấp hiện trường, cải thiện công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên tại địa phương bằng cách tạo ra dữ liệu phục vụ thông tin cho quá trình ra quyết định thông qua công tác quản lý mang tính thích ứng.
Hiệu quả giám sát ĐDSH có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng các kiến thức quý giá của địa phương. Dữ liệu do các bên liên quan tại địa phương thu thập và quản lý có thể bao gồm những thông tin cụ thể về địa điểm, bối cảnh và mức độ thay đổi ĐDSH.
Từ đó, quản lý và giám sát ĐDSH có sự tham gia có thể giúp ích cho các nhu cầu quản lý địa phương cũng như giúp gắn thay đổi ĐDSH với các can thiệp từ dự án phát triển, điều mà nếu sử dụng dữ liệu viễn thám có thể không đạt được hiệu quả.
Vì vậy, ban hành hướng dẫn kỹ thuật tham vấn cộng đồng địa phương về các vấn đề liên quan đến hiện trạng ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái sẽ hỗ trợ đề xuất và thực hiện hiệu quả các giải pháp ngăn ngừa suy thoái và bảo tồn ĐDSH.
Tiếp cận hệ sinh thái phải được coi là nội dung quan trọng trong phương pháp luận ĐMC và ĐTM: Tiếp cận hệ sinh thái là một chiến lược để quản lý tổng hợp đất, nước và các hệ sinh thái nhằm tăng cường bảo vệ và sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên theo hướng công bằng.
Tiếp cận hệ sinh thái có thể được sử dụng để tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa việc bảo vệ và sử dụng ĐDSH ở những vùng có nhiều người sử dụng tài nguyên và các giá trị quan trọng của thiên nhiên.
Về bản chất, tiếp cận hệ sinh thái trong việc xây dựng và thực hiện các dự án phát triển là hợp tác và phối hợp giữa các lĩnh vực quản lý hệ sinh thái và những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái. Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái là một khái niệm tích hợp có thể hỗ trợ xác định các tác động tích lũy và tác động gián tiếp gây ra tổn thương hệ sinh thái.
Tác động tích lũy thường bị bỏ qua trong ĐMC và ĐTM, do đó tiếp cận hệ sinh thái có thể giúp cải thiện điều này và cung cấp phương pháp luận để xem xét tác động tích lũy một cách nhất quán hơn trong ĐMC và ĐTM. (Thiennhien.net 3/3)đầu trang(
Ngày 2-3, Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ tháng 3 trở đi theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt, mỗi tháng cán bộ UBND cấp huyện và cấp xã phải trực tiếp đi kiểm tra rừng ít nhất 2 lần.
Đồng thời phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật và cấp ủy Đảng và chính quyền cấp trên nếu để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản, đốt rừng trái phép trên địa bàn mình quản lý. (Đại Đoàn Kết 3/3, Tr2) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Quỹ động vật hoang dã thế giới cảnh báo, các khu rừng ở Myanmar là một trong những thành trì cuối cùng của những chú voi châu Á - vốn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và bị đe dọa, chỉ sau Ấn Độ.
Giới chức Myanmar cho biết một chú voi trắng quý hiếm đã được phát hiện trong khu rừng ở khu vực phía Tây Ayeyarwaddy.
Sau sáu tuần kể từ khi được tìm thấy, con voi cái 7 tuổi này đã được bắt “một cách êm ái và tự nhiên nhất để tránh bị tổn thương” để đưa về một khu bảo tồn ở thị trấn Pathein. Voi trắng đã nhiều thế kỷ được tôn kính ở Myanmar, Thái Lan, Lào và các quốc gia châu Á khác.
Trên thực tế, loài này thường có da màu hồng nhạt, những sợi lông mi bằng nhau và có móng chân rõ ràng. Loài voi trắng thường được Quốc vương bảo vệ và nuôi như một biểu tượng quyền lực và thịnh vượng của hoàng gia. Nhiều người vẫn tin rằng voi trắng sẽ mang lại may mắn cho đất nước.
Myanmar hiện có tám con voi trắng đang được bảo vệ trong điều kiện nuôi nhốt, hầu hết chúng đều được “đón” về từ các khu rừng thuộc khu vực Ayeyarwaddy, sống trong sở thú ở thủ đô Naypyitaw và Yangon.
Theo Quỹ động vật hoang dã thế giới, hiện còn khoảng 25.600-32.750 con voi châu Á đang sống trong tự nhiên và những con đực luôn là mục tiêu của nạn săn trộm voi với mục đích lấy ngà.
Việc săn bắt voi ở Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar đã bị cấm nhằm bảo tồn đàn voi hoang dã. Tuy nhiên, ở Myanmar, voi vẫn đang bị săn bắt hàng năm phục vụ cho ngành công nghiệp du lịch và buôn bán ngà voi. Việc buôn bán này là bất hợp pháp và vi phạm công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp (CITES), mà cả Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam đều là thành viên. (Vietnamplus.vn 4/3) đầu trang(
Trong vòng 40 năm qua, thế giới đã mất đi 52% các loài đa dạng sinh học trên trái đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, kéo theo sự gia tăng của nạn săn trộm, giết hại các loài mang tính biểu tượng như tê giác, voi và hổ.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn nạn trên, ngài Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng việc vận chuyển động vật bất hợp pháp trên thế giới cũng tương tự với các hoạt động phạm tội khác như buôn người, vũ khí, ma túy qua biên giới đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố phát triển. (Vietnamplus.vn 4/3) đầu trang(./.
Biên tập: Diệu Huyền