Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 04 tháng 02 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Hơn nửa thế kỷ nay, đảo Rều (thuộc vịnh Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) có một vương quốc khỉ vàng quần tụ sinh sống.
Đây là những chú khỉ được nuôi để sản xuất văcxin bại liệt và phục vụ nhiều công trình nghiên cứu y học.
Năm 1962, khỉ vàng Macaca Mulatta bắt đầu được nuôi theo phương pháp bán tự nhiên tại trại chăn nuôi đảo Rều. Từ đó đến nay, nhiều thế hệ khỉ đã góp công lớn cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển y học nước nhà.
Những ngày cuối đông, chúng tôi lên tàu ra đảo Rều trong cơn mưa lất phất xám xịt. 5g30 sáng, trong cái lạnh căm căm, những nhân viên trên đảo đã dậy từ bao giờ, chuẩn bị nấu thức ăn cho bầy khỉ lên tới cả ngàn con. Thực đơn hôm nay có xôi gạo lứt nấu cùng đậu đen, đậu tương...
Tùy vào lịch trong tuần mà sẽ bổ sung trái cây tráng miệng theo mùa cho khỉ như chuối, táo, lê, dưa hấu...
Mở nắp vung nồi xôi vừa chín tới thơm phức, nóng hôi hổi, chị Hà - nhân viên của trại - thoăn thoắt bỏ ra thúng rồi đến những khu “nhà ăn” của khỉ. Đàn khỉ trên đảo chia thành nhiều bầy, mỗi bầy do một chú khỉ đực trưởng thành thống lĩnh cư trú một vùng nên hệ thống nhà ăn cũng được bố trí khắp đảo, cách nhau vài trăm mét.
Tiếng kẻng báo giờ ăn vừa được gõ, khỉ lớn, khỉ bé, khỉ đực, khỉ cái, khỉ mẹ bồng con... lũ lượt chuyền cành kéo về, nhanh tay bốc đồ ăn đầy hai bọng má rồi lại tót lên cây. Bầy khỉ kéo đi, khu nhà ăn như một bãi chiến trường ngổn ngang vỏ hoa quả, thức ăn còn dư thừa...
Trong khi đó, những bác sĩ thú y như trại trưởng Vũ Công Long hay kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Huy Phương lại có nhiệm vụ theo dõi chung đàn khỉ cũng như những chú khỉ được tách riêng để theo dõi, phục vụ việc nghiên cứu.
Gắn bó với đảo, mọi người thường đùa nhau có khi còn thương khỉ như chính con đẻ của mình. Chỉ vài chú khỉ có dấu hiệu sức khỏe suy giảm là bác sĩ, nhân viên lo lắng không yên, phải tách ra chăm sóc và theo dõi hằng ngày.
Trại phó Nguyễn Huy Phương năm nay hơn 40 tuổi nhưng đã có thâm niên làm việc tại đảo hơn 20 năm. Nhà ông có ba đời công tác tại đảo, từ ông bà rồi đến bố mẹ, ông Phương cũng là một thành viên lớn lên tại đảo từ bé.
Nghiêng mái đầu đã điểm hoa râm, ông Phương cười hiền, chia sẻ: “Năm 1989, tôi tốt nghiệp THPT rồi đi biển theo nghề chài lưới được 5 năm. Sau đó, cảm thấy gắn bó với đảo, với bầy khỉ hay quậy phá nên xin về đây làm việc. Tôi lấy vợ trước khi ra đây làm việc, từ đó chồng ở đảo chăm khỉ, vợ ở nhà chăm con. Biết vợ thiệt thòi nhiều nhưng mình đã yêu đảo, yêu việc rồi thì chẳng muốn rời đâu”.
Ngoài ông Phương, hai anh em ông Phạm Minh Tuấn, Phạm Xuân Thái cũng là đời thứ ba lớn lên và trưởng thành từ đảo Rều.
Ông ngoại của hai ông là Phạm Văn Khiên trước cũng là cán bộ nhân viên trung tâm văcxin được cử ra đảo khai hoang, xây dựng đảo. Khi trại chăn nuôi đảo Rều được xây dựng xong, ông Khiên đưa cả vợ con ra đảo sinh sống. Cả gia đình cứ thế sống trên đảo khỉ cho đến khi ông nghỉ hưu.
Hơn 50 năm qua, khỉ vàng trên đảo vẫn được nuôi bán tự nhiên dưới bàn tay chăm sóc của con người, vậy nên chẳng ai rời đảo đi được quá đôi ngày.
Tết trong ký ức của những nhân viên tại đây là những ngày nghỉ vội, đôn đáo về qua gia đình, bạn bè rồi lại sấp ngửa ra đảo. Hoặc không, nhà ở xa thì dăm ba năm mới về quê một lần. Năm nay cũng thế, khi đất liền đã tràn ngập không khí xuân với đào mai khoe sắc thì những người ở đảo khỉ vẫn cặm cụi với công việc thường nhật.
Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút polio (thuộc họ virút đường ruột) gây ra, nếu không chữa trị hợp lý có nguy cơ khiến bệnh nhân bị liệt hoặc nặng hơn là biến chứng gây tử vong.
Những năm 1950-1960, bệnh bại liệt bùng phát thành dịch lớn tại nhiều tỉnh thành phía Bắc nước ta. Không sản xuất được văcxin, dịch đã lây lan khiến hơn 17.000 trẻ mắc bệnh và trên 500 trẻ tử vong, mang theo nỗi lo lắng của nhiều gia đình có con nhỏ.
Năm 1962, Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội dưới sự chỉ đạo của giáo sư Hoàng Thủy Nguyên đã sản xuất thành công văcxin Sabin (OPV), một trong hai loại văcxin phòng chống bại liệt. Cùng với đó, đảo Rều được xây dựng để trở thành địa chỉ duy nhất trên toàn quốc nuôi đàn khỉ vàng phục vụ nghiên cứu phát triển văcxin bại liệt.
Những chú khỉ được lựa chọn sẽ được nuôi cách ly và kiểm tra xác nhận không có mầm bệnh, đưa về Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC). Sau đó, những chuyên gia tại đây sẽ phẫu thuật lấy thận, tách các tế bào thận riêng rẽ để nuôi cấy trên các chai thủy tinh bằng môi trường phát triển, khi tế bào đã phát triển phủ kín một lớp trên bề mặt chai sẽ được gây nhiễm chủng virút polio đã giảm độc lực.
Chủng virút này nhân lên trên tế bào, trưởng thành và giải phóng ra khỏi tế bào tạo thành hỗn dịch văcxin bại liệt bán thành phẩm đơn type. Khi sản xuất văcxin thành phẩm sẽ tiến hành phối trộn ba type virút, bổ sung chất bảo quản, lọc vô trùng và đóng lọ để trở thành 
văcxin thành phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hường, phó giám đốc POLYVAC, chia sẻ: “Khỉ vàngMacaca Mulatta là nguồn nguyên liệu đầu để sản xuất hàng chục triệu liều văcxin bại liệt mỗi năm, góp phần vào việc thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt tại Việt Nam vào những năm 2000.
Từ đó đến nay, bằng việc duy trì tiêm chủng thường xuyên văcxin bại liệt hằng năm, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được thành quả đó. Ngoài ra, khỉ vàng Macaca Mulatta được lựa chọn là đối tượng nghiên cứu của các đề tài khoa học cũng như kiểm định chất lượng, thử nghiệm tiền lâm sàng nhiều sản phẩm 
sinh học và văcxin”. (Tuổi Trẻ 3/2; Công An Nhân Dân Số Xuân Bính Thân) đầu trang(
Vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức Hội nghị lần thứ ba về chống buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã (IWTC), nhằm kêu gọi các quốc gia đưa ra các cam kết chính trị để giải quyết vấn nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã bằng nhiều giải pháp và hành động cụ thể.
Thông qua IWTC, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí dẫn đầu khu vực cũng như cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã; từ đó góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam.
Thông tin trên được ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp công bố tại buổi họp báo thông báo kế hoạch hoạt động của IWTC, do Đại sứ quán Vương quốc Anh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/2, tại Hà Nội.
Ông Ngãi cho biết, để thể hiện quyết tâm ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hướng tới giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.
“Việt Nam cũng ứng cử là nước chủ nhà tổ chức IWTC tại thành phố Hà Nội. Việc đăng cai IWTC này thể hiện những nỗ lực tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu,” ông Ngãi nhấn mạnh. (Vietnam + 3/2) đầu trang(
Ngày 3-2, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết Cục vừa gửi hồ sơ lên Bộ LĐ-TB&XH để trình Chính phủ xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Vũ Xuân Hải, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng).
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 28-12-2014, anh Hải cùng một cán bộ kiểm lâm khác là Cao Viết Lư trong lúc truy đuổi xe chở lâm sản trái phép thì bị tài xế lái xe đâm khiến anh Hải bị chết do đa chấn thương, anh Lư bị thương. Tài xế này sau đó đã bị TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt 16 năm tù về tội giết người. (Pháp Luật TP.HCM 4/2) đầu trang(
Bữa cơm tất niên ở nhà anh Nguyễn Thanh Tú (Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) bên núi Thiết Sơn lạnh cóng, hơi lèn phả ra đến tê người. Anh Tú là lính biên phòng về hưu, mỗi ngày tình nguyện vào rừng bảo vệ voọc gáy trắng.
Anh Tú chỉ tay giới thiệu với chúng tôi về người bên cạnh, Nguyễn Văn Hồng ở làng Còi, xã Đồng Hóa. “Hồng vốn là thợ săn điêu luyện, hắn đặt bẫy ở mô là đàn voọc quý sa lưới ngay. Trong vùng, từ nhỏ đến lớn hắn giết hại không biết bao nhiêu con thú hiếm được đưa vào sách đỏ này. Tui nói với Hồng: “Em đang trẻ mà sát sinh như thế nên tội với rừng. Nhà có đến năm đứa con, phải làm răng cho chúng hiểu bọ (ba) là người sống có nghĩa không chỉ với bà con mà còn với động vật hoang dã ở đây”. Hồng ngộ ra mà bỏ thói săn voọc một cách tàn nhẫn” - anh Tú nói.
Trong bữa cơm giữa núi rừng mùa tết, Hồng kể: “Tui là kẻ săn sừng sỏ từ lúc 16 tuổi, chừ cũng đã gần 50 tuổi rồi, nghe anh Tú nói về loài thú quý này tui mới biết trên thế giới chúng chỉ còn ở Quảng Bình là nhiều nhất. Anh Tú nói rằng voọc quý là linh hồn núi rừng ở đây, tui mà không bỏ thì khó mà sống được với đời để bà con, chòm xóm tin yêu. Rứa là tui nhờ anh Tú dẫn dắt đọc tài liêụˮ.
Nói đoạn, Hồng nhìn vào góc núi xa xa như tự vấn: “Ngày trước chưa cấm pháo, chỉ cần đưa băng pháo vào đúng nơi chúng trú ngụ, đốt lên, pháo nổ, cả bầy mấy chục con run chạy rơi vô bẫy là bắt thôi. Nhờ anh Tú cảm hóa mà tui hiểu làm rứa thiệt ác. Thấy chúng là con vật còn lo cho nhau, đằng này mình con người mà đi tàn sát, lại săn loài quý hiếm có ngày đi tù như chơi. Nghĩ rứa mà phải theo anh Tú bảo vệ chúng”.
Từ cuối năm 2014, Hồng không còn là kẻ đi săn trộm loài voọc quý. Giới nhà hàng, quán xá bán đồ rừng tiu nghỉu vì không còn mối nhập hàng tốt như Hồng. Đám săn trộm của các xã lân cận thất vọng. Bữa rượu nào họ mời mọc, rủ rê Hồng quay lại với nghề làm bẫy, anh cũng nhất quyết không. Cuối năm 2015, một thợ săn hành nghề ở Lào về quê ăn tết tại Đồng Hóa vào rừng đặt bẫy, Hồng phát hiện báo công an và buộc tay thợ săn đó phải đi gỡ bẫy trên núi, xin lỗi dân làng cùng địa phương không tái phạm.
Từ ngày Hồng “gác kiếm” không là sát thủ voọc, đám thợ săn cũng không bén mảng với các đàn voọc ở Đồng Hóa, bởi dân trong nghề ai cũng kiêng nể Hồng. Hồng điểm mặt từng tên săn trộm và tuyên bố: “Đứa nào muốn đặt bẫy bắt voọc quý hiếm ở xã này thì phải bước qua xác thằng Hồng này. Tao đã rửa tay gác kiếm, quyết định bảo vệ chúng thì không được thợ săn mô vào Đồng Hóa mà đưa theo bẫy. Vô làng chơi, ghé nhà uống nước thằng Hồng mời, còn vô với mục đích tàn sát thú rừng thì không xong đâu”.
Bên trên gác nhà của gia đình Hồng là một khu rừng đầy ắp tiếng chim, đàn voọc 12 cá thể sau hiên nhà từ lúc không bị bắt đến nay đã sinh sôi ra nhiều con mới và chúng rất yên tâm trú ngụ ở đây. Không chỉ thế, gà rừng, chim cu gáy, nhiều loài lông vũ khác cũng sinh sôi dày đặc hơn trước. Người làng Còi nói có được điều đó là nhờ Hồng cả.
“Chừ nghĩ lại, mình phải chuộc lỗi với chúng để sau này con cái lớn lên còn nghĩ về bọ hắn mà có chút tự hào, chứ săn thú quý hiếm mãi thì chả ra gì. Tui tính rồi, chăn nuôi bò mỗi năm thu nhập rất tốt, còn đi săn bắt thú quý của rừng làng thì chả có gì hay ho mà còn nghèo rớt nữa” - Hồng nói như rút ruột, tỏ lòng sám hối khi năm mới sắp sang.
Tự nguyện giữ voọc và không có chút thù lao nào nhưng cuối năm anh Tú vẫn làm bữa cơm tất niên mời anh em tình nguyện đến nhà tỏ lòng ấm cúng. Chị Tâm - vợ anh Tú nói: “Anh em ở quê ai cũng khó khăn cả, gia đình có anh Tú hưởng lương hưu bộ đội biên phòng, bữa cơm cuối năm sum vầy đạm bạc nhưng là tụ lại tình cảm anh em chung lưng đấu cật mà bảo vệ đàn voọc quý cho thế hệ cháu con của làng”.
Ngồi với nhau bữa cuối năm, hỏi gia đình tết nhất thế nào, chị Tâm trả lời: “Vẫn như bình thường, ngày hai buổi anh Tú vào rừng giữ voọc, trưa về hương khói, chiều muộn đi thăm bà con chòm xóm, nội ngoại thì ở gần nên qua lại cũng nhanh, con cái lớn cả rồi cũng chả lo chi nhiều. Chừ lo cho đàn voọc thôi”.
Từ ngày còn ở đơn vị bộ đội biên phòng, mỗi bận cuối năm anh Tú đều xuyên tết với đàn voọc gáy trắng. Ba năm nay nghỉ hưu anh cũng xuyên tết như thế. Tết này anh vẫn lọc cọc chiếc xe máy cũ cùng cuốn ống nhòm đi đếm từng đàn một.
Chúng tôi theo chân anh Tú cả năm nay, đàn nào ở vị trí nào, ở ngọn núi nào anh đều biết khá tường, ngày nào có cá thể mới đều được anh hướng dẫn nhận biết. Tết năm nay chúng đông đúc hơn, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và ngày nào chúng tôi vào rừng cũng đều thấy chúng xuất hiện. (Pháp Luật TP.HCM 4/2) đầu trang(
Với thu nhập mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng nên nghề “câu” kiến nhọt dùng làm mồi để đi săn bò cạp đã trở nên công việc “hot” ở Đồng Nai.
Được xem là “vua” của nghề săn kiến nhọt (côn trùng có thân to màu đen, dài, rất hung dữ, làm tổ nhiều trong các rừng cao su), ông Lê Văn Hiếu (59 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán, Đồng Nai) cho biết, năm 2005, ông tình cờ phát hiện đàn kiến nhọt vào hang tấn công bọ cạp, khiến loài động vật có nọc độc phải thoát chạy ra ngoài.
“Lúc đó tôi suy nghĩ tại sao mình không sử dụng kiến săn bọ cạp thay cho việc đào hang rất vất vả. Thế là nghề câu loài kiến độc này bén duyên với tôi” – ông Hiếucho biết.
Từ đó, mọi người thấy dùng kiến đi săn bò cạp hiệu quả hơn nên đi bắt kiến về bán cho các thợ săn bò cạp. Hàng ngày, từ sáng sớm tinh mơ, ông Hiếu đã chuẩn bị đầy đủ tư trang, đồ nghề. Người đàn ông này chia sẻ, để đi câu kiến nhọt, điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị những đồ dùng bảo hộ như bốt, áo dài tay để tránh bị kiến chích, hay bị rắn, rết cắn.
Còn dụng cụ để đi câu kiến gồm 5 cái xô cùng với cần câu kiến tự chế là một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 30cm, đầu đoạn tre được cột thêm một chùm bông cỏ lau bằng dây thun. Kèm theo đó là khoảng 5 con bò cạp sống (loại bò cạp núi, có màu đen) để làm mồi câu kiến.
“Hang kiến chỉ có ở những rừng đất đỏ, rừng cao su. Để nhận ra hang kiến nhọt, mắt phải tinh, nhìn đúng hang. Đặc biệt, hang của loài kiếng này thay đổi liên tục theo mùa. Mùa mưa, trên hang kiến ở giữa những đám cỏ xanh là những đám cỏ có lá vàng nhạt. Mùa nắng, xung quanh hang kiến là cỏ khô nhưng trên hang lại có đám cỏ xanh tươi tốt. Kiến nhọt làm hang ở nơi chỉ toàn đất”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, khi phát hiện hang kiến, thợ câu dùng dây buộc xác bọ cạp rồi cho vào hang nhử kiến. Đánh hơi thấy mùi tanh của bò cạp, không lâu, loài côn trùng màu đen kéo đến bu kín nguồn thức ăn ưa thích.
Sau đó, thợ câu nhẹ nhàng rút cần ra đưa miệng thổi theo chiều từ trên xuống rồi nhẹ tay vuốt cho kiến vào xô.
“Việc này làm rất nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải khéo tay, nhẫn nại. Người cầm cần phải đảo đều tay, không đảo quá mạnh cũng không quá nhẹ để kích thích kiến bu bám. Ngoài ra khi câu kiến mình phải làm ở cửa phụ, vì câu các cửa phụ, kiến sẽ đến nhiều và tổ vẫn được duy trì cho lần sau. Nếu câu trúng cửa chính, đàn côn trùng còn lại sẽ đưa tổ đi nơi khác sinh sống”, ông Hiếu chia sẻ.
Để kiến có thể sống và giữ sức được lâu, cứ khoảng 3 lạng kiến ông Hiếu lại bẻ những nhánh cây khô cho vào thùng để chúng bu bám. Khi kiến đã đầy xô phải dùng một tấm lưới mỏng bịt đầu xô lại và lấy đám cỏ xanh đậy lại trên thùng để giữ ẩm.
“Nghề này tưởng đơn giản nhưng rất nguy hiểm. Đã có nhiều người khi đi câu kiếng bị rắn, rết cắn phải nhập viện. Hoặc không cẩn thận có thể ngã lăn xuống hố khi tìm hang kiến. Nhiều lần đi câu kiến trong rừng cao su, mình còn bị những người bảo vệ rừng đuổi vì người ta cứ nghi mình trộm mủ”, ông Hiếu nói.
Được biết, kiến nhọt được câu về bán cho các chủ mối. Các chủ mối bán kiến với giá khoảng 100.000 đồng/kg cho những người đi săn bò cạp và đổi lại, những người này chỉ cung cấp bò cạp cho chủ mối đó. Còn bán ra ngoài, không thông qua chủ mối có thể lên đến 160.000 đồng/kg.
Đối với những người đã lâu năm trong nghề bắt kiến, trung bình mỗi ngày có thể câu được từ 5 - 7kg kiến. Trừ đi chi phí xăng xe, họ có thể kiếm được từ 500.000 - 700.000 đồng/ngày, như thế, tính ra mỗi tháng, người làm nghề này có thể có tổng thu nhập từ 15-30 triệu đồng. (Phụ Nữ News 2/2) đầu trang(
Ba hình ảnh khắc họa hình tượng một doanh nhân thành đạt từ chối món quà tặng là sừng tê giác cùng với các thông điệp về thành công đến từ sức mạnh của ý chí đang được trưng bày tại sảnh quốc tế đi, Sân bay quốc tế Nội Bài.
Hoạt động truyền thông này là một phần của Chiến dịch “Sức tại chí” do Mạng lưới giám sát các hoạt động buôn bán động thực vât hoang dã TRAFFIC và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp thực hiện, nhằm khuyến khích và kêu gọi toàn xã hội hãy thể hiện thái độ không khoan nhượng đối với việc sử dụng động vật hoang dã, trong đó có sừng tê giác.
Sân bay quốc tế Nội Bài được lựa chọn là địa điểm truyền thông chiến lược vì đây là điểm có lưu lượng hành khách đi lại hàng năm khoảng 10 đến 15 triệu lượt khách và cũng là điểm lưu thông của nhiều hoạt động vận chuyển sừng tê giác và động vật hoang dã trái phép. Chỉ tính riêng năm 2015, hơn 155kg ngà voi và 9kg sừng tê giác đã được các cán bộ hải quan bắt giữ tại đây.
Bà Madelon Willemsen, Trưởng Đại diện tổ chức TRAFFIC Việt Nam nhấn mạnh: "Chiến dịch Sức tại chí khuyến khích cộng đồng nhìn nhận việc sử dụng sừng tê giác không thể hiện sức mạnh và thành công của mỗi cá nhân, thay vào đó mỗi cá nhân đều có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ động vật hoang dã."
Ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã hưởng ứng tuyên truyền và đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không phối hợp với các cơ quan hữu quan tham gia tích cực trong việc ngăn chặn, không vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Ông nhấn mạnh: "Để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, cán bộ cảng hàng không và cán bộ hải quan cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết và cam kết thi hành các quy định của pháp luật trong xử lý các vi phạm về vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép.”
Ba hình ảnh truyền thông được trưng bày cùng với một câu chuyện về một doanh nhân thành công đã từ chối không nhận khi được tặng sừng tê giác đăng trên Tạp chí hàng không Heritage Fashion trong số tháng 1-2016 đã góp phần vào thành công của Chiến lược “Sức tại chí”.
Ngoài ra, Tổ chức TRAFFIC và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp phát hành hơn 1.000 bộ lịch bàn năm mới 2016 với chủ đề về “Sức tại chí” và “bảo vệ động vật hoang dã” tặng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương và địa phương. (Nhân Dân 3/2) đầu trang(
Ngày 2/2 Đại sứ quán Anh đã tổ chức buổi họp báo tổng kết những hoạt động mà Anh và Việt Nam đã thực hiện để giải quyết tình trạng buôn bán bất hợp pháp các sản vật từ động vật hoang dã.
Đại sứ quán cũng thông báo kế hoạch hoạt động trong năm nay giữa hai nước, hướng tới Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về buôn bán động vật hoang dã, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11/2016 tại Hà Nội.
Tham gia buổi họp báo có Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever; Vụ Trưởng phụ trách các chương trình quốc tế, Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề Nông thôn của Anh Jeremy Eppel và ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp báo, Đại sứ Giles Lever nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế chống lại việc buôn bán động vật hoang dã trái phép - được coi là một vấn đề toàn cầu.
Anh là nước đi đầu trong việc tổ chức Hội nghị London năm 2014 cam kết chống lại việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Tại London, hơn 40 quốc gia đã nhất trí thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; đảm bảo khuôn khổ pháp lý hiệu quả và mang tính răn đe; tăng cường thực thi pháp luật, đảm bảo sinh kế bền vững và phát triển kinh tế.
Ông Giles Lever bày tỏ sự vui mừng khi Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ ba về buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vào cuối năm nay. Nước Anh tự hào đã hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính cũng như kỹ thuật trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước.
Theo Đại sứ, để hành động hiệu quả trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có sự hợp tác hiệu quả giữa các chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và chính quyền địa phương. Các tổ chức phi chính phủ cũng cần góp sức vào quá trình này.
Nước Anh đã và đang hỗ trợ nhiều tổ chức phi chính phủ làm việc tại Việt Nam đồng thời luôn nỗ lực nâng cao nhận thức chống lại việc buôn bán động vật hoang dã trái phép trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook.
“Chúng tôi mong muốn làm việc hiệu quả với các đối tác, trong đó có Việt Nam. Chúng ta hãy cùng hướng tới một hội nghị quốc tế thành công tại Hà Nội để tìm ra những biện pháp hiệu quả cho vấn đề này”, Đại sứ Giles Lever chia sẻ.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Jeremy Eppel cho biết, nước Anh đã hỗ trợ 19 dự án NGO nhằm đối phó với việc buôn bán động vật hoang dã trái phép ở 15 quốc gia. Ở Việt Nam, nước Anh hỗ trợ tài chính cho Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã và Tổ chức Nhân đạo quốc tế và hy vọng sẽ có nhiều sự hợp tác hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Jeremy Eppel cũng cho rằng, việc Việt Nam sẵn sàng tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán động vật hoang dã đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới quốc tế rằng Việt Nam cương quyết loại bỏ việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. "Nước Anh hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực này”, ông Jeremy Eppel nói.
Đại diện phía Việt Nam tham dự cuộc họp báo, ông Nguyễn Bá Ngãi bày tỏ tự hào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ động vật hoang dã và chống lại việc buôn bán động vật hoang dã trong thời gian qua. Ông cho rằng nhận thức của người dân Việt Nam về việc không sử dụng các sản phẩm làm từ động vật hoang dã ngày càng tăng. Tội phạm liên quan tới buôn bán động vật hoang dã trái phép sẽ bị truy cứu theo luật hình sự chứ không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính hay tù treo, hình phạt cao nhất có thể lên tới hơn 10 năm tù.
Ông đánh giá cao sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nước Anh trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề này và mong rằng sự hợp tác giữa hai nước sẽ càng được đẩy mạnh trong thời gian tới. (Thế Giới Và Việt Nam 4/2) đầu trang(
Chiều 3/2, nhiều người dân lưu thông trên trên đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy) Hà Nội giật mình khi nghe tiếng lợn kêu inh ỏi. Ven đường, máu chảy loang.
Đó là cảnh tượng tại một "lò mổ di động" đặt ngay trên vỉa hè đường Phạm Văn Bạch (Cầu Giấy) Hà Nội, trước cửa lối vào Chợ hoa xuân của quận Cầu Giấy.
"Lò mổ" này vỏn vẹn chỉ có một tấm pano ghi ba từ "Mổ lợn rừng" kèm theo số điện thoại liên hệ, một tấm bạt trải tạm trên vỉa hè, một chiếc kích điện và dăm ba người thợ pha thịt.
Sau khi kích điện và chọc tiết lợn, những thanh niên lực lưỡng vật ngửa con lợn chừng hơn 1,5 tạ xuống ven đường để pha thịt.Và cứ thế, từng mảng thịt nằm la liệt trên vỉa hè. Nhiều người đi đường tò mò dừng lại. Cuộc bán mua diễn ra chóng vánh ngay trên vỉa hè.
Bà Liêm (người Sơn La), người đứng ra tổ chức lò mổ cho biết, "đây là lợn rừng được bắt từ Sơn La xuống để tham gia hội chợ xuân bán phục vụ nhân dân thủ đô nhân dịp Tết".
Lò mổ này hoạt động công khai từ cuối tháng 2/2016, mỗi ngày họ sẽ giết một con lợn chừng 1,5 tạ ngay trên vỉa hè. Giá cho mỗi cân thịt lợn này dao động 250.000-350.000 đồng/ kg. Khi được hỏi về việc kiểm dịch cho lợn, bà Liêm nói "đây toàn là thịt lợn sạch nên khỏi kiểm dịch. Mổ tới đâu là bán hết veo tới đó".
Sau khi nhận phản ánh từ Zing.vn, Công an phường Yên Hòa (Cầu Giấy) đã kiểm tra việc giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên vỉa hè đường Phạm Văn Bạch. "Chúng tôi đã yêu cầu ngừng ngay việc giết mổ, tránh ảnh hưởng môi trường và trật tự đô thị", lãnh đạo Công an phường Yên Hòa cho hay.
Cũng theo vị này, khi cảnh sát có mặt thì việc giết mổ đã xong nên cảnh sát không lập biên bản mà chỉ nhắc nhở, yêu cầu không tái diễn. (Zing News/ Soha News 3/2) đầu trang(
Tại  Lâm Đồng, lực lượng chức năng vừa kiểm tra, phát hiện đại lý Lý Trúc, số 72, đường Đoàn Thị Điểm, TP Đà Lạt vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện đại lý có gần 400kg thịt các loại đông lạnh có dấu hiệu đổi màu, bốc mùi hôi thối.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được nguồn gốc xuất xứ cũng như chứng từ, hóa đơn; trong đó có 10 cá thể nhím đã được sơ chế.
Đoàn liên ngành đã lập biên bản, tạm giữ số thực phẩm trên để làm rõ. (ANTV 3/2) đầu trang(
Ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Buôn Ja Wầm, một trong những người đã từng gắn bó với vùng đất này mẩy chục năm, chứng kiến nhiều thăng trầm của Cty, và gần như thuộc lòng từng biến động của cả 9 tiểu khu rừng thuộc phạm vi quản lý, cho biết: Cty Buôn Ja Wầm có tên đầy đủ là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn. Tiền thân là Công ty Đầu tư phát triển Buôn Ja Wầm..
Khu vực này vôn hầu hết là rừng nguyên sinh, có nhiều chủng loại cây rừng hiếm quí; bên cạnh đó có những dải đất bazan bằng phẳng, nhiều suối , hồ tự nhiên, lại lọt thỏm giữa bốn bề giáp ranh với các huyện Ea Sup, Ea Hleo, Kroong Buk và Buôn Đôn; đường giao thông chính nối liền với huyện Cư M’Gar và thành phố Buôn Ma Thuột trước đây vô cùng trắc trở.
Vì vậy đã sớm lọt vào tầm ngắm, trở thành đất hứa màu mỡ cho lớp lớp người di dân từ các tỉnh phía Bắc, mà đặc biệt là đồng bào thiểu số H’Mông... Phá rừng lấy đất làm nương rẫy, rồi mua bán đất rừng trái phép rộ lên như một phong trào, và sự ra đời của Cty Buôn Ja Wầm vào khoảng hơn 20 năm qua, như một biện pháp cần thiết để giữ rừng, phát triển nông nghiệp hợp lý và hiệu quả.
Riêng cái tên Buôn Ja Wầm một số người đã cho đó là “định mệnh” gắn liền với mảnh đất này, bởi nó đã bị “băm vằm” và vẫn đang bị lén lút băm vằm bởi nhiều đối tượng, từ những người di dân khốn cùng đến tìm đất sống, đến những người lắm tiền nhiều của tìm cách mua bán chuyển nhượng đất rừng trái phép, đến những “tay anh chị” lừng danh “lâm tặc” khai thác, vận chuyển gỗ băng rừng, thậm chí có cả sự thông đồng của một vài cán bộ nhân viên thoái hóa, biến chất. Tình trạng này, theo ông Sơn thừa nhận, vẫn còn diễn biến phức tạp!
Số liệu điều tra mới đây cho thấy, tổng diện tích rừng do Công ty Buôn Ja wầm quản lý bị lấn chiếm tính đến thảng 3/2014 là 851,28ha; trong đó có 358ha do 141 hộ dân xâm chiếm đã được UBND tỉnh Đắk Lắk lên phương án thu hồi để giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân; còn lại 458,28ha, có 249,3ha bị lấn chiếm từ năm 2008 trở về trước và 209,25ha người dân lấn chiếm sau năm 2008.
Hiện nay tình trạng người dân phá rừng lấy đất canh tác đã được đẩy lùi; các vụ việc sang nhượng đất rừng, chặt phá, vận chuyên lâm sản trái phép cũng bị ngăn chặn, giảm nhiều sau các đợt tấn công truy bắt do Cty và chính quyền địa phương cùng phối hợp ra tay. Trong 10 tháng đầu năm 2015, trên toàn bộ lâm phần do Cty quản lý vẫn xảy ra 4 vụ phá rừng, 3 vụ lân chiếm đất rừng. Diện tích rừng bị phá hơn 2 ha, và bị lấn chiếm khoảng hơn 4 ha... Nhưng còn nhiều nỗi lo canh cánh, nhiều áp lực đôi với công tác quản lý bảo vệ rừng của Cty.
Tổng giám đốc Dương Văn Sơn cho biết cụ thể dân số trên địa bàn ngày càng tăng, hai là dân di cư tự do người dân tộc H’Mông từ các tỉnh phía Bắc vẫn ùn ùn kéo về ngày một tăng, ở ngay giữa rừng, và đến nay đã có 151 hộ với khoảng 800 nhân khẩu, trải dài khắp 3 tiểu khu 540, 544 , 547 với diện tích bị phá và lấn chiếm đã lên tới 358 ha; ngoài ra còn có 29 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác thưòng trú tại các xã Ea Mdroh, Ea Tar, Ea Kiết... đã mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép tại tiểu khu 547 A cũng do Cty quản lý; một số hộ dân ở thôn 2, xã Ea Kiết đang xâm canh trái phép để trồng cây công nghiệp và hoa màu tại tiểu khu 550 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến cho việc dân vào rừng chặt phá, lân chiếm, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép vẫn diễn ra.
Đáng quan ngại là tình trạng phá rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ ngay tại lô 8 và lô 10, khoanh 4, tiểu khu 557. Khu này còn khoảng 26 ha được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sinh thái và nhất là giữ nguồn nước ngầm cho dân cư trong khu vực. Nhưng do đường sá giao thông thuận tiện, gần với khu dân cư, nên nhiều người dân vẫn vào rừng khai thác gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất rừng mở rộng nương rẫy... bất chấp gần trụ sở UBND xã Ea Kiết và đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng thường xuyên có mặt...
Để quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả, công ty đã thành lập 6 trạm quản lý bảo vệ rừng, với 22 cán bộ, công nhân viên chuyên trách ngày đêm tuần tra, bảo vệ, trực 24/24 giờ để giám sát, theo dõi từng lô, khoảnh, tiểu khu rừng.
Không chỉ giữ rừng tự nhiên, công ty còn đầu tư tổ chức trồng mới lại rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn. Từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp đã trồng mới được 240 ha rừng tập trung, chủ yếu là keo lai dâm hom, với mật độ 2.000 cây/ha tại các tiểu khu 550, 551, 546, 547A, 556.
Những năm gần đây, sau khi chuyển thành công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, công ty đã vay vốn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh 400 ha cà phê, 77 ha cao su, mở rộng ngành nghề sản xuất phân bón vi sinh, dịch vụ thương mại, chế biến nông sản; và nhất là phối hợp chặt chẽ với xã, huyện hỗ trợ đất sản xuất, đất ở để tạo điều kiện cho trên 1.700 hộ đồng bào định canh định cư, phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm ôn định cho trên 1.000 lao động trong vùng.
Công ty cũng đầu tư trên 10 tỷ đồng giúp đồng bào các dân tộc trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, nhất là cà phê, cao su để đạt hiệu quả kinh tế cao. Công ty còn đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thông đường giao thông, điện lưới quốc gia về tận hộ gia đình, trường học, trạm xá, các công trình thủy lợi, biến một vùng hoang vu trước đây nay trở nên trù phú, sầm uất, nhiều hộ gia đình đồng bào có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng... Tất cả đều nhắm tới mục đích là giữ gìn bảo vệ rừng một cách căn cơ và có hiệu quả.
“Thế nhưng, những người có trách nhiệm giữ rừng vẫn cứ... rưng rưng nước mắt, và thậm chí đã phải đổ máu vì nhiêm vụ!”, Ông Trần Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty, nhắc lại một vài ký ức buồn. Ví như chuyện 29 hộ dân các xã Ea Kiết, Ea Tar, Ea Đing, Ea Mroh thuộc huyện Cư M’Gar đă ngang nhiên bao chiếm 68,2ha rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị quản lý để sản xuất và xây dựng nhà ở.
Diện tích này do một số hộ dân lân chiếm, phá rừng và sang nhượng trái phép trước năm 2008. Đến năm 2008, công ty kết hợp với đoàn liên ngành thực hiện Chỉ thị 12 của UBND huyện Cư M’Gar, đã giải tỏa toàn bộ hoa màu, lều, lán trên đất rừng. Sau khi giải tỏa, công ty đã lập hồ sơ và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phê duyệt cho trồng rừng.
Công ty dự kiến trồng cây keo lai trên diện tích này và có phương án giao khoán cho số hộ dân (đã nhận chuyển nhượng đất trái phép trước đó) chăm sóc rừng trồng, ăn chia theo sản phẩm, nhưng các hộ không chấp thuận. Đến khi công ty tổ chức trồng rừng thì bị bà con chặt phá để chiếm lại đất trồng hoa màu.
Năm 2012, huyện Cư M’Gar tiếp tục giải tỏa để trồng lại rừng thì bị 22 người dân chống đối quyết liệt, một cán bộ bảo vệ rừng bị trọng thương. Sau vụ việc trên, 29 hộ dân gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi, cho là Cty đã xua đuôi dân chiếm đất (!). Đầu tháng 08/2013 sau khi Lâm trường Buôn Ja Wầm (đơn vị trực thuộc của Công ty) tiến hành nhổ bỏ hơn 200 cây tiêu, 50 cây cao su, và 0,5ha bắp của hai hộ dân lấn chiếm đất rừng, vừa trồng trái phép tại TK 550 không lâu, đã có hơn 50 người (đều trú tại thôn 2 xã Ea Kiết) xông vào Lâm trường Buôn Ja Wầm, tấn công phá hủy văn phòng giám đốc, đánh đập các cán bộ tại đây khiến 4 người bị thương.
Từ giữa tháng 3/2012 UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ thị nêu rõ: “Cty TNHH MTV Lâm nghiệp tổ chức kiểm tra, rà soát lập biên bản thống kê tất cả diện tích rừng, đất lâm nghiệp hiện nay đã bị phá, lấn chiếm trái phép từ 2008 đến nay, trên cơ sở đó phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng phá bỏ các loại cây trồng, lều lán trại xây dựng trái phép để trồng lại rừng”. Nhưng chính quyền địa phương cấp xã hay huyện? Ai là người chủ trì tổ chức lực lượng đế phả bỏ? Quy trình thực hiện như thế nào để có thể giải quyết kịp thời?
Đó là những ưu tư của lãnh đạo Cty, vì Cty không thể tự mình giải quyết những vấn đề phức tạp như đã xảy ra trong thực tế, và nếu không kịp thời có thể dẫn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thêm phức tạp, phát sinh khiếu kiện của các hộ dân, và rừng và đất rừng càng ngày càng teo tóp...! (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam Số Xuân Bính Thân) đầu trang(
Tiếng cành cây loạt xoạt, những cú tung người rướn mình trên không trung để chuyền cành đi tìm thức ăn của những chú voọc Chà vá chân nâu; thảng hoặc những tiếng “khộc”, “khộc” khô khốc cùng những cái đầu ngộ nghĩnh nhú lên sau bụi cây... là ấn tượng khó quên với bất kỳ du khách nào khi khám phá cảnh sắc thiên nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - TP Đà Nẵng.
Theo thống kê, năm 1995 Sơn Trà có 200 con thì đến nay đã tăng lên khoảng 300- 400 con, thậm chí còn nhiều hơn với khoảng 20 gia đình. Tất cả các đàn đều có con non. Voọc Chà vá chân nâu thực sự là báu vật, là linh hồn của bán đảo Sơn Trà và là nét độc đáo của thành phố Đà Nẵng. Sơn Trà có khu hệ thực vật rất đặc trưng và phong phú. Khoảng 1000 loại cây có mặt ở Sơn trà thì có đến 20 loại là thức ăn của voọc.
“Loài linh trường này trên thế giới không có, chỉ có ở Việt Nam và Lào, vì vậy mới được gọi là loài đặc hữu của Đông Dương. Tuy vậy, ở Việt Nam, Sơn Trà là nơi có chủng quần lớn nhất. Và cũng chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có thể qua sát voọc ngoài thiên nhiên. Đây là điều hết sức tự hào!”- Giám đốc Tố chức Bảo tồn voọc Chà vá chân nâu Vũ Ngọc Thành khắng định.
Hiện nay, bảo vệ voọc Chà vá chân nâu đang là điều mà mọi người đều quan tâm. (Đài Tiếng Nói Việt Nam Số Xuân Bính Thân) đầu trang(
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên trên 157.000ha, diện tích đất có rừng còn lại trên 72.000ha. Trong đó, rừng đặc dụng là trên 31.000ha, rừng phòng hộ trên 25.000 ha, rừng sản xuất 16.000ha.
Với diện tích gần 45.600ha vùng lõi, nằm trên địa phận 5 xã Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè, Sín Thầu, Leng Su Sìn. Nơi đây, có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn nguyên vẹn và là nơi cư trú của nhiều loại động, thực vật quý hiếm...
Theo thống kê, tại Khu bảo tồn (KBT) có hơn 740 loài thực vật, trong đó, có 35 loài thực vật quý hiếm, 29 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới. Hơn 290 loài động vật, trong đó, có 55 loài động vật đặc hữu, quý hiếm, 45 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Với diện tích rừng lớn, trữ lượng lâm sản nhiều, chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu BTTN Mường Nhé gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, Mường Nhé là địa bàn luôn nóng về nạn di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy... Một bộ phận không nhỏ của đồng bào dân tộc Mông di cư vào Mường Nhé làm nhiều cánh rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, bị chặt phá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguy cơ phá vỡ quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và khu BTTN.
Ban Quản lý đã thực hiện cắm mốc giới rừng đặc dụng và các loại rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Phối hợp với chính quyền các xã và các lực lượng trong địa bàn Khu bảo tồn ngăn chặn hoạt động di cư tự do của người dân vào Khu bảo tồn.
Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé, cho biết: Tại một số thời điểm, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên rừng tương đối phức tạp. Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý nhiều vụ vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Cùng với đó là phối hợp cán bộ kiểm lâm địa bàn xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra rừng, tích cực ký hợp đồng với các hộ nhận khoán bảo vệ rừng và thành lập các tổ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng...
Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Mường Nhé đã ký kết quy chế kết hợp với các lực lượng đóng quân trên địa bàn huyện xử lý các vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép, tuần tra rừng và kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại vùng đệm, vùng lõi của khu bảo tồn.
Các Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) đặc dụng đã chủ động tham mưu cho UBND các xã vùng đệm kiện toàn 5 Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã với 86 thành viên và 26 tổ đội PCCCR cấp thôn bản. Thực hiện trực cháy 24/24 giờ kể cả các ngày nghỉ, ngày lễ tại các Trạm QLBVR đặc dụng và UBND các xã vùng đệm trong suốt mùa khô hanh.
Khi có cháy rừng xảy ra các Trạm QLBVR sẽ huy động lực lượng cứu chữa cháy kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học cũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Ban Quản lý KBT coi trọng. KBT đã tiếp nhận, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên trong khu bảo tồn các cá thể động vật rừng từ người dân, các tổ chức.
Việc bảo vệ rừng tại Khu BTTN Mường Nhé cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn tính đa dạng sinh học tại nơi này. Trong thời gian tới, cần có sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền, nhân dân địa phương phối hợp với KBTTN Mường Nhé để góp phần trong việc bảo vệ và phát triển rừng nơi đây. (Tài Nguyên Và Môi Trường Số Xuân Bính Thân) đầu trang(
Dọc quốc lộ 48, tại trạm kiểm lâm rừng Lát thuộc Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) số 3, huyện Quế Phong, chúng tối sửng sốt khi nhìn thấy hàng trăm phiến gỗ vuông vức xếp ngoài vườn.
Anh Lê Đình Thanh, Trạm phó cho biết: "Năm 2015, trạm thu giữ 200m3 gỗ lậu nhóm 3- nhóm 8. Hiện đã thanh lý 97m3 còn hơn 100m3". Anh Thanh cho biết thêm, lượng gỗ lậu bị trạm bắt giữ năm 2015 giảm hơn năm 2014.
Hạt Kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (thuộc rừng sinh quyến thế giới) đã xử lý 26 vụ, phạt tiền 501 triệu đồng; chuyển cơ quan công an khởi tố 2 vụ án hình sự, 9 đối tượng. Nặng nhất là vụ hạ 3 cây Pơmu và Vàng tâm, 236m3. Tại Hạt Kiểm lâm Quế Phong, năm 2015 thu giữ 280m3, xử lý 85 vụ chặt phá rừng trái phép.
Dọc quốc lộ 7, tại Hạt Kiểm lâm Tương Dương, Phó Hạt trường kiêm cán bộ pháp chế cho biết, năm 2015 Hạt thu hơn 100m3 trong những khu rừng còn trữ lượng (rừng 3A). Hạt Kiểm lâm vùng biên giới rẻo cao Kỳ Sơn bắt giữ 170m3, trong đó có một số cây Samu do lâm tặc chặt hạ.
Nghệ An có ba Đội kiểm lâm cơ động PCCCR, bình quân mỗi đội bắt giữ 200 m3/ năm. 21 Hạt kiểm lâm, bình quân mỗi hạt bắt giữ 130m3/năm. Thử làm một phép tính sơ bộ thấy rằng, năm 2015 với hơn 3.000m3 gỗ được thu về, thử hỏi có bao nhiêu cây rừng bị triệt hạ không thương xót?.
Ông Hồ Ngọc Sĩ - Giám đốc sớ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn, kiêm Chi cục trường Chi cục Kiểm lâm Nghệ An nói thẳng thắn: "Lâm tặc ngày đêm rình rập tàn phá rừng nhưng không thể xem việc bắt giữ hơn 3.000m3 gỗ lậu là chiến công của lực lượng kiểm lâm. Chiến công phải là việc ngăn chặn được hành vi phá rừng của lâm tặc. Nhưng phát hiện và truy bắt được số lượng gỗ lậu như thế chứng tỏ công sức và trọng trách không nhỏ của kiểm lâm, những người mà sự nghiệp của họ gắn bó với sinh mạng của những cánh rừng".
"Vẫn còn một số ít trạm, hạt và chủ rừng buông lỏng quản lý để xảy tình trạng phá rừng gây dư luận xã hội xấu. Số lượng hơn 3.000m3 gỗ bị thu giữ chưa phản ánh hết thực tế bi đát có bao nhiêu cây rừng bị đốn hạ?. Nói như thế để thấy bảo vệ rừng là một "cuộc chiến" không hề cân sức“, ông Hồ Ngọc Sĩ nói.
Trong cuộc “thị sát" dọc hai tuyến quốc lộ nêu trên, chúng tôi ghi nhận sự “không cân sức" này với nhiều tình cảnh khác nhau: Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong có 27 cán bộ, nhân viên thì 20 người trực tiếp cắm chốt địa bàn, có nhiệm vụ quán lý 14.300 hecta rừng (đa số rừng nguyên sinh). Con số này ở Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương là 24 người (2 trạm và 2 tổ cơ động) quản lí 281.000 hecta rừng. Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn chỉ có 13 người trực tiếp nên kiêm cả công tác pháp chế và kỹ thuật... Hạt trường của những hạt này đều bộc bạch tâm sự: “Lực lượng quá mỏng manh, không thể đi tuần tra hết mọi ngóc ngách của rừng".
Vậy, những “chốt chặn" này xử lý ra sao trước vấn nạn phá rừng suốt ngày đêm rình rập. Ông Nguyễn Quốc Minh, Hạt trưởng Kỳ Sơn nêu bài học: “Chúng tôi cài cắm tin báo tất cả địa bàn trọng điểm và sẵn sàng cơ động bất kế ngày đêm, mưa nắng khi nhận tin báo. Chủ yếu chúng tôi bắt gỗ lậu trong rừng sâu". Hạt trưởng Tương Dương Võ Sĩ Lâm nêu thực trạng, kinh nghiệm: “Khổ nhất là đuổi bắt lâm tặc sử dụng xe lôi chở gỗ lậu chạy như điên trên đường. Mình chặn thì họ thả xe. Mình không tránh kịp thì “ôm” tai nạn. Cho nên phải dùng mẹo mai phục ở đoạn đường hiếm. Gặp xe lôi thì người phía trước phải kìm được để cùng người phía sau lên phối hợp bắt giữ".
Nói thêm về chuyện gian nan khi xử lý gỗ lậu, ông Lâm chia sẻ: "Cái khó của kiểm lâm là sau khi bắt được gỗ lậu trong rừng sâu còn lại phải tìm cách đưa ra ngoài. Nhưng thật không đơn giản, bởi còn tùy đường vận chuyển khó hay dễ và loại gỗ quý hay gỗ tạp.
Ví như thuê xe cẩu, vận chuyển 10m3 gỗ nhóm 7- nhóm 8 từ rừng Yên Tĩnh ra hạt xa 40 km, chi phí 18 triệu đồng nhưng giá trị gỗ chỉ 8 triệu đồng. Phải xin huyện bù 10 triệu đồng. Riêng vụ vận chuyển 150m3 gỗ Pơmu trong rừng biên giới Tam Hợp ra hạt phải mất 6 tháng trong khi lâm tặc đốn hạ chớp nhoáng trong 3 ngày. Giọt mồ hôi của kiểm lâm đổ xuống mấy ai hay?".
Hạt phó Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt Lô Văn Hoài kể lại vụ bắn thủng lốp xe tải chở gỗ lậu của lâm tặc. Đó là lúc 4g ngày 7/12/2015 tổ kiểm lâm tuần tra khu vực bản Mường Đán, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong phát hiện một xe Ben tắt đèn, cố chạy trong trời mưa.
Sau nhiều lần ra tín hiệu dừng xe nhưng lái xe không chấp hành, bắt buộc kiểm lâm phải nổ súng vào lốp xe phía trước. Biết không thoát, lâm tặc trút gỗ xuống, gọi điện cho người ra tẩu tán. Ngay sau đó, một lực lượng tổng hợp gồm Công an, Biên phòng và Hạt Kiểm lâm có mặt tại hiện trường, thu giữ 7m3 gỗ dẻ.
Mới đây, ngày 11/1/2016 Hạt Kiểm lâm Thanh Chương phối hợp BQL rừng phòng hộ và cảnh sát môi trường Công an Nghệ An lội ngược Khe Mái gần 3 giờ truy bắt đầu nậu vụ phá rừng rất nghiêm trọng tại tiểu khu 991 (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) giáp biên giới Việt- Lào. Lực lượng chức năng thu 140 phiến gỗ táu, tạm giữ 2 lâm tặc để điều tra đường dây phá rừng nghiêm trọng này. (Nhà Báo Và Công Luận Số Xuân Bính Thân) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Có tiền tỷ trong tay do trúng đậm trầm kỳ, nhiều tỷ phú thể hiện đẳng cấp bằng nhà lầu, xe hơi, ăn chơi trác táng cho đến khi cạn túi.
Trầm hương và kỳ nam là 2 sản vật đặc biệt quý hiếm được tạo nên từ cây dó bầu, có giá trị kinh tế cao. Vì thế, ở tỉnh Quảng Nam có hàng nghìn người ngày đêm khăn gói vào các khu rừng ở miền Trung - Tây Nguyên tìm trầm kỳ, với giấc mộng đổi đời.
Làng An Định (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nằm bên cánh đồng lúa xanh mơn mởn, mọc lên nhiều biệt thự hoành tráng. Nơi đây được mệnh danh là làng tỷ phú với hàng loạt đại gia phất lên nhờ trúng trầm kỳ, trong đó phải kể đến anh em Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Huy.
Người dân ở làng An Định kể, vào tháng 5/2012, nhóm 6 người gồm các ông Nguyễn Nhuấn, Võ Hai, Võ Thịnh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Huy, Đầu Hát Em (cùng thôn An Định) góp tiền, khăn gói vào rừng ở Khánh Hòa tìm trầm. Sau hơn 20 ngày lặn lội, Hoàng là người đầu tiên phát hiện cục kỳ nam nặng hơn 1 kg ở khu vực núi Gộp Ngà (thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn).
Cục kỳ nam sau đó được bán với giá hơn 7 tỷ đồng, chia đều mỗi người được 960 triệu đồng, riêng Hoàng được chia nhiều hơn vì có công phát hiện. Sau chuyến đi này, Hoàng dẫn người thân quay trở lại khu vực này và phát hiện thêm nhiều kỳ nam mà có thông tin đồn đoán số tiền bán được lên đến hàng tỷ đồng.
Kể từ đó, anh em Hoàng và nhiều người giàu lên nhanh chóng, khắp các vùng quê Đại Lộc ai cũng biết tiếng. Họ mua ôtô xịn, xây biệt thự, có mức sống khác xa so với người dân vùng quê thuần nông Đại Lộc. Hầu như nhà nào cũng được ốp gỗ cao cấp, nội thất đắt tiền và lắp đặt camera giám sát nhất cử nhất động xung quanh.
“Nhiều người đùa rằng nếu ở đâu có bán trực thăng, họ cũng đủ tiền để mua", một người dân nói.
Ở huyện Đại Lộc, nhắc đến chuyện trúng trầm kỳ, không ai không nhớ chàng thanh niên Nguyễn Văn Sỹ (20 tuổi, ngụ thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa) bởi anh này quá may mắn. Trong khi nhiều người cả đời “ngậm ngải tìm trầm” nhưng vẫn trắng tay, thì trong lần đầu tiên vào rừng, Sỹ tìm được kỳ nam và trở thành tỷ phú.
Năm 2011, Sỹ xin mẹ theo chú ruột là ông Nguyễn Đường vào rừng tìm trầm với hy vọng sớm đổi đời. Dù mẹ không cho đi vì trước đó cha Sỹ đã gặp nạn chết trong một khu rừng ở tỉnh Gia Lai, nhưng Sỹ vẫn nhất quyết lên đường. Và chính Sỹ là người đầu tiên phát hiện gốc trầm kỳ có giá trị lớn, mà theo nhiều người thạo tin cho hay bán được hơn 200 tỷ đồng.
Sau khi trúng trầm kỳ, Sỹ cùng mẹ vào miền Nam sinh sống, còn những người trong nhóm của Sỹ đều trở thành tỷ phú.
Khi chúng tôi tìm đến nhà, cũng là lúc ông Nguyễn Đường vừa đánh chiếc Camry trị giá 1,3 tỷ đồng trở về khu biệt thự đắt tiền. Tuy nhiên, ông Đường từ chối tiếp phóng viên với lý do đang mệt. Người dân ở Nghĩa Tây nói rằng, cuộc sống của ông Đường thay đổi từ lúc trúng trầm kỳ và ông rất ít khi ở nhà. Với số tiền có được, ông Đường tiêu tiền không tiếc tay.
Ở huyện Đại Lộc, không ít tỷ phú trầm giờ phải đi làm thuê. Khi có tiền tỷ, nhiều người ăn tiêu cho đến rỗng túi mới hối hận thì đã muộn. Người dân vẫn thường nhắc đến tỷ phú trầm kỳ tên H., tên B. ở xã Đại Phong nhiều năm nay phải đi làm thuê để kiếm sống.
Tại thôn Nghĩa Tân, xã Đại Nghĩa, trường hợp của ông Võ Liên cũng đắng cay không kém. Tháng 7/2010, ông Liên cùng 5 phu trầm gồm ông Võ Tuấn, Nguyễn Sấm, Võ Lanh, Nguyễn Tỉnh, Phạm Chính vào tỉnh Kon Tum tìm trầm và may mắn gặp được kỳ nam trị giá gần 30 tỷ đồng. Sau khi liên hoan, tiêu xài, trang trải các chi phí, mỗi người được chia 3 tỷ đồng.
Từ cảnh nhà tranh vách nứa, ông Liên khiến mọi người xung quanh phải ngước nhìn khi đầu tư gần 1,5 tỷ đồng xây ngôi nhà khang trang giữa vùng quê nghèo khó. Lúc được mệnh danh là đại gia, ông Liên chỉ biết ăn chơi, nhậu nhẹt cho đến khi sạch túi.
Gần một năm nay, trong nhà hết tiền, ông Liên phải quay lại với núi rừng. Hiện ông đi cắt mây về bán với thu nhập khoảng 200.000 đồng một ngày nhưng không đủ trang trải chi phí. Đến nỗi ở trong ngôi nhà 2 tầng nhưng 4-5 tháng nay, gia đình ông Liên phải đốt nến vì bị điện lực cắt điện do không có tiền đóng.
Khi chúng tôi hỏi hiện số tiền vay nợ bạn bè, người thân bao nhiêu thì ông Liên ngập ngừng cho biết, chừng vài chục triệu đồng. “Ngày xưa mình nghèo rồi, ở nhà tranh vách nứa, có tiền thì mình xây nhà to mà ở. “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”! Chừ hết tiền thì mình lại vào rừng tiếp thôi”, ông Liên phân trần.
Ông Phạm Chính (ngụ thôn Nghĩa Tân) cho biết đến nay, ông cũng đã tiêu hết số tiền 3 tỷ đồng trúng trầm nhưng vợ chồng ông đã xây được 4 ngôi nhà cho con. Hiện vợ chồng ông vẫn làm trang trại trồng rừng, nuôi bò và gà để có tiền lo cho con cũng như trang trải tuổi già.
“Trong nhóm người trúng trầm, không kể ông Liên thì những người khác cũng đã tiêu sạch tiền rồi. Trong đó có người làm ăn thất bại nhưng cũng có người chỉ biết tiêu tiền mà không lo làm ăn. Bây giờ, họ chỉ còn cái vỏ bọc đại gia chứ thực chất chẳng còn tiền đâu”, ông Chính nói.
Ở̉ huyện Đại Lộc, không phải ai cũng may mắn tìm được trầm kỳ, nhiều người nợ nần chồng chất. Tại xã Đại Nghĩa có hơn 1.000 người đi tìm trầm kỳ thì hơn một nửa ôm nợ. Trung bình chuyến đi khoảng 1 tháng, mỗi phu trầm phải đóng chuyến 3-5 triệu đồng một người. Đây là số tiền không nhỏ đối với những người dân thuần nông miền quê Đại Lộc. Trong khi đó, thống kê sơ bộ, toàn huyện Đại Lộc đã có hơn 20 người bỏ mạng nơi rừng sâu trong lúc tìm trầm. (Người Lao Động/ Zing News 4/2) đầu trang(
Ngày 02/02/2016, Liên hiệp Hội Phú Yên tổ chức họp Hội đồng khoa học để phản biện Dự án Qui hoạch chi tiết trồng rừng (giai đoạn 1) ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Chủ trì hội nghị là ThS Nguyễn Hoài Sơn- Chủ tịch Liên hiệp Hội- Chủ tịch Hội đồng phản biện, cùng với sự tham gia của 10 chuyên gia ở tỉnh Phú Yên có chuyên môn về lâm nghiệp.
Theo báo cáo thuyết minh của dự án, tổng diện tích qui hoạch là 10.043, 45ha với tổng vốn đầu tư thực hiện là 442.584,71 triệu đồng. Dự án do Công ty TNHH Lâm sản Toàn Cầu làm chủ đầu tư, lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của dự án từ 2015- 2020.
Các chuyên gia đã đánh giá cao Dự án, nếu triển khai sẽ góp phần tạo nghề rừng ổn định trên địa bàn, nâng cao chất lượng độ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái do rừng trồng mang lại, đóng góp ngân sách thông qua hoạt động đầu tư…
Các chuyên gia cũng góp ý chủ đầu tư những vấn đề liên quan như: Quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng, đánh giá lại đất rừng. Hay trong quá trình đầu tư trồng rừng, nhà đầu tư không làm biến dạng thay đổi địa hình, không liên doanh liên kết với nước ngoài (kể cả Việt Kiều)…
Những ý kiến phản biện đã giúp cho Công ty TNHH Toàn Cầu có cơ sở hoàn thiện hồ sơ để trình Sở Nông nghiệp PTNT Phú Yên thẩm định và trình UBND tỉnh Phú Yên xem xét phê duyệt trước khi thực hiện các bước tiếp theo của dự án. (Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Và Kỹ Thuật Việt Nam 3/2) đầu trang(
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cao su năm 2015, lĩnh vực chế biến gỗ nổi lên là một điểm sáng với doanh thu lợi nhuận tăng trưởng khá lớn, chiếm hơn 25% toàn ngành, đứng thứ 2 trong 4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Theo Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân, doanh thu chế biến ở 12 công ty chế biến gỗ của VRG năm 2015 gần 4.500 tỷ, lợi nhuận gần 900 tỷ đồng (vượt 25% KH). Trong khi đó, doanh thu của VRG năm 2015 là 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng. Gỗ MDF chiếm tỷ trọng lớn nhất với 378.000 m³, lợi nhuận chiếm 98%, tập trung ở 2 đơn vị: VRG DongWha và MDF Quảng Trị.
Ông Phạm Văn Hỏi Em – Phó TGĐ Công ty CP VRG DongWha – cho biết: “Năm 2015, sản lượng của VRG DongWha là 365.000 m³ (đạt 103% KH), tiêu thụ 359.000m³ (đạt 101% KH), doanh thu 2.200 tỷ đồng (đạt 109% KH), lợi nhuận 780 tỷ đồng (đạt 134% KH), thu nhập bình quân 21 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, nhà máy của Công ty đã chạy 125% công suất thiết kế”.
“Tháng 3/2016, Công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy thứ 2 với công suất 180.000 m³/năm với vốn đầu tư gần 66 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của Công ty lên 226 triệu USD (tương đương 4.500 tỷ đồng). Công ty tập trung vào các dòng sản phẩm cao cấp, thân thiện với môi trường để cung ứng cho thị trường Châu Âu. Khi dây chuyền này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho 150 lao động chính thức và hàng trăm lao động gián tiếp. Đồng thời gia tăng hơn nữa giá trị phế phẩm của cây cao su và nộp ngân sách địa phương bình quân 250 tỷ đồng mỗi năm”, ông Em cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Minh Hùng – Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị – thông tin: “Năm 2015, sản lượng của Công ty là 77.500m³, tiêu thụ 74.600 m³, doanh thu 410 tỷ đồng, lợi nhuận 46 tỷ đồng, thu nhập người lao động 7,3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, Công ty sẽ đưa dây chuyền 2 vào hoạt động với công suất 145.000 m³”.
Ông Đặng Quang Trung – Trưởng Ban Công nghiệp VRG – nhận xét: “Trong những năm sắp tới, lĩnh vực chế biến gỗ tiếp tục sẽ đem lại lợi nhuận cao cho VRG. Trong đó, sản phẩm gỗ MDF của VRG chiếm trên 50% sản lượng gỗ MDF toàn quốc. Cụ thể, năm 2015 là 430.000 m³, năm 2016 là 530.000 m³, năm 2017 là 700.000 m³”.
Chủ trương ngay từ đầu năm của VRG sẽ đẩy mạnh sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế. Tuy nhiên, năm 2015, gỗ tinh chế của 12 xưởng, nhà máy chế biến gỗ của VRG chỉ đạt 11.800 m³. Trong khi đó, gỗ phôi lại có sản lượng là 314.000 m³. Trong đó Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An là đơn vị thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh sản xuất gỗ tinh chế. Gỗ tinh chế của Thuận An năm 2015 là 6.000 m³, chiếm trên 50% của VRG. Các đơn hàng gỗ tinh chế của Gỗ Thuận An rất nhiều, năm 2015 Công ty không làm hết đơn hàng.
Ông Nguyễn Văn Hãng – Phó Ban Kế hoạch Đầu tư VRG – nhận xét: “Theo tính toán, lợi nhuận sản phẩm gỗ phôi là 200.000 đồng/m³, cụ thể 1 cây cao su thanh lý thu lợi 40.000 đồng, mức sinh lợi chưa cao. Chính vì vậy, các đơn vị nên đầu tư công nghệ sản xuất gỗ tinh chế, tăng gấp 3 giá trị của sản phẩm. Đa số các đơn vị chỉ gia công theo đơn hàng, năm 2016, nên chọn sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu riêng”.
Các công ty chế biến gỗ đều cho rằng, lãnh đạo VRG nên xem xét phân bổ vườn cây thanh lý (vùng nguyên liệu) gần với nhà máy chế biến để giảm giá thành cho các đơn vị. Như vậy sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Công ty CP VRG DongWha là đơn vị duy nhất có lợi thế gần vùng nguyên liệu, gần các đơn vị tiêu thụ, nên không tốn nhiều chi phí vận chuyển, bán hàng.
Bà Trần Thị Thúy Hoa – Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) – nhận định: “Năm 2015, VRA đã đẩy mạnh nghiên cứu, định hướng sản phẩm, tìm khách hàng cho các công ty chế biến gỗ và đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2016, VRA sẽ đẩy mạnh gắn kết các doanh nghiệp ngành gỗ với nhau và vận động người ngành cao su dùng sản phẩm ngành cao su. Hiện tại, sản lượng gỗ xuất khẩu của các đơn vị vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Trong đó, MDF Quảng Trị xuất khẩu 28,5%, Gỗ Tây Ninh 20%, MDF DongWha 6,8%. Đa số các đơn vị đều tiêu thụ nội địa hoặc gia công sản phẩm”.
Theo bà Hoa, với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, các đơn vị ngành gỗ nên chú trọng sản phẩm thân thiện với môi trường, ít sử dụng hóa chất và nên phát triển theo hướng không dùng hóa chất, dòng sản phẩm bàn ghế dùng được ngoài trời sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ Châu Âu, Nhật Bản… Quý I năm 2016, VRA dự kiến sẽ phối hợp với VRG tổ chức hội thảo nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, hỗ trợ ngành gỗ đăng ký các chứng chỉ tương đương với FSC để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó TGĐ VRG – cho biết: “VRG đang kiến nghị Bộ Tài chính xem gỗ cao su là sản phẩm chứ không phải hàng thanh lý để hưởng các ưu đãi và giảm khấu hao. Bên cạnh đó, các công ty gỗ phải nỗ lực hơn nữa, phát huy tối đa công suất nhà máy chế biến, sắp xếp hợp lý tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, tăng cường công nghệ… Năm 2016, VRG tiếp tục chủ trương tăng sản phẩm gỗ tinh chế để tăng giá trị sản phẩm. VRG sẽ tích cực hỗ trợ các đơn vị nâng cao giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ và gắn kết các đơn vị chế biến gỗ”. (Hiệp Hội Cao Su Việt Nam 2/2) đầu trang(
Sau hơn 2 giờ tích cực dập lửa, rạng sáng 2-2, Phòng CSPCCC số 3 TP Đà Nẵng cùng các lực lượng chức năng đã khống chế được hoàn toàn đám cháy lớn xảy ra tại salon đồ gỗ nằm trên tuyến đường Ngô Quyền (P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Theo thông tin ban đầu, khoảng 4 giờ ngày 2-2, một số người dân đi đường phát hiện đám khói lớn bốc lên tại salon gỗ Ngô Văn Đeo (số 247-Ngô Quyền, P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) và sau đó ngọn lửa bốc lên nghi ngút tại tầng 3 của salon nên tri hô, đồng thời đập cửa kêu người nhà và điện báo lực lượng CSPCCC.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Cao Xuân Thắng - Bí thư Quận ủy Sơn Trà và Đại tá Lê Ngọc Hai - Phó Giám đốc CSPCCC TP Đà Nẵng có mặt tại hiện trường chỉ đạo cứu chữa. Cùng với đó, Phòng CSPCCC số 3 TP Đà Nẵng nhanh chóng điều 6 xe và hơn 40 CBCS khẩn trương đến hiện trường. Do khu vực xảy ra cháy chủ yếu là gỗ, mùn cưa… nên đám cháy bùng lên rất mạnh, lại đúng lúc có gió to nên nguy cơ lây lan ra các hộ bên cạnh là rất lớn.
Ngoài ra, khu vực xảy ra cháy nằm gần một cửa hàng xăng dầu và nằm trong khu dân cư đông đúc. Chính vì vậy, để kịp thời khống chế đám cháy và không để lan sang khu vực lân cận, Phòng CSPCCC số 3 buộc phải xin huy động thêm 12 xe chữa cháy chuyên nghiệp và xe chuyên dùng, cùng với hơn 70 CBCS của các đơn vị lân cận tới phối hợp.
Bên cạnh đó, do địa điểm đám cháy nằm trên đường Ngô Quyền - tuyến có nhiều xe tải chở hàng chạy về Cảng Tiên Sa nên hàng chục CBCS Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động, Phòng Cảnh sát Trật tự thuộc CATP Đà Nẵng và CAQ Sơn Trà cũng được huy động để phong tỏa tuyến đường nhằm đảm bảo việc thông đường tiếp nước phục vụ công tác chữa cháy tốt nhất cũng như phân luồng cho các phương tiện đi theo các hướng khác về Cảng Tiên Sa...
Dù hết sức nỗ lực nhưng do lửa từ mạch điện bắt vào đồ gỗ trong cửa hàng nên cháy lan rất nhanh khiến việc dập lửa vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng buộc phải đục tường và tháo trần nhà để bơm nước vào dập lửa. Sau hơn 2 giờ tích cực tiếp cận từ nhiều phía để khống chế, dùng cả xe thang tiếp cận phun nước, ngăn không cho cháy lan, đến 6 giờ 30 cùng ngày, Phòng CSPCCC số 3 cùng các lực lượng chức năng mới khống chế hoàn toàn ngọn lửa.
Theo thông tin từ những người có mặt tại hiện trường, vụ cháy diễn ra rất mạnh khi phần mái tầng 3 của cửa hàng cũng toàn là gỗ và xà gồ. Nếu không có người kịp thời phát hiện và báo cho cơ quan chức năng, vụ cháy sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Được biết, khi xảy ra cháy, trong salon gỗ có 3 người đang ngủ nhưng sau đó đã chạy thoát ra ngoài an toàn nên không thiệt hại về người.
Tuy nhiên, đám cháy đã thiêu rụi hầu như toàn bộ số gỗ nguyên liệu (ước khoảng 30m3) và làm hư hỏng nhiều máy móc (máy cưa, máy bào…) tại tầng 3 của salon, với diện tích thiệt hại khoảng 500m2. Theo một bảo vệ của salon gỗ này, ngay sau khi người dân thông báo, chúng tôi kéo toàn bộ cửa sắt lên và chuyển một số salon và đồ gỗ từ tầng 2 xuống để ngăn lửa lan xuống tầng.
Ông Ngô Văn Nhân (1964 - chủ nhân cửa hàng gỗ) cho biết: Nguyên nhân ban đầu cơ quan chức năng thông báo với tôi là có thể do chập điện ở tầng 3. Rất may thời điểm xảy ra vụ cháy, nhân công về quê nghỉ Tết gần hết, chỉ còn 2-3 người ở lại bảo vệ cửa hàng nên không có thiệt hại về người. Thiệt thòi cho chúng tôi là kinh doanh nhỏ lẻ nên chưa mua bảo hiểm cho việc cháy nổ như thế này.
Hiện chưa thống kê chính xác mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, toàn bộ tầng thượng ngôi nhà dùng để làm xưởng cưa xẻ lắp ráp bàn, ghế tủ, giường đồ gỗ… đều bị thiêu rụi. Nguyên nhân vụ cháy hiện đang được lực lượng chức năng tiến hành điều tra làm rõ. (Công An TP.Đà Nẵng 3/2) đầu trang(
Ngày 3/2, những tấm ván ép đầu tiên của dây chuyền 2 Nhà máy sản xuất gỗ MDF VRG tại Khu Công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh đã được sản xuất.
Dây chuyền 2 của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị được đầu tư máy móc hiện đại của châu Âu, công suất 120.000 m3 gỗ MDF/năm, với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.
Phấn đấu năm 2016 dây chuyền đạt tốc độ tăng trưởng hơn 300%, doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách Nhà nước 75 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 2.500 lao động tại địa phương trồng rừng và hàng trăm lao động thực hiện dịch vụ kèm theo.
Đồng thời, giải quyết được hàng trăm hecta cây cao su đã thanh lý để tái canh, góp phần nâng cao hiệu quả của nhân dân trồng cao su trên đại bàn.
Ngoài ra, nhà máy sản xuất gỗ MDF VRG Quảng Trị còn góp phần tiêu thụ sản phẩm của người dân trồng rừng, với khoảng 300.000 tấn gỗ/năm, đáp ứng một phần nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn ở tỉnh Quảng Trị.
Ông Cao Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị cho biết, công ty đã thực sự là doanh nghiệp đứng đầu tỉnh Quảng Trị về công nghệ trong sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động trong tỉnh. (Bnews 3/2; Nông Nghiệp Việt Nam 3/2) đầu trang(
Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn không ngừng được tăng lên.
Riêng trong năm 2015, diện tích rừng tăng 682 ha, trong đó trồng mới 537 ha, khoanh nuôi bảo vệ 145 ha. Tuy nhiên, do thực hiện khai thác rừng trồng, rừng sản xuất nên diện tích rừng giảm 929 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,7% (giảm 0,8% so với năm 2014). Tổng thu nhập từ rừng đạt trên 9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tuần tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến biên giới vào nội địa. Tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã được xử lý 88 vụ (giảm 21 vụ so với năm 2014); tịch thu 111 m3 gỗ các loại, 97 kg động vật rừng.
Huyện cũng đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy tại thôn Hoong, xã Hướng Linh (100 ha); thực hiện công tác giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư quản lý tại thôn Mới và thôn Cát, xã Hướng Sơn (600 ha)...  (Báo Quảng Trị 3/2) đầu trang(
Sau khi Báo Quảng Nam đăng bài “Phá rừng tận gốc” (số ra ngày 13.1) phản ánh tình trạng khai thác gỗ, gốc, rễ cây đang diễn ra ồ ạt trên địa bàn huyện Phước Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện đã đi kiểm tra thực tế và có văn bản phản hồi.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, qua kiểm tra 3 cơ sở sản xuất đồ gỗ thủ công gồm cơ sở mỹ nghệ Anh Tuấn, Bảo Nam và Công ty TNHH MTV Thương mại và du lịch Thanh Nhàn cho thấy, các cơ sở này đều có giấy phép đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp phép và cung cấp được hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện tại 3 cơ sở có hành vi cất giấu, tàng trữ gốc rễ cây rừng tự nhiên còn tươi mà chủ yếu gia công, chế biến gỗ, gốc rễ cây có nguồn gốc hợp pháp, được các cơ sở mua từ hội đồng bán đấu giá sung quỹ nhà nước. Cũng theo báo cáo, qua trình bày đại diện các cơ sở, ngoài mua gốc, rễ hợp pháp còn tận dụng mua lại gốc, rễ nhỏ đã mục trong các rẫy, vườn nhà của người dân địa phương và không thu mua gốc rễ tươi vì sản phẩm làm ra dễ nứt nẻ, gây hư hỏng.
Đồng thời các cơ quan chức năng huyện Phước Sơn đã yêu cầu các cơ sở ký cam kết không khai thác thu mua, gia công, chế biến và vận chuyển gốc rễ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc...
Cùng với Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, hiện lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Bởi trong dịp tết, lâm tặc thường sử dụng các thủ đoạn vận chuyển gỗ lậu tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Vì thế, hơn bao giờ hết, lực lượng kiểm lâm cần đề cao cảnh giác với phương tiện qua lại các trạm chắn, kiểm soát chặt chẽ các cung đường vận chuyển, tiêu thụ gỗ lậu. Trong tháng 1.2016, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục vụ vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông, dùng ô tô đắt tiền để ngụy trang chở gỗ lậu.
Đặc biệt, giữa tháng 1, cơ quan chức năng phát hiện một vụ thả 90 phách gỗ quý không rõ nguồn gốc ở lòng sông Vu Gia. Trong khi đó, ngày 27.1, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Nam Giang phát hiện ô tô khách BKS 29B-079.76 do lái xe Trần Văn Quân (SN 1975, trú xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) điều khiển, lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh theo hướng Kon Tum đi Đà Nẵng Qua vận chuyển gần 0,7m3 gỗ và 3 cặp độc bình cao từ 1 - 1,7m không rõ nguồn gốc.
Trước đó, tại km 1320 đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, đơn vị này cũng xử lý ô tô khách BKS 47B-005.78 chạy tuyến Đắc Lắc - Hà Nội vận chuyển 1 cặp độc bình cao 1,6m và gần 0,5m3 gỗ xẻ không có giấy tờ hợp pháp. (Báo Quảng Nam 3/2) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Bỏ cả núi tiền ra mua thú cưng đắt tiền về nuôi, những cậu ấm cô chiêu nhà giàu còn tốn kém tiền của để chăm sóc chúng.
Các cậu ấm nhà giàu Trung Đông sẵn sàng mua động vật hoang dã như báo gấm, hổ, khỉ đầu chó, rắn về làm thú cưng. Theo quan niệm của họ, động vật càng hiếm thì càng chứng tỏ sự giàu có. Humaid Abdalla Albuqaish, một người giàu có tại khu vực Trung Đông, là một trong những thiếu gia có niềm đam mê nuôi mãnh thú. Humaid sở hữu trong nhà nhiều thú cưng đắt tiền gồm hai con sư tử, một con hổ và một báo đốm.
Thiếu gia này yêu chiều những con thú cưng còn hơn cả những chiếc siêu xe. Bằng chứng là anh để mặc cho chúng chơi đùa, leo trèo, nằm lên capô và mui của những chiếc xe đắt tiền này. Anh cũng có rất nhiều bức ảnh ghi lại khoảnh khắc chơi đùa cùng những chú "mèo" to xác.
Humaid Albuqiash, một thiếu gia khác ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng chi tiền nuôi rất nhiều sư tử. Ngoài sư tử, Humaid Albuqiash còn nuôi nhiều loài thú cưng khác gồm có linh cẩu. Những con sư tử to lớn đã trở thành bạn thân của thiếu gia Ả Rập này. Thậm chí, cậu chủ này còn mạnh tay chi tiền mua cả con cá mập khổng lồ về làm thức ăn cho bầy mãnh thú của mình.
Tháng 7/2015, một thiếu gia Trung Quốc đã hết sức chịu chơi khi thuê cả bể bơi khách sạn 5 sao để tổ chức sinh nhật cho chú sư tử biển của mình. Đại gia trẻ tuổi đã bao trọn cả khu bể bơi của khách sạn 5 sao ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, để ăn mừng sinh nhật của một con sư tử biển vốn là thú cưng của anh ta.
Trước đó, thiếu gia Vương Tư Thông, con trai Chủ tịch tập đoàn Wanda Vương Kiến Lâm – đại gia giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản gần 38 tỷ USD, cưng chiều con chó của mình tới mức mua cho nó tới 2 chiếc đồng hồ Apple có tổng trị giá khoảng 40.000 USD.
Vương Tư Thông còn mở một tài khoản Weibo riêng dành cho chó cưng và thường xuyên khoe các món quà giá trị lên trang cá nhân. Hình ảnh cô chó được nuông chiều có tên Vương Keke đeo đồng hồ tại 2 chân trước xuất hiện trên tài khoản Weibo có 700.000 người theo dõi nhận được không ít phản hồi. Trước đó, thiếu gia họ Vương còn đăng tải tấm ảnh chú chó cưng Vương Keke đeo chiếc túi Fendi màu hồng được thiết kế riêng cho chó như là 1 món quà mừng ngày... Quốc tế lao động.
Trong khi đó, các cậu ấm cô chiêu ở Hàn Quốc cũng không tiếc tiền chi tới hàng nghìn USD để cho cún cưng phẫu thuật thẩm mỹ, xóa nếp nhăn và tiêm botox. Các dịch vụ làm đẹp phổ biến nhất cho chó ở Hàn Quốc là cắt ngắn đuôi và gọt tai để chúng trông dễ thương hơn. (Kiến Thức 4/2) đầu trang(
Tuần trước, Hãng tin UPI dẫn lời các nhà khoa học cho biết một nhóm ếch tưởng đã tuyệt chủng vừa được tìm thấy ở Ấn Độ và vài nước châu Á khác.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu là Sathyabhama Das Biju, nhà sinh học nổi tiếng của Ấn Độ và có biệt danh “The Frog Man”.
Hồi năm 1870, các nhà khoa học Anh đã thu thập một cặp ếch cây ở Ấn Độ. Các mẫu vật được mang về để nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London. Nhưng các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy bất kỳ cá thể nào khác trong tự nhiên, và nó đã được giả định những con ếch thuộc về một nhóm động vật lưỡng cư tuyệt chủng. Họ đặt tên cho loài polypedates jerdonii.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Biju đã chỉ ra rằng giả thuyết sai lầm. Các mẫu vật 137 tuổi thuộc về một loài mới được đặt tên gọi là Frankies, và đã được đổi tên thành Frankies jerdonii. Loài ếch này tái phát hiện tại rừng rậm đông bắc Ấn Độ và các nhà khoa học tin rằng chúng cũng đang sống ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
Một trong những lý do khó tìm thấy vì loài ếch này sống trong các hốc cây cao đến 6 m. (Tuổi Trẻ 4/2) đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang