Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 28 tháng 09 năm 2015
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
NHÌN RA THẾ GIỚI

BẢO VỆ RỪNG
Khoảng 3 tháng trở lại đây, nhiều người dân các xã miền núi thuộc huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã rủ nhau vào rừng hái quả mây để bán cho thương lái Trung Quốc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ và rủi ro, nhưng hiện nay, vẫn có rất nhiều người băng rừng, lội suối để săn tìm quả mây...
Ông Hồ Viết Lợi (44 tuổi), ở thôn 1, xã Hương Lộc (Nam Đông) kể rằng, tháng 7 vừa qua, có cặp vợ chồng từ TP Huế lên hỏi mua quả mây với giá 130 nghìn đồng/1kg. Là người chuyên đi rừng nên ông biết khu vực nào có nhiều cây mây. Và chỉ sau 2 ngày, vợ chồng ông hái được gần 30kg quả mây, sau đó bán được trên 3 triệu đồng. Nghe tin nên nhiều hộ dân trong thôn cũng ồ ạt vào rừng để hái mây bán cho thương lái… Đến nay, do có nhiều thương lái đến địa bàn thu mua quả mây nên có rất nhiều người dân ở Hương Lộc lặn lội vào rừng hái loại quả này để bán thu lợi.
Anh Nguyễn Trần Tiến, nói: “Cây mây thường mọc trong rừng sâu nên để hái được quả của nó, tui cùng nhóm bạn phải băng rừng nửa ngày trời mới vào đến khu vực Khe Trường, thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã và tìm những cây mây có chùm quả như quả nhãn, rồi dùng cây sào có gắn lưỡi liềm để hái đưa về. Vào lúc cao điểm đầu tháng 9, bình quân mỗi ngày nhóm của tui hái được từ 30-50kg quả mây”.
Ông Đoàn Trọng Hậu, Chủ tịch UBND xã Hương Lộc thông tin thêm, hiện xã có gần 200 người vào rừng tìm hái quả mây và trên địa bàn có đến 8 điểm thương lái thu mua quả mây, trong đó có một số thương lái đến từ tỉnh Quảng Nam và khu vực phía Bắc. “Quả mây được thu mua ngay ở bìa rừng, sau đó được đóng gói cẩn thận và đưa lên xe tải để chở ra Bắc rồi mới xuất bán cho thương lái Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày, mỗi thương lái mua từ 1-2 tạ quả mây. Tình trạng thu mua ồ ạt loại quả này khiến địa phương có nguy cơ cạn kiệt nguồn giống cây mây”, ông Hậu lo lắng.
Ngoài xã Hương Lộc, hiện còn nhiều xã ở huyện Nam Đông, như Hương Sơn, Hương Phú... cũng xuất hiện tình trạng người dân rủ nhau vào rừng săn tìm quả mây để hái đem về bán cho thương lái. Bà Trần Thị Hương (40 tuổi), một thương lái thu mua quả mây ở thị trấn Khe Tre, cho biết thêm: Việc thu mua quả mây bắt đầu xuất hiện từ năm 2014, nhưng vụ mùa năm nay thì ồ ạt hơn, bởi giá quả mây bán cao. Có thời điểm, quả mây được thu mua từ 120-130 nghìn đồng/kg không kể già, non, lớn, bé.
“Năm trước, vì dồn hàng nhiều quá nhưng phía Trung Quốc họ ngừng nhập giữa chừng khiến gia đình tui thua lỗ mấy chục triệu đồng. Còn giờ thì mình rút kinh nghiệm, chỉ mua vào số lượng ít và mua chừng nào thì đóng gói xuất ra Bắc để họ sấy khô rồi đưa sang cửa khẩu bán cho thương lái Trung Quốc”, bà Hương chia sẻ kinh nghiệm.
Khi được hỏi, thương lái Trung Quốc mua quả mây để làm gì, thì bà Hương trả lời: “Tui nghe nói quả mây được thu mua, rồi tách vỏ sấy khô để làm đồ trang sức như vòng đeo cổ, đeo tay... Họ nói vậy chứ thực ra mình cũng không biết cụ thể họ mua loại quả này để làm gì!”.
Ông Nguyễn Viết Trai, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông khẳng định, quả mây thuộc loại lâm sản phụ, việc khai thác của người dân không gây phá rừng nên không vi phạm các quy định bảo vệ rừng.
“Tuy nhiên, người dân và thương lái cần cẩn trọng khi buôn bán hàng xuất sang Trung Quốc. Bởi trước đây, ở địa bàn huyện cũng từng xuất hiện tình trạng mua cây mây và hạt sầu đâu rừng (hạt xoan) để bán cho Trung Quốc và nhiều người đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do đối tác ngưng thu mua đột ngột dẫn đến thua lỗ”, ông Trai khuyến cáo. (Công An Nhân Dân 27/9) đầu trang(
Một khu rừng chạy dọc sông Vu Gia với nhiều loài gỗ quý, từ bao đời nay được xem là “lá chắn xanh” bảo vệ làng mạc trong vùng, nhất là vào những mùa bão lũ. Chính vì thế, chính quyền cùng lực lượng chức năng và người dân ở đây luôn ý thức việc gìn giữ và tôn tạo khu rừng…
Đối diện trụ sở UBND xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam có một khu rừng rậm rạp, xanh tốt; kéo dài từ động Hà Sống cho đến giáp chợ Hà Nha. Trong khi rừng ở các nơi không ngừng bị “chảy máu” thì khu rừng này đã được người dân bảo tồn rất cẩn thận và được đặt tên là “cấm Hà Nha”. Bên ngoài “cấm Hà Nha” là dòng Vu Gia, bên trong là một cái lạch nước rộng chừng 50m. Điều đặc biệt là lạch nước này không bao giờ cạn, dù là mùa khô hạn.
Tương truyền, ngày xưa nếu thả một quả bưởi ở lạch nước ấy thì quả bưởi sẽ theo dòng xoáy của con nước và biến mất, ra sông Vu Gia thì thấy nó nổi lên. Điều này khiến nhiều người tin, có một mạch nước ngầm rất lớn thông từ lạch nước và dòng sông xuyên qua khu rừng. Tuy nhiên, đến nay thì chưa ai phát hiện ra được mạch nước đó cả. Có thể qua thời gian, mạch nước ngầm đó đã bị bồi lấp…
Đáng quan tâm, từ bao đời nay “cấm Hà Nha” được xem như “lá chắn xanh” cho hàng trăm hộ dân sống ở Đại Đồng tránh được thiệt hại trong mùa mưa bão, nhất là sạt lở bờ sông và hứng chịu cây rác từ thượng nguồn đổ về trong lũ lụt. “Nếu không có khu rừng thì thôn Hà Nha với gần 700 hộ dân này đã không tránh được tình trạng sạt lở, trôi nhà mùa mưa bão. Do đó, người dân trong xã luôn có ý thức bảo vệ “cấm Hà Nha”.
Ngay trong tên gọi đã thể hiện sự bất khả xâm phạm lẫn sự tôn trọng và biết ơn của người dân đối với khu rừng. Không những vậy, hằng năm chính quyền, đoàn thể của xã và thôn Hà Nha đều tổ chức trồng thêm cây cho khu rừng này”, bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, bày tỏ…
Theo quan sát của chúng tôi khi đi thực tế thì khu rừng có rất nhiều cây to. Có cây to đến vài ba người ôm không xuể. Trong rừng, nhiều nhất là cây muồng, bên cạnh đó còn có cây dưới, cây bồng, cây gạo. Hệ thống thực vật của khu rừng cũng khá đa dạng khi ngoài các loài cây cổ thụ tán rộng, các cây ở tầng thấp và cây bụi cũng rất um tùm.
Ông Nguyễn Văn Ánh, một người dân thôn Hà Nha, cho biết: “Gần đây nhất, thôn chúng tôi đã trồng được mấy trăm cây muồng và sao đen xen vào chỗ các cây già bị ngã. Người dân trong thôn từ già đến trẻ, ai cũng ý thức được việc bảo vệ khu rừng này là bảo vệ cuộc sống của chính mỗi gia đình”.
Ông Võ Minh Tuấn, Trưởng Công an xã Đại Đồng, chia sẻ rằng, do cây muồng trong “cấm Hà Nha” có giá trị kinh tế cao nên không ít lần các đối tượng “lâm tặc” từ nơi khác kéo đến định đốn hạ; nhưng người dân đã kịp thời phát hiện, báo cho lực lượng Công an xử lý. “Công an xã thường xuyên tổ chức cho anh em đi tuần tại khu vực “cấm Hà Nha” và tuyên truyền, vận động người dân cùng với lực lượng Công an bảo vệ tốt khu rừng.
Nếu người dân bản địa vi phạm việc chặt hạ cây nhỏ trong rừng lần đầu thì bị cảnh cáo và buộc phải trồng lại cây mới. Còn tái phạm lần 2 thì bị xử phạt hành chính, đưa ra kiểm điểm trước dân. Tuy nhiên, trên thực tế, do ý thức giữ gìn của người dân rất tốt nên từ trước đến nay, chúng tôi chưa phải lập biên bản, hay xử phạt trường hợp nào chặt phá cây trong khu rừng. Nhờ người dân chung tay gìn giữ và trông coi nên “cấm Hà Nha” tồn tại đến nay”, ông Tuấn nói. (Công An Nhân Dân 27/9) đầu trang(
Theo nguồn tin riêng của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, đến sáng 25-9, tổ công tác của lực lượng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam mới rời khỏi hiện trường trở về đơn vị.
Qua kiểm tra nguồn gốc số gỗ, lực lượng kiểm lâm phát hiện có gần 20 gốc cây vừa bị đốn hạ, nằm trong phạm vi thôn 2 (xã Trà Bui, H. Trà My, Quảng Nam) nhưng chưa xác định được vị trí tọa độ. Địa điểm khai thác cách Trạm quản lý vảo vệ rừng khoảng 5km. Sau khi lập biên bản hiện trường, đo đếm, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 sẽ bàn giao hồ sơ cho Chi cục Kiểm lâm tiếp tục xử lý vụ việc.
Một cán bộ Kiểm lâm cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu phát hiện số lượng gỗ hơn 20m3 sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, như vậy với số lượng gỗ phát hiện trong đợt này hơn 20m3 nên việc khởi tố điều tra là điều phải tiến hành. Về 40 phách gỗ nằm trên lâm phận thôn 8 (H. Phước Sơn, Quảng Nam), giáp ranh với thôn 2 (xã Trà Bui), do thời tiết không thuận lợi nên đến nay lực lượng kiểm lâm mới bốc được 16 phách đem ra khỏi rừng.
Riêng 96m3 gỗ do BQL rừng phòng hộ Sông Tranh phát hiện được, ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh, cho biết: Số gỗ trên hiện vẫn còn nằm trong rừng. “Tại địa điểm đó (điểm rừng bị phá- P.V) ngày xưa là khu rừng rất đẹp, nhưng sau khi chính quyền đưa dân vào tận vùng lõi, số hộ dân hiện đã gần 600-700 hộ. Dân không có việc làm nên... Chúng tôi cũng làm hết sức mình, nhưng...”, ông Chẩn nói.
Cũng theo ông Chẩn, "nhiệm vụ của chúng tôi là canh giữ rừng mà, để báo cáo cho Hạt Kiểm lâm vào điều tra. Hiện tại gỗ vẫn đang nằm trong rừng, khi anh em lập biên bản thì phải có biện pháp canh giữ. Nhưng mà cũng có thể mất chứ không thể biết được, vì trong rừng biết rồi. Hồi năm 2002 cả lực lượng Kiểm lâm, Công an mà họ vẫn lấy đi...”.
Tuy vậy, lúc sau ông Chẩn lại nói: “Sau khi lập biên bản thì Ban vẫn đang quản lý, gỗ còn đó chứ anh. Tất cả còn nguyên, làm sao mất được, anh em kiểm tra chừng chừng mà, mất thì anh em báo cáo mất để điều tra... Khi phát hiện xong muốn chuyển được nó không phải đơn giản, phải qua mấy công đoạn như bốc vác, thuê xe chở về… Khi báo cáo với Hạt Kiểm lâm thì trách nhiệm của cả bên Hạt nữa. Phải chờ để Hạt Kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát điều tra xác minh xong người ta thuê xe vận chuyển mới đem ra bán đấu giá. Phát hiện ra gỗ thì không thể đưa đi được, vì đưa đi thì sợ người ta lại nghĩ mình thay đổi hiện trạng”.
Ông Chẩn cho biết thêm, tình trạng phá rừng trong lâm phận BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh diễn biến phức tạp trong những năm gần đây một phần do dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 gắn bó với rừng nên không có việc làm thì phá rừng, phá gỗ, lâm tặc lợi dụng đó để phá rừng.
Như vậy có thể nói, ngoài 26m3 gỗ đã được Đội Kiểm lâm cơ động số 1 phát hiện đưa ra khỏi rừng, đến nay vẫn còn 96m3 gỗ do BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh phát hiện, kiểm kê nhưng vẫn còn nằm trong rừng. Được biết, BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh được thành lập từ năm 2005 trên cơ sở tách một bộ phận của Lâm trường Trà My. Diện tích rừng được giao trước năm 2002 là 36.043 ha, bao gồm toàn bộ các xã Trà Giác, Trà Bui (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) và một phần xã Trà Leng (H. Nam Trà My, Quảng Nam).
Để tìm hiểu thêm về vụ việc trên, sáng 25-9, nhiều P.V của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã liên hệ với lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam để làm việc, nhưng các lãnh đạo Sở người thì nói chưa nắm được thông tin, người không nghe máy… (Công An TP.Đà Nẵng 26/9) đầu trang(
Qua con dốc dựng đứng, cái nắng oi ả đột ngột dịu đi. Trước mắt chúng tôi, những vạt rừng xanh thẫm ngút tầm mắt, với cơ man cây sưa, cây lát, xen kẽ lim và bạch đàn trắng cao vài chục mét. Chủ của khu rừng ấy, không ai khác chính là ông Nguyễn Minh Phiên ở khe Quân Sơn (Bảo Đài, Lục Nam, Bắc Giang).
Men theo một cái hồ rộng, nước trong xanh, qua mấy tán cây um tùm, chúng tôi đến căn nhà sàn nằm giữa thung lũng hẹp, chung quanh là vườn cây trái xum xuê. Những cây đào trĩu quả đang ửng hồng, xa hơn là vải, mít và nhiều cây trồng khác; dưới hồ, đàn vịt trời tung tăng bơi lội; trong hàng rào lưới sắt B40, vài con lợn rừng thi nhau đào bới kiếm ăn. Từ sau hàng cây, một ông già da dẻ hồng hào, quắc thước bước ra đón khách. Ông chính là Nguyễn Minh Phiên, người được bà con trong vùng trìu mến gọi là “vua rừng”.
Dù đã ngoài tuổi 70, ông Phiên còn săn chắc lắm. Ông là chủ cánh rừng rộng hơn 100 ha. Nhìn những cánh rừng xanh chạy mãi vào khe núi trùng điệp, mấy ai biết nỗi truân chuyên của “vua rừng” những ngày đầu. Hơn hai mươi năm trước, vợ chồng ông Phiên khấp khểnh vào Quân Sơn, nhận khoán lại 7 ha rừng. Gọi là rừng cho sang, thực ra nơi đây khi ấy chỉ toàn đồi trọc, lơ thơ vài cây bạch đàn, bụi gai và vết cháy nham nhở. Nơi ở của người chủ đất ông Phiên đến hỏi mua là một căn nhà lợp tranh, tường đất tạm bợ giữa lưng chừng đồi. Trưa, bà vợ ông chủ nhà dọn cơm, họ chậm rãi uống từng ngụm rượu nhắm với tôm suối, bát canh rau rừng, bàn chuyện sang tên, đổi chủ.
Trời nắng như đổ lửa, những khoảnh đồi trụi thùi lụi như trêu ngươi, thi thoảng phả đến một ngọn gió bỏng rát. Ông chủ nhà sợ khách nóng, hoặc có thể sợ khách chê mà bỏ dở cuộc bàn thảo, nên ý tứ ngồi chắn hướng gió, hướng nắng. Ấy vậy mà cuộc bàn thảo suôn sẻ ngay. Không ai đọc được trong mắt ông Phiên lúc ấy đã ngời xanh lên những cánh rừng đầy sức sống.
- Nó là cơ duyên, là định mệnh rồi. Tôi ngồi nói chuyện mà trong đầu như định hình được, chỗ này trồng gì, lấy nước ở đâu, chỗ nào có thể chăn nuôi... Chỉ bà nhà tôi thì hãi ra mặt. Thế rồi cũng chịu đấy, bà ấy hiểu và tôn trọng quyết định của tôi. Không nói nịnh chứ được như giờ, công bà ấy nhiều lắm đấy - ông Phiên giãi bày.
Cái thời đó, ai cũng đói khổ, mà đói khổ thường sinh đạo tặc. Chuyện rừng bị chặt trộm, dê, gà, chó, lợn bị bắt mất không phải hiếm. “Nếu làm rừng thì phải vào ở hẳn trong rừng, không là không giữ được đâu”, ông chủ cũ khuyên vợ chồng tôi thế, rồi xách túi đồ đi thẳng một mạch - ông Phiên kể rồi chợt cười khà khà, “giá mà bây giờ ông ấy lên đây, có khi lạc đường ấy chứ”. Cũng phải thôi, bởi vùng này trước kia do lâm trường quản lý, trồng thông và bạch đàn, chủ yếu là theo dự án chứ có hạch toán kinh tế gì đâu. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, người nhận một vài héc-ta, người hàng chục héc-ta, nhưng hầu hết chưa biết để làm gì, trồng cây gì.
Chỉ có thể là rừng đã chọn ông, chứ nào ai nhìn được cái tiềm năng "rừng vàng" ở những ngọn đồi trơ trọc ấy. Như cái duyên, thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sau một thời gian ông Phiên nhận khoán lại đất rừng ở Quân Sơn, phong trào trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc ở địa phương phát triển, người trồng rừng được Nhà nước tạo nhiều ưu đãi. Hướng phát triển rừng của ông Phiên là kết hợp trồng rừng và làm trang trại chăn nuôi, nhằm xóa đói, giảm nghèo phù hợp chủ trương chung.
Trang trại - rừng của ông phát triển nhanh, ngoài cây lâm nghiệp, ông nuôi bò nái, dê và trồng cây ăn quả, lại trồng hoa màu để giải quyết nhu cầu trước mắt. Ngoài trồng rừng công nghiệp như bạch đàn, keo, ông khoanh nuôi những cây bản địa như dẻ, lim, lát để tính kế lâu dài. Cây dẻ mang lại cho ông một khoản thu không nhỏ mỗi năm, nhờ nuôi ong và bán hạt. Nhận thấy nguồn lợi lớn từ loại cây này, ông âm thầm gom tiền, vào rừng dẻ cổ thụ giáp ranh hai xã Tam Dị và Bảo Sơn, mua lại của các chủ rừng khác.
Như đàn kiến tha lâu đầy tổ, rừng của ông ngày càng được mở rộng. Đến mùa hạt, vợ chồng ông dọn sạch dưới tán, quả chín rụng xuống, gặp nắng hanh tự vỡ, chỉ cần gom, sàng sảy đóng bao, thương lái đến tận nơi thu mua. “Ấy là cách để rừng nuôi người và tự nuôi rừng” - ông Phiên tâm niệm.
Một trong những kỳ tích của “vua rừng” Quân Sơn là vận động bà con địa phương tham gia bảo vệ những cánh rừng khỏi giặc lửa. Trước kia, vào mùa khô, người dân lại đốt rừng, phát quang để sang xuân có cỏ chăn gia súc và làm nương. Những việc làm tưởng bình thường đó đã từng gây ra hàng chục vụ cháy, làm thiệt hại cả trăm ha rừng trồng trên địa bàn. Chính quyền, lực lượng chức năng và các chủ rừng dù có đề phòng bằng nhiều cách, thậm chí mỗi năm hai lần làm đường băng cản lửa, cũng không tác dụng.
Trăn trở mãi, ông nhận thấy bà con dân tộc quanh vùng còn nghèo quá, vì nghèo nên làm liều, nhưng nếu được giúp đỡ họ sẽ giúp lại mình, phải tìm cách giúp họ ổn định đời sống. Nghĩ là làm, vợ chồng ông đến từng hộ dân vận động, cho bà con mượn đất trồng sắn, mượn tiền mua bò, trâu không lấy lãi, còn tiền gốc thì trừ dần vào tiền công đốn tỉa rừng.
Cùng các chủ rừng khác, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông Phiên thành lập Hội Bảo vệ rừng. Hội có góp quỹ, bầu người am hiểu địa bàn vào ban lãnh đạo, lại chọn người có uy tín làm Chủ tịch Hội. Hội Bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả, đúng như đôi câu đối treo trên hai cột chính trong phòng khách nhà ông: Cầu phúc trồng rừng, cây xanh chim thú ở/Tích đức đắp hồ, nước biếc cá tôm bơi.
Không chỉ dựa vào người dân sinh sống quanh rừng, ông Phiên và Hội Bảo vệ rừng Quân Sơn còn làm việc với nhà trường trên địa bàn, gặp các thầy, cô giáo tuyên truyền vận động học sinh cùng bảo vệ rừng. Mưa dầm thấm lâu, số trẻ em thường vào phá rừng hoặc làm ẩu xảy ra cháy rừng, đã trở thành những “kiểm lâm viên tí hon”, cùng ông bảo vệ rừng.
Đổi lại, mỗi lần cắt tỉa cành, ông thường bó sẵn những bó củi, chia cho lũ trẻ gánh về. Hễ cuối tuần, lũ trẻ lại vào nhà ông, nghe ông kể chuyện, cùng ông chăm chút cho những vạt rừng non mơn mởn, những đàn gia súc hay hồ cá nên thơ. Công sức với rừng của ông đã được UBND tỉnh Bắc Giang ghi nhận và tặng hai bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong công tác nông nghiệp và phát triển nông thôn thời kỳ đổi mới” và “Giải thưởng môi trường của tỉnh”.
Chỉ tay về những cánh rừng xanh mướt, ông Phiên bảo: Những ngày đầu khó khăn, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Tổ chức Lương thực thế giới, tôi được cấp hai tấn gạo. Số gạo ấy đã giúp tôi thêm nghị lực quyết tâm vào rừng, mở rừng, giữ rừng, như là giữ phúc đức cho con cháu. Có cuộc sống khấm khá hơn, như ông bảo, là từ lộc của rừng. Ông dành một phần để làm việc thiện, việc nghĩa và xây dựng hạ tầng địa phương. Để có đường vào Quân Sơn, ông tự bỏ ra 120 triệu đồng mở đường để ô-tô đi được; ông cũng dành nhiều tiền của giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
Có hơn 100 ha rừng trong tay, ông Phiên đang trình cơ quan chức năng dự án làm hồ, làm nhà sàn hình thành khu du lịch sinh thái. Mỗi khi đến mùa, hoa của muôn loài đua nhau nở tạo thành bức tranh tuyệt đẹp, nổi bật trên nền rừng xanh ngắt. Trong đó, cây Habicus, ông đã kỳ công đem về cho bà con trồng, thu hái bán để chế rượu vang giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ngôi nhà của ông bà cũng là nơi tụ họp của đám trẻ trong vùng dịp Trung thu này.
Ông bảo, mình sẽ không bán những cánh rừng cây bản địa, cây lâu năm hoặc có bán thì cũng theo kiểu tỉa thưa, trồng bù để mầu xanh luôn “gối” nhau, không làm trắng đất, bạc màu. Ông tâm niệm và răn dạy cháu con: Trồng rừng, giữ rừng là để đức cho mai sau. Mong ước của “vua rừng” trong thời gian tới là xây dựng vùng rừng Quân Sơn thành khu nghỉ dưỡng bình dân cho người già,... (Nhân Dân 27/9) đầu trang(
Nếu như ở huyện Thông Nông tình trạng khai thác rừng bữa bãi đang “băm nát” rừng nghiến cổ, thì ở huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), những cánh rừng, đặc biệt là rừng nghiến vẫn được giữ xanh tươi. “Lá bùa” người dân nơi đây dùng để bảo vệ rừng chính là hương ước làng, xã.
Không nguyên sinh như rừng ở Pác Bó, không hùng vỹ như rừng Trần Hưng Đạo, nhưng rừng ở huyện Quảng Uyên đã có một vai trò rất lớn trong những năm kháng chiến và đến nay những cánh rừng vẫn xanh mướt nơi đây lại giữ vai trò làm lá chắn sinh thái cho dân làng.
Chúng tôi về xã Độc Lập vào một ngày cuối năm, mùa lá rụng của nhiều loài cây, nhưng nhìn lên cánh rừng bao quanh xã vẫn rợp một màu xanh của cây rừng, màu đỏ nhạt của của lá hồi ngon, màu xanh mơn mởn của lá non cây mỡ… Giữa cái rét cắt da cắt thịt mà thấy ấm lòng với ý nghĩ rừng còn giàu hẳn người dân ở đây sẽ no đủ. Bởi lẽ, hầu như ở nơi nào cũng thế, hễ trên rừng trơ trọi, đồi núi khô khốc do nạn phá rừng, hoặc đốt nương làm rẫy, thì người dân ở nơi đó rất nghèo đói, cơ cực.
Cụ Triệu Thị Sanh (80 tuổi) ở thôn Đoỏng Pán, xã Độc Lập rất phấn khởi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ý nghĩa về mối quan hệ giữ con người và rừng. Đó là khoảng những năm 1950 – 1954 của thế kỷ trước, khi Thực dân Pháp đánh phá miền Bắc, nơi đây cũng không nằm ngoài mục tiêu, song nhờ có rừng mà bộ đội, người dân đã được che chở.
“Không chỉ vậy, rừng còn cho chúng tôi nguồn nước sạch để sinh sống. Có năm ở những xã lân cận do hạn hán nước ở các giếng, mó nước cạn sạch, nhưng mó nước ở thôn Đoỏng Pán quanh năm nước vẫn trong xanh mát lành, bởi cánh rừng đầu nguồn hàng chục năm nay vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt” – cụ Sanh cho hay.
Ông Nguyễn Đình Linh – Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết thêm, xã có 13 thôn, với 2.257 nhân khẩu/ 525 hộ, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mường. Nếu tính cả xã có đến hàng chục cái mó nước, nhưng mó có nước quanh năm và trong xanh, nước ngọt dễ uống nhất là mó nước ở thôn Đoỏng Pán. “Hầu như chưa có năm nào mó này cạn nước” – ông Linh cho biết.
Ông Linh cho biết, sở dĩ ở đây người dân vẫn còn giữ được rừng, trên rừng vẫn còn rất nhiều cây gỗ quý như nghiến hàng trăm năm tuổi, nhiều cây to 4 – 5 người ôm là vì mỗi thôn đều có một hương ước về bảo vệ rừng. Đặc biệt, cánh rừng ở thôn Đoỏng Pán đã từ lâu người dân nơi đây vẫn truyền nhau một lời nguyền, khiến không ai dám tự động lên rừng chặt một cây nứa, chứ chưa nói đến cây gỗ nghiến cổ thụ, nếu không được sự đồng ý của người dân, già làng trưởng bản. Và mỗi khi chặt hạ một cây rừng, người dân cũng phải làm lễ cúng xin thần linh, thần núi.
Cụ Sanh, một trong những cao niên của thôn Đoỏng Pán cho biết năm 18 tuổi cụ về làm dâu ở làng thì đã thấy có mó nước và cánh rừng này; và nay 80 tuổi rồi nhưng hầu như cánh rừng sau mó nước vẫn không có nhiều thay đổi.
Được hỏi chuyện về khu rừng, cụ chậm rãi kể cho chúng tôi nghe: “Chuyện là thế này, trước đây có một vài người bạo gan, không tin đây là cánh rừng thiêng đã cả gan lên rừng chặt gỗ về bán. Vừa lên chặt đổ một cây, người thì tự chặt rìu vào chân, người thì ngã gãy tay, người thì nhìn thấy rắn to, rồi về ốm quặt quẹo. Thấy vậy người nhà sợ quá, nên làm lễ ra ngôi miếu trước cửa rừng khấn, mãi sau mới khỏi. Sau này khi rừng kiệt dần, giá trị gỗ lớn, một số người đã liều lên rừng chặt gỗ và xảy ra tình trạng tương tự, nên người dân nơi đây càng tin vào lời nguyền hơn. Thậm chí cả lâm tặc táo tợn có lần vác cưa vào núi định cưa nghiến, khi dân làng chưa kịp huy động lực lượng để ngăn chặn, thì chúng đã phải tự động bỏ đi. Bởi nếu người lạ, nhất là người có ý định làm việc xấu vào rừng tự nhiên sẽ nổi gai ốc, lạnh sống lưng, có gan mấy cũng chẳng đủ cam đảm cưa gỗ nữa”.
Từ “lời nguyền” này, thôn Đoỏng Pán đã xây dựng một hương ước, với những quy định đơn giản, ngắn gọn, nhưng đầy ý nghĩa. Theo đó, rừng là chung của cả thôn, song nếu gia đình nào có lý do chính đáng, thì được phép chặt một số gỗ nhất định để làm nhà, tuy nhiên phải đóng một phần quỹ nhỏ cho thôn. Còn nếu ai tự động chặt cây, nếu bắt được, ngoài việc sử phạt rất nặng 1 cây 500.000 đồng, nếu chặt cây to thì mức phạt lên đến hàng triệu đồng, ngoài ra còn phải mổ lợn mời cả thôn ăn một bữa nữa mới xong…
Việc bảo vệ là thế, còn về phân chia lợi ích nếu cây bị gió đổ, già chết rất rõ ràng. Theo đó, thôn sẽ xin xã, huyện bán đấu giá, số tiền bán được sung công quỹ thôn, phục vụ cho việc tu sửa nhà văn hóa, đường sá và thăm hỏi ốm đau. Cách đây 2 năm, một cây nghiến bị bão quật đổ, thôn đã xin xẻ để lát cây cầu treo.
Từ hương ước của Đoỏng Pán, đến nay 13/13 thôn đều đã xây dựng hương ước riêng và lập miếu để thờ thần núi. Bốn thôn là Nà Sao, Pác Đa, Nặm Pản, Nà Cháu có rất nhiều nghiến mà dân làng được giao khoán bảo vệ, song từ năm 2004 đến nay, chỉ duy nhất có một trường hợp phá rừng ở thôn Nà Cháu phải xử phạt. Không chỉ tự răn bản thân phải bảo vệ rừng, giữ rừng, người dân nơi đây còn rất chú tâm đến việc giáo dục con cháu trong gia đình, hàng xóm bảo vệ rừng, đồng thời kiên quyết can ngăn khi phát hiện có đối tượng lạ, người phá rừng.
Ông Nguyền Đình Linh – Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết. “Hiện cả xã có khoảng 1.200ha rừng, hầu hết hộ nào cũng có rừng sản xuất. Ngoài ra còn có rừng cấm chung của thôn. Đặc biệt là từ năm 1997 đến nay, thực hiện trồng rừng theo dự án 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngoài những cánh rừng già, hiện ở xã có rất nhiều cánh rừng trồng như thông, sa mộc… có giá trị kinh tế rất cao”. (Môi Trường Và Đời Sống 26/9) đầu trang(
Như PLVN đã phản ánh, đất rừng của bà Nguyễn Thị Biên tại lô 36, khoảnh IV, xã Ngọc Thanh, TX.Phúc Yên, Vĩnh Phúc bị người khác đến chiếm dụng và chặt cây. Ngoài ra, khi mở đường dân sinh thì chính quyền lại không đền bù cho bà Biên - là người sử dụng hợp pháp khu đất…
Phóng viên đã có buổi làm việc với chính quyền xã Ngọc Thanh và UBND TX.Phúc Yên xoay quanh câu chuyện trên. Tuy nhiên, câu trả lời mà chúng tôi nhận được chỉ là sự đùn đẩy trách nhiệm của Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) TX.Phúc Yên và sự  “mơ hồ” của chính quyền địa phương.
Trả lời phóng viên về việc đường dân sinh chạy qua đất nhà bà Nguyễn Thị Biên mà tại sao gia đình bà Biên không biết và không đồng ý, ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết, hồ Lập Đinh bắt đầu ngập từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 gì đấy, mình không phải bên địa chính nên không nắm rõ. Chỉ biết sơ qua là con đường đó do thôn mở ra tạm thời thay thế cho con đường cũ đã bị ngập. Con đường này để bà con đi vào canh tác, bảo vệ rừng chăm sóc rừng, phòng chống cháy rừng. Thôn đó có vận động các hộ dân có đất cho làm đường đi tạm một thời gian để chờ Ban GPMB tỉnh làm việc đền bù cho người dân rồi sẽ làm một con đường khác.
Còn về việc gia đình bà Biên bị chặt phá rừng, ông Nguyễn Văn Vinh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm TX.Phúc Yên cho biết, rừng không thuộc địa bàn ông quản lý nên ông không nắm rõ, chỉ nghe sơ qua về vụ việc qua các buổi giao ban của Hạt và Hạt giao cho đồng chí Đạt phụ trách địa bàn, phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết.
Ông Vinh cũng từ chối trả lời về trách nhiệm của Kiểm lâm về việc đã được báo về vụ chặt cây rừng nhưng hơn một tuần sau mới xuống hiện trường lập biên bản vì “tôi không nắm được cụ thể vì không phải địa bàn phụ trách”.
Về việc bà Biên tố cáo ông Tạ Văn Tuấn chiếm dụng trái phép đất rừng của mình nhưng Ban GPMB vẫn lập phương án đền bù cho ông Tuấn, bà Nguyễn Thị Lưu, Trưởng ban GPMB TX.Phúc Yên cho hay, việc lập kế hoạch đền bù cho ông Tuấn do Ban GPMB cũ thực hiện. Khi Ban quản lý GPMB của Sở Nông nghiệp đến trả tiền thì bà Biên có đơn và bà Biên xuất trình giấy tờ hợp pháp thể hiện bà là chủ sử dụng thực sự lô đất. Tuy nhiên, Trưởng ban GPMB cũ giờ đã chuyển công tác rồi (!).
Trả lời về việc tại sao Ban GPMB không sửa sai để lập phương án bồi thường cho bà Biên - người được UBND huyện Mê Linh giao đất hợp pháp, bà Lưu cho biết, mảnh đất hiện đang có tranh chấp nên Ban GPMB thị xã sẽ chuyển cho thanh tra hoặc một bên khác vào cuộc giải quyết.
Còn Ban GPMB thị xã không đủ thẩm quyền để giải quyết. Năm 2013, Ban GPMB đã mời 2 người lên để họ thỏa thuận, giải quyết nhưng không thành. Đầu năm 2014, vấn đề này đã được chúng tôi chuyển lên tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phải báo cáo lên UBND tỉnh. Tuy vậy, từ đó đến nay, vấn đề vẫn chưa được tỉnh cho ý kiến gì…”.
Còn Chủ tịch UBND TX.Phúc Yên Vũ Việt Văn thì cho hay: “Chúng tôi sẽ xác định lại thửa đất thuộc về ai? Vấn đề con đường chạy qua nhà bà Biên, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Nếu con đường mà thôn tự làm thì người dân có thể tự thống nhất. Có những cái cấp huyện giải quyết nhưng cũng có những cái cấp tỉnh mới quyết định được”. (Pháp Luật Việt Nam 25/9) đầu trang(
Ngày 25.9, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình) cho biết thể trạng của 40 con vẹt ngực đỏ đang dần hồi phục tốt.
Số chim quý hiếm thuộc nhóm 2B này (ảnh) được Công an TP.Đồng Hới tịch thu trên xe khách biển kiểm soát 73B - 006.76 do ông Nguyễn Hải Sơn vận chuyển thuê từ Quảng Ngãi ra Hà Nội.
Ngoài ra, trung tâm đang chăm sóc 1 con cu li nhỏ do anh Trần Lê Như Dũng (ở Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) tự nguyện giao nộp. Đây là động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm 1B. (Thanh Niên 26/9) đầu trang(
Với giá 300.000-400.000 đồng một cây thốt nốt có tuổi 15-30 năm, người dân Bảy Núi, An Giang đang ồ ạt đào gốc loại cây được xem là đặc sản này, để bán qua Trung Quốc làm kiểng.
Cây thốt nốt được trồng nhiều nhất ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Đây cũng là nơi đã xây dựng nên thương hiệu đường thốt nốt nổi tiếng cả nước.
Những rừng thốt nốt ở đây có tuổi đời hàng chục năm và đang cho thu hoạch nước đường. Song những ngày qua, nông dân Bảy Núi bỗng rủ nhau đào gốc cây này bán cho thương lái Trung Quốc. Theo thông tin từ một số thương lái, thốt nốt được bán sang Trung quốc để trồng làm kiểng.
"Nhiều ngày qua nơi đây rộ lên tình trạng các thương nhân đến mua thốt nốt. Họ thường chọn mua loại cây 15-20 năm tuổi. Mỗi ngày có hàng chục cây được đào đem đi nơi khác bán. Họ đưa cả các loại xe chuyên dụng đến rừng vận chuyển”, anh Chau Lyl, người dân ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên nói.
Những chiếc xe tải hàng chục tấn nằm chờ sẵn trên tỉnh lộ 948 để mua thốt nốt. Theo nhiều người dân bán cây thốt nốt, thương lái chỉ chọn mua những cây không quá non, cũng không quá già, chủ yếu là cây mới lớn, chưa ra bông, trái, để về dưỡng cho dễ sống.
Còn đội ngũ được thuê đào gốc cây cho biết, những cây thốt nốt đạt tiêu chuẩn thương lái chọn mua là loại trồng trên 30 năm, thân thẳng hoặc chỉ hơi cong (tùy sở thích khách hàng). Chỉ mất 300.000-400.000 đồng, thương lái đã sở hữu một cây thốt nốt còn cả ngọn và rễ.
Dân địa phương được trả công 170.000-180.000 đồng để đào 1 cây thốt nốt. Với những cây to, cần 3-4 người đào mất hơn 2 tiếng đồng hồ (chưa kể phải leo lên ngọn rọc lá) nhưng tiền công cũng không tăng. Ngoài bán nguyên cây còn lá, rễ, một số hộ còn cưa từng khúc cây ra để bán gỗ, với giá chỉ bằng một phần tự so với bán cả cây tươi.
Hạt kiểm lâm huyện Tịnh Biên cho biết, toàn huyện có gần 7.000 cây thốt nốt được trồng ở các bờ ranh của người dân Khmer. Ngành kiểm lâm đang vận động người dân không nên đào bán loại cây đặc sản của vùng này.
Cây thốt nốt thích hợp với đất pha cát vùng Bảy Núi, An Giang. Loại cây này trồng ít nhất 20 năm mới cho trái và có thể khai thác nước từ cuống hoa. Mỗi năm, 1 cây thốt nốt có thể khai thác nước từ cuống hoa nấu khoảng 4 kg đường (loại đường chảy). Giá loại đường này hơn 15.000 đồng/kg. Người dân Bảy Núi thường cho thuê cây để khai thác, với giá thuê mỗi năm khoảng 60.000 đồng một cây.
“Thốt nốt từ lâu được biết đến như đặc sản của vùng Bảy Núi. Nếu một ngày chẳng còn cây thốt nốt, cảnh quan môi trường nơi đây sẽ bị tàn phá nghiêm trọng”, một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn chia sẻ. (Zing News 26/9) đầu trang(
Chiều 25.9, ông Trần Văn Thu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho hay Đội Kiểm lâm cơ động số 1 vẫn đang tiếp tục kiểm soát trong rừng để truy tìm nguồn gốc số gỗ lậu vừa được phát hiện tập kết gần trạm bảo vệ rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, H.Bắc Trà My).
Trước đó, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 đã phát hiện 2 điểm tập kết gỗ nằm gần đường liên xã Trà Đốc - Trà Bui. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có 124 phách gỗ (khoảng 26 m3) gồm: dổi, chò, xoan đào... (thuộc nhóm 3 và nhóm 6).
Trong 2 địa điểm phát hiện gỗ lậu có một điểm nằm gần Trạm quản lý bảo vệ rừng (tại thôn 2, xã Trà Bui). Đầu tháng 9, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 truy đuổi một xe tải chạy hướng Trà Bui - Trà Đốc đang chở gỗ lậu. Tuy nhiên, khi chưa kịp tiếp cận thì lái xe đã cho đổ 10 m3 gỗ các loại xuống đường để tẩu thoát. Tiếp tục điều tra, các cán bộ kiểm lâm đã phát hiện ra 2 bãi gỗ đã nêu.
Ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, nói 2 bãi gỗ nằm khá gần nhau và cách trạm quản lý bảo vệ rừng của đơn vị khoảng 5 km. “Chúng tôi chờ cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra. Tuy nhiên, trước hết, là người đứng đầu đơn vị tôi nhận trách nhiệm vụ việc. Sau khi có kết quả điều tra sẽ xử lý, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan”, ông Chẩn nói. (Thanh Niên 26/9; Người Lao Động 25/9; Công An Tp.HCM 26/9) đầu trang(
Ngày 25/9, Công an huyện Lạc Dương đã thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Toàn, sinh năm 1982, ở phường 7, Đà Lạt, tạm trú thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương về hành vi "hủy hoại rừng" theo điều 189, Bộ luật hình sự.
Trước đó, qua công tác điều tra, Công an huyện Lạc Dương xác định, trong thời gian gần đây, Nguyễn Văn Toàn đã có hành vi chặt hạ rừng thông với diện tích gần 1ha rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 226, xã Lát, huyện Lạc Dương để làm vườn.
Hiện vụ án đang được Công an huyện tiếp tục điều tra. Được biết đây là vụ án thứ 4 về xâm phạm tài nguyên rừng trên địa bàn mà Công an huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khởi tố kể từ đầu năm 2015 đến nay. (Báo Lâm Đồng 25/9) đầu trang(
Mặc dù được pháp luật bảo vệ nhưng các loài rùa biển ở Côn Đảo hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn buôn bán và săn bắt trái phép, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về thịt và các sản phẩm làm từ mai rùa.
Từ lâu, rùa biển ở Côn Đảo được liệt vào danh sách đỏ cần được bảo tồn. Thế nhưng, ở Côn Đảo, thịt rùa, trứng rùa lại đang trở thành món nhậu đặc sản của một số du khách khi tới Côn Đảo. Có “cầu” ắt sẽ có “cung”, một số nhà hàng, quán ăn ở Côn Đảo vì lợi nhuận đã lén lút kinh doanh các sản phẩm từ rùa.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, một số người lén lút tới các hòn đảo ở Côn Đảo có rùa đẻ trứng để theo dõi, tìm cơ hội trộm trứng rùa và... bắt luôn cả rùa mẹ. Sau đó, các đối tượng này tổ chức xẻ thịt và tìm đầu mối tiêu thụ là các nhà hàng, quán ăn ở Côn Đảo hoặc tìm cách vận chuyển vào đất liền tiêu thụ. Rùa biển có trọng lượng bình quân từ 50-200kg, là món mồi nhậu hiếm, quý nên rất dễ tiêu thụ.
Tới Côn Đảo cùng một nhóm bạn, chúng tôi được một “thổ địa” ở đây dẫn đến một số nhà hàng ở Côn Đảo. Tại một nhà hàng nằm trên đường N.Đ.T ở thị trấn Côn Sơn, chúng tôi đặt vấn đề với nhân viên phục vụ muốn thưởng thức đặc sản trứng rùa. Ban đầu, nhân viên này lắc đầu nguầy nguậy: “Ôi, đó là hàng cấm đó các anh chị. Tụi em đâu dám bán”.
Thế nhưng, một lúc sau, nhận thấy trong nhóm chúng tôi có một người là dân Côn Đảo, một nhân viên khác ngỏ ý: “Nếu các anh chị có nhu cầu thưởng thức trứng rùa thì để lại số điện thoại. Nhà hàng không có sẵn nhưng biết “mối” bán, hiện nhà hàng đang liên hệ với “mối”, nếu có thì chiều nay anh chị tới ạ”. Nhân viên này báo giá 250 ngàn đồng/quả trứng rùa, 500 ngàn đồng/kg thịt rùa. Nghe vậy, chúng tôi lấy cớ ăn xong cơm trưa sẽ ra sân bay nên hẹn dịp khác trở lại.
Qua một đầu mối khác, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm vài ba ký thịt rùa mang về đất liền thưởng thức. Người này cho biết, thịt rùa có giá 200 ngàn đồng/ký. Chỉ cần đặt trước một ngày thì chừng vài chục ký cũng có. Thịt rùa sẽ được người bán cấp đông, đóng thùng xốp để vận chuyển về đất liền bằng tàu.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được dẫn tới tận đầu mối mua thì người này cho biết: “Tất cả đều có “luật” riêng, buôn bán thịt rùa nếu bị phát hiện bị phạt nặng và dễ ngồi “bóc lịch” nên đầu mối không cho người lạ vào và cũng không bán”. Lấy lý do sợ vận chuyển về sẽ xảy ra sự cố, chúng tôi từ chối mua “hàng”. Thấy vậy, người này nói rằng: Nếu muốn ăn cho biết thì cứ đặt tiền, địa chỉ, “hàng” sẽ được gửi tới tận nhà với giá 300 ngàn đồng/kg thịt, 150 ngàn đồng/quả trứng.
Theo ông Nguyễn Văn Anh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm hòn Bảy Cạnh, hiện trên thị trường, giá một quả trứng rùa bình quân khoảng 200 ngàn đồng, thịt rùa 200 ngàn đồng/kg. Nếu trộm được vài tổ trứng rùa (khoảng 90 quả trứng/tổ), kẻ trộm đã có 30-40 triệu đồng. Với con rùa có trọng lượng 100kg, khi xẻ thịt cũng bán được vài chục triệu đồng. Do lợi nhuận lớn nên một số đối tượng đã bất chấp pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn để trộm trứng, bắt rùa về bán.
Từ năm 1994, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã tiến hành chương trình bảo tồn rùa biển với 3 nội dung chủ yếu là: nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển, bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng, xây dựng trại giống. Theo đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tiến hành đeo thẻ, máy định vị trên mỗi con rùa biển để theo dõi; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.
Nhờ đó, công tác bảo tồn rùa biển ở Vườn quốc gia Côn Đảo đã đạt được hiệu quả cao. Hiện nay, số lượng rùa biển lên bãi đẻ trứng ở Côn Đảo chiếm trên 85% số rùa về đẻ ở vùng biển Việt Nam. Đặc biệt, quần thể rùa xanh cũng về đẻ trứng tại Côn Đảo.
Hiện nay, công tác bảo vệ rùa được giao cho kiểm lâm của Vườn Quốc gia Côn Đảo. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, địa bàn quản lý rộng nên công tác bảo vệ rùa đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ ở các hòn chính mới có trạm kiểm lâm, một số hòn còn lại chưa có nhân viên kiểm lâm.
Những kẻ xấu thường theo dõi lực lượng kiểm lâm đi tuần xong, lên tìm rùa mẹ đẻ trứng tại các bãi để bắt rùa mẹ và trộm trứng. Anh Nguyễn Viết Hoàn, nhân viên Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh cho biết: Đến mùa sinh sản của rùa, tại các bãi như: Hòn Tre Lớn, Hòn Tài, Bảy Cạnh, ngay sau khi rùa bò lên bờ biển tìm vị trí làm tổ, lực lượng kiểm lâm phải phân công người canh gác.
Các đối tượng trộm thường trà trộn theo đoàn khách du lịch để tìm cơ hội trộm trứng rùa. Theo đó, khi xem rùa đẻ trứng, khách du lịch thường được các kiểm lâm cho cầm xem những quả trứng, lợi dụng lúc này kẻ trộm sẽ tranh thủ bỏ trứng vào túi, giỏ xách để mang về.
Vì vậy, suốt mùa sinh sản của rùa biển, chúng tôi đều chia nhau thức trắng đêm để canh. Sau khi rùa đẻ xong quả trứng cuối cùng, kiểm lâm viên phải mang trứng về bãi ấp để canh giữ cẩn thận cho tới ngày rùa nở. Nếu không, có thể bị bọn trộm lấy trọn cả ổ trứng.
Để ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán thịt rùa trái phép cần sự chung tay, chung sức của nhiều cơ quan chức năng và người dân. Có như vậy, trong tương lai, loài rùa biển mới không bị tuyệt chủng.
“Theo Điều 7, Nghị định 103/2013/NĐ-CP, đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng lớn, rất lớn, mức xử phạt từ 5-50 triệu đồng, với loài có nguy cơ tuyệt chủng, mức phạt lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên vì lợi nhuận lớn, nhiều người vẫn bất chấp để lấy trộm trứng rùa và bắt rùa mẹ. Từ năm 2007 đến nay, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo đã bắt giữ và lập biên bản gần 20 vụ bán trứng rùa, thịt rùa; khai thác, vận chuyển trứng, mổ thịt rùa trái phép. Các vụ việc đã được xử phạt mạnh tay, nhưng nhiều đối tượng vẫn tiếp tục vi phạm.”, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Bảo tồn biển - Đất ngập nước, Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết. (Infonet 25/9) đầu trang(
Mục thông tin nhanh qa đường dây nóng báo Nhân Dân cho biết: Tình trạng phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn xã Yên Hợp (Quỳ Hợp, Nghệ An). (Nhân Dân 25/9) đầu trang(
Khởi nghiệp từ những đồng vốn vay, anh Nguyễn Anh Tuấn ở xã Duy Minh (Duy Tiên - Hà Nam) đã mạnh dạn mở mô hình nuôi bồ câu Pháp, rắn mối, rắn hổ mang bành. Đến nay, mỗi năm trừ chi phí anh thu lãi gần 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Về xã Duy Minh, hỏi về mô hình trang trại của anh Tuấn, anh Đàm Trung Thông, Bí thư Đoàn thanh niên xã Duy Minh khoe, “mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, rắn mối, rắn hổ mang bành của Tuấn là mô hình kinh tế mới nhưng rất hiệu quả. Nhiều thanh niên trong tỉnh thường xuyên đến học tập”.
Học xong THPT, anh Tuấn (SN 1984) tìm con đường làm giàu bằng xuất khẩu lao động sang Tiệp Khắc. Sau 3 năm vất vả ở xứ người, anh Tuấn trở về nước với một khoản nợ lớn. Sau đó, anh xin làm việc tại một công ty xây dựng ở Bắc Giang. Gần công trường xây dựng anh thấy nhiều gia đình ở Bắc Giang mở mô hình nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Tuấn nghĩ gia đình mình cũng có thể nuôi bồ câu Pháp được vì vườn rộng, giống chim kháng bệnh tốt, thức ăn đơn giản chỉ là lúa ngô. Năm 2013 anh Tuấn về quê, tận dụng không gian ban công trên tầng mở trang trại nuôi bồ câu Pháp. “Thời gian bắt đầu nuôi là khoảng thời gian khó khăn nhất, kinh nghiệm nuôi mình chưa có, chuồng gia đình làm nan dày quá chim không thò cổ ra ăn được. Lại không biết cách chăm sóc, tiêm thuốc nên sau một thời gian đàn chim chết sạch”, anh Tuấn kể.
Anh Tuấn cho biết, lúc đó gia đình, bạn bè đều khuyên anh nên bỏ ý định nuôi chim bồ câu làm giàu để tìm con đường khác làm ăn. Nhưng với quyết tâm cao, anh khăn gói đi các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hải Dương… để quan sát, ghi chép tập tính sinh hoạt của chim, từ đó tìm ra các biện pháp chăn nuôi hiệu quả. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu thêm trên sách báo, mạng. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, từ 50 cặp chim giống, đến nay trang trại anh Tuấn đã có 600 cặp chim bồ câu Pháp sinh sản.
Theo mô hình nuôi lồng công nghiệp, mỗi cặp bồ câu Pháp nuôi bán lấy thịt có giá 140.000 đồng, bồ câu nuôi bán làm giống mỗi cặp có giá từ 240.000 đồng. Sau khi giảm trừ các khoản chi phí thức ăn, lương công lao động, thuốc trừ bệnh... gia đình anh thu về khoảng 20 triệu đồng tiền lãi/tháng. Mỗi năm trừ hết chi phí, anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Đó là mục tiêu của anh Tuấn, khi anh muốn nuôi tận 10 loài vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao trong vườn. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ trứng chim thối, chim non chết anh Tuấn học hỏi kinh nghiệm, xây chuồng trại nuôi rắn hổ mang bành. Đến nay đàn rắn của gia đình anh đã lên tới hàng trăm con.
Không chỉ dừng lại ở việc nuôi chim bồ câu Pháp, rắn hổ mang bành, qua sách báo anh Tuấn biết được rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế cao. Thấy ở quanh vườn nhà, bụi rậm ở quê nhà cũng có nhiều rắn mối, anh Tuấn xách cần câu đi dọc ruộng vườn, ao chuồng nhà dân xung quanh để câu rắn mối và kêu gọi đám trẻ con câu rắn mối về bán cho anh. Câu được con nào, anh dựng chuồng cẩn thận đặt con giống vào nuôi. “Mình đang nhờ người nghiên cứu xem có thể tạo ra được chiếc máy ấp trứng rắn mối giống như ấp trứng rắn hổ mang bành. Nếu thành công hiệu quả về con giống sẽ được cải thiện rõ rệt”, anh Tuấn bộc bạch.
Từ mấy chục con giống ban đầu, đến nay đàn rắn mối của gia đình anh đã lên tới hơn 6.000 con giống. Anh Tuấn cho biết, rắn mối nhà anh bán với giá 500 nghìn đồng/kg, có nhiều nhà hàng đặt mua nhưng anh không đủ số lượng bán. Để đàn rắn mối phát triển, anh Tuấn mở tiếp mô hình nuôi sâu gạo làm thức ăn cho rắn mối và cung cấp cho thị trường chim cảnh. Với những người có nhu cầu nuôi, anh luôn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc và giúp liên hệ bao tiêu đầu ra của sản phẩm. “Mục tiêu của mình là có thể nuôi được 10 loài vật hoang dã có giá trị kinh tế cao trong vườn. Trang trại mình vừa nhập 3 đôi cầy hương về nuôi thử nghiệm”, anh Tuấn nói.
Anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, hiện trang trại gia đình anh đã đăng ký với cơ quan chức năng và được cấp phép nuôi bồ câu, rắn mối, rắn hổ mang bành, sâu gạo. Trong quá trình tiêu thụ các sản phẩm từ trang trại, gia đình luôn đăng ký kiểm dịch đầy đủ. (Tiền Phong 26/9) đầu trang(
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, những năm gần đây tình hình hoạt động XNK, buôn bán, vận chuyển trái phép các loại động vật hoang dã diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng đã độc lập và phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Kiểm dịch phát hiện bắt giữ 35 vụ/22 đối tượng vận chuyển trái phép động vật hoang dã, trong đó có 13 vụ vô chủ.
Cơ quan chức năng đã thu giữ 151,1 kg sừng tê giác; 3.218,9 kg ngà voi; 4.000 kg vảy tê tê; 4.590 kg động vật hoang dã gồm các loại rắn hổ mang, rắn ráo trâu, rắn ráo thường, tê tê, rùa; 152 các thể Voọc, sơn dương, gấu, khỉ, chim vạc (trong đó, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 142 kg sừng tê giác, 2.820 kg ngà voi, 4.000 kg vảy tê tê và 1.632 kg rắn các loại).
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, sau khi bắt giữ, đơn vị đã kịp thời phân loại đối với động vật hoang dã còn sống, tổ chức bàn giao cho lực lượng Kiểm lâm xử lý, số còn lại tổ chức tiêu hủy theo quy định. Đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã (sừng tê giác, ngà voi), sau khi khởi tố vụ án hình sự các đơn vị đã bàn giao đối tượng, tang vật cho lực lượng Công an xử lý.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đánh giá, hiện nay hình thành các đường dây có tổ chức chặt chẽ, hoạt động xé lẻ theo từng cung đường để vận chuyển; tại các tuyến biên giới Việt Nam – Lào (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị) vào nội địa Việt Nam và lên các tỉnh biên giới phía Bắc trọng điểm là khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn).
Các đối tượng thu gom hàng nhỏ lẻ từ các nguồn khác nhau, sau đó cất giấu hàng trong các bao tải, thùng hàng vận chuyển bằng ô tô, xe gắn máy hoặc đưa lên các xe chở khách vận chuyển đến nơi giao hàng đã định sẵn ở gần khu vực biên giới để cất giấu chờ cơ hội tiếp tục vận chuyển qua biên giới.
Các đối tượng cũng dùng thủ đoạn cắt giấu, ngụy trang trong các lô hàng tạm nhập tái xuất (chủ yếu trong các container được kẹp chì) để qua các điểm thông quan hoặc cửa khẩu biên giới chờ XNK qua biên giới. Đặc biệt, trong quá trình vận chuyển, các đối tượng bố trí theo dõi, cảnh giới biểu hiện của các lực lượng chức năng.
Xác định công tác đấu tranh phòng chống hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức, kiểm soát phát hiện các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã. Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn xây dựng các kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Mặc dù đã tăng cường ở mức tối đa nhưng theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, địa bàn biên giới rộng, hiểm trở, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phát hiện bắt giữ. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy khi Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan đến hàng cấm (sừng tê giác, ngà voi) đã được khởi tố vụ án hình sự theo Điều 154 Bộ luật Hình sự nhưng khi chuyển giao cho cơ quan chức năng còn gặp không ít vướng mắc liên quan đến bàn giao hồ sơ, đối tượng.
Do vậy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, tăng cường các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; mở đợt cao điểm tấn công với loại tội phạm này.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, quy trình phát hiện, điều tra, xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã, nguy cấp để tạo sự thống nhất nhận thức, thực hiện chung cho các lực lượng chức năng. (Hải Quan 25/9) đầu trang(
Các điểm chính trong báo cáo dự thảo về tình hình tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã và lâm sản trái phép tại Việt Nam đã được Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) công bố để tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Báo cáo dự thảo về tình hình tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã và lâm sản trái phép tại Việt Nam là kết quả phân tích sử dụng bộ công cụ phân tích WLFC với sự tham vấn các đối tác của Liên minh phòng chống tội phạm về các loài hoang dã toàn cầu (ICCWC), bao gồm Ban thư ký Uỷ ban Thường trực Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hải quan Thế giới.
Ngày 25-9, báo cáo dự thảo đã được UNODC công bố để tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan liên quan của Việt Nam nhằm hoàn thiện hơn các đề xuất, phù hợp với thực tiễn.
Theo báo cáo, tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã và lâm sản bất hợp pháp (WLFC) đang là nguy cơ ngày càng gia tăng trên toàn cầu, gây ra tác động nghiêm trọng tới hệ sinh thái, tình hình an ninh cộng đồng và kinh tế. Không những thế, WLFC thường tài trợ cho các loại hình tội phạm khác, kết nối với tệ nạn tham nhũng và rửa tiền. Trong những năm qua, Việt Nam đã coi WLFC là mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng gia tăng.
Các phát hiện chính và đề xuất của bản báo cáo đã chỉ ra những điểm mạnh và những thách thức trong công tác phòng chống WLFC của Việt Nam. Báo cáo chỉ rõ sự cần thiết trong việc chia sẻ thông tin kịp thời, tin cậy và cấp thiết tại Việt Nam, song song với tăng cường kỹ thuật và nâng cao năng lực để phát hiện, xử lý và bắt giữ tội phạm.
Báo cáo cũng chỉ ra các điểm hạn chế cần được cải thiện trong tất cả các lĩnh vực pháp lý và các thiếu sót nghiêm trọng có thể cản trợ sự thành công trong công tác truy tố, đặc biệt các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã.
Ông Jorge Rios, Quản lý Chương trình Toàn cầu phòng chống Tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã và lâm sản cho biết, Việt Nam tuy đã bắt giữ được nhiều vụ việc nhưng vẫn chưa phát hiện và bắt giữ được đối tượng hưởng lợi nhất, như kẻ chủ mưu và kẻ tài trợ cho các hoạt động này. Điều này cho thấy chúng ta bỏ lỡ mất cơ hội tạo ra tác động thực sự tới tình hình buôn bán bất hợp pháp và mạng lưới tội phạm có tổ chức đằng sau.
Vì thế, báo cáo đã đưa ra 48 đề xuất nhằm tăng cường sự ứng phó của Việt Nam đối với WLFC, bao gồm sửa đổi Bộ luật Hình sự liên quan đến trách nhiệm pháp lý pháp nhân, giới thiệu các hình thức xử phạt ngăn chặn mạnh mẽ hơn, tăng cường kiến thức và nhận thức của các cơ quan tư pháp, kiểm sát và thực thi pháp luật về bản chất của WLFC, tăng cường phối hợp và điều phối giữa các cơ quan luật pháp và tăng cường năng lực phân tích điều tra của Việt Nam. (Hải Quan 25/9; Quân Đội Nhân Dân 25/9) đầu trang(
Với đồng bào dân tộc bản địa ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, đời sống nông nghiệp của họ vốn gắn bó chặt chẽ với rừng cho nên ở các buôn làng có những quy định hình thức xử phạt rất nghiêm khắc với những ai phá rừng…
Là buôn được bao bọc bởi những cánh rừng quanh dãy núi Chư Yang Sin, đời sống của người dân ở buôn Tul, xã Yang Mao (Krông Bông)  luôn gắn bó với rừng. Y Thiếp Niê Kdăm, Buôn trưởng buôn Tul cho biết: Rừng không chỉ là nguồn sống của buôn làng mà còn là cõi tâm linh thiêng liêng.
Vì thế có Thần Cây, Thần Rừng. Luật tục của người Êđê quy định rõ trước khi đi săn bà con phải cúng Thần Rừng, trước khi chặt cái cây về làm K’pan, làm nhà, phải cúng Thần Cây. Tất cả mọi người trong buôn không được mang lửa, mang củi cháy dở vào rừng, người đi rừng không được hút thuốc, châm lửa khi đi trong rừng vì sẽ gây ra họa cháy rừng. Khi ai thấy lửa cháy trong rừng thì phải dập tắt ngay, nếu lửa to không dập được thì phải chạy thật nhanh về báo cho già làng và những người trong buôn để huy động đông người ứng cứu kịp thời.
Phải dạy con, cháu không được chặt, phá cây rừng làm nương rẫy, chỉ những cây đã khô, mục, ngã đổ thì mới được mang về làm củi. Làm rẫy không được phát rừng già, làm nhà không được chặt cây to, chặt một cây phải trồng bảy cây. Bất kể những ai xâm lấn rừng, đất rừng, phá hoại rừng và vi phạm vào những điều cấm kỵ trên đều đưa ra xét xử trước buôn làng.
Năm 2001, được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ trên 1.100 ha rừng tự nhiên, cộng đồng buôn đã xây dựng Quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng. Trong đó, quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của bà con trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Chính vì vậy, bà con trong buôn luôn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không khai thác gỗ quý hiếm, chặt phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật hoang dã trái phép và tiếp tay cho lâm tặc.
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ cây đầu nguồn, bảo vệ cây rừng bên bờ suối, bến nước. Bởi cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất rừng, đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, do đó bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng. Chính những quy định rất rõ ràng trong luật tục mà cánh rừng nguyên sinh nằm trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột luôn được người dân ở buôn Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B, xã Ea Tu gìn giữ, bảo vệ khá tốt. Già làng Y Ky Niê Kdăm ở buôn Kmrơng Prong A cho biết, những cây rừng đến hôm nay vẫn bao bọc quanh bến nước là bởi người dân trong buôn nắm rõ những quy định bảo vệ rừng trong luật tục của dân tộc mình cũng như pháp luật bảo vệ rừng của Nhà nước.
Người dân nào vi phạm chặt một cây gỗ trong rừng của buôn sẽ bị phạt nặng và phải xin lỗi cả buôn. Nếu tái phạm lần thứ hai, lần thứ ba sẽ bị phạt gấp đôi, gấp ba lần như thế. Những quy định này thường được già làng và trưởng buôn nhắc nhở trong những buổi họp buôn. Vì thế, hơn 180 hộ dân của buôn Kmrơng Prong B ai ai cũng biết đến những quy định của ông cha, nên không dám mạo phạm tới rừng.
Để giáo dục cho thế hệ tương lai, bản thân già làng cũng thường xuyên cùng lũ trẻ vào rừng, đến bến nước dọn vệ sinh và kể cho chúng nghe những mẩu chuyện liên quan đến điều mà luật tục răn dạy với hy vọng mai sau lớn lên chúng sẽ là thế hệ kế tiếp trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ bến nước mà ông cha của chúng đã để lại.
Cuộc sống hiện đại với nhiều đổi thay nhưng ở các buôn làng, những luật tục độc đáo này vẫn được thế hệ con cháu gìn giữ. Đây chính là một nét văn hóa đẹp của các buôn làng cần được phát huy, nhân rộng để góp phần gìn giữ màu xanh của những cánh rừng. (Báo Đắk Lắk 25/9) đầu trang(
Lương thấp, trách nhiệm cao, cuộc sống của những người giữ rừng như các anh còn gặp vô vàn những khó khăn thiếu thốn khác. Ngoài cái điện, cái nước, cái sóng điện thoại - 3 không có - ra, anh em bảo vệ rừng còn cả trăm cái không, cái thiếu khác, trong đó phải kể đến vấn đề y tế… mà nói vui như các anh là phải “biến mình thành người rừng” thì mới sống được.
Cậu Vĩnh - tên đầy đủ là Nguyễn Sỹ Vĩnh - là cậu ruột của người bạn thân của tôi. Lâu nay, chỉ biết cậu là đội trưởng đội bảo vệ rừng, quản lý 5 trạm, 16 con người thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng (đóng tại huyện miền núi Như Xuân, Thanh Hóa), nhưng chưa từng tìm hiểu kỹ về công việc của cậu.
Gắn bó với núi rừng vừa tròn 20 năm, bậc lương của cậu là 4,4, nhưng mỗi tháng cậu chỉ được nhận hơn 3 triệu đồng. Cậu bảo, để cho công bằng, mỗi tháng, ban quản lý rừng khoán cho đội bao nhiêu tiền thì đem ra chia đều cho tất cả mọi người, sau khi đã trừ bảo hiểm, lương ai cũng bằng ai.
Con số hơn 3 triệu đồng mà cậu nói khiến chúng tôi không khỏi giật mình, thắc mắc: Với số tiền ấy, cậu và các anh em sẽ lo liệu như thế nào khi sau lưng còn có cả một gia đình mong ngóng?
Cậu Vĩnh thở dài: “Cũng bởi lương thấp nên vợ mình ở quê phải ra thành phố làm công nhân cho nhà máy bia. Vợ bảo, anh cứ yên tâm công tác, sau này còn mong có đồng lương hưu. Tiền học cho con, trang trải gia đình để em lo”.
Còn anh Triệu Văn Hùng (huyện Hoằng Hoá, thâm niên 14 năm giữ rừng) ngậm ngùi: “Phải cố mà tiết kiệm chứ sao, ở đây rừng rú nên chi tiêu cũng không tốn kém lắm, thức ăn chủ yếu là rau rừng, nửa tháng mới xuống thị trấn một lần mua mắm, muối…, trừ chi phí sinh hoạt, xăng xe đi lại thì mỗi tháng cũng dành dụm cho vợ con được 1,5 - 2 triệu đồng. Đương nhiên, số tiền ít ỏi ấy chỉ đủ sinh hoạt tằn tiện, còn chuyện học hành của con cái thì vợ nó làm thêm, làm mướn phụ vào”.
Lương thấp nhưng trọng trách lại không hề nhỏ. Trung bình, mỗi người phải gánh trên mình trách nhiệm bảo vệ diện tích 800ha rừng. Tôi cố hỏi lại cho chính xác con số khổng lồ này thì được cậu Vĩnh giải thích bằng một phép tính: Diện tích rừng phòng hộ sông Chàng là 8.250ha, trừ một phần diện tích giao khoán cho công nhân viên chức; một phần giao khoán cho người dân theo đồ án của tỉnh thì diện tích còn lại 16 anh em phải gánh.
Trung bình mỗi ngày, để tuần tra kiểm soát rừng, các anh phải vượt đèo lội suối hàng chục kilomet, khởi hành từ tờ mờ sáng cho tới tận chiều tối mới trở về.
Nói đến đây, cậu Vĩnh nghiêm nghị: “Nếu để xảy ra tình trạng mất rừng, lâm tặc khai thác rừng thì hình thức kỷ luật là rất cao. Nhẹ thì thuyên chuyển công tác, nghiêm trọng thì buộc thôi việc, cốt yếu những người bảo vệ rừng phải có tình yêu đối với rừng, từ tình yêu rừng sẽ có trách nhiệm với rừng…, rừng còn thì mình còn”.
Lương thấp, trách nhiệm cao, cuộc sống của những người giữ rừng như cậu Vĩnh còn gặp vô vàn những khó khăn thiếu thốn khác, mà nói vui như các anh là phải “biến mình thành người rừng” mới sống được. Ngoài cái điện, cái nước, cái sóng điện thoại - 3 không có - ra, anh em bảo vệ rừng còn cả trăm cái không, cái thiếu khác, trong đó vấn đề y tế là quan trọng nhất.
Sau một hồi trò chuyện, lúc này trời đã nhá nhem, ở trong rừng nên cái tối đến nhanh hơn. Chiếc bình sạc pin năng lượng mặt trời hôm nay lại mắc bệnh kinh niên không phát huy hiệu quả. Để có ánh sáng, các anh lại thắp lên cây đèn cầy với thứ ánh sáng leo lét quen thuộc. Bữa cơm chiều chỉ còn chờ một vài đồng chí đi rừng về nữa là đông vui. Cậu Vĩnh nói: “Mọi người hôm nay vào rất đúng dịp, vừa may một số anh em lội suối bắt được ít cá, ít ghẹ hồi chiều, nay chúng ta có bữa tiệc to!”.
Trong câu chuyện lúc chờ cơm, chúng tôi còn biết được chuyện học ăn, học nói, học đi của các anh, nghe cứ như đùa nhưng lại là sự thực. Anh Phạm Văn Lành (huyện Hoằng Hoá, người mới lên) nhanh nhảu: “Học ăn - tức ăn những sản vật từ rừng như rau, củ, quả cho đến con cá, con sâu, con ve sầu, ếch, nhái, ễnh; học nói - tức nói chuyện bằng tiếng dân tộc với bà con, để tuyên truyền người dân bảo vệ rừng; học đi - tức là học cách đi đường rừng, leo núi, leo đồi”…
Vất vả là thế, nhưng đặc thù công việc, mỗi tháng anh em chỉ được nghỉ 1 lần phép 4 ngày để về với vợ con. Tuỳ từng thời điểm, nếu vào mùa cao điểm cháy rừng thì số ngày nghỉ cũng ít hơn, thậm chí nhiều anh em không về phép ở lại bảo vệ rừng.
“Ở đây, tình trạng bà con đốt nương làm rẫy phổ biến, nếu không cẩn trọng thì hàng chục hécta rừng có thể bị thiêu rụi trong nháy mắt”, cậu Vĩnh cho biết.
Dịp gần tết cũng vậy, trong khi mọi người đang tất bật mua sắm chuẩn bị ăn tết thì các anh em lại phải “ăn nằm ở lì” trong rừng để bảo vệ. Chúng tôi tỏ vẻ khó hiểu thì Mấm (người huyện Thiệu Hoá, cũng là một người vừa mới lên) chen lời lý giải: “Do đời sống của bà con dân tộc trên này còn nghèo khó, tư tưởng sống phụ thuộc vào rừng vẫn còn ăn sâu trong một bộ phận người dân. Dịp gần tết, để có thêm thu nhập nhiều người dân đã tự biến mình thành lâm tặc vào rừng đốn gỗ, không bảo vệ thì… chết!”.
Nói rồi, mọi người chỉ tay về phía anh Triệu Văn Hùng (huyện Hoằng Hoá) tỏ vẻ ganh tỵ, thì ra Hùng được xem là may mắn, khôn ngoan khi biết được chủ trương chính sách của tỉnh xây dựng “Làng thanh niên lập nghiệp” cho các đối tượng hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn lên đây lập nghiệp, Hùng làm đơn và có một xuất nhà, đất ngay trên này (cách không xa so với trạm Đá Chai nơi lão đóng chốt). Bây giờ, thỉnh thoảng anh đưa vợ con lên làm nương rẫy, gieo sắn, trồng khoai…
Vì ở gần vợ nên Hùng hơn mọi người ở chỗ “thường xuyên được ngủ với vợ”. Trong khi đó, câu chuyện cười ra nước mắt của các anh em trong những lần cắt phép về thăm vợ, thăm con, muốn ngủ với vợ với con phải thông báo với địa phương. Trước đó vì đặc thù công việc mà các anh phải chuyển khẩu lên trên này, ở nhà vợ là chủ hộ, phải làm đăng ký tạm trú mới được ngủ, mới đúng luật.
20h tối nhưng cảm giác như đã khuya lắm. Một số anh em tuần tra trở về, bữa tiệc chờ đợi mà cậu Vĩnh nói cũng được bày biện ra trước sự nghẹn ngào của chúng tôi. Con cua mà cậu gọi là ghẹ cho sang miệng vốn là con cua bắt dưới suối to như ngón tay cái, còn con cá thì đúng bằng con nòng nọc, cùng một ít rau rừng, cá muối mặn…
Bên những chén rượu ấm tình, chúng tôi tiếp tục nghe cậu Vĩnh và các anh em khác kể về những lần giáp mặt chiến đấu với kẻ thù. Chuyện các anh em bị ghì súng, kè dao, đe doạ, khủng bố… là thường xuyên. Cậu Vĩnh cho biết, những nơi có địa hình xa xôi cách trở như tiểu khu 635, 624, hay những vùng giáp danh với tỉnh Nghệ An còn giàu tài nguyên rừng là khu vực thường xuyên xuất hiện lâm tặc và khó kiểm soát.
Các đối tượng khai thác gỗ thường hoạt động đêm khuya, khi phát hiện mà số lượng đông hơn mình thì phải tiến hành mật phục theo dõi, đồng thời báo về đội để tổ chức phối hợp vây bắt.
Còn những lần giáp mặt trực tiếp với kẻ thù, chưa kịp thông tin phối hợp thì mình xử lý như thế nào? Cậu Vĩnh vỗ tay xuống bàn nói: “Phải trực tiếp chiến đấu chứ sao!”.
Theo cậu Vĩnh, để vận chuyển được gỗ ra ngoài rừng các đối tượng phải mất một quá trình, sau khi dùng cưa máy cắt gỗ, chúng phải phân đoạn thành nhiều khối, sau đó dùng sức kéo của trâu đưa gỗ ra ngoài. Đó là cơ hội để anh em có thời gian tổ chức phối hợp, vây bắt. “Vậy trang bị của các anh em bảo vệ rừng gồm những gì”, chúng tôi lại hỏi. Cậu Vĩnh thở dài chỉ tay vào một bình xịt hơi cay, một dùi cui điện, một còng số 8…, và đó là tất cả.
Cậu Vĩnh nhớ lại lần giáp mặt với lâm tặc năm 2002, vụ án sau đó được đưa ra khởi tố. Sau khi vây bắt, thu lại số gỗ mà lâm tặc chặt phá, các đối tượng này đã tập hợp với số lượng đông gấp đôi so với lực lượng của ta (khoảng 40 người) cướp lại những gì chúng ta đã thu giữ. Lần đó, phía ta có 3 đồng chí bị thương, trong đó có anh Tao (nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng).
Còn anh Triệu Văn Hùng, khi nhắc lại phút giây bị các đối tượng ghì dao vào cổ năm 2009, vẫn chưa hết bàng hoàng. Lúc đó, anh đi cùng với hai đồng chí của đội tuần tra, đi đến khu vực giáp ranh với tỉnh Nghệ An thì phát hiện 4 đối tượng đã đốn hạ 5 cây gỗ lớn. Do yêu cầu cấp bách, anh Hùng cùng hai đồng chí khác quyết tìm cách khống chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, các đối tượng liều lĩnh, bất chấp để chống trả, sau khi khống chế anh Hùng bằng một con dao dài 80cm, chúng yêu cầu nếu không để chúng thoát thân thì chúng sẽ giết. Khi ấy các anh buộc phải rút, sau đó báo lại cơ quan…
Chia sẻ về đời sống của các anh em giữ rừng, ông Hàn Văn Huyền - Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng - bộc bạch: Đời sống của các anh em trên này xét về khó khăn thì không biết nói thế nào cho hết. “Ngày trước, khi chưa có chủ trương đóng cửa rừng, mỗi năm ban quản lý được phép khai thác giá trị kinh tế của 800 đến 1.000m3 gỗ (chủ yếu là gỗ tạp) còn có thêm thu nhập cho anh em. Thế nhưng kể từ năm 2013 trở lại đây, sau khi có chủ trương đóng cửa rừng thì nguồn thu trên không còn. Những mong đời sống của các anh em rồi đây sẽ sớm được cải thiện từ những chính sách phát triển rừng của Nhà nước”, ông Huyền mong mỏi. (Lao Động 27/9) đầu trang(
Sau ngày bi thảm chứng kiến cái chết của hai mẹ con tê giác và một thai nhi, ngày hôm sau chúng tôi đến thăm trại nuôi dưỡng cứu hộ tê giác trong rừng Kruger.
Dạo quanh khu chuồng nuôi cùng giáo sư tiến sĩ Marcus Hafmeyr, chúng tôi được biết các em bé tê giác bơ vơ vì mất mẹ mà vẫn còn tuổi bú sữa được chuyển về đây, cho bú sữa bình và được nhốt cùng một chuồng với một tê giác cái trưởng thành.
Quanh các chuồng đều có camera để các bác sĩ ngày đêm theo dõi được mọi hành vi của các tê giác, xác định được mức độ thích nghi của từng con.
Có cả loa phát nhạc nhè nhẹ để tránh cho các tê giác mới đến không nghe thấy tiếng người xào xạc xung quanh...
Những trường hợp khó khăn nhất là khi mang về một tê giác mới bị cắt sừng, còn sống sót, họ phải khám nghiệm và quyết định có thể cứu chữa được không, hay phải bắn chết để tê giác không phải chịu đau đớn quá lâu.
Cũng có những tê giác khỏe mạnh ở những vùng mật độ săn bắn dày đặc quá, được bắt về những vùng được cho là ít nguy hiểm hơn.
Ấy là trường hợp của em Rudy mà chúng tôi được gặp, được sờ lên sừng, sờ lên làn da tưởng là sù sì cứng ráp mà hoá ra lại mềm mại như là một lớp nỉ dày!
Nhìn Rudy chầm chậm ăn mớ cỏ khô cô Milanda cho (người chăm sóc em mỗi ngày) tôi không khỏi xót xa.
To lớn là thế, hùng dũng là thế, mà ở ngay trong nhà của mình, nơi thượng đế ban cho cuộc sống, bất cứ lúc nào cũng có thể bị kết liễu cuộc đời bằng một viên đạn...
Tại khu rừng Kruger, bên cạnh biết bao người lính tình nguyện cầm súng vào rừng với mạng sống của chính mình bị đe doạ, là những giáo sư, bác sĩ, những người mang hết khả năng, kiến thức và tình yêu để cứu hộ, quyết bảo vệ loài tê giác đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Họ chuyển cả gia đình vào rừng, sống sát khu chuồng nuôi dưỡng, dồn toàn bộ tâm huyết cho nơi đây.
Trước khi chia tay, giáo sư bắt tay chúng tôi và nói: “Chúng tôi làm hết sức mình tại đây, nhưng nhu cầu tiêu thụ từ đất nước các bạn mới là nguồn gốc chính dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của những con tê giác tội nghiệp này! Hãy làm gì cần để dừng hẳn việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác!”.
Ở những nơi từng tiêu thụ sừng tê giác nhiều như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong, nay nạn buôn bán và sử dụng sừng tê giác đã hoàn toàn chấm dứt do chính phủ đã công bố những nghiên cứu khoa học cho thấy sừng tê giác có thành phần cấu tạo giống như móng tay người, không hề có tác dụng y khoa gì.
Họ cũng loại bỏ sừng tê giác ra khỏi danh sách các công thức thuốc gia truyền, đồng thời phát động phong trào ngăn ngừa nhu cầu tiêu thụ. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện tại Việt Nam.
Tôi có hai con nhỏ Tôm và Tép. Khi được hỏi: “Con người nước nào?”, các cháu đáp: “Con người Việt Nam!”. Tôi tiếc cho những con người Việt Nam bé nhỏ này sẽ không bao giờ còn thấy tê giác trong tự nhiên trên đất nước của mình (tê giác cuối cùng đã bị giết vào năm 2010).
Hi vọng khi lớn lên, chúng không phải ngậm ngùi khi tên Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước có nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác trên thế giới, dẫn đến sự tuyệt chủng hoàn toàn của loài động vật hoang dã quý hiếm này!
Chúng tôi nán lại với những chú tê giác đang được chăm sóc, đang được an toàn, mà không biết số phận chúng sẽ ra sao sau khi được thả lại cuộc sống hoang dã vốn là môi trường sống thượng đế ban cho chúng.
Tương lai của chúng nằm trong tay loài động vật tiến hóa nhất, nhân bản nhất, văn hóa nhất: con người! (Tuổi Trẻ 26/9) đầu trang(
Đây là nội dung thỏa thuận hợp tác vừa được Trung ương Hội Đông y Việt Nam ký kết với Tổ chức Động vật châu Á tại Hà Nội.
Theo thống kê năm 2011 của Tổ chức Động vật châu Á, có 40% trong tổng số hơn 60.000 thầy thuốc Việt Nam thừa nhận có kê đơn sử dụng mật gấu để chữa bệnh. Việc lạm dụng mật gấu để chữa bệnh theo quan niệm của Đông y từ xa xưa đã khiến hàng nghìn cá thể gấu bị giết và nuôi nhốt trái phép trong hơn 10 năm qua. Loài gấu đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng khi chỉ còn vài trăm cá thể ngoài tự nhiên ở Việt Nam.
Tiến sỹ Jill Robinson, Sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức Động vật châu Á khuyến cáo: “Việc sử dụng mật gấu không chỉ làm hại loài động vật hoang dã quý hiếm mà Việt Nam đã ký tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp - CITES, mà còn có thể làm hại chính sức khỏe con người”.
Để bảo tồn loài gấu tại Việt Nam, Trung ương Hội Đông y và Tổ chức Động vật châu Á đã ký kết hợp tác, hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn sử dụng mật gấu để chữa bệnh tại Việt Nam từ nay tới năm 2020, qua đó nhằm bảo tồn loài gấu đang đứng có nguy cơ bị tuyệt diệt trong tương lai.
Tiến sỹ Jill Robinson cho biết: “Tôi rất mừng nhận thấy sự tham gia nghiêm túc của các thầy thuốc Đông y trong việc chấm dứt sử dụng mật gấu. Nhờ có sự chấm dứt nhu cầu sử dụng mật gấu, chúng tôi có thêm động lực để tiến tới chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam”.
Để hướng tới mục tiêu này, các thầy thuốc của Hội đã nghiên cứu và đưa ra 32 cây thuốc, vị thuốc của Việt Nam có tác dụng thay thế mật gấu trong việc chữa bệnh cho con người. Đây là các loại thuốc có tác dụng cao trong việc điều trị các bệnh như viêm khớp, hoạt huyết tiêu viêm, an thần. (Đài Truyền Hình Việt Nam 27/9) đầu trang(
Từ những “mật mã” riêng biệt, ông đã gọi chim trời lũ lượt kéo về làm tổ trong những thế giới yên bình trải rộng khắp miền Tây.
Người ta nói ông là “tri kỷ” của chim trời với phần lớn đời người gắn bó với loài chim. Tận tay ông đã tạo ra hàng loạt vườn chim nổi tiếng ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Người ta gọi ông là “sư phụ” của các loài chim, yêu chim trời như thành viên trong gia đình và ngược lại, những cánh chim hoang cũng gửi trọn “niềm tin” cho ông. Làm được như điều Hai Cương (Lê Danh Cương, 56 tuổi, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã làm, có lẽ chẳng được mấy người.
Một ngày giữa tháng 9, tranh thủ những ngày cuối tuần được nghỉ, Hai Cương đến khu du lịch Vinh Sang (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) để giúp khu du lịch “tập huấn” lũ bồ câu đi theo cô dâu chú rể trong các đám cưới sao cho ngay hàng thẳng lối.
Hơn sáu năm trước, Hai Cương được mời về đây để “kéo” lũ chim về sống trong khu đất khoảng 1.000m2.
Mà lạ, nơi du khách nườm nượp nhưng đám chim mà Hai Cương kéo về vẫn cứ ung dung trong thế giới riêng của chúng. Chúng cứ đi đi về về và tự tin như được “bảo kê” bởi một thế lực nào ghê gớm lắm. Nói đến đây, Hai Cương cười xòa: “Làm cho chim tin là điều khó nhất”.
Vừa bước chân đến khu du lịch, ông đã được anh Phạm Minh Út - cán bộ phụ trách động vật hoang dã ở đây - đón tiếp và với cách gọi “sư phụ” như mọi khi, anh Út khoe với chúng tôi: “Sư phụ đã dụ chim thì chim không về mới lạ”.
Anh Út nhớ lại những năm 2008 anh và ông chủ khu du lịch xuống lâm viên Cà Mau nơi ông Hai Cương công tác để chia một số loài chim về thuần dưỡng trong lồng tại khu du lịch phục vụ du khách.
Những lần “áp tải” chim về khu du lịch, ông Cương thấy việc nuôi chim lồng là không thích hợp trong khi nơi đây hoàn toàn có thể gầy dựng được một vườn chim bán tự nhiên và chỉ hẳn cho chủ khu du lịch nơi có thể làm vườn chim được là các ao có sẵn nằm ven sông Tiền.
Thấy có lý, chủ khu du lịch gật đầu nhưng Hai Cương vẫn thấy khó bởi những bất lợi của nơi này như diện tích nhỏ (chỉ khoảng 1.000m2) lại nằm trong khu vực ít chim trời sinh sống.
Nhưng điều Hai Cương lo ngại nhất là khách du lịch đến nườm nượp thì chim sẽ nhát, khó về đây như những nơi khác. Nghĩ vậy nhưng bắt gặp người tâm đắc với chim trời, coi trọng chim trời, tạo dựng thế giới yên bình cho chim thì ít khi ông từ chối.
Thế là với ao sẵn có, ông đã kết một số bè nổi rồi trồng cây kiểng trên đó để tạo môi trường tự nhiên cho các loài chim. Với đàn chim mồi ban đầu, làm sao để chúng rủ rê được các loài chim trời về đây thì phải mất tới khoảng ba năm.
Khi chim cò kéo về đông, ông bỏ hẳn những chiếc bè nhân tạo mà đưa đất vào làm những hòn đảo giữa ao để trồng cây cho chim về trú ngụ. Và sau ba năm, lượng chim hiện có đến hàng ngàn con đủ loại gồm còng cọc, cò, giang sen, diệc... đó là một kỳ tích.
Khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng vì giữa khu du lịch mà chim trời cứ bay lượn, chúng kêu hót, trò chuyện với nhau như trong rừng.
Năm 1977 khi chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra ác liệt, người thiếu niên 17 tuổi Lê Danh Cương đã tình nguyện đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Vốn thích võ vật ngay từ nhỏ nên khi tham gia bộ đội, Cương không hề có sở thích đối với động vật hoang dã.
Thế nhưng khi chiến tranh kết thúc, khoảng năm 1982 Hai Cương chuyển ngành về công tác tại Nông trường dược liệu Minh Hải (tỉnh Minh Hải, nay thuộc tỉnh Cà Mau), anh lại làm quen, tìm tòi và nghiên cứu nghề ấp cá sấu, ấp trăn và chăm sóc các loài khác như khỉ, chim ở đây...
Cũng may lúc đó lãnh đạo nông trường bật ra ý tưởng làm vườn chim để Hai Cương cùng một số đồng sự được chọn bắt tay vào thực hiện.
Để dụ được chim trời về đương nhiên phải có chim mồi nhưng lúc đầu đưa ra bao nhiêu chim mồi đều bị chết bởi chưa có kinh nghiệm, do Hai Cương và đồng sự chọn chim non vốn quen với việc chim mẹ đút ăn và thức ăn cho chim mồi lại là thức ăn đã qua ướp đá.
Có làm mới có kinh nghiệm nên sau đó Hai Cương và đồng sự chọn chim trưởng thành làm chim mồi cũng như cho ăn cá sống, thậm chí bỏ công tạo những chiếc khay lớn rồi bỏ cá vào đó cho chim tự ăn như kiểu chúng săn mồi ngoài môi trường tự nhiên.
Rồi chim mồi lớn lên, đẻ con, bay đi tìm thức ăn và đây là nhân tố dụ các loài chim khác về nơi ở hằng ngày của chúng.
Đương nhiên không chỉ có thế là có thể dụ được chim trời về vườn ngày một đông mà phải thông qua cách “xử lý kỹ thuật” bằng việc cắt một chút ở chót cánh chim mồi để chim không bay xa được.
Đây chỉ là động tác kỹ thuật với chim mồi “đời đầu”, chừng hai ba năm khi thế hệ chim sinh sau đã quen với môi trường thì không bị xử lý chót cánh nữa, mà được tự do bay đi ở môi trường tự nhiên để rủ rê chim hoang về nhập bọn.
Nhưng dù có được chim mồi rủ rê thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng hơn cả là nơi sống của chim mồi phải tạo được nguồn nước tự nhiên, thức ăn dồi dào và trồng các loại cây thích hợp thì mới hấp dẫn chim hoang.
Khi đi một vòng quanh vườn chim Bạc Liêu, chúng tôi hỏi Hai Cương có ma lực gì để có thể dụ được chim trời giỏi như vậy, anh chỉ cười khì: “Không có ma lực nào cả mà chỉ là sự cần cù thôi. Mình phải theo dõi chim hằng ngày, để ý và biết điều chỉnh theo ý chim, tập cho chúng quen với giờ giấc ăn, quen với tiếng mình kêu. Mình đối xử tốt với nó thì nó không bao giờ bỏ đi đâu”.
Hôm xong việc ở Vĩnh Long, chúng tôi lại theo Hai Cương chạy về Hậu Giang, nơi ông được một chủ khu du lịch khác thuê để gây dựng một vườn chim tự nhiên.
Có thể nói ông khá đắt “sô” và điều đó làm ông vui. Ông vui không phải được nhiều tiền trả công, mà vì càng nhiều nơi làm vườn chim thì lũ chim trời của ông sẽ có thêm nhiều nơi để dung thân, không sợ bẫy, lưới, thuốc... rình rập.
Và cũng nhờ có ông mà nhiều vườn chim, một nét đặc trưng của thiên nhiên miền Tây, đang được khôi phục. (Tuổi Trẻ 27/9) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Những người trồng rừng, hoặc vận chuyển lâm sản khi đi qua các tuyến đường ở xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đều phải nộp phí mượn đường. Loại phí vô lý này đã tồn tại mấy năm nay ở xã miền núi khó khăn này.
Theo người dân, mỗi chuyến xe vận chuyển lâm sản qua các trục đường trên địa bàn xã Thạch Xuân phải đóng cho UBND xã 200 nghìn đồng, số tiền này được xã ghi là phí “mượn đường vận chuyển lâm sản”.
Ông Hồ Sỹ Chửng (xóm Đông Sơn, xã Thạch Xuân) cho biết: Ngày 1/7/2015, ông Chửng làm thủ tục xin thu hoạch gỗ keo (rừng trồng phòng hộ) tại vùng rừng Trúm Vó và Khe Chẹt thuộc tiểu khu 297, xã Thạch Xuân, được UBND đồng ý. Do đoạn đường qua xã Bắc Sơn (Thạch Hà) về nhà ông Chửng gần hơn nhưng đang làm khó đi nên ông chọn tuyến đường đi qua xã Thạch Xuân để chuyển keo về cho an toàn.
Từ ngày 1/7/2015 đến 18/8/2015 ông Chửng thuê người vận chuyển keo. Tuy nhiên, “chuyến xe nào đi qua cũng bị làm khó dễ, tôi phải đi tìm gặp cán bộ xã xin thì mới được qua. Sau đó tôi lên gặp anh kế toán của xã thì được thông báo lại là mỗi chuyến xe phải nộp 200 nghìn đồng. Tôi thấy rất bức xúc vì gia đình tôi đã đóng các loại thuế đầy đủ, giờ khai thác keo mà cũng phải nộp phí tiền đường như thế”- ông Chửng nói.
Khi thu phí “mượn đường vận chuyển lâm sản” và “khai thác lâm sản”, UBND xã Thạch Xuân giao cho người nộp một cái phiếu có con dấu của UBND xã và chữ ký của Chủ tịch UBND xã, kế toán, thủ quỹ. Trong phiếu mà ông Chửng đưa cho phóng viên xem thì ông phải nộp 1.000.000 đồng/5 chuyến, mỗi chuyến 200.000 đồng tiền “mượn đường vận chuyển lâm sản”. Còn chị Phạm Thị Tuyết (xóm 7 xã Bắc Sơn, Thạch Hà) vào ngày 9/7/2015 cũng phải nộp cho xã Thạch Xuân 1.000.000 đồng tiền “khai thác lâm sản”.
Khi chúng tôi đem những bức xúc của người dân lên hỏi chính quyền xã thì được ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân giới thiệu đến làm việc với bà Bùi Thị Dung, nhân viên kế toán. Bà Dung cho biết: Loại phí này là quy định của xã và đã được thực hiện từ trước đó mấy năm.
“Phí này thu dựa trên diện tích rừng trồng của các hộ dân, thu cao nhất là một triệu đồng, hộ ít hơn thì thu từ bốn trăm đến năm trăm nghìn” - bà Dung nói. Khi được hỏi thu phí theo quy định nào, bà Dung nói: “Vì mới nhận việc nên tôi cũng chưa nắm rõ?”. Ngoài ra, theo những chứng từ mà bà Dung cung cấp thì xã Thạch Xuân không chỉ thu của người dân trong xã mà có cả những người dân ở xã khác khi vận chuyển gỗ qua địa bàn đều phải đóng phí.
Việc khuyến khích người dân trồng rừng, khai thác, phát triển các nguồn lợi từ rừng là một chủ trương đúng đắn, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, xã Thạch Xuân lại lợi dụng việc này để “vẽ” ra những loại phí vô lý gây bất bình trong dân là khó chấp nhận.
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Tiến Đạt - Chánh văn phòng UBND huyện Thạch Hà, cho biết: “Xã thu phí như vậy là chưa đúng quy định. Việc thu phí đường bộ thì chỉ có các cấp có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên mới được phép thu. Văn phòng sẽ tham mưu lãnh đạo UBND huyện để tiến hành kiểm tra, xác minh rõ sự việc”. Ông Đạt cũng cho biết thêm, Hội đồng nhân dân huyện và các ngành chức năng có chuyên đề giám sát vấn đề này. Vào kỳ họp cuối năm 2015 sẽ báo cáo trước Hội đồng và thông báo công khai cho người dân biết. (Đại Đoàn Kết 28/9) đầu trang(
Nhiều nông, lâm trường từng là “địa chỉ đỏ”, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng giờ chỉ còn lại mỗi cái tên. Có những nông, lâm trường đã bán hết đất đai, người dân nhận đất giao khoán cũng bán hết đất. Khi hết đất, họ lại đi phá rừng làm nương rẫy.
Theo kết quả giám sát 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh vừa được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tính đến cuối năm 2014, các nông, lâm trường quản lý, sử dụng đất đai dưới hình thức tự tổ chức sản xuất và giao khoán 7.431.820 ha; liên doanh, liên kết 42.510 ha; góp vốn để sản xuất, kinh doanh 508 ha; cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái pháp luật 14.629 ha; bị lấn chiếm, tranh chấp, chồng lấn chưa giải quyết xong 78.486 ha; chưa sử dụng, sử dụng, sử dụng vào các mục đích khác 428.515 ha.
“Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, trong thời gian dài và nhiều vụ việc lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật diễn biến phức tạp”, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết và thông tin thêm, tình hình vi phạm chính sách đất đai diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.
“Hiện cả nước có 54 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai, trong đó diện tích có tranh chấp 18.315 ha; 76 đơn vị xảy ra tình trạng lấn chiếm, với diện tích 59.668 ha; 34 đơn vị đang cho mượn, chuyển nhượng đất, với diện tích 5.034 ha; 6 đơn vị đang cho thuê lại đất với diện tích 8.764 ha”, ông Phước cho biết thêm.
Còn về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Phước cho biết, tổng giá trị tài sản của các công ty nông nghiệp là 39.773 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.170 tỷ đồng (trong đó, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VNR) là 32.326 tỷ đồng và 17.607 tỷ đồng). Trong 10 năm qua, các công ty nông nghiệp nộp ngân sách nhà nước 1.533 tỷ đồng, thu được lợi nhuận 3.701 tỷ đồng, trong đó, VNR nộp ngân sách nhà nước 1.308 tỷ đồng, thu được lợi nhuận 3.371 tỷ đồng. Như vậy, nếu không tính VNR, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty nông nghiệp gần như là con số không.
Còn đối với công ty lâm nghiệp, trong 10 năm vừa qua, doanh thu bình quân chỉ đạt 17,2 tỷ đồng/đơn vị; lợi nhuận bình quân đạt 1,86 tỷ đồng/đơn vị. “Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty lâm nghiệp tiếp tục có sự biến động và nhiều công ty hoạt động ngày càng khó khăn hơn”, ông Phước cho biết.
“Bình quân mỗi năm, các nông, lâm trường đang quản lý hàng triệu héc-ta đất, nhưng chỉ nộp ngân sách nhà nước 180 tỷ đồng, không bằng số nộp ngân sách của một doanh nghiệp cỡ vừa. Còn nếu chia ra, quản lý, sử dụng 1 héc-ta đất, các nông, lâm trường nộp ngân sách 90.000 đồng/năm, chỉ bằng yến gạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh yếu kém như vậy thì nên đặt vấn đề tiếp tục giao đất cho nông, lâm trường quản lý, sử dụng hay giao trực tiếp cho người dân”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
Là người từng có nhiều năm làm quản lý nông, lâm trường quốc doanh tại Yên Bái, ông Hiển thẳng thắn chỉ ra rằng, trước đây, Nhà nước quản lý rất chặt chẽ và trên thực tế, nông lâm trường đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, giải quyết việc làm không chỉ cho người dân địa phương và người dân các nơi khác di cư đến.
“Nhưng kể từ khi đất đai được quản lý theo Luật Đất đai năm 1987, sau đó là Luật Đất đai năm 2003, việc quản lý nông, lâm trường bị buông lỏng. Hậu quả là, không chỉ hiệu quả sản xuất, kinh doanh vô cùng thấp, mà đã xảy ra tiêu cực, như đất đai công thổ bị lấn chiếm, mua bán trái phép, nhiều nông trường không làm gì ngoài việc “phát canh thu tô” diện tích đất đai được Nhà nước giao quản lý, sử dụng”, ông Hiển bức xúc.
Bộ Quốc phòng là cơ quan có khá nhiều nông, lâm trường quốc doanh. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, trong thời kỳ chiến tranh và sau giải phóng, rất nhiều nông, lâm trường thuộc Bộ Quốc phòng đã đóng góp rất lớn trong việc tạo việc làm, thu nhập cho người lính sau khi giải ngũ và bà con dân tộc thiểu số tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nhưng sau khi bắt đầu chuyển đổi, hoạt động sản xuất, kinh doanh lao dốc và đến bây giờ thì: “Nhiều nông, lâm trường đã bán hết đất đai rồi. Người dân nhận đất giao khoán cũng bán hết rồi. Bán hết đất đai, người dân lại đi phá rừng làm nương rẫy”, ông Sơn nói.
Chỉ ra nhiều nông, lâm trường đã từng là “địa chỉ đỏ”, đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ…, nhưng bây giờ, chỉ còn tồn tại mỗi cái tên và “quá khứ hào hùng”, ông Sơn cho rằng, phải thay đổi mạnh mẽ phương thức quản lý, quản trị đối với nông, lâm trường quốc doanh.
“Tất cả nông, lâm trường phải chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, phải tự chủ hoàn toàn, phải đóng góp bình đẳng vào ngân sách nhà nước như các thành phần kinh tế khác. Đơn vị nào không chịu được thì giải thể, giải tán, giao đất trực tiếp cho người dân có nhu cầu”, ông Sơn đề xuất và cho rằng, nếu không đổi mới ngay, hàng triệu héc-ta đất đai tiếp tục bị nông, lâm trường “tư nhân hóa”, cho thuê, “phát canh thu tô”. (Đầu Tư 27/9) đầu trang(
Theo Sở NN&PTNT, từ đầu tháng 9 đến nay, thời tiết thuận lợi, có mưa vào buổi chiều và ban đêm, người dân trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý thực bì, cuốc hố, trồng được 1.500ha rừng phòng hộ, rừng trồng. Trong đó, huyện Vân Canh trồng được 300ha, An Lão 300ha, Vĩnh Thạnh 200ha, Hoài Ân 180ha, Hoài Nhơn 160ha, Phù Mỹ 150ha…
Theo kế hoạch, trong vụ trồng rừng Thu Đông năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới trên 10.000 ha rừng kinh tế và trên 1.000 ha rừng phòng hộ. Để phục vụ trồng rừng, các cơ sở sản xuất giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm được 210 triệu cây con giống; gồm keo lai, sao đen, bạch đàn, thông Cariber, đáp ứng đủ nhu cầu trồng rừng trên toàn tỉnh. (Báo Bình Định 26/9) đầu trang(
Chiều 25/9, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, Sở Công thương, Cục thuế tỉnh đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp về kiểm tra, giám sát bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trong thực hiện chính sách cho trả dịch vụ môi trường rừng.
Theo đó, các bên thông báo, cung cấp, trao đổi thông tin về chế độ chính sách mới liên quan; về tình hình ký kết hợp đồng ủy thác chi trả, đăng ký kế hoạch nộp tiền chi trả hàng năm, kê khai và nộp tiền dịch vụ môi trường rừng hàng quý theo quy định. Quy chế phối hợp giữa các bên nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, hiệu quả trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Tỉnh Gia Lai 26/9) đầu trang(
Người K’ho ở xã Tam Bố, huyện Di Linh, Lâm Đồng đang thiếu đất sản xuất để mưu sinh. Trong khi, một số công ty lâm nghiệp ở đây lại “ôm” phần lớn đất rừng nhưng không đem lại hiệu quả...
Gia đình bà Ka Đẻo ở thôn 5 xã Tam Bố, huyện Di Linh có 14 khẩu nhưng chỉ có 5 sào đất nông nghiệp trồng cà phê. Để nuôi sống chừng ấy miệng ăn, không còn cách nào khác gia đình bà đành phải lấn chiếm thêm 5 sào đất rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tam Hiệp (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp). Cách nhà bà Ka Đẻo không xa, gia đình ông K’Brel mấy năm qua cũng đã lấn chiếm của công ty này gần 1 mẫu đất.
Ông K’Brel bảo: “Biết lấn chiếm đất rừng của lâm trường là sai nhưng không còn cách nào khác, hơn 5 sào đất được xã chia cho hơn 30 năm qua đã không còn nuôi đủ số nhân khẩu ngày càng tăng (hiện tại 7 người) của gia đình”.
Đặc biệt ở thôn 4 và thôn 5 của xã, nơi có đa số người dân tộc K’ho sinh sống, hầu như gia đình nào cũng phải lấn chiếm trái phép đất rừng. Ông K’Brưi – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 4 cho biết, nhiều gia đình ở đây đã bị công ty phạt, thu hồi diện tích đất lấn chiếm, nhưng thu hồi chỗ này thì họ lấn chiếm khai hoang chỗ khác.
Ông Đào Văn Vị - Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Bố cho biết: “Tuy xã có diện tích đất tự nhiên lớn nhất huyện với 27.690ha nhưng trong đó hơn 25.000ha là lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp. Trong khi, xã có 1.700 hộ với hơn 7.000 khẩu mà chỉ có hơn 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp nên người dân thiếu trầm trọng đất sản xuất”.
Trong khi người K’ho ở xã Tam Bố đangthiếu đất sản xuất thì Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp lại đang “ôm” tới 25.000ha. Tuy nhiên, theo thừa nhận của lãnh đạo công ty, hiện trong hàng chục ngàn ha chỉ đạt khoảng 50% diện tích che phủ rừng, có 3.000ha đã bị người dân xâm chiếm trồng cà phê từ nhiều năm qua.
Theo ông Trần Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp, những năm qua, công ty đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, xử phạt hành chính và đặc biệt là giao khoán rừng cho các hộ dân. Đến nay có 150 hộ dân được nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích 3.000ha. Nhưng với mức tiền công bảo vệ rừng quá thấp (200.000 đồng/ha), tính ra mỗi hộ nhận bảo vệ 20ha thì cũng chỉ nhận được 4 triệu đồng/năm.
“Trong đề án đổi mới sắp tới, công ty sẽ đề nghị chuyển hẳn sang mô hình hoạt động công ích. Theo đó, công ty sẽ cắt 3.000ha đất đã lấn chiếm giao về cho địa phương để cấp bìa đỏ cho người dân sử dụng lâu dài; diện tích còn lại sẽ giao khoán dần cho người dân chăm sóc bảo vệ. Nếu được như vậy, một phần sẽ giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, mặt khác giúp công ty và địa phương phục hồi và bảo vệ được rừng, mang lại sinh kế lâu dài cho người dân” – ông Tuấn chia sẻ. (Dân Việt 26/9) đầu trang(
Lang thang trong rừng ngập mặn Đồng Rui rộng gần 2.800 ha, khi thì bằng thuyền mủng, khi lội bộ…, với biết bao điều thú vị dưới tán rừng đước, trang, sút, vẹt… thật là một trải nghiệm tuyệt vời. Đây là rừng ngập mặn thuộc diện đẹp nhất Quảng Ninh, với những loại cây cổ thụ hàng trăm tuổi.
Rừng ngập mặn Đồng Rui, thuộc xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh nằm trên QL 18, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 60 km.
Rừng nằm ở vị trí giáp ranh giữa TP.Cẩm Phả, huyện Tiên Yên và huyện Ba Chẽ và ở cửa sông Ba Chẽ.
Rừng được phân bố phân tầng rõ rệt, với các loại cây ngập mặn, như sú, vẹt, đước, trang, mắm, ráng…Trong đó, rừng tự nhiên – khoảng 2.400 ha – có từ rất lâu đời, theo người dân, cây đước và vẹt trên cả trăm năm tuổi. Diện tích rừng trồng những năm gần đây cũng tăng mạnh, nhờ sự vào cuộc của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và chính quyền, nhân dân địa phương.
Bao đời nay, rừng là hệ thống phòng thủ bảo vệ người dân trước mọi sóng to, gió lớn từ biển cả; là nơi cung cấp nguồn thủy hải sản vô cùng phong phú, đa dạng cho người dân.
Dưới tán lá rừng là vô số các loại hải sản, như tôm, cá, nhuyễn thể hai mảnh, sá sùng, bạch tuộc, bông thùa…
Tranh thủ lúc thủy triều còn ở mức thấp, chúng tôi tăng bo vào rừng trên chiếc tàu gỗ nhỏ của ngư dân, qua dòng sông hai bên xanh ngắt rừng ngập mặn. Tàu đỗ ở các cửa lạch nhỏ, chúng tôi lên những chiếc thuyền mủng, luồn lách qua từng thân cây sút, vẹt, đước…
Cái nắng nóng, oi bức như tan biến khi chúng tôi lội bì bõm dưới tán lá rừng. Vô số điều lý thú dành cho du khách khám phá dưới tán lá rừng xanh ấy – từ những bộ rễ sần sùi của sú, vẹt, đước… đang tận dụng nước rút cạn để hô hấp trước khi thủy triều dâng cao, đến những chú cua, cáy đang đùa giỡn; hay những con vạng, ốc…đang nằm trơ mình trên bùn đất…
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp người dân Đồng Rui đi mua cua, bắt ốc, cá, vạng, ngao, ngán…Các loại sản hải ở đây đều thuộc diện ngon nhất của Quảng Ninh, bởi tất cả đều sinh sôi, phát triển trong tự nhiên.
Đâu đó có những tiếng chim ríu rít trong tán lá rừng. Rừng ngập mặn Đồng Rui được giới khoa học đánh giá rất phong phú về đa dạng sinh học, với hàng trăm loài động, thực vật, trong đó gồm nhiều loại chim, cò, ong, kỳ đà, rái cá, cầy…Chiều về, từng đàn cò bay trắng xóa một góc rừng.
Ra đến phía gần ngoài bìa rừng, những con sóng lăn tăn cùng những cơn gió thổi nhè nhẹ từ sông, từ biển vào cho du khách một cảm giác dễ chịu vô cùng. Sau một hồi cuốc bộ, có ai đó ước ao được ngả lưng trên chiếc võng dưới tán lá rừng.
Chẳng ai muốn lên thuyền trở về dù trời đã muộn. Rừng ngập mặn Đồng Rui – một điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm đầy hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng biết, kể cả người Quảng Ninh. (Lao Động 26/9) đầu trang(
Liên quan đến vụ: “Ưu tiên cán bộ, “ém” tiền dự án hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất”, ông Trần Náy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch đã thừa nhận để xảy ra một số sai phạm và hứa sẽ tiến hành kiểm điểm nghiêm túc.
Tại cuộc trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Náy, Giám đốc Ban quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch thừa nhận sai phạm khi cho người dân lấy tiền thay vì nhận phân bón như trong chính sách hỗ trợ của dự án và lẽ ra Ban phải cấp phân bón một cách kịp thời cho bà con.
Việc chi trả tiền muộn, ông Náy giải thích: “Do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài nên các hộ gia đình trồng rừng không kịp thời vụ nên việc cấp cây giống và phân bón bị chậm trễ so với kế hoạch. Hiện tại chúng tôi đã chi trả đầy đủ tiền hỗ trợ phân bón cho người dân”.
Trả lời việc tại sao một số cán bộ chưa tiến hành trồng rừng nhưng đã ứng trước tiền hỗ trợ, ông Náy cũng thừa nhận: “Do đến hết tháng 3/2015, nếu dự án chưa triển khai thì sẽ bị rút vốn nên trong quá trình làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ Hội đồng nghiệm thu đã kê “khống” một phần diện tích, hợp thức hóa giấy tờ và các thụ tục liên quan để rút tiền. Sai phạm này do tôi chủ quan không kiểm tra kỹ càng”.
Để xảy ra những sai phạm trên, ông Náy cho biết: “Ban sẽ tiến hành kiểm điểm nghiêm túc vai trò lãnh đạo về công tác nghiệm thu, giám sát chưa chặt chẽ, không sâu sát; riêng bộ phận kế toán và bộ phận trực tiếp chỉ đạo dự án cũng chưa hoàn thành tốt trách nhiệm được giao”.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Trạch cho biết, huyện vừa nhận được báo cáo giải trình về vụ việc của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, tuy nhiên báo cáo chưa nêu một cách cụ thể nên chúng tôi đang chỉ đạo làm lại một cách chi tiết hơn.
“Sau khi nhận được báo cáo giải trình, chúng tôi sẽ nghiên cứu các sai phạm ở mức độ nào và từ đó có căn cứ để đưa ra phương án xử lý đối với lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch cũng như các các cá nhân liên quan”, ông Anh khẳng định.
Trước đó, Báo Điện tử Dân trí đã có bài phản ánh về tình trạng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Trạch “ưu tiên” cán bộ, “ém” tiền dự án hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất, gây bức xúc dư luận. (Dân Trí 25/9) đầu trang(
Trong những năm qua, công tác trồng rừng ở huyện Ngân Sơn đã được đẩy mạnh và phát triển không ngừng. Có được kết quả đó là do người dân đã nhận thức rõ phát triển kinh tế rừng là hướng đi mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Trong 2 năm đầu thực hiện Dự án 147, huyện Ngân Sơn đều không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng. Nguyên nhân trên đã được huyện thẳng thắn nhìn nhận công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện trồng rừng còn nhiều bất cập, sự quan tâm của các ngành, đoàn thể chưa cao, một số hộ dân chưa có ý thức về phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu trồng rừng của huyện Ngân Sơn luôn ở mức cao ổn định (năm 2013 là 1.500 ha, năm 2014 là 1.300 ha và năm 2015 kế hoạch trồng là 1.600 ha thì toàn huyện đã trồng được 1.742 ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao).
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác trồng rừng Dự án 147, huyện Ngân Sơn đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU từ năm 2011 về đẩy mạnh phát trồng rừng giai đoạn 2011-2015. Theo đó, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo do lãnh đạo huyện trực tiếp điều hành, Hạt kiểm lâm đóng vai trò chủ đạo trực tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập ban phát triển rừng, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng địa phương. Tập trung tuyền truyền phổ biến sâu rộng về chính sách và lợi ích của trồng rừng đến mọi tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng.
Kiện toàn ban chỉ đạo trồng rừng 147, phân công các thành viên phụ trách địa bàn, xây dựng phương án chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả; các cơ quan chuyên môn và các UBND các xã, thị trấn rà soát thống kê diện tích rừng nghèo kiệt thuộc rừng sản xuất, diện tích rừng trồng không thành rừng của các dự án, diện tích đất trống đồi núi trọc có thể trồng rừng để đưa vào thiết kế trồng rừng.
Từ đó đôn đốc thực hiện các công đoạn đăng ký, xử lý thực bì, cuốc hố. Riêng công tác chuẩn bị cây giống, các vườn ươm đều bám sát kế hoạch, chủ động nguồn cây con giống đảm bảo chất lượng. Các vườn ươm được bố trí phân bổ theo khu vực nên việc vận chuyển cây con đi trồng rất thuận lợi vì rút ngắn được quãng đường, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, kiểm lâm còn chủ động tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức kỹ thuật cho bà con ngày tại thôn, bản cách cách xử lý thực bì phòng cháy lan, cách trồng rừng đúng kỹ thuật… Đồng thời, tăng cường công tác vận động tuyên truyền hiệu quả lợi ích của công tác trồng rừng 147.
Từ việc nhận thức được việc trồng rừng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập và ổn định đời sống cho nhân dân. Do vậy, sau 2 năm đầu bà con chưa mặn mà với việc trồng rừng thì những năm gần đây, công tác trồng rừng đã có nhiều tiến bộ, khởi sắc, hầu hết đều vượt kế hoạch đề ra. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Kim Hiểu-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: Trước đây vận động bà con trồng rừng gặp nhiều khó khăn,  nay thấy trồng rừng hiệu quả bà con cả ở vùng sâu, vùng xa cũng tự giác đăng ký trồng thêm, diện tích đất trống, đồi trọc ngày càng được phủ xanh.
Theo chân ông Hoàng Văn Tiến- Trưởng thôn Thôm Án (một thôn ở vùng cao, thuộc xã Thuần Mang) ra cánh rừng thông một năm tuổi. Nhìn cánh rừng dọn sạch sẽ, từng hàng cây thông thẳng tắp cao quá đầu gối đang vươn chồi lớn dậy. Ông Tiến tâm sự, trước đây đất bỏ hoang, nhưng mấy năm qua, Nhà nước mở đường đã gần tới thôn, rồi chính sách trồng rừng đều thuận lợi cho người dân nên cả thôn đều hăng hái trồng rừng, đến nay đã được 29ha, riêng nhà tôi đã trồng được 10 ha thông. Trong cái nắng gắt ông đang xoay mình để chăm sóc cho mầm xanh mới thấy phát triển rừng ở Ngân Sơn đã được người dân thật sự chú trọng quan tâm.
Là huyện có diện tích rừng lớn như Ngân Sơn thì phát triển kinh tế rừng là một hướng đi đầy triển vọng, tạo được việc làm thường xuyên cho đại đa số nông dân, phủ xanh đất trống đồi trọc, hạn chế thiên tai, bảo vệ môi trường.
Có thể nói, công tác trồng rừng những năm qua nhanh và hiệu quả hơn những năm trước đây, kết quả tích cực này được đánh giá là nhận thức của người dân đã được nâng cao, giá trị, hiệu quả của rừng sản xuất đã được thực tế chứng minh là không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống. (Báo Bắc Kạn 25/9) đầu trang(
Huyện Quỳ Châu có lợi thế để phát triển kinh tế rừng, do vậy địa phương xác định trồng rừng nguyên liệu là một trong những mũi nhọn cần tập trung trong thời gian tới. Vụ thu này, các đơn vị và người dân trên địa bàn huyện đang tích cực trồng rừng với phương châm khai thác đến đâu trồng lại đến đó.
Những ngày này, về huyện Quỳ Châu rộn rã, sôi nổi nhất là phong trào trồng rừng. Ông Sầm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: Xã chưa thống kê cụ thể có bao nhiêu ha rừng trồng trong vụ này, nhưng hiện bà con ở các bản đang triển khai rất rầm rộ việc trồng mới trên diện tích rừng keo vừa thu hoạch. Châu Tiến có 1.400 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 200 ha đất trồng rừng nguyên liệu, nay đã cơ bản khép kín, bà con khai thác đến đâu, trồng lại ngay đến đó.
Xã Châu Hội, Châu Hạnh cùng chung không khí tấp nập trồng rừng. Gia đình anh Vi Văn Thanh, bản Thuận Lập, xã Châu Hạnh có 8 ha đất rừng. Cách đây 6 năm gia đình trồng toàn bộ cây keo lai trên diện tích đó. Mới rồi, anh thu hoạch 4 ha keo, khai thác xong, anh mượn nhân công dọn sạch thực bì, đào hố, đến đầu tháng 9, anh đã trồng xong 4 ha rừng. Bản Thuận Lập có nhiều diện tích đất đồi, đã được trồng rừng từ cách đây nhiều năm, nên thời gian qua, nhiều gia đình đã khai thác rừng, nhờ có nguồn thu nhập, nên nhà nào cũng đầu tư trồng lại.
Huyện Quỳ Châu có gần 77 nghìn ha đất lâm nghiệp, là điều kiện rất thuận lợi để đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bằng khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng nguyên liệu. Thực tế, những năm qua, huyện rất quan tâm đến công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng, nên độ che phủ của rừng đã đạt 78%. Nhiều gia đình nhờ chính sách trồng rừng của Nhà nước, thông qua các dự án trồng rừng, đã trồng tới hàng chục ha rừng keo, mỗi năm đem lại nguồn thu khá cao.
Có được kết của đó, nhờ những năm qua, chính quyền địa phương xác định đẩy mạnh trồng rừng để đạt 2 mục tiêu: phủ xanh đất trống, đồi trọc và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Vì thế, năm nào địa phương cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng và các địa phương tích cực trồng rừng trên diện tích đất trống cũng như sau thu hoạch.
Năm nay, kế hoạch của huyện Quỳ Châu trồng 1.500 ha, nhưng đến thời điểm cuối tháng 9, diện tích rừng trồng được đã lên tới hơn 1.700 ha rừng. Do đặc thù khí hậu năm nay nắng hạn kéo dài, nên Quỳ Châu tập trung trồng rừng chủ yếu vào vụ thu. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, trong số đó chủ yếu là rừng trồng sau khai thác, tại các doanh nghiệp: Lâm trường Quỳ Châu, Lâm trường Cô Ba, Công ty Thanh Thành Đạt và Ban Quản lý rừng phòng hộ.
Trong số 1.700 ha, có 841,1 ha trồng mới, còn lại là trồng sau khai thác. Trước khi bước vào vụ trồng rừng, Phòng Nông nghiệp huyện tiến hành ra soát, kiểm tra, nắm bắt các diện tích rừng trồng sản xuất của nhân dân và giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng địa phương. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn huyện chủ động ươm cây giống đảm bảo chất lượng, phục vụ công tác trồng rừng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con nhân dân về ý nghĩa, hiệu quả kinh tế của việc trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng
Năm nay Lâm trường Quỳ Châu được giao trồng 100 ha rừng nguyên liệu. Do điều kiện thời tiết nên toàn bộ diện tích rừng trồng năm nay được triển khai trồng từ tháng 6 đến tháng 9. Để đảm bảo đủ cây giống, đơn vị chủ động ươm cây giống từ đầu năm, 100% lượng cây giống được cung ứng ngay tại chỗ. Phần lớn diện tích trồng rừng của đơn vị là trồng sau khai thác, nên người dân khai thác đến đâu, đơn vị hướng dẫn bà con thu dọn thực bì, đào hố, bón phân đến đó, khi thời tiết thuận lợi là đặt cây giống.
Đến trung tuần tháng 9, đơn vị đã trồng được 70 ha, thời điểm này trời vừa mưa to, độ ẩm cao, rất thuận lợi cho việc trồng rừng, do vậy số còn lại 30 ha sẽ kết thúc vào đầu tháng 10. Nếu kéo dài thời gian, sẽ gặp thời tiết lạnh, mưa ít, cây khó phát triển. Theo chỉ đạo của Lâm trường Quỳ Châu, đây là trồng rừng theo hình thức thâm canh, nên trước khi trồng phải bón phân với định lượng 0,2 kg phân NPK/hố, trồng đúng mật độ, sau 6-7 năm sẽ cho khai thác.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là kết thúc vụ trồng rừng để cây trồng phát triển và sinh trưởng tốt, các chủ rừng và các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ. Tiếp tục quản lý chặt chẽ về quy hoạch, kế hoạch, chất lượng cây giống, làm tốt công tác hướng dẫn kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để nâng cao chất lượng rừng trồng. (Báo Nghệ An 25/9) đầu trang(
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, tính đến hết tháng 9/2015, các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã trồng mới được 918,1 ha rừng tập trung, đạt 91,6% kế hoạch năm.
Trong đó, trồng rừng theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 đã thực hiện được hơn 312 ha; trồng rừng của các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh được hơn 605 ha.
Các loại cây rừng trồng chủ yếu là keo lá tràm, muồng đen, bời lời... Qua kiểm tra, hầu hết diện tích rừng trồng ở các địa phương đang được các đơn vị, doanh nghiệp và người dân quản lý, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ cây sống đạt trên 85%. (Báo Đắk Nông 25/9) đầu trang(
Thực hiện, Quyết định số 1347/ QĐ- UBND ngày 3/9/2015, UBND tỉnh đã tạm giao kế hoạch trồng rừng năm 2016 cho các địa phương với tổng diện tích là 7.000 ha.
Theo đó, tổng diện tích trồng rừng ngân sách nhà nước hỗ trợ là 4.000ha, trồng rừng sau khai thác (chủ rừng tự đầu tư) là 3.000ha. Trong đó, diện tích trồng rừng ngân sách hỗ trợ  rừng phòng hộ, đặc dụng là 50ha; rừng sản xuất  tập  trung là 3.500ha, rừng phân tán là 450ha.
Trên cơ sở đó, các huyện đã giao chỉ tiêu cho các xã triển khai đăng ký trồng rừng  và cơ cấu giống rừng trồng 2016. Từ việc tạm giao kế hoạch trồng rừng các đơn vị sẽ giúp các Ban phát triển trồng rừng và bảo về rừng thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị cho công tác trồng rừng từ việc bố trí nguồn giống, cơ câu giống, ký kết đơn vị tư vấn thiết kế trồng rừng… (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Bắc Kạn 25/9) đầu trang(
Cùng với việc tập trung bảo vệ an toàn diện tích rừng trên địa bàn, năm 2015, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh (thuộc Chi cục Kiểm lâm) đã được UBND tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ trồng mới 515 ha rừng sản xuất.
Để hoàn thành kế hoạch trồng mới rừng, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh đã  chủ động thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng mới trồng;  tổ chức cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trên địa bàn chuẩn bị tốt hiện trường, như: Phát dọn thực bì, đào hố, lấp hố...
Đến ngày 21-9-2015, hạt kiểm lâm đã cung ứng vật tư, cây giống “đầu vào”, chỉ đạo, tổ chức cho các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trong huyện trồng mới được 515 ha rừng sản xuất, chủ yếu là keo Úc, luồng, xoan, lát hoa, hoàn thành  kế hoạch trồng mới rừng năm 2015.
Nét mới là Hạt Kiểm lâm Lang Chánh  đã phối hợp với các ngành chức năng  tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, tiến hành kiểm tra cây giống tại các vườn ươm của đơn vị cung cấp cây giống, nếu đạt các tiêu chuẩn quy định mới cho xuất vườn đem ra trồng nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng rừng trồng. (Báo Thanh Hóa 25/9) đầu trang(
Từ ngày 23/08 đến 23/09, CTCP Xuất nhập khẩu và Chế biến Gỗ Hưng Thịnh đã bán gần hết toàn bộ cổ phần của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE:TTF).
Cụ thể, Xuất nhập khẩu và Chế biến Gỗ Hưng Thịnh đã bán 4,856,370 cp và chỉ còn lại 7 cp lẻ. Được biết, doanh nghiệp này do ông Phương Xuân Thụy làm Chủ tịch HĐQT và hiện ông Thụy cũng đang đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT tại TTF. (Vietstock 26/9) đầu trang(
Ngọn lửa bùng phát mạnh mẽ từ nhà xưởng của công ty chế biến gỗ, hàng trăm công nhân phải tháo chạy vì khói mù mịt cộng với sức nóng của lửa…
Đến 14h30 chiều ngày 25/9, lực lượng chức năng mới cơ bản khống chế được vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty TNHH Vina Wood, đường số 2, KCX Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Tp.HCM).
Tin nhanh ban đầu, vào khoảng 13h chiều cùng ngày, nhiều công nhân đang làm việc trong công ty trên phát hiện thấy khói và mùi khét bốc lên từ xưởng chế biến gỗ.
Chỉ trong tích tắc, lửa bùng phát dữ dội, cuồn cuộn khiến hằng trăm công nhân hô hoán tháo chạy. Bảo về cùng nhiều nam nhân viên cố gắng dập lửa nhưng bất thành.
Liên tục những tiếng nổ lớn phát ra, hàng chục bình gas được khiêng vác ra ngoài.
Nhận tin báo, hàng chục xe nước cùng hàng trăm chiến sĩ của của khu công nghiệp, lực lượng PCCC quận 9 và tỉnh Bình Dương được huy động, chia thành nhiều mũi và thực hiện công tác dập và không cho lửa cháy lan…
Sau gần 2h, ngọn lửa cơ bản được khống chế, tuy nhiên hoả hoạn đã thiêu rụi nhiều tài sản cùng với thiết bị máy móc bên trong.
Hiện nguyên nhân vụ hỏa hoạn và con số thiệt hại đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ. (Người Đưa Tin 25/9) đầu trang(
Đã nhiều năm nay, doanh nghiệp tư nhân Huy Thắng tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) ngang nhiên xây dựng các công trình kiên cố trên đê Tả Nghèn mà không hề bị xử lý. Việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, sản xuất của bà con nhân dân.
Theo quan sát của phóng viên, ngay đoạn vào tuyến đê Tả Nghèn (Đê cứu hộ, cứu nạn - PV) từ vị trí Km0+00 thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), doanh nghiệp tư nhân Huy Thắng chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng và chế biến lâm sản đã ngang nhiên xây dựng các công trình kiên cố trên đê.
Theo đó, doanh nghiệp này đã xây dựng 2 cổng sắt kiên cố trên. Tại hiện trường, một số lượng gỗ lớn để ngổn ngang, rạp mát bằng sắt được dựng chắc chắn khiến cho việc tham gia giao thông cũng như sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân hết sức khó khăn. Để đi lại được trên tuyến đê này, người dân chỉ còn cách “xin” doanh nghiệp mở cửa cho qua.
Ông T.V.X, người địa phương bức xúc: “Không biết ai cho phép, tiếp tay mà một tuyến đê dài như vậy, doanh nghiệp lại ngang nhiên tự ý dựng cổng khóa kiên cố để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Việc sản xuất mùa màng và đi lại của bà con nhân dân chúng tôi là hết sức khó khăn. Nếu gặp lúc mưa bão mà doanh nghiệp khóa cửa thì chúng tôi không thể chủ động đi lại được”.
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp Huy Thắng xây dựng 2 cổng sắt lớn, luôn đóng cửa mỗi ngày là nhằm mục đích bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Được biết, số gỗ doanh nghiệp nằm trên đê rất lớn.
Trao đổi qua điện thoại với ông Võ Nhân Nông, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, ông này cho biết: “Đê Tả Nghèn có đi qua trên địa bàn xã Thiên Lộc một phần. Doanh nghiệp tư nhân Huy Thắng đã xây dựng 2 cổng sắt và các công trình kiên cố trên đê, chính quyền địa phương cũng đã có nghe thông tin và đã nhắc nhở doanh nghiệp nhưng họ không thực hiện”. Ông này cũng thừa nhận, việc xây dựng như vậy là sai và gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Thiết nghĩ, trước thực trạng này, các cơ quan chức năng huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cần vào cuộc để trả lại “đường thông, hè thoáng” cho tuyến đê Tả Nghèn. Đồng thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông khi đi trên đê. (Đời Sống Và Pháp Luật 25/9) đầu trang(
Ngôi nhà thơm mùi gỗ quế của ông Bàn Thừa An ở bản Khe Dứa (xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, Yên Bái) vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét độc đáo nhà ở truyền thống của người Dao. Hai con trai lớn của ông mới lấy vợ, được “hồi môn” cả đồi quế rộng mấy héc ta. Mỗi năm thu hơn 10 tấn vỏ tươi trị giá vài trăm triệu đồng.
Trồng quế mỗi độ xuân sang của người Dao đã là truyền thống. Năm này qua năm khác, đồi quế trở thành rừng, là tài sản đặc biệt của cộng đồng người Dao nơi đây. Ðến nay ở 27 xã, thị trấn của huyện đã có hơn 23.000 ha quế, trong đó có 8 xã đặc biệt có thổ nhưỡng cho quế sinh trưởng và chất lượng rất cao.
Những hộ trồng và sản xuất giỏi như ông Hoàng Văn An, Hoàng Văn Minh, Bàn Tiến Hiến, Đặng Nguyên Tài (ở Đại Sơn), Đặng Nho Quyên, La Tài Quan (ở Mỏ Vàng), Triệu Tiến Bảo (ở Viễn Sơn) nổi tiếng với quế, xây nhà đẹp như biệt thự trong núi, gương làm giàu từ quế lan tỏa khắp vùng. Chỉ vài năm, tốc độ giảm nghèo của mấy xã vùng cao này đã giảm hàng chục phần trăm.
Hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh và chế biến đứng chân trên vùng đất quế (hơn 10 xưởng chưng cất tinh dầu). Giờ ông An cũng như hàng ngàn hộ dân Văn Yên không còn phải lo việc tiêu thụ quế ở đâu xa, chỉ cần bóc tỉa, cắt cành, hái lá mang ngay xuống những con đường bê tông chạy khắp những cánh rừng quế mà bán cho tư thương. 1.700 đồng/kg cành lá tươi, gần 5ha quế, nhà ông An cũng có thu nhập mỗi năm cả trăm triệu, cuộc sống ở cái thôn nghèo Khe Dứa đã đổi thay với ti vi, xe máy, nhà tầng và tiền tích lũy. Người Dao yêu thương cây quế, gìn giữ và chăm sóc đồi cây nâng niu bởi đó là nguồn sống có công sức lao động chăm chỉ ở nơi thiên nhiên ban tặng thổ nhưỡng quý giá.
Con số 400-500 tỷ đồng hằng năm doanh thu từ quế mà ông Trần Thế Hùng (Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, nguyên Bí thư Huyện ủy Văn Yên) nói với nhà báo mới đây là một thông điệp về tiềm năng làm giàu đã trở thành thực tế từ thu nhập sản xuất nông lâm nghiệp vùng cao trên đất quế.
Có thể khẳng định rằng, đời sống người dân Văn Yên đã có diện mạo tốt đẹp chẳng thua kém gì nhiều địa bàn miền xuôi. Không ly hương, ly nông, người Dao, người Tày, người Kinh ở Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp, Châu Quế Hạ và nhiều xã khác đoàn kết nhau dựng xây đời sống mới tươi tắn với cây quế đặc thù của mình.
“Đưa quế sang sông” - một kế hoạch dài hơi ngày nào khi đường giao thông lên Văn Yên còn khó khăn, quế phải vượt sông Hồng tìm đường tiêu thụ và tìm vùng đất mở rộng diện tích. Nay đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua, Văn Yên thêm sức sống rõ nét với vùng diện tích tăng lên hằng năm. Từ 2,7 đến 3,2% tỷ trọng hàm lượng tinh dầu, dám tự tin chất lượng sánh với quế Trà My (Quảng Nam - khoảng 2,3%), hay quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), cây quế Văn Yên giàu tinh chất trở thành sản phẩm số một mà những đại gia chế biến tìm đến. Tổng sản lượng quế đạt: 5.160 tấn/năm (lá quế 63.400 tấn, gỗ quế 25.800m3).
Gỗ quế dùng làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn nhà, ván bóc, ván thanh, chả có cái gì từ cây quế là bỏ đi, tất cả hữu dụng như thể vàng “xanh” mà rừng tri ân lại công sức người dân chăm quế. Rồi thứ vàng tinh chất ấy xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Mỹ, Anh, Hà Lan, khắp Đông Âu... Cái giá tinh dầu trung bình 520.000 - 525.000 đồng/kg, quế vỏ qua sơ chế 32.000 - 35.000 đồng/kg, cành lá quế khô 2.000 - 2.100 đồng/kg, gỗ quế 800.000 - 1.000.000 đồng/m3, con số vài trăm tỷ đồng mà lãnh đạo tỉnh Yên Bái chưa từng dám mơ ước từ quế, nay tự tin khẳng định thương hiệu và nâng tầm cây quế Văn Yên lên cao hơn nữa bằng nhiều chiến lược có tầm nhìn xa.
Tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên nhiều năm qua đã tập trung chỉ đạo quy hoạch, phát triển giống quế địa phương, xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý và thương hiệu Quế Văn Yên (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận) với khoảng 23.000 ha quế. Liên kết về sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp đảm bảo bền vững phát triển kinh tế quế. Văn Yên cũng đã thực hiện bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngon đỏ bản địa, huyện đã lựa chọn được 90 cây quế và 14,5 ha quế tập trung ở các xã để làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng quế hằng năm làm tiền đề phục vụ du lịch trên địa bàn huyện.
Nói với Tiền Phong, ông Trần Huy Tuấn, tân Bí thư Huyện ủy Văn Yên, khẳng định kinh tế chủ lực trên miền đất khó có cây quế đang mang lại giá trị vượt trội, huyện đã tiến hành quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng cao để không bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu. Sản xuất, chế biến, tiêu thụ với đề án bài bản, bền vững cùng với việc hỗ trợ, tiếp sức cho các vùng, hộ gia đình trồng quế đã được huyện có chương trình hành động rất cụ thể, trong đó việc quảng bá thương hiệu, xây dựng giao thông nông thôn để bà con an tâm chăm sóc quế, tiêu thụ quế được ưu tiên hàng đầu.
Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất nhì cả nước. Triển lãm, hội chợ quế, sản phẩm quế, chợ quê đất quế, du lịch vùng quế - Lễ hội quế Văn Yên đêm nay (26/9) còn thêm một điểm nhấn hấp dẫn tuyệt đẹp khi cuộc thi “Người đẹp vùng quế” được tổ chức ngay tại bản Khe Dứa (xã Viễn Sơn) dưới chân đồi quế xanh ngát. Bàn Thị Nga, Đặng Thị Thu…, những cô gái người Dao xinh xắn vừa đi chăm quế trên đồi về bản, ngượng ngùng sính vội bộ trang phục rất đẹp của phụ nữ Dao như lần đầu làm dáng bên cây quế cho nhà báo chụp ảnh. Cái cảm xúc đằm thắm, hồn nhiên, thật thà dễ gần có hương quế lan tỏa.
Cái “cần câu” nhiều hàm ý của người Dao trên núi để có được cơm ăn, áo ấm và làm giàu bằng sức lao động mà quế chẳng phụ công người. Cây quế đã là nguồn kinh tế chủ lực cho Văn Yên. Người Dao truyền cho con cháu bí quyết trồng và khai thác quế. Nơi nào có người Dao thì quế mọc xanh tốt. Quế trồng gối nhau trên đồi, thu hoạch bóc tỉa cây này, đợi cây kia lớn, quanh năm có thu nhập.
Dưới tán rừng quế, những chàng trai, cô gái Dao tươi tắn nụ cười lúc gặp gỡ sau giờ lao động. Ai đó đang tâm sự dưới ánh trăng loang xuống bìa rừng tán quế… Thơm ngát rừng quế Văn Yên, những hình ảnh nên thơ đã từng đi vào cả văn chương đất quế khơi gợi ham muốn du lịch cho khách miền xa một lần đặt chân đến miền sơn cước này.
“Đêm Viễn Sơn trăng sáng đẹp sao, đón khách lên chơi với người Dao, lên đây thăm quê hương Yên Bái, thăm vùng núi thăm rừng quế hương ngạt ngào…” – cố nhạc sỹ Trọng Loan cài vào bài hát nổi tiếng của ông đầy ắp vẻ đẹp của đại ngàn quế Văn Yên như gọi mời du khách. (Tiền Phong 26/9) đầu trang(
Tỉnh ta có 91km đê biển nên là vùng có nguy cơ cao, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là trong mùa mưa bão. Để chủ động ứng phó BĐKH, từ nhiều năm nay tỉnh ta đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa cho khu vực ven biển, trong đó tập trung cao cho công tác trồng rừng ven biển.
Từ năm 1997 đến nay, tại các xã ven biển thuộc 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng đã triển khai thực hiện dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội CTĐ Vương quốc Đan Mạch và Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ.
Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ giống cây, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn giúp diện tích rừng ngập mặn được mở rộng đạt 6.510ha, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi suy thoái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh vật và cải thiện môi trường tại các huyện ven biển của tỉnh. Sau hơn 18 năm triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bảo vệ đê biển, chống BĐKH, phòng ngừa thảm họa, thiên tai.
Người dân các xã ven biển đã cảm nhận rõ sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của cường độ sóng biển và sức gió vào mùa mưa bão. Đặc biệt, diện tích rừng ngập mặn đã trồng có tác dụng bồi cao nền đất bảo vệ vững chắc cho tuyến đê biển trên địa bàn. Thực tế cho thấy, ở các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn đã giảm tình trạng sạt lở, xói mòn, triều cường giảm nên không xảy ra vỡ đê. Chi phí tu bổ sửa chữa đê biển hằng năm cũng giảm đáng kể.
Người nuôi tôm cũng không còn lo lắng nước tràn làm vỡ đầm mỗi khi mưa bão. Hoạt động nuôi trồng thủy sản dần đi vào ổn định, người dân yên tâm phát triển kinh tế gắn với biển. Không những vậy, rừng ngập mặn phát triển tốt đã tích tụ đất phù sa, tạo môi trường cho sinh vật biển sinh trưởng, phát triển ngày càng phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng thụ hưởng dự án, nhất là người nghèo, có thêm sinh kế, thu nhập từ khai thác thủy hải sản, nuôi ong lấy mật...
Dự án cũng đã làm thay đổi thói quen, hành vi của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nhận thức của người dân các xã ven biển ngày càng nâng cao, đã tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng, ứng phó với BĐKH.
Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích quốc gia và địa phương, tăng cường khả năng thích ứng BĐKH và nước biển dâng, tỉnh đã triển khai đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015-2020” với các mục tiêu: bảo vệ và giữ vững diện tích rừng trồng ven biển hiện có của tỉnh; trồng mới 250ha, trồng bổ sung 500ha rừng phòng hộ ven biển.
Tăng cường truyền thông để các tầng lớp nhân dân vùng ven biển thấy rõ lợi ích thiết thực và vai trò lớn của rừng đối với việc phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH; nắm vững chính sách của Nhà nước từ đó có trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Đến nay, ngành chức năng đã tiến hành kiểm kê rừng theo Quyết định 549/QĐ-TTg ngày 15-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có của tỉnh, trong đó trọng điểm là rừng ven biển. Rà soát, bổ sung nhiệm vụ nâng cao chất lượng và trồng mới rừng tại vùng lõi vào dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các dự án về bảo vệ, phát triển rừng ven biển đang được triển khai trên địa bàn tỉnh và 2 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục khởi công mới theo Quyết định số 120/QĐ-TTg với quy mô 250ha thuộc nguồn vốn chương trình ứng phó BĐKH.
Bao gồm: Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh giai đoạn 2015-2020; Dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh (Nghĩa Hưng). Từ năm 2016-2010: tiến hành xây dựng một số mô hình canh tác tổng hợp (rừng - thủy sản - nông- lâm kết hợp) nhằm khai thác và sử dụng bền vững, hiệu quả các nguồn tài nguyên rừng ven biển; tập huấn kiến thức cho lãnh đạo địa phương và cộng đồng dân cư ven biển về BĐKH, các chính sách của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng ven biển; xây dựng một số đề tài nghiên cứu khoa học về rừng ngập mặn ven biển tỉnh và đề xuất các giải pháp phát triển rừng ngập mặn theo hướng đa dạng sinh học và bền vững.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên ngành. Sở TN và MT chủ trì, phối hợp với Sở NN và PTNT và các huyện ven biển rà soát, thu hồi đất sử dụng trái phép của các tổ chức, cá nhân (đất thuộc hành lang bảo vệ đê biển hoặc các diện tích rừng bị thiệt hại sau bão, đất lấn chiếm) để trồng rừng. Sở KH và CN tuyển chọn một số nhiệm vụ KHCN nghiên cứu bảo tồn, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ven biển tỉnh phục vụ phòng hộ và ứng phó với BĐKH. Ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các huyện ven biển trong công tác trồng, phục hồi và phát triển rừng ven biển.
Công an tỉnh, BĐBP tỉnh, Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch bảo vệ an ninh vùng ven biển lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ rừng ngập mặn; phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng như chặt phá rừng, lấn chiếm rừng ngập mặn. Các tổ chức hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền cho hội viên về nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, trồng mới rừng ở địa phương.
UBND các huyện ven biển rà soát diện tích bãi bồi ven biển thuộc địa bàn quản lý, bổ sung quy hoạch nhằm phát triển rừng ngập mặn có quy mô phù hợp để phát triển kinh tế thủy sản; phối hợp với Sở NN và PTNT hoàn thiện và tổ chức thực hiện “Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020” và các dự án vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2015 và diện tích rừng được bàn giao về địa phương để xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn của huyện; quản lý và tổ chức thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về sử dụng, chuyển đổi rừng ngập mặn sang mục đích khác; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó BĐKH và rừng ngập mặn. (Báo Nam Định 25/9) đầu trang(
Ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất chất lượng sản xuất, chế biến gỗ và nội thất là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Sở KH&CN Hải Phòng.
Sáng 22/9 vừa qua, Sở KH&CN Hải Phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Kiến An tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến gỗ và nội thất” tại hội trường quận ủy Kiến An.
Mục đích của hội thảo lần này là nhằm giúp các cơ quan, doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ, thiết bị sản xuất, chế biến gỗ có điều kiện tiếp cận thị trường, cung cấp, phân phối sản phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Theo báo cáo tại Hội thảo, ngành gia công đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu được xếp hạng thứ 6 trên thế giới, thứ 2 ở Châu Á và và thứ nhất ở Đông Nam Á với thị trường xuất khẩu trải rộng trên khắp 120 quốc gia. Cũng theo nguồn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chế biến gỗ có khoảng 3.500 doanh nghiệp, 340 làng nghề và hàng vạn cơ sở đang hoạt động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đa số mới chỉ phát triển tự phát, sản xuất gia công nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định, đầu tư công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh yếu và năng suất lao động chưa cao. Nguyên nhân chính dẫn đến những nhược điểm trên là do doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ, chưa có sự đầu tư cho máy móc công nghệ cao, nguồn nhân lực chưa được đào tạo để đáp ứng nhu cầu công việc.
Xuất phát từ những điểm yếu chung của ngành chế biến gỗ tại Việt Nam, Hội thảo đã lựa chọn và giới thiệu một số công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực này, nhằm giúp các doanh nghiệp nắm vững, từ đó ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động sản xuất của công ty.
Nổi bật trong số các ứng dụng mới này bao gồm: Ứng dụng công nghệ 5S trong các xưởng sản xuất, chế biến gỗ (Công ty Cổ phần Topman); Ứng dụng công nghệ sấy gỗ chân không nhằm tiết kiệm thời gian, đảm bảo chất lượng và giảm giá thành sản phẩm (Công ty Cổ phần công nghiệp Thái Dương); Ứng dụng công nghệ CNC trong sản xuất đồ gỗ và nội thất (Công ty TNHH đầu tưquốc tế Việt Nam); Giới thiệu các thiết bị chế biến gỗ (máy bào gỗ, máy cắt gỗ, máy đánh bóng gỗ ...) của Công ty Cổ phần thiết bị và đầu tư xây dựng IPC…
Bên cạnh đó, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến gỗ và nội thất” cũng là dịp để các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới, giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. (VietQ 25/9) đầu trang(

NHÌN RA THẾ GIỚI
Tiếp sau Singapore, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia đã yêu cầu đóng cửa các trường học từ ngày 28/9 do những lo ngại về vấn đề sức khỏe liên quan tới khói bụi do cháy rừng từ Indonesia.
Đây là lần thứ hai trong tháng này, Bộ trên yêu cầu đóng cửa trường học. Cụ thể, các trường học ở khu vực thủ đô và 3 bang khác sẽ bị đóng cửa do Chỉ số đo chất lượng không khí theo giờ của chính phủ nước này tại thủ đô Kuala Lumpur đã lên đến mức "rất có hại cho sức khỏe".
Malaysia, Singapore và một số vùng đất rộng lớn khác của Indonesia đã trải qua nhiều tuần bị ảnh hưởng từ khói bụi, vốn bắt nguồn từ những đám cháy do đốt cây trồng và than bùn trong quá trình khai thác bất hợp pháp. Những đám cháy này khởi phát từ những hòn đảo lớn của Indonesia như Sumatra và Borneo.
Trước đó, hôm 25/9, Bộ Giáo dục Singapore cũng thông báo đóng cửa các trường học ở nước này do tình trạng ô nhiễm khói bụi tiếp tục tồi tệ hơn.
Các cuộc "khủng hoảng khói bụi" bắt nguồn từ Indonesia vốn là chuyện “đến hẹn lại lên” nhất là vào mùa khô. Tuy nhiên, những đám cháy hiện nay được cho là tồi tệ và kéo dài nhất từ trước đến nay. (Chính Phủ 28/9) đầu trang(
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngay trong chuyến thị sát điểm nóng cháy rừng ở Pulang Pisau, Trung Kalimantan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 24/9 đã triệu tập một cuộc họp ngay tại làng Sakakajang, huyện Jabiren, để tìm phương án khắc phục và phòng chống cháy rừng.
Tại cuộc họp, Tổng thống Widodo đã đề cập đến giải pháp phát triển các kênh rạch để ngăn chặn các đám cháy.
Tham gia cuộc họp có Bộ trưởng Điều phối về chính trị - an ninh, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp, Tư lệnh Quân đội, Trưởng Cảnh sát quốc gia, người đứng đầu Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB), cùng các quan chức chính quyền tỉnh Hadi Prabowovà huyện Pulang Pisau, Trung Kalimantan.
Tổng thống Widodo đã yêu cầu BNPB và Bộ Môi trường và Lâm nghiệp nhanh chóng nghiên cứu, kết nối các cơ sở cần thiết và trình phương án cụ thể để sớm xúc tiến thực hiện giải pháp xây dựng kênh rạch ngăn chặn cháy rừng
Trong khi đó, tại Nam Sumatra, các lực lượng vẫn đang nỗ lực đối phó với tình trạng cháy rừng và khói mù nghiêm trọng. Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện, trong đó có việc làm mưa nhân tạo.
Thống đốc Nam Sumatra Alex Noerdin cho biết những đám mây khói bụi tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và làm gián đoạn các hoạt động công cộng. Khói mù trong khu vực đã khiến một số chuyến bay bị hủy bỏ trong vài ngày qua. Cơ quan Khí tượng học, Địa vật lý, Khí hậu tại sân bay Haji Asan Sampit cảnh báo nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ cháy là rất lớn. (Vietnam + 25/9) đầu trang(
Quốc đảo Mauritius, nằm ở tây nam Ấn Độ Dương, là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Tắc kè Ornate (Phelsuma ornata): Theo BBC, Ornate là loài tắc kè nhỏ, màu sắc sặc sỡ, kiếm ăn vào ban ngày. Chúng ẩn náu trên cây vacoas (Pandanus vandermeeschii) có nguy cơ tuyệt chủng. Người dân quốc đảo gọi hầu hết các loài tắc kè ở đây bằng một tên chung là "thằn lằn xanh". Tuy nhiên, thực tế có ít nhất 5 loại tắc kè đặc hữu ở quốc đảo này và mỗi loài đều có hình dáng và màu sắc riêng biệt.
Dơi ăn quả: Các nhà khoa học gắn cho chú dơi này một vòng cổ định vị. Nhờ vậy, họ có thể xác định vị trí và hiểu rõ hơn về tập tính sinh hoạt của nó. Dơi là loài động vật có vú duy nhất được coi là loài bản địa ở Maritius.
Các loài động vật có vú khác như chuột, mèo, khỉ, hươu, lợn và cầy tìm thấy ở đây đều từ nơi khác đến. Việc quản lý các loài nhập cư này là thử thách lớn đối với công tác bảo tồn thiên nhiên trên quốc đảo, bởi chúng thường xuyên kiếm ăn và cạnh tranh với các loài bản địa.
Thằn lằn bóng Salazar Telfair: Loài thằn lằn bóng này chỉ có ở các đảo xung quanh Mauritius. Vào những năm 1980, có khoảng 5.000 cá thể loài này còn tồn tại và tập trung trên đảo Round, phía bắc Mauritius. Các nhà bảo tồn thiên nhiên đã nỗ lực phục hồi và đưa loài này sang các đảo khác. Nhờ vậy, dân số loài này hiện đã lên đến 50.000 cá thể.
Hạt cây latanier bleu: Những hạt giống tuyệt đẹp này là của loài cọ latanier bleu đặc hữu của Mauritius có nguy cơ tuyệt chủng. Các hạt có họa tiết khác nhau. Các nhà bảo tồn thiên nhiên thu nhặt chúng và mang gieo tại vườn ươm trước khi đưa chúng trở lại tự nhiên. Trồng trong vườn ươm là một cách để bảo vệ loài cây này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Cua đất: Loài cua đất này được tìm thấy trên đảo Mauritius, Rodrigues và một số đảo nhỏ khác ở xung quanh. Bên cạnh các loài động thực vật trên cạn như động vật có vú, chim, bò sát và cây cối, các nhà bảo tồn thiên nhiên cũng chú trọng đến việc khôi phục sự đa dạng sinh học biển.
Rùa Aldabra: Vào cuối thể kỷ 19, Charles Darwin và những người bạn của ông đã đưa loài rùa này từ quốc đảo Seychelles đến đây nhằm cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Khi đến Mauritius, chúng được đưa đến đảo Round nhằm thay thế vị trí của loài rùa bản địa đã tuyệt chủng.
Hoa dâm bụt: Loài cây dâm bụt này là thực vật bản địa trên các đảo ở Ấn Độ Dương. Bức ảnh này được chụp trên đảo Ile aux Aigrettes, một đảo nhỏ nằm phía đông nam đảo Mauritius do Quỹ Động vật hoang dã Mauritius quản lý. Nhiều loài thực vật bản địa khác trên đảo cũng được phục hồi và bảo tồn.
Tắc kè ăn đêm Durrell: Đây là loài tắc kè đặc hữu ở khu bảo tồn thiên nhiên đảo Round, phía bắc đảo Mauritius. Nó được đặt theo tên nhà bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng Gerald Durrell làm việc ở Mauritius từ cuối những năm 1970. Dù chưa được chính thức công nhận bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nó vẫn được xem là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao bởi số lượng còn lại rất ít.
Rùa bức xạ : Từ Madagascar, loài rùa này được đưa đến đảo Round để thay thế loài rùa bản địa đã tuyệt chủng ở Mauritius. Nhiều loài khác có nguy cơ tuyệt chủng ở Madagascar cũng được đưa đến đảo này.
Vẹt Psittacula eques: Cách đây vài thập kỷ, loài vẹt này chỉ còn sót lại 10 cá thể. Nhờ nỗ lực của các nhà bảo tồn thiên nhiên, số lượng cá thể nay đã lên tới hơn 500.
Chim vành khuyên lưng màu xanh ôliu mắt trắng (Zosterops chloronothos): Đây có lẽ là loài chim hiếm nhất Mauritius. Ước tính có khoảng 300 cá thể đang sinh sống. Chúng ăn mật hoa, quả nhỏ và côn trùng.
Chim vành khuyên lưng màu xanh ôliu mắt trắng (Zosterops chloronothos): Đây có lẽ là loài chim hiếm nhất Mauritius. Ước tính có khoảng 300 cá thể đang sinh sống. Chúng ăn mật hoa, quả nhỏ và côn trùng.
Nhạn biển (Anous stolidus): Các đảo nhỏ quanh đảo Mauritius và Rodrigues là nơi sinh sống của nhạn biển và nhiều loài chim biển khác. (VnExpress 25/9) đầu trang(
Tại Mỹ, Cty Pembient (thành lập vào tháng 1.2015 với mục tiêu “Chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép bằng hoạt động kinh doanh bền vững”), nhưng lại đang tác tạo sừng tê giác nhân tạo. Pembient hiện cũng âm thầm thâm nhập thị trường Việt Nam bằng việc sản xuất quảng cáo về “bản chất của sừng tê giác” nhằm kích thích nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này.
Pembient còn hợp tác với một nhà máy bia ở Bắc Kinh (TQ) để sản xuất “bia sừng tê giác”, dự định ra mắt sản phẩm này vào cuối năm 2015. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc hiện bị coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Những động thái này của Pembient đã lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD).
Để tạo ra sừng tê giác nhân tạo, Pembient đã sử dụng công nghệ sinh học và dựa trên nguồn gene của sừng tê giác thật. Theo đó, chuỗi gene ngắn của chất keratin từ sừng tê giác thật sẽ được cấy lên nấm hoặc vi khuẩn để tạo thành chất liệu hình thành nên sừng tê giác nhân tạo. Công ty này cũng có kế hoạch tạo “một nguồn cung cấp sừng tê giác khổng lồ với giá chỉ bằng 1/8 mức giá hiện nay trên thị trường” và kỳ vọng sản phẩm của họ sẽ “thật” đến mức phải bỏ ra chi phí cực kỳ đắt đỏ mới có thể phân biệt với sừng tê giác thật.
Trước thực trạng này, mới đây, Liên minh Các tổ chức bảo tồn ĐVHD gồm: Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) của VN và một số tổ chức quốc tế (như: Annamiticus, Wild Aid, David Shepherd Wildlife Foundation, Born Free Foundation, Environmental Investigation Agency, Outraged South African Citizens Against Poaching, WildlifeRisk-Hong Kong và African Wildlife Foundation) đã đưa ra tuyên bố chung phản đối việc sử dụng sừng tê giác nhân tạo. Liên minh này cảnh báo việc buôn bán sừng tê giác nhân tạo không những kích thích nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác thật mà còn gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc phân biệt sừng tê giác thật và nhân tạo.
Tại Việt Nam, sừng tê giác không chỉ được sử dụng như một loại “thần dược” chữa bách bệnh, mà còn thể hiện đẳng cấp xã hội, nhưng kết quả một nghiên cứu của TRAFFIC cho thấy 90% số sừng tê giác được bán tại Việt Nam là giả.
Giám đốc của Tổ chức Outraged South African Citizens Against Poaching - bà Allison Thompson - đã kịch liệt phản đối kế hoạch của Pembient: “Khi mà những nhà bảo tồn tại Nam Phi đã vô cùng mệt mỏi về thể chất và tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ tê giác, ý tưởng của một số công ty Mỹ hiện muốn làm giàu bằng cách gia tăng các mối đe doạ lên những cá thể tê giác là không thể chấp nhận được…”.
Bà Rhishja Cota-Larson - người sáng lập Annamiticus - cho biết: “Pembient hoàn toàn không hiểu gì về thực trạng của nạn buôn bán ĐVHD. Họ cũng không hề tính đến những tác động tiêu cực mà sản phẩm này gây ra cho hoạt động thực thi pháp luật ở châu Phi và châu Á”. (Lao Động 26/9)đầu trang(./.
Biên tập: Hương Giang