Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 28 tháng 04 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô năm 2017, thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, vì vậy ngày 26/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 692/UBND-KTN nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2017.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Kiểm lâm theo dõi thời tiết, tổ chức dự báo, cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin đại chúng để có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện biện pháp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị, lực lượng, phương tiện, trang bị sẵn sàng chữa cháy và tổ chức trực phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, sớm phát hiện điểm phát lửa trong rừng, ven rừng và huy động lực lượng phối hợp chữa cháy kịp thời; kiên quyết không để các vụ cháy lớn xảy ra trên địa bàn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trong các tháng cao điểm.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị được giao quản lý rừng thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ xâm hại tài nguyên rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra; tổ chức trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 trong các thời kỳ nắng nóng cao điểm tại những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để phát hiện sớm điểm cháy rừng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ, các xã có rừng, đơn vị chủ rừng trên địa bàn rà soát, bổ sung Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp với tình hình; nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiêm cấm việc đốt lửa, xử lý thực bì trong những ngày nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng.
Khi có cháy rừng xảy ra, thực hiện nghiêm túc và đẩy đủ phương châm “4 tại chỗ” để chữa cháy kịp thời, khẩn trương dập tắt đám cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Quảng Bình 27/4, Hồng Mến)đầu trang(
Chiều 27/4, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng năm 2017.
Tham gia buổi diễn tập có hơn 100 cán bộ nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ, Trạm kiểm lâm và nhân dân thôn 9 xã Tào Sơn.
Với tình huống giả định, tại thôn 9 xã Tào Sơn do bất cẩn của người dân khi làm nương rẫy đã gây ra cháy rừng, ngay sau đó địa phương đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp với sự tham gia tích cực của các lực lượng và nhân dân, chỉ sau một thời gian ngắn đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Thông qua diễn tập nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong việc chủ động phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. (Báo Nghệ An 27/4, Huyền Trang)đầu trang(
Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng phòng hộ tại tỉnh Phú Yên.
Ngày 26.4, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh về tình trạng phá rừng phòng hộ tại tỉnh Phú Yên để làm sân golf, khách sạn, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30.5.
Theo phản ánh của báo chí, hơn 100 ha rừng phòng hộ ở Phú Yên đang bị phá để làm sân golf, khách sạn, resort nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ xin phép Thủ tướng cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Cùng với đó, tỉnh Phú Yên dành hơn 1.000 ha rừng cho 20 dự án đầu tư khác. Phá rừng nhiều nhất là các dự án nuôi bò, thủy điện, trường đua ngựa và nhà máy lọc dầu. (Thanh Niên 27/4, Chí Hiếu)đầu trang(
Ngày 25/4, Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam về việc phản ánh của báo chí liên quan đến Dự án khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam.
Văn bản này nêu rõ: Vừa qua, một số bài báo nêu Phú Yên phá rừng phòng hộ triển khai dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City tại thành phố Tuy Hòa là để kịp phục vụ cho Cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017.
Vấn đề này, UBND tỉnh Phú Yên khẳng định: Cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 do Công ty Cổ phần Tổ chức sự kiện và Du lịch Gala Việt tổ chức theo Giấy phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; địa điểm tổ chức tại Phú Yên; thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 2/7/2017.
Tỉnh Phú Yên sẽ tạo điều kiện và phối hợp với Ban Tổ chức cuộc thi trong quá trình chuẩn bị và tổ chức cuộc thi. Đây cũng là dịp rất tốt để quảng bá hình ảnh và du lịch của tỉnh. Theo Kế hoạch dự kiến của Ban Tổ chức thì không có hoạt động nào của cuộc thi này tổ chức tại khu vực dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc một số bài báo cho rằng, tỉnh Phú Yên phá rừng phòng hộ làm dự án du lịch vì muốn kịp thi Hoa hậu là không đúng với kế hoạch dự kiến của Ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 và chỉ đạo của UBND tỉnh. (VOV 26/4, Thái Bình)đầu trang(
Khu ven biển thôn Phú Hải là đất rừng sản xuất. Trường hợp dùng để xây dựng các công trình sân golf, khu nghỉ dưỡng thì không có gì vi phạm.
Mấy ngày gần đây dư luận xôn xao trước thông tin gần 64 ha rừng dẻ phòng hộ ở ven biển thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) đã được điều chỉnh quy hoạch từ rừng phòng hộ thành rừng sản xuất vào năm 2016 để cấp cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô.
Chiều 26/4, Đất Việt đã có cuộc trao đổi cụ thể với ông Nguyễn Văn Thanh- Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc.
Theo ông Thanh, 63,9 ha rừng dẻ tại thôn Phú Hải nằm trong dự án sân golf đều là đất rừng sản xuất và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quy hoạch để thu hồi, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
“Nếu đất rừng sản xuất dùng để xây dựng các công trình sân golf, khu nghỉ dưỡng Lăng Cô thì theo quy định không có gì vi phạm cả. Tuy nhiên do rừng dẻ này có tuổi đời lâu năm nên người dân cũng có gì đó tiếc nuối”, ông Thanh khẳng định.
Ông Thanh cho biết thêm, trước khi tiến hành triển khai, UBND huyện có thông báo chủ trương thu hồi đất đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô Phong Phú. Trên cơ sở đó, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc ký hợp đồng với nhà đầu tư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
“Về góc độ quản lý nhà nước thì dự án trên do phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phú Lộc chịu trách nhiệm. Mấy ngày hôm nay, các cán bộ của Trung tâm đang đi kiểm tra hiện trạng trong đó để về báo cáo UBND huyện.
Chúng tôi cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, trưởng thôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQ của thôn Phú Hải để nắm tình hình quản lý rừng dẻ.
“Trong buổi làm việc, người dân đề nghị sau khi dự án đưa vào triển khai thì sử dụng lao động của địa phương. Phía chủ đầu tư dự án cũng cam kết với ban quản lý khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế không phá rừng.
Liên quan đến rừng dẻ thì thời gian vừa qua Trung tâm Phát triển quỹ đất có làm việc với các bên. Sau khi làm việc xong xã sẽ có những báo cáo cụ thể với Trung tâm. Nếu đất rừng giao cho người dân thì đền bù như thế nào. Nếu rừng do nhà nước quản lý thì sẽ xử lý ra sao”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cùng ngày, trả lời Đất Việt, ông Lê Văn Tuệ, Nguyên nguyên Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, hiện là Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định thông tin báo chí nêu không chính xác.
Ông Tuệ nhấn mạnh, khu vực ven biển thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) không có rừng phòng hộ.
“Khu vực đó làm gì có rừng phòng hộ. Toàn bộ đều là rừng sản xuất. Ở đó lâu nay theo quy hoạch là rừng sản xuất và có quyết định của UBND tỉnh về vấn đề này”, ông Tuệ khẳng định.
Việc sử dụng đất ven biển thôn Phú Hải  phục vụ cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô, ông Tuệ cho biết nằm trong quy hoạch theo đúng chỉ đạo của Trung ương và không hề có sự chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất như phản ánh của báo chí.
“Bài báo vừa rồi cũng không lấy ý kiến của lãnh đạo tỉnh. Tỉnh đã có văn bản gửi cho báo về nội dụng phản ánh”, ông Tuệ nói thêm.
Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt, ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định chưa nắm được thông tin trên. “Tôi chưa nhận được phản ánh”, ông Công khẳng định. (Đất Việt 27/4, Hà Đông)đầu trang(
UBND tỉnh Phú Yên có công văn giao các sở, ngành, đơn vị liên quan cung cấp các hồ sơ, tài liệu dự án có ảnh hưởng đến rừng cho Cục Cảnh sát môi trường.
Ngày 27-4, theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) đã chính thức vào cuộc làm rõ những thông tin về vụ việc phá rừng ở Phú Yên.
Theo đề nghị của Cục Cảnh sát môi trường, UBDN tỉnh Phú Yên cũng đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cục Cảnh sát môi trường và phối hợp với đơn vị này để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án khu du lịch cao cấp New City Việt Nam tại TP Tuy Hòa, Phú Yên.
Như Pháp Luật TP.HCM và nhiều tờ báo khác phản ánh, có hơn 100 ha rừng phòng hộ ở Phú Yên đang bị phá để làm sân golf, khách sạn, resort nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ xin phép Thủ tướng Chính phủ cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, chưa có đánh giá tác động môi trường… (Pháp Luật TP.HCM 27/4, Trung Thanh)đầu trang(
Ông LÊ THANH ĐỒNG - trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên - trả lời Tuổi Trẻ việc tại sao HĐND tỉnh lại phê chuẩn những tờ trình của UBND tỉnh về các dự án lấy nhiều diện tích rừng.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, Phú Yên có 20 dự án đầu tư lấy khoảng 1.000ha đất rừng, trong đó có cả rừng phòng hộ. Ngoài một vài dự án lớn lấy đất rừng phòng hộ trên 20ha phải xin ý kiến Thủ tướng, hầu hết dự án còn lại đều thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh.
Tại sao HĐND tỉnh lại phê chuẩn những tờ trình của UBND tỉnh về các dự án phải lấy nhiều diện tích rừng như vậy? Được sự ủy quyền của Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, ông LÊ THANH ĐỒNG - trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên - trả lời:
Tất cả những vấn đề về dự án, đầu tư, xây dựng... đều căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm năm 2015-2020.
Việc UBND tỉnh trình cho HĐND tỉnh những dự án có liên quan đến việc sử dụng đất rừng là việc hết sức bình thường. HĐND tỉnh phê chuẩn, nhưng quan trọng là sau đó UBND tỉnh phải tổ chức thực hiện dự án đúng quy trình, quy định pháp luật.
HĐND tỉnh cũng có thẩm quyền ở một mức độ thôi. Ví dụ đối với đất rừng mà khi phê duyệt thứ kia thứ nọ, điều chỉnh quy hoạch rừng... thì phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự án muốn được thực hiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt.
Quá trình tổ chức thực hiện, nếu đâu đó có khâu này khâu khác chưa đảm bảo thì những vấn đề đó cần rút kinh nghiệm nghiêm túc. Trong mọi vấn đề đừng mong muốn là việc gì cũng được hết hay việc gì cũng mất hết. HĐND tỉnh xem xét kỹ việc được nhiều - mất ít hoặc mất nhiều - được ít để cân nhắc vấn đề phát triển, đặc biệt là liên quan đến môi trường.
Về đất đai thì trước hết hạn chế sử dụng đất lúa hai vụ, đất rừng thì cân nhắc xem xét quy hoạch ba loại rừng ở mức độ nào là phù hợp, vừa đảm bảo môi trường vừa phù hợp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nói vậy không có nghĩa là không thu hồi đất rừng, kể cả đất rừng phòng hộ, không có nghĩa là không được thu hồi, kể cả đất lúa hai vụ.
Theo quy định của Luật đất đai, đối với việc thu hồi diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng từ 20ha trở lên, thu hồi đất lúa từ 10ha trở lên là phải xin ý kiến Thủ tướng, còn diện tích dưới mức đó thì HĐND tỉnh cân nhắc xem xét theo thẩm quyền.
Xin nói là động cơ (của việc đổi diện tích rừng làm dự án - PV) là vì mục tiêu phát triển của địa phương, ngoài ra không có vấn đề gì khác. Còn đâu đó trong quá trình tổ chức thực hiện còn khiếm khuyết như báo chí nêu thì cố gắng khắc phục.
Tốt hơn hay xấu hơn thì phải phụ thuộc vào ĐTM, vì tất cả dự án đều phải thực hiện một quy trình bắt buộc, nghiêm ngặt trước khi triển khai là phải có ĐTM được cấp có thẩm quyền phê duyệt. ĐTM đánh giá được hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án thế nào. Mình tay ngang làm sao biết được.
TP Tuy Hòa cũng đã có quy hoạch phân khu phát triển, riêng dải bờ biển thì hầu hết là quy hoạch phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái. Tôi không chỉ là công dân TP Tuy Hòa, mà còn là đại biểu HĐND tỉnh, trong các cuộc tiếp xúc cử tri thì bà con cũng phản ảnh dải bờ biển Tuy Hòa sao lụp xụp quá, trong khi bãi biển đẹp, nhiều tiềm năng.
Những dự án đầu tư du lịch ven biển Tuy Hòa lấy một diện tích rừng phi lao phòng hộ nhưng không có nghĩa là phát trắng, mà có diện tích cây xanh để lại, diện tích phải trồng vào thêm theo thiết kế, quy hoạch nên vẫn còn hành lang bảo vệ.
Nếu ảnh hưởng môi trường như cát bay, bão gió thì trước tiên dự án đó phải hứng chịu rồi mới tới nhà dân. Họ đổ tiền tỉ ra làm dự án thì phải tính toán để bảo vệ trước những vấn đề đặt ra như thế.
Tóm lại, HĐND tỉnh phê duyệt các dự án là cho chủ trương, còn triển khai thực hiện thì phải đúng theo quy định pháp luật. HĐND giám sát việc triển khai thực hiện đó có đúng không.
Chúng tôi cũng đang theo dõi, giám sát những dự án đó. Công tác giám sát của HĐND tỉnh là thường xuyên chứ không phải cái gì giám sát là cũng được hết, có hết, thấy hết. Chúng tôi cảm ơn báo chí đã góp phần giúp HĐND tỉnh làm tốt công tác giám sát của mình.
Ngoài giám sát, HĐND tỉnh phải lắng nghe cử tri, báo chí, dư luận xã hội và cân nhắc, chắt lọc những vấn đề nào cần nắm lại, giám sát lại.
HĐND sẽ giám sát những việc tổ chức thực hiện các dự án, nếu còn những khâu nào chưa tốt, thiếu sót như báo chí phản ánh thời gian qua thì HĐND tỉnh sẽ cân nhắc, xem xét có ý kiến vào thời điểm phù hợp. (Tuổi Trẻ 27/4, Duy Thanh)đầu trang(
Việc cho bị cáo hưởng án treo là chưa tương xứng với tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội, không bảo đảm tính răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung, nhất là tình trạng phá rừng xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Phú Yên hiện nay...
TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử phúc thẩm vụ án Kpă Y Phương về tội hủy hoại rừng, chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Yên, xử phạt bị cáo Phương 3 năm tù. Trước đó, TAND huyện Sơn Hòa chỉ phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo hồ sơ, ngày 13-7-2016, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Krông trai phát hiện Phương đang trồng hoa màu tại khu vực rừng bị chặt phá thuộc rừng đặc dụng Krông trai. Qua điều tra xác định: Từ tháng 3-2010 đến tháng 2-2016 Phương đã dùng cưa lốc chặt phá hơn 11.000 m2 rừng đặc dụng tại tiểu khu 199 rừng đặc dụng Krông trai để lấy đất sản xuất, gây thiệt hại hơn 150 triệu đồng.
Qua kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Phú Yên nhận thấy: Việc án sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 189 BLHS để xử phạt bị cáo Phương về tội hủy hoại rừng là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo chặt phá rừng đặc dụng với diện tích lớn gấp 10 lần mức cấu thành tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 189 BLHS (có mức hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm) nhưng án sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo 30 tháng tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề là vi phạm Điều 47 BLHS.
Mặc khác, tòa lại cho bị cáo hưởng án treo là chưa tương xứng với tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, không bảo đảm tính răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung, nhất là tình trạng phá rừng xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn huyện Sơn Hòa, Phú Yên hiện nay. (Pháp Luật TP.HCM 27/4, Hồ Lưu)đầu trang(
Từ mấy chục năm nay, hàng ngàn cây gỗ hương được sống trong yên bình, không bị bất cứ sự xâm hại nào, dù nhỏ. Khu rừng ấy ở xã K’riêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Có khu rừng được đánh giá đẹp nhất Gia Lai này là do 2 người đàn ông bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ. Đó là ông Nguyễn Hữu Mạnh, 65 tuổi và Rơ Mah Kem, 61 tuổi, cùng ở xã Kriêng, huyện Đức Cơ.
Theo chân anh Trịnh Xuân Hữu, kiểm lâm viên, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ phụ trách địa bàn xã Kriêng, chúng tôi vào khu rừng hương ở làng Grôn, gặp 2 người đàn ông được mệnh danh là “sát thủ” của lâm tặc.
Nhà của 2 ông là căn chòi nhỏ nằm dưới gốc một cây hương to, cách bìa rừng chừng hơn trăm mét. Bên trong chòi, “tài sản” quí nhất là mấy can nước, một chiếc giường được ghép bằng mấy tấm ván gỗ ọp ẹp, mấy thùng mì tôm dự trữ. Do đã hẹn trước nên khi chúng tôi đến, 2 ông đều có mặt. Nghe tôi hỏi chuyện giữ rừng, ông Rơ Mah Kem, người nổi tiếng “dữ dằn” khi đối đầu với kẻ xấu, nở nụ cười hiền, giọng nhỏ nhẹ: “Tôi có làm được gì đâu, theo ông Mạnh thôi mà”.
Dõi mắt nhìn vào rừng cây trước mặt, anh Hữu cho biết: “Khu rừng có diện tích gần 4ha, có 2.000 cây hương thuộc loại lớn. Đường kính trên dưới 70cm, nhiều cây to 2 - 3 người ôm. Đây được coi là khu rừng hương đẹp nhất Gia Lai. Công đầu là của ông Mạnh và ông Rơ Mah Kem”.
Quả thật, tôi từng đi nhiều khu rừng ở nhiều vùng, nhưng chưa thấy nơi nào có một quần thể rừng hương bạt ngàn, đẹp như thế. Cây lớn, cây nhỏ đan xen, xuyên ngọn qua những đám dây leo, cây dại chằng chịt bên dưới, vươn thẳng lên trời. Trên thân mỗi cây đều có đánh dấu thứ tự, vị trí để kiểm tra.
Ông Mạnh quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, năm 1994, ông dắt vợ con vào Gia Lai lập nghiệp. Vào đây, thấy khu rừng hương, biết trước “tương lai” của nó sẽ rất đen tối nếu không được bảo vệ nghiêm ngặt, ông xin chính quyền giao cho mình vào trông nom, bảo vệ. Ông hứa sẽ giữ rừng không mất một cành cây! Thấm thoắt, ông “ăn ngủ” với rừng đã ngót 20 năm.
Ông Mạnh kể: “Hồi mới vào, cực lắm. “Rừng thiêng nước độc”, mưa gió, sấm chớp, rắn rết, sốt rét… thôi đủ cả. Nếu tôi chưa từng giữ rừng, vào đây chắc không chịu nổi. Ban đầu vợ tôi phản đối dữ lắm, bảo sao không đi phát rẫy làm cỏ trồng lúa trồng cây trái, trồng cà phê còn có cái mà đút miệng, giữ rừng có được mấy đồng. Mà coi chừng bọn nghiện ngập, lâm tặc vô phá, chúng nó đâm chết đấy.
Tôi bảo, tôi đã quyết rồi, đến đâu thì đến, phải giữ cho bằng được. Đây là “tài sản” của con cháu mình sau này, là tài sản của nhà nước. Ai cũng nói không phải của mình, ai cũng bảo không có quyền lợi gì, rồi bỏ, tụi nó vào phá sạch thì mai mốt đất cũng trôi tuột hết, không có mà cạp đâu.
Không chỉ có vợ tôi, ban bè, người thân ai cũng can vì sợ gia đình tôi không an toàn. Cũng đúng thôi, bây giờ 1m3 gỗ hương giá cả trăm triệu đồng, một cây có khi được hơn 2 chục khối, chỉ cần cắt trộm được một cây là “ăn đủ” rồi. Nên mọi người lo lắng cũng phải".
Quả nhiên, trong suốt nhiều năm nhận giữ rừng, ông Mạnh liên tục bị người lạ “làm phiền”, đủ trò, đủ cách. “Ban đầu tụi nó giả làm người đi hái củi khô, hái rau rừng, vào đây làm quen, dò la. Tôi nhìn là biết “thành phần” này thuộc loại “bất hảo”, không đội trời chung với rừng nên đề phòng. Đúng như dự đoán, sau đó tụi nó ban đêm rủ nhau vào khu vực xa, chặt trộm chứ không dám cưa, tôi đã phòng trước nên huy động dân làng kéo vào.
Cũng chỉ hò hét, đánh động tụi nó thôi chứ không dám đối đầu, sợ ảnh hưởng đến bà con. Sau khi trộm không được, tụi nó lại tìm cách mua chuộc… Nhưng lần nào cũng vậy, tôi nói rõ quan điểm với chúng: Rừng của nhà nước chứ không phải của tôi, đụng vô là đi tù đó. Còn tui, giá nào cũng giữ, chết cũng không sợ. Cũng may, khu rừng có làng Grôn bao quanh, muốn ra, vào rừng đều phải qua làng”, ông Mạnh kể.
Thấy quyết tâm và tấm lòng của ông Mạnh, ông Rơ Mah Kem, trưởng thôn Grôn, người J'rai, đã tình nguyện sát cánh cùng ông Mạnh giữ rừng. Những năm tháng luồn lách giữa rừng hương, tính hoang dã như ngấm vào Rơ Mah Kem.
Da đỏ như đồng, thân thể vạm vỡ như con gấu, tiếng hét của ông vang vọng mấy cánh rừng, đến hổ còn giật mình. Chính vì thế, những người có “tà ý” với rừng, đều ngần ngại khi nghĩ đến Rơ Mah Kem. Ông thuộc từng gốc cây, ngọn lá, cây nào bệnh, cây nào không. Thậm chí, 2 ông khẳng định, chỉ cần nghe cành khô gãy là đoán của cây nào!
Ban ngày, cầm rựa phát quang chống cháy, dọn thực bì, đóng biển "rừng cấm", đêm ngủ cũng căng tai lên, nghe tiếng động lạ là 2 ông bật dậy, cầm đèn pin đi kiểm tra, nhiều đêm đến sáng mới về đến chòi. Những lúc không đi tuần, hai ông cần mẫn nhặt từng quả hương già, nhân giống chờ đâm chồi. Sống ít, chết nhiều nhưng vẫn cặm cụi với ước nguyện "có cây, rừng sẽ mở rộng diện tích".
Tuy nhiên, còn một “nhân vật” khác, rất quan trọng trong việc bảo vệ khu rừng quý này, đó là ông Rơ Mah Le, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Kriêng. Ông chính là người đầu tiên đề xuất phải giữ bằng mọi giá. Rơ Mah Le xem rừng như nhà mình, một tuần không vào thăm rừng 2 - 3 lần, là không ngủ được.
Chiều chiều, hết giờ làm việc, ông lại lững thững vào rừng đi dạo, nghe tiếng chim hót. Ông bảo, đó là hạnh phúc không gì thay thế được. Ông xin chính quyền và căn dặn con cháu, khi nào ông chết, ông muốn được chôn trong rừng.
Thấy 2 ông bảo vệ rừng quá tốt, chính quyền huyện Đức Cơ trích ngân sách xây hẳn cho hai ông một… căn chòi bằng xi măng, lợp tôn. Không điện, nước. "Vũ khí" duy nhất phòng thân là hai cây rựa phát rẫy.
“Tụi phá rừng nó đâu có sợ giáo mác gậy gộc, thậm chí súng, nên tôi thấy cũng không cần”. “Vậy theo chú, tụi nó sợ cái gì?”, tôi hỏi. “Như chú thấy, ở đây chẳng có vũ khí gì, vẫn giữ được. Tôi thấy, giữ được là nhờ có tình yêu, trách nhiệm với rừng, là sự đoàn kết của bà con. Khi cần, thêm chút “máu giang hồ” nữa”, ông cười, đáp.
Nói về khu rừng hương, ông Bùi Quang Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Cơ cho rằng: "Giữ rừng có nhiều biện pháp, nhưng tối ưu vẫn là tuyên truyền. Huyện Đức Cơ trong mỗi cuộc họp thôn, bản đều cùng hai ông tuyên truyền lợi ích của rừng. Nhiều lúc phải đến tận từng nhà, gặp trực tiếp khuyên nhủ, răn đe. Thậm chí, trang bị miễn phí điện thoại cho những hộ có nương rẫy sát bìa rừng, hễ thấy ai tiến vào rừng, là gọi điện báo tin. Rừng hương giờ được làng Grôn coi là "khu rừng thiêng", một nhánh củi khô cũng không ai bẻ". (Nông nghiệp Việt Nam 27/4, Phúc Lập)đầu trang(
Sáng 27/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh chủ trì Hội nghị tổng kết công tác thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng và công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ 2017.
Năm 2016, diện tích rừng tự nhiên của Đà Nẵng tăng gần 956ha rừng trồng giảm 2.765ha. Qua tuần tra, kiểm soát, năm qua đã xử lý 74 vụ vi phạm về rừng, xử lý hành chính hơn 363 triệu đồng, tịch thu hàng chục m3 gỗ và nhiều lâm sản khác, đã chuyển cơ quan điều tra 9 vụ gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong năm 2016, Đà Nẵng xảy ra 9 vụ cháy rừng và 7 vụ phát lửa cháy thực bì ven rừng gây thiệt hại gần 42ha rừng trồng và rừng tự nhiên tái sinh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành và địa phương có rừng, trong năm 2017, chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng; tăng cường phòng cháy chữa cháy, nhất là cao điểm khô hạn; nghiêm túc chấn chỉnh việc quản lý sử dụng lửa khu vực có nguy cơ cháy cao, không để cháy rừng do chủ quan.
Đồng thời tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; chủ động rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017. (Đài PTTH Đà Nẵng 27/4, Văn Hùng)đầu trang(
Để ngăn chặn tình trạng chặt, phá rừng trái phép, trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiến hành ký kết, tổ chức thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả Quy chế phối hợp bảo vệ rừng gồm Quy chế phối hợp liên ngành số 818/LN/KL-CA-QS-BĐBP trong công tác quản lý bảo vệ rừng; Quy chế 299/QCPH-CA-QS-KL phối hợp giữa Công an xã, phường, thị trấn, Dân quân tự vệ và Kiểm lâm địa bàn trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển đảo; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống cháy rừng (PCCCR)...
Cụ thể, đoàn liên ngành các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức bình quân mỗi năm 90 đợt kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc tại từng địa bàn trọng điểm còn giàu tài nguyên, đặc biệt là khu vực giáp biên giới Việt - Lào, vùng giáp ranh với tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị và khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Lực lượng chức năng cũng đã duy trì thường trực 24/24 giờ trong ngày tại các trạm, chốt kiểm tra liên ngành ở một số vị trí đường giao thông, khe suối dẫn vào rừng để ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Bên cạnh phối hợp với các đơn vị chủ rừng và cơ quan chức năng bảo vệ rừng và PCCCR, lực lượng Kiểm lâm còn thường xuyên nắm tình hình trong rừng, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tuần tra rừng, truy quét lâm tặc, ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác, phá rừng, bắt bẫy động vật hoang dã trái phép trong lâm phận quản lý.
Mặt khác, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo chính quyền cấp xã tăng cường quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, quan tâm tới công tác bảo vệ rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, hướng dẫn người dân trồng rừng, bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý khai thác lâm sản đúng quy định.
Cùng với đó, lực lượng Công an, Dân quân xã cũng đã phối hợp với Kiểm lâm địa bàn tổ chức các đợt kiểm tra rừng phát hiện, ngăn chặn và xử lý vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngay từ khi vụ việc mới phát sinh; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lâm nghiệp theo phương châm bảo vệ rừng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Hiện nay, toàn tỉnh có 573 tổ, đội quần chúng tham gia bảo vệ rừng, PCCCR ở cơ sở, với 5.520 người tham gia và xác định nòng cốt bảo vệ rừng ở cấp xã và thôn bản là lực lượng Dân quân, Công an xã và đại diện chủ hộ gia đình được Nhà nước giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng.
Để quản lý các cơ sở chế biến lâm sản theo quy định, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2743/QĐ-UBND 07/10/2015 về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở cưa xẻ gỗ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015 - 2017 với 340 cơ sở cưa xẻ.
Cơ quan Kiểm lâm cũng niêm yết công khai danh sách các cơ sở cưa xẻ gỗ nằm trong quy hoạch mạng lưới cơ sở cưa xẻ gỗ của tỉnh giai đoạn 2015 - 2017 tại trụ sở làm việc và thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến của các cơ sở nằm trong quy hoạch, kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý theo quy định của pháp luật; ngăn chặn, không để các cơ sở cưa xẻ gỗ ngoài quy hoạch hoạt động trái phép.
Song song với công tác chống, chặt phá rừng, lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng đã tăng cường công tác bảo tồn động vật hoang dã tại các khu rừng có đa dạng sinh học cao như khu vực Khe Nước Trong thuộc lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Động Châu; khu vực giáp biên giới Việt - Lào; vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để ngăn chặn tình trạng bắt bẫy, mua bán, vận chuyển động vật rừng trái phép, bảo tồn tốt loài Vọoc gáy trắng (Vọoc Hà Tĩnh) tại các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa).
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có 81 cơ sở gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật rừng đã được cấp Giấy chứng nhận, trong đó có 68 trại nuôi động vật rừng thông thường, 13 trại nuôi động vật quý, hiếm.
Các cơ sở gây nuôi hợp pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu của xã hội, giảm việc bắt bẫy động vật hoang dã ngoài tự nhiên. Lực lượng Kiểm lâm còn phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết với cơ sở gây nuôi động vật, nhà hàng, khách sạn về chấp hành quy định quản lý động vật hoang dã theo quy định; tăng cường quản lý, giám sát việc nuôi và sử dụng sản phẩm động vật rừng nên đã giảm tình trạng bắt bẫy, vận chuyển động rừng trái phép diễn ra trên địa bàn.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trao đổi thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tăng cường biện pháp trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng khu vực biên giới; bảo đảm sự chỉ huy, chỉ đạo, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mỗi lực lượng.
Ngoài ra, các Đồn Biên phòng và Hạt Kiểm lâm Minh Hóa tiếp tục hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép lâm sản, chặt phá rừng làm nương rẫy, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép qua biên giới, qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Quảng Bình 27/4, Minh Huyền)đầu trang(
Sáng 27/4, Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi thông tin, chỉ trong ngày 26/4, trên địa bàn huyện đã phát hiện vụ cất giấu, vận chuyển gỗ trái phép.
Theo đó, vào lúc 11h20’, ngày 26/4, Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, UBND xã Bờ Y và Lâm trường Sa Loong tiến hành tuần tra, truy quét tại tiểu khu 183, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi và phát hiện một lượng lớn gỗ cất giấu tại đây.
Qua kiểm tra, đo đếm cụ thể, có tới 30 hộp gỗ xẻ, với khối lượng 4,371m3 (chủng loại dổi, bằng lăng, re hương, cóc đá, thuộc nhóm III và nhóm IV) không có dấu búa Kiểm lâm và chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản tạm giữ và vận chuyển tang vật về Hạt Kiểm lâm Ngọc Hồi để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định. (Báo Kon Tum 27/4, Thanh Hưng)đầu trang(
Vào lúc 16h30’ ngày 25/4, trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra địa bàn tại xã Đăk Ang, Tổ công tác của Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 phối hợp với Công an huyện Ngọc Hồi đã phát hiện 6 hộp gỗ xẻ cất giấu cạnh bờ sông Pô Kô, thuộc địa giới hành chính thôn Đăk Rơ Me (xã Đăk Ang), với khối lượng 0,886m3 (quy tròn 1,417 m3), chủng loại cày, thuộc nhóm VI. Toàn bộ số gỗ trên cũng không có dấu búa Kiểm lâm và chưa xác định được chủ sở hữu.
Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 đã lập biên bản và vận chuyển toàn bộ số gỗ trên về gửi tại kho tang vật của Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei, để tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. (Báo Kon Tum 27/4, Thành Hưng)đầu trang(
Xe tải chở nhiều gỗ xẻ không có dấu và giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Ngày 27-4, kiểm lâm Kon Tum phát hiện một xe ôtô mang biển kiểm soát 82C-011.89 chở nhiều hộp gỗ xẻ tại khu vực thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi.
Ngay sau khi bị phát hiện, lái xe đã bỏ xe rời khỏi hiện trường. Qua kiểm tra cho thấy trên xe chở 63 hộp gỗ xẻ, có khối lượng lên tới 8.299m3 (thuộc loại gỗ dổi). Toàn bộ số gỗ trên không có dấu búa kiểm lâm và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Các ngành chức năng huyện Ngọc Hồi đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. (Tuổi Trẻ 27/4, T.Nguyên)đầu trang(
Sáng 27/4, Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ kiểm lâm huyện Đắk G’long gồm: Tôn Thất Hoàng, Hạt phó phụ trách Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Quảng Sơn; Phạm Văn Anh, Trạm phó Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Quảng Sơn; YHuôn và Đỗ Thiên Long đều là cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Quảng Sơn.
Lý do tạm đình chỉ là để tiến hành tổ chức kiểm điểm, làm rõ, xác định trách nhiệm, sau đó tiến hành các biện pháp kỷ luật. Nếu cán bộ nào vi phạm có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển sang cho cơ quan công an điều tra, xử lý.
Trước đó, Cơ quan công an xác định có 40 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng tại tiểu khu 1685, thuộc địa phận xã Quảng Sơn và xã Đắk Ha (huyện Đắk G’Long), đồng thời tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp 9 đối tượng để phục vụ điều tra.
Theo thông tin ban đầu, việc hủy hoại rừng ở tiểu khu 1685 thuộc xã Quảng Sơn được một cán bộ kiểm lâm thuộc Trạm kiểm lâm địa bàn tiếp tay, bao che. Khi rừng mới bị phá khoảng 12ha, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ hai đối tượng, tuy nhiên, các đối tượng này đã đưa tiền lót tay cho 1 cán bộ nên đã được bỏ qua. Sau đó, các đối tượng này tiếp tục phá rừng, đốt dọn, đưa xe cơ giới vào mở đường, đắp đập thủy lợi… mà không hề bị ngăn chặn.
Ngày 26/4, ông Lê Sỹ Tuân, Chánh Thanh tỉnh Đắk Nông cũng tiến hành công bố Quyết định số 44/QĐ-TTr để thanh tra toàn diện tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Trong thời gian 45 ngày, Thanh tra tỉnh sẽ tiến hành thanh tra về công tác quản lý, bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc phối hợp với các cơ quan chức năng đứng chân trên địa bàn để quản lý, bảo vệ rừng.
Được biết năm 1998, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn được giao quản lý, bảo vệ hơn 30.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, biên bản kiểm kê vào tháng 12/2016 cho thấy, diện tích rừng của Công ty này chỉ còn hơn 7.500ha. (Dân Trí 27/4, Dương Phong)đầu trang(
Vào hồi 1h, ngày 27-4, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hà Giang đã kiểm tra phát hiện xe ô tô vận chuyển lâm sản trái phép.
Vào thời điểm trên tổ công tác đã phát hiện tại km52 Quốc lộ 2 đường Hà Giang - Tuyên Quang (thuộc thôn Minh Thành, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang) xe ôtô tải Biển kiểm soát 23C-016.42 do lái xe Nguyễn Văn Kiên (39 tuổi, trú tại tổ 13, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) điều khiển.
Trên xe vận chuyển một lượng lớn gỗ Pơ mu (Ngọc am) có hình dáng phức tạp thuộc loại lâm sản quý hiếm với số lượng khoảng 1.500 kg (1,5m3).
Qua kiểm tra lái xe đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy phép vận chuyển, tổ công tác đã lập biên bản thu giữ và bàn giao cho Chi cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang để xử lý theo quy định của pháp luật. (Công An Nhân Dân 27/4, Trung Thực)đầu trang(
Sáng 27- 4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã tạm giữ 53 thanh gỗ nghiến xẻ, khối lượng gần 3,5m3 (nhóm IIA) của gia đình ông Tẩn Tờ Dèn, thôn Tân Sơn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên do cất trữ trái quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 22 - 4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Hà Giang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện tại gia đình ông Tẩn Tờ Dèn có một số lượng gỗ không rõ nguồn gốc.
Đo đếm cụ thể tại khu vực đất ở của gia đình ông Dèn có 7,05m3 gỗ sâng, toàn bộ số gỗ này đã được lắp thành sáu vì kèo nhà sàn chuẩn bị dựng nhà. Ngoài ra, ông Dèn còn cất giữ 53 thanh gỗ nghiến nhóm IIA, mỗi thành có chiều dài bốn mét, dầy 7 cm, rộng 25 cm, tổng khối lượng đo đếm gần 3,5 m3, tương đương 5,6m3 quy tròn.
Ông Tẩn Tờ Dèn cho biết, đối với số gỗ đã được lắp thành vì kèo nhà là gỗ cũ của gia đình mua lại của ông Phàn Vần Lẻng, người cùng thôn, có giấy tờ xác nhận của xã.
Riêng 53 thanh gỗ hộp nghiến được ông mua của nhiều người trong gia đình và trong thôn, toàn bộ số gỗ trên không có giấy tờ hợp pháp và chưa được kê khai theo quy định. Sau khi xác minh, lực lượng chức năng đã lập biên bản kiểm tra và tạm thu số gỗ nghiến để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Điều đáng nói, ông Tẩn Tờ Dèn là cán bộ thôn Tân Sơn, xã Minh Tân nhưng lại cất trữ gỗ trái quy định, khi lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, ông Dèn đã có thái độ bất hợp tác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác giải quyết vụ việc. Hơn nữa, sau khi thu giữ gỗ, một số đối tượng trong thôn đã cố tình rải đinh dọc đường vào thôn nhằm gây thiệt hại cho các phương tiện của lực lượng chức năng.
Cũng trong ngày 27- 4, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đã ban hành quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vũ Mạnh Hoạch, sinh năm 1973, trú tại tổ 5, thị trấn nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên vì đã vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng được quy định tại điều 175, Bộ Luật hình sự.
Theo đó, vào ngày 18 - 4, tại cơ sở chế biến gỗ và kinh doanh nội thất Hoạch Thục do ông Vũ Mạnh Hoạch làm chủ, lực lượng chức năng khám xét, phát hiện và tạm giữ 1.174 khúc gỗ nghiến dạng thớt với khối lượng 8 m3 và 13 thanh gỗ nghiến xẻ, khối lượng 0,479 m3. Toàn bộ số gỗ trên không có dấu búa kiểm lâm và phần lớn số gỗ nghiến được cắt khúc dạng thớt được đối tượng khai nhận là mua trôi nổi trong dân và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. (Nhân Dân 27/4, Khánh Toàn)đầu trang(
Ngày 27/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Vũ Mạnh Hoạch (43 tuổi, thường trú tại tổ 5, thị trấn nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên) về hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Trước đó, ngày 18/4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số I, Hạt Kiểm lâm huyện Vị Xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm tra hành chính đối với cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản của Vũ Mạnh Hoạch, phát hiện tàng trữ một số lượng lớn gỗ nghiến (nhóm IIa).
Qua khám xét khu vực xưởng chế biến gỗ và tầng hầm nhà ở, các lực lượng chức năng đã phát hiện 1.174 khúc gỗ nghiến (được sơ chế dạng thớt) với tổng khối lượng 13,79 m3 quy tròn và 13 thanh gỗ nghiến xẻ. Toàn bộ số gỗ nghiến trên có tổng khối lượng 14,459 m3 gỗ quy tròn chưa qua sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số gỗ nghiến trên không có dấu búa kiểm lâm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã xác định đối tượng Vũ Mạnh Hoạch vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng được quy định tại Điều 175 - Bộ luật Hình sự. Hiện vụ án trên đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang khẩn trương làm rõ. (Tin Tức 27/4, Minh Tâm)đầu trang(
Sau khi thực trạng chặt phá rừng tại Thanh Hóa được Chuyển động 24h phản ánh, các cơ quan chức năng tại địa phương đã vào cuộc.
Cánh rừng gần bản Yên, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa lâu nay phải đối mặt với tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép diễn ra rầm rộ. Thực trạng này đã được phóng viên của Trung tâm Tin tức VTV24 thu thập và phản ánh trong các chương trình Chuyển động 24h .
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Chuyển động 24h, các cơ quan chức năng tại địa phương đã vào cuộc, tiến hành truy tìm các đối tượng, tịch thu toàn bộ tang vật và các dụng cụ khai thác, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đài Truyền Hình VN 26/4)đầu trang(
Mặc dù không còn rầm rộ như trước đây, nhưng tình trạng bất ổn an ninh rừng vẫn diễn ra tại khu vực thuộc địa giới hành chính của xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Không chỉ gỗ bị lâm tặc khai thác mà nhiều người vẫn vào rừng đào xới để mong kiếm tìm cơ hội đổi đời.
Phóng viên đã có dịp mục sở thị khu vực rừng nằm trên địa bàn xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân. Ngay từ bìa rừng dẫn vào con suối, không khó để có thể bắt gặp những thân gỗ tròn, gỗ xẻ với nhiều kích thước nằm lộ thiên trên bề mặt cũng như bị che phủ bởi cỏ cây, nhìn thoáng qua rất khó nhận biết.
Những lối mòn, rãnh sâu để phục vụ cho việc vận chuyển gỗ đến điểm tập kết được mở ra từ lâu. Rải rác trong rừng, xuất hiện một số điểm khai thác gỗ của các đối tượng lâm tặc. Đây là thủ đoạn khai thác tinh vi của các đối tượng nhằm che mắt lực lượng chức năng.
Ghi nhận thực tế, tình trạng khai thác gỗ cũ có, mới có, thậm chí có những cây gỗ bị khai thác từ lâu đã xuất hiện dấu hiệu mục nát. Có những thân gỗ kích thước một vòng tay người ôm không xuể, dài cả chục mét đã bị đốn hạ nằm chỏng chơ giữa rừng.
Không chỉ xảy ra hiện tượng khai thác gỗ trái phép mà tại khu vực rừng thuộc xã Xuân Lẹ còn diễn ra tình trạng khai thác đá xanh. Việc người dân vào rừng mong tìm cơ hội đổi đời đã khiến cho tình hình an ninh rừng có những thời điểm rất phức tạp.
Để ngăn chặn tình trạng rừng bị “đục khoét”, UBND huyện Thường Xuân cũng như chính quyền địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét. Tuy nhiên, tình hình chỉ tạm lắng xuống một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
Tại thời điểm mục sở thị, chúng tôi bắt gặp một nhóm người cả nam và nữ đang tiến hành đào bới ở khu vực đồi, thuộc thôn Liên Sơn. Trước mắt chúng tôi là một khung cảnh "tan hoang", với nhiều vết cày xới đất, bên cạnh những cây rừng bị bật gốc nằm ngổn ngang...
Tiếp chuyện chúng tôi, một phu đá trong nhóm tâm sự: Đây là nghề may rủi, có những thời điểm đào bới cả tháng trời chẳng được gì, nhưng nếu may mắn, chỉ cần đào được đá xanh quý hiếm thì có cơ hội đổi đời.
Thường thì mỗi nhóm phu đá có từ 4 - 6 thành viên, đa phần là anh em, họ hàng. Họ cùng vào rừng, dựng lều lán để khai thác đá. Thông thường, những người đi khai thác đá xanh đào từ trên mặt đất xuống theo hình xoắn ốc, với độ sâu từ 3-7m. Để đào những hốc khai thác đá thì các đối tượng phải chặt hạ cây rừng mọc trên mặt đất, tại những khu vực được cho là có đá xanh.
Có những thời điểm, người dân từ khắp nơi kéo về khu vực rừng thuộc xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân để mong kiếm tìm cơ hội đổi đời. Cũng bởi thế, dưới những tán cây rừng nơi đây đã bị đào xới nham nhở. Tuy nhiên, không phải ai đến đây cũng đều gặp được may mắn. Thậm chí, đã có nhiều người phải bỏ mạng giữa rừng cũng chỉ vì vào rừng đi đào đá xanh.
Nhiều người vẫn chưa thể quên vụ sập hầm khi khai thác đá vào đầu năm 2015 khiến 3 phu đá ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân phải bỏ mạng. Thống kê của chính quyền địa phương cho thấy, từ trước đến nay đã có 7 người chết khi đi khai thác đá xanh tại khu vực rừng của xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân.
Ông Hoàng Trọng Lưu, Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ cho biết, đầu năm 2017, địa phương đã thành lập một tổ chốt tiến hành kiểm tra, rà soát hàng ngày.
Hiện nay, trên địa bàn không có điểm nóng về rừng, tình trạng khai thác gỗ trái phép trước đây có xảy ra, đặc biệt là năm 2015. Sau khi giao đất, khoán rừng cho dân bảo vệ, đến nay tình hình đã được khắc phục triệt để. Tình trạng khai thác đá quý cơ bản đã chấm dứt từ năm 2014.
Tuy nhiên, khi phóng viên thông tin hiện nay vẫn còn tình trạng khai thác gỗ và đào đá quý, ông Lưu mới thừa nhận: “Tất nhiên vẫn còn xảy ra, nhưng tình hình đã có nhiều chuyển biển”.
Cũng theo ghi nhận của Dân trí, tại thời điểm phóng viên làm việc với ông Lưu, trong khuôn viên trụ sở UBND xã Xuân Lẹ có hàng chục tấm gỗ xẻ vuông vắn được chồng lên nhau. Ông Lưu thừa nhận đây là số gỗ vô chủ do các đối tượng lâm tặc bỏ lại.
Ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thường Xuân cho biết, UBND huyện đang phối hợp và chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra việc khai thác đá xanh tại xã Xuân Lẹ. Cũng theo ông Long, Hạt kiểm lâm đã cử một Hạt phó chuyên trách "nằm vùng" tại địa phương. (Dân Trí 28/4, Duy Tuyên - Phạm Bá)đầu trang(
Ngày 27.4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho biết, Hạt kiểm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn vừa tiếp nhận và thả 1 cá thể trăn đất quý hiếm về rừng Sơn Trà.
Cụ thể, vào tháng 4, trong quá trình phát dọn cỏ trước khuôn viên cơ quan, các chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã phát hiện, bắt giữ 1 con trăn dài 3m, nặng 15kg. Ngay sau đó, đơn vị này đã báo cho Hạt Kiểm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn.
Nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm đã đến hiện trường xác định con trăn các chiến sỹ bắt được là loài trăn đất, có tên khoa học Python molurus thuộc nhoám IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ, thuộc phụ lục II công ước của CITES và ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam, nặng 15kg.
Sau khi tiếp nhận, cũng ngay trong buổi chiều cùng ngày, Hạt kiểm lâm đã lập các thủ tục tiếp nhận và thả con Trăn đất này vào rừng Sơn Trà với sự chứng kiến các chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC số 3 và các chiến sỹ dân quân thường trực phường Thọ Quang. (Lao Động 27/4, Thùy Trang)đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Sinh năm 1987 tại thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn (Xín Mần) đoàn viên Cu Seo Tỏa là một trong những thanh niên dân tộc Mông khởi nghiệp thành công trên quê hương với mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng.
Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở địa phương.Xã Nấm Dẩn vốn được biết đến là vùng đất tập trung nhiều diện tích cây Thảo quả nhất của huyện Xín Mần, tổng diện tích Thảo quả toàn xã hiện có hơn 835 ha.
Nhận thấy lợi ích về kinh tế của loại cây này và với tính siêng năng, vượt khó; đoàn viên Tỏa đã mạnh dạn đầu tư để phát triển diện tích Thảo quả của gia đình. Năm 2013, anh tự mình lên rừng tìm cây Thảo quả mọc tự nhiên và chăm sóc nhân rộng diện tích.
Qua quá trình trồng Thảo quả, anh nhận thấy đây là loại cây phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và có giá trị kinh tế. Ban đầu, anh trồng được 1 ha Thảo quả, đến nay anh nhân rộng diện tích Thảo quả lên 5 ha.
Với giá trị kinh tế mang lại, mỗi năm cho thu nhập gia đình trung bình 50 triệu đồng. Qua đó, giúp kinh tế gia đình anh từng bước được nâng cao. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo và có kinh tế ổn định. Hiện, anh dự định trồng thêm khoảng 3 ha Thảo quả nữa.
Từ hiệu quả thiết thực, mô hình trồng Thảo quả của anh đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền xã và nhiều ĐVTN trong thôn. Đến nay, đã thu hút được 16 thanh niên tham gia nhóm trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng do anh Tỏa làm nhóm trưởng và diện tích Thảo quả đã tăng lên 20 ha mỗi năm cho thu nhập 300 triệu đồng.
Có hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc sản phẩm tiêu thụ còn phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Giá cả bấp bênh, không ổn định nhiều thời điểm còn bị thương lái ép giá, nguyên nhân chính là do chưa có sự kết nối với các công ty, doanh nghiệp trong vấn đề bao tiêu, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho người dân trồng Thảo quả.
Mặt khác, với đặc điểm trồng ở vùng rừng sâu, dưới tán lá rừng, nơi có độ ẩm cao, đường giao thông vận chuyển gặp nhiều khó khăn công với việc chưa xây dựng được cơ sở chế biến sấy khô Thảo quả, nên nhiều năm qua người dân phải bán Thảo quả tươi với giá thấp hơn vì thế chưa nâng cao được giá thành sản phẩm.
Đoàn viên Cu Seo Tỏa cho biết: Hiện, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu nguồn vốn để mua cây giống và xây lò sấy Thảo quả. Để diện tích Thảo quả phát triển tốt, ĐVTN trong nhóm thường xuyên lên rừng chăm sóc, như: Phát cây cỏ, dọn sạch xung quanh gốc bảo vệ mầm Thảo quả không bị hư hỏng với các loại lá, cành cây rụng. Sau mỗi đợt thu hoạch, ĐVTN tiến hành chặt bỏ những gốc cây già và tiến hành trồng dặm cây bị chết.
Hiện sản lượng Thảo quả ở xã Nấm Dẩn càng ngày càng lớn, để mô hình khởi nghiệp của ĐVTN có hiệu quả cao, cần thiết cần có sự chung tay của các cấp, các ngành. Đầu năm 2017, huyện Xín Mần đã hỗ trợ cho Chi đoàn thôn Nấm Chanh 30 triệu đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất. Anh Tỏa cho biết thêm: Số tiền được hỗ trợ, Chi đoàn sẽ xây dựng lò sấy ngay tại địa điểm trồng Thảo quả để thuận lợi cho công tác chế biến và giảm bớt khó khăn trong quá trình vận chuyển.
Mô hình Thảo quả gắn với bảo vệ phát triển rừng được Huyện đoàn giới thiệu tại diễn đàn khởi nghiệp của huyện Xín mần năm 2017 và đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, huyện và các tổ chức trên địa bàn. (Báo Hà Giang 27/4, Văn Long)đầu trang(
10 năm trở lại đây, đất rừng Sơn Trà bắt đầu bị lấn chiếm để xây dựng hàng loạt biệt thự, dựa theo con đường kéo pháo ven biển.
Liên quan đến vụ việc xây dựng 40 biệt thự trên bán đảo Sơn Trà, KTS Hồ Duy Diệm - nguyên Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng đã có những ý kiến xoay quanh câu chuyện này. Để rộng đường dư luận và đảm bảo tính đa chiều, khách quan của thông tin, Báo Đất Việt xin đăng tải nguyên vẹn ý kiến của ông.
Năm 1976 tôi về làm Trưởng ban quy hoạch của Quảng Nam - Đà Nẵng, đầu năm 1976 tôi có dịp lên trên đỉnh núi Sơn Trà, đặt trạm tuyền hình của tỉnh vào ngay trận địa pháo đi ngang qua rất nhiều trận địa bảo vệ khác của Sơn Trà, kể cả hệ thống phòng không của Mỹ; ở nơi đây có thể nhìn thấy Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngày 24/1/1977, có công bố 10 khu rừng cấm quốc gia, trong đó Sơn Trà cũng được công nhận với diện tích 4400ha. Từ khi có quyết định, Sở Lâm nghiệp của Quảng Nam - Đà Nẵng mới bắt đầu lên xác định rừng trên Sơn Trà có 986 loài cây, trong đó có 160 cây thuốc là thuốc quý, rất đa dạng sinh học, cả cây khí hậu phía Bắc và phía Nam. Và có 300 loài thú quý hiếm, động vật rất thân thiện với con người.
Năm 1992, người Quảng Nam - Đà Nẵng đề nghị với Bộ Lâm nghiệp và Sơn Trà được công nhận là vườn sinh thái thiên nhiên môi trường quý hiếm của Việt Nam.
Vùng này có ý nghĩa vừa che chắn, giông bão, bão tố cho Đà Nẵng, nếu Sơn Trà phát triển du lịch theo hướng nghiên cứu, tham quan, xem xét, trải nghiệm thì rất giá trị. Nếu như vườn Bách Thảo của Đà Nẵng, chỉ vài chục loài cây, rừng Bách Thảo TPHCM có 30 loài cây, rừng Hoàng gia Anh 250ha, chỉ có 200 loài cây, thì Sơn Trà có đến gần 1000 loài cây.
Trong gần 300 loài thú có loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm, thân thiện với con người. Và hơn thế, ai cũng phải biết, Sơn Trà không của riêng Đà Nẵng mà của cả đất nước Việt Nam, cần phải bảo vệ. Cùng một hệ thống từ Bạch Mã, Bà Nà, Cù Lao Chàm, thế nhưng Cù Lao Chàm được UNECO công nhận là bầu sinh quyển thế giới, còn Sơn Trà thì đang dần bị hủy hoại.
Chúng ta đều biết sau 2 năm thống nhất đất nước, Quyết định số 41-TTg ngày 24/01/1977 đã gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia có diện tích khoảng 4.000 ha. 15 năm sau, ngày 02/10/1992 Bộ Lâm nghiệp ra Quyết định số 447/LN - KL xác định Sơn Trà có tổng diện tích là 4.439 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 2.593,1 ha; phân khu phục hồi là 1.843,9 ha và phân khu đệm là khu vực biển bao quanh chân núi với chiều rộng 500m. Tên "rừng cấm" lúc này cũng được đổi thành khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Đến năm 2004, Luật bảo vệ rừng ra đời. Luật dùng thuật ngữ mới là "rừng đặc dụng" để thay thế cho các tên gọi cũ trước đây (rừng cấm, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, rừng nghiên cứu thực nghiệm....).
Tại Điều 3 của Quyết định còn quy định cụ thể các phân khu của rừng đặc dụng gồm: vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng đệm và vùng dịch vụ hành chính. Theo đó các tỉnh thành cả nước bắt đầu thực hiện việc kê khai phân loại 3 loại rừng: Phòng hộ, Đặc dụng và Sản xuất.
4 năm sau, UBND Thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ - UBND ngày 20/9/2008 về việc phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2008 – 2020.
Từ chỗ Sơn Trà được gọi là rừng cấm quốc gia có 4000 ha, Bộ Lâm Nghiệp (nay là Bộ Nông Nghiệp và PTNT) gọi Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích cụ thể 4.439 ha với đủ các phân khu chức năng, thì với QĐ 6758 này của Đà Nẵng, Sơn Trà bây giờ chỉ còn duy nhất một loại rừng là rừng đặc dụng với diện tích toàn bộ là 2.591,1 ha các phân khu phục hồi, phân khu đệm, phân khu hành chính.
Quyết định 6758 đã bỏ ngoài sổ sách 1847,9 ha rừng, nói cách khác để mất gần 1.848 ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, mà Sơn Trà đã được thừa nhận bằng văn bản là có diện tích 4.439 ha nhiều năm trước đây.
Trước năm 2008 (lúc ban hành Quyết định 6758 này) chính quyền Đà Nẵng đã không nghiêm túc chấp hành Điều 4 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 về Phân loại rừng đối với rừng đặc dụng Sơn Trà. Tiếp đó cũng không cập nhật để nghiêm túc thực hiện Nghị định 23 năm 2006 của Chính phủ.
Nghị định này nhắc lại phải thực hiện nghiêm Điều 18 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004: "Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định xác lập các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất ở địa phương theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt", chính quyền Đà Nẵng cũng bỏ qua lệnh này.
Mặc dù từ năm 2008 về sau, có rất nhiều văn bản Luật và dưới luật ra đời để giám sát việc báo cáo chi tiết này. Ví dụ: Thông tư 10/2014/TT-BNNPTTN ngày 26/3/2014 Quy định về tiêu chí xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng và vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển, trong đó Điều 7 yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo xác định các vùng đệm. (Đất Việt 28/4)đầu trang(
Ngày 27-4, UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT đồng thuận để tỉnh chuyển giao 5,41ha đất rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka để làm thủy điện Chư Pông Krông.
Trước đó, đầu năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã gửi văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT đồng ý để tỉnh chuyển 5,41ha đất rừng đặc dụng này làm thủy điện Chư Pông Krông.
Tuy nhiên đến ngày 17-3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời, yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk tạm dừng việc chuyển đổi đất rừng đặc dụng, giữ nguyên hiện trạng bởi diện tích này có liên quan đến rừng đặc dụng.
Về lí do vẫn quyết tâm xin chuyển đổi đất rừng đặc dụng qua làm thủy điện, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng dự án thủy điện Chư Pông Krông đã được tỉnh đưa vào quy hoạch, được Bộ Công thương đồng ý vào năm 2007.
Trên cơ sở này, chủ đầu tư là Công ty Hưng Phúc đã lập phương án triển khai dự án, nhà máy dự kiến đặt tại xã Ea Rbin và xã Nam Ka (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).
Hiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường, các thủ tục liên quan đã được các bộ ngành thông qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ka cũng đã có văn bản xin điều chỉnh diện tích đất để lấy đất phục vụ cho dự án thuỷ điện, phía Công ty Hưng Phúc cũng đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Qua thành lập đoàn thẩm định để đánh giá hiện trạng khu đất 5,41 ha (trong tổng số 8,11ha mà thủy điện sẽ chiếm dụng), đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng 5,41ha thuộc đất rừng đặc dụng - hiện tại là “đất không có rừng”.
Cụ thể khu đất này gồm trảng cỏ, một khoảnh hiện đang được trồng cà phê, phần còn lại là diện tích mặt nước.
Theo tỉnh, 5,41 ha này nằm giáp sông Krông Nô, do không có rừng nên người dân để hoang hóa trước khi hình thành khu bảo tồn.
Ví lí do như trên, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng nếu hình thành nhà máy thủy điện Chư Pông Krông thì sẽ không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka. (Tuổi Trẻ 27/4, Thái Bá Dũng) đầu trang(
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 665/KH-UBND triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 8-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, toàn tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch rừng phòng hộ, vùng nguyên liệu tập trung và các lĩnh vực lâm nghiệp; tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 68,5%; bảo vệ hiệu quả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên; bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, loài động, thực vật rừng, môi trường sinh thái tại rừng đặc dụng thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm, thiết lập trật tự kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, đo đạc, lập hồ sơ quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được giao; quản lý tốt nguồn giống để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, nâng tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát lên 70% vào năm 2020.
Mặt khác, các cấp, các ngành và địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trong quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng.
Ngoài ra, các ngành và địa phương đẩy mạnh giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, thực hiện tốt công tác điều tra quy hoạch, kiểm kê rừng và thực hiện kế hoạch, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; triển khai việc cung ứng, cho thuê và chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng đối tượng, huy động nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng để đầu tư lại cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng thực hiện chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho nhân dân; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước của các cấp, ngành đối với lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, đấu tranh ngăn chặn xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết xử lý các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng theo quy định pháp luật. (Báo Quảng Bình 26/4, AT)đầu trang(
Đến ngày 15/4/2017, toàn tỉnh trồng được 677 ha tre Bát độ. Trong đó huyện Văn Yên trên 52 ha, Lục Yên trên 136 ha, Trấn Yên trên 377 ha, Yên Bình gần 106 ha....
Để hoàn thành kế hoạch trồng măng tre Bát độ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Quản lý dự án Bảo vệ và Phát triển rừng các huyện: chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, các hộ gia đình không thực hiện trồng mới tre Bát độ do đến nay đã hết thời vụ trồng măng tre Bát độ vụ xuân 2017, diện tích còn phải thực hiện được chuyển sang trồng vụ thu; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phòng ban của huyện phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã tiến hành rà soát diện tích đất có đủ điều kiện để thực hiện trồng tre Bát độ vụ thu.
Phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng tre Bát độ trước ngày 30/9/2017. Đồng thời liên hệ ký hợp đồng với công ty cổ phần Yên Thành (km9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình ) về việc cung ứng cây giống tre Bát độ bằng cành đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng giống theo quy định.
Các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung hướng dẫn các hộ gia đình tiến hành chăm sóc tốt diện tích tre Bát độ đã trồng đảm bảo chất lượng và tỷ lệ sống cao nhất. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Yên Bái 27/4)đầu trang(
Rừng trồng đang đem lại những sinh khí mới cho người dân sống gần rừng. Và không ít gia đình đã có thể giàu lên từ rừng trồng. Nhưng, trong câu chuyện của bà con, trồng rừng vẫn còn nhiều trăn trở.
Đó là giống cây rừng, đó là đường giao thông, là đầu ra thiếu ổn định...Đi đến những “trọng điểm” rừng trồng, chúng tôi thấy nổi lên một điều là thu nhập từ rừng chưa cao. Nhiều hộ gia đình cho rằng, với diện tích rừng từ 7-10 ha thì cũng có thu nhập khá, nhưng với diện tích nhỏ thì quả là chưa bỏ bèn gì.
Chẳng hạn với cây keo, tính bình quân mỗi năm chỉ cho lợi nhuận trên dưới 10 triệu đồng/ha. Đành rằng không thể so sánh với diện tích trồng lúa hay cây ăn quả ở vùng đồng bằng, nhưng 10 triệu/ha là quá thấp. Và như vậy, với một gia đình 5 người có 3-4 ha rừng trồng vẫn chưa khá lên.
Ông Võ Văn Xuân (xã Thái Thủy- Lệ Thủy) nhìn nhận: “Rõ ràng, để có được nguồn thu lớn hơn nữa về rừng trồng thì chúng tôi cần lắm một bộ giống cây chất lượng cao để tăng năng suất. Từ đó, mới tăng đáng kể được hiệu quả trên diện tích rừng trồng”.
Tương tự, anh Lê Văn Thuyết (một chủ rừng ở xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa) cũng trao đổi: “Từ nhiều năm nay, bà con trồng rừng chủ yếu lấy giống trôi nổi, cũng chưa biết được là tốt hay xấu. Cây trồng phải đến  sau 5 năm mới thu hoạch, nên việc đánh giá cây giống tại thời điểm mua giống cũng rất khó khăn. Nếu được giống tốt thì  cùng trên 1 ha rừng trồng, bà con có thể tăng thu nhập cao hơn vài chục triệu đồng”.
Một điều nữa là với các giống cây hiện đang trồng, phần lớn người dân mua giống trôi nổi trên thị trường hoặc vào mua tận các tỉnh phía nam, như: Bình Định, Quảng Ngãi... Giống “tổng hợp” và phần lớn là giống ươm hom đã phần nào giảm chất lượng rừng trồng trên địa bàn. “Hàng năm, người trồng rừng trong tỉnh tiêu thụ hàng trăm triệu cây giống. Nếu có doanh nghiệp đầu tư làm thì sẽ phát triển tốt”- anh Thuyết  bộc bạch thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, địa phương cũng đã nhìn nhận ra vấn đề này. Hiện, huyện đang triển khai hai cơ sở ươm giống bằng kỹ thuật cấy mô, trong thời gian tới sẽ cung cấp giống có chất lượng cao cho bà con.
Đi loanh quanh trong rừng trồng xã Thái Thủy (Lệ Thủy) bất chợt xe chúng tôi bắt gặp “đầm lầy” ngay giữa đường đi. Ông Trần Ủi, ở thôn Minh Tiến, nhà cạnh đường nói: “Đường đất là thế đó chú, xe chạy vào là bị lầy ngay, rú ga, người đẩy may mới thoát ra được, đây một chỗ vào trong kia còn vài chỗ nữa”. Có lẽ, giao thông là điểm yếu kém ở đây và cũng là chung cho cả khu vực miền tây này.
Riêng với Thái Thủy, ông Trần Đức Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên diện tích rừng trồng hơn 3.400 ha mà chỉ có 7 km đường cán nhựa do Nhà nước đầu tư, đó là tuyến đường Sen-Bang và khoảng 5 km đường chống cháy, nhưng nay đã xuống cấp. Còn lại, hàng chục km đường xương cá vào rừng đều là những “con đường đau khổ”, lầy lội về mùa mưa, thậm chí ách tắc. Và tất nhiên, giao thông yếu kém đang “ăn bớt” một phần lợi nhuận trồng rừng của người nông dân các địa phương.
Cũng chính vì giao thông hạn chế, nên nhiều chủ xe trước đây sắm xe có trọng tải lớn nay đã thay xe trọng tải nhỏ hơn để thuận tiện trong việc chuyên chở gỗ. Trên đường, toàn loại xe cóc cóc, tải trọng chừng 3-5 tấn.
Ông Xuân (một chủ rừng ở Thái Thủy) cho rằng, vì đường xấu, phải “tăng bo” bằng xe nhỏ mới đi được. Một ha rừng thu hoạch khoảng 80 tấn gỗ, thuê 10 xe nhỏ  làm giá đội lên khá lớn. “Nếu có đường đẹp, ô tô trọng tải lớn chở gỗ thì giá vận chuyển hạ thấp và lợi nhuận người trồng rừng tăng thêm cả mấy triệu cho mỗi ha”- ông Xuân tính toán. Cũng theo ông Xuân, các địa bàn trồng rừng khác cũng không nằm ngoài cái chung đó.
Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo huyện Lệ Thủy về hướng giải quyết cho câu chuyện đường sá, ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nói: “Trong hoàn cảnh hiện nay, đầu tư của tỉnh, huyện là rất khó. Mà có thể thực hiện xã hội hóa giao thông vùng rừng trồng. Việc này có thể triển khai theo nhiều hướng, đóng góp của người dân có rừng, căn cứ vào diện tích của các hộ gia đình để có mức đóng góp. Hai nữa, cũng có thể kêu gọi sự đầu tư của các  doanh nghiệp liên quan đến thu mua, chế biến lâm sản  trên địa bàn. Mỗi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư hạ tầng sẽ được hỗ trợ ưu tiên trong việc thu mua lâm sản trên cơ sở hợp tác với người dân để đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, chính quyền sẽ quy hoạch và tổ chức thực hiện”. Còn ông Phong thì cho rằng, với sức dân như hiện nay cố gắng lắm cũng chỉ đóng góp để khắc phục tạm thời những điểm ách tắc do lầy thụt trong mùa khai thác mà thôi. “Nếu làm đường kiên cố thì ngoài sự đóng góp của dân, cần có sự hỗ trợ lớn của nhà nước, của doanh nghiệp”- ông Phong nói.
Một điều khác lạ nữa, hình như hôm nay, ngày chúng tôi đi cơ sở, khai thác gỗ trên vùng rừng trồng phía tây Lệ Thủy có ít đi? “Mấy ngày nay giá có hạ nên bà con “găm hàng” chưa khai thác”. Ông Phong cho biết. Tại cơ sở thu mua gỗ nguyên liệu trên địa bàn xã Thái Thủy của HTX Thành Đạt có trụ sở chính tại Vinh (Nghệ An), anh Hoàng Tiến Đạt, phụ trách cơ sở này cho biết, giá gỗ nguyên liệu giảm khá mạnh mấy ngày vừa qua, từ chỗ trên 1 triệu đồng/tấn nay xuống còn 800 ngàn đồng/tấn. Giá xuống, bà con chưa khai thác để bán nên cơ sở vắng xe chở gỗ ra, vào.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh, một “đại gia” rừng trồng ở xã Trường Thủy lại có lo lắng riêng: “Giá không cao lắm và không ổn định là một chuyện, nhưng rồi liệu họ có mua mãi không hay khi mua, khi không thì gay...”
Theo cán bộ xã Thái Thủy, trong khu vực lân cận cũng có cơ sở thu mua nguyên liệu tương tự nhưng giá ổn định hơn. Tìm hiểu thêm thì được biết, cơ sở đó thu mua để xuất bán sang Nhật Bản, còn tại Thái Thủy là bán qua Trung Quốc. Nhưng để có được giá ổn định thì việc thu mua của cơ sở kia chặt chẽ lắm. Đó là bên cạnh chất lượng gỗ, còn truy xuất nguồn gốc xuất xứ của gỗ...
Về đầu ra cho rừng trồng, ông Lê Văn Bảo cho rằng huyện luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà máy tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng, sự cạnh tranh cũng là cách để tạo lợi thế cho người trồng rừng. Mặt khác, hiện huyện đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời giai đoạn 1, giai đoạn 2 là điện sinh khối sẽ tiêu thụ gỗ rừng trồng, đây cũng là một hướng tiêu thụ sản phẩm cho bà con...”.
Khi các nhà máy đi vào hoạt động thì việc tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cho bà con có nhiều thuận lợi. Chính quyền sẽ tạo điều kiện tốt cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân”- Ông Bảo cho  biết thêm. (Báo Quảng Bình 27/4, Văn Hoàng-Nguyễn Tâm)đầu trang(
Hiện những hộ trồng tràm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi bởi giá thu mua tăng vọt so với mọi năm. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ trồng tràm thu lãi 80 - 120 triệu/ha.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh có trên 6.000 ha rừng, tập trung ở các huyện như Tháp Mười, Tam Nông...
Trong đó, hơn 2.600 ha là rừng đặc dụng; trên 1,1 ha rừng phòng hộ và hơn 2.200 ha rừng sản xuất. Phần lớn diện tích rừng được Cục kiểm lâm giao khoán cho hộ dân canh tác để trồng tràm.
Nhiều nông hộ trên địa bàn xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười đang khai thác tràm cho biết, giá tràm tại thời điểm tháng 4/2017 tăng vọt so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, đối với tràm 6 - 7 năm tuổi, thương lái vào tận nơi thu mua với giá 120 - 160 triệu đồng/ha (tăng từ 40 - 60 triệu đồng/ha).
Ông Huỳnh Văn Bé Tư cho biết , hiện người dân trồng chủ yếu 2 loại tràm là tràm Australia và tràm rừng truyền thống. So với cây tràm rừng truyền thống, giống tràm Australia cho hiệu quả kinh tế gấp đôi, thời gian sinh trưởng ngắn hơn, trung bình chỉ mất 3 - 3,5 năm đã có thể sử dụng làm tràm cừ phục vụ xây dựng công trình.
Ông Phạm Văn Minh, Đội phó đội bảo vệ rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười cho biết, những năm gần đây, ý thức của người dân có sự chuyển biến tích cực, không còn nạn người dân phá tràm trồng lúa.
Cũng theo ông Minh, với giá bán cao như hiện nay giúp cuộc sống của người dân trên lâm phần rừng tràm ổn định hơn. Thu nhập khá từ cây tràm giúp người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống, đồng thời, tạo lòng tin cho người dân tiếp tục bám và bảo vệ rừng trong thời gian tới. (Bnews 27/4, Chương Đài)đầu trang(
Những năm qua, công tác trồng rừng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm thực hiện. Nhờ đó, diện tích rừng trồng mới luôn vượt so với kế hoạch được giao.
Đến thăm gia đình ông Khoàng Văn Phiếng ở bản Nậm Cày (xã Nậm Hàng) vừa lúc ông đang phát dọn thực bì, chuẩn bị đào hố trồng rừng, trong câu chuyện với chúng tôi, ông cho hay: “Năm nay gia đình tôi đăng ký trồng hơn 9ha rừng. Trước đây, trên diện tích đất nương này gia đình tôi trồng lúa, ngô và một số cây ăn quả nhưng năng suất rất kém vì không chủ động được nguồn nước và bón phân. Từ lợi ích kinh tế trong việc trồng rừng, gia đình tôi quyết tâm chuyển đổi. Đến nay, phần lớn diện tích đất đã được gia đình tôi phát dọn xong thực bì, chuẩn bị đào hố để nhận cây giống về trồng. Mong thời tiết thuận lợi, cây rừng mau lớn, sớm mang lại nguồn thu cho gia đình”.
Cùng với gia đình ông Phiếng, nhiều hộ dân trong xã Nậm Hàng năm nay cũng đã đăng ký trồng rừng với tổng diện tích đạt hơn 246ha (vượt hơn 140ha so với kế hoạch).
Để thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017, ngay từ khi được giao chỉ tiêu, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn đã xây dựng kế hoạch, thiết kế diện tích trồng rừng và phương án trồng rừng đảm bảo kịp thời vụ.
Bên cạnh đó, phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ chế chính sách nhận giao khoán, trồng và chăm sóc rừng; tiến hành rà soát, thống kê nhu cầu trồng rừng của Nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời, phân công cán bộ đi kiểm tra, rà soát lại diện tích đất, quỹ đất dựa vào bản đồ quy hoạch phát triển quỹ đất trên địa bàn huyện để chuẩn bị cho công tác trồng rừng. Cũng nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động rất lớn làm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển rừng, thực sự coi rừng là nguồn sống. Đến nay, Nhân dân huyện Nậm Nhùn đã đăng ký trồng hơn 492ha rừng (vượt hơn 162ha so với kế hoạch được giao và tăng hơn 300ha so với năm 2016). Trong đó, hơn 392ha quế, gần 100ha lát.
Anh Mào Văn Hạnh – cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nậm Nhùn cho biết: Tham gia trồng rừng, các hộ được hỗ trợ 100% giống cây con và tiền công chăm sóc năm đầu với số tiền 6 triệu đồng/ha đối với diện tích trồng quế và 8 triệu đồng/ha trồng lát. Đến thời điểm này, người dân đã phát dọn được hơn 300ha đất và bắt đầu đào hố tại các diện tích đã phát dọn thực bì trước đó từ 15 – 20 ngày.
Việc phát dọn thực bì, đào hố được bà con thực hiện đúng theo hướng dẫn, đảm bảo kích thước đường băng đạt 0,6m; việc xử lý đốt dọn thực bì luôn có sự giám sát của chính quyền các xã và người dân đảm an toàn tuyệt đối, không để cháy lan vào diện tích rừng lân cận; kích thước hố trồng đúng theo tỷ lệ quy định.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng cũng đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện ký hợp đồng với một số công ty cung ứng có uy tín, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cây giống.
Theo tiến độ đề ra, công tác phát dọn thực bì, đào hố của huyện sẽ hoàn thành trước ngày 31/5 và tiến hành trồng đảm bảo xong trước ngày 31/7. Sau 4 – 5 năm trồng và chăm sóc, diện tích rừng trồng mới sẽ được đánh giá, nếu đảm bảo mật độ khép tán sẽ được chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Hy vọng, những lợi ích trước mắt và lâu dài mà rừng mang lại, trong thời gian không xa, Nậm Nhùn sẽ nhân lên nhiều màu xanh cho những cánh rừng. Và, quan trọng hơn cả là góp sức cho mùa trồng rừng năm nay thắng lợi. (Báo Lai Châu 27/4, Ngọc Duy)đầu trang(
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh đã trồng được hơn 90ha rừng.
Trong đó, diện tích đã trồng chủ yếu tập trung ở thành phố Bắc Kạn và huyện Chợ Mới, đáng chú ý là trong năm nay, những diện tích do người dân tự đầu tư trồng được bà con thực hiện khá sớm. Hiện nay, tranh thủ có mưa, các địa phương cũng đang tích cực trồng rừng.
Đến nay, tổng diện tích thiết kế trồng rừng tập trung và đăng ký trồng cây phân tán đạt hơn 6.300ha, đạt gần 100% kế hoạch. Trong số đó, diện tích thiết kế trồng rừng sản xuất tập trung đạt hơn 4.300ha, diện tích thiết kế trồng rừng phòng hộ gần 70ha, diện tích đăng ký trồng cây phân tán gần 2.000ha. Các địa phương đã xử lý thực bì được hơn 3.700ha, cuốc lấp hố được hơn 1.400ha và đang tích cực hoàn thành việc trồng rừng trong khung thời vụ. (Đài PTTH Bắc Cạn 27/4, Thu Giang)đầu trang(
Phát huy thế mạnh của địa phương, nhiều năm nay, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể đã vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế từ trồng rừng, nhờ đó tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Xã Mỹ Phương hiện có 946 hộ với 3.819 nhân khẩu cùng sinh sống trên 17 thôn, bản. Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 5.710ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 85%, khai thác tiềm năng từ đất rừng luôn được địa phương coi là một hướng đi có hiệu quả.
Xác định phát triển kinh tế từ rừng có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề dân sinh, cân bằng môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Đảng bộ xã Mỹ Phương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền nhân dân đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, nhờ đó không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần nâng độ che phủ rừng của xã.
Từ điểm xuất phát năm 1999 với Dự án Pam 5322, Dự án 661 (theo Quyết định 661/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng) được đầu tư tại xã, công tác trồng rừng ở Mỹ Phương dần có bước chuyển vững chắc. 200ha mỡ được trồng năm 1999 bước đầu đem lại hiệu khả quan nên qua các năm 2001, 2003 trồng rừng tiếp tục được xã phát triển mạnh, nâng diện tích rừng trồng của toàn xã lên trên 900ha.
Đến năm 2011, xã triển khai dự án “Hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất” theo Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo dự án, Nhà nước hỗ trợ 100% giống cây; mỗi hec ta đất rừng sản xuất nhân dân được hỗ trợ 2.500 cây mỡ giống. Từ đó, người dân trong xã tiếp tục trồng được hàng trăm hec ta mỡ, nâng tổng số diện tích trồng rừng của toàn xã lên trên 1.200ha và tập trung nhiều ở các thôn: Boóc Ve, Nà Lầu, Pùng Chăm, Mỹ Vy…
Để việc trồng rừng phát triển đạt hiệu quả cao, xã phối hợp với ngành chức năng, các đoàn thể, các tổ chức hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, động viên nhân dân tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng, mở nhiều lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây rừng, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật, nghĩa vụ và lợi ích từ rừng mang lại, qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng của mỗi người dân.
Bên cạnh đó, để người dân có vốn tham gia phát triển kinh tế từ rừng, nhất là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chủ động nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, xác định nhu cầu vay vốn của người dân và lập hồ sơ để có nguồn vốn sản xuất.
Không chỉ chú trọng phát triển rừng theo số lượng mà chính quyền xã còn phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng rừng trồng; hướng dẫn, định hướng cho người dân phát triển các loại cây phù hợp. Sau mỗi vụ trồng rừng, cán bộ chuyên môn tiến hành kiểm tra tỉ lệ cây sống của từng hộ gia đình và có những khuyến cáo kịp thời để chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng chí Đồng Văn Dược - Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: Trước đây người dân chưa mấy mặn mà với nghề trồng rừng. Nguyên nhân là do họ chưa thấy hết được lợi ích mà nghề rừng mang lại. Nhưng bằng sự nỗ lực của chính quyền xã cộng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, người dân đã bắt đầu nhận thấy được giá trị kinh tế từ rừng mang lại, từ đó thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, bình quân mỗi năm Mỹ Phương bán tỉa gỗ vườn đồi và gỗ rừng trồng (chủ yếu gỗ mỡ) khoảng 1.000m3 gỗ các loại. Với giá bán hiện nay thấp nhất là 900.000 đồng/m3 và cao nhất lên đến 2 triệu đồng/m3, địa phương thu về tiền tỷ từ việc khai thác gỗ rừng trồng. Song song với công tác trồng rừng, chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp, tư thương thu mua gỗ tại địa phương.
Đặc biệt hiện nay trên địa bàn xã có 3 xưởng chế biến gỗ bóc, vừa tiêu thụ gỗ cho bà con, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động, đóng góp thuế vào ngân sách của địa phương. Nhờ hiệu quả từ kinh tế rừng mang lại, đến nay toàn xã chỉ còn 23,7% số hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Xác định phát triển đồi rừng là một trong những hướng phát triển kinh tế chủ lực, ngoài việc đôn đốc bà con tập trung chăm sóc, trồng rừng theo các chương trình, dự án của Chính phủ, xã Mỹ Phương còn xây dựng kế hoạch trồng rừng cho từng giai đoạn; phấn đấu hàng năm trồng mới từ 100ha rừng trở lên, nâng độ che phủ của rừng ngày một cao.
Đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo các tuyến đường lâm nghiệp vào vùng sản xuất nguyên liệu theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mở rộng các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản để tập trung bao tiêu sản phẩm từ rừng của nhân dân, đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Cạn 26/4, Thu Trang)đầu trang(
Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 584/TCLN-PTR, ngày 25/4 gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khuyến cáo sản xuất lâm nghiệp theo mùa vụ trồng rừng.
Mùa vụ trồng rừng giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, tác động trực tiếp đến năng suất và chất lượng rừng trồng. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp đúng mùa vụ sẽ hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai và sâu bệnh hại đối với cây trồng, tăng tỷ lệ thành rừng; đồng thời tiết kiệm được vật tư, nhân lực để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mùa vụ trồng rừng phụ thuộc vào các yếu tố khí tượng, thủy văn như: nhiệt độ, lượng mưa, gió, bão,... và có tính quy luật tương đối ổn định theo điều kiện địa lý của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây thời tiết diễn biến rất phức tạp và xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường (nắng nóng, hạn hán, lốc xoáy,…) gây thiệt hại lớn cho đời sống và sản xuất của người dân.
Nhằm giúp cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất lâm nghiệp ở địa phương thực hiện trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng,... đúng mùa vụ, chủ động các biện pháp phòng ngừa tác động tiêu cực của của thời tiết, nâng cao hiệu quả sản xuất, Tổng cục Lâm nghiệp cung cấp thông tin và khuyến cáo một số nội dung thiết thực.
Theo “Bản tin dự báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa” ngày 14/4/2017 của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo trong các tháng tới, khả năng xuất hiện El Nino vào nửa cuối năm 2017 là trên 50%.
Hoạt động của bão biển Đông nhiều hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt là ở Bắc Biển Đông vào nửa đầu mùa. Lượng mưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng ít hơn trung bình vào đầu và cuối mùa, mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến sớm nhưng có khả năng sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10/2017 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt khu vực phía Bắc. Trong thời kỳ chuyển mùa (tháng 4-5/2017) sẽ thường xuyên xuất hiện dông sét, lốc xoáy, mưa đá, đặc biệt là trung du, vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, Nam bộ.
Về mùa vụ trồng rừng, căn cứ cơ sở dữ liệu theo dõi của Tổng cục Lâm nghiệp, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa vụ trồng rừng của hầu hết các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Một số loài cây lâm nghiệp trồng chính gồm: cây mọc nhanh (Keo, Bạch đàn, Mỡ, Bồ đề, Xoan), cây bản địa (Lát hoa, Sa mộc, Vối thuốc, Lim xanh, Re gừng); cây lâm sản ngoài gỗ (Sơn Tra, Quế, Hồi, Trẩu),…
Trong đó, một số yêu cầu kỹ thuật gồm: chuẩn bị đủ cây giống bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, nguồn gốc giống rõ ràng. Xử lý thực bì, cuốc, lấp hố, trồng, chăm sóc, bón phân…đúng quy trình kỹ thuật. Tranh thủ trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa, không trồng những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài; trồng rừng ngập mặn ở thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và khi thủy triều rút. Chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại chủ yếu như: sâu ăn lá Keo, Mỡ, Bồ đề, Quế; dế; mối ăn cây non; bọ rầy; sâu ăn lá Trám,…
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương triển khai trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đảm bảo mùa vụ và chỉ tiêu kế hoạch. (Đảng Cộng Sản VN 27/4, BT)đầu trang(./.