Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 24 tháng 05 năm 2016
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
Tỉnh Hà Giang có gần 350.000 ha rừng tự nhiên phân bố đều ở 11 huyện, thành phố, hàng năm, cứ vào mùa khô, tình trạng cháy rừng lại có nguy cơ bùng phát, do vậy công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm và chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Vai trò nòng cốt của công tác PCCR không ai khác chính là người dân và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động, chủ động với các phương án ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.
Trong một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại huyện Bắc Mê, một trong những huyện có nhiều diện tích rừng và được đồng chí Hoàng Công Trình, Phó H ạt trưởng hạt kiểm lâm của huyện đưa đi thực tế. Qua trao đổi với đồng chí Hạt trưởng chúng tôi được biết: Bắc Mê có nhiều loại rừng như: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trồng và rừng tự nhiên. Toàn huyện hiện có 49.957 ha rừng, với địa bàn rộng, đường đi lại phức tạp, lực lượng cán bộ còn mỏng nên còn nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR.
Để khắc phục tình trạng này, huyện đã chủ trương thành lập các tổ tự quản bảo vệ rừng dưới sự giám sát, chỉ đạo của Hạt kiểm lâm và phối hợp của kiểm lâm địa bàn. Đến nay, huyện đã kiện toàn 14 Ban bảo vệ rừng và PCCR của huyện và các xã, thị trấn, 138 tổ đội bảo vệ rừng PCCR tại cơ sở. Đây chính là những lực lượng thường xuyên tham gia bảo vệ rừng, tuần rừng và thực hiện các phương án PCCR.
Do quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ PCCR và thực hiện tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng mà trong 2 năm trở lại đây địa bàn huyện không có điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và cháy rừng xảy ra trên diện rộng. Công tác triển khai kế hoạch PCCR đều xây dựng được các phương án đến các thôn bản và tổ đội tự quản bảo vệ rừng cũng như người dân.
Đến thăm khu rừng tại thôn Bản Khén, xã Lạc Nông, anh Nguyễn Văn Hồng, Trưởng thôn cho chúng tôi biết: Như thường lệ, cứ vào thứ 5 hàng tuần đội tự quản bảo vệ rừng của xã gồm 7 thành viên và kiểm lâm địa bàn lại tiến hành công việc rất đỗi quen thuộc của mình đó là đi tuần tra những vạt rừng đặc dụng và phòng hộ trên địa bàn xã.
Các buổi đi tuần rừng của tổ tự quản bảo vệ rừng nhằm kiểm tra rà soát công tác PCCR. Tổ đã nhận quản lý bảo vệ 1.762 ha rừng đặc dụng Du Gìa trên địa bàn xã Lạc Nông, việc duy trì tổ tự quản bảo vệ rừng trong thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt công tác PCCR trên địa bàn. Theo đồng chí Nông Thái Sơn, Chủ tịch UBND xã Lạc Nông cho biết: Toàn xã có trên 4.631ha rừng, trong đó có trên 2.421ha rừng tự nhiên.
Do vậy, để thực hiện tốt công tác bảo vệ và PCCR, xã đã thành lập ban chỉ đạo bao gồm các lực lượng như kiểm lâm địa bàn, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên và các tổ tự quản bảo vệ rừng tại các thôn bản. Do làm tốt công tác tuyên truyền, cán bộ kiểm lâm địa bàn, hạt kiểm lâm huyện thường xuyên bám nắm địa bàn, thu thập thông tin từ người dân, qua đó có những giải pháp phù hợp để cùng người dân bảo vệ rừng và xử lý các khu vực có nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
Ngoài ra, xã còn tích cực vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tuyệt đối không được đem lửa vào rừng hay đốt phát nương rẫy. Qua việc chỉ đạo sát sao của chính quyền và các lực lượng bảo vệ rừng, nên ý thức chấp hành của người dân tương đối tốt. Do vậy, trong nhiều năm qua xã Lạc Nông không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Cũng như huyện Bắc Mê, huyện Vị Xuyên có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, với trên 121.000 ha, với 3 loại rừng: Đặc dụng, phòng hộ, sản xuất. Độ che phủ rừng của huyện hiện nay đạt 68,1%.  Huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng như: Công tác tuyên truyền đặc biệt được chú trọng với trên 10.000 lượt người dân được các Hạt kiểm lâm trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
Hiện nay, huyện đã củng cố, kiện toàn 24 Ban chỉ huy PCCR, bảo vệ rừng cấp xã, 24 tổ đội xung kích PCCR gắn với phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, 242 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCR tại các thôn bản. Đây chính là nòng cốt trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng ở Vị Xuyên.
Đồng chí Nông Đức Thành, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Vị Xuyên cho biết: Mặc dù với địa bàn rộng, diện tích rừng khá lớn nhưng chúng tôi đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền các xã, nhất là các tổ đội quản lý bảo vệ rừng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Vì thế thời gian qua đã hạn chế đáng kể các vụ việc vi phạm…
Trao đổi với p hóng viên đồng chí Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh khẳng định: Thời gian qua, các đơn vị đã thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm về công tác PCCR, nhất là 195/195 xã, phường đã thành lập được hơn 1.900 tổ bảo vệ rừng. Trong mùa hanh khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, lực lượng kiểm lâm thường xuyên túc trực 24/24 giờ, nếu xảy ra cháy rừng sẽ kịp thời dập tắt và ngay lập tức báo cáo về Chi cục kiểm lâm để xử lý, không để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và thực hiện các giải pháp PCCR.
Do vậy, công tác PCCR luôn được các huyện quan tâm, thực hiện tốt. Ngành kiểm lâm và chính quyền các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm hướng dẫn cụ thể các giải pháp PCCR gắn tăng cường công tác đôn đốc kiểm tra; Các lực lượng vũ trang có phương án chuẩn bị lực lượng và trang thiết bị để tăng cường cho các xã, thị trấn khi có cháy rừng xảy ra.
Tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình có nương rẫy liền kề với rừng có trách nhiệm không để xảy ra cháy rừng; Điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng; Hướng dẫn nhân dân tiếp tục chăm sóc diện tích rừng đã trồng, trồng dặm vào diện tích đã chết; Các xã, thị trấn kiện toàn các tổ, đội xung kích quản lý bảo vệ rừng, do vậy công tác phòng chống cháy rừng luôn được thực hiện hiệu quả… (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Hà Giang 23/5) đầu trang(
Diễn biến thời tiết khô hanh, khô hạn cục bộ thời gian qua đã làm cho hệ thảm thực rừng bị khô nỏ, gia tăng nguồn vật liệu gây cháy, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn ở mức độ cao.
Vì vậy, bên cạnh việc chủ động các biện pháp kịp thời với phương châm "4 tại chỗ" và 1 ứng cứu, huyện Tam Đảo đang tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân.
Tam Đảo có gần 14.625ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó rừng đặc dụng gần 12.330 ha; rừng phòng hộ gần 538 ha; rừng sản xuất gần 1.760 ha. Hiện nay, trên địa bàn huyện  có khoảng 2.776ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, tập trung ở các xã: Minh Quang, Đạo Trù, Đại Đình, Hồ Sơn, Hợp Châu.
Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, hàng năm, Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai huyện Tam Đảo đều triển khai phương án bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường tuần tra canh gác lửa rừng; đồng thời dự báo cấp cháy rừng nguy hiểm, trên cơ sở đó, các chủ rừng đã chủ động các biện pháp kịp thời với phương châm "4 tại chỗ" và 1 ứng cứu...
Tuy nhiên, rừng ở huyện Tam Đảo có độ dốc lớn, thực bì dưới tán rừng dày, vật liệu cháy rừng rất đa dạng và phong phú, khi ở nhiệt độ cao rất dễ bắt lửa, nhất là các khu rừng trồng thông, rừng giang, nứa và cỏ tranh, tế guột dưới tán rừng. Mặt khác, hệ thống đường cứu hộ chưa hoàn thiện nên khi xảy ra cháy rừng, việc tiếp cận đám cháy rất khó khăn.
Trong khi đó, chữa cháy rừng chỉ áp dụng được các biện pháp chữa cháy thủ công, dụng cụ thô sơ, lấy sức người là chính, không triển khai được các biện pháp chữa cháy bằng các phương tiện hiện đại; ý thức của một bộ phân nhân dân chưa cao, khi xảy ra cháy rừng còn thờ ơ, trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan nhà nước.
Hiện đang là cao điểm của mùa khô hanh, do đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn huyện là rất lớn. Vì vậy, rất cần sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhất là các chủ rừng hãy nâng cao hơn nữa, ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. (Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Vĩnh Phúc 23/5) đầu trang(
UBND tỉnh vừa ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để kịp thời chấn chỉnh tình trạng tình trạng phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp, trồng rừng nguyên liệu đang diễn ra phức tạp.
Nội dung Chị thị nêu rõ, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, đơn vị, liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng, người dân nhằm nâng cao nhận thức và chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.
Các Sở, Ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là trong công tác phối hợp quản lý địa bàn, lãnh thổ với quản lý chuyên ngành. Thủ trưởng các ngành, địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về các trường hợp phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn do địa phương, đơn vị quản lý.
Người đứng đầu Ban quản lý rừng chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu để xảy ra mất rừng trong lâm phận được giao quản lý. (Đài Phát Thanh Và Truyền Hình Quảng Nam 23/5) đầu trang(
Để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra, UBND TP đã yêu cầu các đơn vị, địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong nhân dân; kiểm tra các phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở cao, khắc phục các điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch; kịp thời thông tin đến người dân về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi kênh mương, hồ điều tiết nước...
UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc trồng, bảo vệ cây xanh tại mỗi địa bàn dân cư cũng như công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phát động phong trào tận dụng đất trống để trồng cây, hoa kiểng nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo không gian đô thị “xanh, sạch, đẹp” cho TP.
Các quận-huyện có rừng nằm trong vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao cần quán triệt tinh thần “3 sẵn sàng” và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và cây trồng phân tán... (Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM 23/5) đầu trang(
Chiều 23-5, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - đã làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về kết quả triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh.
Ông Đinh Thế Huynh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt trong công tác chống hạn và kết quả bầu cử vừa qua. Ông Huynh cho rằng thiệt hại do hạn hán ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân trong tỉnh.
Đồng thời nhấn mạnh phải nhìn vào thực tế là mực nước ngầm tại Đắk Lắk đang sụt giảm nghiêm trọng, trong đó có hệ lụy của việc phá rừng. Ông Huynh đề nghị tỉnh phải có đánh giá thực trạng hạn hán thời gian qua để có cách ứng phó.
Đồng thời, trước mắt phải cung cấp lương thực, nước sinh hoạt cho người dân tại những vùng bị thiệt hại, không để dân đói, dân khát vì hạn hán.
Về lâu dài, ông Đinh Thế Huynh đề nghị tỉnh phải xác định lại năng lực tích nước của các hồ đập cũng như phải xem xét tái cơ cấu cây trồng để đảm bảo đủ nguồn nước tưới.
“Tuy nhiên, nói gì thì nói cái gốc của vấn đề giữ nguồn nước là giữ rừng. Bảo vệ được rừng mới giữ được nước và môi trường” - ông Huynh kết luận. (Tuổi Trẻ 24/5) đầu trang(
Ngày 20/5, ông Nguyễn Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Lâm sản Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ ô tô tải BKS 92C – 085.83 vận chuyển 13 hộp gỗ nhóm VI, khối lượng hơn 1,5m3.
Theo lời khai của lái xe Nguyễn Văn Chương (SN 1988, trú xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), số gỗ trên được vận chuyển từ huyện Phước Sơn về xuôi tiêu thụ thì bị bắt giữ. Hồ sơ của vụ việc đã được chuyển đến Hạt Kiểm lâm huyện Đại Lộc tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo ông Thanh, từ đầu năm 2016 đến nay, trạm đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ 42m3 gỗ các loại, 7 ô tô và 1 mô tô dùng để vận chuyển gỗ. (Công An Nhân Dân 23/5) đầu trang(
Sau một thời gian dài tạm lắng, gần đây nạn triệt phá nhiều cánh rừng phòng hộ để lấy đất lập trang trại, trồng keo lại bùng phát ở các huyện miền núi Quảng Nam.
Khi hai vụ phá rừng phòng hộ để lấy đất làm trang trại có quy mô lớn ở xã Cà Di, huyện Nam Giang và xã Phước Hòa, huyện Phước, tỉnh Quảng Nam phóng viên VTV đã phản ánh trước đây chưa được xử lý, nay lại thêm một cánh rừng phòng hộ rộng trên 25ha ở xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn bị triệt hạ.
Cánh rừng trên hiện đang chịu sự quản lý của UBND xã Phước Hiệp và Hạt kiểm lâm huyện Phước Sơn. Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, cánh rừng vừa được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk My bàn giao cho địa phương vào cuối năm 2015. Do buông lỏng quản lý nên các đối tượng đầu nậu đất, đã liên kết với người dân bản địa tàn phá, đốt trụi để lấy đất trồng keo và bán cho những ai có nhu cầu lập trang trại.
Thực trạng là thế, song chính quyền xã Phước Hiệp lại bất hợp tác với phóng viên VTV, còn phía kiểm lâm lại bao biện.
Chỉ trong một thời gian ngắn gần 100ha rừng phòng hộ ở hai huyện miền núi Phước Sơn và Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã bị triệt phá theo hình thức hủy diệt môi trường sinh thái để lấy đất phục vụ cho các đại gia. Đây là thực trạng đáng báo động các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam cần phải vào cuộc để cứu rừng và môi trường sống. (Đài Truyền Hình Việt Nam 23/5) đầu trang(
Sau khi kiểm tra, xác định gần 18 ha rừng tại tiểu khu 363 thuộc địa bàn xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) bị tàn phá để trồng cây keo trái phép, Sở NN&PTNT đã báo cáo với UBND tỉnh thực trạng trên. Ngày 19.5, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.
Sau khi tiếp nhận đơn thư tố cáo của một hộ dân ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) về tình trạng phá rừng trái phép tại tiểu khu 363 thuộc địa bàn xã Phước Mỹ, Đoàn kiểm tra liên ngành bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVPTR&PCCCR) của tỉnh đã chỉ đạo Tổ BVPTR&PCCCR số 2 vào rừng kiểm tra, đo đạc, xác định diện tích rừng bị chặt phá.
Kết quả sau 2 ngày (ngày 13 và ngày 14.5) kiểm tra, đo đạc cho thấy, có hơn 17,978 ha rừng tự nhiên trạng thái 2A ở 13 lô thuộc khoảnh 1 và khoảnh 2, tiểu khu 363 có chức năng quy hoạch phòng hộ do UBND xã Phước Mỹ quản lý bị chặt phá. Đường kính cây trong toàn bộ 13 lô từ 6-15 cm, có một số cây đường kính gốc từ 20-30 cm đã bị đốn hạ, trong đó có 3 lô diện tích trên 6,5 ha, cây rừng đã bị đối tượng phá rừng đốt cháy.
Sau khi có kết quả kiểm tra của tổ số 2, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND tỉnh  và ngày 19.5, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT điều tra, làm rõ vụ việc phá rừng tại tiểu khu 363.
Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Hạt KL liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn làm việc với UBND xã Phước Mỹ bàn bạc phương án tổ chức kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng. Phối hợp với UBND xã Phước Mỹ và các cơ quan liên quan xác minh, truy tìm đối tượng phá rừng. Sở NN&PTNT cũng sẽ bàn bạc với Công an tỉnh phương án tiếp tục điều tra, xác minh đối tượng phá rừng để xử lý theo pháp luật.
UBND TP Quy Nhơn cũng đã giao Hạt KL liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn phối hợp với UBND xã Phước Mỹ và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, tập hợp đầy đủ hồ sơ vụ việc chặt phá rừng tại xã Phước Mỹ gửi Công an thành phố để tiến hành điều tra theo đúng quy định, trên cơ sở hồ sơ do Hạt KL liên huyện Tuy Phước- TP Quy Nhơn cung cấp. (Báo Bình Định 23/5) đầu trang(
Ngày 21-5-1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân chính thức đánh dấu sự ra đời của Kiểm lâm Việt Nam. Sau ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, lực lượng Kiểm lâm được hình thành trên phạm vi cả nước.
Theo tiến trình đó, ngày 15-10-1976, Bộ Lâm nghiệp có Quyết định số 518/QĐ-BLN về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm Gia Lai-Kon Tum. Nhìn lại hành trình 40 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm Gia Lai không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Tuy vậy, xuất phát từ nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, diện tích rừng thời gian gần đây có biến động; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn diễn biến phức tạp, song vốn rừng và độ che phủ rừng ở Gia Lai cơ bản được giữ vững.
Ngành Kiểm lâm đã chủ động thực hiện công tác điều tra, khảo sát, xây dựng phương án đề nghị UBND tỉnh quyết định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh, nay là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và được công nhận là Vườn Di sản ASEAN năm 2003; thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Bên cạnh đó, triển khai các dự án: rừng phòng hộ đầu nguồn sông Ba; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm; nâng cao năng lực hoạt động của kiểm lâm địa bàn và đề án thí điểm canh tác nương rẫy bền vững trên đất lâm nghiệp.
Tác động của các phương án, dự án trên góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng và các loài động vật, thực vật quý hiếm đặc hữu…  Thông qua các dự án, kinh nghiệm thực tiễn hoạt động của lực lượng Kiểm lâm được nâng lên; nhận thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đáng kể.
Kết quả đạt được của ngành Kiểm lâm Gia Lai trong chặng đường 40 năm qua là kết tinh của sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, sự phối hợp của nhân dân trong công tác giữ rừng, đặc biệt là tinh thần nỗ lực vượt khó khăn của đội ngũ lãnh đạo, công chức trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
Nếu như những ngày đầu thành lập, lực lượng Kiểm lâm Gia Lai hầu hết được điều động, biệt phái từ miền Bắc vào, phần lớn có trình độ chuyên môn trung cấp, số tuyển dụng mới chưa qua đào tạo thì đến nay, trong tổng số 431 người đã có 212 người có trình độ đại học và trên đại học, còn lại là trung cấp. Trên 60% số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ, tin học A, B, C…
Nhiều cán bộ, công chức vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao nên đội ngũ cán bộ, công chức của ngành cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xử lý hiệu quả những tình huống khó khăn, phức tạp phát sinh trong thực tiễn quản lý bảo vệ rừng.
Trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, có không ít cán bộ, công chức hy sinh tính mạng, xương máu như liệt sĩ Huỳnh Kim Long-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Sê; Trần Đức Đại-Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng-chống cháy rừng số 3 bị thương tật 4/4; Hoàng Hữu Hoàn công chức Hạt Kiểm lâm Kbang bị thương tật 2/4 do hậu quả của sự chống trả quyết liệt của lâm tặc. Và còn nhiều cán bộ, công chức ngành Kiểm lâm khác bị thương tích; tài sản, phương tiện của Nhà nước bị hư hại do hành vi chống đối của các đối tượng phá rừng.
Trân trọng với thành tích đạt được trong chặng đường xây dựng, phát triển, song Kiểm lâm Gia Lai cũng thẳng thắn nhìn nhận năng lực của một số công chức của mình hãy còn hạn chế; còn tư tưởng ngại khó, ngại khổ; còn để xảy ra vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở một số địa phương, nhưng chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn thật sự hiệu quả bền vững. Hạn chế trên kết hợp với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ làm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới hết sức khó khăn và phức tạp.
Xác định được hạn chế cốt lõi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng này, lực lượng Kiểm lâm đã xây dựng giải pháp chiến lược thực hiện nhiệm vụ giữ rừng, sử dụng và phát triển rừng được Đảng, Nhà nước giao. Quá trình triển khai tập trung vào giáo dục chính trị tư tưởng; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tuyên truyền giáo dục pháp luật; ưu tiên nguồn lực cho cơ sở để giữ rừng tận gốc; triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường chấn chỉnh hoạt động của lực lượng Kiểm lâm theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Trong quá trình này, lực lượng Kiểm lâm Gia Lai rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp của các ngành chức năng, chính quyền các cấp và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân để tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho lực lượng Kiểm lâm hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới. (Báo Gia Lai 23/5) đầu trang(
Hàng trăm ha rừng phòng hộ Đăk Đoa thuộc các xã Hải Yang, Đăk Sơmei, Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) đang bị người dân chặt phá, đốt cháy khắp nơi để nhường chỗ cho những ruộng, rẫy. Diện tích này sẽ còn tiếp tục tăng lên và để lại nhiều hậu quả nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng địa phương.
Tuyến đường từ ngã 3 Đăk Sơmei vào trung tâm xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) dài chừng 8 km, thì phần lớn diện tích rừng nằm sâu 2 bên đường đã bị người dân chặt phá gần hết. Những cánh rừng xanh tốt xưa kia, nay hóa thành đồi trọc. Nhìn từ xa, từng mảng rừng bị chặt phá, nhường chỗ cho những rẫy lúa, rẫy mì của người dân. Nhiều đám cây rừng bị đốt cháy, chết khô và tương lai đám cây này sẽ biến thành than, tro dùng để bón cho lúa, mì khi mùa mưa đang đến gần.
Tại tiểu khu 456 thuộc địa phận thôn 1, xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa) hoạt động xâm lấn đất rừng diễn ra một cách công khai mà không hề lo sợ chủ rừng bắt hay xử lý. Những lán trại tạm được dựng lên để làm nơi tá túc lúc nắng, mưa phục vụ cho việc chặt, dọn, cuốc xới và canh tác dù có hay không sự có mặt của người lạ.
Cũng thuộc tiểu khu 456, tại thôn 4, xã Hải Yang, việc chặt phá rừng còn nghiêm trọng hơn. Đất rừng bị cuốc xới nham nhở, người dân thì vô tư đào mương, phân lô. Hàng trăm cây sao đen được trồng từ năm 1992, đường kính từ 20 - 30cm đã bị người dân cưa sát gốc, nằm ngã rạp.
Chuyện chặt phá rừng để làm nương rẫy tại khu vực này trở thành chuyện thường ngày. Hàng trăm hecta rừng đã và đang bị người dân tàn phá, đốt cháy vô tội vạ để làm nương rẫy. Màu xanh của rừng phòng hộ Đăk Đoa, khu vực xã Hà Đông, Đăk Sowmei, Hải Yang còn lại không đáng là bao và chủ yếu nằm ở những con dốc cao, vực sâu nên chưa bị người dân chạm đến.
Được biết, toàn bộ diện tích đất rừng nằm trên địa phận xã Hà Đông được giao cho 4 đơn vị quản lý gồm UBND xã Hà Đông, Hạt kiểm lâm huyện Đăk Đoa, Kiểm lâm rừng Quốc gia Kon Ka Kinh và Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa. Tuy nhiên, những cánh rừng nơi đây với diện tích hàng trăm hecta đã và đang từng ngày bị triệt hạ không hề thương tiếc.
Ông Hoàng Thi Thơ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa khẳng định: Toàn bộ diện tích rừng bị phá là rẫy cũ của dân. Sau nhiều năm bỏ để làm rẫy nơi khác thì đất tự phục hồi, cây rừng tự mọc lại nên người dân đốt nương làm rẫy chứ không phải chặt phá rừng mới. Việc lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra nhưng diện tích và khối lượng không đáng kể, không đủ để xử lý. Ban quản lý rừng phòng hộ đã nhắc nhở người dân nên việc nhận thức đã tốt hơn nhiều.
Theo ông Thơ, khu vực đất rừng bị dân xâm chiếm thuộc các tiểu khu 406, 407, 410.  Trong khi, những hình ảnh phóng viên ghi nhận được về việc phá rừng làm rẫy lại là những khoảng rừng thuộc tiểu khu 402, 404. Như vậy, diện tích rừng bị phá là rất lớn, còn cơ quan quản lý, làm nhiệm vụ giữ rừng thì dường như chưa theo dõi hết được.
Một bất cập đang diễn ra trên địa bàn các xã này nói riêng và cả tỉnh Gia Lai nói chung đó là tình trạng chống lấn đất rừng và đất ở của người dân. Nhiều diện tích đất người dân đã xây dựng nhà ở và làm nương rẫy, sau khi quy hoạch lại biến thành đất rừng, gây khó khăn cho công tác xử lý và quản lý. Người dân lợi dụng kẽ hở này để cơi nới thêm diện tích đất canh tác bằng việc phá rừng ở những diện tích nằm sát với diện tích đất của mình. Mặt khác, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính và còn phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng cho nên hiệu quả xử lý không cao.
Chuyện chặt hạ, chiếm dụng đất rừng đang diễn ra trước mắt, và ngày càng trở nên rầm rộ hơn. Nếu các ngành chức năng và địa phương thiếu sự quyết liệt trong giám sát và quản lý thì rừng sẽ vẫn tiếp tục chảy máu, rừng phòng hộ sẽ biến mất, để lại nhiều hậu quả khôn lường. (Tài Nguyên Và Môi Trường 24/5) đầu trang(
Hẳn nhiều người sẽ bất ngờ và tò mò khi ngay giữa vùng bán sơn địa thuộc H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn tồn tại một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý hiếm cao chọc trời xanh.
Điều đặc biệt, chỉ bằng một bản hương ước mà suốt mấy trăm năm, người dân ở làng Nghi Sơn đã thay nhau bảo vệ và gìn giữ khu rừng như một báu vật và ngay cả khu rừng già này cũng chứa đựng nhiều giai thoại dân gian huyền bí, mang yếu tố tâm linh như chính tên gọi của nó–rừng Cấm Miếu.
Trước đây, làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, H. Quế Sơn, Quảng Nam) được gọi là làng Khe Môn, một ngôi làng nhỏ nhưng có bề dày về văn hóa và lịch sử, được bao bọc bởi dãy núi Hòn Tàu bốn mùa mây trắng. Đứng trên dốc cao nhìn xuống là một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý cao sừng sững nằm lọt thỏm giữa vùng bán sơn địa. Khu rừng rộng chừng 10ha gồm các giống cây lim, sến, sơn, mít nài... có tuổi đời hàng trăm năm; nguyên thủy có tên là Cấm, vì có nhiều miếu nên gọi là Cấm Miếu.
Theo chân ông Đinh Hữu Hoàng (1959)-Trưởng thôn Nghi Sơn, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình vào khu rừng cấm. Đặt chân vào nơi này, dưới những tán cây xanh um tùm và rậm rạp, cảm giác đầu tiên là cái nắng như đổ lửa của ngày hè chợt biến đâu mất. Ông Hoàng cho biết, cư dân nơi đây có nguồn gốc từ vùng Thanh-Nghệ, dưới thời nhà Hồ (khoảng thế kỷ XV) di dân vào vùng đất mới.
Khi các vị tiền bối chống đỡ được thiên nhiên thú dữ, đã chọn đất đai, phong thủy hữu tình nơi đây làm nơi sinh sống, bảo tồn thiên nhiên. Các vị đã lấy dãy đất nằm phía tây bắc của làng làm tâm địa sơn cho dân làng an lạc. Và từ đó các vị cao niên trong làng giáo dục con cháu bảo tồn khu rừng sinh thái mà các vị tiền bối đã chọn.
Qua nhiều thế hệ, con cháu các tộc họ phát triển sản xuất theo các thung lũng, sườn núi tạo nên những đồi gò cánh đồng và đặt tên các gò đồi gắn với tâm linh của làng Khe Môn. Do địa bàn dân cư nằm trên cao, núi rừng hoang vu dân cư thưa thớt nên chịu sự tác động không nhỏ từ thiên nhiên và thú dữ. Cũng từ đó, nhiều giai thoại dân gian huyền bí được truyền miệng cho đến hôm nay. Cụ Trần Lầu (85 tuổi) kể lại: Ngày xưa vùng đất Gò Chùa có rất nhiều ông (cọp), mà “ông” ăn người cũng nhiều. Từ đó, người dân nghiên cứu làm bẫy “ông” bằng cách vót chông nhọn nọc sâu, chiều cao và tạo thành hai chuồng tại Gò Chùa.
Làm xong, một người tộc Đoàn vào làm mồi nhử để cọp sập bẫy và đâm chết. Từ đó, người dân trong làng lên rừng làm than nhặt củi thường phải có một cây gậy chống qua đầu để bảo vệ cọp dữ tấn công. Lại có chuyện cây huyễn huỹnh cổ thụ trong rừng tự ngã đổ, làng bán cho một người ở nơi khác về xẻ gỗ làm nhà. Nhà làm xong nhưng không ở được vì đêm đêm người nhà cứ nghe những âm thanh lạ như tiếng người nỉ non  phát ra từ giàn cột, kèo (?!).
Gần đây hơn là chuyện một thanh niên đi làm ăn xa về thấy làng mình gỗ quý bạt ngàn, hăm hở xách cưa vô rừng. Oái oăm thay, anh ta đi cả ngày trời mà vẫn chưa gặp cây đúng ý mình. Đến lúc quay trở về thì không biết sao lại bị lạc đường cả ngày hôm sau mới ra được khỏi rừng...
Vùng đất Khe Môn Xứ vốn trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, chịu sự tác động lớn từ thiên nhiên. Trước đây, vào thế kỷ thứ XV, khi các vị tiền bối khai khẩn vùng đất này đã có những cuộc đấu tranh giành giật với các sắc tộc người bản địa như người Cro, người Chăm sinh sống với nghề săn bắt. Sau này lại kinh qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, những hậu duệ các tộc họ vẫn sống gắn bó với làng và tiếp tục mở rộng canh tác, chăn nuôi, trồng trọt và phát triển làng nghề cho đến hôm nay.
Do vậy, mọi hành vi xâm phạm đến rừng thiêng đều được nghiêm trị. Biểu hiện cao nhất của việc này là Hương ước bảo vệ rừng Cấm Miếu trường tồn qua hàng trăm năm nay và vẫn còn nguyên giá trị: “Dân làng không được tùy tiện vào đốn, chặt cây trong rừng. Mọi người đều có nghĩa vụ phải bảo vệ và truy tố những ai vi phạm quy định... Tùy theo mức độ nặng nhẹ, ai vi phạm sẽ bị phạt bằng thóc, nếu gây thiệt hại nặng thì bị đuổi ra khỏi làng”. Cứ theo tục lệ “xưa bày nay bắt chước”, vậy nên suốt hàng trăm năm ở làng này không ai dám vào rừng đốn củi, đốt than. Mặt khác, do tính gắn kết cộng đồng cao trong việc bảo vệ khu rừng thiêng nên người làng khác cũng không thể xâm phạm.
Ngày nay, làng Nghi Sơn còn nổi tiếng trong việc phủ xanh đồi trọc bằng những dự án trồng rừng. Ông Trần Anh Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp, cho biết: “Mặc dù mang tiếng sống bằng nghề nông nhưng cả làng Nghi Sơn chỉ có 45ha lúa ruộng bậc thang, canh tác nhờ nguồn nước trời. Vậy mà đời sống kinh tế ở đây ai cũng khá giả. Tất cả là nhờ vào rừng giữ nguồn nước quý”. Vì thế người dân biết quý rừng mà bảo vệ rừng và coi như là báu vật, rừng tàn thì làng mạt? Theo ông Toàn, làng chỉ có hơn 130 hộ nhưng có diện tích trồng keo, bạch đàn rất lớn.
Nếu tính bình quân thì một năm mỗi hộ kiếm được 60-80 triệu đồng từ việc bán gỗ. Được như vậy, một phần do việc giữ rừng gắn với nguồn gốc tộc họ và văn hóa đình làng nên đã ăn sâu vào tâm khảm qua nhiều thế hệ, từ đó hình thành nên bản sắc văn hóa tộc họ ở làng Nghi Sơn. Vì vậy, rừng Cấm Miếu không chỉ là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa-lịch sử của ngôi làng mà theo thời gian đã trở thành hồn cốt của người dân nơi đây.
Huyền thoại về rừng Cấm Miếu tuy mang yếu tố tâm linh nhưng chứa đựng yếu tố tích cực, nhằm giúp người dân nơi đây ý thức được việc chăm sóc và bảo vệ rừng như là giữ được cái hồn của tiền nhân. Nên chăng tại mảnh đất khu miếu thờ dân làng phục dựng lại để thêm phần tôn kính tiền nhân và nhắc nhở con cháu trong việc gìn giữ, làm hành trang tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, mà trên hết là bảo vệ khu rừng xanh bạt ngàn, bảo vệ nguồn nước cho làng... (Công An TP.Đà Nẵng 23/5) đầu trang(
Với chủ đề này, năm nay các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5/2016) càng cho thấy tính cấp thiết của đa dạng sinh học (ĐDSH). ĐDSH là nền tảng cho cuộc sống và cho các dịch vụ thiết yếu được cung cấp bởi các hệ sinh thái (HST).
Việt Nam là một trong các quốc gia được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả HST, loài và nguồn gen. Ngày 18/5/2016, tại Hội thảo khoa học giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và tổ chức Hội Động vật học Frankfurt, CHLB Đức tại Việt Nam (FZS), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công cho biết, Việt Nam đã quy hoạch 2,4 triệu ha rừng đặc dụng, trong đó có 176 khu bảo tồn và vườn quốc gia nhằm bảo tồn ĐDSH.
Còn theo TS Phạm Anh Cường - Cục trưởng Cục Bảo tồn & ĐDSH, tính ĐDSH cao ở Việt Nam bởi nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm ĐDSH phong phú nhất thế giới...
Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn ĐDSH bằng việc xây dựng và ban hành các Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong đó có Luật ĐDSH (2008); các văn bản hướng dẫn Luật và định hướng công tác bảo tồn ĐDSH như: Chiến lược Quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, các HST rừng và sự ĐDSH của nước ta đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân như khai thác không bền vững, nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật... Do đó, nếu không có những hành động kịp thời thì các HST rừng và các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam sẽ có nguy cơ đe dọa suy giảm và dẫn tới tuyệt chủng trong tương lai không xa.
Diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng; rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn suy giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại... Những nguyên nhân này đã gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên ĐDSH, tác động tiêu cực đến ổn định sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào thiên nhiên.
Ngày 28/8/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ký Quyết định số 1870/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, dự toán quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư. Mục tiêu là: Nghiên cứu, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp và các cơ chế chính sách nhằm đảm bảo các HST tự nhiên, quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển dịch vụ HST thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm thúc đẩy phát triển địa phương một cách bền vững.
Theo đó, Dự án nhằm đánh giá hiện trạng bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng; Xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự án nguồn vốn dự toán hơn 913 triệu đồng và đến hết tháng 6/2016 sẽ hoàn thành và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ngày 21/5, Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết: Sự đa dạng về các loài thực vật, động vật hoang dã ở tỉnh Lâm Đồng rất cao, đóng góp tỷ lệ lớn trong danh lục của cả nước. Đó là đa dạng HST (gồm HST trên cạn, HST đất ngập nước). Các HST trên cạn đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm, trong đó có 131 loài được nêu trong Sách Đỏ Việt Nam (SĐVN) 2007; 45 loài được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN 2012 và 43 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.
Ở Lâm Đồng cũng đã ghi nhận hiện diện 85 loài thú; 686 loài côn trùng; 301 loài chim; 102 loài bò sát - lưỡng cư; trong đó, rất nhiều loài nêu trong Danh lục đỏ IUCN 2012, SĐVN 2007 và Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Đối với các HST đất ngập nước đã xác định được 111 loài cá thuộc 20 họ trong 8 bộ; trong đó có 5 loài bị đe dọa cấp quốc gia nêu trong SĐVN. Đã thống kê được 257 loài thực vật phiêu sinh; 125 loài động vật phiêu sinh và 63 loài động vật đáy. Lâm Đồng cũng là tỉnh được đánh giá có tính ĐDSH rất cao về mặt phong phú nguồn gen.
Những nguyên nhân làm suy giảm ĐDSH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bao gồm: Khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ thiếu hợp lý; Săn bắt động vật hoang dã và khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản; Phá rừng lấy đất sản xuất; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; Cháy rừng; Khai thác khoáng sản; Ô nhiễm môi trường; Biến đổi khí hậu; Xâm nhập của động thực vật ngoại lai gây hại; Phát triển du lịch thiếu kiểm soát; Gia tăng dân số.
Để bảo tồn ĐDSH ở Lâm Đồng, trước hết là xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH để quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên. Cùng đó, tích cực truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng; Khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật, ĐDSH gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; Xây dựng mô hình, phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý, phát triển tài nguyên sinh vật; Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các tỉnh; tích cực công tác bảo tồn và ứng dụng các giải pháp khoa học... (Báo Lâm Đồng 23/5) đầu trang(
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường, Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được tổ chức thường niên tại một trong các nước thành viên ASEAN.
Tại Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lần thứ 25 (gọi tắt là Hội nghị AWGNCB-25) tổ chức năm 2015 tại Thái Lan, Hội nghị đã nhất trí đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học lần thứ 26 (gọi tắt là Hội nghị AWGNCB-26).
Hội nghị AWGNCB-26 là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm kiểm điểm lại các hoạt động của Nhóm công tác trong năm qua, tiến độ triển khai các chương trình về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học do các đối tác của ASEAN phối hợp thực hiện. Ngoài ra, Hội nghị còn là cơ hội để các nước tìm kiếm, đề xuất các ý tưởng, giải pháp, sáng kiến mới để thúc đẩy các hoạt động của ASEAN trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Được tổ chức liền kề với Hội nghị AWGNCB-26 là Hội nghị bên lề chuẩn bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD) lần thứ 13 và Hội thảo xây dựng Kế hoạch Hành động  của ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học 2016-2020, định hướng triển khai thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015- một tài liệu quan trọng của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực này.
Tham dự Hội nghị AWGNCB-26 có các nước thành viên ASEAN, các tổ chức đối tác, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Ban thư ký ASEAN, và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ khác. Về phía Việt Nam, có sự tham dự của các đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường và các đơn vị có liên quan), Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao, Vườn Quốc gia Cúc Phương. Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học Phạm Anh Cường tham gia đồng chủ trì Hội nghị với ông Win Naing Thaw, Chủ tịch Nhóm công tác của ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các nội dung: Hiện trạng của Chương trình các Vườn Di sản ASEAN; Hoạt động của Trung tâm ACB; Công tác chuẩn bị, đặc biệt là xây dựngdự thảo Tuyên bố của các Bộ trưởng Môi trường ASEAN tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước CBD lần thứ 13, tại thành phố Cancun, Mexico tháng 12 năm 2016; Dự án phục hồi  hệ sinh thái rừng bị suy giảm tại khu vực nhiệt đới Đông Nam Á; Quản lý và Bảo tồn đa dạng sinh học các khu bảo tồn tại ASEAN; Quan hệ đối tác TQ-ASEAN về phát triển đô thị thân thiện với sinh thái; Tầm nhìn ASEAN đến 2025 (thảo luận dự thảo Chiến lược ASEAN về Môi trường); Dự thảo Kế hoạch công tác ASEAN-Liên Hợp quốc về Môi trường và Biến đổi khí hậu 2016-2020 và nhiều nội dung quan trọng  khác.
Một trong các mục tiêu quan trọng của chuỗi Hội nghị lần này là xây dựng Kế hoạch Hành động nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học 2016-2020. Kế hoạch Hành động được xây dựng sẽ đưa ra một khung khổ các hoạt động của nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực cũng như tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên ASEAN  nhằm thực hiện các cam kết và thỏa thuận quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong giai đoạn sắp tới, đồng thời Kế hoạch Hành động cũng sẽ trở thành căn cứ để tìm kiếm và kêu gọi các nhà tài trợ cho các hoạt động của ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Trong vai trò nước đăng cai tổ chức Hội nghị AWGNCB-26, cũng nhằm quảng bá hình ảnh và thành tựu đạt được của Việt Nam trong bảo vệ môi trường, gìn giữ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, Ban Tổ chức Hội nghị dự kiến sẽ tổ chức chuyến thăm quan thực tế tại Vườn Quốc gia Cúc Phương cho các đại biểu tham dự Hội nghị. Vườn Quốc gia Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam và là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng với nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. (Sở Tài Nguyên Và Môi Trường TP.HCM 23/5) đầu trang(
UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương giao cho Công ty cổ phần Vinpearl nghiên cứu đầu tư dự án công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi. Đây là dự án công viên du lịch sinh thái có vốn đầu tư ước trên 500 triệu đô la Mỹ.
Theo thông báo từ UBND thành phố ngày 19-5 vừa qua liên quan đến dự án này, UBND thành phố cho rằng đây là một dự án có quy mô lớn, đã được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2004.
Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan và chủ quan, dự án vẫn chưa được khởi công xây dựng gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.
Mặt khác, hiện nay số lượng địa điểm vui chơi, giải trí thu hút khách du lịch trên địa bàn thành phố còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân, chưa tạo tiền đề để khuyến khích phát triển du lịch và kích cầu đầu tư phát triển nên cần phải có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án này càng nhanh càng tốt.
Trước đó vào năm 2015, Công ty cổ phần Vinpearl xin đầu tư dự án công viên Sài Gòn Safari với vốn đầu tư khoảng 500 triệu đô la Mỹ trên diện tích 460 héc ta tại huyện Củ Chi, TPHCM. Dự án này dự kiến sẽ là nơi bảo tồn, nhân giống các động vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam.
Theo đó, khu công viên Sài Gòn Safari có chín phân khu gồm: trung tâm hành chính, công viên chuyên đề, khu nuôi thả động vật hoang dã ban ngày, khu nuôi thả động vật ban đêm, vườn thú mở, vườn sưu tầm động vật, khu hạ tầng, khu hội nghị và bảo tàng, khu nhân giống bảo tồn và dự phòng phát triển.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, Vinpearl là đơn vị có kinh nghiệm trong đầu tư khai thác các khu du lịch, vui chơi giải trí, chẳng hạn như Khu du lịch Hòn Ngọc Việt tại Nha Trang, và doanh nghiệp này cũng khẳng định có đủ năng lực tài chính để đầu tư đồng bộ cả dự án.
Bên cạnh việc chấp thuận chủ trương cho Vinpearl nghiên cứu đầu tư dự án Sài Gòn Safari, UBND thành phố còn đề nghị nhà đầu tư này đề xuất 2-3 phương án để lựa chọn phương án tối ưu, đồng thời Vinpearl sẽ lấy ý kiến từ Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở ngành có liên quan xem xét, thẩm định, trình UBND thành phố trong tháng 6-2016.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 11-2015, dự án công viên Sài Gòn Safari đã được thành phố hoàn tất công tác rà phá bom mìn, xây dựng được gần 92% hạng mục hàng rào, đã chi hết gần 600 tỉ đồng tiền đền bù giải tỏa, chi trả bồi thường hỗ trợ giải tỏa được 686/705 hộ dân trong vùng dự án, và đã bàn giao được hơn 400 héc ta đất sạch cho thành phố.
Vì dự án Sài Gòn Safari được thành phố thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư các hạng mục bằng ngân sách nhà nước với tổng chi phí đến nay gần 600 tỉ đồng nên việc lựa chọn nhà đầu tư tiếp tục tham gia đầu tư dự án sắp tới dự kiến sẽ thực hiện theo quy định về đấu thầu hoặc đấu giá khu đất.
Vào thời điểm cuối năm 2007 công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 96% nhưng từ đó đến nay gần 10 năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm, dự án chậm triển khai, tạo dư luận bức xúc trong nhân dân. (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 23/5) đầu trang(
Đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”, Đà Nẵng nên chọn biểu trưng gì làm quà lưu niệm cho các lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên đến dự sự kiện trọng đại này? Liệu có thể chọn hình ảnh vọoc chà vá chân nâu – nữ hoàng của các loài linh trưởng?
Như tin đã đưa, năm 2017, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017). Trong đó, Đà Nẵng vinh dự được chọn làm nơi đăng cai sự kiện trọng đại “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên cùng khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp, báo chí... Đây được xem là cơ hội “trăm năm có một” để Đà Nẵng không chỉ khẳng định thương hiệu “TP sự kiện” mà còn quảng bá hình ảnh ra thế giới.
Với tư cách là nước chủ nhà và là TP đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”, Đà Nẵng hẳn sẽ có quà lưu niệm dành cho các vị khách quý. Đó không đơn thuần chỉ là vật phẩm kỷ niệm mà còn là một biểu tượng thể hiện được lịch sử, văn hóa, tiềm năng cũng như định hướng phát triển của Đà Nẵng. Vậy TP nên chọn cái gì làm biểu tượng cho mình khi trở thành nơi diễn ra một trong những sự kiện quốc tế hàng đầu thế giới?
Năm 2015, đạo diễn Ruth Harris cùng diễn viên Peter Venn và các nhà làm phim tài liệu đến từ kênh truyền hình National Geographic nổi tiếng thế giới của (Mỹ) đã cho ra mắt bộ phim “Thiên nhiên hoang dã Việt Nam” (Wild Vietnam), giới thiệu thiên nhiên của một quốc gia nhiệt đới có hệ sinh thái phong phú với những góc nhìn vô cùng mới mẻ và đầy bất ngờ.
"Gần 50 năm trước, Việt Nam là một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh. Bom và chất độc da cam đã biến nhiều nơi thành những vùng đất hoang tàn. Nhưng ngày nay, Việt Nam được xem là một trong những nơi đa dạng sinh học phong phú nhất hành tinh. Khoảng 10% các chủng loài động vật trên thế giới đang sống trong các môi trường sinh thái đa dạng trên đất nước này. Những khu rừng nhiệt đới luôn tràn đầy sức sống với nhiều chủng loài động vật quý hiếm. Nhưng môi trường thiên nhiên Việt Nam đã hồi sinh mạnh mẽ như thế nào? Và bất ngờ nào vẫn còn chờ đợi những bước chân khám phá?”.
Đạo diễn Ruth Harris đã mở đầu bộ phim “Thiên nhiên hoang dã Việt Nam” bằng lời giới thiệu và những câu hỏi như vậy. Và bán đảo Sơn Trà với loài vọoc chà vá chân nâu – nữ hoàng của các loài linh trưởng – là một trong những ví dụ điển hình đã được các nhà làm phim tài liệu của đài National Geographic chọn để trả lời cho câu hỏi đó:
“Nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, một số vùng được quy hoạch thành khu vực quân sự và thiên nhiên ở những nơi đó có điều kiện hồi sinh rõ ràng. Một trong số đó là rừng nguyên sinh Sơn Trà trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nơi đây vẫn là một căn cứ quân sự không ai được đặt chân đến. Điều đó có nghĩa rằng các khu rừng và cư dân động thực vật của nó vô tình được bảo vệ.
Đặc biệt, gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra khu rừng này là nơi sinh sống sau cùng còn sót lại của loài khỉ được xem là đẹp nhất thế giới. Đó là loài vọoc chà vá chân nâu. Cách đây không lâu, người ta nghĩ rằng loài động vật này đã không còn trong những khu rừng nơi đây. Vọoc chà vá chân nâu chủ yếu ăn chà là và trái cây, vì thế các nhà khoa học đã nghĩ rằng, trong thời kỳ chiến tranh, chúng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nguồn thức ăn bị phá hủy.
Nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Loài vọoc chà vá chân nâu vẫn sống sót và phát triển bất chấp mọi điều kiện khắc nghiệt. Hơn 200 cá thể vọoc chà vá chân nâu đã được ghi nhận đang sống trên các khu rừng ở bán đảo này. Con số đó chiếm khoảng hơn 60% số lượng loài vọoc chà vá chân nâu trên khắp quốc gia!”.
Các nhà làm phim của National Geographic mô tả: “Trong tự nhiên, loài động vật linh trưởng có bộ lông sặc sỡ này ít khi được nhìn thấy trên mặt đất vì chúng dành phần lớn thời gian để ăn lá cây. Do ăn quá nhiều nên bao tử của chúng chiếm đến 1/4 trọng lượng, đuôi của chúng dài tương đương chiều dài cơ thể giúp chúng giữ thăng bằng rất tốt khi chuyền cành. Vọoc chà vá chân nâu là loài động vật linh trưởng đặc hữu có đời sống xã hội cao. Chúng thường sống theo bầy đàn”.
Họ cũng đặt ra những nguy cơ mới mà loài vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà đang phải đối mặt: “Dù đã sống sót qua chiến tranh nhưng loài động vật xinh đẹp này đang phải đối mặt với một hiểm họa mới. Bán đảo Sơn Trà ngày nay đã mở cửa, đường sá được xây dựng, dân số tăng lên nhanh chóng và nguy cơ săn trộm để buôn bán thú lậu ngày càng cao”.
Và đoạn phim về loài vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được đạo diễn Ruth Harris kết thúc bằng hình ảnh chú vọoc chà vá chân nâu ngồi một mình trên ngọn cây giữa rừng núi bạt ngàn với lời bình:“Nhiều người hy vọng loài động vật đã từng sống sót qua chiến tranh này sẽ tiếp tục vượt qua những thử thách mới!”.
Đó cũng là hy vọng của những ai yên mến thiên nhiên hoang dã Việt Nam, của TP Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng “TP môi trường” và của cộng đồng quốc tế đang ra sức bảo vệ sự đa dạng sinh học của trái đất này. Do vậy, với tư cách là người làm báo và là một công dân Đà Nẵng, chúng tôi mạnh dạn đề xuất chính quyền TP nên chăng lựa chọn hình ảnh loài vọoc chà vá chân nâu, nghiên cứu hình thành nên các vật phẩm lưu niệm tặng các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế và hàng ngàn đại biểu quốc tế sẽ tham dự “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”?
Thực ra, đây không hoàn toàn là ý tưởng mới mà chỉ là sự “nâng cấp” từ ý tưởng đã có trước đó, khi trong thiệp chúc mừng năm mới Bính Thân 2016 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ in ảnh "Gia đình nhà vọoc" và thông tin ngắn gọn về loài voọc chà vá chân nâu thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Tấm thiệp này chính là kết quả từ sự tập hợp ý tưởng, góp ý của các bạn trẻ trên diễn đàn Quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh – Sạch – Đẹp, trong đó đề nghị tăng cường bảo vệ hơn nữa loài linh trưởng quý này như in hình lên các panô, áp phích, các trạm dừng xe buýt, cung cấp thông tin, tờ rơi tại nhà ga, bến tàu, sân bay…; xây dựng thành nhân vật trong các truyện tranh thiếu nhi, phim hoạt hình, làm logo in trên hàng lưu niệm, làm thú nhồi bông hay những thùng rác ngộ nghĩnh trên các con phố.... để loài vọoc chà vá chân nâu được biết đến nhiều hơn nữa, và tất cả mọi người sẽ cùng chung tay bảo vệ.
Chia sẻ về ý nghĩa tấm thiệp, ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Voọc chà vá chân nâu là loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ vô điều kiện. Với những thông tin về loài voọc này được in trên thiệp chúc tết, tôi mong muốn gửi đến mọi người lời chúc năm Bính Thân an khang, thịnh vượng; đồng thời gửi thông điệp về việc chung tay bảo vệ loài linh trưởng quý hiếm này. Với danh hiệu “nữ hoàng linh trưởng”, voọc chà vá chân nâu hoàn toàn có thể trở thành một con vật biểu trưng của Đà Nẵng, giống như vượn cáo của Madagascar hay chuột túi ở Úc”.
Rõ ràng được chọn làm nơi đăng cai sự kiện trọng đại “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” là cơ hội “trăm năm có một” để Đà Nẵng khẳng định và quảng bá hình ảnh ra thế giới. Nếu được chọn để làm các vật phẩm lưu niệm cho các nhà lãnh đạo quốc tế, hình ảnh vọoc chà vá chân nâu sẽ giúp Đà Nẵng nói lên lịch sử của một TP đã trải qua chiến tranh và đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ.
Chọn hình ảnh vọoc chà vá chân nâu cũng sẽ nói lên Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa... để phát triển, nhất là phát triển du lịch. Tuy nhiên trong quá trình đó, Đà Nẵng rất chú trọng đến bảo vệ môi trường sinh thái, quyết tâm xây dựng “TP môi trường” – một quyết tâm phù hợp với nỗ lực chung của cả thế giới hiện nay và mai sau.
Và chọn vọoc chà vá chân nâu còn giúp Đà Nẵng truyền đi thông điệp trong quá trình hồi sinh và phát triển, TP cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, nên rất cần sự chung tay của cộng đồng mà bộ phim “Thiên nhiên hoang dã Việt Nam” của đạo diễn Ruth Harris và các nhà làm phim National Geographic chính là một trong những cách để quốc tế có thể hỗ trợ, giúp đỡ TP.
Với việc xuất hiện trên kênh truyền hình National Geographic nổi tiếng của Mỹ cùng nhiều phương tiện truyền thông quốc tế khác, những đặc sắc của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và đặc biệt là loài vọoc chà vá chân nâu đã được truyền đi khắp thế giới. Nếu hình ảnh của “nữ hoàng linh trưởng” này được chọn làm vật phẩm lưu niệm tặng các vị khách quý đến tham dự “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” sẽ càng tạo thêm nhiều sức hút, nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với Đà Nẵng. (Infonet 24/5) đầu trang(
Đó là ý kiến của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản gởi Công ty TNHH Microtec, Tổng cục Hải quan và Cục Thú y.
Cơ quan quản lý Cites Việt Nam cho biết, loài Indotestudo elongata (Rùa núi vàng) thuộc Phụ lục II của Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT- BNNPTNT ngày 05/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ý kiến của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam, hoạt động tạm nhập, tái xuất mẫu vật của loài này phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và Điều 5 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26/10/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về Nông nghiệp.
Các Chi cục Hải quan cửa khẩu cần lưu ý khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng này theo ý kiến của Cơ quan quản lý Cites Việt Nam nêu trên. (Cục Hải Quan TP.HCM 22/5) đầu trang(
Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, đến nay đã thành lập được 9 tổ bảo vệ, xua đuổi voi hoang dã tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo; mỗi tổ 10 người, được cấp 20 triệu đồng/năm để mua sắm trang thiết bị phục vụ xua đuổi, ngăn voi vào quấy phá tại các khu vực sản xuất. (Thanh Niên 23/5) đầu trang(
Ngày 23/5 đại diện Tổ chức Động vật châu Á và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ cho dự án bảo tồn voi Việt Nam với tổng giá trị tài trợ lên đến 50.000 USD trong giai đoạn 2016 - 2017.
Theo thỏa thuận hợp tác, toàn bộ chương trình tài trợ sẽ được phân bổ trực tiếp cho Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk để nâng cao chất lượng và năng lực chăm sóc, bảo tồn các cá thể voi tại trung tâm.
Trong suốt một năm thực hiện dự án, Tổ chức Động vật châu Á sẽ cử các chuyên gia và bác sỹ thú y thực hiện: Tư vấn thiết kế, hỗ trợ xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất cho khu vực chăm sóc và quản lý voi; nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị cho voi cho các bác sỹ thú y và nhân viên trực tiếp chăm sóc voi của Trung tâm bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk.
Ngoài ra, chương trình hợp tác còn ưu tiên cho công tác cứu hộ voi rừng bị tai nạn hoặc voi nhà không có điều kiện chăm sóc đảm bảo nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nâng cao phúc lợi động vật cho voi và các các loài động vật hoang dã khác tại Đắk Lắk.
Theo thông báo của Tổ chức Động vật châu Á, 60 % chi phí dự án sẽ được sử dụng để cung cấp các dụng cụ khám, chữa bệnh cho voi, cũng như các vật dụng, công trình chăm sóc voi. Dự án cũng dành 12.000 USD (tương đương với 24% chi phí của dự án) để huấn luyện chuyên môn cho các bác sỹ thú y và nhân viên địa phương.
Với tư cách là đơn vị bảo tồn, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, hiện nay, quần thể voi hoang dã còn dưới 100 cá thể được coi là thiếu bền vững trong tự nhiên và đang phải đối mặt với tình trạng săn bắn, mất môi trường sống do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp và nạn phá rừng làm nương rẫy.
Ông Luân cũng khẳng định, voi nhà do các tổ chức và hộ gia đình quản lý chăm sóc riêng lẻ hiện không đảm bảo môi trường sống, trong khi nguồn thức ăn thiếu dinh dưỡng, sử dụng vào mục đích du lịch quá sức, nên voi không có cơ hội gặp gỡ giao phối tự nhiên. Hiện, đàn voi nhà của tỉnh còn 43 cá thể độ tuổi trung bình, trên 40 tuổi và đã hơn mười năm trở lại đây không sinh sản.
Trước khó khăn nêu trên, tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho biết, với chuyên môn và những thành công nhất định đã đạt được trong việc bảo tồn và cứu hộ, Tổ chức Động vật châu Á sẽ cố gắng giúp đỡ trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, để có thể bảo tồn được quần thể voi còn lại, đồng thời có thể nâng cao điều kiện chăm sóc cũng như phúc lợi cho các cá thể voi nhà.
Tại buổi lễ, đại diện cho chính quyền địa phương, ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã bày tỏ vui mừng và tin tưởng vào thiện chí của Tổ chức Động vật châu Á trong suốt thời gian qua, cũng như ghi nhận những hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á sẽ giúp địa phương bảo tồn các cá thể voi quý hiếm. (Vietnam + 23/5; Tiền Phong 24/5) đầu trang(
Ngày 23-5, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi đã bàn giao một cá thể voọc chà vá chân xám cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Cá thể voọc chà vá chân xám khoảng 3 tuần tuổi, nặng 0,4kg được anh Nguyễn Quốc Việt (37 tuổi), ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ phát hiện trong tình trạng kiệt sức vì khát sữa khi anh này đi tìm mật ong trong rừng thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ.
Sau khi đem về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng bằng sữa, voọc con dần dần hồi phục. Ngày 22-5, anh Việt đã giao nộp lại cho Hạt kiểm lâm huyện Ba Tơ để làm thủ tục bàn giao cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương theo đúng quy định.
Voọc chà vá chân xám là loài voọc quý hiếm thuộc nhóm 1B, có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và nằm trong nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). (An Ninh Thủ Đô 24/5; Công An Nhân Dân 23/5; Vietnam + 23/5) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Theo tìm hiểu của Phapluatplus.vn, năm 2014 UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định phê duyệt xây dựng Dự án trồng rừng, bảo tồn, phát triển cây cổ thụ, cây quý hiếm, cây cảnh quan đô thị, cây dược liệu và cây Sanh xuất khẩu tại khoảnh 1,2 tiểu khu 92, thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương (Hoành Bồ, Quảng Ninh).
Khu vực thực hiện Dự án có tổng diện tích hơn 60 ha nằm trong khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản tại Quảng Ninh. Theo đó, Trung tâm Bảo tồn, phát triển sinh vật cảnh và Làm vườn Quảng Ninh (Trung tâm) là đơn vị triển khai thực hiện Dự án.
Khi xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đơn vị phải tuân theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, giữ nguyên địa hình tự nhiên, hạn chế san gạt. Không được lợi dụng Dự án để khai thác than trái phép
Còn UBND huyện Hoành Bồ phải có trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiểm tra đôn đốc, giám sát Dự án theo đúng quy hoạch, không để xảy ra tình trạng khai thác than trái phép trong khu vực Dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án trên, Trung tâm Bảo tồn, phát triển sinh vật cảnh và Làm vườn Quảng Ninh đã không thực hiện đúng theo quy hoạch của Dự án. Cụ thể, trong quá trình Trung tâm thi công san cắt tầng tại khu 6, khu 7 là không đúng theo nội dung Quy hoạch chi tiết và thiết kế thi công đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Khi san cắt tầng tại đây, có xuất lộ các vỉa than, Trung tâm đã thu hồi lượng than lẫn đất đá tại các vị trí xuất lộ và tập kết trong khu vực Dự án. (Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch sẽ không gặp vỉa than).
Đến ngày 31/12/2015 UBND huyện Hoành Bồ đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt hành chính về việc thi công sai thiết kế của Trung tâm và báo cáo lên UBND tỉnh. Ngày 4/2/2015 UBND tỉnh có văn bản 648 chỉ đạo: Giao Tổng Công ty Đông Bắc lập phương án vận chuyển, tiêu thụ số lượng than đã tập kết trên mặt bằng Dự án. Đồng thời yêu cầu Trung tâm thực hiện nghiêm túc thực hiện quy hoạch xây dựng Dự án.
Kể từ khi UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chỉ đạo, Trung tâm vẫn tiếp tục triển khai Dự án như: Cắt tầng, xúc bốc, san gạt tại một số vị trí không đúng theo quy hoạch và thiết kế. Bởi tại các vị trí này có lò khai thác cũ. Tổng Công ty Đông Bắc vẫn chưa triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh đã yêu cầu.
Đến tháng 10/2015 Trung tâm mới dừng thi công hạ tầng Dự án. Còn việc vận chuyển than ra khỏi mặt bằng tập kết của Dự án vẫn chưa được 2 đơn vị trên phối hợp để di chuyển. Đến ngày 1/3/2016 UBND tỉnh Quảng Ninh lại tiếp tục ra văn bản chỉ đạo yêu cầu 2 đơn vị trên phối hợp vận chuyển, tiêu thụ số lượng than đã thu gom để trả lại mặt bằng cho Dự án.
Trong đó, nói rõ: Trung tâm Bảo tồn, Phát triển sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh  Quảng Ninh có trách nhiệm sàng lọc, lựa chọn lượng than đủ tiêu chuẩn để giao cho Tổng Công ty Đông Bắc tiêu thụ.
Trao đổi với Phapluatplus.vn, ông Phạm Văn Luyến (Chánh văn phòng UBND huyện Hoành Bồ) cho biết: “Đến thời điểm bây giờ hơn 1.000 m3 than vẫn còn nằm trong mặt bằng của Dự án”. Cũng theo ông Luyến, việc giải quyết tiêu thụ số than trên vẫn chưa được thực hiện, UBND huyện vẫn đang chờ các đơn vị xử lý.
Trong thời gian gần đây trên Báo Xây dựng có loạt bài điều tra phản ánh Công ty TNHH MTV Thăng Long "lợi dụng" Dự án cải tạo môi trường để khai thác trái phép tài nguyên than.
Và mới đây nhất ngày 2//5 vừa qua trên báo VOV đã phản ánh về vụ chặt phá rừng ở huyện Hành Bồ để khai thác than trái phép. Sau khi tiếp nhận thông tin, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp xuống hiện trường khu vực rừng bị chặt phá thuộc các thôn Khe Đắng, Khe Bùn và Đồng Quặng, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ (nằm trong tiểu khu 77A) và chỉ đạo phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phải vào cuộc ngay để báo cáo kết quả trong thời gian sớm nhất. (Pháp Luật + 23/5) đầu trang(
Ngày 23.5, thượng tá Nguyễn Văn Ngà, Phó phòng Cảnh sát môi trường (PC49 - Công an Quảng Nam), trưởng đoàn truy quét bãi vàng trái phép tại xã Đắc Pring, H.Nam Giang, cho biết tổ công tác đang hoàn tất thủ tục đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 13 chủ hầm tại bãi vàng Thành Mỹ 1 (thôn 49A, xã Đắc Pring) rộng hơn 2.000 m2 nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Trước đó, tổ truy quét gồm lực lượng PC49 và cảnh sát cơ động bất ngờ đột kích vào thời điểm rạng sáng, đẩy đuổi hơn 100 phu vàng ở Quảng Nam, Nghệ An, Hòa Bình, Thái Nguyên... ra khỏi địa bàn, sau đó bàn giao cho Công an H.Nam Giang chốt chặn; đồng thời phá hủy 22 lán trại, 25 máy nổ và máy phát điện, 18 máy hơi, hơn 1.000 m ống nước, đóng cửa 19 hầm lò.
Khu vực bãi vàng Thành Mỹ 1 hiện có hàng trăm mét đường hầm đào ngang dọc, trong đó nhiều đoạn đào mới để “mót” vàng; cả 13 chủ hầm đều trú ở Quảng Nam. (Thanh Niên 24/5) đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã trồng được hơn 5 nghìn ha rừng tập trung, hơn 1 triệu cây phân tán các loại, cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm nay.
Các địa phương trồng rừng nhanh là Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam... Hiện, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư thực hiện các dự án hỗ trợ cây giống, phân bón cho các gia đình, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng.
Các hạt kiểm lâm cơ sở tăng cường hướng dẫn người dân khai thác, trồng lại diện tích đến tuổi thu hoạch. Toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm hơn 2 nghìn ha rừng, vượt hơn 40% so với kế hoạch. (Báo Bắc Giang 23/5) đầu trang(
Hai năm 2015 và 2016 là thời gian các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam thực hiện lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Vừa đảm bảo tiến độ các bước đổi mới mô hình tổ chức, Công ty Lâm nghiệp Yên Lập vừa duy trì nhịp độ phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy và việc làm, thu nhập cho hơn 300 lao động, trong đó có 1/3 là lao động do đơn vị quản lý.
Đối với ngành sản xuất nguyên liệu giấy, thời gian qua, giá cả các vật tư đầu vào tương đối ổn định, thị trường tiêu thụ gỗ nguyên liệu ổn định, đó là mặt thuận lợi đối với các công ty lâm nghiệp thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Công ty Lâm nghiệp Yên Lập, ngoài việc bị chậm giải ngân nguồn vốn trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; đơn vị còn gặp khó khăn do đơn giá nhân công được phê duyệt thường thấp hơn so với mặt bằng công lao động trên địa bàn nên đã xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ khi mùa vụ; đất lâm nghiệp của công ty bị xâm lấn kéo dài, đến nay chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Để hoàn thành kế hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản, lãnh đạo Công ty đã chú trọng công tác sắp xếp, bố trí lao động; chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và tay nghề của cán bộ, công nhân; áp dụng cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng cho người lao động gắn với phát huy quy chế dân chủ trong doanh nghiệp. Vì vậy, trong năm 2015, Công ty đã thực hiện vượt 11% chỉ tiêu trồng rừng, 4,1% chỉ tiêu chăm sóc rừng và bảo vệ an toàn 100% diện tích rừng khép tán; giá trị tổng sản lượng lâm sinh vượt 39% kế hoạch.
Cùng với khai thác 13,7 nghìn khối gỗ nguyên liệu giấy, Công ty còn đứng ra thu mua 2.364 tấn dăm mảnh nguyên liệu của người trồng rừng, góp phần kích cầu phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn. Công ty đảm bảo đủ việc làm, tiền lương bình quân của lao động  đạt 4,75 triệu đồng/tháng. Với tổng mức đóng 1,33 tỷ đồng, toàn bộ 102 lao động hợp đồng dài hạn với Công ty được đảm bảo chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng các khoản trích nộp ngân sách của Công ty trong năm 2015 vượt gấp hơn 6 lần chỉ tiêu được giao.
Thực hiện nhiệm vụ SXKD năm 2016 với mục tiêu trồng mới 300ha rừng, chăm sóc 851ha rừng từ 1 - 3 tuổi, bảo vệ 864ha rừng khép tán; trong những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết có mưa, Công ty đã khẩn trương trồng rừng vụ xuân và tiếp tục chuẩn bị cây giống cho trồng rừng vụ thu; cân đối nguồn lao động và lo đủ vật tư, phân bón phục vụ chăm sóc rừng trồng; phối hợp với địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng.
Khi trao đổi với chúng tôi về tình hình SXKD, ông Hoàng Quốc Chính, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Yên Lập đề cập sâu đến thực trạng nhiều hộ dân địa phương đã xâm chiếm đất lâm nghiệp của Công ty. Theo Quyết định số 611/QĐ-UB ngày 31-3-1998, UBND tỉnh đã giao cho công ty quản lý, sử dụng 5.151ha.
Do biến động của quá trình xâm lấn, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Yên Lập tiến hành đo đạc lại và ngày 23-9-2010 UBND huyện có văn bản xác nhận Công ty quản lý, sử dụng 3.309ha đất lâm nghiệp thuộc địa bàn 11 xã, thị trấn, gồm Đồng Thịnh, Phúc Khánh, Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Minh Hòa, Đồng Lạc, Xuân An, Lương Sơn, Mỹ Lương, Mỹ Lung và thị trấn Yên Lập.
Nhưng từ đó đến nay, 180,1ha đất của Công ty đã bị một số hộ dân ở các xã trên lấn chiếm. Tại Ngọc Lập, diện tích bị lấn chiếm lên tới 77ha trong tổng số 483ha đất của Công ty trên địa bàn xã; tại xã Ngọc Đồng, diện tích bị lấn chiếm là 43,6/111ha; xã Lương Sơn 58,6/675ha... Toàn bộ diện tích 180,1ha đất Công ty đã trồng rừng 2 chu kỳ, sau khai thác bị một số hộ lấn chiếm.
Sau khi tiếp nhận báo cáo của Công ty, từ năm 2009, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Yên Lập kiểm kê, xem xét thu hồi đất cho doanh nghiệp, nhưng quá trình giải quyết không mang lại kết quả mong muốn. Hơn thế, việc bị lấn chiếm đất lâm nghiệp đã gây ra nhiều hệ lụy đối với Công ty. Như ở xã Ngọc Lập đã xảy ra các vụ chặt trộm cây, phá hoại rừng, đốt rừng, đốt lán trại của người giữ rừng, phá hoại tài sản của công nhân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Cùng với nỗ lực tiếp tục thực hiện tiến trình cổ phần hóa, duy trì hoạt động SXKD, Công ty Lâm nghiệp Yên Lập mong muốn sự vào cuộc tích cực của các cơ quan hữu trách ở Yên Lập để tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng như xâm phạm tài sản của Nhà nước và của công nhân trên địa bàn một vài xã sớm được khắc phục. (Báo Phú Thọ 23/5) đầu trang(
Xã An Toàn hiện có 210 hộ dân với 833 nhân khẩu là người Hre và Ba Na. An Toàn cũng là xã có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất huyện An Lão với hơn 26.000 ha.
Công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng ở xã An Toàn những năm gần đây đã được chú trọng. Người dân trong xã đã nhận chăm sóc và bảo vệ hơn 6.500 ha rừng tự nhiên, tăng gần 3.000 ha so với năm 2010, bình quân mỗi hộ nhận chăm sóc và bảo vệ từ 20-30 ha rừng.
Với định mức quy định, hàng năm Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã chi trả cho hộ nhận khoán 300 ngàn đồng/1ha rừng, tương ứng mỗi hộ dân có thêm từ 6 - 9 triệu đồng/năm từ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng. Ngoài ra, người dân xã An Toàn còn được phép thu hoạch những sản phẩm phụ dưới tán rừng như mây, đót, mật ong, nấm… (Báo Bình Định 23/5) đầu trang(
Liên quan đến vụ “Dân tố lâm trường cướp đất” ở Bắc Giang, ngày 19/5, trao đổi với Báo Giao Thông, ông Trương Văn Nam, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ảnh của Báo Giao Thông, Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận và có kế hoạch tiếp tục tiến hành thanh, kiểm tra những nội dung báo nêu.
Ông Nam cho biết, trong thời gian sớm nhất, thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để làm rõ những vấn đề theo đơn khiếu nại của các hộ dân sinh sống tại thôn Quản Hái Hồ, xã Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang. “Vì đây là vụ việc diễn ra khá lâu, lại liên quan đến những chính sách, quy định từ nhiều năm trước nên Thanh tra tỉnh sẽ phải làm việc với nhiều cơ quan. Khi nào có kết luận cuối cùng, chúng tôi sẽ thông tin ngay cho quý báo”, ông Nam nói.
Trước đó, như Báo Giao Thông đã phản ánh, các hộ dân sinh sống tại các thôn Quản Hái Hồ, xã Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang hơn 10 năm nay kêu cứu khi bị Cty TNHH MTV Lâm trường Mai Sơn vi phạm việc giao đất, trồng rừng, chiếm đoạt rừng của dân. Sự việc được phản ánh đến Sở NN&PTNT và Thanh tra tỉnh nhưng bị bưng bítm bao che không được giải quyết, gây muôn vàn bức xúc. (Giao Thông 23/5) đầu trang(
Phá bỏ, giải tỏa toàn bộ diện tích rừng bị lấn chiếm là một trong những biện pháp thu hồi đất lâm nghiệp hiệu quả mà ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng thường xuyên triển khai.
Huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là nơi có diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ nhiều năm nay. Để giải tỏa, thu hồi những diện tích đất bị lấn chiếm, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã sử dụng nhiều biện pháp như: nhổ, cuốc, phá bỏ, dọn toàn bộ khu vực bị lấn chiếm... Từ hàng trăm vụ lấn chiếm trái phép mỗi năm với diện tích vài chục hecta, đến nay chỉ còn 30 vụ nhưng đã sớm phát hiện và xử lý kịp thời.
Với 79.000 ha rừng trồng và rừng tự nhiên, Bảo Lâm được xem là một trong số những huyện đi đầu trong công tác bảo vệ rừng tại các tỉnh Tây Nguyên. Có được kết quả này cũng là nhờ những biện pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng xâm lấn đất rừng hiện nay. (Đài Truyền Hình Việt Nam 23/5) đầu trang(
Từ chủ trương giao đất, giao rừng để khoanh nuôi, bảo vệ và làm dự án kinh tế của tỉnh Bình Phước, nhiều DN đã được giao hàng trăm ha rừng.
Nhưng không ít dự án gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Một trong những điển hình về lãng phí và sai phạm là dự án của Cty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Nhiều tỷ đồng vào tay cá nhân từ dự án này.
Năm 2006, Sasco được UBND tỉnh Bình Phước giao 545ha rừng và đất lâm nghiệp để khoanh nuôi, bảo vệ và làm dự án kinh tế. Nhưng sau đó, Sasco gần như chẳng làm gì mà “phó thác” cho ông chủ rừng thao túng, đút túi nhiều tỷ đồng.
Sau 2 năm, đã có gần 250ha rừng trong dự án bị “nghèo kiệt”, xin chuyển đổi trồng cao su. UBND tỉnh Bình Phước từng có quyết định thu hồi dự án của Sasco, nhưng không hiểu vì sao, sau đó lại cho tiếp tục.
Năm 2004, Sasco được UBND tỉnh Bình Phước thuận chủ trương giao 545ha rừng và đất lâm nghiệp tại TK363, Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung (BQLRKT), xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước, để quản lý, bảo vệ, chăn thả dưới tán và trồng cây nông - lâm - công nghiệp.
Đầu tháng 12/2006, hợp đồng giao khoán rừng và đất rừng giữa đại diện BQLRKT Suối Nhung là ông Trần Tấn Minh và Sasco được ký kết. Trên diện tích 545ha được giao này, có 481,5ha là rừng các loại IIIaI; IIb và rừng có gỗ xen lồ ô. Chỉ có 63,5ha đất không có rừng.
Nhưng sau gần 3 năm, Sasco mới chỉ trồng được 18ha cao su, còn trang trại thì chưa đâu vào đâu, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn tài nguyên đất rừng của nhà nước.
Vì vậy, cuối năm 2008, UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định thu hồi 200ha để giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước. Cũng trong năm này, lấy lý do “rừng nghèo kiệt”, Sasco đề nghị UBND tỉnh Bình Phước cho chuyển 105ha trong diện tích 345ha được giao sang trồng cao su, và được chấp thuận.
Ngày 2/4/2009, Sasco ký hợp đồng liên doanh trồng cao su với BQLRKT Suối Nhung, do ông Trần Tấn Minh làm đại diện (cũng là chủ rừng) trên diện tích 105ha này, với tỷ lệ ăn chia: BQLRKT Suối Nhung hưởng 10%, Sasco 90%. Nhưng ngay sau khi đại diện cho BQLRKT Suối Nhung ký hợp đồng với Sasco, ông Minh lại lấy tư cách cá nhân ký liền hợp đồng liên doanh với Sasco cũng trên diện tích này.
Theo nội dung ký kết, ông Minh sẽ bỏ toàn bộ chi phí khai hoang, cày ủi, trồng mới, chăm sóc và bảo vệ 105ha cao su cho đến khi mở miệng. Phần vốn góp của Sasco là 105ha đất, tỷ lệ ăn chia sản phẩm là ông Minh được hưởng 40% diện tích vườn cao su thực tế sau khi trồng; Sasco được 60% diện tích vườn cao su còn lại.
Đến cuối năm 2009, Saco lại tiếp tục được UBND tỉnh Bình Phước ban hành quyết định chuyển đổi 143,2ha “rừng nghèo kiệt” trong dự án sang trồng cao su.
Đầu năm 2010, Sasco tiếp tục ký hợp đồng liên doanh trồng cao su, diện tích 128,8ha (trong số 143,2ha được chuyển đổi trồng cao su) với BQLRKT Suối Nhung (đại diện là ông Minh, chủ rừng), và ngay sau đó lại ký hợp đồng thứ 2 cũng trên diện tích này về việc giao khoán cho cá nhân ông Minh trồng cao su.
Theo đó, hình thức góp vốn, tỷ lệ ăn chia giữa Sasco giống hợp đồng 105ha nói trên. Còn hợp đồng giữa Sasco và cá nhân ông Minh thì Sasco phải chia cho ông Minh 48,1% chứ không phải 40% như hợp đồng trước.
Như vậy, với 2 dự án nói trên, ông Minh đã ký với Sasco 4 hợp đồng, 2 lần với tư cách đại diện chủ rừng, 2 lần với tư cách cá nhân. Và ông nghiễm nhiên trở thành "chủ nhân” của 233,8ha đất lâm nghiệp tại chính khu rừng của nhà nước do ông làm giám đốc.
Trong nội dung các bản hợp đồng giữa Sasco ký với cá nhân ông Minh cũng như BQLRKT Suối Nhung đều ghi rõ: “quyền lợi các bên được hưởng sau thời kỳ kiến thiết cơ bản, tức khi mở miệng cao su”.
Nhưng trên thực tế, ông Minh đã âm thầm đút túi hàng trăm triệu đồng/năm từ diện tích đất này, chỉ sau khi hợp đồng với Sasco được ký chưa bao lâu bằng cách cho người dân thuê đất trồng khoai mì với giá 4 triệu đồng/ha.
Chưa hết, ông Minh còn chia nhỏ diện tích rồi sang nhượng cho hàng chục người khác dưới hình thức “Hợp đồng giao đất trồng cao su” với giá thấp nhất khoảng 80 triệu đồng/ha. Trong số những người nhận chuyển nhượng với ông Minh, có đến 14 người là cán bộ trong các cơ quan nhà nước của tỉnh Bình Phước.
Mặc dù, trong quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Bình Phước ghi rõ, Sasco phải đầu tư 100% vốn. Nhưng trên thực tế, ngay sau khi được giao dự án, Sasco đã ký hợp đồng giao hết cho ông chủ rừng Trần Tấn Minh. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, Sasco chỉ mới trồng được 18ha cao su và xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi, làm một số công trình phụ với chi phí khoảng 3 tỷ đồng.
“Tôi sống ở đây mấy chục năm nay nên biết rất rõ, từ khi Sasco có dự án đến giờ, chưa thấy người của họ đến làm bao giờ, vì cả 2 dự án trồng cao su, Sasco đều đã ký hợp đồng giao khoán hết cho ông Minh. Đang là chủ rừng mà ông Minh lại lấy tư cách cá nhân ra để ký hợp đồng nhận khoán trên diện tích do đơn vị mình quản lý. Như vậy có đúng không?
Hồi mới nhận dự án, Sasco cũng đầu tư một khu chuồng trại chăn nuôi, sau đó mua đàn bò cũng cả trăm con lên đây thả nuôi, nhưng chưa được bao lâu thì bò bệnh, chết sạch, nên họ bỏ luôn đến giờ, không làm gì nữa”, ông Ng.Đ., ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, một trong số những nạn nhân của dự án Sasco nói.
Theo tài liệu chúng tôi có được, tháng 5/2006, ông Nguyễn Tấn Minh, với vai trò là giám đốc BQLRKT Suối Nhung, nhận bàn giao hiện trạng rừng Suối Nhung với BQL cũ, khi đó, phần ghi hiện trạng rừng tự nhiên tại TK363: “Tổng diện tích 1.022ha. Rừng bị phá trong các năm 2004 - 2006 gần 97ha”.
Như vậy, lúc ông Minh nhận bàn giao, TK363 có đến hơn 925ha là rừng tự nhiên. Nhưng chỉ sau vài năm ông làm chủ rừng, số diện tích thu hẹp dần. Hiện nay chưa có số liệu chính xác về diện tích thực còn lại của rừng tự nhiên tại TK363, nhưng theo ước đoán của người dân địa phương thì “giỏi lắm còn vài chục ha, và trong đó cũng chỉ toàn gỗ tạp”.
Tương tự, trong diện tích 545ha rừng Sasco được giao khoán, chỉ có 63,5ha đất không có rừng, phần lớn diện tích còn lại (481,5ha) là rừng IIIaI; IIb, Sasco phải “khoanh nuôi, bảo vệ”. Nhưng chỉ 2 năm sau, đã có hơn 248ha rừng “nghèo kiệt”. Điều đó cho thấy, việc “khoanh nuôi, bảo vệ” của Sasco như thế nào!
Trước những sai phạm “rõ như ban ngày” của ông Trần Tấn Minh và Sasco, Phòng An ninh Kinh tế (PA81), Công an tỉnh Bình Phước đã vào cuộc điều tra, sau đó kết luận và đề xuất: tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm của các cá nhân, tập thể nói trên, đề nghị thu hồi 345ha dự án đã giao cho Sasco.
Tuy nhiên, tháng 10/2013, UBND tỉnh Bình Phước có quyết định cho Sasco và 2 DN khác được tiếp tục thực hiện dự án. Nhưng 6 tháng sau, tức tháng 4/2014, UBND tỉnh lại ra quyết định khác, thu hồi dự án của 2 DN, riêng Sasco được tiếp tục thực hiện với điều kiện giao lại cho địa phương 30% diện tích cao su đã trồng để làm Quỹ An sinh xã hội.
Ông Trần Tấn Minh đã “hạ cánh an toàn” trước đó, nhưng vẫn “làm mưa làm gió” với dự án của Sasco, đồng thời, kéo thêm 1 DN khác nhảy vào, cùng sai phạm. (Nông Nghiệp Việt Nam 24/5) đầu trang(
UBND TP Hà Nội vừa có yêu cầu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện: mặt bằng, con người, vốn để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác Nhật Bản.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất (phối hợp Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội) khẩn trương nghiên cứu, đề xuất vị trí để đầu tư xây dựng vườn ươm cây xanh, cây hoa để cung cấp cho các đơn vị trên địa bàn thành phố và vị trí xây dựng xưởng sản xuất khung con giống lập thể.
Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất tuyển chọn cán bộ, công nhân để xây dựng kế hoạch đào tạo. Về kinh phí đào tạo, Công ty lập phương án cụ thể, báo cáo Thành phố xem xét, quyết định. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện toàn bộ công tác trồng cây xanh.
Trên cơ sở Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước của Thành phố đã được phê duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cung cấp thông tin cho đơn vị tư vấn Nhật Bản, nhằm tư vấn tổng thể cho Thành phố việc trồng cây xanh, cây hoa theo từng tuyến đường, khu vực, tạo các điểm nhấn đô thị, khu vui chơi... Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND TP phê duyệt phương án thiết kế làm cơ sở tổ chức thực hiện.
UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn Nhật Bản trong suốt quá trình tổ chức thiết kế, triển khai thực hiện công việc. Cử cán bộ trẻ, có kiến thức về quy hoạch, cây xanh để chuyên trách theo dõi, thực hiện công việc lâu dài.
Nghiên cứu, đề xuất đơn vị làm Ban quản lý dự án; Đề xuất đơn vị tư vấn trong nước, kết hợp với tư vấn Nhật Bản tổ chức thực hiện công việc tư vấn thiết kế. Phối hợp với tư vấn Nhật Bản chọn một số vị trí trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm để lắp đặt con giống lập thể ngay. (Xây Dựng 22/5; Kinh Tế Và Đô Thị 23/5) đầu trang(
Do chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng gần 30 xưởng băm dăm gỗ không phép, dấy lên tình trạng báo động phá vỡ quy hoạch, thất thu thuế, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh mua bán không lành mạnh... Sau khi bị công luận phanh phui, việc dẹp bỏ các cơ sở này như thế nào là một bài toán “khó” cần lời giải của những lãnh đạo “giỏi”.
Trong khi các cơ sở trái phép mở ra ở các huyện chỉ quan tâm đến lĩnh vực băm dăm xuất khẩu để kiếm lời, làm khuấy đảo thị trường, tranh mua, tranh bán keo non, mất an ninh trật tự, ngược lại, một số doanh nghiệp có bản lĩnh, tâm huyết trong lĩnh vực lâm sản lại đầu tư có chiều sâu, thu mua gỗ lớn, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất đi nước ngoài góp phần mang về nguồn thu cho Nhà nước, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo tìm hiểu của PV, một cơ sở chỉ băm dăm, không chế biến sâu chỉ phải đầu tư dàn máy băm dăm vài trăm triệu đồng là có thể hoạt động băm chặt hết công suất, trung bình chế biến 250 - 300 tấn/ngày. Các cơ sở này khi băm chặt đều không biết đến keo to, keo nhỏ, non hay già đều bỏ chung cùng một hệ thống để băm. Vì thế, giá trị thu về rất thấp, không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.
Ông Đỗ Văn Hùng, một hộ dân trồng keo lâu năm ở xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân phân tích: Chu kỳ của một lứa keo trung bình 6 - 7 năm là cho thu hoạch gỗ. Gỗ này gọi là “gỗ lớn” dùng cho các doanh nghiệp chế biến sâu, làm ra được nhiều sản phẩm như ván lát sàn, đóng trần, palel xuất khẩu, thùng đựng hoa quả mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Tuy nhiên, gần đây việc các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ dăm không phép, có phép mọc ra, không có nguồn nguyên liệu nên việc tranh thu mua keo non 3 - 4 năm, keo già 6 - 7 năm lẫn lộn để thực hiện việc băm dăm xuất khẩu, làm thị trường hỗn loạn.
Người trồng keo vì cái lợi trước mắt, keo chưa đủ năm đã bán, làm phá vỡ quy hoạch, chất lượng keo kém, giá trị thấp, mất công trồng, đầu tư cây giống để quay vòng tái sản xuất, vô hình chung người trồng bị thiệt mà không nhận ra.
“Hiện nay, trung bình một 1ha cây keo 3 - 4 năm tuổi bán được 35 - 40 triệu đồng; 1ha cây keo 6 - 7 năm tuổi bán được 80 - 85 triệu đồng; 1ha cây keo 9 - 10 năm tuổi bán được 150 - 170 triệu đồng. Nếu như không có các xưởng băm dăm thì không bao giờ có việc thu mua keo 3 - 4 năm tuổi, mà chỉ có keo từ 6 - 10 năm tuổi các cơ sở chế biến mới thu mua để xẻ, chế biến các sản phẩm có lợi cho xã hội mà thôi”, ông Hùng cho biết.
Còn ông Phạm Đình Thắng, Giám đốc Doanh nghiệp Nhất Duy, một trong những cơ sở chế biến lâm sản từ gỗ keo có tiếng ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, chia sẻ: Khoảng tháng 9/2009, nắm bắt được nhu cầu của thị trường về gỗ keo làm palel xuất khẩu, ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thu mua gỗ keo lớn từ 6 - 10 năm ở các huyện lân cận về xẻ, chế biến palet xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Nhờ quan tâm đến công nghệ chế biến sâu, ông đã mở rộng thêm1 cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp Dân Lực - Dân Lý. Trung bình 1 tháng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu được khoảng 1.000 khối gỗ đã xẻ thành palet, tận dụng đầu thừa, cành ngọn để băm dăm, đóng thuế cho Nhà nước có năm đến 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động có thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Gần đây nhiều nhà máy, xưởng sản xuất lấy danh nghĩa là sản xuất lâm sản mọc tự phát, thực chất là chỉ băm dăm gỗ, không nằm trong quy hoạch, không chế biến sâu xuất hiện ở khắp nơi. Các cở sở này tranh mua keo non dẫn đến thiếu, cạn kiệt nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến sâu. Về lợi ích, nếu 1 tấn gỗ keo từ 6 - 10 năm tuổi chế biến thô, chủ doanh nghiệp phải trả cho người lao động thêm khoảng 300 nghìn đồng so với đưa đi băm dăm.
Do đó, nếu Nhà nước quản lý chặt chẽ, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu, xử lý nghiêm các cơ sở băm dăm gỗ keo trái phép thì trật tự rừng mới được lặp lại. Còn không thì chẳng biết các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm cây keo sẽ đi về đâu. “Ngành nghề trồng, chế biến gỗ keo ở Thanh Hóa hiện đang là một bài toán khó, đang rất cần lời giải của một lãnh đạo giỏi”, ông Thắng kiến nghị.
Trước sự lộn xộn, mất an ninh trật tự giữa các cơ sở gỗ dăm có phép và không phép, tiếp thu những ý kiến phản ánh của công luận, UBND tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập họp các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài nguyên và Môi trường và các huyện để chấn chỉnh, đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập và tiến tới xóa bỏ các nhà máy gỗ dăm trái phép.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân, cộng đồng các doanh nghiệp về quản lý bảo vệ rừng hiện có, đẩy mạnh công tác trồng rừng gỗ lớn, kéo dài chu kỳ trồng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu hút các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng gia dụng, các sản phẩm đồ gỗ cao cấp.
Đối với 26 nhà máy, cơ sở băm dăm gỗ trái phép, không được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư phải dừng mọi hoạt động thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ, chủ động tháo dỡ nhà xưởng, máy móc thiết bị trước ngày 15/7/2016. Đối với 5 cơ sở vượt công suất phải điều chỉnh ngay quy mô công suất theo đúng nội dung, quy mô được duyệt. 7 công ty chưa hoàn thành dự án theo nội dung đã được chấp thuận phải hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2016.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến 2025, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến, khuyến khích việc cấp chứng chỉ rừng (FSC). Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các cơ sở chế biến lâm sản, tham mưu thu hồi các cơ sở sử dụng đất sai mục đích, chậm hoàn thành dự án theo quy định.
Đối với các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến gỗ dăm trái phép phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ những sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng. Theo đó, căn cứ các quy định của pháp luật có hình thức xử lý nghiêm cá nhân, tập thể, cá nhân liên quan theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo tỉnh, các ngành liên quan trước ngày 31/5/2016. (Thanh Tra 24/5) đầu trang(
Bên cạnh những thách thức, việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra những cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế...
Đối với sản phẩm gỗ, trên địa bàn tỉnh không thiếu nhà máy chế biến dăm gỗ quy mô, công suất lớn. Trong khi các cơ sở chế tác gỗ mỹ nghệ thì hoạt động nhỏ lẻ, manh mún. Ngay như tại xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nơi được xem là “đất lành” của nhiều nghệ nhân, cơ sở chế tác đồ gỗ mỹ nghệ của cả tỉnh, nhưng hiện tiềm năng này vẫn bị bỏ ngỏ.
Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án), ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng nhận định: Đồ gỗ và thủy sản là hai mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao. Do đó khi gia nhập TPP, hai mặt hàng này sẽ có nhiều cơ hội xuất vào các thị trường khó tính. Song, để phát huy tối đa lợi thế, trước mắt cần khắc phục những yếu thế về nguồn nguyên liệu và mối liên kết giữa các nhà.
Bởi, trong số hơn 310 nghìn hécta rừng hiện nay thì rừng trồng đã chiếm trên 198 nghìn hécta. Điều đáng ngại là đại đa số diện tích rừng trồng đều là cây keo lai. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất đồ gỗ giá trị cao vì thế cũng không nhiều. Bởi, với chu kỳ 3 – 5 năm (từ lúc trồng đến khai thác) như cách của người dân hiện nay, keo lai chỉ phù hợp với ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ.
Khắc phục tình trạng thiếu hụt cây lấy gỗ, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng đã vận động người dân trồng xen để “vẹn cả đôi đường” nhưng hiện tại, hiệu quả vẫn chưa thực sự rõ nét. Keo lai nhiều, cây lấy gỗ ít. (Báo Quảng Ngãi 24/5) đầu trang(
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu vượt xa các quốc gia trong khu vực, nơi được coi là có ngành chế biến xuất khẩu phát triển trước Việt Nam.
Theo ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, không có gì đáng để tự hào với thành tích 7 tỷ USD xuất khẩu của ngành gỗ năm 2015 bởi kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu lên đến…6,9 tỷ USD, và Việt Nam phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Số liệu lạc quan của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, chỉ có 14% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là doanh nghiệp FDI, số còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam cho đến nay vẫn sử dụng công nghệ chế biến còn tương đối lạc hậu, giá trị gia tăng còn hạn chế.
Với quy mô DN xét về hai khía cạnh vốn và người lao động, ông Tô Xuân Phúc cho biết nếu xét về quy mô vốn,  93% DN của Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ, còn xét theo quy mô lao động,  gần 50% là DN siêu nhỏ và cũng gần 50% là DN nhỏ.
Khi nói nhiều về hội nhập, chúng ta thường nói đến cơ hội mà không mấy để ý đến rủi ro. Hội nhập thụ động không những đặt các DN vào vị trí bất lợi trong các giao dịch thị trường mà còn tiềm ẩn các rủi ro khi tham gia các thị trường xuất khẩu.
Trong chiến lược phát triển quy hoạch ngành gỗ, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ là 7 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2015 đã đạt xấp xỉ 7 tỷ USD. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó không thể không nhắc đến khung khổ pháp luật và chính sách đối với ngành gỗ.
Mặc dù ngành gỗ đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, chất lượng hội nhập của ngành chế biến gỗ vẫn còn những hạn chế. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam, mặc dù giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam lên tới gần 7 tỷ USD năm 2015 nhưng chưa có một sản phẩm nào có nhãn hiệu “Made in Viet Nam” dán trên sản phẩm.
Đến nay các DN chỉ làm nhiệm vụ gia công chế biến, với giá trị thặng dư tích lũy nhờ lao động giá rẻ, công nghệ chế biến không phát triển và sử dụng nhiều nguyên liệu thô, lợi ích dựa vào số lượng hơn là chất lượng, DN cũng chưa tạo được thế chủ động trong hội nhập thị trường. Bên cạnh đó, các tương tác trực tiếp với thị trường xuất khẩu chủ yếu được thực hiện trực tiếp bởi người mua nước ngoài.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), bối cảnh hội nhập cần thiết có những chính sách hỗ trợ có căn cứ, có hệ thống bài bản để hỗ trợ ngành gỗ phát triển. Đàm phán hội nhập là một câu chuyện, thực thi là một câu chuyện khác, nếu không có sự hỗ trợ tốt cho các DN sẽ không tận dụng được cơ hội trong hội nhập.
“Cần có nghiên cứu để có đề xuất đầy đủ về biện pháp chính sách giúp DN ngành gỗ tận dụng cơ hội hội nhập, đối mặt với rủi ro và vượt qua rủi ro. Việc phát triển ngành gỗ không chỉ đơn thuần là sự phát triển của các DN trong ngành, mà còn liên quan đến môi trường và an sinh xã hội,” bà Nguyễn Thị Thu Trang nói. (Infonet 24/5; Lao Động 24/5) đầu trang(
Những vấn đề trong Dự thảo Báo cáo nghiên cứu Chính sách Ngành chế biến gỗ do Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam nêu ra tại Hội thảo “Rủi ro xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” tổ chức ngày 23/5 tại Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số đại biểu cho rằng, những con số, đánh giá rủi ro trong báo cáo cần xem xét cẩn thận hơn.
Nói tới vấn đề thiếu thông tin của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của nhóm nghiên cứu đã đưa ra số liệu điều tra về sự hiểu biết của doanh nghiệp tới một số quy định liên quan tới xuất khẩu gỗ: Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ; Quy định gỗ của Châu Âu; Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT); Luật cấm gỗ bất hợp pháp của Australia.
Cụ thể, số liệu điều tra được thực hiện tại 154 doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực gỗ, chế biến gỗ cho thấy, 12,8% doanh nghiệp biết cả 4 quy định; 7,7% biết 3 trong 4 quy định; 23% biết 2 quy định; 28,3% biết 1 quy định và 28,2% không biết quy định nào.
Trước thông tin đưa ra này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, Đạo Luật Lacey chặt chẽ, tỉ mỉ, chi tiết. Đến thời điểm này có thể khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam thực thi rất tốt, không hề có tình trạng lô hàng vi phạm, bị trả về. Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp gỗ xuất khẩu hiểu rất rõ Luật Lacey.
Xuất khẩu vào thị trường Mỹ đang ngày càng được mở rộng. Khi khảo sát, điều tra, phải phân biệt rõ hai loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vệ tinh.
Hiện các doanh nghiệp lớn có nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Số doanh nghiệp vệ tinh này chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, bản thân họ không cần thiết phải tìm hiểu những vấn đề trên.
Tại Dự thảo Báo cáo Nghiên cứu Chính sách ngành Chế biến gỗ xuất khẩu cũng nêu cụ thể thông tin thu thập từ các doanh nghiệp khảo sát cho thấy trong 39 doanh nghiệp đang trực tiếp xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ thì số doanh nghiệp áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế là 13.
Số doanh nghiệp không có chứng chỉ cho hệ thống quản lý và chất lượng là 26 (tương đương với 67% hiện không có bất kỳ loại hình chứng chỉ nào).
Đánh giá về con số được đưa ra, đa số các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng phải xem xét kỹ lưỡng con số điều tra bởi nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu và đều được chấp nhận. Do vậy, khi đưa con số trên phải phân tích thấu đáo, tránh gây hoang mang cho doanh nghiệp.
Khi khảo sát, tác giả cũng phải đưa ra được cụ thể doanh nghiệp, địa điểm khảo sát. Bên cạnh đó, phân tích rõ doanh nghiệp đó là doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến hay vừa xuất khẩu vừa chế biến. Làm được như vậy, con số, những khuyến nghị đưa ra tại Báo cáo mới chính xác và có độ tin cậy cao. (Bnews 24/5) đầu trang(
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp ngành gỗ đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan: Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ đạt 2,64 tỉ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu vào Mỹ có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu. Các loại gỗ được sử dụng phổ biến bao gồm bồ đề, dương, óc chó, thông, dẻ gai… được nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Úc, New Zealand. Các nguồn gỗ này là các nguồn gỗ “sạch” về tính hợp pháp và đáp ứng được các yêu cầu về mức độ hợp pháp của gỗ trong các sản phẩm được tiêu thụ tại các thị trường “khó tính” như Mỹ và EU.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends tại buổi tọa đàm “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” diễn ra chiều nay (23-5), tại Hà Nội, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ hiện cũng tồn tại một số rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu được sử dụng.
Cụ thể, trong năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1.800 m3 gỗ tròn là gỗ căm xe, gần 3.000 m3 gỗ xẻ là gỗ căm xe với tổng giá trị hai loại khoảng gần 3,2 triệu USD vào Mỹ. Căm xe là gỗ nhập khẩu từ Campuchia và Lào và được khai thác từ những diện tích rừng chuyển đổi (sang cây công nghiệp) hoặc từ các dự án cơ sở hạng tầng như thủy điện, làm đường.
Quá trình xin phép và thực hiện các dự án này thường liên quan đến một số vấn đề như tham nhũng, vi phạm các quy định có liên quan đến quyền cộng đồng, các khoản thuế, phí và lệ phí. Những vấn đề này làm cho tính pháp lý của gỗ căm xe nhập khẩu vào Việt Nam có nhiều tranh cãi.
Rủi ro về tính hợp pháp của gỗ cũng tồn tại đối với một số sản phẩm thuộc nhóm mã HS 4415 (hòm, thùng, giá kê bằng gỗ), HS 4416 (thùng bằng gỗ), HS 4418 (đồ mộc dùng trong xây dựng, panel gỗ, ván sàn), 4418 (bộ đồ ăn, đồ bếp) và HS 4420 (đồ tượng, khảm, đồ gỗ trang trí).
Cụ thể, trong nhóm 4415 và một số sản phẩm thuộc nhóm 4418 có sản phẩm làm bằng gỗ cao su và gỗ dái ngựa. Gỗ cao su chủ yếu được khai thác từ các khu rừng cao su thanh lý trong nước. Hiện tình trạng pháp lý của nguồn gỗ này vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt đối với các diện tích trước kia là các diện tích rừng tự nhiên. Gỗ dái ngựa là gỗ tự nhiên, được nhập khẩu từ Philippines và Indonesia, với thông tin về tình trạng pháp lý chưa rõ ràng.
“Một số sản phẩm thuộc nhóm HS 4420 được làm từ gỗ căm xe, gỗ dầu và gỗ chiêu liêu. Đây đều là các loại gỗ được nhập khẩu từ Campuchia và Lào, thường có tình trạng pháp lý không rõ ràng. Nguy cơ về vi phạm Đạo luật Lacey (Mỹ) của các doanh nghiệp đang sử dụng các loại gỗ này trong các sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ là rất lớn”, ông Phúc nhấn mạnh.
Một số chuyên gia nhận định: Trong bối cảnh hội nhập, thiếu thông tin về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu là một trong những rủi ro lớn nhất của các doanh nghiệp chế biến gỗ.
Báo cáo tham vấn về “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” do Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) triển khai từ tháng 1 đến tháng 4-2016, thông qua khảo sát 154 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cho thấy: Trong số 39/154 doanh nghiệp hiện tại đang xuất khẩu vào Mỹ chỉ có 21 doanh nghiệp (53,8%) biết về Đạo luật Lacey.
Điều này có nghĩa có tới gần 1/2 số doanh nghiệp hiện tại đang xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ không nắm bắt được quy định có liên quan trực tiếp đến việc tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường này.
Ông Tô Xuân Phúc đánh giá: Tỷ lệ các doanh nghiệp không biết về các quy định của thị trường cao có thể là do một số doanh nghiệp chế biến tại Việt Nam mặc dù có các sản phẩm chế biến được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, EU tuy nhiên tương tác thực sự với các thị trường này lại là người mua hàng chứ không phải là bản thân doanh nghiệp. Kết quả là các doanh nghiệp thụ động khi tham gia thị trường.
Trên thực tế, theo các chuyên gia, nhằm giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các rủi ro trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ, từ khía cạnh doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và tiếp cận thông tin, đặc biệt là các quy định có liên quan đến các yêu cầu mới của thị trường.
Từ góc độ quản lý, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua các hoạt động nâng cao tay nghề, tăng chất lượng lao động cập nhật thông tin và khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong chế biến và hệ thống quản lý hiện đại; đồng thời có chiến lược khuyến khích chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh theo hướng tạo sản phẩm có hàm lượng lao động chất lượng cao và công nghệ chế biến hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến… (Hải Quan 23/5) đầu trang(./.