Xem ngày trước
ĐIỂM BÁO
Xem ngày kế tiếp

Ngày 16 tháng 06 năm 2017
BẢO VỆ RỪNG
QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG

BẢO VỆ RỪNG
15/6, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh vừa có công văn số 4379/UBND-KT chỉ đạo xử lý việc buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn TP.
Theo đó, xét nội dung công văn số 1087/SNN-CCKL của Sở NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu Giám đốc Sở này chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm TP tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý đúng quy định pháp luật việc buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn TP.
Đồng thời cung cấp số điện thoại di động của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, số điện thoại trực của Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đến các cơ quan truyền thông trên địa bàn TP (hiện trên trang web của Sở NN-PTNT Đà Nẵng không có họ tên, số điện thoại di động lẫn cố định của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng mà chỉ có 01 số điện thoại cố định và số fax của đơn vị).
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh yêu cầu Sở NN-PTNT sau khi cung cấp số điện thoại di động của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và số điện thoại trực của Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho các cơ quan truyền thông thì đề nghị thông báo, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân biết, nếu phát hiện có buôn bán động vật hoang dã thì kịp thời điện báo để Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cử lực lượng xử lý đúng quy định.
Cùng ngày, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng) cho biết vừa tiếp nhận 01 cá thể Cú lợn lưng nâu (Tên khoa học là Tytocapensis Grass Owl) còn sống thuộc danh mục động vật rừng thông thường quy định tại Thông tư 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/9/2012 do ông Cao Bá Huân (trú tại 135/7 Tôn Đản) giao nộp để tái thả lại môi trường tự nhiên Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Theo Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Đà Nẵng, trong chương trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Đội thường xuyên tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó đã có nhiều tổ chức, cá nhân tự giao nộp động vật hoang dã. Việc các tổ chức, cá nhân tự nguyện, tự giác giao nộp động vật hoang dã cho cơ quan chức năng tiếp nhận, bảo tồn luôn được khuyến khích. (Infonet 16/6) đầu trang(
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mùa khô năm 2017, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Đó là nhờ Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tỉnh chủ động triển khai kịp thời các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng liên ngành kiểm lâm, công an, quân đội thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng phối hợp ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.
Đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư sống trong rừng, ven rừng về công tác bảo vệ rừng; tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về cháy rừng; tăng cường quản lý các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt đồng, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt đồng và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn. (Báo Hậu Giang 15/6) đầu trang(
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng nóng và khô hanh kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn tiềm ẩn.
Năm 2016, toàn thành phố Hải Phòng xảy ra 33 vụ cháy rừng với diện tích 41,1 ha. Cụ thể tại các địa phương: huyện An Lão 2 vụ, huyện Thủy Nguyên 25 vụ, huyện Cát Hải 1 vụ, quận Kiến An 1 vụ. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 19 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại tăng 23,6 ha.
Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ cháy rừng với diện tích 15 ha, trong đó huyện Thủy Nguyên 5 vụ với diện tích 13,7 ha, quận Đồ Sơn 1 vụ với diện tích 0,1 ha, huyện Cát Hải 1 vụ với diện tích 1,2 ha. So với cùng kỳ năm 2016 tăng lên 3 vụ, diện tích cháy rừng bị tăng 14,67 ha, tỷ lệ thiệt hại cây rừng khoảng 15-20%, chủ yếu là cây keo, thông và bạch đàn.
Nguyên nhân số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị cháy tăng, ngoài diễn biến phức tạp của thời tiết, còn do ý thức của người dân, việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác, lực lượng kiểm lâm còn thiếu. Bên cạnh đó, khi xảy ra cháy rừng, địa hình rừng phức tạp, nhiều núi đá, không có đường dân sinh và đường công vụ, điều kiện cơ sở vật chất cho người việc chữa cháy rừng còn hạn chế, sự phối hợp giữa các lực lượng khi chữa cháy chưa nhịp nhàng… là những nguyên nhân khiến cho công tác chữa cháy rừng còn nhiều tồn tại.
Khi xảy ra cháy rừng, trách nhiệm thuộc về nhiều phía như chủ rừng, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm… tuy nhiên, UBND thành phố xác định trách nhiệm lớn nhất thuộc về Chủ tịch UBND các quận, huyện. Tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 15/4/2016 của UBND thành phố Hải Phòng về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố đã chỉ rõ, “Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu xảy ra cháy, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân và tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn do mình quản lý”.
Để tăng cường thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan và quận, huyện có rừng thời gian tới tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng trên địa bàn; thực hiện tốt công tác sự báo, cảnh báo, cập nhật thông tin; tăng cường tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Xác định phương châm phòng là chính, chữa cháy kịp thời nhằm giảm thiệt hại do cháy rừng. (Haiphong.gov.vn 16/6) đầu trang(
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài trong chuyến kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên lâm phận quản lý của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại vào chiều 15-6.
Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-PTNT, UBND TP. Đồng Hới và Văn phòng UBND tỉnh.
Ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại đã thành lập Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR do đồng chí Phó Giám đốc Công ty làm trưởng ban. Đơn vị cũng đã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách nhất để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra trên cơ sở xác định cụ thể các khu vực có nguy cơ xảy cháy cao.
Từ đầu năm đến nay, các chi nhánh lâm trường trực thuộc Công ty đã chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm phát hiện, ngăn chặn 42 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, thu giữ hơn 46m3 gỗ các loại, tịch thu 1 cưa xăng, phạt hành chính 65 triệu đồng và trả lại chủ rừng 3,302m3 gỗ. Mặt khác, Công ty cũng đã chỉ đạo các chi nhánh lâm trường có diện tích rừng dễ cháy tiến hành vệ sinh rừng, tu bổ các công trình PCCCR trước mùa khô. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn rừng do Công ty quản lý chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCCCR, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV LCN Long Đại và các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân; bám sát phương án PCCCR đã được xây dựng, đồng thời lấy phương châm “phòng là chính”; tăng cường xử lý thực bì, vệ sinh rừng để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. (Báo Quảng Bình 15/6) đầu trang(
Ban chủ nhiệm dự án “Điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (BTTNLNH) và xác định các vấn đề ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học” vừa tổ chức hội thảo khoa học báo cáo quá trình nghiên cứu. Dự án do phó giáo sư, tiến sĩ Trương Hoàng Đan, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.
Dự án được triển khai từ tháng 5-2016, đến nay đã thực hiện được 5 nội dung nghiên cứu là: Ứng dụng GIS xây dựng cơ sở dữ liệu và xây dựng các bản đồ chuyên đề (hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng rừng tràm…) Khu BTTNLNH; khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học; khảo sát hiện trạng chất lượng thành phần môi trường đất, nước tại các phân khu chức năng; khảo sát hiện trạng kinh tế - xã hội cấp nông hộ, lịch sử canh tác và sử dụng đất, các nguồn giống cây trồng bản địa, các mô hình canh tác trong và xung quanh Khu BTTNLNH; tổng hợp xây dựng và đề xuất những kế hoạch, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững Khu BTTNLNH.
Đại biểu dự hội thảo đã góp ý kiến, đề nghị chủ nhiệm dự án nên tìm ra giải pháp ưu tiên để lưu trữ được những sinh vật quý giúp Khu BTTNLNH là nơi đất lành cho sinh vật sinh sống và phát triển. Được biết, đến tháng 10-2017, dự án sẽ kết thúc nghiên cứu. (Báo Hậu Giang 15/6) đầu trang(
Mấy năm trở lại đây, sự hiện diện của voi rừng ở huyện Sông Mã (Sơn La) đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân. Tháng 6 này, về với những người dân huyện Sông Mã, phóng viên Dân Việt lại tiếp tục nhận được những lời “kêu cứu” từ phía người dân về sự tàn phá của con voi rừng.
Hiện nay voi rừng đang ở đồi Pu Cượm, thuộc bản Kéo, xã Huổi Một (huyện Sông Mã, Sơn La), những ngày vừa qua, chúng lại về bản phá phách. Ông Lò Văn Thủy - Trưởng bản Kéo cho biết: Thời gian gần đây, voi rừng thường xuyên xuất hiện vào ban đêm, xuống khu sản xuất và khu dân cư, phá hoại hoa màu, xua đuổi và giết hại trâu bò. Nhiều đoạn ống dẫn nước, lán nương đã bị voi phá; tính mạng của người dân bị đe dọa nên dân bản rất hoang mang. Bà con không dám đi làm gần khu vực voi đang sinh sống.
Người dân bản Kéo dường như ai cũng thuộc lòng bảng thống kê “tội” con voi gây ra: Ngày 16.11.2015 voi giết chết con bò của nhà ông Vì Văn Sưa; ngày 26.2.2016 giết chết bò của ông Lò Văn Ủi; ngày 4.3.2016 giết chết 1 con bò của ông Vì Văn Thanh; ngày 14.4.2016 giết chết 2 con bò của ông Lò Văn Hưởng và Lò Văn Hoan; ngày 16.7.2016 giết chết 1 con trâu gần 2 tạ của anh Lò Văn È, rồi ban đêm xuống trung tâm bản phá hoại chuồng trại chăn nuôi gia súc của người dân… Tổng giá trị thiệt hại voi gây ra trong 2 năm gần đây ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Lần theo bước chân con voi này, phóng viên được nghe kể rất nhiều câu chuyện đau lòng do voi gây ra: Voi quật chết một học sinh ở xã Phiêng Cằm (huyện Mai Sơn); quật gãy nhiều xương sườn – gây thương tật suốt đời với một người dân ở Hải Sơn (Sông Mã); phá nát lán nương, lúa, ngô, mía, công trình tưới tiêu nước…
Hơn 13 năm qua kể từ khi con voi rừng xuất hiện ở huyện Sông Mã, chính quyền và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp di chuyển con voi và hỗ trợ những thiệt hại mà voi gây ra cho người dân.
Ông Lò Văn Thủy - Trưởng bản Kéo, cho biết: “Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Tháng 4.2016 có một số đồng chí cán bộ xã đến lập biên bản thiệt hại mà voi gây ra nhưng đến nay vẫn chưa có hỗ trợ cho những thiệt hại cho bà con. Chúng tôi muốn chuyển đổi cây trồng trên đất dốc để xóa nghèo nhưng trồng xong voi lại phá thì làm sao mà thoát nghèo được?”
Còn ông Vi Đức Thọ - Bí thư Huyện ủy Sông Mã cho hay: Huyện đã đề nghị lên UBND tỉnh Sơn La; các cơ quan chức năng đã đề xuất với Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường… về giải pháp di chuyển voi ra khỏi Sông Mã. Có thể đưa con voi này về khu vực bảo tồn thiên nhiên, vừa bảo tồn được động vật hoang dã, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Theo kế hoạch dự kiến từ nay đến cuối năm 2017 sẽ chuyển con voi này đi Đồng Nai. (Dân Việt 16/6) đầu trang(
Tỉnh Gia Lai giao cho 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ đứng chân trên địa bàn thị xã An Khê hơn 2.600 ha đất rừng. Tuy nhiên, do cách quản lý yếu kém trong một thời gian dài, các đơn vị này đã làm mất 2.000 ha rừng. Điều lạ là đến giờ này vẫn không có một cá nhân hay tập thể nào bị xử lý?!.
Trung tuần tháng 8/2016, qua kiểm tra, Đoàn liên ngành của tỉnh Gia Lai phát hiện, trong nhiều năm, 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) ở thị xã An Khê đã làm mất khoảng 2.037ha đất rừng. Cụ thể, BQLRPH Bắc An Khê được giao quản lý hơn 1.466 ha đất rừng, bị dân lấn chiếm hơn 1.266 ha (đất có rừng bị mất là gần 431 ha), chiếm 86,3%. Còn BQLRPH Yă Hội được giao quản lý hơn 1.293 ha đất rừng, bị mất hơn 771 ha (đất có rừng bị mất là hơn 181 ha), chiếm 59,6%.
Lãnh đạo các Ban này biện minh rằng, do địa bàn rộng, phức tạp, lại nằm xen kẽ giữa nương rẫy của dân nên khó quản lý, dẫn đến tình trạng dân chặt phá, ken cây và lấn chiếm đất trồng rừng(?). Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phúc-Phó Chủ tịch UBND xã Cửu An không nghĩ như vậy.
Theo bà, hàng năm, ở khu vực này đều xảy ra trường hợp lấn chiếm đất rừng. Xã có phát hiện và báo cáo cho Ban quản lý rừng song không thấy xử lý hoặc xử lý không đến nơi đến chốn. Đơn cử, có 44 hộ dân của xã Cửu An lấn chiếm 35 ha rừng thuộc lâm phần của BQLRPH Bắc An Khê, bị UBND thị xã ra quyết định xử phạt hành chính nhưng vì khâu giám sát “qua loa” nên không một ai chấp hành cho đến khi hết thời hạn xử phạt. “Về phần xã, do không có chức năng xử lý nên cũng chỉ có biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của nhà nước”, bà Phúc nói.
Làm việc với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Kim Hương-Trưởng phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Chi Cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết, tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng xảy ra trong nhiều năm mà các đơn vị trên không phát hiện, ngăn chặn là do cách quản lý yếu kém, không làm tốt chức trách được giao. Hiện tại, UBND tỉnh Gia Lai đã giao cho thanh tra nhà nước kiểm tra toàn diện 2 BQLRPH trên để làm rõ, xử lý, quy trách nhiệm cụ thể các cá nhân và tập thể vi phạm.
“Thời gian tới, Đoàn liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện tất cả các BQLRPH trên địa bàn tỉnh Gia Lai để nắm tình trạng rừng hiện nay như thế nào, thông qua đó sẽ tham mưu cho các cấp biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả”, bà Hương nói. (Tài Nguyên & Môi Trường 15/6) đầu trang(
Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy đã chặt phá hàng chục ha rừng để thực hiện dự án... trồng rừng. Việc làm này của Công ty đã được cơ quan chức năng phát hiện, vào cuộc xử lý.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 2.695 ha rừng và đất lâm nghiệp tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) để quản lý, bảo vệ rừng và đầu tư dự án trồng rừng. Theo đó, Công ty quản lý, bảo vệ 1.887,9 ha rừng; đầu tư cải tạo, làm giàu rừng đối với 262,4 ha rừng nghèo; trồng lại rừng 545,2 ha đất trống.
Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty đã tiến hành phát dọn nhiều diện tích để lấy mặt bằng trồng rừng. Thế nhưng, nhiều diện tích vẫn còn rừng, nhưng Công ty vẫn phá đi để... trồng rừng. Cụ thể, tại tiểu khu 1693, nhiều diện tích rừng đã bị Công ty chặt hạ. Tại hiện trường ở tiểu khu này cho thấy, hàng loạt cây gỗ có đường kính khá lớn đã bị chặt hạ và đốt cháy. Nhiều quả đồi chỉ còn trơ trọi những gốc cây.
Cùng có mặt tại hiện trường với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Ngụ, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong, không khỏi chua xót trước sự việc. Theo ông Ngụ, khi phát hiện ra sự việc, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong đã yêu cầu chủ rừng ngưng ngay việc chặt phá rừng và mời các đơn vị liên quan xem xét, xử lý...
Mới đây, phóng viên Báo Đắk Nông đã liên lạc với ông Nguyễn Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy và được biết, hiện nay đơn vị đang triển khai trồng rừng trên những diện tích đất trống đã được UBND tỉnh phê duyệt, cho phép trồng rừng. Trước khi trồng rừng, Công ty đã triển khai phát dọn để lấy mặt bằng và có phát nhầm sang rừng của đơn vị khác một số diện tích (?).
Về việc có nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ, ông Thụy đã giải thích: "Cái đó là do một số đối tượng lợi dụng cắt một vài cây để xẻ ván chứ Khải Vy không chặt".
Ông Thụy nói "Khải Vy không chặt" nhưng tại biên bản khám nghiệm hiện trường vào ngày 5/6/2017 của Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đắk Glong lại có thông tin ngược lại. Cụ thể, tại Lô 6, 9, 13, 14 khoảnh 1, Tiểu khu 1693, có 18,092 ha bị hủy hoại, với dấu vết là cưa xăng và dao phát. Cây gỗ có đường kính lớn nhất là 33cm, thân cây dài nhất là 12,5m, chủng loại gỗ chò xót (thuộc nhóm V).
Theo ghi nhận tại hiện trường thì diện tích 18,092 ha trên đang là rừng. Đối chiếu với Quyết định 2024/QĐ-UBND về việc phê duyệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ba loại rừng của UBND tỉnh Đắk Nông thì diện tích rừng trên thuộc rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh nghèo.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết, Công ty đã phát dọn thực bì tổng cộng 124 ha, nhưng trong đó có 43,93 ha vẫn đang thuộc diện rừng ở trạng thái 1B. Công ty này cũng phát dọn vượt quá phạm vi quản lý hơn 7 ha là rừng tự nhiên đã được chuyển thành loại rừng sản xuất.
Theo quy định, trước khi can thiệp vào rừng thì chủ rừng phải thông báo để lực lượng kiểm lâm thẩm định, giám sát. Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong, Công ty đã không thông báo việc phát dọn rừng và chỉ đến khi kiểm lâm phát hiện thì mới dừng lại.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Dần cho biết thêm, nếu muốn cải tạo diện tích rừng nói trên, Công ty phải lập hồ sơ, phương án và trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thẩm định. Tuy nhiên, đến thời điểm này Sở Nông nghiệp và PTNT vẫn chưa nhận được hồ sơ, phương án của Công ty. “Điều đó có nghĩa là Công ty Khải Vy đã mắc sai phạm về mặt quy trình, thủ tục và sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Dần khẳng định. (Dân Trí 16/6; Báo Đắk Nông 15/6) đầu trang(
Rừng dừa nước có ý nghĩa rất lớn với người dân, giữ vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp, làm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.
Rừng dừa nước Cà Ninh, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) không chỉ nức tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng mà nó còn được ví như “nguồn sống” đối với bộ phận cư dân “ăn đời ở kiếp” với loại cây trồng đặc hữu này.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Thế Nhân, toàn xã có hơn 1.400 hộ dân, trong đó có khoảng 40-50 hộ trồng dừa nước với khoảng 70 ha. Hộ trồng nhiều nhất lên tới 5 ha, hộ ít nhất 0,1 ha.
Ông Nhân cho biết, tuổi thọ của rừng dừa này khá lâu, từ thời chiến tranh loạn lạc đã có. Thời điểm đó, người dân trong xã trồng nó cốt để làm nơi trú ẩn cho bộ đội cách mạng. Thời bình, nó vẫn sinh sôi xanh ngát cả một vùng mặc mưa bom bão đạn tàn phá.
Người dân xã Bình Phước luôn trân quý, gìn giữ và không ngừng mở rộng diện tích Rừng dừa nước Cà Ninh. Rừng dừa nước có ý nghĩa rất lớn với người dân, giữ vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp, làm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.
Cư dân vùng đất khó bao đời nay vẫn sống dựa vào “người bạn” mật thiết này. Họ cùng nhau đánh bắt cá, tôm trong vùng nước “trùng trùng điệp điệp” bóng dừa. Lợi ích không dừng lại ở đó, người dân còn kiếm thêm khoản thu nhập đáng kể từ việc khai thác lá của nó, ông Nhân chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Đoàn, dừa nước mỗi năm cho khai thác hai lứa lá. Lứa đầu từ tháng Giêng đến tháng 4, lứa thứ 2 từ tháng 11 đến tháng 12. Với 5 sào dừa nước hằng năm cho thu nhập trên dưới 70 triệu đồng.
Đặc tính của cây dừa nước là dễ trồng, tốn ít công chăm sóc nên số hộ tham gia ngày càng đông. Nguồn cầu cũng khá dồi dào nên người dân không lo đầu ra cho sản phẩm.
Dừa nước được thu mua rồi chở đi cung cấp cho khách trong và ngoài tỉnh, để lợp mái cho các nhà hàng ven biển, quán cà phê vườn để tránh nóng và tăng thêm độ thẩm mỹ.
Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư nói, nhận thấy được tầm quan trọng và giá trị của rừng dừa nước nên thời gian qua huyện đã chỉ đạo các địa phương có rừng dừa phải bảo tồn và không ngừng nhân rộng diện tích.
Cụ thể, đã trồng mới được hơn 100 ha tại 2 xã Bình Thuận và Bình Phước (trong đó Bình Phước 65ha). Mục đích chính là để tạo cảnh quan, góp phần làm đa dạng hệ sinh thái và xa hơn nữa là tạo kế sinh nhai cho cư dân trong vùng. (Bnews 16/6) đầu trang(
Thời gian qua, người dân bon R’bút, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã thực hiện rất tốt việc quản lý, bảo vệ hơn 325ha rừng tại tiểu khu 1649.
Tình trạng chặt phá rừng bừa bãi không còn. Mọi người trong bon cùng nhau giữ rừng để hưởng lợi từ rừng. Từ đó, góp phần làm cho tài nguyên trong rừng ngày càng đa dạng. (Báo Đắk Nông 15/6) đầu trang(
Cách thành phố Kon Tum 30km về phía Tây Bắc là Vườn quốc gia Chư Mom Ray-được mệnh danh là di sản Đông Nam Á. Với diện tích hơn 56.000 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, liền kề với Vườn quốc gia Virrachey của Campuchia, và Khu bảo tồn Đông Nam Ghong của Lào, tạo thành một khu bảo tồn xuyên quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt ở Đông Dương và Đông Nam Á...
Vườn quốc gia Chư Mom Ray  hiện có 2.000 loài thực vật quý hiếm; 620 loài động vật, trong đó nổi tiếng quý hiếm nhất là bò tót, hiện còn khoảng hơn 100 con nằm trong danh mục bảo tồn đặc biệt. Với đặc điểm đa sinh học và nhiều nguồn gien quý, năm 2004, Vườn quốc gia đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là di sản ASEAN. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn vườn quốc gia đã được chính quyền và ngành chức năng làm khá tốt, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng xâm hại và tiềm ẩn nhiều hiểm họa xâm hại đến rừng...
Dự án  tuyến tỉnh lộ 674 nối thị trấn Sa Thầy  vào xã Mo Rai, đang được đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017. Tuy nhiên 45 km của tuyến đường này cắt ngang Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, đây là nơi tập trung rất đông số lượng bò tót thuộc nhóm 1B,  cần bảo vệ nghiêm ngặt, không gian sống của chúng đang có nguy cơ bị đe dọa.
Một tuyến đường khác là QL 14C nối từ huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đi xã Mo Rai dài 27km cũng xẻ ngang vườn quốc gia này.  Hôm 17-2-2017, một con bò tót khi đi kiếm ăn ngang qua dự án đường 674 đang thi công đã bị xe tải chở vật liệu đâm chết tại khoảnh 3, tiểu khu 677. Từ 20 năm qua, ở vườn quốc gia Chư Mom Ray, các bài toán bảo tồn không chỉ riêng bò tót mà là hàng trăm loài động vật quý hiếm đã được đặt ra, khi việc mở đường làm huyên náo cả một khu vực vùng lõi của vườn quốc gia...
Các cán bộ vườn quốc gia luôn trăn trở, để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phải làm đường giao thông. Nhưng để vào được xã Mo Ray buộc phải đi ngang vùng lõi vườn quốc gia. Những người làm công tác, quản lý, bảo vệ, bảo tồn rừng thấy băn khoăn lắm, Ban quản lý Vườn quốc gia đã kiến nghị. UBND tỉnh Kon Tum và huyện Sa Thầy đã đồng ý chỉnh lại dự án con đường 674 qua phía đuôi của vườn quốc gia, để làm sao ít tác động nhất đến rừng.  Tuyến  QL 14C từ H. Ngọc Hồi cũng cắt qua vườn quốc gia, để đi vào xã Mo Rai, H. Sa Thầy. Không gian sống bị xáo trộn sẽ khiến các loài động vật hoang dã di chuyển về phía Campuchia, việc kiểm tra, kiểm soát cũng khó khăn hơn vì cả 2 tuyến đường sẽ có nhiều phương tiện và người qua lại.
UBND tỉnh Kon Tum mới đây đã  chỉ đạo các ngành liên quan đề xuất phương án bảo tồn.  Đã xác định rõ, các tác động chính ảnh hưởng đến hệ động vật ở đây,  chủ yếu là nguy cơ cháy rừng, chặt phá, khai thác rừng trái phép, săn bắt thú rừng hoang dã... Kèm theo đó là các hoạt động, triển khai các dự án làm đường, công trình... thi công trong khu vực vườn quốc gia... Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, để hạn chế tác động, lực lượng kiểm lâm vườn triển khai tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ  môi trường sống. Sắp tới sẽ điều tra thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn bền vững loài bò tót.
Cùng với những tác động mang tính khách quan như vậy, cũng như ở vườn quốc gia Yok Đôn, theo quy định Chính phủ cứ 500ha/1 biên chế kiểm lâm, ở vườn quốc gia Chư Mom Ray, 1 kiểm lâm viên cũng phải quản lý tới hơn 1.000 ha rừng. Chư Mom Ray được đánh giá nhiều năm làm tốt công tác bảo vệ rừng, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các lực lượng chức năng khác như CA, Bộ đội biên phòng...
Thế nhưng vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 vừa qua, lại xảy ra một vụ chặt phá khai thác trái phép lớn tại vườn quốc gia, khu vực xã Bờ Y, Ngọc Hồi. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, trong vụ phá rừng này, đã phát hiện, thu gần 300 m3 gỗ các loại, bắt tạm giam 13 đối tượng. Từ vụ việc này cho thấy, tiềm ẩn mối đe dọa xâm hại rừng vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đi dọc các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua, chúng tôi ghi nhận, theo số liệu từ ngành chức năng, từ đầu năm đến nay tình trạng xâm hại đến rừng, chặt  phá, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản vẫn còn khá phức tạp. Chỉ trong quý 1-2017, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 165 vụ khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ rừng trái phép, lực lượng chức năng đã phát hiện thu giữ 1.346 m3 gỗ các loại.
Tại Gia Lai, lực lượng Biên phòng, Kiểm lâm đã phát hiện 2 vụ phá rừng lớn tại IaChia, Ia Grai và Tiểu khu 174, thuộc rừng phóng hộ Đông Bắc Chư Păp, đã thu giữ gần 70 m3 gỗ các loại. Dư luận vẫn chưa quên vụ tạo hiện trường giả, do cán bộ được giao bảo quản gỗ tang vật để lâm tặc lấy 45 phách gỗ, thiếu tinh thần trách nhiệm tại tiểu khu 174, hồi tháng 3-2017.
Làm thế nào để công tác quản lý, bảo vệ rừng có kết quả, vẫn là một bài toán chưa có lời giải đích thực ở nhiều địa phương. Dư luận cả nước đã từng biết đến một số mô hình giữ rừng "phá cách" sáng tạo, như đưa người dân vào rừng để lập làng giữ rừng di sản Pơ Mu, ở Tây Giang. Quyết tâm xây dựng và triển khai đề án Sâm Ngọc Linh để giữ rừng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Nam Trà My, Quảng Nam.
Đây là những phương pháp, đề án được Chính phủ đánh giá cao. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được chính quyền và ngành chức năng thực sự chú trọng. Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin đưa ý kiến của ông Đỗ Quang Tùng-Giám đốc vườn quốc gia Yok Đôn: "Địa phương nào có rừng, để mất rừng, cứ kỷ luật ông Chủ tịch huyện là giữ được rừng hết...". (Công An Đà Nẵng 15/6) đầu trang(
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Trước đó, báo Nhân dân điện tử ngày 1/3/2017 có bài: "Vào điểm nóng phá rừng Ea Súp."
Theo phản ánh, không chỉ rừng tự nhiên bị chặt phá mà nhiều đống gỗ được tập kết tại các trạm quản lý, bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp nằm ở bìa rừng cũng như trước cổng Ủy ban Nhân dân xã Ia Jlơi. Trong số này, có những cây gỗ đang chảy nhựa và cả những phách gỗ vuông, tròn khô khốc chất thành những đống lớn hai bên đường.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, làm rõ những vấn đề báo Nhân dân điện tử phản ánh; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm.
Xét báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về kết quả kiểm tra, làm rõ những vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý và tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng không được tái diễn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật. (Vietnam+ 15/6) đầu trang(
Tối 14/6, tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra cháy ở rừng thông phòng hộ.
Ông Tô Duy Hiền - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Vào lúc 20h tối 14/6, người dân phát hiện ở khu vực rừng phòng hộ, thuộc xóm 3 đã xảy ra đám cháy. Nhận được tin báo, xã Quỳnh Nghĩa đã huy động lực lượng dân quân và nhân dân địa phương khẩn trương chữa cháy, đồng thời điện báo cho các cơ quan, đơn vị chức năng đến ứng cứu.
Sau đó, lực lượng Kiểm lâm Quỳnh Lưu, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 4, Đồn biên phòng Quỳnh Thuận đến địa bàn cùng triển khai biện pháp dập lửa. Tuy cháy xảy ra nhỏ nhưng do địa hình dốc, ban đêm nên xe cứu hỏa không tiếp cận được vùng cháy. Vì vậy, sau 3 giờ nỗ lực chữa cháy lửa mới được khống chế.
Lực lượng chữa cháy tiếp tục ở lại dập tàn tro ngăn đám cháy lây lan và khắc phục hậu quả, đến gần 1 giờ sáng công việc mới hoàn tất.
Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định do một số diện tích bạch đàn sát rừng thông đã khai thác, các hộ gia đình thu dọn và đốt thực bì nên khi gió thổi tàn tro đã bén lửa, gây cháy. Hiện diện tích rừng phòng hộ thiệt hại do cháy vẫn chưa được xác định. (Báo Nghệ An 15/6) đầu trang(
Cách đây một thời gian ngắn, cả nước xôn xao về chuyện chặt hạ cây xanh Hà Nội, nhân dân Hà Nội bức xúc và thực tế trên đường Nguyễn Chí Thanh và một vài tuyến đường khác, sau khi cây xanh được thay thế bằng những hàng cây mới khẳng khiu trơ trọi và không biết bao giờ mới cho được bóng mát như những hàng cây đã bị chặt hạ. Có lẽ sự trả giá cho việc vội vã chặt cây ồ ạt không đủ sức răn đe nên ý tưởng chặt cây vẫn tiếp tục.
Cây xanh Hà Nội, đặc biệt những cây cổ thụ đứng “trầm mặc” thế thôi, nhưng có ngôn ngữ và tình cảm riêng, nó là một phần “hồn cốt” của Hà Nội. Ở nhiều nước trên thế giới và ngay tại Trung Quốc gần ta, cây xanh được đánh số, có bác sỹ chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, họ coi cây xanh như một cơ thể sống. Ở Nhật Bản, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, động đất và sóng thần thường xuyên xảy ra, những hàng cây xanh bên đường được cắt tỉa như những cây bonsai trông thật đẹp mắt. Rõ ràng cây xanh không chỉ lấy bóng mát, không chỉ lọc không khí mà còn tạo nên một không gian đô thị đẹp, gợi cho những người đi xa luôn hướng về Thủ đô.
Nói về việc tiếp tục chặt hạ 1.400 cây xanh Hà Nội, để mở rộng vành đai 3 có cả xây đường trên cao, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng đây mới là phương án do chủ đầu tư và tư vấn của chủ đầu tư đề xuất, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng rất “xót xa” nếu hàng ngàn cây xanh bị chặt hạ, nhưng do sự phát triển không thể làm khác được. Nghe ra thì việc chặt hạ hơn 1 ngàn cây xanh là phương án bắt buộc không còn con đường nào khác.
Trước hết xin hỏi, việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà tư vấn để thực hiện dự án này có thực hiện công khai rộng rãi không? Trong đề bài đặt ra có việc phải đảm bảo tối đa cây xanh không bị chặt hạ không?Chắc là không có!
Nghiên cứu bài viết của KTS Trần Huy Liệu, tác giả đã đề xuất một phương án để mở rộng vành đai 3 có cả xây đường trên cao, hàng cây xanh vẫn được bảo tồn, và diện tích giao thông mặt đất được mở rộng, chúng tôi cho rằng mặc dù nghiên cứu chưa kỹ nhưng phương án này là rất khả thi.
in hãy đừng lựa chọn các nhà đầu tư, các nhà tư vấn “kiểu này”, cần mở rộng một cuộc thi để lựa chọn thêm những phương án tốt hơn như phương án của KTS Trần Huy Liệu đề xuất, chắc chắn Hà Nội sẽ chọn được một phương án tối ưu vừa đảm bảo dự án thực hiện được nhưng hạn chế chặt cây, đồng thời kết hợp với việc chặt tỉa để hàng cây được đẹp hơn.
Hãy đừng nói đây là phương án bức thiết vì giải quyết ách tắc giao thông Hà Nội mà không thể có thời gian thi tuyển để lựa chọn phương án trong khi Hà Nội đang tiếp tục chuyển nhiều vùng đất cây xanh, đất công trình công cộng sang xây dựng nhà ở cao tầng, chuyển bến xe trong nội thành ra ngoài để tiếp tục xây dựng cao ốc để ở.
Cho vay cũng là một hình thức đầu tư, vì vậy cần phải lựa chọn một nhà đầu tư có tâm và có tầm, vừa xây dựng mới vừa bảo vệ giá trị những cái đã có, như thế thành phố mới phát triển bền vững. (Xây Dựng 15/6) đầu trang(
''Di dời thành công thì có thể chấp nhận được, nhưng di dời xong cây chết, đến khi cần lại phải mua cây mới thì thực sự rất tốn kém''
Mới đây, báo chí phản ánh về việc hàng chục cây xà cừ tại vườn ươm Yên Sở bị chết khô trong khi còn nguyên bọc rễ. Điều đáng nói là, những cây xà cừ này từng được trồng ở đường Láng, Nguyễn Trãi, Trần Phú, đường Bưởi và bị di dời về đây sau khi Hà Nội triển khai dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Trao đổi với Đất Việt, ông Đặng Quốc Khánh - chuyên gia cây xanh (Phó Giám đốc Công ty Cây xanh Trúc Lâm) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho cây bị chết. Trong trường hợp này cần phải kiểm tra, làm rõ xem cây chết vì yếu tố nào để tìm phương hướng xử lý.
''Những tác nhân có thể khiến cây có đường kính lớn từ 50 - 80cm chết bao gồm, thời tiết, chế độ chăm sóc trước và sau khi di dời có vấn đề, hoặc trong quá trình di dời cây bị ảnh hưởng đến bộ rễ.
Đối với những cây lớn như vậy, tỷ lệ sống sót không cao, chỉ dưới 50%. Tỷ lệ này là tôi xét theo trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam. Còn như ở nước ngoài, họ di dời cây rất khoa học và hầu như không có cây nào bị chết, dù to cỡ nào đi nữa'', ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, thời điểm di dời cây thích hợp nhất là vào mùa Thu. Trong khi đó, khi Hà Nội di dời cây để phục vụ tuyến Cát Linh - Hà Đông lại vào mùa Đông, mùa Hè. Về việc này này theo vị chuyên gia cây xanh là chưa hợp lý.
''Thông thường trước khi di dời cây người ta sẽ có một khoảng thời gian chuẩn bị khoảng 3 tháng để tạo bầu, sau đó mới tiến hành di dời sang nơi trồng mới. Phải làm được như vậy thì tỷ lệ sống của cây sẽ cao hơn nhiều'', ông Khánh nói thêm.
Trên thực tế, ngay khi khởi động dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội đã lập tức tiến hành chặt hạ và di dời hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến đường, mặc dù sự tồn tại của những cây này không ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án.
Đến thời điểm hiện tại, tuyến đường này vẫn chưa được hoàn thành, trong khi hàng ngày người dân vẫn phải lưu thông trên đường dưới cái nóng như thiêu như đốt.
Nhìn nhận sực việc dưới góc nhìn khác, ông Trương Xuân Thúy (53 tuổi) chủ một cơ sở phân phối cây xanh trên địa bàn TP. Hải Phòng chia sẻ rằng, những tưởng việc di dời cây của Hà Nội khi làm dự án sẽ giúp thành phố bảo tồn được cây xanh, lại tiết kiệm được chi phí mua cây mới, nhưng thực tế lại tốn kém gấp nhiều lần.
''Những cây đường kính từ 50 - 80cm trên thị trường có giá trung bình từ 15 - 20 triệu đồng tùy loại. Trong khi đó, chi phí di dời, bảo tồn những cây có kích cỡ tương tự sẽ có giá không dưới 20 triệu đồng.
Trong trường hợp cây chết như báo chí đề cập tại vườn ươm Yên Sở thì việc di dời cây của Hà Nội đang tốn kém gấp 2 lần so với việc mua cây mới. Di dời thành công thì có thể chấp nhận được, nhưng di dời xong cây chết, đến khi cần lại phải mua cây mới thì thực sự rất tốn kém'', ông Thúy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Đặng Quốc Khánh, ông Thúy cho rằng, trước khi Hà Nội muốn di dời hoặc chặt hạ cây xanh để phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng thì phải có kế hoạch cụ thể, hợp lý, rõ ràng.
''Vừa qua, Hà Nội tiếp tục đề xuất chặt hạ, di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. Tôi băn khoăn một điều rằng, tại sao Thủ đô cứ chọn thời điểm nắng nóng kỷ lục để làm việc đó?
Tôi khẳng định, nếu không có sự chuẩn bị mà cưỡng ép di dời cây xanh vào thời điểm này thì tỷ lệ sống cực thấp, không quá 20%. Bài học chặt hạ, di dời cây trên tuyến Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó, do vậy Hà Nội cần phải xem xét lại các yếu tố trước khi đưa ra quyết định'', vị chuyên gia cây xanh lưu ý. (Đất Việt 14/6) đầu trang(
Vườn Quốc gia Tam Đảo có giá trị rất lớn về mặt văn hoá, du lịch, cảnh quan, phòng hộ và bảo vệ môi trường với hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Do vậy, công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch đang được Vườn Quốc gia Tam Đảo triển khai có hiệu quả.
Vườn Quốc gia Tam Đảo có tổng diện tích tự nhiên gần 37.000 ha, nằm trên địa giới hành chính của 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, được đánh giá là một trong những nơi có sự đa dạng sinh học  với 1.299 loài động vật và 1.247 loài thực vật, trong số đó có nhiều loài mang nguồn gen quý hiếm cần được bảo vệ. Cùng với công tác bảo tồn đa dạng các loài, Vườn triển khai xây dựng các tuyến, điểm du lịch sinh thái nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học cho người dân và du khách. Từ đầu năm đến nay, Vườn đã đón 1.400 lượt khách tham quan, tìm hiểu về đa dạng sinh học của hệ động, thực vật trong vườn.
Nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, Vườn Quốc gia Tam Đảo triển khai nhiều hoạt động giáo dục môi trường dành cho khách tham quan cũng như người dân vùng đệm. Thông qua hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường, để con người hiểu rõ về vai trò của hệ sinh thái đối với cuộc sống của còn người.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Tam Đảo trong những năm vừa qua đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ hệ động thực vật tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Qua đó nâng cao ý thức của khách du lịch cũng như người dân trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. (Đài PTTH Vĩnh Phúc 15/6) đầu trang(

QUẢN LÝ – SỬ DỤNG – PHÁT TRIỂN RỪNG
Do làm ăn khó khăn, doanh nghiệp Thái Thế đã giả mạo một số giấy tờ, tố doanh nghiệp Minh Tuấn chiếm đoạt lô gỗ hơn 3 tỷ đồng đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quảng Bình. Thậm chí, doanh nghiệp này còn tố cáo báo Tiền Phong lên Bộ Thông tin & Truyền thông, yêu cầu xử lí vì viết bài sai sự thật.
gày 19/5/2016, ông Phạm Thái, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Thế, (Cty Thái Thế - PV) trụ sở tại xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, có đơn gửi Cơ quan Điều tra Công an Quảng Bình, tố cáo ông Nguyễn Đình Bích, Giám đốc Cty TNHH Minh Tuấn (Cty Minh Tuấn), trụ sở xã Lí Trạch, huyện Bố Trạch, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Cty Thái Thế tố cáo Cty Minh Tuấn chiếm đoạt lô gỗ mua từ Lào về năm 2014, trị giá hơn 2,4 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Cty Thái Thế không có kho bãi, nên đã làm hợp đồng gửi gỗ tại kho bãi của Cty Minh Tuấn. Sau đó, Cty Minh Tuấn ngỏ ý mua lại số gỗ nói trên.Tuy nhiên, khi làm hợp đồng mua bán xong thì Cty Minh Tuấn không trả tiền cho Cty Thái Thế. Ngoài ra, Cty Minh Tuấn còn chiếm luôn hơn 25m3 gỗ quý hiếm còn lại đang nằm trong kho của Cty Minh Tuấn.
Trong lúc cơ quan chức năng chưa có kết luận về vụ việc, một số cơ quan truyền thông đã viết bài, quy kết cho rằng Cty Minh Tuấn chiếm đoạt số tài sản nói trên của Cty Thái Thế, khiến một số đối tác nước ngoài của Cty Minh Tuấn hủy hợp đồng, trị giá 5 triệu USD, với lí do Cty này làm ăn gian dối, không đáng tin cậy.
Ngày 3/5/2017, Cty Minh Tuấn gửi đơn kêu cứu đến báo Tiền Phong, cho rằng Cty này bị vu khống, cần được thông tin khách quan nhằm giảm bớt thiệt hại, trong khi đợi cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng. Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, thực chất lô gỗ nói trên thuộc sở hữu của ông Trần Công Tam, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Ông Tam là người được Chính phủ Lào cấp phép khai thác gỗ và mở xưởng cưa xẻ, sơ chế tại tỉnh Khăm Muộn trước khi xuất về Việt Nam. Do ông Tam không có chức năng xuất khẩu gỗ, nên đã thuê Cty Thái Thế làm dịch vụ về mặt thủ tục cho các lô gỗ xuất bán về Việt Nam. Lô gỗ ông Tam bán cho Cty Minh Tuấn cũng do Cty Thái Thế làm dịch vụ thủ tục.
Theo Cơ quan Điều tra Công an Quảng Bình, sở dĩ vụ việc chậm kết luận là do nhân chứng mấu chốt là ông Trần Công Tam, đang làm ăn bên Lào và hợp đồng mua bán lô gỗ nói trên liên quan đến một Cty của Lào, nên công tác điều tra gặp một số khó khăn. Để làm rõ bản chất vụ việc, phóng viên Tiền Phong đã lặn lội sang Lào tìm gặp những nhân chứng liên quan.
Xưởng cưa xẻ gỗ của vợ chồng ông Trần Công Tam (SN 1975) và bà Nguyễn Thị Thủy (SN 1976) nằm ở huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn. Nhìn quy mô của xưởng gỗ rộng cả trăm hec ta vắng hoe, vắng hoắt, giờ chỉ còn lại gần chục nhà xưởng, vài chiếc xe reo kéo gỗ nằm chỏng chơ gỉ sét, đủ biết một thời vợ chồng ông Tam thịnh vượng đến cỡ nào. Ông Tam cho biết, Cách đây hơn 3 năm, trước khi Chính phủ Lào cấm xuất khẩu gỗ, xưởng của ông mỗi năm khai thác và sơ chế hàng trăm nghìn mét khối gỗ để xuất về Việt Nam. Đối tác ở Việt Nam của ông có hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ từ Bắc chí Nam, trong đó có Cty Minh Tuấn.
Chính phủ Lào thay đổi chính sách về khai thác gỗ, ông Tam từ một đại gia, với những hợp đồng triệu đô, bỗng dưng trắng tay, nợ nần chồng chất. Bà Thủy, vợ ông Tam tâm sự: “Để đến nông nỗi này cũng do anh Tam quá thoáng. Khi làm ăn được, anh ấy không hề nghĩ đến tích lũy. Ai đời, một lúc anh ấy mua 15 xe ô tô con, hiệu TOYOTA, mỗi chiếc hơn 50.000 đô la cho nhân viên đi rừng. Được bao nhiêu tiền, anh ấy đổ ra làm cầu, làm đường cho các bản làng của Lào, rồi mua hàng nghìn héc ta rừng để sau này khai thác gỗ. Khi gỗ không xuất được, hàng trăm đối tác đòi nợ, xiết nợ, thậm chí đánh đập anh ấy mấy lần nhập viện. Nhớ nhà, nhớ quê hương muốn về, nhưng về là bị người ta đòi nợ, ở đây người Lào họ còn thương tình cho vợ chồng tui bữa rau, bữa cháo”.
Ông Tam khẳng định, lô gỗ mà Cty Thái Thế kiện Cty Minh Tuấn chiếm đoạt là của ông ấy bán cho Cty Minh Tuấn.  Cty Thái Thế chỉ được ông Tam thuê làm thủ tục nhập khẩu gỗ phía Việt Nam. “Ngày trước, vì chuyên tâm khai thác gỗ nên mọi thủ tục xuất nhập khẩu khi xuất bán gỗ tôi đều thuê các Cty làm dịch vụ, trong đó có Cty Thái Thế. Cứ sau mỗi lô gỗ về Việt Nam trót lọt, ngoài việc trả tiền chi phí, thuế má cho các Cty làm dịch vụ, tôi còn trả tiền thuê làm dịch vụ theo tỉ lệ phần trăm, khi thì tiền mặt, khi thì bằng gỗ cho họ. Đến khi làm ăn thất bát, nói thật tôi còn nợ ông Phạm Thái, Giám đốc Cty Thái Thế một số tiền nhưng không có để trả. Vì làm dịch vụ, nên ông Thái có một số giấy tờ liên quan đến các lô gỗ của tôi. Thấy ông Bích, Giám đốc Cty Minh Tuấn có tiền, nên ông Thái dùng giấy tờ đó để kiện ông Bích nhằm vớt vát phần nào mà thôi. Tôi đã nói với ông Thái, nợ ông tôi sẽ trả, đừng làm điều thất đức, vu khống người ta trắng trợn như thế, pháp luật không dung thứ, nhưng ông ấy không nghe” - ông Tam tâm sự.
Để có đủ bộ hồ sơ kiện Cty Minh Tuấn đến cơ quan điều tra, Cty Thái Thế đã làm giả một số giấy tờ liên quan như: Hợp đồng mua bán gỗ nói trên với một Cty của Lào, giấy xác nhận nợ của Cty Minh Tuấn.
PV Tiền Phong đã tìm gặp ông Ăm Phon Bun Nhã Lạt, Giám đốc Tổng Cty Trường Sơn, đóng tại bản Thà Khẹc Nựa, huyện Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn. Khi xem toàn bộ hợp đồng mua bán gỗ giữa Cty Trường Sơn và Cty Thái Thế, ông Ăm Phon khẳng định, không hề biết Cty Thái Thế ở đâu và ông Phạm Thái là ai, bởi Cty ông chưa hề làm ăn với đối tác này. Ông Ăm Phon cho biết, con dấu đóng trong hợp đồng là của Cty Trường Sơn, nhưng ông đã bỏ từ năm 2010, khi nâng từ Cty Trường Sơn lên Tổng Cty Trường Sơn, trong khi hợp đồng mua bán gỗ  này được lập vào năm 2014.
Ngoài ra, chữ ký trong hợp đồng cũng không phải của ông. Để chứng minh điều này, ông Ăm Phon đã lấy bút giấy ký hơn chục chữ ký của mình để so sánh với chữ ký trong hợp đồng trước sự chứng kiến của nhiều người. Đồng thời, ông còn làm một giấy chứng nhận, ký tên đóng dấu khẳng định hợp đồng mua bán gỗ giữa Tổng Cty Trường Sơn và Cty Thái Thế là giả mạo.
Trong lúc đó, ông Nguyễn Quan, nguyên Phó Giám đốc Cty Minh Tuấn cũng đã phát hiện Cty Thái Thế giả mạo chữ ký của mình trong một giấy nhận nợ giữa Cty Minh Tuấn và Cty Thái Thế. Ông Quan rất bức xúc và đã gửi đơn tố cáo ông Đặng Quốc Khánh, Phó Giám đốc Cty Thái Thế đến cơ quan điều tra về tội giả mạo giấy tờ nhằm trục lợi.
Ngày 7/6/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quảng Bình (PC46) đã có thông báo số 13/TB-PC46, về kết quả giải quyết tố cáo của Cty Thái Thế đối với Cty Minh Tuấn. Thông báo này khẳng định, lô gỗ nói trên thuộc sở hữu của ông Trần Công Tam. Hành vi của ông Bích, Giám đốc và bà Tâm, Phó Giám đốc Cty Minh Tuấn không phát sinh cơ sở cũng như yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài sản, theo Điều 141, Bộ luật Hình sự và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm doạt tài sản, theo Điều 140, Bộ luật Hình sự như đơn tố giác của ông Phạm Thái, Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Thế. (Tiền Phong 15/6) đầu trang(
Từ năm 2011 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (Gia Lai) đã để bị lấn chiếm, mất quyền sử dụng gần 2.500 ha đất lâm nghiệp và thiệt hại gần 300 ha rừng. Đây là kết luận số 06/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh còn phát hiện gần 2,5 tỷ đồng nguồn kinh phí phục vụ công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý có dấu hiệu chiếm đoạt, tham nhũng và để ngoài sổ sách gây thiệt hại cho ngân sách cần chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.
Năm 2011, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được tỉnh Gia Lai giao quản lý tổng diện tích đất lâm nghiệp là 9.100 ha, phân bổ tại thành phố Pleiku và huyện Chư Păh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, diện tích đất lâm nghiệp đơn vị đang quản lý chỉ có hơn 6.600 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 2.000 ha, rừng trồng hơn 3.000 ha và đất chưa có rừng hơn 1.600 ha.
Như vậy, so với diện tích đất lâm nghiệp được giao ban đầu, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã kiểm soát gần 2.500 ha. Qua kiểm tra, những diện tích đất này hầu hết đều bị người dân lấn chiếm để sử dụng.
Theo kết luận thanh tra, trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã không đưa vào hồ sơ đề nghị tỉnh cấp quyền sử dụng đất gần 1.000 ha đất lâm nghiệp.
Tiếp đó, ngày 12/4/2016, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tiếp tục đề nghị chỉnh lý di biến động và được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đồng ý chỉnh lý với lý do đất được tỉnh thu hồi nên diện tích tiếp tục giảm 177 ha.
Việc đề nghị chỉnh lý này không phù hợp vì Ban quản lý đã sử dụng hồ sơ thu hồi đất cũ giai đoạn từ năm 2002 đến 2009, tức trước lúc đơn vị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.  Kiểm tra thực tế tại các tiểu khu 387, 389, Thanh tra tỉnh phát hiện 15 cá nhân, trong đó có cả cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ lấn chiếm, sử dụng trái phép gần 85.000 m2 đất lâm nghiệp, trong đó hơn 56.000 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số còn lại chưa được cấp.
Cũng theo kết luận này, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân khi không đầy đủ thủ tục, điều kiện theo qui định đã hợp thức hóa quyền sử dụng đối với các diện tích đất lấn chiếm.
Sai phạm này là nghiêm trọng, có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho nhà nước với diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn, vì vậy phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật.
Ngoài ra, qua kiểm tra thực trạng diện tích rừng trồng, Thanh tra tỉnh Gia Lai còn phát hiện đơn vị để thiệt hại hơn 278 ha rừng.
Về sai phạm tài chính, từ năm 2012 – 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, để ngoài sổ sách và không chứng minh được việc sử dụng hợp pháp, có dấu hiệu vụ lợi với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền trên đã bị cá nhân chiếm đoạt, tham nhũng, phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.
Cũng từ năm 2011-2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã cho các cá nhân tạm ứng tiền để thực hiện công việc, khi được thanh toán chưa hoàn ứng, còn phải trả cho ngân sách gần 1,4 tỷ đồng, nhưng sổ kế toán chỉ ghi nhận nợ hơn 250 triệu đồng.
Số tiền còn lại hơn 1,1 tỷ đồng bỏ ngoài sổ sách kế toán. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Kế toán, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước; có dấu hiệu chưa rõ ràng đối với việc quản lý, sử dụng số tiền này.
Những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai và dấu hiệu tham nhũng tiền ngân sách nhà nước của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc để cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.
UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có Công văn số 1823/UBND-NC nêu rõ: Chánh Thanh tra tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được quy định để chuyển hồ sơ vụ việc tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, hồ sơ kiến nghị đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai tiếp nhận, xử lý theo quy định. (Bnews 15/6) đầu trang(
Tình trạng quản lý đất rừng của công ty lâm nghiệp lỏng lẻo, đất của lâm trường và người dân chồng lấn, không rõ ràng.
Theo thống kê của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, chỉ trong tháng 5 một số hộ dân thuộc 2 thôn: Nà Tủng, xã Nam Quan và Bản Luồng, xã Tú Mịch gây ra 7 vụ cản trở công nhân của công ty cải tạo đất; đồng thời, phá nhổ rừng trồng mới của doanh nghiệp với diện tích lên tới hơn 10 ha rừng bạch đàn trồng mới và phá hủy gần một nghìn túi khai thác nhựa thông…
Trước tình hình trên, mới đây lãnh đạo UBND huyện Lộc Bình tổ chức buổi đối thoại với người dân thôn Nà Tủng, xã Nam Quan nhằm giải quyết vụ việc liên quan đến tranh chấp đất lâm nghiệp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình.
Tại buổi làm việc có sự tham gia của 48/54 hộ dân thôn Nà Tủng. Các hộ dân có ý kiến với lãnh đạo huyện về nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp phục vụ phát triển sản xuất.
Theo đó, đại diện các hộ dân mong muốn huyện Lộc Bình kiến nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn thu hồi một phần diện tích đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình giao lại cho các hộ dân canh tác, sử dụng tại khu vực đồi Sum Hoi, Pác Pất và Thau Cần để trồng rừng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, Lương Trọng Quỳnh cho biết, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân tại thôn Bản Luồng và Nà Tủng không nên tập trung đông người, có hành động xâm hại tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, tỉnh cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình ngừng sản xuất đối với những diện tích tại khu vực thôn Nà Tủng và Bản Luồng.
Cùng với đó, huyện tiếp tục rà soát lại toàn bộ diện tích cũng như nhu cầu sử dụng đất thực tế của người dân để tham mưu, kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lập hồ sơ xác định ranh giới sử dụng đất, cắm mốc, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính... từ đó làm cơ sở bàn giao lại cho người dân sử dụng diện tích rừng mà doanh nghiệp trả lại cho địa phương.
Về nhu cầu sử dụng đất vào mục đích công cộng như xây dựng nghĩa địa, các công trình phúc lợi khác, lãnh đạo huyện Lộc Bình nhất trí đó là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, do vậy sẽ được xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá nhổ rừng trồng của doanh nghiệp là do trước đây tình trạng quản lý đất rừng của công ty lâm nghiệp lỏng lẻo, đất của lâm trường và người dân chồng lấn, không rõ ràng.
Cùng với đó, nhiều diện tích đất rừng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình dự kiến trả về cho địa phương để giao cho người dân quản lý canh tác chưa được thực hiện do việc tỉnh Lạng Sơn đang triển khai dự án lập hồ sơ xác định ranh giới sử dụng đất, cắm mốc, đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính.
Theo Phó trưởng thôn Bản Luồng Hoàng Ngọc Văn, hiện nhiều hộ dân tại đây thiếu đất lâm nghiệp để sản xuất và làm các công trình phúc lợi nên bà con rất mong muốn doanh nghiệp và chính quyền sớm bàn giao lại đất rừng để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nguyện vọng này đến nay vẫn chưa được giải quyết dẫn đến người dân có hành động phá nhổ rừng trồng của doanh nghiệp. (Bnews 15/6) đầu trang(
Dù công trình đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) thời điểm cuối tháng 12.2016 chưa hoàn thành, nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công, giám sát đã cùng đặt bút ký vào biên bản nghiệm thu khối lượng để hợp thức hóa chứng từ. Tiếp đó, chủ đầu tư đã kê bảng giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán cùng hồ sơ đến kho bạc để giải ngân khống số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Công trình “Đường lâm nghiệp phục vụ sản xuất vùng nguyên liệu tập trung, phát triển trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn và phòng chống cháy rừng giai đoạn 2016-2020” qua huyện Hải Lăng giai đoạn 1 có quyết định phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán ngày 24.10.2016. Theo đó, ở giai đoạn 1, sẽ thi công xây dựng 9,5km đường lâm nghiệp với nguồn vốn đầu tư của T.Ư hỗ trợ theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Đầu tháng 12.2016, UBND huyện Hải Lăng có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu xây lắp công trình nêu trên với đơn vị trúng thầu là Cty TNHH Hải Triều với giá trúng thầu là gần 3,3 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 120 ngày.
Đến 5.12.2016, UBND huyện Hải Lăng có quyết định về việc chỉ định thầu, tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình với đơn vị được chỉ định thầu là Cty CP tư vấn xây dựng PRO GOOD. Theo đó, địa điểm xây dựng công trình nêu trên ở xã Hải Lâm và Hải Chánh với bề rộng nền đường là 4,5 mét, bề rộng mặt 3 mét..., kết cấu mặt đường cấp phối trộn 30% sỏi sạn, nền đường và lề đường lu lèn chặt.
Đến cuối tháng 12.2016, Ban quản lý Dự án (BQLDA) đầu tư và xây dựng khu vực huyện Hải Lăng (chủ đầu tư dự án) đã có bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán. Dựa trên bảng xác định giá trị khối lượng có đầy đủ chữ ký của đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc BQLDA đầu tư và xây dựng khu vực huyện Hải Lăng và đại diện nhà thầu là ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Cty TNHH Hải Triều, Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị đã giải ngân số tiền hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Lao Động cho thấy, đến giữa tháng 6.2017 này, công trình đường lâm nghiệp nói trên thi công chưa hoàn thiện, đặc biệt đoạn qua xã Hải Lâm vẫn còn ngổn ngang như nền đường cũ đã có từ trước.
Sau 4 cuộc hẹn, ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc BQLDA đầu tư và xây dựng khu vực huyện Hải Lăng vẫn chưa cung cấp được những hồ sơ mà chúng tôi yêu cầu, để giải thích về việc tiền đã giải ngân trong lúc công trình chưa làm xong. Ông Hòa cho biết, công trình đường lâm nghiệp bắt đầu thi công từ tháng 11.2016, ban đầu được phê duyệt 3,8 tỉ, nhưng sau cắt giảm một ít.
“Hiện tuyến ở xã Hải Chánh cơ bản đã thi công xong, còn ở Hải Lâm thì khoảng 60% khối lượng” - ông Hòa nói. Hỏi đơn vị thi công và giám sát của công trình, ông Hòa bảo không nhớ. Hỏi tiến độ giải ngân, ông Hòa bảo không có hồ sơ nên không nhớ cụ thể.
Tuy nhiên, trước thông tin mà chúng tôi cung cấp rằng công trình nêu trên đã giải ngân, ông Hòa mới thừa nhận đã giải ngân hết vào thời điểm 30.1.2017. Lý giải về việc này, ông Hòa nói rằng do công trình được phê duyệt muộn, nếu không giải ngân thì sẽ bị rút vốn, nên mới hợp thức hóa và giải ngân khống. “Sau khi tiền được giải ngân, chúng tôi đã đốc thúc đơn vị thi công triển khai công việc, nhưng do trời mưa nên đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành theo kế hoạch” - ông Hòa cho hay.
Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch huyện Hải Lăng - cho biết, việc giải ngân khống nêu trên đã được huyện thông qua. Lý do là bởi nếu không giải ngân kịp thì mất vốn, mà mất vốn thì không có đường cho dân đi. Công trình chưa thi công mà đã giải ngân, vậy nếu đơn vị xây dựng trây ỳ không hoàn thành thì ai chịu trách nhiệm?
“Dù giải ngân khống, nhưng giữa huyện và Cty xây dựng đã có cam kết bảo lãnh của ngân hàng để đảm bảo việc thi công và hoàn thành công việc theo đúng kế hoạch” - ông Vinh nói. (Lao Động 16/6) đầu trang(
Bắc Kạn: Công ty Lâm nghiệp cho thuê trái phép đất công làm nhà nghỉ
Phần lớn diện tích văn phòng làm việc và xưởng chế biến lâm sản của lâm trường Bạch Thông (là một đơn vị trực thuộc) của công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn đã cho tư nhân thuê làm tổ hợp nhà nghỉ, Không chỉ là hành vi phạm, mà giờ đã lách luật để vi phạm.
Phần lớn diện tích làm việc của lâm trường đã bị cho thuê, nên tất cả cán bộ, lãnh đạo lâm trường đã bị dồn vào một căn nhà cấp 4 dột nát nằm ở góc nhỏ lâm trường. Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn diễn ra vào đầu năm 2017, đơn vị được cho thuê đã ngang nhiên xây bức tường chắn trước mặt căn nhà cấp 4 chỉ còn một lối nhỏ đi bộ. Vì vậy đã xảy ra to tiếng và xô xát nhỏ giữa cán bộ lâm trường với đơn vị được công ty cho thuê đất.
Sau sự phản đối mạnh mẽ của cán bộ Lâm trường Bạch Thông, lối đi vào văn phòng điều hành của Lâm trường đã được điều chỉnh rộng ra khoảng 4m. Toàn bộ chi phí làm sân, cổng mới và dọn dẹp nhà làm việc hết khoảng 100 triệu. Nhưng phía công ty Lâm nghiệp không chịu chi trả, dẫn tới việc cán bộ Lâm trường giờ đang là mục tiêu đòi nợ của đơn vị thi công.
Làm việc với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn, lãnh đạo công ty này cho biết họ không làm gì sai; việc cho thuê đất, việc kinh doanh nhà nghỉ là hợp pháp. Nhưng thực tế việc làm sai phạm của đơn vị này đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn xử phạt 15 triệu đồng, buộc hoàn lại 44 triệu đồng tiền thuê đất và tài sản trên đất nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trong quyết định xử phạt số 06 ngày 24/3/2017 đã khẳng định: Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn đã tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất Nhà nước (Cụ thể Công ty đã cho Tổ dịch vụ Lâm trường Bạch Thông, đại diện là ông Đỗ Xuân Kỳ, thuê nhà, văn phòng làm việc và xưởng chế biến lâm sản của Lâm trường Bạch Thông để kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ và dịch vụ tổng hợp), đã vi phạm Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 102/2014 của Chính phủ.
Theo quyết định xử phạt 06 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đã yêu cầu Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn phải khắc phục hậu quả sau 10 ngày. Tuy nhiên đơn vị này đã lách luật bằng cách ký hợp đồng liên kết. Việc làm sai phạm đã rõ, đề nghị các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý, không để doanh nghiệp bị “tuýt còi” vì vi phạm lại ngang nhiên sử dụng hành vi lách luật để chống đối các quy định của Nhà nước.
Báo Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin những vấn đề sai liên quan đến quản lý tài chính và quản lý đất đai của đơn vị này. (Tầm Nhìn 15/6) đầu trang(
Từ ngày 15 đến 30.6, tổ kiểm tra của huyện sẽ tiến hành kiểm tra, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện, nhằm đảm bảo cung ứng giống cây lâm nghiệp có chất lượng tốt cho người trồng rừng trong và ngoài huyện, giảm thiểu thiệt hại do sử dụng giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững tại địa phương.
Theo đó, tổ công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá nguồn gốc, xuất xứ giống cây trồng lâm nghiệp, các điều kiện pháp lý về sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp của cơ sở, hộ gia đình và cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Cương quyết xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp cố tình vi phạm Pháp lệnh về giống cây trồng.
Trên địa bàn An Lão hiện có 24 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, tập trung tại các xã An Hòa, An Tân, An Trung, An Hưng và thị trấn An Lão, hàng năm cung ứng cho thị trường hơn 6 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. (Báo Bình Định 15/6) đầu trang(
Trồng rừng sản xuất để tạo nguồn thu nhập cho người dân đã, đang phát triển mạnh tại huyện Võ Nhai và bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, người trồng rừng ở huyện vùng cao này đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc bị thương lái ép giá lâm sản. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều khu vực trồng rừng sản xuất ở Võ Nhai chưa có các tuyến đường lâm sinh để vận chuyển lâm sản khi khai thác…
Những năm gần đây, trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của hàng nghìn hộ dân ở Võ Nhai do phát huy được lợi thế về đất đai và nguồn lực lao động tại chỗ. Song điều bất cập là sản lượng lâm sản lớn, nhưng giá trị kinh tế đem lại cho người trồng rừng chưa đạt được ở mức cao.l Sở dĩ có tình trạng trên là hầu hết các cánh rừng trồng ở Võ Nhai không có đường vào khai thác (đường lâm sinh) nên chi phí vận chuyển lớn, tư thương dựa vào đó để ép giá lâm sản. Muốn khai thác và bán được sản phẩm, chủ rừng phải thuê người vác tới những địa điểm ô tô có thể vào được hoặc thương lái bỏ tiền thuê phương tiện san ủi mở đường vào bãi để khai thác rồi trừ vào tiền bán gỗ.
Ông Chu Văn Đồng, ở xóm Thâm, xã Liên Minh cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 1ha keo, cách đường giao thông gần 1km. Thời điểm cây đến tuổi khai thác, nhưng không có đường vận chuyển gỗ nên thương lái thống nhất với gia đình làm đường, sau đó trừ vào tiền bán cây. Nếu ở những nơi thuận tiện giao thông thì giá bán đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, còn ở những nơi không có đường vào chỉ được gần 40 triệu đồng/ha…
Tương tự trường hợp của ông Đồng, gia đình anh Nguyễn Văn Khải ở xóm Mỏ Bễn, xã Tràng Xá trồng gần 10ha keo đã đến tuổi khai thác nhưng không có đường vận chuyển nên việc bán gỗ rừng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Anh Khải chia sẻ: Với điều kiện kinh tế của gia đình tôi thì bỏ ra số tiền gần 60 triệu đồng để làm đường vào khai thác gỗ là vượt khả năng nên buộc phải để thương lái làm đường vào bãi, sau đó, bán gỗ sẽ trừ tiền. Vì vậy, giá bán cây thấp hơn gần 50% so với những khu vực có đường vận chuyển thuận tiện. Biết là bị thiệt nhưng cây đã đến tuổi khai thác, để lâu, quá tuổi thì càng bị mất giá…
Qua tìm hiểu ở một số địa phương có diện tích trồng rừng sản xuất lớn của huyện Võ Nhai, chúng tôi đều nhận được những phản ánh tương tự của người dân và chính quyền các xã. Ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Ở địa phương có hơn 40% hộ dân phát triển kinh tế dựa vào trồng rừng, trong đó, 4 xóm đạt tỷ lệ trên 90%. Tuy nhiên, tất cả các cánh rừng chưa được đầu tư làm đường lâm sinh nên muốn khai thác được cây, người dân phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để làm đường vận chuyển… Với điều kiện kinh tế của người dân tại địa phương thì số tiền đó tương đối lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 24.000ha rừng sản xuất và hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế rừng, thời gian qua người dân đã tiến hành trồng mới hàng nghìn héc ta mỗi năm. Đến nay, nhiều người dân trồng rừng đang gặp khó khăn về vấn đề đường lâm sinh. Trước những khó khăn này, UBND huyện Võ Nhai đã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu hỗ trợ người dân trong việc làm đường lâm sinh. Chỉ như vậy, trồng rừng sản xuất ở Võ Nhai mới thực sự đem lại hiệu quả cao cho người dân…
Ngoài những khó khăn về nguồn vốn, việc mở đường lâm sinh phát triển kinh tế rừng ở các địa phương trong tỉnh nói chung vẫn còn nhiều vướng mắc do cơ chế chính sách có nhiều bất cập. Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Theo quy định, việc người dân tự ý mở đường lâm sinh là vi phạm pháp luật, do làm thay đổi trạng thái rừng. Nhưng việc người dân mở đường lâm sinh phục vụ nhu cầu trồng rừng nên cơ quan chức năng khó có thể xử lý. Cùng với đó là phần lớn các con đường lâm sinh mà người dân tự mở đều không có thiết kế để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nên chỉ cần một trận mưa là bị xói mòn, hư hỏng. Muốn sử dụng tiếp được, người dân phải tự bỏ tiền tu sửa rất tốn kém.
Trước thực trạng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quy hoạch đường băng cản lửa (có tác dụng là đường lâm sinh), có sự tham gia của chủ rừng. Trong đó, Nhà nước thực hiện quy hoạch, thiết kế, người dân hiến đât. Khi có quy hoạch, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30 triệu động/km theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thực hiện được do chưa có vốn. Vì vậy, trước mắt phải thực hiện việc xã hội hóa trong làm đường lâm sinh. Dự kiến, năm 2018, Chi cục Kiểm lâm sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg.
Đường lâm sinh, ngoài sử dụng để vận chuyển gỗ rừng trồng còn có tác dụng là đường băng cản lửa, đường tuần tra bảo vệ rừng của lực lượng chức năng. Việc trồng rừng sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người dân ở vùng sâu, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường… Vì vậy, các cấp, ngành của tỉnh và Trung ương nên sớm tháo gỡ “nút thắt” này để hỗ trợ người dân phát triển rừng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất…(Báo Thái Nguyên 15/6) đầu trang(
Sở hữu một khu rừng rộng 3 ha trồng toàn giống cây gỗ bản địa qúy như lim, huỵnh, trầm gió…ông Đinh Hữu Sinh (50 tuổi) ở thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình chỉ cần thu những sản phẩm phụ dưới tán rừng cũng đã có cuộc sống sung túc…
Chỉ rộng chừng 3 ha nhưng khi vào thăm khu rừng của ông Sinh, chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loại cây rừng thẳng tắp cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt…
Khu Ông Sinh cho biết, để có khu rừng toàn cây gỗ bản địa như thế, ông đã mất gần 20 năm trồng và chăm sóc. “Khi được Nhà nước cấp đất trồng rừng, khác với mọi người, tôi không trồng các loại giống cây keo, bạch đàn…để nhanh thu hoạch, tôi chú trọng trồng các loại cây gỗ rừng bản địa, trong đó có nhiều loài gỗ quý như sưa, lim, vàng tâm, huỵnh…Ngoài lợi ích kinh tế, tôi còn muốn giữ lại cho muôn đời sau một cánh rừng tự nhiên như vốn có, dù đó chỉ là một khu rừng  rất nhỏ…” – ông Sinh chia sẻ.
Theo lời ông Sinh, hiện trong khu rừng của ông có nhiều cây gỗ như lim, huỵnh…mà nếu cưa lấy gỗ bán cũng đã thu được từ 30 đến 50 triệu đồng/cây. Nhiều người chơi cây cảnh cổ thụ đến khu rừng của ông Sinh cũng muốn mua những cậy lội, cây sưa với giá hàng chục triệu mỗi cây. Thế nhưng, dù có giá trị lớn như vậy nhưng ông Sinh chưa hề nghĩ đến việc khai thác hoặc bứng những cây gỗ rừng để bán. Những lần như thế, ông Sinh thường khéo léo trả lời những người hỏi mua: “Đó là của hồi môn mà tui muốn để dành cho con cháu mai sau.”
Tuy không bán gỗ rừng, nhưng nhiều năm qua gia đình ông Sinh cũng đã sống khỏe từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng. Ông Sinh cho biết, nhiều năm nay, dưới tán khu rừng ông đưa giống cây dứa (thơm) vào trồng. Đây là loại cây mà theo ông Sinh trồng dưới tán rừng rất phù hợp, vừa giữa đất khỏi bị xói lở, tránh cây dại nhưng mỗi năm cũng đưa về  cho gia đình ông nguồn thu hơn 10 triệu đồng.
Có những sản phẩm phụ khác cũng đem lại nguồn thu khá cho gia đình ông Sinh trong những năm qua đó là các loại dược liệu dưới tán rừng như: nấm lim, giảo cổ lam, hà thủ ô, thổ phục linh, bổ cốt toái và cả mật ong rừng…Chưa hết, với việc sở hữu hàng chục cây dẻ cổ thụ, mỗi mùa hạt dẻ, ông Sinh cũng thu được hàng triệu đồng từ việc nhặt hạt…(Dân Việt 13/6) đầu trang(
Từ chỗ người dân không mấy mặn mà với trồng rừng, tốc độ phát triển rừng chậm thì 2 năm trở lại đây nhận thức của người dân xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm đối với công tác trồng và phát triển rừng đã thực sự thay đổi. Người dân đã biết chủ động bỏ vốn đầu tư trồng rừng chứ không trông chờ vào các dự án của Nhà nước như trước đây.
Thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ thực hiện dự án trồng rừng của nhà nước, ngay sau khi khai thác xong gần 2ha rừng mang lại thu nhập trên 80 triệu đồng, gia đình chị Hoàng Thị Va đã tự bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua gần 4 nghìn cây keo giống để trồng rừng. Hiện nay công tác trồng rừng của gia đình chị đã cơ bản hoàn thành. Nếu cây sinh trưởng phát triển tốt thì chỉ vài năm nữa thôi diện tích này sẽ tiếp tục mang lại cho gia đình chị một nguồn thu nhập đáng kể. Chị Va cho biết: Gia đình tôi đã trồng rừng và cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch tôi thấy hiệu quả kinh tế nên chủ động bỏ vốn để trồng tiếp.
Phong trào tự đầu tư trồng rừng tại xã Bằng Thành hiện nay đang phát triển rất mạnh. Riêng trong năm nay, toàn xã đã có 24 hộ dân tự đầu tư trồng rừng trên diện tích hơn 40ha. Cây trồng chủ yếu là cây keo. Bởi cây sinh trưởng phát triển nhanh, giá bán khá cao, nhu cầu lớn nên đầu ra ổn định.
Từ chỗ người dân không mấy mặn mà với trồng rừng giờ đây nhiều hộ dân ở xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm đã chủ động đầu tư trồng rừng mà không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa. Điều này cho thấy  nhận thức của người dân về công tác trồng rừng đã được nâng cao và nguyên nhân chính là nhờ hiệu quả kinh tế thực tế từ rừng trồng mang lại. Theo thống kê của UBND xã Bằng Thành, toàn xã có hơn 1.000ha rừng keo và mỡ, trong đó có trên 200ha thuộc Dự án 147 của Chính phủ trồng từ 7 năm trước nay đã đến tuổi khai thác. Bình quân 1ha có khối lượng hơn 60m3 gỗ. Giá tư thương mua tại vườn rừng dao động từ 500 - 700 nghìn đồng/1m3 đã mang thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Trong hai năm trở lại đây ở Bằng Thành đã xuất hiện nhiều hộ bán gỗ rừng trồng có thu nhập cao như hộ ông Lục Văn Bạn ở  Bản Khúa, khai thác 20ha gỗ rừng trồng đem về thu nhập hơn 600 triệu đồng; gia đình ông Lục Văn Vàng, Lục Văn Quyết ở thôn Nà Vài, mỗi hộ thu về trên dưới 150 triệu đồng…
Ông Hoàng Văn Ngôn - Chủ tịch UBND xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm cho biết: Phong trào trồng rừng ở xã phát triển khá mạnh, địa phương cũng xác định trồng rừng là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn góp phần xóa đói giảm nghèo. Người dân cũng nhận thức được hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nên hưởng ứng cao.
Việc người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng tại xã Bằng Thành là tín hiệu vui, bởi nó cho thấy sự chuyển biến tích cực của người dân về công tác trồng rừng tại huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này. Điều đó cũng chứng minh hiệu quả kinh tế từ việc phát triển kinh tế rừng đem lại. Từ đó tạo động lực cho nghề rừng ở huyện Pác Nặm phát triển bền vững. (Đài PTTH Bắc Kạn 13/6) đầu trang(
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết có mưa ẩm, nông dân trong tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng được trên 4.140ha, vượt hơn 250ha so với kế hoạch. Một số địa phương đã hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng rừng sớm như: Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên.
Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp - PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức cho các hộ dân đăng ký trồng rừng và trồng cây phân tán. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lượng cây giống và phân bón chất lượng để cung ứng kịp thời cho các địa phương và bà con nông dân.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hiện nay, diện tích rừng mới trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Chi cục Kiểm lâm đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp chăm sóc và bảo vệ tốt những diện tích rừng đã trồng; đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. (Báo Thái Nguyên 13/6) đầu trang(
Thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân các địa phương trên địa bàn huyện Chợ Đồn đang tích cực trồng rừng, phấn đấu hoàn thành trồng rừng tập trung trong tháng 6.
Theo Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn, tính đến 08/6, toàn huyện đã trồng được 140ha rừng tập trung và 110ha rừng phân tán. Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống, phân công cán bộ bám sát địa bàn, nắm bắt khó khăn để giải quyết ngay tại cơ sở; tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.
Thời điểm nắng nóng đầu tháng 6 đã khiến tiến độ trồng rừng ở một số địa phương bị chậm. Tại các xã Tân Lập, Đồng Lạc và Bản Thi có khoảng hơn 6.000 cây giống bị chết, chủ yếu là cây mỡ. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, người dân chăm sóc không đúng quy trình, dẫn đến cây giống bị mất nước.
Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn vẫn tiếp tục đôn đốc người dân các địa phương trồng rừng. Đối với những diện tích đã trồng xong, chủ động chuyển sang chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Huyện phấn đấu hoàn thành trồng rừng tập trung trước 30/6. (Báo Bắc Kạn 13/6) đầu trang(
Năm 2017, huyện Bắc Yên có kế hoạch trồng 500 ha rừng trên địa bàn 8 xã, thị trấn, trong đó, 300 ha rừng sản xuất và 200 ha rừng phòng hộ, với giống cây chủ yếu là xoan và sơn tra.
Để đảm bảo tiến độ trồng rừng theo đúng kế hoạch, hiện nay, huyện đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết từ khâu tổ chức thiết kế trồng rừng, lập danh sách các hộ tham gia trồng rừng, xử lý thực bì đến ươm cây giống.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Bảo vệ và phát triển rừng huyện Bắc Yên, cho biết: Căn cứ kế hoạch giao trồng rừng năm 2017, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động ươm cây giống và hợp đồng với các đơn vị cung ứng cây lâm nghiệp, bảo đảm đủ số lượng 80.000 cây giống phục vụ trồng rừng. Đồng thời, tiến hành rà soát toàn bộ diện tích đất trồng rừng của huyện, xây dựng kế hoạch, thiết kế diện tích trồng rừng và phương án trồng rừng.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cơ chế chính sách nhận giao khoán, trồng và chăm sóc rừng; tiến hành rà soát, thống kê nhu cầu trồng rừng của nhân dân trên địa bàn, lập danh sách các hộ đăng ký trồng. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành công tác thiết kế địa bàn để giao cho nhân dân xử lý thực bì, cuốc hố, dự kiến sang đầu tháng 7, sẽ bắt đầu trồng rừng và hoàn thành muộn nhất là vào đầu tháng 8.
Trong số 8 xã thực hiện trồng rừng năm nay, Làng Chếu là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho vụ trồng rừng. Theo kế hoạch, xã được phân bổ trồng 21 ha rừng sản xuất, nhưng bà con đã đăng ký trồng 25 ha. Hiện, xã đang chỉ đạo kiểm tra, đo đạc lại diện tích nhân dân đăng ký; vận động, hướng dẫn bà con tiến hành phát dọn thực bì, cuốc hố để trồng rừng theo đúng kế hoạch đề ra. Đến thăm gia đình ông Mùa A Dê ở bản Háng A, khi cả nhà đang khẩn trương phát dọn thực bì, chuẩn bị cuốc hố trồng rừng.
Ông Dê thông tin: Năm nay, gia đình tôi đăng ký trồng hơn 3 ha cây sơn tra. Trước đây, diện tích đất nương của gia đình chủ yếu chỉ trồng ngô nhưng năng suất kém, hơn nữa, mấy năm gần đây, giá ngô xuống thấp, thu nhập không ổn định, nên gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Được các cán bộ của huyện, xã tuyên truyền, vận động chuyển sang trồng cây sơn tra, vừa được hưởng theo chính sách trồng rừng, sau này có thu nhập từ quả sơn tra. Đến nay, gia đình đã cơ bản chuẩn bị xonag diện tích đất, đang chờ nhận cây giống về trồng.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng rừng, Ban Quản lý Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng đã cử cán bộ xuống tận địa bàn kiểm tra địa điểm trồng rừng, hướng dẫn các hộ dân cách phát dọn thực bì, làm đất. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho nhân dân ở các bản có diện tích trồng rừng năm nay, đảm bảo tỷ lệ cây sống và hoàn thành diện tích trồng rừng theo kế hoạch.
Đến thời điểm này, huyện Bắc Yên đã cơ bản chuẩn bị xong mọi điều kiện cho vụ trồng rừng 2017. Với sự chuẩn bị chu đáo từ khâu thiết kế quy hoạch, tổ chức khảo sát, tuyên truyền, vận động hộ dân đăng ký trồng rừng, chuẩn bị cây giống, thực hiện chế độ chính sách, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tin rằng kế hoạch trồng rừng của huyện sẽ đạt kết quả cao nhất. (Báo Sơn La 13/6) đầu trang(
Với nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ đóng trên địa bàn Quảng Trị đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực lâm nghiệp, khảo nghiệm và tuyển chọn được những giống cây có khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu, giống có chất lượng cao, phục vụ cho việc trồng rừng, đặc biệt trồng rừng gỗ lớn.
Ngày nào cũng vậy, với nhiệm vụ được giao là nhân giống các loài keo lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, Thạc sĩ Lê Xuân Toàn cùng với đội ngũ kỹ sư và nhân viên bộ môn nghiên cứu giống và công nghệ sinh học của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đóng trên địa bàn Quảng Trị đã làm việc cần mẫn, nghiên cứu, phân tích các chỉ số thí nghiệm, khảo nghiệm thành công một số dòng keo lai tự nhiên cùng với quy trình sản xuất giống bằng công nghệ giâm hom, tạo nên được đột phá lớn trong việc tăng năng suất rừng trồng và hiệu quả kinh tế của rừng so với trồng các giống cũ trước đây.
Thạc sĩ Lê Xuân Toàn, Nghiên cứu viên Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ nói với chúng tôi rằng: Được giao nhiệm vụ nhân giống các loài keo lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, bộ phận chúng tôi tiến hành tuyển chọn các cây trội ở rừng, lấy mẫu, từ đó vào mẫu, nhân giống lên. Sau một quá trình thì cho ra rễ, tạo ra được các cây có chất lượng cao, để cung cấp cho trồng rừng gỗ lớn, có năng suất chất lượng cao. Đồng thời cung cấp cho người dân xây dựng các vườn ươm nhân giống bằng phương  pháp giâm hom.
Trên cơ sở nghiên cứu thành công trong phòng thí nghiệm, Trung tâm Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ đã xây dựng vườn ươm, đồng thời triển khai trồng thử nghiệm trên diện tích 640 ha với nhiều loại giống cây. Qua đó đã khảo nghiệm và chọn tạo được rất nhiều loại giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhất là các giống cây sinh trưởng nhanh, trong đó có các loại keo, bạch đàn, thông và 1 số loại cây bản địa. Đặc biệt đã chọn ra keo lai là một trong những loại cây trồng rừng chủ lực, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Quảng Trị, phục vụ cho chương trình trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ phục vụ công nghiệp chế biến và đảm bảo các điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện tại mỗi năm đơn vị mới sản xuất được khoảng 1 triệu cây giống keo lai theo phương pháp giâm hom, mới chỉ đảm bảo trồng khoảng 500 ha rừng, trong lúc đó theo kế hoạch tỉnh Quảng Trị mỗi năm đề ra mục tiêu trồng từ 5500 đến 6000 ha thì cần lượng giống cây 12 đến 15 triệu cây.
Tiến sĩ Phạm Xuân Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ cho biết: Với nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Trung tâm đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực lâm nghiệp, khảo nghiệm và tuyển chọn được những giống cây có khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu, giống có chất lượng cao, phục vụ cho việc trồng rừng, đặc biệt trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đáng thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng như Sở Khoa học và Công nghệ để chuyển giao một số giống được khảo nghiệm, tuyển chọn, phù hợp với địa phương Quảng Trị cũng như khu vực Bắc Trung bộ nhằm để nhân rộng giống này đưa vào sản xuất, góp phần giảm thiểu giống không có nguồn gốc trồng ở trên địa bàn.
Những năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Trị phát triển rừng bền vững, các Công ty Lâm nghiệp và người dân ở nhiều nơi đã chú trọng trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là nguồn giống chưa đáp ứng nên vẫn còn tình trạng nhập từ các nơi về giống không đạt chất lượng. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Trị cần tạo điều kiện cho Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung bộ nhân giống, chuyển giao giống có chất lượng, phục vụ cho công tác trồng rừng thâm canh, được cấp chứng chỉ FSC để mang lại nguồn thu nhập cao. (Đài PTTH Quảng Trị 11/6) đầu trang(
Sau một thời gian "gia hạn" tháo dỡ biệt phủ xây dựng trái phép, đại gia vàng đã có đơn xin chuyển sang làm khu du lịch ở phần đất rừng được giao trước đây.
15/6, ông Đàm Quang Hưng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, quận vừa nhận được đơn của ông Ngô Văn Quang – giám đốc công ty vàng Phước Minh (Quảng Nam) liên quan đến việc xử lý khu biệt phủ xây dựng trái phép ở khu vực rừng Nam Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Theo đó, ông Quang xin chính quyền xây dựng một khu du lịch trên phần đất rừng đã được cấp cho ông trước đây.
“Ông Quang có làm đơn trình bày nguyện vong được làm dự án xây dựng khu du lịch ở đây. Tuy nhiên, quận sẽ phải làm việc lại với các cơ quan, ban ngành, địa phương rồi mới báo cáo Ủy ban thành phố xem xét, quyết định có đồng ý hay không” ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, hiện nay đất của ông Quang (được giao đất trồng rừng trước đây) đã được quy hoạch thành đất khác, không còn đất rừng nữa. Do đó, ông Quang muốn xin một phần trong tổng diện diện tích (khoảng 6-7 hecta) đất khác đó chuyển đổi thành đất thương mại, dịch vụ để làm dự án khu du lịch. Vị trí mà ông Quang xin chuyển đổi thì chưa xác định cụ thể.
“Do ông Quang mới gửi đơn nên quận sẽ phải rà soát, làm việc cụ thể hơn với địa phương mới nắm bắt được. Hiện chưa định vị được khu vực nào mà ông Quang xin xây dựng cả” ông Hưng nói.
Theo Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu, nếu được thành phố cho phép thì ông Quang sẽ phải có đề án cụ thể, rõ ràng.
Liên quan đến việc tháo dở công trình biệt phủ trái phép, ông Hưng cho biết thêm, chủ biệt phủ đã phá, tháo dỡ gần hết, chỉ xin giữ lại một số cái nhằm lưu giữ đồ đạc và phần tường rào bao quanh.
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, sau khi phát hiện ông Ngô Văn Quang xây dựng trái phép một khu biệt phủ đồ sộ trên phần diện tích 1.500 m2 đất rừng, Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã ra quyết định xử phạt và bắt buộc tháo dỡ.
Mặc dù, chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở, đốc thúc việc tháo dỡ công trình sai phạm nhưng sự việc dây dưa, đến nay vẫn chưa hoàn thành. (Giáo Dục VN 16/6)đầu trang(./.