Phim, bài viết

Quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam – một số vấn đề chính cần xem xét


Quản lý rừng cộng đồng không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Từ đầu thập niên 90, việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng và sự hỗ trợ từ các dự án phát triển quốc tế trong ngành lâm nghiệp đã thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý rừng ngày càng tăng. Đầu thập niên 2000, sự thừa nhận pháp lý về quyền hưởng dụng đất và rừng của cộng đồng đã tiếp tục khuyến khích sự phát triển lâm nghiệp cộng đồng.
Nhìn chung, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng được nền tảng vững chắc để phát triển quản lý lâm nghiệp cộng đồng thông qua chính sách đổi mới về quyền hưởng dụng đất. Giao đất giao rừng là điều kiện tiên quyết quan trọng và cần thiết để cộng đồng địa phương quản lý rừng bền vững, thu được lợi ích từ rừng và tham gia và quá trình ra quyết định một cách chủ động. Cuối năm 2011, khoảng 26% tổng diện tích rừng trên cả nước là do người dân địa phương quản lý, dưới hình thức hộ gia đình, cá nhân hoặc tập thể.
Tuy nhiên, chỉ có quyền vẫn chưa đủ. Việc chuyển giao quyền hưởng dụng sẽ chỉ đem lại những tác động môi trường, kinh tế, chính trị và văn hóa mong muốn với điều kiện cộng đồng địa phương có thể thực hiện được quyền của họ như pháp luật quy định.
Ngoài ra, tầm quan trọng ngày càng tăng của các khung chính sách mới, như PFES và REDD+, đòi hỏi phải áp dụng các phương pháp đổi mới giúp cộng đồng tiếp cận với các phương thức mới về quản trị rừng. Tương tự như vậy, sự tham gia vào công tác quản lý các khu bảo tồn và quá trình ra quyết định về quản trị rừng là các vấn đề quan trọng.
Mặc dù lâm nghiệp cộng đồng đã được công nhận là một phần quan trọng trong chính sách lâm nghiệp và quản lý rừng, nhưng tiến trình thực hiện của lâm nghiệp cộng đồng lại diễn ra chậm chạp trong một vài năm qua do có nhiều lý do. Để phát triển lâm nghiệp cộng đồng trong tương lai, cần cần nhắc các vấn đề dưới đây:
- Sửa đổi quy trình lập kế hoạch về quản lý rừng và chia sẻ lợi ích: Chính phủ cần thúc đẩy quá trình đàm phán giữa cộng đồng và chính quyền địa phương trong khuôn khổ chính sách an toàn quốc gia. Một chính sách chia sẻ lợi ích như vậy sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán về quản lý rừng và chia sẻ lợi ích với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi cộng đồng và chính quyền địa phương tuân thủ các điều khoản khung của quốc gia.
- Đưa cộng đồng trở thành đối tác trong các chương trình PFES và REDD+ trong tương lai: Chính phủ cần khuyến khích áp dụng các hợp đồng tự nguyện, dựa trên hiệu quả thực hiện về việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rừng và hấp thụ carbon. Cộng đồng địa phương sẽ đàm phán hợp đồng dịch vụ môi trường với các cơ quan Nhà nước có liên quan ở cấp huyện. Trong quá trình đàm phán cần cùng nhau quy định hiệu quả thực hiên quản lý rừng và các hình thức khen thưởng liên quan.
- Mở rộng giao đất giao rừng cho cộng đồng địa phương: Chính phủ cần xây dựng và áp dụng quy trình giao đất giao rừng phù hợp với nhu cầu và tình hình thực kế ở địa phương. Các nhà hoạch định chính sách quốc gia cần thực thi các chính sách an toàn để tránh việc những người có quyền lực thu tóm hết lợi ích từ quá trình này.
- Kiểm soát công tác quản trị rừng ở địa phương: Chính phủ cần áp dụng các quy trình đàm phán về đồng quản trị rừng giữa cộng đồng và chính quyền địa phương. Cộng đồng địa phương sẽ được trao quyền để xây dựng các quy định liên quan đến rừng trong khuôn khổ quy định chung của Nhà nước.
- Hỗ trợ cộng đồng địa phương quản lý rừng: Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý và tài chính phù hợp hỗ trợ hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong ngành lâm nghiệp. Mặc dù các tổ chức xã hội dân sự có thể không phải lúc nào cũng là các cơ quan có khả năng chuyên môn tốt nhất về quản lý rừng, nhưng họ lại có ưu thế cạnh tranh với các cơ quan nhà nước thông qua cơ cấu tổ chức linh hoạt và khả năng đáp ứng các yêu cầu và mong muốn của cộng đồng địa phương. (Tài Nguyên&Môi Trường 28/3)đầu trang(
EIA nói sai sự thật về nạn buôn lậu tê giác ở Việt Nam
Tại các phiên họp bên lề và phiên họp chính thức Hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 16 (CoP16), Đoàn Việt Nam đã nêu ra những nỗ lực thực thi của mình và kiên quyết phản đối những nhận định không chính xác của Cơ quan Nghiên cứu Môi trường (EIA) và một số tổ chức phi chính phủ khác về tình trạng buôn lậu sừng tê giác tại Việt Nam.
Tại cuộc họp báo chiều 25-3 nhằm công bố các kết quả của CoP16 vừa diễn ra tại Thái Lan từ 3 đến 14-3, ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã cho biết như trên.
Ông Tùng cho hay, trong thời gian diễn ra Hội nghị, Nam Phi đã tổ chức nhiều sự kiện bên lề với sự tham dự của Bộ trưởng, Đại sứ và Trưởng ủy ban Quốc hội để thể hiện những nỗ lực trong việc ngăn chặn vi phạm về bảo tồn tê giác, đồng thời công bố về số lượng vẫn tăng mặc dù phải đối mặt với tình trạng săn bắn trái phép.
Chính phủ Nam Phi khẳng định, tê giác vẫn phát triển và cần có có chế quản lý để đảm bảo việc khai thác, sử dụng bền vững và đúng luật, không đồng tình với đề xuất cấm hoàn toàn săn bắn tê giác hợp pháp của Kenya. Các tổ chức phi chính phủ cũng tổ chức nhiều sự kiện bên lề về tê giác, đưa ra nhiều bằng chứng về buôn bán và sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam, trong đó đáng chú ý là sự kiện EIA - tổ chức đã từng chỉ trích Việt Nam về buôn bán gỗ trước đây tiếp tục đưa ra nhiều chỉ trích Việt Nam không đúng sự thật như: không công nhận là có thị trường, không có hành động gì để giải quyết vấn đề..., đồng thời lớn tiếng đề nghị CITES và Hoa Kỳ có những biện pháp trừng phạt Việt Nam.
Theo ông Tùng, tại phiên họp chính thức về tê giác, các nước thành viên và Ban thư ký CITES đều ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, không đưa ra ý kiến chỉ trích hay đề nghị cấm vận. Đoàn Hoa Kỳ cũng không nêu về kiến nghị của EIA đối với Hoa Kỳ về việc cấm vận Việt Nam.
Tại CoP 16, Việt Nam đã đưa thông tin chính thức trên website của CITES về các nỗ trong thực thi CITES liên quan tới tê giác. Tại các phiên họp bên lề và phiên họp chính thức, Đoàn Việt Nam đã nêu ra những nỗ lực thực thi và kiên quyết phản đối những nhận định không chính xác của EIA và một số tổ chức phi chính phủ khác, đồng thời đưa ra những khó khăn trong quá trình thực hiện và cam kết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hành động để đấu tranh với buôn bán trái phép sừng tê giác và các loài hoang dã.
Ban thư ký CITES quốc tế và Hội nghị đánh giá cao các phát biểu của Việt Nam và cam kết sẽ tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ cho việc thực thi tại Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị cũng không đưa ra đề xuất chính thức hay cảnh báo về trừng phạt thương mại với Việt Nam như một số phương tiện thông tin đại chúng trong nước đưa tin.
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng đã có buổi gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ tài nguyên nước và Môi trường Nam Phi, tại buổi làm việc, phía Nam Phi khẳng định vẫn tiếp tục cho phép săn bắn hợp pháp tê giác.
Theo ông Đỗ Quang Tùng, Việt Nam đã thành công trong việc phối hợp với Thái Lan đề xuất đưa loài gỗ trắc vào phụ lục II và phối hợp với Hoa Kỳ đề xuất đưa họ rùa đầu to vào Phụ lục I tại Hội nghị các nước thành viên CITES lần thứ 16 (CoP16).
Họ rùa đầu to (Platysternidae) là loài phân bố đặc hữu ở khu vực Đông Nam Á. Chúng thích hợp với sinh cảnh nước lạnh, sạch ở các suối đá trong rừng. Không có thông tin về kích cỡ quần thể, ở một số quốc gia như Thái Lan, Lào quần thể còn khá tốt tại các khu vực sâu, xa khó tiếp cận, song ở Trung Quốc, Việt Nam loài này rất khó gặp. Xu hướng quần thể loài rùa này đang bị suy giảm, nguyên nhân là do mất sinh cảnh và bị săn bắn quá mức để phục vụ buôn bán và xuất khẩu. Loài rùa này đã được Việt Nam và Mỹ phối hợp đề xuất đưa từ Phụ lục II lên Phụ lục I và được Hội nghị thông qua.
Việt Nam cũng phối hợp với Thái Lan đề xuất đưa loài gỗ trắc (Dalbergia cochinchinensis) vào Phụ lục II. DO mức độ buôn bán, hiện tại đã có 10 loài gỗ trắc được đưa vào các phụ lục. Loài gỗ trắc Dalbergia cochinchinensis được phân bố rộng rãi ở Đông Dương. Sinh cảnh của loài gỗ trắc này là rừng nửa rụng lá ở Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, chủ yếu nằm ở độ cao 400-500m. Loài bị đe dọa chủ yếu là do khai thác lấy gỗ.
Tại Thái Lan ước tính chỉ còn khoảng 80.000 đến 100.000 cây, ở Việt Nam suy giảm trên 60%. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì gỗ trắc nằm trong nhóm IIA của Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Ông Tùng cho hay, với đề xuất của Trung Quốc về loài rùa mai mềm, đến Hội nghị lần này, rùa Hồ Gươm – một loài rùa mai mềm có giá trị to lớn trong tâm thức người Việt – mới được đưa vào danh mục bảo vệ. Nhưng phải 90 ngày sau khi Hội nghị kết thúc, các quyết định thay đổi này mới có hiệu lực.
Và theo ông Tùng, nếu chẳng may rùa Hồ Gươm bị bắt lên ăn thịt trong khoảng thời gian này thì cũng không có quy định nào để bảo vệ con rùa hàng trăm năm tuổi này.
Về kết quả chung của CoP16, Hội nghị đã thống nhất chọn ngày 3-3 hàng năm là ngày loài hoang dã thế giới (World Wildlife Day)
Ngoài ra, còn có một số quyết định liên quan các đề xuất về sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết, Quyết định thực thi CITES. Đối với bảo tồn voi, Hội nghị đã đồng ý giao Ủy ban thường trực đề xuất và thông qua cơ chế cho phép buôn bán ngà voi tại CoP17. Những nước có số lượng bắt giữ ngà voi lớn từ 800kg trở lên phải thu thập mẫu ngà voi bắt giữ để gửi giám định và phân tích ADN sau 60 ngày kể từ ngày bắt giữ. Các nước sẽ xây dựng kế hoạch hành động đấu tranh với buôn bán ngà voi trước ngày 15-5.
Đối với tê giác, thông báo ngay các vụ bắt giữ tê giác cho nước xuất xứ và Ban thư ký, ban hành các văn bản pháp quy để tăng cường thực thi, làm ADN các mẫu vật bắt giữ, có các biện pháp thắt chặt buôn bán trái phép trong nước, thực hiện các chương trình tuyên truyền để giảm cầu sừng tê giác. Với loài hổ, Hội nghị xây dựng báo cáo về quản lý, bảo tồn hổ; thường xuyên cung cấp các thông tin về bắt giữ và các vi phạm liên quan tới hổ. Hội nghị cũng đề nghị Ủy ban thường trực xem xét lại định nghĩa về "mẫu vật săn bắn".
Đối với các đề xuất đề nghị thay đổi các Phụ lục của Công ước, trong số 71 đề xuất, có ba đề xuất xin rút gồm đề xuất về tê giác và voi, ba đề xuất chưa xem xét do trùng với đề xuất đã được thông qua trước đó; 55 đề xuất được thông qua bao gồm cá mập, cá đuối, rùa và gỗ; chín đề xuất không được chấp nhận bao gồm cá sấu nước ngọt, nước mặn. Hai đề xuất của Việt Nam và một đề xuất của Nhật Bản chuyển ba loài rùa vào vào Phụ lục I chưa được xem xét tại Hội nghị này vì trùng với đề xuất của nước khác, trong khi đó CITES chưa có quy định cụ thể về trường hợp này.
Về các bước “hậu” CoP16, ông Tùng cho biết CITES Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi và ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của CITES được thay đổi sau CoP16 ngay sau khi có hiệu lực. Hoàn thiện các thủ tục phê duyệt Kế hoạch hành động và ký kết với Nam Phi, chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch và chuẩn bị cho chuyến thăm và làm việc với Nam Phi vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới. Chuẩn bị xây dựng Thông tư về quản lý mẫu vật săn bắn để ban hành trong 2014. Chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày ra nhập CITES vào năm 2014 để tuyên truyền, quảng bá về những nỗ lực trong việc thực thi CITES của các cơ quan chức năng Việt Nam. Xây dựng kế hoạch đấu tranh với buôn bán trái phép ngà voi.
Xây dựng đề án thành lập kho quốc gia để lưu giữ và trưng bày mẫu vật thuộc các Phụ lục CITES tịch thu phục vụ mục đích đào tạo, giáo dục, nâng cao nhận thức. Phối hợp với các cơ quan thực thi luật tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các mẫu vật thuộc Phụ lục CITES, trong đó tập trung vào mẫu vật tê giác và voi; kiên quyết đưa ra xét xử các vụ vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. (Nhân Dân 26/3)