Trang tin địa phương

Hai loài động vật phân bố ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang chính thức được ghi trong trong Danh lục Đỏ thế giới

Vào ngày 11/6/2014, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã chính thức xếp hạng loài Thằn lằn cá sấu (Shinisaurus crocodilurus) ở bậc Nguy cấp (EN) trong Danh lục đỏ thế giới. Trước đó, loài Cá cóc Việt Nam (Tylototriton vietnamensis) cũng đã được tổ chức này xếp hạng ở bậc NT (gần bị đe dọa). Loài Thằn lằn cá sấu lần đầu tiên được ghi nhận phân bố ở núi Yên Tử của Việt Nam vào năm 2003 còn loài Cá cóc Việt Nam được phát hiện là loài mới cho khoa học vào năm 2005 với mẫu chuẩn thu được ở KBTTN Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang.
Bên cạnh việc xếp hạng trong Danh lục Đỏ thế giới, cả hai loài trên đều được ghi trong danh mục các loài động vật được bảo vệ: loài Thằn lằn cá sấu thuộc Phụ lục II của CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp); loài Cá cóc Việt Nam thuộc Nhóm IIB (hạn chế, khai thác sử dụng vì mục đích thương mại) của Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và là loài đặc hữu của Việt Nam. Hiện nay, các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã lập hồ sơ đề xuất đưa cả 2 loài trên vào Sách Đỏ Việt Nam trong lần tái bản sắp tới cũng như kiến nghị đưa vào danh sách các loài động vật cần ưu tiên bảo tồn của Việt Nam. Trong một tiến trình quốc tế khác, các cơ quan quản lý và cơ quan khoa học của Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các cơ quan tổ chức của nước ngoài (CHLB Đức, Hoa Kỳ và Trung Quốc) xây dựng hồ sơ đề xuất nâng hạng loài Thằn lằn cá sấu từ Phụ lục II lên Phụ lục I của công ước CITES nhằm quản lý tốt hơn việc khai thác và buôn bán vì mục đích thương mại loài động vật quý hiếm này ở cấp độ quốc tế.
Ngoài ra, KBTTN Tây Yên Tử cũng là địa điểm có nhiều phát hiện mới trong những năm gần đây như loài Ếch yên tử (Odorrana yentuensis), ghi nhận mới loài Ếch cây lớn (Rhacophorus maximus), Ếch cây hai đốm (Rhacophorus rhodopus), Rắn hoa wen-nơ Amphiesmoides ornaticeps.
Như vậy, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tây Yên Tử không chỉ có tiềm năng đa dạng sinh học cao về thành phần loài mà còn là nơi cư ngự của nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm của thế giới và Việt Nam. Cảnh quan và các hệ sinh thái tự nhiên của khu vực núi Yên Tử cần tiếp tục được các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư hơn nữa, hỗ trợ kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm, đồng thời, góp phần bảo vệ và khai thác hợp lý các di tích lịch sử, giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh của Yên Tử trong tương lai./.
Lã Mạnh Cường
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang