Tin tức sự kiện

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị



Ngày 22/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 về "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh".

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tổng kết cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, các nông, lâm trường quốc doanh đã hoàn thành việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước. Đến nay, từ 185 nông trường, công ty nông nghiệp đã sắp xếp còn 145 công ty, giảm được 40 đầu mối; từ 256 lâm trường giảm còn 148 lâm trường, giảm 108 lâm trường quốc doanh. Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách hàng năm của nhiều công ty tăng nhanh, nhất là các công ty gắn được sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Sau sắp xếp, hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp ổn định và phát triển vùng nguyên liệu sẵn có của mình và không ngừng nâng cao đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Một số công ty nông, lâm nghiệp đã đổi mới cơ chế quản lý và hình thức tổ chức phù hợp; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ công ích; công ty nông, lâm nghiệp gắn sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc kinh doanh tổng hợp trên cơ sở phát huy lợi thế của công ty.

Các nông, lâm trường đã làm rõ hiện trạng sử dụng đất đai trên bản đồ, nhiều nông, lâm trường đã lập phương án quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); chuyển giao một phần đất về cho chính quyền địa phương, góp phần giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân; một số ít công ty nông, lâm nghiệp thực hiện giao khoán đất có hiệu quả.

Sau sắp xếp, hiệu quả sử dụng đất đai, cây trồng, vật nuôi và hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập của người lao động của một số ít công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên nhất là các công ty cao su, chăn nuôi gia súc, công ty lâm nghiệp sản xuất kinh doanh rừng trồng hoặc kinh doanh tổng hợp (lâm, nông, công nghiệp và dịch vụ) gắn với chế biến lâm sản và thị trường tiêu thụ sản phẩm, trở thành nòng cốt phát triển một số ngành hàng nông, lâm sản quan trọng; tạo điều kiện để hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 28 trong 10 năm qua cũng còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém: trong việc sắp xếp, chuyển đổi, đổi mới cơ chế quản lý và hình thức tổ chức các nông, lâm trường, nhiều doanh nghiệp thực chất mới thực hiện được việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; các công ty nông, lâm nghiệp làm nhiệm vụ kinh doanh là chủ yếu chưa chuyển hẳn sang sản xuất và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Luật doanh nghiệp. Nhiều công ty chưa tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất. Việc quản lý, sử dụng đất đai chưa tạo sự chuyển biến căn bản, phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, diện tích đất được cấp sổ đỏ chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều công ty nông, lâm nghiệp sử dụng đất đai, rừng, vườn cây lâu năm hiệu quả còn thấp; chưa đổi mới và phát triển các hình thức khoán ổn định, lâu dài đến hộ công nhân, người lao động; chưa hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành và doanh nghiệp trong việc triển khai Nghị quyết. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ.

Để Nghị quyết đạt hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm nghiệp phải phù hợp với chủ trương tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước tại Kết luận số 50-KL/TW, ngày 29/10/2012, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI); phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chủ trương tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phó Thủ tướng đề nghị các các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức về nội dung, yêu cầu của Nghị quyết; đổi mới cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới nông, lâm trường gắn với đổi mới quản lý, sử dụng đất đai, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, rừng, vườn cây lâu năm; tập trung giải quyết cơ bản các tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, tổ chức lại các nông, lâm trường làm nhiệm vụ kinh doanh theo mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH phù hợp với quy định của pháp luật, áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường, các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước có chính sách đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ công ích được giao cho các nông, lâm trường. Đồng thời, tạo được sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp, làm cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, rừng, vườn cây và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có của các nông, lâm trường góp phần xứng đáng vào phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các địa phương và sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng cho rằng cùng với việc rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, đồng thời tăng cường phối hợp thực hiện Nghị quyết giữa các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp và địa phương./.

Theo http://dangcongsan.vn