Số 6

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau mùa lễ hội Đền Hùng

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

Từ bao đời nay câu nói ấy luôn được vang vọng trong tiềm thức mỗi người dân Việt nhắc nhở chúng ta nhớ về nguồn cội của mình. Từ bọc trăm trứng năm mươi người con đã theo mẹ Âu Cơ xuống biển, năm mươi người con theo Cha lên núi xây dựng nên nhà nước Văn Lang đóng đô trên ngọn Nghĩa Lĩnh nơi là khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày nay.

Di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ tự các vua Hùng đã có công dựng nước - Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, là tâm điểm phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ và khu vực. Trong những năm gần đây Đền Hùng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình nhằm phục vụ đồng bào cả nước về thăm viếng và thắp hương tri ân công đức tổ tiên.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng có diện tích 1.030ha, trong đó có các công trình đền, chùa thờ tự các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, đền thờ tổ mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, đền thờ Lạc Long Quân, bảo tàng Hùng Vương và nhiều công trình mới đầu tư xây dựng trong những năm gần đây như hồ cảnh quan, đường dạo, cụm dịch vụ ngã năm đền Giếng, sân lễ hội, hệ thống bảng điện tử,... Đan xen giữa các di tích là rừng quốc gia Đền Hùng với diện tích được quy hoạch là 538ha. Hàng năm vào mùa lễ hội cùng với việc tổ chức cho du khách hành hương, thăm viếng Đền Hùng thì công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng là đặc biệt quan trọng.

Rừng tự nhiên Đền Hùng là kiểu rừng nhiệt đới núi thấp thứ sinh với tập đoàn cây bản địa phong phú có tác dụng cải tạo môi trường và phục vụ cảnh quan du lịch. Khu núi Hùng trước đây có diện tích là 13,1ha rừng tự nhiên, qua nhiều năm cải tạo khoanh nuôi, phục hồi bằng tập đoàn cây bản địa, đến nay diện tích rừng đã lên tới 32ha, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thực, động vật phát triển. Hệ thực vật tại Đền Hùng có 458 loài, thuộc 328 chi của 131 họ, 5 ngành thực vật. Trong đó có 204 loài cây có tác dụng làm dược liệu, nhiều loài trong đó thuộc loại quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam như trầm hương, vù hương, đinh, hoàng đàn, thổ phục linh,... Nhiều cây có tuổi hàng trăm năm như cây Vạn Tuế trước cửa Đền Trung có tuổi trên 800 năm, Đại trắng gần 500 năm. Về động vật có trên 175 loài thuộc 26 họ, trong đó có 132 loài động vật có xương sống, 59 loài chim, 13 loài thú, 14 loài bò sát và 9 loài lưỡng cư, có 7 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam gồm bói cá lớn, ác là, tê tê...

Ngoài khu vực rừng tự nhiên, rừng quốc gia Đền Hùng còn có trên 200ha rừng trồng ở các khu đồi xung quanh gồm các loài cây như thông, keo, bạch đàn với lớp thảm thực vật rất phong phú. Hệ thống rừng tự nhiên và rừng trồng tại khu di tích ngoài tác dụng phủ xanh tạo cảnh quan và phục vụ du lịch còn có rất nhiều cành khô, lá rụng tiềm ẩn nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. Đặc biệt trong những ngày diễn ra lễ hội khi thời tiết khô hanh, mỗi ngày có hàng ngàn tới hàng vạn du khách về thăm viếng, vui chơi, thắp hương... nếu không quản lý bảo vệ tốt thì nguy cơ gây cháy rừng là rất cao.

Nhận thức rõ điều đó ngay từ đầu năm Canh Dần 2010, lực lượng Kiểm lâm Phú Thọ đã triển khai các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng Đền Hùng. Hạt Kiểm lâm thành phố Việt trì đã tham mưu giúp Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tới người dân ở các khu dân cư, các trường học quanh khu vực Đền Hùng. Hướng dẫn 23 hộ nhận khoán bảo vệ rừng ký quy ước bảo vệ rừng. Phối hợp tu sửa, xây dựng các panô, áp phích, biển báo cấm mang lửa vào rừng. Phát hàng ngàn tờ rơi, hàng trăm tranh, ảnh tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Giúp kiện toàn lại ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng Đền Hùng.

Nhằm nâng cao công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, lãnh đạo các cơ quan kiểm lâm thường xuyên phối hợp với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy kiểm tra công tác chuẩn bị trước mùa lễ hội. Đặc biệt chú trọng ở những khu vực có nguy cơ cháy cao, các bể chứa nước, họng cứu hỏa, thiết bị, dụng cụ chữa cháy... Chỉ đạo Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách bảo vệ rừng Đền Hùng hướng dẫn các hộ khoán bảo vệ rừng, đội bảo vệ rừng thu dọn lớp thực bì theo đúng quy định. Ngay trước mùa lễ hội, Kiểm lâm Phú Thọ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - Công an Phú Thọ diễn tập tình huống chữa cháy rừng tại khu vực núi Nỏn, khu vực dịch vụ hồ mới Lâm Viên. Theo kế hoạch diễn tập phương án lực lượng kiểm lâm dùng một máy bơm tiến sâu về phía dưới khu nhà nghỉ Mai An Tiêm, triển khai máy bơm hút nước từ hồ Lâm Viên, sau đó triển khai 2 lăng chữa cháy rừng dưới chân núi Nỏn. Việc diễn tập đã thống nhất và bổ sung phương án xử lý khi có tình huống cháy rừng xảy ra phù hợp hơn.

Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng cho khu dân cư, trường học, các gia đình trong và xung quanh khu vực Đền Hùng, Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng quốc gia Đền Hùng trong dịp giỗ tổ Hùng Vương năm 2010 với mục tiêu là bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng tập trung, cây trồng phân tán trong khu vực rừng quốc gia Đền Hùng, đặc biệt là 32ha trong khu bảo vệ nghiêm ngặt. Chi cục đã tuyển chọn 25 cán bộ có nhiều kinh nghiệm và nghiệp vụ trưng tập lập đội bảo vệ rừng Đền Hùng. Đội bảo vệ rừng được chia làm 3 tổ theo phân vùng bảo vệ. Tổ 1 bảo vệ toàn bộ diện tích rừng Núi Vặn, phía bắc và phía đông Núi Vặn, cùng Hạt Kiểm lâm Phù Ninh bảo vệ rừng khu vực giáp ranh xã Hy Cương với xã Phù Ninh. Tổ 2 bảo vệ rừng khu vực từ cổng chính lên Đền Thượng, từ Đền Thượng xuống Đền Giếng; khu vực cầu Tình Duyên, vườn cây lưu niệm; khu vực đồi Công Quán và trục đường từ Quốc lộ 2 vào cổng chính. Tổ 3 bảo vệ rừng khu vực núi Trọc lớn, Trọc nhỏ, đồi thông gần hồ Lạc Long Quân, khu vực núi Nỏn, bãi đỗ xe khu vực đường 32, đường bao quanh hồ Gò Cong.

Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại khu di tích không chỉ được chú trọng đặc biệt trong dịp trước và trong mùa lễ hội mà càng phải được quan tâm khi lễ hội kết thúc. Là một lễ hội diễn ra dài ngày và lượng du khách về thăm viếng rất lớn, kéo theo đó là các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Rất nhiều lều quán tạm được làm từ các vật liệu như tre, nứa, gỗ nhỏ; cùng với đó là lượng rác được tạo ra từ các hoạt động ăn nghỉ của du khách tạo nên một lượng vật liệu cháy luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao xung quanh khu di tích. Nếu xảy ra cháy tại các lều tạm này rồi cháy lan lên các đồi có rừng tự nhiên thì hậu quả sẽ rất lớn làm mất đi rừng nguyên sinh và đe dọa đến các chùa, đình, công trình trong khu di tích. Thấy được tầm quan trọng đó, hàng năm Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ đều cử cán bộ tham gia đội liên ngành gồm Công an, Quản lý thị trường, Thuế, Tỉnh đội, báo Phú Thọ. Đội liên ngành hoạt động trước, trong và sau mùa lễ hội đôn đốc nhắc nhở các hộ kinh doanh và du khách chấp hành các nội quy của khu di tích nói chung và ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng. Đặc biệt là nhắc nhở các hộ kinh doanh lều, lán tạm thu dỡ ngay các vật liệu dễ cháy sau mùa lễ hội. Công tác kiểm tra dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng, các vị trí có nguy cơ xảy ra cháy cao, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng như hồ chứa nước, họng cứu hỏa được quan tâm. Duy tu, bảo dưỡng các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Kết thúc lễ hội công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ được tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc với mục tiêu đảm bảo an toàn nhất về phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong và sau mùa lễ hội Đền Hùng hàng năm.

THANH TUẤN