Số 5

Rừng Thạch Ngàn xanh trở lại

Theo đồng chí Lê Quang Hợp, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Con Cuông, năm 2010 xã Thạch Ngàn được phép phát rẫy theo vùng rừng luân canh là 30ha tại 4 bản: Thạch Sơn (bản Đan Lai mới tái định cư); bản Kẻ Tắt, Bá Hạ và bản Kẻ Gia. Phòng Nông nghiệp huyện kết hợp với Trạm kiểm lâm đóng tại bản Kẻ Gia và UBND xã Thạch Ngàn đã phân rõ vùng, chỉ tận nơi cho từng hộ được phát theo quy định để đảm bảo lương thực. Vùng rẫy luân canh được phát trong mùa rẫy năm nay là vùng lau lách hoặc dây chạc, nứa, giang hay vùng mà trước đây đã được phát, nay luân canh trở lại. Đồng chí Vi Thị Phòng, phó chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn cho biết: Theo kế hoạch mùa rẫy năm nay dân 4 bản trên được phép phát rẫy trên 120ha, nhưng nhờ có chủ trương hỗ trợ khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích đất bằng, khai thác hốc, chọ để mở rộng cây lúa nước. Xã chỉ cho phép một số hộ do không đủ đất sản xuất phát rẫy trong quy định. Ngay cả bản Kẻ Tre trước đây chuyên phát rẫy, mấy năm nay nhờ khai hoang phục hóa tốt, năm nay xã không giao chỉ tiêu rẫy, bà con đã tự giác chấp hành, không có hộ nào vi phạm. Các bản như: Tổng Xan, Kẻ Trai, Thanh Bình, Đồng Tâm, Đồng Thắng trước đây do công tác quản lý nương rẫy không chặt, nên có một số hộ lén lút vào rừng đầu nguồn giáp Quỳ Hợp, Quỳ Châu phát rẫy, ba năm nay nhờ có trạm kiểm lâm thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm khắc, kịp thời, hơn nữa nhân dân đã ý thức được việc phát rẫy ngoài quy định là vi phạm pháp luật nên việc phát rẫy trái phép giảm hẳn. Bên cạnh việc phát rẫy sai quy định trước đây, Thạch Ngàn là điểm tiếp giáp với 4 huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ và Anh Sơn. Là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, sự kiểm tra quản lý của huyện, đường giao thông đi lại khó khăn, đời sống của bà con các dân tọc thiểu số lại gặp khó khăn. Một số đầu nậu gỗ vùng Cầu Đất (xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn) lợi dụng sự khó khăn thiếu thốn của bà con, kích động lôi kéo, thuê dân Thạch Ngàn khai thác hoặc vận chuyển thuê cho chúng. Thạch Ngàn trở thành điểm nóng về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Huyện Con Cuông đã phối hợp với huyện Anh Sơn tổ chức họp giữa hai xã bàn giải pháp thực hiện. Hàng quý tổ chức giao ban hai xã và hạt kiểm lâm hai huyện, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản đã được ngăn chặn. Hạt kiểm lâm phối hợp với xã tổ chức cho nhân dân ký cam kết không vi phạm pháp luật, không phát rẫy sai quy định, tích cực bảo vệ và trồng rừng. Tất cả những vùng rẫy năm trước phát để trỉa lúa, trồng ngô, năm sau thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu giấy, lấy cây keo lá tràm làm cây chủ lực, bình quân hàng năm Thạch Ngàn trồng mới hơn trăm hécta rừng nguyên liệu giấy. Bản Thạch Sơn là bản bà con Đan Lai mới tái định cư, năm rồi cũng đã trồng được hơn 6ha rừng keo nguyên liệu. Tất cả vùng đất trống, đồi núi trọc của người dân trồng cây nguyên liệu giấy. Vùng đồi thấp phía ngoài, huyện có chủ trương đưa cây chè công nghiệp vào trồng. Hiện tại bà con đã tổ chức đào rãnh để trồng mới 150ha chè công nghiệp. Tất cả diện tích trồng sắn trước đây năm nay đưa vào diện tích trồng chè công nghiệp. Bên cạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tích cực trồng rừng, công tác giao đất, giao rừng cũng đang được tiến hành, phấn đấu hét năm nay diện tích trên 8.000ha rừng Thạch Ngàn đều có chủ. Khi rừng được giao cho bà con khoanh nuôi, quản lý bảo vệ việc vi phạm sẽ được ngăn chặn triệt để. Tuy nhiên để rừng luôn tươi xanh, đời sống của bà con ngày càng no đủ, ngoài các biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý, thì việc đầu tư phát triển cây chè, đưa giống mới có năng suất cao vào gieo trồng, mở mang ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho nhân dân đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp phải hết sức quan tâm. Và, đây có lẽ là biện pháp giữ rừng hiệu quả nhất!

PHÙNG VĂN MÙI