Số 1+2 năm 2008

Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc giai đoạn 2001-2006

Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng được quy định tại Luật bảo vệ và phát triển rừng. Những năm trước đây, ngành lâm nghiệp chỉ tổ chức thực hiện một số đợt kiểm kê rừng toàn quốc công bố vào các năm 1977, 1991 và 1999. Nhằm từng bước đưa công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp vào nền nếp, công bố hàng năm, đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp và phục vụ công tác điều hành, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ủy ban nhân dân các cấp. Thực hiện chủ trương này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 32/2000/CT/BNN-KL ngày 27/3/2000 giao cho lực lượng kiểm lâm tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong toàn quốc.

I. Mục đích yêu cầu và các nội dung cơ bản của theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

1. Mục đích. Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là nắm vững diện tích các loại rừng, đất lâm nghiệp hiện có được phân chia theo chức năng sử dụng rừng và loại chủ quản lý. Lập bản đồ hiện trạng rừng cấp xã tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000, nhằm giúp hoạch định chính sách lâm nghiệp ở địa phương và Trung ương phục công tác bảo vệ và phát triển rừng.

2. Yêu cầu. Cập nhật diện tích các loại rừng và đất lâm nghiệp trên cơ sở phân loại rừng và đất lâm nghiệp theo Quy phạm thiết kế kinh doanh rừng QPN 6-84 ban hành kèm theo Quyết định số 682B/QLKT ngày 01/8/1984 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Dữ liệu cơ sở ban đầu là kết quả kiểm kê rừng đã được công bố tại Quyết định 03/2001/QĐ-TTg ngày 5/1/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kết quả tổng kiểm kê rừng toàn quốc. Đơn vị cơ sở theo dõi và cập nhật là lô trạng thái. Đơn vị thống kê là tiểu khu rừng, xã, huyện, tỉnh và toàn quốc. Số liệu thu thập ở thực địa phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu và bản đồ rừng cấp xã tỷ lệ 1/25.000. Một số địa phương có điều kiện thì sử dụng bản đồ cấp xã tỷ lệ 1/10.000. Việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể như: Phần mềm cơ sở dữ liệu (DBR), phần mềm thống kê rừng (TKR), phần mềm xử lý bản đồ (MapInfo , Microstation), phần mềm xử lý ảnh viễn thám (ERDAS). Các phần mềm này được quản lý, sử dụng thống nhất trong toàn quốc, bảo đảm tính tích hợp dữ liệu từ địa phương tới trung ương.

3. Các nội dung cơ bản.

a. Đầu tư và đào tạo cán bộ. Nh?ng nam qua, các đơn vị đã đầu tư trang thiết bị và hệ thống mạng máy tính phục vụ xử lý và trao đổi thông tin hai chiều từ Cục Kiểm lâm đến Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm. Hầu hết các Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm đã sử dụng máy tính trong công tác quản lý của cơ quan. Đến nay, có 41 Chi cục Kiểm lâm sử dụng máy tính để quản lý cơ sở dữ liệu diễn biến rừng và thường xuyên báo cáo về Cục Kiểm lâm qua mạng Internet. Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là kiểm lâm phụ trách địa bàn xã có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nắm vững công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu trên máy tính, theo dõi diễn biến rừng ngoài thực địa. Xây dựng dựng cơ sở dữ liệu ban đầu bao gồm việc nạp vào máy tính các phiếu kiểm kê diện tích số 02; số hóa và biên tập bản đồ tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000 của các xã; kết nối bản đồ vào cơ sở dữ liệu.

b. Công tác ngoại nghiệp. Thu thập thông tin thay đổi tăng, giảm diện tích rừng ngoài thực địa theo các nguyên nhân: Trồng rừng, khai thác rừng, cháy rừng, sâu bệnh hại rừng, phá rừng làm rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khoanh nuôi bảo vệ rừng và nguyên nhân khác. Thu thập thông tin thay đổi theo loại chủ quản lý như: Doanh nghiệp nhà nước (lâm trường), Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban lý rừng phòng hộ, tổ chức liên doanh, hộ gia đình, tập thể, đơn vị vũ trang và UBND xã. Thu thập thông tin thay đổi theo chức năng sử dụng rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Bản đồ sử dụng để khoanh vẽ ngoài thực địa nhất thiết phải sử dụng loại có tỷ lệ 1/10.000 hoặc tỷ lệ cao hơn. Lô khoanh vẽ nhỏ nhất là 0,5ha. Hai phương pháp khoanh lô phổ biến thường được sử dụng là khoanh vẽ bằng GPS và khoanh vẽ bằng phương pháp dốc đối diện. Công tác ngoại nghiệp phải được thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng dồn vào tháng cuối năm. Kiểm lâm địa bàn là lực lượng chủ yếu để thu thập thông tin thực địa.

c. Công tác nội nghiệp. Đến nay, 35 địa phương đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu ban đầu và đã ứng dụng thành thạo phần mềm DBR, 6 địa phương sử dụng phần mềm thống kê rừng để quản lý số liệu đến cấp tiểu khu, số địa phương còn lại thống kê số liệu từ cấp xã bằng phương pháp thủ công trên máy tính (chủ yếu bằng EXCEL). Tình trạng này có thể còn kéo dài thêm một số năm nữa, do vậy các địa phương chưa đủ điều kiện quản lý rừng tới lô trạng thái thì sử dụng phần mềm thống kê rừng (TKR) để quản lý tới tiểu khu rừng. Việc cập nhật bản đồ đòi hỏi cán bộ sử dụng thành thạo phần mềm MapInfo. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy tại Phòng quản lý bảo vệ rừng của Chi cục Kiểm lâm phải cần ít nhất 2 cán bộ sử dụng thành thạo phần mềm MapInfo thì mới đủ khả năng giúp các Hạt Kiểm lâm cập nhật bản đồ trên máy tính. Về diện tích tự nhiên của các xã, phường, thị trấn cần phải thống nhất với Sở Tài nguyên Môi trường.

d. Trình duyệt và báo cáo kết quả. Hệ thống mẫu biểu báo cáo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thống nhất trong toàn quốc. Các báo cáo do Chi cục Kiểm lâm lập đối với xã, huyện, tỉnh; trước khi được công bố phải có xác nhận của cấp chính quyền tương ứng. Việc công bố số liệu rừng và đất lâm nghiệp của địa phương được thực hiện trước 28/2 hàng năm và gửi báo cáo về Cục Kiểm lâm để tổng hợp toàn quốc. Cục Kiểm lâm tổng hợp số liệu và bản đồ hiện trạng rừng từ 61 địa phương có rừng và tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hiện trạng rừng toàn quốc trước quý 2 hàng năm. Muốn thực hiện tốt nội dung trên, các Chi cục Kiểm lâm đang quản lý từ 10.000ha rừng trở lên, nhất thiết phải xây dựng dự án. Kinh phí dự án tập trung vào mua sắm trang thiết bị cho văn phòng Chi cục và các Hạt Kiểm lâm; đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở các Hạt Kiểm lâm; xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu. Những năm sau khi kết thúc dự án thì tiếp tục thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp bằng kinh phí sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng hàng năm.

II. Quá trình thực hiện và kết quả.

1. Thiết lập hệ thống các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn. Giai đoạn 2001 - 2006, Cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn gồm Chỉ thị số 32/2000/CT/BNN-KL ngày 27/3/2000 về việc tổ chức thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong cả nước; Thông tư số 102/2000/TT/BNN-KL ngày 2/10/2000 về việc hướng dẫn lập dự toán cho các dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định 78/2002/QĐ/BNN-KL ngày 28/8/2002 về việc ban hành Quy phạm kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong lực lượng Kiểm lâm; Văn bản 1248/BNN-KL ngày 23/5/2003 về việc tăng cường công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định số 1555/BNN-KL ngày 23/5/2003 về việc ban hành quy chế phối hợp giữa Cục Kiểm lâm và Viện Điều tra quy hoạch rừng trong Chương trình điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc; Văn bản 3074/BNN-KL ngày 12/9/2003 về việc đánh giá công tác theo dõi diến biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2002; Văn bản 1235/BNN-KL ngày 2/6/2004 về việc đánh giá công tác theo dõi diến biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2003; Văn bản 1223/BNN-KL ngày 30/05/2005 về việc đánh giá công tác theo dõi diến biến rừng và đất lâm nghiệp năm 2004; Văn bản 1314/BNN-KL ngày 20/3/2006 về việc hướng dẫn thực hiện theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp hàng năm.

2. Công tác chỉ đạo và điều hành của Cục Kiểm lâm. Cục Kiểm lâm đã ban hành văn bản số 196/KL-TCCB ngày 5/4/2000 về việc hướng dẫn lập dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Nhận thức được rằng các dự án theo dõi diễn biến rừng thực chất là các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rừng, ngay từ năm 2000 Cục Kiểm lâm đã xây dựng phần mềm máy tính để quản lý cơ sở dữ liệu (DBR). Để bảo đảm thành công, đầu năm 2001 Cục Kiểm lâm đã chọn 2 địa phương là Lào Cai và Vĩnh Phúc để thí điểm thực hiện. Sau này phần mềm DBR đã được sự góp ý kiến của nhiều cán bộ kỹ thuật của các Chi cục Kiểm lâm, đặc biệt là Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đăk Lăk, Phú Yên, Khánh Hòa... Đến nay phần mềm DBR phiên bản 6.5 cập nhật ngày 31/10/2007 đã đáp ứng được yêu cầu quản lý dữ liệu của các địa phương. Phần mềm thống kê rừng (TKR) phiên bản 3.0 cập nhật ngày 31/10/2007 đã đáp ứng yêu cầu lưu trữ số liệu rừng đến cấp tiểu khu nhằm giúp các địa phương chưa có điều kiện quản lý rừng tới lô trạng thái. Biên soạn bộ giáo trình về sử dụng phần mềm MAPINFO để lưu trữ và quản lý bản đồ trên máy tính; Quy trình kỹ thuật (tạm thời) về thu thập thông tin thực địa. Từ năm 2001 đến nay, Cục Kiểm lâm đã tổ chức 12 khóa tập huấn và đã đào tạo được khoảng 600 cán bộ kỹ thuật từ các Chi cục Kiểm lâm về các nội dung như: Quy trình kỹ thuật thu thập thông tin thực địa; Sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu DBR, TKR; Sử dụng phần mềm MapInfo để quản lý bản đồ; Sử dụng GPS để khoanh vẽ trên thực địa... Thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để giúp tập huấn cán bộ, giúp xây dựng hệ thống mạng vi tính và các phần mềm quản lý khác như phần mềm báo cáo thống kê hàng tháng, phần mềm quản lý các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng... ứng dụng công nghệ viễn thám để lập bản đồ rừng và đã tổ chức thực hiện thí điểm tại các địa phương Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bình Dương và Bình Phước để xây dựng bản đồ rừng cấp xã tỷ lệ 1/25.000 và xây dựng cơ sở dữ liệu rừng. Qua thực hiện tại các địa phương đã rút ra các kết luận: Nếu sử dụng ảnh vệ tinh ASTER có độ phân giải 15mx15m của Nhật Bản thì mất rất nhiều công sức đi lấy mẫu ảnh và kiểm tra thực địa sau khi giải đoán ảnh. Tuy nhiên giá thành 1 cảnh (60km x 60km) chỉ 80USD; Nếu sử dụng ảnh vệ ảnh vệ tinh SPORT với độ phân giải 5m x 5m thì giá thành là 3000USD cho một cảnh (đối với Lào Cai cần 10 cảnh, Vĩnh Phúc 3 cảnh, Bình Dương 3 cảnh); Nếu sử dụng ảnh vệ tinh SPORT với độ phân giải 2,5m x 2,5m thì giá thành là 6000USD cho một cảnh. Với loại ảnh này gần như không cần đi thực địa, nhìn trên ảnh có thể phân biệt được loại đất, loại rừng. Hàng năm, Cục Kiểm lâm đều tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố số liệu hiện trạng rừng toàn quốc.

3. Các địa phương. 45 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, trong đó đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm làm phó ban thường trực. 44 địa phương đã được phê duyệt dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, trong đó đã có 35 địa phương xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu ban đầu từ việc nạp các thông tin kết quả kiểm kê rừng vào máy tính; số hóa và biên tập bản đồ rừng cấp xã và tổ chức thu thập thông tin thực địa để cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Một số địa phương như Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Bình đã tự số hóa và biên tập bản đồ rừng của địa phương mình. 35 Chi cục Kiểm lâm đã được đầu tư trang thiết bị và đào tạo cán bộ kỹ thuật đến Hạt Kiểm lâm. 5 năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố số liệu hiện trạng rừng ở địa phương và gửi báo cáo về Cục Kiểm lâm đúng thời gian quy định. Trong đó 41 Chi cục Kiểm lâm báo cáo về Cục Kiểm lâm bằng kết quả in ra từ cơ sở dữ liệu; 20 địa phương báo cáo kết quả bằng cách tập hợp và thống kê số liệu từ xã lên huyện và toàn tỉnh, nhưng do chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu nên mất nhiều thời gian, công sức, độ chính xác không cao.

III. Tồn tại và hướng khắc phục.

1. Tồn tại.

a. Nhận thức. Công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp ở cấp vi mô tại các địa phương lần đầu tiên được tổ chức thực hiện trong toàn quốc. Đây là việc làm mới, chưa có kinh nghiệm, chưa có nhận thức đầy đủ về các nội dung kỹ thuật. Về phương diện nào đó thì công tác theo dõi diễn biến rừng ở cấp vi mô là việc làm thường xuyên để giúp việc thống kê rừng hàng năm và là cơ sở cho việc kiểm kê rừng 5 năm một lần. Cần chú trọng việc điều tra các nguyên nhân làm thay đổi rừng như: trồng mới, khai thác, cháy rừng, sâu bệnh hại rừng, phá rừng làm nương rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và khoanh nuôi tái sinh rừng. Việc thống kê này phải được sử dụng công nghệ hiện đại như: Cơ sở dữ liệu, công nghệ GIS và cả công nghệ viễn thám. Tất cả đều rất mới đối với cán bộ kỹ thuật ở địa phương. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm của một số địa phương không nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và sự khó khăn của công tác này, dẫn đến sự chậm chạp, tắc trách và thiếu trách nhiệm. ở trung ương, sự phối hợp giữa Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp và Viện Điều tra quy hoạch rừng trong công theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp chưa tương xứng với nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi bên.

b. Trình độ cán bộ. Mặc dù Cục Kiểm lâm đã chuyên tâm đào tạo tin học cho lực lượng kiểm lâm toàn quốc ngay từ năm 1996, nhưng chỉ dừng lại ở cấp Chi cục. Cán bộ kỹ thuật cấp Hạt Kiểm lâm có ít điều kiện tiếp xúc với máy tính, và thực tế số lượng cán bộ cần đào tạo khá lớn nên Cục Kiểm lâm không thể tổ chức tập huấn tin học cho cấp Hạt được. Kinh nghiệm cho thấy, nếu Chi cục Kiểm lâm nào chú ý đến đào tạo nhiều cho Hạt Kiểm lâm thì nơi đó thực hiện tốt việc theo dõi diễn biến rừng. Một số Chi cục điển hình làm tốt công tác đào tạo cán bộ như: Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cà Mau... Về thu thập thông tin thực địa, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã là lực lượng quan trọng để thu thập thông tin thực địa. Thế nhưng nhìn chung chưa được đào tạo đầy đủ. Mặt khác, công cụ để khoanh vẽ lô rừng như GPS không phải nơi nào cũng có. Việc thiếu phương tiện kỹ thuật dẫn đến chất lượng thu thập thông tin thấp.

c. Đầu tư. Nhiệm vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, hàng năm. Cán bộ làm công tác này cần được ổn định và được đào tạo thường xuyên. Thực tế nhiều địa phương đã không làm được như vậy, cán bộ được đào tạo nhưng không thực hiện nhiệm vụ này hoặc chuyển qua bộ phận khác. Về tài chính, đến nay đã có 44 địa phương được phê duyệt dự án thì mới chỉ có 37 Chi cục được cung cấp kinh phí. Các địa phương có trên 10.000ha rừng nhưng chưa được phê duyệt dự án gồm: Tuyên Quang, Hòa Bình, Long An, thành phố Đà nẵng, Hà Tây, Hải Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang. Các địa phương đã được phê duyệt dự án nhưng chưa có đầu tư hoặc đầu tư rất ít như: Điện Biên, Yên Bái, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam. Về phía Cục Kiểm lâm là cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra và tập hợp số liệu, bản đồ rừng từ các địa phương để tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hiện trạng rừng toàn quốc. Hàng năm, Cục Kiểm lâm phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, song về kinh phí được cấp rất hạn chế.

d. Chất lượng báo cáo. Hiện nay hệ thống báo cáo của kiểm lâm chia ra làm 3 loại: Loại thứ nhất gồm 35 địa phương đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu ban đầu. Các địa phương này theo dõi diến biến và cập nhật sự biến động đến lô trạng thái rừng. Việc tổng hợp báo cáo được thực hiện bằng phần mềm DBR nên báo cáo đạt độ tin cậy cao hơn. Loại thứ hai gồm 6 địa phương đã xây dựng cơ sở dữ liệu đến tiểu khu rừng, chưa cập nhật được bản đồ, chất lượng báo cáo chưa cao. Loại thứ ba gồm 20 địa phương còn lại chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu. Hàng năm các địa phương này chỉ cập nhật một số thay đổi ở cấp xã, chưa điều tra theo dõi ngoài thực địa. Về bản chất vẫn dựa vào kết quả kiểm kê năm 1999 rồi bổ sung thêm, chất lượng báo cáo có độ tin cậy thấp.

e. Sự phối hợp giữa các cơ quan lâm nghiệp Trung ương. Trong giai đoạn 2001-2006 đã có sự phối kết hợp giữa 3 cơ quan liên quan dến công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp (Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp và viện Điều tra quy hoạch rừng) nhưng chưa chặt chẽ, thể hiện cụ thể như sau: Kết quả của Chương trình Điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng do Viện Điều tra quy hoạch rừng thực hiện chưa đóng góp cho việc công bố hiện trạng rừng hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc phối hợp mới được đặt ra cho giai đoạn 2008-2010 nhưng còn thiếu các biện pháp cụ thể. Công trình rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg không có cơ sở dữ liệu dùng chung tới lô trạng thái, không có quy chuẩn về biên tập bản đồ rừng. Điều này đẫn tới việc cập nhật kết quả rà soát 3 loại rừng vào cơ sở dữ liệu rừng của Kiểm lâm để tiếp tục theo dõi hàng năm gặp rất nhiều khó khăn.

2. Hướng khắc phục. Các địa phương đã thực hiện dự án theo dõi diễn biến rừng và đã kết thúc thì từ năm 2008 trở đi, trình UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí sự nghiệp bảo vệ rừng để thực hiện hàng năm. Các địa phương đã phê duyệt dự án theo dõi diễn biến rừng nhưng chưa bố trí kinh phí như: Điện Biên, thành phố Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam thì Chi cục Kiểm lâm tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, thành phố bố trí đủ kinh phí để thực hiện dự án từ năm 2008. Các địa phương chưa được phê duyệt dự án theo dõi diễn biến rừng (Tuyên Quang, Hòa Bình, Long An, thành phố Đà Nẵng, Hải Dương, Đồng Tháp) thì Chi cục Kiểm lâm trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện ngay. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan lâm nghiệp ở Trung ương: Cục Kiểm lâm phối hợp với Viện Điều tra Quy hoạch rừng để xây dựng cơ sở dữ liệu tới lô trạng thái và bản đồ rừng cấp xã giai đoạn 2008-2010 cho 12 tỉnh, thành phố có nhiều khó khăn (Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Long An). Mặt khác Cục Kiểm lâm đề nghị một cơ chế giám sát kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp do địa phương thực hiện hàng năm. Sau khi Bộ ban hành Quy định mới về phân loại rừng và đất lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm sớm cập nhật, nâng cấp các phần mềm cơ sở dữ liệu và tham mưu cho Bộ ban hành Quy trình kỹ thuật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Đề nghị Bộ Nông nghiệp sớm ban hành các quy chuẩn về biên tập bản đồ; quy chuẩn về chuyển đổi bản đồ từ phép chiếu UTM sang VN2000; Thông tư hướng dẫn thống kê rừng, kiểm kê rừng. Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS để giảm nhẹ công sức điều tra thực địa. Trong năm tới Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa trạm thu ảnh vệ tinh có khả năng thu nhận các ảnh vệ tinh có độ phân giải cao như ảnh SPOT vào sử dụng, Cục Kiểm lâm sớm phối hợp với Viện Điều tra quy hoạch rừng sử dụng ảnh vệ tinh phân giải cao phục vụ công tác theo dõi diễn biến rừng cho các địa phương.

Nguyễn Hồng Quảng