Số 1+2 năm 2008

Đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm phía Bắc tỉnh Bình Phước, thuộc huyện Phước Long. Ranh giới phía Bắc và phía Tây được xác định theo suối Đăk Huýt và cũng là ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia. Phía Đông giáp tỉnh Đăk Nông, phía Nam giáp với Lâm trường Bù Gia Mập, và 2 xã Đăk Ơ và xã Bù Gia Mập, cách thành phố Hồ Chí Minh 200km. Với diện tích 26.032ha, đây là nơi có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh Bình Phước. Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm trong đoạn cuối của dãy Trường Sơn Nam, bao gồm hai kiểu rừng chính là rừng thường xanh và rừng nửa rụng lá trên núi thấp, là khu chuyển tiếp giữa vùng đồi núi và vùng thấp. Độ cao trung bình từ 300m đến 750m giảm dần theo hướng Đông Bắc -Tây Nam.

Kết quả khảo sát của Phân viện điều tra và quy hoạch rừng Nam Bộ thực hiện năm 2004 đã ghi nhận có khoảng 724 loài thực vật thuộc 366 chi, 109 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Gần đây trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bù Gia Mập giai đoạn 2006 - 2008” với sự tài trợ của Quỹ bảo tồn Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Viện sinh học nhiệt đới kết hợp với các cán bộ Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã tiến hành khảo sát nhanh để đánh giá tính đa dạng sinh học, thực hiện tháng 6 và 7 năm 2007 kết quả đợt khảo sát này đã bổ sung thêm 101 loài, 40 chi, 10 họ và 1 bộ nâng tổng số loài ghi nhận lên 808 loài, 396 chi, 118 họ, 59 bộ của 5 ngành thực vật có mạch.

Trong các loài thực vật kể trên có 14 loài thực vật bậc cao được xếp loại trong Sách đỏ Việt Nam (1996) bao gồm 1 loài nguy cấp (E) là trầm hương (dó) (Aquilaria crassna); 5 loài sẽ nguy cấp (V) là đầu ngỗng (Anaxogorea luzonensis); cẩm thị (Diospyros maritima); gõ đỏ (Afzelia xylocarpa); cẩm lai Bà Rịa (Dalbergia bariense); cẩm lai nam (Dalbergia cochinchinensis); 1 loài hiếm (R) là lan ý thảo (Dendrobium gratiosissimum), 2 loài bị de dọa (T) là gáo tròn (Adina cordifolia); mã tiền Thorel (Strychnos thorellii) và 5 loài không biết chính xác (K) là tung (Tetrameles nudiflora); lười ươi (Scaphium macropodium); gõ mật (Sindora siamensis); dáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpus); xây (Dialium cochimchinensis).

Với vị trí địa lý giáp Campuchia, Vườn quốc gia Bù Gia Mập gắn liền với các khu bảo tồn thuộc tỉnh Mondulkiri. Tại Campuchia, gần đây các nhà khoa học đã phát hiện nhiều loài động vật hoang dã có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn là chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) với số bầy lên đến 25 và số cá thể có thể lên đến 400 con; vượn má vàng (Nomascus gabrillae) có khoảng 40 - 50 bầy và số cá thể có thể trên 200 con; khỉ đuôi lợn (Macaca leonina); hổ Đông Dương (Pathera tigris); voi Châu á (Elephas maximus)…

Thành phần khu hệ chim tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập ghi nhận 84 loài thuộc 11 bộ 29 họ. Trong 5 loài thì 3 loài có phân bố hẹp là gà so cổ hung (Arborophila davidi), gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) và chích chạch má xám (Macronous kelleyi) (Stattersfied et al, 1998) và 2 loài bị đe dọa toàn cầu là gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ (IUCN 2000), loài bị đe dọa cấp quốc gia là gà lôi hông tía (Lophura diardi) và niệc mỏ vằn (Aceros undulatus).

Mặc dù chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đầy đủ và chi tiết, nhưng những quan sát trên thực địa cho thấy khu hệ động, thực vật khá phong phú, một số loài thực vật bậc cao quý hiếm, có giá trị kinh tế, những loài động vật hoang dã quý hiếm hiện diện tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập là những loài cần đặc biệt chú ý trong công tác bảo tồn và phát triển.

Phạm Thị Hiếu