Số 6

Những sửa đổi, bổ sung cơ bản của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Ngày 02/11/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thay thế Nghị định số 159/2007/NĐ-CP. Cục Kiểm lâm đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 99/2009/NĐ-CP và tập huấn một số nội dung có liên quan. Tuy nhiên, nội dung Nghị định bao quát nhiều vấn đề, thời gian tập huấn, số lượng cán bộ kiểm lâm tham dự có hạn, việc cập nhật những sửa đổi, bổ sung là cần thiết và cấp bách. Để giúp cán bộ, công chức kiểm lâm tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng thống nhất, Bản tin Kiểm lâm Việt Nam xin giới thiệu những sửa đổi, bổ sung cơ bản Nghị định 99/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản so với Nghị định 159/2007/NĐ-CP để bạn đọc tham khảo.

I. Những quy định chung.

1. Tại Điều 2 bổ sung quy định gỗ, củi để áp dụng trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, gỗ tròn gồm: gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10cm đến dưới 20cm, chiều dài từ 1 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20cm trở lên, chiều dài từ 30cm trở lên. Riêng đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không phân biệt kích thước. Như vậy gỗ, củi khai thác hợp pháp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 99/2009/NĐ-CP.

2. Bổ sung quy định về cho thuê, cho mượn công cụ, phương tiện, thuê người điều khiển phương tiện phải có hợp đồng và phải xuất trình trong 24 giờ kể từ khi bị phát hiện có vi phạm. Đây là căn cứ để xem xét, quyết định xử lý đối với phương tiện vi phạm hành chính; không phải thủ tục bắt buộc cho tất cả các trường hợp xử lý vụ vi phạm.

3. Bổ sung quy định trong trường hợp hành vi vi phạm trước là thực hiện có tổ chức nhưng hậu quả vi phạm đó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm khác (như đốt nương làm rẫy cháy lan đến rừng) thì hành vi vi phạm tiếp theo không bị coi là vi phạm có tổ chức.

4. Tại Điều 3, bổ sung quy định xử phạt đối với trường hợp một người vi phạm nhiều hành vi nối tiếp nhau, cùng một đối tượng bị xâm hại, chỉ bị xử phạt một hành vi vi phạm có mức phạt tiền quy định cao nhất trong các hành vi vi phạm đó.

Ví dụ: một người thực hiện hành vi khai thác rừng trái phép lại tiếp tục thực hiện hành vi vận chuyển trái pháp luật lâm sản khai thác trái phép đó hoặc vừa thực hiện hành vi mua, bán lâm sản trái pháp luật lại tiếp tục thực hiện hành vi vận chuyển trái pháp luật lâm sản mua, bán đó là thuộc trường hợp quy định được bổ sung tại Điều 3 Nghị định số 99/2009/NĐ-CP.

5. Bổ sung quy định về chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp vi phạm gây thiệt hại nhiều loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) nếu diện tích bị thiệt hại đối với mỗi loại rừng không vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tổng hợp diện tích bị thiệt hại của các loại rừng vượt quá mức tối đa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với loại rừng bị thiệt hại có khung tối đa xử phạt vi phạm hành chính thấp nhất thì chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: phá rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì lấy tổng diện tích 3 loại rừng bị thiệt hại so sánh với rừng sản xuất; phá rừng phòng hộ với rừng đặc dụng thì lấy tổng diện tích 2 loại rừng bị thiệt hại so sánh với rừng phòng hộ.

6. Bổ sung quy định về chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp vi phạm gây thiệt hại nhiều loại lâm sản (gỗ thông thường với gỗ quý, hiếm) nếu gây thiệt hại nhiều loại gỗ, lâm sản thì lấy tổng khối lượng 2 loại gỗ (thông thường và quý, hiếm) so sánh với khối lượng gỗ thông thường quy định mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính.

7. Về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 6 đã có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản nhằm phân biệt rõ hơn thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt như hạt trưởng Hạt kiểm lâm.

8. Một số điểm cần lưu ý: tại điểm a, khoản 7, Điều 3 quy định: Các trường hợp vi phạm mà tang vật là thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB (trừ hành vi nuôi động vật nhóm IB trái pháp luật, quy định tại Điều 19 Nghị định này). Tuy nhiên, Luật số 37/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 1999 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2010 quy định hành vi nuôi, nhốt động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là tội phạm (hiện nay danh mục "động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ" chưa được ban hành).

II. Về hành vi vi phạm và mức xử phạt.

Hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt quy định tại Chương II Nghị định 99/2009/NĐ-CP có những sửa đổi, bổ sung cơ bản như sau:

1. Về khung tiền phạt: khung tiền phạt đối với từng hành vi vi phạm cụ thể được quy định bởi giới hạn mức phạt tiền tối thiểu và mức phạt tối đa; các khung tiền phạt được tăng dần từ thấp đến cao tương ứng với mức độ gây hậu quả và theo thẩm quyền xử phạt của từng chức danh.

2. Về mức tiền phạt tối đa: nâng mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm một cách đáng kể so với Nghị định 159, theo quy định của Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/4/2008 của ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trong đó 3 hành vi: vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng (Điều 19); vận chuyển lâm sản trái pháp luật (Điều 20); mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước (Điều 21), có mức phạt tiền tối đa 500.000.000 đồng. Tuy nhiên trường hợp vi phạm quy định tại Điều 20 và Điều 21 mà tang vật là gỗ thì mức phạt tiền tối đa chỉ đến 100.000.000 đồng, tương ứng với khối lượng gỗ ở mức tối đa quy định xử phạt vi phạm hành chính (gỗ tròn loại thông thường 20m3; gỗ quý, hiếm nhóm IIA là 7m3). Các hành vi vi phạm khác trong Chương II của Nghị định số 99/2009/NĐ-CP có mức phạt tối đa dưới 500.000.000 đồng. Việc chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng cho các trường hợp vi phạm gây hậu quả vượt quá mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính do hành vi vi phạm gây ra theo hành vi tương ứng cũng như trường hợp vi phạm quy định tại các điều 19, 20, 21 mà tang vật là thực vật rừng và bộ phận của chúng ngoài gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng.

3. Nhất thể hóa quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm có tính chất định tính, không định lượng về tại Điều 8 (khoản 1 Điều 12: vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và khoản 1 Điều 20: vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng tại Nghị định 159 vào Điều 8 Nghị định 99/2009/NĐ-CP).

4. Nhất thể hóa hành vi: vi phạm quy định về phá rừng để làm nương rẫy (Điều 11 Nghị định 159) với hành vi: Phá rừng trái phép (Điều 17 Nghị định 159) tại hành vi: Phá rừng trái pháp luật (Điều 17 Nghị định 99/2009/NĐ-CP).

5. Nhất thể hóa quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với rừng trồng và rừng tự nhiên, theo 3 loại rừng: sản xuất, phòng hộ, đặc dụng.

6. Sửa đổi quy định xử phạt hành vi vi phạm mà tang vật là gỗ thông thường, theo đó chỉ quy định chung là gỗ thông thường (không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm), không phân biệt thành 2 loại: từ nhóm I đến nhóm III và từ nhóm IV đến nhóm VIII như Nghị định 159.

7. Bỏ quy định xử phạt hành vi khai thác củi, thực vật rừng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 18 Nghị định 159. Hành vi mang dụng cụ thủ công vào rừng để khai thác lâm sản trái phép bị xử phạt theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 8, Nghị định 99/2009/NĐ-CP)

8. Bổ sung quy định xử phạt trường hợp được phép nuôi động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc các loại động vật hoang dã khác nhưng vi phạm quy định về tiêu chuẩn chuồng, trại nuôi bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

9. Sửa đổi cơ bản quy định xử phạt hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật quy định tại Điều 20 Nghị định 99, như sau:

- Người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật (người điều khiển phương tiện) bị xử phạt trên cơ sở khối lượng, giá trị lâm sản vận chuyển trái pháp luật, không kể lâm sản vận chuyển trái pháp luật là của ai;

- Đối với chủ lâm sản bị xử phạt về hành vi: Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước quy định tại Điều 21 Nghị định 99.

Những sửa đổi, bổ sung nêu trên tại điều này cho thấy trong bất cứ trường hợp nào, người điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản cho mình hoặc cho người khác; lâm sản có chủ hoặc không chứng minh được chủ lâm sản thì người điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản trái pháp luật đều bị xử phạt. Trường hợp có nghi vấn lâm sản vận chuyển trái pháp luật là của người khác nhưng người điều khiển phương tiện nhận thay cho người đó thì cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phải chứng minh chủ lâm sản để xử lý theo quy định.

- Chủ sở hữu phương tiện bị xử phạt như quy định đối với người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật (trừ trường hợp phương tiện đó bị chiếm đoạt hoặc bị sử dụng trái phép).

Như vậy trong trường hợp chủ phương tiện cũng là người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì bị xử phạt về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật; còn trường hợp chủ phương tiện giao phương tiện cho người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật thì chủ phương tiện cũng bị xử phạt như quy định đối với người điều khiển phương tiện.

10. Bổ sung quy định xử phạt đối với chủ nhà hoặc chủ cơ sở chế biến cất giữ lâm sản trái phép mà không có cơ sở để xác định lâm sản của người khác thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 (mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của Nhà nước).

III. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III của Nghị định 99, có những sửa đổi, bổ sung cơ bản như sau:

1. Sửa đổi các quy định về thẩm quyền xử phạt của các chức danh thuộc cơ quan Kiểm lâm và UBND các cấp theo quy định của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Theo đó thẩm quyền xử phạt của một số chức danh sửa đổi, bổ sung như sau:

- Kiểm lâm viên phạt tiền đến 200.000 đồng (Nghị định 159 là 100.000 đồng).

- Trạm trưởng Kiểm lâm phạt tiền đến 5.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến 20.000.000 đồng (Nghị định 159 phạt tiền đến 2.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến 10.000.000 đồng).

- Hạt trưởng Kiểm lâm; Đội trưởng Kiểm lâm cơ động tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến 30.000.000 đồng (Nghị định 159 là 20.000.000 đồng).

- Cục trưởng Kiểm lâm phạt tiền đến 500.000.000 đồng (Nghị định 159 là 30.000.000 đồng).

- Chủ tịch UBND cấp xã phạt tiền đến 2.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến 2.000.000 đồng (Nghị định 159 là 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị đến 500.000 đồng).

- Chủ tịch UBND cấp huyện phạt tiền đến 30.000.000 đồng (Nghị định 159 là 20.000.000 đồng).

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh phạt tiền đến 500.000.000 đồng (Nghị định 159 là 30.000.000 đồng).

2. Bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính gây hậu quả đối với rừng của nhiều địa phương liền kề thì thẩm quyền xử phạt thuộc về địa phương bị thiệt hại về rừng nhiều nhất trong vụ vi phạm đó xử phạt (Điều 26).

IV. Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Chương V).

1. Tại Điều 36 bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

2. Tại Điều 44 bổ sung quy định “Trong trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã hết thời hiệu thi hành do người bị xử phạt không có khả năng nộp tiền phạt thì người đã ra quyết định xử phạt phải tổng hợp, báo cáo về Chi cục Kiểm lâm để tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh giải quyết”.

3. Sửa đổi, bổ sung cơ bản hệ thống mẫu biểu xử phạt vi phạm hành chính (có 19 loại mẫu biểu).

Sự cần thiết phải ban hành nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

- Do sự thay đổi của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: Ngày 2/4/2008, ủy ban thường vụ quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính của các ngành phải điều chỉnh để phù hợp với pháp lệnh này.

- Các mức phạt không còn phù hợp, một số hành vi mức phạt nhẹ, không đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Một số quy định về xử phạt chưa bao quát, còn bị đối tượng vi phạm lợi dụng, cần thiết phải có sự thay đổi, điều chỉnh trong xử lý.

- Trong quá trình thực hiện Nghị định 159, các cơ quan thừa hành pháp luật đã phát hiện một số bất cập đề nghị phải sửa đổi vào nghị định.

Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo.

- Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Luật bảo vệ và phát triển rừng, Bộ luật hình sự và Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12.

- Kế thừa những quy định tích cực của Nghị định 159; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, bổ sung những quy định mới phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

- Xây dựng nghị định đủ chi tiết để thực thi, không phải ban hành thông tư hướng dẫn.

HOÀNG XUÂN TRINH