Số 4

Bảo vệ rừng dự trữ sinh quyển Cần Giờ

Cần Giờ là huyện ngoại thành nằm về hướng Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50km. Huyện có hơn 20km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, có các cửa sông lớn Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Cần Giờ giáp ranh với huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Thành, thị xã Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu); huyện Cần Đước, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang); huyện Nhà Bè. Diện tích tự nhiên của Cần Giờ là 70.421ha, có hơn 34.513ha rừng ngập mặn và đất lâm nghiệp, trong đó 31.873ha diện tích có rừng (30.436ha rừng phòng hộ, 1437ha rừng sản xuất). Trong thời kỳ chiến tranh, rừng Cần Giờ đã bị bom đạn, chất độc hóa học của Mỹ hủy diệt hoàn toàn. Sau giải phóng, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã tập trung trồng, tái tạo lại rừng, khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Hơn 30 năm xây dựng và bảo vệ, rừng ngập mặn Cần Giờ đã không ngừng phát triển, được đánh giá là một trong những khu rừng được quản lý, bảo vệ tốt của cả nước. Ngày 21/1/2000, khu rừng này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, hiện nay đang được đầu tư để xây dựng thành khu bảo tồn thiên nhiên, hệ động, thực vật hoang dã từng bước được phục hồi. Đó là thành quả hết sức to lớn từ sự đóng góp công sức của toàn xã hội trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Hạt Kiểm lâm Cần Giờ, những chiến sĩ đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua gian khổ, quyết tâm gìn giữ cho màu xanh thành phố ngày càng phát triển bền vững. Hạt Kiểm lâm Cần Giờ, trước đây là Hạt Kiểm lâm nhân dân huyện Duyên Hải thành lập ngày 1/4/1978, vào thời điểm chuyển giao huyện Duyên Hải từ tỉnh Đồng Nai về thành phố Hồ Chí Minh. Hạt Kiểm lâm Cần Giờ có 42 cán bộ, công chức, được tổ chức thành 5 trạm và tổ cơ động khắp địa bàn rừng Cần Giờ. Hạt Kiểm lâm Cần Giờ với vai trò là cơ quan chuyên ngành, thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai thực hiện các hoạt động. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Hạt đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Việc tuyên truyền được thể hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thực tế địa phương như tuyên truyền qua 29 bảng quy ước bảo vệ rừng dọc tuyến đường giao thông, các khu dân cư tập trung; cung cấp các tờ bướm có nội dung tuyên truyền bảo vệ rừng; tuyên truyền miệng qua hội họp, xử lý vi phạm; lập cam kết đối với các quán ăn, nhà hàng, các hộ dân sản xuất thủy sản dưới tán rừng; phối hợp với phòng tư pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Cần Giờ đã tổ chức và duy trì hoạt động đối với lực lượng quần chúng bảo vệ rừng. Trong nhiều năm qua, lực lượng này đã góp phần đáng kể trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép. Hiện nay, tại mỗi tiểu khu rừng đều có tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng bán chuyên trách với hơn 300 người và 167 hộ nhận khoán bảo vệ rừng, bố trí đều trên 24 tiểu khu. Để lực lượng này hoạt động hiệu quả, mỗi tháng cán bộ kiểm lâm phụ trách tiểu khu đều đến sinh hoạt, hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến các văn bản liên quan, đồng thời tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong hoạt động bảo vệ rừng. Trong từng thời kỳ, trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn, Hạt chủ động tổ chức các đợt truy quét hoạt động phá rừng, khai thác rừng trái phép, săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại các địa bàn trọng điểm với sự tham gia phối hợp của các lực lượng công an, huyện đội, biên phòng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các lực lượng bán chuyên trách của các đơn vị chủ rừng, tạo sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại các khu vực giáp ranh, Hạt đã có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị giáp ranh như Hạt Kiểm lâm Tân Thành (Bà Rịa -Vũng Tàu), Hạt Kiểm lâm Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai). Trong 5 năm 2005 - 2009, Hạt Kiểm lâm Cần Giờ phát hiện, xử lý 570 vụ vi phạm, trong đó có 119 vụ phá rừng, 170 vụ khai thác rừng trái phép, 144 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép, 137 vụ gây thiệt hại đất rừng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức Hạt Kiểm lâm Cần Giờ luôn thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc, thực hiện tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trên địa bàn xử lý các vụ việc phát sinh trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Ngoài việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, cán bộ, công chức Hạt Kiểm lâm Cần Giờ đã tham gia tích cực vào các hoạt động do cấp trên, địa phương tổ chức như hội thao, thi viết tìm hiểu về truyền thống cách mạng, tham gia phong trào đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, tình thương, phong trào vì đàn em thân yêu...

VŨ HOÀNG CHƯƠNG