Số 9

Tuyên truyền bảo vệ rừng ở Lào Cai

Đưa Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và các chính sách về lâm nghiệp của Chính phủ cũng như của UBND tỉnh Lào Cai vào cuộc sống thì tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Thông qua nhiều hình thức: tuyên truyền miệng (họp dân), tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông (loa phóng thanh, truyền hình, apphich, tờ rơi, băng rôn), tuyên truyền thông qua cổ động trực tiếp, tổ chức các hội thi...

Tuy hình thức thực hiện khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là thông qua tuyên truyền làm cho mọi người dân nâng cao sự nhận thức của các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức… trong việc thực hiện tốt Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và các chính sách hiện hành về lâm nghiệp.

Tình hình công tác tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng và sự phối hợp trong công tác tuyên truyền:

Hàng năm, công tác này đều được lực lượng kiểm lâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng đã giảm hẳn, mặc dù vẫn xảy ra ở đâu đó trên địa bàn. Như vậy có thể thấy chất lượng tuyên truyền của lực lượng kiểm lâm đã có nhiều tiến bộ, cách tổ chức và phương pháp tuyên truyền đã đi vào chiều sâu làm cho nhận thức về luật và các chính sách lâm nghiệp của người dân được nâng cao.

Mặt khác còn có sự phối hợp liên ngành giữa Kiểm lâm và chính quyền các địa phương và các cơ quan như: Hội Nông dân, già làng, trưởng bản đã tạo điều kiện để các đơn vị, cá nhân cùng nhau tham gia thực hiện công tác tuyên truyền.

Mặc dù các đơn vị kiểm lâm huyện, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên- Văn Bàn... hiện nay chưa có bộ phận chuyên biệt về tuyên truyền nhưng công tác này, hàng năm, các đơn vị khi triển khai thường gắn trách nhiệm cho các trạm kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn phối hợp cùng chính quyền cấp xã tổ chức.

Trong các buổi họp dân tại thôn bản đã thông qua nội dung Luật và các văn bản có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, sau đó là sự trao đổi trực tiếp giữa người dân và cán bộ kiểm lâm. Những thắc mắc, bức xúc của người dân trên địa bàn, nội dung của những câu trả lời này nếu đơn giản thì được trả lời tại chỗ, nếu vượt thẩm quyền thì kiểm lâm địa bàn sẽ tiếp nhận và báo cáo về cấp trên để trả lời người dân.

Giữa kiểm lâm và các đơn vị khác như Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, già làng, trưởng bản các gia đình đã tiến hành ký kết liên ngành thực hiện quy ước để có sự phối hợp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về luật và các chính sách lâm nghiệp trong thành viên của tổ chức mình, gia đình mình. Đồng thời hàng năm đều có kiểm tra đánh giá kết quả. Hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng cao, điều đó thể hiện công tác tuyên truyền đã đóng góp một phần không nhỏ.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn vướng phải một số khó khăn như: Kỹ năng tuyên truyền của một số cán bộ còn thiếu và yếu, trình độ dân trí rất nhiều vùng, nhất là vùng cao còn hạn chế hay nhiều nơi bà con không hiểu hết tiếng phổ thông. Hình thức tuyên truyền được triển khai nhiều nơi chưa phù hợp với phong tục, nếp sống của người dân…

Một số biện pháp giải quyết:

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đồng thời khắc phục những hạn chế trong công tác tuyên truyền cần thực hiện một số biện pháp.

- Trước hết cần phải thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách lâm nghiệp, để từ đó, lãnh đạo các đơn vị có một kế hoạch đúng đắn, phân công cán bộ thực hiện và biên tập các nội dung cho phù hợp với điều kiện ở từng địa phương.

- Về phương pháp tuyên truyền: sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng. Nội dung tuyên truyền phải được dựa trên cơ sở Luật bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách lâm nghiệp bên cạnh những từ ngữ, thuật ngữ của Luật, còn có thể giải thích cụ thể cho phù hợp tùy theo từng điều kiện của địa bàn, nhất là địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa,... sự truyền đạt các từ ngữ, các thuật ngữ chuyên ngành nếu không giải thích cụ thể sẽ làm cho người dân khó hiểu, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền bị hạn chế, và đây là một thực tế đã, đang xảy ra ở nhiều địa phương.

- Kỹ năng tuyên truyền cũng là yếu tố rất quan trọng, do vậy, cán bộ kiểm lâm khi tuyên truyền cần có sự diễn đạt lưu loát, có logic và ứng xử một cách linh hoạt, tác phong gọn gàng, phải tạo khoảng cách gần gũi với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và giải thích những câu hỏi của dân một cách rõ ràng. Để làm được điều này, cán bộ kiểm lâm khi tham gia tuyên truyền ngoài phẩm chất đạo đức còn phải có bản lĩnh, am hiểu nghiệp vụ chuyên môn cả về mặt kỹ thuật và pháp luật.

Cần có sự đầu tư nghiên cứu từ sách báo, nắm bắt những mô hình hay, cách làm giỏi, các điển hình để vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh địa bàn. Có thể liên hệ, ví dụ đến các cá nhân điển hình, tiên tiến… Phần này liên hệ càng nhiều sẽ tạo được lực lượng hỗ trợ đắc lực về công tác tuyên truyền.

- Hàng năm, cần tổ chức cuộc thi tuyên truyền viên giỏi do Chi cục Kiểm lâm tổ chức, ngoài cán bộ kiểm lâm địa bàn, trạm trưởng tham gia hội thi còn có sự tham gia của quần chúng nhân dân ở cơ sở. Qua hội thi, thành phần tham gia sẽ nhận thức được tính chất, vai trò và đặc điểm của công tác tuyên truyền, học hỏi những phương pháp mới để vận dụng và khắc phục, rút kinh nghiệm những hạn chế mắc phải trong công tác tuyên truyền.

- Thông qua ký kết quy ước... giữa kiểm lâm với các ngành, địa phương, các già làng trưởng bản. Các đơn vị kiểm lâm, cần chủ động thường xuyên để đánh giá quá trình thực hiện và hiệu quả hoạt động.

- Đối với những cá nhân vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, các chính sách lâm nghiệp, cần phải xác định đối tượng, khi tiến hành xử lý cần phối hợp các ban ngành đoàn thể, các tổ chức hội… để trực tiếp vận động đối tượng, phải thực hiện đúng theo Luật bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khi đến vận động, tuyên truyền cần phải có sự tham gia của già làng, trưởng bản.

ĐỨC LÂM