Số 9

Thực trạng và giải pháp bảo tồn chim, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Nghệ An

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, tỉnh Nghệ An là một khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao. Theo kết quả khảo sát ban đầu để lập luận chứng đầu tư xây dựng khu bảo tồn thì rừng đặc dụng Pù Huống đã ghi nhận 612 loài thực vật bậc cao thuộc 342 chi của 117 họ. Trong đó ngành dương xỉ (Polypodophyta) 14 loài, thực vật hạt trần (Pinophyta) có 9 loài, thực vật hạt kín (Mangnoliophyta) 589 loài. Đặc biệt về động vật đã phát hiện 291 loài động vật có xương sống của 88 họ thuộc 26 bộ. Trong đó có 63 loài thú, 176 loài chim, 35 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư. Khu hệ động vật Pù Huống thể hiện tính đa dạng sinh học của Bắc Trung Bộ. Thống kê cho thấy có 45 loài động vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam (Vietnam Red Book). Trong đó có 10 loài chim quý hiếm như trĩ sao (Rheinartia ocellta), gà lôi (Lophura nycthemera), gà tiền mặt vàng (Polypectron bicalcaratum), hồng hoàng (Buceros bicornis)... Sự đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có giá trị về khoa học, kinh tế và môi trường, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số người Thái, Khơ mú... sống xung quanh khu bảo tồn. Việc nghiên cứu, điều tra phát hiện bổ sung thêm loài mới ở đây rất có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát triển.

Hiện trạng.

Qua khảo sát, điều tra gần đây đã bổ sung thêm cho Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống 63 loài, đưa danh lục các loài chim rừng đặc dụng Pù Huống từ 176 loài (năm 1996) lên 239 loài (năm 2005).

Thống kê kết quả điều tra lần này có 21 loài quan trọng quý hiếm cần đưa vào quản lý bảo vệ được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2000) và các loài nằm trong Công ước Quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã và các loài cấm, hạn chế buôn bán thuộc Nghị định 48/2002/NĐ-CP. Trong đó có 10 loài mới quý hiếm, cấm và hạn chế săn bắn. Đó là cú mèo Latusơ (Otus spilocephalus), bồng chanh rừng (Alcedo hercules), sả hung (Halcyon coromanda), niệc nâu (Aceros nipalensis), niệc mỏ vằn (Rhyticeros undulatus), mỏ rộng xanh (Psarisomus dalhousiae), khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui), diều ấn Độ (Butastur indicus), ưng ấn Độ (Accipiter trivirgatus), ưng Nhật Bản (Accipiter gularis) và đại bàng Mã Lai (Ictinaetus malayensis).

Các mối đe dọa đến khả năng sinh tồn và phát triển. Việc lấn chiếm, đốt rừng làm nương rẫy vẫn đang còn diễn ra ở một số nơi và cháy rừng làm cho môi trường sống, sinh cảnh của chim bị đe dọa và thu hẹp. Tình trạng chặt phá, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trái phép vẫn còn diễn ra ở các khu vực rừng đặc dụng ảnh hưởng đến hoạt động và cư trú của các loài chim. Tình trạng săn bắn, bẫy chim vẫn diễn ra khá thường xuyên, mua bán chim không những diễn ra tại các vùng rừng đặc dụng mà còn công khai ngay các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học, luật pháp Nhà nước về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học còn hạn chế. Tình trạng đói nghèo, lạc hậu của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều. Nhu cầu mua chim làm thực phẩm hay nuôi làm cảnh vẫn nhiều, nhất là các thành phố lớn, thị xã, thị trấn nên người dân ra sức tìm mọi cách để săn, bắt bẫy chim, nhất là các loài chim quý có giá trị thương mại lớn. Lực lượng bảo vệ rừng mỏng, cán bộ có chuyên môn về nghiên cứu, bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung và loài chim nói riêng thiếu và yếu. Việc thực thi pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã chưa nghiêm.

Một số giải pháp bảo tồn. Tuyên truyền cho nhân dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim. Ngăn chặn, đấu tranh với những hành vi khai thác, chặt phá rừng bừa bãi trái phép. Đặc biệt là tình trạng xâm lấn, đốt phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ làm nương rẫy. Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng cần tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về buôn bán các loài động vật hoang dã, nhất là các loài quý hiếm. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và xóa bỏ các tụ điểm mua bán chim công khai hay lén lút tại các trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Tăng cường cơ sở vật chất, cán bộ có trình độ chuyên môn làm công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng. Triển khai lồng ghép một số chương trình dự án như dự án 661, dự án 147, dự án 134, 135... nhằm nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

PHAN QUANG TIẾN