Số 4

Nguyên nhân suy giảm và giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học Vườn quốc gia Yok Đôn

Yok Đôn nằm trên khối lục địa Kon Tum cổ xưa, nơi có khí hậu mùa khô và mưa đối lập nhau. Đây đã từng là trung tâm phát sinh thứ hai của cây họ dầu (Dipterocarpaceae). Sự đa dạng các sinh vật ở đây có nhiều nét đặc biệt, đó chính là sự xuất hiện hệ sinh thái rừng thưa khô hạn. Để bảo vệ hệ sinh thái rừng này, ngày 18/3/2002, Chính phủ quyết định mở rộng Vườn quốc gia Yok Đôn từ 58.200ha lên 115.545ha. Đây là một trong số những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam. Công tác quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng không những cho việc bảo tồn da dạng sinh học mà còn có ý nghĩa bảo vệ rừng đầu nguồn cho hệ thống sông Mê Công, điều tiết lũ cho hệ thống sông Cửu Long của Việt Nam và khu vực Đông Nam á.

1. Nguyên nhân trực tiếp.

Khai thác gỗ. Những năm qua, hoạt động khai thác trái phép quy mô nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra, tập trung ở buôn Đrăng Phôk (vùng lõi) và các buôn nằm xung quanh vùng đệm. Các loài cây bị khai thác như giáng hương, gõ đỏ, gụ mật, cẩm thị, cẩm lai, căm xe... Người dân khai thác gỗ để bán lấy tiền là chủ yếu. Khai thác gỗ mang lại nguồn thu nhập rất cao cho người dân (hiện 1 mét khối gỗ nhóm 1 tại rừng tương đương khoảng 4 tấn thóc). Ngoài ra, phần lớn các gia đình, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số dùng gỗ để dựng nhà, làm vật dụng, chuồng trại chăn nuôi. Trên 90% các hộ gia đình trong vùng làm nhà gỗ. Đây là vấn đề không thể giải quyết một cách dễ dàng. Một bộ phận dân chúng hiểu biết hạn chế thì họ cho rằng việc khai thác bất hợp pháp là một nguồn thu nhập quan trọng cho gia đình họ. Tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, nhất là hành vi khai thác gỗ ngày càng tăng, điều này đòi hỏi công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn khai thác gỗ cần phải chú trọng hơn.

Lấn chiếm đất mở rộng diện tích canh tác. Việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp sẽ làm co hẹp diện tích phân bố tự nhiên và đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các loài thực vật bản địa và các loài quý hiếm khác. Bên cạnh đó, các hoạt động của con người trong nông nghiệp còn ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên thực vật như mang theo các mầm mống cỏ dại xâm chiếm sinh cảnh của các loài bản địa.

Khai thác lâm sản ngoài gỗ. Đây là hoạt động xảy ra rất phổ biến trên địa bàn. Kết quả phỏng vấn cho thấy, lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là chai cục và dược liệu. Ngoài ra có nhiều loài cây dược liệu được thu hái, đặc biệt là bài thuốc Ma coong gồm loài hồng bì rừng và bán tràng đang được thu hái với số lượng lớn và có nguy cơ khan hiếm. Việc khai thác các loài cây này rất dễ dàng đối với người dân, họ có thể thu hái chúng trong phạm vi của Vườn quốc gia Yok Đôn. Loại thảo dược này rất được ưa dùng bởi khách du lịch, hầu như ai cũng tìm mua khi đến thăm địa phương.

Lửa rừng. Hàng năm vẫn xảy ra các vụ cháy rừng vào mùa khô, tuy nhiên mức độ và diện tích cháy không đáng kể. Không có một vụ cháy tự nhiên nào xảy ra, tất cả đều là do người dân sống trong khu vực gây nên. Họ đi vào rừng để thu hái lâm sản, làm rẫy vô ý gây ra các vụ cháy ảnh hưởng trực tiếp đến các loài cây tái sinh và các loài cây thân thảo, cây con, chồi non, đồng thời hủy diệt phần lớn các sinh vật đất. Chính vì lửa rừng tác động nên việc tái sinh của cây họ dầu gia tăng rất lớn. Đây là kiểu tái sinh đặc trưng, độc đáo của hệ sinh thái rừng thưa cây họ dầu. Do một chồi có thể tái sinh nhiều lần nên dẫn đến tỷ lệ rỗng ruột của cây họ dầu tăng cao so với các loài cây khác, đây là nguyên nhân làm giảm giá trị về chất lượng gỗ.

Chăn thả gia súc và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Người dân trong vùng có tập quán chăn nuôi gia súc theo phương thức thả rông. Hầu hết trâu bò được thả vào rừng và chỉ mang về nhà khi có nhu cầu sử dụng. Hiện tượng này đã gây nên sự tàn phá trên diện rộng các loài cây tái sinh. Các loài ngoại lai phổ biến là mai dương và đơn buốt. Sự xâm nhập của các loài này mới chỉ dừng lại ở phạm vi vùng đệm và dọc theo hai bên bờ sông Srêpôk. Sự nguy hại của chúng đối với thực vật bản địa tuy chưa được thể hiện rõ ràng song đó là một vấn đề cần được quan tâm, chú ý, cần có các biện pháp khống chế sự bùng phát, xâm nhập của chúng vào rừng để bảo vệ sinh cảnh cho các loài bản địa và các loài quý hiếm khác.

2 Nguyên nhân gián tiếp.

Gia tăng dân số. Theo kết quả điều tra 2002, tổng số dân trong vùng tăng đến 32.232 người (tăng gấp 6 lần so với năm 1990). Hiện cộng đồng dân tộc tại chỗ chỉ có 5.402 người, các dân tộc nơi khác tới 26.830 người gấp 5 lần dân tộc bản địa. Điều này kéo theo nhu cầu về đất canh tác, nhà ở và gỗ làm nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên thực vật và đa dạng sinh học. Đây là nguy cơ quan trọng tác động đến tài nguyên thực vật Vườn quốc gia Yok Đôn.

Đói nghèo. Nguyên dẫn đến tình trạng nghèo đói trong khu vực không chỉ vì diện tích đất sản xuất thấp 0,183ha mà còn do lập địa đất canh tác rất xấu, bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, đa số dân tộc thiểu số chưa có kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người ở Buôn Đôn thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của tỉnh Đắk Lắk, đời sống của người dân ở đây đang có chiều hướng khó khăn hơn, điều đó càng làm tăng áp lực đối với rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Yok Đôn. Tuy nguồn thu nhập từ hoạt động săn bắt chiếm tỷ lệ thấp, nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả sẽ dẫn đến suy thoái nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong vùng. Nguồn thu nhập từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng thu nhập. Đây là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế hộ gia đình, tuy nhiên nếu xét ở góc độ bảo tồn thì hoạt động này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên rừng vì hình thức nuôi thả rông trong rừng sẽ tàn phá cây tái sinh và tăng nguy cơ lan truyền mầm bệnh từ vật nuôi sang động vật hoang dã.

Nhận thức. Kết quả điều tra nhận thức của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của Vườn quốc gia Yok Đôn tại 3 xã vùng đệm (Krông Na, Ea Huar, Ea Wer) cho thấy 51% nhận biết được vai trò và tầm quan trọng, 21% biết nhưng không rõ, 18% không rõ ranh giới, còn lại 10% không biết Vườn quốc gia Yok Đôn ở đâu. Điều này là do công tác tuyên truyền chưa thực hiện tốt. Nguyên nhân là do trình độ dân trí thấp. Số lượng học sinh các cấp trong toàn vùng là 6.967 chiếm 0,21% tổng dân cư. Nhiều người cho rằng tài nguyên rừng là vô tận nên luôn luôn muốn tìm cách khai thác và khai thác một cách cạn kiệt khi có cơ hội. Nhiều trẻ em không thích đến trường, thậm chí chúng cũng không được bố mẹ khuyến khích đến trường mà lại thích vào rừng thu hái lâm sản và chăn thả gia súc.

Hiệu lực pháp luật và chính sách. Hiệu lực thi hành pháp luật trong cộng đồng và cán bộ địa phương còn hạn chế, hành lang pháp lý chưa đủ mạnh. Các vụ vượt quá thẩm quyền chuyển cấp trên thời gian xử còn kéo dài chưa có tác dụng giáo dục cho cộng đồng. Chính sách đãi ngộ, quan tâm của Nhà nước đối với lực lượng kiểm lâm chưa thỏa đáng. Kiểm lâm thường xuyên bị đe dọa bởi những đối tượng có hành vi khai thác trộm lâm sản. Họ chưa yên tâm với công tác. Hiện biên chế kiểm lâm còn thiếu nhiều (theo quy định với diện tích 115.545ha, biên chế cần là 231 người, nhưng tới năm 2008 mới chỉ có 72 người). Đây là một khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng Vườn quốc gia Yok Đôn. Việc nâng cao năng lực kỹ năng về bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi pháp luật cho kiểm lâm chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Ảnh hưởng của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường đã dẫn đến sự phân hóa xã hội sâu sắc, nhu cầu về vật chất ngày càng tăng thúc đẩy người dân vào rừng khai thác lâm sản để phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình. Mỗi khi các sản phẩm từ rừng có giá trị kinh tế cao thì đó là động lực kích thích sự khai thác của cộng đồng. Lợi nhuận từ việc khai thác lâm sản, đặc biệt là gỗ quý hiếm làm cho nhiều người bất chấp các hành vi vi phạm pháp luật để vào rừng khai thác trộm nhằm thu lợi bất chính.

3. Giải pháp bảo tồn.

Nâng cao nhận thức. Nâng cao nhận thức cho lãnh đạo từ cấp tỉnh đến các cấp chính quyền địa phương thông qua hội thảo bảo tồn và phát triển. Đối với người dân tổ chức các hội thảo chuyên đề về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và bảo tồn có sự tham gia của người dân cho từng nhóm đối tượng, để sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, phổ biến pháp luật, giáo dục môi trường... Tổ chức các nhóm tuyên truyền do lực lượng thanh niên làm nòng cốt có sự tham gia của cộng đồng. Để làm được điều này cần thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, áp phích, pa nô, phim ảnh... Xây dựng các điểm văn hóa, các tủ sách phổ biến kiến thức tại trung tâm cộng đồng thôn, bản, đặc biệt là ở nhà của trưởng bản, nhà văn hóa cộng đồng. Khuyến khích người dân xây dựng tủ sách kiến thức gia đình, mua sắm các phương tiện thông tin như đài, báo, ti vi.

Nâng cao đời sống cộng đồng. Quy hoạch vùng dân cư có sự tham gia của cộng đồng sẽ đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho cộng đồng theo chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số tại chỗ Tây Nguyên với diện tích đất ở 400m2, rẫy là 1.000m2, ruộng một vụ là 500m2 ruộng 2 vụ 300m2. Thực tế từ ngàn đời nay cộng đồng phải sống dựa vào rừng. Do vậy không thể cấm triệt để người dân vào rừng thu hái lâm sản phụ theo phong tục tập quán. Ngoài việc quy hoạch đất đai cần cho phép họ sử dụng nguồn tài nguyên theo một số nguyên tắc nhất định do Vườn quốc gia Yok Đôn và cộng đồng thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Hạn chế việc khai thác quá mức làm suy giảm nguồn tài nguyên, tạo các sản phẩm thay thế tương ứng. Thu hút cộng đồng đặc biệt lớp trẻ có trình độ tham gia công tác bảo vệ rừng. Chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vật nuôi, cây trồng có năng suất cao cho cộng đồng trong sản xuất, chăn nuôi. Xây dựng mô hình trang trại rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ gia đình trong buôn, thôn cộng đồng dân cư vùng đệm 7 xã, 3 huyện, 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông thông qua việc thành lập các nhóm hộ gia đình thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm trên địa bàn.

Tăng cường phổ biến thể chế pháp luật cho cộng đồng. Cùng với các cấp, các ngành chức năng đề xuất thay đổi một số chính sách phù hợp với lòng dân. Có những chính sách hỗ trợ đối với người dân thông qua kế hoạch hoạt động trên nguyên tắc có sự quản lý, giám sát thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (hệ thống mở). Đề xuất xây dựng, hoàn thiện khung thể chế, tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn cho các đơn vị, ngành liên quan. Đặc biệt chú trọng xây dựng quy chế phối kết hợp trong công tác bảo vệ rừng với buôn, làng, chính quyền địa phương (ban lâm nghiệp xã) và các đơn vị trên địa bàn tham gia công tác bảo tồn. Tiến hành xây dựng hương ước quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng nhằm chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thi hành luật pháp một cách nghiêm túc triệt để trong công tác bảo tồn.

Kiểm soát nhu cầu thị trường. Tăng cường lực lượng kiểm lâm cả số lượng và chất lượng cũng như trang thiết bị, phương tiện cho công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng một cách hiệu quả các vùng, mùa trọng điểm tác động. Xây dựng các tổ, đội tuần rừng theo buôn, xã theo các chương trình trồng rừng. Xây dựng đội cơ động với nhiều thành phần cùng tham gia của các ban, ngành chức năng trong công tác bảo vệ rừng. Căn cứ vào hiện trạng nguồn tài nguyên hiện có của địa phương, hạn chế khai thác đối với các nguồn đang trong giai đoạn phục hồi, nghiêm cấm khai thác các nguồn đã bị cạn kiệt, song song với việc khai thác, tiến hành thuần hóa và áp dụng khoa học, công nghệ để nhân giống, phát triển nguồn tài nguyên ở bên ngoài rừng (bằng các mô hình kinh tế vườn rừng, trang trại, bảo tồn chuyển vị...), đó là biện pháp hữu ích của sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Dựa vào nhu cầu thị trường để tiến hành sản xuất, xây dựng một số mô hình sản phẩm thay thế nhằm hạn chế sử dụng tài nguyên từ rừng tự nhiên (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, chất đốt...).

Ngô Tiến Dũng