Số 4

Du lịch sinh thái Bạch Mã

Khu du lịch sinh thái Bạch Mã nằm ở phân khu hành chính dịch vụ du lịch của Vườn quốc gia Bạch Mã. Đây từng là khu nghỉ mát khá nổi tiếng thời Pháp thuộc; với diện tích 300ha, cách Quốc lộ IA khoảng 16km, nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.450m so với mực nước biển. Khu du lịch sinh thái Bạch Mã nổi tiếng với khí hậu mát mẻ (mùa hè nhiệt độ trung bình từ 180C đến 230C), phong cảnh hùng vĩ với nhiều đỉnh núi cao, suối thác trong xanh và hệ sinh thái giàu có với nhiều loài động, thực vật đan xen giữa nhiệt đới và á nhiệt đới.

1. Đặc điểm du lịch Bạch Mã.

Với nhiệt độ mát mẻ vào mùa hè, Bạch Mã là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách trong những ngày nắng nóng, oi bức ở vùng đồng bằng. Đây là lý do để người Pháp xây dựng nên khu vực này.

Hiện nay, Vườn quốc gia Bạch Mã và các doanh nghiệp du lịch Thừa Thiên Huế đã đầu tư khôi phục lại các ngôi biệt thự cũ để làm nơi đón tiếp khách tham quan. Doanh thu về phòng nghỉ chiếm gần 40% tổng doanh thu du lịch ở Bạch Mã (biểu đồ 1).

Tính mùa của du lịch Bạch Mã thể hiện rất rõ, mùa du lịch tập trung chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 9 với số khách của các tháng này chiếm trên 90% tổng lượt khách trong năm (biểu đồ 2).

Tính mùa của du lịch Bạch Mã còn thể hiện ở sự tập trung của du khách vào các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các ngày lễ (gần 50% tổng lượng khách năm). Lượng khách du lịch đi trong ngày chiếm gần 80%, tỉ lệ du khách nội địa chiếm gần 90%. Những năm gần đây, lượng khách nội địa có xu hướng giảm và khách quốc tế gia tăng. Điều này nói lên được rằng, mô hình du lịch sinh thái ở Bạch Mã có thể phù hợp với khách quốc tế do chưa bị tác động nhiều, tài nguyên du lịch phong phú, các hoạt động diễn giải môi trường được chú trọng. Trong lúc đó, đối với du khách trong nước, với mục đích tham quan khác với khách quốc tế, và thường đi theo nhóm đông người, mô hình du lịch sinh thái Bạch Mã được đánh giá là còn nghèo nàn về các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống việc đi lại còn khó khăn, khách tham quan còn phải đi bộ nhiều (biểu đồ 3).

2. Thuận lợi của du lịch sinh thái Bạch Mã.

Khu du lịch sinh thái Bạch Mã nằm ở vị trí trung tâm của các khu di sản văn hóa miền Trung như cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Cùng với các khu du lịch biển nổi tiếng Lăng Cô và Cảnh Dương, Bạch Mã là một điểm đến quan trọng, có tác dụng cân bằng và làm đa dạng hơn các tour tham quan văn hóa, nghỉ dưỡng biển và mua sắm của du khách khi đến khu vực miền Trung.

Là điểm du lịch ở núi cao, khí hậu mát mẻ, có nhiều phong cảnh đẹp, Bạch Mã đã từng là khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng những năm 1930, 1940 và 1960. Nếu như đỉnh Bạch Mã (1.450m) và các hồ nước, suối thác đẹp là lý do chính để thu hút du khách nội địa, thì sự yên tĩnh, các đường mòn hoang sơ và tài nguyên thiên nhiên đa dạng để khám phá, học tập sẽ là lý do thu hút du khách nước ngoài. Ngoài ra, sự bí ẩn và vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên của các khu biệt thự cũ thời Pháp thuộc cũng không kém phần hấp dẫn du khách yêu thích khám phá lịch sử và kiến trúc.

Khu du lịch sinh thái Bạch Mã còn là nơi tập trung, đan xen giữa các loài thực vật á nhiệt đới và nhiệt đới, tạo nên cảnh sắc đặc trưng, hấp dẫn du khách. Đến Bạch Mã, du khách có thể cảm nhận được sự thay đổi của nhiệt độ và thảm thực vật từ đai thấp dưới 100m lên đến đai cao trên 1.000m. Bạch Mã là nơi giao lưu giữa 2 luồng động, thực vật Bắc, Nam. Cùng với sự biến đổi độ cao, nhiều sinh cảnh và hệ sinh thái đã tạo cho Bạch Mã sự phong phú đa dạng về động, thực vật. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được hơn 2.147 loài thực vật, 132 loài thú, 358 loài chim, 894 loài côn trùng, 57 loài cá, 52 loài bò sát và lưỡng thê. Đặc biệt, số loài chim chiếm gần 1/3 tổng số loài chim của cả nước. Bạch Mã được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho những nhà xem chim, vì ở đây có khu hệ chim phong phú và đội ngũ hướng dẫn am hiểu, được huấn luyện bài bản. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thiên nhiên của du khách, năm 2007, trung tâm du lịch sinh thái Bạch Mã đã xây dựng các đường mòn có diễn giải thiên nhiên và hai tour mới đó là “Gọi chim trời” và “Thế giới hoang dã về đêm”, đã hấp dẫn không ít du khách tham gia.

Các sản phẩm du lịch sinh thái ở Bạch Mã.

Nằm ở chân núi Trung tâm du khách được xem là điểm đến đầu tiên cho du khách. ở đây du khách có thể mua vé và đặt các dịch vụ cần thiết như vận chuyển, phòng nghỉ, ăn uống, hướng dẫn ở lễ tân. Ngoài khu vực lễ tân, trung tâm có một phòng sảnh khá lớn (khoảng 250m2) dành cho việc trưng bày và giới thiệu các chủ đề tuyên truyền. Ngoài ra còn có một phòng nghe nhìn dành cho khách xem phim và tranh ảnh về Bạch Mã. Phòng này đồng thời cũng là nơi để tổ chức các trò chơi, nhóm họp, tập huấn, sinh hoạt tập thể,... của các câu lạc bộ thiên nhiên, học sinh, sinh viên,... Du khách đến Bạch Mã thường được mời chào và khuyến khích đến với trung tâm du khách nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về vườn quốc gia và bảo tồn thiên nhiên, cũng như được thông tin, giới thiệu thêm về chuyến tham quan của họ. Bên cạnh đó, một hệ thống các tuyến đường mòn được xây dựng nhằm đưa khách đến các điểm có phong cảnh, suối thác đẹp hay các tài nguyên sinh thái, lịch sử có giá trị khác. Có 4 trong 8 đường mòn được đánh các cọc số thứ tự (trung bình khoảng 6 điểm mỗi đường) nhằm giới thiệu cho du khách các chủ đề liên quan đến rừng thông qua các tờ rơi tự giới thiệu được phát miễn phí cho khách.

3. Khó khăn và giải pháp của du lịch sinh thái Bạch Mã.

Thời tiết khắc nghiệt và đầu tư cơ sở hạ tầng thấp.

Có thể nói Bạch Mã là nơi có lượng mưa lớn nhất nước ta, với 8.000mm/năm. Độ ẩm ở Bạch Mã luôn luôn trên 80% ảnh hưởng rất lớn đến các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và sản phẩm du lịch. Hàng năm, chi phí duy tu, bảo dưỡng đường và các công trình chiếm lượng kinh phí lớn. Đặc biệt những năm có mưa bão, đường lên Bạch Mã thường bị sạt lở, hư hỏng nặng, kinh phí sửa chữa có khi lên đến vài tỷ đồng. Hoạt động du lịch ở Bạch Mã chỉ diễn ra trong khoảng 6 tháng; lượng khách lại không thường xuyên do đi lại khó khăn, do đó hiệu quả kinh doanh du lịch nói chung còn thấp. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho đường xá và các cơ sở lưu trú chưa tương xứng, các công trình nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và vấn đề quản lý vận hành. Việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái Bạch Mã cần phải tính đến các yếu tố thời tiết, khí hậu để thiết kế chất liệu và kiến trúc phù hợp với điều kiện môi trường, đảm bảo tính bền vững và an toàn trong sử dụng. Đây là bài toán rất khó trong phát triển cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái ở các vùng nhiệt đới; vì nó đòi hỏi suất đầu tư ban đầu lớn nhằm tiết kiệm chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm nhưng cần phải đảm bảo vấn đề thu hồi vốn kinh doanh, trong bối cảnh thị trường khách du lịch sinh thái còn hẹp về đối tượng và nhỏ về số lượng. Đây có thể là lý do chính khiến các nhà làm kinh tế do dự trong việc đầu tư vào thị trường này. Điều đó buộc chúng ta cần có những chính sách hợp lý, cơ chế thuận lợi và kể cả những đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu (như hệ thống đường, điện, nước, ...) bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Thiếu quy hoạch chi tiết.

Do chưa có quy hoạch chi tiết nên việc quản lý, đầu tư và phát triển không dựa theo hệ thống các tiêu chí, quy hoạch và quy định cụ thể nào. Đây là nhân tố làm cho Bạch Mã còn kém hấp dẫn đầu tư hơn những vùng khác, cũng như hạn chế sự tham gia phát triển chất lượng các dịch vụ với sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân và dân địa phương. Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về nhu cầu của khách du lịch khi đến Bạch Mã; hay đánh giá về sức chứa của các điểm du lịch để có căn cứ phân vùng và xác định các biện pháp quản lý cụ thể; điều này đã gây không ít khó khăn trong việc quản lý du lịch một cách bền vững hơn về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Việc quy hoạch chi tiết du lịch sinh thái Bạch Mã là rất cần thiết để tạo nên một cơ sở pháp lý rõ ràng nhằm lôi cuốn các nhà đầu tư nhận khoán môi trường kinh doanh và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Điều này vừa tăng thêm nguồn quỹ cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, vừa có thể đa dạng hóa và chất lượng hóa các dịch vụ du lịch tùy theo các phân vùng hoạt động như vui chơi, giải trí và thuần túy du lịch sinh thái.

Nguyễn Vũ Linh