Số 1+2

Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa

Nói đến Việt Nam không thể không nói đến màu xanh của những cánh rừng. Rừng Việt Nam gắn bó với con người, chính từ đây, nơi tụ họp của 50 người con dòng dõi Lạc Hồng trong truyền thuyết Âu Cơ. Rừng và con người, sự sinh tồn vĩnh hằng làm nên đất Việt mấy nghìn năm văn hiến.

Rừng Việt Nam xa xưa bao phủ khắp đất nước kéo dài từ Mục Nam quan đến mũi Cà Mau, một màu xanh bất tận. Rừng Việt Nam là kho tài nguyên quý báu, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, có giá trị lớn đối với nền kinh tế quốc dân, gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của dân tộc. Rừng làm cho quê hương nước Việt đẹp hơn, bởi những cảnh quan, những quần thể tự nhiên được coi là di sản văn hóa của con người.

Một rừng cây, một đời người! Một rừng cây một cuộc sống gắn bó mọi thế hệ với nhau; trong lịch sử xây dựng, bảo tồn đất nước, hầu như trang sử nào cũng có tiếng trống thúc quân, tiếng vũ khí giao tranh đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Năm tháng ấy không bao giờ quên “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Một thời rừng như tấm lòng bao dung lớn, bao bọc tuyến đường từ Bắc vào Nam làm nên Đại thắng mùa xuân lịch sử.

Quan trọng là thế nhưng do một số nguyên nhân khách quan, chủ quan mà rừng bị chặt phá, hủy hoại một cách nghiêm trọng. Và hậu quả của mất rừng thì không gì có thể tính nổi. Những năm gần đây, lũ lụt ngày càng gia tăng đã tàn phá rất nặng nề ở khắp các miền đất nước, gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản, về cơ sở vật chất cũng như đồng ruộng hoa màu, làm ô nhiễm môi trường, gây nên bệnh tật cho người và gia súc.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân là diện tích rừng bị thu hẹp, bị chặt phá nặng nề làm rừng mất đi, nhất là rừng đầu nguồn nên không còn khả năng giữ nước. Khi có mưa to, lưu lượng nước ở các vùng thượng lưu đổ về cường độ ngày càng cao, lũ lụt ngày càng nhiều.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhận ra vai trò của rừng. Cách đây gần 65 năm, ngày sau ngày nước Việt Nam mới ra đời (1945) về việc sáp nhập Nha lâm chính vào Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù bận trăm công nghìn việc, lo việc lãnh đạo nhân dân chống thù trong giặc ngoài; song Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dành thời gian nghiên cứu và ban hành Sắc lệnh số 49 ngày 1/12/1945. Đây là văn bản đầu tiên về lâm nghiệp, cho đến nay đã 60 năm sắc lệnh vẫn nguyên giá trị.

Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký “Sắc lệnh 49” đến khi vĩnh biệt chúng ta, Bác đã viết rất nhiều bài báo, thư gửi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Bác đã đi thăm và trực tiếp trồng cây ở nhiều địa phương. Ngày 28/11/2008 tròn 49 năm kỷ niệm bài báo đầu tiên có tên “Tết trồng cây” với bút danh Trần Lực đăng trên báo Nhân dân số 2082 (28/11/1959 - 28/11/2005). Trong bài báo Bác đề nghị: “Tổ chức một tết trồng cây lấy thành tích chào mừng Đảng ta tròn 30 tuổi”. Theo Bác, việc trồng cây “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, “để nước ta trong mười năm phong cảnh sẽ càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần cải thiện đời sống nhân dân”. Khi nửa nước đã được hòa bình độc lập, Bác còn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp “trồng cây”. Bác đã viết bốn bài báo cùng một đề tài, ký cùng bút danh. Trong bài báo khởi xướng “Tết trồng cây” cuối năm 1959, Bác kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây (từ 6/1 đến 5/2/1960), Bác khuyên nhân dân nên duy trì bền bỉ tết trồng cây.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, toàn Đảng, toàn dân đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (1960) và từ đó đến nay tết trồng cây trở thành tập quán, một nét đẹp văn hóa của nhân dân mỗi độ xuân về. Sau một thời gian hưởng ứng “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng, phong trào phát triển nhanh, sôi nổi, rộng khắp và đã đem lại kết quả tốt đẹp. Báo Nhân dân số 2198 ra ngày 25/3/1960 đã đăng bài “Thêm vài ý kiến về tết trồng cây” của Bác Hồ với bút danh Trần Lực. Bác đã biểu dương những địa phương, tập thể, đơn vị và cá nhân “kiểu mẫu”; đồng thời căn dặn “phải làm đúng khẩu hiệu: Trồng cây nào tốt cây ấy”. Gần một năm sau Bác lại viết tiếp bài “Tết trồng cây” trên báo Nhân dân số 2506 (28/1/1961) nhắc nhở các địa phương tổ chức tốt tết trồng cây mùa xuân 1961. Ngày 21/8/1963 tại hội nghị tuyên giáo miền núi, Bác Hồ căn dặn các đại biểu dự hội nghị “cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng, vì rừng là vàng, biển là bạc, thực sự rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Vinh dự cho Phú Thọ và đặc biệt là nhân dân hợp tác xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) chỉ sau 3 năm thực hiện tết trồng cây (1960-1962) do Bác Hồ phát động, nhân dân Đào Xá đã trồng trên 1 triệu cây lấy gỗ; 400.000 cây dứa; gieo 8 tấn hạt chè đã phủ xanh đất trống đồi trọc, trở thành đơn vị trồng cây giỏi của miền Bắc. Ngày 26/1/1964 Đào Xá được Bác Hồ về thăm. Bác khen Đào Xá trồng cây, gây rừng giỏi; nhưng Bác căn dặn Đào Xá không được tự mãn với kết quả đã đạt được mà phải tích cực đẩy mạnh phong trào trồng cây hơn nữa. Bác tặng xã một chiếc ô tô vận tải làm phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất và ngày 5/12/1964 Bác viết bài trên báo Nhân dân khen ngợi nhân dân xã Đào Xá.

Những dịp đi thăm các địa phương nhất là ở miền núi, thấy rừng bị tàn phá nhiều, Người đã thẳng thắn phê bình, nhắc nhở: “Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho mục nát, không khác gì đồng bào tự đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông, phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa rừng là vàng, là bạc, là máy móc cả”. Tại đại hội đơn vị và cá nhân tiên tiến trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ ngày 11/4/1964, Bác đã viết thư gửi đại hội nhắc nhở: “Nếu rừng kiệt thì không còn gì, mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu gây ra lũ lụt và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”. Chưa hẳn yên tâm với việc thực hiện tết trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng, trước lúc “đi xa” bảy tháng, Bác Hồ lại viết tiếp bài báo “Tết trồng cây” ký tên T.L đăng trên báo Nhân dân số 5411 ra ngày 5/2/1969. Trong bài báo này Bác khẳng định: “Trồng cây gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng và lợi ích chắn gió bão phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê...”. Bác đã khen ngợi một số địa phương có phong trào mạnh như: Nam Hà, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Phú Thọ nhất là Lạng Sơn... và những cá nhân có thành tích xuất sắc. Tuy nhiên Người cũng phê bình: “Còn có địa phương trồng cây gây rừng chưa tốt, trồng nhiều mà cây sống ít. Nguyên nhân là do ngành lâm nghiệp chưa quan tâm đúng mức, nhưng chủ yếu là do cấp ủy, ủy ban hành chính địa phương chưa lãnh đạo tốt phong trào trồng cây”. Năm 1969 mặc dù sức khỏe của Bác đã giảm đi nhiều nhưng Bác vẫn có chương trình đi chúc Tết và trồng cây ở địa phương. Vào ngày mồng một Tết Kỷ Dậu (16/2/1969) bà con nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Tây) vinh dự được đón Bác về thăm. Bác hài lòng về kinh tế phát triển và phong trào trồng cây phủ xanh đồi trọc của xã Vật Lại... Sau khi chúc Tết và căn dặn bà con, Bác đã cùng cán bộ và nhân dân trồng cây đa trên đồi đón Bác. Đây cũng là lần cuối cùng Bác đi chúc Tết và trồng cây đầu xuân trước lúc Người đi xa.

Thực hiện lời Bác, mặc dù chưa thật trọn vẹn, còn có lỗi nhiều, nhưng nhiều năm qua Phú Thọ luôn là một trong những tỉnh có kế hoạch cụ thể, chu đáo, tổ chức tốt việc ra quân đầu xuân. Từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến toàn dân đều ra quân trồng cây mùa xuân có hiệu quả. Cây đã được vun trồng ở tất cả các công sở, trường học, đường phố, công viên... màu xanh của cây đã và đang lan tỏa làm cho cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp và trong lành. Nhiều chính sách và các chương trình lâm nghiệp được triển khai, tuy mức độ của chương trình, dự án khác nhau; có nơi có hiệu quả, có nơi còn hạn chế. Các khu rừng đầu nguồn được khoanh nuôi bảo vệ. Rừng đặc dụng Xuân Sơn được nâng cấp thành vườn quốc gia. Rừng đặc dụng lịch sử Đền Hùng và rừng đầu nguồn Trung Sơn được bảo vệ nghiêm ngặt... Chào xuân Kỷ Sửu chúng ta hãy thể hiện tình cảm sâu sắc hơn nữa đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; mãi mãi: “Mùa xuân là tết trồng cây; làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

NGUYỄN CÔNG HƯỞNG