CITES

Báo cáo đánh giá cá sấu Việt Nam

BẢO TỒN, QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC TRẠI NUÔI CÁ SẤU TẠI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM: ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ

Báo cáo tóm tắt của Đoàn đánh giá, Nhóm Chuyên gia Cá sấu thuộc IUCN-SSC tại Việt Nam (28/4 - 5/5/2008)

Dietrich Jelden, Charlie Manolis, Toshinori Tsubouchi và

Nguyễn Đào Ngọc Vân

Tháng 12/2008

BẢO TỒN, QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC TRẠI NUÔI CÁ SẤU TẠI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM: ĐÁNH GIÁ VÀ KHUYẾN NGHỊ

Dietrich Jelden, Charlie Manolis, Toshinori Tsubouchi

và Nguyễn Đào Ngọc Vân

(28/4 - 5/5/2008)

1. Tóm tắt chung

Với sự hợp tác toàn diện của Chính phủ Việt Nam, Nhóm Chuyên gia cá sấu của IUCN-SSC đã thực hiện đợt đánh giá về bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững cá sấu ở Việt Nam, nhằm đưa ra các khuyến nghị thích hợp. Những khuyến nghị được chia thành khuyến nghị chung và khuyến nghị cụ thể.

1.1. Những kiến nghị chung (G1 đến G5)

Khuyến nghị G1. Chính phủ Việt Nam cần nhận thức đầy đủ rằng tình trạng của quần thể cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis) ở Việt Nam là mối quan tâm lớn của các tổ chức bảo tồn các loài hoang dã quốc tế, bao gồm cả Nhóm Chuyên gian cá sấu (CSG) thuộc IUCN-SSC. Buôn bán quốc tế da cá sấu là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây cho loài này bị tuyệt chủng, đây là vấn đề thuộc mục tiêu của CITES. Hiện nay Việt Nam có nhiều nỗ lực bảo tồn, như các hoạt động điều tra, xác định những quần thể cá sấu còn xót lại và những địa điểm mà loài này đã từng sống mà có sinh cảnh phù hợp cần được duy trì để tái thả cá sấu ra tự nhiên.

Khuyến nghị G2. Hiện trạng và lịch sử loài cá sấu nước mặn (C.porosus) ở Việt Nam cần được điều tra, đánh giá. Loài cá sấu này hiện nay đã bị tuyệt chủng tại Việt Nam một phần nguyên nhân có thể là do buôn bán quốc tế. Gây nuôi sinh sản cá sấu nước mặn ở một vài trại cần được xác định vì có thể đây là nguồn gen cuối cùng của cá sấu nước mặn của Việt Nam. Cục Kiểm lâm cần xem xét thực hiện việc tái thả loài cá sấu nước mặn vào môi trường tự nhiên.

Khuyến nghị G3. Nâng cao công tác quản lý các trại nuôi cá sấu và việc buôn bán các sản phẩm từ cá sấu của Việt Nam, đáp ứng theo yêu cầu của CITES là những điều kiện cần thiết để tăng cường các hoạt động quản lý cá sấu ở Việt Nam. Những nhiệm vụ trọng tâm cần yêu cầu tất cả các trại có nghĩa vụ báo cáo, xác minh số liệu báo cáo và thực hiện hệ thống đăng ký thành lập cho tất cả các trại cá sấu. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo về quản lý trại nuôi theo tiêu chí của CITES với sự tham gia của các chuyên gia thuộc các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng cần xem xét là một trong những ưu tiên.

Khuyến nghị G4. Tăng cường mối liên hệ và trao đổi thông tin giữa tất cả các bên có liên quan về bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững cá sấu tại Việt Nam. Việc thiếu các thông tin là một trở ngại trong việc tăng cường công tác quản lý tại Việt Nam và hạn chế các hoạt động giáo dục cho công chúng về mối liên quan giữa bảo tồn và buôn bán cá sấu.

Khuyến nghị G5. Thúc đẩy hợp tác liên biên giới với các nước láng giềng thuộc tiểu vùng sông Mê Kông là một trong những hoạt động cần thiết để tăng cường quản lý và bảo tồn các quần thể cá sấu ngoài tự nhiên và trong trại nuôi ở trong nước và ngoài Việt Nam, đặc biệt là với Cambodia. Các hội thảo cấp vùng và quốc tế cần được tổ chức càng sớm càng tốt để tăng cường những nỗ lực bảo tồn liên biên giới.

1.2. Những Khuyến nghị cụ thể (S1 tới S19).

Những khuyến nghị cụ thể được nêu tóm tắt dưới đây được thể hiện theo số thứ tự. Mỗi khuyến nghị cụ thể có chủ đề được để trong ngoặc vuông:

CITES = Tuân thủ Công ước CITES và luật pháp quốc gia;

Captive = Quản lý và buôn bán các quẩn thể được nuôi sinh sản;

Wild = Những vẫn đề liên quan tới quần thể tự nhiên;

Illegal Trade = Buôn bán trái với luật quốc gia và quốc tế.

Hầu hết các khuyến nghị cụ thể đều đưa ra các hành động mà Nhóm đánh giá của CSG cho rằng Việt Nam cần thực hiện. Nếu những khuyến nghị được Chính phủ Việt Nam chấp nhận, CSG đề nghị cần có cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện từng khuyến nghị. Tuy nhiên, có một số khuyến nghị cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức bên ngoài để giải quyết.

Các khuyến nghị cụ thể được tóm tắt như sau:

Khuyến nghị S1. Đảm bảo thực thi luật (ví dụ bắt giữ, xử phạt, thông báo rộng rãi) nếu phát hiện trại nuôi trái phép [CITES]

Khuyến nghị S2. Đánh giá tất cả các trại nuôi sinh sản, bao gồm cả trại đã đăng ký với CITES, đảm bảo phù hợp với quy định của CITES và quốc gia [CITES].

Khuyến nghị S3. Tiếp tục thông qua các Chi Cục Kiểm lâm giám sát chặt chẽ các trại đang làm thủ tục đăng ký CITES là trại Mỹ Hiệp và Yangbay để đảm bảo cả hai trại thực hiện đầy đủ các quy định của CITES về gây nuôi sinh sản và vận hành trại đối với các trại nuôi loài thuộc Phụ lục I vì mục đích thương mại [CITES].

Khuyến nghị S4. Thông qua Chi Cục Kiểm lâm tiếp tục giám sát chặt chẽ trại Hoa Cà, đặc biệt là năng lực sản xuất con giống theo đàn bố mẹ hiện có của trại này [CITES].

Khuyến nghị S5. Vì các trại vệ tinh được cho rằng là những nơi dễ nhất để thực hiện việc buôn bán con giống bất hợp pháp qua biên giới với các nước làng giềng, do đó, cần tăng cường những nỗ lực giám sát các trại vệ tinh của các cơ quan chức năng [Captive, CITES].

Khuyến nghị S6. Thành lập bộ phận giám sát trại nuôi sinh sản thuộc Cục Kiểm lâm để giám sát các quần thể loài hoang dã gây nuôi và ngoài tự nhiên [Wild, Captive].

Khuyến nghị S7. Cục Kiểm lâm cần đánh giá và nâng cao hệ thống báo cáo về số liệu trại nuôi. Các báo cáo đánh giá cần xem xét cụ thể những giấy phép vận chuyển đã được cấp trong 10 năm qua để xác định những trại cá sấu, bao gồm các trại vệ tinh có thực hiện đúng các quy định của quốc gia và quốc tế không [Captive, CITES]

Khuyến nghị S8. Cục Kiểm lâm cần tập trung thực hiện tin học hoá và phân tích những số liệu về trại nuôi [Captive].

Khuyến nghị S9. Xem xét hệ thống cấp giấy phép để đảm bảo được thực hiện với tất cả các trại (có nuôi cá sấu), cơ sở thuộc da, nhà buôn bán và xuất khẩu [Captive]

Khuyến nghị S10. Tăng cường năng lực thực thi của các lực lượng có liên quan (như hải quan, công an, kiểm ngư, quản lý thị trường, các cộng đồng, kiểm lâm và hệ thống tư pháp) thông qua đào tạo, tăng cường năng lực, chia sẻ thông tin và phối hợp thực thi các hoạt đông liên quan tới CITES [Captive, Wild, CITES]

Khuyến nghị S11. Xem xét đăng ký CITES cho toàn bộ các trại cá sấu nước ngọt được thành lập để gây nuôi sinh sản và xuất khẩu. Việc xuất khẩu thông qua các trại đã đăng ký khác gây khó khăn cho việc kiểm tra, báo cáo và thực hiện theo đúng các quy định của CITES [Captive, CITES]

Khuyến nghị S 12. Xem xét đánh giá các chính sách của Nhà nước liên quan tới thực thi Nghị Quyết số 12.10 (Rev. COP14) của CITES đối với các trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt [CITES].

Khuyến nghị S13. Tiếp tục tăng cường quá trình thảo luận với các nước láng giềng thông qua các nhóm công tác cấp vùng thuộc các diễn đàn (ví dụ như Sáng kiến buôn bán loài hoang dã ASEAN và/hoặc Nhóm thực thi CITES tiểu vùng sông Mê Kông để thực hiện các vấn đề cấp vùng đối với cá sấu nước ngọt [CITES].

Khuyến nghị S14. Thành lập Hiệp hội gây nuôi cá sấu Việt Nam để các cơ quan Nhà nước và các nhà gây nuôi, sản xuất cá sấu có thể đối thoại dễ dàng và hiệu quả hơn [Wild, Captive].

Khuyến nghị S15. Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý cá sấu quốc gia với mục tiêu, mục đích rõ ràng để quản lý các quần thể cá sấu ngoài tự nhiên và nuôi nhốt tại Việt Nam [Captive, Wild, CITES].

Khuyến nghị S16. Xây dựng tiêu chí cụ thể về việc xác định loài lai và đánh giá và xác định số lượng của loài lai giữa loài C. siamensis với C. rhombifer tại các trại nuôi ở Việt Nam [Captive, Wild].

Khuyến nghị S17. Thực hiện các hành động để ngăn chặn, giảm thiểu hoặc loại bỏ việc lai giữa hai loài C. siamensis với C. rhombifer để giảm đến mức tối thiểu việc phát tán gen ảnh hưởng tới quần thể cá sấu nước ngọt ngoài tự nhiên [Wild, Captive].

Khuyến nghị S18. Xác định các khu bảo tồn và/hoặc khu bảo tồn loài để trong tương lai thực hiện chương trình tái thả ra ngoài tự nhiên loài C. siamensis và có thể loài C. porosus [Wild].

Khuyến nghị S19. Tiếp tục giám sát thường xuyên có hệ thống chương trình tái thả quần thể loài C. siamensis ra tự nhiên để thực hiện thành công sáng kiến bảo tồn và khuyến khích cho các chương trình tái thả khác [Wild].

2. Giới thiệu chung về đợt đánh giá

Ngày 4/10/2006, Chủ tịch CSG gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ quan ngại về việc buôn bán bất hợp pháp cá sấu giữa Việt Nam và Cambodia, Việt Nam và Trung Quốc, nếu những thông tin này là chính xác thì ảnh hưởng lớn tới việc buôn bán và sản suất cá sấu hợp pháp của Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam trả lời rằng không có bằng chứng cho rằng việc buôn bán bất hợp pháp cá sấu xảy ra giữa Việt Nam và Cambodia, nhưng việc kiểm soát biên giới với Cambodia là khó khăn do đường biên dài và có nhiều cửa khẩu cả trên bộ và đường sông. Điều này được cho rằng hợp lý.

Nhằm tăng cường thực thi việc kiểm soát buôn bán bất hợp pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cơ quan Quản lý CITES xây dựng kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2010 và phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật khác để phòng chống và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, bao gồm cả cá sấu.

Ngày 14/12/2007, Chủ tịch CSG gửi thư cho Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ ra rằng “Cần thực hiện đánh giá công tác quản lý và hoạt động trại nuôi ở Việt Nam, với những kiến nghị nhằm tăng cường kiểm soát”. Chủ tịch CSG cũng đã gặp cán bộ của CITES Việt Nam tại COP14 (La Hay, 6/2007) và thảo luận với ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm về sự cần thiết phải hỗ trợ cho việc buôn bán hợp pháp và chống buôn lậu.

Cán bộ thực thi của CSG có buổi làm việc với các cán bộ của Việt Nam tại Hà Nội ngày 26/9/2007 để khẳng định sự hỗ trợ của CSG cho cuộc đánh giá, và đề nghị có sự đồng ý chính thức của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 26/2/2008, TS. Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam gửi thư mời CSG thực hiện cuộc đánh giá về bảo tồn, quản lý và hoạt động trại nuôi cá sấu tại Việt Nam. Nhóm đánh giá của CSG đã được thành lập và bản chức năng, nhiệm vụ được xây dựng (Phụ lục 1) với sự tham gia của phía Việt Nam. Mục tiêu chính của đánh giá bao gồm:

- Thu thập các thống kê về trại nuôi cá sấu ở Việt Nam và số lượng cá sấu và da cá sấu được buôn bán quốc tế;

- Tới làm việc với các trại đã đăng ký với CITES, các trại chưa đăng ký và những trại quy mô hộ gia đình;

- Tham khảo ý kiến và phỏng vấn các bên có liên quan;

- Dự thảo bản đánh giá và những khuyến nghị; và,

- Giới thiệu và thảo luận về những vấn đề và khuyến nghị với các bên có liên quan (ví dụ cán bộ Chính phủ, ngành công nghiệp da cá sấu, đại diện cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ).

Mặc dù cá sấu nước ngọt là mục tiêu chính của chuyến đánh giá, nhưng những thông tin về cá sấu nước mặn cũng được thu thập.

Chuyến đánh giá được tiến hành từ ngày 28/4 - 5/5/2008, lịch trình đã được các thành viên thống nhất trước khi thực hiện (Phụ lục 2).

3. Lịch sử trại nuôi và quản lý cá sấu

Những mốc quan trọng của công tác quản lý và hình thành trại nuôi cá sấu ở Việt Nam được tóm tắt tại Bảng 1

Bảng 1. Những mốc quan trọng của công tác quản lý và hình thành trại nuôi cá sấu ở Việt Nam (thông tin chủ yếu từ: Jenkins và Sung 1998)

Đầu những năm 1980 Trại nuôi cá sấu đầu tiên được thành lập

1985 Chính phủ Cu Ba tặng 100 cá thể cá sấu Cu Ba (C. rhombifer), được phân phát cho các vườn thú và các trại nuôi.

1990 Ba cá thể cá sấu Cu Ba bán cho trại cá sấu Siem Reap ở Cambodia để phục vụ cho mục đích trưng bày.

Giữa những năm 1990 có khoảng 20 trại nuôi cá sấu được thành lập.

Tháng 4/1994 Việt Nam là thành viên của CITES.

1998 Chuyến đánh giá được thực hiện bởi Chủ tịch Uỷ ban động vật CITES Hank Jenkins (xem Jenkins và Sung 1998).

1999 Năm (5) trại cá sấu được Ban thư ký CITES chấp thuận đăng ký là trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt

2004 Có khoảng 50.000 cá thể cá sấu được nuôi ở Tp. Hồ Chí Minh, và hàng nghìn cá thể được nuôi ở những trại vệ tinh trong vùng Châu thổ sông Mê Kông.

Tháng 2/2008 CSG được mời thực hiện việc đánh giá về bảo tồn, quản lý và gây nuôi cá sấu ở Việt Nam.

Tháng 5/2008 CSG thực hiện cuộc đánh giá

4. Cơ cấu tổ chức

Cơ quan Quản lý CITES thuộc Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có bốn Cơ quan Khoa học CITES bao gồm:

- Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST).

- Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (FSIV), Bộ NN&PTNT.

- Viện Nghiên cứu Thuỷ sản (RIMF), Bộ NN&PTNT.

- Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội (HNU).

5. Quy định và thủ tục hành chính trong việc sản xuất buôn bán cá sấu nước ngọt tại Việt Nam

Khuyến nghị 1

Đảm bảo thực thi luật (ví dụ bắt giữ, phạt, thông báo rộng rãi) nếu phát hiện trại nuôi trái phép.

Các quy định của Việt Nam đã được đánh giá tại Dự án Pháp luật CITES. Hệ thống pháp luật của Việt Nam được đánh giá là đạt các tiêu chí theo Nghị quyết số 8.4 (Rev. COP14) (Hệ thống pháp luật quốc gia để thực thi Công ước) và được Uỷ ban Thường trực CITES xếp vào hạng 1.

Một số văn bản pháp quy về thực thi CITES và quản lý trại nuôi cá sấu của Việt Nam:

(a) Điều 90, Chương VII, Luật Hình sự năm 1999 - vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý, hiếm. Phần 1 nêu người nào săn bắn, bắt, giết, vận chuyển và/hoặc buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyến trái phép sản phẩm của động vật đó, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

(b) Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 về quản lý Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

(c) Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

(d) Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 30/10/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

(e) Chỉ thị số 359/TTg ngày 29/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng và phát triển các loài động vật hoang dã.

(f) Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản.

(g) Công văn số 390/KL-BTTN ngày 09/9/1999 của Cục Kiểm lâm gửi các Chi Cục Kiểm lâm hướng dẫn về thủ tục đăng ký các trại nuôi sinh sản cá sấu để xuất khẩu.

(h) Công văn số 604/KL-BTTN ngày 09/11/2001 của Cục Kiểm lâm về giết mổ cá sấu và thuộc da cá sấu để xuất khẩu. Văn bản này tuân thủ theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ.

(i) Quyết định số 83/2007/QĐ-UBND ngày 08/6/2007 của Uỷ ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh về việc ban hành quy chế quản lý và điều kiện an toàn cho nuôi và vận chuyển cá sấu sống và các loài hung dữ.

(j) Chỉ thị số 22/2007/CT-UBND ngày 10/8/2007 của Uỷ ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh về tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển động vật hoang dã ở Tp. Hồ Chí Minh

Theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, cả hai loài cá sấu nước ngọt và cá sấu nước mặn đều thuộc Nhóm IIB. Do vậy, việc nuôi cá sấu nước ngọt phải đăng ký với cơ quan Kiểm lâm địa phương. Tuy nhiên, cá sấu nước ngọt lại thuộc Phụ lục I của CITES, nên việc nuôi để xuất khẩu phải có đăng ký CITES. Theo Nghị định này thì được phép khai thác động vật hoang dã, bao gồm cả các sấu nước ngọt từ tự nhiên để làm nguồn giống ban đầu. Kế hoạch khai thác phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, việc vận chuyển cá sấu ra ngoài tỉnh đòi hỏi phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt do Chi Cục Kiểm lâm cấp, cộng với giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

Điều 10 của Nghị định 82/2006/NĐ-CP quy định điều kiện cho gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã.

(k) Điểm b, Khoản 10 quy định điều kiện cho gây nuôi sinh sản những loài động vật hoang dã là những loài được Cơ quan Khoa học CITES xác nhận là có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát.

(l) Điểm c, Khoản 10 quy định điều kiện cho nuôi sinh trưởng các loài động vật hoang dã là những loài được Cơ quan Khoa học CITES xác nhận là việc bắt từ tự nhiện không ảnh hưởng tới bảo tồn và sự tồn tại của loài đó ngoài tự nhiên.

Nghị định 82/2006/NĐ-CP quy định về chức năng và nhiệm vụ của Cơ quan Quản lý CITES và Cơ quan Khoa học CITES. Trong đó Cơ quan Quản lý có những nhiệm vụ trực tiếp tới quản lý trại nuôi cá sấu như:

(m) cấp, thu hồi chứng chỉ CITES, giấy phép CITES, giấy phép xuất, nhập khẩu mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định;

(n) đăng ký các trại nuôi sinh sản và cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài quy định tại Phụ lục I của Công ước CITES;

(o) Kiểm tra các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo vì mục đích thương mại; các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;

(p) kiểm tra hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tại nhà ga hàng không, nhà ga đường sắt, cảng biển, khu vực cửa khẩu.

Ngoài ra, Nghị định 82/2006/NĐ-CP còn quy định chức năng và nhiệm vụ liên quan tới trại nuôi cá sấu của Cơ quan Khoa học CITES:

(q) tư vấn khoa học cho Cơ quan Quản lý CITES về cấp giấy phép cấp giấy phép CITES, chứng chỉ CITES xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển;

(r) tư vấn khoa học cho Cơ quan quản lý về trại nuôi sinh sản cá sấu; thẩm định các đề xuất thành lập trại nuôi cá sấu;

(s) được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam uỷ quyền để kiểm tra các trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật.

Nghị định này cũng quy định 4 Cơ quan Khoa học là: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST); Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (FSIV), Viện Nghiên cứu Thuỷ sản (RIMF) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) - Đại học Quốc gia Hà Nội (HNU).

Điều 44 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004 quy định về việc buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh các loài động vật, thực vật rừng và sản phẩm của chúng. Trong trường hợp có sự quy định khác nhau giữa quy định của quốc gia và quốc tế thì áp dụng quy định của luật quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Theo Luật bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Nghị định số 82/2006/NĐ-CP, công tác quản lý các trại nuôi cá sấu được thể hiện ở sơ đồ tổ chức sau:

Việt Nam có hệ thống pháp luật đầy đủ về kiểm soát các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, nhưng mức độ phạt và tiền phạt về những vi phạm không đủ răn đe các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 1999 không bao gồm tội danh gây nuôi, tàng trữ động vật, thực vật trái phép, nhưng Nghị định số 159/2006/NĐ-CP (Điều 20) có quy định hình phạt đối với việc gây nuôi bất hợp pháp, trong đó cho phép được bắt giữ mẫu vật và thu hồi giấy chứng nhận trại nuôi.

6. Trại nuôi

Khuyến nghị 2

Đánh giá tất cả các trại nuôi sinh sản, bao gồm cả trại đã đăng ký với CITES, đảm bảo phù hợp với quy định của CITES và quốc gia

6.1. Các trại nuôi đã đăng ký với Ban thư ký CITES

Khuyến nghị 3

Tiếp tục thông qua các Chi Cục Kiểm lâm giám sát chặt chẽ các trại đang làm thủ tục đăng ký CITES là trại Mỹ Hiệp và Yangbay để đảm bảo cả hai trại thực hiện đầy đủ các quy định của CITES về gây nuôi sinh sản và vận hành trại đối với các trại nuôi loài thuộc Phụ lục I vì mục đích thương mại.

Khuyến nghị 4

Thông qua Chi Cục Kiểm lâm tiếp tục giám sát chặt chẽ trại Hoa Cà, đặc biệt là năng lực sản xuất con giống theo đàn bố mẹ hiện có của trại này

Vì tại Cambodia việc sử dụng cá sấu vì mục đích thương mại, bao gồm cả da và các bộ phận trong buôn bán quốc tế được phát triển từ thời kỳ thuộc địa, nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể ngoài tự nhiên. Việc gây nuôi cá sấu vì mục đích thương mại tại Việt Nam mới bắt đầu phát triển vào đầu những năm 1980, chủ yếu ở Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Việc phát triển các trại nuôi cá sấu được xem như một trong những biện pháp phát triển kinh tế và Tp. Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện khí hậu phù hợp cho mục tiêu này. Vào giữa những năm 1990 có khoảng 20 trại được thành lập (J. Thomson, in prep.). Hiện có khoảng trên 1.000 trại cá sấu tại Việt Nam với những quy mô khác nhau từ những trại nhỏ có một vài cá thể tới những trại có hàng nghìn cá thể.

Năm 1998 có năm trại cá sấu được đăng ký với CITES (Bảng 2) và đoàn đánh giá đã tới 4 trại. Trong đó có một trại (Suối Tiên) có một phần nguồn vốn của Chính phủ (45%).

Trong số hai trại đang làm các thủ tục đăng ký với CITES quốc tế theo quy định tại Nghị Quyết 12.10 (Rev. CoP 14), đoàn đã tới đánh giá trại Mỹ Hiệp, do không đủ thời gian nên không tới tại Yangbay, nhưng đại diện của trại Yangbay đã có bài trình bày với đoàn đánh giá vào ngày 01/5 tại Tp. Hồ Chí Minh.

Bảng 2. Các trại nuôi cá sấu nước ngọt đã đăng ký với CITES quốc tế, tính tới tháng 5/2008. HCMC = Tp. Hồ Chí Minh; LXC = Tp. Long Xuyên; * = đoàn tới đánh giá

Tên trại Địa điểm Năm thành lập

Trại Cá sấu Forimex HCMC 1981

Trại Cá sấu Hoa Cà * HCMC 1987

Trại Cá sấu Long Xuyên * LXC 1987

Trại Cá sấu Suối Tiên * HCMC 1989

Trại Cá sấu Tồn Phát * HCMC 1989

Thực tế trong chuyến đi và các thông tin do các trại nuôi lớn cung cấp cho thấy một số lượng lớn các sấu được sinh sản và khả năng sản xuất con giống có quy mô lớn. Trại Hoa Cà không giới thiệu cho Đoàn đánh giá xem cơ sở ấp trứng, và số lượng ổ trứng đang ấp ở trại Mỹ Hiệp không khớp với với số liệu năng lực sản xuất con non do trại cung cấp. Tuy nhiên, ở trại này đang bắt đầu thành lập cơ sở mới nên đoàn đánh giá không tới thăm, nhưng qua xem ảnh, có thể có số lượng con giống đầy đủ theo như báo cáo. Theo quy định của Nghị quyết số 12.10 (Rev.Cop14) có cơ chế cho phép Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam quyết định việc bãi bỏ đăng ký của những trại không đảm bảo yêu cầu quy định tại Nghị quyết 10.16 (rev.) về ‘Gây nuôi sinh sản’ bằng việc thông báo cho Ban thư ký CITES Quốc tế tại Geneva, Thuỵ Sỹ (xem phần h).

Với việc buôn bán các sản phẩm hoàn chỉnh (xem phần sau), cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng các trại nuôi lớn để đảm bảo sự tuân thủ theo Nghị quyết 12.10 (Rev. CoP14) và 10.16 (rev), và trong quá trình đăng ký theo Nghị quyết 12.10 (Rev. CoP 14) cho hai trại, Cục Kiểm lâm cần tiếp tục giám sát và kiểm tra để đưa ra các bằng chứng xác đáng rằng cả hai trại này có hoạt động phù hợp với các Nghị quyết về đăng ký và gây nuôi sinh sản đối với các loài động vật thuộc Phụ lục I vì mục đích thương mại. Theo ý kiến của Cục Kiểm lâm về dự thảo báo cáo đầu tiên của Đoàn đánh giá thì Chi Cục Kiểm lâm Tp. Hồ Chí Minh đã xác minh số liệu con giống sản xuất do các trại Hoa Cà trình ngày 29/9/2008 và Chi Cục Kiểm lâm Đồng Tháp đã xác minh số liệu của trại Mỹ Hiệp trình ngày 05 và 15/7/2008.

6.2. Trại nuôi vệ tinh

Khuyến nghị 5

Vì các trại vệ tinh được cho rằng là những nơi dễ nhất để thực hiện việc buôn bán con giống bất hợp pháp qua biên giới với các nước làng giềng, do đó, cần tăng cường những nỗ lực giám sát các trại vệ tinh của các cơ quan chức năng

Cũng giống như Thái Lan, các trại nuôi sinh sản lớn thường sử dụng các trại vệ tinh có quy mô vừa và nhỏ để tăng đàn giống nhằm lựa chọn/bán con non. Hầu hết các trại nuôi vệ tinh chỉ nuôi sinh trưởng, ít trại có khả năng nuôi sinh sản. Quan hệ giữa các trại lớn và trại nhỏ chủ yếu thông qua thoả thuận, thường là bên mua con giống sẽ thống nhất bán lại cá sấu trưởng thành cho bên bán con giống trước đó.

Các trại nuôi lớn cho biết có nhiều trại nuôi vệ tinh không tuân thủ theo hợp đồng, mà bán cho những trại nuôi cá sấu khác, hoặc xuất khẩu trực tiếp đi Trung Quốc, đặc biệt khi có giá cao hơn và thời gian phù hợp. Xuất khẩu cá sấu hoặc sản phẩm cá sấu từ các trại nuôi vệ tinh có thể vi phạm Nghị quyết 12.10 (Rev. Cop14) và Nghị quyết 10.16 (rev.) về định nghĩa ‘môi trường có kiểm soát’

Một trại nuôi sinh sản lớn có thể có hệ thống một số lượng lớn các trại vệ tinh (ví dụ trại Tồn Phát có 147 trại; Hoa Cà có 32 trại), tuy nhiên thực tế hiện nay các trại nuôi sinh sản có thể sẽ chuyển đổi phương thức nuôi qua trại vệ tinh. Ví dụ trại Tồn Phát có mục tiêu sau này sẽ thực hiện việc nuôi toàn bộ cá sấu hơn là phụ thuộc vào các trại vệ tinh. Trại Long Xuyên cũng có thông báo rằng hiện nay không cung cấp con giống cho các trại vệ tinh, nhưng vẫn để cho một số trại nuôi lớn có khả năng kiểm soát tốt và đảm bảo chất lượng da để nuôi. Mặc dù không tới đánh giá, đoàn đánh giá được thông báo rằng trại Forimex không sử dụng trại nuôi vệ tinh.

Do thời gian có hạn, nên đoàn đánh giá chỉ tới thăm được một trại nuôi quy mô hộ gia đình. Trại này không phải là trại mang tính đại diện cho các trại quy mô hộ gia đình vì có số lượng tương đối lớn (500 cá thể) và chủ trại đã quyết định nuôi dưỡng cá sấu từ con non tới trưởng thành trong những khu riêng biệt và nuôi dưỡng da trong những khu riêng rẽ (ví dụ mỗi cá thể một chuồng). Mỗi chuồng nuôi riêng sẽ giúp nâng cao chất lượng của da, tránh bị những ảnh hưởng tiêu cực từ cá thể khác (ví dụ cắn nhau) khi nuôi chung giúp nâng cao giá trị của sản phẩm. Một trại nuôi cho biết là đã bán 15 - 20% số lượng cá sấu con cho các trại vệ tinh với giá 15 USD/con (240.000 đồng năm 2008).

Hệ thống các trại nuôi vệ tinh thực hiện theo các chính sách của Nhà nước và tỉnh với mục tiêu khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn và địa phương bằng việc nuôi cá sấu. Tuy nhiên, không phù hợp với các quy định của Nghị quyết 12.10 (Rev.14) và Nghị quyết 10.16. Về nguyên tắc, hệ thống các trại nuôi vệ tinh là khái niệm tuyệt vời để nâng cao đời sống cho người dân địa phương ở các vùng sâu, vùng xa, nhưng đòi hỏi có nhiều nguồn lực để giám sát một số lượng lớn các trại nuôi quy mô nhỏ, đồng thời đây cũng là những nơi tiềm năng cho buôn bán trái phép. Theo báo cáo điều tra gần đây về trại cá sấu của WCS (Roberton và Nguyen 2008) cho thấy mặc dù có nhiều trại cá sấu quy mộ hộ gia đình có nguồn gốc từ các trại nuôi sinh sản ở Việt Nam, nhưng vẫn có một số con giống có nguồn gốc từ Cambodia. Do có đường biên giới dài và năng lực thực thi hạn chế ở cấp tỉnh và huyện để kiểm soát buôn bán qua biên giới, nên việc ngăn chặn có hiệu quả thấp. Việc mua các cá thể cá sấu đó cho trại nuôi đã đăng ký hoặc chưa đăng ký đều bất hợp pháp. Cán bộ Kiểm lâm cần giải quyết vấn đề này như là một hành động thực thi ưu tiên.

Một nguồn tin khác cho biết ở khu vực này có hàng vài “chục” trại, trước đây có hàng “trăm” trại. Hoạt động này chủ yếu ở vùng ven vì giá thức ăn tăng cao (xem mục 12.3).

7. Quản lý Nhà nước

7.1. Giám sát các trại nuôi và cấp giấy phép

Khuyến nghị 6

Thành lập bộ phận giám sát trại nuôi sinh sản thuộc Cục Kiểm lâm để giám sát các quần thể loài hoang dã gây nuôi và ngoài tự nhiên

Khuyến nghị 7

Cục Kiểm lâm cần đánh giá và nâng cao hệ thống báo cáo về số liệu trại nuôi. Các báo cáo đánh giá cần xem xét cụ thể những giấy phép vận chuyển đã được cấp trong 10 năm qua để xác định những trại cá sấu, bao gồm các trại vệ tinh có thực hiện đúng các quy định của quốc gia và quốc tế không

Khuyến nghị 8

Cục Kiểm lâm cần tập trung thực hiện tin học hoá và phân tích những số liệu về trại nuôi

Khuyến nghị 9

Xem xét hệ thống cấp giấy phép để đảm bảo được thực hiện với tất cả các trại (có nuôi cá sấu), cơ sở thuộc da, nhà buôn bán và xuất khẩu

Khuyến nghị 10

Tăng cường năng lực thực thi của các lực lượng có liên quan (như hải quan, công an, kiểm ngư, quản lý thị trường, các cộng đồng, kiểm lâm và hệ thống tư pháp) thông qua đào tạo, tăng cường năng lực, chia sẻ thông tin và phối hợp thực thi các hoạt đông liên quan tới CITES

Theo báo cáo năm 2007, có 374.775 cá thể cá sấu nước ngọt được nuôi. Trong số đó có khoảng 50% (186.000 cá thể) thuộc các trại đã đăng ký với CITES (Bảng 2) và hai trại đang đăng ký. Số còn lại được nuôi ở khoảng 1.000 trại nuôi có quy mô vừa và nhỏ, hầu hết trong số đó có quy mô hộ gia đình với số lượng nhỏ. Xét về khía cạnh thực thi luật và tuân thủ pháp luật vấn đề này cần xem như là thánh thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Đặc biệt đoàn đánh giá CSG quan tâm tới tính hợp pháp của các trại nuôi vừa và nhỏ và đây là một trong những vấn đề quan trọng cần đưa vào kế hoạch thực thi của các cơ quan chức năng.

Hầu hết các trại cá sấu nước ngọt có ở Tp. Hồ Chí Minh (36,5%) và An Giang (13,5%). Số lượng cá sấu trong các trại tăng rất nhanh trong những năm gần đây, nhưng ngành công nghiệp chế biến không phát triển. Khuynh hướng này khẳng định các thông tin được các nông dân của Cambodia báo cáo là trong 2 - 3 năm gần đây, nhu cầu cá sấu nước ngọt giống giảm mạnh.

Về cá sấu nước mặn ở các trại, một số cá thể sắp trưởng thành được thử nghiệm ở trại Tồn Phát và Mỹ Hiệp (từ Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ). Mặc dù cá sấu nước mặn có một số thích nghi nuôi trong trại, nhưng loài này không dễ gây nuôi sinh sản trong trại như cá sấu nước ngọt (ví dụ tăng trưởng chậm hơn).

Báo cáo về trại nuôi với Chi Cục Kiểm lâm là trách nhiệm của tất cả các trại. Tuy nhiên, đoàn đánh giá không rõ là loại nào và quy mô nào thì tự điều chỉnh bởi ngành công nghiệp cá sấu. Cán bộ Kiểm lâm chỉ khẳng định rằng những trại lớn được yêu cầu báo cáo hàng tháng cho cấp huyện, cấp tỉnh báo cáo hàng năm cho Cục Kiểm lâm. Cán bộ kiểm lâm đi kiểm tra các trại nuôi hai lần một năm, vào thời điểm đẻ trứng và thời điểm ấp nở. Điều này cho thấy việc kiểm tra được thực hiện tốt, nó cho phép giám sát số lượng trứng và con non. Tuy nhiên, những thông tin về phế phẩm (thịt, sản phẩm da) không được thể hiện trong hệ thống giám sát thường xuyên, mặc dù đã được quy định tại công văn số 604/KL-BTTN ngày 09/11/2001. Đoàn đánh giá thấy rằng những hoạt động này có thể tăng cường cho quá trình giám sát trong tương lai. Tuy nhiên, tăng cường giám sát còn đòi hỏi phải nâng cao năng lực cho những người chịu trách nhiệm để thực hiện.

Để đăng ký trại nuôi cá sấu, tổ chức/cá nhân đăng ký phải chứng minh được tính sở hữu; nguồn lực/cơ sở vật chất để duy trì đàn cá sấu; và có xác nhận của cơ quan môi trường cấp huyện về đảm bảo môi trường. Khi được thông qua, sẽ được nhận giấy phép và sổ ghi chép đầu vật nuôi. Hộ gia đình/trại nuôi vệ tinh sử dụng số theo dõi đầu vật nuôi từ Cơ quan Kiểm lâm địa phương, chủ trại phải ghi chép đầy đủ số lượng mua, bán, v.v. Các sổ sách phải được công khai để Cơ quan Kiểm lâm kiểm tra, theo đó có thể giám sát tốt được sự biến động của các trại nuôi quy mô nhỏ. Việc kiểm tra thường xuyên 1.000 trại nuôi quy mô hộ gia đình đảm bảo phù hợp với các quy định của Chính phủ. Báo cáo được lưu giữ ở Hạt, nhưng được Chi Cục kiểm tra.

Người kinh doanh yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh động vật hoang dã bao gồm cả cá sấu. Giấy phép này có thông qua trung gian hay không đoàn đánh giá không rõ. Về nguyên tắc hệ thống cấp giấy phép cấp cho tất cả các nhà kinh doanh là một điều kiện để giám sát các trại và có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trách nhiệm báo cáo có thể là một trong những điều kiện để cấp giấy phép. Hệ thống báo cáo của Cục Kiểm lâm cần xem xét xem có cơ hội để tăng cường sự tham gia của tất cả mọi người vào ngành công nghiệp cá sấu. Sự quan tâm trong việc thẩm định các báo cáo cũng sẽ nâng cao hiệu quả giám sát và kiểm tra các trại nuôi.

Cần xem xét việc thành lập bộ phận Giám sát Cá sấu Việt Nam để chịu trách nhiệm về mọi vấn đề “liên quan tới cá sấu”, bao gồm cả giám sát trại nuôi và quần thể tự nhiên, làm các báo cáo cho Cơ quan quản lý CITES, đầu mối liên hệ với các cơ quan thực thi luật, v.v. Đoàn đánh giá cho rằng tăng cường năng lực thực thi luật thông qua đào tạo và nâng cao năng lực sẽ giúp cho các cơ quan chức năng tăng cường việc thực thi luật pháp ở cấp quốc gia và quốc tế.

Quy định của pháp luật bắt buộc phải đánh dấu đàn cá sấu, trong đợt kiểm tra, đoàn đánh giá nhận thấy các báo cáo ở những trại nuôi lớn có chất lượng cao, với đàn bố mẹ được đánh dấu để nhận dạng bằng thẻ nhựa và đôi khi được cắt đuôi. Nguồn gốc đàn sinh sản và thế hệ đầu tiên được xác định thông qua hệ thống đánh dấu phù hợp.

7.2. Đăng ký CITES

Khuyến nghị 11

Xem xét đăng ký CITES cho toàn bộ các trại cá sấu nước ngọt được thành lập để gây nuôi sinh sản và xuất khẩu. Việc xuất khẩu thông qua các trại đã đăng ký khác gây khó khăn cho việc kiểm tra, báo cáo và thực hiện theo đúng các quy định của CITES

Khuyến nghị 12

Xem xét đánh giá các chính sách của Nhà nước liên quan tới thực thi Nghị Quyết số 12.10 (Rev. COP14) của CITES đối với các trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt

Không giống như Cambodia, có ít các trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt lớn, một số trại vệ tinh cỡ trung bình có hoạt động sinh sản. Tuy nhiên, bất chấp số lượng buôn bán, xuất khẩu mẫu vật có ngườn gốc từ các trại chưa đăng ký CITES và không phù hợp với Nghị quyết 12.10 (Rev.14). Cơ quan Quản lý CITES cần đăng ký cho các trại nuôi lớn để tuân thủ theo CITES cho tới thời điểm mà có giải pháp lâu dài cho các trại cỡ vừa có các hoạt động sinh sản.

Về giải pháp trong tương lai cho những trại nuôi sinh sản cỡ vừa, có thể Chính phủ Việt Nam cần đưa ra chính sách cho phép buôn bán quốc tế các loài thuộc Phụ lục I thực sự được nuôi sinh sản, nhưng có nguồn gốc từ những trại nuôi sinh sản chưa đăng ký CITES. Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách của Chính phủ có thể hạn chế việc thực hiện Nghị quyết 12.10, nhưng nó cho phép Việt Nam cấp giấy phép xuất khẩu theo Điều VII, Khoản 4 (xem 6.7.1) đối với các trại nuôi cá sấu nước ngọt mà đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho mục đích này. Mã nguồn gốc cho giấy phép CITES đối với những mẫu vật này có thể là “D” theo các quy định của Nghị quyết 12.3 (Rev. CoP13). Nếu Chính phủ Việt Nam quyết định thay đổi chính sách thì phải thông báo với Ban thư ký CITES quốc tế và các nước thành viên.

7.3. Thị trường

Cá sấu sống: Việc xuất khẩu cá sấu sống sang Trung Quốc để làm thức ăn là một trong những hoạt động của các trại lớn. Chỉ có một trại nêu rõ rằng không muốn xuất khẩu cá sấu sống. Nhu cầu về cá sấu sống của Trung Quốc ngày càng cao và một số trại đã không cung cấp đủ theo yêu cầu.

Da: Nhu cầu về da cá sấu nước ngọt hiện rất cao. Tuy nhiên, đạt được chất lượng da tốt tương đối khó với các trại vì bị vết sẹo, vết cắn (của con cá sấu khác) và bị cào xước da (do nền chuồng). Ít nhất có 2 trại nuôi lớn được biết có sử dụng những chuồng nuôi đơn để dưỡng da và tăng chất lượng. Quy mô đầu tư những chuồng nuôi này cho thấy nhu cầu da có chất lượng cao.

Một trại đã thử nghiệm những chuồng nuôi đơn để nuôi trong giai đoạn cuối, nhưng hình như không thành công, và thay vào đó đã lựa chọn cách nuôi chung trong chuồng lớn (có nền xi măng láng nhẵn với mật độ thấp) để giảm thiểu những tác động tới da - cá sấu cần khoảng 6 tháng nuôi trong chế độ dưỡng da.

Để đáp ứng nhu cầu cho những tấm da lớn (35 - 50cm vòng bụng), thì cá sấu cần được nuôi lớn (22 - 32 kg), và do vậy chi phí nuôi cũng cao hơn.

Thịt: thịt cá sấu được bán cho các nhà hàng ở địa phương và siêu thị. Ngoài ra, theo báo cáo từ Cơ sở dữ liệu buôn bán CITES của UNEP-WCMC trong một vài năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu thịt cá sấu cho những nước thuộc Cộng đồng Châu Âu (Bỉ, Đức và Hà Lan là những thị trường chủ yếu), Canada và Trung Quốc. Tiềm năng về sử dụng thịt cá sấu ngoài Việt Nam cần được khảo sát về thị trường để tăng hiệu quả kinh tế trong việc tổ chức, đầu tư các trại nuôi sinh sản cho phân khúc sản phẩm này.

Sản phẩm: chế biến các sản phẩm cá sấu tại Việt Nam đang trong quá trình mở rộng từ những năm 1990. Hiện có hai trại lớn làm thuộc da và chế biến nhiều sản phẩm, những trại khác chủ yếu thuộc da và chuyển cho các cơ sở chế biến khác. Hai trại lớn này cũng có chuyên môn về thuộc da và chế biến được học từ các công ty nước ngoài (ví dụ Italy).

Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu (đi Châu Âu) hoặc bán trong nước. Thị trường Hoa Kỳ cũng được quan tâm, nhưng cá sấu nước ngọt không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ vì loài này nằm trong danh mục của Luật Các loài nguy cấp của Hoa Kỳ. Hiện nay có nhiều cửa hàng chuyên bán sản phẩm cá sấu chất lượng cao được mở ở Tp. Hồ Chí Minh, việc đầu tư, mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt là cho khách du lịch là hướng đi cần thiết.

Chất lượng của các sản phẩm (ví dụ dây lưng, ví, túi xách) ở Trại Hoa Cà và trại Tồn Phát tương đối tốt và điều quan trọng là làm tăng giá trị của sản phẩm. Các trại có hiểu biết về nguyên tắc của CITES đối với mẫu vật là sản phẩm da cá sấu. Đối với khách du lịch nước ngoài mua sản phẩm da cá sấu từ các trại hoặc cửa hàng được cơ quan Kiểm lâm cấp chứng chỉ.

Du lịch: du lịch là một khía cạnh quan trọng của ít nhất 4 trại nuôi mà đoàn đánh giá đã tới là Hoa Cà, Suối Tiên, Long Xuyên và Yangbay. Hoạt động du lịch cũng là cơ hội để bản các sản phẩm hoàn chỉnh và thịt, v.v., ngoài ra, khách du lịch có thể xem biểu diễn cá dấu như ở Suối Tiên là nơi đón tiếp một lượng lớn du khách trong và ngoài nước mỗi năm.

8. Đối thoại cấp vùng

Khuyến nghị 13

Tiếp tục tăng cường quá trình thảo luận với các nước láng giềng thông qua các nhóm công tác cấp vùng thuộc các diễn đàn (ví dụ như. Sáng kiến buôn bán loài hoang dã ASEAN và/hoặc Nhóm thực thi CITES tiểu vùng sông Mê Kông để thực hiện các vấn đề cấp vùng và cá sấu nước ngọt.

Việc buôn bán cá sấu nước ngọt giữa các nước Cambodia, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc ra tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những thông tin về buôn bán bất hợp pháp cần được thu thập để hỗ trợ cho công tác quản lý và thực thi trong tương lai, và việc điều tra cụ thể về vấn đề này có thể phải được thống nhất ở cấp cao.

Đoàn đánh giá cũng được biết rằng Cục Kiểm lâm là cơ quan chủ trì trong việc quản lý các loài hoang dã đã nhận thức được vấn đề này và cam kết sẽ xử lý. Ví dụ vào năm 2005, Cục Kiểm lâm sau khi nhận được thư từ Ban thư ký CITES quốc tế về việc cung cấp thông tin liên quan đến buôn bán cá sấu bất hợp pháp giữa Việt Nam và Cambodia, Cục Kiểm lâm đã có phản hồi ngay và thành lập đoàn đi điều tra, xác minh ở các tỉnh phía Nam và khu vực biên giới. Ngoài việc tăng cường các nỗ lực thực thi, Cục Kiểm lâm cũng chỉ đạo các Chi Cục Kiểm lâm cần tăng cường thực thi luật và giám sát các trại nuôi sinh sản các loài thuộc CITES.

Nhu cầu về cá sấu nước ngọt ở trong vùng được cho rằng có cả cá sấu từ tự nhiên của Cambodia - là nơi cuối cùng còn quần thể loài này ở Châu Á. Theo đánh giá của WCS về quản lý cá sấu ở Cambodia năm 2005 đã xác định hàng loạt vấn đề cần chú ý, bao gồm việc buôn bán cá sấu từ các trại đã đăng ký và chưa đang ký với Việt Nam đôi khi không có giấy phép CITES. Việc buôn bán này là buôn lậu qua biên giới, đồng thời để trốn thuế.

Việc giám sát buôn bán các loài hoang dã dọc biên giới giữa Cambodia và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, mặc dù vậy việc tăng cường giám sát các trại nuôi và điểm buôn bán có thể giảm buôn bán trái phép.

Khuyến nghị về giải pháp chống Buôn bán quốc tế bất hợp pháp và không bền vững của “ASEAN và các nước lưu vực sông Mekong” đã kêu gọi các nước ASEAN và các nước lưu vực sông Mekong cần khẩn trương tập trung các nỗ lực quốc tế để phát hiện và thực thi những giải pháp thích hợp nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép các loài hoang dã và sản phẩm của chúng ở trong vùng. Ngoài ra, Ban thư ký ASEAN cũng đề nghị thực thi nghiêm các quy định để kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép các loài hoang dã, tập trung vào thực thi nghiêm các quy định của CITES. Trong bối cảnh này, việc đối thoại với Cambodia, Trung Quốc và Thái Lan cần khẩn trương thực hiện để giải quyết những vấn đề buôn bán trái phép giữa các nước.

Thành lập nhóm thực thi như Sáng kiến buôn bán các loài hoang dã ASEAN và/hoặc nhóm thực thi CITES các nước tiểu vùng sông Mekong có thể giúp tổ chức đối thoại thường xuyên để giải quyết những vấn đề cấp vùng và đối với cá sấu nước ngọt. Cả ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mekong đã bước đầu có những phối hợp tốt hơn trong việc kiểm soát buôn bán các loài hoang dã trái phép. Tuy nhiên, đoàn đánh giá thấy rằng cần có phối hợp cấp Vùng và Tiểu vùng để tăng cường hiệu quả và hiệu lực. Nhóm thực thi với các đại diện từ các nước lưu vực sông Mekong và các tổ chức phi chính phủ có liên quan có thể là phương thức tốt nhất để kiểm soát buôn bán, đồng thời xác định được các tổ chức và/hoặc cán bộ chính có thể tham gia ở trong và ngoài nước.

9. Hiệp hội cá sấu

Khuyến nghị 14

Thành lập Hiệp hội gây nuôi cá sấu Việt Nam để các cơ quan Nhà nước và các nhà gây nuôi, sản xuất cá sấu có thể đối thoại dễ dàng và hiệu quả hơn

Hiện nay chưa có Hiệp hội gây nuôi cá sấu của Việt Nam. Theo kinh nghiệm của các nước khác cho thấy với hiệp hội (như Hiệp hội gây nuôi cá sấu Việt Nam) có thể đem lại những lợi ích cho các thành viên và là đầu mối liên hệ với các cơ quan của Chính phủ, Hiệp hội nuôi cá sấu có thể giữ vai trò chính trong việc bảo tồn và quản lý thông qua:

Tổ chức các cuộc họp, hội thảo thường xuyên để trao đổi thông tin và thảo luận về các vấn đề có liên quan;

Tổ chức các hội thảo quốc gia về gây nuôi cá sấu, kỹ thuật sinh sản và công nghiệp chế biến da quốc tế (bao gồm CITES);

Xây dựng những tiêu chuẩn chung và hướng dẫn chung (ví dụ như báo cáo, kiểm soát dịch bệnh, ấp trứng, con non, dinh dưỡng, nuôi dưỡng);

Tham gia các cuộc họp quốc tế (ví dụ CSG họp 2 năm một lần) và các diễn đàn khác;

Xây dựng danh mục các trại cá sấu, người vi phạm và nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết duy trì và bảo tồn các quần thể cá sấu ngoài tự nhiên;

Hợp tác với các cơ quan Chính phủ, công an, các tổ chức phi chính phủ và các bên, thông tin về vi phạm và khuyến khích không chấp nhận cá sấu bất hợp pháp;

Hỗ trợ Chính phủ trong việc bảo tồn cá sấu ngoài tự nhiên và sinh cảnh của chúng (ví dụ thành lập các khu bảo tồn loài cá sấu);

Cung cấp cá sấu nước ngọt thuần chủng cho các chương trình gây nuôi; và

Xem xét việc thành lập Quỹ bảo tồn cá sấu để quyên kinh phí cho các dự án bảo tồn.

10. Chương trình quản lý

Khuyến nghị 15

Xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý cá sấu quốc gia với mục tiêu, mục đích rõ ràng để quản lý các quần thể cá sấu ngoài tự nhiên và nuôi nhốt tại Việt Nam [Captive, Wild, CITES]

Hiện chưa có kế hoạch quản lý cá sấu bao gồm cả nuôi sinh sản và các quần thể ngoài tự nhiên đối với cá sấu nước ngọt và nước mặn. Đoàn đánh giá cho rằng kế hoạch quản lý cá sấu có thể được Chính phủ ban hành để hướng dẫn cả khu vực tư nhân, Chính phủ và các tổ chức bảo tồn quốc tế tham gia vào quản lý cả hai loài cá sấu đang nuôi và ngoài tự nhiên.

Trước đây CSG đã xây dựng mẫu kế hoạch quản lý cá sấu, Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo mẫu này để xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình dự thảo kế hoạch cần có sự tham gia của các bên có liên quan một cách minh bạch để đảm bảo việc thực hiện và tuân thủ mang tính khả thi.

11. Những vấn đề về trại nuôi

11.1. Ấp trứng

Các cơ sở ấp trứng có từ ấp bằng các ổ mùn và/hoặc đất (như sử dụng ở Cambodia và Thái Lan) đến các máy ấp trứng hiện đại với chế độ kiểm soát tự động nhiệt độ và độ ẩm. Tuỳ vào phương pháp ấp trứng, sinh nở có thể đạt 90 - 97% đối với “trứng tốt”. Tỷ lệ trứng nở trung bình là 60 - 75% tuỳ thuộc vào các trại.

11.2. Tỷ lệ chết

Con non (từ 0 - 1 năm): tỷ lệ chết trong năm đầu tiên tương đối cao. Dịch bệnh là nguyên nhân chính đối với một số trại, triệu chứng chủ yếu do viêm màng kết và sưng miệng (mồm đỏ), giống như những triệu chứng được ghi nhận ở các trại ở Cambodia. Có trại tỷ lệ bị dịch bệnh là 25% tổng số con non, có trại không bị dịch do điều trị bằng kháng sinh tốt. Bệnh nấm cũng được ghi nhận là một trong những nguyên nhân gây tử vong. Nếu không bị dịch bệnh, tỷ lệ chết của con non có thể chỉ từ 3 - 5%.

Con gần trưởng thành (1 - 4 tuổi): tỷ lệ chết sau một tuổi tương đối thấp, khoảng từ 2 - 3%

Con trưởng thành: tỷ lệ chết của con trưởng thành rất thấp, chủ yếu do đánh nhau khi nuôi chung trong một chuồng.

11.3. Thức ăn

Chi phí cho thức ăn chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí của các trại. Ở Việt Nam, cá biển và cá nước ngọt (ví dụ cá nhỏ, cá da trơn, cá thải loại) là thức ăn chính được sử dụng ở các trại, ngoài ra còn sử dụng cả thịt lợn và gia súc thải loại. Ở nhiều nước, chi phí cho thức ăn của cá sấu đang tăng nhanh, gây ảnh hưởng tới kinh tế của nhiều trại vệ tinh ở Việt Nam. Trại Long Xuyên cho rằng chi phí thức ăn tăng 150% trong vòng 4 - 5 năm qua.

11.4. Lai tạo

Khuyến nghị 16

Xây dựng tiêu chí cụ thể về việc xác định loài lai và đánh giá và xác định số lượng của loài lai giữa loài C. siamensis với C. rhombifer của các trại nuôi tại Việt Nam

Khuyến nghị 17

Thực hiện các hành động để ngăn chặn, giảm thiểu hoặc loại bỏ việc lai giữa hai loài C. siamensis với C. rhombifer để giảm đến mức tối thiểu việc phát tán gen ảnh hưởng tới quần thể cá sấu nước ngọt ngoài tự nhiên

Năm 1985 tổng cộng có 100 cá thể cá sấu Cu Ba (C. rhombifer) được Chính phủ Cu Ba tặng Chính phủ Việt Nam. Số cá sấu này được chuyển cho nhiều vườn thú và trại nuôi. Quá trình lai tạo với cá sấu nước ngọt đã được thực hiện và nhóm đánh giá được biết rằng chưa có đánh giá cụ thể về vấn đề này nhưng các cán bộ Cục Kiểm lâm cho rằng hiện tượng lai tạo cần được hạn chế.

Không có ghi nhận về lai tạo ở các trại mà đoàn đánh giá tới. Tuy nhiên, do việc buôn bán giữa các trại nuôi của Việt Nam ngày càng tăng và buôn bán qua biên giới với các trại ở Cambodia có liên quan tới cả những loài lai, do vậy, có thể loài lai đã có ở nhiều trại.

Trước khi tái thả cá sấu nước ngọt ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (Polet 2002), tất cả các cá thể tái thả đã được kiểm tra về nguồn gen gốc cho thấy những cá thể lai có hình thái giống như những cá thể thuần chủng. Những chương trình tái thả về tự nhiên cần phải lựa chọn những cá thể đã được kiểm tra DNA trước.

Việc xác định cá thể lai bằng mắt thường là rất khó. Do được lai qua nhiều thế hệ, nên khó có thể xác định chỉ dựa trên những đặc điểm bên ngoài.

12. Thành lập các quần thể tự nhiên

Khuyến nghị 18

Xác định các khu bảo tồn và/hoặc khu bảo tồn loài để trong tương lai thực hiện chương trình tái thả ra ngoài tự nhiên loài C. siamensis và có thể loài C. porosus.

Khuyến nghị 19

Tiếp tục giám sát thường xuyên có hệ thống chương trình tái thả quần thể loài C. siamensis ra tự nhiên để thực hiện thành công sáng kiến bảo tồn và khuyến khích cho các chương trình tái thả khác.

Những nỗ lực tái thiết lập quẩn thể cá sấu nước ngọt tự nhiên ở Việt Nam cho tới nay được đánh giá cao, việc tái thả đã bắt đầu được thực hiện ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (Polet 2002, 2004).

Hai trại là Tồn Phát và Hoa Cà đã tham gia vào dự án của Vườn Quốc gia Cát Tiên, ngoài ra, một số các trại khác cũng thể hiện với đoàn đánh giá là sẵn sàng tham gia. Trại Yangbay sẵn sàng cam kết cân đối 10% số lượng có trong trại cho bảo tồn. Trại Long Xuyên cũng bày tỏ sự sẵn sàng tham gia đóng góp cho bảo tồn.

Bất cứ cá thể cá sấu nước ngọt nào dự định cho tái thả cần được kiểm tra DNA để đảm bảo rằng chúng không phải loài lai (Fitzsimmons et al. 2002). Việc cá sấu sổng chuồng như ở trại Yangbay có thể dẫn đến một số cá thể lai thoát ra ngoài tự nhiên.

Một chương trình giám sát có hệ thống về quần thể tái thả có thể cung cấp những thông tin chi tiết về hiện trạng của quần thể ngoài tự nhiên (Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu sinh quyển Cần Giờ, Hồ Tây Sơn, Sông Sere Pok, Vườn Quốc gia Yok Don, Hồ Lắc) và sự thành công của chương trình tái thả. Đào tạo cán bộ về kỹ thuật giám sát quần thể cá sấu có thể giúp cho những nỗ lực này trong tương lai.

Xác định thêm những khu vực có thể thực hiện các chương trình tái thả hay phục hồi sẽ tăng cường những nỗ lực về bảo tồn và thiết lập các quần thể loài cá sấu nước ngọt (hoặc nước mặn).

13. Lời cảm ơn

Kinh phí và công tác hậu cần cho đoàn đánh giá CSG được Chính phủ Việt Nam và các trại cá sấu của Việt Nam cung cấp. Cơ quan Bảo tồn thiên nhiên của Đức, Tổ chức Quản lý loài hoang dã quốc tế của Australia, Tổ chức TRAFFIC Đông Nam Á - Chương trình Mê Kông (Việt Nam) và Đại học Seisa Nhật Bản đã đóng góp bằng hiện vật và một phần kinh phí.

Ông Tom Dacey, cán bộ quản trị của CSG đã có những hỗ trợ rất ý nghĩa cho việc lập kế hoạch và thành lập đoàn đánh giá.

Đặc biệt xin cảm ơn các cán bộ Chính phủ và các trại đã hỗ trợ cho quá trình đánh giá - chúng tôi cảm ơn họ đã thông cảm cho việc gửi báo cáo muộn.

14. Tài liệu tham khảo

Fitzsimmons, N.N., Bucan, J.G., Phan Viet Lam, Polet. G., Ton That Hung, Nguyen Quoc Hang & Gratten, J. (2002). Identification of pure bred Crocodylus siamensis for reintroduction in Vietnam. J. Exp. Zool. 294 (4): 373-381.

Jenkins, R.W.G. (2002). Operational manual for inspections of closed-cycle captive breeding operations: crocodiles and pythons. TRAFFIC Southeast Asia: Cambridge.

Jenkins, R.W.G. and Sung, C.V. (1998). Crocodile Farming in Vietnam: Development, Administration and Control of the Industry (with recommendations for improvement & CITES registration). CITES: Geneva.

Platt, S.G. and Ngo Van Tri (2000). Status of the Siamese crocodile in Vietnam. Oryx 3 (3): 207-221.

Polet, G. (2002). Crocodylus siamensis re-introduced in Cat Tien National Park. Crocodile Specialist Group Newsletter 21(1): 9-10.

Polet, G. (2004). Re-establishment of Crocodylus siamensis in Cat Tien National Park, Vietnam. Crocodile Specialist Group Newsletter 23(4): 12-16.

Roberton, S.I. and Nguyen, D.H. (2008). Commercial wildlife farms in Vietnam: a problem or solution for conservation? Unpublished WCS report.

15. Các từ viết tắt:

FCBF: Trại nuôi sinh sản Cá sấu Forimex

FPD: Cục Kiểm lâm

HCF: Trại Cá sấu Hoa Cà

LXCF: Trại Cá sấu Long Xuyên

MHCF: Trại Cá sấu Mỹ Hiệp

MARD: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

STCF: Trại Cá sấu Suối Tiên

TPCCDF: Trại Cá sấu Tồn Phát

YCF: Trại Cá sấu Yangbay


PHỤ LUC 1

Điều khoản tham chiếu cho

Đoàn đánh giá CSG về Quản lý và Bảo tồn cá sấu tại Việt Nam

1. Mục tiêu

Đánh giá công tác bảo tồn, quản lý và nuôi trang trại cá sấu ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị nếu cần.

2. Thành viên của đoàn đánh giá CSG

· TS. Dietrich Jelden, Phó Chủ tịch CSG, Đức: JeldenD@bfn.de

· Mr. Stratis (“Charlie”) Manolis, Chủ tịch CSG vùng Úc và Châu đại dương: cmanolis@wmi.com.au

· TS. Toshinori Tsubouchi, Chuyên gia tư vấn, Cục động vật hoang dã Sabah: t_tsubouchi@seisa.ac.jp

· Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, TRAFFIC Đông Nam Á - Chương trình sông Mê Kông, Ha Noi: nvan@traffic.netnam.vn

3. Phương pháp

Bước 1: Thu thập dữ liệu hiện có về các trại nuôi cá sấu và gia súc và số lượng cá sấu và da cá sấu được buôn bán trên thế giới.

Bước 2: Thăm một số trại nuôi có quy mô lớn và nhỏ đã đăng ký với văn phòng CITES, một số trại nuôi chưa đăng ký và một số trại nuôi ở cấp thôn bản;

Bước 3: Phỏng vấn và tham khảo ý kiến với các bên liên quan chính;

Bước 4: Tổng hợp nội dung đánh giá và đưa ra các khuyến nghị; và,

Bước 5: Trình bày và thảo luận các kết quả thu được và các khuyến nghị đề xuất với các bên liên quan (ví dụ các quan chức chính phủ, chủ trại nuôi cá sấu, đại diện người dân địa phương và NGOs)

4. Các vấn đề sẽ được giải quyết tại đợt đánh giá

· Thủ tục hành chính. Khung pháp lý, cơ cấu thể chế (cán bộ và các quan chức tham gia) và/hoặc chính sách giám sát và điều tiết các hoạt động buôn bán cá sấu.

Thực thi Pháp luật

· Cấp địa phương

· Cấp quốc gia

· Cấp quốc tế

Báo cáo và Giám sát tại cấp chính phủ

· Các quần thể hoang dã

· Gia súc

· Nuôi nhốt

· Nuôi sinh trưởng Raising

· Tiêu hủy

· Xuất nhập khẩu (động vật sống và sản phẩm của chúng

· Công tác quản lý. Đánh giá công tác quản lý cá sấu hiện tại ở Việt Nam

o Kế hoạch quản lý

o Thực hiện và tuân thủ các điều khoản CITES bao gồm các nghị quyết liên quan đến các hoạt động nuôi nhốt, đăng ký hoạt động nuôi nhốt vì mục đích thương mại (tỉ lệ chết, giám sát, đăng ký thêm số lượng động vật, đánh dấu, bán sản phẩm, vvv) hoặc đính thẻ vào da cá sấu.

o Giấy phép và thẻ CITES, bao gồm các báo cáo ở cấp quốc gia và quốc tế

o Buôn bán động vật sống trong nước và trên thế giới

o Các hoạt động buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp

o Vai trò và sự tham gia của người dân địa phương trong công tác quản lý cá sấu, bao gồm các động cơ kinh tế

· Các vấn đề liên quan đến các loài hoang dã. Công tác bảo tồn và quản lý các quần thể hoang dã

o Mật độ phân bố của cá sấu xiêm, C. siamensis, (trong quá khứ và hiện tại), hiện trạng sinh học và bảo vệ

o Mật độ phân bố của cá sấu hoa cà/cá sấu cửa sông, C. porosus (trong quá khứ và hiện tại), hiện trạng sinh học và bảo vệ

o Giám sát

· Các vấn đề liên quan đến nuôi nhốt

o Loài Species (cá sấu xiêm, C. siamensis, C. rhombifer, cá sấu hoa cà, C. porosus)

o Đánh giá những sự kiện vừa xảy ra

o Nuôi nhốt

o Ấp trứng

o Từ lúc mới nở cho đến năm 1

o Từ năm 1 cho đến lúc giết mổ/bán

o Chết

o Tỉ lệ sinh trưởng

o Thức ăn

o Đánh giá công tác chăn nuôi

o Buôn bá da so với buôn bán động vật sống

Đánh giá/đào tạo nâng cao năng lực

o Các quần thể hoang dã

o Các quần thể nuôi nhốt

5. Cơ quan chủ trì

Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam

6. Kinh phí

Chủ yếu do phía Việt Nam chuẩn bị, có lẽ thông qua các bên có liên quan đến ngành công nghiệp này ở Việt Nam, những người hưởng lợi và/hoặc bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu việc buôn bán cá sấu ở Việt Nam bị nghiêm cấm do lo ngại về các hoạt động buôn bán trái phép. Có lẽ một phần số tiền tài trợ sẽ được tìm kiếm thông qua các nguồn khác.

7. Thời gian

Kế hoạch thực hiện từ 27/4 - 5/5/2008


PHỤ LỤC 2

Chương trình của đoàn đánh giá CSG

27/4 Các thành viên đoàn đánh giá CSG tới Hà Nội.

28/4 Tham vấn và làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD);

Làm việc với đại diện các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (WWF, IUCN, WCS);

Làm việc với đại diện của Cục Kiểm lâm.

29/4 Đoàn đánh giá đi Tp. Hồ Chí Minh;

Tham vấn và làm việc với các cơ quan của thành phố tại văn phòng Cục Kiểm lâm và gặp tổ chức phi chính phủ (WAR).

30/4 Tới các trại đã đăng ký CITES (Tồn Phát, Hoa Cà và Suối Tiên);

1/5 Họp và thảo luận với đại diện của trại Yangbay tại văn phòng Cục Kiểm Lâm ở Tp. Hồ Chí Minh.

2/5 Đi tỉnh Đồng Tháp và làm việc với trại Mỹ Hiệp;

Đi tỉnh An Giang và Làm việc với trại Long Xuyên.

3/5 Trở về Tp. Hồ Chí Minh.

4/5 Làm báo cáo để trình bày với các bên và xây dựng báo cáo đánh giá.

5/5 Họp với các bên có liên quan và trình bày về những ý kiến đánh giá

Các thành viên đoàn đánh giá rời Tp. Hồ Chí Minh.