Đa dạng sinh học Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

  15/04/2010 11:24:18 AM 

V ườn quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích 39.995ha, thuộc địa bàn 3 huyện Kbang, Mang Ịang và Đăk Đoa thuộc tỉnh Gia Lai cách thành phố Pleiku khoảng 40km. Rừng tự nhiên ít bị tác động, có độ che phủ rừng trên 88%, đây là vùng rừng có giá trị đa dạng sinh học cao không chỉ của riêng tỉnh Gia Lai mà còn của cả vùng Tây Nguyên, với tổ thành động thực vật phong phú và đa dạng

Về thảm thực vật rừng mang đặc trưng vùng Tây Nguyên, phần lớn là rừng nguyên sinh, sinh cảnh chủ yếu của vùng cảnh quan là rừng thường xanh lá rộng và kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim. Trong đó, kiểu rừng lá rộng thường xanh chiếm ưu thế với các loài cây họ: dẻ, nguyệt quế, ngọc lan,... đôi chỗ có xen cây hạt trần như thông nàng, thông tre, pơ mu, hoàng đàn giả... Ngoài ra, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có hơn 62 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, trong đó có loài phân bố hẹp như nỉ lan tơi hoặc có loài chỉ phân bố ở dải Trường Sơn Nam như thông Đà Lạt... có loài phân bố rất hẹp ở cao nguyên Kon Hà Nừng như móng rồng mỏ nhọn, dùi đục có mũi, cầu diệp sao... Ngoài ra còn phát hiện loài đậu mèo Mucuna sp, có hạt rất lớn với chiều dài lớn hơn 5cm, rộng lớn hơn 4cm rất có thể là loài mới cho khoa học hoặc mới ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam.

Về khu hệ thực vật có hơn 34 thực vật quý hiếm như: hồng quang, thông tre, sến mật, bách xanh, trắc... Về khu hệ động vật theo số liệu điều tra của Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Trung bộ - Tây Nguyên và tổ chức Chim quốc tế ghi nhận Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 95 loài thú, 242 loài chim, trong đó nhiều loài động vật có yếu tố đặc hữu cho dải Trường Sơn bao gồm Việt Nam và Lào như mang Trường sơn, mang lớn,... có nhiều loài chim đặc hữu vùng cao nguyên có phân bố hẹp như: khứu Konkakinh, niệc nâu, hồng hoàng... và nhiều loài động thực vật có giá trị bảo tồn khác mà chưa được nghiên cứu hết.

Với các giá trị đa dạng sinh học cao hiện có tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh hiện nay nhiều loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Vì vậy rất cần sự quan tâm của chính phủ, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu và bảo tồn nhằm duy trì các giá trị sinh học không những cho hôm nay mà còn cho thế hệ mai sau.