Dự án Flitch, cơ hội phát triển rừng và nghề rừng ở Tây Nguyên

  24/11/2010 11:03:48 AM 

Dự án Flitch, tiếng Việt là “Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên”. Đây là dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, được triển khai trực tiếp trên 6 tỉnh (5 tỉnh Tây Nguyên và Phú Yên), 22 huyện, 60 xã; với diện tích hơn 1 triệu hécta. Tổng vốn dầu tư gần 1 trăm triệu USD (phần lớn từ nguồn vốn vay của ngân hàng ADB). Dự án bao gồm 4 hợp phần: Đầu tư phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững; cải thiện sinh kế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng; xây dựng năng lực và công tác quản lý dự án. Thời gian triển khai kéo dài trong 8 năm, dự kiến kết thúc vào tháng 12 năm 2014.

Với mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng cho tổ chức, cộng đồng và hộ dân; quản lý bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển rừng, nông lâm kết hợp, phát triển du lịch sinh thái, cải thiện sinh kế nhằm nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo của người dân trong vùng; giải quyết nhu cầu thiết yếu về cơ sở hạ tầng ở nông thôn.... có thể nói đây là cơ hội để phát triển rừng và nghề rừng, phát triển lâm nghiệp cộng đồng ở Tây Nguyên nói chung, trong đó có Gia Lai.

Chủ trương của dự án là sẽ khảo sát, qui hoạch nguồn tài nguyên rừng và đất rừng trong vùng để giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp, cộng đồng dân cư và các hộ gia đình tại địa phương. Dự án sẽ có các hoạt động kiểm soát việc khai thác lâm sản trái phép, kiểm soát lửa rừng, kiểm soát việc xâm lấn đất lâm nghiệp, kiểm soát việc săn bắn động vật hoang dã, khoanh nuôi phục hồi rừng, định hướng trồng các loại cây năng suất chất lượng cao... Hỗ trợ xây dựng chòi canh, đường ranh cản lửa; xây dựng thủy lợi nhỏ, giao thông nông thôn, nước sạch nông thôn; xây dựng trường học, trạm y tế xã... Hỗ trợ công tác đào tạo kiến thức quản lý rừng bền vững, công tác khuyến nông khuyến lâm...

Trong dự án trên, tỉnh Gia Lai có 10 xã thuộc 4 huyện gồm: Chư Drăng, Chư Căm, Ea Rsai (Krông Pa), Ea Tul, Ea Kdam (Ia Pa), Yang Nam, Ya Ma, Chơ Long (Kon Chro), Krong, Lơ Ku (Kbang). Mặc dù công việc triển khai trên diện rộng, khối lượng công việc lớn, nhiều vấn đề phức tạp, đến nay cả 10 xã trong dự án đã lập xong kế hoạch đầu tư xã. Bước đầu dự án đã triển khai trồng được 226ha rừng tại các hộ gia đình với tổng số hộ dân tham gia là 170 hộ; khoán quản lý bảo vệ rừng 1.750ha tại xã Chư Drăng. Hai năm 2008 - 2009 dự án đã mở được 2 lớp tập huấn cho cán bộ dự án huyện xã về lập kế hoạch đầu tư xã, 5 lớp tập huấn cho các hộ dân tham gia trồng rừng...

Có thể nói đây là một dự án phát triển nghề rừng tương đối toàn diện, từ qui hoạch, giao khoán rừng, trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác chế biến đến phát triển nông lâm kết hợp, phát triển hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái... Việc phát triển lâm nghiệp cộng đồng vừa kết hợp chặt chẽ giữa qui hoạch, quản lý chung của nhà nước với phát huy tính dân chủ sáng tạo của người dân, tính tự quản của cộng đồng dân cư theo các qui ước mang tính truyền thống của nông thôn Việt Nam. Kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và lợi ích các hộ dân tham gia dự án. Việc triển khai thành công dự án Flitch tại Gia Lai sẽ là cơ hội tạo nên một xã hội nghề rừng, mà cái đích là phát triển rừng bền vững và nâng cao đời sống của người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Phạm Văn Long