Làm giàu từ nuôi heo rừng

  24/09/2009 02:52:47 PM 

Dám nhận đất, lập trang trại, nuôi heo rừng và... làm giàu. Đó là anh Trần Độ (56 tuổi) ở thôn Phước An, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức. Đàn heo rừng lai (heo ky) lên đến hơn 200 con, được nuôi một cách quy mô, bài bản như anh Độ thì ở khu vực miền Trung này, không phải ai cũng có...

Giữa cái nắng tháng sáu nóng như đổ lửa, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đường lên núi Thị, nơi anh lập trang trại. Trên mảnh đất rộng hơn 10ha, trang trại chăn nuôi heo của anh Độ được xây dựng gồm 18 chuồng, chuồng lớn nhất khoảng 200m2, nhỏ nhất khoảng 100m2. Đầu tư hệ thống chuồng trại, đường dẫn nước, máy bơm, con giống... tổng kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Nhìn đàn heo rừng lớn nhỏ đủ loại đang phát triển của anh, ai cũng thích thú. Dẫn chúng tôi vào một căn lều nhỏ, vừa rót nước, anh vừa kể lại “hành trình” đến với nghề... nuôi heo rừng. Vào năm 1993, hàng trăm hécta đất của lâm trường Mộ Đức ở núi Thị bị giải thể nhưng không ai dám nhận, hiểu được nguồn lợi từ rừng, anh liền làm đơn nhận 30ha để sản xuất. Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn tham gia đấu thầu để mua 50ha vườn đào (ở gần đó) với giá 153 triệu đồng của HTX nông nghiệp Nam Hòa và vận động bạn bè cùng làm. Sau này, vì làm ăn không hiệu quả, những người cùng làm với anh đều “rút lui”, riêng anh chỉ giữ lại 30ha đất rừng. Trên diện tích này, anh trồng bạch đàn, keo lai và kết hợp nuôi 80 con dê và hàng ngàn con gà ta. Tuy nhiên, đến năm 2003, việc chăn nuôi không đem lại cho anh hiệu quả như mong muốn nên anh không nuôi nữa.

Ngày đi làm vườn, đêm anh nằm trằn trọc trăn trở tìm hướng mới. “Ngày ấy xem tivi thấy mô hình nuôi heo rừng đã đem lại thành công cho người dân ở nhiều nơi trong nước nên tôi cũng ấp ủ dự định này nhưng tuổi đã cao, các con thì đều đi học xa nên tôi chưa dám thực hiện”, anh Độ nhớ lại. Rồi đến năm 2005, con trai út của anh là Trần Cao Thành tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm về nhà đã khơi lại giấc mơ ngủ quên nhiều năm của người cha bằng việc đề xuất dự định lập trang trại nuôi heo rừng. Biết rõ rằng, muốn thành công trước hết phải nắm vững kiến thức, anh và con trai khăn gói vào Nam ra Bắc để thu thập kinh nghiệm và mua con giống. 24 con heo rừng lai bản địa của Malayxia từ các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên... được anh mua về và chăm sóc chu đáo nên phát triển rất tốt. Không chỉ vậy, anh còn tìm giống heo đực rừng ở địa phương và cho lai với heo mua về từ phương xa để tạo giống mới. Vừa qua, anh đã bán 40 con cho thương lái từ các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng..., thu về khoảng trên 100 triệu đồng. Tại trang trại của anh hiện có khoảng 200 con heo rừng, trong đó có 70 con đang trong thời kỳ sinh sản. Từ nay đến cuối năm 2009, đàn heo sẽ tăng lên khoảng 900 con lớn nhỏ, dự kiến xuất chuồng khoảng 500 con, ước tính doanh thu hàng tỷ đồng. Anh Độ cho biết: “Nuôi heo rừng rất dễ, thức ăn cho heo là những loại rau, củ sống như: mì, rau muống, chuối... và hèm bia. Những con heo đang trong thời kỳ sinh sản thì cho ăn thêm cám gạo để tăng dưỡng chất. Đặc biệt, heo rừng rất ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, khi nuôi cần chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên để chúng không bị viêm da...”. Được biết, hiện nay, người chăn nuôi không phải lo đầu ra bởi nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng rất lớn. Mỗi con giống, sau một năm nuôi chúng đẻ được 4 con. Với giá bán hiện nay là 2,5 triệu đồng/con, trừ chi phí cũng lãi “ròng” trên 6 triệu đồng. Riêng heo thịt thì sau 6 tháng thả nuôi lãi gần 2 triệu đồng/con. Không chỉ tập trung đầu tư vào chăn nuôi, hiện anh còn trồng hàng nghìn gốc chanh và các loại cây ngắn ngày khác.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, hàng năm, anh Độ còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lượt nhân công và 3 lao động thường xuyên tại địa phương. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè để giúp nhau cùng vươn lên. ý chí, sự quyết tâm của con người đã làm nên điều kỳ diệu nơi đất cằn sỏi đá, việc làm của anh Độ đã minh chứng được điều đó.

PHƯƠNG TRÀ