Hệ sinh thái rừng Vườn quốc gia U Minh Hạ: Điểm du lịch sinh thái lý tưởng trong tương lai

  24/09/2009 03:10:59 PM 

Nếu là người yêu thích thiên nhiên, muốn đi du lịch sinh thái để tận hưởng vẻ đẹp của quê hương đất nước, thì Vườn quốc gia U Minh Hạ - tỉnh Cà Mau - là một địa điểm du khách không nên bỏ qua.

Nằm về phía tây tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau không khoảng 25km, mất hơn 30 phút ngồi ô tô, du khách sẽ đến Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đây là một khu rừng tự nhiên, thuần lo?i (loài cây chiếm ưu thế là tràm – Melaleuca Cajuputi) mang đậm nét đặc trưng của hệ sinh thái rừng tràm trên nền đất phèn, than bùn ngập nước theo mùa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một kiểu hệ sinh thái không còn nhiều ở Việt Nam và trên thế giới. Rừng ở đây có nhiều loài động, thực vật quí hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen, phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, đây còn là cái nôi của cách mạng miền nam trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Vườn quốc gia U Minh Hạ được thành lập ngày 20/11/2006 trên cơ sở hợp nhất Khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi với một phần diện tích rừng tràm U Minh Hạ thuộc các lâm ngư trường: U Minh III, Trần Văn Thời. Vườn quốc gia U Minh Hạ có tổng diện tích 8.527ha nằm trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời. Trong đó khu Vồ Dơi rộng trên 3.600ha, là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại của tỉnh Cà Mau. Hơn 25.000ha rừng vùng đệm thuộc các đơn vị Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng rừng ngập. Đây là khu bảo vệ cần thiết đảm bảo cho sự phục hồi của các loài đặc hữu của hệ sinh thái rừng ngập với nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Vườn quốc gia U Minh Hạ có địa hình tương đối bằng phẳng, độ chênh cao bình quân so với mặt nước biển từ 1,5m đến 2,5m, độ chênh cao trong vùng rừng từ 0,5m đến 2m nghiêng và thấp dần về phía Tây Bắc sang Đông Nam. Trên lâm phần có hai loại đất chính đó là đất than bùn và đất sét; diện tích đất than bùn 1.664ha (chiếm 22,7% diện tích), diện tích đất sét 6.863ha (chiếm 77,3% diện tích). Do quá trình cố định đất hình thành than bùn từ sự phá hủy của nhiều nguyên nhân. Đất ở đây được hình thành lâu đời từ nguyên đại đệ tứ, do sự bồi đắp của phù sa ven biển mang lại từ hệ thống sông Cửu Long, qua thời gian cố định dần, cùng với sự có mặt của thảm thực vật cây rừng ngập và sinh khối rơi rụng của nó trong điều kiện yếm khí vì bị ngập nước thường xuyên từ 5 đến 6 tháng/năm (khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm) nên đã hình thành lớp than bùn có độ dày từ 0,5m đến 1m; dưới lớp than bùn là tầng đất sét có chứa phèn tiềm tàng ở các độ sâu khác nhau. Vườn quốc gia U Minh Hạ là vùng đất ngập nước theo mùa, thảm thực vật ở đây là hỗn hợp rừng tràm, trảng cỏ ngập nước theo mùa và đầm lầy trống. Đứng trên đài quan sát rừng (đài cao 25m vị trí trung tâm) phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn cảnh, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn màu xanh của lá, của rừng như kéo dài vô tận và cảm thấy con người nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Bên dưới tán rừng du khách sẽ khám phá được sự đa dạng sinh học hiếm có

Về thực vật, tại đây có ba kiểu thảm thực vật chính đó là rừng tràm bán tự nhiên, rừng tràm trồng và trảng cỏ ngập nước theo mùa. Theo các nhà khoa học, hệ thực vật đây gồm 78 loài, thuộc 65 chi và 36 họ. Trong đó, cây gỗ chủ yếu là tràm (Melaleuca Cajuputi) và một số loài cây gỗ khác như móp (Alsbiuia Spathulata), bùi (Ilex Cymosa), tràm khế (Eugenia Jamlolana), tràm sẽ (Eugenia Liucata); cây bụi có một số loài đại diện như mua lông (Melastona Pelyauthium), mật cật gai (Lienala Spinosa), bòng bòng (Lygedium Myerephyllum), dầu đấu ba lá (Enodia Lepta), bí bái (Aetenychia Laurifellia); thảm tươi có các loài đại diện như sậy (Phragmites Karka), choại (Stenochleân Palustrie), cỏ đuôi lươn (Machaerinafalcata), mây nước (Flagellaria Indica), nhiều loài dương xỉ, tảo... Đây thực sự là một bảo tàng sinh thái sống về các loài thực vật thuộc hệ sinh thái rừng ngập úng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Về động vật rừng đây gồm 161 loài thuộc 66 họ và 27 bộ. Trong đó có hơn 40 loài thú, nhiều nhất là các loài thú như: heo rừng, nai, khỉ vàng, cà khu, cầy hương, dơi quạ, chồn, rái cá lông mũi... Hơn 182 loài chim, trong đó có các loài quí hiếm như: gà đẫy, gà soái, khoang cổ, chàng bè, le le, diệc, cò trắng, cò đen, cò lùn, còng cọc, hạt cổ trắng... Hơn 36 loài bò sát thuộc 16 họ và 3 bộ, trong đó phải kể đến như: rắn hổ đất, rắn hổ mang chúa, rắn mai gầm, trăn gấm, kỳ đà nước, tắc kè, tê tê, rùa vàng, rùa răng (càng đước), rùa nắp... Lưỡng thê có 11 loài thuộc 5 họ và 2 bộ và nhiều loài côn trùng khác. Ngoài ra, trên lâm phần có hơn 100km kênh mương với tổng diện tích mặt nước hơn 1 triệu mét vuông (chưa kể diện tích của các thảm cỏ ngập nước theo mùa) đây thực sự là thiên đường cho các loài cá nước ngọt sinh sống và phát triển. Vào mùa khai thác cá, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều loài cá có giá trị khoa học và kinh tế như: cá lóc, sặc rằn, sặc bướm, trê vàng, rô đồng, thác lác, trạch...

Hệ động vật ở đây không những phong phú về thành phần loài mà còn có mức độ tập trung cá thể rất lớn. Nhiều loài động vật quí hiếm đã chọn nơi đây làm chỗ trú ngụ vì hệ sinh thái rừng và môi trường vừa thích nghi vừa được bảo vệ tốt. Du khách có thể tận mắt nhìn thấy vườn dơi, vườn cò, máng diệc... với nhiều loài chim bay đi, bay về từng đàn, từng đàn nhộn nhịp trông rất đẹp mắt.

Nhằm bảo tồn nguồn gen các loài động thực vật quí hiếm, phát huy các giá trị của vùng rừng, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, đồng thời phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái. Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã thông qua quy hoạch khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh Hạ và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng với tổng kinh phí đầu tư cho giai đoạn 1 (2008-2011) là 144 tỷ đồng. Theo đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ được chia làm 3 phân khu chức năng để đầu tư là: Khu dịch vụ hành chính, khu phục hồi sinh thái và khu bảo tồn nghiêm ngặt. Trong đó khu du lịch có quy mô khoảng 1.708ha, bao gồm toàn bộ phân khu dịch vụ hành chính và một phần khu rừng ngập nước. Các hạng mục công trình như khu vui chơi giải trí, khu văn hóa truyền thống, tái tạo làng rừng, khu ẩm thực dân gian, khu nuôi thuần dưỡng thú bản địa, bến bãi câu cá... đang được thiết kế, thi công. Hệ thống đường nhựa, hệ thống cấp nước sinh hoạt, đài quan sát rừng cùng một số công trình dịch vụ khác đã được xây dựng hoàn thành phần nào đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và tham quan du lịch sinh thái của du khách trong và ngoài tỉnh. Nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước cũng đã đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư khai thác du lịch tại đây. Việc Vườn quốc gia U Minh Hạ được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới thực sự là tin vui của nhân dân Cà Mau nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Rồi đây, trong tương lai gần, khi các hạng mục công trình của gói đầu tư giai đoạn 1 hoàn thành, Vườn quốc gia U Minh Hạ thực sự là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế.

Ngày 26/5/2009, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 21 của ủy ban điều phối quốc tế về con người và sinh quyển thuộc tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc diễn ra tại Jeju (Hàn Quốc), Vườn quốc gia U - Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) của Việt Nam được chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Rừng U Minh Hạ ngoài giá trị nghiên cứu khoa học, môi trường sinh thái và du lịch. Đây còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống lịch sử, bởi qua hai cuộc chiến tranh, rừng U Minh Hạ luôn là chiến khu kiên cường. Khu căn cứ địa này là nơi và làm việc của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng trong các thời kỳ chiến tranh. Các đồng chí Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt là những người đã từng gắn bó mật thiết với rừng U Minh Hạ. Sau ngày giải phóng, thống nhất tổ quốc, rừng U Minh Hạ lại là nơi đùm bọc cho hàng chục ngàn dân từ khắp các miền đất nước về đây sinh sống, lập nghiệp.

LÂM NGỌC KIÊN