Khuyến khích phát triển trại nuôi động vật hoang dã hợp pháp

  27/02/2008 02:41:15 PM 

Thời gian qua, việc nuôi nhốt động vật hoang dã trong toàn quốc diễn ra rất phức tạp. Dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những trang trại, hộ gia đình, cá nhân đã, đang và sẽ nuôi nhốt động vật hoang dã hợp pháp, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, tiến sĩ Hà Công Tuấn đã trả lời phỏng vấn báo Thời Báo Kinh tế Việt Nam về vấn đề này. Bản tin Kiểm lâm Việt Nam xin giới thiệu toàn bộ nội dung bài trả lời phỏng vấn này.

Câu hỏi 1: Được biết trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tiến hành hợp pháp hóa những trang trại hiện đang chăn nuôi động vật hoang dã của tư nhân. Xin ông cho biết lộ trình này sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Phải khẳng định rằng chủ trương của Nhà nước và pháp luật hiện hành là tạo điều kiện và bảo hộ cho mọi thành phần kinh tế bảo tồn, gây nuôi, phát triển động vật hoang dã có nguồn gốc và đảm bảo các điều kiện đăng ký hoạt động gây nuôi hợp pháp.

Điều kiện để đăng ký trại nuôi động vật hoang dã được quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã, quý, hiếm và các văn bản pháp luật khác có liên quan, các điều kiện cơ bản như sau:

- Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi và năng lực sản xuất của trại nuôi.

- Những loài động vật đã đư­­ợc cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát và việc nuôi sinh trưởng không ảnh hưởng tới việc bảo tồn loài đó trong tự nhiên.

- Bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vệ sinh môi trường theo quy định của Nhà nước.

- Có người đủ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý, kỹ thuật nuôi, chăm sóc loài vật nuôi và ngăn ngừa dịch bệnh.

- Trường hợp khai thác con non, trứng từ tự nhiên để nuôi sinh trưởng, ấp nở phải được cơ quan quản lý quy định tại Điều 9, Nghị định 82/2006/NĐ-CP cho phép.

Câu hỏi 2: Những trang trại hiện đang chăn nuôi không hợp pháp động vật hoang dã, để hợp pháp hóa cần có những điều kiện gì?

Trả lời: Tùy từng trường hợp cụ thể, các trại nuôi hiện chưa đảm bảo các quy định của pháp luật sẽ được cơ quan chức năng của địa phương rà soát, phân loại để giải quyết cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Câu hỏi 3: Sau khi được hợp pháp hóa, những người chăn nuôi động vật hoang dã sẽ được khai thác sản phẩm chăn nuôi như thế nào để vừa đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho họ, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật?

Trả lời:

Việc khai thác và sử dụng các sản phẩm của động vật hoang dã gây nuôi tùy thuộc vào từng loài theo quy định cụ thể của pháp luật trong nước và quốc tế, ở đây tôi chỉ có thể nêu một cách tổng quát như sau:

- Mẫu vật từ các loài động vật thuộc các Phụ lục của Công ước CITES có nguồn gốc gây nuôi hợp pháp được phép khai thác sử dụng tiêu thụ xuất khẩu nhập khẩu theo quy định của Công ước này.

- Động vật rừng hoang dã nguy cấp quý hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, về việc quản lý bảo vệ thực vật rừng, có nguồn gốc gây nuôi hợp pháp được phép khai thác, sử dụng tùy theo quy định trong Nghị định này, trường hợp xuất khẩu theo quy định của Nghị định 82/2006/NĐ-CP.

- Sản phẩm gây nuôi hợp pháp các loài động vật hoang dã khác người nuôi được tự do khai thác và sử dụng.

Câu hỏi 4: Hiện nay có một số động vật hoang dã đang được nhà nước nghiên cứu, thuần hóa và sẽ cho chăn nuôi đại trà như: lợn rừng; nhím; gà, trĩ... Xin ông cho biết tiêu chuẩn để phân biệt giữa những loài động vật hoang dã sẽ cho nuôi đại trà; động vật hoang dã được chăn nuôi hạn chế; động vật hoang dã không được chăn nuôi.

Trả lời

Về quy định của pháp luật thì không có loài động vật nào không được gây nuôi, vấn đề là việc gây nuôi đó phải hợp pháp, có nghĩa là có nguồn giống hợp pháp, đảm bảo các điều kiện trại nuôi, không làm ảnh hưởng đến bảo tồn trong tự nhiên...

Câu hỏi 5: Ngành Kiểm lâm sẽ quản lý ngành chăn nuôi động vật hoang dã như thế nào để vừa ngăn chặn được nạn săn bắn động vật rừng, đảm bảo tuân thủ các công ước quốc tế?

Trả lời:

Việc quản lý Nhà nước về gây nuôi động vật hoang dã là của cả hệ thống cơ quan nhà nước và các ngành, các cấp có liên quan, theo tôi Kiểm lâm chỉ là cơ quan nhà nước có vai trò quan trọng trong tình hình hiện nay, khi mà hoạt động gây nuôi động vật hoang dã còn có quan hệ trực tiếp đến bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn thiên nhiên. Kiểm lâm đã và đang tập trung vào việc tổ chức thực hiện một số công việc sau:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật gây nuôi, cứu hộ động vật hoang dã;

- Lập quy hoạch bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã phù hợp với tình hình phát triển của đất nước;

- Tổ chức đăng ký trại nuôi theo quy định của pháp luật, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn xử lý những vi phạm. Hỗ trợ liên kết sản xuất, tìm đầu ra cho những mặt hàng xuất khẩu lớn đang được gây nuôi hợp pháp như cá sấu, trăn...;

- Hướng dẫn các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng thực hiện đúng quy định của Nhà nước, đặc biệt đối với các trại nuôi động vật hung dữ, đảm bảo an toàn cho người nuôi và nhân dân trong vùng, và an toàn dịch bệnh;

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về các quy định, chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, kinh doanh buôn bán, gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã. Công khai hóa thủ tục quản lý, cấp phép và đăng ký trại nuôi;

- Tăng cường hợp tác quốc tế đặc biệt với các nước trong khu vực, đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã qua biên giới.