Kiểm lâm An Giang: Mô hình kiểm lâm thực hiện thành công toàn diện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

  14/04/2010 04:12:58 PM 

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long thời gian ngập lũ hàng năm khoảng 6 tháng, diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 70% tổng diện tích tự nhiên. Hệ thống kênh mương chằng chịt tạo thành đê bao, vừa hạn chế ngập lũ, vừa làm đường giao thông và xây dựng cụm, tuyến dân cư... Diện tích đất rừng tập trung ở vùng đồi núi và đất phèn nặng thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, chiếm trên 5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Từ năm 1999 đến cuối năm 2008, An Giang đã trồng được 4.426ha, khoanh nuôi 583ha. Chỉ tiêu trồng rừng hàng năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Chất lượng rừng trồng được nâng lên hơn trước, loài cây trồng đa dạng, tỉ lệ cây sống đạt cao trên 90%. Rừng được trồng theo 30 công thức kỹ thuật, với trên 20 loài cây, phù hợp với điều kiện lập địa từng vùng. Tính đến hết năm 2008, Chi cục Kiểm lâm An Giang đã triển khai xây dựng được 15 trạm, chốt bảo vệ rừng. Nâng cấp, mở rộng vườn ươm Tri Tôn và Tịnh Biên đạt công suất từ 2 đến 3 triệu cây giống mỗi năm. Xây dựng 345 bồn nước, giếng nước trên các đồi cao phục vụ dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng. Diện tích rừng trồng và khoanh nuôi tái sinh được giao khoán cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên, những năm gần đây rừng được phục hồi và ngày càng có giá trị nên người dân lén lút chặt để bán, làm rẫy. Với sự cố gắng nỗ lực trong bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm nên đã hạn chế được nạn chặt phá rừng. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng với các phương tiện dụng cụ chữa cháy phù hợp địa hình theo phương châm bốn tại chỗ, ứng cứu kịp thời khi sự cố xảy ra, nên thiệt hại do cháy rừng không đáng kể. Công tác bảo vệ rừng từng bước được xã hội hóa, thông qua việc xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư xã, ấp. Hiện có 55/55 ấp có rừng đều xây dựng quy ước và phấn đấu thành lập tại mỗi ấp 1 tổ hợp tác bảo vệ rừng (hiện có 44 tổ). Đất đai khi triển khai thực hiện dự án đều có chủ do người dân tự khai phá từ đời này sang đời khác. Số diện tích còn lại là đồi trọc, dốc đá, hoặc đất hoang hóa. Việc giao khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở vận động nhân dân có đất đăng ký trồng rừng. Từ năm 1999 - 2008 đã có 5.957 hộ gia đình tham gia trồng 4.426ha (1.979 hộ dân tộc Khmer, chiếm tỉ lệ 33,22%), bình quân mỗi hộ là 0,74ha.

An Giang còn phát triển trồng cây phân tán trong vườn, xung quanh nhà dân, các công sở, trường học, nông lâm trường, trạm, trại, tạo các đai rừng chắn sóng, chống xói lở các tuyến đê bao, trục lộ giao thông, cụm tuyến dân cư... Nghị quyết Đảng bộ An Giang phấn đấu đạt mục tiêu nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 20% vào năm 2010, trong đó đạt diện tích từ 45.000 - 50.000ha, tương đương với 90 - 100 triệu cây phân tán các loại. Để làm được điều này cần huy động nhiều nguồn lực, tầng lớp nhân dân tham gia, tạo thành công tác thường xuyên, đưa việc trồng cây dần trở thành nhu cầu trong đời sống hàng ngày của người dân từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ phát triển rừng. Từ năm 2001-2008 toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện trồng được trên 45 triệu cây các loại; trong đó, Dự án 661 đầu tư hỗ trợ trên 5 triệu cây (tương đương 2.000ha từ năm 2006-2008), địa phương đầu tư trên 17 triệu cây, người dân hưởng ứng phong trào thi đua tự trồng trên 23 triệu cây, tương ứng diện tích quy đổi trên 20.000ha. Mỗi năm cung cấp gỗ gia dụng 101.779m3, củi chất đốt 396.540 ster.

Đến nay diện tích rừng trồng từ ngày đầu bắt đầu cho sản phẩm. Diện tích rừng phòng hộ cây mọc nhanh ước tính trữ lượng trên 100.000m3. Đặc biệt, số loài cây ăn quả tăng thêm tạo thu nhập, có hộ thu tiền bán trái vài chục triệu đồng mỗi năm. Hộ nhận khoán rừng được hưởng lợi từ tiền đầu tư hỗ trợ trồng rừng theo suất đầu tư của dự án từ 2 đến 8 triệu đồng mỗi hécta. Giải quyết việc làm cho trên 10.000 hộ nhận khoán rừng, bình quân mỗi hộ có 3 lao động. Hàng năm giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, kể cả lao động nghèo trong vùng dự án qua việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng như tạo giống, cuốc hố, trồng cây, phát dọn cỏ, vận chuyển cây giống, tỉa thưa. Rừng được trồng, đồi núi được phủ xanh, ý thức xã hội về công tác bảo vệ, phát triển, phòng cháy chữa cháy rừng ngày càng được nâng cao. An Giang đã nâng cao độ che phủ trong vùng dự án đến năm 2008 là 74,4%, cùng với hệ thống cây trồng phân tán đã nâng tỷ lệ che phủ toàn tỉnh từ 12,82% (năm 2.000) lên 17,33% (năm 2008). Nguồn nước có nhiều hơn trong các giếng, suối, giảm bớt hạn hán vùng đồi núi, phục vụ đời sống dân cư trong vùng. Hạn chế sạt lở các sườn núi có độ dốc lớn trong mùa mưa lũ. Rừng được phủ xanh tạo ra cảnh quan sinh thái tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, góp phần phát triển du lịch. Tạo thế trận cho an ninh - quốc phòng của tỉnh vùng biên giới.

Quá trình triển khai dự án 661 ở An Giang cho thấy cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân về rừng, làm cho họ trở thành những thành viên tích cực thực hiện chương trình. Bài học được rút ra là việc kết hợp giữa trồng rừng phòng hộ và kinh tế nhằm giải quyết đời sống của người dân trồng rừng tạo thu nhập trước mắt và lâu dài để dân thực sự gắn với rừng. Làm tốt công tác thiết kế trồng rừng, kiểm định chất lượng giống, kiểm tra giám sát chặt chẽ, thi công và xuống giống đúng thời vụ. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ban quản lý dự án và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện dự án. Làm cho người dân hiểu rõ lợi ích của rừng đối với môi trường và quyền lợi của họ được hưởng 100% cây mọc nhanh, 30% cây phòng hộ chính khi đến tuổi khai thác là nhiệm vụ đặt ra. Kết quả, thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm tích lũy trong thời gian qua của An Giang là tiền đề thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phủ xanh rừng phòng hộ, thực hiện đạt mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng tập trung và phân tán toàn tỉnh An Giang lên 20% vào năm 2010.

LÊ VĂN HOÀNG