Quản lý tài nguyên rừng thông qua loại hình rừng cộng đồng ở Thừa Thiên Huế

  06/01/2009 10:46:41 AM 

Thuật ngữ rừng cộng đồng được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lần đầu tiên định nghĩa vào năm 1991 với nội dung: “diễn tả hàng loạt các hoạt động gắn người dân với rừng, cây, các sản phẩm của rừng và việc phân chia lợi ích các sản phẩm này”. ở Việt Nam, theo Đỗ Hồng Quân và Tô Đình Mai (2000) thì quản lý rừng cộng đồng có hai nội dung phù hợp với định nghĩa ở trên là: 1) Rừng thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng, do các thành viên của cộng đồng cùng tham gia quản lý và kinh doanh; 2) Rừng không thuộc quyền sở hữu của cộng đồng, nhưng các thành viên của cộng đồng vẫn cùng tham gia quản lý các khu rừng đó. Như vậy các cộng đồng vẫn gắn bó chặt chẽ với rừng trong các vấn đề: tạo việc làm, thu hoạch sản phẩm thu nhập hoặc hưởng thụ những ích lợi không thể tính toán của rừng (như bảo vệ nguồn nước, tín ngưỡng, di tích,…).

Các hình thức quản lý rừng trực tiếp bởi cộng đồng đã xuất hiện từ lâu đời trong các cộng đồng dân tộc khác nhau ở Việt Nam. Truyền thống quản lý rừng của họ được thể hiện ở những lệ tục giữ rừng, trồng cây, xây dựng hương ước/ luật tục bảo vệ rừng, bảo vệ cây cối của nhiều làng xã. Về mặt pháp lý, "Cộng đồng dân cư thôn là toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân sống trong cùng một thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc hoặc đơn vị tương đương" (Điều 2, Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004). Do đó, để quản lý tài nguyên rừng một cách hiệu quả và bền vững, không thể bỏ qua việc phát huy vai trò của cộng đồng người dân sống gần rừng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát huy vai trò tham gia của các cộng đồng trong việc quản lý nguồn tài nguyên này vừa mang ý nghĩa phát huy truyền thống dân tộc vừa có thể tạo ra một cách quản lý rừng có hiệu quả và bền vững hơn.

Theo quan điểm của đại đa số nhà nghiên cứu ở Việt Nam về lĩnh vực rừng cộng đồng dựa trên định nghĩa của FAO thì rừng cộng đồng có thể là những diện tích rừng do cộng đồng dân cư thôn hoặc liên thôn, nhóm hộ gia đình hoặc nhóm sở thích cùng quản lý, bảo vệ và sử dụng. Trên cơ sở điều tra tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có thể phân chia thành 5 hình thức rừng cộng đồng sau: 1) Rừng được nhà nước giao cho cộng đồng dân cư thôn quản lý, 2) Rừng được nhà nước giao cho nhóm hộ quản lý, 3) Rừng do cộng đồng quản lý theo luật tục/ hương ước, 4) Rừng giao cho cộng đồng liên thôn quản lý, và 5) Rừng giao cho nhóm sở thích (câu lạc bộ quản lý). Trong 5 hình thức trên thì hình thức 1, 2, 4 và 5 được nhà nước công nhận chính thức và ở hình thức 3 rừng cộng đồng được quản lý theo hương ước, chưa được nhà nước chính thức công nhận nhưng mặc nhiên được thừa nhận.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 18.999,5ha rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng thôn bản, nhóm hộ gia đình quản lý và hưởng lợi lâu dài với thời hạn sử dụng trong vòng 50 năm tại địa bàn 4 huyện là Phú Lộc, Nam Đông, Phong Điền, và A Lưới. Mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý và hưởng lợi đầu tiên tại Thừa Thiên Huế được Hạt Kiểm lâm Phú Lộc thực hiện tại Thôn Thủy Yên Thượng (huyện Phú Lộc) vào năm 1999. Thời điểm bấy giờ việc giao rừng cho cộng đồng quản lý với cơ chế hưởng lợi theo lượng tăng trưởng của rừng hoàn toàn là sáng kiến của ngành lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế với sự hậu thuẫn tích cực của chính quyền tỉnh. Qua đánh giá hiệu quả thực hiện mô hình này đã khẳng định việc giao rừng cho cộng đồng địa phương quản lý có tác dụng tích cực đến việc giữ rừng cũng như phát triển vốn rừng đã giao. Cộng đồng địa phương chủ động trong việc phòng cháy chữa cháy rừng, tuần tra để xử lý nghiêm các vụ phá rừng trái phép, cũng như đầu tư kinh phí để phát triển vốn rừng thông qua trồng cây bản địa hoặc khoanh nuôi tái sinh rừng. Tiếp sau mô hình khá thành công này, chính quyền huyện Phú Lộc đã tiếp tục xúc tiến giao rừng cho cộng đồng ở các xã khác như ở xã Lộc Vĩnh, Lộc Tiến tương tự như hình thức giao rừng tại thôn Thủy Yên Thượng.

Các mô hình giao rừng cho cộng đồng quản lý này đã được Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung các điều khoản để dần hoàn thiện và mở rộng ra các huyện khác trong tỉnh. Nếu trong năm 1999 chỉ có duy nhất mô hình giao rừng cho cộng đồng tại thôn Thủy Yên Thượng thì đến năm 2001 đã có 7 mô hình tại 4 huyện với diện tích giao lên đến 6.252,9ha. Tiếp sau đó, hàng loạt mô hình giao rừng đã tiếp tục được thực hiện với sự tham gia của nhiều tổ chức phi chính phủ đang thực hiện tại Huế như tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), dự án Hành Lang Xanh, dự án TBI tại Huế,… Chính do sự hỗ trợ tích cực về kinh phí, kỹ thuật từ nhiều bên tham gia nên loại hình giao rừng cho cộng đồng hưởng lợi đã được thực hiện với tốc độ nhanh chóng. Đến cuối năm 2007 đã tổ chức giao cho 5 cộng đồng thôn, 2.635 hộ gia đình tại 4 huyện nói trên.

Theo như khảo sát của chính tác giả trong quá trình thu thập số liệu hoàn thành đề tài: “ Sự đồng thuận của người dân đối với hình thức quản lý rừng cộng đồng tại Thừa Thiên Huế”, thì hiện nay đang có 2 xu hướng giao rừng cho cộng đồng quản lý là: 1) giao rừng cho tất cả các hộ trong thôn bản, và 2) giao rừng cho một số hộ gia đình đang sinh sống gần khu rừng được giao. Hai hình thức này đang được thực hiện song hành và vẫn chưa có đánh giá cụ thể để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để lựa chọn làm giải pháp ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn người dân địa phương (cả người được giao và người dân trong thôn không được giao rừng) thì xu thế lựa chọn vẫn nghiêng về hướng giao cho cộng đồng cả thôn cùng tham gia quản lý và bảo vệ. Lý giải cho ý kiến này, người dân cho rằng khi giao cho cả cộng đồng thôn bản sẽ ít xảy ra mâu thuẫn trong việc sử dụng tài nguyên rừng hơn, có nhiều người cùng tham gia hơn trong việc quản lý một diện tích rừng tương đối lớn, hoặc dễ quản lý và sử dụng các nguồn thu từ rừng hơn.

Có thể nhìn nhận một thực tế là vẫn chưa đánh giá được tính bền vững của loại hình giao rừng cho cộng đồng, tuy nhiên qua số liệu theo dõi tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng tại các khu vực rừng đã giao cho cộng đồng thì số lượng vụ vi phạm cũng như lượng người vào phá rừng trái phép ở các khu rừng đã giao này có chiều hướng giảm đi đáng kể. Do đó có thể khẳng định rừng cộng đồng là hướng đi đúng đắn trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên rừng hiện nay.

NGUYỄN QUANG HÒA ANH