Phòng cháy chữa cháy rừng ở Đắk Lắk

  06/01/2009 10:52:07 AM 

Thực trạng

Về điều kiện tự nhiên: Đắk Lắk nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa ngắn nhưng lượng mưa cả năm chỉ tập trung vào một vài tháng nhất định, mùa khô thường kéo dài, thậm chí có vùng nhiều tháng không có mưa, nhiệt độ cao và rất nóng rất dễ xảy ra cháy rừng. Đắk Lắk có độ cao trung bình so với mặt biển trên 500m, địa hình chia cắt mạnh, hệ thống sông, suối có lưu lượng dòng chảy không đồng đều, mùa khô dòng chảy thấp, nhiều nhánh sông chính và hồ chứa nước bị cạn kiệt, không đáp ứng đủ nhu cầu về nước cho sản xuất và đời sống, cũng như chữa cháy rừng.

Về điều kiện xã hội, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều phong tục tập quán khác nhau, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu. Tập quán du canh dư cư, đốt rừng làm rẫy, dùng lửa tràn lan vẫn còn tồn tại, đây là nguyên nhân chính gây ra cháy rừng trong nhiều năm trở lại đây.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rừng dễ cháy khá lớn hơn 266.000ha. Phân bố ở 13 huyện và thành phố. Cụ thể: Kông Búk 451,9ha, Buôn Ma Thuột 601,7ha, Krông Pắk 786,9ha, Krông Năng 3.160,5ha, Krông Ana 3.710,7ha, Ea Kar 6.975,7ha, Cư Mgar 7.329,9ha, Mđrắk 10.639,9ha, Krông Bông 10.694,3ha, Ea Hleo 17.153,5ha, Lắk 17.563,1ha, Bôn Đôn 88.721,8ha, Ea Súp 98.872ha.

Trong 10 năm trở lại đây, diện tích rừng bị cháy toàn tỉnh là 1.118ha, giảm dần theo từng năm, trong đó có 870ha rừng trồng và 318ha rừng tự nhiên. Cụ thể từng năm như sau: 1998 - 553ha, 1999 - 323ha, 2000 - 218ha, 2001 - 169ha, 2002 - 179ha, 2003 - 167ha, 2004 - 37ha, 2005 - 64ha, 2006 - 0ha, 2007 - 2ha. Ngoài ra, hàng năm có trên 60% diện tích tương ứng khoảng 180.000ha rừng khộp trên địa bàn toàn tỉnh bị cháy lướt thiệt hại nhỏ nên không thống kê vào diện tích cháy rừng.

Qua số liệu thống kê cho thấy, cháy rừng tập trung ở rừng có nhiều vật liệu khô như rừng khộp, rừng lá kim, rừng tre nứa, rừng hỗn giao và rừng trồng. Thời điểm cháy tập trung vào thời kỳ khô, nóng kéo dài, nguy cơ cháy ở mức nguy hiểm (cấp IV) và cấp cực kỳ nguy hiểm (V) và từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm.

Nguyên nhân gây cháy, chủ yếu do sử dụng lửa bất cẩn từ hoạt động sản xuất và đời sống con người. Trong số 254 vụ cháy rừng từ 1998-2007 được phân chia theo các nguyên nhân: Do đốt nương làm rẫy trái phép cháy lan 127 vụ, chiếm 50% tổng số vụ; do đốt lửa săn bắt động vật rừng 89 vụ, chiếm 35%; do xử lý thực bì không đúng qui trình dẫn đến cháy lan vào rừng 13 vụ, chiếm 5%; chưa xác định nguyên nhân 25 vụ, chiếm 10%. Như vậy, kiểm soát việc dùng lửa của con người có ý nghĩa quan trọng đối công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng trên toàn tỉnh được hình thành theo 3 cấp. Cấp cơ sở (chủ rừng, tổ đội bảo vệ rừng của các xã); cấp huyện (kiểm lâm huyện, các ngành liên quan); cấp tỉnh (3 đội kiểm lâm cơ động phòng cháy chữa cháy rừng, công an, quân đội). Cấp cơ sở là 222 tổ đội với 1.595 người, cấp huyện là 13 đơn vị với 325 người, cấp tỉnh thường trực 45 người, trong trường hợp cần thiết lực lượng chữa cháy sẽ được tăng cường theo lệnh điều động.

Hiện nay, phương tiện, dụng cụ dùng cho chữa cháy rừng còn thiếu rất nhiều. Đơn cử lực lượng kiểm lâm là cơ quan chuyên trách về phòng cháy chữa cháy mới được trang bị 4 máy nổ chuyên dụng công suất 60m3/giờ, 20 máy cơ giới (máy cắt thực bì, cưa xăng, máy thổi gió và khoảng 1.000 chiếc công cụ thủ công). Phương tiện chữa cháy của chủ rừng, cấp huyện, cấp xã hầu như chỉ là dụng công cụ thủ công sẵn có.

Kiến thức, nghiệm vụ chuyên môn còn hạn chế. Ngoài kiểm lâm là chuyên trách phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm chỉ một số ít được cử đi đào tạo còn lại hầu như chưa được đào tạo kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng đã được các cấp, các ngành chức năng tích cực thực hiện. Toàn tỉnh đã xây dựng được 71 quy ước bảo vệ rừng thôn, buôn có quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. Hàng năm, tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người trong cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học về phòng cháy, chữa cháy rừng. Mở nhiều lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật chữa cháy rừng cho địa phương.

Đắk Lắk đã xây dựng bản đồ số hóa phân vùng trọng điểm cháy rừng cấp tỉnh tỷ lệ 1/100.000, cấp huyện tỷ lệ 1/50.000. Tại các vùng trọng điểm dễ cháy, hàng năm các chủ rừng đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như giảm vật liệu cháy bằng biện pháp “đốt trước có điều khiển”, xây dựng và duy trì hàng trăm kilômét đường băng trắng, băng xanh. Xây dựng hệ thống tin để cập nhật cảnh báo cháy từ ảnh vệ tinh MODIS của Cục Kiểm lâm.

Tuy nhiên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn còn tồn tại: Việc tuyên truyền chưa thực sự nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng cấp cơ sở chưa được chú trọng. Lực lượng chuyên trách năng lực còn hạn chế. Đầu tư thiết bị còn quá ít và thô sơ. Kinh phí đầu tư của chủ rừng quá thấp so với yêu cầu. Công trình phòng cháy chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng. Sự chỉ huy và phối hợp các lực lượng chữa cháy chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, chưa huy động được lực lượng tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành và toàn dân.

Giải pháp.

Về phía Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk đã tiến hành xây dựng “Dự án đầu tư nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, giai đoạn 2007-2010”. Dự án đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là hơn 13 tỷ đồng. Với mục tiêu là củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng của kiểm lâm và các lực lượng tham gia bảo vệ rừng tại cơ sở để có đủ khả năng kiểm soát, giảm nguy cơ, chữa cháy kịp thời, có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Dự án đặt ra 4 nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng.

Nhóm giải pháp về tổ chức, xã hội gồm: Nội dung, phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng ở 3 cấp. Tổ chức và nâng cao năng lực của các lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo 3 cấp để đảm bảo chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Nhóm giải pháp về kỹ thuật gồm: Quy hoạch diện tích rừng dễ cháy đến năm 2010. Xây dựng bản đồ số phân vùng trọng điểm cháy. Dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng theo hướng ứng dụng công nghệ viễn thám và tin học. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp “đốt trước có điều khiển” cho từng loại rừng. Nghiên cứu thử nghiệm trồng rừng hỗn giao và làm băng xanh cản lửa.

Nhóm giải pháp về đầu tư xây dựng các công trình phòng cháy: Tập trung vào những khu vực trọng điểm dễ cháy và đồng thời là khu bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm.

Nhóm giải pháp về đầu tư phương tiện, trang thiết bị: Tập trung đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách về phòng cháy chữa cháy rừng và lực lượng chữa cháy để trở thành lực lượng chuyên nghiệp sẵn sàng cơ động, nhanh chóng dập tắt lửa rừng, không để xảy ra cháy lớn, lan rộng.

NGUYỄN THÀNH VĂN