Số 1+2 năm 2008

Tin hoạt động

Hội nghị sơ kết công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc giai đoạn 2001 - 2006. Hội nghị diễn ra tại Hà Hội ngày 22/11/2007. Tham dự hội nghị có đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị chủ trì Hội nghị. Đây là hội nghị chuyên ngành nhằm đánh giá việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2006. Đến nay mới chỉ có 41 tỉnh báo cáo bằng cơ sở dữ liệu, 20 tỉnh báo cáo bằng cách tập hợp số liệu, 35 tỉnh được cấp kinh phí xây dựng và thực hiện dự án theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Hà Bình

Giao ban kiểm lâm các khu vực năm 2007. Năm 2007, kiểm lâm cả nước đã tổ chức giao ban theo 4 cụm, cụ thể như sau: Cụm kiểm lâm các tỉnh phía Bắc tổ chức tại tỉnh Cao Bằng, miền Trung, Tây Nguyên tổ chức tại tỉnh Bình Định, các tỉnh Nam bộ tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, cụm các Vườn quốc gia tổ chức tại Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà, Đà Lạt, Lâm Đồng. Các đơn vị kiểm lâm trong cả nước đã tham dự đầy đủ. Đây là dịp để các đơn vị thảo luận các biện pháp bảo vệ rừng, đề đạt ý kiến xây dựng thể chế chính sách cho kiểm lâm hoạt động, đây còn là điều kiện để cho các đơn vị kiểm lâm thực hiện cam kết phối hợp bảo vệ rừng.

Rà soát, thống kê tình hình giao rừng, cho thuê rừng và nương rẫy. Thực hiện chủ trương của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai đề án “Giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007-2010”, đề án “Hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy giai đoạn 2008-2012”; theo đó Cục Kiểm lâm yêu cầu Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thống kê, tổng hợp tình hình đã giao, cho thuê rừng, canh tác nương rẫy trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đến tháng 11/2007. Đánh giá tình hình giao rừng, cho thuê rừng và quản lý nương rẫy trong thời gian qua, các giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Lâm Đồng, nạn phá rừng dọc tỉnh lộ 723 gia tăng: Trong vài năm gần đây, khi liên tỉnh lộ 723 mở ra thì nạn phá rừng ở khu vực dọc theo con đường thuộc huyện Lạc Dương diễn ra một cách đáng báo động. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, trong 11 tháng năm 2007, trên địa bàn huyện có đến 150 vụ phá rừng, làm thiệt hại 27ha, gần đây nổi lên vụ chặt trắng 750 cây thông để "giải phóng" 2,5ha rừng, đã bị cơ quan chức năng phát hiện, chủ yếu thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim. Có rất nhiều người tham gia phá rừng lấy đất để bán, nhưng nhiều nhất là dân địa phương. Thời gian gần đây, con đường được mở ra và cùng với giá cả cà phê tăng vọt là lý do chính để những cánh rừng khu vực ba xã Đạ Sa, Đạ Nhim và Đạ Chair của huyện Lạc Dương - thuộc rừng đầu nguồn Đa Nhim bị chặt hạ. Một vấn đề mới nổi lên trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lạc Dương là hầu hết các vụ phá rừng làm nương rẫy đối tượng thường đưa trẻ em và phụ nữ đứng ra "chịu trận". Cụ thể hơn, khi lấn chiếm đất rừng, người ta thường mang theo phụ nữ và trẻ em, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì những người phụ nữ và trẻ em này đứng ra "nhận tội". Đây là một trở ngại không nhỏ cho cơ quan chức năng huyện Lạc Dương trong xử lý.

Cháy hơn 100ha rừng tại Móng Cái, Quảng Ninh: Từ ngày 24-29/11/2007, tại thị xã Móng Cái đã xảy ra vụ cháy rừng gây thiệt hại ước khoảng trên 100ha rừng. Diện tích rừng bị cháy thuộc khu rừng phòng hộ Tràng Vinh và rừng Việt Đức ở các tiểu khu 352, 349, 350 thuộc các xã Bắc Sơn, Hải Sơn, Hải Tiến, thị xã Móng Cái. Điểm cháy xuất phát đầu tiên ở khu rừng lòng hồ Tràng Vinh. Sau khi phát hiện, thị xã Móng Cái đã huy động lực lượng thuộc các đơn vị Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý Dự án rừng Việt Đức, Trung đoàn 43 và nhân dân các xã... khống chế ngọn lửa và dập tắt đám cháy. Do thời tiết hanh khô cộng với gió to đám cháy đã nhanh chóng lan ra các khu rừng lân cận. Đến chiều 29/11/2007 mới khống chế được cháy rừng. Rừng bị cháy là thông và keo tai tượng ở độ tuổi 1 và 2.

Phát hiện đường dây vận chuyển gỗ trắc: Công an Hà Nội phối hợp với công an Hải Phòng cùng lực lượng quản lý thị trường, kiểm lâm Hải Phòng bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ trắc lậu lớn tại khu cầu cảng Green Port. Tang vật thu giữ tại hiện trường là 2 container với khối lượng ước tính khoảng 40m3 gỗ trắc thuộc nhóm quý hiếm nhóm IIA. Toàn bộ số gỗ trắc này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Theo tờ khai vận chuyển thì 2 container gỗ này là của Công ty TNHH Hà Nam Hải (Hồ Chí Minh) và được chuyển từ cảng Khánh Hội ra cảng Hải Phòng cho người nhận là Bùi Thị Nhung. Theo khai nhận của Bùi Thị Nhung, trong 2 tháng, Nhung đã nhận và giao hàng thành công khoảng 50 container gỗ lậu như vậy cho nhiều khách hàng khác nhau thuộc các tỉnh phía Bắc. Công an Hải Phòng đã tạm giữ chủ lô gỗ trắc nhập lậu là Bùi Kim Dũng, giám đốc chi nhánh Hải Phòng thuộc Công ty TNHH Hà Nam Hải. Dũng khai nhận đã nhập số gỗ trắc trái phép nói trên từ Campuchia về Việt Nam bằng đường biển, rồi đưa về các làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và Thường Tín (Hà Tây). Với thủ đoạn tương tự, từ tháng 9 đến nay, Dũng đã nhiều lần giao nhận khoảng 50 container gỗ trắc (mỗi container khoảng 20m3 gỗ, trị giá khoảng 6 tỉ đồng) cho các cơ sở ở Móng Cái (Quảng Ninh) và Đỗ Xá (Hà Tây). Đường dây này nhập lậu gỗ trắc từ Lào, Campuchia về Việt Nam để phần lớn trung chuyển đưa sang Trung Quốc. Ngày 18/6/2007, Cục Điều tra chống buôn lậu (Bộ Công an) phát hiện Công ty TNHH Nam Nguyễn làm thủ tục xuất khẩu 10 container xơ dừa sang Trung Quốc. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong 10 container này có 162m3 gỗ trắc, cẩm lai trị giá hơn 15 tỉ đồng. Theo điều tra, từ tháng 3/2007 đến tháng 6/2007, Công ty TNHH Nam Nguyễn đã mở 28 tờ khai hải quan xuất khẩu 103 container khai là bột xơ dừa, sắt... Bộ Công an đã bắt Nguyễn Thị Thanh Hiền, giám đốc Công ty TNHH Kim Lợi (trụ sở tại Tân Uyên, Bình Dương) về hành vi buôn lậu và truy nã toàn quốc đối với bị can Nguyễn Văn Hòa, phó giám đốc Công ty TNHH Kim Lợi, bị can này đã bỏ trốn ngay sau khi vụ việc bị phát hiện. Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố, bắt giam Mạc Văn Nguyện, giám đốc Công ty TNHH Nam Nguyên (quận Phú Nhuận) cùng hành vi trên. Do Châu Minh Xuyến đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã. Theo điều tra, tháng 5, Hiền đã câu kết với Xuyến và Nguyện thu gom gỗ lậu (chủ yếu là gỗ trắc và cẩm lai) với số lượng lớn về chứa tại kho hàng ở Đồng Nai và Bình Dương. Để qua mắt các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu đã mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, khai mặt hàng xuất khẩu là lưới xơ dừa. Các đối tượng đã buôn trót lọt 93 container gỗ trắc, cẩm lai quí hiếm. Chuyến hàng cuối cùng gồm 10 container đang làm thủ tục hải quan để đưa xuống tàu thì Hải quan Cát Lái (thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1) và Cục điều tra chống buôn lậu thì bị bắt. Chỉ trong vòng tháng 11 đã có khá nhiều vụ buôn bán gỗ trắc trái phép bị phát hiện: Ngày 6/11/2007, PC15 (Công an tỉnh Quảng Bình) phát hiện tại gara ôtô trong khuôn viên nhà bà Đinh Thị Mai (tiểu khu 9, thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa, Quảng Bình) một lượng lớn gỗ trắc. Ngày 15/11/2007, nhận được tin báo từ quần chúng, tổ tuần tra cơ động Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phát hiện và bắt giữ một ô tô chở gỗ trắc quí hiếm trái phép. Ngày 23/11/2007, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15B, Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với bị can Nguyễn Văn Hòa (40 tuổi, trú tại ấp 5, xã Hóa Nhật, huyện Tân Uyên, Bình Dương) về tội “buôn lậu”. Ngày 27/11/2007, Đội kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh vừa phát hiện và bắt giữ một ô tô tải vận chuyển hơn gỗ lậu quý hiếm bằng cách trộn lẫn chúng với gỗ hợp pháp.

Xét xử đối tượng săn bắn động vật hoang dã quý hiếm. Ngày 28/9/2007, Tòa án nhân dân huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 4 bị báo cư ngụ tại thôn Đăk Côn, xã Bù Gia Mập, đã có hành vi phạm tội “ Săn bắn động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IB theo quy định của Nhà nước” trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Phương tiện các bị cáo sử dụng là 2 khẩu súng kíp tự chế; tang vật của vụ án là 1 con cu li nhỏ tên khoa học Nycticebus pygmaeus thuộc bộ khỉ hầu (Primates). Căn cứ vào mức độ vi phạm tòa đã tuyên Đinh Văn Khuynh 30 tháng tù (cho hưởng án treo); thử thách 36 tháng; Vương Văn Điện 21 tháng tù (cho hưởng án treo); thử thách 30 tháng; Hà Quốc Thắng 21 tháng tù (cho hưởng án treo); thử thách 30 tháng; Nông Văn Hiệp 26 tháng tù (cho hưởng án treo); thử thách 30 tháng.

Trần Thanh Sâm

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Xét xử các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn vừa đưa vụ án lâm tặc tấn công kiểm lâm ra xét xử. Tháng 10/2005, trong lúc lập biên bản đưa 43 đầu gỗ pơmu bị bắt lên xe ôtô của kiểm lâm thì 5 cán bộ kiểm lâm đã bị Nguyễn Thành Long, Hà Minh Huyên, Đặng Thanh Hải và Nguyễn Xuân Thành đánh trọng thương, một số người phải đi cấp cứu. Tòa tuyên phạt Nguyễn Thành Long 24 tháng tù giam; Hà Minh Huyên 18 tháng tù giam, Đặng Thanh Hải, Nguyễn Xuân Thành 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng. Tại Nghệ An, tòa án nhân dân huyện Nam Đàn vừa mở phiên toà xét xử lưu động vụ án cố ý hủy hoại rừng ở tiểu khu 10/9 thuộc xã Khánh Sơn đối với 3 bị can. Với hành vi này, Tòa tuyên phạt 3 kẻ đốt rừng 17 năm tù cùng 128 triệu đồng tiền phạt và án phí. Trước đó, Phạm Văn Kỷ (sinh năm 1976) tổ chức uống rượu, bia tại nhà với sự có mặt của Nguyễn Đình Hoan (sinh năm 1973) và Phạm Xuân Nghĩa (sinh năm 1976, cùng trú tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn). Sau khi uống xong, 3 tên chuẩn bị dụng cụ đồ nghề đi đến khu vực rừng thông do ông Phạm Viết Bảo bảo vệ để thực hiện đốt rừng gây cháy trụi 8,57ha rừng thông. Còn tại Lâm Đồng ngày 16/11/2007 tại UBND xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xét xử sơ thẩm lưu động công khai vụ án Phạm Văn Mạnh, sinh năm 1962, thường trú tại địa phương trên với tội danh hủy hoại rừng. Theo cáo trạng, Phạm Văn Mạnh đã vào tiểu khu 514 thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên phá 8.780,5m2 rừng lồ ô xen gỗ, chặt hạ 25,8m3 gỗ nhóm IV và trồng trên diện tích đó 200 cây điều. Phạm Văn Mạnh đã được tuyên truyền và làm cam kết không vi phạm. Căn cứ mức độ và tính chất của vụ việc chủ tọa phiên tòa đã tuyên Phạm Văn Mạnh 7 năm tù giam và bồi thường cho Vườn quốc gia Cát Tiên 22 triệu đồng.

Đỗ Mạnh Hàn

Vườn quốc gia Cát Tiên

Bắt vụ mua bán vận chuyển hổ, gấu tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 30/11/2007, tại thành phố Hồ Chí Minh, Công an thành phố, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Bộ Công an đã bắt quả tang Nguyễn Đình Nam (33 tuổi, trú tại Nghệ An) và Uông Bá Quyển (44 tuổi, trú tại Hà Tĩnh), đang vận chuyển một con hổ nặng 41kg và một con gấu nặng 30kg. Hai cá thể động vật này đã được mổ lấy hết ruột gan rồi ướp lạnh mang giao cho khách hàng. Đây là những loài động vật quý hiếm thuộc nhóm IB nằm trong danh mục những loài bị săn bắt nhiều và có nguy cơ tuyệt chủng.

Hội thảo "Mô hình cảnh báo, dự báo và phát hiện sớm cháy rừng ở Việt Nam". Ngày 11/10/2007, tại Hà Nội, Cục Kiểm lâm phối hợp với Tập đoàn sản xuất thiết bị khí tượng, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng của ý (CAE) tổ chức hội thảo "Mô hình cảnh báo, dự báo và phát hiện sớm cháy rừng ở Việt Nam. Tham dự hội thảo có các đại biểu của các cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm, Tập đoàn CAE, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Trường Đại học lâm nghiệp, các chi cục kiểm lâm, cơ quan kiểm lâm vùng 1, vùng 2, các nhà khoa học chuyên ngành... Tại hội thảo, Tập đoàn CAE đã giới thiệu các thiết bị khí tượng tiên tiến hiện nay đã và đang được lắp đặt tại ý và Việt Nam. Đây là những thiết bị rất cần thiết, phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Việt Nam. Hội thảo nhằm giúp những nhà quản lý có sự nhìn nhận sâu về việc cần thiết phải trang bị các thiết bị phục vụ việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ninh Bình phát hiện khu sinh thái mới. Mới đây, một ô trũng có tên gọi “đầm Vân Long” (cách Hà Nội khoảng 90km về phía Nam thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là một vùng đa dạng sinh học quý giá được người dân phát hiện. Động thực vật nơi đây rất đặc trưng cho 2 hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của vùng châu thổ sông Hồng. Ngoài voọc mông trắng, tại Vân Long còn có nhiều loài động, thực vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như: tuế lá rộng, mã tiền, lát hoa, gấu ngựa, báo gấm, kỳ đà hoa… Đặc biệt ở đây còn có một loài côn trùng bị coi là tuyệt chủng, đó là loài cà cuống thuộc họ chân bơi.

Cần sớm xử lý cá thể voi tại Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò. Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang nuôi và sử dụng một cá thể voi (Elephas maximus) làm sức kéo. Tuy nhiên từ đầu năm 2007 đến nay voi tỏ ra rất hung dữ và đã đánh chết 2 người. Hiện nay, cá thể voi này rất hung dữ, không tuân theo sự điều khiển, chăn dắt của quản tượng; khi phát hiện thấy có người thường xông đến đánh, gây nguy hiểm đến tính mạng công nhân chăm sóc voi và người dân khu vực này. Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, bảo đảm môi trường sống và thức ăn cho voi nhưng không hiệu quả. Khả năng nuôi, chăm sóc của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò hiện đang gặp nhiều khó khăn, không thể tự giải quyết. Chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã đề nghị xử lý cá thể voi này theo 2 hướng: Thứ nhất, di chuyển voi đến vùng khác, là nơi có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo tồn để bảo vệ tính mạng, tài sản cho công nhân và nhân dân trong khu vực. Thứ hai, nếu không thực hiện được theo hướng thứ nhất hoặc đã di chuyển nhưng voi vẫn tiếp tục tấn công người, phá hoại tài sản của nhân dân thì đề nghị cho phép bắn chết cá thể voi này (áp dụng theo Điều 11, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm).

Xe chất lượng cao vận chuyển gỗ trái phép. Ngày 24/10/2007, Đội Kiểm lâm cơ động Quảng Bình đã phát hiện và bắt giữ xe khách mang biển số 16L-3414 do Vũ Đức Khiêm (trú tại Phủ Lý, Hà Nam) điều khiển. Chiếc xe vận chuyển trái phép 74 hộp gỗ trắc thối với khối lượng 1,269m3 gỗ, có giá trị trên 100 triệu đồng (thuộc loại gỗ quý hiếm cấm vận chuyển khai thác). Chiếc xe này là của Công ty TNHH vận tải Hoàng Long (Hải Phòng) quản lý, đây là lần thứ ba trong năm 2007, xe chất lượng cao Hoàng Long vận chuyển gỗ trái phép bị Kiểm lâm Quảng Bình bắt giữ.

Minh Toản

Thực hiện tốt các hạng mục của dự án tài trợ của Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF). Hợp phần nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm trong công tác bảo vệ rừng thuộc Dự án nâng cao năng lực Vườn quốc gia Bù Gia Mập giai đoạn 2006-2008. Từ tháng 7/2007 đến nay Vườn quốc gia Bù Gia Mập phối hợp với UBND các xã (Đắk Ơ, Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông) triển khai xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết tham gia bảo vệ rừng ở 18 cộng đồng thôn, ấp, bon. Thông qua việc xây dựng quy ước người dân vùng đệm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phát huy quyền làm chủ của mình trong công tác bảo vệ rừng, góp phần thực hiện xã hội hóa nghề rừng. Các hộ gia đình ký cam kết tham gia bảo vệ rừng từ đó họ có ý thức, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Thông qua chương trình này Vườn quốc gia Bù Gia Mập cũng đã lồng ghép đưa các thông tin về đa dạng sinh học, chức năng, tầm quan trọng của Vườn quốc gia về các mặt, thông tin về tình hình quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, chiến lược phát triển Vườn quốc gia cũng như kinh tế vùng đệm. Hướng tới, Vườn quốc gia cùng với UBND các xã vùng đệm, Hạt Kiểm lâm các huyện Tuy Đức, Phước Long chỉnh sửa hồ sơ và gửi đến UBND huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông, huyện Phước Long tỉnh Bình Phước để phê duyệt các bản quy ước bảo vệ rừng.

Vương Đức Hòa

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Phát hiện loài lan kim tuyến quý hiếm. Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị vừa phát hiện lan kim tuyến, loài cây quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới tại vùng rừng huyện miền núi Đakrông. Theo cán bộ kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, bên ngoài thân và lá lan kim tuyến có màu tím, trên mỗi chiếc lá có từ 3 đến 5 sọc dọc. Theo các tài liệu y học của thế giới, lan kim tuyến là loài cây thuốc rất đặc biệt có tác dụng tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính, chữa suy nhược thần kinh.

Chi cục Kiểm lâm Kon Tum thực hiện tốt công tác từ thiện. Năm 2007, cán bộ công chức Chi cục Kiểm lâm đã tiết kiệm, tổ chức thăm hỏi các gia đình thuộc diện có công cách mạng, gia đình thương binh, mẹ Việt Nam anh hùng trên toàn địa bàn xã Pờ Ê, với tổng số tiền quà khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã phát động toàn thể đảng viên, cán bộ công chức và người hợp đồng lao động trong toàn ngành đóng góp mua 6.000 cây bời lời đỏ cấp cho thôn 4, xã Pờ Ê, huyện Konplong. Chi cục đã chỉ đạo kỹ sư lâm nghiệp có trình độ chuyên môn về trồng và chăm sóc cây giống trực tiếp tham gia chuyển giao số cây giống nói trên về tới thôn và cùng hướng dẫn cho bà con trong thôn biết cách trồng và chăm sóc cây về sau.

Phạm Dục Tú

Chi cục Kiểm lâm Kon Tum

Phát hiện loài cá cóc sần ở Bắc Giang. Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật vừa phát hiện được một loài cá cóc mới tylotriton (hay cá cóc sần) thuộc khu vực rừng núi đất thấp của tỉnh Bắc Giang. Đây là loài đặc biệt quý hiếm, được xếp vào loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam. Loài cá cóc này có đặc điểm đặc trưng là da được bao phủ bởi các nốt sần rất nhỏ, đầu hẹp, lưng có màu xám hoặc nâu nhạt, không có các đốm lớn màu cam hoặc màu đỏ trên lưng...

Giám sát các tổ chức, cá nhân nuôi động vật hoang dã ở Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội vừa giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân gây nuôi động vật hoang dã. Theo đó, Sở phải có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình chăn nuôi động vật hoang dã thực hiện các biện pháp cấp bách về xây dựng, cải tạo, gia cố chuồng trại thật sự chắc chắn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người chăn nuôi và người dân trong vùng. Phát hiện và xử nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về chăn nuôi động vật hoang dã theo quy định.

Hà Giang: Phát triển rừng ở các huyện vùng cao núi đá. UBND tỉnh Hà Giang vừa phê duyệt dự án đầu tư 410,6 tỷ đồng để bảo vệ, phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Dự án sẽ được các huyện triển khai trong những tháng cuối năm 2007 với mục tiêu bảo vệ trên 77.000ha rừng và khoanh nuôi gần 19.000ha rừng và trồng mới 10.489,2ha rừng. Tỷ lệ che phủ rừng ở 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang đạt 32,9%, thấp hơn nhiều so với các huyện khác trong tỉnh. Dự kiến khi kết thúc dự án vào năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng ở 4 huyện này sẽ được nâng lên 46,7%. Việc khai thác rừng phục vụ cho làm nhà, cho sinh hoạt thường ngày trong các năm qua đã làm suy giảm nguồn tài nguyên rừng ở 4 huyện này, trong khi đó, rừng ở vùng này lại rất khó mọc và tái sinh như các vùng cao núi đất và vùng thấp.

Đăk Lăk: Tổ chức Hội đua voi tại Bản Đôn. Ngày 24/11/2007, hàng ngàn du khách đã đến Trung tâm Du lịch văn hóa sinh thái Bản Đôn để chứng kiến hội đua voi. Tại đây, các du khách được tham gia hội đua voi, chứng kiến màn thao diễn “bắt voi rừng” của các Gru danh tiếng Bản Đôn trong khu rừng khộp ven hồ Chư Mil. Nhiều hoạt động lễ hội độc đáo khác của đồng bào Tây Nguyên cũng được phục dựng lại tại Trung tâm du lịch văn hóa sinh thái Bản Đôn để phục vụ du khách như Lễ cúng bến nước, Lễ mừng mùa, Lễ cúng sức khỏe voi...

Nhân giống thành công 30 loài hoa lan.Năm qua, Trường Đại học Đà Lạt đã nhân giống thành công gần 300 loài hoa lan đặc hữu của Vườn quốc gia Cát Tiên bằng phương pháp nuôi cấy mô. Trong đó có nhiều loài quý được đặt mua với số lượng lớn như kim hài, vân hài, lan gấm; một số loài còn có tác dụng làm thuốc chữa bệnh. Hiện một số loài đã được nhân rộng và trồng tại Đà Lạt. Gần đây, tình trạng khai thác ồ ạt các loài lan đã làm cho một số loài lan quý đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng ngay tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Việc nhân giống các loài lan quý này không chỉ phục vụ cho mục đích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học của Việt Nam.

Đồng Tháp: Chọn hình ảnh sếu đầu đỏ làm biểu tượng du lịch. Tỉnh Đồng Tháp vừa thống nhất phê duyệt phương án chọn hình ảnh chim sếu, loài chim đặc biệt quý hiếm hiện đang được bảo vệ tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) và hình ảnh di tích Xẻo Quýt, căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Đồng Tháp làm biểu tượng du lịch của tỉnh. Hai hình ảnh này được vẽ lên biển quảng cáo loại lớn để quảng bá du lịch của tỉnh Đồng Tháp.

Bảo tồn thành công voọc đầu trắng tại Cát Bà. Sau 7 năm thực hiện dự án bảo tồn, loài voọc đầu trắng tại Vườn quốc gia Cát Bà đã tránh được nguy cơ tuyệt chủng, số cá thể loài này đã tăng từ 53 lên 64 và có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Voọc đầu trắng ở Cát Bà là loài linh trưởng quý hiếm hiện còn rất ít trên thế giới. Kết quả bảo tồn loài này ở Vườn quốc gia Cát Bà đã được nhiều tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới đánh giá là “kỳ diệu” và là điều chưa có tổ chức, cá nhân nào làm được. Thành công bước đầu của dự án khẳng định, Vườn quốc gia Cát Bà có môi trường sống thuận lợi để loài linh trưởng này phát triển. Dự án bảo tồn loài động vật quý hiếm này do Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) của Đức hỗ trợ được triển khai vào đầu tháng 11/2000. Dự án tập trung vào 3 mục tiêu chính là làm ổn định quần thể thông qua tuyên truyền người dân không săn bắn; thiết lập khu bảo vệ nghiêm ngặt và bảo đảm sinh cảnh thích hợp cho quần thể voọc đang tồn tại, phát triển và tăng khả năng sinh sản của chúng.

Nghệ An: Bắt đối tượng “dùng” kim tiêm tẩu tán gỗ trái phép. Sáng 31/10/2007, Công an huyện Thanh Chương đã chuyển quyết định khởi tố bị can Trần Đình Đông, đối tượng đã dùng kim tiêm để tẩu tán gỗ trái phép. Sự việc như sau: ngày 27/10/2007, Công an xã Thanh Hương phát hiện Đông đang vận chuyển gỗ trái phép. Khi bị Công an xã yêu cầu về trụ sở UBND làm rõ, Đông đã không những không chấp hành mà còn dùng hung khí đánh trưởng Công an xã Nguyễn Văn Tiến bị thương. Đông còn dùng bơm kim tiêm đe dọa có nhiễm HIV để chống lại lực lượng chức năng nhằm tẩu tán số gỗ trên. Tuy nhiên hành động của Đông đã bị công an huyện Thanh Chương ngăn chặn.

Lâm tặc chém trọng thương cảnh sát giao thông tại Thái Nguyên. Ngày 08/12/2007 tại tuyến đường Cách mạng tháng 8, thị xã Sông Công, Thái Nguyên, tổ cảnh sát giao thông, Công an thị xã Sông Công là Trần Quang Đức và Trương Quang Duy phát hiện 4 xe máy chở hàng cồng kềnh. Khi bị phát hiện 4 xe này bỏ chạy và bị truy đuổi. Đến khu vực Việt Đức thì đuổi kịp một trong số 4 xe máy trên. Khi đề nghị kiểm tra giấy tờ đối tượng rút dao phớ giấu dưới yên xe máy lao tới chém tới tấp, cùng lúc đó một đối tượng khác lao xe đến dùng gậy tấn công. Quá bất ngờ nên hai cảnh sát bị đánh trọng thương, đối tượng vi phạm bỏ lại chiếc xe Dream và tang vật là gỗ nghiến vận chuyến trái phép. Đến ngày 10/12/2007, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân và Công an huyện Võ Nhai, đối tượng gây án đã bị bắt. Nguyễn Văn Thảo, sinh năm 1986 là người dùng dao phớ chém nhiều nhát vào hai cảnh sát, đồng bọn là Dương Văn Định, sinh năm 1982 (đảng viên), người dùng gậy tấn công cảnh sát; cả hai đối tượng đều trú tại xóm Làng Giai, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Đinh Thanh Hải

Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên


Số lượt đọc:  518  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 09:54:11 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH