Số 6

Tin hoạt động

Hải quan Việt Nam nhận bằng khen của Ban thư ký Công ước CITES quốc tế. Ngày 14/3/2010, tại phiên họp mở đầu của Hội nghị các nước thành viên Công ước về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) lần thứ 15 được tổ chức tại thủ đô Doha, Qatar, Tổng thư ký CITES quốc tế Willem Wijnstekers đã trao bằng khen ghi nhận thành tích đấu tranh với nạn buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã nguy cấp của Cục Hải quan Hải Phòng với sự chứng kiến của trên 3.000 đại biểu đến từ 175 nước thành viên CITES và các tổ chức quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được nhận bằng khen của CITES quốc tế và là bằng khen thứ 6 do tổ chức này trao tặng cho lực lượng thừa hành pháp luật của các nước trên thế giới kể từ khi thành lập năm 1973 đến nay.

Đỗ Quang Tùng

Bản án thích đáng cho 35 đối tượng chặt trộm cây gỗ sưa tại Hà Nội. Sau ba ngày xét xử, chiều ngày 31/3/2010, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã ra công bố hình phạt đối với 35 bị cáo trong vụ trộm cắp và tiêu thụ cây gỗ sưa xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009. Trong số này 25 người bị truy tố về tội trộm cắp tài sản; 10 người tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Cụ thể, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Tuấn 9 năm tù giam, bị cáo Đào Văn Đằng mức án 6 năm 11 tháng tù cho cả 2 tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Lần lượt các bị cáo khác cũng phải chịu mức hình phạt từ 18 tháng tù (hưởng án treo) đến 4,5 năm tù giam. Ngoài ra, một số bị cáo có mức hình phạt tương ứng với thời gian bị tạm giam nên đã được tuyên trả tự do ngay tại tòa. Theo thống kể chỉ trong thời gian khoảng 2 tháng tính từ ngày 26/7/2010 đến ngày 17/9/2010, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã để xảy ra 19 vụ chặt trộm cây sưa đỏ, có 17 cây bị cắt, số cây thu hồi lại được là 6 cây. Đường kính những cây bị cắt là từ 15cm đến 40cm. Địa bàn cây sưa bị chặt trộm tại các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và Đống Đa và một số huyện ngoại thành. Thời gian hoạt động chặt phá diễn ra toàn bộ vào ban đêm. Liên quan đến việc đòi bồi thường dân sự của các đại diện thuộc quyền sở hữu những cây sưa bị chặt trộm. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên, căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ định giá Hội đồng xét xử đã quyết định buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho đại diện quyền sở hữu cây sưa ở chùa Trầm 200 triệu đồng, 39 triệu đồng cho Ban quản lý di tích đền Hai Bà Trưng (quận Hà Đông), 2,7 triệu đồng cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội trong vụ chặt trộm cây sưa tại sân nhà K16-17 khu tập thể Bách Khoa.

Hoài Ân, Bình Định: Chặt trộm gỗ rừng trồng bị xử lý hình sự. ngày 23/3/2010, Tòa án nhân dân huyện Hoài Ân tuyên án 6 đối tượng là Trần Phúc Tám, Lê Đức Báu, Trương Thanh Vinh, Hồ Văn Chức, Lê Văn Dũng, Bình Văn Trị cùng ở thôn Thạch Long, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, Bình Định, về tội chặt trộm gỗ keo lá tràm rừng trồng của Ban quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân. theo khoản 1, điều 138, Bộ luật Hình sự về tội trộm cắp. Sự việc cụ thể như sau, ngày 06/9/2009, 6 đối tượng trên vào khu vực đèo Bằng Lăng thuộc lô d, khoảnh 6, tiểu khu 140, Ban quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân ( thuộc thôn Thạch Long, xã Ân Tường Đông) chặt trộm gỗ keo lá tràm rừng phòng hộ. Các đối tượng vận chuyển tói địa bàn huyện Phù Mỹ thì bị phát hiện. Tổng khối lượng gỗ mà các đối tượng chặt trộm là 3,484 m3. Vụ việc được chuyển cho cơ quan Điều tra huyện Hoài Ân điều tra làm rõ. Căn cứ mức độ phạm tội của từng bị cáo, Tòa án nhân dân huyện Hoài Ân đã tuyên Trần Phúc Tám 6 tháng tù giam, Lê Đức Báu 6 tháng tù giam, Trương Thanh Vinh 3 tháng tù giam, Hồ Văn Chức 3 tháng tù giam, Lê Văn Dũng 3 tháng tù giam, Bình Văn Trị 3 tháng tù treo. Tang vật và mức án không cao, tuy nhiên đây là sự cảnh tỉnh cho những người có ý định ăn trộm tài nguyên đất nước.

Huỳnh Bảo Ly

Vườn quốc gia Cát Tiên: Thả động vật hoang dã vào rừng tự nhiên. Ngày 23/3/2010, tại tiểu khu 12 (khu vực Bầu Sấu) Vườn quốc Gia Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Chi cục Kiểm lâm Hồ Chí Minh) kết hợp với Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Cát Tiên thả về rừng 44 cá thể (62,75kg) động vật hoang dã các loại, đã được cứu hộ gồm: rùa núi vàng 40 cá thể cân nặng 48,75kg; rắn hổ mang chúa1 cá thể cân nặng 8kg; trăn gấm 1 cá thể cân nặng 2kg; don 2 cá thể cân nặng 4kg. Tất cả số động vật hoang dã này có cùng nguồn gốc với động vật hoang dã đã sinh sống tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Đỗ Mạnh Hàn

Ninh Thuận: Hiệu quả mô hình quản lý, bảo vệ rừng theo cộng đồng. Năm 2010, thời tiết ở Ninh Thuận rất khắc nghiệt, tuy nhiên nhờ thực hiện tốt mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ rừng nên không có vụ cháy lớn nào xảy ra. Điển hình là Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang quản lý gần 25.000ha rừng thuộc các xã Phước Hà, Nhị Hà, huyện Thuận Nam và Phước Hữu, Phước Thái, Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Theo mô hình này, vào mùa cao điểm bảo vệ rừng, việc giao ban nắm bắt tình hình, triển khai nhiệm vụ, phân công tuần tra, gác rừng là công việc thường xuyên của các đội xung kích bảo vệ rừng vào mỗi buổi sáng hàng ngày. Tại xã Phước Hà, đội xung kích được thành lập năm 2005, mặc dù chỉ có 14 người, ngoài công việc quản lý bảo vệ 500ha rừng, đội xung kích bảo vệ rừng xã Phước Hà còn có nhiệm vụ kết hợp với các đơn vị nhận rừng khoán quản mở các đợt tuần tra, truy quyét. Qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm rừng, tham gia xử lý kịp thời nếu xảy ra cháy rừng. Mô hình bảo vệ rừng theo hướng cộng đồng được xem là cách làm hiệu quả nhất trong công tác phòng chống cháy rừng hiện nay. Mô hình này không chỉ phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân mà còn mang tính chuyên nghiệp cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Để phòng chống cháy rừng có hiệu quả, mọi người đều tham gia tích cực vào việc phát băng cản lửa, thường xuyên tuần tra đẻ phát hiện cháy kịp thời.

Kon Tum: Kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam. Từ ngày 23 đến 24/3/2010, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các Ban trồng rừng nguyên liệu giấy thuộc Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam tại các xã Ngọc Tụ, Đăk Rơ Nga, Pô Kô, huyện Đăk Tô. Qua kiểm tra hiện trường, Đoàn Kiểm tra ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị này. Các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ngay sau khi mùa mưa năm 2009 kết thúc, tổ chức phát luỗng; dọn đốt thực bì và làm đường băng cản lửa cho từng khu rừng. Phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ phương tiện như xe tải, xe con, dao rựa, bình xịt nước, máy bơm... để chủ động trong công tác khi có tình huống cháy xảy ra. Với sự chuẩn bị tốt này, từ đầu mùa khô năm 2009-2010 đến ngày 31/3/2010, hơn 11 ngàn hécta rừng do Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam trồng chỉ xảy ra 01 vụ cháy nhỏ trên diện tích khoảng 4ha, nhưng không thiệt hại về rừng, do thực bì đã được xử lý tốt.

Hoàng Hưng

Hà Tĩnh: 20 lâm tặc xông vào trạm chém bảo vệ rừng. Khoảng 17 giờ ngày 16/3/2010, một nhóm lâm tặc khoảng hơn 20 đối tượng đã cầm theo gậy gộc, dao và mã tấu xông vào Trạm bảo vệ rừng số 4, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) đập phá tan tành những tài sản như bàn ghế, gường tủ, tivi, radio... Khi thấy sự việc xảy ra, anh Võ Trọng Hải, cán bộ Trạm vào can ngăn thì ngay lập tức bị chúng dùng dao chém vào tay khiến anh Hải bị thương nặng. Được biết, trước đó ít ngày cán bộ, nhân viên Trạm bảo vệ rừng số 4 trong khi đi tuần tra ở địa bàn huyện Kỳ Anh đã phát hiện một nhóm người từ Quảng Bình đang mang cưa xăng và phương tiện vận chuyển gỗ vào rừng. Đoàn đã lập biên bảo và tạm giữ các tang vật nói trên. Thông tin ban đầu thì những đối tượng này ở xóm 2, làng Mới, xã Hưng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.


Số lượt đọc:  214  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 01:39:47 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH