Số 6

Nâng cao năng lực kiểm lâm phụ trách địa bàn xã ở Bình Định

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, năm 2001, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Đề án phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn. Quá trình triển khai thực hiện cho thấy việc phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn có hiệu quả; tuy nhiên, cũng còn bộc lộ một số nhược điểm cần khắc phục. Tiếp tục triển khai chủ trương này, năm 2008 UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực kiểm lâm địa bàn xã tỉnh Bình Định giai đoạn 2008 - 2010. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực kiểm lâm địa bàn xã, làm thay đổi căn bản công tác bảo vệ rừng, chuyển hoạt động kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông sang tổ chức bảo vệ rừng tận gốc, giám sát nơi tiêu thụ, chế biến lâm sản; nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao nhận thức của nhân dân để tham gia bảo vệ và phát triển rừng; giúp người làm kinh tế rừng yên tâm đầu tư góp phần làm tăng độ che phủ của rừng. Gắn hoạt động của kiểm lâm địa bàn xã với yêu cầu tham mưu cho UBND cấp xã tổ chức thực hiện toàn diện các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản; hạn chế và giảm dần số vụ cháy rừng, làm thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sinh thái, đời sống nhân dân.

Triển khai chủ trương này, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã tại 10 hạt kiểm lâm. 129 cán bộ, công chức, viên chức phụ trách 129 xã, phường, thị trấn có rừng và 9 xã có đất chưa sử dụng quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp. Bước đầu bố trí kiểm lâm địa bàn hợp đồng là 79 người và từng bước chuyển kiểm lâm hợp đồng phụ trách địa bàn thành công chức nhà nước. Trong tổng số 129 kiểm lâm phụ trách địa bàn, đã bố trí 60 biên chế và 69 hợp đồng lao động. So với năm 2001 (70 người), Đề án lần này, số lượng tăng thêm 59 người (129 người). Việc bố trí kiểm lâm phụ trách địa bàn thực hiện đúng định mức diện tích rừng, đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ (đại học, trung cấp chiếm 94,5%).

Qua một năm triển khai, hầu hết chính quyền địa phương đánh giá việc phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã là chủ trương đúng đắn, tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của kiểm lâm theo quan điểm xã hội hóa, đồng thời tạo ra bước tiến mới trong công tác bảo vệ rừng. Chủ trương này làm thay đổi cơ bản nhận thức, quan điểm của một bộ phận cán bộ cấp xã, nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực quản lý điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. ý thức trách nhiệm của chủ rừng, người dân được nâng lên rõ rệt. Ban đầu nhìn nhận việc bố trí kiểm lâm phụ trách địa bàn như vậy thì kiểm lâm bị phân tán, khó đảm đương nổi nhiệm vụ; thực tiễn cho thấy kiểm lâm địa bàn không đơn độc, đã biết dựa vào quần chúng, chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận kiểm lâm địa bàn chưa nắm chắc ranh giới hành chính, quy hoạch 3 loại rừng, văn bản quy phạm pháp luật nên công tác tham mưu cho chính quyền thiếu chính xác, làm cho chính quyền chưa tin tưởng vào năng lực của kiểm lâm địa bàn; chưa tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; còn thiếu kinh nghiệm, chưa thông thạo địa bàn nên dễ bị lừa trong việc triển khai lực lượng ngăn chặn hành vi vận chuyển trái phép lâm sản,...

Việc triển khai kiểm lâm phụ trách địa bàn đã khẳng định vai trò, chức năng của kiểm lâm địa bàn trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm lâm địa bàn đã tham mưu tốt cho UBND cấp xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp, ngăn chặn các hành vi phá rừng. Tham mưu xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm lâm địa bàn đã bám rừng, tham gia phối hợp với các ngành chức năng rà soát ranh giới ba loại rừng, thường xuyên đi thực địa để cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, cung cấp cho bộ phận chuyên môn cập nhật dữ liệu, biên tập bản đồ hiện trạng và xử lý số liệu theo định kỳ, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao. Thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, khi phát hiện vi phạm thì kịp thời ngăn chặn và xử lý. Tiêu biểu nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm lâm địa bàn có điểm mạnh là thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, nắm bắt được các đối tượng thường xuyên phá rừng để vận động ký cam kết không vi phạm hoặc phân loại đối tượng để tham mưu cho chính quyền có biện pháp xử lý phù hợp. Kiểm lâm địa bàn đã áp dụng nhiều biện pháp như tổ chức các đợt tuần tra, truy quét ở các điểm phá rừng, ngăn chặn chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp ngoài quy hoạch, đề nghị cấp có thẩm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản,... Tuy nhiên, hoạt động của kiểm lâm địa bàn cũng còn bộc lộ một số hạn chế, kiểm lâm địa bàn chưa nắm chắc địa bàn quản lý, rừng bị phá không phát hiện và ngăn chặn kịp thời; tình trạng phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển trái phép gỗ vẫn thường xuyên xảy ra, giải quyết vụ việc không đúng thẩm quyền,...

Để việc triển khai kiểm lâm phụ trách địa bàn đạt hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra; cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Về tổ chức, từng bước chuyển kiểm lâm hợp đồng lao động phụ trách địa bàn thành công chức nhà nước, thuộc biên chế của hạt kiểm lâm các huyện, thành phố; lộ trình đến năm 2010, 129 kiểm lâm phụ trách địa bàn là công chức nhà nước. Về chế độ, chính sách: tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền xét cho kiểm lâm hợp đồng phụ trách địa bàn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề như đối với kiểm lâm địa bàn xã trong biên chế. Nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng kiểm lâm địa bàn: lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực công tác cho kiểm lâm địa bàn, cử kiểm lâm địa bàn tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Bình Định sẽ bồi dưỡng ngắn hạn cho kiểm lâm địa bàn trong công tác chuyên môn, phấn đấu đến năm 2010 có 95% kiểm lâm địa bàn có trình độ trung học, đại học, 100% kiểm lâm địa bàn được bồi dưỡng nghiệp vụ. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng: năm 2009 đưa vào sử dụng Trạm Kiểm lâm An Quang; năm 2010 Trạm Kiểm lâm Cát Hải, Trạm Kiểm lâm Bắc Sông Kôn; năm 2010 sửa chữa nâng cấp nhà làm việc Trạm Kiểm lâm địa bàn Ân Mỹ, Trạm Kiểm lâm địa bàn Mỹ Trinh, Trạm Kiểm lâm địa bàn Canh Vinh; mua máy vi tính (mỗi trạm 01 bộ), địa bàn cầm tay, máy định vị, bàn ghế làm việc, tủ tài liệu, xe mô tô, giường nằm, bình chữa cháy,... đảm bảo đủ phục vụ cho kiểm lâm địa bàn hoạt động có hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý bảo vệ rừng, tìm hiểu những nguyên nhân cản trở sự tham gia của người dân vào quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng để có hướng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế, sinh thái của rừng, khích lệ người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng. Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng ở cộng đồng dân cư. Nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền cơ sở và sự tham gia của các ngành, các tổ chức xã hội vào bảo vệ rừng. Hỗ trợ nâng cao đời sống người dân, phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh giao rừng và đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát diện tích canh tác nương rẫy theo phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, trung du để quản lý và triển khai thực hiện hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy giai đoạn 2009-2012; từng bước chuyển sang phương thức canh tác thâm canh. Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số. ứng dụng công nghệ tin học, GIS vào công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Giới thiệu mô hình về kinh doanh rừng có hiệu quả cao để khích lệ người dân hướng vào bảo vệ và phát triển rừng. Để kiểm lâm địa bàn hoạt động hiệu quả, UBND cấp xã tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của kiểm lâm địa bàn; bố trí nơi làm việc, sinh hoạt để kiểm lâm địa bàn có điều kiện làm việc thuận lợi. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm phải giữ mối liên hệ thường xuyên với UBND cấp xã; làm việc, đề xuất với UBND cấp xã bố trí kinh phí phục vụ cho các hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuần tra rừng, truy quét các điểm nóng về phá rừng, tuần tra, kiểm soát lâm sản, ngăn chặn, xử lý vi phạm,...

NGÔ HỮU NIÊN


Số lượt đọc:  2619  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 01:42:45 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH