Số 6

Một số giải pháp trồng rừng phòng hộ ở Lào Cai

Trong những năm vừa qua, việc trồng rừng phòng hộ tại các huyện của Lào Cai và nhiều tỉnh thành khác theo Chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng thường áp dụng phương thức kỹ thuật là trồng rừng hỗn giao ngay từ đầu (giữa cây phù trợ và cây bản địa). Tuy nhiên, không phải điều kiện về đất đai, khí hậu nào cũng có thể áp dụng phương thức nói trên mà cần áp dụng các phương thức kỹ thuật khác nhau mới cho hiệu quả cao. Có thể thấy rằng phần lớn diện tích đã trồng hỗn giao nói trên các loài cây phù trợ sinh trưởng tốt, còn cây bản địa thường bị lấn át hoặc ít có khả năng phát triển thành rừng.

Việc trồng mới rừng phòng hộ, có thể áp dụng các phương thức kỹ thuật trồng rừng như: Trồng rừng với mật độ ban đầu bằng mật độ khi thành rừng (khoảng 400-600 cây/ha): phương thức kỹ thuật này được áp dụng ở những nơi đã xác định chắc chắn được loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa nơi trồng, địa phương hoặc đơn vị có kinh nghiệm về kỹ thuật đảm bảo trồng rừng thành công, cây giống được tạo có chất lượng cao, chăm sóc rừng đúng kỹ thuật, bên cạnh đó cần thực hiện mô hình nông lâm kết hợp trong những năm đầu để tăng độ che phủ đất, cải tạo đất và tạo thêm thu nhập cho người trồng rừng;

Trồng rừng ban đầu thuần loài bằng loài cây mọc nhanh, có tác dụng cải tạo đất sau một chu kỳ sẽ trồng thay thế bằng loài cây chính có tác dụng phòng hộ lâu dài. Phương thức kỹ thuật này được áp dụng chủ yếu ở những nơi đất đai đã bị thoái hóa, nghèo xấu nên cần được cải tạo bằng những loài cây mọc nhanh có tác dụng cải tạo đất (các loài keo...) với mật độ trồng từ 1000-1600cây/ha, sau một chu kỳ có thể chặt theo băng rộng (50-60m) để trồng các loài cây chính cho phòng hộ lâu dài, với mật độ từ 300-500cây/ha. Kinh phí trồng cây chính được lấy từ bán sản phẩm khai thác rừng trồng cây mọc nhanh, sau khi trừ chi phí hợp lý theo quy định hiện hành.

Về trồng rừng thuần loài: có thể được áp dụng ở khu rừng phòng hộ có điều kiện lập địa bình thường đã trồng rừng thành công. Yêu cầu cây con (keo, thông...) cho trồng rừng phải là cây thực sinh, các giống của các loài cây trồng rừng đã được chọn lọc và lấy từ các nguồn giống được công nhận có phẩm chất tốt (như các giống keo không bị rỗng ruột khi tuổi cao) để đảm bảo rừng phát triển lâu dài có khả năng phòng hộ và kỹ thuật nuôi dưỡng rừng như: chặt tỉa thưa,... phải được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo thành rừng gỗ lớn có tác dụng phòng hộ lâu dài.

Sau khi kết thúc thời kỳ chăm sóc rừng trồng theo quy trình kỹ thuật được áp dụng, cần tiến hành tỉa thưa rừng trồng theo quy trình nuôi dưỡng rừng trồng của từng loài cây. Đối với những khu rừng trồng hỗn loài (theo chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng) từ những năm trước đây, cần phải tiến hành đánh giá tình hình sinh trưởng của các loài cây bản địa và thiết kế tỉa thưa ngay ở những nơi cây bản địa có khả năng sinh trưởng, nhưng do bị các cây phù trợ chèn ép. Những khu rừng trồng thuần loài (như thông) hoặc rừng hỗn loài nhưng cây trồng chính không còn khả năng sinh trưởng hoặc đã chết, cũng cần tiến hành tỉa thưa để đảm bảo rừng đạt chất lượng.

Thực hiện tốt quy định tại Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; Quyết định số 64/2006/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của UBND tỉnh Lào Cai về việc ban hành quy định mức hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, để người nhận khoán trồng rừng được hưởng lợi theo quy định.

HÀ ANH ĐỨC


Số lượt đọc:  956  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 01:42:16 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH