Số 6 năm 2008

Tin hoạt động

Đội Kiểm lâm đặc nhiệm (Cục Kiểm lâm): Phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép tại Quảng Ninh. Ngày 25/7/2008, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm - Cục Kiểm lâm phối hợp với Đội I, Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát môi trường kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 79H-6891 do ông Trần Châu Lâm điều khiển từ cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh và ông Nguyễn Mạnh Tuyền (đại diện Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Móng Cái - Quảng Ninh) áp tải đang vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Số hàng này không phù hợp với giấy phép do cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Móng Cái. Tang vật vi phạm gồm rùa và rắn hơn 2.600 con các loại, trọng lượng lô hàng là 2.799,5kg. Cụ thể: rắn ráo trâu (P. mucosus) thuộc phụ lục II CITES có trọng lượng 2.024kg; rùa 6 loại, tổng cộng 524 con, trọng lượng là 775,5kg (390 con - 3 loài, trọng lượng 664,5kg thuộc phụ lục II CITES; 134 con - 3 loài, trọng lượng 111kg loại thông thường). Toàn bộ số động vật hoang dã trên được tạm giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) chăm sóc và bảo quản. Liên quan đến vụ việc này, Chi cục Hải quan Cầu Treo (Hà Tĩnh) đã tạm đình chỉ công tác đối với hai cán bộ có liên quan đến việc kiểm hoá lô hàng nêu trên, chờ làm rõ sai phạm để xử lý.

Hà Giang phát hiện thêm một quần thể voọc mũi hếch. Năm 2006, Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (FFI) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Giang điều tra, khảo sát và phát hiện tại khu vực Khau Vai. Vừa qua, qua khảo sát đã phát hiện tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ cũng xuất hiện một đàn voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) khoảng 20 con. Phát hiện này làm tăng số lượng đàn cũng như số cá thể voọc mũi hếch trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngoài voọc mũi hếch đoàn khảo sát cũng đã phát hiện một số quần thể động vật khác như khỉ mặt đỏ, cu li, đon, sóc bay lớn, cầy vòi mốc và một số loài ếch nháI quý hiếm. Việc phát hiện thêm số lượng và chủng loài động vật hoang dã làm cơ sở để UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo việc bảo vệ động vật hoang dã.

Hoàng Văn Nình

Chi cục Kiểm lâm Hà Giang

hiếm. PGS.TS Trần Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã cùng các cộng sự phát hiện một loài trà hoa sắc vàng tươi trong khu rừng của Đà Lạt. Cây hoa trà (Camellia) với sắc hoa màu vàng là loài quý hiếm (hiện mới chỉ phát hiện được tại Việt Nam và Trung Quốc), có giá trị kinh tế và y dược rất cao. Trà hoa vàng có nguy cơ tuyệt chủng nên việc phát hiện thêm những quần thể mới là tín hiệu vui không chỉ với giới nghiên cứu. Những tháng gần đây, khi tiến hành điều tra về đa dạng sinh học, Ông Trần Ngọc Hải (Đại học Lâm nghiệp) cũng phát hiện trà hoa vàng trong khu vực rừng tái sinh thuộc xã Phước Lộc (Đạ Huoai, Lâm Đồng). Đây là loài hoa quý hiếm, Việt Nam đã phát hiện trà hoa vàng gần một thế kỷ nhưng công tác bảo tồn chưa được chú ý, việc nghiên cứu ứng dụng hầu như còn bỏ ngỏ. Thực tế, không chỉ 2 loài trà hoa vàng có tên trong Sách đỏ Việt Nam mà hàng chục loài trà hoa vàng khác đều đang trong tình trạng nguy cấp. Nhiều nhà khoa học đã đến Việt Nam dự hội thảo, nghiên cứu về trà hoa vàng và có người đã đề nghị hợp tác nghiên cứu bảo tồn.

Khánh thành trung tâm cứu hộ linh trưởng ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ngày 12/7/2008, Vườn quốc gia Cát Tiên đã phối hợp với Trung tâm cứu hộ linh trưởng Monkey World (Anh), Trung tâm cứu hộ các loài động vật hoang dã đang nguy cấp Ping tung (Đài Loan) tổ chức lễ khánh thành Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Tới dự có đại diện Cục Kiểm lâm, Trung tâm Monkey World, Trung tâm Pingtung, các nhà tài trợ và Vườn quốc gia Cát Tiên. Cát Tiên là khu rừng thấp, có tính đa dạng sinh học cao, đang được bảo vệ tốt và là vùng phân bố của nhiều loài linh trưởng quý hiếm. Mục tiêu của dự án là cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm đang bị nuôi nhốt, vận chuyển hoặc buôn bán bất hợp pháp thuộc các tỉnh phía nam do các cơ quan chức năng chuyển đến. Trung tâm làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa bệnh cho các loài linh trưởng trước khi thả lại chúng vào rừng. Trung tâm xây dựng trên phạm vi khoảng 3ha quy mô 10 chuồng trên đảo Tiên. Đảo Tiên rộng 58ha nằm độc lập trên sông Đồng Nai, gần trụ sở Vườn quốc gia Cát Tiên, đây là địa điểm có nhiều thuận lợi để cứu hộ các loài linh trưởng. Xung quanh Trung tâm là rừng tái sinh, chủ yếu là bằng lăng, các loài sung, những loài thức ăn quan trọng của các các loài vượn ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện các loài linh trưởng được cứu hộ tại trung tâm là những loài bản địa đang bị đe dọa cao như vượn đen má vàng, voọc vá chân đen, voọc bạc và cu li nhỏ. Hiện nay trung tâm đang cứu hộ 5 cá thể vượn đen má vàng do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai chuyển đến. Trung tâm Monkey World đã cử 2 chuyên gia người nước ngoài đến làm việc; Trung tâm Pingtung cũng cử các bác sỹ thú y, cung cấp nhiều loài thuốc đặc trị cùng phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên thực hiện việc cứu hộ linh trưởng.

Phạm Hữu Khánh

Vườn quốc gia Cát Tiên

Krông Năng, Đắk Lắk. Giải tỏa các hộ đồng bào dân tộc phát rừng làm nương rẫy. Ngày 9/7/2008, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã đến hiện trường kiểm tra và lập biên bản giải tỏa các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ phát rừng làm nương rẫy. Đây là 64 hộ đồng bào dân tộc Êđê ở buôn Yoh, xã Dliê Ya và ở thôn Cư Klông, xã Cư Klông không thuộc diện đối tượng được hưởng chương trình 134/TTg của Chính phủ cũng như không thiếu đất ở và đất sản xuất, đã cố tình dựng lều lán và phát rừng làm nương rẫy trái phép. Diện tích rừng bị chặt phá là 2.000m2 tại tiểu khu 311, thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng; mức độ thiệt hại rừng trên là 80%. Đây là diện tích rừng nằm ở đầu nguồn sông Krông H’Năng. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản vụ việc và tạm giữ nhiều phương tiện như dao phát, xà gạt, xe công nông... Đồng thời yêu cầu các hộ đồng bào nói trên trở về địa phương ổn định cuộc sống. Đây là việc làm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng huyện Krông Năng trong bảo vệ rừng, đồng thời cảnh báo đối với những ai cố tình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Nguyễn Trọng Đồng

Trường THCS Phú Lộc, Krông Năng

Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch hành động chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế vừa xây dựng hoàn chỉnh bản kế hoạch hành động chống buôn bán trái phép động vật hoang dã . Với mục tiêu ngăn chặn săn bắn và tăng cường kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, bản kế hoạch hành động đã đưa ra 10 hành động cụ thể là: Ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã của các đối tượng buôn bán và các nhà hàng; Tăng cường hiệu quả và xây dựng các kế hoạch hoạt động tuần tra cải tiến; Duy trì mạng lưới người cung cấp thông tin; Xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát; Tăng cường cơ chế phối hợp cho các hoạt động thực thi pháp luật; Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi; Xây dựng năng lực cho cán bộ thực thi; Tăng cường chính sách cấp tỉnh; Nghiên cứu khoa học về gây nuôi sinh sản và xây dựng quy chế giải quyết các động vật sống bị tịch thu. Ngày 18/8/2008, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt kế hoạch này nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng săn bắt, kinh doanh trái phép động vật hoang dã đang diến ra tại Thừa Thiên Huế.

Nguyễn Quang Hòa Anh

Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế

Ninh Thuận, tập huấn cho cán bộ kiểm lâm địa bàn về tin học. Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 25-27/6/2008, tại Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận. Tham dự có 42 học viên là kiểm lâm phụ trách địa bàn. Các học viên được lãnh đạo Chi cục, cán bộ Phòng quản lý bảo vệ rừng, truyền đạt các nội dung gồm: Tin học văn phòng; sử dụng mạng WAN, chia sẽ dữ liệu trên mạng; hướng dẫn thu thập, tổng hợp số liệu và sử dụng phần mềm điều tra cơ bản giao rừng (DtcbGR v2.0); hướng dẫn thu thập thông tin, cập nhật số liệu diễn biến rừng và sử dụng cơ bản phần mềm Mapinfo để quản lý và biên tập bản đồ số hóa; chuyển đổi hệ quy chiếu trong máy GPS sang VN 2000. Trong 3 ngày, các học viên được nghe giảng và thực hành ngay trên máy tính về những nội dung đã được các báo cáo viên trình bày. Cuối đợt, các học viên được làm bài kiểm tra trên giấy và thực hành trên máy tính, để đánh giá kết quả học tập và năng lực của học viên. Kết quả qua kiểm tra, 100% học viên đạt yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận.

Trần Anh Tuấn

Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận

mặn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định vừa triển khai trồng 13ha rừng ngập mặn tại các cửa sông trên địa bàn huyện Hoài Nhơn. Trong đó, có khoảng 100.000 cây đước giống, do tổ chức Hành động phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản – ACTMANG tài trợ đã được trồng. Được biết, trong những năm qua, Tổ chức ACTMANG đã hỗ trợ Bình Định kỹ thuật và một phần kinh phí phục vụ trồng rừng ở các huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Quy Nhơn. Tổng số diện tích rừng đã được trồng đến nay lên tới 100ha.

Kon Tum: Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Ngày 5/8/2008, Chi cục Kiểm lâm và Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào xã Đăk Pxy, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đòng bào là những Bộ Luật: Luật giao thông đường bộ; Luật hình sự; Luật phòng, chống ma túy; Luật bảo vệ và phát triển rừng; Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS và các văn bản pháp quy của Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh. Đây là hoạt động phối hợp hàng năm của Chi cục Kiểm lâm với Hội Nông dân tỉnh được triển khai sâu rộng tới từng địa bàn dân cư các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Hoài Bắc

Kiểm lâm Quảng Nam. Luân chuyển công tác 39 cán bộ, công chức kiểm lâm. Thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 29/5/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam về quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Vừa qua, Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Nam đã quyết định luân chuyển vị trí công tác 36 cán bộ, công chức và 3 cán bộ lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc, bắt đầu thực hiện từ 15/8/2008. Đây chính là việc kiện toàn, củng cố lực lượng kiểm lâm để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện luân chuyển cán bộ của Kiểm lâm Quảng Nam là đúng theo chủ trương chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ 17 (vào ngày 29/7-30/7/2008) khóa VII của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Nguyễn Tấn Sinh

Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam

Hậu Giang: Phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Ngày 11/8/2008, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng theo dõi phát hiện xe chở khách 12 chỗ ngồi biển kiểm soát 95T - 0526 do lái xe Lê Văn Tuấn cư ngụ phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã vận chuyển trái phép động vật hoang dã gồm 51kg rắn, chim nước, trong đó có 30kg rắn hổ đất, hổ hèo, hổ ngựa là loài quý hiếm thuộc nhóm IIB, theo lời khai của Tuấn thì số động vật hoang dã do các chủ hàng mua ở thị xã Ngã Bảy vận chuyển đi thành phố Hồ Chí Minh. Nội vụ đang được Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang làm rõ. Thực hiện văn bản số 970/BNN-KL ngày 14/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm tra quản lý động vật, thực vật hoang dã và văn bản số 905/UBND-NCTH ngày 07/5/2008 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc kiểm tra quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, đến nay Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra 2 khu du lịch, 65 nhà hàng, quán ăn, 20 điểm mua bán động vật tươi sống, đã lập 12 biên bản vi phạm, tạm giữ 1 con gấu chó, 1 kỳ đà, tịch thu 127kg rắn rùa, 188 con chim nước các loại thả lại rừng.

Nguyễn Vĩnh Phúc

Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang

Quảng Ninh, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm lâm. Thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ kiểm lâm phục vụ cho việc sắp xếp công việc, chuyển ngạch, nâng ngạch, ngày 21/7/2008 tại văn phòng Chi cục KIểm lâm Quảng Ninh, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh phối hợp với Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 khai giảng lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước, nghiệp vụ kiểm lâm cho 92 cán bộ kiểm lâm các đơn vị khu vực miền tây tỉnh Quảng Ninh, thời gian học 3 tháng. Lớp học cho khu vực miền đông (các huyện còn lại) khoảng 60 người sẽ được tổ chức tại Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Yên sau khi lớp thứ nhất kết thúc. Nội dung, giáo trình học theo tài liệu chuẩn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt và giáo viên Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 giảng dạy.

Nguyễn Mạnh Tường

Hóa. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án bảo vệ và phát triển rừng khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008-2020. Đề án nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất gắn với việc bảo vệ, phục hồi, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ quần thể di tích lịch sử; bảo vệ đa dạng sinh học; cung cấp lâm sản cho nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp chế biến; tạo việc làm. Ba loại rừng này có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 35.787ha được quy hoạch lại, trong đó rừng đặc dụng là 8.728ha, rừng phòng hộ 7.050ha và rừng sản xuất 20.009ha. Về chính sách đầu tư, Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, cơ sở chế biến lâm sản; huy động nguồn vốn tự có của người dân, vốn vay tín dụng ưu đãi để trồng rừng, bảo vệ và phục hồi rừng.

Xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa): Diễn tập chữa cháy rừng. Vừa qua, UBND xã Na Mèo phối hợp với bản Lơi, bản Lán, huyện Viêng Xay (Lào) diễn tập chữa cháy rừng năm 2008. Khu vực này là nơi có diện tích rừng đầu nguồn và rừng biên giới khá lớn, nguy cơ cháy rừng do đốt rẫy từ nước bạn Lào lan sang rất cao. Địa điểm diễn tập tại lô 2, khoảnh 1, tiểu khu 208B thuộc địa phận xã Na Mèo (Việt Nam). Tình huống giả định là có một đám cháy do sản xuất nương rẫy từ phía nước bạn cháy lan sang ta. Khi phát hiện đám cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ của bản Lơi và bản Lán (Lào) đã tập trung dập lửa, nhưng do gió to lửa cháy lớn, có nguy cơ lan sang Việt Nam, xã Na Mèo và đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo đã chỉ huy, huy động lực lượng tại chỗ gồm 230 người, chia làm 2 mũi di chuyển đến đám cháy dập lửa. Khi đám cháy mạnh dần và khó tiếp cận, lực lượng chữa cháy đã dùng dao, bàn dập phát đường băng cản lửa khống chế và dập tắt đám cháy. Buổi diễn tập diễn ra trên diện tích 0,5ha, lực lượng chữa cháy của hai bên đã khống chế được đám cháy theo đúng dự định. Đáng lưu ý đây là buổi diễn tập quy mô cấp xã, có vai trò và ý nghĩa rất lớn vì đây sẽ là lực lượng chính trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ.

Văn Thơ

Đài Truyền thanh, truyền hình Quan Sơn


Số lượt đọc:  429  -  Cập nhật lần cuối:  25/09/2008 02:47:53 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH