Số 6 năm 2008

Sử dụng bền vững tài nguyên rừng để phát triển kinh tế gia đình ở Kon Tum

Kon Tum có diện tích đất lâm nghiệp là 745.337ha, trong đó diện tích đất có rừng là 658.668ha. Dân số của tỉnh là 387.000 người trong đó đồng bào dân tộc ít người chiếm hơn 50%. Hiện có khoảng 49.000ha nương rẫy, phổ biến ở nơi có độ dốc cao, cây trồng ngắn ngày như ngô, khoai, sắn, lúa cạn, được canh tác theo phương thức truyền thống, năng suất, hiệu quả thấp và thiếu bền vững. Do canh tác nương rẫy thường xuyên luân canh và mở rộng diện tích mới, nên canh tác nương rẫy là nguyên nhân trực tiếp làm mất rừng.

Nhằm giảm thiểu tối đa tình hình phá rừng trái phép làm rẫy, tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. 3 năm qua, huyện Kon Plông đã đưa cây thảo quả và song mây vào trồng dưới tán rừng. Toàn huyện đã trồng được 16ha tại các xã Đăk Long (5ha), Măng Cành (4ha), xã Hiếu (4ha) và Pờ Ê (3ha); 81ha song mây, trong đó, hai xã Măng Cành và Pờ Ê đã trồng được 30ha /xã, kế đến là xã Ngọc Tem 20ha, xã Đăk Long 1ha. Cây thảo quả có giá trị kinh tế rất cao, hạt có màu vàng nhạt, mùi thơm, ngọt, vị nóng cay, hàm lượng tinh dầu từ 1-1,5% dùng làm gia vị thực phẩm. Ngoài ra cây thảo quả còn là một loại dược liệu dùng làm thuốc chữa đau bụng, đầy chướng, đau ngực, sốt rét... Đặc biệt là loại cây này rất dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc đơn giản: chỉ cần phát dây leo, cỏ dại, không vun xới gốc và cũng không bón phân.

Bên cạnh đó, trong chương trình 135 giai đoạn II, huyện sẽ tiếp tục cung cấp giống song mây cho các xã để trồng dưới tán rừng; đồng thời xây dựng tại mỗi xã có một vườn ươm cây song mây để tiếp tục phát triển cây song mây và tiến đến xây dựng các làng nghề đan lát song mây. Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Võ Xuân Truyền cho biết: hiện nay huyện đang tích cực chỉ đạo việc gieo ươm, trồng và phát triển cây song mây. Trong 2 năm 2006-2007 huyện đã phối hợp với Trung tâm phát triển làng nghề Hà Nội, Xí nghiệp mây tre đan Âu Cơ (tỉnh Quảng Nam), Hợp tác xã Bình Minh (tỉnh Bình Định) mở được 3 lớp dạy nghề đan lát mây tre tại huyện với 95 học viên tham gia. Thời gian mỗi lớp học là 3 tháng. Hiện nay số học viên được đào tạo nghề đan lát mây tre đã cơ bản thành thạo và đang nhận gia công lại sản phẩm cho Hợp tác xã Bình Minh. Trung tâm dạy nghề của huyện vừa thành lập trong năm qua cũng là một lợi thế cho huyện trong việc xây dựng các làng nghề tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn huyện như song mây, tre, le, bẹ chuối rừng... để sản xuất các mặt hàng đan lát mỹ nghệ. Đây là cách sử dụng tài nguyên rừng bền vững để phát triển kinh tế gia đình.

Phương thức canh tác nông lâm kết hợp trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây đặc sản có khả năng chịu bóng, dưới tán rừng như: dong riềng, dứa ta, củ mài, ba kích, cây guồng, sa nhân, thảo quả, trám, mây nếp, song mây mật... là mục tiêu của tỉnh đang hướng đến và dự kiến năm 2010 mô hình này sẽ được nhân rộng. Việc trồng xen các cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả, cây đặc sản có khả năng chịu bóng dưới tán rừng còn có tác dụng sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn năng lượng ánh sáng dồi dào ở vùng nhiệt đới. Tăng thêm khả năng thấm nước và giữ nước, khả năng chống xói mòn, hạn chế lũ lụt và có nước trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đang xây dựng và thực hiện đề án giao rừng, cho thuê rừng cũng là nhằm mục đích trên. Việc giao khoán rừng tự nhiên cho dân, để người dân có điều kiện kinh doanh sản phẩm dưới tán rừng, có thu nhập tiến đến chấm dứt tập quán phá rừng trái phép làm rẫy, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân sống ở gần rừng và ven rừng.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TRANG


Số lượt đọc:  713  -  Cập nhật lần cuối:  25/09/2008 02:54:50 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH