Số 6 năm 2008

Người cựu tù Côn Đảo và khu rừng dưới chân dãy Trường Sơn

Gần 15 năm trước, vùng rừng chiến khu Bướm Bạc dưới chân dãy Trường Sơn thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị chỉ là những đồi trọc hoang vu. Vậy mà từ hai bàn tay trắng của đôi vợ chồng già cựu tù Côn Đảo nơi đây đã biến thành những cánh rừng ngút ngàn hơn 200ha đang vào thời kỳ thu hoạch. Ông bà là Cáp Đình Hội nay đã ngoài tuổi 80.

Lên núi lập trang trại lúc tuổi... xế chiều. Tham gia cách mạng lúc tuổi thiếu niên, năm 18 tuổi ông Hội là chiến binh tài tình của Trung đoàn 95 hoạt động khắp núi rừng miền Tây Quảng Trị, Thừa Thiên. Năm 1966, sau một trận đánh nổi tiếng, bị thương. Ông bị bắt ở chiến trường Quảng Trị và đưa đi giam giữ ở nhà tù Côn Đảo. Tháng 10/1967, ông tổ chức vượt ngục, rồi gia nhập lực lượng T66, huyện đảo Phú Quốc chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và định cư cho đến năm 1994 thì quyết định về quê Quảng Trị...

Về quê chưa đầy 3 tháng mà không đêm nào ông yên giấc, "Đêm mô cũng chiêm bao về những đồng đội đã hy sinh đang lạnh lẽo giữa núi rừng Bướm Bạc, các anh đã thôi thúc tui phải ra đi làm điều gì đó". Một hôm dù vết thương tái phát ở cẳng chân nhức buốt (thương binh 2/4) nhưng ông gượng dậy mang ba lô lội bộ lên những cánh rừng miền Tây Hải Lăng để tìm đồng đội. "Sau hơn 30 năm mới trở lại vùng đất này nhưng không hiểu sao khi lên đây, đôi chân của tui như có ai đó níu lại không cho về". Từ vùng rừng Bướm Bạc trở về ông Hội lấy mẫu đất ở các quả đồi đưa vào thành phố Hồ Chí Minh kiểm định và được kết luận là loại đất trung tính, rất phù hợp với các loại cây lấy gỗ kể cả cây công nghiệp... Sau một tháng làm thủ tục xin chính quyền các cấp, cấp cho khu đồi trọc trên 200ha ở Bướm Bạc, giữa tháng 10/1994 ông bà Cáp Đình Hội cùng hai con trai quyết định lên rừng lập nghiệp trong sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm.

Ngày đầu lên rừng vào giữa mùa đông giá buốt, gia đình làm một cái chòi lá đủ kê một cái sập, đêm đến phải đốt lửa sưởi ấm và canh chừng thú rừng hung dữ tấn công. Sau nhiều đêm thức trắng, ông Hội đưa ra kế hoạch với gia đình, trước mắt tập trung vào mô hình VAC để lương thực, thực phẩm đủ tự cung tự cấp vì đường về đồng bằng xa ngái khó khăn. "Cây chi tui trỉa xuống hắn cũng lên và tốt lạ thường, cá nuôi chóng lớn, nhờ rứa mà cuộc sống ổn định". Vài tháng sau, khi mọi việc đã đi vào qui củ, ông liên hệ với cơ quan chức năng, các trại giống cây trồng của tỉnh, huyện cho hai thằng con trai đến tập huấn kỹ thuật. Tài sản bán nhà từ Phú Quốc được 3 cây vàng, ông dồn hết vào mua cây giống, phân bón, thuê người cuốc đất khai hoang. Suốt ngày cả nhà chỉ ở ngoài rẫy vừa cuốc đất trồng cây vừa đặt niềm tin vào những nhát cuốc mong kiếm tìm hài cốt đồng đội còn nằm lại giữa Trường Sơn. "Đã xác định lên rừng là phải làm. Mỗi tấc đất nơi đây đều có máu và xương của đồng đội tui năm xưa ngã xuống. Cuốc đất lên rồi không thể để hoang phí mà phải trồng cây gây rừng mà đã trồng là phải chăm bón, bảo vệ chứ không được lơ là". Ông Hội kể rằng, mới lên khoảng một tháng, một hôm trời mưa tầm tã ông phát hiện 3 hài cốt đồng đội và tức tốc lội bộ về đồng bằng báo cho các ngành chức năng lên khai quật và đưa về nghĩa trang mai táng. Từ đó, không ngày nào ông rời cuốc trên vai, đôi chân ông dẫm nát các quả đồi để cuốc đất trồng cây, kiếm tìm đồng đội. Sau 10 năm ông Hội đã phát hiện được 11 hài cốt mà theo ông con số ấy còn quá nhỏ bé so với đồng đội đã ngã xuống. Những lần tìm thấy đồng đội là động lực giúp vợ chồng ông vượt qua những trở ngại của tuổi già giữa núi rừng Trường Sơn. Nhìn về phía những am thờ trước hiên nhà, ông Hội ngẹn ngào, "Họ là chỉ huy, đồng đội của tui trên chiến hào năm ấy. Họ hy sinh để tui được sống hôm nay. Vì thế, những người còn sống như tui phải làm điều gì đó để trả ơn rừng, cũng là cách làm an lòng các anh nơi chín suối".

Mượn 7 cây vàng để... mở đường vào trang trại. Hơn một năm lập nghiệp đời sống gia đình ông Hội bước đầu đã ổn định và dần dần có tích lũy từ mô hình lấy ngắn nuôi dài. Đặc biệt hơn 30ha đất trọc được trồng cây keo tai tượng và tỷ lệ sống đạt gần 100%. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là giao thông đi lại từ Quốc lộ 1A lên trang trại của ông. Mỗi lần vận chuyển giống cây trồng phải đi theo đường sông Ô Lâu vòng vèo rồi phải gánh vác vượt vài quả đồi mới về trang trại. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Hội quyết định tìm đến những đơn vị làm đường giao thông trong vùng đặt vấn đề nhưng tất cả đều lắc đầu ngao ngán. Cuối cùng ông và hai đứa con tiến hành khảo sát thực địa, nghiên cứu địa hình địa vật để mở đường và ông đã tìm ra cách, nhưng cũng mất 35 triệu - một khoản tiền ngày ấy cả đời ông chưa hề nghĩ tới.

Cuối năm 1994 ông Hội vào thành phố Hồ Chí Minh tìm đến những cựu binh năm xưa vận động vay mượn. Hàng chục cựu binh già nghe ông trình bày "dự án" của mình, rất nhiều người không cầm được nước mắt, người ít thì 2 chỉ vàng, có người cho mượn cả cây mà chẳng cần lấy lãi. Có tiền ông tức tốc quay về, mùa hè năm sau mấy cha con ông thuê một chiếc máy xúc, thuê hàng chục lao động mở một con đường rừng. Sau hai tuần miệt mài thi công con đường hơn 10km được nối từ trang trại của ông ra Quốc lộ 1A trong niềm vui mừng khôn tả. Từ đó đến nay năm nào ông Hội cũng bỏ ra gần chục triệu đồng thuê máy xúc tu sửa đường để đảm bảo lưu thông thông suốt kể cả những ngày lũ quét.

Có đường giao thông đi lại dễ dàng, ông Hội có điều kiện thuận lợi hơn để chuyên tâm vào khai hoang trồng cây. Trong nhà lúc nào cũng thuê từ 7 đến 10 lao động phát thực bì, chăm sóc, bảo vệ cây, đến mùa có lúc phải huy động đến 80 lao động. Nhờ áp dụng kỹ thuật và đầu tư tốt nên cây trồng của ông luôn đạt tỷ lệ sống rất cao từ 80%-90%. Không chỉ trồng cây lấy gỗ ông Hội còn mở rộng việc trồng cây công nghiệp như hồ tiêu, cây ăn quả; chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Có năm cả dê và bò gần đến 200 con. Nhờ nguồn thu này mà ông đã trang trải được các khoản chi từ giống cây trồng, phân bón đến tiền lương công nhân hàng tháng, nợ nần vay mượn đầu tư ban đầu.

Gia đình ông Hội đang giàu và sẽ giàu hơn. Sau gần 15 năm cần mẫn giữa đại ngàn, giờ đây gia đình ông đã có trong tay trên 200ha rừng cây lấy gỗ đang thời kỳ khai thác (keo tai tượng, tràm hoa vàng, bạch đàn), trên 5ha cây ăn quả các loại, hàng ngàn gốc tiêu, đàn gia súc hàng chục con; hệ thống ao hồ nuôi cá đảm bảo cung cấp đủ nguồn thực phẩm quanh năm... Chỉ làm một phép tính nhẩm với những cánh rừng lấy gỗ hơn 200ha ấy, ông Hội đã nắm trong tay tiền tỷ, điều mà 15 năm trước gia đình ông chưa một ai mơ đến. Ghi nhận thành tích ấy, năm 1999 ông Cáp Đình Hội được Chủ tịch nước phong tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

VIỆT YÊN


Số lượt đọc:  224  -  Cập nhật lần cuối:  25/09/2008 03:00:54 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH