Số 6 năm 2008

Hoạt động giám sát các loài động vật hoang dã tại khu bảo tồn sao la

Khu bảo tồn sao la (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu đã được các nhà khoa học biết đến với mục tiêu bảo tồn loài thú quý hiếm sao la cho dù Chi cục Kiểm lâm chỉ mới xúc tiến những bước cuối cùng cho dự án khả thi thành lập khu bảo tồn này. Với diện tích hơn 12.000ha nằm trong địa giới hành chính của 2 huyện Nam Đông và A Lưới, đây là khu bảo tồn nhằm bảo vệ và lưu giữ những cá thể sao la cuối cùng còn sót lại ở Việt Nam.

Những thước phim tư liệu mà Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế ghi được vào năm 1998 do người dân địa phương xã A Roàng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) phát hiện và báo cáo kịp thời, sao la đã trở nên gắn liền với Thừa Thiên Huế cho dù cá thể đầu tiên được các nhà khoa học Việt Nam phát hiện trở lại tại Vũ Quang, Hà Tĩnh vào năm 1992. Tiếp sau đó, nhiều hoạt động đã được triển khai để quảng bá với mục tiêu nâng cao nhận thức bảo tồn sao la cho cộng đồng địa phương. Hơn thế nữa, nhiều đợt điều tra, giám sát sao la cũng được các nhà khoa học trong và ngoài nước tổ chức thực hiện. Hàng loạt cuộc khảo sát của cố giáo sư Phạm Nhật, chuyên gia Đỗ Tước, tiến sĩ Trần Minh Đức cho thấy vẫn còn một nhóm khoảng 15 đến 25 cá thể sao la tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mà địa bàn chính vẫn là huyện Nam Đông và A Lưới.

Việc điều tra, giám sát đa dạng sinh học tại khu bảo tồn này đang từng bước được thực hiện với sự cộng tác của nhiều tổ chức như BIRDLIFE international, WWF Chương trình Đông Dương, WWF Việt Nam, dự án Hành lang xanh, và đặc biệt là việc tham gia đầy nhiệt huyết của cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên Huế. Ngay từ những ngày đầu sơ khai nhất, nhiều người từng biết đến những cán bộ kiểm lâm khá tên tuổi như Tuấn “bảo tồn”, Tín “sao la”, hay Anh “tiger”. Biệt danh của họ không phải ngẫu nhiên mà là kết quả sau nhiều năm say mê với nghiệp kiểm lâm. Chính ba người lính kiểm lâm này đã lần theo dấu vết sao la vào năm 1998 tại địa phận khu bảo tồn sao la để rồi trong một phút nghỉ chân mới phát hiện đang đứng trên đất bạn Lào, và rồi Tuấn “bảo tồn” ốm nằm viện hơn tháng trời do nhiễm trùng máu vì bị sên cắn vào nách.

Địa hình khu bảo tồn sao la là sinh cảnh lý tưởng cho nhiều loài động vật do có nhiều hang động, núi đá, khe suối và thung lũng nối tiếp nhau. Chính tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một số loài động vật mới cho khoa học như: rắn nước môi trắng, bướm nâu (chi zela), và một loài bướm thuộc một chi mới của phân họ satyrinae. Tại đây cũng ghi nhận sự hiện diện dấu vết của một số loài thú quý hiếm như hổ, gấu, mang trường sơn, chà vá chân nâu... Để giám sát một cách khoa học các loài động vật hoang dã này, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng nhiều hoạt động điều tra, giám sát thông qua các tuyến điều tra cố định. Với các loài linh trưởng, cán bộ kiểm lâm 2 huyện Nam Đông, A Lưới đã tiến hành lập 12 tuyến cố định tại những vùng ghi nhận có dấu vết của chúng với chiều dài mỗi tuyến là 3km. Bằng các kỹ thuật hỗ trợ như máy ghi âm, máy định vị GPS, ống nhòm, các nhà khoa học bán chuyên nghiệp, kiểm lâm đã ghi lại được tiếng hót của một số loài linh trưởng đặc trưng khu vực miền Trung mà sau này nhà khoa học trẻ Văn Ngọc Thịnh (nguyên cán bộ của WWF Chương trình Đông Dương) đã phát hiện chà vá chân nâu là một loài mới cho khoa học thay vì đã từng được cho là một loài phụ.

Với các loài thú móng guốc thì hệ thống bẫy ảnh là phương tiện hiệu quả nhất để giám sát sự tồn tại của chúng. Việc giám sát bằng bẫy ảnh được thực hiện vào năm 2005 với 10 máy bẫy ảnh do WWF hỗ trợ. Tuy được hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia đến từ Quảng Nam là ông Barney Long, nhưng do kết cấu máy bẫy ảnh không phù hợp với điều kiện thời tiết tại Việt Nam nên kết quả trong những ngày đầu tiên không được khả quan. Nhiều máy cài đặt trong rừng đã bị hỏng do ảnh hưởng của độ ẩm cao. Không chịu lùi bước, các chiến sĩ kiểm lâm lại bắt tay vào mày mò, thiết kế bộ phận chống ẩm để mong thu được những hình ảnh về các loài động vật hoang dã của chính vùng núi quê hương mình. Tuy chưa phải là biện pháp tối ưu nhất, nhưng những gì mà các cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên Huế thực hiện cũng đem lại những kết quả đáng khích lệ với nhiều bức ảnh về chà vá chân nâu, chồn, mang, heo rừng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn...

Trong những ngày này, một nghiên cứu sinh người Anh là anh Nicholas đang cùng cán bộ Phòng bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm theo dõi hệ thống 34 bẫy ảnh tại địa bàn huyện Nam Đông. Với mục tiêu ghi lại bằng được hình ảnh của sao la, họ đã kết hợp giữa chuyên môn của nhà khoa học và những kiến thức bản địa của người dân địa phương. Một số người dân hiểu biết về lâm sinh, thông thuộc khu vực rừng đã được mời vào đoàn nghiên cứu sau khi được tập huấn một số phương tiện hiện đại như máy bẫy ảnh, la bàn, máy định vị. Trong 2 đợt khảo sát đầu tiên tuy chưa ghi lại được hình ảnh sao la, nhưng với những bức ảnh về khỉ mặt đỏ, nai, mang, heo rừng, rùa... cũng đã khẳng định tính đa dạng trong khu vực khu bảo tồn sao la. Chỉ mới chính thức thành lập vào giữa tháng 6/2008, nhưng Phòng bảo tồn thiên nhiên đã như hoạt động hiệu quả từ trước với tên gọi “Tổ dự án” để giải quyết các vấn đề về bảo tồn thiên nhiên trong khi cơ cấu tổ chức nhà nước chưa đề cập đến bộ phận này.

NGUYỄN QUANG HÒA ANH


Số lượt đọc:  1145  -  Cập nhật lần cuối:  25/09/2008 03:13:21 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH