Số 6 năm 2008

Giải pháp quản lý rừng cộng đồng ở Đắk Lắk

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên khá lớn 576.518ha, góp phần quan trọng trong đời sống. Những năm gần đây, rừng Đắk Lắk ngày càng suy giảm về diện tích và chất lượng. Bình quân mỗi năm diện tích rừng mất khoảng 3000ha do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng. Mất rừng đã làm cho hệ sinh thái rừng bị phá vỡ, môi trường tự nhiên bị biến đổi gây hạn hán và lũ lụt, làm thiệt hại lớn về kinh tế, chất lượng môi trường cũng bị suy giảm. Trước thực trạng trên Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng đã giảm nhiều so với những năm trước đây nhưng diện tích rừng vẫn tiếp tục giảm, thiếu ổn định. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mất rừng là thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương. Không ít người thờ ơ với hoạt động xâm hại rừng, thậm chí còn trực tiếp tham gia vào hoạt động khai thác gỗ và động vật rừng. Công tác quản lý rừng không thể hiệu quả nếu chỉ đơn thuần dựa vào Nhà nước, mà phải khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Vấn đề là làm thế nào để lôi cuốn được cộng đồng tham gia vào quản lý bảo vệ rừng, cần có những giải pháp gì về kinh tế, xã hội, về khoa học công nghệ để xã hội hóa công tác này. Đây là vấn đề băn khoăn trăn trở không chỉ của những người trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng mà của cả các cấp chính quyền địa phương.

Các hình thức quản lý rừng ở Đắk Lắk.

Rừng và đất rừng giao cho Công ty lâm nghiệp quản lý. Hiện 15 lâm trường đã được chuyển đổi thành Công ty lâm nghiệp và quản lý 219.541ha. Công ty lâm nghiệp quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên thì thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, nuôi dưỡng, làm giàu rừng, được phép khai thác, sử dụng rừng theo phương án điều chế rừng và thiết kế khai thác được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với rừng sản xuất là rừng trồng, lâm trường được quyền quyết định thời điểm, phương thức khai thác và có kế hoạch tái tạo rừng sau khai thác.

Rừng và đất rừng giao cho Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quản lý. Hai Vườn quốc gia và 6 Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quản lý 286.814,9ha. Những đơn vị này được Nhà nước đầu tư kinh phí tổ chức bảo vệ và phát triển nhằm mục đích bảo vệ các hệ sinh thái rừng, các loài động, thực vật, phát huy chức năng phòng hộ của rừng, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái.

Rừng và đất rừng đã giao cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý. Giai đoạn 19990-2006 Đắk Lắk đã thực hiện việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình hưởng lợi 26.575,4ha, trong đó đất có rừng tự nhiên là 17.438ha. Cụ thể, giao hộ gia đình 1081hộ, giao cho nhóm hộ 55 nhóm (598 hộ), giao cho cộng đồng 20 cộng đồng (1.811hộ). Nhìn chung việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình chủ yếu để quản lý bảo vệ, diện tích rừng đã giao ít bị phá, bị cháy, việc đầu tư trồng thêm rừng rất hạn chế.

Rừng và đất rừng giao cho các đơn vũ trang quản lý 16.583,4ha. Chủ yếu giao Binh đoàn 16 tổ chức thực hiện dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng

Rừng và đất rừng chưa giao hiện UBND xã quản lý 165.927ha. Để quản lý diện tích rừng này Chi cục Kiểm lâm đã thành lập 93 Ban lâm nghiệp xã tham mưu cho cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng tại địa phương. Tuy nhiên diện tích rừng này có nguy cơ bị xâm hại rất cao cần phải nhanh chóng đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng.

Nguyên nhân cản trở sự tham gia của người dân vào quản lý tài nguyên rừng.

Hoàn cảnh kinh tế khó khăn của người dân: Công tác xóa đói giảm nghèo luôn được chính quyền các cấp quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 giảm còn 18,7% tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi. Nghèo đói là nguyên nhân làm cho họ ít có điều kiện để quan tâm và đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng .

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông lâm nghiệp chưa phát triển: Thị trường là một trong những yếu tố quyết định hoạt động sản xuất của người dân. Đặc biệt thị trường các loại lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển đã làm cho sản xuất lâm nghiệp có hiệu quả thấp và giảm tính hấp dẫn của các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Trình độ dân trí vùng sâu vùng xa còn thấp, kiến thức bản địa chưa được phát huy. Dân trí thấp cùng với dịch vụ văn hóa kém phát triển là những điều kiện làm ngăn trở quá trình tiếp thu kiến thức và công nghệ quản lý rừng tiên tiến, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương.

Hoạt động khuyến nông, khuyến lâm chưa phát triển. Hoạt động khuyến lâm chưa phát triển nên người dân ít được tiếp cận với các thành tựu khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, chưa nâng cao được hiệu quả của hoạt động sản xuất. Do đó chưa tích cực tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng .

Chính sách Nhà nước về quản lý rừng cộng đồng còn nhiều bất cập. Đến nay ở Việt Nam chưa có văn bản luật nào đề cập đến vị trí pháp lý của cộng đồng, chưa công nhận quyền hợp pháp và trách nhiệm của cộng đồng dân cư buôn, làng như một người chủ quản lý rừng thật sự, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư và tín dụng không quy định cộng đồng dân cư buôn làng là đối tượng được vay vốn đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước khi tham gia vào các hoạt động lâm nghiệp.

Cơ cấu xã hội truyền thống có nhiều thay đổi. Hiện toàn tỉnh có 44 dân tộc anh em cùng cư trú. Kết quả đã làm cho tỷ lệ người dân tộc bản địa giảm xuống. Về mặt tâm lý, việc tăng dân số nhanh chóng đã làm cho các cộng đồng dân cư bản địa cảm thấy quyền hưởng dụng của họ đối với rừng gần như bị tước đoạt, từ đó họ nảy sinh tâm lý vơ vét cạn kiệt rừng mà không quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển rừng.

Nhân tố thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quản lý tài nguyên rừng.

Rừng có ý nghĩa quan trọng với đời sống cộng đồng. Những cuộc phỏng vấn đã cho thấy rừng có vai trò quan trọng trong sản xuất đời sống hoặc có ý nghĩa tâm linh với cộng đồng. Họ đã cùng với rừng tồn tại như những bộ phận không thể tách rời của hệ sinh thái nhân văn.

Tính cộng đồng cao của người dân địa phương. Hầu hết các dân tộc địa phương đều có tính cộng đồng cao. Đây là nhân tố thuận lợi cho việc phát triển những tổ chức và luật lệ của cộng đồng về quản lý tài nguyên trong đó có tài nguyên rừng.

Tiềm năng lao động dồi dào, đặc biệt trong thời kỳ nông nhàn. Nếu được hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng, người dân sẽ hưởng ứng một cách tích cực vào các chương trình phát triển lâm nghiệp cải thiện cuộc sống của mỗi gia đình và cộng đồng.

Hệ thống kiến thức bản địa liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng. Kiến thức bản địa được đánh giá là có hiệu ích nhất với quản lý rừng gồm kiến thức về phân loại đất, phân loại rừng, phân loại động vật rừng, kiến thức về khai thác và sử dụng các sản phẩm từ rừng. Đây thực sự là một nhân tố thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng vào quản lý bảo vệ vào phát triển rừng ở địa phương.

Giải pháp lôi cuốn cộng đồng vào quản lý tài nguyên rừng.

Những giải pháp về kinh tế.

Hỗ trợ kinh tế. Hỗ trợ vốn để phát triển cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Đa số các hộ gia đình ở đây đều thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhiều hộ gia đình có lao động, có đất đai và nguyện vọng phát triển những cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao như phát triển trồng cây công nghiệp và chăn nuôi. Đây là những thế mạnh và cũng là hoạt động sản xuất có khả năng cho hiệu quả cao, sớm và ổn định.

Hỗ trợ vốn để phát triển ngành nghề, tăng thu nhập, giảm thời gian nông nhàn, giảm áp lực vào rừng. Hỗ trợ vốn để phát triển một số ngành nghề đang có tiềm năng ở địa phương như gây trồng và chế biến dược liệu, song mây, dệt thổ cẩm, nuôi ong, chế biến nông sản... Việc phát triển những ngành nghề phụ đã được người dân xác nhận như một trong những tiềm năng quan trọng để phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở địa phương.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là hệ thống giao thông đến các buôn, làng, hệ thống trường học và mạng lưới điện được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao dân trí, tăng cường trao đổi kinh tế, văn hóa, nhờ đó nâng cao được năng lực quản lý các nguồn tài nguyên, trong đó có quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Đầu tư cho phát triển kinh doanh tổng hợp nghề rừng. Đầu tư để kinh doanh lâm nghiệp tổng hợp gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ cũng như phát triển chế biến lâm sản được chính quyền địa phương nhận thức như một trong những giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả kinh tế của kinh doanh rừng, tạo ra sức hấp dẫn kinh tế cho cộng đồng tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng.

Đầu tư phát triển thêm những diện tích rừng có giá trị kinh tế và sinh thái cao ở đất chưa sử dụng. Đầu tư để phục hồi rừng trên những diện tích chưa sử dụng là một trong những biện pháp vừa nâng cao thu nhập của người dân vừa giảm áp lực vào tài nguyên rừng của các Công ty lâm nghiệp.

Đầu tư cho phát triển các hoạt động lồng ghép được mục tiêu bảo tồn rừng với mục tiêu phát triển kinh tế. Cần đầu tư cho khai thác những tiềm năng du lịch sinh thái dựa vào các sinh cảnh của rừng. Nếu quản lý tốt chúng sẽ tạo ra những nguồn thu đáng kể để cải thiện đời sống người dân và đầu tư trở lại cho công tác phát triển thêm rừng.

Đầu tư phát triển thị trường lâm sản. Thị trường lâm sản địa phương hiện tại chưa phát triển, đặc biệt là các lâm sản ngoài gỗ như các loại dược liệu, song, mây, dầu, nhựa. Phần lớn những lâm sản có giá cả không ổn định, một phần do số lượng ít không hình thành được thị trường, một phần khác do thiếu thông tin về thị trường. Điều này không khuyến khích người dân hướng vào sản xuất và kinh doanh lâm sản. Đầu tư phát triển thị trường lâm sản vừa góp phần làm tăng thu nhập kinh tế, vừa lôi cuốn được người dân vào bảo vệ và phát triển rừng.

Những giải pháp xã hội.

Tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế, sinh thái của rừng, khích lệ người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Cho đến nay trong nhận thức của phần lớn người dân thì rừng được coi như kho tài nguyên. Người ta không nghĩ rằng, với tính chất của tài nguyên tái tạo, rừng thực sự là một tư liệu sản suất vô cùng quý giá, là nhà máy khổng lồ sản xuất liên tục các loại lâm sản khác nhau. Tăng cường tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về giá trị kinh tế, sinh thái to lớn của rừng và khả năng phục hồi những giá trị đó cho phát triển kinh tế xã hội là một trong những giải pháp xã hội để lôi cuốn người dân vào hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông lâm nghiệp. Hiện nay một số địa phương chưa có quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, diện tích rừng cũng như diện tích đất dành cho phát triển lâm nghiệp nói chung thường bị xâm lấn để chuyển thành các loại đất khác. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất ổn định kết hợp với giao đất, giao rừng sẽ làm cho mọi diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho cộng đồng tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng.

Xây dựng biện pháp ngăn chặn dân di cư tự do vào lấn chiếm rừng để canh tác. Dân số tăng lên trong những năm gần đây được người dân địa phương xác định như một nguyên nhân quan trọng nhất làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng. Vì vậy, cần có biện pháp ngăn chặn di dân tự do vào phá rừng làm nương rẫy và cần có quy hoạch sắp xếp ổn định các khu dân cư.

Xây dựng tổ chức quản lý lâm nghiệp ở cấp xã. Để tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn các xã cần phải xây dựng hệ thống tổ chức quản lý lâm nghiệp ở cấp xã nhằm tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng theo các quy định của Nhà nước.

Củng cố và xây dựng các tổ chức cộng đồng liên quan đến quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở cấp xã. Các tổ chức xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên... có vai trò rất lớn trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất phát triển. Đối với nông thôn miền núi hoạt động bảo vệ và phát triển rừng có liên quan chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng. Cộng đồng tích cực tham gia quản lý các nguồn tài nguyên khi có các giải pháp thích hợp thì cộng đồng chính là lực lượng động viên hỗ trợ, giám sát và thậm chí cả cưỡng chế các thành viên thực hiện những chính sách Nhà nước về quản lý tài nguyên. Ngược lại khi những giải pháp, những chính sách quản lý tài nguyên không thích hợp thì họ trở thành lực lượng cản trở, thậm chí đối lập với Nhà nước trong hoạt động quản lý tài nguyên. Vì vậy, các giải pháp quản lý tài nguyên rừng cần phát triển theo hướng kết hợp giữa hoạt động bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng với hoạt động sản xuất để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thống nhất được lợi ích người dân với lợi ích quốc gia trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng .

Xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng biên phòng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng các Công ty lâm nghiệp. Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân của hiệu quả quản lý bảo vệ rừng chưa cao là thiếu sự phối hợp tốt giữa các lực lượng kiểm lâm, biên phòng và lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên cùng một địa bàn. Vì vậy, cần có sự phối hợp tốt hoạt động, để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ chung vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng .

Những giải pháp khoa học công nghệ.

Nghiên cứu xây dựng những mô hình trình diễn về kinh doanh rừng có hiệu quả cao. Rừng nghèo có hiệu quả kinh tế thấp và nếu không có những giải pháp thích hợp làm giàu rừng, đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của rừng thì tình trạng nghèo nàn và giá trị kinh tế thấp của rừng còn kéo dài trong nhiều năm. Chúng vẫn chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn bị xâm lấn, bị thu hẹp và ảnh hưởng đến tính bền vững của rừng. Với quan điểm bảo vệ và phát triển rừng phải dựa vào sự giàu có của rừng thì việc xây dựng những mô hình trình diễn về kinh doanh rừng có hiệu quả cao được coi là giải pháp khoa học công nghệ hiệu quả để khích lệ người dân hướng vào bảo vệ và phát triển rừng. Nội dung của việc xây dựng mô hình trình diễn phải bao gồm trồng mới hoặc trồng thêm những loài có giá trị kinh tế cao, trong đó có cả cây gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ có thể thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của người dân về sản phẩm rừng, và nhu cầu sản xuất hàng hóa, nhờ đó giảm được áp lực vào rừng. Hiện nay đa số đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng phương thức sản xuất quảng canh mà năng suất của các loại cây trồng nông nghiệp thấp. Điều này không những ảnh hưởng đến đời sống người dân, gia tăng nhu cầu diện tích canh tác mà còn hướng người dân vào rừng để bổ sung nguồn thu nhập cho mình. Cần nghiên cứu những biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trong hệ canh tác nông nghiệp và coi đó như một nhân tố làm giảm sức ép của đời sống cộng đồng vào tài nguyên rừng. Những biện pháp kỹ thuật đó có thể phải hướng vào cải tiến kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lương thực sang cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cải thiện tập đoàn vật nuôi mà trước hết là đại gia súc...

Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm chưa phát triển. Đời sống kinh tế thấp một phần do trình độ kỹ thuật canh tác thâm canh và kỹ thuật chăn nuôi thấp của người dân. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cho đồng bào có điều kiện để phát triển sản xuất, phù hợp với điều kiện địa phương, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm cần hỗ trợ kỹ thuật công nghệ cụ thể: Có tổ chức khuyến nông, khuyến lâm đủ năng lực hoạt động thường xuyên tại các thôn, buôn để hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng chăm sóc các loại cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài việc phổ biến, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, cần chú ý các hoạt động bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế cho các hộ gia đình, cung cấp thông tin về thị trường giá cả để cho các hộ có quyết định chính xác trong sản xuất kinh doanh.

Hệ thống và phổ biến kiến thức bản địa liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng cần phải được gìn giữ và phổ biến sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc. Nghiên cứu xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả. Thực tế ở địa phương thường xảy ra cháy rừng khộp vùng Buôn Đôn, Ea Sup. Mặc dù đây là cháy lướt mặt đất ảnh hưởng không lớn đến tầng cây cao. Song kinh nghiệm lâu năm ở địa phương đã nhận thấy tác dụng làm giảm năng suất cỏ, hủy diệt nhiều loài lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Nghiên cứu xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả được người dân địa phương xác định như một trong những giải pháp làm tăng hiệu quả và tính hấp dẫn kinh tế của bảo vệ và phát triển rừng.

TRƯƠNG VĂN TRƯỞNG


Số lượt đọc:  2358  -  Cập nhật lần cuối:  25/09/2008 03:16:26 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH