Số 6 năm 2008

Giải pháp bảo tồn các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Pù Mát

Nằm về phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, Vườn quốc gia Pù Mát được đánh giá là khu vực bảo tồn tính đa dạng sinh học đại diện cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới điển hình trên núi đất lớn nhất khu vực Bắc Trường Sơn. Với diện tích 94.804,4ha, Vườn quốc gia Pù Mát có 95% diện tích là đất có rừng. Trong đó, rừng thường xanh còn nguyên vẹn chiếm 65% và hơn 30% diện tích còn lại là rừng đã bị tác động, Pù Mát là một trong ít vườn quốc gia có những khu vực rừng nguyên sinh mà các nhà khoa học chưa bao giờ đặt chân đến. Độ cao trong khu vực giao động từ 200m đến 1.841m tạo ra nhiều dãy núi chính chia cắt mạnh. Diện tích rộng lớn cùng sự chia cắt mạnh về địa hình làm tăng thêm tính đa dạng trong phân bố của nhiều loài động, thực vật. Riêng về thú có 132 loài thì trong đó có tới 40 loài có nguy cơ đe dọa cao được liệt kê vào danh lục sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt Pù Mát là một trong số ít những khu rừng đặc dụng ghi nhận có sự phân bố của quần thể linh trưởng với sự phong phú, đa dạng về thành phần loài vào loại bậc nhất của cả nước. Kết quả điều tra đa dạng sinh học đã ghi nhận có 7/25 loài và phân loài trưởng của Việt Nam, đó là các loài khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), khỉ mốc (M. assamensis), khỉ vàng (M. mulatta), khỉ đuôi lợn (M. leonina), vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys), chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) và voọc xám (Trachypithecus crepusculus). Đây được xem là một khu vực quan trọng đề bảo tồn quần thể linh trưởng.

Thực trạng công tác bảo tồn các loài linh trưởng hiện nay. Công tác bảo tồn tài nguyên rừng, đặc biệt là công tác bảo tồn các loài động vật quý hiếm trong thời gian qua đã được Đảng ủy, ban giám đốc và cán bộ Vườn quốc gia xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong hoạt động hàng năm. Tài nguyên rừng cơ bản được giữ vững, các vụ vi phạm năm sau đều giảm so với năm trước, không tồn tại các điểm nóng về khai thác lâm sản cũng như săn bắt động vật hoang dã. Tuy nhiên, do diện tích lớn, trải rộng trên địa bàn của ba huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, người dân ở vùng đệm phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, H' Mông, Poọng, Ơ Đu, Khơ Mú và Đan Lai kinh tế còn nghèo. Trong những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào, dân tộc miền núi, đặc biệt việc triển khai đề án "phát triển kinh tế xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010" với mục tiêu "đưa miền Tây Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống vật chất đồng bào được nâng cao, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, biên giới, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ tốt quốc phòng an ninh biên giới và môi trường sinh thái bền vững". Sự đầu tư của Quốc tế thông qua các dự án như dự án SFNC đầu tư để phát triển kinh tế cho các hộ gia đình thuộc vùng đệm Vườn quốc gia, dự án bảo vệ rừng lưu vực sông Cả, dự án phát triển miền núi phía Tây Nghệ An của Luxambua nhằm bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn. Thông qua việc thực hiện các dự án kinh tế của các hộ gia đình được nâng lên, các làng bản phần lớn được trang bị ti vi, chảo thu vệ tinh, truyền hình quốc gia. Nhận thức của người dân về rừng đã thay đổi, đã giảm được sự phụ thuộc các sản phẩm thu nhập từ rừng và giảm được sự tác động của người dân vào rừng. Mặc dù vậy, ở các làng bản vùng sâu, vùng xa có điều kiện về giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa còn thiếu thốn nên đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội của một số bản làng ở khu vực này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Tác động của người dân vào rừng vẫn thường xuyên diễn ra. Trong khuôn khổ tài trợ của tổ chức bảo tồn quốc tế CI (Conservation International) và Trường đại học Colorado, các cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát đã tiến hành phỏng vấn người dân ở một số xã trên địa bàn vùng đệm của Vườn thì đa số người dân được hỏi đều trả lời là có sự phụ thuộc vào rừng quốc gia để thu hái các sản phẩm phục vụ sinh hoạt cũng như vì mục đích thương mại, có người dân cho biết hiện nay một số người vẫn thường xuyên vào rừng để săn bắt động vật hoang dã. Tình hình săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã quyết liệt như hiện nay đang đe doạ nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Pù Mát. Hiện nay đang tồn tại tình trạng sử dụng súng tự chế và súng quân dụng để làm súng săn đang là mối đe dọa đối với nguồn tài nguyên động vật rừng Vườn quốc gia Pù Mát. Trong đó, quần thể linh trưởng cũng bị đe dọa bởi hoạt động săn bắn của người dân địa phương dẫn đến sự suy giảm về số lượng, cũng như thành phần loài. Đặc biệt, là đối với các loài linh trưởng quý hiếm được liệt kê trong danh lục đỏ của Việt NamVượn đen má trắng (Nomascus leucogenys), Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus).

Việc thu hồi súng săn từ người dân địa phương vùng đệm đã được Vườn quốc gia Pù Mát thực hiện trong giai đoạn 2003-2004, số súng đã thu được là 900 khẩu các loại. Mặc dù vậy số súng trong dân vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là ở các địa phương chưa tiến hành thu súng. Để bảo tồn có hiệu quả tài nguyên thú rừng Vườn quốc gia Pù Mát thì hoạt động thu hồi súng săn cần phải được tiếp tục.

Những kiến nghị về hoạt động bảo tồn. Để bảo tồn quần thể linh trưởng nói riêng và tài nguyên động vật hoang dã nói chung ở Vườn quốc gia Pù Mát được tốt cần phải tăng cường các hoạt động chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã. Hàng năm tổ chức các hội nghị đánh giá và bổ sung quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương các huyện, xã vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát để có sự phối hợp chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn và thường xuyên hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, học sinh về sự cần thiết phải bảo tồn các loài linh trưởng ở Vườn quốc gia Pù Mát là nhiệm vụ hàng đầu. Ngành giáo dục cần đưa hoạt động giáo dục môi trường là một chương trình bắt buộc để nâng cao hiệu quả tuyên truyền đến các em học sinh. Thí điểm các mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả và nhân rộng cho các thôn xã vùng đệm, đồng thời đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đào tạo phát triển và tìm đầu ra cho sản phẩm các ngành nghề như dệt thổ cẩm, các sản phẩm đan lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa, luồng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân... Đặc biệt cần có kế hoạch hành động bảo tồn riêng cho các loài linh trưởng tại Vườn quốc gia Pù Mát. Tuy nhiên để thực hiện được những hoạt động này thì Vườn quốc gia Pù Mát cần thiết phải có một chương trình, dự án bảo tồn quần thể linh trưởng. Do vậy tha thiết kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ về nghiên cứu cũng như vật chất để nơi đây bảo tồn được các loài động vật quý hiếm này.

THANH NHÀN - ANH TUẤN


Số lượt đọc:  1092  -  Cập nhật lần cuối:  25/09/2008 03:11:11 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH