Số 6 năm 2008

Công tác bảo vệ rừng Ngọc Linh Kon Tum

Với quần thể núi đồi rộng lớn, nằm ở độ cao từ 1.500- 2.458m (so với mặt nước biển), trải dài trên diện tích trên 38 nghìn hécta, tại địa bàn 5 xã thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum; phía Bắc và phía Đông giáp huyện Giằng, Phước Sơn và huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam; Phía Tây giáp biên giới Lào. Quần thể núi đồi dãy Ngọc Linh có hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng, rừng nguyên sinh còn lưu giữ nhiều loài động thực vật đặc hữu quý hiếm như cù hương, du mốc, thông Đà Lạt, sâm Ngọc Linh..., hổ, gấu, báo và các loài linh trưởng như khỉ mặt đỏ, voọc...; nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu nông nghiệp cho các huyện phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum và phía Tây Nam tỉnh Quảng Nam, cung cấp nguồn nước cho thủy điện Ya Ly... Đặc biệt, quần thể núi đồi dãy Ngọc Linh có vị trí, vai trò rất lớn trong điều hành hệ sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ nghiên cứu khoa học của tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung, được xem là “lá phổi xanh, là nóc nhà” của Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Từ vị thế quan trọng đó, năm 2002, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Khu bảo tồn), nhằm tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến quần thể núi rừng Ngọc Linh; khôi phục và bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái rừng; bảo tồn tính đa dạng sinh học, thực hiện các biện pháp phòng, cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng...

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn cho biết: Qua 6 năm thành lập đến nay, Khu bảo tồn đã cơ bản thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái của tỉnh Kon Tum và các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Kết quả đó, thể hiện trên các lĩnh vực: Về quản lý, bảo vệ rừng, đã phối hợp, gắn kết trách nhiệm của nhân dân địa phương với bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, thực hiện việc giao khoán trồng, chăm sóc rừng đến từng hộ dân. Việc làm này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân địa phương, đem lại hiệu quả tích cực, vừa bảo vệ rừng vừa góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống cho đồng bào trong khu vực. Người dân ngày càng tham gia nhiều hơn và có ý thức, trách nhiệm hơn trong hoạt động bảo vệ rừng. Năm 2002, diện tích rừng giao cho dân quản lý bảo vệ chỉ là 6.078ha, thì bắt đầu từ năm 2003 diện tích này đã tăng dần. Cụ thể năm 2003 là 6.578ha; năm 2004 là 15.580,5ha; năm 2005 là 15.729,9ha; năm 2006 là 15.729,9ha. Đi đôi với việc giao khoán rừng, Khu bảo tồn còn thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác tuần tra, kiểm soát rừng; triển khai kịp thời công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) vào mùa khô hàng năm; ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với 5 xã trong khu vực. Tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các quy định của pháp luật về QLBVR; xây dựng bảng quy ước về QLBVR; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng trái phép... Từ kết quả đó, số vụ và tính chất vi phạm hàng năm đều giảm, mức độ thiệt hại cũng ít đi. Năm 2005 xảy ra 42 vụ xâm hại rừng, thiệt hại 4,7ha rừng (3 vụ phá rừng, 39 vụ phá rừng làm nương rẫy), thì năm 2006 còn 16 vụ, thiệt hại 0,9ha (phá rừng làm nương rẫy 7 vụ, cất giữ lâm sản 7 vụ, khai thác lâm sản 1 vụ, mua bán lâm sản 1 vụ), năm 2007 xảy ra 18 vụ xâm hại rừng, nhưng chỉ thiệt hại 0,8ha (11 vụ phát rừng làm rẫy, 5 vụ cất giữ lâm sản, 2 vụ vi phạm khác). Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, trong phạm vi khu bảo tồn không xảy ra cháy rừng. Đây là kết quả tích cực trong việc phối hợp tốt giữa Khu bảo tồn với nhân dân địa phương trong hoạt động bảo vệ rừng.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, hiện nay Khu bảo tồn vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, nhất là chưa thực hiện được chức năng nghiên cứu, bảo tồn, phát triển hệ động thực vật đặc hữu quý hiếm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả bảo tồn, phát triển hệ sinh thái của rừng Ngọc Linh nói riêng và cả nước nói chung. Việc chưa hoàn thành chức năng nghiên cứu khoa học và hạn chế hiệu quả công tác, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, do địa bàn rộng 38 nghìn hécta, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt; 100% đồng bào địa phương là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, sống dựa vào rừng với tập quán du canh, du cư... Về chủ quan, Khu bảo tồn chỉ có 40 cán bộ, công chức, bình quân mỗi cán bộ, công chức phụ trách 950ha rừng, với điều kiện phương tiện làm việc hết sức khó khăn, thiếu thốn, không có xe đặc chủng, trong khi địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; không có công cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ như súng, roi điện... nên mỗi khi va chạm với những đối tượng vi phạm có tính chất hung hãn thì hiệu quả xử lý còn hạn chế; không có nhà kho lưu trữ; không có khu bảo tồn động thực vật...; chưa có “Quy chế bảo vệ rừng đặc dụng”; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức hầu như không có gì ngoài lương.

Để góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn; bảo vệ hệ sinh thái cho tỉnh Kon Tum và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp và cho thủy điện quốc gia Ya Ly; bảo vệ và phát triển hệ động thực vật đặc hữu quý hiếm của rừng Ngọc Linh…; góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh và khu vực, các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến tỉnh cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, con người và cơ chế để Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ “lá phổi xanh” bảo vệ “nóc nhà” của Tây Nguyên và cả nước.

HOÀI BẮC


Số lượt đọc:  627  -  Cập nhật lần cuối:  25/09/2008 03:09:51 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH