Số 5

Bảo tồn hổ ở Việt Nam

Hiện trạng. Hổ Đông dương (Panthera tigris corbettii) phân bố ở các nước Việt Nam, Lào, Nam Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20 trở về trước, hổ phân bố ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Những nơi nổi tiếng nhiều hổ như Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, KBang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum). Năm 1998, ước tính số lượng hổ tự nhiên trên toàn quốc không quá 200 cá thể, hổ Đông dương đang phải sinh sống trong các khu rừng bị chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng. Thông tin từ Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam cho biết trên thế giới chỉ còn khoảng 1.700 đến 2.000 cá thể hổ Đông dương. Hổ Đông dương được xếp vào loài rất nguy cấp (CR), hiện chỉ còn ở 17 tỉnh, ước tính chỉ còn khoảng 150 cá thể (CITES, 2008) .

Phân bố.Theo WWF-1998, hổ Đông dương phân bố tại 47 điểm tại Việt Nam, trong đó có 15 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên. Hổ phân bố tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk. So với những năm 1970, số lượng hổ đã giảm sút một cách nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần nếu không có các biện pháp bảo tồn hữu hiệu. Hổ còn tồn tại trong tự nhiên chủ yếu tại các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia, nơi rừng còn ít bị tác động và có chế độ bảo vệ khá nghiêm ngặt. Theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm (2001) dự đoán quần thể hổ trong toàn quốc có trên 100 cá thể. Chúng phân bố rải rác ở nhiều sinh cảnh bị chia cắt. Một số địa phương ở tỉnh Kon Tum, Sông Mã (Sơn La), Lạc Dương (Lâm Đồng), Quảng Nam, Lai Châu có số lượng hổ trên 7 cá thể còn các nơi khác chỉ có 2 đến 5 cá thể. Với quần thể quá nhỏ như vậy thì sự suy thoái về di truyền của hổ Đông dương Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Giải pháp bảo tồn. Hổ ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, do khả năng thích nghi thấp với các sinh cảnh manh mún, quần thể nhỏ, gây nên ảnh hưởng lớn về di truyền cho các thế hệ sau do hiện tượng cận huyết. Hầu hết các khu bảo tồn có loài hổ sinh sống thường bị chia cắt, việc phối giống giữa các quần thể hổ khác nhau ít khi xảy ra, gây suy thoái nguồn gen, không có lợi cho bảo tồn. Với tình trạng săn bắn hổ ngày càng gia tăng, nếu không có chính sách quản lý bảo vệ và bảo tồn hổ thỏa đáng thì số lượng hổ ít ỏi còn tồn tại ở một số khu rừng sẽ bị tiêu diệt trong một ngày không xa. Nhằm bảo tồn và phát triển quần thể hổ hiện có tại Việt Nam, cần có sự chung tay của Nhà nước, các nhà khoa hoc, các tổ chức phi chính phủ và tất cả mọi người. Trước mắt Nhà nước cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới việc quản lý và bảo vệ hổ ở Việt Nam và hoàn thiện văn bản, xử phạt nghiêm minh các đối tượng vi phạm luật có liên quan tới việc bảo vệ và bảo tồn động thực vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng. Về lâu dài, cần khôi phục sinh cảnh cho hổ tại các khu vực đã được bảo vệ. Ưu tiên cho đầu tư nghiên cứu cơ bản để phát triển, bảo tồn hổ như phối giống sinh sản, tách chiết và lưu trữ DNA cho loài hổ.

Trần Thị Việt Thanh


Số lượt đọc:  1583  -  Cập nhật lần cuối:  29/07/2009 04:33:01 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH